Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Trái Tim Của Bụt
Phật Pháp Căn Bản
Bài 9. Chánh Niệm Và 51 Tâm Hành
Bài 09A. Chánh Niệm Và 51 Tâm Hành
Hôm nay là ngày 19
tháng Chạp năm 1993, chúng ta học tiếp về bát chánh đạo. Hôm trước chúng ta đã
vẽ một trái quít, năm múi tượng trưng cho năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Hôm nay chúng ta vẽ một cái nhà hai tầng. Tầng dưới là Thức uẩn và tầng trên là
Hành uẩn.
Chánh Niệm Và 51 Tâm Hành
Hành uẩn ở trên đây gồm
đủ 51 tâm hành, trong đó có cả Thọ và Tưởng, tức là cảm thọ và tri giác, và 49
hành khác.
Thức uẩn là phần căn
bản của tâm thức. đạo Bụt đại thừa (học phái Duy Thức) gọi là Thức A lại da
(Alaya) hay Tàng thức. Alaya có nghĩa là hàm tàng, kho cất chứa. Ví dụ lòng đất
chứa đựng những hạt giống. Khi những hạt giống ở trong đất tâm phát hiện ra, đó
là những tâm hành (mental formations). Từ là một tâm hành, Tầm là một tâm hành,
Thọ là một tâm hành, Tưởng là một tâm hành. Hành có nghĩa là phát hiện và lưu
hành. Sau khi phát hiện rồi những tâm hành sẽ biến trở lại thành những hạt giống
mới. Chúng ta thường ví dụ Thức là cái nhà kho ở dưới và Hành là phòng khách ở
trên. Những hạt giống của tâm thức ở dưới nhà kho, phát hiện lên phía phòng
khách ở trên, tồn tại một thời gian rồi nó trở lại xuống dưới, lại mang hình
thái hạt giống.
Trong số 51 tâm hành
có Tầm (vitarka) và Từ (vicara), tức là tác dụng liên tưởng và tư duy, có hạt
giống ở trong tàng thức. Tuệ giác của chúng ta cũng tồn tại dưới hình thức những
hạt giống ở trong tàng thức. Thường tiếng Anh dịch Tầm là thought, conception.
Từ dịch là the continuing activity of the mind. Tầm và từ là ngữ ngôn của ý,
như chúng ta nói thầm ở trong ý, trong tâm. Trong trí ta các tâm hành tầm và từ
luôn luôn đang hoạt động mà chúng ta không nghe thấy. Ví như chúng ta mở máy
phát thanh nhưng không nghe được vì không cắm giây nối vào loa phóng thanh. Khi
tư duy chuyển sang ngữ ngôn thì tầm và từ phát hiện trong tiếng nói, như cắm
loa phóng thanh vào thì tự nhiên phát ra tiếng. Nhưng trong thức của chúng ta
cũng còn có những hạt giống khác, đồng thời phát hiện, để chọn lựa những điều
muốn phát thanh ra. Cũng như tầm và từ được kiểm soát, được nhuận sắc. Có nhiều
người bệnh tới một bác sĩ tâm lý trị liệu, biết rằng muốn lành bệnh thì phải
nói hết cho bác sĩ nghe, nhưng họ vẫn che dấu, hoặc thêm bớt, tô điểm. Vị bác
sĩ giỏi có khi bất chợt hỏi một câu, bệnh nhân buột miệng nói. Bác sĩ nhờ câu
nói đó mà nắm được một điều, khám phá ra những sự thật ẩn chứa trong tâm người
bệnh.
Khi có chánh niệm, ta
biết ta đang nghĩ gì, ta tự biết những suy tư đó có phù hợp với chánh pháp không,
có phù hợp với nguyên tắc của bốn sự thật, với quan niệm về bốn loại thức ăn
hay không. Chánh niệm giống một cây đèn thắp lên trong cái phòng khách phía
trên, phòng của tâm hành, soi rõ hình dáng của tầm và của từ. Nhờ đó ta biết ta
đang suy tư những gì và, nếu thực tập giỏi hơn, biết được nội dung và bản chất
của điều ta suy tư. Biết được như vậy thì tự nhiên tầm và từ thay đổi, đó là nhờ
chánh niệm.
Hạt giống chánh niệm
là một hạt giống rất quý trong đất tâm. Biết sử dụng thì hạt giống chánh niệm,
khi phát hiện thành tâm hành, sẽ đóng vai trò soi sáng, dẫn đường và chuyển
hóa. Có chánh niệm, chúng ta sẽ biết tư duy của ta là thiện hay bất thiện, có
tác dụng gây tai hại hay không. Khi tầm và từ phát ra thành lời nói, chánh niệm
vẫn tiếp tục soi sáng để ta biết ngôn ngữ của ta có phải là ái ngữ hay không.
Phát xuất từ chánh kiến, tầm và từ là chánh tư duy. Ngôn ngữ phát xuất từ chánh
tư duy là chánh ngữ. Cho nên ngọn đèn chánh niệm rất quan trọng.
Có khi những khổ đau
và nội kết chìm sâu trong tâm thức quá lớn. Những giận hờn, bực tức, thất vọng
và những thèm khát của chúng ta, đôi khi không cần đi qua trung gian của tầm, từ
mà cũng tự phát thành ngôn ngữ. Những nội kết của ta cũng trực tiếp biểu hiện
ra bằng ngôn ngữ khi ta không đủ chánh niệm, không đủ sức kiểm soát tất cả những
niềm đau, cơn giận, nỗi buồn phiền, thất vọng của mình. Chúng ào ra thành những
tiếng gào thét, khóc lóc, chửi rủa, hoặc những lời than vãn và kể lể. Người bác
sĩ tâm lý có tài có thể làm cho người bệnh nói ra được điều họ thường che giấu
một cách ý thức hay vô thức. Người ấy nói một câu làm động tới một điều sâu kín
trong lòng người bệnh; người này tự nhiên mở ra tất cả những điều chất chứa, dù
muốn che dấu cũng không được. Trong câu chuyện hàng ngày ta có những bước trượt
của vô thức, những câu nói lỡ lời. Ta phải thấy mối liên hệ giữa chánh ngữ và
tri giác, giữa chánh ngữ và thất niệm, giữa chánh ngữ với tập khí. Và cuối cùng
chánh ngữ liên hệ với bồ đề tâm và từ bi tâm. Khi ta có tình thương, có ý chí
muốn cứu giúp người thì năng lượng của bồ đề tâm sẽ là một yếu tố rất quan trọng
giúp biểu hiện ra chánh ngữ. Bằng chánh ngữ chúng ta có thể giúp người khác thấy
được nỗi khổ, niềm đau và nhìn rõ những khối nội kết của họ. Bằng chánh ngữ
chúng ta có thể giúp cho người khác thấy được những hạt giống của hạnh phúc và
của tài năng họ mà họ không thấy. Những hạt giống hạnh phúc và các tiềm năng ở
trong tâm họ bị đè nén bởi những lớp khổ đau và phiền muộn cho nên không phát
hiện ra được. Với chánh ngữ, chúng ta có thể tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc
và tài năng ấy để chúng tự khai mở.
Thực Tập Chánh Niệm Và Chánh Ngữ
Câu chuyện sau đây là
một thí dụ về thực tập chánh ngữ. Có một phụ nữ người Pháp năm 18 tuổi không chịu
đựng nổi gia đình nên bỏ sang nước Anh ở. Cô ấy giận mẹ, giận gia đình, cô muốn
bỏ đi, vơinh viễn không trở lại. Nhưng hai chục năm sau, một hôm cái hạt giống
quê hương, hạt giống thương mẹ trong cô nổi dậy. Người phụ nữ đó bắt đầu có ước
muốn trở về Pháp và hòa giải với mẹ. Bà mẹ cũng đã bảy mươi mấy tuổi và cũng nhớ
con gái. Bà tuy rất giận con nhưng trong lòng bà tất nhiên cũng có hạt giống
thương con. ‘‘Giận thì giận mà thương thì thương’’. Trong tâm thức chúng ta có
nhiều hạt giống trái chống nhau cùng một lúc.
Khi nghe nói con gái
mình sẽ về, bà mẹ rất vui. Người con gái cũng nao nức về gặp để hòa giải với mẹ.
Nhưng đến lúc hai mẹ con gặp nhau, hàn huyên được vài ba hôm, họ lại cãi nhau nữa.
Trái bom chứa trong lòng người mẹ nổ. Trái bom trong lòng cô con cũng nổ. Mặc
dù cả mẹ lẫn con đều có ý chí muốn hòa giải, muốn tha thứ, nhưng chánh kiến đó
chỉ mới phôi thai là một ước muốn thôi. Trong khi đó thì trái bom nội kết ở
trong cả hai người vẫn còn nặng. Khi ngồi xuống với nhau, họ lại vô ý tưới tẩm
lên những hạt giống của bao nỗi niềm đau khổ cũ. Chúng phát hiện, biểu lộ thành
ngôn ngữ. Ngôn ngữ nóng giận của người này tưới lên niềm đau khổ của người kia.
Cho nên mỗi khi hai mẹ con gặp nhau lại sinh cãi cọ. Bao nhiêu lần đến gần nhau
để hòa giải, bấy nhiêu lần họ thất bại.
Người thiếu phụ đã tới
Làng Mai, tôi khuyên bà ta phải chờ đợi một thời gian. Một thời gian để tu tập
chánh kiến, học sống chánh niệm trước khi về gặp mẹ. Trong thời gian đó người
thiếu phụ tập thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng, sinh hoạt với đại chúng, nấu
cơm, xách nước, giặt áo, v.v.. tham dự vào đời sống của tăng thân. Đây cũng là
thời gian bà ta có dịp tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc lâu nay bị bỏ quên.
Trong tăng thân thế nào cũng có người có nụ cười, có lời nói, có khả năng giúp
đỡ mình vén những tấm màn khổ đau đang che phủ tâm mình, và giúp mình tưới tẩm
những hạt giống an lạc. Trong tăng thân thế nào cũng có người soi sáng cho mình
thấy các sai lầm trong nhận thức của mình. Và trong thời gian đó, người thiền
sinh có thể phát triển chánh niệm. Sự thực tập tại Làng Mai là thực tập chánh
niệm, đi trong chánh niệm, đứng trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, nấu
cơm, giặt áo trong chánh niệm. Chánh niệm giúp mình thấy tâm tư của mình như thế
nào. Chánh niệm cho mình thấy những vận dụng của tầm và từ. Chánh niệm giúp
mình nhận ra tầm và từ của mình đã bắt nguồn từ những hạt giống nào. Tôi đề nghị
với người thiếu phụ đó cứ mười ngày thì ngồi viết cho bà mẹ một lá thư, viết
như một bài thực tập chánh niệm. Lá thư đó là hoa trái của quá trình tu học
chánh niệm ở làng. Tôi đề nghị rằng trong lá thơ đó người con quán chiếu để thấy
con người của bà mẹ và đồng thời cũng thấy được chính mình. Nghĩa là thấy những
tập khí, những nỗi khổ, niềm đau, những hy vọng và thất vọng của chính mình và
của mẹ. Viết là diễn đạt những tầm và từ của mình, một cách an toàn hơn, vì người
kia chưa phải nghe. Và khi viết xong có thể để đó một thời gian rồi đọc trở lại,
dùng chánh niệm xem những đoạn mình mới viết bắt nguồn từ những khối nội kết
nào ra. Bởi vậy viết là một phương pháp thực tập chánh niệm. Ngồi viết một lá
thư hay một bài văn trở thành một buổi thực tập chánh niệm. Đây không còn là một
công việc nữa, mà là một phép thực tập. Cũng như khi ta rửa nồi hay lau nhà, nếu
chúng ta biết thực tập chánh niệm thì đó không phải là công việc nữa. Đó là những
phép tu, gọi là phép tu rửa chén, phép tu chùi nồi. Mà nếu chùi nồi chỉ để cho
nồi sạch không thôi thì rất uổng. Việc chùi nồi phải dùng để thực tập như là một
phép tu.
Khi ngồi viết một lá
thư trong chánh niệm, người thiếu phụ đó đã tự nhìn lại mình, nhìn lại mẹ mình,
đã thấy rõ nỗi khổ đau và những điều kiện để có hạnh phúc của cả hai mẹ con. Đời
sống tu tập là cơ hội đầu tiên để tự khai mở cho mình và khai mở cho mẹ. Lá thư
đó là một công trình thực tập. Nếu trong lá thơ đó người con lại cãi lý hoặc
phân trần, thì lá thư sẽ không ích lợi gì cả. Lý luận và thanh minh chỉ tưới tẩm
những hạt giống khổ đau của bà mẹ mà thôi. Viết như vậy vô ích. Viết như vậy chứng
tỏ trong tư duy của mình, tầm và từ chưa được chánh niệm soi sáng, vẫn phát xuất
từ những hạt giống tiêu cực. Nhưng nếu viết để nói về những điều kiện sẵn có của
hạnh phúc mà mẹ chưa bao giờ sử dụng tới, thì người con làm một công việc trước
đây chưa ai từng làm. Ông ngoại, bà ngoại chưa làm, trường học, xã hội chưa
làm, bè bạn của mẹ cũng chưa làm. Bây giờ người con gái làm được, vì người ấy
có chánh niệm. Thiếu phụ viết thư kể lể: ‘‘Mẹ ơi, con nhớ hồi con còn bé
thơ,…’’ Kể một câu chuyện bình thường, nhưng để gợi ý và chứng tỏ cho mẹ thấy
là bà có những hạt giống của hạnh phúc, của tình thương, những hạt ngọc ở trong
tàng thức. Lá thư đó phải do công trình quán chiếu mới viết được.
Quán chiếu vào lúc
nào? Quán chiếu khi rửa chén, khi lau nhà, khi đi thiền hành, khi ngồi thiền tọa.
Viết lá thơ là kết quả những điều đã thấy trong khi quán chiếu. Và ta tiếp tục
quán chiếu trong khi viết thơ, viết xong rồi thì tự nhiên thấy khỏe, và biết rằng
mẹ mình đọc xong cũng sẽ thấy khỏe. Ta dùng ánh sáng của chánh niệm chiếu vào để
thấy tác dụng của từng câu, từng chữ. Ta biết rằng lá thơ này phát xuất từ
chánh kiến, từ chánh tư duy và được thể hiện bằng chánh ngữ. Mười ngày sau người
con gái viết lá thư thứ hai, cũng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc của bà mẹ.
Trong khi thực tập viết những lá thư như vậy, người con cũng tự tháo gỡ cho
mình. Rồi khi bà mẹ đọc được một lá thư như thế thì bà mẹ cũng được tháo gỡ. Nếu
người con thực tập đồng thời cho mình và cho mẹ thì chỉ trong sáu tháng hay một
năm là hai mẹ con có thể gặp lại nhau. Lúc đó thì các niềm đau khổ đã chuyển
hóa, vơi bớt đi nhiều, những niềm vui trong lòng đã phát triển. Chánh tư duy và
chánh ngữ sẽ phát hiện. Hai mẹ con có thể nói chuyện với nhau. Người con không
đợi cho người mẹ chuyển hóa rồi mình mới chuyển hóa. Chúng ta phải bắt đầu từ sự
tu tập của chính mình. Một người tu mà hai người được lợi ích.
Viết văn, viết thư
trong khi thực tập chánh niệm có khả năng tưới tẩm, chuyển hóa, có thể ảnh hưởng
trên mình và trên người đọc, nhờ lời văn chuyên chở tuệ giác, chuyên chở chánh
tư duy, vì văn đó là chánh ngữ. Chúng ta thường nói văn chương để chuyên chở đạo
lý, ‘‘vặn dĩ tải đạo’’. Đó là nguyên tắc của người viết văn ở Đông phương. Viết
văn không thể thiếu tinh thần trách nhiệm. Viết văn không chỉ để cào cấu những
niềm đau khổ của mình làm cho người khác đọc cũng lây đau khổ, cũng bị cào cấu.
Khơi lên những nỗi bực dọc và chán chường vô ích rồi vung vãi cho tất cả độc giả
lãnh đủ, văn chương đó không phải là văn chương có đạo lý. Những bài hát, những
bài văn đầu độc, làm cho con người hết ý chí sống, mất niềm tin, những loại văn
nghệ như vậy phải xếp vào ‘‘Tập Đoạn Trường’’. Có những thanh niên, thiếu nữ nằm
ôm máy nghe những bài hát rên rỉ, tưới tẩm những hạt giống phiền não, đau khổ của
mình. Đó là ‘‘văn nghệ đứt ruột’’, không chuyên chở đạo lý. Cho nên người có
chánh kiến, người có chánh tư duy phải dứt khóat với các loại văn nghệ đứt ruột.
Không tiêu thụ những độc tố làm hại mình, hại người.
Sự tu học của ta dính líu tới rất nhiều người khác: cha mẹ, anh chị em, bạn bè của ta, rồi xã hội bên ngoài. Những lá thư ta gửi cho cha, mẹ, anh, em phải có tác dụng chuyển hóa. Sự thành công tu học của ta trước hết được thể hiện qua sự chuyển hóa của gia đình, của những người thân thuộc. Những lá thư là chất liệu nuôi dưỡng, là những luồng gió mát, nâng đỡ, khai mở, mà nếu không tu tập thì ta không viết được. Cho nên người tu học ở đây viết những lá thư cho những người mình yêu thương, phải biết rằng những lá thư đó có giá trị tưới tẩm và chuyển hóa. Viết thư trong chánh niệm như vậy là một cách thực tập. Một lá thư như vậy có giá trị chuyển hóa rất lớn.
Dẫu chúng ta không gặp
khó khăn với mẹ như trường hợp người phụ nữ Pháp kể trên, ta cũng nên viết thư
cho người thân, 10 ngày, 15 ngày một lần, ít nhất một tháng một lá thư. Viết để
tu tập và hành đạo. Giá trị của lá thư tùy ở chánh kiến và chánh tư duy. Viết
thư ‘‘thuyết pháp’’ một cách vụng về lại có tác dụng ngược lại. Đừng tưởng cứ
thuyết pháp tức là hành chánh ngữ. Không có quán chiếu thì ngôn ngữ sẽ không
phù hợp, người nhận sẽ không thích đọc, rồi sau này khi thấy thư họ sẽ không muốn
mở ra nữa. Vì đó không phải là chánh ngữ, dù lá thư nói về tứ đế, thập nhị nhân
duyên hay bát chánh đạo. Dù đề tài là Phật Pháp mà bài thuyết pháp không khơi động,
không chuyển hóa được lòng người, thì đó cũng không phải là chánh ngữ.
Bài 09A. Chánh Niệm Và 51 Tâm Hành
Phép Tu Im Lặng
Chánh ngữ là một phép
thực tập cần đi trên quá trình văn, tư và tu. Đó là phần thế gian, phần hướng
thượng. Khi sự thực tập chín dần chúng ta sẽ thấy được mặt xuất thế gian. Khi
thực tập thiền quán, ban đầu chúng ta còn cần tới tầm và từ, tư duy và ngữ
ngôn. Càng đi sâu vào thiền quán, chúng ta càng tiếp xúc được với bản môn, càng
tự do ra khỏi tư duy và ngôn ngữ. Tới một lúc nào đó, hoàn toàn được tự do,
chúng ta không còn lệ thuộc vào ngôn ngữ nữa. Tuệ giác siêu việt không cần ngôn
ngữ nữa, gọi là ngôn ngữ đạo đoạn. Đây là một danh từ thiền. Ngôn ngữ đạo đoạn
tức là con đường ngôn ngữ đã bị cắt đứt (the way of the speech is cut). Giống
như chiếc xe lửa thấy đường rầy không cần thiết nữa, bởi vì nó đã cất cánh biến
thành một chiếc máy bay. Nó bay lên trên không gian, hoàn toàn tự do.
Chánh tư duy khi đến
mức xuất thế gian thì đạt tới tâm hành xứ diệt. Tâm hành xứ diệt là nơi mà các
hoạt động tư duy tâm hành đều đã mất. Tâm hành ở phạm vi chánh ngữ tức là tầm
và từ. Vì chân lý tuyệt đối hay tuệ giác siêu việt đã vượt thoát tất cả mọi tư
duy, nên gọi là tâm hành xứ diệt. Vượt thoát tất cả mọi ngôn ngữ nên gọi là
ngôn ngữ đạo đoạn.
Ở Việt Nam xưa có thiền
phái Vô Ngôn Thông. Vô ngôn thông có nghĩa là sự thông cảm và hiểu biết được thực
hiện không cần qua trung gian của lời nói. Tổ sư của phái Vô Ngôn Thông trước
khi tịch đã để lại một bài kệ nhấn mạnh đến ý niệm chân lý vượt thoát mọi ngôn
ngữ văn tự. Bài đó nó chấm dứt bằng hai câu: trực nhiêu vấn ngã, ngã bổn vô
ngôn (ữừng hỏi tôi nữa, tôi vốn là vô ngôn). Tên ngài là Vô Ngôn Thông. Kinh
Duy Ma Cật nói tới sự im lặng, thứ im lặng hùng hồn hơn bất cứ ngữ ngôn nào, gọi
là im lặng sấm sét (thundering silence), chữ Hán là mặc như lôi. Lôi là sấm
sét, mặc là im lặng. Trong đạo Nho, đức Khổng Tử cũng có lần nói: ‘‘Trời có nói
gì đâu?- thiên hà ngôn tại?’’ Trời không nói gì cả, vì mình không biết lắng
nghe. Nếu mình có chánh niệm, nếu mình biết lắng nghe thì mỗi bông hoa nở, mỗi
tiếng chim hót, tiếng thông reo, đều là ngôn ngữ cả (tứ thời hành yên, vạn vật
sinh yên). Kinh A Di Đà có câu là: ‘‘Mỗi khi gió thổi qua những hàng cây ở nước
Cực Lạc phát ra những âm thanh kỳ diệu; nếu lắng tai thì họ nghe được các giáo
lý như tứ diệu đế, ngũ cặn, ngũ lực, thất bồ đề phần và bát thánh đạo phần. Tất
cả những chúng sanh ở nước Cực Lạc khi nghe những âm thanh đó thì lòng phát
sinh chánh niệm về Bụt, Pháp và Tăng.’’ (xuất vi diệu âm, kỳ vi diễn xướng ngũ
cặn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp; kỳ độ
chúng sinh văn thị âm dơi, giai phát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm).
Điều này cũng đúng với cõi Ta Bà của chúng ta. Nếu có chánh niệm, khi đi thiền
hành, chúng ta sẽ nghe tiếng chim hay tiếng gió trong những cây phong hay những
cây sồi, chúng ta cũng có thể nghe được giáo lý ngũ cặn, ngũ lực, thất bồ đề phần
và bát thánh đạo phần. Nghe tiếng gió, tiếng chim, hay tiếng chuông đồng hồ,
chúng ta có thể trở về với chánh niệm. Chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng
và có thể sống cái kinh nghiệm của tịnh độ ngay ở đây và bây giờ. Đừng đợi chết
rồi mới sống, hãy tập sống ngay bây giờ kinh nghiệm cõi tịnh độ. Trong Thánh
Kinh có nói rằng mười điều rặn cấm của Chúa (the ten commendements) được mặc khải
cho thánh Moĩse qua những hàng chữ khắc trên đá. Người học đạo Bụt nhìn vào đá
cũng phải đọc thấy những thông điệp. Nhìn vào cây, nhìn vào suối, nhìn vào đất,
nghe tiếng chim, tiếng gió đều có thể đọc được và nghe được những vi diệu âm.
Đây là một phép thực tập chánh niệm.
Có những lúc ta cần
im lặng để thực tập chánh niệm về ngôn ngữ. Chúng ta không nói, không trò chuyện,
để lắng nghe tiếng nói của tầm và của từ ở trong ta, quán chiếu xem những tầm
và từ ấy phát xuất từ những thấy biết nào, những nội kết nào. Thời gian tịnh khẩu
là thời gian quán chiếu. Ta tịnh khẩu không phải vì ta không được phép nói. Khi
tu pháp môn tịnh khẩu, mỗi người xin đại chúng được sống trong im lặng trong
năm ngày, mười ngày hoặc trong một tháng. Như vậy không phải là để tránh xung đột
với người khác. Chính đó là cơ hội lắng nghe tiếng nói của tầm và từ ở trong
chính mình, và phát hiện nguồn gốc của tầm và từ đó. Trong một khóa tu thường
thường chúng ta không nói chuyện. Những người chưa quen phương pháp này có thể
sẽ thấy cặng thẳng và ngột ngạt. Những người đã quen quán sát tầm và từ của
mình rồi thì khác. Không nói chuyện là một cơ hội rất lớn để mình có thể nhìn
rõ bản chất của tư duy và cái thấy của mình. Đối với họ, sự im lặng trong khóa
tu rất quan trọng. Nếu không duy trì sự im lặng đó, chúng ta mất cơ hội thực tập
quán chiếu. Tuy nhiên có những người tuy bên ngoài im lặng nhưng bên trong tầm
và từ của họ vẫn rất ồn ào.
Chánh Niệm Làm Cơ Bản
Tới đây ta có thể tạm
rời lãnh vực chánh ngữ để bắt đầu bàn về chánh niệm. Trong khi học về chánh kiến,
chánh tư duy và chánh ngữ ta đã thấy chánh niệm là điều kiện rất cần thiết rồi.
Không thể nào có chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không có chánh niệm.
Vì ngay trong chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn, vai trò của chánh niệm
cũng quan trọng không kém. Thường thường ta vẫn nói theo trình tự niệm, định,
tuệ. Chánh niệm đưa tới chánh định. Nhưng chánh niệm không phải chỉ đưa tới
chánh định mà thôi, nó dẫn tới cả chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn. Chúng ta hãy nói sơ lược về chánh nghiệp,
chánh mạng, chánh tinh tấn để bàn vào chánh niệm và sẽ trở lại ba chi phần đó
sau.
Chánh nghiệp tức là
hành động chân chánh, đây là về hành động của thân thể, tức thân nghiệp. Vì khẩu
nghiệp thuộc về phạm vi của chánh ngữ và ý nghiệp thuộc về phạm vi của chánh kiến,
chánh tư duy, chánh định, và chánh niệm. Trong Kinh nói sát sanh, trộm cướp và
tà dâm là tà nghiệp. Không sát sanh, không trộm cướp và không tà dâm là chánh
nghiệp. Vì vậy về chánh nghiệp chúng ta phải nói đến giới thứ nhất, giới thứ
hai, và giới thứ ba của năm giới. Thân nghiệp cũng liên quan tới giới thứ năm.
Giới thứ tư thuộc về chánh ngữ và bốn giới khác có liên hệ trực tiếp tới chánh
nghiệp.
Chánh mạng tức là nghề
nghiệp hoặc phương tiện sinh sống chân chánh. Sống bằng những phương tiện bất
chính là tà mạng. Những nghề nghiệp vi phạm giới sát sanh, giới trộm cướp, giới
tà dâm, phải sử dụng các chất ma túy và phải nói dối, đều là tà mạng. Vậy chánh
mạng cũng liên hệ tới tất cả năm giới. Người xuất gia cũng có thể phạm vào tà mạng
nếu sử dụng những phương tiện hành đạo không phù hợp với chánh pháp. Thí dụ đưa
người ta vướng thêm vào vòng mê tín. Nếu không tu tập, chỉ tụng kinh và làm đám
như một nghề sinh nhai, cũng là tà mạng. Việc tụng kinh và đưa đám nếu hành trì
như những phương pháp hướng dẫn tu học và chiếu ánh sáng của đạo lý vào đời sống
của mọi người và của chính mình, thì đó là chánh mạng. Còn tụng kinh và làm đám
chỉ với mục đích cầu lợi thì đó là tà mạng.
Chánh tinh tấn là
năng lực giúp ta tu học một cách siêng năng. Chánh tinh tấn gồm có bốn loại thực
tập liên hệ với chánh niệm. Loại thực tập thứ nhất là với những hạt giống xấu
chưa phát hiện thì cố ngăn đừng cho chúng phát hiện, những chủng tử xấu đừng để
cho chúng có cơ hội hiện hành. Mỗi lần hiện hành các hạt giống ấy lại lớn lên ở
trong tàng thức. Đừng cho phát hiện không phải là đè nén, mà chỉ có nghĩa là đừng
để người khác hay chính mình tưới tẩm những hạt giống xấu trong mình. Ngoài ra,
phải tìm cách cho những hạt giống tốt phát hiện. Đó là phép thực tập thứ nhất.
Thứ hai là khi những hạt giống xấu phát hiện rồi thì phải biết cách làm cho
chúng trở về gốc càng mau càng tốt, tìm cách cho chúng trở về nguyên quán, nằm
im ở đấy. Đó là phương pháp thay chốt, phương pháp quán chiếu, phương pháp
chánh niệm. Thứ ba là những hạt giống tốt chưa từng được phát sanh thì tìm cách
tưới tẩm cho chúng phát sanh. Tự mình tưới tẩm hay nhờ sự có mặt của tăng thân
tưới tẩm. Thứ tư là những hạt giống tốt đã phát sanh rồi thì tìm cách mời chúng
ở lại và nuôi dưỡng cho chúng lớn lên. Bốn phương pháp đó gọi là tứ chánh cần.
Thành ra nội dung của chánh tinh tấn là tứ chánh cần, tức là bốn loại hành động
siêng năng. Mục đích là làm cho những hạt giống xấu yếu đi và làm cho những hạt
giống tốt lớn lên. Ta thấy chánh tinh tấn liên hệ đến tất cả những chi phần
khác trong bát chánh đạo. Nói chánh tinh tấn là sự siêng năng thì không đủ
nghĩa. Cần phải có kiến thức về tâm học, về duy thức học thì mới có thể hiểu được
nội dung tám chi phần của bát chánh đạo. Chúng ta nói qua như vậy để bàn tới
chánh niệm rồi sẽ trở về với ba chi phần ấy sau.
Như Lý Tác Ý
Chữ niệm nghĩa là nhớ.
Chữ Hán viết phần trên là chữ kim, nghĩa là nay, phần dưới chữ tâm, nghĩa là
lòng mình. Niệm là điều ta đang nhớ tới, đang nghĩ tới. Mà điều ta nhớ và nghĩ
có thể là tà, có thể là chính, vì vậy nên có tà niệm và chánh niệm. Chánh là thẳng,
tà là nghiêng. Chánh niệm tức là đặt những điều ngay, thẳng và điều tốt đẹp vào
trong tâm nhớ nghĩ của mình.
Trong 51 tâm hành có
một tâm hành tên là tác ý (manaskara, Pali là manasikara). Tác ý tức là khởi
tâm để ý tới một đối tượng nào đó. Trước đó chưa chú ý tới, bây giờ ta chú ý tới,
gọi là tác ý. Tác ý là một trong năm tâm sở biến hành. Và tác ý mở đầu cho một
niệm. Như khi ta xem một truyện phim hay nghe một bài hát thì hình ảnh hay câu
hát khiến cho ta tác ý. Nếu ta biết tu tập thì ta sẽ tác ý tới một điều chính,
và ta duy trì điều chính đó lại. Khi nghe chuyện hay nhìn hình ảnh ta cũng có
thể tác ý tới một điều bất chánh. Khi ta tác ý tới một điều chánh đáng, phù hợp
với tinh thần bốn sự thật, với kiến thức về bốn loại thực phẩm, với giáo lý bát
chánh đạo thì đó gọi là như lý tác ý hoặc là như pháp tác ý (yoniso manaskara).
Ngược lại là bất như lý tác ý (ayoniso manaskara). Chữ như lý được dịch từ chữ
yoniso. Yoni có nghĩa là tử cung, cái cung của đứa con, mọi người đều sinh ra từ
đó. Và vì thế yoni ở đây có nghĩa là cội nguồn. Khi đưa về đúng cội nguồn,
không lạc hướng, thì gọi là yoniso. Đưa đi lạc khỏi cội nguồn thì gọi là
ayoniso, dịch là bất như lý hay là phi như lý tác ý. Thí dụ ở Làng Mai khi nghe
tiếng chuông đồng hồ, mọi người trở về với chánh niệm, thở và mỉm cười. Ta lấy
chánh niệm để soi sáng và như thế ta thực tập như lý tác ý. Khi nghe một tiếng
hát đưa lòng ta tới những thương nhớ vẩn vơ, quên rằng ta đang ở đây để thực tập
chánh niệm cùng với tăng thân, thì đó là phi như lý tác ý. Cho nên trong đời sống
tu học, chúng ta phải tổ chức như thế nào để có thể thực tập được như lý tác ý
trong mỗi giây phút. Khi bước vào nhà bếp, thấy một vị thiền sinh đang xắt cà rốt,
tôi hay hỏi: ‘‘Anh đang làm gì đó?’’ Câu hỏi giống như một tiếng chuông để giúp
người đó như lý tác ý. Trong một tăng thân tu tập với nhau chúng ta phải giúp
nhau gióng tiếng chuông như lý tác ý cho nhau. Cách đi, cách đứng, cách ngồi,
cách nhìn, cách làm việc của ta đều có thể có tác dụng giúp người khác thực tập
như lý tác ý. Trong tăng thân chúng ta có những người làm được như vậy. Khi
nhìn thấy họ ta tự nhiên trở về được với chánh niệm. Sự có mặt của họ có tác dụng
như tiếng chuông tỉnh thức. Xây dựng tăng thân cũng là thực tập để cho mỗi lời
nói, mỗi cái nhìn, mỗi cái động tác của ta là một tiếng chuông cho chính ta và
cho người khác. Trong thiền viện, từ cách trình bày bàn thờ, cắm một bình hoa,
một góc chùa cong, một tiếng chuông thỉnh đều chủ ý giúp chúng ta thực tập như
lý tác ý. Cái gì trong thiền viện cũng phải được sắp đặt để nhắc nhở chúng ta
phải trở về như lý tác ý. Như lý tác ý là giây phút khai sanh của chánh niệm.
Ngược lại, nếu chúng ta sống trong một môi trường mà mọi thứ đều khiến chúng ta
quên lãng, ta sẽ bị kéo theo bởi những phi như lý tác ý. Ngồi trong một quán rượu,
tất cả những điều chúng ta nghe, thấy và cảm bằng sáu giác quan đều có tác dụng
đưa chúng ta đi lạc vào phi như lý tác ý.
Khi chúng ta nghĩ tới
những danh, lợi, tài, sắc, nhớ tới thuốc hút ‘‘nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã
chôn điếu xuống lại đào điếu lên’’, thì niệm đó là tà niệm. Nhớ một người nào đến
nỗi không làm ăn gì được, không tu học gì nổi, đó là tà niệm. Có khi chúng ta
quán tưởng một dòng nước trong hay là một bầu trời xanh để cho tâm hồn thư
thái, để tự nuôi dưỡng trước khi trở về đối diện những khó khăn hiện tại, việc
này có thể là như lý vì chúng ta biết mình đang làm gì. Nhưng thường thì chúng
ta không biết là mình đang mơ mộng và đang trốn tránh. Mà người tu học không trốn
tránh thực tại. Tu học tức là đem chánh niệm chiếu vào đối tượng khổ đau, để
tìm ra những nguyên do đã đem tới đau khổ. Mà thấy được khổ đế và tập đế rồi, tự
khắc ta thấy được đạo đế. Trốn tránh thì suốt đời ta không giải quyết vấn đề
đau khổ của ta và của người.
Chánh niệm là một loại năng lượng để thắp sáng tâm ý. Chúng ta biết trong chiều sâu tàng thức của chúng ta có hạt giống chánh niệm. Không tu tập thì hạt giống bị vùi lấp qua nhiều lớp thất niệm, khổ đau phiền não. Tu tập là chạm vào hạt giống chánh niệm để nó nở thành hoa. Ta hãy tìm cách giữ nó lại trong phòng khách của tâm hành, vì đó là một người khách quý. Người khách đó là Bụt, vì chánh niệm chính là Bụt tương lai. Nuôi dưỡng chánh niệm là làm cho Bụt ở trong ta càng ngày càng sáng tỏ. Người tu tập giỏi có thể nuôi dưỡng ngọn đèn chánh niệm thường xuyên. Ngọn đèn đó sẽ đem chiếu sáng bốn lãnh vực, đối tượng của thiền quán.
Lãnh vực thứ nhất là
thân. Thân, tức là uẩn đầu tiên trong ngũ uẩn, gọi là sắc uẩn. Có một kinh
chuyên trình bày sự thực tập chánh niệm về thân, gọi là kinh Thân Hành Niệm.
Kinh này có trong Trung Bộ (Majjima Nikaya), và cũng có trong bộ Trung A Hàm.
Chánh niệm cũng soi sáng lãnh vực thứ hai gọi là lãnh vực cảm thọ. Thọ là những
cảm giác của mình, những cảm giác vui, buồn. Những cảm thọ dễ chịu, khó chịu,
hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là cảm thọ trung tính. Chánh niệm
soi sáng lãnh vực thứ ba là tâm ý hay tâm hành. Bất cứ một tâm hành nào phát hiện
là chánh niệm nhận diện được. Thấy tầm thì biết là tầm, thấy từ thì biết là từ,
thấy tham thì biết là tham, thấy sân thì biết là sân, thấy mạn thì biết là mạn.
Chánh niệm nhận diện tất cả 51 thứ tâm hành mỗi khi chúng phát hiện. Sau cùng
chánh niệm soi sáng đối tượng của tâm hành, tức là các pháp. Pháp ở đây là tất
cả mọi hiện tượng tâm lý cũng như vật lý, và sinh lý. Trước hết pháp là đối tượng
của tưởng, tức là tri giác. Ở đây các pháp là đối tượng của tâm hành. Chúng ta
soi sáng vừa chủ thể vừa đối tượng của tâm hành.
Chúng ta thường nghĩ
nhầm năm uẩn là của một người này hay người kia. Phải nhớ năm uẩn không phải là
một cái gì biệt lập, năm uẩn gồm cả chủ thể lẫn đối tượng. Mà đối tượng của năm
uẩn bao gồm cả vũ trụ.
Người tu học dùng
chánh niệm soi chiếu bốn lãnh vực thân, thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý. Sự soi
chiếu này đưa tới tuệ giác, có công năng tháo gỡ và giải thoát cho bản thân người
tu học.
Xem Tiếp Bài 10 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá