Read more
Hoa trôi trên sóng nước
Chương 4
Khi tôi trở lại Shikoku thì lão sư đã
dọn vào một căn nhà to tát đẹp đẽ hơn căn nhà trước, sau nhà có vườn hoa, ao thả
cá kiểng và một hòn non bộ khá lớn. Lão sư không quan tâm gì nhiều về việc thay
đổi này, ông vẫn ung dung như thường lệ; nhưng vợ ông thì hãnh diện về căn nhà
này lắm. Cũng phải nói thêm rằng vợ lão sư là một người đàn bà kiêu căng hợm
hĩnh, hay khinh rẻ mọi người. Bà xuất thân trong một gia đình danh giá nhưng
khi bà trưởng thành thì gia đình đã sa sút nhiều, chỉ còn dư âm tiếng tăm mà
thôi. Tuy nhiên bà vẫn tự phụ về truyền thống thế gia vọng tộc này và luôn luôn
coi thường những người xuất thân hèn kém hơn. Bà đối xử với lão sư một cách tệ
bạc, thỉnh thoảng lại so sánh ông với những người khác địa vị cao hay giàu có
hơn.
Đối với học trò của lão sư, bà có thái
độ lạnh nhạt thờ ơ, ít khi nói chuyện với ai. Một số học trò thường gọi lén bà
là “bà Socrates “ vì ngày xưa hiền triết Socrates cũng có một bà vợ rất hung dữ,
nổi tiếng trong lịch sử Hy Lạp. Người ta nói rằng những bậc hiền triết thường
không mấy khi gặp được những người vợ tương đắc, hễ ông thiên về tinh thần thì
gặp bà vợ chỉ biết đến vật chất. Cũng có người cho rằng chính nhờ những bà vợ
hung dữ như vậy mà người chồng mới thành công trong nghệ thuật hàm dưỡng, tự chủ
và trở nên một bậc hiền triết. Khi xưa tôi nghĩ quan niệm đầu có lẽ đúng nhưng
về sau, hiểu biết hơn, tôi thấy giả thuyết sau có lý hơn. Tôi xin kể vì lý do
nào mà tôi lại thay đổi quan niệm như vậy.
Lúc trước đến học đạo với lão sư, tôi
chỉ là một trong mấy chục học trò chuyên tĩnh tọa và học các nghi thức của Thần
Đạo. Vì bận rộn học hỏi nên ít khi chúng tôi có dịp tiếp xúc với bà vợ của lão
sư. Thỉnh thoảng nếu có những va chạm nhỏ thì đám học trò chúng tôi cũng rán chịu
đựng rồi xầm xì với nhau về sự khó tính của bà mà thôi. Tuy nhiên lần trở lại
Shikoku này sự việc xảy ra khác hẳn. Khi gặp lại lão sư, tôi nghĩ ông sẽ phải
hài lòng về công phu tu tập đầy tiến bộ của tôi trong mấy năm qua nhưng trái lại,
ông tỏ ra thờ ơ, chẳng hỏi han gì đến chuyện đó hết. Ông chỉ vắn tắt cho biết
hiện nay ông đang cần một người giúp việc trong nhà và muốn tôi làm việc đó.
Ông nghiêm nghị:
- Hiện nay ta rất bận, chưa thể dạy
riêng cho con được, nhưng ta muốn con phụ giúp vợ ta lo việc trong nhà. Con phải
tuyệt đối vâng lời vợ ta, như thế ta mới vui lòng.
Thật không thể tưởng tượng được sự thất
vọng của tôi lúc đó. Tôi lên đường trở lại Shikoku với hy vọng rằng mình sẽ được
học riêng với lão sư. Tôi thầm ao ước rằng với công phu tu tập và quyền năng đặc
biệt này, nếu tôi chẳng trở nên một trưởng môn đại đệ tử thì ít ra cũng được
đãi ngộ xứng đáng. Chẳng bao giờ tôi lại nghĩ rằng mình biến thành một đứa ở lo
quét dọn, cơm nước, hầu hạ mọi người trong nhà. Bà vợ lão sư sung sướng ra mặt
khi tự nhiên có một đứa đầy tớ như tôi. Bà lập tức lên giọng sai bảo ngay để chứng
tỏ quyền hành của bà:
- Satomi, đi mua cho ta hai miếng đậu phụ
chiên.
- Thưa bà vâng.
- Khoan đã, ta không thích đậu phụ
chiên. Ngươi mua cho ta hai miếng đậu phụ tươi vậy.
- Thưa vâng.
- Khoan đã, lúc này trời lạnh ăn đậu
phụ tươi không được ngon, ngươi mua cho ta hai miếng đậu phụ nấu với nấm đông
cô.
Khi trở về với bát đậu phụ nấu nấm thì
bà lại đổi ý:
- Bây giờ ta không thích ăn đậu phụ nấu
như vậy nữa, mi chạy ra chợ đổi lấy hai miếng đậu phụ chiên.
Suốt ngày bà sai tôi làm những việc vớ
vẩn như vậy. Đã thế bà luôn luôn đổi ý, lúc thế này khi thế khác. Hễ trái ý thì
bà quát tháo om sòm:
- Này Satomi, ngươi có điếc không đấy?
Ta nói rõ như thế mà sao mi không hiểu?
Hoặc có khi bà lên giọng kẻ cả:
- Thật tội nghiệp, nghe nói mi xuất
thân từ Hokkaido phải không? Thảo nào mi đần độn quá mất thôi. Những đứa quê
mùa thất học như mi làm sao có thể khá được!
Là người bướng bỉnh, ít khi tôi chịu
nhường ai nhưng không hiểu sao lần này tôi lại chịu đựng được những cơn thịnh nộ
tai ác của bà vợ lão sư. Tôi nghĩ nếu lão sư căn dặn tôi phải tuyệt đối vâng lệnh
thì mình phải tuân lời, chắc hẳn ông phải có chủ ý gì, biết đâu ông chẳng thử
thách công phu tu tập của tôi? Tôi nghĩ nếu như vậy thời gian thử thách này chỉ
kéo dài khoảng vài tuần lễ hay một tháng là nhiều nhưng tôi đã lầm: nó tiếp tục
từ tháng này qua tháng khác và từ năm này qua năm khác. Lúc đầu tôi nghĩ đó là
thử thách nên cắn răng chịu đựng; về sau quen đi nên tôi có thể cười thầm trước
những hành động vô lý của bà nhưng theo thời gian, tôi dần dần thấy mình trở
nên một người thụ động, ngu si, đần độn không phản ứng trước những lời chửi mắng
vô lý đó.
- Này Satomi, con đần độn kia mau vào
chùi cầu tiêu cho ta.
- Thưa bà vâng.
- Cái con ngu si kia, tại sao mi có thể
để nhà bếp bẩn thỉu như vậy được. Mau lấy khăn chùi cho thật kỹ, ta không muốn
thấy một hạt bụi nào dưới sàn nghe chưa?
- Thưa bà vâng.
Thời gian trôi nhanh, thoáng một cái,
tôi đã trở thành đầy tớ cho gia đình lão sư được hơn bốn năm. Một hôm gia đình
lão sư có khách đến thăm, tôi được lệnh luộc một nồi khoai mang lên. Trong lúc
mọi người đang ăn uống ngon lành, tôi khoanh tay đứng hầu bên cạnh thì bà vợ
lão sư, có lẽ vì thương hại tôi đói, lấy một miếng khoai luộc nhét luôn vào miệng
cho tôi ăn. Tôi lung túng vì miếng khoai nóng, nửa muốn nhả ra nửa muốn nuốt
vào nhưng không làm sao nuốt nổi. Tôi bối rối nhìn mọi người và có cảm tưởng
mình là một con chó, được chủ thí cho miếng xương thừa. Tự nhiên cơn giận ở đâu
bốc lên, tôi phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh, lủi thủi bỏ xuống nhà bếp.
Chưa bao giờ tôi thấy chua xót, tủi nhục
như lúc đó. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng nhưng nước mắt cứ trào ra. Tôi tự nhủ:
“Mày thật yếu đuối, mới có một chút như vậy mà đã không giữ được bình tĩnh,
công phu tu tập của mày bỏ đi đâu? Bao năm khổ hạnh luyện tập định lực mà sao
chỉ một đụng chạm nhỏ nhặt như vậy đã nổi cơn bất bình.” Làm sao tôi có thể sửa
đổi được những tư tưởng oán giận này? Sau một lúc suy nghĩ, tôi lấy ra một tờ
giấy trắng và bắt đầu đánh dấu vào đó mỗi khi tôi thấy mình không tự chủ được.
Vài tháng sau, coi lại tờ giấy, tôi thấy nó dầy đặc những vết gạch ngang dọc,
tôi biết tuy mình có thể thi hành mọi mệnh lệnh một cách nghiêm chỉnh nhưng bên
trong tôi vẫn khó chịu, bất mãn.
Tóm lại, tôi vẫn chưa thay đổi gì nhiều.
Khả năng tự chủ của tôi chưa tiến bộ được bao nhiêu. Đau khổ cùng cực, tôi liền
đổi phương pháp. Tôi tìm mua bức tranh Mona Lisa, vẽ một người đàn bà đang mỉm
cười, treo trên đầu giường và tự nhủ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta cũng nên mỉm
cười, bất chấp tất cả. Mỗi khi bà vợ lão sư quát mắng, tôi định tâm, hít một
hơi thật dài rồi mỉm cười. Phương pháp này giúp tôi lạc quan hơn, bình tĩnh hơn
và tự chủ hơn. Từ đó bất kỳ chuyện gì xảy ra, tôi cũng cố gắng kiểm soát hơi thở
rồi mỉm cười. Mỗi khi trong lòng tôi nổi lên một niệm khởi gì, tôi tập trung tư
tưởng, nghĩ đến nụ cười bất diệt của nàng Mona Lisa.
Khi đặt bút viết những giòng này thì
tôi đã là một lão ni ngoài sáu mươi tuổi. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, bao
nhiêu nước đã chảy qua cầu, bao tang thương biến đổi nhưng lúc nào tôi cũng cảm
ơn bà vợ lão sư đã dạy cho tôi một bài học quí giá về sự tự chủ. Chính cái kỷ
luật khắc nghiệt của bà đã hun đúc cho tôi một tinh thần điềm đạm khiến tôi trở
nên một con người khác hẳn khi trước. Khi trở lại với lão sư, tôi đang tự hào về
định lực của mình; tôi tưởng mình đã là một cái gì ghê gớm lắm. Nhờ sự đối xử
khắc nghiệt của bà vợ lão sư mà khi rời Shikoku, tôi đã trở nên một người khiêm
tốn hơn, hiểu biết hơn. Mỗi lần nghĩ đến bà, tôi tin rằng chính bà mới là người
giúp lão sư trở nên một vị thầy giỏi. Biết đâu công phu tu tập để thản nhiên,
điềm đạm của lão sư chẳng nhờ bà vợ một phần nào?
Trước khi đi xa hơn, tôi xin nói qua về
công phu tu tập của tôi. Kể từ khi tấm lòng chân thành của cha tôi cảm hóa được
tôi thì tôi ý thức rất rõ về cái tính nết ích kỷ, xấu xa, kiêu ngạo của mình.
Tôi cương quyết thay đổi, loại trừ những mầm mống tội lỗi này vì nó là những ô
nhiễm đã ngăn cản tôi tìm hiểu chính mình. Qua sách vở thu thập được, tôi tin rằng
người ta chỉ có thể tẩy uế những ô nhiễm này qua những phương pháp khổ hạnh,
hành xác. Lúc bắt đầu thực hành, các tư tưởng xấu xa, ích kỷ không thể phát triển
được vì tôi cố gắng kiểm soát thân và tâm kịch liệt. Tuy nhiên khi vừa ngưng tập
luyện thì các thói xấu này trở lại ngay. Cuộc sống lúc đầu với Ryochan đã phản ảnh
điều này một cách rõ rệt. Càng thực hành, tư tưởng ích kỷ, xấu xa càng bị dồn
nén nên khi có dịp phát động, chúng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Lúc đầu tôi nghĩ công phu tu tập của
tôi chưa đủ nên tôi áp dụng thêm các phương pháp tẩy uế bằng nước lạnh
(Misogi). Giữa mùa đông lạnh giá, tôi lấy nước mưa chứa trong các thùng lớn
ngòai sân để tắm gội. Dĩ nhiên nước gần đóng thành băng rất lạnh nhưng tôi vẫn
cương quyết xối lên khắp người. Tôi thầm mong nước lạnh làm cho đầu óc tôi trở
nên tê cứng, khiến tôi rơi vào một trạng thái mê hoặc xuất thần (trance), các ý
tưởng xấu xa ích kỷ kia cũng theo đó mà bị tiêu diệt. Tôi thực hành suốt mấy
năm nhưng chẳng thấy mình rơi vào trạng thái mê hoặc xuất thần nào hết. Sau khi
tắm rửa bằng nước lạnh, tôi xếp bằng trước sân nhà để tĩnh tọa, bất chấp thời
tiết lạnh đến đâu.
Việc áp dụng phương pháp này đã khiến
cho tai, mũi, miệng của tôi bị trào máu. Hậu quả là tôi phải nằm liệt giường liệt
chiếu mất mấy tháng. Tôi tưởng mình có thể chết và những ô nhiễm cũng tiêu theo
nhưng rồi tôi lại hồi phục. Khi sức khỏe trở lại, tôi thấy lòng mình vẫn không
thay đổi bao nhiêu. Qua năm sau, tôi lại tiếp tục thực tập như vậy một cách
mãnh liệt hơn. Tôi tắm nước lạnh mỗi ngày hai lần và tĩnh tọa ngoài trời từ
sáng đến tối. Hậu quả là tôi lại nằm liệt giường thêm mấy tháng nữa nhưng càng
ngày khả năng tập trung định lực của tôi càng mạnh mẽ hơn trước.
Chính nhờ tu tập chuyên về định lực
(Joriki) này mà tôi vô tình phát triển được năng khiếu tiếp xúc với vong linh
thuộc thế giới siêu hình. Để có thể thường xuyên giao thiệp với cõi này, người
ta cần phải diệt bỏ cái ý thức về bản ngã; nghĩa là phải biết quên mình, không
ý thức gì về mình nữa, thụ động hoàn toàn để cho một quyền năng nào đó sai khiến.
Đó cũng là lý do tôi được yêu cầu trở nên một người đầy tớ, chịu mắng chửi suốt
ngày để dẹp bỏ lòng tự ái, bản ngã cá nhân, chịu sự sai sử tuyệt đối của người
khác. Đây là phương pháp huấn luyện những người có tính thụ cảm để trở nên một
cô đồng (Miko) của Thần Đạo. Dĩ nhiên tôi không biết gì về việc này mà vẫn nghĩ
mình trở lại Shikoku để tiếp tục học đạo với lão sư.
Tôi tin rằng mình đang đi trên một con
đường chân chính, tu tập để trở nên một người sống thật với lẽ đạo, sống một
cách chính tâm thành ý, thành thật với mình và với mọi người. Tôi không ý thức
gì về con đường mình đang theo đuổi. Tôi nghĩ mình đã tìm được một vị thầy rất
giỏi, nếu triệt để tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thì chắc chắn sẽ đến đích.
Tôi chưa biết phân tích, suy gẫm, tìm hiểu xem điều mình đang thực hành có dẫn
mình đến mục đích chân chính hay không. Tôi cũng không tìm hiểu gì thêm về lão
sư xem ông muốn gì mà chỉ tuyệt đối làm theo sự yêu cầu của ông. Tôi tin rằng sự
trung thành với một vị thầy là điều cần thiết mà không hề nghĩ rằng chính ông
cũng đang lần mò đi tìm như tôi, và cũng không biết con đường đó sẽ đưa ông đến
đâu.
Cũng phải nói thêm rằng tuy theo Thần
Đạo nhưng lão sư không phải là người chuyên đào tạo các cô đồng (Miko) mà chỉ
là một học giả thích tìm tòi nghiên cứu mà thôi. Ông đã từng học thiền với Hòa
thượng Nantembo tại Kyoto, học Thánh Kinh với các nhà truyền giáo Tây phương, tập
võ nghệ với các võ sư người Trung Hoa. Ông rút tỉa các tinh hoa thâu tập được
và tổng hợp thành một đường lối riêng của mình. Ông không ưa phương pháp tẩy uế
ô nhiễm, thanh lọc bản thân của Thần đạo vì cho rằng nó quá bạo động và phũ
phàng. Ông chủ trương chỉ cần tĩnh tọa, đặt trọng tâm vào hơi thở, người ta có
thể tẩy sạch được các ô nhiễm. Ông nói: “ Khi tĩnh tọa một cách chính tâm thành
ý, người ta có thể giao cảm được với chư thần (Kami) và khi mình và chư thần không
còn là hai thực thể cách biệt nữa, chỉ cần một hơi thở nhẹ cũng có thể quét sạch
được mọi ô nhiễm rồi.” Việc hợp nhất với chư thần là mục đích tối hậu của Thần
đạo, do đó việc giao cảm với chư thần qua một cô đồng (Miko) cũng là một cuộc
thí nghiệm, để ông có dịp tìm hiểu thêm về con đường mà ông đang theo đuổi.
Về phần tôi chi có một mục đích duy nhất
là tìm ra con đường có thể giúp tôi thay đổi những thói hư tật xấu, những kiêu
căng ngã mạn, vẫn tiềm ẩn trong tâm thức của tôi. Tôi tin rằng với quyền năng sẵn
có, nếu được lão sư chỉ dạy thêm ít lâu, tôi có thể đạt được mục đích này. Điều
bất ngờ là không những lão sư chẳng chỉ dậy gì riêng cho tôi mà lại chỉ định
tôi thành một đầy tớ, phục vụ cho bà vợ của ông. Vào lúc đó lão sư vẫn tiếp tục
thu nhận học trò, vẫn có những buổi thực tập hay tĩnh tọa hay giảng giải học
thuyết Thần đạo nhưng tôi không được phép tham dự. Tại sao lão sư không dạy
thêm cho tôi? Tại sao ông lại đối xử với tôi như vậy? Tại sao ông lại viết thư
gọi tôi trở lại rồi không dạy dỗ gì hết? Lúc đầu tôi nghĩ rằng ông muốn thử
thách tôi một thời gian nhưng càng ngày tôi càng thất vọng và nghĩ có lẽ ông đã
quên tôi hoặc nhận thấy tôi không có khả năng đi xa hơn nên chỉ coi tôi như một
người đầy tớ.
Lão sư thường cấp chứng chỉ cho học
trò khi họ đạt được trình độ nào đó. Cho đến nay, tôi vẫn không biết những chứng
chỉ đó dựa trên căn bản nào nhưng lúc đó, tôi tin lão sư đã có những công thức
bí mật mà ông chỉ dạy riêng cho từng người. Dĩ nhiên những học trò được cấp chứng
chỉ không bao giờ nói về những điều mà họ đã được truyền dạy. Hàng ngày nhìn những
người đến tu học với ông một thời gian rồi được cấp phát chứng chỉ, tôi thèm
khát vô cùng và thầm ao ước cũng có được một chứng chỉ như vậy. Morisan là một
thiếu nữ trong số học trò của lão sư. Tuy mới theo học mấy năm mà cô đã được cấp
chứng chỉ trình độ trung cấp. Cô thường dắt bạn bè đến đàm đạo với lão sư và
luôn luôn được mời uống trà với ông ở vườn sau.
Một hôm cô và một người bạn trẻ đến
thăm lão sư gặp lúc ông đi vắng, tôi bèn mời họ ra vườn sau ngồi chờ. Đây là cơ
hội ngàn năm một thuở để tôi tiếp xúc với những học trò đã được cấp chứng chỉ
mà không có mặt lão sư tại đó, biết đâu họ chẳng thương tình tiết lộ cho tôi một
vài điều gì chăng. Tôi dọn một mâm cơm thịnh soạn, khoanh tay đứng hầu, hy vọng
có thể nghe lén được vài điều. Tôi chăm chú theo dõi từng cử chỉ của Morisan và
thầm nghĩ: “ Tại sao một người còn trẻ thế kia mà đã được vào trình độ trung cấp,
chắc chắn cô ta phải sở hữu một kiến thức đặc biệt nào đó.” Sau cùng lòng khao
khát mãnh liệt thúc đẩy tôi buột miệng:
- Này chị Morisan, chân lý tối hậu là
gì?
Người bạn của Morisan đang ăn bỗng
quay qua nhìn tôi rồi nói:
- Là khi ăn biết mình ăn, khi uống biết
mình uống. Chỉ có thế thôi!
Tuy nói thế nhưng anh ta vẫn nhồm
nhoàm nhai thức ăn một cách thô bỉ, anh gắp lấy gắp để những thức ăn trên bàn
như sợ ai giành mất. Ăn xong anh còn bưng cả bát canh húp một hơi dài khiến tôi
thắc mắc không biết điều anh nói và việc anh làm có ăn nhập gì với nhau không.
Morisan không trả lời, chỉ giữ thái độ im lặng trong suốt bữa ăn, Tôi khó chịu
lắm vì nghĩ cô này không muốn chia sẻ gì với tôi, tự nhiên tôi nổi giận và nhủ
thầm: “Nếu chúng mày không muốn chia sẻ với ta thì ta sẽ tìm cách khác.”
Vài hôm sau tôi vào gặp lão sư:
- Thưa thầy quả là một phép lạ. Thầy
biết pho tượng Địa Tạng bằng gỗ đàn hương dựng ở cửa nghĩa địa không? Pho tượng
này linh lắm, có lúc nó nhẹ như bông, có lúc nó lại nặng như tảng đá ngàn cân.
Chính con đã đến đó xem, một chú tiểu nhỏ có thể khuân pho tượng đó lên để lau
chùi một cách dễ dàng, nhưng một gã phu xe khỏe mạnh lại không sao nhấc nó lên
nổi.
Tôi nghĩ lão sư phải sốt sắng tìm hiểu
về việc này, biết đâu ông lại chẳng buột miệng giải thích và nhờ đó, tôi tìm được
cái chìa khóa bí mật mà ông vẫn cất giữ, chưa chịu truyền dạy. Tuy nhiên lão sư
vẫn tỏ ra bình thản:
- Thế ư? Kể cũng lạ đấy nhưng việc đó
chẳng có gì quan trọng.
Khi đó không hiểu sao tôi bạo miệng tự
giải thích:
- Phải chăng nặng hay nhẹ cũng chỉ là
một quan niệm của tâm thức nhị nguyên trái với nguyên lý “Vạn vật đồng nhất thể
“ và “ Nhất bản tán vạn thù “?
Lão sư thản nhiên trả lời bằng một câu
vô thưởng vô phạt:
- Ừ.
- Thế nhưng tại sao..?
- Đừng thắc mắc nhiều. Cái đó chẳng có
gì đáng quan tâm hết.
Tôi thất vọng lắm nhưng không biết làm
sao hơn nên đành tự an ủi rằng có lẽ thời cơ chưa đến, một ngày nào đó đủ duyên
ông sẽ chỉ dạy cho tôi.
Thời gian tiếp tục trôi nhưng tôi vẩn
không được ông chỉ dạy thêm một điều gì hết. Tôi bèn đổi chiến thuật, ngày ngày
cố ý đi ngang qua phòng lão sư, làm một cử chỉ gì đó khiến ông phải chú ý đến
nhưng lão sư vẫn ung dung, điềm đạm, dường như ngọai cảnh không ảnh hưởng gì đến
ông được. Tôi nghĩ thầm có lý nào mình hầu hạ gia đình ông suốt bao nhiêu năm,
chịu đựng trăm điều khổ cực mà chẳng được đối xử tử tế chi hết. Sự thất vọng dần
dần chuyển qua tuyệt vọng. Một hôm không thể chịu đựng được nữa, tôi đã vào quì
trước mặt lão sư, cương quyết:
- Thưa thầy, con là một đúa ngu độn
không có một khả năng gì hết… Phải chăng một cục đất sét không bao giờ có thể
trở nên vàng ròng được?
Lão sư thản nhiên trả lời:
- Đúng vậy! Làm sao một cục đất sét có
thể trở thành vàng ròng được, nhưng nếu biết nhào nặn cẩn thận, một cục đất sét
vẫn có thể trở nên một vật hữu dụng.
Tôi đau khổ khóc òa lên:
- Thưa thầy, một cục đất thì hữu dụng
cái nỗi gì!
- Không đâu, khi một vật vô dụng trở
nên hữu dụng, nó sẽ là một bảo vật quí giá của thế gian.
Lúc đó vì quá thất vọng nên tôi không
hiểu được ý nghĩa lời khuyên của lão sư. Tôi lẩm bẩm: “Phải rồi, đất là đất,
vàng là vàng, ta chỉ là một cục đất tầm thường vô dụng, dù có cố gắng đến đâu
ta cũng không thể trở nên vàng ròng được. Lão sư đã xác nhận như vậy thì cố gắng
cách mấy ta cũng không thay đổi được gì. Phải chăng ta đã lầm khi có ý đi tìm một
con đường lý tưởng? Phải chăng chân lý chỉ là một ảo vọng, một trò chơi của những
kẻ viển vông? “
Sau buổi tiếp xúc đó, sự kính trọng của
tôi đối với lão sư đã giảm hẳn đi. Từ địa vị một vị thầy khả kính, lão sư đã biến
thành một kẻ lợi dụng, một tên đạo đức giả, một người tồi tệ đáng khinh. Đúng
vào lúc đó, tôi nhận được thư nhà gửi từ Hokkaido qua. Trong thư mẹ tôi cho biết,
cha tôi đang lâm trọng bệnh sắp chết, căn nhà của chúng tôi bị hỏa hoạn cháy rụi,
và đứa con gái của tôi đang chuẩn bị để lập gia đình. Mẹ tôi khẩn khoản gọi tôi
trở về lo việc nhà, bà còn kèm theo một món tiền nhỏ làm lộ phí nữa. Tôi run rẩy
đặt lá thư xuống bàn, nước mắt ràn rụa. Thì ra tôi đã xa nhà hơn mười sáu năm.
Mười sáu năm dài đăng đẳng, mười sáu năm lang thang khắp các nẻo đường mà chẳng
học hỏi được gì nên người hết.
Tôi đã phụ lòng cha mẹ, chẳng làm gì
cho ông bà có thể hãnh diện, và nay đến lúc cha tôi gần đất xa trời, tôi vẫn
chưa báo đáp được công ơn dưỡng dục của ông trong muôn một. Liệu tôi còn mặt
mũi nào trở về gặp mẹ cha? Làm sao tôi có can đảm gặp lại đứa con mà tôi chẳng
hề săn sóc? Không những là một đứa con bất hiếu, tôi còn là một người mẹ thiếu
bổn phận nữa. Làm sao một người tồi tệ như tôi dám trở về làng xưa? Dĩ nhiên
tôi không có can đảm trở về nhưng trong hoàn cảnh khốn cùng hiện nay, tôi cũng
không thể tiếp tục sống ở đây, chờ đợi lão sữ dạy dỗ thêm gì nữa. Sau nhiều đêm
mất ngủ, tôi quyết định từ bỏ việc học đạo, trở về Hokkaido, sống đời một dân
quê ngu muội, chỉ biết cày sâu cuốc bẫm vậy.
Chỉ sau khi quyết định khăn gói lên đường
thì tôi mới khám phá rằng mình đã lầm và lầm rất lớn. Thật ra thời gian sống với
gia đình lão sư không vô nghĩa như tôi tưởng nhưng là một sự rèn luyện âm thầm,
một cách huấn luyện kỳ lạ của lão sư để phát triển khả năng tiếp xúc với cõi giới
siêu hình của tôi. Biết tôi đã thực hành tĩnh tọa đến mức sở hữu được định lực,
ông thấy không cần phải dạy các lý thuyết từ chương nữa. Đó là lý do ông không
cho phép tôi tham dự các khóa tĩnh tọa, học hỏi lý thuyết như các học trò khác.
Để diệt trừ bản ngã của tôi, ông đã lợi dụng bản tính khắc nghiệt, hung dữ của
chính bà vợ mình, để huấn luyện tôi trở nên thụ động, tuyệt đối vâng lời.
Ông đã tính toán kế hoạch một cách kỹ
lưỡng mà tôi nào hay biết. Ông âm thầm thử thách tôi, quan sát thái độ của tôi
đối với bà vợ của ông, mà tôi nào có hay. Cho đến khi tôi xin phép được trở về
quê, ông mới yêu cầu tôi làm một vài việc nhỏ để trắc nghiệm và khi tôi làm
tròn một cách dễ dàng, ông mới xác nhận trình độ của tôi. Ông cho biết tôi đã đạt
đến trình độ rất cao của Thần đạo, đã trở nên một cô đồng (Miko) với quyền năng
đặc biệt có thể tiếp xúc với chư thần theo ý muốn. Tôi hết sức ngỡ ngàng và vô
cùng xúc động vì kết quả bất ngờ này. Trước khi đi xa hơn, tôi muốn nói qua vài
nét về vai trò của cô đồng (Miko) trong Thần đạo.
Cũng như mọi tôn giáo lớn. Thần đạo
chia làm hai phần: Công truyền và Bí truyền. Phần Công truyền được tổ chức chặt
chẽ qua kinh điển, sách vở, nghi thức, đền thờ và giáo sĩ. Phần Bí truyền không
có tổ chức, không có sách vở, không có giáo sĩ, mà chỉ dựa trên sự tin tưởng và
hiểu biết của một thiểu số. Đây là những phương pháp khẩu truyền bí mật được
truyền riêng giữa thầy và trò. Danh từ cô đồng (Miko) vì thế cũng được chia làm
hai loại: Các cô đồng thuộc nhóm Công truyền hay đồng đền (Shrine Miko) là những
phụ nữ được huấn luyện để phụ tá cho các giáo sĩ trong các nghi thức cúng tế.
Trong đền thờ Thần đạo, các cô đồng đền này phụ trách việc múa hát (kagura),
dâng lễ vật, bày biện trang hoàng bàn thờ thần linh... Số người hành nghề này
khá đông vì công việc không đòi hỏi gì nhiều. (Trong Thần đạo, giáo sĩ và cô đồng
được coi là một nghề nghiệp có lương).
Các cô đồng đền này được huấn luyện
trong các khóa đào tạo, và khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong
khi đó, các cô đồng thuộc nhóm Bí truyền (Shamanie Miko) được huấn luyện trong
vòng bí mật, bởi các vị thầy của Thần đạo, để trở nên một khí cụ trung gian giữa
thần linh và người. Những cô đồng này sẽ tuân theo những nghi thức riêng để bước
vào một trạng thái mê hoặc xuất thần, lúc đó chư thần (Kami) sẽ nhập vào họ, sử
dụng xác thân của họ để tiếp xúc với thế giới loài người. Qua miệng của cô đồng,
chư thần cho mọi người biết trước những điều hung cát, tiên đoán mùa màng, thời
tiết, vận mệnh làng xã hay quốc gia, hoặc trả lời những câu hỏi có tính cách cá
nhận của mọi người… Ngoài ra, những cô đồng này còn có thể yêu cầu các vong
linh nhập vào họ để tiếp xúc với họ hàng thân quyến hoặc thực hành các nghi thức
trừ tà, chữa bệnh...
Từ xưa Thần đạo đã đóng một vai trò rất
quan trọng trong lịch sử Phù Tang, trước khi ảnh hưởng của Trung hoa du nhập
vào đây. Vào thời cổ sử, những người lãnh đạo các bộ tộc, các vị lãnh chúa đều
có những cố vấn riêng là những cô đồng có khả năng giao thiệp với Thái Dương thần
nữ (Amaterasu Omi Kami). Tại sao những người này thuộc phái nữ mà không thuộc
phái nam? Người Nhật tin rằng đấng sáng tạo hay Thái Dương thần nữ thuộc phái nữ,
và chỉ người nữ mới có thể tiếp xúc được với người nữ một cách tương đắc mà
thôi; người nam thường thô lỗ, dễ làm phật hòng Thần nữ. Do đó trong Thần đạo,
tu sĩ thường là phái nam nhưng một người đồng (Miko) luôn luôn phải thuộc phái
nữ. Trong hai cuốn cổ thư của Thần đạo, Kojiki và Nihon Shoki, có ghi rõ việc
Hoàng đế xứ Chuai lập đàn cầu khẩn chư thần để hỏi ý về việc ông muốn xuất quân
đi đánh xứ Kumaso, nằm ở phía đông xứ Chuai.
Chư thần, qua miệng cô đồng, cho biết
ông phải tiến quân về phía tây thì mới gặt hái kết quả tốt đẹp. Hoàng đế xứ
Chuai nổi giận chỉ trích cô đồng nói láo vì phía tây là biển cả, đâu có xứ nào
để chinh phục. Ông ra lệnh chém đầu cô đồng rồi đi về phía đông, đánh xứ
Kumaso. Vì hỗn láo, miệt thị chư thần, nên vừa mặc giáp trụ để cầm quân thì tự
nhiên Hoàng đế hộc máu ra chết. Các tướng lãnh thấy vua bị chư thần vật chết, vội
lập vua khác rồi ra lệnh cho quân sĩ đóng thuyền bè để đi về hướng tây, mặc dù
lúc đó không ai biết hướng này có gì. Vượt biển được hai ngày, họ đặt chân lên
một mảnh đất trù phú đúng như lời mách bảo của chư thần, họ chinh phục xứ này,
đặt ách thống trị trong nhiều thế kỷ. Mảnh đất này chính là xứ Triều Tiên (Đại
Hàn) ngày nay. Cuộc chinh phục Triều tiên đã đưa địa vị cô đồng (Miko) lên một
mức rất cao và sau đó, hầu hết các quyết định quan trọng đều dựa trên lời mách
bảo của chư thần qua miệng những cô đồng. Lịch sử Nhật bản đã chép rõ vai trò của
các cô đồng này có khi vượt hẳn quyền hạn của các tướng lãnh hay có khi cả
hoàng đế nữa.
Đến triểu đại Taika, ảnh hưởng văn hóa
Trung Hoa du nhập Nhật Bản mỗi ngày một mạnh; các quan văn, chịu ảnh hưởng Khổng
giáo, không chấp nhận phái nữ (các cô đồng) xen vào quyền bính. Họ đòi cải tổ
triều chính, rập khuôn theo tổ chức hành chánh của nhà Đường bên Tàu. Họ chủ
trương hoàng đế (thiên tử) chính là một vị thần (Kami) rồi, mà đã là thần thì
không cần phải hỏi ý kiến một vị thần linh nào hết. Họ dẹp bỏ các nghi thức cầu
đảo trong triều đình, đưa Thần đạo xuống hàng tín ngưỡng bình dân, các cô đồng
bị giới hạn tầm hoạt động, chỉ được thực hành các nghi thức cúng lễ trong đền
thờ mà thôi. Từ đó khởi đầu cho vai trò của các cô đồng đến, chỉ biết múa hát,
dâng lễ vật, thực hành nghi thức cúng tế chứ không có quyền năng. Dĩ nhiên vẫn
có một số người cất giấu những phương pháp huấn luyện các cô đồng thời cổ, qua
các phương pháp khẩu truyền nên truyền thống này vẫn được giữ gìn một cách giới
hạn. Là nhà nghiên cứu, chủ truơng tìm về nguồn cội, lão sư đã tìm được các tài
liệu về việc huấn luyện các cô đồng và ông đã áp dụng vào tôi.
Cũng phải nói thêm rằng thời đại Minh
Trị (Meiji) là một giai đoạn đặc biệt với những truyền thống cũ mới xung đột
nhau mạnh mẽ. Khi trước, vào thời Tokugawa (1600 – 1867), các sứ quân nắm quyền
cai trị và vai trò của hoàng đế rất lu mờ, nếu không nói là vô quyền. Để phát
triển văn hóa, các sứ quân cho lập trường Quốc học (Kokugaku) để nghiên cứu văn
hóa và phục hồi các truyền thống cổ xưa. Nhờ biết áp dụng các phương pháp nghiên
cứu rất khoa học, các học giả của trường Quốc học đã phát hiện được rất nhiều
tài liệu cổ, nhất là những tài liệu từ xưa, được cất giấu trong các chùa chiền,
cổ mộ. Vào đầu thế kỷ 18, lúc phong trào bế quan tỏa cảng lên cao, các học giả
chủ trương bài ngoại muốn dẹp bỏ các ảnh hưởng ngoại lai, nhất là ảnh hưởng của
Trung Hoa, để phục hồi truyền thống quốc gia nên thiết lập ra học phái
Kannagara-no-michi. Học giả Hirata Atsutane (1776 – 1843) là người cổ súy việc
này.
Ông chủ trương lấy Thần đạo làm quốc
giáo, nhấn mạnh về vai trò Hoàng đế là một vị thần (Kami) con cháu của Thái
Dương thần nữ. Theo ông, các sứ quân chỉ là kẻ tiếm vị, là người đã theo chủ
thuyết Trung Hoa mà ông gọi là chủ thuyết của các quan hoạn, làm ô uế truyền thống
cao đẹp cổ truyền của Thái Dương thần nữ. Dĩ nhiên các sứ quân triều đại
Tokugawa không chấp nhận lời giải thích này nên Hirata bị bắt giam và đày biệt
xứ, sách của ông bị tịch thu nhưng học trò của ông vẫn lén lút truyền bá học
thuyết này. Ít lâu sau, lợi dụng tình hình chính trị sôi động về việc người Âu
Mỹ bắn phá các hải cảng của Nhật, đòi tự do giao thương và truyền giáo, các
nhóm chính trị đối lập đã hô hào dân chúng nổi lên, lật đổ chế độ sứ quân, đưa
Thiên Hoàng trở lại địa vị tối cao.
Một trong những điều đầu tiên của Minh
Trị thiên hoàng là khôi phục lại truyền thống cũ, đưa Thần đạo lên hàng quốc
giáo và dẹp bỏ ảnh hưởng của Phật giáo mà triều đình cho rằng đã ủng hộ các sứ
quân khi xưa. Sự phát triển của Thần đạo đã vô tình phục hồi giai cấp võ sĩ đạo
(Bushido) vốn bị các sứ quân thời Tekogawa hạn chế. Dưới danh nghĩa võ sĩ đạo,
các nhà lãnh đạo quân sự đã đào tạo được nhiều sĩ quan có tinh thần quốc gia cực
đoan, và hậu quả là đưa Nhật Bản vào cuộc chiến với Trung Hoa (1894 – 1895),
Nga sô (1904 – 1905) và Thế chiến thứ hai (1937 – 1945).
Trước khi trở về Hokkaido, lão sư và
tôi đã thực hành một nghi thức quan trọng mà qua đó tôi đã chứng tỏ quyền năng
của một cô đồng như sau: Yoshida là một thiếu phụ ngoài ngũ tuần. Bà mắc một chứng
bệnh lạ lùng mà các y sĩ đều bó tay. Sau khi đã chữa đủ mọi thầy hay thuốc giỏi
mà vẫn vô hiệu, người ta mách bà tìm đến lão sư để xin ông giúp cho. Lão sư thiết
lập một đàn tràng rất nghiêm trang tại một đền thờ Thần đạo gần đó. Sau khi tất
cả mọi người tham dự chấp tay cầu nguyện một hồi lâu, tôi được mời ra ngồi quay
lưng trước bàn thờ. Lão sư đứng trước mặt tôi cầm một tờ sớ dài và bắt đầu đọc.
Tôi ngồi yên, giữ hơi thở thật đều đặn
và bắt đầu đọc thầm các câu thần chú bí mật có mục đích giữ cho tâm thật trống
rỗng theo lời chỉ dẫn của lão sư. Khoảng mười phút sau, thình lình tôi thấy lồng
ngực mình nóng ran lên, dường như có một cái gì to cỡ quả trứng gà nổi lên giữa
lồng ngực; vật này di chuyển từ từ xuống đan điền rồi dừng lại ở đó. Tôi thấy
toàn thân bỗng cứng đơ, dường như cái vật này đã làm chủ thân thể tôi một cách
kỳ lạ. Tôi thấy mọi vật trước mặt mờ nhạt đi rồi tất cả như tan biến trong một
biển ánh sáng quang minh kỳ lạ. Tôi không còn biết gì nữa, hình như tôi đã chắp
hai tay giơ lên trán. Lúc đó lão sư thong thả lên tiếng hỏi ba lần:
- Vị nào đã về đó?
Sau khi hỏi xong, vẫn thấy hai tay tôi
giơ trước trán, ông bèn đọc bài Khai Khẩu thần chú có công dụng giúp tôi lên tiếng
được. Một giọng nói kỳ lạ dĩ nhiên không phải giọng nói của tôi, thốt lên qua
miệng tôi:
- Ta là Thanh Xà đây.
Ngay lúc đó, trong biển ánh sáng lung
linh đầu màu sắc tôi đã trông thấy một cái gì lạ lùng đang từ từ xuất hiện. Giọng
nói kỳ lạ đó vẫn tiếp tục phát qua miệng tôi:
- Khi Yoshida còn là một đứa bé mười
hai tuổi, ta chỉ là một con rắn nhỏ đang bò đi trên đường làng. Lũ nhỏ đi học về
nhìn thấy, bèn lấy gậy thay phiên nhau đánh ta đến chết. Sáu đứa nhỏ con trai
đã hành hạ ta trong khi Yoshida chỉ đứng nhìn. Trong lúc thân thể cực kỳ đau đớn,
ta bỗng nhìn thấy ánh mắt xót thương của Yoshida, dường như cô không chịu nổi
khi thấy ta đau đớn. Trước khi lìa đời, ta cần một nơi chốn nương tựa nên thu hết
năng lực nhảy vào lưng của Yoshida... Ta đã sống tại đây nhiều năm và ngăn trở
luồng sinh khí của Yoshida khiến nó bị tắc nghẽn, Khi Yoshida còn trẻ, luồng sinh
khí còn mạnh nên nó tìm được chỗ rẽ để thoát đi, nhưng nay về già, luồng sinh
khí đã yếu, không lưu chuyển được nữa nên tích tụ và gây ra bệnh tật. Ta cũng
muốn thoát đi lắm nhưng không sao thoát được... Cách đây khoảng mười cây số về
hướng nam, ở góc cánh đồng có một cổ thụ lớn, dưới gốc cây đó là nơi chôn xương
cốt của ta. Nếu Yoshida đến đó thắp cho ta một nén hương, một bó hoa tươi và đọc
kinh siêu độ thì may ra ta có thể thoát được hoàn cảnh này.
Ngay lúc đó tôi nhìn rõ cái vật lạ
lùng đang xuất hiện chính là một con rắn nhỏ màu xanh lục. Tôi tự hỏi: “Phải
chăng đây là con rắn năm xưa đã ẩn náu trong thể phách Yoshida khiến bà mang bệnh?
“ Lão sư thắp một nén hương và đọc một bài thần chú khác, tôi thấy lồng ngực
càng lúc càng nóng ran, bứt rứt khó chịu vô cùng. Tự nhiên tôi nhảy nhổm lên
múa tay múa chân cho đỡ nóng và cứ thế quay cuồng như không làm chủ được mình nữa.
Lão sư quay qua đám đông hỏi lớn:
- Còn ai muốn hỏi điều gì nữa không?
Một người bước ra nói:
- Kính thưa chư thần, hôm qua con bị mất
cái xe đạp, liệu con có thể tìm lại được nó không?
Dường như có một cái gì xui khiến, tôi
quát lớn:
- Cái gì? Xe đạp của người ư? Nó đã bị
tháo gỡ ra thành nhiều mảnh để mang bán chợ trời rồi.
Khi miệng tôi thốt ra những câu đó thì
trong biển ánh sáng kỳ lạ trước mặt tôi bỗng hiện ra chiếc xe đạp đang bị tháo
gỡ như thế nào.
- Trời ơi, chiếc xe đó rất đắt tiền,
tôi phải dành dụm mãi mới mua được. Thưa chư thần, kẻ cắp đó là ai vậy?
- Đó là một người cùng xóm với ông.
- Nhưng kẻ đó là ai? Tôi phải tìm
ra... Nó là người thế nào?
- Trong hai tuần lễ nữa sẽ có một kẻ bị
ngã què chân, đó chính là tên đã lấy xe đạp của ông.
Tôi không hiểu sao mình lại liên tiếp
nói như một cái máy. Các hình ảnh này tự nhiên hiện ra rất rõ ràng trong cái biển
ánh sáng kỳ lạ kia. Tuần tự hết người này đến người khác lên tiếng đặt câu hỏi
và tôi trả lời họ một cách liên tục, không một chút do dự. Buổi lễ chấm dứt với
những nghi thức hết sức trang nghiêm long trọng mà tôi thấy không cần phải viết
ra đây. Chiều hôm đó, khi nghe lão sư kể lại những điều này, tôi không biết có
nên tin hay không. Không lẽ tôi lại sở hữu được cái quyền năng mầu nhiệm như vậy
hay sao? Tôi gật đầu cám ơn lão sư đã dạy dỗ rồi chờ đến lúc tĩnh tọa một mình
trong phòng, vận dụng định lực để quán xét lại xem sự việc này xảy ra như thế
nào. Lạ lùng làm sao, chỉ cần dụng công một chút, tôi đã thấy trước mặt hiện ra
một biển ánh sáng chói lọi và mọi câu hỏi đều được kiểm chứng một cách rõ rệt.
Quả nhiên tôi đã phát triển được quyền năng của một người đồng (Miko), đúng như
lời lão sư đã nói, tôi đã thành công.
Hôm sau tôi khăn gói lên đường trở về
Hokkaido. Lão sư tiễn tôi ra tận trạm xe lửa. Tuy là người điềm đạm ung dung
nhưng lần này ông đã bùi ngùi nói:
- Tuy con đã sở hữu được một quyền
năng rất đặc biệt nhưng con phải nhớ kỹ những môn quy mà ta đã truyền cho con.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con phải giữ gìn nghiêm cẩn những điều này, không
được vi phạm. Quyền năng không phải là thứ mà ai cũng có thể sở hữu mà đó là do
ý muốn của chư thần. Dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, con phải luôn luôn biết ơn các
ngài đã ban cho con cái quyền năng này. Đó là điều cuối cùng ta muốn nhắn riêng
với con. Ta đã truyền cho con những điều mà từ trước đến nay ta chưa hề dạy ai
và chưa chắc ta sẽ dạy cho ai nữa. Con là một người đặc biệt trong hàng trăm, hằng
ngàn đệ tử của ta. Ta chúc con tìm được điều con muốn tìm.
Tôi hết sức cảm động trước lời nói chí
thành của ông. Tuy nhiên lúc đó tôi vẫn còn ngỡ ngàng trước cái quyền năng kỳ lạ
bất ngờ này. Tôi chưa thấy thoải mái hay tự tin về khả năng của mình bao nhiêu,
dường như tôi có cảm tưởng mình chưa được đào luyện đúng mức. Tuy biết mình có
thể giao tiếp với cõi âm, với các chư thần, nhưng không hiểu sao trong thâm tâm
tôi vẫn có một cái gì đó không được ổn. Tôi không biết tại sao mình lại nghi ngờ
như thế nhưng lúc đó tôi chưa đủ sáng suốt để nhận định kỹ lưỡng về con đường sắp
tới của mình.
0 Đánh giá