1001 Bí Mật Tâm Linh (0062) Điều bạn gọi là xấu hay ác chỉ là xấu hay ác trong mắt bạn thôi

1001 Bí Mật Tâm Linh (0062) Điều bạn gọi là xấu hay ác chỉ là xấu hay ác trong mắt bạn thôi

Price:

Read more





“Tội lỗi và đức hạnh không thể chạm tới ta được...”

Bạn sẽ không thể tìm thấy một phát biểu như vậy ở bất kì đâu khác trong bất kì kinh sách tôn giáo nào. Mọi kinh sách tôn giáo đều đã đồng nhất Thượng đế với đức hạnh và đã phủ nhận tội lỗi. Bởi vì việc phủ nhận này, họ đã phải tạo ra Quỉ; bằng không thì bạn tống tội nhân đi đâu, dưới trách nhiệm của ai? Có cái ác trên thế giới và cái thiện bạn gán cho Thượng đế - nhưng phải làm gì với cái ác?
Ki tô giáo bao giờ cũng gặp khó khăn này: có ác trên thế giới cho nên phải làm gì về nó đây, ai chịu trách nhiệm cho nó? Họ không dám làm Thượng đế phải chịu trách nhiệm cho nó, bởi vì nếu bản thân Thượng đế mà tạo ra tất cả những cái ác này, thế thì dường như không có cách nào thoát ra khỏi nó. Và nếu bản thân Thượng đế mà tạo ra cái ác, thế thì ngài là cái loại thượng đế gì vậy? Trong tiếng Anh, từ “god - thượng đế” và “good - thiện” có cùng gốc. Good - thiện và God - Thượng đế là một. Cho nên dịch từ ishvar, thực tại phổ dụng, là Thượng đế là không đúng, bởi vì ở đây thực tại phổ dụng này nói, “Tội lỗi và đức hạnh không thể nào chạm vào ta được” - ta là cả hai và ta cũng ở bên ngoài cả hai.
Cũng sẽ tốt để hiểu thêm một điểm nữa ở đây: “...không thể nào chạm vào ta được” không có nghĩa là bạn ở xa xôi với tội lỗi và đức hạnh. Nếu bạn ở xa xôi, thế thì có thể không có vấn đề về đụng chạm. Nghĩa này là rõ ràng: “Ta ở trung tâm của cả hai, và vậy mà chúng không thể nào chạm vào ta được; ta đi qua sông và vậy mà nước không chạm vào ta; ta đi qua hang tối tăm đầy bụi than và vậy mà không vết nhơ đen nào bám vào ta.” Vâng, nếu bạn chưa bao giờ đi qua hang tối tăm, thế thì chính vấn đề về việc bị hay không bị nhơ bẩn sẽ không bao giờ nảy sinh. Lời kinh này, “Tội lỗi và đức hạnh không thể nào chạm vào ta được,” ngụ ý rằng ta ở trong cả tội lỗi và trong đức hạnh, nhưng chúng không thể nào chạm vào ta được. Cho dù ta đang hiện diện trong cả hai, ta vẫn ở bên ngoài cả hai.
Quan điểm này về Thượng đế siêu việt, người ở bên ngoài cả thiện và ác, là sáng suốt duy nhất. Ở phương Đông, chúng ta không đồng nhất Thượng đế với thiện, cho nên chúng ta không cần tạo ra Quỉ. Nhưng thế thì Thượng đế trở thành một hiện tượng phức tạp bởi vì cả thiện và ác đều tới từ ngài. Ngài cho mạnh khoẻ cũng như bệnh tật. Ngài cho sinh và ngài cho tử. Rama tới từ ngài và Ravana cũng tới từ ngài. Chất độc tới từ ngài và cam lồ cũng tới từ ngài. Thế thì khái niệm Ấn Độ này về Thượng đế trở thành rất phức tạp.
Một người bạn Mô ha mét giáo tới tôi. Anh ấy thông minh. Anh ấy nói, “Mọi thứ khác đều được, nhưng tôi không thể nào hiểu được rằng nếu Thượng đế cũng làm điều ác, thế thì tại sao ngài làm điều đó? Đứa trẻ được sinh ra và nó chết ngay lập tức - và nếu đó là việc làm của Thượng đế, thế thì tại sao ngài làm điều đó? Tại sao có bệnh tật này? Tại sao có nghèo khó? Tại sao có khổ sở và đau đớn?”
Câu hỏi của anh ấy có vẻ có liên quan. Người Ki tô giáo thường xuyên hỏi điều này về Hindu giáo: “Tại sao là cách này?” Với họ điều đó là dễ dàng - họ có thể đổ lỗi nó lên Quỉ.
Tôi đã hỏi người bạn Mô ha mét giáo đó, “Trước hết xin nói cho tôi một điều: Quỉ này có tồn tại không nếu không được phép của Thượng đế của bạn? Sao có Quỉ? Làm sao điều này giải quyết được vấn đề? Bạn chỉ đẩy câu hỏi lùi lại một bước, nhưng nó không được giải quyết. Tại sao có Quỉ? Quên chuyện người Hindu không thể nào nói cho bạn được tại sao có ác đi. Bạn nói cho tôi tại sao có Quỉ?”
Chỉ có hai cách thôi: hoặc bạn chấp nhận rằng Quỉ tồn tại do được phép của Thượng đế, hoặc rằng Thượng đế đã tạo ra Quỉ. Và nếu Thượng đế tạo ra Quỉ, thế thì tại sao ngài đi vòng vo thế? Sao Thượng đế không thể trực tiếp tạo ra bệnh tật? Trước hết Thượng đế tạo ra Quỉ như một tác nhân, thế rồi Quỉ tạo ra bệnh tật - phỏng có ích gì cho tất cả những điều này? Hay nếu bạn nói rằng Quỉ là quyền năng độc lập, rằng Thượng đế đã không tạo ra nó chút nào, rằng nó là cùng một trạng thái như Thượng đế, thế thì bạn đang chấp nhận Quỉ như Thượng đế khác rồi.
Thế thì tôi hỏi bạn, bạn có thể chắc chắn được ai trong hai Thượng đế này sẽ thắng không? Cứ như kinh nghiệm thường ngày trong thế giới này diễn ra, chính Quỉ thắng hàng ngày còn Thượng đế thua. Ai đã bảo bạn rằng Thượng đế chung cuộc sẽ thắng? Và tại sao bạn nghĩ rằng Thượng đế chung cuộc sẽ thắng? Chúng ta thấy Quỉ thắng mọi ngày, không phải Thượng đế. Những người mà bạn gọi là hoá thân của Thượng đế vẫn chết nếu kẻ giết người đâm họ. Jesus, người bạn gọi là “đứa con duy nhất của Thượng đế,” bị đóng đinh. Thượng đế của bạn đang thắng thế nào? Dường như là Quỉ là Thượng đế lớn hơn và thắng lợi dường như là trong tay Quỉ. Chẳng cái gì đã được giải quyết bằng việc chấp nhận khái niệm Quỉ.
Nhưng tư duy Hindu có câu trả lời khác: nó nói rằng điều bạn gọi là xấu hay ác chỉ là xấu hay ác trong mắt bạn thôi. Nếu bạn nhìn nó từ cảnh quan của toàn thể sự tồn tại, nó không ác. Nó có vẻ ác chỉ bởi vì cách bạn nhìn mọi sự.
Tôi đã hỏi anh bạn Mô ha mét giáo của tôi, “Đứa trẻ chết đi ngay khi nó được sinh ra và bạn gọi điều đó là xấu. Bạn có tuyệt đối chắc chắn rằng nếu nó không chết đi, điều đó sẽ tốt hơn không? Bạn có tuyệt đối chắc chắn rằng nó đã chết là xấu không? Bạn có tin rằng nếu đứa trẻ này mà không chết, thì nhiều điều tốt hơn sẽ xảy ra trên thế giới không? Hitler có thể đã chết sớm sau khi sinh. Giá mà Hitler chết ngay sau khi sinh, bạn chắc đã nói rằng thế giới này là không công bằng. Nhưng bạn đã chẳng có ý tưởng nào tại điểm đó về điều ông ấy sẽ làm, về điều ông ấy sẽ là trong cuộc sống của ông ấy.”
Bạn không có cảnh quan của cái toàn thể, bạn chỉ quyết định từ một bộ phận thôi. Tình huống của bạn cũng giống như người đang kéo một trang sách ra khỏi cuốn tiểu thuyết, đọc nó, và thế rồi đưa ra phát biểu về toàn thể cuốn tiêu thuyết; hay giống như người lấy một dòng ra khỏi bài thơ dài, đọc nó, và rồi bình luận về toàn thể bài thơ này. Vũ trụ này là thiên hùng ca bao la trong đó chúng ta chẳng có ý tưởng gì về cái bắt đầu hay cái kết thúc của nó. Chúng ta bắt lấy một biến cố và bắt đầu phán xét cái toàn thể. Và đây là chỗ có sai lầm: mọi sự không thể được đo lường trên cơ sở của một biến cố. Không biến cố nào là cô lập và theo cách riêng của nó; nó là một phần của mạng lưới bao la, dây chuyền bao la.
Khi đứa trẻ được sinh ra, chúng ta không thể tiên đoán được nó sẽ trở thành cái gì. Nếu một Hitler chết đi như đứa trẻ và nếu chúng ta biết rằng nó sẽ trở thành một Hitler, thế thì không ai sẽ gọi cái chết này là xấu cả. Một nhà tư tưởng Đức đã nói rằng chính trong những khoảnh khắc này mà đạo đức và hiểu biết của nhân loại thiếu sót. Giá mà mẹ Hitler bóp cổ nó khi còn là đứa bé, điều đó sẽ là hành động đức hạnh lớn lao - nhưng không ai sẽ chấp nhận điều này. Mẹ của Hitler sẽ bị tống vào tù và cả thế giới sẽ lên án loại người mẹ như bà ấy, và cũng phải thôi, bởi vì không ai có ý tưởng đứa trẻ sẽ trở thành cái gì, tiềm năng của nó là gì.
Cho dù chúng ta gạt sang bên vấn đề về đứa trẻ sẽ trở thành cái gì, thì từ đâu mà có sự chắc chắn này rằng sống là tốt và chết là xấu? Ai đã bảo bạn điều này? Làm sao bạn đã đi tới kết luận này? Người chết chưa bao giờ trở về để nói cho bạn rằng người đó trong đau khổ lớn lao. Và có khả năng là nếu người chết mà đau khổ, họ sẽ nhất định quay lại để nói điều đó bởi vì mọi người đều thích nói nhiều thế về đau khổ của mình! Dường như là người chết ở trong trạng thái vui thú tới mức chẳng đáng rắc rối mà quay lại và nói cho chúng ta về điều đó. Thế thì ai sẽ quyết định rằng chết là xấu, rằng nó là khổ?
Một điều là rõ ràng: có căng thẳng, khổ sở và đau đớn trong cuộc sống. Và trong cái chết có nghỉ ngơi - điều này nữa là rõ ràng. Cả ngày bạn chạy, bạn tranh đấu, bạn bị làm bẽ mặt, và khi bạn ngủ ban đêm bạn được nghỉ ngơi khỏi nó.
Chết là giấc ngủ lớn. Ai bảo bạn rằng chết là khổ? Sao chết lại xấu? Nó xấu bởi vì con "của tôi" đã chết. Tôi không cảm thấy xấu bởi ai đó đã chết, tôi cảm thấy xấu bởi vì ai đó là "của tôi" đã chết. Phần nào đó của "của tôi" đã chết, do đó mới cảm thấy xấu. Cảm thấy xấu bởi vì bạn có nhiều tham vọng cho đứa con này và bây giờ chúng tất cả đều đã chết cùng nó. Bạn đã tạo ra nhiều tưởng tượng thế - đáp ứng cho bản ngã của bạn trong thế giới qua đứa con bạn - và chúng đã chết cùng nó. Nhưng ai nói rằng cái chết của tham vọng của bạn là xấu? Và ai nói rằng nếu bản ngã của bạn không thể có được cơ hội để được hoàn thành, thế thì nó là xấu? Và ai nói rằng nếu phần nào đó của bản ngã của bạn bị triệt tiêu, bị tổn thương, điều đó là xấu? Những người biết đều nói rằng vào ngày tất cả cái “tôi” bị tan tành, thế thì chẳng cái gì như "của tôi" sẽ còn lại trong bạn thêm nữa. Chỉ thế thì bạn mới biết phúc lạc tối thượng.

Điều bạn gọi là “xấu” và điều bạn gọi là “tốt” tuỳ thuộc vào quan điểm của bạn. Nó là quan điểm của bạn về cái gì là tốt và cái gì là xấu. Từ phía của cái toàn thể, từ cảnh quan đã thấy và hiểu cái toàn thể, có câu hỏi nào về tốt và xấu ở đâu được? Thực tế, tốt và xấu không tồn tại.
Bạn có thể hiểu điều đó theo cách này:
Tôi đã nghe nói rằng Kenneth Walker là nhà giải phẫu lớn ở London. Có lần ông ấy mổ cho một bệnh nhân và đã cắt bỏ bằng giải phẫu việc hình thành u trong thân thể ông này. Đó là bệnh nào đó hiếm hoi chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, một trong một triệu người. Họ hàng của bệnh nhân đều ngồi ở bên ngoài, buồn bã và đẫm lệ, và Kenneth Walker bị cuốn hút sâu sắc vào cuộc giải phẫu như hoạ sĩ đang cùng với bức tranh của mình. Ông ấy vui vẻ và mãnh liệt thế!
Ông ấy không quan tâm tới bệnh nhân: mối quan tâm của ông ấy là ở chỗ ông ấy đã bắt gặp một bệnh xảy ra cho một người trong số cả triệu người, và chỉ một bác sĩ giải phẫu hiếm hoi mới có được cơ hội để mổ về nó. Ông ấy đã bị cuốn hút hết vào điều đó. Ông ấy vui vẻ và vui sướng bởi vì khoảnh khắc lớn lao nhất trong đời ông ấy đã tới. Khi ông ấy cắt cái u ra và để nó lên bàn, lời thốt ra từ mồm ông ấy là, “Đẹp làm sao!”
Điều đó tất cả đều tuỳ thuộc vào cái nhìn của bạn. Khối u của một bệnh chết người có thể trông đẹp với bác sĩ giải phẫu có tính nghệ thuật. Liệu nó đẹp hay không thì khó nói. Điều chúng ta gọi là bệnh...
Có nhà huyền môn Sufi, Sarmad. Ông ấy bị ung nhọt, và dòi bọ sống trên ngực ông ấy. Khi ông ấy cúi lạy trong nhà thờ lúc cầu nguyện, dòi bọ rơi khắp trên đất. Câu chuyện là ở chỗ Sarmad sẽ nhặt chúng và bỏ chúng lại vào vết thương.
Mọi người nói, “Sarmad, điên khùng này là gì vậy?”
Sarmad sẽ trả lời, “Cái chết của tôi là cuộc sống của chúng. Ai sẽ quyết định cuộc sống của ai đáng giá hơn? Cho nên tôi sẽ dừng việc cầu nguyện, bởi vì tốt hơn cả là nên coi cuộc sống riêng của tôi là kém hơn cuộc sống của chúng. Làm sao tôi có thể đưa ra phán xét về giá trị cuộc sống của chúng được?”
Sarmad dừng cầu nguyện vì sợ rằng dòi bọ sẽ rơi ra!
Bây giờ, đây là người kì lạ. Đấy tất cả là vấn đề cái nhìn của bạn.
Ông ấy nói, “Cuộc sống của tôi là cái chết của chúng. Nếu tôi muốn sống sót thì lũ dòi bọ này sẽ phải chết, chúng sẽ phải bị giết chết. Nhưng ai mà biết cuộc sống của ai là hữu dụng hơn trong bình diện tối thượng của cái toàn thể? Một điều là chắc chắn: rằng nếu tôi phải phạm sai lầm, tốt hơn cả là làm nó từ phía tôi. Phạm sai lầm về phía những con dòi bọ này sao? Ai biết chúng ở đây với mục đích gì? Chúng cũng có cuộc sống của chúng.”
Khi bạn ốm, biết bao nhiêu vi trùng có thể sống! Cuộc sống của bạn là gì? Ai biết bao nhiêu cuộc sống đã bị làm cho ốm yếu bởi cuộc sống của bạn? Bạn có thể chẳng bao giờ nghĩ về những dòng này: “Ai biết được đối với bao nhiêu thứ đang sống cuộc sống riêng của tôi có thể gây ra ốm bệnh, rắc rối nào đó?” Không, chính bởi vì định kiến và phán xét của bạn mà bạn thấy mọi sự là hoặc tốt hoặc xấu. Nếu chúng ta có con mắt vũ trụ, cái có thể thấy cái toàn thể ngay một lúc, cái có thể thấy cả hai cực đồng thời, cái có thể thấy sự khái quát toàn thể ngay một lúc, cái có thể có thoáng nhìn toàn bộ về toàn thể sự tồn tại, thế thì chẳng cái gì sẽ là tốt hay xấu. Có lẽ trong sự tồn tại, tốt và xấu là giống như dệt vải. Khi thợ dệt dệt vải, người đó để một sợi chỉ theo chiều dài và một sợi chỉ theo chiều rộng, và theo cách này người đó tạo ra toàn thể tấm vải. Bạn muốn tạo ra tấm vải bằng việc cho sợi chỉ chạy qua chỉ theo một hướng - nhưng thế thì bạn không thể tạo ra tấm vải được. Hay bạn muốn cho sợi chỉ chạy theo hướng kia, nhưng thế nữa bạn sẽ không tạo ra vải. Chính là chỉ thông qua đối lập lẫn nhau, thông qua đan chéo nhau, thông qua việc các sợi chỉ bắt ngang nhau mà tấm vải mới được tạo ra.
Toàn thể vũ trụ này giống như mảnh vải trong đó tốt và xấu là những sợi chỉ dệt lẫn nhau. Sai lầm duy nhất của người xấu là ở chỗ người đó muốn chuyển toàn thế giới thành xấu. Và cùng điều đó là sai lầm của người tốt, bởi vì người đó cũng muốn chuyển toàn thế giới thành tốt. Cả hai chỉ là những người không có hiểu biết về cái toàn thể. Bất kì ai hiểu từ tầm nhìn này về cái toàn thể sẽ chấp nhận thế giới như nó đang đấy. Người đó sẽ không cần chuyển đổi thế giới thành tốt hay thành xấu.
Do đó, trong tâm trí Ấn Độ, có ý tưởng hoàn toàn khác về thánh nhân là gì. Đó không phải là sadhu, người tốt và đức hạnh. Sadhu là ai đó chống lại asadhu, người xấu. Thánh nhân là ai đó không chống lại bất kì ai. Ông ấy có sự chấp nhận toàn bộ: bất kì cái gì hiện hữu, đều tốt. Thánh nhân là trong chấp nhận toàn bộ, ông ấy chấp nhận tính đang đấy của mọi sự - xấu là đúng, tốt cũng là đúng; tội lỗi là đúng, đức hạnh cũng là đúng. Điều này là rất khó!
Đây là lí do tại sao không tôn giáo nào khác có thể chạm tới những chiều sâu và chiều cao mà tôn giáo ở Ấn Độ đã chạm tới. Tất cả các tôn giáo khác đều ngây thơ - họ ngây thơ theo nghĩa là trong họ thế giới đã được nhìn từ quan điểm của con người. Tôn giáo ở Ấn Độ là đặc biệt bởi vì nó đã nhìn thế giới từ quan điểm của Thượng đế. Bạn có thấy khác biệt không? Theo quan điểm của con người, con người nhất định thấy theo cảnh quan riêng của mình: điều cảm thấy tốt là tốt, điều cảm thấy xấu là xấu. Không có chỗ trong điều này cho cảnh quan của cái toàn thể.
Mọi tôn giáo, ngoại trừ các tôn giáo phương Đông, đều lấy con người làm trung tâm: con người là trung tâm. Con người là trung tâm của mọi thứ, và điều lợi cho con người là tốt và điều không lợi cho con người là xấu. Và nếu để lợi cho con người điều gì đó làm hại cho toàn thể vũ trụ, thì thế nữa, cũng là được với con người.
Nhìn vào thế giới từ quan điểm của Thượng đế... Và khi con người bắt đầu sống tương ứng với quan điểm đó, con người trở nên mang tính thượng đế. Con người không thể trở thành Thượng đế như con người được. Tôn giáo lấy con người làm trung tâm không phải là tôn giáo chút nào. Với tôn giáo lấy Thượng đế làm trung tâm giữ cái vô hạn trong góc nhìn, các quan điểm của bạn về tốt và xấu, về đức hạnh và tội lỗi, về thông minh và ngu xuẩn, sẽ không kéo dài. Tất cả mọi phán xét và phân loại đạo đức của bạn đơn giản sẽ biến mất.
Trích từ quyển 'Chuyến bay của một mình tới một mình'

0 Đánh giá

Ads Belove Post