Read more
Yoga: Alpha và
Omega (Tập 9)
Bài giảng về Kinh Yoga của Patanjali
Chương 9. Một
mình tuyệt đối: giải thoát
Giải thoát được đạt tới khi có
cân bằng của thuần khiết giữa purusha và sattva.
Chhandogya Upanishad có một câu
chuyện hay. Chúng ta hãy bắt đầu với nó. Satyakam hỏi mẹ cậu ta, Jabala,
"Mẹ ơi, con muốn sống cuộc sống của học trò của tri thức tối cao. Tên gia
đình ta là gì? Ai là bố con?"
"Con trai ơi," người mẹ
đáp, "Mẹ không biết. Trong tuổi thanh niên của mẹ khi mẹ bắt đầu một chuyện
làm ăn lớn như người hầu gái mẹ đã thụ thai con. Mẹ không biết ai là bố con. Mẹ
là Jabala và con là Satyakam, cho nên gọi bản thân con là Satyakam Jabal
đi."
Thế rồi cậu bé đi tới Gautama,
một nhà tiên tri lớn của thời đó, và hỏi xin được nhận làm học trò. "Con
xuất thân từ gia đình nào, con yêu quí?" hiền nhân hỏi.
Satyakam đáp, "Con đã hỏi
mẹ con tên của gia đình con là gì, và mẹ trả lời, 'Mẹ không biết. Trong thời
thanh niên của mẹ khi mẹ làm một chuyện kinh doanh lớn như người hầu gái mẹ đã
thụ thai con. Mẹ không biết bố con là ai. Mẹ là Jabala và con là Satyakam, cho
nên gọi bản thân con là Satyakam Jabal đi.' Thưa thầy, do đó con là Satyakam
Jabal." Thế rồi hiền nhân này nói, "Không người nào ngoài một brahmin
thực thụ, người tìm kiếm chân lí thực thụ, nói được như vậy. Con đã không đi trệch
khỏi chân lí, con yêu quí. Ta sẽ dạy con tri thức tối cao đó."
Phẩm chất đầu tiên của người
tìm kiếm là phải đích thực, không đi trệch khỏi chân lí, không lừa dối theo bất
kì cách nào. Bởi vì nếu bạn lừa người khác, cuối cùng bạn bị lừa bởi sự lừa dối
riêng của bạn. Nếu bạn nói dối quá nhiều lần, nó gần như bắt đầu có vẻ giống
như là chân lí với bạn. Khi những người khác bắt đầu tin vào dối trá của bạn, bạn
cũng bắt đầu tin vào chúng. Niềm tin có tính tiêm nhiễm. Đó là cách chúng ta đã
lâm vào trong đống lộn xộn mà chúng ta đang ở.
Dối trá đầu tiên mà chúng ta đã
chấp nhận như chân lí là ở chỗ "Mình là thân thể." Mọi người đều tin
vào điều đó. Bạn được sinh ra trong xã hội tin rằng chúng ta là thân thể. Mọi
người phản ứng như thân thể, không ai đáp ứng như linh hồn.
Và nhớ khác biệt giữa phản ứng
và đáp ứng: phản ứng là máy móc, đáp ứng là tỉnh táo, nhận biết, ý thức. Khi bạn
nhấn nút và quạt bắt đầu quay, đó là phản ứng. Khi bạn nhấn nút, quạt không bắt
đầu nghĩ, "Mình có quay hay không?" Khi bạn bật đèn, điện không đáp ứng,
nó phản ứng. Nó là máy móc. Không có lỗ hổng nào giữa việc nhấn nút của bạn và
vận hành của điện. Không có lỗ hổng nhỏ của ý nghĩ, của nhận biết, của tâm thức.
Nếu bạn liên tục phản ứng trong
cuộc sống của bạn - ai đó xúc phạm bạn và bạn trở nên giận dữ, ai đó nói cái gì
đó và bạn trở nên buồn, ai đó nói cái gì đó, bạn trở nên rất hạnh phúc - nếu nó
là phản ứng, phản ứng nhấn nút, thế thì dần dần bạn sẽ bắt đầu tin rằng bạn là
thân thể.
Thân thể là cái máy. Nó không
phải là bạn. Bạn sống trong nó, nó là chỗ trú ngụ của bạn, nhưng bạn không là
nó. Bạn là khác toàn bộ.
Đây là dối trá đầu tiên làm què
quặt cuộc sống. Thế rồi có dối trá khác: rằng mình là tâm trí. Và điều này là
sâu sắc hơn điều thứ nhất, hiển nhiên, bởi vì tâm trí ở gần bạn hơn thân thể. Bạn
liên tục nghĩ các ý nghĩ, mơ các giấc mơ, và chúng di chuyển gần bạn thế, gần
như chạm vào bản thể bạn, bao quanh bạn; bạn bắt đầu tin vào chúng nữa. Thế thì
bạn trở thành tâm trí. Tâm trí cũng phản ứng.
Bạn trở thành linh hồn vào khoảnh
khắc bạn bắt đầu đáp ứng. Đáp ứng nghĩa là bây giờ bạn không phản ứng một cách
máy móc. Bạn suy tư, bạn suy ngẫm, bạn tạo lỗ hổng cho tâm thức bạn quyết định.
Bạn là nhân tố quyết định. Ai đó xúc phạm bạn: trong phản ứng người đó là nhân
tố quyết định. Bạn đơn giản phản ứng; người đó thao túng bạn. Trong đáp ứng bạn
là nhân tố quyết định: ai đó xúc phạm bạn - điều đó không phải là chính, điều
đó là phụ. Bạn nghĩ về nó. Bạn quyết định liệu có làm cái này hay cái nọ. Bạn
không bị nó tràn ngập. Bạn vẫn còn không bị động chạm, bạn vẫn còn tách rời, bạn
vẫn còn là người quan sát.
Hai dối trá này phải bị đập
tan. Đây là những dối trá nền tảng. Tôi không tính tới hàng triệu dối trá mà
không là nền tảng. Bạn cứ đồng nhất bản thân bạn với cái tên. Cái tên chỉ là
cái nhãn, tiện dụng. Bạn không tới cùng cái tên, và bạn không đi cùng cái tên.
Cái tên chỉ được xã hội dùng, sẽ khó tồn tại trong xã hội mà không có tên. Bằng
không bạn là vô danh. Thế rồi bạn nghĩ bạn thuộc vào tôn giáo nào đó, vào đẳng
cấp nào đó. Bạn nghĩ rằng bạn thuộc và người đàn ông nào đó, người là bố bạn,
người đàn bà nào đó, người là mẹ bạn. Vâng, bạn tới qua họ, nhưng bạn không thuộc
vào họ. Họ đã là bước chuyển, bạn đã du hành qua họ, nhưng bạn là khác.
Trong kiệt tác của Kahlil
Gibran, Nhà tiên tri, một người đàn bà hỏi nhà tiên tri Almustafa, "Nói
cho chúng tôi về con của chúng tôi," và Almustafa nói, "Chúng tới qua
bà, nhưng chúng không thuộc vào bà. Yêu chúng, nhưng đừng cho chúng các ý nghĩ
của bà. Yêu chúng, bởi vì tình yêu cho tự do, nhưng đừng sở hữu chúng."
Cốt lõi bên trong nhất không
thuộc vào ai cả; nó không phải là sở hữu của bất kì ai. Nó không phải là vật,
nó không thể bị sở hữu. Thân thể bạn có thể bị sở hữu, tâm trí bạn cũng có thể
bị sở hữu.
Khi bạn trở thành người Mô ha
mét giáo, tâm trí bạn bị sở hữu bởi những người gọi bản thân họ là người Mô ha
mét giáo. Khi bạn trở thành người Hindu, tâm trí bạn bị sở hữu bởi những người
gọi bản thân họ là người Hindu. Khi bạn trở thành người cộng sản, bạn bị sở hữu
bởi Das Kapital. Khi bạn trở thành người Ki tô giáo, bạn bị sở hữu bởi Kinh
Thánh. Khi bạn nghĩ bản thân bạn là thân thể, bạn nghĩ bản thân bạn dưới dạng
da trắng, da đen.
Cốt lõi bên trong nhất của bạn
không là Ki tô giáo không là Hindu giáo, cốt lõi bên trong nhất của bạn không
là đen, cốt lõi bên trong nhất của bạn không là cộng sản không là chống cộng sản.
Cốt lõi bên trong nhất của bạn vẫn còn tuyệt đối tách rời khỏi thân thể và tâm
trí. Nó là cao hơn thân thể và cao hơn tâm trí. Tâm trí không thể chạm được tới
nó; thân thể không thể với được tới nó.
Tại sao Gautama hiền nhân vĩ đại
này chấp nhận Satyakam Jabal? Anh ta là thực. Anh ta có thể lừa dối được chứ,
cám dỗ là dễ dàng. Đi trong thế giới, nói với mọi người, "Tôi không biết
ai là bố tôi," là rất mất mặt. Và người mẹ cũng là thực. Dễ dàng lừa con bởi
vì đứa con không có cách nào để khám phá ra liệu bạn có lừa dối hay không. Khi
đứa con hỏi mẹ nó, "Ai tạo ra thế giới?" có mọi cám dỗ cho người mẹ
nói, "Thượng đế đã tạo ra thế giới " - chẳng biết chút gì điều cô ấy
nói.
Đây là lí do cơ sở tại sao khi
con cái lớn lên chúng gần như trở thành đối kháng với bố mẹ chúng; chúng không
bao giờ có thể tha thứ được cho họ bởi vì họ dối trá quá nhiều. Chúng mất mọi
kính trọng với họ. Bố mẹ cứ nói, "Tại sao? Bố mẹ yêu con. Bố mẹ đã nuôi
con lớn lên. Điều tốt nhất bố mẹ có thể làm, bố mẹ đã làm rồi. Tại sao các con
không kính trọng bố mẹ?" Bạn đã đánh mất cơ hội này bởi vì dối trá của bạn.
Một khi đứa con khám phá ra rằng người mẹ và người bố đã từng dối trá, mọi kính
trọng biến mất. Lừa dối một đứa trẻ bất lực sao? Nói những điều họ đã không biết
gì về chúng sao?
Jabala đó là người mẹ hiếm hoi.
Cô ấy nói, "Mẹ không biết ai là bố con." Cô ấy đã chấp nhận rằng khi
cô ấy còn trẻ cô ấy đã đi với nhiều đàn ông. Cô ấy đã yêu nhiều đàn ông và đã
được nhiều đàn ông yêu, cho nên cô ấy không biết ai là bố. Một người mẹ thực.
Và đứa con cũng bạo dạn. Nó kể điều đó cho thầy, nó lặp lại đích xác những lời
mà người mẹ đã nói.
Sự thật này hấp dẫn Gautama và
ông ấy nói, "Con là người brahmin chân thực." Đây là định nghĩa về việc
là một brahmin; người chân thực là brahmin. Brahmin không liên quan gì tới bất
kì đẳng cấp nào. Chính từ này bắt nguồn từ "Brahman"; nó nghĩa là
"người tìm kiếm Thượng đế," người tìm kiến đích thực.
Nhớ lấy, bạn càng tham gia vào
trong dối trá, dù chúng có vẻ trả giá tốt cho bạn thế nào lúc ban đầu, đến cuối
bạn sẽ thấy rằng chúng đã đầu độc toàn thể bản thể bạn.
Là đích thực đi. Nếu bạn là
đích thực, sớm hay muộn bạn sẽ khám phá ra bạn không phải là thân thể. Bởi vì
tính đích thực không thể cứ tin vào dối trá được. Sáng tỏ bừng lên, mắt trở nên
ngày càng nhạy cảm hơn, và bạn có thể thấy: bạn ở trong thân thể, chắc chắn,
nhưng bạn không là thân thể. Khi tay bị gẫy, bạn không bị gẫy. Khi bạn bị gẫy
chân, bạn không bị gẫy. Khi có đau đầu, bạn biết đau đầu, bạn không là bản thân
việc đau đầu. Khi bạn cảm thấy đói, bạn biết cơn đói, nhưng bạn không là cơn
đói. Dần dần dối trá cơ sở bị phá hoại. Thế thì bạn có thể đi vào sâu hơn và có
thể bắt đầu thấy ý nghĩ của bạn, các giấc mơ nổi trong tâm thức. Thế thì bạn có
thể phân biệt, khu biệt - điều Patanjali gọi là vivek - thế thì bạn có thể phân
biệt cái gì là mây và cái gì là trời.
Ý nghĩ giống như mây bay trong
không gian trống rỗng. Không gian trống rỗng đó là bầu trời thực, không phải
mây - chúng tới và đi. Không phải ý nghĩ, mà không gian trống rỗng mà trong đó
các ý nghĩ nào xuất hiện và biến mất.
Bây giờ để tôi kể cho bạn một cấu
trúc yoga rất cơ sở của bản thể bạn.
Cũng như các nhà vật lí nghĩ rằng
cái toàn thể bao gồm từ không cái gì khác ngoài điện tử, năng lượng điện, yoga
nghĩ rằng cái toàn thể bao gồm không cái gì khác ngoài điện tử âm thanh. Phần tử
cơ sở của sự tồn tại với yoga là âm thanh bởi vì cuộc sống không là gì ngoài sự
rung động. Cuộc sống không là gì ngoài cách diễn đạt của im lặng. Từ im lặng
chúng ta tới và trong im lặng chúng ta lại tan biến đi. Im lặng, không gian,
tính không, vô hiện hữu, là cốt lõi bên trong nhất của bạn, cái trục của bánh
xe. Chừng nào bạn còn chưa đi tới im lặng đó, tới không gian đó nơi không cái
gì khác còn lại ngoại trừ bản thể thuần khiết của bạn, giải thoát là không được
đạt tới. Đây là khuôn khổ yoga.
Họ phân chia bản thể bạn thành
bốn tầng. Tôi đang nói cho bạn; đây là tầng cuối cùng. Yoga gọi nó là vaikhari;
từ này nghĩa là "khai hoa kết quả," việc nở hoa. Nhưng trước khi tôi
nói cho bạn, trước khi tôi thốt ra cái gì đó, nó trở thành hiển lộ với tôi như
một cảm giác, như một kinh nghiệm; đó là giai đoạn thứ ba. Yoga gọi nó là
madhyama, "tầng giữa." Nhưng trước khi cái gì đó được kinh nghiệm bên
trong, nó di chuyển vào trong dạng hạt mầm. Bạn không thể kinh nghiệm được nó một
cách bình thường chừng nào bạn chưa rất có tính thiền, chừng nào bạn chưa trở
thành bình thản toản bộ tới mức ngay cả sự khuấy động trong hạt mầm mà còn chưa
nhú ra, vậy mà có thể được cảm nhận thấy; nó rất tinh tế. Yoga gọi điều đó là
pashyanti; từ pashyanti nghĩa là "nhìn lại sau," nhìn tới cội nguồn.
Và bên ngoài điều đó là bản thể nền tảng của bạn mà từ đó mọi thứ nảy sinh. Điều
đó được gọi là para; para nghĩa là "sự siêu việt."
Bây giờ cố gắng hiểu bốn tầng
này. Para là cái gì đó bên ngoài mọi biểu hiện. Pashyanti giống như hạt mầm.
Madhyama giống như cây.
Vaikhari giống như khai hoa kết quả, việc nở hoa.
Để tôi kể cho bạn một câu chuyện
nữa, lại là từ Chhandogya Upanishad.
"Lấy cho bố từ chỗ kia một
quả của cây nyagrodh," người bố, hiền nhân vĩ đại Uddalak, yêu cầu con
trai mình. "Quả đây bố," Svetketu nói. "Đập nó ra."
"Nó vỡ rồi bố." "Con thấy gì ở đó?" "Toàn hạt thôi, gần
như rất nhỏ." "Đập chúng ra đi." "Nó vỡ rồi bố."
"Con thấy gì?" "Chẳng cái gì cả bố ạ. Tuyệt đối không cái
gì." Người bố nói, "Con ơi, cái bản chất tinh tế đó, cái mà con không
cảm nhận được ở đó, từ cái rất bản chất đó mà cây nyagrodh lớn này tồn tại đấy.
Tin điều đó đi, con ta, rằng có bản chất tinh tế trong mọi thứ có sự tồn tại.
Cái đó là chân lí. Cái đó là cái ta. Và cái đó, Svetketu này, cái đó là ngươi -
tatvamasi, Svetketu."
Cây nyagrodh, một cây lớn. Người
bố hỏi về quả, Svetketu đem nó tới. Quả là vaikhari - thứ đã nở hoa, kết quả đã
xảy ra. Quả là thứ ngoại vi nhất, tuyệt đối được biểu lộ. Người bố nói, "Đập
nó ra." Svetketu đập nó - cả triệu hạt mầm. Người bố nói, "Chọn một hạt.
Đập nó ra nữa." Cậu ta đập hạt mầm đó nữa. Bây giờ chẳng có gì trong tay.
Bây giờ bên trong hạt mầm chẳng có gì cả. Uddalak nói, "Từ cái không này
mà hạt mầm tới. Từ hạt mầm mà cây tới. Từ cây mà quả tới. Nhưng cơ sở là cái
không, im lặng, không gian, cái vô hình dạng, cái không biểu lộ, cõi bên kia,
cái siêu việt."
Tại điểm vaikhari, bạn rất bị lẫn
lộn bởi vì bạn ở xa nhất khỏi bản thể bạn. Nếu bạn đi sâu hơn vào trong bản thể
bạn, khi bạn tới gần hơn với madhyama, điểm thứ ba, bạn sẽ ở gần hơn chút ít với
bản thể bạn. Đó là lí do tại sao nó được gọi là ở giữa, chiếc cầu. Đó là cách
thiền nhân đi vào trong bản thể của người đó. Đó là cách mật chú được dùng...
Khi bạn dùng mật chú và bạn lặp
lại một cách có nhịp điệu "aum, aum, aum..." đầu tiên nó được nói to:
vaikhari. Thế rồi bạn phải ngậm môi lại và bạn phải lẩm nhẩm nó bên trong -
"aum, aum, aum..." - không cái gì phát ra ngoài: madhyama. Thế rồi bạn
phải vứt bỏ ngay cả việc lặp lại bên trong; nó tự lặp lại bản thân nó. Bạn vào
hoà điệu với nó tới mức bạn vứt bỏ việc lặp lại và nó vẫn tiếp diễn, theo cách
riêng của nó - "aum, aum, aum..." Bây giờ bạn đã trở thành người lắng
nghe thay vì lặp lại nó. Bạn có thể lắng nghe và quan sát và nhìn: nó đã trở
thành pashyanti. Pashyanti nghĩa là nhìn lại tới cội nguồn; bây giờ mắt bạn được
hoà điệu hướng tới cội nguồn. Thế rồi dần dần aum đó cũng biến mất trong cái vô
hình dạng: đột nhiên có trống rỗng và không cái gì khác. Bạn không nghe thấy
"aum, aum, aum..."; bạn không nghe thấy cái gì cả. Không có cái gì được
nghe mà cũng chẳng có người nghe. Mọi thứ đã biến mất.
"Tatvamasi, Svetketu"
- Uddalak nói với con mình, "Cái đó là ngươi." Cái đó là cái không,
khi người tụng và việc tụng đã biến mất.
Bây giờ nếu bạn bị gắn bó với mọi
thứ quá nhiều, bạn sẽ vẫn còn ở điểm vaikhari. Nếu bạn bị gắn bó với thân thể bạn
quá nhiều, bạn sẽ vẫn còn ở điểm madhyama. Nếu bạn bị gắn bó với tâm trí bạn
quá nhiều, bạn sẽ vẫn còn ở điểm pashyanti. Và nếu bạn không bị gắn bó chút
nào, đột nhiên bạn tan biến vào trong para, cái siêu việt, cõi bên kia. Đó là
giải thoát.
Được giải thoát nghĩa là quay về
nhà. Chúng ta đã đi xa xăm rồi. Hmm ?... nhìn mà xem. Từ cái không hạt mầm tới,
thế rồi từ hạt mầm chồi tới, rồi cây lớn, rồi quả và hoa. Mọi sự đi xa làm sao.
Nhưng quả rơi xuống trở lại trong, vòng tròn được đầy đủ. Im lặng là bắt đầu,
im lặng là kết thúc. Từ không gian thuần khiết chúng ta tới và trong không gian
thuần khiết chúng ta đi. Nếu vòng tròn không đầy đủ, thế thì bạn sẽ có bản thể
bị mắc kẹt ở điểm nào đó nơi bạn đã trở thành gần đông cứng và bạn không thể di
chuyển được và bạn đã mất tính năng động, năng lượng, cuộc sống.
Yoga muốn làm cho bạn sống động
tới mức bạn có thể làm đầy đủ toàn thể vòng tròn, bánh xe cuộc sống, và bạn có
thể đi tới chính chỗ bắt đầu lần nữa. Chỗ kết thúc không là gì ngoài chính chỗ
bắt đầu. Đích không là gì ngoài cội nguồn. Không phải là chúng ta đang sắp đạt
tới Thượng đế lần đầu tiên. Chúng ta có ngài ngay chỗ đầu tiên. Chúng ta làm mất
ngài. Chúng ta sẽ giành lại nó, đoạt lại nó. Thượng đế chưa bao giờ là việc
khám phá, nó bao giờ cũng là việc khám phá lại. Chúng ta đã từng ở trong ngài,
trong bụng mẹ đó của an bình và im lặng và phúc lạc, nhưng chúng ta đã đi ra xa
xôi.
Đi ra xa xôi cũng là một phần của
sự trưởng thành bởi vì nếu bạn chưa bao giờ đi ra khỏi nhà bạn, bạn sẽ không
bao giờ biết nhà là gì. Nếu bạn chưa bao giờ đi xa khỏi nhà, bạn sẽ không bao
giờ biết cái đẹp, an bình, thoải mái, nghỉ ngơi của nhà bạn. Để đi tới nhà
riêng của mình, người ta phải gõ lên nhiều cánh cửa. Để quay lại bản thân mình,
người ta phải loạng choạng va vào nhiều thứ. Để đi tới đường đúng người ta phải
đi lạc lối.
Điều này là cần thiết, tuyệt đối
cần thiết cho sự trưởng thành, nhưng đừng bị mắc kẹt ở đâu đó. Mọi người bị mắc
kẹt. Vài người bị mắc kẹt với thân thể họ, với thói quen thân thể của họ. Vài
người bị mắc kẹt với tâm trí họ, ý thức hệ, ý nghĩ, hình mẫu mơ.
Katha Upanishad nói, "Bên
ngoài các đối thể là giác quan. Bên ngoài các giác quan là tâm trí. Bên ngoài
tâm trí là thông minh. Bên ngoài thông minh là linh hồn. Bên ngoài linh hồn là
cái không biểu lộ. Bên ngoài cái không biểu lộ là Brahman. Và bên ngoài bản
thân Brahman là cái không." Đây là chỗ kết thúc, tâm thức thuần khiết.
Và tâm thức thuần khiết này có
thể được đạt tới qua nhiều con đường. Điều thực không phải là con đường. Điều
thực là sự chân thực của người tìm kiếm. Để tôi nhấn mạnh điều này.
Bạn có thể du hành trên bất kì
con đường nào. Nếu bạn chân thành và đích thực, bạn sẽ đạt tới mục đích. Một số
con đường có thể là khó, một số có thể dễ dàng hơn, một số có thể có mầu xanh ở
hai bên, một số có thể đi qua sa mạc, một số có thể có cảnh quan đẹp quanh
chúng, một số có thể không có cảnh quan nào quanh chúng, đó là chuyện khác;
nhưng nếu bạn chân thành và trung thực và đích thực và thực, thế thì từng con
đường đều dẫn tới mục đích. Krishna đã nói trong Shrimad Bhagavadgita, "Bất
kì con đường nào con người đi đều là con đường của ta. Không thành vấn đề họ bước
đi chỗ nào, nó đều dẫn tới ta."
Cho nên điều đó đơn giản có thể
thu lại một điều: rằng tính đích thực là con đường. Không thành vấn đề bạn theo
con đường nào, nếu bạn đích thực, mọi con đường đều dẫn tới ông ấy. Và điều đối
lập cũng đúng: không thành vấn đề bạn theo con đường nào, nếu bạn không đích thực,
bạn sẽ không đạt tới đâu cả. Tính đích thực của bạn đem bạn về nhà, không gì
khác. Mọi con đường đều chỉ là phụ. Điều cơ sở là phải đích thực, phải thực. Có
câu chuyện Sufi:
Một người nghe nói rằng nếu anh
ta đi tới chỗ nào đó trong sa mạc vào lúc bình minh và đứng đối diện với núi
phía xa, cái bóng của người đó sẽ trỏ tới kho báu lớn được chôn vùi. Người này
bỏ lại chiếc lều của mình trước khi tia sáng đầu tiên của ngày tới và lúc bình
minh đã đứng ở chỗ được chỉ rõ. Cái bóng của người đó trải ra dài và mảnh trên mặt
cát. "May mắn làm sao," anh ta nghĩ khi anh ta mường tượng bản thân
mình với của cải lớn. Anh ta bắt đầu đào tìm kho báu. Anh ta mê mải với công việc
tới mức anh ta không để ý là mặt trời đã lên trên trời và làm ngắn cái bóng của
mình lại, và thế rồi anh ta để ý tới điều đó. Nó bây giờ gần bằng nửa kích cỡ
trước đây. Anh ta trở nên lo nghĩ và bắt đầu đào lại ở chỗ mới. Nhiều giờ sau,
vào trưa, người này lại đứng ở chỗ đã được chỉ. Anh ta nhìn chả thấy bóng đâu.
Anh ta trở nên rất lo nghĩ. Anh ta bắt đầu kêu và khóc - toàn thể công sức mất
toi. Bây giờ chỗ đó là đâu?
Thế rồi một thầy Sufi đi qua,
ông này bắt đầu cười anh ta và nói, "Bây giờ đích xác cái bóng đang trỏ
vào kho báu. Nó ở bên trong anh."
Mọi con đường đều có thể dẫn tới
nó bởi vì theo một cách nào đó nó đã được đạt tới. Nó là ở bên trong bạn. Bạn
không tìm cái gì đó mới. Bạn đang tìm cái gì đó mà bạn đã quên mất. Và làm sao
bạn có thể thực sự quên được nó? Đó là lí do tại sao chúng ta liên tục tìm phúc
lạc, bởi vì chúng ta không thể quên được nó. Nó cứ vang vọng bên trong chúng
ta. Tìm kiếm phúc lạc, tìm kiếm vui vẻ, tìm kiếm hạnh phúc không là gì ngoài việc
tìm Thượng đế. Bạn có thể đã không dùng từ "Thượng đế," điều đó không
thành vấn đề, nhưng mọi việc tìm kiếm phúc lạc đều là việc tìm Thượng đế - là
việc tìm cái gì đó bạn đã biết, cái một ngày nào đó đã từng là của bạn và bạn
đã đánh mất.
Đó là lí do tại sao mọi thánh
nhân vĩ đại đều đã nói "nhớ lấy." Phật gọi nó là samyak smriti (nhớ
đúng), "chính niệm." Nanak gọi nó là nam smaran, "nhớ tới tên
" - nhớ địa chỉ. Bạn không quan sát nhiều lần điều đó xảy ra sao? Bạn biết
cái gì đó, bạn nói, "Nó ở ngay đầu lưỡi tôi," nhưng dầu vậy nó không
tới. Thượng đế ở đầu lưỡi bạn.
Trong một trường nhỏ thầy giáo
hoá học viết một công thức lên bảng đen, và ông ấy yêu cầu một cậu nhỏ đứng lên
và nói cho ông ấy công thức này biểu thị cho cái gì. Cậu bé nhìn, và cậu bé
nói, "Thưa thầy, nó ở ngay đầu lưỡi con, nhưng con không thể nhớ được."
Thầy nói, "Nhổ nó ra! Nhổ
nó ra! Nó là xia nua kali đấy!"
Thượng đế cũng ở trên đầu lưỡi,
và tôi sẽ bảo bạn, "Nuốt nó đi! Nuốt nó đi! Đừng nhổ nó ra! Nó là Thượng đế
đấy!" Để cho ngài luân chuyển trong máu của bạn. Để cho ngài trở thành một
phần của rung động bên trong nhất của bạn. Để cho ngài trở thành bài ca bên
trong bản thể bạn, điệu vũ.
Sự đồng nhất với thân thể không
là gì ngoài thói quen. Đứa trẻ được sinh ra, nó không biết nó là ai, và bố mẹ
phải tạo ra sự đồng nhất nào đó, bằng không nó sẽ bị lạc trong thế giới. Họ phải
nói cho nó, nó là ai. Họ cũng không biết. Họ phải tạo ra cái nhãn giả. Họ cho
nó cái tên, họ đưa cho nó tấm gương, và họ bảo nó, "Nhìn xem. Đây là mặt
con. Nhìn xem. Đây là tên con. Nhìn xem.
Đây là nhà con. Nhìn xem. Đây
là đẳng cấp của con, tôn giáo của con, đất nước của con." Những đồng nhất này
giữ cho nó cảm thấy nó là ai - mà chẳng biết nó là ai. Đây là thói quen.
Thế rồi dần dần tâm trí nó bắt
đầu phát triển. Nếu nó được sinh ra trong gia đình Hindu, nó đọc Gita, nghe
Gita. Nếu trong gia đình Ki tô giáo, nó được mang tới nhà thờ. Một đồng nhất mới
bắt đầu, đồng nhất bên trong nhất - nó trở thành người Ki tô giáo, người Hindu,
người Mô ha mét giáo. Nó được sinh ra ở Ấn Độ, nó trở thành người Ấn Độ. Ở
Trung Quốc, nó trở thành người Trung Quốc. Và nó bắt đầu việc đồng nhất bản
thân nó với truyền thống của đất nước. Người Trung Quốc đồng nhất bản thân mình
với truyền thống và lịch sử Trung Quốc, quá khứ của Trung Quốc. Thế rồi người
ta cảm thấy ở nhà, người ta có gốc rễ - toàn thể truyền thống. Nếu người ta là
người Ấn Độ, người ta có gốc rễ, người ta không là kẻ lang thang. Người ta đã tạo
ra một nhà nào đó: trong truyền thống, trong đất nước, trong lịch sử, trong những
anh hùng - Ram, Krishna - bây giờ người ta cảm thấy như ở nhà. Người ta đã tìm
thấy chỗ của mình, nhưng đó không phải là chỗ thực. Sự đồng nhất này là tiện dụng.
Và thế rồi thói quen này trở
thành vững chắc tới mức cho dù một ngày nào đó bạn trở nên biết vô nghĩa làm
sao điều bạn nghĩ bạn là người Ấn Độ, Hindu, Mô ha mét giáo, Ki tô giáo, người
Trung Quốc - vô nghĩa làm sao - nhưng thế nữa thói quen cũ vẫn còn dai dẳng.
Bertrand Russell đã viết rằng
ông ấy biết là ông ấy không còn là người Ki tô giáo, nhưng bằng cách nào đó ông
ấy cứ quên điều đó lặp đi lặp lại. Toàn thể ước định... Bạn có thể đi ngược lại
truyền thống, nhưng dầu vậy bạn sẽ bám lấy nó. Ngay cả những người trở thành
nhà cách mạng vẫn còn bị gắn bó với truyền thống của họ; có thể theo cách phủ định.
Nếu một người Hindu đi ngược lại với Hindu giáo, người đó vẫn sẽ nói về Krishna
- chống lại ông ấy; người đó sẽ vẫn nói về Rama - chống lại ông ấy. Nếu một người
Mô ha mét giáo chống lại truyền thống của người đó, người đó sẽ vẫn phê phán
Koran; tất nhiên phê bình bây giờ, phê bình Mohammed, nhưng người đó vẫn còn bị
gắn bó với truyền thống.
Người nổi dậy thực là người vứt
bỏ truyền thống sâu sắc, hoàn toàn tới mức người đó thậm chí không chống lại
nó. Người đó không ủng hộ không chống đối, thế thì người ta tự do. Nếu bạn chống,
bạn vẫn không tự do. Nếu bạn chống bất kì cái gì, bạn sẽ thấy bạn bị gắn với
cái đó, có ràng buộc.
Và thói quen trở thành vô thức.
Tôi biết một người rất, rất có học, rất học giả, rất nổi tiếng, và thực sự là một
nhà trí thức lớn. Ông ấy đã là một tín đồ của J. Krishnamurti trong thời gian
lâu, gần bốn mươi năm. Và bất kì khi nào ông ấy tới gặp tôi, ông ấy luôn nói đi
nói lại, "Không có thiền. Ông dạy mọi người cái gì? Krishnamurti nói không
có thiền, mọi mật chú chỉ là lặp lại, và mọi thiền, mọi phương pháp, đều ước định
tâm trí. Và tôi không thiền."
Tôi đợi cho đúng khoảnh khắc để
nện búa chân lí ở nhà. Thế rồi ông ấy ngã bệnh, bị đau tim. Tôi chạy xô tới gặp
ông ấy, và ông ấy đang lặp lại, "Ram, Ram, Ram..." Tôi không thể tin
được vào điều đó. Tôi lay đầu ông ấy và tôi nói, "Ông đang làm gì vậy? -
Ram, Ram, Ram... Ông là tín đồ của Krishnamurti. Ông đã quên rồi sao?"
Ông ấy nói, "Quên mọi thứ
về điều đó đi. Tôi sắp chết đây. Và ai biết được? Có thể Krishnamurti sai. Và
chẳng mất gì nếu cứ lặp lại Ram, Ram, Ram; và điều đó rất an ủi."
Điều gì đã xảy ra cho người
này? Bốn mươi năm nghe Krishnamurti, nhưng tính Hindu của ông ấy vẫn đó. Vào
khoảnh khắc cuối tâm trí sẽ bắt đầu phản ứng. Không, ông ấy không phải là người
nổi dậy. Ông ấy tưởng ông ấy là người nổi dậy. Ông ấy đã từng tranh đấu với mọi
thứ, ông ấy đã từng chống lại mọi điều người Hindu nói, và trong khoảnh khắc cuối
toàn thể dinh thự sụp đổ.
Cuộc sống xét bình thường không
là gì ngoài thói quen, thói quen máy móc. Chừng nào bạn chưa trở nên nhận biết,
chừng nào bạn chưa thực sự nhận biết, sẽ khó thoát ra khỏi nó. Tôi đã nghe nói
về một người đánh bạc.
Một kẻ đánh bạc thâm căn cố đế
chết đi, và hồn ma của anh ta lang thang quanh quẩn một cách thất vọng trong
vài tuần. Mặc dầu anh ta được quyền được nhận vào cõi trời, anh ta thấy bản
thân mình chán chỗ đó. Không đánh bạc, không người đánh bạc - phỏng có ích gì
mà đi lên thiên đường hay cõi trời?
Cuối cùng anh ta hỏi thánh
Peter liệu anh ta có có thể đi và nhòm ngó chỗ khác được không.
"Ta e điều đó là không thể
được," thánh Peter nói. "Nếu anh đi xuống chỗ kia, anh sẽ không được
phép quay lại."
"Nhưng tôi chỉ muốn ngó
quanh thôi," hồn ma của kẻ đánh bạc nói.
Thế là thánh Peter đồng ý ban
cho anh ta giấy phép đặc biệt cho phép anh ta đi trong chỉ hai mươi bốn giờ.
Chàng đánh bạc ra đi để ngó
quanh địa ngục, và điều đầu tiên anh ta thấy khi tới là một nhóm những người
quen cũ đang chơi bài poker. Tuy nhiên, họ từ chối cho anh ta chơi vì anh ta
không có tiền.
"Tôi sẽ sửa ngay điều
đó," anh ta nói, và anh ta đi xuống một trong các hành lang. Mười phút sau
anh ta quay lại, huơ huơ một cuộn to các tờ tiền mười pound.
"Anh kiếm đâu ra tất cả số
tiền đó?" một người trong những người khác hỏi. "Tôi bán giấy phép của
tôi đấy," kẻ đánh bạc trả lời.
Thói quen có thể quá nhiều; bạn
thậm chí có thể từ chối cõi trời. Trong nắm giữ của thói quen bạn gần như vô ý
thức và bất lực. Đó là lí do tại sao nhấn mạnh của yoga là mang nhiều nhận biết
hơn vào ràng buộc của bạn. Nhớ nhiều nhất có thể được rằng bạn không là thân thể.
Và nhớ một điều nữa, rằng khó phá vỡ thói quen, nhưng không khó nếu bạn tạo ra
thói quen khác thay thế cho nó. Và đó là cách nó xảy ra; mọi người cứ thay thế
các thói quen. Nếu bạn bảo họ, "Anh không phải là thân thể," họ sẽ bắt
đầu nghĩ họ là tâm trí. Thế thì chẳng cái gì đã thay đổi, chỉ cái tên của thói
quen thay đổi.
Điều này tôi thấy. Nếu tôi bảo
ai đó, "Dừng hút thuốc," người đó bắt đầu nhai trầu. Nếu tôi bảo người
đó dừng nhai trầu, người đó bắt đầu nhai kẹo cao su. Hay nếu bạn dừng người đó
từ điều đó nữa, người đó bắt đầu nói quá nhiều; điều đó nữa là cùng một chuyện.
Lúc bắt đầu người đó chỉ hút thuốc, ít nhất người đó đang làm hại chỉ bản thân
người đó, không ai khác. Bây giờ người đó không thể hút, cho nên người đó nói
quá nhiều; bây giờ người đó đang phá huỷ an bình của người khác nữa. Người hút
thuốc là tốt theo cách nào đó, người đó vẫn còn bị giới hạn vào bản thân mình.
Đàn bà nói quá nhiều, một khi họ bắt đầu hút thuốc, việc nói của họ trở nên ít
dần.
Thực ra bạn phải đã quan sát: bất
kì khi nào bạn cảm thấy bồn chồn, bạn bắt đầu hút thuốc. Việc hút đó chỉ là để
thoát khỏi sự bồn chồn. Và cùng điều này xảy ra bất kì khi nào bạn bắt đầu nói.
Bạn cảm thấy bồn chồn, bạn muốn làm sao lãng bản thân bạn bằng cái gì đó. Tôi
đã nghe một giai thoại hay.
Bệnh nhân, mới chỉ mười tám tuổi,
gây rất nhiều lo âu cho bố mẹ cậu ta vì cậu ta sẽ để hàng giờ đồng hồ trong
phòng mình mặc quần áo cho mình rất chi li trong bộ quần áo diện đúng mốt. Cậu
ta sẽ để thời gian rất lâu chải đầu tóc, đánh bóng giầy, thế rồi cậu ta sẽ vào
bếp, cắm củ cà rốt vào tai trái và đi nhảy ở câu lạc bộ khiêu vũ. Một cách tự
nhiên bố mẹ cậu ta rất lo lắng về mọi điều này và họ đã thuyết phục cậu ta tới
gặp nhà tâm thần. Cậu ta tới văn phòng nhà tâm thần, ăn mặc đẹp và cài cọng cần
tây ở tai trái. Bác sĩ từ tốn để ý rằng bố mẹ cậu ta có chút ít lo lắng về cậu
ta và thế rồi ông ấy hỏi, "Nhân tiện, có lí do nào cho anh để cọng cần tây
thò ra từ tai trái của của anh không?"
Cậu chàng có vẻ ngạc nhiên và
nói, "Tất nhiên có chứ. Mẹ đã không thấy củ cà rốt nào."
Bây giờ nếu cà rót bị bỏ đi, thế
thì cần tây... Nhưng mọi người liên tục thay đổi thói quen.
Thỉnh thoảng chuyện xảy ra bạn
có thể đổi một thói quen xấu thành thói quen tốt, và mọi người sẽ hạnh phúc và
mọi người sẽ được thoả mãn. Nhưng yoga sẽ không được thoả mãn. Bạn có thể dừng
hút thuốc và bạn có thể bắt đầu nhẩm mật chú. Bây giờ nếu bạn không nhẩm mật chú
một hôm, bạn cảm thấy không thoải mái theo cùng cách như bạn đã cảm thấy khi bạn
hút thuốc và nếu bạn không hút một ngày - cùng ham muốn đi theo thường lệ, làm
bất kì cái gì bạn vẫn đang làm, một cách máy móc. Bạn có thể đổi thói quen xấu
thành thói quen tốt, nhưng thói quen vẫn cứ là thói quen. Nó có thể tốt trong
con mắt của xã hội, nhưng cho trưởng thành bên trong của bạn nó không có nghĩa.
Mọi thói quen đều phải bị bỏ.
Tôi không nói trở thành hỗn độn. Tôi không nói sống cuộc sống tuyệt đối cuồng
nhiệt và bừa bãi, ngoằn nghèo, không. Nhưng để cho cuộc sống của bạn được quyết
định bởi nhận biết của bạn.
Có thể bạn dậy lúc năm giờ, sớm
buổi sáng, như một thói quen; và cũng có thể dậy sớm, năm giờ sáng, không như
thói quen mà như nhận biết. Và cả hai là khác thế, phẩm chất của chúng là tuyệt
đối khác. Khi một người dậy lúc năm giờ chỉ như một thói quen, thế thì người đó
gần như là máy móc, cũng như người khác dậy lúc chín giờ như thói quen. Cả hai
đều ở trong cùng một thuyền. Và người dậy lúc năm giờ sẽ đờ đẫn như người dậy
lúc chín giờ vì sự đờ đẫn không phải là vấn đề bạn dậy khi nào. Sự đờ đẫn là vấn
đề của liệu bạn dậy qua thói quen hay nhận biết.
Nếu bạn dậy qua nhận biết, bạn
sẽ tỉnh táo. Nó có thể là chín giờ sáng, nhưng nếu bạn dậy có nhận biết, bạn sẽ
nhạy cảm, bạn sẽ thấy mọi thứ với sự trong trẻo, và mọi thứ sẽ là đẹp. Sau việc
nghỉ ngơi dài, sau khi mọi giác quan đã được nghỉ ngơi, chúng trở nên sống động
lại, sống động hơn. Bụi đã biến mất, mọi thứ sáng tỏ hơn. Được nghỉ ngơi, sâu
bên dưới trong para của bạn, cõi bên kia của bạn, bạn đã rơi vào trong giấc ngủ
của bạn - mọi ý nghĩ, thân thể bị quên đi, bị bỏ lại nơi xa xôi - bạn đã đi về
nhà bạn. Bạn quay lại từ đó được sảng khoái, tươi tắn. Nhưng nếu nó chỉ là thói
quen, thế thì nó là vô dụng như bất kì thói quen nào khác.
Tôn giáo không phải là vấn đề về
thói quen. Nếu bạn đi tới nhà thờ hay đền chùa chỉ như một thói quen, một nghi
thức, một thường lệ trong đó bạn phải đi vào, bạn đã được huấn luyện đi vào, thế
thì nó là vô dụng. Nếu bạn đi tới đền chùa tỉnh táo, thế thì chuông chùa sẽ có
nghĩa khác toàn bộ với bạn, ý nghĩa khác. Những chuông chùa đó sẽ rung lên cái
gì đó bên trong tim bạn. Thế thì im lặng của nhà thờ sẽ bao quanh bạn trong một
cách mới toàn bộ.
Cho nên nhớ lấy, vấn đề không
phải là thói quen. Tôn giáo không phải là vấn đề của thực hành. Bạn phải hiểu,
và đây là cách Patanjali đã đem tới cho bạn, dần dần, cho bạn ngày càng nhiều
hiểu biết hơn, để lộ ra cho bạn ngày càng nhiều về con đường.
Bạn càng trở nên trong trẻo, bạn
càng có thể đọc được thông điệp được viết ở mọi nơi, trên mọi chiếc lá, trên mọi
bông hoa. Thông điệp là của Thượng đế. Chữ kí của ngài ở mọi nơi. Bạn không cần
đi vào trong Bhagavadgita, bạn không cần đi vào trong Kinh Thánh và Koran.
Koran và Bhagavadgita và Kinh Thánh được viết khắp trong sự tồn tại. Bạn chỉ cần
đôi mắt xuyên thấu. Tôi đã nghe:
Một thanh nữ, lấy chồng ở
London, tin cô ấy mang thai và tới bác sĩ để thẩm tra điều đó. Bác sĩ tiến hành
khám xét qua loa cho cô ấy và đảm bảo với cô ấy rằng nghi ngờ của cô ấy là
không đúng. Thế rồi, với sự ngỡ ngàng của cô ấy, ông ta đơn giản lấy ra con dấu
cao su, dùng nó in cái gì đó lên bụng cô ấy, và nói, "Có vậy thôi."
Người vợ kể lại biến cố kì lạ
này cho chồng mình, và anh ta hỏi, "Nó nói cái gì vậy?" "Nào,
anh đọc nó đi," cô ấy đáp.
Anh ta thấy rằng dấu in là quá
nhỏ không đọc được, nhưng kính lúp làm cho mọi thứ thành rõ ràng. Nó viết:
"Khi anh có thể đọc được điều này mà không cần kính lúp, đưa ngay vợ vào bệnh
viện."
Ngay bây giờ bạn cần kính lúp -
của một Phật, của một Jesus, của một Krishna, của một Patanjali. Và thế nữa bạn
vẫn không thể đọc được bởi vì mắt bạn gần như mù. Một khi mắt bạn trong trẻo,
thông điệp của ông ấy có ở mọi nơi. Và thông điệp là rõ ràng tới mức bạn sẽ đơn
giản bị ngạc nhiên làm sao bạn đã bỏ lỡ lâu thế, làm sao bạn đã không thể nhìn
được nó. Nó có ở mọi nơi, khắp xung quanh; từ mọi hướng và chiều ngài đang gõ cửa
bạn.
Nhưng nếu bạn sống trong thân
thể, bạn sẽ không nghe thấy nó. Nếu bạn sống trong tâm trí, bạn sẽ nghe thấy nó
một ít, nhưng bạn sẽ lí thuyết hoá về nó và bạn sẽ bỏ lỡ. Nếu bạn đi sâu hơn
tâm trí vào trong pashyanti, nơi thiền dẫn bạn tới, bạn sẽ có khả năng đọc
thông điệp này và bạn sẽ không trở thành nạn nhân của việc lí thuyết hoá, bạn sẽ
không lí thuyết hoá. Và một khi bạn không lí thuyết hoá về nó, một khi bạn
không nghĩ về Thượng đế mà bạn thấy ngài và bạn không đi lòng vòng lòng vòng, về
và về, và bạn xuyên thấu trực tiếp; bạn biến mất khỏi pashyanti, hạt mầm bị phá
vỡ. Bạn rơi vào trong vực thẳm của para, cõi bên kia.
Vòng tròn là đầy đủ: từ im lặng
tới im lặng, từ không gian tới không gian, từ Thượng đế tới Thượng đế.
Bắt đầu là Thượng đế, kết thúc
là Thượng đế. Alpha và omega - ngài là cả hai. Bây giờ là lời kinh:
Sattva-purushayoh shuddhi-samye
kaivalyam.
Giải thoát được đạt tới khi có
cân bằng của thuần khiết giữa purusha và sattva.
Yoga phân chia sự tồn tại làm
đôi. Cái không biểu lộ là một, nhưng cái biểu lộ là hai bởi vì trong chính quá
trình của biểu lộ mọi thứ trở thành hai. Chẳng hạn, bạn nhìn vào bụi hồng, hoa
đẹp. Bạn chỉ nhìn, bạn không nói một lời. Bạn đơn giản nhìn hoa hồng, thậm chí
không thốt ra một lời bên trong. Kinh nghiệm này là một. Bây giờ nếu bạn muốn
nói với ai đó, "Hoa này đẹp," khoảnh khắc bạn nói, "Hoa này đẹp,"
bạn đã nói cái gì đó về cái xấu nữa. Hoa này "không xấu." Với đẹp, xấu
đi vào. Nếu ai đó hỏi, "Đẹp là gì?" bạn sẽ phải dùng xấu để giải
thích nó.
Nếu bạn nhìn người đàn bà và
không lời nào nảy sinh trong bạn, thế thì kinh nghiệm này là một, bất nhị. Khoảnh
khắc bạn nói, "Anh yêu em," bạn đã mang ghét vào. Bởi vì yêu không thể
được giải thích nếu không có ghét. Ngày không thể được giải thích mà không có
đêm và sống không thể được giải thích mà không có chết. Cái đối lập phải được mang
vào.
Tại điểm của vaikhari, mọi thứ
là rõ ràng, nhị nguyên; đêm tách rời khỏi ngày, chết tách rời khỏi sống, đẹp
tách rời khỏi xấu, sáng tách rời khỏi tối - mọi thứ đều bị chia ra theo cách
Aristotel, rõ ràng, không cầu nối. Đi sâu hơn một chút đi. Tại điểm của
madhyama, phân chia bắt đầu nhưng không còn rõ ràng thế, đêm và ngày gặp gỡ, trộn
lẫn, như trong buổi chiều tối hay trong buổi sáng. Đi sâu hơn nữa đi. Tại điểm
của pashyanti, chúng là ở trong hạt mầm, nhị nguyên còn chưa nảy sinh, bạn
không thể nói cái gì là cái gì, mọi thứ là không khác biệt. Vẫn đi sâu hơn nữa.
Tại điểm của para, không có phân chia - thấy được, không thấy được.
Tại điểm diễn đạt, yoga phân
chia thực tại ra làm đôi: purusha và prakriti. Prakriti nghĩa là "vật chất";
purusha nghĩa là "tâm thức." Bây giờ khi bạn bị đồng nhất với thân
tâm, với prakriti, với tự nhiên, với vật chất; cả hai đều bị ô nhiễm. Ô nhiễm
bao giờ cũng là gấp đôi.
Chẳng hạn, nếu bạn trộn nước với
sữa, bạn nói, "Sữa không còn thuần khiết nữa," nhưng bạn đã không
quan sát cái gì: nước cũng không còn thuần khiết. Bởi vì nước là tự do cho nên
không ai lo nghĩ, đó là một điều; nhưng khi bạn trộn nước và sữa, cả hai đều trở
thành không thuần khiết. Đây là cái gì đó, bởi vì cả hai đã là thuần khiết - nước
đã là nước, sữa đã là sữa - cả hai đã là thuần khiết. Đây là phép màu. Hai cái
thuần khiết gặp gỡ, và cả hai trở thành không thuần khiết.
Không thuần khiết chẳng có gì
phải kết án trong nó. Nó đơn giản nói phần tử ngoại đã đi vào. Nó đơn giản nói
cái gì đó mà không không phải là bản tính bên trong nhất của nó đã đi vào, có vậy
thôi.
Lời kinh này là rất hay.
"Vibhuti Pada" kết thúc với lời kinh này; nó là cao trào. Lời kinh
này nói khi bạn bị đồng nhất với thân thể, bạn là không thuần khiết, thân thể
là không thuần khiết. Khi bạn bị đồng nhất với tâm trí, bạn là không thuần khiết,
tâm trí là không thuần khiết. Khi bạn không bị đồng nhất, cả hai trở thành thuần
khiết.
Bây giờ điều này trông có vẻ
ngược đời. Một siddha, hay vị Phật, người đã đạt tới, tâm trí người đó vận hành
trong thuần khiết. Thiên tài của người đó vận hành trong thuần khiết; mọi tài
năng của người đó trở thành thuần khiết. Và tâm thức của người đó vận hành
trong thuần khiết. Cả hai là tách rời - sữa là sữa, nước là nước. Cả hai đã lại
trở thành thuần khiết.
Lời kinh nói, "Giải thoát
được đạt tới khi có cân bằng của thuần khiết giữa purusha và sattva."
Sattva là điểm cao nhất của prakriti, tự nhiên, vật chất. Sattva nghĩa là
"thông minh"; và purusha nghĩa là "nhận biết." Đó là ràng
buộc tinh vi nhất bên trong bạn bởi vì chúng là giống nhau thế. Thông minh và
nhận biết là tương tự nhau tới mức nhiều lần bạn có thể bắt đầu nghĩ rằng người
thông minh là người nhận biết. Nó không phải vậy.
Einstein là thông minh, cực kì
thông minh, nhưng ông ấy không phải là vị phật, ông ấy không nhận biết. Ông ấy
thậm chí có thể không nhận biết hơn người thường bởi vì ông ấy sẽ ở bên trong
thông minh của ông ấy nhiều thế.
Chuyện xảy ra là Einstein đi tới
chỗ nào đó trong xe bus, và người soát vé tới và hỏi tiền. Ông ấy đưa tiền cho
người này. Người soát vé trả lại cho Einstein tiền thừa. Einstein đếm tiền
nhưng đếm sai - nhà toán học vĩ đại nhất thế giới - và ông ta nói, "Ông đã
không trả lại đúng tiền thừa; đưa tôi thêm vài xu nữa đi."
Người soát vé đếm lại, ông ấy
nói, "Ông không biết tính số à?"
Ông ấy không nhận biết rằng đây
là Albert Einstein. Chưa bao giờ có một thiên tài toán học vĩ đại thế... và người
soát vé nói, "Ông không biết tính số à?" Không ai đã biết được gì nhiều
hơn con người này về tính số, nhưng điều gì đã xảy ra?
Những người rất thông minh bao
giờ cũng trở nên đãng trí. Họ bị khuấy động và bị gắn bó với thông minh của họ
nhiều tới mức họ trở nên quên lãng nhiều thứ ở thế giới bên ngoài.
Tôi đã nghe nói về một nhà phân
tâm lớn, người rất thông minh. Ông ấy bị cuốn hút nhiều thế vào thực nghiệm của
mình tới mức trong hai hay ba ngày ông ấy không ló mặt về nhà. Vợ lo lắng. Ngày
thứ ba cô ấy không thể đợi được thêm nữa, cho nên cô ấy gọi điện thoại và cô ấy
nói, "Anh đang làm gì vậy? Về đi, em đợi anh. Và bữa tối đã sẵn
sàng." Ông ấy nói, "Được rồi, anh sẽ tới. Địa chỉ là gì?"
Ông ấy đã quên hoàn toàn - vợ
và nhà và địa chỉ nữa.
Thông minh không nhất thiết là
nhận biết. Nhận biết tất yếu là thông minh! Người nhận biết là thông minh,
nhưng người thông minh không nhất thiết là nhận biết, không có tất yếu trong
nó. Nhưng cả hai là rất gần gũi. Thông minh là một phần của thân-tâm, và nhận
biết là một phần của purusha, điều tối thượng, cõi bên kia.
Trời gặp đất. Điểm đó, chân trời
đó nơi trời gặp đất là điểm trở thành không bị đồng nhất hoàn hảo - ở đó là nơi
thông minh gặp nhận biết. Cả hai rất giống nhau. Thông minh là vật chất được
thuần khiết, thuần khiết tới mức người ta có thể đi vào trong nó và người ta có
thể nghĩ, "Mình đã trở thành nhận biết." Đó là cách nhiều triết gia
phí hoài kiếp sống của họ: họ tưởng thông minh của họ là nhận biết. Tôn giáo là
việc tìm nhận biết; triết học là việc tìm thông minh.
"Giải thoát được đạt tới
khi có cân bằng của thuần khiết giữa purusha và sattva." Nhưng làm sao đạt
tới giải thoát? Đầu tiên bạn phải đạt tới thuần khiết của sattva, thông minh.
Thế rồi đi sâu hơn. Vaikhari là biểu lộ thông minh; madhyama là biểu lộ thông
minh chỉ cho bạn chứ không cho thế giới; pashyanti là thông minh dưới dạng hạt
mầm; và para là nhận biết. Dần dần gỡ bản thân bạn ra, biện biệt, bắt đầu nhìn
vào thân thể như một công cụ, một phương tiện, nơi trú ngụ; và nhớ điều đó nhiều
nhất có thể được. Dần dần việc nhớ lại này lắng đọng. Thế rồi bắt đầu làm việc
trên tâm trí. Nhớ bạn không là tâm trí. Việc ghi nhớ này sẽ giúp bạn trở nên
tách rời.
Một khi bạn tách rời khỏi
thân-tâm, sattva của bạn sẽ là thuần khiết. Và purusha của bạn bao giờ cũng là
thuần khiết; chỉ sự đồng nhất với vật chất đã giúp cho nó có vẻ như không thuần
khiết. Một khi cả hai tấm gương đều thuần khiết, không cái gì được soi gương.
Hai tấm gương đối diện nhau: không cái gì được soi gương, chúng vẫn còn trống rỗng.
Điểm này của trống rỗng tuyệt đối
là giải thoát. Giải thoát không phải từ thế giới. Giải thoát là từ sự đồng nhất.
Đừng bị đồng nhất, không bao giờ bị đồng nhất với bất kì cái gì. Bao giờ cũng
nhớ bạn là nhân chứng, không bao giờ mất điểm đó của việc chứng kiến; thế thì một
ngày nào đó nhận biết bên trong vươn dậy như cả nghìn mặt trời mọc cùng nhau.
Đây là điều Patanjali gọi là
kaivalya, giải thoát. Từ kaivalya phải được hiểu.
Ở Ấn Độ các nhà tiên tri khác
nhau đã dùng các từ khác nhau cho điều tối thượng đó. Mahavira gọi nó là
moksha. Moksha có thể được dịch đúng là "tự do tuyệt đối," không tù
túng, mọi giam cầm đều đã sụp đổ. Phật đã dùng từ niết bàn; niết bàn nghĩa là
"việc dừng của bản ngã." Như bạn tắt ánh sáng đi và ngọn lửa đơn giản
biến mất, chính là theo cùng cách đó mà ánh sáng của bản ngã biến mất: bạn
không còn là một thực thể. Giọt nước đã tan biến trong đại dương, hay đại dương
đã tan biến trong giọt nước. Nó là việc tan biến, triệt tiêu.
Patanjali dùng kaivalya; từ này
nghĩa là "một mình tuyệt đối." Nó không là moksha không là niết bàn.
Nó có nghĩa tính một mình tuyệt đối: bạn đã đi tới điểm không ai khác tồn tại
cho bạn. Không cái gì khác tồn tại, duy nhất bạn, duy nhất bạn, duy nhất bạn.
Thực ra không thể gọi bản thân bạn là "tôi," bởi vì "tôi"
có tham chiếu tới "người", và "người" đã biến mất. Không
còn có thể nói bạn ở trong moksha, tự do, bởi vì khi mọi tù túng đã biến mất,
nghĩa của tự do là gì? Tự do là có thể nếu giam cầm là có thể. Bạn là tự do bởi
vì nhà tù tồn tại ở gần ngay lân cận. Bạn không ở bên trong nhà tù, có những
người khác ở bên trong nhà tù, nhưng về tiềm năng, về lí thuyết, bạn có thể bị
bỏ vào tù bất kì ngày nào. Đó là lí do tại sao bạn tự do. Nhưng nếu nhà tù đã
biến mất một cách tuyệt đối, hoàn toàn, thế thì phỏng có ích gì mà gọi người ta
là tự do?
Kaivalya, chỉ một mình. Nhưng
nhớ lấy, một mình này chẳng liên quan gì tới cô đơn của bạn. Trong cô đơn
"người khác" tồn tại, được cảm thấy, việc thiếu vắng của người khác
được cảm thấy. Đó là lí do tại sao cô đơn là việc buồn. Bạn là "đơn độc":
điều đó nghĩa là bạn cảm thấy nhu cầu về người khác. "Một mình": khi
nhu cầu về người khác đã biến mất. Bạn là đủ cho bản thân bạn, tuyệt đối lên bản
thân bạn, không nhu cầu, không ham muốn, không đâu mà đi: đây là điều Patanjali
gọi là "bạn đã về nhà." Đây là giải thoát trong mô tả của ông ấy, đây
là niết bàn hay moksha của ông ấy.
Những thoáng nhìn có thể tới với
bạn nữa. Nếu bạn ngồi im lặng và tách rời bản thân bạn... Đâu tiên tách rời bản
thân bạn khỏi các đối thể. Nhắm mắt lại, quên thế giới đi, cho dù nó tồn tại chỉ
coi nó là mơ. Thế rồi nhìn vào các ý tưởng và nhớ rằng bạn không là chúng,
chúng đang trôi nổi như mây. Tách rời bản thân bạn khỏi chúng, chúng đã biến mất.
Thế thì một ý tưởng nảy sinh: rằng bạn là tách rời. Đó là pashyanti. Bây giờ bỏ
cả cái đó nữa vì bằng không bạn sẽ treo ở đó. Bỏ cái đó nữa; đơn giản là nhân
chứng cho ý tưởng này nữa. Đột nhiên bạn bùng nổ vào trong tính không. Nó có thể
chỉ cho một mảnh khoảnh khắc, nhưng bạn sẽ có hương vị của Đạo, hương vị của
yoga và mật tông, bạn sẽ có hương vị của chân lí. Và một khi bạn đã có nó, sự
việc trở thành ngày càng dễ dàng hơn để tiếp cận nó, cho phép nó, trở thành
mong manh với nó, trở thành sẵn có cho nó. Mọi ngày nó đều trở nên dễ dàng hơn.
Bạn càng du hành nhiều trên đường, con đường càng rõ ràng hơn.
Một ngày nào đó bạn đi vào và
không bao giờ đi ra... Kaivalyam. Đây là điều Patanjali gọi là giải thoát tuyệt
đối. Đây là mục đích ở phương Đông.
Mục đích phương Đông vươn tới
cao hơn rất nhiều so với mục đích phương Tây. Ở phương Tây cõi trời dường như
là điều cuối cùng, không phải là như vậy ở phương Đông. Người Ki tô giáo, người
Mô ha mét giáo, người Do Thái, với họ cõi trời là điều cuối cùng, không có gì
bên ngoài nó. Nhưng ở phương Đông chúng ta đã làm việc nhiều, chúng ta đã khoan
vào thực tại sâu hơn. Chúng ta đã khoan vào chính tận cùng, khi đột nhiên máy
khoan đi tới đối diện với cái trống rỗng và không cái gì có thể được khoan thêm
nữa.
Cõi trời là ham muốn, ham muốn
về việc là hạnh phúc; địa ngục là nỗi sợ, sợ việc bị bất hạnh. Địa ngục là đau
đớn được tích luỹ; cõi trời là hoan lạc được tích luỹ. Nhưng chúng không là tự
do. Tự do là khi bạn không đau đớn không hoan lạc. Tự do là khi nhị nguyên đã bị
bỏ đi.
Tự do là khi không có địa ngục
và không có cõi trời: kaivalya. Thế thì người ta đạt tới sự thuần khiết cao nhất.
Đây đã từng là mục đích ở
phương Đông, và tôi nghĩ đây phải là mục đích của tất cả nhân loại.
Xem tiếp Chương 10 - Quay về Mục lục Tập 9
0 Đánh giá