Chương 10. Ôm Ấp Cơn Giận Bằng Chánh Niệm

Chương 10. Ôm Ấp Cơn Giận Bằng Chánh Niệm

Price:

Read more

Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Giận

Chương 10. Ôm Ấp Cơn Giận Bằng Chánh Niệm








Nghe hoặc Tải MP3 'Giận' ê


Những Nút Thắt Của Sân Hận

Trong tâm thức của chúng ta có những khối của niềm đau, của sân hận, và của bực bội gọi là nội kết. Chúng cũng được gọi là những nút thắt, giây quấn (triền phược), bởi vì chúng trói buộc, không cho ta được tự do.

Khi một người nào đó thóa mạ ta hay đối xử không tử tế với ta thì trong ta sẽ có nội kết. Nếu ta không biết cách tháo gỡ thì nội kết sẽ lưu lại rất lâu. Sau đó nếu có ai lại đối xử không tử tế với ta như vậy thì nội kết đó sẽ lớn thêm. Nội kết hay những khối đau nhức có năng lực thúc đẩy, ép buộc ta trong khi hành xử.

Lâu ngày nội kết càng trở nên khó chuyển hóa, khó tháo gỡ, và chúng ta bị kẹt. Tiếng Sanskrit của danh từ nội kết là samyojana, có nghĩa là "kết tinh, đóng cục." Tất cả chúng ta đều có nội kết cần được chăm sóc. Chính nhờ thiền tập mà ta tháo gỡ được nội kết và đạt được sự chuyển hóa và chữa trị.

Không phải nội kết nào cũng khó chịu. Có những nội kết êm ái nhưng nội kết êm ái cũng có thể gây nên đau khổ. Khi thấy, nghe, hoặc thưởng thức những gì ta thích, sự ưa thích đó sẽ có thể trở thành một nội kết. Khi những gì ta ưa thích không còn nữa, ta sẽ thèm nhớ và đi tìm. Ta để ra nhiều thì giờ và tâm lực để tìm hưởng lại những khoái lạc đó. Khoái lạc trong khi hút cần sa hay uống rượu sẽ tạo nên nội kết trong thân cũng như trong tâm và rất khó mà giải trừ. Càng ngày ta càng khao khát. Ta sẽ bị sức mạnh của nội kết thúc đẩy, chế ngự, ta không còn tự do.


Tình yêu là một nội kết rất lớn. Khi yêu, bạn chỉ nghĩ đến người yêu. Bạn không còn tự do. Bạn không làm được chi cả, không học bài, không làm việc, không thể thưởng thức một cảnh mặt trời huy hoàng hay một cảnh đẹp thiên nhiên. Bạn chỉ nghĩ tới đối tượng tình yêu của bạn. Vì vậy chúng ta nói tới tình yêu như là một tai nạn, như khi bị té. Khi yêu bạn mất thăng bằng cho nên bạn 'bị té vì yêu (falling in love)'. Thế cho nên tình yêu có thể là một nội kết.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Êm ái hay không êm ái, cả hai thứ nội kết đều làm cho ta mất tự do. Vì vậy cho nên ta phải cẩn thận bảo vệ thân tâm để cho nội kết không thể phát sinh. Ma túy, rượu, thuốc lá tạo nên nội kết trong thân. Sân hận, thèm khát, ganh tị, thất vọng tạo nên nội kết trong tâm.

Tập Dượt Hung Hãn

Sân hận là một nội kết, và vì nó gây đau khổ cho nên ta phải tìm mọi cách để diệt trừ. Các nhà tâm lý trị liệu thích dùng câu "tống nó ra khỏi cơ thể (getting it out of your system)." Và họ nói tới phương pháp 'xả hơi' (venting), cũng như xả hơi khói ra khỏi nhà bếp. Một vài nhà tâm lý trị liệu nói rằng khi năng lượng của sân hận nổi dậy trong ta thì ta phải 'xả' nó đi bằng cách đấm vào gối hay đá vào một cái gì hay đi vô rừng mà la hét.

Khi còn nhỏ chúng ta không được phép chửi thề vì chửi thề có thể xúc phạm, làm mất lòng người khác. Vì vậy thì chúng ta đi vào rừng hay một nơi vắng vẻ để hét lên những tiếng chưởi thề để 'xả' ra những ép bức, bực bội trong mình. Đây cũng là ‘xả hơi.’

Những người sử dụng cách 'xả hơi' sân hận như là đấm gối, la hét thực ra là đang tập dượt sân hận. Họ tự tạo cho mình một tập khí nguy hiểm: họ luyện tập tánh hung hãn. Trái lại, chúng ta thì chế tác chánh niệm và ôm ấp, chăm sóc sân hận mỗi khi nó phát khởi.

Nâng Niu Tâm Sân Hận

Chánh niệm không bao giờ đánh phá sân hận hay tuyệt vọng. Chánh niệm chỉ có đó để nhận diện. Chánh niệm về một cái gì là nhận diện sự có mặt của cái đó trong hiện tại. Chánh niệm là khả năng biết được những gì đang xẩy ra trong hiện tại. "Thở vào tôi biết sân hận phát khởi trong tôi; thở ra tôi mỉm cười với sân hận của tôi." Đây không phải là đàn áp hay đánh phá. Đây chỉ là nhận diện. Mỗi khi ta đã nhận diện được sân hận ta sẽ ôm ấp nó với tất cả tỉnh thức, nâng niu.

Khi trong phòng bị lạnh, bạn mở sưởi và lò sưởi sẽ phát hơi nóng. Khí lạnh trong phòng không cần phải đi ra khỏi phòng thì phòng mới ấm. Hơi lạnh được hơi nóng bao trùm và sẽ ấm lần. Không có chuyện tranh đấu giữa hơi lạnh và hơi nóng.

Thực tập chăm sóc cơn giận cũng như vậy. Chánh niệm nhận diện và chấp nhận sự có mặt của cơn giận. Chánh niệm cũng như một người anh cả. Anh cả không đàn áp đứa em đang đau khổ. Chánh niệm chỉ nói, "Em ơi, có anh giúp em đây." Bạn ôm đứa em của bạn vào lòng và an ủi vỗ về. Đây chính là sự thực tập của chúng ta.

Hãy tưởng tượng một bà mẹ giận đứa con thơ của mình và đánh con. Người mẹ ấy không biết rằng mẹ với con là một. Ta là mẹ của cơn giận của ta, và ta phải chăm sóc cơn giận như con ta chứ không phải đánh đập. Cơn giận của ta chính là ta. Thiền tập không có nghĩa là đánh phá. Trong truyền thống đạo Bụt, thiền tập là phép thực tập ôm ấp và chuyển hóa chứ không phải đánh phá.

Sử Dụng Sân Hận, Sử Dụng Khổ Đau

Muốn trồng cây giác ngộ chúng ta phải sử dụng đau khổ, phiền muộn trong ta. Cũng giống như trồng hoa sen. Hoa sen không thể trồng trên đá, phải có bùn mới trồng được.

Hành giả thiền tập không kỳ thị hay gạt bỏ nội kết của mình. Chúng ta không tự biến thành một bãi chiến, thiện đánh với ác. Ta chăm sóc phiền não, sân hận, ganh tị với tất cả nâng niu, nhẹ nhàng. Khi cơn giận khởi dậy, ta phải bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm ngay tức khắc: "Thở vào, tôi biết cơn giận có trong tôi. Thở ra tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi." Phải làm như một bà mẹ: "Thở vào tôi biết con tôi đang khóc, thở ra tôi chăm sóc con tôi." Đây là thực tập từ bi.

Nếu bạn không biết chăm sóc bạn với tâm từ bi thì làm sao mà bạn có thể chăm sóc người khác với tâm từ bi? Khi cơn giận khởi dậy, hãy tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm để chế tác năng lượng chánh niệm. Ta tiếp tục ôm ấp nâng niu năng lượng của cơn giận trong ta. Cơn giận có thể sẽ kéo dài một thời gian, nhưng ta sẽ được an toàn, bởi vì Bụt đang có mặt trong ta, giúp ta chăm sóc cơn giận. Năng lượng chánh niệm là năng lượng của Bụt. Khi thực tập hơi thở chánh niệm và ôm ấp cơn giận ta đang được Bụt bảo hộ. Không có chi để nghi ngờ: Bụt đang ôm ấp ta và cơn giận của ta trong từ bi vô lượng.

Trao Truyền Và Tiếp Nhận Năng Lượng Chánh Niệm

Khi giận hay tuyệt vọng ta thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm để chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng này sẽ giúp ta nhận diện và ôm ấp niềm đau nỗi khổ. Nếu năng lượng của ta không được mạnh lắm thì ta có thể mời một sư anh hay một sư chị hay bạn bè cùng ngồi, cùng thở, cùng đi để nâng đỡ ta bằng năng lượng chánh niệm của chính họ.

Thực tập chánh niệm không phải là phải tự mình làm lấy tất cả. Ta có thể thực tập với sự nâng đỡ của bạn bè. Năng lượng của tăng thân có thể giúp ta khi cảm xúc trong ta quá mạnh. Ta cũng có thể giúp người khác bằng năng lượng chánh niệm của ta khi họ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Khi con ta đang bị chìm lấp trong cảm xúc mạnh chúng ta có thể cầm tay mà nói rằng, "Con ơi, thở đi con. Thở vào, thở ra với ba (hay với má) đây." Ta cũng có thể rủ con cùng đi thiền hành, nắm nhẹ tay con để giúp nó lắng dịu theo từng bước chân. Khi bạn cho con bạn một ít năng lượng của chánh niệm thì con bạn có thể dịu xuống mau chóng và có thể ôm ấp cảm xúc của nó.

Nhận Diện, Ôm ấp, Làm Nhẹ Khổ Đau Do Sân Hận Gây Nên

Công năng thứ nhất của chánh niệm là nhận diện chứ không phải là đánh phá. "Thở vào, tôi biết rằng cơn giận có trong tôi, Xin chào em bé sân hận." Rồi thở ra, "Tôi sẽ chăm sóc em hết lòng.” Khi bạn đã nhận diện cơn giận, bạn sẽ ôm ấp nó. Đây là công năng thứ hai của chánh niệm. Đây là một thực tập rất dễ chịu. Thay vì đánh phá bạn chăm sóc cảm xúc của bạn. Nếu bạn biết cách săn sóc cơn giận thì sẽ có sự thay đổi.

Chúng ta đã nói nhiều lần là khi nấu một nồi khoai, phải đậy nắp lại, đun cho nước sôi, và đợi ít nhất là hai mươi phút để cho khoai chín. Cơn giận của bạn cũng như củ khoai, khoai sống ăn không được. Chánh niệm cũng như lửa nấu khoai. Một vài phút đầu khi bạn nhận diện và ôm ấp cơn giận cũng đã có kết quả, đã được vơi bớt phần nào.

Cơn giận vẫn còn đó, nhưng bạn không còn đau khổ nhiều bởi vì bạn đã biết cách chăm sóc em bé sân hận của bạn. Đó là công năng thứ ba của chánh niệm, công năng làm vơi nhẹ. Cơn giận có đó nhưng đang được chăm sóc. Tình thế không còn hỗn loạn, em bé không còn bị để cho khóc la một mình. Bà mẹ đã có đó để săn sóc em và tình trạng đã trở nên ổn định.

Thắp Sáng Chánh Niệm

Bà mẹ đó là ai? Bà mẹ đó là Bụt tự thân, Bụt trong ta. Khả năng chánh niệm, hiểu biết, thương yêu và chăm sóc là Bụt ở trong mỗi chúng ta. Mỗi khi ta chế tác chánh niệm là Bụt trong ta trở thành có thực. Đã có Bụt trong ta thì ta không có gì mà lo nữa. Nếu biết cách giữ cho Bụt tự thân luôn có mặt thì mọi sự đều sẽ êm đẹp. Điều quan trọng là biết được rằng ta luôn có Bụt trong ta. Ngay cả khi ta giận, tuyệt vọng hay ác độc Bụt vẫn có trong ta. Nghĩa là ta có sẵn khả năng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu.

Chúng ta cần thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm để có thể tiếp xúc với Bụt trong ta. Khi bạn tiếp xúc với hạt giống chánh niệm trong ý thức bạn thì Bụt sẽ phát hiện lên trong vùng ý thức của bạn và ôm ấp sân hận của bạn. Bạn không phải lo, chỉ cần tiếp tục thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm để làm hiển lộ Bụt trong tâm, rồi thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Bụt nhận diện, Bụt ôm ấp, thoa dịu, và Bụt nhìn sâu vào bản chất của cơn giận. Bụt hiểu biết. Và sự hiểu biết đó sẽ đem lại chuyển hóa.

Năng lượng của chánh niệm chứa cả năng lượng của Định và năng lượng của Tuệ. Định giúp ta chú tâm vào một sự việc mà thôi. Nhờ có định mà ta có thể quán chiếu sâu sắc hơn. Nhờ đó mà ta có thể chứng ngộ tuệ giác. Tuệ giác luôn luôn có khả năng giải thoát. Nếu chánh niệm có mặt, và nếu ta giữ cho chánh niệm có mặt lâu thì định cũng sẽ có mặt. Nếu ta giữ cho định bền vững thì tuệ giác sẽ phát sanh. Vậy thì chánh niệm nhận diện, ôm ấp và làm vơi nhẹ. Chánh niệm giúp ta nhìn sâu để có tuệ giác. Tuệ giác có công năng giải thoát, đem lại tự do và chuyển hóa. Đây là phép thực tập chăm sóc sân hận của đạo Bụt.

Nhà Hầm Và Phòng Khách

Chúng ta hãy lấy cái nhà để ví dụ với tâm thức. Ta có thể phân biệt hai phần: nhà hầm (basement) là phần tàng thức và phòng khách là phần ý thức. Nội kết, như sân hận chẳng hạn, nằm ở dưới tàng thức - nhà hầm - dưới dạng những hạt giống. Hạt giống sân hận khi được tiếp xúc bằng nghe, thấy, suy tư sẽ hiện lên trên phần ý thức – phòng khách. Hạt giống sân hận phát hiện như một vùng năng lượng và làm cho không khí trong phòng khách trở nên nặng nề, khó chịu và chúng ta đau khổ.

Khi sân hận phát hiện, hành giả liền phải lập tức mời năng lượng của chánh niệm cùng lên, bằng cách thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, để tạo ra một vùng năng lượng thứ hai - năng lượng của chánh niệm. Cho nên thực tập hơi thở, bước chân trong chánh niệm, thực tập làm các công việc hằng ngày trong chánh niệm là vô cùng quan trọng. Để khi năng lượng tiêu cực phát hiện thì ta sẽ biết cách để chế tác năng lượng chánh niệm để ôm ấp, chăm sóc năng lượng tiêu cực ấy.

Tâm Thức Cũng Cần Được Lưu Thông

Cơ thể ta chứa nhiều độc tố. Nếu máu huyết không lưu thông, độc tố sẽ tích tụ. Các độc tố ấy phải được thải ra ngoài, nếu không thì sinh bệnh. Thoa bóp là một trong những phương cách giúp cho máu huyết lưu thông. Khi máu huyết lưu thông thì gan, thận hay phổi sẽ được nuôi dưỡng và có khả năng đào thải độc tố. Vì vậy giữ cho máu huyết lưu thông là rất quan trọng. Khi một nơi trong cơ thể có độc tố ứ đọng thì sờ vào ta sẽ thấy đau. Trường hợp của nội kết cũng vậy. Khi tiếp xúc với nội kết đau buồn ta cảm thấy 'đau nhức' trong tâm. Niềm đau nỗi khổ, buồn phiền, tuyệt vọng là những khối độc tố trong tâm thức. Phải thực tập chánh niệm để có thể ôm ấp và chuyển hóa những khối độc tố đó.

Ôm ấp niềm đau nỗi khổ bằng năng lượng của chánh niệm chính là thoa bóp, không phải thoa bóp thân, mà là thoa bóp tâm. Tâm thức chúng ta có thể là đang trong một tình trạng thiếu lưu thông. Khi máu huyết vận hành không lưu thông thì thân ta bị bệnh, khi tâm thức vận hành không lưu thông thì tâm thần ta cũng bị bệnh. Chánh niệm là năng lượng khích thích và thúc đẩy lưu thông để giải tỏa những khối đau nhức trong tâm.

Chiếm Đầy Phòng Khách

Những khối đau nhức, buồn khổ, sân hận, và tuyệt vọng luôn luôn tìm cách đi lên phần ý thức, phòng khách, bởi vì chúng đã lớn mạnh và mong được ta chú ý. Chúng muốn phát hiện nhưng ta thì không muốn đau khổ vì sự có mặt của chúng. Ta tìm cách chận đứng, ta muốn chúng cứ ở mãi dưới nhà hầm. Vì không muốn đối diện với nội kết cho nên ta có thói quen là mời những người khách khác vào chiếm đầy phòng khách. Khi rảnh năm, mười phút, không có việc làm thì nội kết lại nhảy lên phòng khách gây lộn xộn. Để tránh tình trạng đó, ta đọc sách, xem tivi, đi dạo phố, làm bất cứ gì để chiếm lấp phòng khách. Bởi vì khi phòng khách chật kín thì nội kết khó chịu không chen lên được.

Tất cả mọi tâm hành đều cần được vận hành lưu thông nhưng ta không muốn chúng đi lên vùng ý thức vì ta không muốn đau khổ. Ta nhốt chúng lại. Ta sợ chúng vì nghĩ rằng nếu mời chúng lên thì sẽ khổ. Đó là lý do tại sao trong 'phòng khách' của ta đầy nhóc khách lạ (sách vở, báo chí, vô tuyến truyền hình, chuyện trò) để phong tỏa, ngăn chặn không cho nội kết xuất hiện. Nhưng nếu cứ tiếp tục như thế, tâm thức sẽ không vận hành lưu thông và các triệu chứng của các bệnh tâm thần, của bệnh trầm cảm (depression) sẽ xuất hiện trong tâm cũng như trong thân.

Đôi khi ta nhức đầu, uống aspirin không bớt. Chứng nhức đầu đó có thể là do tâm thần gây nên. Đôi khi ta bị dị ứng. Chứng dị ứng cũng có thể do tâm thần gây nên. Ta uống toa thuốc bác sĩ, và như thế chỉ tiếp tục đè nén nội kết mà thôi và tâm thần ta ngày càng thêm bệnh hoạn.

Đón Tiếp Thân Mật Những Người Khách Bất Đắc Dĩ

Khi ta chấm dứt phong tỏa những khối nội kết của niềm đau và để chúng đi lên vùng ý thức thì ta phải chấp nhận ít nhiều đau khổ. Không có cách gì tránh khỏi. Vì vậy mà Bụt đã dạy rằng ta phải học cách ôm ấp những niềm đau đó. Đây là lý do tại sao mà thực tập chánh niệm rất quan trọng. Bạn chế tác một nguồn năng lượng tích cực để có thể nhận diện, ôm ấp, chăm sóc năng lượng tiêu cực của nội kết. Bởi vì Bụt có mặt trong ta dưới hình thức của năng lượng chánh niệm cho nên ta mời Bụt giúp ta ôm ấp nội kết. Nếu những nội kết không phát hiện lên vùng ý thức thì ta cũng phải ép mà mời chúng lên. Sau một thời gian được ôm ấp chúng sẽ lại trở về nhà hầm dưới dạng những hạt giống.

Ví dụ, Bụt nói rằng tất cả chúng ta đều có hạt giống của lo sợ, nhưng phần đông chúng ta đè nén và dấu kín chúng. Để giúp chúng ta nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào những hạt giống lo sợ, Bụt dạy phương pháp thực tập Năm Quán như sau:

-                     Tôi thế nào cũng phải già nua, tôi không thể nào tránh thoát được sự già nua.

-                     Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào tránh thoát được cái bệnh.

-                     Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thể nào tránh thoát được cái chết.

-                     Tất cả những người tôi thương yêu và tất cả những gì tôi trân quý hôm nay, một mai này tôi đều phải xa lìa và buông bỏ; tôi không thể nào tránh thoát được giờ phút xa lìa và buông bỏ ấy.

-                     Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, miệng và ý của tôi tạo nên, và những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này.

Mỗi ngày chúng ta thực tập như thế. Phải dành thì giờ để quán chiếu từng điều trên trong khi theo dõi hơi thở. Thực tập Năm Quán như thế thì hạt giống lo sợ có cơ hội lưu chuyển. Chúng ta mời chúng lên, nhận diện và ôm ấp rồi sau đó chúng sẽ trở về lại tàng thức và sẽ nhỏ bớt, yếu bớt.

Mời hạt giống lo sợ lên để ôm ấp, nhận diện như vậy giúp ta chăm sóc sân hận dễ dàng hơn. Lo sợ đưa đến sân hận. Khi lo sợ ta sẽ bất an, bất an làm cho sân hận dễ phát sinh. Lo sợ là do vô minh và vô minh cũng chính là gốc rễ của sân hận.

Mỗi khi ta tắm gội nội kết bằng chánh niệm thì nội kết sẽ nhẹ đi và bớt nguy hiểm. Vậy thì hãy để cho sân hận, tuyệt vọng, lo sợ tắm gội trong chánh niệm mỗi ngày. Đó là cách thực tập của chúng ta. Các hạt giống của sân hận, tuyệt vọng, lo sợ sẽ gây phiền não, khổ đau nếu chánh niệm không cùng có mặt. Nhưng nếu biết chế tác năng lượng chánh niệm thì khi mời các nội kết lên vùng ý thức để ôm ấp thì đó là một thực tập có khả năng chữa trị lớn. Nếu mỗi ngày ta đem các nội kết lên vùng ý thức (phòng khách) để quán chiếu rồi đưa chúng xuống tàng thức (nhà hầm) trở lại là ta tạo ra một sự lưu thông trong tâm thức. Sau vài ngày hay vài tuần lễ thực tập như thế các triệu chứng thần kinh hỗn loạn sẽ suy giảm.

Chánh niệm làm công việc thoa bóp nội kết và các khối đau nhức trong tâm. Chúng ta phải giúp chúng vận chuyển lưu thông. Điều này có thể làm được khi ta không e sợ nội kết. Khi đó ta có thể ôm ấp và chuyển hóa nội kết bằng năng lượng chánh niệm.

Xem Tiếp Chương 11Quay Về Mục Lục



0 Đánh giá

Ads Belove Post