Read more
Người nghĩ mình là thân thể không có khả năng hướng tới cái bất tử
Điểm đầu tiên là ở chỗ người nghĩ mình là thân thể không có khả năng hướng tới cái bất tử. Cho nên lời kinh đầu tiên là để lột bỏ sự đồng nhất với thân thể người ta. Bao giờ cũng biết tới điều đó, nhớ tới nó mọi ngày. Nhận biết về nó thường xuyên, nghĩ đến nó thường xuyên - rằng, “Mình không là thân thể.” Khi bạn hiểu sâu và thiết lập lời kinh này bên trong bạn, chừng đó sẽ đưa bạn tới cái bất tử.
Ngược lại, khi tin tưởng vững chắc rằng “Mình là thân thể này” còn bắt rễ trong bạn, chừng ấy sẽ đưa bạn tới avidya, hướng tới xung đột với chết. Và sống như thế thì chúng ta thường xuyên được nhắc nhở hai mươi bốn tiếng một ngày rằng “Mình là thân thể.”
Nếu chân chúng ta bị thương một
chút, chúng ta lập tức nhớ ngay, “Mình là thân thể.” Nếu chúng ta đói, chúng ta
nhớ, “Mình là thân thể.” Nếu có một chút đau đầu chúng ta nhớ, “Mình là thân thể.”
Nếu có sốt chúng ta nhớ, “Mình là thân thể.” Khi tuổi thanh xuân tới chúng ta
nhớ, “Mình là thân thể.” Khi tuổi già tới chúng ta nhớ, "Mình là thân thể."
Cuộc sống thường xuyên nhắc nhở chúng ta từ mọi phía rằng, “Mình là thân thể,”
trong khi đó chúng ta không nhận được chỉ dẫn nào từ bất kì đâu rằng, “Mình
không phải là thân thể.” Và một điểm đáng để ý là chính chân lí không có sẵn chỉ
dẫn, trong khi với phi chân lí, hướng dẫn có sẵn hàng ngày.
Nhưng chúng ta phạm phải một
sai lầm nền tảng trong diễn giải của mình về những chỉ dẫn đang hiện diện. Khi
một điều được chỉ ra, chúng ta xét nó theo ánh sáng hoàn toàn khác, và hiểu lầm
lớn xảy ra. Toàn thể cuộc sống do vậy trở thành việc hiểu lầm lớn. Những chỉ dẫn
ngụ ý điều này, nhưng chúng ta nhìn chúng theo ánh sáng khác. Khi bụng cần thức
ăn, chúng ta nói, “Tôi đói.” Điều này là không đúng. Chúng ta đã hiểu lầm gợi ý
này. Gợi ý chỉ là thế này - rằng tôi đã đi tới biết rằng bụng đang đói. Nhưng
chúng ta nói, “Tôi đói.” Không ai chỉ ra cách thức chúng ta đi tới kết luận
này. Mối móc nối ở giữa - rằng tôi đã nhận ra là bụng đang đói - biến mất như
thế nào? ‘Tôi’ không bao giờ có thể cảm thấy bụng đói, và vậy mà chúng ta vẫn
nói, “Tôi đói.”
Khi có đau đầu, tôi đi tới biết
rằng có cái đau trên đầu. Nhưng tôi nói rằng đầu tôi đau. Tôi bảo với người
khác rằng tôi bị đau đầu, còn tôi tự nhủ mình rằng có cái đau bên trong tôi.
Không có sai lầm gì trong những chỉ dẫn của thân thể, nhưng chúng ta phạm phải
sai lầm khi chúng ta cố giải mã chúng. Sai lầm là ở trong điều chúng ta làm với
chỉ dẫn của thân thể.
Swami Ram bao giờ cũng nói điều
đúng. Ông ấy bao giờ cũng tự diễn đạt mình một cách đúng đắn. Kết quả là ở chỗ
mọi người coi ông ấy như người cung trăng. Thế giới này đầy người điên - và
không khó khăn gì trong việc phán xét người trí huệ là người điên. Ram chưa bao
giờ nói, “Tôi đói.” Đôi khi ông ấy sẽ nói, “Nghe này, người anh em, có cơn đói ở
đây.” Khi nghe ông ấy, mọi người đều tự hỏi liệu ông ấy có tâm trí lành mạnh
không, và rồi đủ loại khó khăn nảy sinh.
Ram tội nghiệp đã diễn đạt bản
thân mình một cách đúng đắn, nhưng mọi người quen nghi ngờ về sự lành mạnh của
ông ấy. Đôi khi, trở về nhà, ông ấy sẽ nói, “Hôm nay vui quá. Khi Ram bước đi
trên đường mọi người bắt đầu xúc phạm ông ta.” Ông ấy không bao giờ nói, “Họ bắt
đầu xúc phạm tôi.” Ông ấy không nói, “Khi tôi đi qua, người ta bắt đầu xúc phạm
tôi.” Ông ấy hay nói, “Hôm nay vui quá: một số người trên đường chế giễu Ram.
Ram cũng thấy cả họ nữa. Tôi nói, “Nhìn Ram kìa, họ đang chế giễu cậu đấy.”
Điều đó đã gây ra khó khăn lớn
khi ông ấy tới Mĩ lần đầu tiên và bắt đầu gọi bản thân mình theo ngôi thứ ba. ở
Ấn Độ, bạn bè ông ấy đã biết rõ ông, họ biết rằng ông ấy có hơi chút lập dị.
Nhưng ở Mĩ thì khó khăn lớn nảy sinh vì mọi người không thể đoán được điều ông ấy
đang nói. Nhưng ông ấy hoàn toàn đúng trong phát biểu của ông ấy.
