Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức
Chương 7. Mỗi Động Tác Là Một Lễ Nghi
Thiều ơi, tôi thường
nghe một ví dụ này khá hay về hơi thở. Có một bức tường cao không có cách gì
leo lên đứng phía trên được, duy chỉ có sợi chỉ mong manh vắt qua bức tường.
Người khôn khéo sẽ buộc đầu sợi chỉ ấy vào dây gai rồi qua bên kia kéo đầu sợi
chỉ xuống để cho sợi dây gai vắt lên thay thế. Xong rồi, lại buộc đầu sợi gai với
đầu sợi dây thừng để kéo nó vắt qua bức tường. Sau khi cột một đầu thừng xuống
chân bức tường bên này, ông ta sang bên kia tường bám vào sợi dây thừng mà trèo
lên đứng phía trên bức tường. Hơi thở của ta là sợi dây chỉ mỏng manh kia, nếu
ta biết sử dụng thì ta có thể biến nó thành một khí cụ thần diệu cứu ta ra khỏi
những trường hợp xem như vô vọng. Hơi thở cũng là một cây cầu bắt từ thân sang
tâm, hơi thở điều hòa cả thân và tâm, hơi thở thiết lập sự thể giữa thân và
tâm. Thân và tâm đều có liên hệ tới hơi thở, và hơi thở có thể dùng để điều hợp
thân tâm, đưa đến trạng thái tĩnh lặng sáng chiếu của cả hai.
Có nhiều người và nhiều
sách nói đến những ích lợi lớn lao của sự tập thở đúng phương pháp. Người biết
thở là người biết sử dụng một kho tàng sinh lực vô tận: Hơi thở thanh lọc buồng
phổi, thanh lọc máu trong huyết quản, thanh lọc và đổi mới cả cơ thể. Hơi thở
quan trọng hơn thức ăn. Những điều ấy rất đúng. Hồi xưa tôi từng bị ốm nặng và qua
mấy năm thuốc thang không lành, tôi đã dùng đến phương pháp thở, phương pháp
này đã cứu sống tôi.
Tuy vậy trong câu chuyện mà tôi đang nói với Thiều đây, hơi thở là dụng cụ và đối tượng của quán niệm. Hai lá phổi tốt, một hơi thở khỏe là những thiện duyên rất lớn, tuy nhiên không phải là mục đích lớn mà chỉ là những vật phó sản (gous prodrets) của sự thực hiện quán niệm mà thôi.
Ở Paris tôi có hướng
dẫn một lớp ngồi Thiền cho người ngoại quốc. Trong số đó có nhiều người trẻ.
Tôi nói với họ mỗi ngày ngồi một giờ đồng hồ thì tốt lắm, nhưng không đủ thiếu
gì. Phải tập thiền trong khi đi, đứng, ngồi, nằm và làm việc. Tôi chỉ cho họ
cách quán niệm trong khi rửa tay, rửa bát, quét nhà, nói chuyện. Tôi nói trong
khi rửa bát, có thể ta nhớ tới tách trà và muốn rửa cho thật mau để lên ngồi uống
trà. Nhưng như thế là ta không thấy được sự sống trong khi rửa bát. Trong khi
ta rửa bát thì rửa bát phải là chuyện quan trọng nhất trong đời. Trong khi ta
đi cầu, thì đi cầu là chuyện quan trọng nhất trong đời. Cứ thế mà nhìn, bửa củi
cũng là thiền mà gánh nước cũng là thiền. Người hành giả tu 24 tiếng đồng hồ một
ngày chứ không phải chỉ tu trong giờ tụng kinh và ngồi thiền. Mọi động tác đều
được nhiếp phục trong chánh niệm. Mỗi động tác là một lễ nghi. Dùng chữ lễ nghi
thì hơi nặng nề nhưng tôi phải dùng chữ ấy qua một lượt để Thiều thấy tính cách
sanh tử của sự tỉnh thức.
Xem Chương 8 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá