Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đường Xưa Mây Trắng
Chương 20. Nai Ngọc
Mỗi ngày, Bụt đều có
xuống tắm dưới dòng Neranjara. Người thường đi bách bộ để thiền hành trên bờ
sông hoặc ở những con đường mòn trong rừng do chính dấu chân của ngài tạo ra.
Có khi Bụt ngồi tĩnh tọa trên bờ sông bên dòng nước chảy. Có khi Bụt ngồi tĩnh
tọa dưới cây bồ đề trong lúc hàng ngàn chim chóc ca hát líu lo trên cành lá.
Lời nguyện xưa bây giờ
đã được thực hiện. Bụt biết là người sẽ trở về Kapilavatthu. Ở đó có nhiều người
đang chờ đợi Bụt. nhưng Bụt cũng nhớ rằng ở thành Rajagaha, vua Bimbisara cũng
đang đợi chờ người.
Vua Bimbisara quả là
một người bạn tri kỷ của Bụt. Bụt phải đáp lại tấm thịnh tình đó trước, và còn
năm người bạn đồng tu nữa. Bụt phải giúp đỡ họ. Họ là những người có khả năng
tiếp nhận đạo giải thoát. Có lẽ năm người ấy cũng chỉ đang quanh quẩn trong
vùng nầy mà thôi.
Dòng sông, bầu trời,
trăng sao, núi rừng cũng như từng ngọn cỏ và từng hạt bụi đều trở nên mầu nhiệm
đối với Bụt. Người thấy những năm lang thang tìm Đạo của mình trước kia không
phải là vô ích. Chính nhờ những năm phong trần ấy mà người thấy được rằng đạo sáng
nằm ngay trong tự tâm mình. Tâm của chúng sinh chính là tâm của giác ngộ. Hạt
giống tỉnh thức nằm ngay trong tâm của mỗi người. Chúng sanh không cần đi tìm sự
giác ngộ ở bên ngoài, bởi vì mỗi sinh vật chứa đủ trong tự thân tất cả trí tuệ
và hùng lực của toàn vũ trụ.
Đây là một phát kiến
vĩ đại của Bụt, và là một tin mừng lớn cho tất cả. Bọn trẻ đã rủ nhau trở lại
nhiều lần để được Bụt dạy dỗ. Trong khi tiếp xúc với chúng, Bụt vui mừng nhận
ra rằng đạo lý giải thoát có thể diễn bày bằng một ngôn ngữ đơn giản và mộc mạc.
Bọn trẻ, dù là những em bé chưa bao giờ đi học cũng có thể hiểu được giáo pháp của
Bụt. Điều này làm cho Bụt phấn khởi.
Có một bữa nọ, bọn trẻ
đã tới Bụt với một rỗ quít. Rỗ quít này do Sujata đem đến. Chúng muốn được cùng
ăn quít với Bụt trong sự tỉnh thức để thực tập lại bài học đầu tiên mà chúng đã
được học về đạo Bụt. Sujata nâng rỗ quít đi mời từng người. Trước hết cô bé quỳ
trước Bụt và nâng rỗ quít lên trên hai tay, đầu cô bé hơi cúi xuống trong dáng
diệu thành kính. Bụt chắp tay búp sen và tiếp nhận một trái quít từ trong rỗ.
Sujata hướng sang mời Svastika hiện đang ngồi phía bên trái của Bụt, Svastika
cũng chắp tay búp sen như Bụt để tiếp nhận một trái quít. Sujata làm như thế
cho đến khi mọi người đều đã có trong tay một trái quít mới trở về chỗ ngồi. Đặt
rỗ quít trước mặt, cô bé cũng chắp tay trước khi lấy lên một trái quít. Bọn trẻ
im lặng, Bụt bảo chúng theo dõi hơi thở và mỉm cười. Rồi Bụt để trái quít lên
trên lòng bàn tay trái, đưa lên, nhìn vào trái quít để quán tưởng chiêm nghiệm.
Bọn trẻ đồng loạt làm
như Bụt. Một lát sau, Bụt từ từ bóc quít, bọn trẻ cũng làm như người. Thầy trò
thong thả ăn quít trong im lặng, trong tỉnh thức. Khi mọi người đã ăn xong
quít, Bala đi thu hồi tất cả những cái vỏ quít. Bọn trẻ rất sung sướng được ăn
quít với Bụt trong chánh niệm và Bụt cũng cảm thấy một niềm vui lớn khi được ngồi
thực tập với bọn trẻ quê mùa nhưng rất dễ thương này.
Bọn trẻ thường trở lại
với Bụt vào những buổi chiều. Có khi Bụt dạy chúng cách theo dõi hơi thở để điều
phục tâm ý trong những khi buồn bực hoặc nóng giận. Có khi Bụt dạy chúng cách
ngồi yên để làm cho tâm trí tĩnh lặng. Có khi Bụt dạy chúng cách đi thiền hành
để học nếm sự thảnh thơi. Bụt dạy chúng thật kỹ về cách nhìn người và sự việc:
nhìn như thế nào để có thể thấy, có thể hiểu và có thể thương. Bài dạy nào bọn
chúng cũng hiểu được.
Một hôm nọ, Nanbadaal
và Sujata quyết định cùng nhau may một chiếc áo ca sa mới để dâng Bụt. Hai chị
em đã để ra một ngày để làm chuyện này. Chiếc áo ca sa mới này màu gạch, hơi giống
với tấm vải mà Bụt đang choàng. Sujata đã khám phá được nguồn gốc của tấm vải
đó. Đó là tấm vải đã được phủ lên thi hài của Radha, người ở của nhà cô, khi
còn quàng ngoài nghĩa địa. Radha đã chết vì bệnh thương hàn. Ba mẹ của Sujata
đã nuôi một người ở khác tên là Purna. Khi biết rằng thầy mình đã phải lấy một
tấm vải ngoài nghĩa địa để giặt đi mà làm áo ca-sa. Sujata như muốn khóc, và đó
là lý do khiến cô bé đi tìm người chị họ.
Ngày hai chị em đem
áo vào dâng, Bụt đang ngồi thiền dưới gốc Bồ Đề. Hai chị em ngồi im lặng đợi
cho đến khi người xuất thiền mới dâng áo ca-sa lên. Bụt rất vui lòng khi có áo
mới. Người nói người sẽ cần đến áo này. Và người nói người muốn giữ lại tấm vải,
để mỗi khi giặt áo thì có vật khoác lên trên người. Nghe nói thế, Nanbadala và Sujata
quyết định may thêm cho Bụt một chiếc nữa để người có thể thay được áo ngoài mà
đem đi giặt.
Một hôm nọ, bọn trẻ
được nghe Bụt kể một chuyện tiền thân. Hôm ấy chúng đến khá đông, bé Balagupta
hỏi Bụt về tình bạn. Balagupta là một cô bạn gái của Sujata, mới lên mười hai
tuổi. Sở dĩ Balagupta hỏi Bụt về tình bạn vì ngày hôm trước cô đã cùng với cô bạn
gái là Jatilika có chuyện xích mích cùng nhau, và hôm nay trước khi đi vào thăm
Bụt, cô bé đã định không ghé vào rủ Jatilika cùng đi, nhưng cuối cùng, Sujata
đã ép cô vào rủ Jatilika, Jatilika đã chìu Sujata mà đi, nhưng khi tới cội bồ đề,
đôi bạn ngồi ra hai góc chứ không ngồi gần sát bên nhau như trong những lần
khác.
Bụt kể cho bọn trẻ
nghe về tình bạn giữa một con nai, một con chim và một con rùa. Theo Bụt thì
chuyện này đã xảy ra từ thời xa xưa, cách đây hàng ngàn năm, lúc Bụt còn là một
con nai. Bọn trẻ ngạc nhiên, nhưng Bụt bảo:
- Trong những kiếp
trước, chúng ta ai cũng đều đã từng làm đất, làm đá, làm sương, làm gió, làm nước,
làm lửa. Chúng ta ai cũng đã từng làm rêu, làm cỏ, làm cây cối, làm côn trùng,
làm cá, làm rùa, làm chim muông, làm thú vật. Điều này ta thấy rất rõ trong thiền
quán của ta. Vậy thì trong một kiếp trước, ta đã làm một con nai, đó là chuyện
rất thường. Ta còn nhớ, có một kiếp nọ, ta làm một mỏm đá trên đỉnh núi. Có một
kiếp khác nữa, ta đã làm một cây bông sứ. Các con cũng vậy, chuyện ta sắp kể là
chuyện một con nai, một con chim, một con rùa và một bác thợ săn. Có thể là một
đứa trong các con ngày xưa ấy đã làm con chim, và một đứa khác làm con rùa.
Các con nên biết, có
một thời nọ, trên cõi đất của chúng ta, chưa có mặt của loài người, và cũng
chưa có mặt chim chóc và muông thú. Lúc ấy chỉ có rong rêu dưới nước và cây cối
trên cạn mà thôi. Hồi đó, chúng ta chỉ có thể là đất đá, sương khói hoặc cây cối.
Rồi từ đó mà chúng ta luân chuyển thành chim chóc, thành các loài cầm thú và
thành con người.
Ngay trong kiếp này, chúng ta cũng không phải chỉ là người. Ta là người nhưng ta cũng đồng thời là cây lúa, là cây dừa, là trái quít, là dòng sông, là không khí... bởi vì không có mặt những thứ đó thì con người cũng không thể nào có mặt. Cho nên khi các con nhìn cây lúa, trái dừa, trái quít, dòng sông, các con nên nhớ trong kiếp này tuy mình là người mình cũng phải nương tựa vào các loài ấy và mình cũng có thể nói rằng mình là những loài ấy. Thấy được như vậy mới thật là có hiểu biết và có tình thương.
Chuyện ta sắp kể cho
các con nghe tuy đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm nhưng có thể là đang xảy ta
ngay trong giờ phút này. Các con hãy lắng nghe cho kỹ mà suy nghĩ, để xem mình
có dính líu gì tới những con vật ở trong truyện hay không!
Rồi Bụt bắt đầu kể.
Thuở ấy Bụt là một con Nai ở trong rừng. Trong rừng có một hồ nước. Dưới hồ nước
có một con Rùa. Bên hồ nước có một cây dương, và trên cây dương có một con chim
Sáo. Nai, Rùa, và Sáo chơi nhau rất thân. Một hôm có một người thợ săn đi theo
hai dấu chân Nai tới bên hồ, nơi Nai thường xuống uống nước. Ông ta đặt một cái
bẫy bằng những sợi dây da rất chắc ở đó, rồi đi về nhà. Nhà ông ta không xa bìa
rừng là mấy.
Chiều hôm ấy, tới bờ
hồ dể uống nước. Nai bị mắc bẫy, Nai kêu lên, Rùa và Sáo nghe tiếng Nai. Rùa bò
đến, Sáo bay tới. Thấy Nai bị nạn, Rùa và Sáo bàn nhau phương thức giải cứu cho
bạn. Sáo nói với Rùa: "Chị Rùa ơi, chị có răng khỏe thì chị hãy gắng gặm
cho đứt những chiếc dây da của cái bẫy này, còn em, em sẽ tìm cách ngăn ông thợ
săn lại, đừng cho ông tới". Nói xong, Sáo vội vã bay đi. Rùa khởi sự gặm
các sợi dây da. Sáo bay ra khỏi rừng, tới nhà người thợ săn và đậu sẵn trên một
cành cây xoan trước cửa nhà, chờ đợi.
Trời sáng, người thợ
săn cầm lấy con dao nhọn và mở cửa đi ra. Thấy người thợ săn bước ra, Sáo vỗ
cánh bay tới và lao mình vào mặt ông ta bằng hết cả sức mạnh. Bị Sáo đạp vào mặt,
bác thợ săn choáng váng. Bác trở lui vào nhà. Bác nằm xuống giường để nghỉ ngơi
chốc lát. Hồi lâu sau bác lại chồm dậy, cầm lấy con dao nhọn. Lần này, bác đi
ra bằng cửa sau, nhưng Sáo đã biết trước. Sáo đã chực sẵn trên một cành mít ở
sân sau. Khi bác thợ săn mở cửa đi ra. Sáo lại vỗ cách và lao mình vào mặt bác
một lần nữa.
Bị chim tấn công hai
lần liên tiếp, bác thợ săn quay vào nhà. Bác suy nghĩ: Ngày hôm nay xấu quá, dù
ta đi bằng ngõ trước hay bằng ngõ sau thì cũng bị con chim quái gỡ này ngăn cản.
Thôi ta hãy nghĩ ngơi, để ngày mai sẽ vào rừng.
Sáng hôm sau, người
thợ săn thức dậy sớm. Cầm lấy chiếc dao nhọn, ông lấy nón đội lên che kín mặt rồi
mở cửa đi ra. Không tấn công ông ta vào mặt được nữa. Sáo lập tức bay về rừng
báo cho hai bạn:
- Bác thợ săn sắp tới.
Lúc ấy Rùa đã gặm đứt
gần hết các sợi dây da. Chỉ còn có một sợi nữa thôi là Nai có thể thoát được.
Rùa dùng hét sức bình sinh để gặm, nhưng sợi dây này cứng quá, cứng như thép.
Răng của Rùa gần như là sắp rụng hết và miệng Rùa chảy máu rất là tội nghiệp.
Rùa đã ra sức gặm trong hai đêm và một ngày, miệng Rùa không chảy máu sao được.
Trong lúc đó người thợ
săn vừa tới. Trông thấy ông ta, Nai hoảng kinh vùng mạnh một cái. Nhờ vậy sợi
dây mà Rùa gặm nửa chừng bị đứt. Nai vội phóng vào rừng. Lúc đó Sáo đã bay lên
đậu trên cây dương, nhưng Rùa kiệt sức quá, không bò đi đâu được. Thấy mất Nai,
bác thợ săn tức lắm. Bác lượm lấy Rùa, bỏ vào trong một cái túi da và treo túi
trên một thân cây rồi đi tìm Nai. Lúc đó, Nai đang đứng sau một bụi rậm nhìn ra
để thăm chừng các bạn. Nai nghĩ: "Các bạn đã liều thân cứu ta, đến lượt
ta, ta cũng phải liều thân cứu bạn." Nghĩ như thế, Nai từ từ bước ra cho
người thợ săn trông thấy. Nai làm ra vẻ kiệt sức và khuỵu hai chân trước xuống.
Người thợ săn nghĩ:
- Con Nai này kiệt sức
rồi, Ta có thể đuổi theo nó và đâm nó một nhát.
Ông ta liền cầm đao
đuổi theo Nai. Nai đứng dậy từ từ đi vào rừng, dụ bác thợ săn đi theo. Sau khi
đã dụ được bác thợ săn đi vào khá sâu trong rừng, Nai vụt chạy thật nhanh, làm
mất dấu chân mình, rồi phóng trở ra hồ nước. Tới bên cây dương, Nai dùng gạc của
mình đẩy
cái túi da của bác thợ
săn úp ngược xuống. Nhờ vậy Rùa rơi ra khỏi túi. Sáo cũng bay tới gần. Nai nói
với hai bạn:
- Nhờ hai bạn mà tôi
đã thoát chết về tay người thợ săn. Tôi cám ơn hai bạn. Người thợ săn sẽ trở lại
ngay bây giờ. Anh Sáo, anh hãy dời tổ anh đi nơi khác, còn chị Rùa, xin chị bò
xuống nước đi thôi. Mau lên, còn tôi, tôi sẽ đi ngay vào rừng.
Khi người thợ săn trở
lại, ông ta thấy Rùa đã thoát đi đâu mất. Nai và Sáo cũng bặt tăm. Buồn bã, ông
ta đeo túi và cầm dao đi về nhà.
Bé Rupak và bé Subash
nghe đến chỗ con Rùa gặm những sợi dây da suốt hai đêm và một ngày khiến cho miệng
Rùa chảy máu thì lấy làm thương lắm. Chúng nó gần khóc. Kể xong chuyện tiền
thân, Bụt hỏi:
- Các con nghĩ xem,
thuở ấy ta là Nai, còn ai trong các con là Rùa?
Bốn em bé đưa tay
lên. Svastika nhận thấy trong số những người đưa tay có cả Sujata. Bụt lại hỏi:
- Vậy ai trong các
con là Sáo?
Lần này Svastika đưa
tay lên. Nó nhận thấy có hai đứa nữa cũng đưa tay lên. Đó là Jatilika và
Balagupta.
Sujata nhìn Jatilika
rồi nhìn Balagupta:
- Cả hai em đều là
Sáo, như vậy hai người chỉ là một người. Sáo mà giận Sáo thì còn ra gì nữa.
Tình bạn của chúng ta không bằng tình bạn giữa Sáo, Rùa và Nai hay sao?
Nói xong Sujata lại
nhìn Balagupta, Balgupta hiểu ý, đứng dậy. Cô bé tiến tới chỗ Jatilika, đưa hai
tay nắm lấy tay bạn. Jatilika cũng đưa hai tay ôm Balagupta vào lòng, rồi nó ngồi
xịch ra một bên cho Balagupta có chỗ ngồi sát bên nó.
Bụt mỉm cười:
- Các con đã hiểu được
chuyện tiền thân. Các con nên nhớ rằng chuyện tiền thân như chuyện ta vừa kể
đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày giữa chúng ta.
0 Đánh giá