Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Nghệ Thuật Thiết Lập Truyền Thông
Chương 1. Thức Ăn Thiết Yếu
Năng lượng từ bi
sẽ bảo vệ ta và giúp người khác bớt đau khổ.
Những gì ta hay
người chung quanh ta nói năng, suy nghĩ, hành động sẽ xâm nhập vào tâm
thức ta. Đây là một hình thức tiêu thụ. Vì vậy khi đọc sách hay khi
nghe ai nói, ta phải cẩn thận, đừng để độc tố tàn hại sức khỏe, gây
đau khổ cho ta, cho người khác hay cho cả một tập thể.
Để ví dụ, Bụt có
đưa ra hình ảnh của một con bò bị bệnh da lở loét. Bò bị côn trùng
bốn phía tấn công. Vì không còn da cho nên bò không thể tự bảo vệ.
Cũng như thế, chánh niệm là lớp da bảo bọc con người. Không có chánh
niệm, những độc tố bên ngoài sẽ xâm nhập thân và tâm.
Ngay cả khi lái xe
ta cũng đang tiêu thụ. Những tấm biển quảng cáo đập vào mắt ta bắt
ta tiêu thụ. Những âm thanh ta nghe, những lời ta nói,… tất cả đều có
thể là sản phẩm của tiêu thụ độc hại. Ta phải tự vệ bằng cách tiêu
thụ cho có chánh niệm. Chánh niệm khi truyền thông là một phần của
việc tự vệ. Truyền thông như thế nào để thể hiện bình an, từ bi và
thêm vui cho người.
Nhưng chúng ta có cách giải độc: thương yêu trong chánh niệm và truyền thông. Tình yêu, lòng kính trọng, tình bạn, tất cả đều cần có thức ăn nuôi dưỡng mới sống còn. Với chánh niệm trong ý nghĩ, lời nói và hành động, ta sẽ nuôi dưỡng quan hệ và giúp quan hệ lớn mạnh.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Quan Hệ Không Thể Sống Sót Nếu Không Có Thức Ăn Lành Mạnh
Nhiều người đau
khổ vì truyền thông khó khăn. Ta có cảm tưởng bị hiểu lầm, nhất là
bởi người ta thương. Khi tạo dựng mối quan hệ, chúng ta cung cấp “thức
ăn” cho nhau. Vì vậy chúng ta phải chọn lựa thức ăn cho người kia,
thức ăn có thể giúp cho quan hệ lớn mạnh. Tình yêu, thù ghét, khổ
đau, tất cả đều cần thức ăn để tồn tại. Ta mãi đau khổ là vì ta
tiếp tục cung cấp thức ăn cho khổ đau. Mỗi khi ta nói lời thiếu chánh
niệm là ta cung cấp thức ăn cho khổ đau trong ta.
Nhờ chánh niệm, ta
có thể nhìn sâu vào bản chất của khổ đau để thấy rõ thức ăn nào đã
nuôi sống nó. Khi biết được nguồn gốc của thức ăn thì ta có thể cắt
đứt nguồn cung cấp này và nhờ đó mà đau khổ được giải tỏa.
Nhiều khi một quan
hệ tình cảm bắt đầu tốt đẹp nhưng dần dần rồi cũng tàn phai bởi vì
ta không biết nuôi dưỡng. Truyền thông có thể giúp cho tình yêu sống
lại. Mỗi ý nghĩ trong óc, trong tim ta – người Trung Quốc nói là “trong
bụng” – đều nuôi dưỡng quan hệ của chúng ta. Nghi ngờ, phiền giận, sợ
hãi, bực bội không nuôi dưỡng ta và người ta thương. Nếu quan hệ của ta
gặp khó khăn thì vì ta đã nuôi tình yêu bằng trách móc, hờn giận mà
không phải bằng yêu thương.
Tại một khóa tu ở
Làng Mai Pháp quốc, trong bài pháp thoại nói về cách sử dụng truyền
thông để nuôi dưỡng người thương, tôi có ví dụ mối quan hệ như một
bông hoa cần được tưới tẩm để lớn mạnh. Tôi để ý thấy một bà ngồi
ở hàng đầu khóc suốt bài pháp thoại.
Sau pháp thoại, tôi
đến gặp chồng bà ấy và nói nhỏ: “Này anh, bông hoa của anh cần được
tưới tẩm đấy.” Ông chồng cũng đang tham dự khóa tu và cũng biết sử
dụng ái ngữ, nhưng đôi khi ông cần một ai đó, chẳng hạn như một người
bạn, nhắc lại. Hôm đó, sau giờ cơm trưa, ông chồng lái xe đưa bà vợ
về nhà. Chỉ trong một giờ ngắn ngủi, ông đã áp dụng nghệ thuật tưới
hoa.
Khi về tới nhà bà
vợ như thay đổi hoàn toàn, nét mặt trở nên vui tươi, hạnh phúc. Các
con họ đều ngạc nhiên vì hồi sáng, trước khi đi ông bà có vẻ buồn
bực, khó chịu. Cho nên chỉ trong một giờ, ta có thể thay đổi người
kia và thay đổi chính ta bằng cách sử dụng phép thực tập tưới tẩm
những hạt giống tốt. Đây là áp dụng chánh niệm cụ thể; đây không
phải là lý thuyết.
Truyền thông với
tính chất nuôi dưỡng và chữa trị là thức ăn cho việc duy trì các
mối quan hệ. Đôi khi chỉ vì một câu nói độc ác mà người kia đau khổ
nhiều năm và ta đau khổ nhiều năm. Vì nóng giận hay vì sợ hãi mà ai
đó có thể nói một lời cay độc hay tàn hại. Lời cay độc tàn hại đó
sẽ ở lại trong tâm ta rất lâu và dần dần giết chết quan hệ giữa ta
và người ấy.
Nhưng chúng ta có cách giải độc: thương yêu trong chánh
niệm và truyền thông. Tình yêu, lòng kính trọng, tình bạn, tất cả
đều cần có thức ăn nuôi dưỡng mới sống còn. Với chánh niệm trong ý
nghĩ, lời nói và hành động, ta sẽ nuôi dưỡng quan hệ và giúp quan
hệ lớn mạnh.
Xem Tiếp Chương 2 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá