SỐNG THIỀN - Bạn thích một người nếu người đó cho phép bạn làm mạnh thêm bản ngã của bạn

SỐNG THIỀN - Bạn thích một người nếu người đó cho phép bạn làm mạnh thêm bản ngã của bạn

Price:

Read more


Mời các bạn nghe, nếu bạn không thích đọc.


Bây giờ, cố đi vào lời kinh này.
Yên ổn và bất ổn đều bắt nguồn từ ảo tưởng; với chứng ngộ không có việc thích và không thích.
Tại sao bạn thích và tại sao bạn không thích? Việc đó xảy ra thế nào mà bạn lại thích điều nào đó và bạn không thích điều nào đó? Làm sao phân chia này lại xảy ra?
Bạn đã bao giờ hiểu thấu cơ chế thích và không thích này chưa? Cũng đáng để hiểu thấu nó. Bạn nói, “Mình thích người này và mình không thích người kia.” Sao vậy? Và bỗng nhiên một hôm bạn không thích người này và bạn bắt đầu thích người kia? Tại sao? Cơ chế này là gì? Sao bạn lại thích một người?
Bạn thích một người nếu người đó cho phép bạn làm mạnh thêm bản ngã của bạn. Nếu người đó trở thành màn ảnh và giúp cho bạn mơ, bạn thích người đó. Bạn thích một người nếu người ấy điều chỉnh theo mơ của bạn. Bạn không thích một người nếu người ấy không thích ứng với mơ của bạn, nếu người ấy không cho phép bạn mơ. Thay vì thế, ngược lại, người ấy quấy rối. Người ấy không khớp, người ấy không đóng vai trò màn ảnh. Người ấy không thụ động, người ấy trở thành tích cực - bạn không thích. Bạn thích màn ảnh thụ động, để cho bất kì cái gì bạn mơ thì người kia đơn giản giúp thêm cho nó.
Ouspensky, một đại đệ tử của Gurdjieff, đã đề tặng cuốn sách Đi tìm điều huyền bí của mình cho thầy mình với dòng chữ: “Tặng người đã phá huỷ mọi mơ của tôi.” Nhưng bạn sẽ không thích người phá huỷ tất cả các mơ của bạn. Ngay cả Ouspensky cũng phải rời bỏ  Gurdjieff,  và  trong  những  năm  cuối  đời,  ông  ta chẳng bao giờ lại thăm thầy nữa. Ông ta bắt đầu làm việc theo ý mình. Đến cuối cùng, ông ấy chết như một kẻ thù của Gurdjieff.
Ngay cả một người tỉnh táo như Ouspensky, người có thể cảm thấy rằng con người này phá huỷ các mơ, cũng phải bỏ đi. Bạn có thể cảm thấy, nhưng khi ai đó thực sự cứ phá huỷ mãi thì bạn cảm thấy rằng con người này là kẻ thù.
Thầy thực sự bao giờ cũng có vẻ giống như kẻ thù, và điều này là tiêu chuẩn. Thầy giả bao giờ cũng giúp cho bạn mơ; ông ta sẽ không bao giờ quấy rối mơ của bạn. Thay vì thế, ngược lại, ông ấy sẽ cho bạn an ủi, yên lòng. Ông ấy sẽ vỗ về bạn, xoa dịu bạn. Giáo huấn của ông ấy sẽ chỉ giống như bài hát ru hay. Ông ấy sẽ hát quanh bạn để cho bạn có thể ngủ ngon, có thế thôi.
Nhưng thầy thực sự thì nguy hiểm. Tới gần thầy là rất nguy hiểm. Bạn đang đi tới nguy cơ của riêng mình, bởi vì thầy không thể cho phép bạn mơ và thầy không thể giúp mơ của bạn được, bởi vì thế thì toàn bộ mục đích sẽ mất.
Thầy sẽ phá huỷ. Và các mơ lại rất gần gũi với trái tim bạn. Bạn nghĩ các mơ của bạn là trái tim bạn, và khi mơ bị phá huỷ thì bạn cảm thấy bạn bị phá huỷ. Cứ như là ai đó đang giết bạn. Người Hindu đã nhận biết về điều này, cho nên họ nói thầy thực giống như cái chết.
Khi bạn đi tới thầy, bạn đang đi tới cái chết. Bạn sẽ phải chết, chỉ bởi vì chừng nào bạn chưa chết, bạn không thể nào được tái sinh. Khi các mơ của bạn bị phá huỷ, chân lí đi vào sự tồn tại, chân lí trở nên hiển lộ.
Bạn thích một người bởi vì người đó giúp đỡ cho bản ngã của bạn. Bạn thích một cô gái bởi vì cô ấy nói bạn là người hoàn hảo.
Có lần tôi nghe lỏm hai thanh niên yêu nhau. Họ ngồi gần biển và một đợt sóng lớn lan tới. Và cậu con trai nói, “Lăn nữa đi, sóng đẹp ơi. Lăn nữa đi, lớn hơn, lớn nữa và lớn nữa.” Và chúng trở thành ngày một lớn mãi.
Và cô gái nói, “Tuyệt diệu! Biển tuân lệnh anh.”
Bạn sẽ thích người này. Và nếu ai đó giúp cho bản ngã bạn, thì bạn sẵn sàng giúp cho bản ngã người ấy để đáp lại.
Bạn thích một người khi mọi thứ ăn khớp. Đấy là sự thu xếp lẫn nhau. Khoảnh khắc người này bắt đầu làm theo ý mình, hay cái gì đó không khớp, hay người này cứng rắn, hay người này đã bắt đầu chi phối, hay người này bắt đầu sở hữu, hay người này bắt đầu động chạm tới bản ngã bạn... thì...
Và đó là điều sẽ xảy ra, bởi vì người đó thích bạn không phải bởi vì bản ngã bạn được làm mạnh thêm - người đó thích bạn bởi vì bản ngã của người đó được làm mạnh thêm. Người đó thích bạn bởi vì cái ta riêng của người đó, cái bản ngã, còn bạn thích bởi vì cái ta của bạn được làm mạnh thêm. Mục đích của các bạn là khác. Cho nên kiểu thu xếp này không thể tiếp diễn mãi được. Và mục đích của các bạn không chỉ khác biệt, chúng còn đối kháng, bởi vì chỉ một người mới có thể là thầy nhưng cả hai đều cố gắng là thầy.
Ban đầu họ sẽ rất dịu dàng bởi vì lãnh thổ còn chưa được biết tới. Dần dần, khi mọi thứ được cố định lại, họ sẽ trở thành ngày càng cứng rắn hơn, sở hữu hơn, chi phối hơn, càng ngày càng hung hăng hơn với người kia. Và thế thì bạn bắt đầu không thích. Bạn ghét người bằng mọi cách lôi bạn từ trên cao xuống. Bạn yêu người làm cho bạn cao lên.
Bản ngã liên tục khổ sở từ phức cảm tự ti. Bởi vì điều này mà người đàn ông sẽ yêu người đàn bà này, người đàn bà kia, hàng nghìn đàn bà. Anh ta có thể trở thành Don Juan, bởi vì mọi lần, chỉ lúc bắt đầu, người đàn bà đó có ích. Đó là mưu kế, mưu kế đàn bà. Chỉ lúc bắt đầu, người đàn bà có ích cho bạn. Nhưng khi cô ấy cảm thấy rằng bây giờ, bạn không thể thoát được rồi, bạn bị tóm gọn rồi, thì cô ấy bắt đầu chi phối bạn.
Bạn sẽ muốn chinh phục nhiều phụ nữ, nhưng chỉ lúc ban đầu. Bạn thấy đấy, mọi chuyện tình đều đẹp lúc ban đầu. Rất khó khăn, hiếm hoi mới tìm ra chuyện tình đẹp đến cuối. Và nếu bạn có thể tìm được cái gì đó, thế thì bạn biết chuyện này đã thực sự là chuyện tình.
Cái cuối cùng sẽ chứng minh nó, không phải cái bắt đầu, bởi vì lúc đầu mọi chuyện tình đều đẹp, nhưng chỉ lúc bắt đầu - bởi vì cả hai đều ngoại giao, cả hai đều phô ra khuôn mặt đẹp của mình cho người kia, quyến rũ, chỉ là phần chào bán. Nhưng khi hàng hoá được bán xong thì các khuôn mặt thay đổi, thế thì cái thực tới, thế thì bản ngã hung hăng bắt đầu làm việc.
Đó là điều thực nhưng xảy ra lúc cuối.
Điều thực bao giờ cũng tới lúc cuối, không bao giờ lúc đầu, bởi vì lúc đầu cả hai đều cố gắng lại gần và gần hơn nữa. Một khi tới gần rồi, khi mọi thứ được cho không, thế thì cái thực mới bùng ra.
Tại sao bạn thích một người? Tại sao bạn thích một vật? Gạt người sang bên trước đã - sao bạn thích một vật? Thậm chí vật dụng cũng giúp cho bản ngã bạn. Nếu hàng xóm của bạn mua chiếc xe lớn hơn, bạn phải mua chiếc xe lớn hơn nữa, bởi vì vấn đề không phải là ở chiếc xe. Chiếc nhỏ hơn có thể thuận tiện hơn, thích hợp hơn cho giao thông hiện đại; ít rắc rối hơn với chiếc xe nhỏ hơn. Chiếc xe lớn hơn thì rắc rối hơn, đắt hơn, bạn thậm chí không thể mua nổi nó - nhưng nếu nhà hàng xóm đã mua chiếc xe lớn thì bạn phải mua chiếc xe lớn. Bạn thích nó. Tại sao bạn thích nó? Tất cả việc thích của bạn đều bắt nguồn từ bản ngã: xe lớn hơn có danh tiếng hơn.
Chuyện đã xảy ra:
Có lần ông chủ của Mulla Nasruddin yêu cầu anh ta vào văn phòng ông ấy và ông ta giận lắm. Ông ta cho anh ta ngồi lên thảm và nói, “Nasruddin, thế này thì quá lắm! Tôi hiểu rằng đêm qua sau bữa tiệc văn phòng, anh đã đáp chiếc xe cút kít và đi nó trên phố chính của thành phố. Anh không hiểu rằng theo cách đó thì danh tiếng của công ti sẽ bị mất sao?”
Nasruddin nói, “Tôi chẳng để ý dù chỉ một ý nghĩ tới điều đó, bởi vì ông đang đứng trên chiếc xe cút kít đó. Chúng ta cả hai đều say, cho nên tôi nghĩ chẳng có vấn đề danh tiếng gì cả - thậm chí ông chủ cũng có đó trên chiếc xe cút kít - cho nên tôi mới đi một vòng phố chính. Mọi người đều hạnh phúc, và mọi người đều thích lắm.”
Danh tiếng - bạn quên đi danh tiếng chỉ khi bạn ngây ngất, thế thì bạn làm những điều ngu xuẩn. Nhưng cũng hay để hiểu điều này. Danh tiếng phải là điều gì đó như rượu, bởi vì chỉ khi bạn đang ngây ngất thì bạn mới quên điều đó. Nếu không thì bạn bao giờ cũng đi tìm danh tiếng, kính trọng, tôn kính.
Bạn thích một vật bởi vì nó đem lại danh tiếng. Bạn thích ngôi nhà bởi vì nó đem lại cho bạn danh tiếng. Nó có thể không thuận tiện, có thể không thoải mái. Nhìn đồ đạc hiện đại mà xem - chẳng thoải mái chút nào, nhưng ai thích đồ đạc cũ trong nhà? Đồ đạc hiện đại còn hơn: không thoải mái hơn đồ đạc cũ, nhưng nó hiện đại. Nó đem lại danh tiếng. Bất kì cái gì đem lại danh tiếng đều là rượu cả, nó cho bạn sự say sưa. Bạn cảm thấy mình mạnh mẽ.
Nhưng tại sao có khao khát về quyền lực? Và nhớ lấy, nếu bạn khao khát quyền lực, thế thì bạn sẽ không bao giờ đạt tới chân lí. Đôi khi bạn cũng gõ cửa Thượng đế để xin quyền lực - nhưng thế thì bạn gõ sai cửa. Chỉ những người đã trở thành hoàn toàn nhận biết rằng quyền lực, việc tìm kiếm quyền lực, là điên khùng, nó là cơn điên, mới có thể đạt tới cánh cửa đó.
Bạn thích và không thích là tùy theo bản ngã. Nếu không có bản ngã, cái thích hay không thích sẽ ở đâu? Chúng đơn giản biến mất. Bạn sẽ không có tâm trí phân chia, bao giờ cũng thích hay không thích, và tạo ra các phương án' chỉ khi bạn thấy thoải mái với bản thân mình... và bản ngã thì chẳng bao giờ thoải mái với bản thân mình cả. Đó là rối loạn thường xuyên, bởi vì bản ngã phải nhìn khắp xung quanh và có hàng triệu người.
Ai đó khác mua chiếc xe lớn hơn, thế thì phải làm gì? Ai đó đi và tìm được người vợ đẹp hơn, thế thì phải làm gì? Ai đó khoẻ mạnh hơn bạn, thế thì phải làm gì? Ai đó có đôi mắt đẹp hơn bạn, thế thì phải làm gì? Ai đó thông minh hơn, tinh ranh hơn, có nhiều tiền hơn... Và hàng triệu người tất cả bao quanh bạn, và bạn đang trong cạnh tranh với mọi người. Bạn sẽ phát điên! Điều này là không thể được. Bạn không bao giờ có thể đi tới khoảnh khắc mà bạn có thể cảm thấy hài lòng. Làm sao khoảnh khắc đó là có thể? Ngay cả đến hoàng đế...
Tôi đã từng nghe, có lần chuyện xảy ra:
Alexander đang cố gắng để với tới bức tranh treo trên tường. Bức tranh bị treo lệch cho nên ông ta muốn chỉnh lại nó, nhưng ông ấy không thể với tới nó bởi vì Alexander là người nhỏ, chỉ khoảng hơn mét sáu. Cận vệ của ông ấy cao gần hai mét; anh ta lập tức với tới bức ảnh và chỉnh lại nó. Nhưng Alexander bị chạm tự ái, rất tự ái.
Viên cận vệ nói, “Tâu bệ hạ, bất kì khi nào bệ hạ muốn làm những việc như vậy, xin bảo thần. Thần lớn hơn bệ hạ.”
Alexander nói, “Lớn hơn ư? Không! Cao hơn... nhưng lớn hơn sao? Không!”
Và bất kì khi nào Alexander thấy một người cao hơn mình - và ông ta phải thấy bởi vì nhiều lính cao hơn ông ta - ông ta sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Bạn có thể có cả thế giới, nhưng một người ăn xin có thể cao hơn bạn và thế thì toàn bộ thế giới này bị mất, bạn là cái không. Bạn có thể trở thành hoàng đế, nhưng một kẻ ăn xin có thể hát hay hơn bạn. Bạn không thể sở hữu tất cả mọi thứ. Bất kì cái gì bạn sở hữu đều sẽ không đem lại cho bạn sự mãn nguyện. Tâm trí, bản ngã, bao giờ cũng sẽ cảm thấy không được đáp ứng.
Thích và không thích là bởi vì bản ngã, còn bản ngã lại khổ nhiều. Khi không có bản ngã thì không có vấn đề thích hay không thích. Bạn đi vào trong thế giới này giống như làn gió. Bạn không chọn rằng, “Mình định lên phía bắc,” bạn không có bất kì việc thích, không thích nào. Dù tự nhiên có đưa bạn tới đâu, bạn cũng trong buông bỏ. Nếu tự nhiên thổi về hướng bắc, thì gió thổi về hướng bắc. Nếu tự nhiên thay đổi và bắt đầu thổi về hướng nam, thì gió sẽ thổi về hướng nam. Nó không có sự chọn lựa riêng của mình.
Con người của Đạo không có chọn lựa về phần mình. Dù dòng sông đưa người đó tới đâu, người ấy cũng đi với nó. Người ấy chưa bao giờ đi ngược lại dòng sông, người ấy chưa bao giờ đấu tranh với nó. Người ấy không có chọn lựa, người ấy không có cái thích hay không thích. Bạn thậm chí có thể cảm thấy rằng người ấy có cái thích và cái không thích bởi vì bạn không thể hiểu được. Bạn có thể cảm thấy rằng đám mây này đang đi về phía bắc: bạn có thể diễn giải rằng đám mây này đang bay về hướng bắc bởi vì nó có sự chọn lựa, nó đã chọn đi về hướng bắc. Nhưng bạn sai; đám mây không có chọn lựa. Nó nhất định không đi đâu cả, nó không có định mệnh. Nó đơn giản bay đi bởi vì toàn thể tự nhiên đang đi theo hướng đó. Nó đã không chọn điều đó. Việc chọn lựa vẫn còn lại với cái toàn thể; việc thích, không thích, vẫn còn lại với cái toàn thể - đấy không phải là việc của nó chút nào. Nó không lo nghĩ. Và dù ở bất kì đâu thì đám mây cũng đạt tới mục tiêu. Không có mục tiêu tiền định; bất kì nơi đâu nó đạt tới đều là mục tiêu. Thế thì có sự mãn nguyện dù bạn ở bất kì đâu.
Nhưng tâm trí sẽ cứ diễn giải theo luật riêng của nó. Nếu bạn tới vị Phật, bạn sẽ cảm thấy rằng ông ấy cũng thích và không thích và bạn sẽ sai, bởi vì bạn sẽ diễn giải ông ấy theo tâm trí bạn. Đôi khi ông ấy sẽ đi lên bắc và bạn sẽ nói rằng ông ấy phải đã chọn lựa, nếu không thì tại sao? Tại sao lại đi lên bắc? Đôi khi ông ấy sẽ chú ý tới một người nhiều hơn bạn; bạn sẽ nghĩ ông ấy phải đã chọn lựa: “Tại sao? Nếu không thì tại sao ông ấy lại không chú ý như thế với mình?” Và tôi bảo bạn: ông ấy đã không chọn lựa, đấy chính là cái toàn thể quyết định. Ông ấy không còn là nhân tố quyết định nữa, ông ấy chỉ là đám mây.
Nếu ông ấy chú ý nhiều tới một người, điều đó đơn giản có nghĩa là sự chú ý ấy đi theo cách như một đám mây. Người đó có thể đang cần nhiều hơn, người đó có thể trống rỗng hơn và hấp dẫn sự chú ý hơn. Cũng hệt như nếu bạn đào một cái hố trong đất, cái hố sẽ kéo nước chảy về nó, bởi vì nước chảy xuống. Nếu người đó thiền nhiều hơn, Phật sẽ chú ý nhiều hơn - nhưng nhớ lấy, ông ấy không chú ý tới điều đó, điều đó đã bị hấp dẫn. Đấy là hiện tượng tự nhiên đơn giản. Đấy không phải là chọn lựa của ông ấy hay thích và không thích.
Phật đã trao một thông điệp im lặng cho Mahakashyapa. Ông ấy đã trao một bông hoa, và thế rồi ai đó hỏi, “Nhưng tại sao lại cho Mahakashyapa? Sao không trao cho người khác?” Bởi vì còn có những người khác nữa và một số là các đệ tử đáng kính. Sariputra có đó, và ông ấy là một trong những đại đệ tử vĩ đại nhất, rất nổi tiếng khắp cả nước. Theo quyền riêng của ông ấy thì ông ấy là một bậc thầy. Khi ông ấy tới buông xuôi theo Phật ông ấy có năm trăm đệ tử đi cùng mình. Tất cả họ đều buông xuôi theo Phật bởi vì thầy họ đã buông xuôi. Và ông ấy là một học giả rất nổi tiếng. Sao lại không Sariputra?
Sao lại không Ananda, người đã sống trong bốn mươi năm hệt như cái bóng, phục vụ Phật theo đủ mọi cách như người phục vụ, và là anh của Phật, thuộc cùng vào hoàng gia? Tại sao lại không Ananda? Tại sao lại không Modgalayan, một học giả vĩ đại khác cùng hàng nghìn người kính trọng ông ấy?
Và tại sao lại với Mahakashyapa người chẳng được ai biết gì tới cả, người là một thực thể vô danh? Chưa từng ai nghĩ về ông ta cả mà cũng chẳng ai biết gì ngoài sự kiện này - rằng Phật, vào một buổi sáng tới với bông hoa và đứng im lặng, ngồi im lặng nhìn vào bông hoa đó và không nói. Mọi người trở nên bồn chồn và bất ổn bởi vì họ đã tới để nghe thuyết pháp. Và thế rồi Mahakashyapa cười phá lên và Phật gọi ông ta lại và trao cho ông ta bông hoa và nói với hội chúng, “Tất cả những gì có thể được nói ra, ta đã trao cho các ông, còn cái mà không thể được nói ra, ta trao cho nó cho Mahakashyapa.”
Đây là sự kiện duy nhất mà người ta biết về Mahakashyapa. Trước đó ông ấy là không ai cả, sau đó chẳng có điều gì nói về ông ấy nữa. Sao lại Mahakashyapa?
Đấy không phải là chọn lựa, bởi vì nếu đấy là chọn lựa thế thì Sariputra sẽ đáng phải được điều đó. Đấy không phải là việc thích, bởi vì nếu đấy là vấn đề thích thế thì Ananda đáng phải được nó. Phật đã nói không có cách nào khác. Mahakashyapa là người duy nhất có thể nhận được nó, ông ấy là người duy nhất, người đã im lặng và là người đã hiểu.
Phật tương truyền đã nói, “Cho dù ông ấy có không cười đi chăng nữa thì ta vẫn sẽ đi tới ông ấy và trao nó cho ông ấy, bởi vì ông ấy là người trống vắng duy nhất, trống rỗng, ở đây trong toàn thể hội chúng. Có những học giả vĩ đại nhưng họ lại bị chất đầy bởi học thức của mình. Ananda có đó, nhưng ông ấy còn đầy với quá nhiều thương mến và gắn bó với ta. Mahakashyapa này đơn giản trống rỗng - ngôi nhà trống rỗng, ông ấy đã biến mất.”
Ông ấy hấp dẫn mây. Nhưng nhìn thái độ của các đệ tử mà xem; họ phải đã nghĩ rằng phải có cái gì đó. “Sao Phật lại gắn bó nhiều với Mahakashyapa đến thế? Sao thầy đã không trao cái mà không thể được trao bằng lời cho chúng tôi? Sao thầy làm cho Mahakashyapa thành người vĩ đại nhất?”
Nhưng nhớ lấy, con người của Đạo, người của chứng ngộ, đơn giản nổi như đám mây. Người ấy không có việc thích, không có việc không thích, bởi vì tất cả những điều đó thuộc vào tâm trí mơ, thuộc vào bản ngã mơ.
Yên ổn và bất ổn đều bắt nguồn từ ảo tưởng; với chứng ngộ không có việc thích và không thích. Mọi nhị nguyên đều bắt nguồn từ suy diễn dốt nát. Chúng giống như các mơ hay hoa trong không khí: người ngu cố gắng nắm bắt chúng...
Trích từ quyển 'Tín Tâm Minh - Sách về Cái Không' - Osho

0 Đánh giá

Ads Belove Post