Nghệ Thuật Không Nói – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Nghệ Thuật Không Nói – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Price:

Read more

Gia Đình Chánh Niệm by Vô Ngã

Nghệ Thuật Không Nói – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh



Không nói là một thực tập thương yêu

Đạo Bụt có phương pháp gọi là tịnh khẩu. Tịnh khẩu tức là không nói, làm cho miệng núi lửa đừng phun. Dù có lửa trong ta nhưng ta không để cho nó phun ra, mà tìm cách cho lửa trở về nguyên quán, đem an ninh đến cho ta và cho những người chung quanh.

Tịnh khẩu là một thực tập thương yêu. Tôi biết nếu nói là tôi sẽ nói những điều làm cho anh đau, chị đau, vì vậy tôi thực tập tịnh khẩu, để tôi không nói. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là nén xuống. Nếu nén xuống thì tịnh khẩu trở thành một thực tập rất nguy hiểm. Tại vì nén xuống, đến khi nó phun lên, thì nó phun mạnh gấp mười lần, nguy hiểm gấp mười lần! Vì vậy trong khi tịnh khẩu là phải thực tập quán chiếu, tức là nhìn sâu. Nhìn sâu thì mới làm cho lửa tàn đi, làm cho núi dịu xuống.

Ngày hôm qua gặp ông đó, ông nói với mình một câu làm cho mình điên tiết! Mình có cảm tưởng nếu không nói lại được thì chắc mình chết quá! Giận ghê, ông ta nói xong thì bỏ đi, không cho mình cơ hội để trả đũa! Nếu trả đũa lại được, thì mình bớt khổ biết bao nhiêu! Thành ra đi về mà mình đau khổ cả buổi chiều! Vậy mà không biết tại sao, ngủ được một giấc ngon, sáng mai thức dậy, nghĩ lại thì thấy buồn cười quá, tại sao lại phải trả lời một câu? Mình thấy rõ ràng mình không nói thì mình đâu có chết? Bây giờ nhớ lại thì rất buồn cười! Ông đó cũng buồn cười mà mình cũng buồn cười. Ông nói câu đó rất là tội nghiệp, mà mình nổi nóng lên, và mình muốn trả đũa lại để cho ông ta đau, thì cũng tội nghiệp cho mình. Chỉ có một đêm ngủ ngon thôi là đủ cho mình thấy được sự thật. Còn trong lúc đó thì mình là người mê mờ.

Trong cơn mê, trong cơn cuồng si mình làm những điều phá tan hết, cho nên mình phải thiết lập những phương pháp để cho những lúc mình sa vào giây phút cuồng si, mình phải được thiên thần có cánh bảo hộ. Thiên thần đó mình phải nuôi dưỡng, mình phải mang theo. Còn đến lúc đó mới cầu cứu thiên thần thì thiên thần không rảnh để đến với mình đâu. Trong đời sống hàng ngày ta phải biết đi, biết thở, biết cười, biết bảo hộ thân tâm, thì những lúc cần đến, thiên thần mới có mặt cho mình.

Dưới đây là một phương pháp tịnh khẩu mà tôi đã trao cho vài người trong đại chúng. Phương pháp này cũng dễ thôi. Đó là mỗi khi thấy ngứa mắt, ngứa tai, muốn phát ngôn, bực quá không nói không được, thì mình chỉ tập thở và đừng nói. Rồi vào phòng, lật cuốn tập ra, ghi lại câu mình muốn nói. Thay vì nói bằng miệng, mình chỉ tập thở và viết nguyên câu đó vào tập. Ví dụ: Mày là đồ ngu! Mày là một người rất ác độc! Mày là người có ác ý, muốn làm đổ vỡ tất cả! Mày là một người vô ơn…

Mình viết lại và ghi luôn ngày giờ cho rõ ràng. Ghi lại cả câu người kia nói và câu mình muốn trả lời. Ghi được như vậy cũng đỡ khổ rồi. Ba ngày sau đem ra xem lại và tự hỏi: Nếu lúc đó mình nói câu này thì sẽ ra sao, sẽ có những đổ vỡ nào?

Sự thực tập này đâu có khó? Mình nên lạy thầy, lạy chúng và xin cho phép con thực tập tịnh khẩu hai tuần. Trong hai tuần đó mình làm như vậy, làm mà không đè nén. Chỉ không nói thẳng thôi, và viết hết tất cả những câu mình nghe xốn tai, và cả những câu mình muốn trả lời. Mình sẽ thấy rằng những đau khổ của cuộc đời mình, và những đau khổ của người khác, có thể là do mình tạo ra, do cái không biết nói, không biết thực tập chánh ngữ của mình tạo ra.

Muốn là chánh ngữ, nó phải có chánh kiến, mà muốn có chánh kiến là phải có quán chiếu. Chúng ta biết điều đó.

Ngoài ra, tất cả mọi người trong tăng thân đều được yêu cầu thực tập pháp môn gọi là Bẻ gãy thế tam giác. Đây là một phương pháp thực tập của Làng Mai, và chúng ta phải nắm cho được.

Chúng ta thường ưa liệt người đó vào một phe, phe tà hay phe chánh. Đây là một điều rất nguy hiểm! Quý vị nếu có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ thì biết cái triết lý của bộ tiểu thuyết trường thiên đó: Trong người gọi là phe chánh, luôn luôn có chất tà, và trong người phe tà luôn luôn có chất chánh. Tiếu Ngạo Giang Hồ là chuyện tình giữa hai người bạn trai. Họ đến với nhau là vì âm nhạc. Khi hai người tới với nhau để chơi nhạc, một người thổi sáo, một người đánh đàn, thì hạnh phúc của họ lớn như là không có hạnh phúc nào lớn hơn nữa. Bài nhạc đó tên là Tiếu Ngạo Giang Hồ. Họ là hai người bạn, nhưng oái ăm là một người thuộc chánh phái, còn người kia thuộc về phía gọi là tà phái. Theo nguyên tắc thì chánh không được chơi với tà, vì vậy cho nên khi hai người muốn hòa nhạc với nhau, họ phải rủ nhau đi đến một nơi tận cùng hiểm trở, không ai bén mảng tới. Nhìn quanh nhìn quất để biết chắc là không có người nhòm ngó, thì hai người mới hòa nhạc với nhau.

Tại vì theo miệng lưỡi của thế gian thì chánh mà chơi với tà thì cũng là tà rồi. Câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung không phải là chuyện trong tiểu thuyết, mà chuyện của sự thật. Cái chánh và cái tà nó không phải là thực chất của mình, tại vì trong chánh nó có tà, trong tà nó có chánh. Cái đó gọi là tương tức.

Vì vậy chúng ta phải tập để đừng suy tư theo chiều hướng của thiện, ác, đúng, sai và chánh, tà. Chúng ta nên làm ngược lại điều đó. Chúng ta tập suy tư trên cơ bản khéo hay không khéo. Có nghệ thuật nhiều hay có nghệ thuật ít. Đây là một bình diện (dimension) mới mà tôi đưa ra để cho quý vị thực tập. Tại vì thật tình ta không muốn cho người kia đau khổ. Ai trong đại chúng này mà lại muốn làm cho sư anh hay sư chị, sư em của mình đau khổ? Không có ai cả! Nhưng vì chúng ta vụng về mà thôi. Vụng khi nói, khi cười, khi hành sử nên làm cho người kia đau khổ.

Vì vậy cho nên tu là một vấn đề nghệ thuật hơn là một vấn đề chính tà, và chánh niệm là chất liệu của nghệ thuật. Tại vì khi có chánh niệm thì mình sẽ khéo hơn. Chắc chắn là khi có chánh niệm thì mình sẽ có ý tứ hơn. Một bà mẹ khi dạy con gái, bà thường dặn: Con ơi, con đi, đứng, nằm ngồi cho có ý tứ. Mà có ý tứ thì con đẹp thêm nhiều lắm. Ý tứ đây là chánh niệm. Khi có ý tứ thì mình không để cho món trứng chiên của mình cháy. Khi có ý tứ thì bát canh của mình sẽ không mặn quá. Tại vì ý tứ cho mình biết cái gì mình đang làm, và mình có làm đúng hay không. Khi mình nói năng có ý tứ thì mình không gây những lầm lỡ, những vụng dại, gây đau khổ cho người, cho mình.

Không ai trong chúng ta lại dám công nhận mình là một nghệ sĩ cao nhất! Chúng ta đều đang học hỏi, chính tôi cũng vậy. Học hỏi thì càng ngày chúng ta càng có chánh niệm hơn lên, và khéo léo hơn lên. Tu là một nghệ thuật, và thầy tu là một nghệ sĩ, đó là đề tài của bài tôi viết năm tôi mới 20 tuổi.

Xin lỗi em, chị không có ý làm khổ em đâu, chỉ vì chị vụng về thôi. Chị xin lỗi em! Đó là câu mà chúng ta phải học thuộc từng chữ, và có thể nói bất cứ lúc nào. Khi thấy người kia khổ là ta có thể nói được. Tôi đã từng xin lỗi học trò của tôi. Tôi đã từng nói: Thầy xin lỗi con!

Chúng ta thực tập để đừng tạo thế tam giác ở trong tăng thân. Tại vì có một thế tam giác rồi, nó sẽ tạo thế tam giác thứ hai, thứ ba, và mọi người sẽ đi vào một mê lộ. Chúng ta đừng để Xóm Thượng của chúng ta đi vào mê lộ đó. Chúng ta đừng để Xóm Mới, Xóm Hạ của chúng ta đi vào cái mê lộ đó. Hạnh phúc của chúng ta là do chính chúng ta làm ra, chúng ta phải khéo léo, chúng ta phải ngồi lại với nhau, phải định đoạt chiến thuật, cái Strategy, để chúng ta sống có hạnh phúc. Tại vì chúng ta là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người ở trên thế giới. Nếu chúng ta không có hạnh phúc thì tội nghiệp cho nhiều người lắm.

Chúng ta bắt buộc phải có hạnh phúc, và chúng ta đã có những phương pháp để thực tập hạnh phúc, trong đó phương pháp nghe và phương pháp nói là hai phương pháp mà chúng ta có thể thực tập toàn thời gian mỗi ngày.

Cách nói quan trọng hơn điều mình nói

Chúng ta thường nói rằng cách nói còn quan trọng hơn là điều mình nói. Tại vì khi không hiểu được người nghe, mình không có chánh kiến và chánh tư duy, thì điều mình nói, nó như là nước đổ lá khoai, không ích lợi gì, không mang lại sự chuyển hóa nào cho người nghe cả.

Ngày xưa trong những buổi pháp thoại của đức Thế Tôn, thỉnh thoảng có những người phát ra sự đại ngộ ngay trong khi nghe giảng, là vì trong buổi nghe giảng đó, những hạt giống của những người đó được đức Thế Tôn tưới tẩm, và chúng nở hoa lập tức. Tại sao đức Thế Tôn lại đạt được kết quả đó? Tại vì ngài nhìn thấu vào trong tim người nghe. Ngài biết rằng người đó cần đám mưa đó, người đó cần phải có cái búa đó. Có nhiều khi ngài đã không ngại dùng những cái búa rất lớn để đập xuống. Cái đó gọi là chánh ngữ.

Chánh ngữ còn có một tác dụng khác nữa là gỡ bom. Trong mỗi chúng ta đều có một trái bom nho nhỏ và nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Dù mình đã xuất gia, trái bom đó cũng vẫn còn. Nếu không cẩn thận, nó nổ một cái là mình tan xác.

Có một phương pháp để gỡ bom. Nhiều người vì đau khổ quá cho nên đã trở thành những trái bom. Nhìn vào, mình thấy người đó giống hệt như trái bom, rất nguy hiểm. Đụng tới người đó thì bom sẽ nổ và mình sẽ tan xác. Cho nên mình sợ, mình tránh xa, làm người đó tưởng là mình tẩy chay, ai dè mình đâu có tẩy chay, mình thương nhưng mình sợ quá!

Chánh ngữ là một phương pháp mầu nhiệm mà chúng ta có thể sử dụng để gỡ trái bom ở trong người đó. Gỡ giùm bom để chúng ta có an ninh, và để người đó cũng có an ninh, cũng có hạnh phúc hơn. Tháo bom là một pháp môn mà tất cả các cô, các chú, các thầy đều phải học. Tại vì nhờ đó mà mình đem lại an ninh và hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Nguồn: https://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/nghe-thuat-khong-noi

Quay Về Mục Lục Gia Đình Chánh Niệm


0 Đánh giá

Ads Belove Post