Read more
Osho kính yêu,
Bài nói cho hội chúng (phần ba)
Đừng nhớ điều ta đã nói, và coi nó là đúng.
Hôm nay ta nói điều này, nhưng thế rồi ngày mai ta sẽ nói điều khác. Ngay khi
ông là vậy, ta không là vậy; khi ông không là vậy, thế thì ta là vậy. Ông sẽ
tìm chỗ trú ngụ của ta ở đâu? Vì bản thân ta thậm chí không biết, làm sao bất
kì ai khác có thể tìm được nơi ta ngụ? Đây là cổng sống: ông có thể vào chỉ khi
ông đặt "thực tại" bịa của ông vào chết. Vậy mà học trò coi bày tỏ
tôn kính với phật, tán thành kinh sách, và tạo kỉ luật cho bản thân họ trong
thân, khẩu và trí, là sự nuôi dưỡng của họ, hi vọng tìm ra việc nhận ra. Điều
này có liên quan gì tới nó? Họ giống như kẻ ngu định đi về phương tây để kiếm
cái gì đó ở phương đông - họ càng đi xa, họ càng ở xa hơn; càng vội, càng chậm.
Đây là cổng của pháp lớn: không ước định, không hoen ố, không hoàn thành. Nếu
ông nảy sinh hơi thoáng một niệm về thu lấy kinh nghiệm về nó, ông đang đi trật
vào hướng đối lập. Làm sao ông có thể hi vọng về nó, mong muốn dựa vào những
hoàn thành nhỏ mọn, giả tạo? Nó không phải là hành động bị ép buộc: Pháp về nền
tảng giống điều này. Đừng lấy việc thích điều diệu dụng của người khác - điều
diệu dụng dẫn sai đường mọi người.
Sáng nay trời mưa đẹp thế.
Ngày mai... người ta không bao
giờ biết; nó có thể nắng, mây có thể đã biến mất.
Sáng nay con chim cúc cu liên tục
hót, ngày mai nó có thể đã mất rồi. Cuộc sống là vậy. Bạn không thể đòi hỏi điều
thường hằng, nhất quán, rằng mọi thứ bao giờ cũng phải vẫn còn như cũ.
Quan sát cuộc sống bạn sẽ đi tới
biết chính bí mật này, và bạn cũng sẽ trở nên nhận biết rằng tâm trí không vận
hành tương ứng với cuộc sống. Tâm trí tin vào nhất quán; nó muốn rằng trời phải
mưa mọi sáng, hệt như nhau. Tâm trí không có khả năng đối phó với cái không biết,
với cái tự phát, với sự tồn tại bao giờ cũng làm mới.
Sự không tương ứng giữa tâm trí
và cuộc sống là toàn thể vấn đề. Hoặc bạn nghe theo tâm trí... thế thì bạn sống
trong khổ, vì cuộc sống sẽ không hoàn thành đòi hỏi của tâm trí. Không được đáp
ứng, khổ, cuộc sống của bạn sẽ trở thành chỉ là tấn thảm kịch kéo dài. Nhưng
không ai khác ngoại trừ bạn chịu trách nhiệm. Bạn đã nghe theo lời khuyên sai:
bạn phải lắng nghe cuộc sống, không nghe tâm trí.
Tâm trí là cái máy nhỏ, tốt cho
chuyện thường ngày, tốt cho bãi chợ, nhưng nếu bạn muốn đi vào trong cái bao la
của sự tồn tại, tâm trí là tuyệt đối không có khả năng. Nhưng bạn đã quen với
tâm trí, và cho dù khi bạn đang tìm kiếm chân lí hay yêu hay nghĩa tối thượng,
bạn liên tục mang tâm trí cũ của bạn, cái tuyệt đối là chướng ngại; nó không
giúp trên đường.
Nếu bạn nghe theo cuộc sống
thay vì tâm trí, mọi sự là rất đơn giản. Bạn không bao giờ nói với cuộc sống, "Mày
mâu thuẫn. Hôm qua đã không mưa và hôm nay trời lại mưa. Hôm qua trời nóng và
hôm nay trời lạnh." Bạn đơn giản chấp nhận cuộc sống khi nó tới - không có
cách khác. Nó là một trong nhưng điều không thể thoát được đó mà Đại Huệ đã nói
trước đây. Nó là không tránh khỏi.
Đứa trẻ sẽ trở thành thanh
niên, thanh niên sẽ trở thành người già, và người già sẽ chết. Con người của hiểu
biết đơn giản chấp nhận toàn thể luồng này, thay đổi, mà không có bất kì chống
cự nào, vì người đó biết đây là cách mọi sự là vậy. Bằng mong đợi của bạn chúng
không thay đổi. Mong đợi của bạn chỉ tạo ra thất vọng cho bạn.
Cả đời mình tôi đã được bảo,
"Thầy đã nói cái gì đó vài năm trước; giờ thầy đang nói cái gì đó khác.
Triết lí của thầy là mâu thuẫn, thầy không nhất quán."
Và họ đã bị ngẩn ngơ khi tôi bảo
họ, "Vâng, bạn đúng. Nhưng điều đó không phải là việc phản đối chống lại
tôi, nó là lời khen ngợi. Nó có nghĩa là triết lí của tôi là trong hoà điệu với
cuộc sống. Nó thay đổi... bầu khí hậu thay đổi, mùa vụ thay đổi. Đôi khi đó là
mùa thu và cây đang đứng trần trụi; nổi trên trời chúng có vẻ đẹp riêng của
chúng. Và đôi khi đó là mùa xuân, và cây xanh rờn với tán lá và sẵn sàng trút
hoa xuống cho bất kì người nào tình cờ ở gần đó. Không lời giới thiệu nào được
cần, không việc làm quen nào được cần; bạn và thù cả hai được đối xử theo cùng
cách."
Từ chính thời thơ ấu của tôi,
tôi đã quan sát dòng sông của làng tôi phình ra trong cơn mưa, trở thành bao la
dường như nó là bản thân đại dương. Vào mùa hè có co lại thành dòng suối nhỏ.
Tôi đã bảo mọi người, "Bạn không bao giờ nói với sông, 'Hành vi của mày là
rất không nhất quán.' Bạn không bao giờ hỏi hoa, bạn không bao giờ hỏi chim, 'Tại
sao mày không hót hôm nay? Cái gì đã xảy ra?' Nhưng bạn liên tục hỏi về các triết
lí, ý thức hệ, liệu chúng có nhất quán hay không."
Thỉnh thoảng, trong một cú, bạn
phải bỏ ý tưởng về nhất quán. Nó là sản phẩm phụ của việc huấn luyện tâm trí bạn.
Tâm trí không thể tồn tại cùng không nhất quán - nhưng cuộc sống là không nhất
quán. Tôi không chịu trách nhiệm cho điều đó, và bạn cũng không chịu trách nhiệm.
Không ai chịu trách nhiệm cho nó; nó đơn giản xảy ra là như vậy. Và nó là đẹp.
Đại Huệ đang đưa ra phát biểu lớn.
Không triết gia nào có thể đưa ra phát biểu như vậy, chỉ nhà huyền bí người đã
gạt tâm trí mình sang bên và nhìn thẳng vào sự tồn tại và trở nên nhận biết về
luồng thay đổi thường hằng của nó. Ngoại trừ thay đổi, mọi thứ đều thay đổi. Thứ
thường hằng duy nhất trên thế giới là thay đổi. Và khoảnh khắc bạn đòi hỏi mọi
sự không thay đổi, bạn đang tạo ra khổ cho bản thân bạn.
Đại Huệ nói, Đừng nhớ điều ta
đã nói, và coi nó là đúng.
Huyền môn không phải là hàn
lâm, nó không phải là trường học bình thường. Nó thuộc vào cõi bên kia, điều tối
thượng và điều huyền bí. Nếu bạn sống cùng thầy sống, bạn phải học điều đó.
Không có nhu cầu nhớ điều thầy đã nói hôm qua. Hôm qua là hôm qua; hôm nay là
hôm nay.
Thầy sống đáp ứng với thực tại
từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc; thầy không bao giờ bận tâm liệu nó là nhất
quán với hôm qua hay không. Mối quan tâm duy nhất của thầy là liệu nó có là thực
cho khoảnh khắc này hay không; liệu đáp ứng của thầy với khoảnh khắc này có là
đích thực hay không. Nếu nó là đích thực, thế thì không có nhu cầu bận tâm điều
thầy đã nói hôm qua hay hôm kia.
Đây là chỗ triết gia và nhà huyền
bí khác nhau. Triết gia vẫn còn nhất quán; họ né tránh không nhất quán. Nỗi sợ
duy nhất của họ là phạm phải sai lầm, nói cái gì đó đi ngược lại cái gì đó họ
đã nói trước đây. Nhưng chỉ bởi vì cái nhất quán này họ vẫn còn vô nhận biết về
điều huyền bí của sự tồn tại, họ vẫn còn bị giới hạn trong tâm trí họ. Họ không
bao giờ đi tới biết mưa, mặt trời, mặt trăng, cây, trẻ con chơi đùa. Toàn thể vở
kịch này của cái đẹp vô cùng bị bỏ lỡ bởi cái gọi là các triết gia.
Nhưng khá kì lạ họ là những người
chi phối tâm trí nhân loại. Có lí do tự nhiên: họ có thể chi phối tâm trí vì
tâm trí thích nhất quán và triết gia là những người nhất quán.
Đại Huệ nói: Đừng nhớ điều ta
đã nói, và coi nó là đúng... Ngày đã trôi qua, phát biểu là lỗi thời. 'Đúng'
thuộc vào hiện tại. Đừng bao giờ so sánh xác chết với người sống; đừng bao giờ
so sánh hoa đã biến mất với hoa đang nở bây giờ, bằng không bạn sẽ lâm vào lẫn
lộn. Đi ra khỏi lẫn lộn đó là rất khó, gần như không thể được. Điều tốt là nhớ
nó từ chính lúc ban đầu: Đừng nhớ điều ta đã nói.
Thầy giáo liên tục nói với học
trò, "Nhớ điều thầy nói với các trò." Chỉ thầy mới có thể nói với đệ
tử, "Quên mọi điều ta đã nói cho ông đi. Khi nó được cần, khi nó là đáp ứng
cho cái gì đó thực tại, nó đã được nói và ông nghe thấy nó, và ông hấp thu nó.
Bây giờ không có nhu cầu nhớ nó. Nó phải trở thành một phần của ông."
Trí nhớ không bao giờ trở thành
một phần của bạn. Đó là lí do tại sao sau đại học, cái gọi là những người được
huân chương vàng, cái gọi là người nhất trường, đơn giản biến mất trong thế giới;
không ai đã bao giờ nghe về họ. Cái gì đã xảy ra? Họ đã là lớn lao thế trong đại
học. Họ đáng phải làm ra cuộc sống xuất sắc bên ngoài đại học; họ đáng phải để
lại dấu ấn trong thế giới; họ đáng phải để lại chữ kí của họ trong cuộc sống.
Nhưng không ai đã bao giờ nghe nói về họ, và lí do là ở chỗ trong đại học trí
nhớ là tất cả. Họ giỏi nhớ thôi.
Trong cuộc sống chỉ riêng trí
nhớ không hữu dụng gì. Trong cuộc sống cái gì đó là hơn, và cái gì đó là tốt
hơn - thông minh, tự phát, trong hài hoà từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc với mọi
thay đổi đang xảy ra - là được cần tới. Người bị mắc kẹt với trí nhớ của mình
rơi xa khỏi cuộc sống. Đó là điều xảy ra cho cái gọi là các học giả. Họ biết
nhiều về kinh sách, nhưng họ không biết gì về cuộc sống.
Đừng nhớ điều ta đã nói, và coi
nó là đúng. Hôm nay ta nói điều này... vì hôm nay là hôm nay. Nó không bao giờ
có trước đây, và nó sẽ không bao giờ có lần nữa. Nó là tuyệt đối mới và tươi tắn.
Nó không là lặp lại, nó cũng không là liên tục. Cuộc sống cứ nhảy từ khoảnh khắc
sang khoảnh khắc một cách đột ngột.
Bạn có thấy mưa này không? Một
cách đột ngột nó bắt đầu, một cách đột ngột nó ngớt đi, một cách đột ngột nó trở
nên mãnh liệt và chẳng bởi lí do nào nó trở thành lại dịu đi.
Hôm nay ta nói điều này, nhưng
thế rồi ngày mai ta sẽ nói điều khác. Đại Huệ biết một điều chắc chắn: ngày mai
sẽ không là cùng ngày. Một cách tự nhiên ông ấy có thể nói với tự tin, ngày mai
ta sẽ nói điều khác..." và nếu bạn liên tục thu tập điều tôi nói, bạn sẽ
trở nên phân vân. Bạn sẽ bắt đầu tự hỏi cái gì là đúng và cái gì là sai."
Khi có liên quan tới nhà huyền
bí, các phát biểu của họ không được xem xét theo cách bạn xem xét các phát biểu
của triết gia. Bạn phải nhìn vào nhà huyền bí; phát biểu của ông ấy chỉ là những
đáp ứng với cuộc sống thay đổi. Bạn phải nhìn điều nhà huyền bí bao giờ cũng hiện
hữu trong khoảnh khắc này; ông ấy không bao giờ nhìn lại sau, ông ấy không bao
giờ nhìn lên trước. Việc cảm điều này sẽ mang bạn tới gần nhà huyền môn hơn.
Tôi đã nghe một câu chuyện cổ...
Một người say đi trong đêm, sau khi đã hoàn toàn say, tới cửa hàng bánh kẹo và
anh ta mua một số kẹo. Anh ta trả tờ mười ru pi, nhưng chủ tiệm nói "Tôi
không có tiền trả lại. Ngày mai ông có thể tới lấy số ru pi còn lại; ngay bây
giờ tôi không có tiền lẻ. Hoặc ông có thể giữ lại tờ mười ru pi của ông và ngày
mai ông có thể trả, hoặc ông có thể để lại mười ru pi và ngày mai ông có thể lấy
lại tiền trả lại."
Người say nói, "Tôi không
trong trạng thái tỉnh; tôi có thể quên mất tờ mười ru pi đó. Ông giữ lấy nó đi.
Ngày mai tôi sẽ lấy lại chúng."
Nhưng trong cơn say - lẫn lộn
và phiền muộn - dầu vậy anh ta nghĩ, "Mình phải nhớ đích xác tên cửa hiệu,
mặt của người này, đích xác chỗ này là đâu vì sáng mai mình sẽ không say và
mình sẽ phải nhớ. Mình phải làm cái gì đó đặc biệt để làm dấu hiệu để cho người
này không thể lừa mình."
Anh ta nhìn quanh. Anh ta không
thấy cái gì ngoại trừ con bò đực đang nằm trước cửa tiệm. Anh ta nói, "Cái
đó là được rồi. Người này không thể đổi dấu hiện này; ngày mai bố hay anh của
anh ta có thể đứng đó và họ có thể đơn giản từ chối, nói, 'Anh chưa bao giờ tới
đêm qua' - nhưng họ sẽ không nghĩ về con bò đực đang nằm yên lặng thế."
Anh ra ra về một cách hạnh
phúc, và sáng hôm sau anh tới lấy lại tiền. Nhưng con bò đực lại nằm trước cửa
hàng ông thợ cắt tóc. Người say nói, "Trời! Chỉ vì vài đồng ru pi mà ông
đã đổi biển hiệu; ông đã đổi ngay cả nghề của ông - ông đã trở thành thợ cắt
tóc chỉ vì mấy đồng ru pi!"
Thợ cắt tóc nói, "Anh nói
điều vô nghĩa gì vậy! Tôi bao giờ cũng là thợ cắt tóc."
Người say nói, "Ông không
thể lừa được tôi đâu. Trông con bò đực kia; nó vẫn nằm yên lặng ở chỗ tôi đã rời
khỏi nó đêm qua."
Người say đã cư xử giống như
triết gia, tìm sự nhất quán nào đó. Thực tại là khác. Con bò đực có thể đổi chỗ;
không có bắt buộc nào để nó nằm liên tục trước tiệm kẹo - nó có thể nằm ở bất
kì chỗ nào. Cuộc sống liên tục thay đổi.
Nhà huyền bí cam kết với cuộc sống,
không với phát biểu của riêng mình. Những phát biểu đó là báo cũ. Người đó vẫn
còn tỉnh táo từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc và người đó vẫn còn tỉnh táo với đệ
tử, những thay đổi của anh ta. Câu hỏi của bạn có thể vẫn như cũ, nhưng thầy có
thể trả lời khác đi vì bạn không như cũ. Và câu hỏi là không quan trọng; bạn là
quan trọng.
Ngay khi ông là vậy, ta không
là vậy... Sống với thầy người ta phải linh động, không giáo điều. Bất kì cái gì
thầy nói đều không là phát biểu tối thượng - không phát biểu nào có thể là tối
thượng. Cho nên đừng lấy nó làm câu trả lời tối thượng, vì ngày mai thầy sẽ
thay đổi và thế thì bạn sẽ trong khó khăn.
Tâm trí bạn muốn vẫn còn với
quá khứ vì nó đã trở nên quen thuộc, quen với phát biểu cũ. Bây giờ phát biểu mới
này quấy rối tâm trí và việc tìm kiếm thường xuyên về nhất quán của nó.
Đại Huệ nói, Ngay khi ông là vậy,
ta không là vậy; khi ông không là vậy, thế thì ta là vậy. Ông sẽ tìm chỗ trú ngụ
của ta ở đâu? Vì bản thân ta thậm chí không biết, làm sao bất kì ai khác có thể
tìm được nơi ta ngụ?
Nhà huyền bí không có triết lí
như thế. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng ở Ấn Độ chúng ta không có bất kì từ nào
tương đương với triết lí. Từ mà Ấn Độ đã dùng trong nhiều thế kỉ và nó bây giờ
đã trở thành đồng nghĩa với triết lí là darshan.
Darshan có nghĩa khác toàn bộ.
Darshan nghĩa là sự sáng tỏ của cách nhìn, khả năng thấy; nó không liên quan gì
tới triết lí. Triết lí theo nghĩa đen ngụ ý tình yêu tri thức, yêu trí huệ.
Darshan nghĩa là thấy thực tại và đáp ứng tương ứng. Triết lí là của tâm trí,
darshan là của thiền.
Đây là cổng sống... hiểu biết
này rằng cuộc sống đang thay đổi, bạn đang thay đổi, mọi thứ đang thay đổi. Đừng
níu bám lấy bất kì cái gì, đừng là người cuồng tín; đừng là người Ki tô giáo
chính thống, đừng là người Hindu. Làm sao bạn có thể là người Hindu được? Năm
nghìn năm trước kinh sách của bạn đã được viết ra; trong năm nghìn năm con bò đực
đã di chuyển rồi! Bò đực là không thể dự đoán được, chúng là con vật đẹp, rất tự
do. Và bạn vẫn ôm giữ kinh sách chết, và nghĩ bạn là người Hindu, bạn là người
Mô ha mét giáo, bạn là người Ki tô giáo, bạn là người cộng sản.
Thuộc về quá khứ - cho dù quá
khứ gần nhất, hôm qua - là cách tiếp cận sai. Không thuộc vào bất kì cái gì
nhưng vẫn còn sẵn có cho bất kì cái gì cuộc sống mang tới cho bạn - đây là cổng
sống. Thế thì mọi khoảnh khắc đều là sự háo hức và mọi khoảnh khắc đều là khám
phá và mọi khoảnh khắc đều là thách thức. Mọi khoảnh khắc bạn phải trưởng thành
vì bạn phải học đáp ứng theo cách bạn chưa bao giờ đáp ứng. Bạn trở nên chín chắn.
Mọi người cuồng tín, người
chính thống, người phát xít vẫn còn trì trệ. Họ đang sống trong quá khứ, cái
không còn nữa. Họ hoàn toàn mù khi có liên quan tới thực tại. Họ liên tục thấy
những thứ đã biến mất khỏi khung cảnh, và họ không có khả năng... họ thực sự né
tránh điều đã trở thành thực.
Ông có thể vào chỉ khi ông đặt
"thực tại" bịa của ông vào chết. Chừng nào bạn chưa học nghệ thuật của
việc chết đi mọi khoảnh khắc của quá khứ, bạn không thực sự sống. Quá khứ liên
tục trở nên ngày càng nặng nề hơn, vì quá khứ tăng lên mọi ngày. Và tương lai của
bạn là mỏng mảnh, nhỏ tới mức quá khứ không cho phép bạn sống trong hiện tại.
Nó kéo bạn về sau.
Cứ dường như bạn, là người
chính thống, liên tục khăng khăng, "Tôi sẽ tiếp tục dùng quần lót của tôi
từ thời thơ ấu." Bạn sẽ là hiện tượng...!
Tôi đã nghe về một người đã đặt
thợ may làm một bộ com lê đẹp cho anh ta. Anh ta sắp đi tới lễ cưới trong vài
ngày, "Cho nên làm nó thực đẹp vào." Bộ com lê được làm, người này thử
nó và anh ta không thể nào tin được điều đó: một tay áo choàng quá dài, tay kia
quá ngắn; một chân quần thì dài, chân quần kia lại ngắn. Anh ta nói, "Ông
đã làm cái loại com lê gì thế này?"
Thợ may nói, "Không cái gì
sai với nó. Tay áo mà ngắn... ông chỉ việc kéo tay ông bên trong lên!"
Anh ta nói, "Đây là việc
khó rồi, liên tục giữ tay được kéo lên bên trong. Và với tay kia thì sao?"
The tailor said, "Ông thò
tay ra ngoài, và ông phải làm cùng điều đó với chân ông."
Bạn có thể hình dung... và thợ
may nói, "Nó là bộ com lê đẹp thế. Tôi đã làm việc ngày đêm với nó, còn
ông cứ phàn nàn về những thứ nhỏ nhặt!"
Thế là anh chàng đáng thương đi
ra. Một đôi đi qua và người đàn bà nói, "Nhìn anh chàng đáng thương kia.
Anh ta dường như bị tê liệt hay bị què. Cái gì đã xảy ra cho anh ta? Một tay
thì ngắn, một tay thì dài, và cách anh ta bước đi...!"
Nhưng người đàn ông nói,
"Quên anh ta đi, nhìn vào bộ com lê ấy; nó thực sự đẹp. Và thợ may có thể
làm được gì? - nếu người này thích điều đó, thợ may đã làm tốt nhất mà ông ấy
có thể làm được."
Gần như mọi người trên thế giới
- người Ki tô giáo, người Hindu, người Jaina, Phật tử, người Mô ha mét giáo,
người Do Thái - tất cả họ đều đang mặc bộ áo khoác và chịu khổ mênh mông. Một
tay phải được kéo lên bên trong, tay kia phải được kéo ra ngoài. Con người là
không quan trọng, nhưng học thuyết, triết lí, ý thức hệ là quan trọng. Chúng
không dành cho người, nhưng người dành cho chúng; người phải khớp tương ứng.
Mọi ý tưởng tới từ quá khứ đều
làm què quặt tâm thức bạn. Bạn phải học nghệ thuật chết đi mọi thứ đã trôi qua,
để cho bạn có thể sống trong hiện tại với tính toàn bộ, không gánh nặng nào. Và
khi hiện tại chuyển đi, bạn cũng chuyển đi, vì bây giờ hiện tại đang trở thành
quá khứ - làm chết nó đi.
Bao giờ cũng nhớ rằng cái tươi
tắn, cái hiện tại phải được sống một cách toàn bộ, và bất kì cái gì cản trở phải
bị bỏ đi. Đừng bận tâm về việc là nhất quán; bằng không để nhất quán bạn sẽ phải
mặc cả đời bạn bộ quần lót mà bạn đã mặc thời thơ ấu. Thế thì bạn không thể là
không nhất quán; bạn phải là nhất quán, dù bạn khổ thế nào - và bạn sẽ khổ. Cả
đời bạn sẽ bị phá huỷ bởi bộ đồ lót quá nhỏ. Bạn không thể bước đi được, bạn
không thể ngồi được, bạn không thể nói được; bạn bao giờ cũng phải xem xét tới
bộ đồ lót. Nhưng mọi người đều ở trong cùng vị trí tâm lí.
Cổng vàng của Đại Huệ chắc chắn
là cổng vàng. Ông có thể vào chỉ khi ông đặt "thực tại" bịa của ông
vào chết. Vậy mà học trò coi bày tỏ tôn kính với phật, tán thành kinh sách, và
tạo kỉ luật cho bản thân họ trong thân, khẩu và trí, là sự nuôi dưỡng của họ,
hi vọng tìm ra việc nhận ra. Điều này có liên quan gì tới nó? Họ giống như kẻ
ngu định đi về phương tây để kiếm cái gì đó ở phương đông - họ càng đi, họ càng
xa hơn; càng vội, càng chậm.
Vài điều ông ấy đã nói... Thứ
nhất, vẫn còn tươi tắn và sạch sẽ; liên tục bỏ đi bụi bặm, thứ tự nhiên tụ lại
khi thời gian trôi qua.
Có lần một Thiền sư, Lâm Tế, bị
thầy của riêng mình phái sang một thầy khác. Đây đã từng là truyền thống trong
Thiền, rằng đôi khi các thầy phái đệ tử của họ sang thầy khác chỉ để cho họ
không trở nên quen thuộc với cách thức nào đó, phong cách nào đó; họ không trở
thành cố định, họ vẫn còn linh động. Một cách tự nhiên thầy khác sẽ có phong
cách khác - và các Thiền sư là những người rất duy nhất.
Đệ tử này đi sang thầy khác, và
anh ta rất phân vân. Điều anh ta nghe thấy ở đó là gần như mâu thuẫn với điều
anh ta đã từng nghe từ thầy riêng của mình. Anh ta hỏi thầy mới, "Tôi sẽ
làm gì đây? Tôi đã tới từ một thầy - thầy đã gửi tôi tới - và tôi đã trở nên
quen với cách sống nào đó, cách nghĩ nào đó, và ở đây mọi sự là khác toàn bộ."
Thầy nói, "Quên thầy cũ của
ông đi và quên mọi điều ông đã học ở đó. Một trong những nguyên tắc lớn nhất của
việc học là nghệ thuật quên. Ông đã nghe nói rằng học là nghệ thuật nhớ, nhưng
ông có thể nhớ cái mới chỉ nếu ông quên cái cũ. Cho nên quên cái cũ đi! Khi ông
ở đây, hiện hữu ở đây thôi!"
Sau một hay hai năm người đó trở
nên quen với thầy mới, và khi người đó trở nên ngày càng quen thuộc hơn, thảnh
thơi, và xung đột đã biến mất, thầy nói, "Giờ ông trở lại với thầy cũ của
ông."
Đệ tử này nói, "Đây là điều
lạ kì. Tôi mất hai năm để quên thầy kia, và giờ lại quay lại..."
Thầy nói, "Ông sẽ không thấy
cùng người đó đâu, vì trong hai năm ông ấy phải đã thay đổi rồi."
Đệ tử nói, "Đây là điều rất
khó. Nếu thầy đã thay đổi, thế thì tôi sẽ phải học lại. Tôi sẽ phải quên thầy."
Thầy nói, "Hiển nhiên rồi!
Đó là toàn thể chủ định của việc trao đổi đệ tử - để cho họ trở nên linh hoạt
và ngày càng có khả năng làm chết đi cái cũ và bao giờ cũng phục sinh bản thân
họ trong cái mới."
Khi đệ tử nào về tới, anh ta ngạc
nhiên: mọi thứ đã thay đổi. Và anh ta nói với thầy cũ của mình, "Bây giờ điều
đó sẽ là rất khó cho tôi. Đầu tiên, tôi đã trở nên quen với phong cách cũ của
thầy; khi tôi được lắng đọng thầy đã quấy rối tôi, thầy phái tôi sang người
khác. Khi tôi đã lắng đọng ở đó, người đó ném tôi trở lại với thầy. Tôi đã hi vọng
sâu trong tâm tôi rằng có lẽ sẽ không là vấn đề khó để quay lại theo phong cách
cũ mà tôi đã sống, nhưng thầy đã thay đổi. Thầy đang nói những điều mà thầy
chưa bai giờ nói trước đây; thầy đang làm những thứ mà thầy chưa bao giờ làm
trước đây. Thầy có vẻ gần như người khác rồi. Tôi sẽ phải làm gì?"
Thầy nói, "Quên mọi điều
đó đi... cả thầy cũ của ông và thầy mới của ông. Bây giờ ông ở đây với ta. Ta
không là cùng người đó, mặc dầu ta có vẻ là cùng người đó. Bao nhiêu nước đã
trôi xuôi theo sông Hằng..."
Tôi nhớ tới ông già Heraclitus,
người có phát biểu đã không được coi là mấy nghiêm chỉnh theo truyền thống Hi Lạp
về triết lí vì ông ấy đi ngược lại toàn thể trào lưu. Ông ấy là duy nhất và một
mình. Ông ấy nói, "Ông không thể bước vào trong cùng dòng sông hai lần,"
vì sông thường xuyên chảy.
Nếu như tôi bao giờ gặp
Heraclitus - và tôi nghĩ tôi sẽ gặp ông ấy một ngày nào đó, vì trong cái vĩnh hằng
này mọi người nhất định loạng choạng gặp đi gặp lại những anh chàng cũ - tôi sẽ
bảo ông ấy, "Đổi phát biểu của ông đi. Nó đã là vĩ đại khi ông nói nó,
nhưng nó có nhược điểm trong nó. Ông nói, 'Ông không thể bước vào trong cùng
dòng sông hai lần.' Tôi muốn ông nói, 'Ông không thể bước vào cùng dòng sông
ngay cả một lần' - vì ngay cả khi ông đang bước vào, sông đang chảy. Khi chân
ông chạm dòng sông, nước bên dưới đang chảy; khi chân ông ở lưng chừng, nước
trên và dưới nó đang chảy; khi chân ông chạm đáy, mọi thứ trên nó đang chảy...
ông không thể đi vào trong cùng dòng sông ngay cả một lần!"
Và bản chất cuộc sống là vậy. Mọi
thứ liên tục làm mới bản thân nó; chỉ tâm trí là thứ chết, nó vẫn còn như cũ.
Do đó tâm trí không vang vọng với cuộc sống. Nếu tâm trí là người Ki tô giáo
hay người Hindu hay người Mô ha mét giáo, nó là cố định, nó là hoá thạch, nó là
chết. Nó không thể sống trong hiện tại; nó vẫn tìm kiếm câu trả lời trong tro của
xác thiêu mà không có bất kì sự sống nào nữa.
Cổng vàng là sẵn có cho những
người bao giờ cũng sống động với cái mới, và người là mở - và một cách vui vẻ,
không ngần ngại - người hạnh phúc bỏ đi quá khứ và vẫn còn không bị nặng gánh.
Và điều thứ hai Đại Huệ nói là ở
chỗ toàn thể cuộc sống của bạn đang di chuyển hướng tới tương lai, và toàn thể
tâm trí bạn đang di chuyển hướng tới quá khứ. Bạn đang trong phân đôi; bạn đang
trong xung đột rất kì lạ, dường như một chân đi về sau và một chân tiến lên trước.
Bạn nhất định chịu đựng phiền não vô cùng. Bạn không thể đi lùi lại, bạn cũng
không thể tiến lên; bạn sẽ vẫn còn bị mắc kẹt, bạn sẽ trở nên bị tê liệt.
Như tôi thấy nó, mọi người cuồng
tín đều là người bị tê liệt. Họ nghĩ họ là những người tin, họ nghĩ họ là người
trung thành, nhưng thực tại tâm lí của họ bị tê liệt. Họ không có bất kì tiếp
xúc nào với nguồn sống bao quanh họ; họ không đương đại. Rất hiếm khi tìm ra
người đương đại. Ai đó đã đi tới dấu chấm hết một nghìn năm trước. Người đó vẫn
còn treo đó với Hazrat Mohammed, với Jesus Christ, với Krishna, với Phật - và sự
sống đã rời bỏ mọi chỗ đó.
Sự sống là ở đây, chính khoảnh
khắc này.
Và Đại Huệ nêu ra một phát biểu
rất có ý nghĩa: họ càng đi xa, họ càng ở xa hơn - vì nếu bạn đang đi ngược lại
sau và cuộc sống đi lên trước, bạn sẽ trở nên ngày càng xa hơn khỏi thực tại.
Càng vội, càng chậm... vội vàng theo hướng sai là nguy hiểm!
Tôi đã nghe... Ba giáo sư đang
đứng trên sân ga. Tầu hoả đã sẵn sàng... và họ trở nên bị thu hút vào trong thảo
luận. Một người ra đi, hai người kia tới để chào tạm biệt người này. Đột nhiên
tầu hoả hú còi, người gác căng cờ, nhưng họ bị thu hút vào thảo luận tới mức họ
không nghe thấy cái gì. Chỉ khi khoang cuối cùng của tầu hoả rời khỏi sân ga, họ
mới thấy nó. Tất cả họ chạy theo... hai người có thể leo lên được tàu, người thứ
ba bị bỏ lại sau.
Một người khuân vác nhìn thấy
toàn thể sự việc. Anh ta tới người này và nói, "Thật buồn là ông lỡ tầu."
Ông giáo sư nói, "Ông
không biết câu chuyện thực. Hai anh chàng kia đã tới để tạm biệt tôi, nhưng
trong vội vã họ đã nhảy vào con tàu đi theo hướng sai!"
Càng vội, càng chậm. Người ta
phải rất rõ ràng về chiều hướng của mình. Hướng có thể hoặc là đi về quá khứ...
đó là hướng của đa số nhân loại. Thời vàng của họ đã trôi qua. Một phần nhỏ
nhân loại, thiểu số, có cổng vàng của mình trong tương lai: người cộng sản, người
xã hội, người theo Fabians và đủ mọi loại người vô chính phủ đang hi vọng rằng
thời đại vàng đang sắp tới trong tương lai.
Nhưng quá khứ không còn nữa và
tương lai thì chưa có: cả hai đang chuyển động không cần thiết theo các hướng
không tồn tại. Người thì đã quen tồn tại, và người thì thậm chí đã không bắt đầu
tồn tại.
Người đúng duy nhất là người sống
từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, người có mũi tên hướng vào khoảnh khắc này,
người bao giờ cũng ở đây và bây giờ; bất kì chỗ nào người đó hiện hữu, toàn thể
tâm thức của người đó, toàn thể bản thể người đó, đều được tham gia vào trong
thực tại của ở đây và trong thực tại của bây giờ. Đó là hướng đúng duy nhất. Chỉ
người như vậy mới có thể đi vào trong cổng vàng.
Hiện tại là cổng vàng.
Ở đây bây giờ là cổng vàng.
Đây là cổng của pháp lớn: không
ước định, không hoen ố, không hoàn thành. Nếu ông nảy sinh hơi thoáng một niệm
về thu lấy kinh nghiệm về nó, ông đang đi trật vào hướng đối lập.
Ông ấy đang đưa ra những phát
biểu rất có ý nghĩa. Thứ nhất, hiện tại là cổng vàng, và bạn có thể ở trong hiện
tại chỉ nếu bạn không tham vọng - không hoàn thành, không ham muốn đạt tới quyền,
tiền, danh, thậm chí chứng ngộ, vì mọi tham vọng đều dẫn bạn vào trong tương
lai. Chỉ người không tham vọng mới có thể vẫn còn trong hiện tại.
Thứ hai, Nếu ông nảy sinh hơi
thoáng một niệm về thu lấy kinh nghiệm về nó, ông đang đi trật vào hướng đối lập..
Nếu bạn đang nghĩ tới thu lấy kinh nghiệm của khoảnh khắc hiện tại, bạn đã bỏ lỡ
vấn đề rồi - vì khoảnh khắc hiện tại là nhỏ tới mức nếu bạn bắt đầu nghĩ về có
kinh nghiệm nào đó, bạn đã đi vào trong tâm trí. Suy nghĩ, suy tư... và trong
khi đó khoảnh khắc hiện tại đang trượt qua.
Người muốn ở trong hiện tại phải
không nghĩ, phải chỉ nhìn và đi vào cổng. Kinh nghiệm sẽ tới, nhưng kinh nghiệm
phải không được dự tính trước.
Làm sao ông có thể hi vọng về
nó, mong muốn dựa vào những hoàn thành nhỏ mọn, giả tạo? Nó không phải là hành
động bị ép buộc
Bạn không thể ép buộc bản thân
bạn ở trong hiện tại; nó bắt nguồn từ hiểu biết, không từ ép buộc. Bạn phải đơn
giản thấy rằng quá khứ không có đó. Bạn phải đơn giản hiểu rằng tương lại còn
chưa tới. Và giữa hai điều này là cổng vàng nhỏ.
Đi vào trong nó mà không suy
nghĩ, không ham muốn, không có tâm trí đạt tới - chỉ để thám hiểm, chỉ để xem
cái gì được ẩn giấu trong hiện tại. Một cách hồn nhiên, hệt như đứa trẻ, đi vào
trong nó.
Nó không phải là hành động bị
ép buộc: Pháp về nền tảng giống điều này. Đừng lấy việc thích điều diệu dụng của
người khác - điều diệu dụng dẫn sai đường mọi người.
Và phát biểu cuối là: đừng bắt
đầu suy nghĩ về người khác, và hoàn thành của họ là gì.
Một người tới Ramakrishna. Ông
ta đã ở trong Himalayas một thời gian dài; ông ta đã nghe nói về Ramakrishna và
ông ta tới gặp ông ấy. Ramakrishna đang ngồi dưới cây bên cạnh sông Hằng, gần
Calcutta, nơi ông ấy thường sống. Người này nhìn Ramakrishna; ông ta nghĩ rằng
ông ấy chắc là một người rất kì diệu - nhưng ông ấy là dân làng đơn giản, vô
giáo dục, rất khiêm tốn.
Cho nên người đã từng ở trong
Himalayas thực hành yoga nói, "Tôi đã tới từ nơi xa và tôi rất vỡ mộng khi
thấy ông. Ông có vẻ tuyệt đối bình thường."
Ramakrishna nói, "Ông đúng
rồi. Tôi tuyệt đối bình thường. Làm sao tôi có thể phục vụ được ông người đã tới
từ xa thế?"
Ông ta nói, "Không có vấn
đề về phục vụ. Ông có nhiều người đi theo thế - vì lí do gì? Ông có thể bước đi
trên nước không? Tôi có thể làm được đấy."
Ramakrishna nói, "Ông mệt
rồi. Ngồi chút đi, và thế rồi nếu ông muốn bước trên nước chúng tôi sẽ tận hưởng
điều đó đấy. Ông mất bao lâu để học nghệ thuật đi trên nước vậy?"
Người này nói, "Gần hai
mươi năm."
Ramakrishna cười. Ông ấy nói,
"Ông phí thời gian cuộc đời ông rồi. Vấn đề là gì ngay chỗ đầu tiên? Khi
tôi muốn đi sang bờ bên kia" - giá bình thường thời đó là hai xu -
"vì tôi là người nghèo và mọi người yêu mến tôi, họ thậm chí sẽ không đưa
tôi sang bờ bên kia nếu tôi khăng khăng trả cho họ hai xu. Họ từ chối. Họ nói,
'Nếu thầy muốn đi, đừng nói về tiền. Thầy có thể tới và chúng tôi sẽ cảm thấy
được ân huệ. Được ở cùng thầy trong khi chúng ta đi ngang qua sông Hằng là đủ rồi.'
Cho nên cái gì đó mà chỉ tốn hai xu... ông phí hai mươi năm để đạt tới nó sao?
Ông làm tôi ngạc nhiên."
Người này lúc đầu ngẩn người
ra, nhưng thế rồi ông ta nhận ra rằng điều Ramakrishna nói là đúng: "Vấn đề
là gì? - Mình đã trở thành người quảng cáo. Hai mươi năm này... gần một phần ba
đời mình bị phí hoài. Và thành tựu của mình là gì?"
Đại Huệ nói, Đừng lấy việc
thích điều diệu dụng của người khác - điều diệu dụng dẫn sai đường mọi người.
Cổng vàng là mở cho những người
đơn giản, người khiêm tốn, người gần như là không ai cả, người không có thành tựu
lớn nào để tuyên bố cho thế giới, người không mang phần thưởng và giải thưởng
Nobel, người không có gì để ba hoa... người chỉ là đơn giản như chim, như cây.
Có lẽ bạn không bao giờ nghĩ về
điều đó, rằng toàn thể sự tồn tại, cây, mây, núi, sao, tất cả đều khiêm tốn. Không
có kiêu căng ở bất kì chỗ nào. Chỉ người hiểu bí mật của việc là không ai cả mới
có thể đi vào trong cổng hẹp này.
Cổng là rất hẹp; nếu bạn là ai
đó, bạn không thể đi vào trong nó được. Bạn phải là gần như hư không, chỉ thế
thì cổng của hiện tại mới là sẵn có cho bạn. Bạn phải là vô ngã, không cái gì để
tuyên bố, chỉ là bình thường như nước mưa hay cây im lặng, là hồn nhiên như đứa
trẻ được sinh ra. Người đó nhìn khắp xung quanh, người đó ý thức, nhưng người
đó không có tuyên bố. Người đó hiện hữu, nhưng người đó không có căn cước. Người
đó không nói, "Tôi là cái này, tôi là cái kia"; người đó không mang
chứng chỉ và bằng cấp và quyền năng huyền bí.
Nó đã là một trong những điều
có ý nghĩa nhất rằng mặc dầu bạn nghe nhà truyền giáo Ki tô giáo và giám mục Ki
tô giáo nói về phép màu của Jesus, bạn không bao giờ nghe nói bất kì cái gì như
điều nói về Phật Gautam, về Mahavira, về Ramakrishna. Thực ra, nếu bạn lấy đi mọi
phép màu của Jesus mà người Ki tô giáo liên tục ba hoa, điều toàn là hư cấu...
nếu tất cả chúng bị bỏ ra, không cái gì sẽ còn lại trong Jesus.
Nhưng Phật Gautam không có phép
màu. Ông ấy không bao giờ bước đi trên nước và ông ấy không bao giờ gọi bất kì
ai về từ người chết; ông ấy không bao giờ chữa cho bất kì người nào khỏi bệnh,
ông ấy đã không biến nước thành rượu - ông ấy đã không làm cái gì. Bạn không thể
phá huỷ được ông ấy. Sự vĩ đại của ông ấy không ở trong hành động của ông ấy mà
trong sự hiện diện của ông ấy. Sự vĩ đại của ông ấy không ở trong phép màu mà ở
trong im lặng của ông ấy, trong khiêm tốn của ông ấy.
Tôi không nghĩ rằng Christ đã
bao giờ bước đi trên nước - không người thông minh nào sẽ làm điều đó - nhưng
những câu chuyện này là hư cấu do các đệ tử tạo ra. Không một kinh sách Do Thái
nào nhắc tới điều đó; họ thậm chí không nhắc tới cái tên Jesus. Bạn có thể nghĩ
rằng nếu một người ngày nay bước đi trên nước, gọi người chết trở về, biến nước
thành rượu và những thứ như thế điều đó sẽ không được tường trình như dòng tiêu
đề lớn trên mọi báo chí của thế giới sao?
Nhưng không một lời nhắc tới
cái tên Jesus được thấy trong bất kì kinh sách Do Thái nào. Và ông ấy là người
Do Thái, nhớ lấy, ông ấy không phải là người Ki tô giáo; ông ấy chưa bao giờ
nghe thấy cái tên Ki tô giáo. Ông ấy đã được sinh ra là người Do Thái, ông ấy
đã sống là người Do Thái, ông ấy đã chết là người Do Thái. Một người con trai
Do Thái - ông ấy chỉ ba mươi ba khi ông ấy bị đóng đinh - làm các phép màu như
vậy, điều không thể quan niệm được là ông ấy đã không được nhắc tới trong sử
biên niên nào đó bởi ai đó. Không thể nào quan niệm được rằng một người Do Thái
làm phép màu vĩ dại thế phải bị đóng đinh. Và ông ấy đã không nói bất kì cái gì
chống lại Do Thái giáo; thực ra mọi điều ông ấy tuyên bố là, "Ta là đấng cứu
thế Do Thái được chờ đợi từ lâu."
Phật Gautam đã phê bình mọi thứ
trong Hindu giáo. Nếu người Hindus mà đóng đinh ông ấy, dường như có biện minh
nào đó. Nhưng Jesus đã không phê bình bất kì cái gì; ngược lại, ông ấy đã tuyên
bố bản thân ông ấy là nhà tiên tri Do Thái mà theo đó người Do Thái đã từng chờ
đợi từ thời của Moses - "Ngài sẽ tới và giải thoát chúng ta." Và nếu
người này đã bước đi trên nước, đưa người chết trở về, điều này phải đã chứng
minh rằng ông ấy là đấng cứu thế đúng: bạn có thể mong đợi cái gì hơn nữa? Ông ấy
phải là con trai duy nhất của Thượng đế, vì không người nào có thể bước đi trên
nước.
Thực tại là ở chỗ sau ba trăm
năm các đệ tử Ki tô giáo đã bịa ra phép màu hư cấu, vì nếu những phép màu này
mà không có đó, thế thì chẳng có gì trong Jesus mà có thể có tầm quan trọng
nao. Ông ấy không phải là thiền nhân, ông ấy đã không nói rằng ông ấy đã trở
nên chứng ngộ, ông ấy đã không mở bất kì cánh cửa nào của những điều huyền bí -
cho nên hư cấu được cần tới.
Tôi đã nghe rằng một giám mục
và hai giáo sĩ đã đi câu cá ở Hồ Galilee, nơi Jesus đã bước đi. Giám mục nói với
các giáo sĩ, "Tôi là người mới tới đây, các ông thì sống ở đây. Các ông có
cho rằng Jesus thực sự đã bước đi trên nước không?"
Một giáo sĩ nói, "Nói tới
Jesus làm gì - ở đây gần như mọi người đều bước đi trên nước."
Giám mục nói, "Cái gì? Các
ông có thể bước đi trên nước được không?"
Giáo sĩ nói, "Được chứ."
Họ dừng thuyền lại. Giáo sĩ bước
ra, đi trên nước vài mét, và quay lại. Giám mục không thể tin được điều đó.
Giám mục hỏi giáo sĩ kia, "Ông cũng có thể bước đi được chứ...?"
Giáo sĩ thứ hai đi ra khỏi thuyền
vài mét trên nước, quay lại và cả hai giáo sĩ nói, "Chúng tôi không phải
là người Ki tô giáo. Ông là người Ki tô giáo - ông có thể bước đi trên nước được
không?"
Giám mục nói, "Tất nhiên rồi.
Nếu các ông có thể bước đi, cho dù không là người Ki tô giáo, chắc chắn tôi
cũng có thể bước đi." Ông ấy thu lấy tin tưởng, nhìn hai người bước đi, và
ông ấy ra khỏi thuyền... và bắt đầu chìm nghỉm.
Giáo sĩ này nói với người kia,
"Đáng ra chúng ta phải bảo cha ngốc đó rằng ở phía đó không có đá? Đá ở
phía bên này!"
Có thể bước đi trên nước nếu bạn
biết đá ở chỗ nào. Nhưng mọi người trở nên rất quan tâm tới đủ mọi thứ ngu xuẩn...
Đại Huệ đang nói, "Đừng bận
tâm về điều người khác đã đạt tới." Điều đó bao giờ cũng dẫn sai đường mọi
người, vì họ cũng bắt đầu cố đạt tới cùng diệu dụng, cùng phép màu. Và trong sự
tồn tại không có phép màu.
Trong sự tồn tại có điều huyền
bí, và bạn có thể đi vào những điều huyền bí đó, và bạn có thể tận hưởng và
thích thú, và bạn có thể nhảy múa với phúc lạc lớn. Nhưng điều đó không có
nghĩa là bạn sẽ có khả năng bước đi trên nước; tự nhiên không cho phép ngoại lệ.
Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ có khả năng biến nước thành rượu. Điều đó thực
sự là tội lỗi; đừng làm điều đó!
Nó là đủ - có lẽ phép màu vĩ đại
nhất theo tôi, và Đại Huệ sẽ đồng ý với tôi - là khiêm tốn, chỉ là không ai cả,
không tuyên bố, im lặng, nhận biết và năng lực đi vào cổng vàng, khoảnh khắc hiện
tại.
Khoảnh khắc hiện tại chứa mọi
điều huyền bí của sự tồn tại. Khoảnh khắc hiện tại là ngôi đền duy nhất của Thượng
đế.
Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Osho.
0 Đánh giá