Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Thiết Lập Tịnh Độ
Kinh A Di Đà Thiền Giải
Chương 10. Đã Về Đã Tới
‘‘Xá Lợi Phất, nếu có
người đã, đang hay sẽ phát nguyện sinh về cõiBụt A Di Đà, thì người ấy ngay
trong giờ phút phát nguyện, đã đạtđược quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển
và đã có mặt ở nướcấy rồi, không kể đến sự kiện là người ấy chưa sanh, đang
sanh haysẽ sanh về đó.’’
Câu kinh này có nhiều
người dịch khác nhau, nhưng theo cái hiểu của tôi thì dịch như trên mới rõ
nghĩa. Nếu ta tiếp nhận được ý nghĩa của câu kinh này thì ta xúc chạm tới được
bản môn.
‘‘Xá Lợi Phất, nếu có
người đã, đang hay sẽ phát nguyện sanh về cõi Bụt A Di Đà.’’
Ta có muốn sanh về Cực
Lạc hay không? Tất cả đều do ta. Ta có hai hoàn cảnh. Một là hoàn cảnh ta đang
hệ lụy khổ đau và hai là tuy ta đang ở trong hoàn cảnh ấy nhưng ta đã có tâm muốn
thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy. Vì vậy vấn đề là ta có muốn thoát hay không muốn thoát.
Nếu ta muốn thoát, thì ta sẽ thoát được. Và nếu ta không muốn thoát, thì ta sẽ
không bao giờ thoát. Quý vị đã từng bị lâm vào một hoàn cảnh đau thương và hệ lụy
của cuộc đời chưa? Có rồi phải không? Cuộc đời sao mà nhiều khổ đau quá. Nhìn
xung quanh, ta thấy người nào cũng khổ, người nào cũng trầm luân, người nào
cũng hệ lụy. Ta cũng hệ lụy, ta cũng chìm đắm như người khác. Bấy giờ tự nhiên
ta có ý muốn thoát ra, muốn đi tới một chỗ có an toàn, có giới luật, có chánh
niệm, có Tăng thân. Ăn thua là mình đã có ý muốn đó hay không. Nếu có, thì tuy
mình đang ở đó, mà mình đã bắt đầu thoát ra khỏi chỗ đó rồi. Quý vị có hiểu
không? Tại sao? Tại vì tâm mình không còn vướng mắc vào chỗ khổ đau ấy nữa. Tuy
thân của mình đang ở chỗ đó mà tâm của mình đã vượt ra khỏi chỗ đó và đã đi đến
chỗ kia rồi. Nghĩa là ngay lúc tâm mình phát nguyện thì mình đã có mặt ở Tịnh Độ.
Nếu có người đã, đang hay sẽ phát nguyện sanh về nước Bụt A Di Đà, thì người ấy
ngay trong giờ phút phát nguyện, đã đạt tới quả vị cao tột, không còn thối chuyển,
tức là không còn bị sa đọa. Và tại sao người đó không bị sa đọa? Là do sự quyết
tâm từ bỏ cõi uế độ của người đó. Ngay lúc quyết tâm đó, tâm của họ đã sanh vào
Tịnh Độ, sanh vào địa vị không thối chuyển. Một khi ta đã sanh vào địa vị không
thối chuyển, thì ta không còn sa đọa nữa. Nên kinh nói nguyện sanh Tịnh độ là
đã sanh rồi, không kể đến sự kiện là người ấy đã sanh, đang sanh hay sẽ sanh về
nước ấy. Quý vị có thấy câu kinh này mầu nhiệm không? Trong hoàn cảnh hệ lụy
đau thương, mà nếu mình có ý muốn thoát ly là mình có thể thoát ly ngay ở trong
tâm của mình, và ngay trong tâm của mình đã có cõi Tịnh Độ. Như vậy là tuy còn
đứng ngay tại chỗ mà mình đã sanh về Cực Lạc. Và mình có thể quay lại cứu vớt
những người đang bị chìm đắm trong khổ lụy. ‘‘Khổ hải mang mang hồi đầu thị ngạn.’’
Biển khổ tuy là mênh mông, nhưng mà biết quay đầu lại, thì đã thấy đất liền. Vậy
vấn đề là ta có muốn quay đầu lại hay không? Trong giáo lý Tịnh độ, tâm nguyện
là quan trọng, vì nguyện luôn luôn gắn liền với đức tin. Có nguyện và có đức
tin thì cho dù ta đang ở trong hoàn cảnh khổ đau cùng cực đi nữa, ta vẫn có nẻo
để thoát ra, và nẻo thoát ấy là Tịnh Độ, là Tăng thân đang tu học có giới, định
và tuệ. Nếu có Tín, có Nguyện và có Hạnh thì sanh về Tịnh độ không phải là chuyện
khó đối với ta.
Cũng vậy, nếu ta có
Tín, có Nguyện và có Hạnh với Đạo tràng Làng Mai, thì việc đi về với Đạo tràng
Làng Mai sẽ không khó đối với chúng ta. Chỉ một cú điện thoại cũng đủ giúp ta tới
Đạo tràng Làng Mai rồi. Cô thiếu nữ tên là Thục Hiền có ý muốn xuất gia và có
quyết tâm xuất gia, thì trong giờ phút quyết tâm xuất gia đó, cô đã thành tựu
được hạt giống xuất gia ở trong tâm cô rồi. Còn vấn đề cạo đầu, mặc áo chỉ là vấn
đề hợp thức hóa thôi. Nhìn cho sâu sắc là ta phải thấy như vậy.
Tín, Nguyện và Hạnh là tinh hoa của việc tu tập Tịnh Độ. Tín là tin vào một nẻo thoát. Nguyện tức là muốn; muốn một cách tha thiết. Hạnh là sự thực tập Tịnh Độ hằng ngày. Hễ có Tín, Nguyện và Hạnh là lập tức ta sanh về Tịnh Độ, không kể đến sự kiện người ấy đã sanh, đang sanh hay sẽ sanh.
Đọc kinh là phải quyết
tâm để thấy được chiều sâu của kinh. Phải đọc kinh bằng trái tim, để khi tiếp
xúc với tích môn, mình cũng tiếp xúc được với bản môn.
Đức Thích Ca dạy tiếp:
‘‘Quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà các Bụt trong vũ trụ đều đem hết
lòng xưng tán và hộ niệm’’. ‘‘Xưng tán’’ vì kinh này có công đức vô lượng và có
thể tạo ra nhiều thành tích, nhiều công đức. Và ‘‘hộ niệm’’ là yểm trợ bằng
năng lượng chánh niệm của mình. Như vậy tất cả chư Bụt đều khen ngợi sự thực tập
của kinh này, và hứa sẽ dùng năng lượng chánh niệm của mình để yểm trợ cho những
người nào muốn thực tập. Lý luận có tính cách biện chứng của sự hành trì này
là: khi mình để tâm vào bất cứ một vị Bụt nào, thì qua vị Bụt đó, mình có thể
tiếp xúc với tất cả các vị Bụt khác trong vũ trụ. Và vì vậy danh hiệu riêng của
từng Ngài không còn là một vấn đề nữa, vì qua một vị Bụt, mình có thể tiếp xúc
với tất cả các vị Bụt trên thế giới. Cho nên ta niệm Bụt nào cũng được hết, miễn
là ta niệm Bụt cho được nhất tâm. Chính nhờ các vị Bụt trong vũ trụ hộ niệm, mà
hành giả sẽ không bị thối chuyển, tức là không bị sa đọa. Thực tập là được giữ
gìn để đi tới, chứ không phải đi lui.
Nhìn sâu, ta thấy
trong kinh có ý niệm về Tăng thân, và đây là một ý niệm hết sức căn bản và quan
trọng. Tại vì Tịnh Độ là sáng tạo phẩm cộng đồng của Tăng thân. Không phải chỉ
có Tịnh Độ của một vị Bụt. Tất cả các vị Bụt trong vũ trụ đều có Tịnh Độ, và đều
yểm trợ cho các cõi Tịnh Độ. Ở bài kinh này ta học được rằng: chỉ cần để tâm niệm
của mình hướng về một vị Bụt và niệm Bụt đến chỗ nhất tâm thì mình có cơ hội
tham dự vào cõi Tịnh Độ, dù trong lòng mình vẫn đang còn có những hạt giống khổ
đau. Trong ta đang còn có những hạt giống khổ đau, nhưng ta vẫn có thể tham dự
vào cõi Tịnh Độ. Đây là một điều rất hay, vì ở trong giáo lý Tịnh Độ có ý niệm
‘‘đới nghiệp vãng sanh’’.
‘‘Đới’’ là mang theo,
quẩy theo. ‘‘Nghiệp’’ là những hậu quả khổ đau do những động tác của cơ thể, của
tư tưởng và của lời nói trong quá khứ đem lại. Mình có thể đem những nỗi khổ niềm
đau của mình về tham dự vào Tịnh Độ. ‘‘Vãng sanh’’ là đến tham dự. ‘‘Đới nghiệp
vãng sanh’’ nghĩa là đang quẩy nghiệp theo mà vẫn tham dự được Tịnh Độ. Khi ta
cầm một hòn đá hoặc một viên sõi và liệng xuống dòng sông, thì dầu viên đá hoặc
hòn sõi có nhỏ, có nhẹ đến mấy, nó vẫn chìm xuống sông như thường. Nhưng khi ta
có một chiếc thuyền để chuyên chở thì dù cho ta có đặt mấy trăm ký đá vào thuyền
thì thuyền cũng vẫn không chìm. Đây là một thí dụ rất hay về ‘‘đới nghiệp vãng
sanh’’. Một mình thì chìm nghỉm, nhưng có sức hộ niệm của Tăng thân, của Bụt và
Bồ tát, thì mình sẽ không chìm, mình vẫn nổi, và sự khác nhau là ta có Tăng
thân hay không, có Tịnh Độ hay không. Có Tăng thân và có Tịnh Độ thì cho dù
mình còn có đau khổ trong tâm, mình cũng không bị chìm. Cái hay là ở chỗ đó. Điều
này có thể gọi là tha lực, tức là sức mạnh không phải sức mạnh của mình mà của
người khác. Nhưng tha lực được làm bằng chất liệu của tự lực.
Thí dụ: Tăng thân tuy
là tha lực, nhưng tăng thân được làm bằng tự lực. Mỗi người đều đóng góp năng
lượng hạnh phúc và năng lượng an lạc của mình vào Tăng thân, nên Tăng thân mới
có năng lượng của chánh niệm, năng lượng của hạnh phúc, năng lượng của an lạc.
Đem năng lượng đó ra thì tăng thân cứu vớt và chuyên chở được nỗi khổ niềm đau
của người mới đến. Người mới đến cũng vậy, sự thực tập chánh niệm của mình cũng
có thể đóng góp vào năng lượng chánh niệm và niềm vui của Tăng thân. Dù mình chỉ
mới có chút ít niềm vui thôi, dù mình chỉ mới có chút ít năng lượng chánh niệm
thôi, mình cũng có thể đóng góp được cho Tăng thân rồi. Cái đó gọi là tha lực.
Tha lực được làm bằng
tự lực. Tha lực có sẵn, nên khi mình tham dự và thừa hưởng những hạnh phúc và
an lạc của Tăng thân thì mình phải đóng góp cái tự lực của mình vào cho Tăng
thân. Chúng ta thử nghĩ cõi Tịnh Độ có rất nhiều người mới vãng sanh, trong tâm
thức của họ vẫn còn những hạt giống của tham giận, buồn rầu, sợ hãi, nghi ngờ,
do đó, thỉnh thoảng họ vẫn còn khổ đau. Bởi vì họ là hạng ‘‘đới nghiệp vãng
sanh’’. Cho nên, ta đừng tưởng tượng rằng khi được tham dự vào Tịnh Độ là ta sẽ
không có vấn đề gì nữa hết. Nếu có một cõi mà không phải Tịnh Độ, thì sự gặp gỡ
của chúng ta trong cõi đó sẽ đưa tới sự chất chứa những khổ đau và sẽ tạo thành
địa ngục. Nhưng trái lại, nếu chúng ta được gặp nhau ở cõi Tịnh Độ thì chúng ta
có cơ hội để chuyển hóa khổ đau. Bởi vì ở đó ta có Bụt và các vị bồ tát ‘‘nhất sanh
bổ xứ’’, có nhiều bậc ‘‘thượng thiện nhân’’, cho nên các ngài ôm ấp được những
nỗi khổ niềm đau của người mới vãng sanh, ôm ấp trong tình thương, ôm ấp trong
sự hiểu biết, ôm ấp bằng đức kiên nhẫn và sự hướng dẫn của mình. Do đó cõi Tịnh
Độ có sức chịu đựng những nỗi khổ niềm đau của những người ‘‘đới nghiệp vãng
sanh’’ mới tới, và nghiệp của những người đó sẽ được chuyển hóa từ từ bởi sự thực
tập hàng ngày. Buổi sáng được đi hái hoa, được đi cúng Bụt, buổi trưa về ăn cơm
chánh niệm, được đi thiền hành, nghe pháp thoại do chim nói, do cây nói, được gần
gũi Bụt A Di Đà, được thân cận bậc thiện tri thức, đó là những điều kiện rất
thuận lợi để tu tập, để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau mà mình đã mang tới từ
bên kia. Và vì vậy ở Tịnh Độ là dân chúng phải tu, có phải vậy không? Ở cõi Tịnh
độ tất cả dân chúng đều tu theo phép niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng, nhờ gió,
nhờ chim yểm trợ, nhờ Bụt và các vị Bồ tát yểm trợ. Ta đừng nghĩ rằng qua đó,
buổi sáng ta có thể dậy trưa, không đi ngồi thiền rồi cũng không ra ăn cơm sáng
với đại chúng. Không có chuyện đó đâu. Qua bên kia là thế nào ta cũng sẽ làm đệ
nhị thân cho một vị Bồ tát. Vị Bồ tát ấy thế nào cũng kéo ta dậy đi ngồi thiền
chung, và giúp đỡ ta trong lúc khó khăn. Vậy, ‘‘đới nghiệp vãng sanh’’ là một thực
tại, và vì vậy cõi Tịnh Độ có tính chất của một cõi ‘‘phàm thánh đồng cư’’.
Phàm là những người trần tục, và thánh là những người đã được giải thoát, giải
thoát một phần hoặc giải thoát hoàn toàn. Phần thánh ôm ấp phần phàm, giữ gìn
phần phàm đừng cho phần phàm bung ra, và để cho phần phàm từ từ chuyển hóa. Cái
hay của Tịnh Độ là không phải không có phần phàm, nhưng cái phần phàm được ôm ấp,
nâng niu và chăm sóc bởi phần thánh. Chúng ta hãy quán tưởng đây là vòng tay của
Bụt và của các vị Bồ tát đang ôm lấy tất cả chúng ta trong nguồn năng lượng
thánh thiện của các ngài. Nguồn năng lượng thánh thiện này là nguồn năng lượng
của chánh niệm. Và đây là những chúng sanh vừa mới vãng sanh, có rất nhiều chất
phàm trong họ. Nhờ có nhiều bậc ‘‘thượng thiện nhân’’ tụ tập lại một chỗ, cho
nên họ mới có đủ năng lượng thực tập chánh niệm để tự ôm ấp được những phần
phàm đó của họ. Mỗi cá nhân đều có phần phàm trong tự thân, nhưng mỗi cá nhân
cũng có phần thánh trong họ. Tuy mình là người phàm, nhưng vì mình đang tu tập
chánh niệm, nên phần thánh đã bắt đầu có mặt. Do đó chất thánh không phải chỉ
có ở nơi người khác mà cũng có nơi chính mình. Mỗi bước chân có chánh niệm, mỗi
hơi thở có chánh niệm đều có thể chế tác ra được phần thánh của mình để mình có
thể ôm lấy phần phàm của mình, và nếu chưa đủ, mình mượn phần thánh của chư Bụt
và của các bậc Bồ tát ‘‘nhất sanh bổ xứ’’ hoặc các bậc ‘‘thượng thiện nhân’’ để
ôm ấp và chuyển hóa phần phàm ở nơi mình. Lý do tồn tại của Tăng thân là sự có
tu và có học. Tới với Tăng thân là để tu và để học, vì vậy, mỗi ngày mình chế
tác được chất ‘‘thánh’’ thêm một chút để ôm ấp lấy chất ‘‘phàm’’ trong mình và
để chuyển hóa chúng. Ta hãy nhìn vào Tăng thân của ta để thấy rằng Tăng thân của
ta cũng là một cọng đồng phàm thánh đồng cư. Chất thánh trong chúng ta mặc dù
đang có, nhưng không thể nào so với chất thánh của chư Bụt và Bồ tát. Và trong
chúng ta có người có chất ‘‘thánh’’ nhiều hơn chất ‘‘phàm’’, nhưng cũng có người
có chất phàm nhiều hơn chất thánh. Mỗi chúng ta đều có cả hai chất liệu ấy,
nhưng chất lượng phàm và thánh ở trong mỗi chúng ta đều khác nhau.
Xem Tiếp Chương 11 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá