Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đường Xưa Mây Trắng
Chương 73. Những Vắt Cơm Giấu Trong Mái Tóc
Một đêm nọ trong khi
đang tọa thiền ngoài sân tịnh thất trên núi Linh Thứu. Bụt mở mắt và thấy có
người đứng lấp ló sau cây đại thọ, Bụt lên tiếng mời người ấy đến. Dưới ánh
trăng vằng vặc, người ấy đặt gươm xuống sân đất và quỳ xuống lạy Bụt như tế
sao. Bụt hỏi:
- Ông là ai, đến đây
để làm gì?
- Con xin lạy sa môn
Gotama! Con xin lạy sa môn Gotama! Con vâng lệnh tới đây giết ngài nhưng thấy
ngài, con không dám. Con đã cầm gươm định bước tới có hơn mười lần rồi mà không
lần nào con dám bước tới. Con quyết định thôi không giết ngài nữa, nhưng con lại
sợ nếu con không giết ngài thì khi về, con cũng bị chủ tướng con giết chết. Con
chưa biết phải làm sao thì sa môn gọi con. Con xin lạy sa môn Gotama! Con xin lạy
sa môn Gotama!
Bụt hỏi:
- Ai đã sai anh đến
giết Như Lai?
- Chủ tướng của con,
nhưng con không dám nói tên chủ tướng của con đâu.
- Anh không nói cũng
được, nhưng chủ tướng của anh nói với anh như thế nào?
- Bạch sa môn, chủ tướng
của con chỉ cho con con đường phải đi để lên núi và chỉ cho con một con đường
khác để trở về sau khi làm xong nhiệm vụ.
- Anh có vợ con gì
không?
- Bạch sa môn, con
chưa có vợ con gì cả. Con chỉ có một bà mẹ già.
- Anh nghe đây. Nghe
cho thật kỹ và làm theo cho thật đúng. Anh hãy về nhà ngay đi, và đem mẹ anh vượt
biên giới trốn sang nước Kosala ngay lập tức. Anh đưa mẹ sang bên ấy tị nạn và
sinh sống, nhưng anh đừng xuống núi bằng con đường mà chủ tướng anh đã chỉ bày.
Nếu xuống núi bằng đường ấy, anh sẽ bị mai phục giết chết giữa đường. Anh xuống
núi bằng một con đường khác. Anh đi ngay đi.
Người lạ mặt lạy xuống
một lạy nữa rồi đi mất, để lại thanh gươm trên nền đất. Sáng hôm sau, hai đại đức
Sariputta và Moggallana tìm tới viếng Bụt.
Hai vị bạch:
- Chúng con nghĩ là
đã đến lúc chúng con phải đi qua bên ấy để giúp các anh em khất sĩ đã vì dại dột
mà đi lầm đường lạc lối. Chúng con xin phép Bụt cho chúng con vắng mặt một thời
gian.
Bụt nhìn hai vị đại đệ
tử:
- Các thầy đi thì đi,
nhưng các thầy hãy giữ gìn cẩn thận và làm mọi cách để bảo toàn thân mạng.
Vừa lúc ấy đại đức
Sariputta trông thấy thanh gươm trên nền đất. Đại đức đưa mắt nhìn Bụt, không
nói. Bụt gật đầu:
- Đúng như thế. Hồi
hôm có anh lính được lệnh lên ám sát Như lai, nhưng đã được Như Lai độ cho rồi.
Thanh gươm ấy cứ để đó, chừng nào cư sĩ Jivaka lên núi, Như Lai sẽ nhờ cư sĩ
đem xuống núi.
Đại đức Moggallana
nhìn bạn:
- Bỏ Bụt mà đi lúc
này, đệ không được an tâm lắm. Sư huynh nghĩ sao?
Sariputta chưa trả lời
thì Bụt nói:
Các thầy cứ an tâm mà đi, Như Lai có đủ tỉnh thức để tránh được những tai họa có thể xảy tới.
Hai vị đại đệ tử sụp
lạy thầy trước khi xuống núi. Chiều hôm ấy có mấy vị khất sĩ từ tu viện Trúc
Lâm lên thăm Bụt. Thấy Bụt họ không nói năng gì cả. Họ chỉ đứng ôm mặt khóc. Bụt
hỏi:
- Này các vị khất sĩ,
tại sao các vị khóc?
Một vị khất sĩ lau nước
mắt và trả lời Bụt:
- Thế Tôn, chúng con
từ Trúc Lâm về, giữa đường chúng con gặp sư huynh Sariputta và Moggallana.
Chúng con hỏi hai sư huynh đi đâu. Hai sư huynh nói là đi qua Gayasisa. Chúng
con buồn quá nên chúng con khóc. Hơn năm trăm vị khất sĩ đã bỏ Bụt mà đi rồi,
bây giờ hai vị đệ tử lớn nhất của Bụt mà cũng bỏ Bụt đi nữa thì chúng con không
buồn sao được?
Bụt bật cười. Người
an ủi các thầy khất sĩ:
- Nầy các vị, các vị
đừng buồn nữa. Như Lai biết là ở đâu, lúc nào, Sariputta và Moggallana cũng
không phản bội Như Lai đâu.
Nghe Bụt nói, các vị
khất sĩ cảm thấy yên dạ hơn. Họ xin phép được ngồi im lặng một lát dưới chân Bụt.
Ngày hôm sau, Bụt được
y sĩ Jivaka mời về tịnh xá riêng của ông trong vườn Xoài để thọ trai. Đại đức
Ananda cùng đi với người. Bụt và đại đức Ananda vừa thọ trai xong thì Jivaka
thông báo có hoàng thái hậu Videhi đến thăm ông và vì nghe nói có Bụt ở đây nên
thái hậu xin vào viếng người. Bụt biết cuộc viếng thăm này đã được y sĩ sắp đặt
trước. Người cho mời thái hậu vào. Lạy Bụt xong, thái hậu khóc nức nở.
Bụt để yên cho thái hậu
khóc. Một hồi sau, người nói:
- Có chuyện gì xin
thái hậu cho Như Lai biết.
Thái hậu nói:
- Bạch Thế Tôn, tình
trạng thượng hoàng rất nguy ngập. Ajatasattu quyết định bỏ đói thượng hoàng cho
đến chết. Nó không cho con đem thức ăn vào cho thượng hoàng nữa.
Rồi bà kể cho Bụt
nghe rằng mới hôm đầu tháng, bà còn được phép mang cơm vào cho thượng hoàng
Bimbisara, nhưng sau đó mấy hôm, khi bà vào thăm thượng hoàng, quân lính chặn lại
và lấy mất thức ăn. Bà vào thăm thượng hoàng mà chỉ biết ngồi khóc. Thượng
hoàng an ủi bà, nói rằng người không oán giận Ajatasattu. Ngài nói ngài nhịn đói
mà băng cũng được, miễn là nước nhà không bị nội chiến tàn phá.
Sáng ngày hôm sau, bà
giấu mấy vắt cơm nhỏ trong tóc của bà, và bà cũng mang trên tay ít thực phẩm để
vào thăm thượng hoàng. Bọn lính canh chặn bà lại, lấy mất thức ăn trên tay bà
nhưng không biết bà có dấu cơm trong mái tóc. Thượng hoàng đã ăn cơm ấy. Bà đã
làm như thế được tám hôm. Thấy thượng hoàng không chết, Ajatasattu bắt quân
lính khám xét bà rất kỹ. Chúng tìm thấy cơm trong tóc bà. Vậy là bà không thể
đem cơm vào cho thượng hoàng được nữa.
Ba hôm sau bà nghĩ ra
được một cách mới. Bà nấu một loại đề hồ gồm có sữa, mật ong và bột. Bà tắm gội
sạch sẽ, lau mình thật khô rồi trát một lớp đề hồ lên thân thể, đợi cho ráo rồi
mới mặc xiêm y. Quân canh không thấy có thức ăn và cơm dấu trong tóc, liền để
cho bà vào. Vào tới nơi, bà cởi áo và bóc lớp đề hồ ra để thượng hoàng ăn tạm.
Bà đã làm được hai lần như thế, nhưng bà rất sợ là trong một vài tuần, mưu của
bà sẽ bị khám phá và bà sẽ không còn được phép vào thăm thượng hoàng nữa.
Kể tới đây, thái hậu
lại ôm đầu khóc. Bụt lặng thinh. Một lát sau, người hỏi về tình trạng sức khỏe
của thượng hoàng, về thể chất cũng như về tinh thần. Thái hậu nói thượng hoàng
đã ốm đi nhiều, nhưng vẫn còn khương kiện. Tinh thần thượng hoàng rất cao. Ngài
không tỏ vẻ oán giận hay buồn rầu gì cả. Thì giờ trong tù, ngài dùng vào việc
thiền tọa và thiền hành. Có một hành lang khá dài, ngài thường đi thiền hành dọc
hành lang đó.
Phòng giam ngài có một
cánh cửa có chấn song. Từ khung cửa ấy ngài có thể nhìn thấy núi Linh Thứu. Ngài
ngồi trước cửa ấy để nhìn về núi Linh Thứu mỗi ngày, ngồi rất lâu. Ngồi thiền,
thượng hoàng cũng ngồi ở đấy, mặt xoay về núi Linh Thứu.
Bụt hỏi thái hậu xem
bà đã đưa tin về vua Pasenadi chưa. Bà nói là bà chưa có phương tiện, Bụt nói
người sẽ nhờ một vị khất sĩ đưa tin về Savatthi giúp bà. Thái hậu tạ ơn Bụt. Bà
kể cho Bụt nghe là hồi Ajatasattu chưa sinh, các chiêm tinh gia đã đoán rằng
Ajatasattu là người sẽ phản lại vua cha. Bà nói hồi bà có mang thái tử, một hôm
không biết vì cớ gì mà bà rất thèm cắn vào bàn tay vua Bimbisara mà hút máu. Bà
hoảng kinh, không ngờ rằng chính bà mà lại có được cái ý tưởng và cái thèm khát
ghê tởm đó. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ bà dám nhìn người ta giết một con gà
hay một con cá, bà rất sợ khi thấy máu chảy, nhưng hôm ấy thật sự là bà muốn cắn
tay vua để hút máu trong tay ngài. Bà chống trả lại sự thèm khát đó một cách
tuyệt vọng. Cuối cùng bà ôm mặt khóc nức nở, và cảm thấy tủi hổ vô cùng.
Một hôm khác trong bữa
ăn, vua Bimbisara cầm dao gọt trái cây làm sao đó mà bị đứt tay, mấy giọt máu
chảy ra, lập tức bà ôm ấy tay vua đưa miệng mút máu chỗ bị thương. Vua rất lấy
làm lạ, nhưng vẫn để cho bà hút. Hút xong mấy giọt máu, bà nằm lăn khóc nức nở.
Hoảng kinh, vua tới nâng bà dậy hỏi han. Bà phải nói cho vua nghe cái them muốn
ghê gớm đó của bà. Bà đã chống trả một cách kịch liệt nhưng cuối cùng và đã bị
thua. Bà biết cái thai trong bụng bà đã là nguyên nhân đưa đến cái thèm khát kỳ
dị đó.
Các chiêm tinh gia được
vua mời tới đều nói rằng đứa con trong bụng sau này sẽ làm hại vua và đề nghị
nên tiêu diệt nó. Vua Bimbisara không chịu, bà cũng không chịu. Tuy nhiên khi
sinh, thái tử đã được đặt tên là Ajatasattu. Tên này nghĩa là "kẻ thù
không sinh ra".
Bụt khuyên bà đừng
nên vào thăm thượng hoàng mỗi ngày. Cứ hai hoặc ba ngày thì mới nên vào một lần
để vua Ajatasattu khỏi nghi. Mỗi lần vào thăm như thế, bà có thể ở lại với vua
thật lâu. Đề hồ bóc ra, nên để dành và ăn mỗi ngày ít thôi, đề phòng bị trường
hợp thái hậu bị cấm vào thăm viếng. Dặn dò thái hậu xong, Bụt từ giã Jivaka và
trở về Thứu Lĩnh.
0 Đánh giá