Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Không Sinh Không Diệt Đừng Sợ Hãi
Chương 3. Thực Tập Nhìn Sâu

Mục Lục Chương 3
3.1. Vô Thường
3.2. Vô Thường Làm Cho Mọi
Sự Đều Có Cơ Hội
3.3. Thực Tập Vô Thường
3.4. Nhìn Các Cảm Xúc Với
Con Mắt Vô Thường
3.5. Hãy Để Vô Thường Nuôi
Dưỡng Tình Thương
3.6. Vô Ngã
3.7. Chúng Ta Là Ai?
3.8. Sinh Sản Vô Tính Và
Vô Ngã
3.9. Niết Bàn
3.10. Ngừng Bặt Ý Niệm
3.11. Chấm Dứt Ý Niệm Về Hạnh
Phúc
Tất
cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có ba yếu tố căn bản gọi là Tam
pháp ấn. Ba dấu ấn đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Giống như các tài liệu
luật pháp cần có chữ ký của người chứng, các phép thực tập trong đạo Bụt phải
có chứng tích của ba dấu ấn này.
Khi
nhìn vào pháp ấn thứ nhất: vô thường, ta thấy rằng nó không chỉ có nghĩa là mọi
sự đều thay đổi. Nhìn vào bản chất mọi sự vật, ta thấy không có vật nào không
thay đổi trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì không có sự vật nào bất biến với
thời gian, nên chúng không có tự tánh cố định, không có cái ngã thường hằng. Vậy
thì trong giáo pháp vô thường ta không thể tìm thấy một cái ngã bất biến. Ta gọi
đó là vô ngã. Chính nhờ sự biến đổi không ngừng, nhờ tính cách vô ngã của vạn hữu
mà ta có thể có tự do.
Dấu
ấn thứ ba là Niết bàn. Nó có nghĩa là sự vững chãi, là sự tự do không bị ràng
buộc vào bất cứ ý niệm nào. Từ ngữ Niết bàn có nghĩa là sự vắng bặt của tất cả
các ý niệm. Nhìn sâu vào vô thường cho phép ta khám phá ra vô ngã. Khám phá được
vô ngã dẫn ta tới Niết bàn. Niết bàn là vương quốc của Thượng đế.
3.1. Vô Thường
Thực
tập và hiểu biết về vô thường không phải chỉ là một cách mô tả khác về thực tại.
Nó là một dụng cụ giúp chúng ta chuyển hóa, buông xả và hàn gắn các vết thương.
Vô
thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai
thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể
mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.
Hôm
nay, khi chúng ta tắm lại trong giòng sông mà ta đã tắm bữa qua, giòng sông có
còn là giòng sông cũ hay không? Triết gia Heraclitus đã nói: “chúng ta không thể
tắm hai lần trong cùng một giòng sông.” Ông ta nói đúng. Nước sông hôm nay hoàn
toàn khác với nước sông mà chúng ta tắm hôm qua, dù đó vẫn là một con sông.
Khi
đức Khổng Tử đứng nhìn giòng sông trôi chảy, Ngài đã nói: “Thệ giả như tư phù,
bất xả trú dạ!” (Ôi, nước sông trôi ngày đêm, không bao giờ ngưng nghỉ sao!)
Sự
giác ngộ về vô thường giúp ta vượt thoát được các ý niệm. Nó giúp ta vượt lên
trên được ý niệm về giống nhau hay khác nhau, đi hay đến. Nó cũng giúp ta nhìn
được là giòng sông bữa nay không giống cũng không khác giòng sông hôm qua. Nó
cho ta thấy rằng ngọn nến ta thắp bên giường ngủ tối nay không phải là ngọn nến
còn đang cháy buổi sớm ngày mai. Lửa nến đó không phải là hai ngọn mà cũng
không phải là một ngọn lửa.
3.2. Vô Thường Làm Cho Mọi
Sự Đều Có Cơ Hội
Chúng
ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi,
sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có
cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt
bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp
không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái quí vị không thay đổi thì nó
không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời.
Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói: “Hoan nghênh vô thường,
chúc vô thường sống lâu.” Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô
thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.
Vô
thường cũng cần được hiểu bằng ánh sáng của liên hệ tương tức. Vì mọi sự đều
liên quan mật thiết với nhau, chúng luôn luôn có ảnh hưởng vào nhau. Người ta
thường nói rằng tiếng cánh bướm đập ở bên này quả đất có thể ảnh hưởng tới khí
hậu ở bán cầu bên kia. Mỗi sự vật đều không cố định vì chúng chịu ảnh hưởng của
các sự vật khác với nó.
3.3. Thực Tập Vô Thường
Tất
cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế không hiểu được
chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát. Khi chúng ta vững
chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu và hiểu được bản
chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó. Như vậy
cái hiểu về vô thường trở thành một phần của con người chúng ta - Nó trở thành
sự thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta phải duy trì sự giác ngộ về vô thường đó
để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc. Nếu chúng ta thiền
quán về đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi dưỡng được tri giác về vô thường khiến
cho nó sống trong ta hàng ngày. Tu tập như thế, vô thường sẽ là chiếc chìa khóa
mở cho ta cánh cửa vào chân lý thực tại.
Chúng
ta cũng không thể chỉ giác ngộ về vô thường một chốc lát rồi lại đóng cánh cửa
hiểu biết đó lại, và nhìn mọi sự thường hằng bất biến như xưa. Hầu như chúng ta
nhiều lần đối xử với con cái như thể chúng sẽ sống cùng nhà với ta hoài hoài.
Chúng ta không bao giờ nghĩ vài năm sau, chúng sẽ lấy chồng, lấy vợ và thành lập
gia đình riêng của chúng. Vậy nên chúng ta không trân quý những giờ phút con trẻ
còn ở nhà với chúng ta.
Tôi
biết có nhiều phụ huynh có con tới tuổi mười tám hay mười chín là chúng rời xa
gia đình, tách ra sống riêng. Cha mẹ mất con và cảm thấy rất buồn bã. Họ không
biết quý những giờ phút sống gần con.
Vợ
chồng cũng vậy. Bạn nghĩ người phối ngẫu sẽ cứ ở bên bạn suốt đời. Nhưng vì sao
bạn lại tin chắc như thế? Chúng ta thực sự không thể biết trong hai, ba mươi
năm hay trong bao lâu nữa, người bạn đời của ta sẽ ở đâu. Thực tập về vô thường
hàng ngày là chuyện thật sự quan trọng.
3.4. Nhìn Các Cảm Xúc Với
Con Mắt Vô Thường
Khi
có người nào nói gì làm cho bạn giận dữ và bạn mong cho họ biến mất đi, xin hãy
nhìn kỹ bằng con mắt vô thường. Nếu người kia đi mất thật sự thì bạn cảm thấy
ra sao? Bạn sung sướng hay bạn sẽ khóc? Thực tập cái hiểu này rất quan trọng,
và đây là bài kệ để thực tập:
“Giận nhau trong bản môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Người đâu và ta đâu?”
Khi
giận dữ, chúng ta thường làm gì? Chúng ta la hét, và ráng đổ lỗi cho người khác
đã gây ra chuyện, nhưng khi nhìn cái giận đó với con mắt vô thường, ta có thể
ngừng lại và thở. Giận nhau trong bản môn, ta nhắm mắt lại và nhìn cho sâu. Ta
ráng nhìn vào tương lai, khoảng ba trăm năm sau. Bạn sẽ ra sao? Tôi sẽ ra sao?
Bạn sẽ ở đâu và tôi sẽ ở đâu? Ta chỉ cần thở vào thở ra, nhìn vào tương lai của
ta và tương lai của người kia. Chúng ta không cần nhìn xa tới ba trăm năm, chỉ
cần nhìn sau năm mươi hay sáu mươi năm, khi chúng ta đều đã qua đời.
Nhìn
vào tương lai, ta sẽ thấy người kia vô cùng quý hóa. Chúng ta có thể mất nhau bất
cứ giờ phút nào, chúng ta sẽ không giận dữ nữa. Ta sẽ muốn ôm người đó và nói:
“Thật là tuyệt diệu mà bạn (anh hay em...) còn sống đây, tôi thật sung sướng.
Làm sao mà tôi giận bạn cho được? Chúng ta cả hai sẽ có ngày chết đi, thật là
điên rồ khi chúng ta giận nhau trong khi còn sống bên nhau.”
Lý
do khiến cho ta điên rồ đủ để làm khổ chính mình và người bạn ta, chỉ vì ta
quên rằng cả hai người đều vô thường hết. Ngày nào chết đi, ta sẽ mất tất cả: của
cải, quyền lực, gia đình và tất cả mọi thứ khác. Tự do và an lạc trong lúc này
là điều quan trọng nhất mà ta có được. Nhưng khi không có chánh niệm về vô thường,
chúng ta không thể có hạnh phúc.
Có
khi ta còn không muốn nhìn thấy người kia, khi họ còn sống. Nhưng khi người đó
chết rồi, thì ta lại viết điếu văn rất hay và mua hoa phúng điếu. Nhưng người
chết rồi thì đâu còn ngửi được hoa thơm. Khi ta hiểu và nhớ được rằng mọi sự vô
thường thì ta có thể làm mọi thứ để cho người kia được sung sướng lúc này, và
ngay ở đây. Khi ta giận người mình thương tới hai mươi bốn giờ, đó là vì mình quên
mất vô thường.
“Giận
nhau trong bản môn, nhắm mắt nhìn mai sau... ” Tôi nhắm mắt là để tập quán xem
người thương của tôi sẽ ra sao trong một trăm năm hay ba trăm năm nữa. Khi tưởng
tượng về mình và người thương trong ba trăm năm sau, bạn sẽ thấy sung sướng là
bạn và người kia đang còn sống hôm nay. Bạn mở mắt ra và mọi giận dữ đều tiêu
tan. Bạn sẽ dang đôi tay ôm lấy người kia và thực tập: “Thở vào, người thương
mình còn sống, thở ra tôi thật sung sướng.” Khi bạn nhắm mắt để nghĩ tới hình ảnh
bạn và người thương sau ba trăm năm, bạn đã thiền quán về vô thường. Trong bình
diện tuyệt đối (bản môn), cái giận không có mặt.
Sự
thù ghét cũng vô thường. Dù lúc này ta đang có lòng sân hận, nhưng khi biết nó
vô thường thì ta có thể làm cho nó thay đổi được. Người tu tập có thể làm cho
lòng căm phẫn hay chống đối trong mình biến mất. Cũng như thực tập với cái giận,
chúng ta nhắm mắt lại và quán “Ta sẽ ở đâu 300 năm sau?” Hiểu được sự thù hận
trong bình diện tuyệt đối, nó sẽ bốc hơi ngay.
3.5. Hãy Để Vô Thường Nuôi
Dưỡng Tình Thương
Vì
chúng ta mê muội và quên mất vô thường nên ta đã không biết nuôi dưỡng tình
thương cho đúng cách. Khi mới lấy nhau, tình yêu của ta rất lớn. Ta nghĩ rằng
khi không có nhau, ta sẽ không thể sống thêm được một ngày nào nữa. Vì không biết
thực tập vô thường nên sau một hai năm tình yêu của ta biến thành ra thất vọng,
giận hờn. Nay ta nghĩ rằng làm sao mà chịu đựng thêm một ngày nữa nổi, cái con
người mà ta đã thương yêu kia? Ta cho rằng không còn phương cách nào khác ngoài
chuyện ly dị. Khi sống mà có hiểu biết về vô thường, ta sẽ biết nuôi dưỡng tình
yêu. Chỉ như vậy nó mới bền lâu được. Bạn phải nuôi dưỡng và chăm sóc thì tình
yêu mới lớn lên được.
3.6. Vô Ngã
Vô
thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Vô ngã là nhìn trong
bình diện không gian. Đó là hai mặt của thực tại. Vô ngã là một biểu hiện của
vô thường cũng như vô thường là một biểu hiện của vô ngã. Mọi sự vật không có
cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường nghĩa là biến đổi luôn luôn.
Đó là một chân lý. Vì không có gì bất biến nên làm sao có được cái ngã riêng biệt
và thường hằng? Khi nói về “ngã”, ta muốn nói tới một thứ gì tự nó không thay đổi
ngày này qua tháng khác. Nhưng không thể có cái gì như vậy.
Thân
ta vô thường, các cảm xúc vô thường và các nhận thức cũng vậy. Cái giận, cái buồn,
tình thương, lòng thù hận và các tâm thức của chúng ta cũng đều vô thường. Vậy
thì có cái gì thường hằng đâu để chúng ta có thể gọi là cái Ngã?
Tờ
giấy viết những dòng chữ này không có một cái ngã riêng biệt. Nó chỉ có mặt được
khi có đám mây, rừng cây, mặt trời, trái đất và máy móc cùng người làm giấy. Nếu
những thứ đó không có mặt thì tờ giấy cũng không thể có mặt. Khi ta đốt tờ giấy
thì cái ngã của nó ở đâu?
Không
có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Đó là
tương tức, là sự liên quan mật thiết của mọi sự vật, luôn luôn hỗ tương nhau.
Hiện hữu có nghĩa là tương tức. Tờ giấy tương tức (cùng hiện hữu, có liên quan
mật thiết) với ánh sáng mặt trời và rừng cây. Bông hoa không thể tự nó hiện diện
được, nó phải tương tức với đất, mưa, cỏ dại và côn trùng. Không có sự hiện hữu
độc lập, chỉ có sự tương tức, sự liên quan mật thiết giữa mọi sự vật.
Nhìn
sâu vào một bông hoa, chúng ta thấy hoa làm bằng những yếu tố không-hoa. Ta có
thể mô tả hoa làm bằng mọi thứ khác. Không có gì mà không hiện hữu trong bông
hoa. Chúng ta thấy ánh sáng mặt trời, thấy mưa, thấy mây, thấy đất và ta cũng
nhìn thấy thời gian, không gian trong hoa. Một bông hoa cũng như mọi thứ khác,
hoàn toàn được cấu tạo bởi những chất không phải là hoa. Tất cả vũ trụ đã tập hợp
lại để giúp cho bông hoa biểu hiện. Bông hoa có đủ thứ, trừ một thứ: đó là cái
ngã riêng biệt hay tự tánh độc lập của nó.
Bông
hoa không thể tự mình là hoa. Nó phải hiện hữu tương tức cùng với mặt trời, đám
mây và mọi thứ khác trong vũ trụ. Nếu ta hiểu nghĩa chữ hiện hữu là cùng hiện
diện với các thứ khác, thì ta đã tới gần chân lý hơn. Tương tức hay Interbeing
không phải là hiện hữu hay không hiện hữu mà có nghĩa là không có tự tánh riêng
biệt, không có cái ngã độc lập.
Vô
ngã cũng có nghĩa là trống rỗng, một thuật ngữ trong Phật giáo có nghĩa là
không có tự tánh độc lập. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu tại
đây. Cũng không có nghĩa là mọi sự đều không có đây. Một cái ly có thể trống
hay đầy trà. Muốn trống hay đầy, cái ly phải hiện hữu cái đã. Trống rỗng không
có nghĩa là hiện hữu hoặc không hiện hữu. Nó vượt qua mọi ý niệm. Nếu bạn tiếp
xúc thật sâu được với bản chất vô thường, vô ngã và tương tức, bạn tiếp xúc được
với bình diện tuyệt đối, với bản chất của Niết bàn.
3.7. Chúng Ta Là Ai?
Chúng
ta nghĩ về thân mình như nó chính là mình, hay nó thuộc về mình. Thân này là
tôi, là của tôi. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân bạn cũng là cái
thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn. Vậy nó không phải là tôi hay của
tôi! Thân bạn có đầy đủ các yếu tố khác, vô số những thứ không phải là thân, trừ
một thứ, đó là cái ngã riêng biệt.
Vô
thường cần được nhìn dưới ánh sáng của trống rỗng, tương tức và vô ngã. Những
thứ đó không có tính cách tiêu cực. Trống rỗng là một mầu nhiệm. Ngài Long Thọ
(Nagarjuna), một vị thầy nổi tiếng của đạo Bụt thế kỷ thứ hai đã nói: “Nhờ
Không mà mọi sự đều Có!”
Bạn
có thể thấy vô ngã trong vô thường và vô thường trong vô ngã. Bạn có thể nói vô
thường là vô ngã nhìn trong bình diện thời gian và vô ngã là vô thường nhìn dưới
khía cạnh không gian. Hai thứ đó là một. Vì vậy vô thường và vô ngã tương tức,
tương nhập (có liên quan hỗ tương với nhau). Nếu bạn không thấy vô thường trong
vô ngã thì đó không phải là vô ngã. Nếu bạn không thấy vô ngã trong vô thường thì
đó không thật là vô thường.
Chưa
hết, bạn cũng phải nhìn thấy Niết bàn trong vô thường và Niết bàn trong vô ngã.
Nếu tôi vẽ một đường thẳng, một bên đường là vô thường vô ngã thì bên kia đường
là Niết bàn. Đường thẳng đó có ích lợi nhưng nó cũng có thể làm ta hiểu lầm. Niết
bàn vượt qua tất cả mọi ý niệm, kể cả ý niệm về vô thường và vô ngã. Nếu ta thấy
Niết bàn trong vô thường và vô ngã có nghĩa là ta không bị kẹt vào các ý niệm
vô thường và vô ngã.
3.8. Sinh Sản Vô Tính Và
Vô Ngã
Nếu
bạn lấy ba tế bào từ thân tôi rồi theo phép sinh sản vô tính (cloning), làm ra
ba đứa bé từ các tế bào đó, chúng sẽ có các yếu tố di truyền trong máu của gia
đình huyết thống và của chính tôi.
Nhưng
chúng ta ai cũng có thêm một di sản khác. Chúng ta tự nhiên là thừa kế cái thân
từ gia đình. Ta cũng là di sản của môi trường ta sống. Đó là sự nuôi dưỡng. Tưởng
tượng nếu ta bỏ ba đứa bé do sinh sản vô tính vào ba môi trường khác nhau. Bé
nào sống trong giới cờ bạc, ma túy thì nhiều phần nó cũng sẽ nghiện ngập và ham
mê bài bạc. Nó sẽ không trở thành một nhà sư như tôi. Nếu bạn nuôi một đứa khác
trong môi trường thương mại và cho nó đi học về thương mại, có lẽ nó sẽ trở
thành một thương gia. Chuyện này có thể xảy ra dù cho các em bé ra đời bằng
phép vô tính đó mang cùng những cái genes của tôi. Nhưng tôi đã được thấm nhuần
giáo pháp của Bụt. Những giáo pháp đó không được tưới tẩm ở trường thương mại
mà các hạt giống mua bán và làm thương mại sẽ được tưới tẩm. Chú bé kia sẽ trở
thành một thương gia. Dù cho mắt, mũi, tai... coi hệt như tôi, chú ta không có
gì giống tôi hết.
Ta
hãy giả thiết chú thứ ba do sinh sản vô tính trở thành một tăng sĩ. Ta để chú
vào Lộc Uyển và giao cho các tăng ni nuôi dưỡng chú. Mỗi ngày chú nghe kinh kệ
và đi thiền hành. Chú bé sẽ là một vị sư còn khá hơn tôi ngày nay nữa.
Nuôi
dưỡng là chuyện rất quan trọng. Dù cho bạn sản xuất vô tính ba ‘clones’ hay ba
ngàn ‘clones’, thì sự biểu hiện đặc biệt của các ‘clones’ đó tùy vào điều kiện
nuôi dưỡng chúng, tùy vào những ý tưởng, tình thương, lòng ghen ghét, tùy vào sự
học hỏi và tùy công việc chung quanh. Tưởng tượng có những người sợ mất tôi, hỏi
rằng: “Xin cho chúng con một tế bào của Thầy để làm ‘cloning’,” và nếu đồng ý
thì tôi sẽ phải nói: “Được, nhưng xin nuôi đứa bé ở một tu viện như Lộc Uyển
hay Rừng Phong, nếu không thì nó sẽ đau khổ đó.”
3.9. Niết Bàn
Vô
thường và vô ngã không phải là những luật lệ Bụt đặt ra cho chúng ta. Đó là những
chìa khóa để mở cánh cửa thực tại. Ý niệm thường hằng là sai lầm, vậy nên giáo
pháp vô thường giúp chúng ta có cái nhìn đúng về sự thường hằng bất biến. Nếu
chúng ta bị kẹt vào ý niệm vô thường, chúng ta cũng không đạt tới Niết bàn được.
Ý niệm về ngã là sai lầm, vậy nên ta có giáo pháp vô ngã để chữa nó. Nếu ta bị
vướng vào ý niệm vô ngã, thì cũng không hay ho gì. Vô thường và vô ngã là những
chìa khóa để thực tập - không phải là những chân lý tuyệt đối. Chúng ta không sống
chết với chúng và cũng không giết hại ai để bảo vệ chúng.
Trong
đạo Bụt không có tư tưởng hay thiên kiến nào để chúng ta phải giết hại người
khác. Chúng ta không giết người chỉ vì họ không chấp nhận tôn giáo của mình.
Các giáo pháp của Bụt là những phương tiện tinh vi, đó không phải là những chân
lý tuyệt đối. Vậy chúng ta có thể nói rằng vô thường và vô ngã là những phương
tiện khéo léo giúp chúng ta tới gần chân lý nhưng đó không phải là chân lý tuyệt
đối.
Bụt
dạy: “Giáo pháp của ta là ngón tay chỉ mặt trăng. Đừng để bị vướng vào ý tưởng
ngón tay là mặt trăng. Ngón tay chỉ là phương tiện để giúp ngươi thấy được mặt
trăng mà thôi.”
Vô
thường và vô ngã là phương tiện để ta hiểu được thực tại, đó không phải là thực
tại. Đó chỉ là các dụng cụ, không phải là chân lý tuyệt đối. Vô thường không phải
là một chủ thuyết bạn phải sống chết với nó. Bạn không bao giờ nên bỏ tù một
người chỉ vì hắn nói ngược với bạn. Bạn không nên dùng quan niệm của mình để chống
lại quan niệm của người khác. Những phương tiện đó đưa ta tới chân lý sau cùng.
Đạo Bụt là một con đường thiện hảo giúp đỡ chúng ta, không phải là một con đường
của kẻ cuồng tín. Phật tử không nhân danh tôn giáo để tham chiến, không đổ máu
hay giết hàng ngàn người.
Vì
vô thường chứa đựng trong nó bản chất Niết bàn, ta sẽ được an toàn khi không bị
vướng vào một ý tưởng. Khi bạn học hỏi và hành trì giáo pháp này, bạn không còn
bị kẹt, bạn được tự do không vướng vào các ý niệm kể cả ý niệm về thường hay vô
thường. Theo con đường đó, bạn đạt tới sự tự do không còn đau khổ sợ hãi nữa.
Đó là Niết bàn, là vương quốc của Thượng đế.
3.10. Ngừng Bặt Ý Niệm
Chúng
ta sợ hãi vì các ý niệm về sinh-tử, tăng-giảm, hiện-hữu hay không hiện-hữu. Niết
bàn là sự ngừng bặt của tất cả các ý niệm và tư tưởng. Nếu chúng ta thoát khỏi
hết các ý niệm và tư tưởng, chúng ta có thể tiếp xúc được với niềm an lạc trong
bản thể chân thật của ta.
Có tám ý niệm nuôi dưỡng sự sợ hãi. Đó là ý niệm về sinh-diệt, đến-đi, khác nhau-giống nhau, có-không. Những ý niệm đó làm cho ta không hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt dạy ta tám ý niệm đối nghịch gọi là tám không: không sinh-không diệt; không đến-không đi; không giống-không khác; không có-không không.
3.11. Chấm Dứt Ý Niệm Về Hạnh
Phúc
Mỗi
chúng ta ai cũng có một quan niệm làm sao để ta được hạnh phúc. Nếu ta có thì
giờ để nhìn lại quan niệm của ta về hạnh phúc thì đó là một chuyện có ích. Ta
có thể làm một danh sách những gì ta nghĩ là cần có để được sung sướng. “Tôi chỉ
hạnh phúc nếu...”
Hãy
viết xuống tất cả những chuyện gì bạn muốn và không muốn. Những ý tưởng đó tới
từ đâu? Chúng có phải là chân lý không? Hay đó chỉ là các ý niệm của bạn? Nếu bạn
ràng buộc vào một quan niệm đặc biệt về hạnh phúc thì bạn ít có cơ hội sung sướng
rồi!
Hạnh phúc tới từ nhiều
phương. Nếu bạn có quan niệm nó chỉ tới từ một hướng thì bạn sẽ mất các cơ hội
khác, vì bạn chỉ muốn hạnh phúc tới từ phương bạn đã chọn.
Bạn
nói: “Tôi thà chết chứ không cưới người khác (thay vì cưới nàng). Tôi thà chết
chứ không thể mất việc hay mất danh tiếng. Tôi không thể sung sướng nếu như
không đỗ được cấp bằng đó, hay không mua được căn nhà, không được thăng chức...”
Bạn đặt quá nhiều điều kiện vào hạnh phúc của bạn. Nhưng, ngay cả khi bạn thành
đạt được tất cả các điều kiện đó, bạn vẫn không có hạnh phúc. Bạn tiếp tục đặt
thêm các điều kiện khác, bạn muốn có bằng cao hơn, việc tốt hơn và nhà đẹp hơn
nữa.
Một
quốc gia cũng có thể tin rằng chỉ có một con đường để cho nước giàu dân mạnh.
Quốc gia và dân tộc đó có thể tự buộc mình vào một chủ thuyết hàng trăm năm hay
nhiều hơn. Trong khi đó, người dân phải chịu nhiều đau khổ. Ai bất đồng ý kiến
hay nói ngược với chính phủ liền bị cầm tù. Họ cũng có thể bị cho là điên rồ. Bạn
có thể biến xứ sở của bạn thành một nhà tù nếu bạn bị kẹt vào một chủ nghĩa.
Xin nhớ rằng quan niệm về hạnh phúc của bạn có thể rất nguy hiểm. Bụt dạy hạnh
phúc chỉ có mặt bây giờ và ở đây. Vậy, ta nên cần nhìn lại và coi xét cho kỹ
các quan niệm về hạnh phúc của mình. Bạn có thể nhận ra rằng các điều kiện của
hạnh phúc bạn đang có trong đời là đầy đủ rồi. Vậy là bạn sẽ có hạnh phúc ngay
lập tức.
Xem Tiếp Chương 4 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá