Sợ Hãi - Chương 1. Thời Gian Trước

Sợ Hãi - Chương 1. Thời Gian Trước

Price:

Read more

Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sợ Hãi

Chương 1. Thời Gian Trước












Playlist Gia Đình Chánh Niệm



Nhiều người trong chúng ta không nhớ rằng cách đây rất lâu, chúng ta đã sống trong dạ con của mẹ. Ta là cơ thể sống nhỏ xíu. Có đến hai quả tim bên trong cơ thể mẹ: trái tim của mẹ và trái tim của bạn. Suốt thời gian này mẹ làm tất cả mọi thứ cho bạn, mẹ thở giúp bạn, ăn giúp bạn, uống giúp bạn. Bạn liên kết với mẹ thông qua dây rốn, bạn an toàn và cuộn tròn trong cơ thể mẹ. Bạn không hề biết nóng hay lạnh. Bạn cũng rất thoải mái. Bạn nghỉ ngơi trong lớp nước đệm êm ái. Ở Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta gọi dạ con là cung điện của con (tử cung). Bạn trải qua khoảng chín tháng trong cung điện này.

Chín tháng trải qua trong tử cung là khoảng thời gian vui sướng nhất trong cuộc đời. Rồi ngày bạn ra đời. Mọi thứ xung quanh quá khác biệt, bạn bị đẩy vào một môi trường mới. Đầu tiên, bạn cảm thấy lạnh và đói. Âm thanh quá lớn, ánh sáng chói chang. Lần đầu tiên, bạn cảm thấy sợ. Đó là nỗi sợ đầu tiên.

Bên trong cung điện của trẻ con, bạn không cần sử dụng phổi. Nhưng ngay khi bạn ra đời, dây rốn bị cắt và bạn không còn kết nối vật lý với mẹ được nữa. Mẹ bạn cũng không còn thở cho bạn được nữa. Bạn phải học cách thở hơi thở đầu tiên. Nếu bạn không thể tự thở, bạn sẽ chết. Giây phút được sinh ra đời là khoảnh khắc thật sự mong manh. Bạn bị đẩy ra khỏi cung điện và phải chịu đau. Bạn cố gắng nuốt nhưng rất khó khăn. Trong phổi có chất lỏng và để thở, bạn phải cố đẩy chất lỏng đó ra. Khi chúng ta được sinh ra, cùng với sự sinh ra đó, nỗi sợ của chúng ta cũng ra đời cùng với mong muốn được sống sót. Đó là mong muốn đầu tiên.

Khi còn là em bé sơ sinh, mỗi chúng ta đều biết rằng để sống sót, ta cần người chăm sóc. Thậm chí sau khi dây rốn bị cắt, chúng ta hoàn toàn dựa vào người lớn để sống sót. Khi chúng ta dựa vào người nào đó hay điều gì đó để sống, nghĩa là có một liên kết, một dạng dây rốn ẩn, vẫn đang ở đó.

Khi ta lớn lên, nỗi sợ hãi đầu tiên và mong muốn đầu tiên vẫn còn đó. Mặc dù ta không còn là đứa trẻ, ta vẫn sợ rằng ta không thể sống sót, sợ không có ai chăm sóc. Mỗi mong muốn mà ta có trong cuộc sống đều xuất phát từ nguồn gốc này, là mong ước căn bản để sống sót. Như những đứa trẻ, ta tìm nhiều cách để đảm bảo sinh tồn. Chúng ta có thể cảm thấy bất lực. Có chân nhưng không thể đi. Có tay nhưng không thể nắm. Chúng ta phải tìm ra cách có người che chở cho ta, đảm bảo ta sống sót.

Thỉnh thoảng mỗi người đều cảm thấy sợ hãi. Chúng ta sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ già, sợ chết, sợ bệnh và sợ rất nhiều thứ khác. Thỉnh thoảng ta cảm thấy sợ mà không biết lý do chính xác.

Nếu chúng ta thực tập nhìn nhận một cách sâu sắc, ta thấy rằng nỗi sợ hãi là kết quả của nỗi sợ đầu tiên ngay khi vừa sinh ra, ta vô dụng và không có khả năng làm bất cứ điều gì cho bản thân. Thậm chí khi ta trưởng thành, thì nỗi sợ đầu tiên và mong muốn đầu tiên đó vẫn còn hiện diện. Mong ước có người bạn đời, cũng là một phần mong ước tiếp nối rằng có ai đó săn sóc cho chúng ta.



Khi trưởng thành, chúng ta thường sợ nhớ tới hoặc chạm tới nỗi sợ đầu tiên và mong muốn đầu tiên, bởi đứa trẻ bơ vơ trong ta vẫn còn đó. Chúng ta đã không có cơ hội nói chuyện vỗ về nó. Chúng ta cũng không có thời gian chăm sóc đứa bé bị thương đó – đứa trẻ bơ vơ bên trong.

Với hầu hết chúng ta, nỗi sợ đầu tiên vẫn tiếp tục biểu hiện dưới nhiều hình thức. Thỉnh thoảng ta cảm thấy sợ cô đơn. Ta có cảm giác rằng “tôi không thể chịu được một mình, phải có ai đó với tôi.” Đó là sự tiếp nối của nỗi sợ đầu tiên. Tuy nhiên, nếu suy xét thật rõ, chúng ta sẽ có khả năng bình tâm và tìm thấy hạnh phúc.

Phải nhìn thật sát các mối quan hệ để thấy chúng có dựa chủ yếu vào nhu cầu hay hạnh phúc lẫn nhau hay không. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng người bạn đời có khả năng khiến ta cảm thấy tốt hơn và sẽ không ổn nếu không có người ấy ở bên. “Tôi cần người ấy để chăm sóc tôi, hoặc tôi sẽ không sống nổi.”

Nếu mối quan hệ của bạn dựa trên nỗi sợ hơn là dựa trên sự thấu hiểu và hạnh phúc của nhau, thì đó không phải là một nền tảng vững chắc. Bạn cảm thấy cần người đó để hạnh phúc. Nhưng tại thời điểm nào đó, bạn lại cảm thấy sự hiện hiện của người đó thật phiền phức và bạn muốn tránh xa. Như vậy, bạn biết chắc rằng cảm giác bình yên hay an toàn không thật sự đến từ người đó.

Tương tự, nếu bạn giành nhiều thời gian đi uống café, có thể không phải vì quán cáfe đó quá thú vị, mà có thể vì bạn sợ một mình, bạn có cảm giác muốn tụ tập bạn bè. Khi bạn bật tivi, có thể không phải vì chương trình tivi hấp dẫn bạn muốn xem, mà chỉ vì bạn sợ một mình.

Nếu bạn sợ những gì người khác có thể nghĩ về bạn, thì cũng xuất phát từ lý do đó. Bạn sợ người khác nghĩ xấu về mình, họ sẽ không chấp nhận bạn và bạn sẽ bị bỏ rơi, sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng nếu bạn muốn người khác luôn nghĩ tốt về bạn, điều này cũng là sự tiếp nối của nỗi sợ đầu tiên. Nếu bạn thường xuyên đi mua sắm quần áo mới, nghĩa là bạn có cùng mong ước đó, bạn muốn được người khác chấp nhận. Bạn sợ bị ghét bỏ. Bạn sợ bị bỏ rơi và một mình, không ai săn sóc.

Ta phải nhìn cho sâu để nhận diện được nỗi sợ và mong ước căn nguyên đằng sau tất cả hành động của chúng ta. Mỗi nỗi sợ và mong ước hôm nay đều tiếp nối từ nỗi sợ đầu tiên và mong ước đầu tiên.

Một hôm khi tôi đang đi dạo, tôi cảm thấy một thứ gì đó như một cái dây rốn kết nối tôi với ánh mặt trời phía trên. Tôi thấy rất rõ rằng nếu mặt trời không ở đó, tôi sẽ chết ngay lập tức. Tôi thấy một dây rốn kết nối tôi với dòng sông. Tôi biết rằng nếu không có dòng sông ở đó, tôi cũng sẽ chết, vì tôi không có nước để uống. Tôi thấy một cái dây rốn kết nối tôi với cánh rừng. Những cái cây trong rừng cho tôi ôxy để thở. Nếu không có rừng, tôi sẽ chết. Và tôi thấy một cái dây rốn kết nối tôi với người nông dân, người đã trồng rau, hạt và gạo cho tôi ăn.

Khi bạn thực tập thiền, bạn sẽ bắt đầu thấy những thứ mà người khác không thấy. Mặc dù bạn không thể thấy hết tất cả các dây rốn, nhưng chúng vẫn ở đó, kết nối bạn với mẹ, với cha, với người nông dân, với mặt trời, với dòng sông, với cánh rừng... Tập thiền có thể gồm sự tưởng tượng. Nếu bạn vẽ một bức tranh về bản thân với những cái dây rốn này, bạn sẽ khám phá ra không chỉ có năm hay mười cái dây rốn, mà có thể có hàng trăm, hàng ngàn cái, và bạn kết nối với tất cả.

Ở Làng Mai, nơi tôi sống ở miền Tây Nam nước Pháp, tôi ưa dùng “gathas”, là những bài thi kệ thực tập ngắn mà chúng tôi thuộc lòng trong im lặng hay đọc to trong ngày, để nhắc chúng tôi sống sâu sắc trong mỗi hành động thường ngày. Chúng tôi có bài thi kệ thức dậy mỗi sáng, bài thi kệ để chải răng, hoặc thậm chí bài thi kệ khi sử dụng xe hơi hoặc máy tính. Một bài thi kệ khi chúng tôi dùng thức ăn như thế này:

Tay nâng bát cơm đầy

Tôi thấy rõ vạn vật

Đang dang tay góp mặt

Để cùng nuôi dưỡng tôi.

Nhìn sâu vào dĩa rau, chúng ta thấy cả mặt trời bên trong, đám mây bên trong và trái đất bên trong. Ta thấy rất nhiều công sức và tình yêu lao động cũng có có mặt bên trong dĩa thức ăn trước mặt. Nhìn theo cách này, thậm chí khi không có ai cùng ngồi với chúng ta để chia sẻ thức ăn, ta cũng biết rằng cộng đồng của ta, tổ tiên của ta, Mẹ Thiên Nhiên và cả vũ trụ đều có mặt ngay đây, với chúng ta và ở bên trong ta từng khoảnh khắc. Chúng ta không bao giờ phải cảm thấy một mình.

Một những điều đầu tiên ta có thể làm để vỗ về nỗi sợ hãi trong lòng là nói chuyện với nó. Bạn có thể ngồi xuống cạnh đứa trẻ đầy lo lắng bên trong và nhẹ nhàng với nó. Bạn có thể nói như thế này “Em bé nhỏ yêu dấu, ta là người lớn của em đây, ta muốn nói với em rằng chúng ta không còn là em bé bơ vơ hay dễ bị tổn thương nữa. Ta đã có bàn tay mạnh mẽ và bước chân vững vàng, chúng ta có thể tự bảo vệ chúng ta tốt. Vì vậy không còn lý do để chúng ta phải tiếp tục sợ hãi nữa.”

Tôi tin rằng nói chuyện với đứa trẻ như vậy rất hữu ích, vì đứa trẻ bên trong có thể bị tổn thương sâu sắc, và nó chờ đợi ta quay lại với nó. Tất cả các vết thương thời thơ ấu vẫn còn đó, chúng ta quá bận đến nỗi không có thời gian trở lại và giúp đứa trẻ hàn gắn. Đó là lý do rất quan trọng để dành thời gian trở lại, nhận diện sự có mặt của em bé bị tổn thương trong chúng ta, nói chuyện với nó, giúp nó hàn gắn. Chúng ta có thể nhắc nhở nó nhiều lần rằng chúng ta không còn là đứa trẻ bơ vơ, mà đã trở thành người lớn và có thể tự chăm sóc bản thân rất tốt.

Xem Tiếp Chương 2  - Quay Về Mục Lục



..............................

0 Đánh giá

Ads Belove Post