Read more
Tăng Thân Nhất Hạnh by
Vô Ngã
Tăng Thân Yêu Quý
Chân Trăng Hải Ấn. Sư cô Chân Trăng Hải Ấn, người Canada, xuất
gia trong gia đình Cây Đỗ Quyên. Sư cô hiện đang sống và thực tập tại xóm Hạc
Trắng, tu viện Bích Nham, Hoa Kỳ.
Thực tập giới thứ mười
hai trong mười bốn giới Tiếp Hiện nghĩa là “Sống đời sống hàng ngày theo tinh
thần bất hại, hiểu biết và thương yêu, góp phần vào công việc giáo dục hòa bình
và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế.”
Trước khi xuất gia, con đã thực tập giới thứ mười hai rất cụ thể bằng cách tích
cực tham gia vào các nhóm đấu tranh cho công bằng xã hội. Sống trong xã hội Hoa
Kỳ, nơi có rất nhiều kỳ thị chủng tộc và bạo động, con thường tự hỏi mình: “Làm
thế nào để chế tác từ bi trong tinh thần bất bạo động và tương tức ngay bây giờ
và ở đây?” Câu hỏi ấy đã thúc đẩy con quán chiếu về Cộng đồng yêu quý.
Thầy thường nhắc đến
buổi gặp gỡ với mục sư Martin Luther King và khao khát thực hiện công trình xây
dựng Cộng đồng yêu quý (Beloved community) của Mục sư. Chúng con cũng thường gọi
tăng thân chúng con là Tăng thân yêu quý (Beloved Sangha). Nhưng mãi đến năm
nay (2015), khi được chuyển sang tu viện Bích Nham, con mới thực sự để thời
gian tìm hiểu ý nghĩa đích thực của cụm từ này.
Cụm từ Cộng đồng yêu
quý được sử dụng lần đầu tiên bởi Josiah Royce, người đã thành lập Hội Thân hữu
Hòa giải (Fellowship of Reconciliation). Năm nay hội này đã được 100 tuổi. “Tuy
nhiên, chính mục sư King, một hội viên của Hội Thân hữu Hòa giải, đã làm cho cụm
từ này trở nên nổi tiếng và mang một ý nghĩa sâu sắc hơn bởi vì ông đã nói lên
được ước mơ của tất cả những người có thiện chí trên thế giới… Theo cái thấy của
mục sư King, Cộng đồng yêu quý của mục sư King là một cộng đồng mang tính quốc
tế, nơi đó mọi người cùng được thừa hưởng sự giàu có của đất Mẹ. Trong Cộng đồng
yêu quý, cảnh nghèo đói, vô gia cư sẽ không được ai chấp nhận bởi vì tiêu chuẩn
quốc tế về những yêu cầu cơ bản của con người sẽ không cho phép những điều đó xảy
ra. Sự kỳ thị chủng tộc và tất cả các hình thức khác của sự kỳ thị, cuồng tín
và thành kiến sẽ được thay thế bởi tinh thần bao dung của tình huynh đệ. (www.thekingcenter.org/
king-philosophy)
Con không ngạc nhiên
chút nào khi nhận ra rằng cụm từ Cộng đồng yêu quý mang một ý nghĩa rất rộng. Cụm
từ này không chỉ nói về một nhóm người cùng chung một chí nguyện, mà còn là một
đề nghị thực tập, tương đồng với mười bốn giới Tiếp Hiện, nhằm chế tác tình
thương đích thực đối với tất cả mọi người, mọi loài. Tình thương bắt nguồn từ
trái tim sẽ được chuyển thành hành động cụ thể. Giờ đây con có thể hiểu tại sao
mục sư King đã trở thành một trong những tổ tiên tâm linh của chúng con. Vì thế,
được tham gia vào Ban tổ chức chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm nay là một vinh dự
cho con. Con đã có cơ hội được xây dựng Tăng thân yêu quý ngay trong chuyến đi,
và nhất là có thời gian để nhìn sâu vào những khổ đau đang diễn ra do sự kỳ thị
chủng tộc trên đất nước này.
Điều này được thực hiện
qua cuộc hội thảo với đề tài: Nơi gặp gỡ giữa Tâm linh và Hành động: Tiếp nối di sản của
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King được tổ chức tại
Phòng thở của tòa nhà ABC Home, New York, nơi thư pháp của Thầy được triển lãm
thường xuyên. Có khoảng 200 người đã đến tham dự cuộc hội thảo này.
Người dẫn chương
trình là cô Arthel Neville của đài Fox News. Nhóm thuyết trình (gồm có sư cô An
Nghiêm, tiến sĩ Marisela Gomez, Alycee J. Lane và mục sư Zenju Earthlyn Manuel)
đã bắt đầu bằng việc ôn lại những cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thầy và mục sư King.
Tiếp đó, các vị chia sẻ kinh nghiệm của mình khi áp dụng những lời dạy đó trong
đời sống xã hội ngày nay. Các đề tài đã được chia sẻ như: sức mạnh của phép lắng
nghe sâu, trị liệu mặc cảm chán ghét bản thân, sự tương tức giữa bạo động và bất
bạo động, những phương thức để trở thành một nhà hoạt động xã hội theo chiều hướng
tâm linh.
Buổi tối hôm đó rất
nhiều người, trong đó có con, đã rơi nước mắt, những giọt nước mắt của niềm vui
lẫn nỗi buồn và của lòng biết ơn. Tuy mỗi vị đều chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân
của mình nhưng tất cả đều hướng đến những chủ đề chung. Sự bất công về chủng tộc
đã làm tổn thương tất cả mọi người thuộc các sắc tộc khác nhau. Năng lượng
chánh niệm và thương yêu của mỗi người trong nhóm chia sẻ đã góp phần tạo nên
năng lượng trị liệu chung mầu nhiệm. Ai cũng cảm được một nguồn năng lượng hùng
mạnh tỏa ra trong căn phòng lúc ấy.
Cô Alycee J. Lane
nói: “Ngoài những tuệ giác rất hay đã được chia sẻ, điều làm con cảm động nhất
trong buổi tối hôm ấy chính là sự khao khát rất lớn của những người có mặt với
mong muốn kế thừa được nguồn sống và nguồn sức mạnh của Thầy và Mục sư cho cuộc
sống của họ và cho thế giới này. Việc nhiều người đã đội mưa đến tham dự buổi
sinh hoạt tối hôm đó là bằng chứng cho thấy họ rất quan tâm tới vấn đề này. Chúng
ta có thể gọi đó là một sự tỉnh thức, rằng chúng ta sẽ không đi theo con đường
bạo động và hận thù. Chúng ta sẽ theo gót Thầy và mục sư King.” Buổi chia sẻ đã
thành công tốt đẹp và được truyền trực tuyến để đến với hàng ngàn người. Một số
tăng thân đã cùng nhau theo dõi qua mạng. Sự kiện này đã mở ra một cơ hội để những
cuộc đối thoại và quán chiếu về chủ đề này được tiếp diễn trong tương lai.
Cộng đồng yêu quý vẫn
tiếp tục được nuôi dưỡng ở tu viện Mộc Lan, Mississippi, nơi tượng đài của Thầy
và mục sư King được khánh thành trong một buổi lễ rất cảm động. Con đã khóc khi
nhìn thấy những cánh đồng bông gòn chỉ cách tu viện vài dặm, nơi mà trước đó
không lâu những người nô lệ da đen đã phải làm việc rất vất vả. Tượng đài ở tu
viện Mộc Lan biểu hiện như một giọt nước cam lộ trị liệu những khổ đau mà mảnh
đất này đã đi qua trong quá khứ. Quý thầy, quý sư cô đã cùng nhau đến thăm Bảo
tàng Dân quyền Quốc gia (National Civil Rights Museum) ở Memphis, nơi mục sư
King bị ám sát năm 1968. Khi nhìn thấy những hình ảnh, nghe thấy những âm thanh
về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, những điều mà trước đây con chỉ có thể
đọc qua sách báo, con đã thực sự xúc động. Buổi tham quan này đã giúp con hiểu
sâu hơn về phong trào Dân quyền và củng cố thêm niềm tin của con vào tăng thân
khi thấy tăng thân thực sự muốn học hỏi và tìm hiểu thêm về những cộng đồng
khác tại địa phương.
