Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Giận
Chương 1. Thực Tập Hạnh Phúc
Thực Tập Hạnh Phúc
Theo tôi, hạnh phúc
có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có
hạnh phúc.
Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài, nhưng hạnh
phúc thật sự chỉ có thể có được tự bên trong. Theo lối sống bây giờ, người ta
cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền bạc, nhiều quyền lực và có địa vị cao
sang trong xã hội. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy có rất nhiều người giàu
sang hay nổi tiếng mà vẫn đau khổ, mà vẫn tự tử.
Vào thời Bụt, Bụt và
Tăng đoàn của Ngài, mỗi vị chẳng có gì ngoài ba chiếc áo và một bình bát thế mà
quý Ngài rất mực hạnh phúc bởi vì quý Ngài đã đạt được một điều vô cùng quý
báu, đó là tự do.
Theo lời Bụt dạy, điều
kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Tự do đây không phải là tự do trong lãnh vực
chánh trị mà là tự do khi không còn bị sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng,
và si mê rang buộc. Những tâm hành sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng,
và si mê đó Bụt gọi là những chất độc. Khi tâm còn bị những chất độc đó chế ngự
thì không thể nào có được hạnh phúc.
Muốn thoát ra khỏi
sân hận thì cần phải tu tập, dầu cho bạn là tín đồ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Phật
giáo, Ấn độ giáo hay Do thái giáo. Chúng ta không thể cầu xin Bụt, Jesus, Thượng
đế hay Mohammed lấy sân hận ra khỏi tâm thay cho ta được. Có những phương pháp
cụ thể giúp diệt trừ tham, giận, si, mê. Nếu thực tập những phương pháp đó và chuyển
hóa đau khổ của tự thân thì chúng ta sẽ có thể giúp những người khác chuyển hóa
đau khổ của chính họ.
Chuyển Đổi Tình Trạng
Giả sử trong một gia
đình mà hai cha con giận nhau. Giữa cha và con không còn có sự truyền thông. Cả
hai cha con đều khổ và cùng mong thoát ra khỏi tình trạng bế tắc do giận hờn
gây nên nhưng không biết phải làm thế nào.
Một pháp môn tốt là một
pháp môn có thể đem áp dụng vào đời sống hằng ngày và giúp chuyển hóa khổ đau.
Khi buồn giận ta đau khổ như bị thiêu đốt trong địa ngục. Những lúc đó ta phải
tìm tới những người bạn có tu tập để xin giúp đỡ, để học hỏi cách thức đối trị
buồn giận, ganh tị, tuyệt vọng trong ta, hầu mong có thể chuyển đổi tình trạng.
Lắng Nghe Với Tâm Từ Bi Làm Vơi Bớt Khổ Đau
Một người mà lời nói
đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Vì đau khổ mà người ấy
nói ra những lời chua chát, cay đắng, trách móc khiến cho ta khó chịu và tìm
cách xa lánh. Muốn thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận thì phải học phép thực tập
hạnh lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ. Có một vị Bồ Tát có khả năng lắng
nghe với tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chúng ta phải thực tập
hạnh lắng nghe sâu như Ngài thì mới có thể hướng dẫn một cách cụ thể khi một
người đầy sân hận tìm đến xin giúp đỡ để tái lập truyền thông.
Lắng nghe với tâm từ
bi có thể làm người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều thiện chí ta cũng
khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu ta không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu
ta có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta
có thể làm vơi bớt khổ đau của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích
duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt khổ đau.
Phải lắng nghe thật
chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta
chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình thì người kia sẽ nhận ra
ngay và khó mà vơi bớt khổ đau. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng
nghe. Muốn vậy trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy
trì ý hướng muốn giúp người kia.
Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn giúp người kia vơi bớt khổ đau. Người kia có thể là cha, là mẹ, là con trai, con gái, là vợ hay chồng của ta. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và khổ đau của họ.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Một Quả Bom Sắp Nổ
Tôi có biết một thiếu
phụ ở tại Bắc Mỹ. Thiếu phụ này có đạo Cơ Đốc. Bà ta đã rất đau khổ vì hai vợ
chồng sống với nhau không được hòa thuận. Cả hai đều có học thức và đều đậu bằng
tiến sĩ (Ph.D.). Nhưng người chồng luôn luôn gây gổ với vợ con. Ông không bao
giờ có thể nói chuyện với vợ con. Trong gia đình, ai cũng tránh né ông vì khi nào
ông ta cũng như một quả bom sắp nổ. Tâm sân hận của ông rất lớn. Ông nghĩ rằng
vợ và các con của ông khinh khi ông, bởi vì không ai muốn đến gần ông. Thực ra
thì vợ ông và các con ông đâu có khinh ông. Họ chỉ sợ ông thôi. Họ sợ đến gần
ông rồi ông nổi tam bành lên thì nguy.
Rồi một ngày kia người
vợ không chịu đựng được nữa và có ý muốn tự tử. Nhưng trước khi thực hành ý định
bà ta gọi điện thoại cho một bà bạn để thổ lộ tâm tình. Bạn của bà ta, một Phật
tử có tu tập, trước đây đã từng mời bà tham dự thiền tập, những mong bà ta bớt
khổ đau phần nào nhưng bà ta luôn luôn từ chối, viện lý một tín đồ đạo Chúa như
bà không thể tu theo đạo Bụt.
Chiều hôm đó khi bà bạn
Phật tử biết được ý định muốn tự tử của bạn mình liền nói với bà ta qua điện
thoại: “Chị nói chị là bạn của tôi mà nay chị muốn chết. Vậy thì trước khi chị
thực hành ý định tôi chỉ xin chị một điều là tôi mời chị nghe một bài pháp thoại
của Thầy tôi mà chị đã từng từ chối. Bây giờ, nếu quả chị là bạn của tôi, xin
chị hãy lấy taxi đến đây và nghe cái băng pháp thoại này rồi sau đó chị muốn gì
thì tùy chị.”
Khi người bạn đến, bà
bạn Phật tử để cho bà ta ngồi một mình trong phòng khách để nghe bài pháp thoại
về Nghệ Thuật Tái Lập Truyền Thông. Suốt thời gian trên một giờ đồng hồ nghe
pháp thoại bà ta đã chuyển hóa sâu sắc. Bà đã khám phá ra được nhiều điều. Bà
ta đã ý thức rằng chính bà đã có trách nhiệm một phần nào về đau khổ của bà và
bà đã làm cho chồng đau khổ rất nhiều. Bà ý thức rằng bà đã không giúp ích gì
cho ông. Vì tránh né ông mà bà đã làm ông ngày càng thêm khổ. Qua bài pháp thoại
bà đã hiểu rằng muốn giúp chồng thì bà phải biết lắng nghe với tâm từ bi. Điều
này trong năm năm qua bà đã không làm được.
Gỡ Bom
Sau khi nghe bài pháp
thoại bà ta rất nao nức. Bà ta muốn về nhà ngay để giúp chồng. Nhưng bà bạn Phật
tử nói rằng: "Không được đâu chị. Chị không nên làm chuyện đó ngay ngày
hôm nay vì pháp môn lắng nghe là một pháp môn rất sâu. Chị phải thực tập ít nhất
là một hay hai tuần lễ để có thể lắng nghe sâu sắc," và bà ta đã mời bà bạn
của mình tham dự một khóa tu.
Trong khóa tu có khoảng
hơn bốn trăm người tham dự, cùng ăn, cùng ở, cùng thực tập trong sáu ngày.
Trong sáu ngày đó, tất cả mọi người cùng thực tập hơi thở chánh niệm để đem
thân tâm về một. Tất cả mọi người thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm,
để hết tâm ý vào mỗi bước chân, mỗi cử chỉ đồng thời quán chiếu và ôm ấp tâm tư
cũng như khổ đau của chính mình.
Họ không những chỉ
nghe pháp thoại mà còn thực tập lắng nghe nhau để tìm hiểu niềm đau, nỗi khổ của
người kia và họ chỉ nói với nhau những lời nói dịu dàng dễ thương (ái ngữ). Bà
bạn theo Cơ Đốc Giáo đã thực tập hết lòng bởi vì đối với bà đây là một vấn đề sống
chết.
Sau khóa tu, khi về
nhà, bà rất bình tĩnh, lòng bà tràn ngập thương yêu. Bà quyết tâm muốn giúp chồng
gỡ trái bom ra khỏi tim. Bà đi đứng chậm rãi, theo dõi hơi thở để được thêm
bình tĩnh và nuôi dưỡng tâm từ bi. Chồng bà đã cảm nhận sự khác lạ nơi bà khi
thấy bà đi đứng chánh niệm như vậy. Rồi tối hôm ấy bà đến gần và ngồi yên bên
chồng. Đây là một điều mà bà không bao giờ làm được trong năm năm qua.
Bà ngồi yên như vậy
khá lâu, có lẽ gần mười phút. Xong rồi bà nhẹ đặt bàn tay lên tay chồng và nói
"Anh ơi, em biết trong năm năm qua anh đã đau khổ rất nhiều, em nay rất
thông cảm. Em biết em đã là một phần lớn nguyên nhân làm anh khổ. Em đã không
an ủi anh mà còn làm cho anh khổ thêm. Em đã làm rất nhiều lầm lỗi. Em rất ân hận.
Em xin anh cho em một cơ hội để làm mới lại. Em muốn anh được hạnh phúc, nhưng
em đã không biết phải làm thế nào và em đã làm cho tình trạng càng ngày càng
đen tối. Em không muốn tình trạng này kéo dài mãi. Xin anh giúp em đi. Em cần
anh giúp em để em có thể hiểu anh hơn và thương anh hơn. Anh nói cho em nghe những
tâm tư sâu kín trong tim anh. Em biết anh đã rất đau khổ. Xin anh cho em biết
những niềm đau nỗi khổ của anh để em không còn tạo thêm khổ đau cho anh như
trong quá khứ. Không có anh giúp em thì em không làm gì được. Em chỉ muốn
thương yêu anh mà thôi."
Khi bà nói như vậy
thì chồng bà đã khóc. Ông ta khóc như một đứa bé.
Đã từ lâu vợ ông luôn
luôn chua chát với ông. Bà chỉ có to tiếng, lời nói luôn đầy giận dữ, cay đắng,
trách móc, phê phán. Cả hai vợ chồng chỉ biết gây gổ với nhau. Đã bao năm qua,
có khi nào mà bà đã nói được với ông những lời thương yêu, ngọt ngào như ngày
hôm nay!
Khi thấy chồng khóc,
bà ta cảm thấy tình thế đã có phần hy vọng. Cánh cửa trái tim của chồng bà lâu
nay khép kín nay đã bắt đầu hé mở. Bà biết lúc này bà phải rất cẩn thận, và bà
đã tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, rồi bà nói, "Anh ơi, anh nói ra tất
cả những gì sâu kín trong tim anh cho em nghe đi. Em muốn cư xử với anh hay
hơn. Em không muốn tạo thêm lỗi lầm gì nữa.”
Bà vợ là một người
trí thức, cũng có bằng Ph.D. Nhưng cả hai đã đau khổ vì không biết cách thực tập
lắng nghe với tâm từ bi. Nhưng ngày hôm đó, người vợ đã thực tập lắng nghe với
tâm từ bi rất thành công.
Lắng nghe với tâm từ
bi đã có một tác dụng chữa trị mầu nhiệm cho cả hai người. Chỉ vài giờ đồng hồ
sau hai vợ chồng đã làm hòa được với nhau.
Pháp Môn Đúng - Thực Tập Tốt
Nếu một pháp môn là một
pháp môn đúng, nếu sự thực tập là một sự thực tập tốt thì không cần phải đợi đến
năm hay mười năm mà chỉ cần vài giờ đồng hồ là có thể có chuyển hóa và chữa trị.
Tôi biết rõ bà bạn theo Cơ Đốc Giáo đó đã thành công là vì bà ta đã thuyết phục
được chồng ghi tên tham dự khóa tu thứ hai tiếp theo sau đó.
Sau một khóa tu sáu
ngày tiếp theo, chồng của bà ta cũng đã chuyển hóa sâu sắc. Trong một buổi thiền
trà ông ta đã giới thiệu vợ mình cho các bạn tu và nói, "Thưa các bạn, tôi
xin giới thiệu với các bạn một vị Bồ Tát. Người này là vợ tôi nhưng cũng là một
vị Đại Bồ Tát. Trong năm năm qua, tôi đã làm cho vợ tôi đau khổ rất nhiều. Tôi
đã rất dại dột. Nhưng nhờ tu tập mà vợ tôi đã thay đổi tình trạng, đã cứu sống tôi."
Rồi sau đó hai vợ chồng đã kể lại tình trạng gia đình trong năm năm qua và
trong trường hợp nào mà họ đến tham dự khóa tu. Họ chia sẻ với đại chúng nhờ đâu
mà họ đã làm hòa với nhau, tái lập tình thương yêu lại với nhau.
Khi một người làm vườn
dùng một loại phân bón mà không thấy có kết quả thì người ấy phải thay loại
phân bón khác. Điều đó cũng đúng với chúng ta. Nếu sau vài tháng tu tập mà
không thấy có chuyển hóa hay chữa trị thì phải xét lại. Phải thay đổi phương
cách và tìm cho ra một pháp môn tu tập khả dĩ thay đổi cuộc sống của chính ta
và của những người ta thương.
Điều này tất cả chúng
ta đều làm được nếu chúng ta có được pháp môn đúng và chúng ta thực tập tốt. Nếu
chúng ta hết lòng thực tập, nếu chuyện thực tập là chuyện sống chết như trường
hợp bà bạn người Cơ Đốc trên đây, thì không có gì mà ta không chuyển đổi được.
Để Có Được Hạnh Phúc
Chúng ta đang sống
trong một thời đại với biết bao phương tiện truyền thông tinh xảo. Tin tức có
thể được truyền đi xa vạn dặm trong nháy mắt nhưng đồng thời truyền thông giữa
chúng ta, giữa cha và con, giữa chồng và vợ thì lại rất khó khăn. Nếu không thiết
lập lại được truyền thông giữa ta và những người khác thì không thể nào có được
hạnh phúc. Trong giáo lý của Đạo Bụt pháp môn thực tập lắng nghe với tâm từ bi,
thực tập ái ngữ cũng như pháp môn thực tập chăm sóc sân hận đã được diễn bày rất
rõ ràng. Chúng ta phải đem ra áp dụng hầu mong có thể thiết lập lại truyền
thông và xây dựng hạnh phúc cho gia đình, học đường, cho cộng đồng của riêng
chúng ta, rồi từ đó mới có thể giúp ích những người khác trên thế giới.
Xem Tiếp Chương 2 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá