Sợ Hãi – Chương 1. Không Sợ Hãi

Sợ Hãi – Chương 1. Không Sợ Hãi

Price:

Read more

Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sợ Hãi

Chương 1. Không Sợ Hãi









Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sợ Hãi - Fear' ê


Hầu hết chúng ta ai cũng đã trải qua những giây phút hạnh phúc lẫn khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều người ngay lúc đang vui sướng nhất mà lòng vẫn trĩu nặng lo sợ: sợ ngày vui sẽ qua mau, sợ không như mong cầu, sợ phải xa cách người thương và một nỗi sợ lớn nhất: sợ thân xác mình sẽ tàn hoại. Cho nên ngay lúc biết bao điều kiện của hạnh phúc có đó, niềm vui vẫn không trọn vẹn. Chúng ta cứ nghĩ rằng để được hạnh phúc thì phải tránh né hay quên đi lo sợ. Chúng ta không mấy thoải mái khi phải nghĩ đến những gì đã làm cho ta lo sợ, rồi chúng ta chối bỏ: thôi thôi, tôi không muốn nghĩ tới chuyện đó. Chúng ta nhắm mắt làm ngơ nhưng lo sợ vẫn còn đó trong ta.

Cách duy nhất để bớt đi lo sợ và thực sự hạnh phúc là nhận diện lo sợ và quán chiếu gốc rễ của lo sợ. Thay vì tránh né, ta sử dụng khả năng tỉnh giác và quan sát tin tường. Chúng ta lo sợ những gì ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta sợ bệnh, sợ già, sợ mất đi những gì mà ta trân quý. Chúng ta cố ôm giữ địa vị, tài vật và người thương nhưng ôm giữ không giúp bớt lo sợ. Trước sau gì, sẽ có một ngày chúng ta phải buông bỏ tất cả. Chúng ta không thể mang địa vị, tài vận, người ta thương theo chúng ta mãi. Chúng ta có thể nghĩ rằng nếu làm ngơ lo sợ thì lo sợ sẽ tan biến nhưng nếu cứ làm ngơ, cứ chôn chặt lo sợ vào lòng thì lo sợ vẫn ở đó và luôn làm ta căng thẳng. Chúng ta cảm thấy bất lực nhưng chúng ta có khả năng quán chiếu, nhìn sâu vào lo sợ và từ đó lo sợ không còn khống chế được ta. Chúng ta có khả năng chuyển hóa lo sợ, thực tập sống tỉnh thức từng giây phút hiện tại. Ta gọi việc đó là chánh niệm, sẽ giúp ta can đảm đối diện lo sợ và không còn bị lo sợ bức bách.

Chánh niệm có nghĩa là nhìn sâu, là ý thức tự tính tương tức của vạn vật và ý thức rằng không có gì sẽ mất đi. Một năm trong thập niên 60, tôi đến sân bay Buôn Ma Thuột nhờ một máy bay tiếp tế quân sự để đi nhờ ra Đà Nẵng. Tôi đang ngồi chờ một mình trong sân bay vắng người thì có một sĩ quan Mỹ đến ngồi gần. Ông ta cũng chờ đi cùng một chuyến bay với tôi.

Nhìn người sĩ quan Mỹ, tôi nhận ra đó là một sĩ quan trẻ. Bỗng nhiên tôi thấy thương hại anh ta. Tại sao anh ta phải đến Việt Nam để giết người và để bị giết. Tôi hỏi anh ta: Chắc anh sợ việt cộng lắm phải không? Câu hỏi ấy xuất phát từ lòng thương của tôi, không may là tôi đã không khéo léo khi hỏi câu hỏi đó. Câu hỏi của tôi đã khơi dậy nỗi sợ hãi nơi người sĩ quan trẻ. Nghe tôi hỏi, anh ta lập tức đặt tay lên khẩu súng bên hông và hỏi lớn: Anh có phải là Việt cộng không? Trước khi đến Việt Nam, viên sĩ quan này đã được cho biết rằng tất cả những người Việt Nam, người nào cũng có thể là việt cộng. Bất cứ quân nhân Mỹ nào cũng sợ điều đó. Đàn bà, con nít thậm chí là thầy tu đều có thể là việt cộng.

Quân nhân Mỹ được nhồi sọ như vậy và họ thấy kẻ thù khắp nơi. Tôi đã thể hiện sự cảm thương với người lính nhưng ngay khi nghe nói đến hai chữ việt cộng, anh ta đã hoảng hốt và đặt tay vào súng. Lúc đó, tôi đã cố gắng bình tĩnh theo dõi hơi thở chậm rãi và trả lời: Không, tôi ra Đà Nẵng để xem xét tình hình bão lụt ngoài ấy, để coi có thể giúp được gì. Lời nói của tôi bộc lộ thiện cảm của tôi. Rồi tâm sự với anh ta rằng chiến tranh đã tạo ra biết bao nhiêu nạn nhân không chỉ cho Việt Nam mà cho cả Mỹ. Viên sĩ quan đã dần lấy lại bình tĩnh và chúng tôi có thể chuyện trò với nhau. Nếu tôi phản ứng vì sợ hãi, hoảng hốt thì viên sĩ quan đã rút súng bắn tôi cũng vì sợ hãi, hoảng hốt. Vì vậy, không nên nghĩ rằng nguy hiểm chỉ đến từ bên ngoài. Nguy hiểm có thể đến từ bên trong.

Nếu chúng ta không tỉnh thức và không biết nhìn sâu vào gốc rễ của lo sợ thì chúng ta có thể tạo ra nguy hiểm cho chính chúng ta. Tất cả chúng ta ai cũng từng lo sợ nhưng nếu chúng ta biết nhìn sâu vào lo sợ thì ta có thể giải tỏa lo sợ và tìm lại nguồn vui. Lo sợ khiến chúng ta chú tâm về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Nếu chấp nhận lo sợ thì ta khám phá ra rằng ngay lúc này, hôm nay đây, ta còn sống, cơ thể ta đang hoạt động diệu kỳ, mắt ta đang thấy được trời xanh, tai ta còn nghe được tiếng nói của người ta thương.

Bước thứ nhất của sự quán chiếu lo sợ là nhận diện mà không phán xét. Hãy nhận diện với tâm bình thản rằng lo sợ đang có trong ta, như thế cũng đủ để vơi bớt lo sợ rất nhiều. Tiếp theo, khi lo sợ đã lắng dần, chúng ta ôm ấp niềm lo sợ một cách êm dịu và nhìn sâu vào nguồn gốc của lo sợ, hiểu được nguồn gốc của lo sợ, ta buông bỏ được lo sợ. Hãy tìm hiểu xem lo sợ là nguyên nhân hiện tại hay do nguyên nhân từ xa xưa, từ khi ta còn nhỏ mà ta đã ôm chặt trong lòng cho tới bây giờ.

Khi chúng ta sử dụng chánh niệm để đối diện lo sợ thì chúng ta sẽ ý thức rằng chúng ta đang sống, rằng chúng ta còn có những gì ta trân quý và yêu thích. Nếu không phí thì giờ đè nén, bận tâm vì lo sợ, ta sẽ có thì giờ vui hưởng nắng ấm, trời trong, gió lành. Nếu quán chiếu sâu sắc và tỏ tường lo sợ thì ta sẽ khám phá ra rằng ta có thể sống một cuộc đời đáng sống.



Nỗi lo sợ lớn nhất là sợ rằng khi chết ta không còn là gì nữa. Để thực sự giải thoát khỏi nỗi sợ đó, ta phải nhìn sâu dưới cái nhìn bản môn để thấy được bản chất không sinh không diệt của ta, phải từ bỏ định kiến rằng ta chỉ có một thân xác này và nó sẽ tàn hoại khi ta chết, hiểu rằng ta không chỉ là một thân xác, rằng ta không đến từ hư không và tan biến vào hư không. Hiểu như thế, ta sẽ giải thoát khỏi lo sợ.




Đức Bụt là một con người như tất cả chúng ta. Ngài cũng từng lo sợ nhưng Ngài thường xuyên thực tập chánh niệm và quán chiếu sâu sắc cho nên Ngài đã bình thản khi đối diện lo sợ. Kinh chép rằng một hôm Bụt đang đi thì anh Gulimala, một tên giết người khét tiếng đuổi theo Ngài và hô lớn bảo Ngài dừng lại nhưng Bụt vẫn tiếp tục chậm rãi bình thản bước đi. Anh Gulimala đuổi kịp Bụt và lớn tiếng hỏi: tại sao ngài không chịu dừng lại. Đức Bụt trả lời anh Gulimala: Ta đã dừng lại từ lâu, chỉ có ngươi là không dừng lại và Bụt giải thích tiếp: Ta đã dừng những hành động gây đau khổ. Tất cả các loài chúng sinh đều ham sống, sợ chết. Chúng ta phải nuôi dưỡng lòng thương và bảo vệ sự sống của mọi loài. Anh Gulimala tỉnh ngộ và xin Bụt giảng tiếp. Cuối cùng anh Gulimala thề sẽ không bao giờ giết chóc, bạo ngược và xin Bụt xuất gia.

Tại sao Đức Thế Tôn có thể bình tĩnh trước một tên giết người? Đây là một câu chuyện hiếm có nhưng tất cả chúng ta hàng ngày đều đã đối diện với hết nỗi lo sợ này đến lo sợ khác. Thực tập chánh niệm mỗi ngày có thể giúp ích rất nhiều. Với hơi thở, với tỉnh thức, chúng ta có thể đối xử với bất kỳ điều gì xảy đến cho ta. Không sợ hãi không chỉ là thói quen tốt mà còn là một niềm vui thâm diệu. Mỗi khi tâm ta không có sợ hãi, ta được tự do. Nếu đang trên máy bay mà phi công báo cho biết máy bay bị hư và có thể rơi xuống. Tôi trở về với hơi thở chánh niệm. Tôi hi vọng bạn cũng thực tập hơi thở chánh niệm như tôi lúc đó. Đừng đợi tới lúc gặp nguy hiểm mới bắt đầu thực tập chuyển hóa lo sợ với chánh niệm. Không ai có thể cho ta sự không sợ hãi. Ngay khi có Đức Bụt ngồi đó bên cạnh, Ngài cũng không thể cho bạn sự không sợ hãi. Nếu bạn tập được thói quen chánh niệm thì khi gặp khó khăn bạn sẽ biết bạn phải làm gì.

Xem Tiếp Chương 2 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post