Chương 6. Điều Tối Thượng Ở Đây

Chương 6. Điều Tối Thượng Ở Đây

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Triệu Châu (Joshu) – Tiếng Gầm Của Sư Tử – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 6. Điều Tối Thượng Ở Đây







Nghe hoặc Tải MP3 'Triệu Châu (Joshu) - Tiếng Gầm Của Sư Tử' ê




Osho ơi,

Một dịp, khi Triệu Châu đón tiếp những người mới tới trong đạo tràng của mình, ông ấy hỏi một người trong số họ, "Ông đã ở đây từ trước chưa?"

"Dạ rồi ạ," sư này đáp.

"Uống chén trà đi!" Triệu Châu nói với anh ta. Rồi ông ấy quay sang một người mới tới khác và nói, "Ông đã ở đây từ trước chưa?"

"Dạ chưa ạ, kính thầy," vị khách đáp. "Đây là lần thăm đầu tiên của tôi ở đây."

Triệu Châu nói với anh ta, "Ông uống chén trà đi!"

Ông trưởng đạo tràng kéo Triệu Châu sang bên và nói, Một người đã ở đây từ trước, và thầy cho anh ta chén trà. Người kia chưa từng ở đây, và thầy cũng cho anh ta chén trà. Ý nghĩa của điều này là gì?"

Triệu Châu gọi to giọng, "Ông trưởng!"

"Dạ?" Ông trưởng đạo tràng đáp.

"Ông uống chén trà đi!" Triệu Châu chỉ thị.

Maneesha này, cách thức của Thiền là rất nhẹ nhàng, rất vô trọng lượng. Nó diễn tả bản thân nó theo cách đơn giản nhất. Nhưng chỉ bởi vì điều đó, hàng triệu người nghĩ mình thông minh đã hiểu lầm nó. Điều hiển nhiên, cái đơn giản, trở thành rào chắn với họ. Tâm trí bao giờ cũng quan tâm tới điều không thể được.

Cần phải hiểu tại sao tâm trí bao giờ cũng thích thú điều không thể được: bởi vì điều không thể được chẳng bao giờ có thể được đạt tới, và tâm trí có thể cứ sống, thu lấy ngày một nhiều lực hơn, đưa bạn ngày một xa hơn với bản thân bạn. Bởi vì điều không thể được không thể nào được đạt tới, nên nó là thắng lợi vĩ đại của tâm trí. Tâm trí né tránh cái hiển nhiên và cái đơn giản bởi vì chúng không chỉ là đạt được, chúng đã được đạt tới rồi.

Cho nên đó là một chiến lược rất chính trị, một nỗ lực ngoại giao về phần tâm trí, không để cho bạn thấy cái hiển nhiên - phật đó là bạn.

Trong giai thoại đơn giản này bạn cười; bạn cười dường như nó là một chuyện đùa. Nó nói mọi thứ cần được nói, nó chứa toàn bộ tinh tuý của Thiền. Nhưng bạn cười bởi vì bạn đã không hiểu các ngụ ý của nó. Đôi khi người ta cười bởi vì người ta không hiểu; đôi khi người ta cười bởi vì người ta hiểu; đôi khi người ta cười chỉ để che dấu sự kiện là người ta đã không hiểu. Bạn cười bởi vì nó có vẻ như trò đùa - nhưng nó chỉ giống như trò đùa thôi. Nó là toàn bộ triết lí của Thiền. Bây giờ để tôi đọc nó cho bạn cùng ngụ ý của nó...

Một dịp, khi Triệu Châu đón tiếp những người mới tới trong đạo tràng của mình, ông ấy hỏi một người trong số họ, "Ông đã ở đây từ trước chưa?"

Một điều nhỏ bé cần được lưu ý: một, bản thân thầy ở ngay tại bàn đón tiếp người mới tới. Thiền là nỗ lực để nhìn vào trong các tiềm năng của bạn. Sao để phí thời gian? - không để phí đến vài khoảnh khắc. Cho nên thầy ra đón người mới tới ngay tại cổng của đạo tràng. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với từng người mới tới thầy sẽ quyết định liệu người đó có đáng để làm việc với hay không, hay chỉ để cho người đó uống chén trà rồi đi tiếp.

Và câu hỏi mà thầy đã hỏi không ngụ ý điều bạn nghĩ nó ngụ ý. "Ông đã ở đây từ trước chưa?" Thầy không nói về 'ở đây' thông thường; thầy đang nói về 'ở đây' tối thượng. Điều đó không liên quan với chỗ này, với đạo tràng này, hay với Triệu Châu. Nó liên quan tới trạng thái thiền nơi thời gian dừng lại và chỉ cái bây giờ còn lại; nơi không gian biến mất và chỉ cái ở đây được bỏ lại sau.

Cái bây giờ và ở đây này, hai từ này, hàm chứa toàn bộ cách tiếp cận của Thiền. Nếu bạn có thể ở đây và bây giờ, chẳng cần phải làm cái gì khác cả. Mọi cánh cửa của bí ẩn của sự tồn tại sẽ được mở ra cho bạn.

Cho nên khi một người như Triệu Châu hỏi, "Ông đã ở đây từ trước chưa?" thì đừng hiểu lầm ông ấy. Ông ấy không nói về chỗ đó đâu, ông ấy đang nói về vô không gian và vô thời gian. "Ông đã bao giờ trong thiền sâu chưa?" Đó là điều ông ấy đang hỏi.

"Dạ rồi ạ," sư này đáp.

"Ông uống chén trà đi!"

Sư này đã hiểu nghĩa của 'ở đây'. Không phải là sư đã từng ở đây trong đạo tràng này từ trước, nó đơn giản có nghĩa là anh ta đã biết tới trạng thái của việc ở đây. "Dạ rồi ạ" đơn giản hàm ý mênh mông, rằng "Tôi không phải là người mới tới, đừng tính tôi vào đám người mới tới. Tôi đã ở đây rồi - tôi có thể ở đâu khác được?"

Nhưng điều đó không được nói ra một cách tường minh thế. Đó là cái đẹp của Thiền, rằng nó bỏ lại phần quan trọng nhất cho bạn khám phá ra. Khi sư này nói, "Dạ rồi ạ," sư cũng nói, qua mắt mình và qua cử chỉ của mình, "Thầy đang hỏi loại câu hỏi gì vậy? Tôi còn có thể ở đâu khác được nữa? Mọi người đều ở đây, dù người đó ở bất kì chỗ nào - điều đó không thành vấn đề. Ở đây là chỗ duy nhất nơi người ta có thể ở được."

Cái "dạ rồi ạ" này không hiểu lầm được. Anh ta không ngụ ý rằng anh ta đã từng ở chỗ này; anh ta nói, "Tôi bao giờ cũng ở đây rồi - tôi có thể ở đâu khác được?"

Với kính trọng lớn lao Triệu Châu nói, "Ông uống chén trà đi!"

Chén trà trong Thiền không giống như nó ở bất kì đâu khác trên thế giới. Chén trà là sự đón nhận lớn lao nhất mà một Thiền sư có thể trao cho bạn. Chén trà đại diện cho nhận biết. Sau khi uống trà bạn không thể đi ngủ được; do đó trà trở thành một trong những biểu tượng quan trọng nhất của nhận biết, của thiền. "Ông uống chén trà đi" không đơn giản ngụ ý là, "Ông uống chén trà đi." Chắc chắn chén trà được trao cho bạn, nhưng với hiểu biết là chén này đầy nhận biết. Chén trà đã được nhiều thiền sư dùng theo nhiều cách.

Một giáo sư triết học tới Triệu Châu. Ông ta có nhiều câu hỏi trong tâm trí, nhiều câu trả lời phức tạp mà ông ta đã vay mượn từ mọi kinh sách và hệ thống triết lí.

Trèo lên núi ông ta vã mồ hôi, trông có vẻ hơi mệt mỏi. Triệu Châu đón ông ta và bảo ông ta, "Ông mệt rồi... đợi chút nhé, tôi sẽ pha chén trà cho ông. Lúc đó không phải là giờ cho trà - bằng không thì trà đã được đem ra mời ngay - tôi sẽ pha nó một cách đặc biệt. Ông cứ đợi và nghỉ ngơi đi."

Và Triệu Châu pha trà, đem trà tới, đặt chén và đĩa vào tay ông giáo sư, và bắt đầu rót trà từ ấm ra - và cứ rót mãi, cho tới miệng chén. Ông giáo sư quan sát và rồi ông ta thấy rằng bây giờ, nếu thêm trà nữa được rót thì nó sẽ tràn ra ngoài mất. Nhưng ông ta vẫn đợi, cho tới khi chiếc chén đã đầy và cái đĩa cũng đầy nốt. Thế rồi ông ta không thể kìm được mình nữa, ông ta nói, "Đợi đã! Ông làm gì vậy? Bây giờ chén và đĩa không thể chứa thêm một giọt trà nào nữa được."

Triệu Châu nói, "Ông đã bao giờ hỏi cùng câu hỏi đó về tâm trí ông chưa? Có còn chỗ nào, chỗ rỗng nào, để cho một giọt trà có thể xoay xở vào vừa được không? Ông quá đầy với những ý nghĩ. Biết bao nhiêu câu trả lời, biết bao nhiêu câu hỏi! Ông đã đọc quá nhiều, ông học quá nhiều nên không thể trở nên chứng ngộ được.

"Chiếc chén trà này đơn giản mang tính biểu tượng. Tôi muốn chỉ cho ông rằng trước khi ông có thể hỏi bất kì câu hỏi nào với tôi, thì tôi phải làm rõ ràng quan điểm của mình: ông phải thành trống rỗng đã; bằng không thì tôi phải xin lỗi ông thôi, tôi không thể trả lời được. Ông không còn chỗ để nhận nó."

Triệu Châu đã dùng chén trà trong những tình huống khác. Bây giờ ông ấy nói, "Ông uống chén trà đi!"

Triệu Châu quay sang một người mới tới khác và nói, "Ông đã ở đây từ trước chưa?"

Bạn có thể không thấy khác biệt trong các câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là, "Ông đã ở đây từ trước chưa?" Sự nhấn mạnh là vào ở đây. Trong câu hỏi thứ hai sự nhấn mạnh là vào ông.

"Ông đã ở đây từ trước chưa?"

"Dạ chưa ạ, kính thầy," vị khách đáp.

Người đó đang nói, "Tôi không còn nữa - làm sao tôi có thể ở đây từ trước được?"

Cả hai sư đều đã hiểu khác biệt này. Mặc dầu câu hỏi có vẻ tương tự, họ đã thấy nhấn mạnh của thầy. Họ đang quan sát mắt thầy, họ đang quan sát mặt thầy, họ đang nhìn tay thầy.

Nói với một Thiền sư không phải là đối thoại bình thường - đó là giao cảm toàn bộ, từ con người sang con người.

Sư thứ nhất đã hiểu rõ, và sư thứ hai cũng hiểu rõ. Anh ta nói, "Dạ chưa ạ, kính thầy."

Nhưng phần bản chất vẫn còn bên cạnh. Phần bản chất là, "Làm sao tôi có thể còn được? Tôi không còn nữa, tôi chưa bao giờ có cả; câu hỏi này không nảy sinh. Tôi đã cố gắng tìm ra bản thân mình - không có ai cả."

Triệu Châu nói với anh ta, "Anh uống chén trà đi!!"

Ông trưởng đạo tràng kéo Triệu Châu sang bên và nói, Một người đã ở đây từ trước, và thầy cho anh ta chén trà. Người kia chưa từng ở đây, và thầy cũng cho anh ta chén trà. Ý nghĩa của điều này là gì?"

Ông trưởng là sư trưởng của đạo tràng. Ông ấy đã thấy mâu thuẫn trong đó - ông này chắc phải là con người logic lắm. Ông ấy không thể thấy được phần ẩn kín đã được trao đổi giữa Triệu Châu và hai người mới tới này.

Ông ấy kéo Triệu Châu sang bên và hỏi, "Ý nghĩa của điều này là gì vậy? Thầy đưa ra cùng một câu trả lời cho hai vị khách - mặc dầu một người đã tới thăm trước đây, còn người kia thì chưa. Nhưng việc thầy mời chén trà là như nhau."

Triệu Châu gọi to giọng, "Ông trưởng!"

"Dạ?" Ông trưởng đạo tràng đáp.

Đây cũng là phương pháp có ý nghĩa hay được Thiền sử dụng: bỗng nhiên gọi khi không có nhu cầu. Khi bỗng nhiên ai đó được gọi, trong một khoảnh khắc suy nghĩ của người đó dừng lại bởi vì sự liên tục không có đó. Tâm trí có thể vận hành chỉ với sự liên tục.

Ông ấy đang hỏi, "Thầy đã mời chén trà cho những người mới tới khác nhau; cho hai người khác nhau, cùng một lời chào mừng. Tôi có thể thấy mâu thuẫn trong nó." Bây giờ ông ấy muốn biết ý nghĩa của điều này.

Thay vì trao cho ông ấy ý nghĩa,

Triệu Châu gọi to giọng, "Ông trưởng!"

Điều đó phá vỡ tiến trình suy nghĩ của ông ấy, bỗng nhiên đem lại nhận biết.

"Dạ?" Ông trưởng đạo tràng đáp.

"Ông uống chén trà đi!" - thỉnh thoảng ông cũng có chút khả năng nhận biết đấy - Triệu Châu chỉ thị.

Chén trà là biểu tượng của nhận biết. Thiền không tặng cái gì ngoài nhận biết, và thiền tặng nhận biết cho mọi người, không có phân biệt nào. Người đã ở đây, người đã chưa ở đây; người là sư trưởng của đạo tràng - nhưng khi có liên quan tới Triệu Châu, ông ấy chẳng có gì khác để tặng họ ngoại trừ chén trà. Chén trà ngụ ý Triệu Châu chỉ có thể tặng nhận biết, tính quan sát, việc chứng kiến. Chén trà đã trở thành một trong những biểu tượng quan trọng nhất trong giới Thiền.

Cho nên nó không phải là chuyện đùa.

Triệu Châu đã làm điều đó thành rõ ràng cho mọi người, mà không nói gì về Thiền cả, cả ba người có liên quan, rằng "Các ông đã tới với một người chỉ có thể tặng một chén trà; các ông không nên trông đợi điều gì khác. Ta dạy cho các anh nhận biết - còn các anh cả ba đều có khả năng về nó. Ngay cả sư trưởng thỉnh thoảng cũng có khả năng về nó."

Một Thiền sư tương truyền đã nói - vào mọi sáng trong cuộc sống của ông ấy sau chứng ngộ của ông ấy, điều đầu tiên vào buổi sáng ông ấy sẽ nói là, "Osho!" Bởi vì ông ấy đã trở nên chứng ngộ bây giờ, và phải dùng từ mang tính vinh dự...

'Tôn kính' có hơi kém hơn 'Osho'. 'Tôn kính' chỉ có nghĩa là kính trọng; 'Osho' cũng có nghĩa kính trọng, và yêu, và lòng biết ơn. Bạn có thể đã không nghĩ về điều đó - bởi vì mọi người đều không nghĩ về các từ; bằng không thì ý nghĩa lạ sẽ xuất hiện ra từ chúng. Bạn đã bao giờ nghĩ vậy chưa? - 'kính trọng - respect' đơn giản có nghĩa nhìn lại: re-spect, nhìn lại một lần nữa. Nó đơn giản nghĩa là ai đó đẹp tới mức bạn phải nhìn lại, thêm một lần nữa; bạn không thể chỉ cứ đi mà không nhìn lại. Từ điều này, 'tính kính trọng' đã nảy sinh.

Nhưng 'Osho' còn chứa phần tử nào đó thêm nữa: yêu và lòng biết ơn. Nó còn nhiều hơn là 'tôn kính'. 'Tôn kính' là từ Ki tô giáo và được dùng cho các giám mục có học, các nhà truyền giáo, các linh mục. 'Osho' không thể được dịch đúng là 'tôn kính' bởi vì nó chỉ được dùng cho người đã chứng ngộ, không dành cho người có học.

Và Thiền sư này hay gọi mọi buổi sáng, "Osho, ông vẫn còn đó đấy chứ?" Ông ấy tự hỏi mình về sự hiện diện riêng của mình: "Ông vẫn còn đó đấy chứ? Thế thì uống chén trà đi!"

Đệ tử của ông ấy biết rất rõ rằng mọi sáng đây là điều đầu tiên ông ấy sẽ nói với chính mình, cho nên họ chuẩn bị sẵn ấm đun nước, làm nó reo lên. Và họ bảo ông ấy, "Thầy ơi, sao thầy làm điều này?"

Và ông ấy hay nói, "Ta ngạc nhiên là sự tồn tại đã cho ta một ngày nữa. Ta không xứng đáng, ta không xứng với điều đó. Ta đã không làm gì để xứng với một ngày nữa, lại mặt trời mọc nữa, và toàn thể bầu trời, và toàn thể vũ trụ. Ta chỉ muốn chắc chắn rằng ta ở đây. Vũ trụ đẹp đẽ này một ngày nào đó sẽ bị lấy đi khỏi ta."

Và ông ấy hay tự trả lời mình nữa. Trước hết ông ấy sẽ nói, "Osho, ông có đây chứ?"

Và ông ấy sẽ nói, "Vâng thưa ông."

Thế rồi ông ấy sẽ nói, "Thế thì uống chén trà đi!"

Đây là độc thoại. Các đệ tử đã pha chén trà. Họ yêu thầy, họ yêu cách tiếp cận nhỏ bé, đẹp đẽ này với buổi sáng.

Đêm qua rồi - đêm là biểu tượng của đêm mà trong đó phần lớn chúng ta sống cả đời; sáng chưa bao giờ tới.



Chén trà tuyên bố rằng đêm qua rồi, dậy đi! Nhận biết và thấy toàn thể cái đẹp của sự tồn tại. Vũ trụ này đã cho phép bạn thêm một ngày nữa - bạn không thể đòi hỏi, nó là món quà. Một ngày nào đó mặt trời sẽ lên và hoa hồng sẽ nở nhưng bạn sẽ không có đó để mà mở hội cho buổi sáng này. Và không có cách nào mà phàn nàn, điều đó tuyệt đối ở trong tay vũ trụ. Nhưng chúng ta đã không bày tỏ lòng biết ơn của mình ngay cả cho cuộc sống của mình. Bạn có nghĩ rằng có thể có gì còn quí giá hơn cuộc sống, hơn tâm thức không? Và sự tồn tại trao nó cho bạn mà chẳng đòi hỏi đền đáp lại nào. Ít nhất bạn cũng có thể cám ơn chứ. Việc cám ơn này là lời cầu nguyện đích thực duy nhất; tất cả mọi lời cầu nguyện khác đều trẻ con, chúng chẳng là gì ngoài những đòi hỏi được giấu kín.



Vừa hôm nay Anando mới báo cho tôi... Một nhóm các học giả nghiên cứu Ki tô giáo đã làm việc nhiều năm về lời cầu nguyện Chúa - mọi người Ki tô giáo đều phải nói lời cầu nguyện Chúa - và toàn bộ nghiên cứu của họ bây giờ đã được đưa ra công luận. Họ đã thấy rằng trong lời cầu nguyện Chúa, ngoại trừ từ abba, cha, mọi thứ khác đều giả cả. Jesus đã gọi "Abba!" mọi thứ khác đã được những người khác thêm vào.

Hàng triệu người Ki tô giáo sẽ bị choáng váng, và thậm chí sẽ bị choáng váng hơn nữa bởi vì chính các học giả Ki tô giáo đã tìm ra rằng tất cả mọi lời khác trong Lời cầu nguyện Chúa đều đã do người khác thêm vào. Họ có thể không nghe các học giả này - điều có thể nhất là họ sẽ không nghe.

Nhưng khi Anando báo cáo điều đó cho tôi, tôi lại nghĩ rằng chỉ nói , "Abba" - đó là từ Do Thái cho 'cha' - là đủ; lời cầu nguyện là đầy đủ. Chỉ để có mối quan hệ với sự tồn tại trong mối quan hệ yêu thương, gọi sự tồn tại là "Abba," lời cầu nguyện được kết thúc. Bạn còn có thể nói gì hơn được nữa? Bạn đã biểu lộ lòng biết ơn của mình, bạn đã biểu lộ rằng "Ngài là ngọn nguồn của sự hiện hữu của con." Do đó "Abba" là đích xác đúng, nhưng nhiều hơn thế thì lại là bổ sung không bản chất.

Cũng những học giả này, vài tháng trước đây, đã làm một việc nghiên cứu vô cùng và họ đã đe doạ toàn thể Ki tô giáo bằng nghiên cứu của họ. Tôi cứ nghĩ rằng người Ki tô giáo sẽ để ý, nhưng chẳng ai đã để ý gì tới nó. Còn tôi là người không Ki tô giáo, thế mà tôi lại để ý tới nó!

Họ đã đi tới kết luận rằng Jesus không phải là con trai của Mary Đồng trinh, có bố là Thánh thần thiêng liêng. Nói thẳng, ông ấy thực sự là con của Mariam và Joseph. Nhưng để tránh Joseph và để thay thế Joseph bằng Thượng đế, toàn thể chiến lược này đã được sử dụng. Cho nên, làm việc qua những kinh sách cổ họ đã thấy rằng điều này hoàn toàn giả - Jesus không phải là con hoang!

Nhưng kì lạ là những người lãnh đạo Ki tô giáo trên toàn thế giới, thay vì sung sướng rằng Jesus là người con theo kết hôn chính thức, lại bị sốc. Ông ấy phải là con hoang chứ; bằng không thì hòn đá tảng của nền tảng sẽ bị bỏ đi mất. Đó là phép màu thứ nhất, rằng bản thân Thượng đế... bởi vì Thánh thần thiêng liêng và Thượng đế là một.

Đấy chỉ là cái mẹo để nói về Thánh thần thiêng liêng và thế rồi trong câu tiếp lại nói rằng Thánh thần thiêng liêng và Thượng đế là một. Thế thì tại sao lại che dấu Thượng đế đằng sau Thánh thần thiêng liêng? Sao không đem thẳng ông ấy vào vụ làm cho người đàn bà đồng trinh có mang? Điều đó sẽ có vẻ khó xử cho vị trí cao của Thượng đế, cho nên một nhân vật trung gian đã được lôi ra: Thánh thần thiêng liêng.

Nhưng nếu Thánh thần thiêng liêng mà thực sự là cha của Jesus, thế thì Thượng đế nhiều nhất chỉ có thể là bác - nếu ông ấy là anh của Thánh thần thiêng liêng. Điều đó tuỳ thuộc vào việc ông ấy là ai, theo cách ông ấy có quan hệ với Thánh thần thiêng liêng, nhưng một điều là chắc chắn: ông ấy không thể là bố của Jesus được.

Ông giám mục của England lập tức phản ứng, nói "Lí thuyết về Mary Đồng trinh và Thánh thần thiêng liêng là rất nền tảng của Ki tô giáo và chúng ta không thể thay đổi nó được." Nhưng các nhà nghiên cứu riêng của họ lại đang nói rằng đấy chỉ là bịa đặt để làm cho Jesus thành đặc biệt. Mọi người được sinh ra đều từ bố và mẹ của mình, nhưng để làm cho Jesus thành đặc biệt... một anh chàng đáng thương phải được biến thành đứa con hoang! Và đó chính là nền tảng của Ki tô giáo.

Cùng nhóm học giả đó đã tìm ra rằng ngay cả Thượng đế cũng không cần thiết cho Ki tô giáo, vì không có bằng chứng nào về Thượng đế cả. Mà cũng chẳng có bằng chứng ráo gì về Thánh thần thiêng liêng. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là ở chỗ Jesus và việc đóng đinh ông ấy đã xảy ra. Không có bằng chứng nào ngay cả về việc phục sinh của ông ấy. Vấn đề là, bạn có thể tìm ra được ai sẽ trở thành người Ki tô giáo chỉ bởi vì Jesus đã bị đóng đinh không? Toàn thể tôn giáo này bị chấm dứt! Thượng đế bị rút đi, Thánh thần thiêng liêng bị rút ra, việc sinh đồng trinh bị rút ra...

Điều này tạo ra vẻ bề ngoài kì lạ về Ki tô giáo. Những điều này đã tạo nên Ki tô giáo, và chẳng có cái gì trong số chúng lại là điều tinh tuý cho bất kì tính tôn giáo nào.

Và cũng nhóm đó lại làm ra phát biểu rằng tất các mọi phép màu đều giả cả. Thế là giáo hoàng phải nói. Ông ấy nói, "Không có phép màu thì Ki tô giáo sẽ bị chấm dứt. Chúng ta cần phép màu; bằng không có cái gì là khác biệt giữa người thường và đứa con duy nhất của Thượng đế?"

Khác biệt là ở chỗ ông ấy đi trên nước, ông ấy biến nước thành rượu, ông ấy làm cho người chết sống lại, ông ấy chữa bệnh và chữa lành chỉ bằng cách chạm vào mọi người. Và nhóm học giả Ki tô giáo này chắc chắn rất trung thực, rằng tất cả mọi phép màu này phải được thêm vào chỉ để nâng Jesus lên một vị trí đặc biệt, trên nhân loại.

Nhưng không có nhu cầu cho bất kì ai ở trên nhân loại; người ta chỉ phải trở nên nhận biết hơn, người ta phải trở nên nhận biết về con người mình. Chính trong nhận biết đó con người chạm tới điểm cao nhất của tâm thức. Mọi thứ khác không chỉ là trẻ con, mà còn ngớ ngẩn nữa.

Tôn giáo đơn giản là cái tên khác của thiền; bất kì cái gì được thêm vào nó đều tuyệt đối không cần thiết. Nó là cản trở chứ không phải là giúp đỡ.

Cho nên việc Triệu Châu trao chén trà cho mọi người, không có phân biệt nào, đích xác là điều tôi đang làm đây - trao chén trà, nhưng theo cách trực tiếp hơn theo cách biểu tượng. Bởi vì biểu tượng có thể bị hiểu lầm - nó đã bị hiểu lầm. Trong mọi đạo tràng thiền ở Trung Quốc và ở Nhật Bản điều đó đã trở thành một truyền thống.

Một phụ nữ Nhật Bản trẻ hay đến mọi buổi lễ trong cộng đồng ở Mĩ. Mẹ cô ấy rất nổi tiếng về trà đạo. Nó đã trở thành nghề nghiệp; có vài người chuyên môn, chuyên làm trà đạo. Và khi tôi quay lại đây, cô gái ấy bắt đầu tới đây. Thấy rằng tôi sẽ ở lại đây, cô ấy muốn ở lại đây - cô ấy từ chối quay về. Mẹ cô ấy tới... và bà ấy là người phụ nữ nổi tiếng, đã có tiếp xúc nhiều ngay cả với Nhật hoàng.

Bà ấy đem đứa con gái tới tôi, và nói, "Ông bảo con gái tôi quay về Nhật Bản đi!"

Tôi nói, "Bà là người phụ nữ nổi tiếng - bà phải hiểu điều tinh tuý của Thiền chứ. Điều tinh tuý nhất là tự do. Bây giờ điều đó là tuỳ ở cô ấy: nếu cô ấy muốn đi, tôi sẽ không ngăn cản cô ấy; nếu cô ấy không muốn đi, tôi sẽ không bảo cô ấy đi."

Người đàn bà này trở nên cực kì giận dữ - đồng bóng. Tôi nói, "Cái kiểu đồng bóng này chẳng ích gì."

Bà ấy trở nên giận dữ tới mức bà ấy nói, "Ông không phải là phật!"

Tôi nói, "Chỉ bởi vì tôi không bảo con gái bà đi mà tôi mất phật tính của mình! Tôi có thể chấp nhận rằng tôi không là phật nhưng tôi không thể cướp đi tự do của bất kì ai."

Bà ấy rất choáng váng. Bà ấy nói, "Tôi có bao nhiêu mối tiếp xúc, và tôi hứa mở một trung tâm cho ông ở Tokyo."

Tôi nói, "Tất cả những trò hối lộ này chẳng ích gì cả. Việc ở lại đây hay không ở lại đây tuyệt đối là tự do của con gái bà. Mối quan tâm của của tôi không phải là liệu cô ấy ở đây hay cô ấy đi xa."

Bà mẹ này phải đã ép buộc cô ấy - bà ấy là một người đàn bà mạnh mẽ - bà ấy phải đã ép buộc cô bé ba ngày liền, cho nên cô gái tới tôi nói, "Tôi sẽ đi mặc dầu bản thân tôi không muốn. Xin thầy cho tôi một trong các áo choàng của thầy."

Tôi cho cô ấy một trong những chiếc áo choàng của mình và tôi bảo cô ấy, "Đừng lo. Mẹ bạn sẽ thảnh thơi, và đôi khi bà ấy sẽ không phản đối và bạn có thể tới."

Nhưng một lần cô ấy đi mất, người mẹ đã không cho phép cô ấy tới thậm chí vào ngày nghỉ. Cô ấy trốn đi.

Tôi bảo cô ấy, "Điều này là không tốt. Bạn nên bảo mẹ bạn rằng bạn đi; bạn nên biểu lộ tính chính trực của mình. Nhưng như một tên trộm, không nói cho ai, bạn đã đơn giản trốn đi. Bạn sẽ không bao giờ có khả năng tha thứ cho mình. Bạn phải đi tốt hơn, và chừng nào bạn còn chưa có đủ dũng cảm tới với một tuyên bố tuyệt đối về tính cá nhân của mình... và bạn cũng đủ lớn rồi, bạn không là đứa trẻ."

Nhưng tôi mới được biết từ Geeta, cũng là một người Nhật Bản và đã ở đây gần như từ vĩnh hằng - lâu như tôi nhớ tôi đã gặp cô ấy ở đây - cô ấy nói rằng gần một phần ba con gái Nhật Bản bị mẹ họ ngăn cản mãi tận tới lúc lấy chồng. Người mẹ ở Nhật Bản có quyền lực thế - điều tôi chưa bao giờ biết tới. Một phần ba con gái vẫn còn chưa có gia đình chỉ bởi vì người mẹ sẽ không cho phép điều đó.

Cho nên Geeta bảo tôi, "Thầy đang nói về tự do, và thậm chí còn không có tự do để lấy chồng!"

Nhưng con người đang sống với những từ đẹp đẽ: tự do, dân chủ, tình yêu - nhưng tất cả đều là những từ trống rỗng. Văn minh không tồn tại, văn hoá không tồn tại. Không có độc lập trong thế giới này. Kinh nghiệm riêng của tôi đã hoàn toàn là cay đắng. Tự do duy nhất mà tôi biết là khả năng thức tỉnh dậy, và tự do biết tới bản thân mình và gốc rễ của mình trong sự tồn tại. Ngoại trừ điều đó, tất cả đều là những hứa hẹn chính trị sẽ không được thực hiện bao giờ.

Cho nên chỉ vài người mới sống tự do, như Phật Gautam hay Triệu Châu hay Nam Tuyền. Tôi muốn tất cả các bạn đều sống tự do, nhưng tôi phải phân biệt rõ ràng cho bạn. Có hai loại tự do: một là tự do khỏi, và tự do kia là tự do vì. Tự do khỏi thì không khó lắm đâu, nhưng tự do thật là tự do vì - vì sự sáng tạo nào đó, vì yêu nào đó, vì kinh nghiệm nào đó.

Tự do thứ nhất, tự do khỏi, là tiêu cực. Nó chuẩn bị nền tảng, nhưng nó không phải là tất cả.

Tự do thứ hai là cái thực - tự do vì. Việc tạo ra cái ta của bạn, việc khám phá ra phật của bạn, việc khám phá tiềm năng của bạn, việc để thoát ra quyền năng riêng của bạn, việc sống dưới bầu trời với tiếng gầm của sư tử, không sợ cái gì. Nhưng đây là khả năng chỉ cho người đã đạt tới cội nguồn riêng của mình. Đó là điều chúng ta đang cố gắng làm tại chỗ này: cố gắng khám phá ra cội nguồn từ đó bạn có thể có tự do khỏi mọi sự tù túng và vì mọi việc sáng tạo.

Ryushu đã viết:

Tôi quan sát im lặng mây xuân

lớn lên trên bầu trời bao la,

núi xanh và tóc trắng

trên phía đối diện

của bức mành tre;

xa xôi cách trở trời và đất

là mưa bằng hoa trắng,

và tất cả chúng đang rơi

vào mắt một thiền sư.

Chỉ mỗi dòng cuối làm cho cả bài thơ thành cực kì có ý nghĩa. Chỉ mỗi dòng cuối: vào mắt một thiền sư - hàng nghìn bông hoa. Khi bạn đi vào tính chủ thể của mình, bạn không có hai mắt - đó là lí do tại sao, ở Ấn Độ, họ bắt đầu nói về con mắt thứ ba. Đó chỉ là biểu tượng, nhưng nó có ý nghĩa lớn lao: khi bạn đi sâu vào bên trong hơn, hai mắt của bạn hội nhập lại với nhau thành một lực; cái đó trở thành con mắt thứ ba của bạn.

Và trong con mắt thứ ba này, hoa trắng, và tất cả chúng đang rơi vào trong mắt một thiền sư.

Ryushu ngạc nhiên, rằng "Mình là sư nghèo mà biết bao nhiêu cái đẹp cứ rơi, cứ mưa rào lên mình thế."

Thiền thậm chí làm người ăn xin thành hoàng đế. Và không có thiền thì ngay cả hoàng đế cũng chỉ là kẻ ăn xin và không là cái gì hơn thế.

Maneesha đã hỏi:

Osho ơi,

Tôi nghe thầy nói trong khi chúng tôi thiền rằng sự mãnh liệt của nỗ lực của chúng tôi sẽ kéo chúng tôi hướng tới trung tâm của mình. Tôi cũng đã nghe thầy nói rằng các đệ tử tiềm năng bị hút bằng từ trường tới thầy. Liệu có cái tương tự và mối nối giữa hai điều này không?

Maneesha này, chúng không phải là hai điều đâu. Đấy là cùng một năng lượng đem bạn tới gần thầy hơn, và đấy là cùng năng lượng sẽ đem bạn tới gần bản thân mình hơn. Nói cách khác, ở gần hơn với mình là ở gần hơn với thầy. Chúng không phải là hai điều. Thầy là ở trung tâm, và khoảnh khắc bạn đạt tới trung tâm bạn sẽ ngạc nhiên: phật đã đạt tới đó trước bạn.

Mọi thầy đều là phật, và mọi đệ tử đều là phật tiềm năng. Đó là cùng một năng lượng; ở đâu đó nó đã trở nên biểu lộ, ở đâu đó nó vẫn còn ngủ, nhưng không có khác biệt về chất.

Bây giờ đến lúc cho Sardar Gurudayal Singh rồi. Anh chàng đáng thương này phải đợi quá lâu... và anh ấy không trở nên chứng ngộ vì sợ rằng người ta không bao giờ biết chuyện đùa là gì sẽ được kể lại khi anh ấy đã đi rồi. Những chuyện đùa này đang giữ anh ấy lại bờ bên này; bằng không thì anh ấy đã đi qua bờ bên kia từ lâu trước rồi. Anh ấy là người rất cổ đại, giải ngũ khỏi quân đội, nhưng anh ấy sẽ không rời đi chừng nào tôi còn tiếp tục kể chuyện đùa.

Wu, người phục vụ Trung Quốc già tại Nhà hàng Trung Quốc Mye Long Dong bao giờ cũng bị đại tá Wimple và các bạn nối khố của anh ta chòng ghẹo, bất kì khi nào họ tới ăn.

Chung cuộc, một hôm, khi Wu đang phục vụ món tráng miệng và cà phê, thì đại tá Wimple ngửa người ra sau trên chiếc ghế của mình, hút bập bập điếu xì gà lớn, và lớn tiếng công bố, "Nào, Chink! Chúng tôi đã chòng ghẹo ông từ lâu tới giờ. Cho nên tôi đoán từ giờ trở đi chúng tôi sẽ dừng đùa cợt với ông nữa. Ông nói gì nào?"

Người phục vụ già héo hon dừng lại một chốc, rồi bắt đầu nói với nụ cười, "Được thôi Dokie! Các anh không đùa tôi, thì tôi không đái vào cà phê!"

Katie kẻ lang thang ăn thịt người ra khỏi rừng rậm và vào thành phố. Cô ta đi mua bán chút ít và rồi dừng lại tại cửa hàng thịt người.

"Hôm nay óc bao nhiêu?" Katie hỏi.

"Này," Butch, ông làm thịt người, đáp lại vừa trỏ lên giá trưng bày của mình, "óc của nhà truyền giáo mười đô la nửa cân, óc ni cô hai mươi đô la, còn óc chính khách hai trăm đô la."

"Hai trăm đô la?" Katie la lên. "Điều đó không thể được! Làm sao mà họ lại đắt thế?"

"Thế này," Butch giải thích, có vẻ chạm tự ái, "Cô chẳng có ý tưởng nào về việc chúng tôi phải bắt được bao nhiêu chính khách mới tìm được ra một người có óc sao?"

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

(tiếng trống)

Im lặng; nhắm mắt lại. Cảm thấy thân thể bạn hoàn toàn đông cứng. Bây giờ, nhìn vào bên trong - với tính toàn bộ và sự khẩn thiết sâu sắc, cứ dường như đây là khoảnh khắc cuối của bạn.

Đi ngày một sâu hơn... Đem tâm thức bạn như mũi giáo, xuyên thấu vào chính trung tâm của con người.

Không gian này là điều chúng ta gọi là phật; im lặng này là điều chúng ta gọi là phật. Chỉ là nhân chứng, bởi vì phật chỉ là nhân chứng, chỉ là tấm gương. Bạn không là thân thể, bạn không là tâm trí, bạn chỉ là nhân chứng thuần khiết. Tại chính trung tâm của con người bạn... im lặng trống rỗng hoàn toàn.

Để làm điều đó rõ ràng,

Nivedano...

(tiếng trống)

Thảnh thơi, và quan sát im lặng sự siêu việt của bạn lên mọi thứ - thân thể, tâm trí, thế giới. Bạn ở bên ngoài. Bạn là cõi bên kia, tâm thức siêu việt. Vui mừng đi! Hàng nghìn bông hoa kia đã bắt đầu mưa rào lên bạn.

Buổi tối đẹp này đã trở thành một buổi tối rất bí ẩn và huyền bí. Mười nghìn chư phật được hội nhập vào trong tâm thức đại dương. Thính phòng Phật này đã trở thành cái hồ tâm thức, không gợn sóng nào.

Thu lấy thật nhiều kinh nghiệm này, bởi vì chẳng mấy chốc Nivedano sẽ gọi bạn quay lại. Bạn phải mang phật ra chu vi, vào các hoạt động bình thường của bạn, vào công việc thường ngày của bạn. Chúng ta không từ bỏ thế giới này; chúng sẽ ở trong thế giới này vậy mà không cho phép thế giới ở trong chúng ta. Điều này là có thể chỉ nếu bạn là nhân chứng.

Sống như phật. Điều duy nhất cần nhớ là: chỉ là nhân chứng. Nhân chứng là chìa khoá chính. Hàng nghìn thầy đã đi tới cùng kết luận này: rằng việc ở trung tâm, chỉ là nhân chứng, là trở thành phật, người thức tỉnh.Thế rồi, dần dần thuyết phục phật tới cuộc sống đời thường của bạn. Từ cội nguồn ẩn kín, đem ông ấy vào các hoạt động hướng ngoại của bạn.Khi bên trong và bên ngoài trở thành một, phép màu xảy ra.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại, nhưng quay lại như phật - với duyên dáng, với im lặng, với cái đẹp, với lòng biết ơn.

Ngồi im lặng trong vài khoảnh khắc, hân hoan với buổi tối diệu kì này, nhớ lại con đường bạn đã đi tới trung tâm và quay lại. Con đường này phải được đi theo lặp đi lặp lại. Dần dần, cái ở trung tâm cũng sẽ lan toả khắp chu vi bạn.

Ngày đó là ngày lễ hội vĩ đại.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 7Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Osho - Download Sách Osho PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Osho Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post