Read more
Om Mani Padme Hum - Osho
Âm thanh của Im lặng: Kim cương trong Hoa sen
Chương 2. Chuyện rất đơn giản và khiêm tốn
Thưa thầy kính yêu,
Phúc lạc có phải là cách diễn đạt của lòng
biết ơn với sự tồn tại không?
Sanjiva, nó chính là điều ngược lại.
Phúc lạc không phải là cách diễn đạt của lòng biết ơn, ngược lại, lòng biết ơn là cách diễn đạt của phúc lạc. Trước hết kinh nghiệm về phúc lạc tới. Trước hết bạn đạt tới trạng thái tâm thức nơi cực lạc là tự nhiên, nơi tiềm năng của bạn nở hoa thành cách diễn đạt tối thượng. Điệu vũ lớn nảy sinh trong bạn, an bình mênh mông và im lặng sâu sắc - nhưng nó không phải là im lặng của nấm mồ, nó là im lặng tràn đầy sống động, thổn thức với nhịp đập trái tim. Toàn thể kinh nghiệm này là phúc lạc. Và bởi vì phúc lạc này, điều sự tồn tại làm thành sẵn có cho bạn, nên cảm giác về lòng biết ơn, cám ơn nảy sinh.
Với tôi, đây là lời cầu nguyện đích thực duy nhất. Không phải lời cầu nguyện được đưa ra trong nhà thờ, trong giáo đường Do Thái, trong đền chùa, trước những tượng Thượng đế bằng đá - những lời cầu nguyện đó đầy những tham lam. Họ đang đòi hỏi điều gì đó, nói cách khác họ đang phàn nàn về cái gì đó. Cái gì đó sai trong cuộc sống này và Thượng đế nên làm nó cho phải. Không có lòng biết ơn trong những lời cầu nguyện đó; ngược lại, chúng là những chỉ báo tuyệt đối về sự không biết ơn.
Khoảnh khắc bạn đòi hỏi điều gì đó, bạn đang nói rằng điều bạn xứng đáng được, đã không được trao cho bạn, cái là quyền tập ấm của bạn đã không được đáp ứng. Bạn đang ném trách nhiệm lên sự tồn tại. Thay vì biết ơn về điều đã được trao cho bạn, bạn đang biểu lộ sự không biết ơn từ điều lòng tham của bạn đòi hỏi, tham vọng của bạn đòi hỏi, từ điều ham muốn của bạn đang thao túng bạn. Lời cầu nguyện trong cái gọi là đền chùa của Thượng đế ấy không phải là lời cầu nguyện thực. Chúng đầy những tham lam, ham muốn, thèm khát của bạn.
Lời cầu nguyện chỉ nảy sinh đối với thiền nhân. Nó không được phát biểu hướng về thượng đế - điều chỉ là một giả thuyết, không có bằng chứng về bất kì Thượng đế nào. Vâng, hoàn toàn có bằng chứng về tính thiêng liêng: phẩm chất của điều thiêng liêng trong việc mặt trời mọc vào buổi sáng, trong đêm sao, trong đường bay đẹp của con chim tung cánh, trong đoá hoa, trong cây cối, trong đại dương.
Tất cả vũ trụ bao la này là đủ với chính nó. Nó không cần tới Thượng đế - Thượng đế chỉ là an ủi cho kẻ dốt nát. Thiền nhân đương đầu với bản thân sự tồn tại. Bản thể riêng của người đó trở thành kinh nghiệm về tính thượng đế. Người đó biết rằng trong bản thể bên trong riêng của mình người đó là một phần của cuộc sống vĩnh hằng. Không có chết, chưa bao giờ có chết nào cả. Kinh nghiệm điều này, nảy sinh ra một điệu vũ tinh tế thế... nảy sinh ra lòng biết ơn sâu sắc, không hướng tới bất kì ai riêng mà đơn giản hướng tới toàn thể vũ trụ. Tới các vì sao, tới cây cối, tới đất, tới trăng, tới con vật, tới con người... nó là lòng biết ơn không đề địa chỉ.
Và chừng nào bạn chưa kinh nghiệm sự biết ơn không hướng vào đâu cả, bạn vẫn không biết đích xác nghĩa của lời cầu nguyện. Lời 'cầu nguyện' đem một biểu đạt sai; nó nên được đổi thành tính cầu nguyện, cũng như tôi đang đổi 'Thượng đế' thành tính thượng đế.
H.G. Wells đã viết một trong những bản lịch sử quan trọng nhất của thế giới. Và khi ông ấy đi tới viết về Phật Gautam ông ấy có một phát biểu cực kì lớn lao để đưa ra. Ông ấy nói Phật Gautam là người vô thượng đế nhất, ấy vậy mà mang tính thượng đế nhất. Phật Gautam đã không tin vào bất kì thượng đế nào, nhưng ông ấy đã tin rằng mọi người đều có thể trở thành thượng đế. Là thượng đế không là gì ngoài việc nhận ra tiềm năng toàn bộ của bạn. Hạt mầm của bạn đang mang bên trong bản thân nó, trong bụng mẹ của nó, việc nở hoa tối thượng của thiên đường hoa sen. Có những khả năng của nhiều thượng đế như có ngần ấy người đang sống trong sự tồn tại, nếu mọi người đều đi tới việc diễn đạt tối thượng của mình.
Chính ý tưởng về một thượng đế tạo ra thế giới có tính độc tài. Nó là ý tưởng cuồng tín, nó là phát xít. Một thượng đế là rất nguy hiểm cho mọi giá trị dân chủ, và một khi chúng ta chấp nhận một thượng đế là đấng sáng tạo của sự tồn tại thì chúng ta đang tước đi của con người chân giá trị của người đó, tự do của người đó. Người đó bị thu lại thành con rối. Nếu Thượng đế là đấng sáng tạo, bạn không thể có bất kì tự do nào. Nếu có Thượng đế đang cai trị thế giới, bạn có thể có tự do nào?
Ở Ấn Độ họ nói rằng không có ý chí của Thượng đế thậm chí một chiếc lá nhỏ cũng không lay động được. Họ nghĩ họ rất tôn giáo khi họ đưa ra phát biểu như vậy. Nhưng nếu không có ý chí của Thượng đế mà thậm chí đến một chiếc lá cũng không thể lay động được theo gió, bạn có thể có được tự do gì? Thế thì chúng ta chỉ là con rối; sợi dây của chúng ta là trong tay của Thượng đế không biết nào đó. Nếu ông ấy muốn chúng ta khổ chúng ta sẽ khổ. Nếu ông ấy muốn chúng ta phúc lạc chúng ta sẽ phúc lạc. Điều đó sẽ không phải là chân giá trị; nó sẽ đơn giản là mọi thứ ở trong tay ông ấy. Chúng ta vẫn còn là kẻ ăn xin.
Những người như Phật Gautam muốn bạn là hoàng đế. Họ cho bạn chân giá trị của bạn, vinh quang của bạn, sự tự kính trọng của bạn. Thượng đế và sự tự kính trọng không thể cùng tồn tại được. Không việc cùng tồn tại nào là có thể.
Phật Gautam phủ nhận Thượng đế không phải bởi vì ông ấy là kẻ vô thần; ông ấy phủ nhận Thượng đế bởi vì ông ấy là người yêu tự do tối thượng. Phủ nhận của ông ấy có lí do hoàn toàn khác. Những người vô thần đã phủ nhận Thượng đế không phải vì tự do của con người, mà chỉ để cho con người sự phóng túng: "Ăn, uống, vui vẻ đi, bởi vì không có Thượng đế và bạn không cần phải lo nghĩ. Bạn không cần cảm thấy bất kì trách nhiệm nào với cuộc sống, với bản thân bạn." Những người vô thần làm cho mọi người thành vô trách nhiệm. Họ làm cho mọi người đồng nghĩa với thực vật. Họ phủ nhận bản thể bên trong của bạn; họ phủ nhận chính tâm linh của bạn.
Phật Gautam không phải là người vô thần. Ông ấy chắc chắn không phải là người hữu thần - ông ấy không đề nghị bất kì thượng đế giả tưởng nào để mọi người phải tôn thờ. Ngược lại, ông ấy thay đổi toàn bộ chiều hướng của tôn giáo. Những người đang nhìn lên thượng đế trên trời là đang nhìn ra ngoài. Phật Gautam nhấn mạnh không có thượng đế; không cần nhìn ra ngoài - nhìn vào trong. Và nếu bạn có thể nhìn vào trong, với mắt nhắm trong im lặng sâu sắc, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy phẩm chất mới cho cuộc sống của bạn, cho sự tồn tại của bạn; một phẩm chất chỉ có thể được gọi là tính thượng đế, chỉ có thể được gọi là điều thiêng liêng... cái gì đó còn hơn vật chất. Bạn thậm chí không kết thúc với vật chất.
Vật chất có thể là nền tảng của cuộc sống, nhưng nó không phải là đỉnh cao nhất. Vật chất có thể là rễ của cây, nhưng nó không phải là hoa của cây. Và chừng nào bạn chưa biết tới tâm thức nở hoa trong bạn, bạn không thể cảm thấy phúc lạc được.
Phúc lạc là kinh nghiệm tối thượng của việc bạn về nhà, của cảm giác thoải mái của bạn với sự tồn tại, thảnh thơi, trong thống nhất và hài hoà toàn bộ.
Khoảnh khắc nhịp đập trái tim bạn và nhịp đập trái tim của sự tồn tại trở thành một, khoảnh khắc điệu vũ nhỏ bé của bạn hài hoà với điệu vũ bao la vẫn diễn ra quanh bạn, khoảnh khắc bạn trở thành một phần của lễ hội này mà chính là sự tồn tại, nảy sinh biết ơn vô cùng. Bạn không phải làm điều đó. Bạn đơn giản thấy nó nảy sinh từ bạn, cũng như hương thơm thoảng ra từ hoa. Nó là điều tự phát. Đây là tính chất cầu nguyện thực sự.
Tôi đã kể cho bạn một câu chuyện hay về Leo Tolstoy. Một vị tổng giám mục của Nhà thờ Cơ đốc giáo Nga rất tức giận bởi vì hàng nghìn người đã tới gặp ba dân quê hoàn toàn vô danh sống trên một hòn đảo nhỏ giữa hồ. Mọi người nghĩ họ là các vị thánh.
Bây giờ trong Ki tô giáo, chừng nào nhà thờ chưa xác nhận bạn là thánh, bạn không thể là thánh nhân được. Đây là điều ngu xuẩn tới mức bạn không thể nào quan niệm nổi... Trong hàng thế kỉ điều này đã diễn ra. Từ tiếng Anh cho thánh nhân ‘saint' có bắt nguồn từ chữ sanctus - thừa nhận. Nó có nghĩa là việc nhà thờ chấp nhận. Chừng nào nhà thờ chưa cho bạn sự chấp nhận... điều đó gần giống như được bằng tiến sĩ văn chương danh dự của đại học.
Tính thánh thiện không thể được xác nhận bởi bất kì ai. Không ai có thẩm quyền xác nhận tính thánh thiện của bất kì ai. Tính thánh thiện bản thân nó, trong chính nó là bằng chứng. Khoảnh khắc bạn thấy nó, bạn biết nó. Khoảnh khắc bạn cảm nó, bạn biết nó. Nó không cần sự chấp thuận khác.
Nhưng ông tổng giám mục này rất tức giận; "Không được phép của ta, không có sự chấp nhận của ta, làm sao ba thằng ngốc trong làng kia trở thành thánh được?" Và mọi người không tới giáo đoàn của ông ta; mọi người tới thăm các thánh nhân xa xăm kia.
Cuối cùng ông ta quyết định tới và tự mình xem điều gì đang diễn ra. Ông ta lấy một chiếc thuyền máy, tới hòn đảo nhỏ kia. Nó nhỏ đến mức chỉ có mỗi một cây trên đảo, nhưng với tán lá đẹp, và cả ba vị thánh kia đang ngồi dưới nó.
Chỉ bằng việc nhìn vào họ ông tổng giám mục biết: Đây là những dân quê hoàn toàn không có giáo dục - ai đã tạo ra tin đồn này? Và làm sao mọi người khờ khạo đến mức đi tôn thờ những kẻ này? Và khi ông ta bước xuống khỏi chiếc thuyền thì cả ba dân quê kia tới chạm chân ông ta. Ông ta hài lòng lắm.
Ông ta nói, "Các ông là ba thầy tu mà cả nước đang nói tới đấy sao?"
Họi nói, "Chúng tôi đâu có biết. Mọi người tới chúng tôi, chúng tôi không thể ngăn cản họ tới được. Mọi điều chúng tôi biết là ở chỗ không còn ham muốn nữa, không còn tham vọng nữa. Cuộc sống chỉ là phúc lạc mênh mông, và chúng tôi tận hưởng nó. Hơn thế nữa chúng tôi không biết. Chúng tôi là người vô giáo dục, chúng tôi là dân quê."
Ông tổng giám mục rất hài lòng. Ông ta nói, "Các ông làm lời cầu nguyện loại gì vậy?"
Ba vị thánh nhìn lẫn nhau, xấu hổ, lúng túng. Cuối cùng một người nói rằng đấy chẳng phải là lời cầu nguyện. "Chúng tôi đã tự mình tạo ra nó. Chúng tôi không biết lời cầu nguyện có thẩm quyền của nhà thờ là gì, nhưng bất kì cái gì chúng tôi đã làm chúng tôi sẽ kể cho ông."
Ki tô giáo tin vào ba ngôi Thượng đế - rằng Thượng đế là Cha, Con và Thánh thần, cả ba cùng nhau. Và ba dân quê đó nói, “Cứ nghĩ rằng ngài là ba và chúng tôi cũng là ba, chúng tôi đã làm lời cầu nguyện của mình: ‘Ngài là ba, chúng tôi là ba, xin nhân từ với chúng tôi!’ Nhiều hơn thế chúng tôi không biết."
Ông tổng giám mục rất tức giận - “Đây không phải là điều đúng để người Ki tô giáo làm! Các ông dám bịa ra lời cầu nguyện ngu xuẩn vậy sao? Ta sẽ bảo cho các ông lời đủ thẩm quyền mà nhà thờ chấp nhận."
Họ nói, "Chúng tôi sẽ rất biết ơn, nhưng xin làm cho nó ngăn ngắn thôi, bởi vì chúng tôi vô giáo dục và chúng tôi không thể nào nhớ được cái gì dài."
Ông tổng giám mục nói, "Các ông sẽ phải nhớ nó!" Họ nói, "Chúng tôi sẽ cố gắng nếu ông nhất định phải vậy."
Ông tổng giám mục trích đọc cả lời cầu nguyện. Nó thực sự dài, và khi ông ấy đã nói xong toàn bộ lời cầu nguyện, một trong ba người nói, "Ông sẽ phải nhắc nó ít nhất ba lần, bởi vì chúng tôi là ba người. Xin tốt bụng và từ bi để cho chúng tôi có thể nhớ được nó."
Ông ấy lặp lại nó ba lần, họ lắng nghe im lặng, và ông tổng giám mục rất hài lòng. Họ chạm chân ông ấy, và ông ấy nói, “Các ông là những người tốt, nhưng nhớ lời cầu nguyện mà ta đã dạy cho các ông." Và thế rồi ông ta ra đi trong chiếc thuyền máy.
Khi ông ấy vừa ra tới giữa hồ thì ông ấy thấy cái gì đó như một đám mây, đuổi theo thuyền ông ấy. Ông ấy không thể hình dung ra được điều gì đã xảy ra. Thế rồi ông ấy thấy - ba vị thánh kia đang tới, chạy trên hồ. Họ nói, “Xin đợi đã! Chúng tôi đã quên mất lời cầu nguyện ấy rồi, cho nên chúng tôi nghĩ tốt hơn cả là giữ ông lại. Ít nhất phải thêm ba lần nữa; xin nhân từ với chúng tôi."
Nhưng thấy họ bước đi trên nước, viên tổng giám mục nghĩ, “Có lẽ mình đã quấy rối không cần thiết những người đẹp đẽ này."
Ông ta nói, "Tôi xin lỗi vì đã can thiệp. Các ông cứ tiếp tục lời cầu nguyện cũ của mình đi, điều đã được ngài nghe thấy. Lời cầu nguyện của tôi chưa được ngài nghe thấy. Lời cầu nguyện của tôi chẳng là gì ngoài cách tiếp cận trí tuệ tới một Thượng đế giả thuyết. Lời cầu nguyện của các ông tới từ chính trái tim các ông. Lời cầu nguyện của các ông không để hỏi xin cái gì đó, lời cầu nguyện của các ông chỉ là sự cám ơn bởi vì các ông cảm thấy mãn nguyện thế. Các ông không có gì cả, nhưng các ông có mãn nguyện mênh mông. Phúc lạc của các ông là đủ. Thế thì, bất kì cách nào các ông muốn nêu ra lời cám ơn điều đó là tuỳ ở các ông. Không có nhu cầu để các ông phải biết về lời cầu nguyện có thẩm quyền. Ngược lại... tôi cảm thấy khổ; tôi đã bỏ lỡ cả đời mình trong việc đọc, học, tích luỹ tri thức, kinh sách linh thiêng.
Nhưng tôi không thể bước được trên nước. Lời cầu nguyện đơn giản của các ông đã được ngài nghe thấy."
Câu chuyện nhỏ này từ Leo Tolstoy bao giờ cũng lôi cuốn tôi vô cùng. Điều ngụ ý của câu chuyện này là lớn lao. Bạn không cần tin vào Thượng đế để mang tính tôn giáo. Trước hết bạn phải mang tính tôn giáo để biết điều gì đó về tính thượng đế. Tất cả các tôn giáo đều đặt con bò đằng sau chiếc xe. Do đó toàn thể nhân loại đều khổ - không chuyển động, không tiến bộ, không trưởng thành tâm linh.
Tính tôn giáo của bạn, phúc lạc của bạn, tính thiền của bạn, kinh nghiệm của bạn về lãnh thổ bên trong riêng của bạn, tính chủ thể riêng của bạn... tới từ chính trung tâm của cơn xoáy lốc, bạn sẽ có khả năng nhảy múa lời cầu nguyện, hát lời cầu nguyện, và điều đó không nhất thiết là cái gì đó trí tuệ. Nó phải là cái gì đó tới từ bản thể bạn một cách tự phát.
Nó sẽ đơn giản là lời cám ơn.
Và không hướng tới bất kì thượng đế nhân cách hoá nào, bởi vì không có thượng đế nhân cách hoá - lời cám ơn với toàn thể vũ trụ. Toàn thể vũ trụ là thông minh. Toàn bộ vũ trụ là thông minh. Toàn bộ vũ trụ là thiêng liêng.
Sanjiva, bạn đang hỏi "Phúc lạc có phải là cách diễn đạt của lòng biết ơn đối với sự tồn tại không?" Không, nó chính là điều ngược lại: lòng biết ơn là cách diễn đạt của phúc lạc. Không biết phúc lạc, làm sao bạn có thể biết ơn được? Biết ơn vì cái gì?
Để mọi thứ cho đúng: trước hết, tìm những khoảnh khắc hiếm hoi khi bạn hài hoà với sự tồn tại. Tìm con đường bên trong để cho bạn có thể biết mình là ai.
Biết bản thân bạn là toàn bộ tôn giáo. Bất kì cái gì khác cũng chỉ là lời chú thích.
Tôn giáo tinh tuý được Socrates diễn đạt đơn giản trong hai từ “Biết mình.” Trong thực tế, trong hai lời này đã bao hàm tất cả mọi kinh sách linh thiêng của thế giới và tất cả các kinh nghiệm huyền môn của những người đã đi tới biết bản thân bạn. Khoảnh khắc bạn biết bản thân bạn thì bạn đã biết điều quí giá nhất trong sự tồn tại; tâm thức của bạn, phúc lạc của bạn. và bạn đã biết kinh nghiệm đẹp nhất, gần như không thể tin được - điều chúng ta đã nói tới sáng nay: Om Mani Padme Hum. Bạn đã đi tới kinh nghiệm điều gì đó mà chỉ có thể được gọi là âm thanh của im lặng, kim cương trong hoa sen - kinh nghiệm về cái đẹp không thể thấy được bằng mắt mở, âm thanh của im lặng không thể nghe được bằng tai ngoài của mình. Nhưng tại chính trung tâm nó đã hiện diện; bạn chỉ phải đi tới đó.
Tôi dạy bạn không bận tâm tới kinh sách nào, không bận tâm tới bất kì nhà thờ nào, không bận tâm tới bất kì hệ thống triết lí hay thượng đế học nào. Tôn giáo là vấn đề rất đơn giản và khiêm tốn. Chỉ đi vào bên trong. Biết chính mình, là bản thân bạn.
Và mọi phúc lành sẽ mưa rào lên bạn như hàng nghìn đoá hồng đang mưa xuống. Chỉ từ kinh nghiệm đó biết ơn mới nảy sinh. Biết ơn là không thể có trước khi kinh nghiệm điều gì đó của cái tối thượng.
Thưa thầy kính yêu,
Kinh nghiệm đau đầu, tôi khám phá ra bản tính nam của mình. Kinh nghiệm đau tim, tôi khám phá ra bản tính nữ của mình. Thưa thầy kính yêu, liệu có đau bản thể không?
Paritosh Gyano, không có chuyện như đau bản thể đâu. Bản thể biết cái toàn thể hùng vĩ, cái mạnh khoẻ. Nó không biết tới bệnh tật, không biết đau ốm, không biết chết. Vượt ra ngoài cái đầu bạn và trái tim bạn là siêu việt lên trên nhị nguyên của sự tồn tại. Siêu việt này đem bạn về bản thể của bạn.
Bản thể đơn giản nghĩa là bạn đã vứt bỏ bản ngã vốn là một phần của cái đầu bạn. Bạn thậm chí đã vứt bỏ sự tách biệt, rất tinh tế và tinh vi, cái đã là một phần của trái tim bạn; bạn đã vứt bỏ mọi rào chắn giữa bạn và cái toàn thể. Bỗng nhiên giọt sương đã trượt từ lá sen vào trong đại dương. Nó đã trở thành một với đại dương.
Theo một nghĩa nào đó bạn không còn nữa và theo một nghĩa nào đó bạn hiện hữu lần đầu tiên. Như một giọt sương bạn không còn nữa nhưng như đại dương bạn hiện hữu lần đầu tiên, và đây là bản tính của bạn.
Một trong những nhà tâm lí vĩ đại, William James, đã đóng góp vô cùng bởi việc đề ra một thế giới mới cho kinh nghiệm tâm linh, kinh nghiệm "đại dương". Ông ấy hoàn toàn đúng. Đó là kinh nghiệm về sự mở rộng, mọi biên giới đều biến đi càng ngày càng xa, xa mãi. Một khoảnh khắc tới khi bạn không thấy biên giới nào của mình; bạn trở thành bản thân đại dương. Bạn hiện hữu, nhưng bạn không còn trong lồng. Bạn đã đi ra khỏi lồng, bạn đã đi ra khỏi nhà tù, và bạn đang bay vào bầu trời trong tự do toàn bộ.
Nhớ một điều: con chim tung cánh và con chim đó trong lồng không phải là cùng một con chút nào. Con chim trong lồng không còn là cùng con chim đó nữa vì nó đã mất tự do, nó đã mất bầu trời mênh mông. Nó đã mất niềm vui nhảy múa trong gió, trong mưa, trong mặt trời. Bạn có thể cho nó chiếc lồng vàng nhưng bạn đã phá huỷ chân giá trị của nó, tự do của nó, niềm vui của nó. Bạn đã thu nó thành tù nhân - nó giống như cùng con chim đó nhưng không phải.
Con người bị giới hạn trong các biên giới của tâm trí và trái tim và thân thể là bị tù đầy, hết bức tường nọ tới bức tường kia.
Trong nhà tù cuối cùng nơi tôi bị giam ở Mĩ họ có ba cửa. Đó là nhà tù hiện đại nhất, cực hiện đại, theo công nghệ; nhà tù đầu tiên thuộc loại đó được làm ra ở Mĩ. Nó mới được mở chỉ ba tháng trước. Mọi thứ đều điện tử. Ba cánh cửa đó gần như không thể nào cho bất kì người nào lọt qua được. Trước hết chúng tất cả đều điện tử - chỉ chạm vào chúng là đủ và bạn sẽ chết. Và chúng cao đến mức không thang nào hay bất kì cái gì có thể với tới. Và thế rồi... cái nọ tiếp cái kia, ba cái.
Chúng được mở chỉ bằng điều khiển từ xa, mà người coi tù của tôi hay để trong xe anh ta. Anh ta sẽ ấn vào một nút, và cái cổng thứ nhất sẽ mở ra. Nó gần như một trái núi, lớn thế, cao thế, và khi chiếc xe đi vào, nó sẽ phải đợi để cánh cửa thứ nhất đóng xuống. Chỉ khi cánh cửa thứ nhất đã đóng xuống thì cái điều khiển từ xa mới tác động vào cánh cửa thứ hai. Và khi cánh cửa thứ hai đã đóng xuống, thế thì cái điều khiển từ xa sẽ tác động lên cánh cửa thứ ba.
Khi lần đầu tiên tôi đi vào nhà tù đó ở Portland tôi bảo người coi tù, "Có lẽ ông không biết, nhưng ông đã quản lí một biểu tượng hoàn hảo”
Anh ta nói, “Biểu tượng gì?”
Tôi nói, "Đây là tình huống của con người: thân thể là cánh cửa thứ nhất, tâm trí là cánh cửa thứ hai, và trái tim là cánh cửa thứ ba. Và thế rồi đằng sau ba cánh cửa này là linh hồn tội nghiệp."
Anh ta nói, "Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Chắc chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, không ai đã nghĩ về điều đó, rằng ba cánh cửa... sao ba? Sao không bốn?” Anh ta nói, “Tôi không biết. Tôi đã không làm ra nó."
Nhưng tôi bảo anh ta, bất kì ai đã làm nó thì có lẽ đã vô ý thức cảm thấy cái gì đó của đối xứng, tương ứng giữa cảnh tù đày của tâm thức con người và việc là kiến trúc sư để làm ra nhà tù cho con người. Một khi bạn vượt ra ngoài thân thể... điều không phải rất khó, bởi vì thân thể theo một cách nào đó là đẹp nó vẫn còn hài hoà với tự nhiên. Do đó vượt ra ngoài nó là rất dễ dàng; nó không gây nhiều ngáng trở. Nó mang tính rất hợp tác.
Vấn đề thực là tâm trí, bởi vì tâm trí được xã hội con người tạo ra, đặc biệt được thiết kế để giữ bạn là nô lệ. Thân thể có cái đẹp của riêng nó. Nó vẫn là một phần của cây cối và đại dương và các ngôi sao. Nó đã không bị xã hội làm ô nhiễm. Nó đã không bị các nhà thờ và tôn giáo và tu sĩ đầu độc. Nhưng tâm trí đã hoàn toàn bị huấn luyện, bị bóp méo, đưa ra những ý tưởng hoàn toàn giả dối. Tâm trí bạn đang vận hành gần như cái mặt nạ và che dấu mặt nguyên thuỷ của bạn.
Siêu việt lên trên tâm trí là cả nghệ thuật thiền, và phương Đông đã cống hiến gần mười nghìn năm cho một mục đích duy nhất - tất cả mọi thông minh và thiên tài của nó - để phát hiện ra cách siêu việt lên trên tâm trí và việc huấn luyện của nó. Toàn thể nỗ lực đó của mười nghìn năm đã đạt tới cao trào trong việc tinh luyện phương pháp thiền.
Trong một lời, thiền nghĩa là quan sát tâm trí, chứng kiến tâm trí. Nếu bạn có thể chứng kiến tâm trí, chỉ im lặng nhìn vào nó - không có bất kì biện minh nào, không có bất kì ca ngợi nào, không có bất kì kết án nào, không có bất kì phán xét nào, ủng hộ hay chống đối - đơn giản quan sát dường như bạn chẳng liên quan gì tới nó... nó chỉ là lưu thông diễn ra trong tâm trí. Đứng bên đường và quan sát nó. Và phép màu của thiền là ở chỗ chỉ bằng quan sát nó, nó dần dần biến mất.
Khoảnh khắc tâm trí biến mất, bạn đi tới cánh cửa cuối cùng rất mong manh - và cánh cửa đó nữa cũng không bị ô nhiễm bởi xã hội - trái tim bạn. Trong thực tế, trái tim bạn lập tức cho bạn con đường. Nó không bao giờ ngăn cản bạn, nó gần như sẵn sàng vào mọi khoảnh khắc cho bạn đi tới nó và nó sẽ mở cánh cửa hướng tới bản thể. Trái tim là bạn của bạn.
Cái đầu là kẻ thù của bạn. Thân thể là bạn của bạn, trái tim là bạn của bạn, nhưng ở ngay giữa hai điều này kẻ thù đứng sừng sững như rặng Himalaya, một bức tường núi lớn. Nhưng nó có thể bị vượt qua bằng một phương pháp đơn giản. Phật Gautam gọi phương pháp này là vipassana. Patanjali gọi phương pháp này là dhyan. Và từ tiếng Phạn dhyan, trong tiếng Trung Quốc, trở thành ch'an và trong tiếng Nhật Bản nó trở thành zen - thiền. Nhưng nó là cùng một từ. Trong tiếng Anh không có đích xác từ nào tương đương cho zen hay dhyan hay ch'an. Chúng ta dùng tuỳ tiện lấy từ meditation.
Nhưng bạn nên nhớ: bất kì nghĩa nào được trao cho từ thiền trong từ điển, đều không phải là nghĩa như tôi đang dùng nó. Tất cả các từ điển sẽ nói thiền nghĩa là nghĩ về cái gì đó. Bất kì khi nào tôi nói với một tâm trí phương Tây, "Thiền đi" thì câu hỏi ngay tức khắc là, "Về cái gì?" Lí do là ở chỗ tại phương Tây, thiền chưa bao giờ được phát triển tới điểm mà dhyan hay ch'an hay zen đã phát triển ở phương Đông.
Thiền nghĩa là đơn giản nhận biết - không suy nghĩ về cái gì đó hay tập trung vào cái gì đó hay suy tư về cái gì đó. Từ phương Tây bao giờ cũng quan tâm tới cái gì đó. Thiền như tôi đang dùng nó đơn giản nghĩa là một trạng thái của nhận biết.
Cũng giống như gương - bạn có cho rằng gương đang cố gắng tập trung vào cái gì đó không? Bất kì cái gì tới trước nó đều được phản xạ, nhưng gương không quan tâm. Dù người đàn bà đẹp tới trước nó hay người đàn bà xấu tới trước nó hay không ai tới trước nó, nó hoàn toàn chẳng bận tâm; nguồn phản xạ, đơn giản. Thiền chỉ là nhận biết phản xạ. Bạn đơn giản quan sát bất kì cái gì tới trước bạn.
Và bởi việc quan sát đơn giản này, tâm trí biến mất. Bạn đã nghe nói về các phép màu, nhưng đây là phép màu duy nhất. Tất cả mọi phép màu khác đều chỉ là chuyện bịa.
Jesus đi trên nước hay biến nước thành rượu hay làm người chết sống lại... tất cả đều là những câu chuyện hay. Nếu chúng được hiểu theo cách biểu tượng thì chúng có ý nghĩa lớn. Nhưng nếu bạn liên tục khăng khăng rằng chúng là những sự kiện lịch sử, thế thì bạn đang đơn giản ngu xuẩn. Một cách biểu tượng chúng là hay. Một cách biểu tượng, mọi thầy trên thế giới đều làm cho mọi người chết sống lại. Tôi đang làm gì ở đây? Kéo mọi người ra khỏi nấm mồ của họ! Và Jesus đã kéo Lazarus ra sau khi ông ta đã chết chỉ mới bốn ngày. Tôi vẫn đang kéo mọi người đã chết hàng năm, hàng kiếp! Và bởi vì họ đã sống trong nấm mồ của mình lâu thế nên họ rất ngần ngại bước ra. Họ đưa ra mọi chống cự - “Ông làm cái gì thế này? Đây là nhà chúng tôi! Chúng tôi đã sống ở đây một cách an bình, đừng quấy rầy chúng tôi!"
Một cách biểu tượng điều đó là phải: mọi thầy đang cố gắng đem cho bạn cuộc sống mới. Như bạn hiện thế, bạn không thực sự sống. Bạn chỉ sống tẻ nhạt vô vị. Nếu phép màu này được diễn giải như biểu dụ, chúng là hay.
Tôi nhớ tới một câu chuyện lạ mà người Ki tô giáo đã vứt bỏ hoàn toàn khỏi kinh sách của họ. Nhưng nó tồn tại trong tài liệu của người Sufi. Câu chuyện Sufi là về Jesus.
Jesus tới một thị trấn và ngày khi ông ấy vừa vào thị trấn này ông ấy thấy một người nhận ra ông ấy; ông ấy đã biết người đó từ trước. Người đó mù và Jesus đã chữa khỏi mắt người đó. Người đó đang theo đuổi một gái mãi dâm. Jesus dừng người này và hỏi anh ta, "Anh có nhớ tôi không?"
Anh ta nói, "Có, tôi nhớ ông chứ và tôi không bao giờ có thể tha thứ cho ông được! Tôi mù và tôi hoàn toàn hài lòng, bởi vì tôi chưa bao giờ thấy bất kì người đẹp nào. Ông đã cho tôi đôi mắt. Bây giờ nói tôi hay - tôi làm gì với đôi mắt này đây? Đôi mắt này bị hấp dẫn về những người đàn bà đẹp."
Jesus không thể tin được... ông ấy sững sờ, choáng váng: "Mình cứ tưởng mình đã làm việc phục vụ vĩ đại cho người này mà anh ta tức giận! Anh ta đang nói, ‘Trước khi ông cho tôi đôi mắt, tôi chưa bao giờ nghĩ về đàn bà cả, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có gái mãi dâm. Nhưng từ khi ông cho tôi đôi mắt ông đã phá huỷ tôi.'"
Jesus rời khỏi người này đi không nói điều gì - chẳng có gì mà nói cả. Và khi ông ấy đi tiếp ông ấy thấy một người khác đang nằm trong rãnh nước, nói đủ mọi điều vô nghĩa, say hoàn toàn. Jesus lôi anh ta ra khỏi rãnh nước và nhận ra rằng mình đã cho anh ta đôi chân. Nhưng bây giờ ông ấy cảm thấy tự mình có chút ít xấu hổ. Ông ấy hỏi người này, "Ông có biết tôi không?"
Người này nói, "Có, tôi biết ông. Cho dù là tôi đang say, tôi cũng không thể nào tha thứ cho ông được: chính ông đã quấy rối cuộc sống an bình của tôi. Không có chân tôi không thể đi đâu được. Tôi là một người an bình - không đánh nhau, không đánh bạc, không có chuyện bạn bè, không có chuyện đi tới quán rượu. Ông đã cho tôi chân, và từ đó tôi đã không thấy một khoảnh khắc yên bình, ngồi tĩnh lặng. Tôi đuổi theo hết cái này cái nọ, và đến cuối khi tôi mệt mỏi thì tôi say. Và ông có thể nhìn bản thân bạn xem điều gì đang xảy ra cho tôi. Ông chịu trách nhiệm cho tình trạng của tôi! Ông phải bảo tôi trước rằng nếu mà tôi có chân, mọi vấn đề này sẽ xảy ra chứ. Ông đã không cảnh báo trước cho tôi. Ông đơn giản chữa cho tôi mà chẳng hỏi sự cho phép của tôi."
Jesus trở nên phiêu diêu thế, ông ấy rời khỏi thành phố. Ông ấy đã không đi thêm nữa. Ông ấy nói, "Chẳng ai biết mình sẽ gặp cái loại người gì đây." Nhưng khi ông ấy vừa ra khỏi thành phố thì ông ấy thấy một người đang cố gắng treo cổ mình lên cây. Ông ấy nói, "Đợi đã, ông làm gì vậy?"
Người đó nói, "Ông tới nữa rồi! Tôi đã chết, còn ông buộc tôi phải sống lại. Bây giờ tôi không có việc làm, vợ tôi đã bỏ tôi vì cô ấy nghĩ rằng người đã chết không thể sống được; cô ấy nghĩ tôi là ma. Không ai muốn gặp tôi. Bạn bè đơn giản không thừa nhận tôi. Bây giờ ông muốn tôi làm gì? Và lần nữa khi tôi định treo cổ mình thì ông ở đây! Ông làm kiểu trả thù gì vậy? Ông không thể để tôi một mình được sao? Bây giờ tôi thậm chí không thể tự treo cổ mình được. Có lần tôi chết và ông đã làm tôi sống - nếu tôi treo cổ tôi, ông làm tôi sống lại. Ông hăng hái làm phép màu thế, ông thậm chí không để ý ai đang chịu đựng phép màu của ông!"
Khi tôi bắt gặp câu chuyện này, tôi thích nó lắm. Mọi người Ki tô giáo nên biết tới nó.
Không có phép màu nào ngoại trừ một phép màu, và đó là phép màu của thiền đưa bạn tách khỏi tâm trí. Và trái tim bao giờ cũng đón chào bạn. Nó bao giờ cũng sẵn sàng cho bạn lối đi, hướng dẫn bạn hướng tới bản thể bạn. Và bản thể là cái toàn thể của bạn, nó là khoẻ mạnh tối thượng của bạn.
Một cảnh sát để ý tới một chiếc xe đang lạng lách nguy hiểm trên đường, và khi anh ta ép nó dừng bên vệ đường thì một phụ nữ xinh đẹp bước ra. Cô ấy rõ ràng đang bị ảnh hưởng của say rượu nhưng để cho chắc, viên cảnh sát đưa cho cô ấy ống thổi để thử. Chắc chắn đủ, cô ấy say quá giới hạn, nên viên cảnh sát nói, "Thưa bà, bà đã uống say đến độ hai hay ba rồi."
"Lạy trời," người phụ nữ này kêu lên, "nó chỉ ra cả điều đó nữa sao?"
Đau đầu thì được, đau tim thì được, nhưng đừng đi quá điều đó. Bên ngoài điều đó không có đau, không đau đớn, không khổ sở. Bên ngoài trái tim là tất cả những điều bạn bao giờ cũng khao khát - có chủ ý, không chủ ý - tìm kiếm, có ý thức hay vô ý thức.
Cuộc hành trình của bạn dài. Ki tô giáo, Do Thái giáo, Mô ha mét giáo - ba tôn giáo đã được lập ra bên ngoài Ấn Độ - tất cả đều phạm phải một sai lầm lớn: họ đã cho mọi người ý tưởng rằng bạn chỉ có một cuộc đời. Điều đó đã tạo ra nhiều vấn đề.
Ở phương Đông tất cả các tôn giáo đều đồng ý vào một điểm: rằng bạn đã ở đây hàng nghìn kiếp rồi; đây không phải là kiếp sống duy nhất bạn có. Bạn đã sống nhiều kiếp; cuộc hành hương dài, và bạn đã đi gần như theo vòng tròn. Cho nên tâm thức bạn đã không phát triển; bạn phạm cùng sai lầm lặp đi lặp lại. Từng kiếp bị phí hoài gần như theo cách lặp lại.
Mọi người nói lịch sử tự nó lặp lại. Lịch sử chẳng có việc gì để lặp nó, nó tự lặp bởi vì chúng ta vô ý thức cho nên chúng ta liên tục phạm cùng sai lầm lặp đi lặp lại. Tâm thức chúng ta vẫn còn như cũ. Đó là lí do tại sao trong mọi kiếp sống chúng ta sống trên cùng bình diện khổ. Chúng ta chưa bao giờ trưởng thành.
Thế là đủ thời gian rồi. Bạn nên bắt đầu làm việc sâu sắc về bản thể bạn đi, tìm kiếm nó, bởi vì một khi bạn đã biết tới bản thể bạn thì bạn sẽ không được sinh ra nữa trong thân thể. Thế thì bạn sẽ không đi vào nhà tù khác, thế thì bạn sẽ được tự do với mọi nhà tù. Và tự do tối thượng này là bài học duy nhất đáng học trong tất cả các kiếp sống này. Nhưng chúng ta đang hoạt động gần như theo cách say xỉn.
Ruben Levinsky đang kể cho bạn mình tại câu lạc bộ về cách đứa con trai năm tuổi của anh ta làm cho người hầu gái có chửa. “Nhưng điều đó là không thể được!” Sollie kêu lên.
"Không may điều đó không phải là không thể được," Ruben bối rối đáp. "Thằng ranh con đâm thủng mọi bao cao su của tớ bằng chiếc đinh ghim."
Nó là một thế giới rất kì lạ. Tôi đã nghe một câu ngạn ngữ, rất cổ, “Thượng đế làm ra đàn bà mà chẳng có cảm giác khôi hài gì cho nên họ có thể yêu đàn ông mà không cười vào họ."
Hymie Goldberg đang ngồi trên chếc ghế dài ban đêm khi một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế đẩu bên cạnh bị trượt và ngã ra trên sàn.
Cảm thấy rằng không có cách nào mà người đàn ông này tự về nhà được, Hymie tìm thấy địa chỉ của anh ta trong ví của anh ta và quyết định giúp anh ta. Luồn tay qua eo anh ta, họ hướng tới cánh cửa. Nhưng ngay lập tức chân anh ta quỵ xuống và anh ta đổ sập.
"Anh là kẻ vô công rồi nghề say xỉn," Hymie phàn nàn, "đồ chết tiệt sao anh không dừng uống sớm hơn?" Người đàn ông lẩm bẩm cái gì đó, nhưng Hymie chẳng có tâm trạng đâu mà nghe. Cảm thấy chính đáng như Mẹ Teresa, Hymie xốc vai anh ta và dìu anh ta về nhà. Gõ cửa ầm ầm, anh ta bước vào khi một phụ nữ mở cửa ra, và người đàn ông đổ phịch xuống giường.
"Đấy chồng chị đấy," Hymie nói. "Và nếu như tôi mà là chị, tôi phải nói chuyện nghiêm chỉnh với anh ấy về việc uống say quá chén này."
"Tôi sẽ nói," người phụ nữ này hứa. "Nhưng nói cho tôi," cô ấy tiếp tục, mắt nhìn ra bên ngoài, "xe lăn của anh ấy đâu rồi?"
Nó là một thế giới vui nhộn. Mọi thứ đều diễn ra một cách vô ý thức thế. Điều duy nhất đáng nhớ là đừng để mất cơ hội bạn có để phát triển tâm thức của bạn tới điểm bạn có cùng cái nhìn, cùng sáng tỏ, cùng trực giác, cùng hiểu biết như Phật Gautam. Chừng nào bạn chưa trở nên thức tỉnh như thế, cuộc sống bạn sẽ còn lặp đi lặp cùng sai lầm. Người ta không thể trông đợi người vô ý thức thay đổi quá trình cuộc sống của mình được. Chính là tâm thức, tâm thức phát triển, mới làm thay đổi kiểu sống của bạn.
Và một khi bạn tràn đầy thức tỉnh, chứng ngộ, bạn không cần quay vào bụng mẹ khác. Người chứng ngộ biến mất trong bụng mẹ của bản thân vũ trụ. Không phải là bạn không còn nữa, nhưng trong thực tế bạn lần đầu tiên hiện hữu - bao la, vô hạn như vũ trụ này, không biên giới, và mở rộng liên tục.
Tất cả mọi khổ của bạn là bởi vì bạn bao la thế và bạn đã bị ép buộc vào một thân thể nhỏ bé, vào một tâm trí nhỏ bé, vào một trái tim nhỏ bé. Tình yêu của bạn muốn mở rộng nhưng trái tim của bạn quá nhỏ. Sáng tỏ của bạn muốn trở thành trong trẻo như bầu trời không mây, nhưng cái đầu bạn quá nhỏ và quá chen chúc. Bản thể bạn muốn có cánh và bay ngang qua mặt trời như chim đại bàng, nhưng nó bị nhốt vào lồng - ba bức tường quanh nó; gần như nó không thể thoát ra khỏi nhà tù này.
Phương Đông đã làm việc chỉ vì một điều - đó là lí do tại sao nó đã không tạo ra nhiều khoa học, nhiều công nghệ, bởi vì tất cả mọi thiên tài của nó đều quan tâm tới một điều, và đó là cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn. Họ không phải là người mang tính đối thể. Họ quan tâm ngày một nhiều hơn đến tính chủ thể. Phương Đông đã tìm ra chiếc chìa khoá vàng. Nó có thể mở những cánh cửa cho bạn, của phúc lạc vô hạn, của tất cả mọi huy hoàng bị ẩn giấu trong sự tồn tại. Nó có thể cho phép bạn nhận các món quà từ mọi chiều hướng.
Bạn không phải là sinh linh khổ. Bạn đang mang thượng đế bên trong mình, và bạn phải phát hiện ra thượng đế này. Đây là phép màu duy nhất tôi tin tưởng, ảo thuật duy nhất. Mọi thứ khác đều là không bản chất.
Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Thầy kính yêu.
0 Đánh giá