Bụng trở nên đói, nhưng bạn
không bao giờ đói. Điều đó chưa bao giờ xảy ra cho tới nay. Điều đó là không thể
được, bởi vì cái đói là bất lực trước linh hồn, trước cái ta. Linh hồn không có
cơ chế để cảm thấy đói, nó không có phương tiện để cảm thấy cái đói cồn cào.
Không cái gì giảm đi hay được tăng lên trong linh hồn; không cái gì rời bỏ linh
hồn; không cái gì bị mất đi từ nó để sinh ra cái đói cồn cào. Cái gì đó bao giờ
cũng giảm đi trong thân thể bởi vì nó chết đi hàng ngày, và bởi quá trình chết
này mà bạn cảm thấy cái đói.
Bạn có thể ngạc nhiên mà biết rằng
cái gì đó bên trong bạn chết đi hàng ngày; cho nên cái phần chết đi đó phải được
thay thế bởi thức ăn. Không có lí do khác. Một số phần nào đó bên trong bạn chết
đi, cho nên bạn phải thay thế những phần chết đó bằng những phần đang sống sao
cho bạn vẫn có thể còn sống. Do đó bạn mất một nửa ki lô trọng lượng khi bạn nhịn
ăn trong một ngày. Lí do là gì? Một nửa ki lô đó đã chết và bạn đã không thay
thế nó. Bạn sẽ lại phải thay thế nó. Các nhà khoa học nói một người có thể nhịn
đói trong chín mươi ngày. Đến cuối cùng điều này sẽ gây ra khó khăn lớn bởi vì
người đó vẫn liên tục sống trong chín mươi ngày này bằng việc tiêu thụ mỡ tích
luỹ trong thân thể; nhưng ngày qua ngày, khi vét kiệt kho mỡ dự trữ của mình,
người đó chết dần. Người đó sẽ ngày một yếu đi hơn, mất trọng lượng và cảm thấy
kiệt sức, nhưng người đó vẫn tiếp tục sống.
Chúng ta thay thế những yếu tố
chết của mình bằng thức ăn; lượng thiếu hụt được bù lại. Nhưng linh hồn không
chết. Không yếu tố nào của nó bị kém đi, cho nên không có lí do cho linh hồn cảm
thấy đói. Có điều thú vị nên biết về sự kiện này. Linh hồn không cảm thấy đói;
thân thể không biết đói. Thân thể cảm thấy đói nhưng linh hồn biết đói. Toàn thể
hiện tượng này là cái gì đó giống như câu chuyện mà bạn có thể đã nghe.
Ngày xưa một khu rừng bốc cháy.
Một người mù và một người què đi ngang qua khu rừng này. Người mù không thể
nhìn được, nhưng người đó có thể bước; người đó có chân khoẻ. Thật là nguy hiểm
mà tiến bước. May mắn là lửa còn chưa lan tới nơi họ đang đứng. Người què thì
không thể bước đi nhưng có thể thấy lửa đang lan tới. Hai người này phải là những
người khôn ngoan, mặc dầu bình thường những người như thế không được như vậy.
Làm sao bạn có thể trông đợi người mù khôn ngoan khi người đủ mắt còn không khôn
ngoan? Làm sao người què có thể khôn ngoan khi người đủ chân không khôn ngoan?
Nhưng hai người này quả là khôn ngoan và họ đi tới hiểu biết. Người què nói, “Nếu
chúng ta muốn cứu mạng mình chỉ còn mỗi một cách. Để tôi ngồi lên vai bác.
Chúng ta sẽ dùng mắt của tôi và chân của bác. Tôi sẽ hướng dẫn và bác sẽ bước
theo.” Do đó họ cứu được tính mạng mình.
Hành trình cuộc sống cũng là một
loại hiểu biết sâu sắc giữa thân thể và linh hồn vậy. Đó là cuộc hành trình của
người mù và người què. Linh hồn có kinh nghiệm - nó trải nghiệm - nhưng không
cái gì xảy ra cả; việc xảy ra là trong thân thể, nhưng thân thể không trải nghiệm.
Mọi trải nghiệm đều do linh hồn cảm nhận; và mọi điều xảy ra đều diễn ra trong
thân thể, nhưng thân thể không trải nghiệm chúng. Do đó tất cả những điều này
là rắc rối!
Ngày đó cũng rắc rối nào đó phải
đã nảy sinh, nhưng Aesop, người đã viết ra câu chuyện người mù và người què
này, đã không nhắc gì đến điều đó. Điều cần đối với hai người này là vội vã,
cho nên khi người mù chạy thật nhanh còn người què nhìn thật chóng, rất có thể
là người mù cảm thấy, “Tôi có thể thấy,” còn người què cảm thấy, “Tôi đang chạy.”
Điều này đích xác là điều xảy
ra với chúng ta. Chính điều xảy ra này cần phải bị phá vỡ. Cả hai nên được phân
biệt cho rõ ràng. Cả hai nên tách bạch ra, bằng không dây dợ của chúng ta sẽ bị
bắt chéo. Mọi việc xảy ra đều diễn ra trong thân thể, và linh hồn trải nghiệm
chúng. Bạn sẽ bắt đầu hiểu thấu lời kinh về vidya khi bạn tách bạch hai phần
này ra. Thế thì cuộc hành trình của bạn hướng tới điều bất tử sẽ bắt đầu.
Trích từ quyển "Nhịp đập của tuyệt đối"
- Osho
0 Đánh giá