Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Ngày Nay
Chương 2. Vị trí đạo Phật trong văn hóa
Hãy để đức Phật ngồi
dưới cây Bồ Đề, đừng tôn Ngài lên một vương vị, lên ngôi chúa tể vũ trụ. Đừng
dán sau lưng Ngài những nhãn hiệu mà chính Ngài không thừa nhận. Ngài là giáo
chủ của một tôn giáo vì ta đã tôn thờ Ngài qua lòng sùng kính của một kẻ tín đồ,
không phải bản ý của Ngài là muốn làm giáo chủ. Ngài là một nhà văn hóa bởi vì ta
đã nhìn Ngài bằng cặp mắt của một nhà văn hóa. Ngài là một nhà triết học bởi vì
ta đã tìm hiểu Ngài qua kiến thức triết học của ta. Thực ra, ta chỉ có thể nói
rằng Ngài là người đã đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt của một xã hội - đáp
ứng một cách toàn vẹn, nhờ kiến thức giác ngộ, nhờ đức độ vô biên, nhờ ý chí bất
khuất của Ngài. Ngài đã tìm ra nguyên lý của cuộc đời, của sự sống.
Phật tử, qua hai mươi
lăm thế kỷ, đã xây dựng những nhân sinh quan khác biệt trên những nguyên lý
sáng tỏ ấy và đã làm cho dòng sinh lực của chính pháp chảy tràn về hiện tại. Xã
hội luôn luôn đổi thay; những hình thức sinh hoạt của con người, nhất là con
người Phật tử, cũng được đổi thay để một mặt đáp ứng với nhu cầu xã hội, một mặt
thể hiện được những nguyên lý sáng tỏ kia. Có quan niệm vấn đề bảo tồn đạo pháp
như thế thì mới không chấp chặt bảo thủ những hình thức sinh hoạt cổ điển không
còn sinh khí đạo pháp - những cái xác không hồn của các thế hệ cũ để lại. Và
cũng nhờ quan niệm vấn đề bảo tồn đạo pháp như thế mà ta có thể vượt được thái
độ ấu trĩ của kẻ mang nặng thiên kiến và thái độ bưng bít chấp thủ. Nếu đức Phật
được nhận định như là khởi nguyên của một dòng sinh khí thơm lành và sáng mạnh
thì đạo Phật phải được coi như một thực thể sinh hoạt mà không nên coi đó là một
kho tàng hương hỏa của những người Phật tử.
Ta thường thấy có những
Phật tử chỉ khăng khăng cho đạo Phật là hay, đức Phật là cao, và tất cả những
cái khác ngoài đạo Phật là dở, là thấp. Như vậy họ không hiểu "đạo Phật"
là gì, đức Phật là gì. Có lẽ họ nghĩ rằng đạo Phật là đạo của họ, gồm có tam tạng
kinh điển, gồm có Giáo hội Tăng già, gồm có đức Phật mà họ đang thờ lạy. Không,
thưa các ngài, những gì mà tôi vừa kể chỉ là những hình thức sinh hoạt của đạo
Phật, chưa phải là thực thể Phật giáo. Thực thể Phật giáo là cái gì thể hiện và
lưu nhuận một cách linh hoạt trong những hình thức đó, và cũng có thể thể hiện
và lưu nhuận trong những hình thức khác nữa.
Tôi lấy ví dụ: trong
kinh Phật có công nhận một vài tư tưởng của Áo nghĩa thư (Upanishads) nghĩa là
của những điển tịch có trước đức Phật, vậy thì những tư tưởng ấy của Áo nghĩa
thư không có "Phật tính" hay sao? Hoặc giả đạo Phật đã dùng luận lý học
Nhân Minh của Aksapada sau khi đã sửa chữa lại đôi chút, vậy Nhân Minh không có
"Phật tính" sao? Lại nữa, Nho giáo có dạy về hiếu thuận, đạo Phật cũng
dạy về hiếu thuận, vậy thì Nho giáo, kể riêng về điểm hiếu thuận ấy, không có một
chút "Phật tính" nào sao? Cứ như thế mà suy luận ta sẽ thấy rằng
trong các học thuyết tông giáo, học thuyết và tông giáo nào cũng có một phần
"Phật tính", hoặc nhiều hoặc ít. Một vị tăng già không thực hành đạo
pháp, một tín đồ không hiểu Phật là gì, một quyển kinh chép sai, tất cả những
thứ ấy làm gì có "Phật tính"? Cho nên đạo Phật là tất cả mọi hình thức
sinh hoạt nào có thể làm sống được nguyên lý Phật học.
Tôi xin đàm luận thêm
về điểm này để cho vấn đề được sáng tỏ. Ví dụ tôi lấy con mắt của người Phật tử
để nhìn các tông giáo khác. Tôi thấy có một ít điểm đồng và nhiều điểm dị. Những
điểm đồng ấy cho tôi biết có sự hiện diện của "Phật chất" trong tông
giáo kia, những tông giáo không mang tên Phật giáo. Vậy là tôi đã nhìn các tông
giáo ấy với một con mắt có nhiều thiện cảm.
Tôi xin gạt qua trường
hợp một tông giáo này có ý muốn không cho tông giáo khác phát triển thêm. Điều
đó buồn quá và tôi nghĩ đó có thể là điều khổ tâm nhất của các nhà văn hóa tha
thiết với nền văn hóa tổng hợp của nhân loại.
Tôi chỉ đem một ví dụ.
Nếu Phật tử không am hiểu đạo Phật làm những bản "nhạc Phật" có một nội
dung tinh thần Thiên chúa giáo, xây dựng "chùa chiền" theo kiến trúc
truyền thống Thiên chúa giáo, dùng danh từ mang nội dung ý nghĩa Thiên chúa
giáo thì người ấy hẳn nhiên là người đang hoằng dương giáo lý Thiên chúa giáo
trong Phật giáo rồi còn gì. Người đó ít nhiều mang tính cách một tín hữu Thiên
chúa giáo.
Trái lại, nếu một tín
hữu Thiên chúa giáo dùng các danh từ có nội dung Phật giáo như Từ bi, sám hối,
viết các bài thánh ca với nội dung thấm nhuần tinh thần giải thoát từ bi của Phật
giáo, truyền bá một quan niệm vô thể về Thượng đế giống như quan niệm về pháp
thân hay chân như của Phật giáo chẳng hạn, thì chính người ấy đã hoằng dương Phật
pháp rồi.
Tôi xin nhắc lại rằng
đạo Phật là tất cả mọi hình thức sinh hoạt nào có thể làm sống được nguyên lý
Phật học. Nhắc lại như vậy để chúng ta cùng thấy rằng cần phải có một nhận thức
phóng khoáng cởi mở, không nô lệ hình thức, danh từ, thành kiến.
Hãy gọi là đạo Phật tất cả những hình thức sinh hoạt nào nhắm đến mục đích ly khổ đắc lạc, chuyển mê khải ngộ, đoạn hoặc chứng chân (rời khổ đạt vui, chuyển sai lầm thành giác ngộ, phá mê loạn để tìm gặp chân lý).
Danh từ và hình thức
chỉ là phương tiện, đừng để chúng trở thành chướng ngại vật. Con người đã đau
khổ vì bao nhiêu vỏ cứng: vỏ cứng của bản ngã, của gia đình, của chủng tộc, của
tôn giáo, của đảng phái... Hãy thực hiện giải thoát bản ngã bằng nhận thức Phật
học, bằng hành trì Phật học. Chỉ có nhận thức quảng đại đó, chỉ có hành trì những
nhận thức quảng đại đó mới làm sáng tỏ được đạo Phật, mới làm sống được đạo Phật
lại trong những ngục tù cố chấp, mới đặt đạo Phật đúng vào địa vị của nó trong sinh
hoạt con người.
Nhân loại hiện giờ
đang khổ đau vì cố chấp, vì riêng rẽ, vì tị hiềm, vì chủng tộc, vì đảng phái,
vì địa phương, vì nhân ngã. Văn hóa nhân loại phải đi về tinh thần tổng hợp để
phụng sự nhân loại. Đạo Phật với tâm niệm từ bi, với thái độ cởi mở, với ý nguyện
độ sinh có thể có đủ phong độ và điều kiện để đứng ra cùng với những tư trào trọng
đại nhất của kho tàng tri thức nhân loại hiện đại, chủ xướng và lãnh đạo cho cuộc
tổng hợp vĩ đại đó của văn hóa nhân loại. Trên niềm thao thức thực hiện ý nguyện
ấy, chắc chắn bạn sẽ có những khám phá bất ngờ và kỳ diệu khi trở về nghiên cứu
thực tại Phật giáo qua hai ngàn năm trăm năm lịch sử.
0 Đánh giá