Read more
(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)
Yêu – Osho
Phần II. Tình Yêu Là Cơn Gió Mát Lành
Chương 6. Lực Hút Và Lực Đẩy
Nhưng cần phải nhớ một điều: nếu không có thiền, bạn sẽ không có được tình yêu; tình yêu không thể nào tồn tại nếu không có thiền. Bạn có thể giả vờ và đánh lừa người khác, nhưng bạn không thể lừa chính bản thân mình. Tận sâu trong lòng mình bạn biết rằng tất cả những lời hứa mà tình yêu đã trao cho bạn vẫn chưa được thực hiện.
OSHO
Có một vài điều cơ bản cần
phải hiểu. Đầu tiên, đàn ông và đàn bà là hai nửa của nhau, nhưng mặt khác lại
là hai cực đối lập nhau. Hai cực đối lập đó hấp dẫn họ đến với nhau. Khoảng
cách càng xa, sức hấp dẫn càng lớn; họ càng khác biệt, sự quyến rũ, vẻ đẹp và sức
hấp dẫn càng cao. Nhưng trong đó chứa đựng toàn bộ vấn đề. Khi đến gần nhau, họ
muốn gần hơn, họ muốn hòa vào nhau, họ muốn trở thành một, một thể hài hòa – nhưng
toàn bộ sức hấp dẫn của họ phụ thuộc vào sự đối lập, và sự hòa hợp đó sẽ phụ
thuộc vào việc làm tan biến sự đối lập đó. Chừng nào tình yêu chưa thật tỉnh thức
thì nó sẽ tạo ra nỗi đau, rắc rối lớn.
Tất cả những người đang
yêu đều gặp rắc rối. Rắc rối đó không mang tính cá nhân; nó nằm trong chính bản
chất của sự việc. Hẳn là họ không nên bị hút vào nhau… họ gọi nó là “đem lòng
yêu thương.” Họ không thể đưa ra lý do vì sao họ lại có sức hút mãnh liệt với
nhau đến vậy. Họ thậm chí không nhận thức được các nguyên nhân cơ bản. Vì lẽ
đó, một điều kỳ lạ xảy ra: những người yêu nhau hạnh phúc nhất là những người
không bao giờ gặp nhau! Một khi họ gặp nhau, chính sự đối lập tạo nên sức hút
đó sẽ biến thành xung đột. Ở từng điểm nhỏ, thái độ của họ khác nhau, cách tiếp
cận của họ khác nhau. Mặc dù nói cùng ngôn ngữ nhưng họ không thể hiểu nhau. Một
trong những người bạn của tôi nói với tôi về vợ anh ta và những xung đột triền
miên của họ. Tôi nói: “Dường như hai người không thể hiểu nhau.”
Anh ta đáp: “Nói gì đến
hiểu, tôi thậm chí không thể chịu đựng được cô ấy nữa kìa!” Và đó là cuộc hôn
nhân từ tình yêu, không phải do sắp đặt. Cha mẹ của cả hai đều phản đối; họ thuộc
về hai tôn giáo khác nhau, xã hội của họ không chấp nhận việc kết hôn giữa họ.
Nhưng cả hai đã chống lại mọi người để được kết hôn, để rồi phát hiện ra rằng họ
đã bước vào một cuộc chiến không ngừng nghỉ.
Cách nhìn thế giới của
đàn ông khác với cách nhìn thế giới của phụ nữ. Chẳng hạn như, tâm trí người
đàn ông quan tâm đến những thứ xa xôi – tương lai của nhân loại, những vì sao ở
rất xa, hay sự sống ở các hành tinh khác. Tâm trí của phụ nữ sẽ cười khúc khích
trước toàn bộ những điều vô nghĩa đó. Cô ấy chỉ quan tâm đến những việc nhỏ bé,
gần gũi quanh mình – hàng xóm, gia đình, ông chồng nào đang cắm sừng vợ, vợ ai
đang qua lại với gã tài xế. Sự quan tâm của cô ấy là cụ thể và có tính người.
Cô ấy không lo lắng về sự tái sinh; cô ấy cũng chẳng quan tâm đến sự sống sau
cái chết. Mối quan tâm của phái nữ thực tế hơn, gắn với hiện tại hơn, với những
gì đang xảy ra ở đây, vào lúc này.
Đàn ông không bao giờ ở
đây, ngay lúc này, anh ta luôn ở một nơi nào đó. Anh ta có những mối bận tâm kỳ
lạ – sự tái sinh, sự sống sau cái chết, sự sống ở những hành tinh khác.
Nếu cả hai đều nhận thức
được thực tế rằng nó là cuộc gặp gỡ của hai cực đối lập, rằng họ không cần phải
biến nó thành xung đột, khi đó họ sẽ có nhiều cơ hội hiểu được trọn vẹn quan điểm
của đối phương và chấp nhận nó. Khi đó, sự chung sống của người nam và người nữ
có thể trở thành một bản hòa ca thật đẹp. Bằng không, nó sẽ là cuộc tranh cãi
triền miên.
Vẫn có những kỳ nghỉ. Bạn
không thể cãi nhau suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày; bạn cũng cần phải nghỉ ngơi,
nghỉ ngơi để sẵn sàng cho cuộc chiến mới. Nhưng một trong những hiện tượng kỳ lạ
nhất là, suốt hàng ngàn năm sống cùng nhau, đàn ông và đàn bà vẫn là những kẻ
xa lạ. Họ không ngừng tạo ra con cái nhưng vẫn luôn là người xa lạ. Cách tiếp cận
của phái nữ và phái nam quá đối lập nhau đến mức không có hy vọng về một cuộc sống
hòa bình cho cả hai, trừ khi họ phải nỗ lực nhận thức, trừ khi nó trở thành thiền.
Một trong những mối
quan tâm sâu sắc của tôi là: làm cách nào để tình yêu và thiền liên quan với
nhau đến mức mỗi câu chuyện tình yêu sẽ tự động trở thành mối quan hệ thiền –
và quá trình thiền đó khiến bạn tỉnh táo đến mức không cần phải chìm đắm vào
tình yêu, mà bạn có thể lớn mạnh trong tình yêu.
Bạn có thể tìm thấy một
người bạn theo cách đầy tỉnh táo và chủ động. Tình yêu của bạn sẽ càng sâu sắc
hơn khi bạn thiền sâu hơn, và ngược lại: khi bạn bung nở trong thiền, tình yêu
của bạn cũng bung nở. Khi đó, nó ở một đẳng cấp hoàn toàn khác.
Nhưng hầu hết các cặp
đôi đều không kết nối trong thiền. Họ không bao giờ ngồi im lặng cùng nhau
trong một giờ để cảm nhận tâm thức của nhau. Họ hoặc cãi nhau hoặc làm tình,
nhưng trong cả hai trường hợp, họ chỉ liên quan về mặt cơ thể, phần thể xác,
sinh học, hóc-môn. Họ không kết nối về mặt nội tâm. Tâm hồn họ vẫn tách biệt
nhau.
Tại các đền chùa, nhà
thờ, chỉ có cơ thể của bạn kết hôn. Tâm hồn của bạn vẫn tách rời. Trong khi bạn
làm tình với nhau, ngay cả trong những khoảnh khắc này, cả bạn lẫn người tình đều
không có ở đó. Có lẽ người đàn ông đang nghĩ về Nữ hoàng Cleopatra, hay một nữ
diễn viên nào đó. Có thể đó là lý do vì sao mọi phụ nữ đều nhắm mắt – để không
nhìn thấy khuôn mặt của người chồng, để không cảm thấy phiền lòng. Cô ấy đang
nghĩ về Alexander Đại đế, Sa hoàng Ivan, và nếu nhìn vào mặt người chồng, mọi
thứ sẽ tan vỡ. Anh ta trông giống như một con chuột.
Ngay cả trong những khoảnh
khắc tuyệt đẹp đó – những khoảnh khắc lẽ ra phải thiêng liêng, thiền tịnh và đầy
tĩnh lặng đó… bạn cũng không được ở bên người mà bạn thương yêu. Luôn có một
đám đông. Tâm trí bạn đang nghĩ về người khác, tâm trí của đối phương cũng đang
nghĩ về người khác. Khi đó, những gì bạn đang làm chỉ giống như một cỗ máy, như
một con rô-bốt. Một động cơ sinh học nào đó đang biến bạn thành nô lệ và bạn gọi
nó là tình yêu.
Khi bạn làm tình, liệu
người phụ nữ của bạn có thật sự đang ở cùng bạn? Liệu người đàn ông của bạn có
thật sự đang ở cùng bạn? Hay là bạn chỉ đang thực hiện một nghi thức – thứ cần
phải làm, một nhiệm vụ cần phải hoàn thành?
Nếu muốn có một mối
quan hệ hòa hợp với người tình, bạn sẽ phải học cách thiền. Chỉ tình yêu thôi
chưa đủ. Tình yêu nếu đứng một mình là mù quáng, thiền sẽ cho nó đôi mắt. Thiền
cho nó sự hiểu biết. Và một khi tình yêu của bạn có cả tình yêu và thiền, bạn sẽ
trở thành những người đồng hành thân thiết. Khi đó, nó không còn là mối quan hệ
bình thường nữa. Khi đó, nó sẽ trở thành sự thân thiện trên con đường khám phá
những bí ẩn của cuộc sống.
Một mình đàn ông, hay một
mình đàn bà, sẽ thấy hành trình đó rất dài và tẻ nhạt… như họ đã từng thấy trước
đây. Bởi vì nhìn thấy sự xung đột triền miên này nên tất cả các tôn giáo quyết
định rằng những ai muốn tìm kiếm đều phải từ bỏ nửa kia. Nhưng trong năm ngàn
năm lịch sử, có bao nhiêu người đã được giác ngộ? Bạn không thể đếm hết mười
ngón tay. Điều gì đã xảy ra?
Con đường đó không quá
dài, mục tiêu cũng không quá xa vời. Nhưng dù chỉ phải bước sang nhà hàng xóm,
bạn cũng cần đến hai chân. Nếu chỉ nhảy trên một chân, bạn có thể đi được bao
xa?
Nếu cùng nhau xây dựng
một tình bạn sâu sắc, trong mối quan hệ yêu thương, thiền như những tổng thể hữu
cơ, đàn ông và đàn bà có thể đạt được mục tiêu đó bất cứ lúc nào. Bởi vì mục
tiêu đó không ở bên ngoài bạn; nó là tâm điểm của cối xay gió, nó là phần cốt
lõi nhất trong bản thể của bạn. Nhưng bạn chỉ có thể tìm thấy nó khi bạn là một
thể trọn vẹn, và bạn không thể toàn vẹn nếu thiếu nửa kia.
Đàn ông và đàn bà là
hai nửa của một tổng thể toàn vẹn. Do đó, thay vì lãng phí thời gian tranh cãi,
hãy tìm cách để hiểu nhau. Cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác; nỗ lực
nhìn nhận mọi việc như cách người đàn ông làm, nhìn nhận mọi việc theo cách người
phụ nữ làm. Và bốn mắt luôn tốt hơn hai mắt – bạn có tầm nhìn trọn vẹn; bạn có
thể nhìn trọn cả bốn hướng.
Nhưng cần phải nhớ một điều: nếu không có thiền, bạn sẽ không có được tình yêu; tình yêu không thể nào tồn tại nếu không có thiền. Bạn có thể giả vờ và đánh lừa người khác, nhưng bạn không thể lừa chính bản thân mình. Tận sâu trong lòng mình bạn biết rằng tất cả những lời hứa mà tình yêu đã trao cho bạn vẫn chưa được thực hiện.
Chỉ với thiền, tình yêu
mới bắt đầu khoác lên mình những sắc màu mới, âm nhạc mới, ca khúc mới, điệu nhảy
mới – bởi vì thiền giúp bạn hiểu thấu được cực đối lập, và chính trong sự thấu
hiểu đó, xung đột sẽ biến mất. Mọi xung đột trên thế giới này đều bắt nguồn từ
sự hiểu lầm. Bạn nói điều gì đó, vợ bạn hiểu thành điều khác. Vợ bạn nói thứ
này, bạn hiểu thành thứ khác. Tôi đã chứng kiến nhiều cặp đã sống cùng nhau ba
mươi, bốn mươi năm nhưng dường như vẫn thiếu chín chắn như ngày đầu mới quen. Lời
than vãn của họ vẫn không có gì thay đổi: “Cô ấy không hiểu điều tôi đang nói.”
Suốt bốn mươi năm chung sống mà bạn không thể tìm ra cách nào đó để vợ của bạn hiểu
được điều mình đang nói, và liệu bạn có thể hiểu được chính xác điều cô ấy đang
nói?
Nhưng tôi cho rằng chỉ
có thiền mới giúp điều đó xảy ra, bởi vì thiền mang đến cho bạn sự tĩnh lặng, tỉnh
thức, sự kiên nhẫn, khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Không có gì
là không thể, vấn đề là bạn phải tìm đúng thuốc cho nó. Tôi muốn bạn biết rằng
từ “medicine” (thuốc) có cùng nguồn gốc với từ “meditation” (thiền). Thuốc chữa
lành cơ thể, thiền chữa lành tâm hồn. Thuốc chữa lành phần thể xác, thiền chữa
lành phần linh hồn của bạn. Mọi người đang sống cùng nhau và tinh thần của họ
chứa đầy thương tổn; vì lẽ đó, những việc rất nhỏ cũng có thể gây ra nhiều đau
đớn.
Mulla Nasruddin hỏi
tôi: “Phải làm sao đây? Bất cứ điều gì tôi nói ra đều bị hiểu lầm, và ngay lập
tức nảy sinh rắc rối.”
Tôi đáp: “Hãy thử làm
điều này: ngồi yên và không nói gì nữa.”
Ngày hôm sau, anh ta
trông còn tuyệt vọng hơn, tôi hỏi: “Có chuyện gì thế?”
Anh ta đáp: “Tôi không
nên nghe theo lời khuyên của ông. Mọi ngày, chúng tôi vẫn tranh cãi nhưng đó chỉ
là lời nói. Hôm qua, vì lời khuyên của ông mà tôi đã bị đánh.”
Tôi hỏi: “Chuyện như thế
nào?”
Anh ta đáp: “Tôi chỉ ngồi
im ở đó. Cô ấy hỏi nhiều câu hỏi nhưng tôi vẫn quyết giữ im lặng. Cô ấy nói ‘Vậy
là anh sẽ không nói phải không?’ Tôi vẫn im lặng. Do đó, cô ấy bắt đầu đánh
tôi! Và cô ấy rất giận dữ. Cô ta nói ‘Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ. Ít ra
trước đây chúng ta còn nói với nhau, giờ thì ngay cả nói cũng không còn!’ Hàng
xóm kéo đến và bắt đầu hỏi ‘Có chuyện gì vậy? Sao anh không nói gì?’ và rồi mọi
người nói ‘Có vẻ như anh ấy bị ma ám rồi’ Tôi thầm nghĩ, trời ơi, giờ họ sẽ
mang tôi đến cho một tên ngốc nào đó và hắn ta sẽ đánh tôi để trục linh hồn ma
quỷ kia ra. Tôi liền đáp ‘Khoan đã! Tôi không bị ma ám, tôi chỉ không nói bởi
vì nói sẽ càng gây mâu thuẫn. Tôi nói điều này, cô ta nói điều kia, rồi tôi phải
nói gì đó, và cô ta lại nói, mọi thứ cứ thế, không ai biết khi nào mới kết thúc’
Tôi chỉ ngồi thiền, không làm hại ai hết. Và bỗng nhiên cả xóm chống lại tôi!”
Mọi người sống mà không
hiểu. Vì lẽ đó, dù họ làm gì, mọi thứ đều kết thúc đầy thảm hại. Nếu bạn yêu một
người đàn ông, thiền sẽ là món quà tốt nhất mà bạn có thể trao tặng anh ta. Nếu
bạn yêu một người phụ nữ, khi đó Kohinoor (một trong những viên kim cương lớn
nhất thế giới với trọng lượng khoảng 105,5 cara) cũng không là gì cả; thiền sẽ
là món quà quý giá hơn rất nhiều và nó sẽ khiến cuộc sống của bạn chỉ toàn niềm
vui.
Chúng ta hoàn toàn có
khả năng có được niềm vui, nhưng chúng ta không biết cách quản lý nó. Khi ở một
mình, cùng lắm là chúng ta chỉ thấy buồn. Còn khi ở cùng nhau, nó thật sự là địa
ngục.
Ngay cả một người trí
tuệ như Jean Paul Sartre – nhà văn, nhà triết học người Pháp – phải thốt lên rằng
nửa kia là địa ngục, rằng tốt hơn là ở một mình, bạn không thể có kết quả với
người khác. Ông ấy bi quan đến mức nói rằng không thể hạnh phúc với người khác,
người khác là địa ngục. Nhìn chung, ông ấy nói đúng. Với thiền, nửa kia sẽ trở
thành thiên đường của bạn. Nhưng Jean-Paul Sartre không biết về thiền.
Đó là nỗi đau của người
phương Tây. Người phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội được bung nở trong cuộc sống bởi
vì họ không biết gì về thiền, còn người phương Đông cũng đang bỏ lỡ bởi vì họ
không biết gì về tình yêu. Đối với tôi, giống như đàn ông và đàn bà là hai nửa
của một thể thống nhất, tình yêu và thiền cũng vậy. Thiền là đàn ông, tình yêu
là phụ nữ. Khi gặp nhau, cả hai tạo ra một giống người siêu việt – không phải
đàn ông cũng không phải đàn bà. Và chừng nào chưa thể tạo ra được giống người
siêu việt trên trái đất này, chúng ta vẫn chưa có nhiều hy vọng.
Ngài nói rằng sự hòa hợp
tối thượng sẽ được tìm thấy trong các cực đối lập, nhưng tôi cảm thấy rằng sự
căm ghét hủy hoại tình yêu và cơn giận giết chết lòng trắc ẩn. Khi những cực đối
lập này đang xung đột bên trong tôi, làm sao tôi có thể tìm thấy sự hòa hợp
đây?
Bạn đang có một hiểu lầm.
Nếu sự căm ghét hủy hoại tình yêu và cơn giận giết chết lòng trắc ẩn, sẽ không
có cơ hội cho tình yêu hay lòng trắc ẩn tồn tại. Khi đó, bạn bị mắc kẹt, bạn
không thể thoát ra được. Bạn đã sống với lòng căm ghét trong hàng triệu kiếp sống,
vậy hẳn nó đã hủy hoại tình yêu rồi. Bạn đã sống với cơn giận trong hàng triệu
kiếp sống, vậy hẳn nó đã giết chết lòng trắc ẩn rồi.
Nhưng hãy nhìn xem…
tình yêu vẫn còn ở đó. Sự căm ghét đến và đi, còn tình yêu ở lại. Cơn giận dữ đến
rồi đi, còn lòng trắc ẩn ở lại. Sự căm ghét không thể hủy hoại tình yêu; đêm
không thể hủy hoại ngày, và bóng tối không thể giết chết ánh sáng. Không thể
nào, chúng vẫn tồn tại. Do đó, điều đầu tiên cần hiểu là tình yêu và lòng trắc ẩn
không bị hủy hoại. Thứ hai là bạn chỉ có thể hiểu được sự hòa hợp của hai cực đối
lập khi bạn thật sự yêu.
Bạn chưa thật sự yêu,
đó là vấn đề. Không phải sự căm ghét – sự căm ghét không phải là vấn đề, vấn đề
là bạn chưa thật sự yêu. Bóng tối không phải là vấn đề – vấn đề là bạn không có
ánh sáng. Nếu ánh sáng ở đó, bóng tối sẽ biến mất. Bạn không yêu. Bạn hình
dung, bạn tưởng tượng, bạn mơ mộng, nhưng bạn chưa yêu.
Hãy yêu đi! Tôi không
nói rằng chỉ bằng việc yêu ai đó, sự căm ghét sẽ lập tức biến mất, hoàn toàn
không phải như vậy. Sự căm ghét sẽ chống lại bạn, bởi vì mọi người đều muốn sống
sót. Sự căm ghét sẽ chiến đấu. Bạn càng yêu nhiều, sự căm ghét càng chiến đấu
quyết liệt hơn. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng sự căm ghét đến rồi đi.
Nó không giết chết tình yêu của bạn, thay vào đó, nó giúp tình yêu mạnh mẽ hơn.
Tình yêu còn có thể hóa giải sự căm ghét nữa. Nếu bạn yêu một người, có những
lúc bạn ghét anh ta, nhưng điều đó không hủy hoại tình yêu mà còn khiến cho
tình yêu thêm phong phú.
Vậy ghét là gì? Đó là
chiều hướng lùi ra xa. Còn yêu là gì? Đó là chiều hướng tiến lại gần. Ghét là
hướng tới sự chia cách, hướng tới ly hôn. Yêu là hướng tới kết hôn, đến gần
nhau hơn, trở thành một. Ghét là trở thành hai, độc lập. Yêu là trở thành một,
tương thuộc. Mỗi khi thấy ghét, bạn sẽ rời xa người yêu của mình, người thân của
mình. Nhưng trong cuộc sống đời thường, bạn cần phải ra đi để trở về.
Nó giống như khi ăn vậy.
Bạn thấy đói nên ăn, rồi cơn đói qua đi bởi vì bạn đã ăn. Tình yêu là thức ăn,
nó mang dưỡng chất đến cho bạn. Khi bạn yêu ai đó, cơn đói lắng xuống; bạn cảm
thấy thỏa mãn, rồi bỗng nhiên bạn cảm thấy thôi thúc muốn đi xa và bạn chia
cách. Nhưng rồi bạn lại cảm thấy đói; bạn muốn đến gần hơn, gần hơn để yêu, để
phải lòng nhau. Bạn ăn, rồi vài giờ sau đó bạn quên ngay chuyện ăn uống; bạn
không ngồi mãi trong bếp, bạn không ngồi mãi trong nhà hàng. Bạn đi khỏi chỗ
đó, bỗng nhiên vài giờ sau, bạn quay trở lại, cơn đói bắt đầu.
Tình yêu có hai mặt – một
mặt là cơn đói, còn một mặt là cảm giác no nê. Bạn nhầm lẫn tình yêu chỉ như là
cơn đói. Một khi bạn hiểu rằng không có sự căm ghét, mà chỉ có tình huống tạo
ra sự căm ghét đó, khi đó sự căm ghét sẽ trở thành một phần của tình yêu. Khi
đó, nó sẽ khiến tình yêu thêm phong phú.
Khi đó, cơn giận sẽ trở
thành một phần của lòng trắc ẩn, khiến cho lòng trắc ẩn thêm phong phú. Lòng trắc
ẩn mà không chứa đựng khả năng giận dữ thì không còn là lòng trắc ẩn vì thiếu
năng lượng bên trong. Lòng trắc ẩn chứa đựng khả năng giận dữ là lòng trắc ẩn
khỏe mạnh, bền bỉ. Tình yêu không chứa đựng khả năng căm ghét sẽ không phải là
tình yêu. Khi đó, mối quan hệ yêu đương đó sẽ giống như ngục tù, bạn không thể
thoát ra được. Tình yêu chứa đựng sự căm ghét là tình yêu có tự do – nó không
bao giờ hết thú vị.
Nếu xét cuộc đời theo
thuật toán thì các cuộc ly hôn xảy ra bởi vì chúng cứ bị trì hoãn mỗi ngày. Khi
đó, chúng cứ mãi tích lũy và một ngày nào đó giết chết hôn nhân, phá hủy hoàn
toàn hôn nhân. Nếu hiểu được ý của tôi, bạn không nên chờ đợi: hãy ly hôn và
tái hôn mỗi ngày. Nó là một nhịp điệu giống như ngày và đêm, như cơn đói và cảm
giác no nê, mùa hạ và mùa đông, sự sống và cái chết. Nó phải như thế. Bạn yêu
vào buổi sáng, bạn ghét vào buổi chiều. Khi yêu, bạn thật sự yêu, bạn yêu hết
lòng; khi ghét, bạn thật sự ghét, bạn ghét cay ghét đắng. Rồi bỗng nhiên bạn
tìm thấy được vẻ đẹp của nó – vẻ đẹp đó nằm ở sự trọn vẹn.
Dù là cực kỳ căm ghét
hay vô cùng yêu thương, cả hai đều chứa đựng vẻ đẹp riêng; một cơn giận cùng cực
cũng đẹp như lòng trắc ẩn vô bờ. Vẻ đẹp đó nằm ở sự trọn vẹn. Cơn giận nếu đứng
một mình sẽ trở nên xấu xí, sự căm ghét nếu đứng một mình sẽ trở nên xấu xí –
nó giống như thung lũng mà thiếu các ngọn đồi, thiếu đỉnh núi cao. Với đỉnh núi
cao, thung lũng sẽ trở thành một khung cảnh thật đẹp – nhìn từ đỉnh núi, thung
lũng trở nên thật hữu tình, còn khi nhìn từ thung lũng, đỉnh núi trông thật
hùng vĩ.
Bạn di chuyển; dòng
sông cuộc đời bạn di chuyển giữa đôi bờ. Rồi dần dần, khi càng hiểu hơn về thuật
toán của cuộc đời, bạn sẽ không còn cho rằng ghét là cực đối lập với yêu. Ghét
bổ sung cho yêu. Bạn sẽ không còn nghĩ rằng cơn giận là đối nghịch với lòng trắc
ẩn, nó bổ sung cho lòng trắc ẩn. Khi đó, bạn sẽ không còn nghĩ rằng việc nghỉ
ngơi là đối lập với làm việc, nó bổ trợ cho công việc – hay như ngày không chống
lại đêm mà bổ trợ cho đêm. Chúng tạo nên một tổng thể hoàn hảo.
Bởi vì chưa yêu nên bạn
sợ ghét – bạn sợ bởi vì tình yêu của bạn chưa đủ mạnh mẽ. Sự căm ghét có thể hủy
hoại nó. Bạn không biết chắc rằng liệu bạn có yêu hay không – đó là lý do vì
sao bạn sợ sự căm ghét và cơn giận. Bạn biết rằng nó có thể làm rung chuyển cả
ngôi nhà. Bạn không biết chắc liệu ngôi nhà đó có thật sự tồn tại hay chỉ đến từ
trí tưởng tượng, một ngôi nhà trong mơ. Nếu nó đến từ trí tưởng tượng, sự căm
ghét sẽ tiêu diệt nó; nếu nó có thật, sự căm ghét sẽ khiến nó mạnh mẽ hơn. Sau
cơn bão là sự tĩnh lặng. Sau khi ghét, họ lại yêu nhau như thuở ban đầu – tràn
đầy năng lượng và sức sống như lần đầu gặp lại. Và họ cứ không ngừng gặp lại
như thế.
Những người yêu nhau
luôn gặp nhau như lần đầu gặp gỡ. Nếu bạn gặp lại lần thứ hai, nghĩa là tình
yêu đó đã cũ, không còn thơm mát. Nó đang trở nên nhàm chán. Những người yêu
nhau luôn phải lòng nhau mỗi ngày, luôn trẻ trung, tươi mới. Bạn nhìn người phụ
nữ của mình, thậm chí không nhận ra rằng mình đã gặp cô ấy trước đây – thật quá
mới mẻ! Bạn nhìn vào người đàn ông của mình và anh ấy giống như một người lạ, bạn
lại đem lòng yêu anh ta.
Sự căm ghét không hủy
hoại tình yêu, nó chỉ hủy hoại sự nhạt nhẽo của tình yêu. Nó là chiếc máy vệ
sinh, và nếu hiểu, bạn sẽ thấy biết ơn nó. Nếu đồng thời có thể cảm thấy biết
ơn sự căm ghét, nghĩa là bạn đã hiểu; lúc này, không gì có thể phá hủy tình yêu
của bạn. Lúc này, lần đầu tiên, bạn thật sự bén rễ; lúc này, bạn có thể đón nhận
cơn bão và trở nên mạnh mẽ hơn, tươi tốt hơn qua cơn bão đó.
Đừng nhìn cuộc đời như
là một sự đối ngẫu, đừng nhìn cuộc đời như là một sự xung đột – nó không phải
như vậy. Tôi đã được trải nghiệm. Nó là một thể thống nhất, trọn vẹn, và mọi thứ
đều vừa vặn trong đó. Bạn chỉ cần tìm ra cách để chúng vừa vặn. Cho phép chúng
ăn khớp với nhau. Đó là một thể thống nhất tuyệt đẹp.
Nếu bạn hỏi rằng liệu
có tồn tại một thế giới không căm ghét, tôi sẽ không chọn cách đó; nó sẽ là một
nơi vô cùng nhàm chán. Nó có thể ngọt ngào, nhưng quá ngọt – bạn sẽ cần đến muối.
Nếu có một thế giới không giận dữ, tôi sẽ không chọn nó, bởi vì lòng trắc ẩn mà
thiếu cơn giận thì sẽ không chứa đựng sự sống bên trong. Cực đối lập tạo ra
căng thẳng, cực đối lập tạo nên cao trào. Khi sắt đi qua lửa, nó trở thành
thép; nếu không có lửa, sắt không thể trở thành thép. Nhiệt độ càng cao, độ cứng
và độ đàn hồi của thép càng lớn. Nếu lòng trắc ẩn của bạn đi qua cơn giận, mức
độ giận dữ càng cao thì lòng trắc ẩn của bạn càng bền bỉ, càng mạnh mẽ.
Đức Phật là người có
lòng trắc ẩn. Đức Phật là một chiến binh. Ngài xuất thân từ dòng dõi Kshatriya
(Kshatriya là một trong bốn đẳng cấp có địa vị trong xã hội Ấn Độ cổ đại, trong
đó Kshatriya nắm giữ quân đội và chính quyền). Hẳn Đức Phật phải sống một cuộc
sống vô cùng giận dữ, nhưng bỗng nhiên có lòng trắc ẩn. Mahavir, nhà sáng lập Kỳ
Na giáo (Jain), cũng xuất thân từ dòng dõi Kshatriya. Điều này thoạt nghe có vẻ
vô lý nhưng lại chứa đựng tính nhất quán: tất cả những bậc thầy vĩ đại mang
tinh thần bất bạo động đều xuất thân từ dòng dõi chiến binh. Họ nói về việc
không sử dụng bạo lực, về lòng trắc ẩn; họ đã sống trong bạo lực, đã trải nghiệm
nên hiểu rõ nó. Chỉ có một Kshatriya, một chiến binh, người đã được rèn giũa
qua gian nan thử thách, mới có lòng trắc ẩn rõ ràng như thế hoặc mới có khả
năng có được lòng trắc ẩn.
Do đó, hãy nhớ, nếu
trong lòng bạn đang dằn vặt giữa hai điểm cực này, đừng lựa chọn. Hãy để cả hai
cùng ở đó. Hãy là một ngôi nhà lớn, có đủ chỗ bên trong. Đừng nói “Tôi sẽ chỉ
có lòng trắc ẩn, không có giận dữ; tôi sẽ chỉ có tình yêu, không có sự căm ghét.”
Bạn sẽ rất nghèo túng.
Hãy có lòng quảng đại,
để cả hai ở đó. Không cần chia rẽ chúng, không có cuộc chiến nào. Cuộc chiến đến
từ tâm trí của bạn, từ những lời dạy của bạn, từ quá trình trưởng thành của bạn,
từ những ước định lâu đời. Cả thế giới cứ mãi nói với bạn: “Hãy yêu, đừng căm
ghét.” Làm sao bạn có thể yêu mà không ghét? Jesus nói: “Hãy yêu kẻ thù của bạn.”
Còn tôi sẽ nói: “Hãy ghét cả người yêu của bạn nữa” – khi đó, nó mới trở thành
một thể trọn vẹn. Nếu không, lời dạy của Jesus sẽ không hoàn thiện. Ngài ấy
nói: “Hãy yêu kẻ thù của bạn.” Bạn luôn ghét kẻ thù của mình và ngài ấy nói rằng
bạn cũng nên yêu họ, nhưng vẫn còn thiếu một phần nữa. Tôi nói với bạn rằng hãy
ghét những người bạn của bạn; hãy ghét người yêu của bạn, và đừng sợ. Dần dần,
bạn sẽ thấy rằng không có sự khác biệt nào giữa kẻ thù và bạn, bởi vì bạn ghét
và yêu kẻ thù, bạn cũng ghét và yêu bạn của mình. Vấn đề duy nhất ở đây là đồng
xu đó đang được để sấp hay ngửa. Khi đó, bạn là thù và thù là bạn. Khi đó, sự
khác biệt sẽ không còn nữa.
Đừng gây chia rẽ bên
trong, hãy cho phép cả hai ở đó. Bạn cần cả hai, chúng sẽ là đôi cánh của bạn;
chỉ khi đó bạn mới có thể bay lên được. Ông thường nói (đùa) rằng phụ nữ giúp
đàn ông trở nên giác ngộ bởi vì đó là cách duy nhất để anh ta không hóa điên vì
phụ nữ. Anh ta từ bỏ thế giới và tìm đến những ngọn núi để thiền nhằm tránh xa
phụ nữ. Vậy có trường hợp ngược lại không? Liệu đàn ông có thể giúp phụ nữ trở
nên giác ngộ không?
Latifa, tôi thường nói
rằng phụ nữ giúp đàn ông đạt đến sự giác ngộ, và hẳn là bạn đã tự hỏi về tình
huống ngược lại đối với phụ nữ. Để giúp ai đó hướng tới sự giác ngộ, bạn cần phải
có lòng kiên nhẫn vô bờ và tình yêu thương to lớn. Phụ nữ sở hữu những phẩm chất
đó. Ngược lại rất khó. Đầu tiên, nếu phụ nữ trở nên giác ngộ, không còn quan
tâm đến những công việc đời thường, vậy ai sẽ chăm lo cho gia đình, ai sẽ chăm
sóc bọn trẻ?
Người chồng không có đủ
khả năng để giúp vợ mình giác ngộ bởi vì điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho gia
đình… và bọn trẻ nghịch ngợm sẽ không được ai giám sát, chúng sẽ phá làng phá
xóm! Do đó, Latifa, đừng trông mong gì ở người chồng. Bạn sẽ phải tự mình làm
điều đó. Đúng vậy, một khi đã thực hiện được cho chính mình, bạn có thể tạo động
lực cho chồng hướng tới sự giác ngộ!
Nhiều người đã hỏi tôi:
“Vì sao trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại lại có rất ít người được giác ngộ?”
Tôi đáp: “Biết làm sao
được? Vì không có ai săn đuổi họ!” Nếu phụ nữ quyết định theo đuổi con đường
giác ngộ, bạn sẽ thấy những người chồng vừa thiền vừa than khóc rằng họ đang
lãng phí thời gian, rằng khách hàng đã đến mà cửa hàng không có ai trông coi…
Nhưng khi giác ngộ, bạn không phải nghĩ về những việc như cửa hàng và khách
hàng.
Phụ nữ có thể giúp người
khác hướng tới sự giác ngộ, nhưng đàn ông thì chưa đạt đến khả năng hiểu biết
đó. Thậm chí một bé gái cũng có những phẩm chất của một người mẹ trưởng thành,
một thứ tình mẫu tử bao quanh bé gái đó. Nhưng điều này lại không đúng với bé
trai. Bạn sẽ không tìm thấy dấu hiệu phụ tử nào quanh bé trai. Làm cha là một
nhiệm vụ xã hội, còn làm mẹ là một thiên chức.
Ở phương Đông, có những
người rất am hiểu và thấu suốt, và sự am hiểu của họ được thể hiện theo nhiều
cách. Tại Ấn Độ, bạn có thể đến đền của Sita và Rama, hay đền Radha và Krishna,
nhưng bạn có thể thấy là họ luôn để tên của người phụ nữ trước rồi mới đến tên
người đàn ông. Luôn là Sita trước, Radha trước. Những người đàn ông đó không hề
tầm thường, họ là Krishna, là Rama, nhưng tên của người phụ nữ vẫn được đặt trước,
bởi vì đối với phụ nữ, sự giác ngộ còn dễ dàng hơn rất nhiều so với quá trình
mang thai.
Sự giác ngộ cũng là một
kiểu thai nghén. Phụ nữ biết được ngôn ngữ của nó. Đàn ông không thể hiểu được.
Sự thai nghén ư? Đàn ông có thể khiến phụ nữ mang thai nhưng anh ta vẫn là người
ngoài. Vai trò của anh ta trong việc sinh con là không đáng kể, mọi chiếc kim
tiêm đều có thể làm được. Và so với kim tiêm, đàn ông không có bất kỳ sự ưu
tiên nào – cả hai đều được dùng một lần rồi thôi. Với đàn ông, khó khăn ở chỗ một
khi bắt được anh ta, bạn rất khó loại bỏ. Khi đó, chiếc kim tiêm sẽ quanh quẩn
bên bạn suốt đời và tự cho rằng nó quan trọng.
Giác ngộ là cảnh giới tối
thượng của cuộc sống. Phụ nữ đến gần với nó hơn, tình yêu của cô ấy chân thành
hơn, cô ấy luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Bởi vì suy nghĩ quá nhiều nên đàn
ông không dám chấp nhận rủi ro. Đầu tiên, anh ta sẽ suy nghĩ, lên kế hoạch và
tìm cách đảm bảo rằng thành công sẽ thuộc về mình. Chỉ khi đó anh ta mới dám bước
vào cuộc mạo hiểm. Phụ nữ nhảy vào trước, và sau đó có cả một không gian vô tận
để suy nghĩ về nó.
Latifa, rất hiếm có trường
hợp đàn ông giúp phụ nữ đạt đến sự giác ngộ. Nhưng có những phụ nữ đã giúp chồng
của mình, đã hy sinh cả cuộc đời mình và không màng đến bản thân. Sự hy sinh và
tận hiến của họ dành cho người mà họ yêu thương là trọn vẹn. Chính trong sự
toàn vẹn này, họ đã được giác ngộ trước. Đàn ông không tập trung, tâm trí anh
ta đi về mọi hướng. Không có gì hoàn thiện bởi vì bạn chỉ có một nguồn năng lượng
nhất định nhưng bạn chạy theo quá nhiều hướng đến mức chẳng khác nào một con
chó điên. Bạn sẽ không đến được nơi nào cả.
Đàn ông luôn nghĩ về sự
giác ngộ, về nirvana, về chân lý, nhưng chúng dường như chưa bao giờ trở thành
những vấn đề sống còn. Chúng vẫn chỉ là những câu hỏi, về mặt tâm lý học hoặc thần
học, và bạn cứ mãi sống theo cách mà mình đang sống.
Khi người phụ nữ quan
tâm đến sự giác ngộ, sự quan tâm ấy mang một phẩm chất hoàn toàn khác. Nó trở
thành cả cuộc đời cô ấy – không phải là một trong số những món đồ cần giặt, mà
chỉ giặt một món duy nhất. Phụ nữ có khả năng bẩm sinh là tập trung vào một vấn
đề duy nhất, và điều này không đúng với đàn ông. Cả hai đều cần có nhau, cả hai
giúp nhau tạo ra một cuộc sống phong phú. Nhưng họ cũng có thể trở thành những
người bạn tâm giao vượt ra khỏi sự phong phú đó. Họ có thể giúp đỡ, thảo luận,
thiền cùng nhau, bắt đầu thay đổi tình yêu hướng tới một trạng thái thiền tịnh
hơn.
Đàn ông và đàn bà phải
chung sống trên trái đất này nhưng họ chưa học cách ở cùng nhau nên chưa đánh mất
được tính cá nhân của mình, chưa học cách gần gũi đến mức gần như trở thành một
mà không bị xáo động bởi những chuyện vặt vãnh.
Đàn ông và đàn bà có thể
giúp đỡ lẫn nhau – và nếu được giúp đúng cách, không ai cần phải chạy trốn đến
hang sâu núi thẳm. Điều đó là không cần thiết bởi vì bạn không thể tìm thấy nơi
nào tốt hơn nhà của mình. Một không gian đầy yêu thương, những người hiểu bạn,
những người hiểu được sự im lặng của bạn và thiền tịnh của bạn, sẽ luôn song
hành với tình yêu của bạn. Cho dù đi vào thiền tịnh ở vùng núi xa xôi, bạn cũng
chỉ có một chiếc cánh. Bạn không thể bay đến mặt trời. Bạn đã để lại cho thế giới
chiếc cánh còn lại.
Nếu một đôi cùng bắt đầu
đi vào thiền tịnh, cả hai mới thật sự kết hôn. Đối với tôi, những tờ giấy chứng
nhận đăng ký kết hôn không có giá trị. Với tôi, chỉ có một tờ chứng nhận duy nhất
mà sự hiện hữu trao cho bạn – nơi tình yêu và thiền tịnh giúp đỡ lẫn nhau, hỗ
trợ nhau và mở ra những cánh cửa bầu trời cho bạn tung cánh trong hành trình đến
với sự cô độc.
0 Đánh giá