Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 13. Bốn Câu Thần Chú – Phần Kết
Bốn Câu Thần Chú
Bốn câu thần chú là một
pháp môn linh ứng, tôi mong quý vị nên thực tập mỗi ngày. Mỗi câu thần chú là một
linh dược, mỗi lần đọc lên là tình trạng sẽ chuyển đổi ngay lập tức, không cần
phải đợi thêm một giây phút nào nữa cả. Đó là một công thức thần diệu mà chúng
ta phải đọc lên đúng lúc. Điều kiện làm cho nó trở nên hiệu nghiệm là chánh niệm
và chánh định. Nếu không có chánh niệm và chánh định thì sẽ không có kết quả.
Thực Tập
Cách thức thực tập bốn
câu thần chú cho trẻ em và người lớn đều giống nhau.
Câu Thần Chú Thứ Nhất: “Em ơi, anh đang có mặt ở
đây cho em.” (Hay: “Ba ơi, con đang có mặt ở đây cho ba.”) Chúng ta không cần
phải thực tập bằng tiếng Sanskrit hay tiếng Tây Tạng, chúng ta chỉ cần dùng
ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tại sao ta phải thực tập câu thần chú này? Bởi vì khi
thương ai, chúng ta muốn hiến tặng cho người đó những gì tốt đẹp nhất của ta.
Và điều tốt đẹp nhất mà ta có thể hiến tặng cho người ta thương là sự có mặt
đích thực của mình.
Câu Thần Chú Thứ Hai: “Em ơi, anh biết là em ở đó
nên anh rất hạnh phúc.” (hay: “Ba ơi, con biết ba có ở đó nên con rất hạnh
phúc”). Thương nghĩa là công nhận sự có mặt của người mình thương. Chúng ta phải
có thời giờ. Nếu quá bận rộn, làm sao ta có thể công nhận sự có mặt của người
đó? Điều kiện để thực hiện câu thần chú này là ta phải có mặt một trăm phần
trăm. Nếu không có mặt thì ta không thể nhận diện sự có mặt của người kia. Nếu
ai đó thương mình, mình cần người đó biết rằng mình đang có mặt ở đây – bất kể
là mình già hay trẻ.
Chúng ta chỉ có thể
thương yêu khi chúng ta có mặt thật sự. Chúng ta phải thực tập bằng bất kỳ pháp
môn nào: thở chánh niệm, đi thiền hành hay phương pháp nào giúp ta có mặt đích thực
cho người mình thương như một con người tự do. Nhờ có mặt nên ta có chánh niệm.
Nhờ có chánh niệm nên khi người thương của ta đau khổ, ta biết được tình trạng
của người ấy, nhận diện khổ đau của người ấy. Ta phải thực tập có mặt sâu sắc một
trăm phần trăm. Rồi đến bên người ấy và đọc câu thần chú thứ ba.
Câu Thần Chú Thứ Ba: “Em ơi, anh biết em đang
đau khổ nên anh có mặt ở đây cho em.” (Hay: “Ba ơi, con biết là ba đang đau khổ
nên con có mặt ở đây cho ba.”) Khi đau khổ, ta muốn người ta thương ý thức được
nỗi khổ của ta. Điều này rất con người và rất tự nhiên. Nếu người ta thương
không biết ta đang đau khổ hay phớt lờ sự đau khổ của ta, ta sẽ khổ nhiều hơn.
Vì vậy, nếu người ta thương ý thức được là ta đang đau khổ thì nỗi khổ của ta sẽ
vơi đi rất nhiều. Trước khi người đó có thể làm điều gì để giúp đỡ ta, thì ta
đã bớt khổ rồi. Đây không phải là sự thực tập riêng của con cái, của một cá
nhân nào, mà là sự thực tập của tất cả mọi người. Điều này có thể tạo ra rất
nhiều hạnh phúc trong gia đình. Thực tập vài tuần ta sẽ thấy tình trạng trong
gia đình được chuyển hóa một cách bất ngờ.
Câu Thần Chú Thứ Tư: “Em ơi, anh đang khổ, xin
hãy giúp anh.” (Hay: “Ba ơi, con đang khổ, con xin ba hãy giúp con.”) Câu thần
chú thứ ba được sử dụng khi người ta thương đau khổ. Còn câu thần chú thứ tư
này được sử dụng khi chính ta đau khổ. Ta tin rằng người ta thương yêu nhất gây
ra đau khổ cho ta, vì vậy ta gặp rất nhiều khó khăn. Khi người mà ta rất thương
nói hoặc làm điều gì đó gây tổn thương cho ta, ta sẽ đau khổ nhiều hơn. Nếu người
nào khác nói và làm điều đó, có lẽ ta sẽ không khổ đau nhiều như vậy. Đằng này
người mà ta thương nhất trên đời lại làm điều đó, nói điều đó. Cho nên ta không
chịu đựng nổi. Ta đau khổ hơn cả trăm lần. Vì thế, đây là lúc ta cần thực tập
câu thần chú thứ tư. Ta phải đi đến người ta thương yêu nhất vừa làm ta tổn
thương tột cùng. Với ý thức tròn đầy, với sự có mặt của chánh niệm, chánh định,
ta nói lên câu thần chú thứ tư này. Điều này hơi khó, nhưng nếu tập luyện thì
ta có thể làm được. Thông thường, khi đau khổ mà mình tin rằng chính người mình
thương yêu nhất làm cho mình đau khổ, thì ta có khuynh hướng muốn ở một mình.
Ta nhốt mình trong phòng và khóc một mình. Ta không muốn nhìn người đó, không
muốn nói chuyện với người đó, không muốn người đó đụng đến mình. “Hãy để cho
tôi yên!” Điều này cũng rất tự nhiên, rất con người. Thậm chí nếu có ai đó cố gắng
lại gần để hòa giải, ta còn nổi giận hơn.
Chúng ta có khả năng
thực tập được câu thần chú thứ tư này không? Dường như chúng ta không muốn thực
tập bởi vì ta thấy mình không cần sự giúp đỡ của người đó. Chúng ta muốn một
người nào khác giúp đỡ mà không phải người đó. Chúng ta muốn độc lập. “Tôi
không cần anh!” Chúng ta tự ái. Vì vậy, câu thần chú thứ tư rất quan trọng. Hãy
đến với người đó, thở vào thở ra thật sâu, trở về với chính mình một trăm phần
trăm, dùng tất cả định lực của mình để nói rằng mình đang đau khổ và mình cần
người đó giúp đỡ.
Để có thể thực tập điều
này, chúng ta phải tập luyện một ít. Chúng ta hay có khuynh hướng nói với người
này rằng ta không cần họ. Không có người kia ta vẫn sống được, ta hoàn toàn tự
lập. Nhưng nếu chúng ta biết dùng tuệ giác để nhìn nhận vấn đề, thì ta sẽ thấy
rằng hành xử như thế là không thông minh. Bởi vì khi thương nhau, chúng ta cần
có nhau, nhất là khi ta đau khổ. Chúng ta có chắc là khổ đau của ta do người đó
gây ra không? Có thể chúng ta lầm. Có thể người đó không chủ ý làm điều đó, nói
điều đó để làm ta đau. Có thể chúng ta đã hiểu lầm, có thể đó là tri giác sai lầm
của ta.
Chúng ta phải luyện tập
từ bây giờ để chuẩn bị cho lần tới. Khi có khổ đau, chúng ta có thể thực tập
câu thần chú thứ tư. Thực tập đi thiền, ngồi thiền, thở chánh niệm để phục hồi
lại chính mình. Sau đó đến với người đó và thực tập câu thần chú này: “Em ơi,
anh đau khổ quá. Em là người mà anh thương yêu nhất trên đời. Em hãy giúp anh
đi.” (Hay: “Ba ơi, con đau khổ quá. Ba là người con thương yêu nhất trên đời.
Ba hãy giúp con đi.”) Đừng để tự ái ngăn cản mình đến với người kia. Trong tình
thương đích thực không có chỗ cho sự tự ái. Nếu tự ái còn đó, thì chúng ta phải
biết rằng chúng ta cần thực tập để chuyển hóa tự ái của mình thành tình thương
yêu đích thực.
Con em mình còn rất
trẻ, chúng còn rất nhiều cơ hội để học hỏi và luyện tập. Tôi tin chắc rằng nếu
chúng được hướng dẫn và thực tập ngay từ bây giờ thì sau này khi có khổ đau,
chúng sẽ thực tập dễ dàng, bởi vì chúng nghĩ người mà chúng thương yêu nhất đã
thực tập như thế, đã nói như thế với chúng. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ sử
dụng câu thần chú thứ tư này thường xuyên, nhưng đây là một câu thần chú rất
quan trọng. Có thể chúng ta chỉ sử dụng câu thần chú này một hoặc hai lần trong
năm nhưng cực kỳ quan trọng. Hãy viết câu thần chú xuống và giữ nó đâu đó để mỗi
khi con em mình đau khổ, ta hãy khuyến khích chúng đến tìm câu thần chú này để
thực tập.
Chiếc Bánh Trong Tủ Lạnh
Nếu chưa có chuông hoặc
chưa thiết lập được phòng thở trong nhà, chúng ta có thể sử dụng chiếc bánh để
thực tập. Chiếc bánh này rất đặc biệt, không làm bằng bột và đường như các loại
bánh khác nhưng ta có thể ăn hoài không hết. Đó là Chiếc Bánh Trong Tủ Lạnh.
Thực Tập
Sẽ có một ngày nào
đó, con mình ngồi trong phòng khách và thấy ba mẹ sắp gây gổ với nhau. Khi thấy
không khí nặng nề khó chịu, nó có thể thực tập với chiếc bánh để đem lại hòa
khí cho gia đình. Đầu tiên, nó sẽ thở vào thở ra ba lần để có thêm can đảm, sau
đó, nó nhìn mẹ và kêu lên: “Mẹ ơi, mẹ.” Cố nhiên là nó cũng có thể làm điều này
với ba nó, hoặc ông bà, hay bất cứ người lớn nào chăm sóc nó. Mẹ nó sẽ nhìn nó
hỏi: “Chuyện gì đó con ?” – “Con nhớ là nhà mình còn một chiếc bánh trong tủ lạnh.”
Trong tủ lạnh có thật sự còn bánh hay không, không thành vấn đề.
Câu nói: “Có một chiếc
bánh trong tủ lạnh” thực sự có nghĩa là: “Ba mẹ đừng làm khổ nhau nữa.” Khi
nghe những lời này, ba mẹ sẽ hiểu. Mẹ đứa bé sẽ nhìn nó và nói: “Đúng rồi! Vậy
con ra sắp xếp bàn ghế đi, mẹ sẽ đi lấy trà bánh.” Khi người mẹ nói vậy, nghĩa
là bà đã tìm ra một cách để thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Đứa bé có thể chạy
ra sân, chờ mẹ ở đó. Và bây giờ mẹ bé có một cơ hội để thoát khỏi cuộc tranh
cãi. Trước khi đứa bé kêu lên như vậy, mẹ bé không thể đứng dậy rời khỏi chỗ
đó, bởi vì như vậy sẽ mất lịch sự và có thể rót thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ của
ba bé. Mẹ bé có thể đi vào nhà bếp. Khi mở tủ lạnh ra để lấy bánh và nấu nước
pha trà, mẹ theo dõi hơi thở. Nếu trong tủ lạnh không có bánh cũng đừng lo, mẹ
có thể tìm một thứ khác để thay thế chiếc bánh. Trong khi chuẩn bị trà bánh, mẹ
có thể mỉm cười để cảm nhận sự nhẹ nhàng trong thân tâm.
Trong khi đó, ba đứa
bé ngồi một mình trong phòng khách cũng bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm. Dần
dần, cơn nóng giận của ông lắng dịu. Sau khi trà bánh đã được dọn lên bàn, người
cha có thể đi từ từ ra sân, cùng uống trà ăn bánh trong một bầu không khí nhẹ
nhàng, đầy cảm thông. Nếu người cha còn ngần ngại chưa muốn ra thì đứa bé có thể
chạy vào nhà, nắm lấy tay ba nó năn nỉ: “Ba, ba ra uống trà ăn bánh với con
đi.”
Thiền Quýt
Có một số người ăn
quýt mà không thực sự ăn quýt. Họ ăn những đau buồn, sợ hãi, giận dữ, ăn quá khứ
và tương lai. Họ không thực sự có mặt với thân tâm họ, thân thì ở đây mà tâm
thì ở kia. Khi ăn một trái quýt, chúng ta có thể làm cho việc ăn quýt trở thành
thiền tập. Đầu tiên chúng ta ngồi trong một tư thế thoải mái, vững chãi và nhìn
vào trái quýt để thấy rằng trái quýt là một phép lạ. Định lực rất quan trọng.
Chúng ta biết rằng khi ăn kem mà mở truyền hình lên xem thì chúng ta không thể
chú tâm vào cây kem của mình. Và như vậy, chúng ta sẽ đánh mất cây kem. Không
có niệm và định, chúng ta không thể thực sự có mặt với chính mình và không thể
thưởng thức trái quýt một cách trọn vẹn.
Thực Tập
Khi em bé cầm trái
quýt trong tay, nhìn vào trái quýt và thở vào thở ra trong ý thức, thì trái
quýt sẽ trở nên có thực. Nếu em bé hoàn toàn không có mặt ở đó thì trái quýt
cũng không có. Hãy nói với em bé quán tưởng về cây quýt, quán tưởng về những
bông hoa quýt, về mặt trời, về những cơn mưa và những trái quýt còn nhỏ xíu.
Bây giờ, trái quýt đã lớn lên thành một trái quýt rất xinh đẹp. Chỉ cần nhìn
sâu vào trái quýt và mỉm cười, em bé có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của
sự sống. Đôi khi, em bé không biết một sự thật là trái quýt đang nằm trong lòng
bàn tay em là một phép lạ, một mầu nhiệm. Có rất nhiều điều mầu nhiệm trong em
và chung quanh em. Vì vậy, khi nhìn vào trái quýt và mỉm cười như vậy, em bé thực
sự nhìn thấy trái quýt với sự giàu có, đẹp đẽ và bản chất mầu nhiệm của nó. Rồi
đột nhiên, chính em bé cũng trở thành một phép lạ, bởi vì em bé là một phép lạ
không thua kém gì những phép lạ khác. Sự có mặt của em bé là một phép lạ gặp gỡ
những phép lạ kia.
Khi nhìn sâu vào trái
quýt, em bé có thể thấy được nhiều điều kỳ diệu như ánh nắng mặt trời, những
cơn mưa rơi xuống trên cây quýt, những bông hoa quýt đang nở, những trái quýt
bé xíu xuất hiện trên cành, màu sắc của trái quýt đang chuyển từ xanh sang
vàng, sau đó trở thành một trái quýt chín ngọt. Bây giờ, em bé từ từ bóc trái
quýt ra, ngửi mùi thơm của vỏ quýt. Sau đó, tách trái quýt ra từng múi nhỏ và bỏ
vào miệng, cảm nghe hương vị tuyệt vời của trái quýt.
Cây quýt phải mất ba,
bốn hoặc sáu tháng để có thể cho ra một trái quýt như vậy. Bây giờ, trái quýt
đã sẵn sàng và nói: “Tôi đang có mặt ở đây cho bạn.” Nhưng nếu em bé không có mặt,
em bé sẽ không nghe thấy điều đó. Khi em bé không nhìn trái quýt bằng giây phút
hiện tại thì trái quýt cũng sẽ không có mặt. Có mặt hoàn toàn trong khi ăn một
trái quýt là một kinh nghiệm rất thú vị.
Thiền Ôm Cây
Ở Làng Mai, cách đây
khoảng ba mươi năm, tôi có trồng ba cây tùng tuyết. Bây giờ chúng rất cao lớn,
xinh đẹp và tươi mát.
Mỗi khi đi thiền hành, tôi thường dừng lại trước mỗi cây và xá chào. Điều đó làm tôi rất hạnh phúc. Tôi áp má vào vỏ cây, ngửi mùi hương của cây rồi nhìn lên những tàng lá xinh đẹp, cảm nhận sức mạnh và sự tươi mát của cây. Tôi thở vào, thở ra thật sâu và thấy rất dễ chịu. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi dừng lại đó khá lâu, chỉ để có mặt và chơi với những cây tùng tuyết đó. Khi tiếp xúc với cây, chúng ta nhận lại được một cái gì đó đẹp đẽ, tươi mới. Cây thật tuyệt vời. Dù trong bão giông cây cũng vững chãi. Chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ cây.
Thực Tập
Mỗi em trẻ đều có thể
tìm một cái cây đặc biệt xinh đẹp cho mình. Có thể là cây táo, cây sồi hoặc cây
tùng. Nếu em bé dừng lại trước cái cây, tiếp xúc một cách sâu sắc với cây, em
bé sẽ cảm nhận được những phẩm chất kỳ diệu của cây. Hít thở sâu sẽ giúp em tiếp
xúc với cây sâu sắc hơn. Sờ vào thân cây và thở vào thở ra ba lần. Tiếp xúc với
cây như vậy sẽ giúp em bé thấy tươi tắn và hạnh phúc.
Sau đó, nếu thấy
thích, em bé có thể thiền ôm với cây. Thiền ôm cây là sự thực tập rất hay. Khi
em bé ôm cây, cây không bao giờ từ chối. Em bé có thể nương tựa vào cây đó. Cây
thật đáng tin cậy. Mỗi lần em bé muốn ngắm nhìn cây, cần bóng mát của cây, thì
cây luôn có ở đó cho em.
Ngày Của Ngày Hôm Nay
Chúng ta có rất nhiều
ngày đặc biệt. Ngày đặc biệt để tưởng nhớ công ơn của cha gọi là Ngày của Cha.
Ngày để tưởng nhớ công ơn của mẹ gọi là Ngày của Mẹ. Rồi Ngày Tết, Ngày Lao Động
và Ngày của Trái Đất… Một ngày nọ, có một người trẻ đến thăm Làng Mai và hỏi:
“Tại sao mình không công bố hôm nay là “Ngày của Ngày Hôm Nay”?” Tất cả các em
trẻ đều đồng ý rằng chúng ta nên ăn mừng ngày hôm nay và gọi đó là “Ngày của
Ngày Hôm Nay”.
Thực Tập
Vào ngày này, tức là
Ngày của Ngày Hôm Nay, chúng ta đừng nghĩ về ngày hôm qua, đừng nghĩ về ngày
mai, chỉ nghĩ về hôm nay. Ngày của Ngày Hôm Nay là ngày mà chúng ta sống hạnh
phúc trong giây phút hiện tại. Khi uống nước, chúng ta ý thức về nước mà chúng
ta đang uống. Khi đi, chúng ta thực sự ý thức từng bước chân của mình và cảm nhận
sự sung sướng nhẹ nhàng khi bước. Khi chơi, chúng ta thực sự có mặt trong trò
chơi…
Hôm nay là một ngày mầu
nhiệm. Là ngày mầu nhiệm nhất. Điều này không có nghĩa là hôm qua và ngày mai
không mầu nhiệm. Nhưng hôm qua đã qua rồi và ngày mai thì chưa tới. Hôm nay là
ngày duy nhất đang có mặt cho chúng ta và chúng ta sống cho thật xứng đáng. Vì
vậy, ngày hôm nay rất quan trọng, đó là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời ta.
Mỗi buổi sáng khi thức
dậy, em bé phải quyết định biến ngày hôm nay thành ngày quan trọng nhất. Trước
khi đi học, hướng dẫn em ngồi hoặc nằm xuống, thở cho thật thong thả trong vài
phút, thưởng thức hơi thở vào – ra và mỉm cười. Em bé đang có mặt ở đây, rất
hài lòng và bình an. Bắt đầu một ngày mới như thế rất mầu nhiệm.
Hãy nhắc nhở em cố gắng
sống với tinh thần này suốt ngày, nhớ quay về với hơi thở, nhìn người khác bằng
lòng từ bi, mỉm cười hạnh phúc và trân quý những món quà của cuộc sống ban tặng.
Chúc em có một ngày hôm nay thật đẹp. Đây không chỉ là một lời chúc tụng hay một
ước mong mà là sự thực tập.
Phần Kết
Tất cả những pháp môn
thực tập này đều có cùng chung một mục đích căn bản là đưa tâm trở về với thân,
có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, sống trọn vẹn sâu sắc để mọi việc diễn
ra dưới ánh sáng của chánh niệm. Tự thân mỗi pháp môn rất đơn giản, như thở vào
thở ra, bước từng bước chân trong chánh niệm, lắng nghe những người thương của
mình một cách sâu sắc, gần gũi và thân thiện với những cái đẹp đang có mặt
chung quanh mình. Tuy nhiên, những pháp môn căn bản này có thể giúp chúng ta tiếp
xúc được với tự tánh không sinh, không diệt và tương tức.
Nếu chúng ta muốn có
an lạc trong tự thân, muốn mang lại hòa bình cho thế giới thì chúng ta phải thực
tập. Nếu không thực tập, chúng ta sẽ không đủ năng lượng chánh niệm để chăm sóc
nỗi sợ hãi và giận dữ trong ta, cũng như chăm sóc nỗi sợ hãi và giận dữ của những
người ta thương. Thực tập chánh niệm là một điều thiết yếu cho sự sống, cho hòa
bình, giúp chúng ta bảo hộ chính mình và bảo hộ cho nhau. Tất cả chúng ta, gia
đình, xã hội, thế giới đều cần tuệ giác từ sự thực tập chánh niệm và nhìn sâu
này.
Trong đạo Bụt có đưa
ra một hình ảnh tuyệt đẹp về một thế giới đầy châu ngọc sáng chói. Thế giới này
được gọi là “Pháp Giới”. Nhìn cho kỹ, chúng ta có thể thấy được Pháp Giới trong
thế giới mà chúng ta đang sống mỗi ngày. Chúng ta có một gia tài rất quý báu mà
chúng ta không hề hay biết. Chúng ta đã sống như những người cùng tử, nghèo
túng, cơ cực. Giờ đây, chúng ta nhận ra là chúng ta đang có một gia tài giác ngộ,
hiểu biết, thương yêu và an vui trong mỗi chúng ta. Đã đến lúc chúng ta trở về
để nhận lại gia tài của mình. Những pháp môn này có thể giúp ta trở về tiếp nhận
lại gia tài đó.
Viên Ngọc Kinh Pháp Hoa
Châu báu chất đầy thế giới
Tôi đem tặng bạn sáng nay
Một vốc kim cương sáng chói
Long lanh suốt cả đêm ngày.
Mỗi phút một viên ngọc quý
Tóm thâu đất nước trời mây
Chỉ cần một hơi thở nhẹ
Là bao phép lạ hiển bày.
Chim hót, thông reo, hoa nở
Trời xanh mây trắng là đây
Ánh mắt thương yêu sáng tỏ
Nụ cười ý thức đong đầy.
Này người giàu sang bậc nhất
Tha phương cầu thực xưa nay
Hãy thôi làm thân cùng tử
Về đi tiếp nhận gia tài.
Hãy dâng cho nhau hạnh phúc
Và an trú phút giây này
Hãy buông thả dòng sầu khổ
Về nâng sự sống trên tay.
Thích Nhất Hạnh
Kết Thúc Quyển 'Gieo Trồng Hạnh Phúc' – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá