Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Ngày Nay
Chương 11. Hiện đại hóa
Trong những chương
trên, chúng tôi đã cố trình bày một cách giản lược những nét chính về bản chất
và phương pháp của đạo Phật – như những khám phá cần thiết tối thiểu của một cá
nhân về nền đạo lý ấy cho chính bản thân mình. Trong chương cuối này chúng tôi
muốn nói về sự cần thiết của công việc hiện đại hóa đạo Phật đứng trên lập trường
văn hóa và xã hội.
Thế kỷ của chúng ta
là thế kỷ mà trong đó mọi giá trị tinh thần cổ điển đều bị ngờ vực, đều bị đem
ra khảo sát lại. Tâm trạng của người trí thức thời đại là một tâm trạng nghi
nan, nghi nan tất cả những gì được phơi bày dưới những hình thái tuyên truyền
tân tiến nhất, tài tình nhất, và có vẻ như là hay ho và hợp thời nhất. Sự nghi
nan ấy bao trùm tất cả những giá trị tinh thần cổ điển tự ngàn xưa được coi là
nề nếp bất di bất dịch của đạo làm người.
Nhân loại hôm nay đòi
làm một cuộc "phán xét cuối cùng" để rà soát và định đoạt lại mọi giá
trị tinh thần và văn hóa, cận kim cũng như cổ điển. Bởi vì những hình thái sinh
hoạt của các tinh thần cũ đã bị nứt rạn.
Nứt rạn vì không nắm
được bản chất thiết yếu của văn hóa mà chỉ khăng khăng nắm giữ những hình thái
khô cứng của xã hội cũ, trong khi đó những cơ cấu sinh hoạt của xã hội ngày nay
đã theo luật vô thường mà biến thiên đến tận gốc. Kẹt trong khuôn khổ hình thức,
bản chất văn hóa không được thể hiện và do đó hình thức phải đi đến khô cứng và
nứt rạn. Phật giáo ở các nước Á châu cũng đang lâm vào tình trạng đó.
Trong khúc quanh quan
trọng này của lịch sử, những dòng sinh hoạt văn hóa nào muốn sống còn sau cơn
bão tố nhân loại cần phải thực hiện một sự thoát xác, để trút bỏ gông cùm hình
thức để tự biến thành trẻ trung hùng mạnh, tạo dựng được một sức sống mới mà gốc
rễ bắt bén được vào tâm hồn và hoài vọng của những con người đại diện cho xã hội
mới.
Văn hóa Khổng Mạnh chẳng
hạn, với giáo lý trung quân ái quốc xưa cũ, với những quan niệm luân lý quá thời,
đã thiếu điều kiện để tự thực hiện một cuộc thoát xác vì bản chất văn hóa đã khô
cứng theo với hình thái sinh hoạt. Những dòng văn hóa nào bắt nguồn từ những khởi
điểm nhận thức mê tín, phản khoa học, ngày nay cũng không còn điều kiện để thực
hiện sự thoát xác nữa. Chỉ có những dòng sinh hoạt văn hóa nào bắt nguồn từ những
nhận thức chân xác về thực tại và còn hàm chứa một nội dung để có thể tiếp tục phụng
sự con người thì mới có những triển vọng thoát xác mà thôi. Nhưng nếu những
dòng sinh hoạt ấy cứ tiếp tục khô héo và nghèo nàn dần đi trong những chiếc vỏ
cứng thiếu sinh khí thì chúng cũng phải chịu chung số phận biến diệt và sẽ
không còn có mặt trong sinh hoạt xã hội ngày mai nữa.
Đạo Phật, như chúng
ta đã biết, bắt nguồn từ những nhận thức chân xác và tiến bộ nhất của nhân loại
và bao hàm một nội dung văn hóa vô cùng phong phú và hàm xúc. Đạo Phật có rất
nhiều điều kiện để thực hiện một cuộc thoát xác trong ngày hôm nay cũng như đã
thực hiện được một cách viên mãn những cuộc thoát xác trong 2500 năm lịch sử đã
qua. Nếu không có những cuộc thoát xác của Đại chúng Bộ, của Long Thọ và của Vô
Trước chẳng hạn, Phật giáo đã không biến thành một sức mạnh tràn lan khắp lục địa
Á châu như ta đã thấy. Mỗi lần xã hội biến thiên với những cơ cấu sinh hoạt của
nó, là mỗi lần đạo Phật phải chuyển mình vươn tới những hình thái sinh hoạt mới
để thực hiện những nguyên lý linh động của mình. Sau mỗi lần lột xác như thế, đạo
Phật biến thành trẻ trung và lấy ngay lại được phong độ và khí lực của thời
nguyên thỉ.
Cho nên những con người
tự nhận có trách nhiệm về sự sinh tồn của đạo Phật, phải ý thức được vấn đề một
cách nghiêm trọng. Đừng vô tình hay hữu ý vu cáo cho đạo Phật, biến đạo Phật
thành một phương tiện. Đừng dán sau lưng đức Phật những nhãn hiệu để thỏa mãn
nhu cầu, thị hiếu và thị dục của mình. Đừng đóng khung lại ngàn đời những
nguyên lý linh động không bao giờ chịu đựng được khuôn khổ. Phải hiểu thế nào
là bất biến và tùy duyên. Đừng tự giam mình trong thế giới chủ quan, đừng bưng bít
nhận thức. Phải hiểu thế nào là cuộc đời hôm nay, con người hôm nay, với những
nhu cầu trí tuệ, tình cảm, xã hội của nó. Phải cảm thông những nỗi niềm đau khổ
thắc mắc của nó, phải hiểu thấu hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt của nó để mà
phụng sự nó. Vì đạo Phật ra đời là để phụng sự con người. Rời con người, đạo Phật
mất sứ mạng.
Sống trong xã hội, cảm
thông những khổ đau của xã hội, ta mới thấy sáng tỏ nơi trí tuệ ta những nguyên
lý và phương pháp mà đức Phật dạy. Phải sống ta mới hiểu.
Giáo lý và cuộc đời cũng ví như hai tảng đá, chạm nhau thì phát sinh ra lửa: ngọn lửa thiêng đó chính là con đường, là nguyên lý linh động. Đem giáo lý sống trong cuộc đời ta mới trực nhận được những nguyên lý linh động ấy. Giáo lý đặt xa cuộc đời thì chỉ là giáo lý mà không phải là sự thực hiện đạo Phật. Mà đạo Phật không phải chỉ là giáo lý: đạo Phật là sự thực hiện giáo lý, là kết quả của sự thực hiện giáo lý trong bản thân cuộc đời.
Có những giai đoạn mà
trong đó đạo Phật gần như vắng mặt trong cuộc đời. Ở mọi cơ cấu sinh hoạt của
xã hội như giáo dục, kinh tế, văn học, nghệ thuật... đạo Phật đã vắng mặt. Đạo
Phật đã lùi về một góc riêng biệt của xã hội, một cái góc khác ấm cúng và riêng
tư cho một số các vị tăng sĩ và một số quần chúng đệ tử chỉ chuyên lo cầu nguyện
cúng tế. Phận sự gần nhất là giáo dục và vun bón niềm tin cho một xã hội thác
loạn, đạo Phật (của hầu hết các nước Đông Nam Á) cũng đã hầu như buông thả, bất
lực. Bởi vì đạo Phật đã tự làm nghèo mình về nội dung Phật chất. Đạo Phật hầu
như không còn muốn hiện diện trong lòng cuộc đời nữa mà chỉ muốn đứng bên cạnh
cuộc đời. Trong những giai đoạn như thế, người Phật tử có nhiệt tâm thường có mặc
cảm rằng đạo Phật bị xã hội bỏ quên: mặc cảm đó thôi thúc họ làm một cái gì để
chứng minh sự có mặt của đạo Phật trong xã hội. Họ lo tổ chức những cuộc lễ thật
lớn và huy động quần chúng tham dự đông đảo. Nhưng những tổ chức rầm rộ ấy chỉ
có tác dụng nhất thời và giây phút ấy càng rầm rộ bao nhiêu thì những giây phút
kế tiếp lại càng ảm đạm bấy nhiêu. Thật giống như người đi gom hết giấy vụn
thành một đống to để đốt lên cho sáng, đống giấy chỉ cháy bùng lên một lát rồi
lưu lại tro tàn nguội lạnh. Đạo Phật không nhờ thế mà lấy lại sinh khí.
Bằng những cố gắng
khác, người Phật tử đã muốn tô điểm cho tổ chức Phật giáo một ít hình thái tân
thời như ký nhi viện, bệnh viện, trường học, - mô phỏng hình thức tổ chức của một
vài tông giáo Tây phương. Những cố gắng ấy được thúc đẩy do mặc cảm nói trên
thì nhiều, do ý thức chuyển hiện đạo Phật vào thời đại thì ít. Đạo Phật không thể
biểu lộ được sinh khí mình bằng những hoạt động xã hội căn cứ trên ý niệm tự ái
tôn giáo. Không thoát xác được, đạo Phật mang những thứ trang sức ấy vào như
mang những thứ trang sức không phù hợp với chính mình, và do đó lúng túng - cái
lúng túng của một bà cụ già mặc áo tân thời. Kỳ thực, vấn đề đặt ra cho đạo Phật
là vấn đề hiện đại hóa (actualisation) mà không phải là vấn đề tân thời hóa
(modernisation).
Hiện đại hóa có nghĩa là một sự thoát xác, một sự cởi bỏ xiềng xích hình thức để giải phóng cho nội dung Phật chất (nội dung bản chất Phật giáo). Phải sống trong cuộc đời với một ý thức hệ sáng tỏ, đáp ứng được với xã hội, đưa đạo Phật vào ngự trong lòng người, đánh tan mọi nghi nan, thắc mắc, khổ đau, vượt được những tà thuyết và thái độ hiện đang dày xéo và hăm dọa tự do an lạc của con người. Phải dựng nên cho đạo Phật một hình thái sinh hoạt mới, hợp lý, làm hiển lộ được Phật chất và nắm giữ được những truyền thống tốt đẹp của đạo Phật trong lịch sử.
Kết Thúc Quyển 'Đạo Phật Ngày Nay' – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá