Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Trái Tim Của Bụt
Phật Pháp Căn Bản
Bài 22. Hộ Trì Sáu Căn Bằng Chánh Niệm
Bài 22A. Hộ Trì Sáu Căn Bằng Chánh Niệm
Hôm nay là ngày 6
tháng 2, năm 1994. Chúng ta ở tại Xóm Hạ và chúng ta học tiếp về Bát Chánh Đạo.
Kỳ trước chúng ta đã
nói về Mười Hai Nhân Duyên thuộc phạm vi của chủ đề Duyên Sinh. Có hai loại
duyên sinh, gọi là Vọng tâm duyên sinh và Chân tâm duyên sinh. Vọng tâm
(deluded mind) tức là tâm còn chứa chất sự sai lầm. Thế giới, xã hội, cũng như
con người, vì được duyên sinh tạo thành căn cứ trên vọng tâm đó nên có nhiều
đau khổ, nhiều phiền não. Nhưng đứng về mặt tích cực thì chúng ta có Chân tâm
duyên sinh. Chân tâm (true mind) là tâm phản chiếu thực tại mầu nhiệm, tâm của
Tứ Trí. Thế giới, cũng như xã hội loài người, được tạo dựng ra trên chân tâm
duyên sinh sẽ là thế giới hạnh phúc, an lạc.
Hộ Trì Sáu Căn Bằng Chánh Niệm
Chúng ta hãy tưởng tượng
1000 người mà tâm trí đầy dẫy những ganh tị, giận hờn và vô minh tụ họp lại để
sống chung với nhau. Họ sẽ tạo nên một địa ngục nhỏ. Khung cảnh nơi họ sống có
tính cách địa ngục. Cuộc sống hằng ngày của họ, và liên hệ giữa họ với nhau
cũng có tính cách địa ngục. Điều đó đã sinh khởi do vọng tâm của 1000 người.
Các vọng tâm tạo thành một cộng nghiệp khổ đau. Hai người hiểu lầm nhau đã có
thể tạo ra một địa ngục nhỏ rồi, huống hồ là 1000 người. Muốn chuyển hóa địa ngục
ấy thành ra một thiên đường, chúng ta biết chỉ có một cách là chuyển hóa nội
tâm. Nhưng ai có thể chuyển hóa được tâm của 1000 người đó? Phải có một yếu tố
khác như một vị đạo sư, hay một tăng thân lớn. Sự chuyển hóa bắt đầu từ một người,
rồi hai người, để cho chất vọng bớt đi, và để cho chất chân bắt đầu có mặt. Bây
giờ ta hãy tưởng tượng 1000 người kia có hiểu biết, có thương yêu, không giận hờn,
không ganh tị… Họ có thể tạo ra một cộng đồng hạnh phúc. Đó gọi là chân tâm
duyên sinh. Cho nên vốn liếng của chúng ta là tâm. Mà nếu tâm còn nhiều vọng,
còn nhiều sự hiểu lầm (wrong perceptions, deluded mind) thì cái tâm ấy còn gây
đau khổ.
Khi một người có cái tâm sáng, cái tâm không hiểu lầm, thì người ấy đã có một thiên đường nhỏ cho chính mình. Và nếu hai người như vậy thì hai người ấy có thể tạo ra một thiên đường nhỏ cho nhau. Và khi người thứ ba tới, hai cái chân tâm có sẵn đó hy vọng sẽ chuyển hóa được cái vọng tâm kia một cách từ từ. Có 1000 người với tâm nhẹ nhàng thanh thoát là có Niết Bàn Hạnh Phúc, là có thế giới Hoa Nghiêm.
Chúng ta thường học,
thường giảng về mười hai Nhân Duyên, đã chú trọng nhiều về vọng tâm duyên sinh,
và đã nói rất ít về chân tâm duyên sinh. Chúng ta than thở, buồn khổ vì tính chất
tiêu cực của vọng tâm duyên sinh nhưng chúng ta chưa học, và chưa thực tập đủ về
phần tích cực của chân tâm duyên sinh. Cho nên thế hệ của quý vị là phải mở ra
một kỷ nguyên mới của sự tu học Phật pháp. Thay vì nói nhiều về mười hai Nhân
Duyên đưa tới khổ đau thì quý vị phải nói nhiều, phải học nhiều, và phải đưa ra
những phương pháp thực tập cụ thể về chân tâm duyên sinh. Chúng ta phải biết
căn cứ vào giáo nghĩa Mười Hai Nhân Duyên để tạo dựng một thế giới của hạnh
phúc, một thế giới của an lạc.
Chúng ta hãy vẽ lại một
đồ hình, phía trong có mười hai chi phần của Thập Nhị Nhân Duyên, gồm có Vô
Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử.
Phía ngoài chúng ta vẽ Chân Tâm Duyên Sinh. Vòng duyên sinh ngoài có Minh duyên
Bồ đề tâm tức là Đại nguyện. Bồ đề tâm là một thứ năng lượng rất lớn thường
thúc đẩy ta làm việc độ sanh. Bồ đề tâm đưa tới Trí.
Trí biểu hiện ra bốn
mặt. Mặt thứ nhất gọi là Trí hiển hiện để soi sáng, Đại Viên Cảnh Trí. Trí đó
phát xuất từ A Lại Da Thức, hay gọi là Dị Thục Thức. A Lại Da thức thuộc về vọng
tâm cho nên biểu hiện ra thế giới thiên nhiên (khí thế gian) và chúng sinh
(tình thế gian). Khí thế gian tức là hoàn cảnh trong đó ta sống, còn gọi là Y
Báo. Chính con người ta thì được gọi là Chánh Báo, tức là Danh Sắc. Ngoài ra có
Diệu Quan Sát Trí từ thức thứ sáu chuyển thành, Bình Đẳng Tánh Trí từ thức thứ
bảy chuyển thành. Và công năng soi chiếu và tạo tác gọi là Thành Sở Tác Trí là
từ năm thức đầu chuyển hiện.
Chúng ta đừng hiểu
Trí là trí năng, sự thông minh. Trí ở đây tức là bản chất tạo tác ra một thế giới
an lạc. Thức tạo ra Hữu, tức là cuộc sống nhiều khổ đau, nhiều đày đọa, Ưu sầu.
Còn Trí tạo ra Tịnh độ, tạo ra Phật độ, ra thế giới của Hoa Nghiêm. Thức là vọng
tâm, Trí là chân tâm. Chân tâm tạo ra thế giới Danh Sắc của người giác ngộ, của
Thân Thị Hiện, gọi là Báo Thân. Báo Thân này vẫn có Lục Nhập, là sáu căn và sáu
trần. Nhưng căn và trần này mang lại hạnh phúc, được gọi là Thọ Dụng Thân
(sambhogakaya). Thọ Dụng là tiếp nhận và sử dụng. Lục Nhập thì đầy dẫy những mê
mờ vọng tưởng trong khi đó thì Thọ Dụng Thân tràn đầy tính hạnh phúc và nhẹ
nhàng của người giải thoát. Có Thọ Dụng Thân này thì Xúc có chánh niệm, Xúc
thanh tịnh. Xúc này luôn luôn được sáu căn hộ trì.
Khi sáu căn tiếp xúc
sáu trần Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ.
Đó là cách sử dụng
sáu căn và sáu trần của người giác ngộ. Xúc thanh tịnh, Xúc chánh niệm sẽ tạo
tác ra Thọ thanh tịnh, Thọ chánh niệm. Chìa khóa của sự tu học là ở Xúc và Thọ.
Nếu Xúc và Thọ không được chánh niệm hộ trì thì sẽ không có sự chuyển hóa. Cho
nên bí quyết thành công của sự tu học là trong đời sống hằng ngày ta biết dùng
chánh niệm để rọi vào Xúc và Thọ để sáu căn và sáu trần được tiếp xúc trong
chánh niệm, và cảm thọ trong chánh niệm. Đó là cửa đi vào sự hành trì giải
thoát. Nếu không tức là không có mặt của sự tu tập đích thực. Tụng Kinh mười
hay là mười hai giờ đồng hồ một ngày, ngồi thiền mười hay là mười hai giờ đồng
hồ một ngày mà không thực tập chánh niệm, không hộ trì sáu căn thì có thể không
có kết quả gì cả. Khi ta đã biết hộ trì sáu căn thì khổ thọ được đặt trong
chánh niệm, lạc thọ và xả thọ cũng được đặt ở trong chánh niệm. Ái dục lôi kéo
hay không là do Xúc và Thọ có được đặt trong chánh niệm hay không. Ái tức là sự
đắm đuối, thèm khát (craving, thirst). Nếu Xúc và Thọ được hộ trì trong chánh
niệm thì không đi tới Ái, mà đi tới Xả, tức là tự do. Chúng ta phải định nghĩa
chữ Xả một cách thấu triệt. Xả có nghĩa là tự do, là không phe phái, là có khả
năng buông bỏ không vướng mắc. Xúc và Thọ bây giờ đưa tới Từ, Bi, Hỷ, và Xả.
Ái thuộc về tình cảm,
nhưng đó là một thứ tình cảm bệnh hoạn đam mê, vướng mắc. Từ, Bi, Hỷ, và Xả
cũng là tình cảm, nhưng đây là thứ tình cảm giải thoát, nhẹ nhàng. Tình cảm là
loại năng lượng có thể thực hiện được nhiều phép lạ. Khi người ta thương, người
ta có thể làm được những việc mà người không thương không sao làm được. Tình
thương vướng mắc và nặng nề hay tình thương của chân tâm cao quý cũng đầy năng
lượng như vậy. Có tình thương, có Từ, Bi, Hỷ, và Xả, anh có thể làm được những
chuyện mà người không thương không thể nào làm được. Anh có thể chịu đựng được
khổ đau, anh có thể hy sinh thân mạng, có thể làm mọi cách để cứu độ chúng
sanh, là vì anh có tình thương lớn. Đạo lý Từ Bi Hỷ Xả là đạo lý về tình thương
trong đạo Bụt để thay thế tình thương vướng mắc, và hệ lụy, gọi là khát Đi
(trsna). Biết bao nhiêu người hụp lặn trong biển khổ vì Ái, vì tình thương vô
minh. Biển Ái dìm chết biết bao nhiêu người là do thứ tình này. Từ Bi Hỉ Xả
cũng là tình nhưng là tình có thể cứu vớt và giải phóng.
Trong truyền thống tu
học có nhiều người sợ không dám nói tới tình. Làm như đi tu là phải bỏ hết tất
cả tình. Điều đó không đúng. Tu phải có rất nhiều tình, tình Từ, tình Bi, tình
Hỷ, và tình Xả. Trong thiền đường chùa Trúc Lâm, ta thấy hai câu đối. Câu bên
phải là: ‘‘Bất tục tức tiên cốt’’ nghĩa là bản chất của người tiên là không vướng
ở cõi tục. Vế kia là: ‘‘Đa tình thị Phật tâm’’ tâm đa tình, tâm nhiều tình cảm
là tâm của Bụt. Tình cảm ở đây là Từ, Bi, Hỷ, và Xả.
Cho nên khi học đạo Bụt
mà nặng về tri thức, chúng ta có thể có cảm tưởng là đạo Bụt khô khan. Ta mải
nói về Giới, về Định, về Tuệ, về Trạch Pháp. Cái gì cũng là Trí Tuệ. Chúng ta
đã nghiêng về Trí mà lơ là về Bi. Trong khi đó Bụt là Trí và Bi viên mãn. Phần
trí tuệ và phần tình cảm phát triển song song với nhau và có quân bình. Vì vậy
đạo lý Từ Bi Hỷ Xả cần phải được đề cao, cần phải được phát triển, và áp dụng rất
nhiều. Thực tập Từ Bi Hỷ Xả thì sự sống có thêm hạnh phúc ngay trong giây phút
hiện tại. Vì vậy bài pháp thoại hôm nay có chủ đề là Tình Thương. Thương như thế
nào mà ta có hạnh phúc, những người được ta thương cũng có hạnh phúc, và không
ai bị chìm đắm trong cái biển khổ đau của khát Đi (trsna).
Tứ Vô Lượng Tâm
Tu học đích thực luôn
luôn mang tới hạnh phúc, niềm tin và niềm vui. Bụt nói đi nói lại nhiều lần là
giáo pháp của người là để thực tập và có hạnh phúc ngay trong khi thực tập, chứ
không phải là thực tập xong rồi năm bảy năm sau mới hạnh phúc. Đó là phương
pháp Hiện Pháp Lạc Trú (Ditthadammasukhavihara): lạc trú ngay trong giờ phút hiện
tại. Trong đạo lý Thất Giác Chi, tức là bảy yếu tố giác ngộ, chúng ta có hai yếu
tố, Khinh An (prasrabdhih) là nhẹ nhàng, và Hỷ (priti) là vui mừng. Bảy phần gồm
Trạch Pháp (investigation of Dharma), Tinh tấn, Hỷ, Khinh An, và Niệm, Định, và
Tuệ gọi là Thất Giác Chi, hay là Thất Bồ Đề Phần. Trong bảy yếu tố đưa tới giác
ngộ đã có hai giác chi về hạnh phúc, đó là Hỷ và Khinh An. Điều đó chứng tỏ
trong sự tu học hằng ngày, chúng ta phải có hạnh phúc, và niềm vui. Nếu không
thì không phải đích thực là pháp môn của Bụt. Chúng ta sẽ phải nhấn mạnh tới điểm
này nhiều hơn.
Đạo lý về tình thương
trong đạo Bụt (The teaching of love in Buddhism) là một đề tài rất lớn cần được
khai thị cho thế giới bây giờ. Loài người ngụp lặn trong khổ đau vì trong đời sống
hằng ngày tình thương của họ còn rất nhiều tính chất hệ lụy và vướng mắc. Cho
nên chúng ta phải khơi mở một dòng tình thương từ sự thực tập đạo Bụt.
Giáo lý về tình
thương được gọi là Tứ Phạm Trú, Brahmavihara (The Four Abodes of Brahma).
Brahma có nghĩa là Phạm Thiên hay là cao quý. Vihara là chỗ ở, là cƯ xá, có khi
được dịch là tu viện. Đó là nơi cƯ trú của Bụt và Bồ Tát. Nếu ta muốn có hạnh
phúc thì ta hãy xin vào ở cư xá đó để sống chung với Bụt, với Bồ tát. Tứ Phạm
Trú tức là Từ, Bi, Hỷ, và Xả mà chúng ta gọi là bốn tâm vô lượng. Nếu có ai hỏi:
‘‘Địa chỉ của ông ở đâu?’’ Ta trả lời: ‘‘Địa chỉ của tôi là ở cư xá
Brahmavihara, Tứ Vô lượng Tâm.’’ Ta có bổn phận phải xây thêm những cư xá như vậy.
Vô lượng tức là không thể đo được, có thể phát huy đến vô cùng. Bốn tâm không
có biên giới là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, và tâm Xả.
Trước hết là tâm Từ.
Chữ Phạn là Maitri, chữ Pali là Metta. Maitri có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm
vui, hiến tặng hạnh phúc (the capacity to offer joy and happiness). Đức Bụt sắp
ra đời để nối tiếp sự nghiệp của Bụt Thích Ca tên là Maitreya, đức Bụt của tình
thương.
Thứ hai là Bi,
Karuna, có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Nó gồm ý chí muốn
làm vơi đi nỗi khổ, muốn chuyển hóa nỗi khổ của người; và gồm cả phương pháp và
khả năng chuyển hóa nỗi khổ.
Hỷ tức là Mudita, là
niềm vui. Tình thương đích thực, có Từ, có Bi, sẽ đem tới sự nhẹ nhõm, và niềm
tươi vui. Tình thương mà chứa chất sầu đau thì không phải là tình thương trong
đạo Bụt. Cho nên Mudita là một yếu tố của tình thương đích thực. Tình thương có
thể đem lại cho người thương và người được thương hạnh phúc thì mới đúng là
tình thương trong đạo Bụt. Còn thứ tình thương mỗi ngày gây khổ đau và vướng mắc
cho nhau, thì không phải là tình thương của đạo Bụt. Hỷ là yếu tố thứ ba của
tình thương ấy.
Và sau cùng, Xả
(Upeksa) là sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do và không kỳ thị. Thương như thế nào
mà ta còn giữ được tự do cho ta và cho người ta thương thì mới đích thực là
tình thương đạo Bụt. Thương như thế nào mà hai người không dìu nhau vào trong
ngục tù. Tình cha con, tình thầy trò, tình anh em, tình yêu nam nữ cũng vậy.
Trong đạo Bụt có một
giáo lý rất đầy đủ và thâm sâu về tình thương. Tình thương này có năng lượng trị
liệu. Từ, Bi, Hỷ, Xả không phải là những ước muốn, những mục tiêu xa xôi, mà là
sự thực tập. Từ không phải chỉ là ước muốn đem lại hạnh phúc cho người. Chính sự
thực tập Từ đem lại hạnh phúc cho người – The willingness and the capacity to
offer joy and happiness. Có người càng thương thì càng làm cho người kia khổ.
Thương như vậy chưa phải là Từ. Có ý chí thương nhưng không có khả năng thương.
Bi cũng vậy. Bi là ước muốn và cũng là khả năng làm vơi nỗi khổ – The
willingness and the capacity to remove pains. Hỷ là ước muốn và khả năng tạo hạnh
phúc cho mình, và cho người – The willingness and the capacity to bring joy. Và
Xả tức là ước muốn và khả năng hiến tặng tự do và sự không kỳ thị cho người và
cho chính mình – The willingness and capacity to offer freedom and
non-discrimination.
Ta không thể hiểu được
bản chất của tình thương trong đạo Bụt nếu không đặt giáo lý tình thương đó
trong Bát Chánh Đạo. Nếu không thực tập Bát Chánh Đạo thì ta không thể thực tập
được tình thương. Chánh niệm cho chúng ta thấy được nhu yếu chuyển hóa khổ đau
và nhu yếu hiến tặng niềm vui. Khi một người làm cho ta khổ thì chính người đó
cũng đang bất an; phản ứng của ta có thể làm cho người đó thêm khổ, vì thế lại
làm khổ chính ta hơn. Cái khả năng giúp ta nhận chân ra sự thật đó là chánh niệm.
Lắm khi người đó chính là mình. Từ, Bi, Hỷ, Xả phải thực hiện cho chính mình
trước. Nếu ta không có bốn tâm đó trong ta thì ta không thể nào hiến tặng nó
cho người khác. Phải đầu tư, phải gây vốn cho bốn tâm vô lượng. Vốn liếng của
ta là công phu thực tập Tứ Diệu Đế. Đi thiền hành cho đúng phép, có an lạc
trong từng bước chân, nuôi dưỡng từng tế bào của thân thể bằng hơi thở chánh niệm,
đó là ta đang tự thương mình. Thương mình đích thực, ta làm cho rã bớt những nỗi
sầu khổ, tưới vào bản thân những niềm vui. Truyện Kiều có hai câu nói về lòng tự
thương, nhưng hoàn toàn tiêu cực. Đó là hồi Kiều ở lầu Ngưng Bích, đau đớn và
thương xót cho thân phận của mình:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Thương ở đây chẳng
qua chỉ là xót xa tội nghiệp cho mình thôi. Niềm xót xa này không có khả năng
chữa trị được đau khổ, không đem lại hạnh phúc. Tự thương theo lối đạo Bụt, ta
phải chuyển hóa thân tâm. Buổi sáng nhìn mặt trời lên, nghe chim hót, có chánh
niệm, ta mỉm cười, ta thấy những thứ đó đều mầu nhiệm. Xúc và Thọ cần nuôi dưỡng
và mang tới thân tâm chúng ta chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nếu ta không tự
thương ta được thì ta không có khả năng thương người khác. Tình thương người ta
thường nói tới có thể chỉ là sự đắm đuối, vướng mắc, là năng lượng kéo nhau xuống
vực thẳm của biển khát ái thôi, chứ không phải là tình thương đích thực.
Nuôi dưỡng mình và
nuôi dưỡng người xung quanh bằng tình thương, đó là sự thực tập của chúng ta.
Và tình thương ở đây phát xuất từ Tuệ. Nếu không hiểu biết thì không thể thương
yêu. Bản chất của Từ Bi là Trí Tuệ. Thương mà không hiểu thì làm khổ người mình
thương. Ví dụ tôi sợ mùi sầu riêng. Nếu sư chú nói: Chắc là thầy mệt, nếu ta mời
thầy ăn sầu riêng thì thầy sẽ khỏe. Bắt tôi ăn sầu riêng sẽ chỉ làm khổ tôi. Muốn
hiến tặng niềm vui cho người, ta phải hiểu người. Con mắt chánh niệm phải quán
sát. Cư xử với con cái cũng vậy, với mẹ cha cũng vậy. Chúng ta có thể nói rằng
trong đạo Bụt, thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Mà hiểu
biết là hoa trái của chánh niệm, của thiền quán.
Nguyên tắc thực tập Tứ
Diệu Đế phải được áp dụng ở đây. Trước hết ta nhìn vào để thấy những nỗi khổ.
Sau khi nhận diện được sự thật thứ nhất về Khổ, ta mới tìm ra được những nguồn gốc
xa gần của khổ, tức là ta quán chiếu Tập. Và chỉ khi nắm được hai sự thật đầu
ta mới biết con đường nào giúp người vượt qua những khổ đau, biết được Diệt và
Đạo. Thực tập Tứ Diệu Đế là thực tập tình thương. Bụt là một bậc Trí và Bi viên
mãn. Thật ra nếu Bi mà viên mãn thì Trí cũng viên mãn, và nếu Trí viên mãn thì
Bi cũng viên mãn. Hai là một, một là hai. Nếu hiểu được thân phận của người hải
tặc thì ta cũng sẽ thương được cả người hải tặc. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác,
Bụt nói rằng một vị Bồ Tát không đem tâm ghét những người đã làm điều ác. Những
điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị, những vô minh, căm thù đã được chứa chất
từ lâu, đã đưa tới hành vi ác độc. Bất tăng ác nhân là bốn chữ trong Kinh Bát Đại
Nhân Giác. Làm sao ta hiểu được bốn chữ ‘‘không ghét người ác’’ nếu ta quên
tình thương, nếu ta chỉ dùng trí năng khô khan để học Bụt? Trí năng khô khan gọi
là càn tuệ, dried knowledge. Tình thương chỉ có thể làm bằng chất hiểu biết, bằng
tuệ giác chân thật, chữ Phạn là Prajna, phiên âm là Bát Nhã. Bát Nhã là hoa
trái của sự quán chiếu. Không giận mình, không ghét người. Vì thấy những nguyên
do sâu xa của mọi hành động nên ta thấy thương mình, và thương người. Chất liệu
của Từ phát xuất từ trái tim, và tƯới trở lại cho trái tim. Thực tập Từ và Bi
trên căn bản hiểu biết thì không bao giờ vướng mắc vào tình thương chiếm hữu
(possessive love). Thương mà không hiểu thì chỉ giam nhau vào ngục tù, tự giam
mình vào ngục tù và làm khổ lẫn nhau. Người này lập ra nhà tù nhốt người kia
vào cũng chỉ vì có thiện chí. Chồng với vợ, cha mẹ với con, bạn bè với nhau,
khi thương nhau chúng ta thường vẫn giam nhau vào ngục tù, chỉ vì ta không biết
được nhu yếu sâu xa đích thực của chính bản thân ta, và của những người mà ta
thương.
Bụt dạy rằng : tình
thương được làm bằng hiểu biết. Nhưng vì hiểu rõ tâm của chúng sinh nên Bụt còn
đi xa hơn nữa. Ngài nói rằng trong tình thương chân thật phải có niềm vui. Nếu
không có vui thì ta biết đó chưa phải là Từ, chưa phải là Bi. Đây là một phương
pháp khác nữa để nhận diện tình thương chân thật: sự có mặt của niềm vui vô cầu,
không vị lợi. Tu không phải là từ bỏ niềm vui. Niềm vui của người tu không phải
chỉ phát sinh khi thấy người khác thành đạt và có hạnh phúc, mà cả khi thấy
mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và có hạnh phúc. Tại sao ta lại tự kỳ thị mình? (Joy
là joy, tại sao phải là altruistic joy, hay là sympathetic joy?) Khi tôi bước
những bước thiền hành thảnh thơi, tôi tiếp xúc với nắng, tôi tiếp xúc với tiếng
chim, tôi tiếp xúc với tăng thân, tôi được nuôi dưỡng, tôi thư thái, đó là niềm
vui, chữ Phạn là Mudita. Bụt dạy chúng ta phải nuôi dưỡng thân tâm bằng niềm
vui và sự nhẹ nhàng. Làm như vậy cũng là thực tập thương yêu.
Bài 22A. Hộ Trì Sáu Căn Bằng Chánh Niệm
Để tôi ngưng một vài
phút và đọc cho quý vị nghe một bài thơ tình của Vũ Hoàng Chương. Đọc để thấy
tình yêu vướng mắc, và tình yêu chiếm hữu có thể tạo nên khổ nghiệp thế nào. Những
năm trước khi tịch, Vũ Hoàng Chương có nhiều bài thơ về đạo rất hay, rất đạt.
Nhưng thời còn trẻ ông đau khổ lắm, ông viết những Thơ Say, Thơ Điên, Mây. Đây
là một bài viết năm 1940, trong tập Thơ Say, trong đó thi sĩ nhớ tiếc người yêu
mà, ông gọi là ‘‘Tố của Hoàng’’:
Trăng của nhà ai, trăng một phương
Nơi đây rượu đắng, mưa đêm trường.
Nghe hai câu đầu, ta
đã thấy khổ. Ở đây chỉ có trời mưa suốt đêm, và một mình uống rượu say mèm, ở đây
không có trăng. Rượu thì có chất cay đắng. Rượu cay đắng hay tình cay đắng?
Ừ đêm tháng sáu, mười hai nhỉ?
Tố của Hoàng ơi! Hỡi nhớ thương!
Mười hai tháng sáu là
ngày cô nàng bỏ đi lấy chồng.
Là thế, là thôi, là thế đó
Mười năm, thôi thế mộng tan tành!
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh!
Chúng ta thấy Ngã và
Ngã Sở. Yêu thương một người, người đó phải thuộc về mình, phải là Ngã Sở. Tố của
Hoàng ơi! Tố của anh. You are mine! Mười năm chỉ sống trong mộng cho nên khi mộng
tan tành mới khổ.
Tháng sáu, mười hai từ đấy nhé
Chung đôi, từ đấy nhé lìa đôi.
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi?
Bây giờ anh đi thất
thểu bên bờ hồ Hoàn Kiếm; có gặp anh, cô ta cũng không thèm nhìn. Ngày xưa, Tố
là của Hoàng. Nhưng bây giờ, đời là vô thường mà, Tố đâu còn phải là Ngã Sở của
Hoàng nữa?
Hoàng xưa và Tố xưa
là một Hoàng khác và một Tố khác. Hoàng bây giờ là Hoàng khác, mà Tố cũng là Tố
khác rồi. Vô thường và vô ngã. Mình của phút này đã không còn là mình của phút trước,
huống hồ là từ ngày mười hai tháng sáu cho tới bây giờ.
Men khói đêm nay sầu vũng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai
Tình ta tha thiết, cuồng, ta khóc
Tố của Hoàng, nay, Tố của ai?
Tình thương mà đưa tới
cuồng điên là tình thương mù quáng, không thấy được bản chất Vô thường và Vô
ngã. Tố của Hoàng, nay, Tố của ai?
Bốn câu tiếp nhắc sự
tích Trang Tử khi vợ chết không khóc, ông gõ trên thành chậu mà hát một bài gọi
là Cổ Bồn Ca:
Tay gõ vào bia, mười ngón dập
Mười năm theo máu hận đầy vơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn Ca, gõ hát chơi.
Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây.
Mái Tây tức là Tây
Sương, tên một vở tuồng kể lại một chuyện tình nổi tiếng. Khi tình thương gây
đau khổ, gây lửa cháy trong lòng như vậy, thì tình thương đó là tình thương gây
tàn phá, tạo khổ đau.
Hàng ca nhịp gõ khơi bay
Hồ xừ xang xế, bàn tay điên cuồng
Kiều Thu. Hề! Trót biên thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ so
Xự xang xế xự xang hồ
Bàn tay nhịp gõ, điên rồ khói lên
Kiều Thu, hề! Tố hỡi em!
Nghiêng chân xuống bể mà xem lửa bùng
Xế hồ xang, khói mờ rung
Nhịp cơn sầu thảm năm cung ngút ngàn.
Đây là một bài thơ
tình rất hay, vì đọc xong người ta sẽ thấy nát gan nẫu ruột, và bị cuốn vào
trong cơn đau khổ cuồng si của thi sĩ. Dùng chánh niệm để quán chiếu ta sẽ thấy
tình yêu ở đời, thường dẫn đến tình trạng đó. Vì tình yêu vô minh có rất nhiều
ái thủ trói buộc, đưa đến giận hờn, tan vỡ, tạo ra khổ đau cho cả hai người –
Thơ tình cũng có thể làm hại cả độc giả nữa nếu độc giả cũng chìm đắm trong ‘‘thú
đau thương’’, quên thực tập chánh niệm.
Chúng ta cần phân biệt
tình thương trong sáng khỏe mạnh và tình thương mê đắm vướng mắc. Phải quán chiếu
để nhận diện xem trong tình thương có chất liệu của Từ, của Bi, và của Hỷ hay
không. Nếu hoàn toàn trong ấy không có chất liệu nào của Từ, Bi, và Hỷ, thì
tình thương đó chắc chắn đang và sẽ tạo đau khổ. Nếu chất liệu của Từ, Bi, và Hỷ
còn quá ít thì người ta vẫn còn đang đi theo con đường của vướng mắc, của sầu hận,
của khổ đau, và đày đọa. Cho nên ta phải thực tập mỗi ngày để chuyển hóa các yếu
tố tiêu cực của tình thương, và nuôi dưỡng chất liệu Từ, Bi, Hỷ, Xả càng ngày
càng lớn.
Bây giờ chúng ta nói
tới yếu tố thứ tư là Xả. Thường thường chúng ta dịch Xả là buông bỏ, là không
vướng mắc. Có khi chúng ta dịch là không phân biệt, không kỳ thị.
Bản chất của Xả là Bất Nhị. Định nghĩa hay nhất của Xả là tự do. Một tình thương chân thật là một tình thương có chất liệu tự do. Người thương có tự do, và người được thương vẫn không mất tự do. Người đó không cần phải hội đủ những điều kiện nào đó mới được thương. Tôi thương anh không phải vì anh là người đồng bào máu mủ của tôi mà tôi thương. Không phải vì anh đã theo cùng một tôn giáo với tôi mà tôi thương. Tình thương không phân biệt như vậy là tình thương có Xả.
Trong tình thương
đích thực này, người gọi là kẻ thù cũng được thương. Tại vì người ấy cũng đau
khổ, cũng cần chuyển hóa khổ đau, cũng cần có hạnh phúc. Khi ta nhìn người gọi
là kẻ thù và thấy được nhu yếu đó, thì ta thương được kẻ thù của ta. Mà khi đã
thương được rồi thì ta đâu còn gọi người đó là kẻ thù nữa. Cho nên trong tình
thương đích thực không có kẻ thù. Có những chủ thuyết nói rằng mình phải phân
biệt bạn với thù, mình không được thương thù, mình chỉ được thương bạn thôi.
Trong giáo lý của đạo Bụt thì người nào khổ là mình thương, vì người đó cần tới
tình thương.
Cách đây ba tuần một
sư cô ở Huế viết thư kể chuyện hiện giờ các nhà thờ chiêu dụ được con nít rất
nhiều, chỉ tại vì các em đói. Trẻ em không có thức ăn, không có trường học thì
tới nhà thờ để học đọc, học viết buổi sáng, rồi được ăn cơm trưa, và ở lại học
đọc và học viết nữa. Đó đích thực là một công tác từ bi. Nhưng một số phụ huynh
hơi lo, sư cô cũng hơi lo. Họ kể rằng các cháu về nhà, trong bữa cơm chiều, làm
dấu thánh giá trước khi ăn, và đọc kinh ‘‘Con lạy chúa trên trời.’’ Và họ hoảng
sợ. Sư cô đó đề nghị Phật tử phải làm thế nào để cho con cháu mình đừng đi đến
nhà thờ, phải làm thế nào để đưa hết những trẻ em đói đó về chùa. Để thay vì
làm dấu thánh giá, và đọc kinh ‘‘Con lạy chúa trên trời’’ thì chắp tay đọc
‘‘Con về nương tựa Bụt.’’
Đó là tâm trạng chung
của rất nhiều người. Phật tử và không Phật tử. Chúng ta làm việc thiện do tình
thương, nhưng trong tình thương vẫn có phân biệt. Nếu chúng ta chỉ làm việc thiện
vì sợ các con em Phật tử đi theo đạo Cơ Đốc, thì chất liệu của Từ Bi sẽ không
trọn vẹn. Nếu ta làm việc thiện vì thấy có rất nhiều trẻ em cần phải được nuôi
ăn trưa, cần phải học đọc, học viết, thì đó là chân tinh thần của Từ, Bi, Hỷ,
và Xả. Làm việc thiện vì sợ tôn giáo khác đang dụ con em mình, là đã để cho một
áng mây mờ bay vào trong tình thương của mình. Điều này là do quán chiếu mà thấy.
Cho trẻ con ăn cơm trưa, và cho các em học đọc, học viết là tại vì chúng cần những
thứ đó. Còn sử dụng hành động đó để làm cho con nít theo đạo (hoặc là đạo Chúa,
hoặc là đạo Phật) thì tình thương đó đã bị che ám bởi đám mây của kỳ thị. Như
thế là trái với tinh thần Xả. Nếu học Tứ Vô Lượng Tâm mà nghĩ rằng chỉ có Từ và
Bi mới là tình thương thôi, còn Hỷ và Xả là chuyện khác, đó là chúng ta lầm.
Trong lịch sử của
giáo đoàn có rất nhiều sự hiểu lầm về giáo lý Tứ Phạm Trú, tức là Tứ Vô Lượng
Tâm. Ngay trong Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita Sastra) của thầy Long Thọ
(Nagarjuna), chúng ta cũng thấy có một vài hiểu lầm. Đại Trí Độ Luận được soạn
sớm hơn những tác phẩm khác được coi là của thầy Long Thọ như Trung Quán Luận.
Sự hiểu lầm trong này phản ảnh sự hiểu lầm của những tông phái đang diễn giảng
và thực tập Tứ Vô Lượng Tâm trong thời kỳ ấy.
Hiểu lầm thứ nhất là
cho rằng tâm Từ, hay tâm Bi đều còn bị vướng mắc. Thương yêu là bị ràng buộc
vào những người được thương và mất đi một phần tự do. Đến tâm Hỷ thì sự vui mừng
cũng còn làm xáo động tâm. Vì vậy phải tu Xả, nghĩa là phải buông bỏ. Ban đầu
thì tu Từ, tu Bi, và tu Hỷ. Tới mức tu Xả là bỏ Từ, bỏ Bi, và bỏ Hỷ để cho tâm
thanh tịnh.
Hiểu như vậy là rất
sai với tinh thần đạo Bụt, chưa thấy được rằng Xả là một chất liệu trong tình
thương. Mà sự sai lầm đó ta thấy nhan nhản trong các bộ luận từ ngày xưa cho tới
bây giờ. Đại Trí Độ Luận cũng phản ảnh tình trạng đó. Về sau, khi nói đến nhân
cách của Bụt, các bộ phái mới nêu thêm ý niệm Đại Từ và Đại Bi, vượt lên trên Từ
và Bi. Đại Từ và Đại Bi là hai danh từ chỉ được dùng trong trường hợp của Bụt
và Bồ Tát thôi, còn trong trường hợp chúng ta thì ta chỉ có quyền dùng Từ thường,
và Bi thường. Hiểu như vậy cũng sai. Nếu Đại Từ, Đại Bi là lòng Từ Bi không giới
hạn, thì Tứ Vô Lượng Tâm cũng có nghĩa là bốn tâm không có giới hạn. Tại sao cần
phân biệt Từ Bi với Đại Từ, Đại Bi? Chỉ vì người ta hiểu rằng thực tập Tứ Vô Lượng
Tâm chỉ đem lại phước báo, giúp ta sinh lên cõi trời Phạm Thiên và sống hạnh
phúc một thời gian. Hết phước rồi chúng ta sẽ đọa lại trong kiếp người. Và
không khéo có thể xuống cả địa ngục, trừ khi chúng ta có tu Tứ Diệu Đế và Bát
Chánh Đạo. Đó là cách hiểu của nhiều luận giả trong các bộ phái Phật giáo. Ý niệm
đó chứng tỏ rằng người ta có thể tu Từ, Bi, Hỷ, Xả riêng mà không cần Tứ Diệu Đế
và Bát Chánh Đạo. Đó là sai lầm căn bản. Chúng ta biết rằng nếu không có Tứ Diệu
Đế và Bát Chánh Đạo thì Từ, Bi, Hỷ, Xả không thực sự là Từ, Bi, Hỷ, và Xả. Phân
biệt tu Từ Bi Hỷ Xả riêng, khác với cách tu Từ Bi Hỷ Xả chung với Tứ Đế và Bát
Chánh Đạo, đó là một quan niệm sai lầm chúng ta phải chỉnh lại.
Sai lầm lớn thứ hai
là nói rằng tu Từ Bi Hỷ Xả chỉ chuyển hóa được tâm của người tu thôi, chứ không
ảnh hưởng trực tiếp tới mọi loài chúng sanh. Những người diễn giảng và thực tập
bốn tâm đó đã hiểu lầm lời của Bụt dạy. Họ nghĩ rằng tu Từ Bi Hỷ Xả là những ức
tưởng, những tưởng tượng ở trong đầu người tu. Có một đoạn Kinh nói về phương
pháp tu Từ Bi Hỷ Xả (Đoạn Kinh này được lập lại rất nhiều trong tạng Hán cũng
như là tạng Pali). Đoạn Kinh đó như sau:
‘‘Tâm dữ Từ câu, biến
mãn nhất phương thành tựu du. Như thị nhị tam tứ phương tứ duy thượng hạ phổ
châu nhất thiết. Tâm dữ Từ câu, vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng thậm
đại, vô lượng thiện tu, biến mãn nhất thiết thế gian thành tựu du. Như thị Bi,
Hỷ tâm dữ Xả câu, vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng thậm đại, vô lượng
thiện tu, biến mãn nhất thiết thế gian thành tựu du’’. Dịch nghĩa : Tâm ta với
chất liệu Từ, đi về một phương, tiếp xúc với tất cả trong phương đó một cách rất
sâu sắc, trở thành một với phương đó. Cũng như vậy, tâm ta với chất liệu Từ đi
vào phương thứ hai, đi vào phương thứ ba, đi vào phương thứ tư, đi lên phương Thượng,
đi xuống phương Hạ, đồng nhất mình với từng phương, làm cho chất Từ thấm nhuận
vào phương đó. Không có nội kết, không có oán hờn, không có giận dữ, không có
tranh chấp, rất lớn, rất rộng cho tới vô cùng. Và điều này cũng được thực hiện
với Bi, với Hỷ, và với Xả.
Bản dịch tiếng Anh
như sau: He dwells suffusing, first, one direction with the heart link to
Friendliness, then the second, then the third, then the fourth, then above,
below, around and everywhere. And so he dwells recognizing himself in all,
suffusing the entire world with the heart linked to Friendliness, far reaching,
gone great, unlimitted, free from enmity and malice.
Tiếng Pháp, dịch từ
Pali: Ayant englobé la première région par une pensée associée à la
Bienveillance, il demeure. Ayant englobé de la même manière la deuxième, la
troisième et la quatrième région, le zénith, le nadir, les quatres régions
intermédiaires. Ayant englobé partout et de toute manière le monde entier par
une pensée associée à la Bienveillance, pensée étendue, agrandie, immense,
exempte d’ennimité, exempte de méchanceté, il demeure. Il en fait de même avec
la pensée associée à la Compassion, avec la pensée associée à la Joie, avec la
pensée associée à l’Equanimité.
Một số các vị dạy như
thế này: Trong khi ngồi thiền mình rải tâm Từ của mình về phương Đông, bao trùm
tất cả các loài đang ở bên phương Đông; rồi sau đó rải tâm Từ của mình qua
phương Tây, bao phủ tất cả các loài ở phương Tây; rồi phương Bắc, rồi phương
Nam, rồi phương Thượng, rồi phương Hạ, rồi Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông
Nam; và cứ như vậy chúng ta tiếp tục với Bi, với Hỷ, và với Xả.
Có thầy giải thích rằng
ta tưởng tượng lòng Từ của mình như là một đám mây trắng, từ trái tim của ta đi
ra, bao trùm một phương, bao trùm hai phương, ba phương, bốn phương, tám
phương, mười phương; và đó là thực tập Tứ Vô Lượng Tâm. Vì vậy trong Đại Trí Độ
Luận có dùng một chữ là ‘‘ức tưởng’’. Đại Trí Độ Luận nói rằng Thanh Vặn tu Từ
Bi Hỷ Xả chẳng qua là những ức tưởng bên trong, để chuyển hóa tâm sân hận của
mình bên trong, chứ không có ảnh hưởng trực tiếp và thực tế tới mọi loài chúng
sinh. Vì vậy muốn tu Từ Bi Hỷ Xả thật đàng hoàng là phải phát nguyện thành Phật,
phải thực tập sáu phép Ba La Mật (the six paramita), tức là Bố Thí, Trì Giới,
Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Tuệ.
Cách hiểu về Tứ Vô Lượng
Tâm đó còn nông cạn. Từ là năng lượng làm cho người vui, Bi là năng lượng làm
cho tiêu tan nỗi khổ. Ta chỉ có thể thực hiện được Từ và Bi khi quán chiếu. Từ
hiểu biết mà đi tới thương yêu, rồi biến thành hành động. Tình thương biến
thành hành động, chứ không phải là chỉ là ức tưởng. Vì vậy cách hiểu về Tứ Vô
Lượng Tâm nói trên không đủ sâu sắc.
Tôi hy vọng quý vị đã
nắm được những ý chính. Tránh sự hiểu lầm và phân biệt giữa Từ Bi Hỷ Xả với sự
thực tập Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Tránh sự hiểu lầm rằng tu Từ, Bi, và Hỷ có thể
bị vướng mắc cho nên mình phải tu Xả để bỏ Từ, bỏ Bi, và Hỷ. Đó là những cách
hiểu rất nông cạn. Và nhất là hiểu lầm rằng tu Từ, tu Bi, tu Hỷ, tu Xả chỉ là
chuyện ức tưởng bên trong đầu người tu, không ảnh hưởng gì tới thế giới bên
ngoài. Đó là những sai lầm căn bản mà chúng ta phải sửa ngay trong Đại Trí Độ
Luận. Thầy Long Thọ nói rằng vì cách tu Từ Bi Hỷ Xả của những bậc Thanh Văn chỉ
là ức tưởng thôi, cho nên bây giờ người tu Đại Thừa phải tiến lên thực tập Sáu
Ba La Mật. Câu đó cũng chứng tỏ rằng người đương thời chưa hiểu đúng phương
pháp tu tập Từ Bi Hỷ Xả. Tại vì tu Từ, tu Bi, tu Hỷ, tu Xả rất cần Bát Nhã Ba
La Mật. Có Bát Nhã Ba La Mật thì sẽ có Bố Thí Ba La Mật, có Trì Giới Ba La Mật.
Khi trì giới tức là ta thương yêu.
Các vị Tổ đã dạy dỗ
chúng ta rất nhiều. Tôi rất biết ơn các vị. Ngày xưa có lúc tôi từng nghĩ là điều
gì các Tổ nói đều đúng hết. Bây giờ lớn rồi, thành ra tôi thấy được những điều
thất truyền, và những ý trên đây là những đóng góp của tôi. Cũng là một cách để
đền đáp công ơn các Tổ. Bồi đắp những chỗ còn bị trống, bị thiếu, và tiếp tục
khai triển sự nghiệp của Tổ. Tôi không nói rằng các vị đã làm sai, hay làm thiếu.
Cố nhiên là học trò của tôi, và học trò những thế hệ sau cũng phải tiếp tục làm
như vậy. Bồi đắp cho cây Phật pháp mỗi ngày mỗi lớn, mỗi ngày mỗi mạnh. Và ta
phải có con mắt Tuệ của chính ta mới được. Chứ còn học với tinh thần nô lệ, chấp
nhận bất cứ một chữ nào, một câu nào ở trong các sách để lại, thì ta sẽ không
đi xa được, và chỉ làm cho Phật Pháp mỗi ngày mỗi héo mòn đi mà thôi.
Xem Tiếp Bài 23 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá