Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đường Xưa Mây Trắng
Chương 38. Ôi! Hạnh Phúc!
Bụt đã rời khỏi vương
quốc Sakya nhưng người vẫn còn hoằng hóa ở miền Bắc vương quốc Kosala. Người và
khoảng một trăm hai mươi vị khất sĩ đang cư trú ở một công viên gần thành phố
Anuplya của bộ tộc Malla. Đại đức Sariputta vẫn còn ở bên người. Kaludayi,
Nanda và chú tiểu Rahula cũng ở bên người.
Trong thời gian Bụt ở
ngoại thành Kapilavatthu, nhiều thanh niên trong hoàng tộc đã đến xin xuất gia
với người, phần lớn là xuất thân từ những gia đình có từ ba người con trai trở
lên. Sau khi Bụt rời Kapilavatthu được nửa tháng, có hai anh em ruột thuộc dòng
họ Sakya cũng muốn đi xuất gia. Nhà của họ giàu lắm. Gia đình có tới ba cơ sở
cư trú, một cho mùa Hè, một cho mùa Mưa, và một cho mùa Đông. Hai anh em tên là
Mahanama và Anuruddha. Thấy nhiều bạn hữu của mình trong hoàng gia đã đi xuất
gia với Bụt, Mahanama cũng muốn được đi xuất gia. Mahanama nghĩ trong gia đình
có hai người con trai thì nên đi xuất gia một người thôi, chàng nhường quyền xuất
gia cho em. Anuruddha đi tìm mẹ để xin phép. Bà mẹ nói.
- Mẹ chỉ có hai con
là niềm vui của mẹ thôi. Nếu một đứa trong các con xuất gia thì mẹ buồn lắm.
Anuruddha thưa với mẹ
là đã có nhiều thanh niên trong hoàng tộc xuất gia, và nếp sống xuất gia sẽ đem
lại lợi lạc không phải chỉ cho người xuất gia mà cho cả gia đình và xã hội.
Chàng đã được nghe Bụt giảng tại tu viện Nigrodha nhiều lần nên chàng giảng
thuyết về đạo pháp rất hay. Cuối cùng bà mẹ nói:
- Nếu bạn của con là
Baddhiya mà xuất gia, thì mẹ cũng cho con đi xuất gia.
Bà nói vậy vì bà nghĩ
là Baddhiya chẳng bao giờ xuất gia đâu. Baddhiya là người trong hoàng gia, và
chàng có chức vị rất cao, quyền hành và danh vọng rất lớn, khó có thể bỏ được tất
cả để mà đi tu.
Anuruddh nghe mẹ nói
liền tìm tới Baddhiya. Baddhiya làm trấn thủ các tỉnh miền Bắc vương quốc. Dưới
quyền chàng có nhiều đội binh. Dinh thự của chàng có lính gác bốn phía. Kẻ hầu
người hạ tấp nập. Baddhiya tiếp Anuruddha như một thượng khách. Anuruddha bảo bạn:
- Tôi muốn đi xuất
gia theo học với Bụt, nhưng tôi không xuất gia được, đó là tại vì anh.
Baddhiya cười:
- Tại sao vì tôi mà
anh không đi xuất gia được? Tôi cấm anh xuất gia hồi nào? Tôi sẽ làm đủ mọi
cách để anh được xuất gia.
Anuruddha kể lại đầu đuôi
câu chuyện, rồi chàng nói:
- Anh vừa hứa với tôi
là anh sẽ làm đủ mọi cách để tôi có thể đi xuất gia, mà cách duy nhất là anh
cùng đi xuất gia với tôi.
Baddhiya thấy mình kẹt
quá, không phải là chàng không hâm mộ Bụt và đạo lý tỉnh thức. Chàng cũng đã có
ý định sau này sẽ đi xuất gia, nhưng không phải bây giờ. Chàng nói:
- Bảy năm nữa tôi sẽ
đi xuất gia. Anh cứ đợi tôi.
- Bảy năm nữa thì lâu
quá. Biết tôi có còn sống đến lúc ấy hay không?
Baddhiya cười:
- Sao anh bi quan quá
như vậy? Nhưng thôi, nếu anh nóng lòng xuất gia thì anh đợi ba năm nữa vậy.
- Ba năm cũng còn lâu
quá.
Anuruddha nói:
- Thôi thì bảy tháng.
Tôi còn phải sắp đặt công việc nhà cửa và trao trả quyền hành.
- Đã xuất gia thì cần
gì phải sắp đặt lâu như thế. Xuất gia là từ bỏ hết để đi theo con đường xuất trần
siêu thoát. Anh đợi lâu như thế lỡ ra anh đổi ý thì sao.
- Anh đã nói vậy thì
bảy hôm nữa tôi sẽ đi với anh. Thôi anh về đi.
Anurudha mừng rỡ về
báo mẹ và anh biết tin này. Bà mẹ không ngờ quan tổng trấn Baddhiya lại chịu bỏ
chức tước và danh vọng một cách dễ dàng như vậy. Bà chợt thấy tầm cao siêu của
đạo lý giải thoát, và bà bằng lòng cho con đi xuất gia.
Anuruddha rủ thêm được
một số các bạn hữu nữa cùng đi xuất gia. Đó là Bhagu, Kimbila, Devadatta và
Ananda. Cả thảy là sáu người, tất cả đều là các vương tử quý phái. Đúng ngày hẹn,
họ gặp nhau tại nhà Devadatta rồi lên đường. Tất cả đều đã là những chàng trai
thành niên, trừ Ananda ra, Ananda mới có mười tám tuổi, nhưng chàng đã được
phép cha là thân vương Dronodanaraja cho phép đi theo anh.
Bảy vị vương tử đi bằng
xe tứ mã cho đến khi họ tới một thị trấn nhỏ nằm sát biên giới Kosala. Họ cho
xe trở về và cùng đi bộ tới biên giới. Họ biết Bụt và các vị khất sĩ tùy tùng
đang cư trú ở Anupiya, cách biên giới không xa, Anurauddha đề nghị mọi người cởi
bỏ hết những trang sức trên người và ăn mặc thật đơn giản trước khi vượt biên.
Mọi người tán thành.
Họ cởi những xâu chuỗi
ngọc và những chiếc vòng bằng vàng bằng bạc ra và gói lại trong một cái áo. Họ
định đi tìm một người nghèo để tặng tất cả những châu báu đó rồi sẽ tìm đường
ra biên giới sau. Vừa định đi vào trong thôn để kiếm một người nghèo thì họ thấy
có một quán hớt tóc bên đường. Cái quán khá tồi tàn: người thợ hớt tóc là một
chàng thanh niên trạc tuổi họ, mặt mày cũng khôi ngô, nhưng ăn mặc rách rưới
nghèo nàn. Anuruddha ghé vào quán. Chàng hỏi tên người thợ hớt tóc. Anh ta nói
anh tên là Upali. Chàng nói các vị vương tử muốn nhờ anh ta chỉ đường ra biên
giới. Upali bằng lòng.
Upali đưa các vương tử
đến biên giới nước Kosala. Anh ta chào các vị vương tử để trở về. Anuruddha cám
ơn Upali và trao cho Upali một chiếc áo cuốn tròn trong đó có đầy đồ trang sức
châu báu. Chàng nói:
- Upali, chúng tôi muốn
theo Bụt xuất gia. Chúng tôi không cần những thứ trang sức châu báu này. Chúng tôi
tặng lại anh. Từng ấy châu báu vàng bạc đủ để anh sống sung sướng suốt đời.
Các vương tử chào
Upali, và lên đường. Người thợ hớt tóc mở chiếc áo ra. Vàng ngọc làm anh ta lóe
mắt. Anh ta không tin đây là sự thật. Anh thuộc về giai cấp hạ tiện trong xã hội.
Cha ông của anh đời này sang đời khác đã sống cần cù lam lũ và chưa bao giờ có
được một lạng vàng hay một chiếc cà rá. Bây giờ đây anh có một bọc châu báu trong
tay. Bỗng nhiên anh cảm thấy lo sợ. Ôm một bọc châu báu trong người, anh cảm thấy
anh mất hết sự an ổn và thảnh thơi. Anh có thể mất mạng như chơi nếu có người
biết anh đang ôm cái gì trong tay. Upali suy nghĩ. Anh thấy các vương tử giàu
sang đến thế, quyền hành nhiều như thế mà vẫn bỏ hết để đi xuất gia. Chắc chắn
những người này đã nhận thấy nặng nề và nguy hiểm của giàu sang và của danh vọng.
Anh chợt có ý liệng bỏ gói châu báu để đi theo các vị vương tử, tìm cầu anh lạc
và giải thoát. Nghĩ như thế, anh làm ngay. Anh treo gói áo trên một cành cây gần
đó, thầm nhủ rằng ai là người đầu tiên thấy được gói châu báu này thì gói châu
báu này sẽ thuộc về người ấy. Treo gói áo lên cây xong, anh vượt biên và chạy
theo các vị vương tử.
Chỉ một giờ sau,
Upali bắt kịp họ. Các vị vương tử ngạc nhiên thấy Upali chạy theo mình.
Devadatta hỏi:
- Upali, anh chạy
theo chúng tôi làm chi? Gói châu báu anh để đâu?
Upali thở hổn hển một
hồi, rồi kể lại câu chuyện. Chàng nói chàng đã treo gói áo lên một cành cây và
nguyện tặng lại châu báu ấy cho người đầu tiên bắt gặp. Chàng nói chàng không cảm
thấy an ổn với gói châu báu và xin được cùng các vị vương tử tìm tới Bụt để xuất
gia.
Devadatta cười ha hả:
- Anh cũng muốn xuất
gia như chúng tôi? Anh là...
Anuruddha ngắt lời
Devadatta:
- Hay lắm, hay lắm!
Chúng tôi rất hân hạnh được anh cùng đi với chúng tôi. Bụt có dạy rằng tăng
đoàn như là biển cả, và người xuất gia như những con sông. Sông nào cũng chảy
ra biển và cũng thành biển. Chúng ta tuy xuất thân từ những giai cấp khác nhau,
nhưng khi đã gia nhập tăng đoàn thì chúng ta sẽ là anh em, không còn phân biệt
giai cấp nữa.
Baddhiya tán thành ý
kiến của Anuruddha. Chàng đưa tay nắm tay người thợ cạo Upali. Chàng giới thiệu
chàng là quan tổng trấn từng tri nhậm các tỉnh miền Bắc của vương quốc, và
chàng giới thiệu các vị vương tử khác với Upali. Upali cúi chào từng vị với một
dáng điệu kính cẩn. Sau đó bảy người lại tiếp tục lên đường.
Ngày hôm sau họ tới
Anupiya. Họ hỏi thăm nơi cư trú của Bụt và tăng đoàn. Họ được biết Bụt và tăng
đoàn hiện cư trú ở một khu rừng về phía Đông Nam cách thành phố chừng hai dặm.
Bảy người tìm tới nơi này và được gặp Bụt. Baddhiya thay mặt cả nhóm trình lên
Bụt ý nguyện của họ được theo Bụt xuất gia. Bụt lặng yên ưng thuận. Baddhiya
nói:
- Chúng con xin Bụt
cho Upali được xuất gia trước. Chúng con sẽ lạy Upali như là một vị sư huynh.
Như vậy chúng con có thể trừ khử ý niệm phân biệt và kỳ thị có thể còn sót lại
nơi chúng con.
Bụt khen ngợi cả bảy
người. Bụt cho Upali làm lễ xuất gia trước, và sau đó làm lễ xuất gia cho sáu
người: Baddhiya, Anuruddha, Bhagu, Kimbala, Devadatta và Ananda. Tuy mới có mười
tám tuổi, Ananda cũng được xuất gia, nhưng chàng chỉ được thọ giới sa di và học
theo hạnh khất sĩ. Đúng hai mươi tuổi chàng mới được thọ giới khất sĩ.
Chàng là người trẻ nhất
trong tăng đoàn, trừ Rahula. Được gặp lại chú Ananda, Rahula mừng lắm. Ba hôm
sau lễ thọ giới của bảy chàng, Bụt và các vị khất sĩ rời Anupiya, hướng về
Vesali. Tại Vesali, Bụt nghỉ ở rừng Mahavana, Bụt lưu lại ba hôm ở đây. Trong
thời gian ấy Bụt có thuyết pháp cho dân chúng, rồi Bụt lại lên đường. Đi lần hồi
trên mươi hôm nữa, Bụt về tới tu viện Trúc Lâm ở Rajagaha.
Các đại đức Kassapa,
Moggallana, và Kondanna thấy Bụt về rất hoan hỷ. Đại chúng trong tu viện đông gần
sáu trăm vị, ai cũng tỏ vẻ vui mừng. Vua Bimbisara nghe Bụt đã về, lập tức tìm
tới thăm Bụt.
Không khí Trúc Lâm rất
sống động và vui tươi. Mùa Mưa đã gần tới, và các đại đức Kondanna và Kassapa
đã chuẩn bị đầy đủ về mặt tổ chức để đại chúng có thể an cư tu học. Đây là mùa
an cư thứ ba từ ngày Bụt thành đạo. Mùa thứ nhất, Bụt ở vườn Nai, mùa thứ hai
và mùa thứ ba, Bụt ở tại Trúc Lâm.
Đại đức Baddhiya, trước
kia làm quan tổng trấn miền Bắc vương quốc Sakka, và là người trong hoàng tộc
Sakya, tu học rất tinh tiến. Tại tu viện Trúc Lâm, ông học theo đại đức
Kassapa, chỉ cư trú dưới gốc cây mà không ngủ trong am thất. Ông học tập rất
chuyên cần và sử dụng phần lớn thì giờ của ông vào việc thực tập thiền quán.
Một đêm kia trong lúc
thực tập thiền tọa dưới một gốc cây, ông bỗng cảm nhận một niềm vui sướng mà
chưa bao giờ ông từng biết tới trong thời gian còn ở nhà. Ông thốt lên:
- Ôi, hạnh phúc! Ôi,
hạnh phúc!
Lúc ấy trời đã về
khuya. Có một vị khất sĩ ngồi thiền tọa cách ông không xa nghe được những tiếng
ấy. Sáng hôm sau, vị này tới gặp Bụt. Ông thưa với Bụt:
- Thế Tôn, hồi khuya
trong lúc thiền tập, con có nghe khất sĩ Baddhiya thốt lên hai tiếng "Ôi,
hạnh phúc!", con nghĩ là thầy Baddhiya không cảm thấy thoải mái với đời sống
xuất gia. Có lẽ thầy ấy tiếc nuối những giàu sang và danh vọng khi còn là cư
sĩ. Con xin trình bày để Thế Tôn biết, và để người định liệu.
Bụt gật đầu. Trưa hôm
ấy sau khi tăng đoàn đã thọ trai, Bụt thuyết pháp cho đại chúng. Sau thời thuyết
pháp, Bụt gọi đại đức Baddhiya ra trình diện. Đại chúng có mặt đầy đủ trong giờ
này, không những các vị khất sĩ mà còn có những người đệ tử cư sĩ đã đến cúng
dường và nghe pháp. Bụt hỏi:
- Baddhiya, hồi khuya
trong lúc thiền tọa, thầy có thốt lên "Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc",
có đúng như thế không?
Đại đức Baddhiya chắp
tay trả lời:
- Thế Tôn, hồi đêm quả
thật con có thốt lên những tiếng đó.
- Tại sao xin thầy
hãy nói cho đại chúng cùng nghe.
Thế Tôn, ngày trước làm tổng trấn, con sống trong giàu sang, phú quý và có nhiều quyền lực. Đi đâu con cũng có một đội binh theo hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính cánh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài. Vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, sợ hãi, cảm thấy thiếu an ninh. Bây giờ đây đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi. Con cảm thấy có một niềm thảnh thơi và an lạc chưa bao giờ từng có. Thế Tôn, đời sống xuất gia thật là thoải mái đối với con, con không sợ ai, con không sợ mất gì, con không có gì để sợ mất, và con sống vui thú như một con nai trong rừng.
Trong thiền định đêm
qua con thấy được rất rõ niềm thảnh thơi vui thú đó, cho nên con đã buột miệng kêu
lên hai lần: "Ôi, hạnh phúc!, Ôi, hạnh phúc!" làm kinh động đến Thế
Tôn và các bạn tu của con. Con xin thành tâm sám hối.
Bụt ngợi khen
Baddhiya trước mặt đại chúng. Người nói:
- Hay lắm, khất sĩ
Baddhiya. Thầy đang đi những bước vững chãi trên con đường tự tại và vô úy. Niềm
an lạc của thầy, cả chư thiên cũng biết ước ao, huống nữa là người đời.
Giữa mùa an cư năm ấy,
Bụt có độ cho nhiều người xuất gia, trong số đó một nhân tài lỗi lạc: đó là
Mahakassapa, Mahakassapa là con trai một thương gia giàu có vào bậc nhất ở
vương quốc Magadha. Tên cha mẹ đặt của chàng là Pippali. Gia tài của vị thương
gia này chỉ thua có công khố quốc gia mà thôi, trong nước không ai giàu có bằng
ông ta. Mahakassapa đã thành hôn với một thiếu nữ sinh trưởng ở Vesali. Nàng
tên là Bhadra Kapilani. Hai người đã sống với nhau được mười hai năm, nhưng cả
hai đều có chí xuất trần, cả hai đều muốn tìm thầy học đạo.
Một buổi sáng nọ khi
thức giấc, Mahakassapa thấy vợ mình đang ngủ say và một cánh tay nàng buông thỏng
từ trên giường xuống tới gần mặt đất. Trong khi đó có một con rắn độc đang trườn
qua dưới gầm giường nàng. Mahakassapa nín thở, không dám động dậy. Khi con rắn
đã bò ra khỏi nhà, chàng tức tốc chỗi dậy đánh thức nàng.
Cả hai người cùng ngồi
chiêm nghiệm về tính cách vô thường của cuộc đời. Vợ chàng khuyên chàng nên tức
tốc đi tìm thầy học đạo. Nghe nói có Bụt hiện đang hướng dẫn đại chúng tu học tại
Trúc Lâm gần thành Vương Xá, Mahakassapa liền vội vã đi tìm. Ngay khi mới trông
thấy Bụt, chàng biết ngay đây là thầy của mình. Nói chuyện với Mahakassapa, Bụt
nhận thấy đây là một con người lỗi lạc, hiếm có trên đời, Bụt nhận cho chàng xuất
gia, Mahakassapa có trình bày với Bụt về trường hợp người bạn trăm năm của
mình. Bụt bảo chàng cơ duyên chưa thuận lợi để có thể chấp nhận phụ nữ vào giáo
đoàn. Người nói cần đợi thêm ít lâu nữa.
0 Đánh giá