Vigyan Bhairav Mật Tông Tập 2  Chương 27. Vô âm, đầy âm và nhận biết toàn bộ

Vigyan Bhairav Mật Tông Tập 2 Chương 27. Vô âm, đầy âm và nhận biết toàn bộ

Price:

Read more

Vigyan Bhairav Mật Tông Tập 2 - Osho
Sách về các Bí mật: Bình luận mới
Chương 27. Vô âm, đầy âm và nhận biết toàn bộ


15. Niệm một âm thanh, như aum, một cách chậm rãi. Như âm thanh đi vào toàn âm, ông cũng vậy.
16. Lúc ban đầu và sửa đổi dần âm thanh của bất kì chữ nào, thức tỉnh.
17. Trong khi lắng nghe nhạc cụ dây, nghe âm thanh trung tâm hợp thành của chúng; vậy có mặt khắp nơi.
Tôi tự hỏi liệu các bạn đã nghe nói về khái niệm phản vật chất hay không. Một khái niệm mới gần đây đã đi vào trong thế giới vật lí - khái niệm về phản vật chất. Điều bao giờ cũng được cảm thấy là không cái gì có thể tồn tại trong vũ trụ mà không có cái đối lập của nó. Không thể quan niệm được bất kì cái gì tồn tại một mình mà không có cái đối lập của nó. Cái đối lập đối xứng phải có đó dù được biết hay không.
Cái bóng không thể tồn tại mà không có ánh sáng, sống không thể tồn tại mà không có chết, sáng không thể tồn tại mà không có đêm, đàn ông không thể tồn tại mà không có đàn bà - hay cùng điều đó với bất kì cái gì bạn có thể nghĩ tới.
Cực đối lập đối xứng được cần tới không tránh khỏi. Điều này bao giờ cũng được để xuất trong triết học, nhưng bây giờ đây là đề xuất của vật lí. Và những khái niệm rất ngớ ngẩn đã phát triển vì khái niệm này. Thời gian chuyển từ quá khứ tới tương lai, nhưng bây giờ các nhà vật lí nói rằng nếu thời gian chuyển từ quá khứ tới tương lai, phải có chỗ nào đó có quá trình thời gian đối lập, cái chuyển từ tương lai tới quá khứ; bằng không quá trình thời gian này không thể hiện hữu - nhưng nó hiện hữu đấy. Cái đối lập, cái đối lập đối xứng phải có đó ở đâu đó - phản thời gian. Chuyển từ tương lai tới quá khứ sao? Điều đó có vẻ rất ngớ ngẩn. Làm sao cái gì đó chuyển từ tương lai tới quá khứ được?
Họ cũng nói rằng vật chất tồn tại, cho nên phản vật chất phải tồn tại ở đâu đó. Phản vật chất sẽ là gì? Vật chất là độ dày đặc. Giả sử hòn đá ở đây trong tay tôi. Hòn đá đó là gì? Quanh nó là không gian và trong không gian này có sự dày đặc của vật chất. Sự dày đặc đó là vật chất. Phản vật chất sẽ là gì? Họ nói phản vật chất sẽ chỉ là lỗ hổng trong không gian. Độ dày đặc là vật chất, và cũng có kẽ hở trong không gian mà không có gì trong nó. Không gian sẽ bao quanh nó, nhưng nó sẽ chỉ là kẽ hở của hư không. Họ nói phản vật chất phải tồn tại để cân bằng vật chất. Tại sao tôi nói về điều này? Vì những kinh này mà để tuân theo đã dựa trên hiện tượng “phản” này.
Âm thanh tồn tại, nhưng Mật Tông nói âm thanh chỉ có thể tồn tại vì im lặng; bằng không âm thanh sẽ là không thể được. Im lặng là phản âm thanh. Cho nên bất kì chỗ nào có âm thanh, ngay đằng sau nó có im lặng. Nó không thể tồn tại mà không có im lặng; nó là mặt kia của cùng một đồng tiền. Cho nên tôi thốt ra một lời; chẳng hạn, Aum. Tôi càng thốt ra nó, ở ngay bên cạnh, ngay đằng sau nó là phản hiện tượng, vô âm thanh. Cho nên nếu bạn có thể dùng âm thanh như kĩ thuật để đi vào vô lời, bạn sẽ đi vào thiền. Nếu bạn có thể dùng lời để đi ra ngoài lời, bạn sẽ chuyển vào thiền. Nhìn vào nó theo cách này: tâm trí là lời; thiền là vô tâm trí. Tâm trí được chất đầy bằng âm thanh và lời và ý nghĩ. Ngay bên góc kia là cực đoan kia - vô trí.
Các Thiền sư đã gọi thiền là trạng thái của vô trí. Tâm trí là gì? Nếu bạn phân tích nó, nó là quá trình ý nghĩ. Hay nếu bạn phân tích nó dưới dạng vật lí, thế thì nó là quá trình âm thanh. Quá trình âm thanh này là tâm trí, thế rồi ngay gần nó vô trí tồn tại. Và bạn không thể chuyển vào trong vô trí mà không dùng tâm trí như bàn nhảy, vì bạn thậm chí không thể quan niệm được về vô trí là gì mà không có việc hiểu tâm trí là gì. Tâm trí phải được dùng như bàn nhảy, và từ bàn nhảy đó bạn có thể có cú nhảy vào trong vô trí.
Đã từng có hai trường phái đối lập. Một trường phái có đó - được biết tên là "Sankya." Sankya nói tâm trí phải không được dùng, vì nếu bạn dùng tâm trí bạn không thể đi ra ngoài nó. Cùng điều đó là giáo huấn của J. Krishnamurti; ông ấy là một người Sankyaite. Bạn không thể dùng tâm trí. Nếu bạn dùng tâm trí bạn không thể đi ra ngoài nó, vì chính việc dùng tâm trí sẽ làm mạnh cho nó, sẽ làm cho nó mạnh hơn. Khi bạn dùng nó, bạn sẽ ở trong nắm giữ của nó. Bằng việc dùng nó, bạn không thể đi ra ngoài nó được. Cho nên không dùng tâm trí. Đó là lí do tại sao Krishnamurti chống lại mọi kĩ thuật thiền: vì bất kì kĩ thuật nào đều nhất định dùng tâm trí làm cơ sở. Tâm trí phải được dùng nếu bạn định dùng kĩ thuật. Bất kì kĩ thuật nào đều nhất định là một loại ước định - hay ước định lại, hay vô ước định, hay bất kì cái tên nào bạn cho nó, nhưng nó sẽ đi cùng với tâm trí.
Triết lí của Sankya nói rằng tâm trí không thể được dùng: chỉ hiểu điều này và lấy cú nhảy. Nhưng yoga nói điều này là không thể được. Ngay cả việc hiểu này cũng là được thực hiện bởi tâm trí. Ngay cả với việc hiểu này - rằng bạn không thể dùng được tâm trí, rằng không kĩ thuật nào sẽ giúp ích, rằng mọi kĩ thuật sẽ trở thành cản trở và bất kì cái gì bạn làm sẽ tạo ra việc ước định mới - bạn sẽ vẫn dùng tâm trí, bạn sẽ di chuyển bên trong tâm trí. Điều này nữa phải được hiểu bằng tâm trí.
Cho nên yoga nói không có cách nào theo đó tâm trí không được dùng; tâm trí sẽ phải được dùng. Nó phải không được dùng một cách khẳng định, nó phải được dùng một cách phủ định. Nó phải không được dùng theo cách mà nó được làm mạnh lên, nó phải được dùng theo cách mà nó bị làm yếu đi. Và các kĩ thuật là cách thức dùng tâm trí theo cách mà bạn dùng nó để nhảy ra ngoài nó. Bạn dùng nó chỉ để đi ra ngoài nó - như bàn nhảy.
Nếu tâm trí có thể được dùng như bàn nhảy - và yoga và Mật Tông tin rằng nó có thể được dùng - thế thì cái gì đó thuộc về tâm trí phải được huấn luyện. Âm thanh là một trong những điều cơ bản, bạn có thể dùng âm thanh để đi vào trong vô âm.
Kĩ thuật thứ ba về âm thanh:
Niệm một âm thanh, như aum, một cách chậm rãi. Như âm thanh đi vào toàn âm, ông cũng vậy.
Niệm một âm thanh, như aum, một cách chậm rãi. Chẳng hạn, lấy âm Aum. Đây là một trong những âm cơ sở. A-U-M: ba âm thanh này được tổ hợp lại trong nó. A-U-M là ba âm cơ sở. Mọi âm thanh được tạo ra từ chúng; mọi âm thanh là tổ hợp của ba âm thanh này. Cho nên ba âm thanh này là cơ cở. Chúng là cơ sở trong vật lí như điện tử, nơ tron và proton là cơ sở. Điều này phải được hiểu sâu sắc.
Gurdjieff nói về "Luật phân ba". Ông ấy nói sự tồn tại theo nghĩa tuyệt đối là một. Theo nghĩa tuyệt đối, theo nghĩa tối thượng, chỉ có một. Nhưng đó là tuyệt đối, và bất kì cái gì chúng ta thấy đều là tương đối. Bất kì cái gì chúng ta thấy không bao giờ là tuyệt đối; cái tuyệt đối bao giờ cũng ẩn kín. Nó không thể được thấy, vì khoảnh khắc chúng ta nhìn cái gì đó, nó bị phân chia. Nó bị chia ra thành ba: người thấy, cái được thấy, và mối quan hệ. Tôi đang thấy bạn: tôi ở đây, bạn ở kia, và giữa hai người có mối quan hệ tri thức, về việc thấy, về cái nhìn, về nhận diện. Quá trình này bị phân chia thành ba. Cái tuyệt đối bị phân chia thành ba; khoảnh khắc nó được biết nó trở thành ba. Không được biết, nó vẫn còn là một. Được biết, nó trở thành ba. Cái được biết là tương đối; cái không biết là tuyệt đối.
Cho nên ngay cả việc nói của chúng ta về cái tuyệt đối là không tuyệt đối, vì khoảnh khắc chúng ta nói “cái tuyệt đối," nó đã trở thành được biết. Bất kì cái gì chúng ta biết, ngay cả từ `tuyệt đối' là tương đối. Đó là lí do tại sao Lão Tử nhấn mạnh nhiều thế rằng chân lí không thể được nói ra. Khoảnh khắc bạn nói nó, nó đã trở thành không đúng vì nó đã trở thành tương đối. Cho nên bất kì từ nào chúng ta dùng - chân lí, cái tuyệt đối, pararahma, Đạo - bất kì từ nào chúng ta dùng, khoảnh khắc chúng ta dùng nó, nó đã trở thành tương đối và nó đã trở thành không đúng. Cái một đã trở nên bị phân chia thành ba.
Cho nên Gurdjieff nói rằng "Luật phân ba" là cơ sở cho vũ trụ mà chúng ta biết. Và nếu chúng ta đi sâu chúng ta sẽ thấy, chúng ta nhất định tìm thấy, rằng mọi thứ sẽ được thu lại thành ba. Đây là "Luật phân ba". Người Ki tô giáo đã gọi nó là ba ngôi - Thượng đế cha, Jesus con, và Thánh thần linh thiêng. Người Ấn Độ đã gọi nó là trimurti: ba mặt của Brahma, Vishnu, Mahesh hay Shiva. Bây giờ vật lí học nói rằng nếu chúng ta chuyển động, nếu chúng ta liên tục chuyển động qua phân tích tới chính cơ sở, thế thì vật chất sẽ bị thu lại thành ba: điện tử, nơ tron và proton.
Các nhà thơ đã nói rằng nếu chúng ta đi sâu vào tìm cảm giác thẩm mĩ, xúc động của con người, thế thì có satyam, shivam, sundaram - cái đúng, cái thiện và cái đẹp. Cảm giác con người dựa trên ba điều này. Các nhà huyền bí đã nói rằng nếu chúng ta phân tích cực lạc, samadhi, thế thì có sat-chit-ananda - sự tồn tại, tâm thức và phúc lạc.
Toàn thể tâm thức con người, theo bất kì chiều nào nó làm việc, đều đi tới "Luật phân ba". `Aum' là biểu tượng của "Luật phân ba". A-U-M: ba âm này là âm thanh cơ sở. Âm thanh nguyên tử, bạn có thể gọi chúng vậy. Ba âm thanh này đã được tổ hợp lại trong Aum, cho nên Aum ở ngay gần với cái tuyệt đối, ở ngay sau nó là cái tuyệt đối, cái không biết. Và Aum là trạm cuối cùng khi có liên quan tới âm thanh. Nếu bạn di chuyển ra ngoài Aum, bạn di chuyển ra ngoài âm thanh; thế thì không có âm thanh. A-U-M: ba âm này là cuối cùng, chúng ở biên giới của sự tồn tại. Bên ngoài ba âm này bạn chuyển vào trong cái không biết, trong cái tuyệt đối.
Các nhà vật lí nói rằng bây giờ chúng ta đã đi tới điện tử, dường như chúng ta đã đi tới giới hạn, tới chính giới hạn, vì điện tử không thể được gọi là vật chất. Điện tử là không thấy được; chúng không có tính chất vật chất. Và chúng không thể được gọi là phi vật chất nữa vì mọi vật chất đều bao gồm chúng, được cấu thành từ chúng. Nếu chúng không là vật chất không là phi vật chất, gọi chúng là gì? Không người nào đã thấy điện tử, chúng chỉ được suy luận ra; điều được giả thiết về mặt toán học là chúng có đó. Hiệu quả của chúng được biết tới, nhưng chúng không được nhìn thấy. Bây giờ chúng ta không thể di chuyển được ra ngoài chúng. "Luật phân ba" là giới hạn, và nếu bạn đi ra ngoài "Luật phân ba" bạn di chuyển vào trong cái không biết. Không cái gì có thể được nói. Ngay cả về điện tử rất ít điều có thể được nói.
Aum là giới hạn khi có liên quan tới âm thanh, bạn không thể di chuyển ra ngoài. Đó là lí do tại sao Aum đã được dùng nhiều thế, ở Ấn Độ, và trên khắp thế giới. 'Amen' của người Ki tô giáo-Mô ha mét giáo không là gì ngoài Aum dưới dạng khác; cùng các nốt cơ sở có đó. Từ tiếng Anh 'omnipresent', 'omnipotent', 'omniscient' chứa nó: tiền tố 'omni' bắt nguồn từ Aum. Cho nên 'omnipresent' nói tới cái hiện diện trong toàn thể Aum, trong toàn thể sự tồn tại. 'Omnipotent' nghĩa là cái tuyệt đối có năng lực. 'Omniscient' nghĩa là cái đã từng là Aum, cái toàn thể, "Luật phân ba". Toàn thể vũ trụ tới dưới nó.
Người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, đã từng dùng sau lời cầu nguyện của họ 'Amen'. Nhưng người Hindu đã làm ra một khoa học đầy đủ từ nó - khoa học về âm thanh và khoa học về cách siêu việt trên âm thanh. Và nếu tâm trí là âm thanh, thế thì vô trí phải là vô âm, hay - và cả hai có cùng nghĩa - toàn âm.
Điều này phải được hiểu. Cái tuyệt đối có thể được mô tả theo một trong hai cách - phủ định hoặc khẳng định. Cái tương đối phải được mô tả theo cả hai cách - phủ định và khẳng định: nó là nhị nguyên. Khi bạn cố diễn đạt cái tuyệt đối, bạn có thể dùng hoặc thuật ngữ khẳng định hoặc thuật ngữ phủ định, vì ngôn ngữ con người có hai kiểu thuật ngữ - phủ định và khẳng định. Khi bạn định mô tả cái tuyệt đối, cái không thể mô tả được, bạn phải dùng thuật ngữ nào đó một cách biểu tượng. Cho nên điều đó tuỳ vào tâm trí.
Chẳng hạn, Phật thích dùng thuật ngữ phủ định. Ông ấy sẽ nói vô âm; ông ấy không bao giờ nói toàn âm. 'Toàn âm' là thuật ngữ khẳng định. Phật sẽ nói vô âm, nhưng Mật Tông dùng thuật ngữ khẳng định. Toàn thể suy nghĩ của Mật Tông là khẳng định. Đó là lí do tại sao thuật ngữ được dùng ở đây là 'toàn âm': đi vào toàn âm. Phật mô tả cái tuyệt đối của ông ấy theo thuật ngữ phủ định: shunya, hư không. Upanishads mô tả cùng cái tuyệt đối là brahman - tính tuyệt đối. Phật sẽ dùng hư không và Upanishads sẽ dùng tính tuyệt đối, nhưng cả hai ngụ ý cùng một điều.
Khi lời mất nghĩa bạn có thể dùng hoặc cách phủ định hoặc cách khẳng định, vì mọi từ đều hoặc là phủ định hoặc là khẳng định; bạn chỉ phải chọn một cách. Bạn có thể nói cho một linh hồn đã giải thoát rằng người đó đã trở thành cái toàn thể. Đây là cách khẳng định để nói nó. Hay bạn có thể nói người đó không còn nữa - người đó đã trở thành hư không. Đây là cách phủ định để nói nó.
Chẳng hạn, nếu một giọt nước nhỏ gặp đại dương, bạn có thể nói rằng giọt nước đã trở thành hư không, giọt nước đã mất tính cá nhân của nó, giọt nước không còn nữa. Đây là cách thức Phật giáo để nói mọi thứ. Điều đó là tốt, nó là đúng khi điều đó diễn ra, vì không lời nào đi rất xa. Cho nên khi nó diễn ra, nó là tốt. Giọt nước không còn nữa, đó là điều được ngụ ý bởi niết bàn. Giọt nước đã trở thành vô hiện hữu, nó không hiện hữu. Hay bạn có thể dùng thuật ngữ của Upanishad. Upanishad sẽ nói rằng giọt nước đã trở thành đại dương. Họ cũng đúng, vì khi các biên giới bị phá vỡ, giọt nước đã trở thành đại dương.
Cho nên đây đơn giản là những thái độ. Phật thích các thuật ngữ phủ định, vì khoảnh khắc bạn nói bất kì cái gì khẳng định, nó trở thành bị giới hạn, nó có vẻ bị giới hạn. Khi bạn nói rằng giọt nước đã trở thành đại dương, Phật sẽ nói rằng đại dương cũng là hữu hạn. Giọt nước vẫn còn là giọt nước; nó đã trở thành lớn hơn một chút, có vậy thôi. Lớn thế nào không tạo ra khác biệt. Phật sẽ nói rằng nó đã trở thành lớn hơn một chút, nhưng nó còn lại. Cái hữu hạn đã không trở thành vô hạn. Cái hữu hạn vẫn còn là hữu hạn, cho nên khác biệt là gì? Một giọt nhỏ và một giọt lớn... với Phật, điều đó là khác biệt duy nhất giữa 'đại dương' và 'giọt nước' - và điều đó là đúng, về mặt toán học nó là vậy.
Cho nên Phật nói rằng nếu giọt nước đã trở thành đại dương, thế thì không cái gì đã xảy ra. Nếu bạn đã trở thành thượng đế, thế thì không cái gì đã xảy ra, bạn đã chỉ trở thành người lớn hơn. Nếu bạn đã trở thành brahman không cái gì đã xảy ra, bạn vẫn hữu hạn. Cho nên Phật nói rằng bạn phải trở thành hư không, bạn phải trở thành shunya - trống rỗng mọi biên giới và thuộc tính, trống rỗng mọi thứ mà bạn có thể quan niệm được, chỉ là trống rỗng. Nhưng các nhà tư tưởng Upanishad sẽ nói rằng cho dù bạn là trống rỗng, bạn vẫn hiện hữu. Nếu bạn đã trở thành trống rỗng, bạn vẫn có đó, vì trống rỗng tồn tại, trống rỗng hiện hữu. Hư không cũng là cách hiện hữu, cách tồn tại. Cho nên họ nói, tại sao nói thái quá về chuyện này và tại sao dùng các thuật ngữ phủ định một cách không cần thiết? Điều tốt là có tính khẳng định.
Đó là chọn lựa của bạn, nhưng Mật Tông gần như bao giờ cũng dùng thuật ngữ khẳng định. Chính triết lí của Mật Tông là khẳng định. Nó nói, không cho phép không, không cho phép phủ định. Người theo Mật Tông là những người nói có lớn nhất. Họ đã nói có với mọi thứ, cho nên họ dùng thuật ngữ khẳng định. Kinh nói, Niệm một âm thanh, như aum, một cách chậm rãi. Như âm thanh đi vào toàn âm, ông cũng vậy...
Niệm một âm thanh, như aum, một cách chậm rãi. Việc niệm một âm thanh là khoa học rất tinh tế. Đầu tiên bạn phải niệm nó to, nói to ra ngoài; thế thì người khác có thể nghe thấy nó. Và điều tốt là bắt đầu nói to. Tại sao? Vì bạn cũng có thể nghe thấy nó rõ ràng khi bạn niệm nó to; vì bất kì cái gì bạn nói, nó là dành cho người khác, và điều này đã trở thành thói quen. Bất kì khi nào bạn nói, bạn đang nói cho người khác, và bạn nghe bản thân bạn nói chỉ khi bạn đang nói cho người khác. Cho nên bắt đầu từ thói quen tự nhiên đi.
Niệm âm Aum, thế rồi dần dần, cảm thấy hoà điệu với âm thanh này. Khi bạn niệm âm Aum, được rót đầy bằng nó, quên mọi thứ khác. Trở thành Aum, trở thành âm thanh này. Và rất dễ trở thành âm thanh này, vì âm thanh có thể rung động qua thân thể bạn, qua tâm trí bạn, qua toàn thể hệ thống thần kinh của bạn. Cảm thấy vang động của Aum. Niệm nó, và cản thấy dường như toàn thân bạn đang được rót đầy bởi nó, mọi tế bào đang rung động cùng nó.
Việc niệm “intoning” cũng là trong hài hoà "in-tuning." Điều chỉnh bản thân bạn bằng âm thanh này, trở thành âm thanh này. Và thế rồi, khi bạn cảm thấy hài hoà sâu sắc giữa bạn và âm thanh này, và bạn phát triển sự yêu thích sâu với nó - và âm thanh này là hay thế và nhạc điệu thế: Aum - thế thì bạn càng niệm nó nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy bản thân bạn được rót đầy bằng sự êm ái tinh tế. Có những âm thanh cay đắng hơn, có những âm thanh rất thô cứng. Aum là âm thanh rất êm ái, thuần khiết nhất. Niệm nó và được rót đầy bằng nó.
Và khi bạn bắt đầu cảm thấy hài hoà với nó, bạn có thể bỏ việc niệm to. Thế rồi mím môi lại và niệm nó bên trong, nhưng bên trong đầu tiên cũng thử nó to vào. Niệm bên trong, nhưng to, để cho âm thanh lan toả khắp thân thể bạn, chạm tới mọi phần, mọi tế bào của thân thể bạn. Bạn sẽ cảm thấy được cường tráng bởi nó, bạn sẽ cảm thấy được làm sảng khoái, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống mới đi vào bạn - vì thân thể bạn là một nhạc cụ. Nó cần hài hoà, và khi hài hoà bị rối loạn bạn bị rối loạn.
Đó là lí do tại sao khi bạn nghe âm nhạc bạn cảm thấy dễ chịu. Tại sao bạn cảm thấy dễ chịu? Âm nhạc là gì, chỉ là những âm thanh hài hoà nào đó sao? Tại sao bạn cảm thấy thoải mái thế khi có âm nhạc quanh bạn? Và khi có hỗn độn, ồn ào, tại sao bạn cảm thấy bị rối loạn thế? Bản thân bạn là âm nhạc sâu sắc. Bạn là nhạc cụ, và nhạc cụ đó vọng lại mọi thứ.
Niệm Aum bên trong, và bạn sẽ cảm thấy rằng toàn thân bạn nhảy múa cùng nó. Bạn sẽ cảm thấy rằng toàn thân bạn đang trải qua việc tắm sạch sẽ; mọi lỗ chân lông đều được lau sạch. Nhưng khi bạn cảm thấy mãnh liệt hơn, và khi nó xuyên thấu vào bạn nhiều hơn, liên tục trở nên mỗi lúc một chậm hơn, vì âm thanh càng chậm, nó càng có thể đi sâu hơn. Nó giống như vi lượng liệu pháp. Liều càng nhỏ, nó càng xuyên thấu hơn - vì nếu bạn muốn đi sâu hơn, bạn phải đi tinh tế hơn, tinh tế hơn, tinh tế hơn...
Những âm thanh thô thiển không thể đi vào tâm bạn. Chúng có thể đi vào tai bạn, nhưng chúng không thể đi vào tâm bạn. Lối chuyển là rất hẹp, và tâm là tinh tế tới mức chỉ những âm thanh rất chậm, rất nhịp điệu, rất nguyên tử mới được phép đi vào nó. Và chừng nào âm thanh chưa vào tâm bạn, mật chú này không đầy đủ. Mật chú này là đầy đủ chỉ khi âm thanh đi vào tâm bạn - cốt lõi sâu nhất, trung tâm nhất của hiện hữu của bạn. Thế rồi liên tục làm chậm hơn, chậm hơn, chậm hơn.
Và cũng có các lí do khác để làm các âm thanh này chậm hơn và tinh tế hơn: âm thanh càng tinh tế, bạn sẽ cần cảm thấy nhận biết càng mạnh hơn để cảm thấy nó bên trong. Âm thanh càng thô, càng ít cần bất kì nhận biết nào. Âm thanh thô sẽ đập vào bạn, bạn sẽ trở nên nhận biết về nó; nhưng thế thì nó là bạo hành.
Nếu một âm thanh có tính nhạc, hài hoà, tinh tế, thế thì bạn sẽ phải lắng nghe nó ở bên trong và bạn sẽ phải rất tỉnh táo để lắng nghe nó. Nếu bạn không tỉnh táo, bạn sẽ đi vào ngủ và bỏ lỡ toàn thể vấn đề. Đó là vấn đề với mật chú, với bất kì việc niệm nào, với bất kì việc dùng âm thanh nào: nó có thể tạo ra giấc ngủ. Nó là thuốc an thần tinh tế. Nếu bạn liên tục lặp lại bất kì âm thanh nào mà không tỉnh táo về nó, bạn sẽ rơi vào buồn ngủ, vì thế thì sự lặp lại trở thành máy móc. "Aum, Aum, Aum..." trở thành máy móc, và thế thì việc lặp lại tạo ra chán.
Chán là nhu cầu cơ bản cho ngủ. Bạn không thể có giấc ngủ chừng nào bạn chưa chán. Nếu bạn bị háo hức, bạn không thể có được giấc ngủ. Đó là lí do tại sao con người hiện đại trở nên không có khả năng đi vào giấc ngủ. Lí do là gì? Có nhiều kích động thế. Trước đây đã không bao giờ có gì giống điều này.
Trong thế giới cũ, quá khứ, sống là việc chán sâu sắc, sự chán chường lặp lại. Nếu bạn đi tới làng ẩn đâu đó trên núi, cuộc sống ở đó là chán chường. Nó có thể không có vẻ giống như bạn nghĩ là chán vì bạn đã không sống ở đó, và chỉ vào ngày nghỉ bạn mới có thể cảm thấy rất háo hức. Nhưng háo hức đó là vì Bombay, không phải vì những núi đó. Những nơi đó là hoàn toàn chán. Những người sống ở đó bị chán và buồn ngủ. Chỉ có cùng một thứ, cùng một lệ thường không háo hức nào, không thay đổi nào, và không cái gì đã bao giờ xảy ra. Không có tin tức. Mọi thứ trôi qua như chúng bao giờ cũng vậy, chúng liên tục lặp lại theo cách tuần hoàn. Như mùa lặp lại, như tự nhiên lặp lại, như ngày và đêm chuyển trong vòng tròn, mọi thứ chuyển trong làng, trong làng cổ theo vòng tròn. Đó là lí do tại sao dân làng có thể rơi vào ngủ dễ dàng thế: mọi thứ chỉ là chán.
Cuộc sống hiện đại đã trở thành kích động thế - không cái gì lặp lại. Mọi thứ liên tục trở thành mới, thay đổi. Sống đã trở thành không thể dự đoán được, và bạn kích động thế bạn không thể rơi vào buồn ngủ. Mọi ngày bạn có thể xem phim mới, mọi ngày bạn có thể nghe bài nói mới, mọi ngày bạn có thể đọc sách mới, mọi ngày cái gì đó mới là có thể.
Kích động thường xuyên này cứ liên tục. Khi bạn lên giường, kích động có đó. Tâm trí muốn thức; nó dường như vô tích sự khi rơi vào buồn ngủ. Có những nhà tư tưởng nói rằng đây là sự lãng phí thuần khiết - nếu bạn sống sáu mươi năm, hai mươi năm bị phí hoài trong ngủ. Cực kì lãng phí! Sống là kích động nhiều thế, sao phí hoài nó đi vậy? Nhưng trong thế giới cũ, vào ngày xưa, sống đã không là kích động. Nó là chuyển động tuần hoàn của cùng việc lặp lại. Nếu bất kì cái gì làm bạn kích động, điều đó có nghĩa là nó là mới.
Nếu bạn lặp lại một âm thanh đặc thù, nó tạo ra vòng tròn bên trong bạn. Nó tạo ra chán; nó tạo ra ngủ. Đó là lí do tại sao thiền siêu việt của Mahesh Yogi được biết tới ở phương Tây như thuốc an thần phi thuốc. Chính bởi vì nó là việc lặp lại đơn giản một mật chú. Nhưng nếu mật chú trở thành chỉ là việc lặp lại mà không có bạn tỉnh táo bên trong, không có bạn thường xuyên tỉnh táo nghe bạn, nghe âm thanh, thì nó có thể giúp cho giấc ngủ, nhưng nó không thể giúp cho bất kì cái gì khác. Như nó đang diễn ra, nó là tốt. Nếu bạn bị chứng mất ngủ, thiền siêu việt là tốt.
Bằng không, nó giúp đỡ - nhưng chừng nào bạn không dùng mật chú này với cái tai bên trong tỉnh táo. Thế thì bạn phải dùng hai điều: liên tục giảm độ cao thấp của mật chú, giảm âm thanh, làm cho nó mỗi lúc một chậm hơn và tinh tế hơn, và đồng thời liên tục trở nên tỉnh táo hơn, tỉnh táo hơn. Khi âm thanh này trở thành tinh tế, bạn trở nên tỉnh táo hơn đi; bằng không, bạn sẽ bỏ lỡ toàn thể vấn đề.
Cho nên hai điều phải được làm: âm thanh phải được làm chậm lại, và bạn phải trở nên tỉnh táo hơn. Âm thanh càng trở nên tinh tế, bạn càng phải tỉnh táo hơn. Để làm cho bạn tỉnh táo hơn, âm thanh này phải được làm tinh tế hơn, và một điểm tới khi âm thanh này đi vào vô âm, hay toàn âm, và bạn đi vào nhận biết toàn bộ. Khi âm thanh này đi vào vô âm hay toàn âm, đến lúc đó tỉnh táo của bạn phải đã chạm tới đỉnh. Khi âm thanh này đạt tới thung lũng, khi nó đi vào trung tâm dưới nhất, sâu nhất trong thung lũng, tỉnh táo của bạn đã đi tới chính đỉnh, tới đỉnh Everest. Và tại đó, âm thanh tan biến trong toàn âm hay vô âm, và bạn tan biến vào trong nhận biết toàn bộ.
Đây là phương pháp: Niệm một âm thanh, như aum, một cách chậm rãi. Như âm thanh đi vào toàn âm, ông cũng vậy. Và chờ đợi khoảnh khắc khi âm thanh này đã trở thành tinh tế, nguyên tử tới mức bây giờ, bất kì khoảnh khắc nào, nó sẽ lấy cú nhảy từ thế giới của luật, thế giới phân ba, và nó sẽ đi vào thế giới của một, cái tuyệt đối. Đợi đã! Đây là một trong những kinh nghiệm hay nhất có thể có cho con người - khi âm thanh tan biến. Thế thì đột nhiên bạn không thể tìm ra âm thanh này đã đi đâu.
Bạn đã nghe nó một cách tinh tế, sâu bên dưới: "Aum, Aum, Aum..." và thế rồi nó không còn đó nữa. Bạn đã đi vào thế giới của một. Thế giới của ba không còn nữa. Điều này, Mật Tông nói, là toàn âm; Phật nói vô âm.
Đây là một cách - một trong những cách được dùng nhiều nhất, một trong những cách giúp đỡ nhất. Mật chú trở thành quan trọng thế vì điều này. Vì âm thanh đã có đó rồi và tâm trí bạn được rót đầy bởi nó, bạn có thể dùng nó như bàn nhảy. Nhưng có những khó khăn, và khó khăn thứ nhất là ngủ. Bất kì ai dùng mật chú đều phải nhận biết về khó khăn này. Đó là rào cản - ngủ. Bạn nhất định rơi vào giấc ngủ vì nó lặp lại thế, nó hài hoà thế, nó chán thế - bạn sẽ rơi thành nạn nhân. Và đừng nghĩ rằng giấc ngủ của bạn là thiền của bạn. Ngủ không phải là thiền.
Ngủ là tốt trong bản thân nó, nhưng cảnh giác. Nếu bạn đang dùng mật chú cho ngủ, thế thì nó là được. Nhưng nếu bạn dùng mật chú cho thức tỉnh tâm linh, thế thì cảnh giác về giấc ngủ. Với những người dùng mật chú, ngủ là kẻ thù - và do vậy nó dễ dàng xảy ra. Và nó là hay thế, vì nó là một kiểu ngủ khác: nhớ điều đó nữa. Khi nó tới từ mật chú, đây không phải là giấc ngủ bình thường. Đây là một loại giấc ngủ khác.
Người Hi Lạp đã gọi nó là hypnos, và từ hypnos từ nữa hypnotism (thôi miên) đã được dẫn ra. Trong yoga, họ gọi nó là yoga tandra - giấc ngủ đặc biệt xảy ra cho người yogi và không cho người thường. Nó là hypnos thôi miên - giấc ngủ được gây ra, không phải là giấc ngủ bình thường. Và khác biệt là rất cơ bản, cho nên cố hiểu nó - vì nếu bạn thử một mật chú, bất kì âm thanh nào, điều này sẽ thành vấn đề của bạn. Vấn đề lớn nhất phải đối diện là ngủ.
Thôi miên dùng cùng kĩ thuật - tạo ra chán. Người thôi miện liên tục lẩm nhẩm lời nào đó hay câu nào đó. Người đó liên tục lẩm nhẩm, và bạn trở nên chán. Hay người đó cho bạn ánh sáng để tập trung vào. Nhìn ánh sáng liên tục, bạn phát chán.
Trong nhiều đền chùa, nhà thờ mọi người ngủ say. Nghe kinh sách, họ rơi vào ngủ. Họ đã nghe kinh sách đó nhiều lần thế, nó đã trở thành chán. Không có hứng thú gì, họ đã biết câu chuyện rồi.
Nếu bạn liên tục xem cùng phim lặp đi lặp lại, bạn sẽ ngủ say: không hứng thú nào cho tâm trí, không thách thức, và không có gì để xem. Bạn đã nghe ramayana nhiều lần thế, bạn có thể ngủ và chẳng khó khăn gì, bạn có thể tiếp tục nghe trong giấc ngủ của bạn. Và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy rằng bạn đã ngủ vì bạn không bao giờ bỏ lỡ bất kì cái gì trong câu chuyện: bạn đã biết nó rồi.
Giọng của người thuyết giảng rất dễ gây buồn ngủ sâu - thuyết phục, đơn điệu. Bạn có thể nói một cách đơn điệu, theo giọng đều đều, thế thì giấc ngủ xảy ra. Nhiều nhà tâm lí học khuyên bệnh nhân bị mất ngủ của họ đi và nghe bài nói tôn giáo, điều cho giấc ngủ dễ dàng. Bất kì khi nào bạn chán, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ, nhưng giấc ngủ đó là thôi miên, giấc ngủ đó là yoga tandra. Và khác biệt là gì? Điều đó là không tự nhiên. Nó là phi tự nhiên, và với các thuộc tính đặc biệt.
Một, khi bạn rơi vào giấc ngủ qua mật chú hay qua thôi miên, bạn có thể tạo ra bất kì ảo vọng nào một cách dễ dàng và ảo vọng này sẽ là thực như có thể. Trong giấc ngủ thường bạn có thể tạo ra mơ, nhưng khoảnh khắc bạn thức bạn sẽ biết rằng chúng là mơ. Trong thôi miên, trong yoga tandra, bạn có thể tạo ra linh ảnh, và khi bạn ra khỏi nó bạn sẽ không có khả năng nói rằng chúng là mơ. Bạn sẽ nói rằng chúng còn thực hơn là cuộc sống quanh bạn. Đó là một trong những khác biệt cơ bản.
Bạn có thể tạo ra bất kì ảo vọng nào. Cho nên nếu người Ki tô giáo rơi vào trong thôi miên, người đó sẽ thấy Christ. Nếu người Hindu rơi vào, người đó sẽ thấy Krishna thổi sáo. Nó là hay! Và phẩm chất của thôi miên là ở chỗ bạn sẽ tin rằng đây là thực. Đó là nguy hiểm, và không ai có thể thuyết phục được bạn rằng điều này là không thực. Cảm giác này là tới mức bạn biết đây là thực. Bạn có thể nói rằng toàn thể cuộc sống là không thực, maya, nhưng bạn không thể nói được rằng bất kì cái gì bạn đã thấy trong thôi miên, trong yoga tandra, là không thực. Nó sống động thế, mầu sắc thế, hấp dẫn và cuốn hút thế.
Đó là lí do tại sao nếu ai đó nói cái gì đó cho bạn trong khi bạn đang bị thôi miên, bạn sẽ tin người đó một cách tuyệt đối. Không thể có hoài nghi; bạn không thể hoài nghi người đó. Bạn có thể đã thấy các phiên thôi miên nào đó. Bất kì cái gì người thôi miên nói, người bị thôi miên tin và bắt đầu hành động theo. Nếu người đó nói với một người, "Anh là đàn bà. Giờ bước đi trên sân khấu," người này sẽ bước đi như đàn bà. Người này không thể bước đi như đàn ông được vì thôi miên là tin cậy sâu; nó là đức tín. Không có tâm trí có ý thức để nghĩ, không có tâm trí suy luận để tranh luận. Bạn đơn giản là tâm, bạn đơn giản tin. Không có cách nào không tin, bạn không thể truy vấn được. Tâm trí hỏi đang ngủ - đó là khác biệt.
Trong ngủ thường của bạn, tâm trí truy vấn hiện diện, nó không ngủ. Trong thôi miên tâm trí truy vấn của bạn ngủ, và bạn không ngủ. Đó là lí do tại sao bạn có thể nghe thấy người thôi miên nói bất kì cái gì với bạn và bạn sẽ tuân theo chỉ dẫn của người đó. Trong ngủ thường bạn không thể nghe thấy, nhưng lí trí của bạn không ngủ. Cho nên nếu cái gì đó xảy ra mà có thể có tính thảm hoạ cho bạn, ngủ của bạn sẽ bị phá vỡ bởi lí trí của bạn.
Người mẹ đang ngủ cùng đứa con. Cô ấy có thể không nghe thấy gì khác, nhưng nếu đứa con tạo ra một âm thanh thậm chí rất nhỏ, một tín hiệu nhỏ, cô ấy sẽ thức. Nếu đứa con cảm thấy hơi chút không thoải mái, cô ấy sẽ thức. Tâm trí suy luận tỉnh táo. Bạn ngủ, nhưng tâm trí suy luận của bạn tỉnh táo. Cho nên ngay cả thỉnh thoảng trong mơ, bạn có thể cảm thấy rằng họ đang mơ. Tất nhiên, khoảnh khắc bạn cảm thấy điều này mơ của bạn sẽ bị vỡ. Bạn có thể cảm thấy rằng điều đó là ngớ ngẩn, nhưng khoảnh khắc bạn cảm thấy nó, mơ sẽ bị phá vỡ. Tâm trí của bạn tỉnh táo, một phần thường xuyên quan sát.
Nhưng trong thôi miên, hay trong yoga tandra, người quan sát ngủ. Đó là vấn đề với tất cả những người muốn dùng âm thanh để đi vào vô âm hay toàn âm, đi ra ngoài. Họ phải nhận biết rằng mật chú phải không trở thành kĩ thuật tự thôi miên. Nó phải không tạo ra tự thôi miên.
Vậy bạn có thể làm được gì? Bạn chỉ có thể làm một điều: khi bạn đang dùng mật chú, khi bạn đang niệm mật chú, không đơn giản niệm nó. Đồng thời phải tỉnh táo và lắng nghe nó nữa. Niệm nó và lắng nghe nó cả hai. Bằng không, nếu bạn không lắng nghe một cách có ý thức, nó sẽ trở thành điệu ru của bạn và bạn sẽ rơi vào giấc ngủ say. Giấc ngủ đó sẽ rất tốt - bạn sẽ cảm thấy được làm tươi tắn lại sau nó, sống động; bạn sẽ cảm thấy sự khoẻ mạnh nào đó - nhưng đây không phải là vấn đề.
Kĩ thuật thứ tư về âm thanh:
Lúc ban đầu và sửa đổi dần âm thanh của bất kì chữ nào, thức tỉnh.
Đôi khi các thầy giáo đã dùng kĩ thuật này rất nhiều. Họ có cách khéo léo của họ. Chẳng hạn, nếu bạn đi vào lều của Thiền sư, ông ấy có thể đột nhiên la hét. Bạn sẽ trở nên giật mình, nhưng nếu bạn biết tại sao ông ấy làm điều này, bạn biết ông ấy làm nó chỉ để làm cho bạn thức tỉnh. Bất kì thứ bất thần nào cũng làm cho bạn thức tỉnh. Bất kì âm thanh bất thần nào cũng có thể làm cho bạn thức tỉnh.
Tính bất thần phá vỡ giấc ngủ của bạn, và bình thường chúng ta ngủ. Trừ phi cái gì đó đi sai, chúng ta không ra ngoài giấc ngủ, chúng ta liên tục làm mọi thứ theo cách ngủ. Đó là lí do tại sao chúng ta không bao giờ cảm thấy giấc ngủ. Bạn tới văn phòng, bạn lái xe, bạn về nhà, bạn yêu con bạn, bạn nói với vợ bạn, cho nên bạn nghĩ bạn không ngủ chút nào. Làm sao bạn có thể làm tất cả những điều này mà ngủ được? Bạn nghĩ điều đó là không thể được, nhưng bạn có biết gì về người mộng du không - người bước đi trong giấc ngủ của họ? Mắt họ mở, và họ ngủ, và họ có thể làm nhiều thứ. Nhưng đến sáng họ sẽ không nhớ rằng họ đã làm chúng.
Họ có thể đi tới đồn cảnh sát và báo cáo rằng cái gì đó sai, rằng ai đó đi vào nhà họ ban đêm và đã tạo ra điều nguy hại, và bản thân họ đã bị thấy là có trách nhiệm. Nhưng trong đêm, trong giấc ngủ của họ, họ bước đi và làn những điều nào đó, thế rồi họ quay lại giường và tiếp tục giấc ngủ, và đến sáng họ không thể nhớ được cái gì đã xảy ra. Họ có thể mở cửa, họ có thể dùng khoá, họ có thể làm nhiều thứ. Mắt họ mở, và họ ngủ.
Theo nghĩa sâu, tất cả chúng ta đều là người mộng du. Bạn có thể đi tới văn phòng, bạn có thể về nhà, bạn có thể làm những điều nào đó: bạn sẽ lặp lại cùng điều bạn bao giờ cũng lặp lại. Bạn sẽ nói với vợ bạn, "Anh yêu em," và bạn sẽ không ngụ ý gì bởi điều đó. Lời sẽ chỉ là máy móc. Bạn thậm chí không nhận biết rằng bạn đang nói với vợ bạn, "Anh yêu em." Bạn đơn giản làm mọi thứ dường như bạn đang ngủ say. Toàn thể thế giới này là thế giới của những người mộng du đối với người đã trở nên thức tỉnh. Vị phật cảm thấy theo cách đó, một Gurdjieff cảm thấy theo cách đó - rằng mọi người đang ngủ say và vẫn làm mọi thứ.
Gurdjieff thường nói rằng bất kì cái gì xảy ra trong thế giới này đều tuyệt đối là điều có thể được trông đợi - chiến tranh, đánh nhau, bạo động, giết người, tự tử. Ai đó hỏi Gurdjieff, "Cái gì đó có thể được làm để chấm dứt chiến tranh không?" Ông ấy nói, "Chẳng cái gì có thể được làm - vì những người đang đánh nhau, họ đang ngủ say, và những người là người theo chủ nghĩa hoà bình, họ ngủ say. Và mọi người đều đi trong giấc ngủ. Những việc xảy ra này là tự nhiên, không tránh khỏi. Chừng nào con người chưa thức tỉnh, không cái gì có thể được thay đổi, vì đây toàn là sản phẩm phụ của giấc ngủ của con người. Người đó sẽ tranh đấu; người đó không thể bị dừng lại khỏi tranh đấu. Chỉ nguyên nhân có thể bị thay đổi."
Có thời con người đã tranh đấu vì Ki tô giáo, vì Hồi giáo, vì cái này và cái nọ. Bây giờ con người không tranh đấu vì Ki tô giáo, bây giờ con người tranh đấu vì chủ nghĩa cộng sản, vì dân chủ. Nguyên nhân sẽ thay đổi, cái cớ sẽ thay đổi, và tranh đấu sẽ tiếp tục, vì con người ngủ và bạn không thể mong đợi bất kì cái gì khác.
Việc ngủ này có thể bị phá vỡ. Bạn phải dùng kĩ thuật nào đó. Kĩ thuật này nói, Lúc ban đầu và sửa đổi dần âm thanh của bất kì chữ nào, thức tỉnh. Thử với bất kì âm thanh nào, với bất kì chữ nào - Aum, chẳng hạn. Lúc ban đầu, khi bạn còn chưa tạo ra âm thanh, thức tỉnh. Hay khi âm thanh chuyển vào toàn âm, thế thì thức tỉnh.
Làm sao bạn có thể làm được điều đó? Đi vào đền chùa. Chuông có đó hay cồng có đó. Cầm chuông trong tay và chờ đợi. Đầu tiên trở nên tỉnh táo toàn bộ. Âm thanh sẽ có đó và bạn không bỏ lỡ lúc bắt đầu. Đầu tiên trở nên tỉnh táo toàn bộ, dường như cuộc sống của bạn phụ thuộc vào điều này, dường như ai đó sắp giết bạn chính khoảnh khắc này, và bạn sẽ thức tỉnh. Tỉnh táo - dường như đây sẽ là cái chết của bạn.
Và nếu có ý nghĩ, đợi đã, vì ý nghĩ là có tính ngủ. Với ý nghĩ bạn không thể tỉnh táo. Khi bạn tỉnh táo, không có ý nghĩ. Cho nên đợi. Khi bạn cảm thấy rằng bây giờ tâm trí không có ý nghĩ, rằng không có mây và bạn tỉnh táo, thế thì di chuyển cùng âm thanh này.
Nhìn khi âm thanh này không có đó, thế rồi nhắm mắt lại. Thế rồi nhìn khi âm thanh được tạo ra, được đánh lên; thế rồi di chuyển cùng âm thanh. Âm thanh này sẽ trở nên mỗi lúc một chậm hơn, tinh tế hơn và tinh tế hơn và tinh tế hơn, và thế rồi nó sẽ không có đó. Thế thì tiếp tục cùng âm thanh này. Cảnh giác, tỉnh táo. Di chuyển cùng âm thanh này tới chính chỗ kết thúc. Nhìn cả hai cực của âm thanh, cả hai chỗ bắt đầu và kết thúc.
Thử với âm thanh bên ngoài nào đó như tiếng cồng hay chuông hay bất kì cái gì, thế rồi nhắm mắt lại. Thốt ra bất kì âm thanh nào bên trong - Aum hay bất kì cái gì - và thế rồi làm cùng thực nghiệm này với nó. Điều đó là khó; đó là lí do tại sao chúng ta làm nó ở bên ngoài trước hết. Khi bạn có thể làm nó bên ngoài, thế thì bạn sẽ có khả năng làm nó bên trong. Thế thì làm nó đi. Đợi cho tới khoảnh khắc khi tâm trí trống vắng, thế rồi tạo ra âm thanh bên trong. Cảm thấy nó, di chuyển cùng nó, đi cùng nó, cho tới khi nó biến mất hoàn toàn.
Cho tới khi bạn có thể làm điều này... sẽ mất thời gian. Vài tháng sẽ được cần tới, ít nhất là ba tháng. Trong ba tháng này, bạn sẽ trở nên ngày càng tỉnh táo hơn. Trạng thái tiền âm thanh và hậu âm thanh phải được quan sát. Không cái gì để bị bỏ lỡ. Một khi bạn trở nên tỉnh táo tới mức bạn có thể quan sát sự bắt đầu và kết thúc của âm thanh, qua quá trình này bạn sẽ trở thành người khác toàn bộ.
Thỉnh thoảng điều này có vẻ ngớ ngẩn. Kĩ thuật đơn giản thế, làm sao chúng có thể thay đổi được bạn? Mọi người đều bị rối loạn thế, trong phiền não, và những phương pháp này dường như đơn giản thế. Chúng dường như giống các thủ đoạn. Nếu bạn đi tới Krishnamurti và bảo ông ấy rằng đây là phương pháp, ông ấy sẽ nói, "Đây là thủ đoạn tâm trí. Đừng bị mắc lừa bởi nó. Quên nó đi, vứt nó đi!"
Nó có vẻ như vậy. Hiển nhiên, nó có vẻ giống như thủ đoạn. Làm sao bạn có thể được biến đổi qua những thứ đơn giản thế? Nhưng bạn không biết thôi - chúng không đơn giản. Khi bạn làm chúng, thế thì bạn biết rằng chúng là rất gian nan. Nếu bạn chỉ nghe tôi nói về chúng, chúng là đơn giản. Nếu tôi bảo bạn, "Đây là chất độc và nếu bạn uống một giọt của nó bạn sẽ chết," nếu bạn không biết gì về chất độc bạn sẽ nói, "Thầy đang nói cái gì vậy? Chỉ mỗi một giọt chất lỏng này, và một người như tôi mạnh khoẻ, sẽ chết sao?" Nếu bạn không biết gì về chất độc, chỉ thế bạn mới có thể nói điều này. Nếu bạn biết cái gì đó về nó, bạn không thể nói điều này.
Điều này dường như là rất đơn giản: niệm một âm thanh và thế rồi trở nên nhận biết lúc bắt đầu và lúc kết thúc. Nhưng nhận biết là rất khó, và khi bạn thử nó thế thì bạn sẽ biết rằng nó không phải là trò chơi trẻ con. Bạn không nhận biết - và khi bạn thử nó, lần đầu tiên bạn sẽ không biết rằng bạn đã từng ngủ cả đời bạn. Ngay bây giờ bạn nghĩ bạn đã nhận biết. Thử nó đi. Với bất kì thứ nhỏ bé nào, thử điều này.
Tự nhủ mình rằng "Mình sẽ thức tỉnh, tỉnh táo, trong mười hơi thở," và thế rồi đếm hơi thở. "Chỉ trong mười hơi thở," tự nhủ mình, "Mình sẽ vẫn còn tỉnh táo. Và mình sẽ đếm từ một tới mười, hơi thở đi vào, đi ra, đi vào, đi ra. Mình sẽ vẫn còn tỉnh táo."
Bạn sẽ bỏ lỡ. Hai hay ba, và bạn sẽ chuyển đi đâu đó khác. Thế rồi đột nhiên bạn sẽ trở nên nhận biết rằng "Mình đã bỏ lỡ. Mình không đếm hơi thở." Hay bạn có thể đếm, nhưng khi bạn đã đếm đến mười bạn sẽ trở nên nhận biết rằng "Mình đã đến trong giấc ngủ rồi. Mình đã không tỉnh táo."
Tỉnh táo là một trong những điều khó nhất. Đừng nghĩ rằng các phương pháp này là đơn giản. Dù kĩ thuật là bất kì cái gì, tỉnh táo là điều cần được đạt tới. Mọi thứ khác chỉ là giúp đỡ.
Và bạn có thể phát minh ra phương pháp riêng của bạn. Nhưng nhớ duy nhất một điều: tỉnh táo phải có đó. Bạn có thể làm bất kì cái gì trong giấc ngủ; thế thì không có vấn đề gì. Vấn đề chỉ nảy sinh khi nó là điều kiện phải làm nó một cách tỉnh táo.
Kĩ thuật âm thanh thứ năm:
Trong khi lắng nghe nhạc cụ dây, nghe âm thanh trung tâm hợp thành của chúng; vậy có mặt khắp nơi.
Cùng một điều! Bạn đang nghe nhạc cụ - đàn sitar, hay bất kì cái gì. Nhiều nốt có đó. Tỉnh táo và lắng nghe cốt lõi trung tâm, xương sống của nó mà quanh đó mọi nốt đang tuôn chảy, dòng chảy sâu nhất giữ tất cả các nốt lại với nhau - cái là trung tâm, cũng giống như xương sống của bạn. Toàn thân được giữ bởi xương sống. Lắng nghe âm nhạc, tỉnh táo, xuyên thấu vào âm nhạc, và tìm ra xương sống của nó - thứ trung tâm liên tục chảy, giữ mọi thứ gắn với nhau. Các nốt tới và đi và biến mất, nhưng cốt lõi trung tâm tuôn chảy tiếp. Trở nên nhận biết về nó.
Về căn bản, về nguồn gốc, âm nhạc được dùng cho thiền; đặc biệt âm nhạc Ấn Độ đã phát triển như phương pháp thiền, nhảy múa Ấn Độ đã phát triển như phương pháp thiền. Với người làm, nó là thiền sâu, và với khán giả, nó cũng là thiền sâu. Vũ công hay nhạc sĩ có thể là kĩ thuật viên. Nếu không có thiền trong nó, người đó là kĩ thuật viên. Người đó có thể là nhà kĩ thuật lớn, nhưng thế thì linh hồn không có đó, chỉ có thân thể. Linh hồn chỉ tới khi nhạc sĩ là thiền nhân sâu.
Và âm nhạc chỉ là thứ bên ngoài. Trong khi chơi trên chiếc đàn sitar, người ta không chỉ chơi trên chiếc đàn này, người đó cũng chơi trên sự tỉnh táo bên trong của mình. Đàn sitar diễn ra bên ngoài và nhận biết mãnh liệt của người đó di chuyển bên trong. Âm nhạc chảy bên ngoài, nhưng người đó tỉnh táo, thường xuyên nhận biết về cốt lõi bên trong nhất của nó. Và điều đó cho samadhi. Điều đó trở thành cực lạc. Điều đó trở thành đỉnh cao nhất.
Người ta nói rằng khi nhạc sĩ đã thực sự trở thành nhạc sĩ, người đó sẽ đập đàn của mình - vì nó không còn hữu dụng. Nếu người đó vẫn cần nhạc cụ, người đó chưa phải là nhạc sĩ thực. Người đó chỉ đang học. Nếu bạn có thể chơi với âm nhạc, chơi với thiền, sớm hay muộn nhạc bên trong sẽ trở thành quan trọng hơn, và nhạc bên ngoài sẽ trở thành không chỉ kém quan trọng: chung cuộc nó sẽ trở thành náo động. Nếu ý thức của bạn chuyển vào bên trong và có thể tìm thấy nhạc bên trong, thế thì nhạc bên ngoài sẽ là náo động. Bạn sẽ vứt đàn sitar, bạn sẽ vứt nhạc cụ đi khỏi bạn, vì bây giờ bạn đã tìm thấy nhạc cụ bên trong. Nhưng nó không thể được tìm thấy mà không có cái bên ngoài; với cái bên ngoài bạn có thể trở nên tỉnh táo dễ dàng hơn. Một khi bạn đã trở nên tỉnh táo, bỏ cái bên ngoài và di chuyển vào trong. Và với người nghe cũng vậy, cùng điều đó!
Nhưng bạn đang làm gì khi bạn nghe nhạc? Bạn không thiền. Ngược lại, bạn đang dùng nhạc như cái gì đó tựa như rượu cồn. Bạn đang dùng nó để được thảnh thơi, bạn đang dùng nó để quên đi cái ngã. Đây là điều không may, nỗi khổ: những kĩ thuật đã được phát triển cho nhận biết đang được dùng cho ngủ. Và đây là cách con người liên tục làm điều có hại cho bản thân mình.
Nếu cái gì đó được trao cho bạn mà có thể làm cho bạn thức tỉnh, bạn sẽ dùng nó để làm cho bản thân bạn ngủ nhiều hơn. Đó là lí do tại sao trong hàng nghìn năm, những giáo huấn đã được giữ bí mật - vì người ta nghĩ thật là vô dụng trao các kĩ thuật cho người ngủ. Người đó sẽ dùng chúng để ngủ; người đó không thể làm khác được. Cho nên kĩ thuật đã chỉ được trao cho các đệ tử đặc biệt, người sẵn sàng lay động giấc ngủ của họ, người sẵn sàng đập tan việc ngủ của họ.
Ouspensky viết riêng một cuốn sách về George Gurdjieff là "Người đã quấy rối giấc ngủ của tôi." Những người như vậy là những người quấy rối. Những người như Gurdjieff hay Phật hay Jesus, họ là những người quấy rối. Đó là lí do tại sao chúng ta trả thù họ. Bất kì người nào quấy rối giấc ngủ của chúng ta, chúng ta sẽ đóng đinh người đó. Người đó dường như không tốt với chúng ta. Chúng ta có thể đã mơ giấc mơ đẹp và người đó tới và quấy rối giấc ngủ của chúng ta. Chúng ta muốn giết người đó. Giấc mơ đã đẹp thế.
Giấc mơ có thể đẹp và tôi có thể không đẹp, nhưng một điều là chắc chắn: nó là mơ, và vô tích sự, vô dụng! Và nếu nó là đẹp, thế thì nó là nguy hiểm hơn vì nó có thể hấp dẫn bạn nhiều hơn, nó có thể trở thành ma tuý.
Chúng ta đã từng dùng âm nhạc như ma tuý, nhảy múa như ma tuý. Và nếu bạn muốn dùng âm nhạc và nhảy múa như ma tuý, thế thì chúng sẽ trở thành không chỉ là ma tuý cho giấc ngủ của bạn, chúng sẽ trở thành ma tuý cho dâm dục nữa. Cho nên nhớ điểm này: dâm dục và ngủ đi đôi với nhau. Người càng ngủ nhiều, càng dâm dục; người càng thức, càng ít dâm dục. Dục về cơ bản được bắt rễ trong ngủ. Khi bạn thức bạn sẽ đáng yêu hơn, toàn thể năng lượng của dục sẽ được biến đổi thành yêu.
Kinh này nói: Trong khi lắng nghe nhạc cụ dây, nghe âm thanh trung tâm hợp thành của chúng - âm thanh trung tâm đầy đủ của chúng - vậy có mặt khắp nơi. Và thế thì bạn sẽ biết điều cần được biết, hay điều đáng biết. Bạn sẽ trở thành có mặt khắp nơi. Với âm nhạc, tìm thấy cốt lõi trung tâm hợp thành, bạn sẽ trở nên thức tỉnh, và với việc thức tỉnh đó bạn sẽ ở mọi nơi.
Ngay bây giờ, bạn ở đâu đó - điểm mà chúng ta gọi là bản ngã. Nếu bạn có thể trở nên thức tỉnh, điểm này sẽ biến mất. Bạn sẽ không ở bất kì chỗ nào, bạn sẽ ở mọi nơi - dường như bạn đã trở thành tất cả. Bạn sẽ trở thành đại dương, bạn sẽ trở thành vô hạn.
Tính hữu hạn là cùng tâm trí.
Tính vô hạn đi vào cùng thiền.

0 Đánh giá

Ads Belove Post