Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Sợ Hãi
Chương 4. Hòa Giải Với Quá Khứ
Nỗi sợ ban sơ không
chỉ bắt nguồn từ lúc ta sinh ra hay còn thơ ấu mà còn từ nỗi sợ ban sơ của tổ
tiên. Tổ tiên chúng ta đã từng đau khổ vì đói khát hay bệnh hiểm nghèo và có những
lúc trải qua nhiều nỗi sợ. Trong mỗi chúng ta đều có nỗi sợ đó. Vì lo sợ mà chúng
ta tạo rắc rối cho cuộc sống. Chúng ta sợ cho an toàn của bản thân, cho việc làm,
cho gia đình. Chúng ta sợ bị đe dọa, ngay cả khi mọi việc đều êm xuôi, chúng ta
cũng vẫn lo sợ.
Có một thanh niên Mỹ
đến tu học tại làng Mai. Trong khóa tu, tôi yêu cầu các thiền sinh viết thư cho
cha, dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Viết thư là một hình thức Thiền Tập. Người
thanh niên này không thể viết bức thư mà tôi yêu cầu bởi vì mỗi khi nghĩ tới
cha anh thì anh vô cùng đau khổ. Cha anh ta đã qua đời mà anh ta cũng không hòa
giải được với ông ấy. Người cha ấy đã từng ngược đãi anh hồi anh còn nhỏ đến nỗi
anh ta không dám nghĩ đến ông ta, chứ huống chi là viết cho ông ta một bức thư.
Vì thế tôi cho anh thiền sinh một thực tập trong một tuần lễ: thở vào, tôi thấy
tôi là một em bé 5 tuổi; thở ra, tôi mỉm cười với em bé 5 tuổi trong tôi.
Khi còn là một em bé,
dù là trai hay gái, bạn rất yếu đuối, mong manh. Một cái nhìn lạnh lùng của cha
anh cũng đủ để gây thương tích trong tim anh. Có đôi lúc anh muốn nói một điều
gì với cha anh mà tìm không ra lời, khiến cha anh bực mình và mắng: Mày câm miệng
lại. Đó là một gáo nước lạnh tạt vào tim anh, gây cho anh một vết thương lớn. Từ
đó, anh không còn dám nói chuyện với cha anh. Truyền thông giữa cha anh và anh
trở nên rất khó khăn.
Thở vào, tôi thấy tôi là một em bé 5 tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với em bé 5 tuổi trong tôi.
Bạn nghĩ rằng em bé ấy
không còn ở trong bạn phải không? Em bé ấy vẫn còn đó, sống động trong bạn. Có
thể là em bé ấy đã bị thương tích rất nặng. Em bé đang kêu gọi sự chú ý của bạn
nhưng bạn không có thì giờ cho em ấy. Bạn quá bận việc, bạn nghĩ bạn là một người
lớn nhưng thật ra bạn cũng là một em bé trai hay gái bị thương tích, mong manh.
Cho nên mỗi khi thở vào và thấy mình là em bé bị thương tích mong manh ấy, bạn sinh
lòng thương cảm và khi thở ra bạn mỉm cười với em bé, đó là nụ cười của hiểu và
thương. Em bé trong bạn có thể đã đau khổ rất nhiều. Khi còn nhỏ, bạn có thể bị
những người lớn gây ảnh hưởng nặng nề. Những em bé khi còn nhỏ rất mong manh và
dễ có những ấn tượng sâu. Ngay cả khi chưa sinh ra, thai nhi cũng có thể nghe,
có thể phân biệt tiếng la hét với lời ca. Vì vậy, nếu bạn hết lòng lo cho con
thì ngay khi con còn trong bụng, bạn phải đùm bọc con trong yêu thương. Tình
yêu thương cần được bắt đầu càng sớm càng tốt.
Có nhiều người trẻ đã
thú nhận rằng họ căm ghét cha hay mẹ. Vài người đã nói với tôi bằng giọng hằn học:
Tôi không muốn dính dáng gì với ông ấy hay bà ấy. Họ đã giận cha, giận mẹ đến nỗi
muốn cắt đứt hoàn toàn liên hệ với cha mẹ. Thỉnh thoảng cũng có lý do chính
đáng vì đã bị bạo hành, họ sợ nếu gần gũi với cha mẹ thì lại tiếp tục bị bạo
hành nhưng mặc dù không muốn gặp hay nói chuyện với cha hay mẹ, ta cũng không
thể nào tách lìa ta khỏi cha mẹ ta. Cha mẹ ta đã sinh ra ta, ta là cha ta, là mẹ
ta. Đây là một sự thật ngay cả khi ta thù ghét cha mẹ ta, ta là tiếp nối của
cha mẹ ta, ta không thể tách lì cha mẹ ra khỏi ta được.
Giận cha hay mẹ cũng
không thể chối bỏ sự thật đó và chúng ta chỉ làm cho mình tự giận mình thêm mà
thôi. Cần phải hòa giải với cha ta trong ta, với mẹ ta trong ta. Hãy nói chuyện
với cha mẹ trong ta và tìm mọi cách để sống hòa hợp với cha mẹ trong ta. Được
như thế thì sự hòa giải trong thực tế sẽ dễ dàng hơn.
Chúng ta có khả năng thay đổi bên trong ta, cũng như tạo ảnh hưởng bên ngoài. Chỉ vì lo sợ mà chúng ta lúng túng không biết cách xử lý nhưng chúng ta chỉ cần thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm để chế tác năng lượng chánh niệm và hiểu biết. Hiểu biết giúp giải tỏa khỏi lo sợ, giận dữ, thù ghét. Tình thương chỉ có thể biểu hiện từ sự hiểu biết.
Khi chúng ta nói thân
tâm hợp nhất điều đó không có nghĩa là chỉ có thân và tâm của riêng ta. Chúng ta
mang trong mình máu huyết và tâm linh của tổ tiên. Chúng ta có thể ý thức sự có
mặt của cha mẹ trong từng tế bào của ta. Cha mẹ thật sự có mặt trong ta cũng
như tổ tiên nhiều đời của ta. Chúng ta là tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. Bạn có
thể nghĩ rằng tổ tiên không còn đó nhưng ngay các nhà khoa học cũng xác nhận rằng
tổ tiên vẫn còn đó trong ta, trong từng tế bào dưới dạng di truyền. Điều này
cũng đúng với con cháu chúng ta. Ta sẽ có mặt trong từng tế bào của con cháu
chúng ta, trong tâm thức của tất cả những ai mà ta đã có liên hệ.
Hãy lấy ví dụ một cây
táo. Trong mỗi trái táo có một cái hạt. Trong hạt táo có cây táo và tất cả các
thế hệ trước của cây táo. Hạt táo chứa vô số cây táo, hạt táo mang trong nó đầy
đủ sự thông minh, trí tuệ để cho cây táo mọc cành, xanh lá, nở hoa và kết trái
được. Như vậy là hạt táo đã thừa hưởng và thích ứng qua nhiều thế hệ tổ tiên. Bạn
cũng thế, bạn có đủ thông minh, trí tuệ để lớn lên thành người là nhờ bạn đã thừa
hưởng vô lượng Tuệ Giác không chỉ từ tổ tiên huyết thống mà còn từ các tổ tiên
tâm linh. Tổ tiên tâm linh có mặt trong bạn vì bạn không chỉ được sinh ra từ
cha mẹ mà còn được nuôi dưỡng giáo dục bởi hoàn cảnh bên ngoài. Hai khía cạnh ấy
không thể tách rời.
Sự nuôi dưỡng cũng có
thể làm thay đổi bản chất di truyền. Tâm linh và sự thực tập chánh niệm hàng
ngày của bạn đang có mặt trong từng tế bào của bạn. Huyết thống tâm linh cũng
có đó trong mỗi tế bào của cơ thể bạn. Bạn không thể chối bỏ điều đó. Vài người
trong chúng ta có những bậc cha mẹ tuyệt vời nhưng có nhiều người khác có cha mẹ
đã từng bị khổ đau nặng nề và đã làm cho mọi người trong gia đình cùng khổ. Hầu
hết chúng ta ai cũng có tổ tiên mà ta rất vinh dự cũng như những tổ tiên với nhiều
yếu kém mà ta không mấy hãnh diện. Có những bậc tổ tiên mà truyền thống tâm
linh không giúp được gì, trái lại, có khi gây hại cho ta. Chúng ta có thể giận
ghét họ, nhưng họ vẫn là tổ tiên của chúng ta. Chúng ta phải trở về với tự thân
để ôm ấp tổ tiên huyết thống và tâm linh của ta. Chúng ta không thể nào gạt bỏ
họ đi được. Sự thật là như thế. Họ có trong ta về phương diện thể chất cũng như
tâm linh.
Chấp nhận vô điều kiện
là bước đầu tiên của tiến trình tha thứ màu nhiệm.
Thực Tập Chấp Nhận Tổ Tiên
Để thực tập chấp nhận
tổ tiên, dầu thế nào đi nữa, ta phải bắt đầu từ bản thân. Nếu ta không chấp nhận
được ta thì không thể nào ta chấp nhận được người khác. Khi nhìn lại tôi, tôi
thấy tôi có nhiều điểm tích cực nhưng tôi cũng khám phá ra rằng tôi có nhiều điều
tiêu cực. Vậy trước nhất là phải tự hiểu mình và chấp nhận mình. Thở vào và thở
ra, bạn hãy hình dung tổ tiên của bạn và tìm ra những điểm tích cực cũng như
tiêu cực của tổ tiên. Hãy quyết tâm chấp nhận tất cả các bậc tổ tiên không một
chút ngần ngừ.
Kính thưa quý vị tổ
tiên. Con chính là quý vị. Con thấy rõ quý vị có những hạt giống tiêu cực cũng
như tích cực. Con biết rằng quý vị đã may mắn có những hạt giống tích cực được
tưới tẩm nơi quý vị như hiểu biết, thương yêu, vô uý. Con cũng biết rằng nếu quý
vị không được may mắn thì cũng có thể có nhiều hạt giống tiêu cực được tưới tẩm
như sợ hãi, tham lam, ghen tị khiến cho các hạt giống tích cực không có cơ hội
phát triển. Khi một hạt giống tích cực được tưới tẩm thì có thể đó là một phần
nhờ may mắn, một phần nhờ cố gắng. Hoàn cảnh thuận tiện trong đời sống có thể
tưới tẩm các hạt giống kiên nhẫn, vị tha, từ bi, thương yêu. Những người quanh
bạn có thể chung tay tưới tẩm các hạt giống ấy, cũng như giúp bạn thực tập
chánh niệm. Nhưng nếu sinh vào thời giặc giả hay khi gia đình, cộng đồng bị khổ
nạn, ta có thể sẽ mang đầy tuyệt vọng, sợ hãi. Những bậc cha mẹ có nhiều đau khổ,
khó khăn trong giao tiếp với xã hội và cộng đồng sẽ tưới tẩm hạt giống sợ hãi
và hờn giận cho con cái. Nếu trẻ con lớn lên trong một gia đình đùm bọc, yêu
thương thì những hạt giống tốt trong em sẽ được tưới tẩm và phát triển. Nếu bạn
nhìn tổ tiên như trên thì bạn sẽ hiểu rằng tổ tiên của bạn cũng đã từng chịu đựng
đau khổ và đã phải phấn đấu. Biết như thế bạn sẽ dễ dàng gạt bỏ buồn giận và chối
bỏ tổ tiên. Chấp nhận tổ tiên với tất cả các điểm tích cực cũng như tiêu cực sẽ
giúp bạn bình an và không sợ hãi.
Bạn có thể xem anh
hay chị của bạn như là những tổ tiên trẻ nhất của bạn bởi vì anh chị của bạn
sinh ra trước bạn. Anh chị của bạn cũng gặp khó khăn như tất cả chúng ta. Muốn
hòa giải với tổ tiên cần phải thực tập. Đây là một điều quan trọng. Bạn có thể
thực tập bất cứ ở đâu: trước một bàn thờ hay một thân cây trên đỉnh núi hay
trong thành phố. Bạn chỉ cần ý thức là tất cả tổ tiên đang có trong bạn bởi vì
bạn là tiếp nối của tổ tiên bạn. Chỉ khi nào bạn hòa giải được với tổ tiên, bạn
mới thật sự sống hoàn toàn trong hiện tại.
0 Đánh giá