Tại tu viện Lộc Uyển,
chúng con đã tổ chức một buổi chia sẻ về đề tài Bình đẳng chủng tộc với gần một
trăm người tham dự, phần lớn đến từ các tăng thân tu tập theo pháp môn Làng
Mai. Đây là cơ hội để chúng tôi cùng trao đổi kinh nghiệm và sự thực tập của
mình trong việc chuyển hóa sự phân biệt chủng tộc trong chính tự thân và trong
những cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Trong dịp này, một nhóm gồm bốn vị đã
chia sẻ về các chủ đề: những khó khăn của người da màu trong việc hòa đồng vào
các tăng thân mà phần lớn là người da trắng; người da màu phải đối diện với bạo
lực, nghèo đói, và bệnh tật nhiều hơn những người có nguồn gốc châu Âu, dù có
cùng trình độ học vấn và cùng một địa bàn cư trú; tầm quan trọng của những tăng
thân dành cho người da màu – “những ngôi nhà tâm linh, văn hóa” (cultural
sanctuaries) – nơi mà giáo pháp của Bụt trở nên gần gũi và dễ dàng áp dụng; làm
thế nào để những người da trắng cùng ngồi lại và nhìn sâu vào tập khí phân biệt
chủng tộc mà họ đang mang theo và làm thế nào để chuyển hóa tập khí này.
Rất nhiều người đã đặt
câu hỏi: “Vậy tôi có thể giúp được gì?” Câu trả lời vang lên trong buổi chia sẻ
hôm ấy là: “Xin hãy tập nhìn rõ chính mình, tìm hiểu về lịch sử và trải nghiệm
của những người khác biệt với mình. Chúng ta cần thấy được những khổ đau của họ
và có niềm tin nơi họ. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta sẵn lòng thay đổi
thái độ của chính mình. Chúng ta đã có tất cả những pháp môn cần thiết để làm
việc này.”
Sau sự kiện này, một
nhóm nhỏ đã đến với nhau để tìm những phương cách giúp các tăng thân chủ động
hơn trong việc chữa lành những vết thương gây ra bởi sự kỳ thị chủng tộc trong
mỗi cá nhân nói riêng và của xã hội nói chung. Những hạt giống của Cộng đồng
yêu quý, trong tương quan với mười bốn giới Tiếp Hiện, rõ ràng đang lớn mạnh.
Chúng con cảm thấy Thầy và mục sư King đang cùng bước đi với chúng con và các vị
đang rất hài lòng.
Con cũng đang cố gắng
hết sức để đánh thức Cộng đồng yêu quý nơi tự thân con. Sự thực tập chánh niệm
cho con thấy rõ rằng trong con có tất cả các loại hạt giống: hạt giống của sự
phân biệt và kỳ thị, cũng như hạt giống của lòng can đảm và sự trị liệu. Con cần
đầu tư thực tập để chuyển hóa những tập khí tiêu cực mà con đã huân tập từ gia
đình và xã hội. Làm sao con có thể cho rằng mình không có hạt giống của sự phân
biệt chủng tộc? Sự thực tập đòi hỏi chúng ta phải thực sự tiếp xúc với khổ đau,
nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó. Chúng ta phải chuyển hóa khổ đau thì mới
có được niềm vui và tự do đích thực.
Càng nhìn sâu vào
lòng mình, con càng ghét bỏ sự phân biệt chủng tộc, và ghét bỏ cả những tập khí
vụng về khác của con. Con đã cố gắng che giấu chúng bởi vì con không thể chấp
nhận mình. Nhưng mục sư King đã nói rằng: “Chỉ có khước từ sự ghét bỏ và giết
chóc mới cắt đứt được xiềng xích của bạo lực trên thế giới và giúp chúng ta tạo
lập một cộng đồng, ở đó con người chung sống với nhau mà không còn sợ hãi. Mục
tiêu của chúng ta là tạo dựng một Cộng đồng yêu quý, điều này đòi hỏi một sự
thay đổi về chất trong tâm hồn cũng như sự thay đổi về lượng trong đời sống của
chúng ta.”* Vì vậy con đang thực tập buông bỏ hiềm hận đối với những gì mà
chính con chưa chấp nhận được, để vượt lên trên sự ghét bỏ và vô minh để có được
một Cộng đồng yêu quý nơi tự thân. Cuối khóa tu dành cho người da màu, con tự
cam kết rằng mình sẽ mở lòng hơn với những sai lầm của mình, cho phép mình vụng
về, và ôm ấp hạt giống phân biệt chủng tộc trong tâm, như lời mục sư King đã
chia sẻ. Các phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da màu cũng
quan trọng) và các trang web như buddhistsforracialjustice.org (Người Phật tử
vì bình đẳng chủng tộc) cho chúng ta nhiều cơ hội để tự giáo dục bản thân và
cùng nhau hành động trên tinh thần từ bi. Tuy nhiên, kinh nghiệm của những năm
hoạt động trong quá khứ của con cho thấy nếu không có “cái tâm thay đổi” thì những
nỗ lực chấm dứt phân biệt chủng tộc và áp bức chỉ có thể được duy trì vì nghĩa
vụ và đi đến sự tuyệt vọng mà thôi.
Khi chia sẻ về công
việc của mình với những cựu thành viên của một băng đảng tại L.A, linh mục Fr.
Greg Boyle nói: “Chúng ta tìm phương cách tạo nên những cộng đồng nơi mọi người
thương yêu nhau như ruột thịt để đối trị với sự vô cảm, phân biệt chủng tộc và
kỳ thị văn hóa, những thứ đang chia rẽ chúng ta.”** Ông gọi tình anh em ruột thịt
(kinship) là “tiếng gọi chung để đem niềm vui cho nhau”. Để đem niềm vui đến
cho nhau, con phải có niềm vui thực sự trong tự thân. Khi trong con không còn
chỗ cho lo sợ, bất an thì tất cả mọi người, mọi loài đều trở thành một với con.
Con nghĩ rằng đó cũng là điều mà tăng thân của chúng ta đã và đang thực hiện
qua việc tổ chức những khóa tu và xây dựng các trung tâm tu học mang không khí
thâm tình, trong bối cảnh thế giới quá khắc nghiệt và bạo lực.
Với những quán chiếu
về Cộng đồng yêu quý nơi tự thân, con đang dần cảm thấy mạnh mẽ hơn trong sự thực
tập của mình. Như con đã chia sẻ ở cuối buổi pháp đàm về chủ đề Bình đẳng chủng
tộc tại tu viện Lộc Uyển: “Mặc dù công việc này rất khó khăn, nhưng con biết là
tất cả chúng ta đã không có mặt ở đây nếu như chúng ta không đi qua những trở
ngại trong sự thực tập. Và nếu kiên trì dấn bước, chúng ta sẽ đi đến một nơi có
nhiều tự do và niềm vui hơn. Đây là công trình trị liệu chung của tất cả chúng
ta. Công trình trị liệu này là sự thực tập cộng đồng, không chỉ của một cá
nhân. Đó là cách con nhìn nhận về vấn đề này và con thực sự biết ơn vì đã được
tu tập cùng đại chúng.” Học cách chấp nhận, ôm ấp và chia sẻ về sự phân biệt chủng
tộc là một phương cách, tuy nhỏ nhưng rất thiết thực, để thực tập mười bốn giới
Tiếp Hiện và cũng để thực hiện giấc mơ của mục sư Martin Luther King và Thầy
trong việc tạo ra một Cộng đồng yêu quý có tình thương chân thật. Con hy vọng sự
thực tập này sẽ mang lại nhiều chuyển hóa và trị liệu cho đại chúng.
* Nonviolence: The Only Road to Freedom (tạm dịch Bất bạo động:
Con đường duy nhất đi đến tự do), Martin Luther King, Jr., 04.05.1966.
** Tattoos on the Heart, the Power of Boundless Compassion (tạm
dịch Những hình xăm lên trái tim, Sức mạnh vô hạn của từ bi). Greg Boyle.
Chapter Six.
Nguồn: https://langmai.org/tang-kinh-cac/la-thu-lang-mai/la-thu-lang-mai-39-2016/tang-than-yeu-quy
0 Đánh giá