Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Sợ Hãi
Chương 2. Nỗi Sợ Bản Năng

Nhiều người thường nhận
thấy suy nghĩ của bản thân luôn lẫn lộn nhiều cảm xúc sợ hãi và đau khổ. Tất cả
chúng ta từng trải qua buồn phiền trong quá khứ, và ta thường nhớ lại những buồn
phiền đã qua. Chúng ta gợi lại quá khứ, xem xét nó và xem lại cuốn phim quá khứ.
Nhưng nếu mỗi lần gợi lại ký ức mà không có chánh niệm hay nhận thức, thì mỗi lần
xem những hình ảnh ấy ta lại cảm thấy đau khổ.
Giả sử bạn là đứa trẻ
bị lạm dụng từ nhỏ. Bạn đã chịu đựng rất nhiều. Bạn mỏng manh và dễ bị tổn
thương. Lúc nào bạn cũng cảm thấy sợ hãi. Bạn không biết cách tự bảo vệ. Có lẽ
trong suy nghĩ bạn vẫn tiếp tục bị lạm dụng, thậm chí cho đến bây giờ – khi bạn
đã trưởng thành. Bạn không còn là đứa trẻ mỏng manh và bị tổn thương, không đựơc
bảo vệ nữa, nhưng bạn vẫn tiếp tục chịu đựng đau khổ của một đứa trẻ, vì bạn
thường xuyên hồi tưởng lại quá khứ mặc dù chúng gây đau đớn.
Có những thước phim và hình ảnh được lưu trong tiềm thức. Mỗi lần bạn nghĩ về quá khứ và xem lại thước phim hay hình ảnh đó, bạn phải chịu đựng. Chánh niệm nhắc nhở chúng ta rằng hiện thực là bây giờ và ở đây, giây phút hiện tại luôn có mặt với chúng ta, ta không phải sống với những sự việc xảy ra trong quá khứ.
Giả sử hai mươi năm
trước, có một người tát vào mặt bạn. Hình ảnh đó được lưu vào tiềm thức. Tiềm
thức của bạn lưu rất nhiều phim ảnh của quá khứ, và luôn được chiếu ở đó. Nếu bạn
nhớ và xem chúng nhiều lần, bạn tiếp tục đau khổ. Mỗi lần bạn xem hình ảnh đó,
bạn như bị tát lần nữa.
Nhưng đó chỉ là quá
khứ. Bạn không còn ở quá khứ, bạn ở giây phút hiện tại. Nó ĐÃ xảy ra, đúng vậy
– trong quá khứ. Nhưng quá khứ đã trôi đi. Thứ duy nhất còn lại bây giờ chỉ là
hình ảnh và ký ức. Nếu tiếp tục trở lại quá khứ để xem những hình ảnh này, đó
là thất niệm. Nếu chuyển hướng trở về
thực tại, ta có thể nhìn quá khứ theo cách khác và chuyển hóa khổ đau.
Khi bạn còn là một em
bé nhỏ, có lẽ đôi lần bạn bị lấy mất đồ chơi. Bạn đã học cách khóc và xoay chuyển
tình thế, hoặc mỉm cười để vui lòng người lớn, hòng lấy lại đồ chơi. Từ nhỏ, bạn
đã học được cách cười xã giao. Đó là một cách giải quyết vấn đề để sinh tồn. Bạn
đã học mà thậm chí không biết rằng mình đang học. Cảm giác mình bơ vơ, dễ bị tổn
thương, không có khả năng tự bảo vệ, luôn cảm thấy cần người ở bên luôn tồn tại.
Cái nỗi sợ đầu tiên, bên cạnh mong ước đầu tiên, cũng luôn tồn tại. Một đứa trẻ
sơ sinh với nỗi sợ và mong ước đó, luôn ở trong ta.
Một số chúng ta luôn
âu sầu và tiếp tục chịu đựng đau khổ thậm chí khi mọi thứ trở nên tốt đẹp ở hiện
tại. Vì chúng ta có xu hướng chìm vào quá khứ. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn
khi tạo ra ngôi nhà của ta trong đó, thậm chí nó chứa nhiều đau khổ. Ngôi nhà
đó nằm sâu trong tiềm thức, nơi phát ra những thước phim của quá khứ. Mỗi đêm bạn
quay trở lại, xem những thước phim đó và chịu đựng. Và điều bạn lo lắng không
ngớt trong tương lai không gì khác hơn là hình ảnh phản chiếu của nỗi sợ và
mong ước từ quá khứ.
Đừng Sợ Quá Khứ
Vì rất dễ dàng bị
chìm vào quá khứ, nên sẽ hữu ích nếu có sự nhắc nhở bạn trở về thực tại. Tại
Làng Mai, chúng tôi dùng một cái chuông. Khi nghe tiếng chuông, chúng tôi thực
tập hơi thở vào và thở ra trong chánh niệm, và chúng tôi nói “Tôi đang lắng
nghe tiếng chuông. Âm thanh huyền diệu này đưa tôi trở về ngôi nhà thật sự của
tôi.” Ngôi nhà thật sự là bây giờ và ở đây. Quá khứ không phải là một ngôi nhà
thật sự.
Bạn có thể nói với đứa-trẻ-bên-trong
rằng, quá khứ không phải là ngôi nhà của chúng ta. Ngôi nhà của chúng ta là ở
đây, là nơi chúng ta thật sự sống. Chúng ta có thể có tất cả sự nuôi dưỡng và
hàn gắn mà ta cần trong giây phút hiện tại. Nỗi sợ hãi, lo lắng, khổ đau mà ta
trải qua vẫn ở đó bởi vì đứa trẻ bên trong chưa được tự do. Đứa trẻ đó sợ bước
vào với giây phút hiện tại, và vì thế, chánh niệm và hơi thở của bạn có thể
giúp đứa trẻ bên trong nhận ra rằng nó đã an toàn và tự do.
Giả sử bạn đi xem
phim. Từ ghế ngồi khán giả bạn thấy màn hình chiếu phim. Trong câu chuyện trên
phim, nhân vật trên màn ảnh tương tác với nhau. Và ngồi dưới ghế khán giả, bạn
khóc. Bạn trải qua những gì xảy ra trên màn ảnh như thể là thật, đó là lý do
khiến bạn rơi nước mắt thật và có cảm xúc thật. Nỗi đau là có thật. Giọt nước mắt
là có thật. Nhưng khi bạn đến chạm vào màn ảnh, bạn không thấy người thật nào.
Không có gì ngoài ánh sáng nhấp nháy. Bạn không thể nói chuyện với người trên
màn ảnh, cũng không thể mời họ uống trà. Bạn không thể dừng họ lại hoặc hỏi
chuyện họ, nhưng bạn có thể tạo ra nỗi khổ thật, trong thân thể cũng như trong
tâm trí. Ký ức của chúng ta có thể gây ra nỗi khổ có thật, về mặt cảm xúc và thể
chất.
Khi ta nhận ra rằng
ta có thói quen lặp lại sự kiện cũ và phản ứng lại thành sự kiện mới như thể nó
là cái cũ, chúng ta có thể bắt đầu chú ý khi thói quen (tập khí) đến. Ta có thể
nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân rằng ta còn có lựa chọn khác. Ta có thể quán chiếu
thời điểm thực tại như nó-đang-là, một thực tại tươi mát, và để lại quá khứ đằng
sau đến khi chúng ta có thể xem xét nó một cách trắc ẩn.
Chúng ta có thể tạo
ra thời gian và không gian, không phải trong lúc bận rộn mà trong một thời gian
lặng, để nói với đứa trẻ đang đau khổ và tổn thương bên trong rằng em không phải
chịu đựng nữa đâu. Chúng ta có thể nắm lấy tay em và mời em cùng bước vào giây
phút hiện tại và chứng minh rằng tất cả điều kỳ diệu của cuộc sống đang có mặt
bây giờ và ở đây: “Đến với tôi, em bé nhỏ. Chúng ta đã lớn. Chúng ta không còn
phải sợ nữa. Chúng ta không còn tổn thương nữa. Chúng ta không còn mong manh nữa.
Chúng ta không phải sợ gì nữa.”
Bạn phải dạy cho đứa
trẻ bên trong. Bạn mời nó đến với bạn, sống với bạn trong giây phút hiện tại.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể suy nghĩ một cách chánh niệm và học hỏi từ quá khứ,
nhưng phải thực hiện ở giây phút hiện tại. Một khi chúng ta an trú trong giây
phút hiện tại, ta có thể nhìn nhận khéo léo về quá khứ và học cách để không bị
kẹt hay bị chôn vùi trong đó.
Dự Tính Tương Lai Mà Không Sợ Hãi
Chúng ta có thể chuẩn
bị cho tương lai mà không ảnh hưởng đến những dự tính. Thông thường, chúng ta
hoặc không có dự tính gì cả, hoặc chìm vào những dự tính ám ảnh vì chúng ta sợ
tương lai và sự không chắn chắn của nó. Giây phút hiện tại là nơi mà ta sống.
Khi bạn thật sự an trú trong hiện tại, bạn có thể họach định cho tương lai theo
cách tốt hơn. Sống chánh niệm trong giây phút hiện tại không loại trừ việc bạn
lập kế hoạch. Nghĩa là bạn biết rằng sẽ không đánh mất bản thân trong sự lo lắng
và lo sợ tương lai. Nếu bạn thật sự có mặt và biết cách nắm bắt giây phút hiện
tại tốt nhất có thể, thì bạn sẽ làm tốt nhất cho tương lai.
Cũng tương tự như quá
khứ. Dạy và thực tập chánh niệm không ngăn cản việc nhìn sâu vào quá khứ. Nhưng
nếu ta cho phép bản thân chìm vào sự hối tiếc và đau khổ liên quan đến quá khứ,
điều đó là không đúng. Nếu chúng ta vững vàng trong giây phút hiện tại, chúng
ta có thể đem quá khứ tới thực tại và nhìn cho sâu sắc. Ta có thể xem xét quá
khứ và tương lai trong khi ta an trú trong giây phút hiện tại. Thực tế rằng bạn
có thể học từ quá khứ và hoạch định cho tương lai theo cách tốt nhất nếu bạn an
trú trong hiện tại.
Nếu bạn có một người
thân đang chịu đau khổ, bạn phải giúp đỡ anh ấy. “Anh ơi, anh đang an toàn. Mọi
thứ đã ổn. Tại sao anh lại phải tiếp tục chịu đựng? Đừng nghĩ về quá khứ. Nó chỉ
là một con ma, nó không có thật.” Và bất cứ khi nào bạn nhận ra rằng chúng chỉ
là những thước phim và hình ảnh, chúng không có thật, thì ta sẽ được tự do. Đó
là cách thực tập chánh niệm.
..............................
0 Đánh giá