Read more
(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)
Yêu – Osho
Phần II. Tình Yêu Là Cơn Gió Mát Lành
Chương 9. Yêu Và Nghệ Thuật Vô Hành
Nhưng Tạo hóa sinh ra bạn, cho bạn cuộc sống, cho bạn tình yêu; Tạo hóa cho bạn tất cả những thứ vô giá, những thứ mà bạn không thể mua được bằng tiền. Chỉ những ai sẵn sàng công nhận rằng cuộc sống của mình có được là nhờ Tạo hóa thì sẽ nhận biết được vẻ đẹp và phúc lành của vô hành. Ở đây, vấn đề không phải là làm gì, mà là từ bỏ cái tôi, để mọi thứ tự xảy ra.
OSHO
Có những thứ chỉ xảy ra
mà không ai có thể làm gì được cả. Làm (doing) là dành cho những việc rất bình
thường, trần tục. Bạn có thể làm gì đó để kiếm tiền, bạn có thể làm gì đó để trở
nên mạnh mẽ, bạn có thể làm gì đó để có uy tín; nhưng bạn không thể làm gì với
tình yêu, lòng biết ơn, sự tĩnh lặng. Cần phải hiểu rằng “làm” (hành) có nghĩa
là thế giới này, còn “không-làm-gì” (vô hành) là vượt ra khỏi thế giới này –
nơi mọi việc xảy ra, nơi chỉ có thủy triều mới đưa bạn vào bờ. Nếu bơi, bạn sẽ
bỏ lỡ. Nếu làm gì đó, bạn sẽ phá vỡ nó; bởi vì làm là trần tục.
Rất ít người biết được
bí mật của không-làm-gì và cho phép mọi việc tự xảy ra. Nếu muốn những điều vĩ
đại – những thứ vượt khỏi tầm với của bàn tay con người, tâm trí con người, khả
năng của con người – bạn sẽ phải tìm hiểu về nghệ thuật vô hành. Tôi gọi nó là
thiền.
Đó là một rắc rối, bởi
vì khoảnh khắc bạn đặt tên cho nó, ngay lập tức mọi người sẽ bắt đầu hỏi cách
“làm.” Và bạn không thể nói rằng họ sai, bởi vì bản thân từ “thiền” sẽ tạo ra ý
nghĩ về việc làm gì đó. Họ có bằng tiến sĩ, họ có ngàn lẻ một thứ; khi nghe từ
“thiền,” họ sẽ hỏi: “Vậy hãy nói cho tôi cách làm điều đó.” Về cơ bản, thiền có
nghĩa là bắt đầu không-làm-gì, thư giãn, trôi theo dòng – giống như một chiếc
lá trong gió chiều, hay một đám mây bay theo gió.
Đừng bao giờ hỏi đám
mây: “Mi đang đi đâu?” Bản thân nó cũng không biết; nó không có địa chỉ, không
có số mệnh. Nó đang đi về hướng Nam nhưng nếu hướng gió thay đổi, nó bắt đầu di
chuyển về hướng Bắc. Đám mây không thể nói với gió: “Điều này vô cùng phi lý.
Chúng ta đang di chuyển về hướng Nam, giờ lại di chuyển về hướng Bắc – toàn bộ
điều này có ý nghĩa gì chứ?” Không, nó sẽ di chuyển về hướng Bắc một cách dễ
dàng như di chuyển về hướng Nam. Đối với nó, Nam, Bắc, Đông, Tây, không có gì
khác biệt. Chỉ di chuyển theo hướng gió, không khát khao, không mục tiêu, không
đích đến… nó chỉ đơn giản tận hưởng cuộc hành trình. Thiền biến bạn thành một
đám mây của tâm thức. Khi đó, không còn mục tiêu nào khác.
Đừng bao giờ hỏi một
thiền giả rằng: “Vì sao bạn thiền?” bởi vì câu hỏi đó chẳng liên quan. Bản thân
thiền vừa là mục tiêu vừa là con đường. Lão Tử, một trong những nhân vật quan
trọng nhất trong lịch sử của vô hành… Nếu lịch sử được viết đúng, chúng ta sẽ
có hai kiểu lịch sử. Lịch sử về những người hành động gồm Genghis Khan,
Tamerlane, Nadirshah, Alexander Đại đế, Napoleon Bonaparte, Sa hoàng Ivan,
Joseph Stalin, Adolf Hitler, Benito Mussolini; đây là những người thuộc về thế
giới hành động. Và một lịch sử khác, một lịch sử cao hơn, một lịch sử có thật về
tâm thức nhân loại, về sự tiến hóa của nhân loại. Đây chính là lịch sử về Lão Tử,
Trang Tử, Liệt Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni, Mahavira, Bồ Đề Đạt Ma; một kiểu lịch
sử hoàn toàn khác.
Lão Tử trở nên giác ngộ
khi ngồi dưới một gốc cây. Một chiếc lá bắt đầu rơi – lúc đó là mùa thu; chiếc
lá rơi theo gió, theo hình zíc-zắc, một cách chậm rãi. Ông ấy quan sát chiếc
lá. Chiếc lá rơi xuống, chạm vào mặt đất, và khi quan sát chiếc lá rơi rồi chạm
vào mặt đất, ông ấy đã cảm nhận được. Từ khoảnh khắc đó, Lão Tử trở thành một
người theo thuyết vô vi. Những cơn gió đến theo cách của riêng nó, và sự hiện hữu
sẽ chăm sóc.
Toàn bộ lời dạy của Lão
Tử là Đạo của nước: chỉ thuận theo dòng nước, đừng bơi. Nhưng tâm trí luôn muốn
làm gì đó, bởi vì khi đó công trạng thuộc về cái tôi. Nếu bạn chỉ trôi theo thủy
triều, công trạng đó sẽ thuộc về thủy triều, không thuộc về bạn. Nếu bạn bơi,
có khả năng là cái tôi của bạn sẽ càng lớn hơn: “Tôi đã tự băng qua biển
Măng-sơ!”
Nhưng Tạo hóa sinh ra bạn, cho bạn cuộc sống, cho bạn tình yêu; Tạo hóa cho bạn tất cả những thứ vô giá, những thứ mà bạn không thể mua được bằng tiền. Chỉ những ai sẵn sàng công nhận rằng cuộc sống của mình có được là nhờ Tạo hóa thì sẽ nhận biết được vẻ đẹp và phúc lành của vô hành. Ở đây, vấn đề không phải là làm gì, mà là từ bỏ cái tôi, để mọi thứ tự xảy ra.
Buông bỏ, chỉ hai chữ
nhưng chứa đựng toàn bộ trải nghiệm đó. Trong cuộc sống, bạn luôn nỗ lực làm mọi
thứ. Hãy để lại vài thứ cho vô hành, bởi vì đó mới là những thứ duy nhất có giá
trị.
Có những người luôn cố
gắng yêu thương, bởi vì ngay từ đầu, người mẹ đã nói với đứa trẻ: “Con phải yêu
thương ta bởi vì ta là mẹ của con.” Lúc này, người mẹ đang biến tình yêu thành
một phép suy luận – bởi vì “ta là mẹ của con.” Người mẹ không cho phép tình yêu
tự phát triển, mà thúc ép nó.
Người cha nói: “Hãy yêu
thương ta, ta là cha của con.” Còn đứa trẻ cảm thấy bất lực đến mức tất cả những
gì nó có thể làm là giả vờ. Nó còn có thể làm gì khác nữa đây? Nó có thể mỉm cười,
nó có thể hôn, và nó biết rằng tất cả đều là giả – nó không muốn làm như thế, tất
cả đều không thật, không đến từ bản thân nó. Nhưng bởi vì bạn là cha của nó, bạn
là mẹ của nó, bạn là người này, bạn là người kia… Họ đang làm hỏng một trong những
trải nghiệm quý giá nhất trên đời.
Rồi vợ nói với chồng:
“Anh phải yêu em, bởi vì em là vợ anh.” Thật kỳ lạ. Còn người chồng nói: “Em phải
yêu anh. Anh là chồng em, nó là quyền mà anh có được từ lúc chào đời.” Tình yêu
là thứ không thể đòi hỏi. Nếu nó đến với bạn, hãy cảm thấy biết ơn; nếu nó
không đến, hãy chờ đợi. Thậm chí khi chờ đợi, bạn cũng không nên than vãn, bởi
vì bạn không có quyền. Tình yêu không thuộc quyền của ai hết, không một tổ chức
nào có thể trao cho bạn quyền trải nghiệm tình yêu. Nhưng họ đang phá hủy mọi
thứ – rồi người vợ đang mỉm cười, người chồng đang ôm ấp…
Dale Carnegie, một
trong những tác giả nổi tiếng nhất nước Mỹ, viết rằng mỗi người chồng nên nói với
vợ: “Anh yêu em, cưng à!” ít nhất ba lần mỗi ngày. Bạn có điên không? Nhưng ông
ấy thật lòng muốn nói và nó có tác dụng. “Khi bạn về nhà, hãy mang kem, hoa hồng
để chứng tỏ rằng bạn yêu vợ mình” – như thể tình yêu cần phải được thể hiện, được
chứng minh, bằng vật chất, bằng thực hành, bằng lời nói, hết lần này đến lần
khác để không ai quên được.
Nếu bạn không nói với vợ
mình “Anh yêu em” trong vài ngày, cô ấy sẽ đếm số ngày trôi qua, và cô ấy sẽ
ngày càng nghi ngờ rằng bạn đang nói điều đó với người khác, bởi vì “hạn mức” của
cô ấy đang bị cắt giảm. Tình yêu trở thành một định lượng. “Nếu người chồng
không mang kem về nhà, vậy phần kem đó phải được đưa đến nơi khác, và điều này
không thể chấp nhận được.”
Chúng ta đã tạo ra một
xã hội nơi người ta chỉ tin vào “những gì đang làm,” trong khi phần tinh thần lại
bị bỏ đói – bởi vì nó cần thứ gì đó không được làm mà tự xảy ra. Không phải là
bạn tìm cách nói “Anh yêu em,” rồi bỗng nhiên bạn lại thấy chính mình đang nói
rằng bạn yêu. Bản thân bạn cũng ngạc nhiên bởi những gì mình đang nói. Đó không
phải là thứ bạn tập luyện trong đầu rồi lặp lại, không phải như vậy; nó tự xảy
ra.
Trên thực tế, những khoảnh
khắc thật sự của tình yêu luôn diễn ra trong im lặng. Khi bạn thật sự cảm nhận
tình yêu, chính cảm nhận đó sẽ tạo ra quanh bạn một thứ thần thái có khả năng
diễn đạt tất cả những gì bạn không thể nói ra, những gì không bao giờ được nói.
Nhưng thay vào đó,
chúng ta quản lý mọi thứ, chúng ta biến mọi thứ thành việc làm – và kết quả cuối
cùng là dần dần, thói đạo đức giả trở thành tính cách của chúng ta. Chúng ta
hoàn toàn quên rằng nó là thói đạo đức giả. Và trong tâm trí, trong bản thể của
một kẻ đạo đức giả, những gì thuộc về thế giới vô hành đều không thể xảy ra. Bạn
cứ mãi làm việc, càng ngày càng nhiều, và bạn sẽ trở nên gần giống một con rô-bốt.
Do đó, bất cứ khi nào bạn
bỗng có được một trải nghiệm đang xảy ra, hãy xem nó như là một món quà từ sự
hiện hữu – và hãy biến khoảnh khắc đó thành điềm lành cho một phong cách sống mới.
Mỗi ngày bạn hãy cho phép mình có vài khoảnh khắc không làm gì cả. Hãy cho phép
sự hiện hữu xảy ra với bạn. Và những cánh cửa sổ sẽ bắt đầu mở ra bên trong bạn
– những cánh cửa sẽ kết nối bạn với vũ trụ, với sự bất tử.
Tôi cảm thấy nhiều khi tôi làm là để tránh sự buồn chán. Ngài có
thể nói cho tôi biết về bản chất của những trải nghiệm mà chúng ta gọi là buồn
chán và bất an không?
Sự buồn chán và bất an có
liên quan sâu sắc với nhau. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy buồn chán, bạn cũng cảm
thấy bất an. Sự bất an chính là hệ lụy không tránh khỏi của sự buồn chán.
Hãy tìm cách hiểu quy
trình đó. Bất cứ khi nào cảm thấy buồn chán, bạn đều muốn tránh xa tình huống
đó. Nếu ai đó nói điều gì và bạn cảm thấy chán, bạn sẽ bắt đầu thấy không thoải
mái. Điều này khẳng định rằng bạn muốn tránh xa nơi này, tránh xa con người
này, và tránh xa cuộc nói chuyện vô nghĩa này. Dĩ nhiên, vì lịch sự nên bạn kìm
nén, nhưng cơ thể bạn đã muốn đứng lên – bởi vì cơ thể đáng tin cậy hơn tâm
trí, cơ thể thành thật hơn tâm trí. Tâm trí cố tỏ ra lịch sự, mỉm cười. Bạn
nói: “Thật thú vị!,” nhưng trong lòng bạn lại cho rằng: “Chán quá! Tôi đã nghe
chuyện này quá nhiều lần mà anh vẫn cứ kể đi kể lại?!”
Tôi có nghe một câu
chuyện về người vợ của Albert Einstein… Những người bạn của Albert Einstein đến
chơi, và dĩ nhiên Einstein luôn kể cho họ nghe những giai thoại, những câu chuyện
đùa, và mọi người luôn cười vui vẻ. Nhưng một người bạn nhận thấy rằng mỗi khi
mình đến, và khi Einstein bắt đầu kể chuyện, vợ của Einstein lập tức đan áo hoặc
làm việc gì đó.
Thấy lạ, anh ta hỏi vợ
Einstein: “Sao mỗi khi chồng bà bắt đầu kể chuyện, bà lại đan áo thế?”
Vợ Einstein đáp: “Nếu
không làm gì đó, tôi sẽ khó mà chịu đựng nổi, bởi vì tôi đã nghe những câu chuyện
đó cả ngàn lẻ một lần. Chỉ thỉnh thoảng cậu mới đến, còn tôi thì luôn ở đây. Cứ
có người đến, ông ấy lại kể những câu chuyện giống nhau. Nếu không làm gì đó
khiến cho bận rộn, chắc tôi sẽ phát rồ và tỏ ra bất lịch sự. Do đó, tôi phải
chuyển nó vào trong công việc – nên tôi làm việc để che đi sự khó chịu.”
Bất cứ khi nào cảm thấy
buồn chán, bạn đều thấy bất an. Bất an là dấu hiệu cảnh báo của cơ thể; cơ thể
nói: “Hãy tránh xa chỗ này. Hãy đi đến một nơi nào đó, đừng ở lại đây.” Nhưng
tâm trí cứ luôn mỉm cười, đôi mắt cứ lấp lánh, và bạn nói rằng mình đang nghe
đây, rằng mình chưa từng được nghe câu chuyện nào thú vị như thế. Tâm trí bị
văn minh hóa, còn cơ thể vẫn hoang dại.
Tâm trí thuộc phần người,
cơ thể vẫn là phần con. Tâm trí biết các quy tắc và luật định – cách hành xử và
cách không hành xử. Do đó, ngay cả nếu gặp một kẻ nhàm chán, bạn sẽ nói: “Tôi
vui quá, thật vui được gặp bạn!,” còn tận sâu trong lòng, nếu được phép, bạn sẽ
giết hắn ta! Người đó khiến bạn muốn giết người. Do đó, bạn trở nên không thoải
mái, bạn cảm thấy bất an.
Nếu bạn lắng nghe cơ thể
và bỏ chạy, sự bất an đó sẽ biến mất. Hãy thử xem! Nếu ai đó khiến bạn thấy
chán, hãy nhảy ra khỏi nơi đó và bỏ chạy. Hãy quan sát xem điều gì sẽ xảy ra –
sự bất an của bạn sẽ biến mất, bởi vì sự bất an đó chỉ là tín hiệu cho thấy rằng
năng lượng của bạn không muốn ở đó.
Năng lượng đã di chuyển;
năng lượng đã rời khỏi nơi này. Lúc này, bạn đang đi theo năng lượng đó, cho
nên sự bất an biến mất. Điều cần làm thật sự là hiểu được sự buồn chán, không
phải sự bất an. Sự buồn chán là một hiện tượng rất có ý nghĩa. Chỉ con người mới
cảm thấy chán, các loài vật khác thì không. Bạn không thể khiến một con trâu buồn
chán, không thể nào. Chỉ có con người mới chán bởi vì chỉ có con người mới có
tâm thức. Tâm thức là nguyên nhân. Càng nhạy cảm, càng tỉnh táo, càng nhận thức,
bạn càng cảm thấy chán. Một tâm trí bình thường không cảm thấy chán dễ dàng như
thế. Anh ta sẽ cứ sống, cứ chấp nhận mọi điều xảy ra và cho rằng chúng đều ổn.
Anh ta không thật tỉnh táo. Càng tỉnh táo, càng tươi mới, bạn sẽ càng cảm thấy
như thể một tình huống nào đó cứ lặp lại, như thể một tình huống nào đó không
thể chịu đựng nổi, như thể một tình huống nào đó thật bốc mùi. Càng nhạy cảm, bạn
càng dễ cảm thấy chán.
Sự buồn chán là dấu hiệu
của tính nhạy cảm. Cây cối không chán, các loài thú không chán, hòn đá không
chán – bởi vì chúng không đủ nhạy cảm. Đây là một trong những hiểu biết cơ bản
về sự buồn chán của bạn – nó xảy ra bởi vì bạn nhạy cảm.
Đức Phật không buồn
chán. Bạn không thể khiến Đức Phật buồn chán. Nếu muốn vượt ra khỏi sự buồn
chán, bạn sẽ phải trở nên hoàn toàn tinh nhạy. Nếu bạn trở nên giống như loài
thú, sự buồn chán cũng sẽ biến mất, nhưng bạn không trở nên tinh nhạy. Bạn sống
ở mức tối thiểu, chỉ cần đủ nhận thức cho một cuộc sống diễn ra theo thói quen
ngày qua ngày.
Bạn sẽ thấy những người
trí thức, những người nghĩ quá nhiều, sẽ buồn chán hơn – bởi vì họ tư duy, và
trong quá trình tư duy của mình, họ nhận thấy rằng điều gì đó cứ lặp lại. Cuộc
sống của bạn toàn những điều được lặp lại. Mỗi sáng, bạn thức dậy theo cách hầu
như giống hệt cách bạn đã làm suốt cuộc đời mình. Bạn dùng bữa sáng cũng theo
cách gần như tương tự. Sau đó, bạn đi làm – tại văn phòng đó, cùng với những
con người đó, cùng công việc đó. Rồi bạn trở về nhà – với người vợ, người chồng,
người tình đó. Nếu bạn cảm thấy buồn chán, điều đó là tự nhiên. Thật khó để bạn
nhìn thấy sự mới mẻ nào trong đó; mọi thứ dường như đã cũ, đã phủ đầy bụi.
Có một câu chuyện như
sau:
Một ngày kia, Mary
Jane, bạn rất thân của một nhà môi giới giàu có, vui vẻ mở cửa, rồi đột nhiên
đóng lại khi thấy người đứng ngoài cửa là vợ của người tình cô ta. Người vợ đứng
tựa người vào cánh cửa và nói: “Ồ, hãy để tôi vào nhà, bạn thân mến. Tôi không
định gây chuyện, tôi chỉ muốn có một cuộc trao đổi thân mật nho nhỏ thôi.”
Với tâm trạng khá căng
thẳng, Mary Jane để người vợ vào nhà, rồi thận trọng nói: “Cô muốn gì?”
“Không có gì nhiều,” người
vợ vừa nhìn quanh nhà vừa trả lời. “Tôi chỉ muốn cô trả lời một câu hỏi thôi.
Hãy nói xem, chỉ hai ta biết thôi, cô nhìn thấy điều gì ở tên khốn đó?”
Chính người chồng đó trở
thành tên khốn mỗi ngày; chính người vợ đó… bạn gần như quên mất diện mạo của
cô ấy. Nếu được yêu cầu nhắm mắt và nhớ lại khuôn mặt của người vợ, bạn sẽ
không thể nào nhớ nổi. Nhiều phụ nữ khác sẽ choán hết tâm trí của bạn, những
người hàng xóm, không phải vợ của bạn. Toàn bộ mối quan hệ đó đã không ngừng lặp
lại. Bạn làm tình với vợ, ôm vợ, hôn vợ, nhưng lúc này, đó là những hành động,
cử chỉ trống rỗng. Vẻ rực rỡ, huy hoàng đã biến mất trước đó từ lâu.
Cuộc hôn nhân gần như kết
thúc vào thời điểm tuần trăng mật kết thúc, sau đó bạn cứ tiếp tục giả vờ.
Nhưng đằng sau những hành động giả vờ này là một sự buồn chán ghê gớm. Hãy quan
sát những người đi lại trên phố, bạn sẽ thấy họ hoàn toàn buồn chán. Mọi người
đều buồn chán, buồn muốn chết. Hãy nhìn vào khuôn mặt họ – ở họ không toát lên
niềm vui, niềm thích thú nào. Hãy nhìn vào mắt họ – chúng phủ đầy bụi, không
ánh lên tia sáng hạnh phúc nào từ bên trong. Họ đi từ văn phòng về nhà, từ nhà
đến văn phòng, và dần dần cả cuộc đời trở thành một thói quen máy móc, lặp lại
không ngừng. Và rồi một ngày kia họ chết… gần như lúc nào mọi người cũng đều chết
mà chưa từng được sống.
Người ta cho rằng triết
gia người Anh Bertrand Russell đã từng nói: “Khi nghĩ lại, tôi không tìm thấy
được nhiều khoảnh khắc trong đời khi tôi thật sự sống, thật sự bùng cháy.” Liệu
bạn có thể nhớ được mình có bao nhiêu khoảnh khắc thật sự bùng cháy trong đời?
Điều đó hiếm khi xảy ra. Bạn mơ về những khoảnh khắc này, bạn tưởng tượng về những
khoảnh khắc này, bạn hy vọng về những khoảnh khắc này, nhưng chúng gần như
không xảy ra. Cho dù chúng xảy ra, sớm muộn gì chúng cũng trở thành mô hình lặp
đi lặp lại. Khi đem lòng yêu một người, bạn cảm nhận điều kỳ diệu đã xảy ra,
nhưng dần dần điều kỳ diệu đó biến mất và mọi thứ trở thành thói quen hằng
ngày.
Sự buồn chán là tâm thức
lặp lại. Bởi vì các loài thú không nhớ về quá khứ nên chúng không cảm thấy buồn
chán. Chúng không có khả năng nhớ về quá khứ, do đó chúng không cảm nhận sự lặp
lại. Con trâu ăn cùng đám cỏ mỗi ngày với cùng niềm vui. Nhưng bạn không thể –
làm sao bạn có thể ăn chỗ cỏ tương tự mỗi ngày với cùng niềm vui được? Bạn sẽ
phát chán lên. Cho nên con người mới tìm cách thay đổi. Họ dọn đến một ngôi nhà
mới, họ mua một chiếc xe hơi mới, họ ly hôn người chồng cũ, họ tìm kiếm người yêu
mới – nhưng một lần nữa, cái mới đó sớm muộn gì cũng sẽ trở thành cũ và được lặp
lại. Việc thay đổi địa điểm, thay người yêu, thay nhà sẽ không thay đổi được điều
gì cả.
Và bất cứ khi nào một
xã hội trở nên thật buồn chán, con người bắt đầu di chuyển từ thành phố này đến
thành phố khác, từ công việc này đến công việc khác, từ người vợ này đến người
vợ khác – nhưng sớm muộn gì họ cũng nhận ra rằng tất cả những điều này đều vô
nghĩa. Điều tương tự sẽ lại xảy ra với mọi người, mọi ngôi nhà, mọi chiếc xe.
Vậy chúng ta phải làm
gì đây? Hãy nhận biết hơn. Đó không phải là việc thay đổi hoàn cảnh. Hãy biến đổi
bản thể của bạn, trở nên nhận biết hơn. Nếu trở nên nhận biết hơn, bạn sẽ có thể
nhận thấy rằng mỗi khoảnh khắc đều mới mẻ. Nhưng để làm được điều đó, bạn cần
thật nhiều năng lượng – một nguồn năng lượng tâm thức to lớn.
Hãy nhớ, người vợ không
còn như trước. Bạn đang bị ảo giác. Hãy trở về nhà và nhìn vợ bạn một lần nữa –
cô ấy không còn như cũ. Không ai còn như cũ; chỉ có vẻ ngoài đánh lừa bạn.
Cây cối không thể giống
như chính nó của ngày hôm qua. Làm sao chúng có thể như vậy được? Chúng đã phát
triển. Nhiều chiếc lá đã rụng, những chiếc lá mới đã mọc. Hãy nhìn vào hàng cây
trên phố – bao nhiêu chiếc lá mới đã mọc? Mỗi ngày, những chiếc lá cũ rụng đi
và lá mới thay thế. Nhưng bạn không nhận biết được.
Hoặc bạn không có tâm
thức, khi đó bạn sẽ không cảm nhận được sự lặp lại. Hoặc bạn có thật nhiều tâm
thức đến mức có thể nhìn thấy điều gì đó mới mẻ trong mỗi lần lặp lại. Có hai
cách để thoát khỏi sự buồn chán.
Việc thay đổi những thứ
bên ngoài sẽ không giúp ích được gì. Nó giống như thay đồ nội thất trong căn
phòng của bạn vậy. Dù cho bạn làm gì – đặt nó theo cách này hay cách khác – nó
vẫn là món đồ nội thất đó. Có nhiều người suốt ngày nghĩ cách quản lý mọi việc,
chẳng hạn như đặt chúng ở đâu, sắp xếp như thế nào – và họ cứ mãi thay đổi mọi
thứ theo ý của họ. Nhưng vẫn là căn phòng đó, vẫn là đồ nội thất đó. Bạn có thể
lừa dối bản thân theo cách này được bao lâu? Dần dần mọi thứ sẽ ổn định, sự mới
mẻ sẽ biến mất.
Bạn không có được kiểu
tâm thức với khả năng không ngừng tìm thấy cái mới. Đối với một tâm trí đần độn,
mọi thứ đều cũ; đối với một tâm trí hoàn toàn sống động, không có gì là cũ dưới
ánh mặt trời, không thể cũ được. Mọi thứ đều tuôn tràn. Mọi người đều là một
dòng chảy, giống như dòng sông. Con người không phải là những vật thể chết, làm
sao họ có thể luôn như cũ? Bạn sẽ không thay đổi chăng? Giữa khoảng thời gian từ
lúc bạn thức dậy vào buổi sáng và ra khỏi nhà, và thời điểm bạn trở về nhà, rất
nhiều thứ đã xảy ra. Một vài suy nghĩ đã biến mất khỏi đầu bạn, một vài suy
nghĩ khác đã xuất hiện. Có lẽ bạn đã đạt được một tầm hiểu biết mới. Bạn không
thể quay trở về giống như lúc bạn rời khỏi nhà. Dòng sông không ngừng tuôn chảy;
nó trông như cũ nhưng nó đã thay đổi. Heraclitus từng nói rằng bạn không thể tắm
hai lần trên cùng một dòng sông, bởi vì dòng sông luôn thay đổi.
Một mặt, bạn không thể
như cũ; mặt khác, mọi thứ luôn thay đổi… nhưng khi đó, bạn phải sống ở đỉnh cao
tâm thức. Hoặc hãy sống như Đức Phật, hoặc hãy sống như con trâu, khi đó bạn sẽ
không thấy buồn chán. Lúc này, lựa chọn là ở bạn.
Tôi chưa bao giờ nhìn
thấy ai không thay đổi cả. Tôi luôn thấy bất ngờ bởi sự mới mẻ mà bạn mang đến
mỗi ngày. Có lẽ bạn không nhận biết về nó. Do đó bạn mới thấy bất ngờ. Tôi sẽ kể
cho bạn nghe một câu chuyện sau:
Một người đàn ông bước
vào quán rượu, đắm chìm trong suy nghĩ. Anh ta quay sang hỏi một người phụ nữ
tình cờ đi qua: “Xin lỗi, cô có thời gian không?”
Cô gái đáp bằng chất giọng
the thé: “Sao anh dám nói như thế với tôi!”
Người đàn ông bất ngờ
nhìn quanh và nhận ra rằng mọi cặp mắt trong quán đều đổ dồn về phía mình. Anh
ta thì thầm: “Tôi chỉ hỏi thời gian/giờ thôi mà.”
Cô gái thậm chí hét to
hơn: “Tôi sẽ gọi cảnh sát nếu anh còn nói thêm một lời nào nữa!”
Tóm vội đồ uống và cảm
thấy xấu hổ đến chết, người đàn ông đi vội tới chiếc bàn cuối phòng và ngồi xuống,
nín thở, rồi tự hỏi làm cách nào để chuồn thật nhanh ra khỏi cửa. Chưa đầy nửa
phút sau, cô gái lúc nãy đến ngồi cùng. Bằng giọng thật nhẹ, cô ta nói: “Tôi vô
cùng xin lỗi vì đã khiến anh xấu hổ, nhưng tôi hiện là sinh viên khoa tâm lý học.
Tôi đang làm luận văn về phản ứng của con người trước những tuyên bố bất ngờ,
gây sốc.”
Người đàn ông chăm chú
nhìn cô gái trong ba giây, rồi ngả người ra ghế và nói thật to: “Cô sẽ làm tất
cả điều đó cho tôi, suốt đêm, chỉ với hai đô-la chứ?”
Và người ta kể rằng cô
gái đó lăn ra bất tỉnh.
Có lẽ chúng ta không
cho phép tâm thức của mình lên cao hơn nữa bởi vì khi đó cuộc sống sẽ luôn có bất
ngờ. Có khả năng là bạn không thể nào kiểm soát được nó. Đó là lý do vì sao bạn
đã lựa chọn tâm trí đần độn, không đầu tư gì cho nó. Không phải vô duyên vô cớ
mà bạn đần độn, bạn đần độn vì một mục đích nào đó – nếu bạn thật sự sống, mọi
thứ sẽ bất ngờ và gây sốc. Nếu bạn vẫn cứ đần độn, không có gì khiến bạn ngạc
nhiên. Bạn càng đần độn, cuộc sống dường như càng trì trệ. Nếu bạn trở nên tỉnh
thức hơn, cuộc sống cũng sẽ trở nên sống động hơn, đáng yêu hơn, và sẽ có khó
khăn trong đó.
Bạn luôn sống với những
kỳ vọng chết. Mỗi ngày, bạn về nhà và mong đợi một cách hành xử nhất định từ
người vợ. Lúc này, hãy nhìn xem cách bạn đã tạo ra đau khổ cho chính mình: bạn
kỳ vọng một cách hành xử cố định từ chồng/vợ bạn trong khi vẫn mong muốn người
chồng/vợ đó phải mới mẻ. Bạn đang đòi hỏi những điều không thể! Nếu bạn thật sự
muốn người chồng, người vợ, người yêu của mình luôn mới mẻ với bạn, đừng kỳ vọng.
Hãy trở về nhà với tâm trạng luôn sẵn sàng ngạc nhiên, thậm chí sốc, khi đó người
kia sẽ trở nên mới mẻ.
Nhưng thay vào đó,
chúng ta lại mong đợi người kia phải đáp ứng được những kỳ vọng nhất định. Và bản
thân chúng ta không bao giờ cho phép người khác biết được sự tươi mới không ngừng
tuôn tràn của mình. Chúng ta cứ mãi che giấu, chúng ta không bộc lộ chính mình,
bởi vì người khác có thể không thấy được nó. Cả chồng lẫn vợ đều kỳ vọng đối
phương hành xử theo một cách nào đó, và dĩ nhiên mỗi người đều hoàn thành vai diễn
của mình. Họ không phải đang sống, họ đang thực hiện vai diễn của mình. Người
chồng về nhà, buộc mình vào một vai diễn nào đó. Vào thời điểm bước chân về
nhà, anh ta không còn là một người sống động, anh ta chỉ là một người chồng.
Việc làm chồng đồng nghĩa
với một cách hành xử nhất định nào đó. Ở nhà, người phụ nữ là vợ, còn người đàn
ông là chồng. Khi hai người gặp nhau, thật sự là có đến bốn người – người chồng
và người vợ, không phải những con người thật mà đang thực hiện vai diễn, đang
đeo mặt nạ với những cách hành xử, nghĩa vụ được kỳ vọng, còn hai người thật
đang ẩn sau những lớp mặt nạ đó. Hai người thật đó cảm thấy buồn chán.
Nhưng bạn đã đầu tư nhiều
vào nhân dạng giả, vào chiếc mặt nạ của mình. Nếu bạn thật sự muốn sống một cuộc
sống không buồn chán, hãy từ bỏ tất cả những chiếc mặt nạ, hãy chân thật. Đôi
lúc điều đó thật khó. Tôi biết, nhưng nó xứng đáng. Hãy chân thật. Nếu bạn cảm
thấy yêu vợ của mình, hãy yêu cô ấy. Bằng không, hãy nói rằng bạn không cảm thấy
thích. Những gì đang diễn ra lúc này là người chồng cứ làm tình với vợ trong
khi lại nghĩ về một cô diễn viên nào đó. Trong trí tưởng tượng của người chồng,
anh ta không chỉ đang làm tình với người phụ nữ này mà còn với người phụ nữ
khác. Và điều này cũng tương tự với người vợ. Khi đó, mọi thứ trở nên buồn chán
bởi vì chúng không còn sống động. Sự hào hứng, cảm xúc mãnh liệt sẽ không còn nữa.
Chuyện xảy ra trên sân
ga. Ông Johnson đánh vật với một trong những chiếc máy đoán vận may và nhận được
lá bài tướng số của mình. Bà Johnson giật ngay lá bài từ tay chồng và nói: “Để
xem nào. Ồ, lá bài nói rằng ông là một người vững vàng và kiên quyết, có một
tính cách quyết đoán, là người lãnh đạo, và rất có sức hút đối với phụ nữ.” Sau
đó, bà ấy lật lá bài lại và ngắm nghía nó một lúc, rồi nói: “Liệu họ có đoán nhầm
không.”
Không một người phụ nữ
nào chịu đựng được việc chồng của mình chú ý đến những người phụ nữ khác. Toàn
bộ mấu chốt của vấn đề là ở đó. Nếu người chồng không bị hấp dẫn bởi những người
phụ nữ khác, làm sao người vợ có thể kỳ vọng mình sẽ hấp dẫn được anh ta? Nếu
thấy những người phụ nữ khác hấp dẫn, chỉ khi đó người chồng mới thấy vợ của
mình hấp dẫn, bởi vì cô ấy cũng là phụ nữ. Người vợ muốn người chồng chỉ bị cô ấy
hấp dẫn, không ai khác. Lúc này, đây chính là yêu cầu vô lý. Cứ như thể bạn
nói: “Anh chỉ được phép thở khi ở cạnh tôi, còn khi đến gần người khác, anh
không được phép thở. Làm sao anh dám thở ở bất cứ nơi nào khác?” Chỉ thở khi có
người vợ ở đó, chỉ thở khi có người chồng ở đó, và đừng thở ở bất cứ nơi nào khác.
Dĩ nhiên, nếu làm thế, bạn sẽ chết, và bạn cũng sẽ không thở trước mặt vợ hoặc
chồng của mình.
Tình yêu phải là con đường
của cuộc sống. Bạn phải yêu thương. Chỉ khi đó bạn mới có thể yêu vợ của bạn hoặc
chồng của bạn. Nhưng người vợ nói: “Không, anh không được nhìn ai khác với ánh
mắt yêu thương đó.” Dĩ nhiên, bạn tìm cách kiểm soát chính mình, bởi vì nếu bạn
không làm vậy, nó sẽ gây hại – nhưng dần dần, sự lấp lánh trong ánh mắt của bạn
sẽ biến mất. Nếu không nhìn bất kỳ nơi nào khác bằng tình yêu, dần dần bạn cũng
không thể nhìn vợ của mình bằng tình yêu. Khả năng đó sẽ biến mất. Và điều này
cũng xảy ra với người vợ. Điều này cũng xảy ra với toàn thể loài người. Khi đó,
cuộc sống sẽ buồn chán; khi đó, mọi người đều đang chờ đợi cái chết; khi đó sẽ
có những người luôn nghĩ đến việc tự sát.
Marcel từng nói rằng vấn
đề siêu hình duy nhất mà loài người đang đối mặt là việc tự sát. Đúng là thế, bởi
vì người ta quá buồn chán. Cuộc sống dường như không mang lại điều gì cả, toàn
bộ ý nghĩa của nó dường như không còn nữa – nhưng người ta vẫn cứ kéo lê cuộc sống,
hy vọng rằng một ngày nào đó phép mầu sẽ xảy ra và mọi thứ sẽ ổn. Nó không bao
giờ xảy ra. Bạn phải là người tự khiến cho nó ổn; không ai làm điều đó thay bạn.
Không có Đấng Cứu thế nào xuất hiện, đừng chờ đợi.
Bạn phải là ánh sáng
soi rọi chính mình. Hãy sống một cách chân thật hơn. Hãy từ bỏ những chiếc mặt
nạ; chúng đang đè nặng lên trái tim bạn. Hãy từ bỏ tất cả những thứ giả dối.
Hãy bộc lộ chính mình. Dĩ nhiên, bạn sẽ gặp rắc rối, nhưng rắc rối đó xứng đáng
bởi vì chỉ qua rắc rối đó bạn mới phát triển và trưởng thành hơn. Và khi đó,
không gì kìm hãm cuộc sống nữa. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, cuộc sống sẽ tự bộc lộ
sự mới mẻ của nó, đó là phép màu đang diễn ra quanh bạn – chỉ có bạn là đang nấp
sau những thói quen chết chóc.
Hãy trở thành Phật nếu
bạn không muốn buồn chán. Hãy sống mỗi khoảnh khắc một cách hoàn toàn tỉnh táo,
bởi vì chỉ hoàn toàn tỉnh táo bạn mới có thể từ bỏ chiếc mặt nạ. Bạn đã hoàn
toàn quên mất khuôn mặt thật của mình. Ngay cả khi đứng trước gương trong phòng
tắm một mình, bạn sẽ không thấy ai ở đó. Ngay cả khi đứng trước gương, bạn cũng
không nhìn thấy khuôn mặt nguyên thủy của mình trong đó. Cũng từ đó, bạn tiếp tục
lừa dối chính mình.
Sự hiện hữu luôn sẵn
sàng với những ai cũng sẵn sàng. Và khi đó, tôi có thể nói với bạn rằng sẽ
không có sự buồn chán. Cuộc sống là niềm vui bất tận. Ngài có thể chia sẻ thêm
về hàm ý mà ngài muốn nói về sự thân mật không? Đặc biệt khi cả hai đang cùng
nhau vượt qua những thời khắc khó khăn trong một cuộc hôn nhân hoặc một mối
quan hệ tình cảm, khi nào là tích cực và khi nào là tiêu cực?
Hôn nhân là cách né
tránh sự thân mật. Việc tạo ra một mối quan hệ chính thức là một trò lừa. Sự
thân mật là không chính thức. Nếu hôn nhân nảy sinh từ sự thân mật, điều đó thật
đẹp, nhưng nếu hy vọng rằng sự thân mật sẽ bắt nguồn từ hôn nhân, bạn đang mơ
hão. Dĩ nhiên, tôi biết nhiều người, hàng triệu người, đã chọn hôn nhân thay vì
sự thân mật – bởi vì sự thân mật là phát triển và gây đau đớn.
Hôn nhân là thứ rất đảm
bảo. Nó an toàn. Không có gì phát triển trong đó. Bạn chỉ mắc kẹt trong đó. Hôn
nhân là sự sắp đặt về mặt tình dục; còn sự thân mật là tìm kiếm tình yêu. Cuộc
sắp đặt đó có lợi về mặt kinh tế, không thuộc về tâm lý, không thuộc về trái
tim.
Hãy nhớ, nếu hôn nhân bắt
nguồn từ sự thân mật, điều đó thật đẹp. Điều đó có nghĩa là mọi người nên sống
cùng nhau trước khi kết hôn. Tuần trăng mật không nên xảy ra sau khi kết hôn,
nó nên xảy ra trước đó. Bạn nên sống cùng nhau qua những đêm tối, những ngày
tươi đẹp, những khoảnh khắc vui buồn. Bạn nên nhìn thật sâu vào mắt nhau, vào bản
thể của nhau.
Làm cách nào phân biệt
được điều đó? Nếu sự thân mật của bạn giúp bạn phát triển và trưởng thành, khi
đó nó là tích cực, lành mạnh và tốt cho bạn. Nếu nó mang tính phá hoại, không
cho phép bạn trưởng thành – thay vào đó, nó khiến bạn cứ mãi nông nổi, trẻ con
– khi đó nó là tiêu cực. Mối quan hệ nào khiến bạn cứ mãi trẻ con là mối quan hệ
tiêu cực. Hãy thoát khỏi nó. Mối quan hệ nào mang đến cho bạn thử thách để phát
triển, để bước vào hành trình mạo hiểm, để đi sâu hơn vào cuộc sống… Tôi không
nói rằng một cuộc hôn nhân hay một mối quan hệ tích cực sẽ không chứa đựng vấn
đề, nó sẽ có nhiều vấn đề hơn so với mối quan hệ tiêu cực. Một mối quan hệ tích
cực sẽ có nhiều vấn đề hơn bởi vì mỗi ngày, thử thách mới sẽ xuất hiện. Nhưng mỗi
khi giải quyết được một vấn đề, bạn sẽ bước lên một tầng nấc cao hơn; mỗi khi chấp
nhận một thử thách, bạn sẽ nhận thấy điều gì đó đã được củng cố trong bản thể của
bạn.
Một mối quan hệ tiêu cực
không chứa đựng vấn đề – hoặc cùng lắm là những vấn đề giả, không thật. Bạn
không nhìn thấy sao? Vợ chồng cãi nhau về những điều nhỏ nhặt. Chúng không phải
là những vấn đề thật sự, ngay cả nếu bạn cãi nhau về chúng, chúng cũng không
mang lại điều gì cả, chúng không giúp ích cho sự phát triển của bạn. Hãy quan
sát những người vợ, những người chồng, hãy quan sát chính bạn. Bạn có thể là một
người vợ, hoặc một người chồng – chỉ cần quan sát. Nếu vẫn còn cãi nhau về những
điều nhỏ nhặt – những thứ chẳng có ý nghĩa gì – bạn vẫn mãi trẻ con và chưa trưởng
thành.
Những vấn đề thật sự,
những vấn đề có thật, mà bạn phải đối mặt, sẽ tạo ra sự xáo trộn lớn trong bản
thể của bạn; chúng sẽ mang đến một cơn gió xoáy. Bạn phải đối mặt với chúng, và
đừng bao giờ né tránh. Những vấn đề nhỏ nhặt là cách để thoát khỏi những vấn đề
thật sự. Vợ chồng cãi nhau về những điều rất nhỏ, chẳng hạn như nên hoặc không
nên xem phim nào, mua xe màu gì, kiểu gì, của hãng nào; đi ăn tối ở nhà hàng
nào. Thật vặt vãnh! Những điều này không tạo nên sự khác biệt nào. Bạn cứ quan
trọng hóa những điều như thế và quá tập trung vào chúng, mối quan hệ của bạn sẽ
không giúp ích được gì hoặc không mang đến cho bạn sự trọn vẹn, sự tập trung
nào. Tôi gọi đó là mối quan hệ tiêu cực.
Mối quan hệ tích cực sẽ
đối mặt với những vấn đề thật sự. Chẳng hạn như, nếu thấy buồn hoặc tức giận, bạn
sẽ buồn trước mặt người vợ, bạn sẽ không cố gượng cười. Và bạn sẽ nói: “Anh thấy
buồn.” Bạn phải đối mặt với nó. Nếu đang đi với vợ của bạn trên phố, bạn nhìn
thấy một phụ nữ đẹp đi qua và trong lòng bạn thấy khao khát, bạn sẽ nói với vợ
rằng người phụ nữ này khiến bạn khao khát. Bạn sẽ không né tránh cô ấy. Bạn sẽ
không đưa mắt đi chỗ khác hoặc vờ như không nhìn thấy người phụ nữ đó – dù bạn
có giả vờ hay không, vợ bạn cũng đã nhận thấy! Làm sao cô ấy có thể không biết
được khi bỗng nhiên, năng lượng của bạn, sự hiện diện của bạn thay đổi. Đây là
những vấn đề thật sự.
Kết hôn với một người
phụ nữ không có nghĩa là bạn không còn quan tâm đến bất kỳ người phụ nữ nào
khác. Trên thực tế, vào ngày bạn không còn quan tâm đến một người phụ nữ nào
khác, bạn cũng sẽ không còn quan tâm đến vợ bạn. Vì sao ư? Vì lý do gì ư? Vợ bạn
có gì đặc biệt chứ? Nếu không còn quan tâm đến phụ nữ, bạn cũng sẽ không còn
quan tâm đến vợ của bạn. Bạn yêu vợ bạn bởi vì bạn yêu phụ nữ. Vợ bạn là phụ nữ.
Và đôi khi, bạn tình cờ gặp một người phụ nữ khác, người khiến bạn thích thú. Bạn
sẽ nói ra điều đó và đối mặt với sự xáo trộn. Nó không còn là việc nhỏ nhặt – bởi
vì nó sẽ làm nảy sinh sự ghen tuông, mâu thuẫn, nó sẽ xáo trộn sự bình yên của
bạn và bạn không thể ngủ được. Người vợ sẽ ném gối vào bạn!
Sống chân thật sẽ tạo
ra những vấn đề thật sự. Sống đúng với bản chất sẽ tạo ra những vấn đề thật sự.
Và trong bất cứ trường hợp nào – đừng bao giờ do dự, đừng bao giờ ngoảnh mặt
đi. Hãy nhìn thẳng và chân thật, đồng thời giúp người chồng hoặc người vợ của bạn
cũng trở nên chân thật.
Đúng vậy, sự thân mật
chứa đựng nhiều vấn đề, nhiều vấn đề hơn so với trạng thái tiêu cực. Nếu thật sự
thân mật với chồng hoặc vợ của mình, làm sao bạn có thể né tránh thực tế rằng bạn
quan tâm đến người khác? Bạn phải nói ra. Đó là một phần của tình yêu, một phần
của sự thân mật. Bạn phải hoàn toàn phơi bày chính mình và đừng giữ lại điều gì
cả. Ngay cả khi ngủ và mơ về người khác, bạn cũng có thể kể về nó với chồng hoặc
vợ bạn vào sáng hôm sau.
Tôi có nghe câu chuyện
về một đạo diễn phim. Suốt đêm, anh ta trò chuyện với bạn gái trong giấc ngủ,
và nói ra thành tiếng. Anh ta nói những điều thật đẹp và người vợ thức giấc. Cô
ấy nhìn chằm chằm vào anh ta, lắng nghe xem anh ta đang nói gì. Khi bạn kết
hôn, ngay cả trong giấc mơ, bạn cũng sợ vợ, do đó anh ta đột nhiên choàng tỉnh
và cảm thấy sợ: “Mình đang nói gì vậy?” Cảm thấy vợ đang nhìn mình dù không mở
mắt để cô ấy không biết rằng mình đã thức, anh ta nói: “Cắt! Chuẩn bị cho phân
cảnh tiếp theo…” như thể anh ta đang chỉ đạo diễn xuất trong phim!
Nếu thật sự yêu người
phụ nữ của mình, vào sáng hôm sau, bạn sẽ kể cho cô ấy nghe về giấc mơ đêm qua.
Mọi thứ phải được chia sẻ. Toàn bộ trái tim phải được chia sẻ. Thân mật có
nghĩa là không còn gì riêng tư. Bạn không giữ lại gì riêng vào lúc này – ít nhất
là với người mà bạn thân mật, bạn từ bỏ sự riêng tư của mình. Bạn trống trơn,
trần truồng – tốt, xấu, bất kể như thế nào, bạn cởi mở trái tim của mình. Và
cho dù bạn phải trả bằng bất cứ giá nào, cho dù bạn phải trải qua những rắc rối
nào, điều đó sẽ giúp bạn phát triển.
Đồng thời bạn cũng giúp
người kia từ bỏ những chiếc mặt nạ, những mặc cảm, tự ti, đè nén. Trong một mối
quan hệ thân mật, bạn sẽ thấy được khuôn mặt thật của người kia và người kia sẽ
thấy được khuôn mặt thật của bạn. Nếu một mối quan hệ giúp bạn tìm thấy khuôn mặt
thật, đó là thiền, đó là tâm linh. Nếu mối quan hệ của bạn chỉ giúp bạn tạo ra
ngày càng nhiều những chiếc mặt nạ và thói đạo đức giả, đó là phi tôn giáo.
Hãy cố hiểu định nghĩa
của tôi. Nếu hiểu được định nghĩa của tôi, bạn sẽ thấy chín mươi chín trong số
một trăm cuộc hôn nhân đều phi tôn giáo, bởi vì chúng chỉ tạo ra những thứ giả
mạo. Sự giả mạo đó bắt đầu ngay từ đầu. Có một câu chuyện như sau:
Nhìn cô dâu chú rể đứng
đối diện nhau, rồi lướt nhìn đám đông tham dự buổi lễ, mục sư cất giọng: “Nếu
có ai phản đối cuộc hôn nhân này, hãy lên tiếng ngay bây giờ hoặc mãi mãi im lặng.”
“Tôi có điều muốn nói,”
một giọng to rõ cất lên.
“Cậu im đi!” vị mục sư
càu nhàu. “Cậu là chú rể mà.”
Ngay từ đầu! Họ thậm
chí còn chưa kết hôn. Và đó là cách bắt đầu của cuộc sống hôn nhân. Mọi người
luôn im lặng. Họ không nói gì cả. Họ không nói sự thật. Họ giả vờ bằng những lời
nói dối. Họ mỉm cười khi không muốn cười, họ hôn khi không muốn hôn. Lẽ tự
nhiên là nếu hôn khi bạn không muốn, nụ hôn đó sẽ trở thành độc dược. Dĩ nhiên
là nếu cười khi bạn không muốn cười, nụ cười đó xấu xí, nụ cười đó có tính chất
ngoại giao. Và trong chừng mực nào đó, bạn quen với những điều này, bạn thỏa hiệp
với cái giả mạo, với những thứ không thật của cuộc sống. Và bạn tự an ủi bản
thân theo ngàn lẻ một cách.
“Ồ, chúng tôi rất hạnh
phúc,” người chồng khẳng định. “Dĩ nhiên, thỉnh thoảng vợ tôi có ném bát đĩa
vào tôi. Nhưng điều đó chẳng thay đổi được gì, bởi vì nếu cô ấy đánh tôi, cô ấy
vui, còn nếu cô ấy không đánh được tôi, tôi vui!”
Dần dần, bạn đi đến một
thỏa thuận – cả hai đều vui.
Chiếc xe mà một đôi vợ
chồng lớn tuổi đang lái bị rơi xuống vách núi. Đó là một tai nạn kinh hoàng.
“Tôi đang ở đâu?” người
chồng rên rỉ mở mắt hỏi. “Trên thiên đường ư?”
“Không,” người vợ đáp.
“Tôi vẫn còn ở cạnh ông đây.”
Những sự thỏa hiệp đó
là địa ngục. Những gì bạn biết được dưới danh nghĩa mối quan hệ tình cảm chỉ là
một trò chơi chứa đầy sự giả dối và thói đạo đức giả. Do đó, nếu bạn ngày càng
phát triển thành một cá thể độc lập; nếu cuộc sống diễn ra quanh bạn nhiều hơn;
nếu bạn cởi mở hơn; nếu bạn cảm nhận nhiều vẻ đẹp hơn; nếu trái tim bạn chan chứa
thơ ca; nếu tình yêu, lòng trắc ẩn ngày càng tuôn tràn trong bạn; nếu bạn trở
nên tỉnh thức hơn, khi đó mối quan hệ của bạn sẽ ổn. Cứ tiếp tục như thế. Khi
đó, nó không phải là một cuộc hôn nhân nữa. Khi đó, nó là sự thân mật.
Nhưng nếu điều ngược lại
xảy ra; nếu toàn bộ chất thơ biến mất và cuộc sống trở nên dung tục; nếu toàn bộ
tình yêu biến mất và cuộc sống trở thành gánh nặng chết chóc; nếu tất cả những
ca khúc không còn nữa và bạn chỉ sống như một nghĩa vụ, khi đó, tốt hơn hết là
thoát khỏi ngục tù này. Cách đó tốt cho bạn và cho cả người mà bạn đang chung sống.
Tôi cảm thấy thật sự bối
rối. Ngài nói với tôi rằng tôi là một kẻ hoàn toàn lập dị khi ở cùng Om, nhưng
vẫn còn điều gì đó thật mạnh mẽ khiến tôi muốn duy trì mối quan hệ này. Nếu điều
đó thật sự đưa tôi đến với trạng thái cô đơn, không có mối quan hệ tình cảm,
tôi tuyệt đối không chấp nhận được. Nếu điều đó có nghĩa là mối quan hệ của tôi
với Om đang cản đường, thật quá đau lòng dù chỉ cảm nhận nó. Đó là gì mà sao
tôi vẫn chưa hiểu được?
Latifa, vấn đề không phải
là bạn không hiểu, mà là bạn có quá nhiều ý nghĩ của riêng bạn vốn chẳng liên
quan gì đến tôi. Do đó, tôi cần làm rõ một điều là tôi không phản đối bất kỳ mối
quan hệ nào hết, đặc biệt là bạn và Om, cả hai quá hợp nhau.
Xuất phát từ lòng trắc ẩn,
tôi muốn hai người ở cùng nhau, bám vào nhau cho dù chuyện gì xảy ra – còn gì
có thể xảy ra nữa đây? Cậu ấy đã trở thành một quả dừa – đã đến cuối con đường.
Còn bạn là kẻ lập dị. Hãy ở cạnh nhau, đó là một sự kết hợp thú vị! Đúng vậy, sẽ
có tranh cãi, nhưng cũng sẽ có những khoảnh khắc yêu thương. Bạn quá gắn bó với
cậu ấy và cậu ấy cũng quá gắn bó với bạn. Đó là điều luôn xảy ra khi những kẻ lập
dị phải lòng nhau. Khi đó, dù có gây họa cho nhau đến mức nào thì họ vẫn ở bên
nhau. Địa ngục đó chính là thiên đường của họ.
Tôi không phản đối mối
quan hệ của bạn. Điều tôi muốn nói là Om hãy thoát khỏi quả dừa và trở lại làm
người, còn bạn hãy thoát khỏi cái vẻ lập dị kiểu Đức để làm một con người – để
kết nối như một con người, để yêu thương như một con người. Tôi sẽ là người cuối
cùng làm xáo trộn tình yêu của người khác. Nếu có xáo trộn, tôi chỉ xáo trộn để
đưa bạn lên cao hơn một chút, để đưa tình yêu của bạn đến với những không gian
thú vị hơn.
Bạn đã hiểu sai hoàn
toàn, nhưng đó là điều có thể hiểu được. Tôi chờ câu hỏi của bạn. Tôi có thể tự
viết ra câu hỏi, bởi vì tôi biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí của hai con
người kỳ lạ này. Và chính bạn đã nói với tôi rằng kể từ khi Om đến Goa, bạn đã
tận hưởng sự bình yên và niềm vui trong khoảng thời gian năm tuần đó.
Khi Om thông báo với bạn
rằng cậu ấy sẽ trở về vào tuần tới… dù lúc đó cậu ấy vẫn chưa về, nhưng bạn bắt
đầu kiềm chế bản thân. Bạn phải sẵn sàng đón nhận cậu ấy, do đó bạn bắt đầu trở
nên đau khổ. Trong bảy ngày chờ cậu ấy trở về, bạn lại đánh mất toàn bộ niềm
vui và sự bình yên. Lúc này, khi cậu ấy ở đây, bạn lại bắt đầu chơi những trò
cũ, những thứ gây tiêu cực cho cả hai.
Tôi không muốn chia rẽ
hai người, nhưng tôi muốn bạn từ bỏ những ý nghĩ về việc trở thành một quả dừa,
hay một quả hạnh. Đó là những ý nghĩ nguy hiểm, và nếu bạn mang vác ý nghĩ nào
đó quá lâu, nó bắt đầu trở thành thật. Bạn tạo ra sự thật quanh mình bằng những
ý nghĩ của bạn – đó là một kiểu phóng chiếu.
Hãy từ bỏ quá khứ của bạn
và gặp nhau như hai người xa lạ. Hãy nói với Om: “Xin chào,” và đừng nghĩ trong
đầu rằng: “Đây là Om, quả dừa.” Hãy tránh điều đó. Quả dừa không phải người xấu,
nhưng sau cùng, họ là những quả dừa. Hai bạn rất hợp nhau, nhưng sự hòa hợp đó
phải chứa đựng niềm vui. Nó phải là phúc lành. Hai người phải giúp nhau phát triển.
Hãy ngừng tranh cãi. Bạn
là người có trái tim mềm yếu, và cậu ấy cũng là người rất mềm yếu. Tôi biết nhiều
loại dừa và tất cả chúng đều mềm yếu bên trong. Hãy từ bỏ những lớp che đậy bên
ngoài của bạn, cá tính của bạn, và đừng xung đột nhau.
Tôi không phản đối mối
quan hệ của bạn, nhưng một mối quan hệ không nên tồn tại chỉ để xung đột nhau.
Cãi vã không phải là tình yêu. Thỉnh thoảng hai bạn yêu thương, nhưng chỉ yêu để
rồi có thể tiếp tục cãi nhau.
Không cần phải cãi
nhau. Bất cứ khi nào cảm thấy quá tràn đầy năng lượng, bạn có thể thiền động. Bạn
có nghĩ vì sao tôi lại tạo ra tất cả những kiểu thiền này cho đủ kiểu người lập
dị? Để họ có thể tận hưởng một giờ được là kẻ lập dị, với ý nghĩ lớn lao rằng họ
đang giải phóng chính mình mà không ảnh hưởng đến người khác, để với những người
khác, họ vẫn có được mối quan hệ yêu thương, bình yên và tươi mới hơn.
Tôi không phản đối tình
yêu, nhưng nếu tình yêu tạo ra địa ngục, vậy thì bạn không nên tiếp tục sống
trong đau khổ. Đó là giải pháp tốt cho cả hai – nếu bạn không thể tạo ra một
không gian đẹp giữa hai người, có lẽ là hai bạn không dành cho nhau. Hãy cho nó
thêm một cơ hội và lưu ý rằng nếu bạn vẫn cau có, khuôn mặt bạn vẫn buồn bã,
tôi nghĩ hai bạn nên chia tay. Bạn chỉ là một quả hạnh. Cậu ấy là một người có
đủ khả năng, một quả dừa – cậu ấy sẽ hiểu được tôi.
Không cần phải mất hy vọng.
Hãy cho nó một cơ hội. Nhưng lần này hãy có quyết định rõ ràng, hoặc cuộc sống
của bạn trở nên bình yên và vui sướng, hoặc bạn vui vẻ chia tay nhau. Chúng ta
đều là những con người xa lạ với nhau. Chúng ta tình cờ gặp nhau trên đường. Thật
tốt nếu chúng ta có thể giúp nhau trở nên chân thật hơn, chân thành hơn, yêu
thương hơn, thiền hơn, tỉnh táo hơn, nhận biết hơn. Khi đó, mối quan hệ tình
yêu của chúng ta là một hiện tượng tâm linh. Nhưng nếu bạn chỉ đơn giản hủy hoại
nhau, mối quan hệ đó thậm chí không phải là tình bạn, mà là trạng thái thù địch.
Do đó, bạn phải đưa ra
quyết định. Cả hai phải ngồi xuống với nhau, bên ngoài, không phải trong phòng
của bạn, bởi vì ở đó bạn sẽ lại tranh cãi. Hãy ngồi ở nơi có người qua lại để
hai bạn không tranh cãi. Hãy có một cuộc đối thoại tử tế. Những người yêu nhau
hoàn toàn quên mất cách đối thoại tử tế.
Hãy cùng nhau đối thoại
theo hướng tích cực, và hãy tuân thủ một quy tắc rất đơn giản: chúng ta đang
giúp nhau, không phải đang tìm cách hủy hoại nhau. Khi đó, mọi thứ sẽ tuyệt đối
ổn. Cá nhân bạn không có gì sai, và Om cũng không có gì sai. Nhưng khi ở cùng
nhau, bỗng nhiên cả hai đều trở thành chiến binh. Tôi đã nghe về câu chuyện và
cuộc chiến của hai người. Tôi hy vọng rằng họ nói sai, nhưng tôi có thể hy vọng
được bao lâu chứ? Nếu mỗi ngày đều nghe về những gì xảy ra giữa Om và Latifa,
tôi đều lo lắng.
0 Đánh giá