Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Tĩnh Lặng
Chương 2. Đài NST
Cho dù không nói chuyện
với ai, không đọc sách, không nghe đài, không xem ti vi, không lên mạng, thì hầu
hết chúng ta vẫn không thấy an ổn hay yên tĩnh. Đó là vì chúng ta đang mở đài
NST trong đầu mình. (Đài NST – Non Stop Thinking – đài suy nghĩ liên tục không
ngừng.)
Dù có khi ta ngồi
yên, không có một tác nhân nào bên ngoài tác động thì cuộc đối thoại không có hồi
kết thúc vẫn liên tục diễn ra trong đầu ta. Ta luôn luôn suy nghĩ. Những con trâu,
con bò, con dê sau khi ăn xong chúng ựa lên nhai lại nhiều lần. Chúng ta không
phải là chúng, nhưng chúng ta cũng nhai đi nhai lại những suy nghĩ của chúng ta
giống như vậy, những suy nghĩ tiêu cực, thiếu may mắn. Tiêu thụ xong rồi ta lại
đưa chúng lên nhai đi nhai lại nhiều lần giống như con bò nhai lại thức ăn.
Chúng ta phải học
cách tắt đài NST trong đầu. Tiêu thụ bằng cách này không tốt cho sức khỏe. Ở
Làng Mai, chúng tôi chú trọng vào việc thực tập chánh niệm trong khi tiêu thụ
thức ăn, Đoàn Thực cũng như Xúc Thực. Không những chúng tôi chọn không uống rượu
và không ăn thịt mà còn thực tập nói và suy nghĩ ít lại, càng ít càng tốt,
trong khi ăn, khi uống, khi rửa bát cũng như khi làm những công việc khác. Bởi
vì trong khi đi, nếu ta suy nghĩ và nói chuyện thì ta sẽ bị kẹt vào câu chuyện
hoặc suy nghĩ đó, và ta bị đánh mất mình trong quá khứ hoặc tương lai, trong những
lo toan và dự án. Nhiều người sống cả cuộc đời mình chỉ để làm những chuyện đó.
Thật là một sự lãng phí thảm thương. Chúng ta phải thực sự sống với những giây
phút mà cuộc đời ban tặng cho ta. Để có khả năng sống được, ta phải tắt đài
trong mình, tắt những cuộc đàm luận trong đầu.
Làm sao ta có thể thưởng
thức được từng bước chân của mình khi ta chú tâm vào những cuộc độc thoại trong
đầu? Điều quan trọng là ta phải ý thức những gì ta cảm, những gì ta làm mà
không phải là những gì ta suy nghĩ. Khi tiếp xúc với mặt đất, ta phải có khả
năng cảm được bước chân của ta đang tiếp
xúc với đất. Thực tập như vậy ta có rất nhiều niềm vui trong khi đi. Khi đi, ta
có thể đầu tư tất cả thân tâm vào bước chân và định tâm hoàn toàn vào mỗi giây
phút quý báu của sự sống.
Chú tâm vào sự tiếp
xúc giữa bàn chân và mặt đất, ta không bị những suy nghĩ lôi kéo, ta bắt đầu cảm
nhận thân thể và môi trường hoàn toàn khác. Thân thể ta là một mầu nhiệm. Nó
hành xử theo hàng triệu cách khác nhau. Ta chỉ trân quý nó trọn vẹn khi ta dừng
lại được những suy nghĩ liên miên và có đủ niệm định để tiếp xúc với những mầu
nhiệm của thân thể, của đất mẹ và của bầu trời.
Điều này không có
nghĩa là những suy nghĩ luôn xấu. Suy nghĩ có thể rất hữu ích. Suy nghĩ thường
là sản phẩm của cảm thọ và tri giác. Vì vậy, suy nghĩ có thể được xem như một
loại hoa trái. Có một số loại hoa trái rất nuôi dưỡng, nhưng một số khác thì
không. Nếu ta có nhiều sợ hãi, lo lắng, khổ đau, thì đó là mảnh đất màu mỡ cho
những suy nghĩ cằn cỗi, tai hại, vô bổ phát sinh.
Ta là suy nghĩ của
ta, nhưng đồng thời ta lớn hơn suy nghĩ nhiều lắm. Ta còn là cảm thọ, là nhận
thức, là tuệ giác, là hạnh phúc, là thương yêu. Khi biết ta lớn hơn suy nghĩ của
ta thì ta có quyết tâm không để cho những suy nghĩ trấn ngự và khống chế. Suy
nghĩ của ta có yểm trợ cho những ước muốn chân chính của ta không? Nếu không,
ta phải cài đặt lại chương trình. Nếu không ý thức về những suy nghĩ, chúng sẽ
lộng hành và trấn ngự trong tâm ta mà không đợi mời mọc.
Tập Khí Suy Nghĩ Tiêu Cực
Tâm lý học Phật Giáo
(Duy Biểu Học) cho rằng tâm ta có ít nhất là hai phần lớn: ý thức và tàng thức.
Tàng thức là phần dưới của tâm, nơi chứa đựng tất cả các loại hạt giống của suy
tư, cảm thọ. Hạt giống thương yêu, trung thành, tha thứ, vui tươi và hạnh phúc,
nhưng cũng có những hạt giống khổ đau như giận dữ, hận thù, kỳ thị, sợ hãi, bực
bội, bất an, v.v. Tất cả những tài năng và yếu kém của tổ tiên trao truyền lại
cho ta qua cha mẹ ta, ở sâu trong tàng thức dưới hình thức hạt giống.
Tàng thức giống như
cái nhà kho, trong khi đó, ý thức, phần cao hơn, thì giống như phòng khách. Hạt
giống được cất giữ trong kho và bất kỳ khi nào bị kích thích hay tưới tẩm, chúng
sẽ đi lên và biểu hiện lên trên mặt ý thức.
Chúng không còn là hạt
giống ngủ yên nữa mà là một vùng năng lượng, gọi là tâm hành. Nếu là hạt giống
thiện như chánh niệm, từ bi thì chúng là một vị khách quý đem đến cho ta nhiều
hạnh phúc. Nhưng nếu hạt giống bất thiện bị kích thích, tưới tẩm thì nó sẽ xâm
chiếm phòng khách của ta như một vị khách khó tính đến không đúng lúc.
Chẳng hạn như khi xem
ti vi, có thể hạt giống tham dục trong ta bị chạm đến và đi lên biểu hiện trên
mặt ý thức thành năng lượng tham đắm. Một ví dụ khác là khi hạt giống giận dữ nằm
ngủ yên trong tàng thức thì ta thấy hạnh phúc, tươi vui. Nhưng khi có người đến
nói hay làm điều gì đó tưới tẩm hạt giống giận ấy thì nó sẽ biểu hiện trên mặt
ý thức thành một vùng năng lượng giận.
Chúng ta thực tập tiếp
xúc và tưới tẩm những hạt giống hiền thiện để chúng biểu hiện trong đời sống hằng
ngày của ta, mà không tưới tẩm những hạt giống tham lam, thù hận. Trong đạo Bụt
ta gọi sự thực tập này là Tứ Chánh Cần. Ở Làng Mai gọi là tưới tẩm hạt giống tốt.
Chẳng hạn như khi những hạt giống bạo động, hận thù nằm yên trong tàng thức thì
ta thấy an vui. Nhưng nếu ta không biết cách chăm sóc tâm thức ta thì những hạt
giống này sẽ không ngủ yên, trái lại nó sẽ bị tưới tẩm và biểu hiện. Điều quan
trọng là phải ý thức, khi hạt giống bất thiện biểu hiện trên mặt ý thức thì đừng
để nó một mình. Bất cứ khi nào thấy tâm hành khổ đau biểu hiện thì ta gọi hạt
giống chánh niệm lên, chánh niệm như một nguồn năng lượng thứ hai có khả năng
nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu những tâm hành tiêu cực để có thể nhìn sâu và
tìm ra nguồn gốc của nó.
Hầu hết chúng ta ai
cũng có giận hờn và khổ đau. Có thể trong quá khứ ta đã đè nén hoặc đối xử
không tốt nên những khối khổ đau ấy vẫn còn đó, nằm sâu trong tàng thức ta. Ta
đã không xử lý và chuyển hóa những gì xảy ra cho ta và ta đã ôm cái giận dữ, hận
thù, tuyệt vọng và khổ đau một mình. Nếu hồi còn trẻ ta đã bị lạm dụng, mà ta lại
tiếp tục nghĩ về chuyện đó thì giống như ta đang bị lạm dụng lại vậy. Và ta đã
để cho mình bị lạm dụng đi lạm dụng lại như thế nhiều lần trong ngày. Đó là ta
đang nhai lại thức ăn độc hại trong tâm thức ta.
Tuổi thơ của ta cũng
có thể có nhiều giây phút hạnh phúc. Ấy vậy mà ta cứ trở đi trở lại đắm mình
trong tuyệt vọng và những tâm hành không lành mạnh. Chúng ta phải tìm đến một
môi trường tốt có bạn bè cùng thực tập chung với nhau, bạn bè sẽ nhắc nhở cho
ta: “Này bạn, đừng nhai lại quá khứ nữa.” Người ta thường nói: “Sao anh cứ mãi
mê suy nghĩ thế?” Ta có thể hỏi: “Bạn đang nhai lại cái gì vậy? Khổ đau quá khứ
à?” Chúng ta có thể giúp nhau phá vỡ những suy nghĩ tiêu cực đã trở thành tập
khí, để trở về tiếp xúc với những mầu nhiệm trong ta và chung quanh ta. Chúng
ta có thể giúp nhau để đừng rơi vào tình trạng nhai lại những con ma khổ đau và
tuyệt vọng của quá khứ.
Suy Nghĩ Của Ta Đối Với Thế Giới
Thường suy nghĩ của
ta cứ đi lòng vòng nên ta đánh mất niềm vui sống. Hầu hết những suy nghĩ của ta
không có ích lợi mà còn làm hại ta nữa. Có thể ta tin rằng nếu chỉ suy nghĩ
thôi thì ta sẽ không gây ra tổn hại nào, nhưng thực tế thì suy nghĩ đi qua tâm
thức ta và cũng đi ra thế giới. Giống như cây nến vừa tỏa chiếu ánh sáng, hơi
nóng và hương thơm cùng một lúc, thì suy nghĩ của ta cũng biểu hiện ra bằng nhiều
cách khác nhau, kể cả qua lời nói và hành động.
Ta là sự tiếp nối của suy nghĩ và cách nhìn của ta.
Chúng là con ta, do ta sinh ra trong mỗi giây mỗi phút.
Khi ai đó quanh ta không hạnh phúc hay bị những suy nghĩ tiêu cực lôi kéo, ta cũng có thể thấy được ngay. Mỗi khi ta suy nghĩ về bản thân hay về thế giới, về quá khứ hoặc tương lai, thì bằng cách này hay cách khác, ta cũng phát ra những tư duy và cách nhìn dựa trên suy nghĩ ấy. Ta tạo ra suy nghĩ và suy nghĩ chuyên chở cái nhìn và năng lượng của ta. Khi bị kẹt vào những lo lắng, kẹt vào những suy nghĩ tiêu cực, ta rất dễ tạo ra sự hiểu lầm và khổ đau. Khi dừng suy nghĩ và làm cho tâm lắng dịu, ta sẽ tạo thêm không gian cho mình và ta sẽ cởi mở hơn.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Vì thế, mỗi chúng ta
đều có quyền chọn lựa. Suy nghĩ của ta có thể làm cho ta và thế giới khổ ít hay
khổ nhiều. Đừng cố thay đổi người khác, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tạo ra một
bầu không khí tập thể hài hòa trong sở làm và trong tăng thân ta. Cái ưu tiên
hàng đầu là tìm một nơi yên tĩnh bên trong để học thêm về chính mình.
Ta phải ý thức và hiểu
được nỗi khổ đau của ta. Khi sự thực tập của ta trở nên vững chãi, ta đã gặt
hái được hoa trái trong việc tìm hiểu chính mình thì ta có thể xem xét tìm cách
đưa sự im lặng, nhìn sâu, hiểu biết và thương yêu vào sở làm và tăng thân ta.
Chánh Niệm Nghĩa Là Lấy Lại Sự Chú Tâm
Không suy nghĩ là một
nghệ thuật như bất kỳ nghệ thuật nào, đòi hỏi sự thực tập và kiên nhẫn. Lấy lại
sự chú tâm và đưa tâm trở về với thân, chỉ trong vòng 10 hơi thở thôi thì cũng
đã khác đi rất nhiều rồi. Tuy nhiên, với sự thực tập liên tục, ta có thể khôi
phục lại khả năng có mặt và học cách sống trong giây phút hiện tại.
Ngồi yên vài phút là
cách dễ nhất để bắt đầu tập luyện buông bỏ tập khí suy nghĩ. Khi ngồi yên, ta
có thể quan sát suy nghĩ của ta vọt lên như thế nào và ta có thể thực tập không
nhai lại những suy nghĩ đó. Ta định tâm vào hơi thở và vào sự im lặng, để cho
chúng đến rồi đi.
Có nhiều người không
thích ngồi yên. Thậm chí họ thấy rất đau nhức, khổ sở. Chỉ vì họ không biết
cách buông thư. Có một người người phụ nữ quyết định là sẽ không bao giờ thiền
tập nữa, chỉ vì cô ta thực tập không thành công. Tôi mời cô ta đi bộ với tôi,
tôi không gọi là thiền hành, nhưng chúng tôi đi rất chậm và rất ý thức, thưởng
thức không khí trong lành, tận hưởng những bước chân đặt trên mặt đất, và chỉ
đi với nhau như vậy thôi. Khi trở về, hai mắt cô sáng lên, tươi mát trở lại và
thấy lòng quang đãng hơn.
Chỉ cần ta để ra vài
phút cho bản thân làm lắng dịu thân thể, cảm thọ, tri giác bằng cách này thì niềm
vui sẽ xuất hiện. Niềm vui của sự yên tĩnh sẽ trở thành thức ăn trị liệu hằng
ngày của chúng ta.
Đi bộ là một cách tuyệt
hảo để thanh lọc tâm mà không cần phải cố gắng. Ta không nói: “Bây giờ tôi phải
thiền tập,” hay, “Bây giờ tôi sẽ không suy nghĩ.” Chúng ta chỉ đi thôi, và khi
ta tập trung vào việc đi thì niềm vui và ý thức sẽ phát khởi một cách rất tự
nhiên.
Để thực sự thưởng thức
từng bước chân khi đi, ta phải cho phép tâm ta buông bỏ hoàn toàn những lo lắng
và kế hoạch. Ta không cần phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để dừng suy nghĩ.
Chỉ cần một hơi thở vào trong chánh niệm là ta đã có thể dừng lại rồi. Thở vào,
ta bước một bước. Với hơi thở vào này, ta mất hai, hoặc ba giây để dừng lại những
tâm hành đang vọng đọng. Nếu đài NST (Suy nghĩ liên tục) vang lên, đừng để cho
năng lượng tán loạn lòng vòng này lôi kéo ta như một cơn lốc xoáy. Nhiều người
trong chúng ta cứ để cho tình trạng này xảy ra liên tục. Thay vì sống hạnh
phúc, ta để cho mình bị càn quét nhiều lần trong ngày, từ ngày này sang ngày
khác. Với sự thực tập chánh niệm, ta có thể an trú trong giây phút hiện tại, vì
chỉ có trong giây phút hiện tại thì sự sống và những mầu nhiệm của nó mới có thực
và có mặt cho ta.
Ban đầu có thể ta cần
nhiều thời gian hơn, có thể 10 hay 20 giây thở trong chánh niệm thì suy nghĩ mới
ra đi. Ta có thể bước một bước với hơi thở vào và một bước với hơi thở ra. Nếu
tâm ta lang thang thì ta nhẹ nhàng đưa tâm về với hơi thở.
10 hay 20 giây là nhiều
lắm. Một cái vọng thức, một hành động bộc phát chỉ cần một phần nghìn giây để
phát khởi. Cho mình 20 giây là cho mình 20 nghìn lần của một phần nghìn giây để
dừng lại con tàu suy nghĩ. Nếu muốn, ta có thể cho ta thêm thời gian.
Trong khoảng thời
gian này, ta có thể nếm được hạnh phúc, niềm vui sướng của việc dừng lại. Trong
khi dừng lại, cơ thể ta có khả năng trị liệu. Tâm ta cũng có khả năng trị liệu.
Không một ai và không một thứ gì có thể ngăn cản ta tiếp tục chế tác niềm vui
sướng trong khi ta bước bước thứ hai hay thở hơi thở thứ hai. Bước chân và hơi
thở của ta luôn có mặt đó để giúp ta trị liệu cho chính mình.
Khi bước đi, có thể
tâm ta bị thúc đẩy hoặc lôi kéo bởi tập khí tham đắm, giận hờn sâu dày và lâu đời.
Thực tế, tập khí này luôn thúc đẩy ta bất kể ta đang làm gì, kể cả khi ta đang
ngủ. Chánh niệm có khả năng nhận diện tập khí này. Nhận diện nó, mỉm cười với
nó và tắm nó trong chánh niệm, trong sự im lặng ấm áp và bao la. Với sự thực tập
này, ta có khả năng buông bỏ được tập khí tiêu cực. Trong khi đi, khi nằm, khi
rửa bát, khi đánh răng, ta có thể để cho sự im lặng ấm áp và bao la này ôm lấy
ta.
Im lặng không có
nghĩa là không nói. Hầu hết những tiếng ồn ào náo loạn mà ta nếm trải là những
cuộc độc thoại trong đầu. Chúng ta suy đi nghĩ lại lòng vòng. Vì vậy, khi bắt đầu
ăn, ta nhắc nhở chính mình là chỉ ăn những thức ăn nuôi dưỡng mà không ăn những
suy nghĩ. Ta thực tập chú tâm đến việc ăn. Không suy nghĩ, chỉ ý thức đến thức
ăn và những người chung quanh.
Điều này không có
nghĩa là ta không được suy nghĩ hay đè nén suy nghĩ của ta. Đơn giản là khi đi,
ta hiến tặng cho ta một sự nghỉ ngơi không suy nghĩ, bằng cách đưa sự chú tâm
vào hơi thở và bước chân của mình. Nếu thật sự muốn suy nghĩ về điều gì đó, ta
có thể dừng lại để suy nghĩ về vấn đề đó với tất cả sự chú tâm của ta.
Thở và đi trong chánh
niệm cho phép ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống chung quanh ta,
những suy nghĩ tán loạn sẽ tan biến đi rất tự nhiên. Ý thức được những mầu nhiệm
đang có mặt đó cho ta, giúp cho hạnh phúc của ta phát khởi. Nếu có trăng tròn
trên trời mà ta bận suy nghĩ thì trăng sẽ biến mất, nhưng nếu ta chú tâm vào
trăng thì suy nghĩ của ta sẽ dừng lại rất tự nhiên. Ta không cần phải ép buộc
hay la rầy mình, cũng không cần cấm mình suy nghĩ.
Im lặng không nói đã
có thể mang đến một mức độ an lạc đáng kể rồi.
Nếu ta có khả năng hiến tặng cho ta một sự im lặng sâu lắng hơn, không
suy nghĩ thì trong sự yên lắng đó, ta có
thể tìm thấy sự nhẹ nhàng và tự do tuyệt hảo.
Từ suy nghĩ, ta chuyển
sự chú tâm về định trên những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, đó là sự
thực tập chánh niệm căn bản. Ta có thể thực tập điều này bất cứ lúc nào, ở đâu,
và ta sẽ thấy thích thú hơn trong cuộc sống. Dù đang nấu ăn, làm việc, đánh
răng, giặt áo hay ăn cơm, ta cũng có thể thưởng thức sự im lặng tươi mát trong
suy nghĩ và lời nói của ta.
Thực tập chánh niệm
đích thực không yêu cầu ta phải ngồi thiền hay để tâm về những hình thức bên
ngoài, mà đòi hỏi ta phải nhìn sâu để thưởng thức được sự tĩnh lặng bên trong.
Nếu không làm được điều này, ta không thể chăm sóc được năng lượng bạo động, sợ
hãi, hèn nhát và hận thù trong ta.
Khi tâm ta đang ồn ào
hay phóng đi mà ta đi tìm sự yên tĩnh bên ngoài thì đó chỉ là một hình thức lừa
gạt. Nhưng nếu tìm được một không gian tĩnh lặng trong lòng, thì không cần phải
cố gắng, chúng ta cũng tỏa chiếu được bình an và niềm vui sống. Ta có khả năng
giúp đỡ người khác, có khả năng tạo ra một môi trường có công năng trị liệu hơn
mà không cần phải phát ra một lời nào.
Không Gian Thực Hiện Giấc Mơ
Đôi khi ta buộc mình
vào những giấc mơ nghe có vẻ to lớn nhưng thực chất thì trống rỗng. Có thể do
ta quá bận rộn đến nỗi không tin được là ta có khả năng sống với những ước muốn
sâu sắc nhất và thật nhất của ta. Sự thực là ngay tại đây, trong đời sống hằng
ngày, mỗi hơi thở, mỗi bước chân là những điều cụ thể để biến giấc mơ thành hiện
thực. Nhưng thay vào đó, nếu ta đeo đuổi những giấc mơ được làm sẵn mà người ta
lừa bịp, quảng cáo, và thuyết phục mình rằng đây là “chiếc nhẫn” tốt nhất, đẹp
nhất, thì ta sẽ hy sinh thời gian quý báu của ta, thời gian mà ta được hiến tặng
để sống và thương yêu, để đổi lấy những tham vọng trống rỗng không mang một ý
nghĩa đích thực nào. Ta có thể đổi lấy cả đời ta với những thứ như thế.
Có nhiều người cho đến
cuối đời hay đến khi nằm trên giường bệnh mới thấy buồn bã. Đột nhiên họ tự hỏi
là họ phải chỉ bảo cho những thập niên của công việc và bận rộn điều gì đây. Có
thể họ trở thành nạn nhân cho chính sự thành công của họ, nghĩa là họ kiếm được
nhiều tiền, đạt được danh vọng mà họ theo đuổi nhưng họ không bao giờ có thời
gian và không gian để sống hạnh phúc, để tiếp xúc với những người họ thương
yêu. Họ cứ phải chạy mỗi ngày chỉ để nắm giữ địa vị mà họ đã đạt được.
Tuy nhiên, không ai
trở thành nạn nhân của hạnh phúc cả. Có thể ta nhận ra được rằng, khi ưu tiên
cho con đường hạnh phúc, ta cũng thành công hơn trong công việc. Thường những
người có bình an, hạnh phúc hơn thì công việc của họ cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải quyết định ước muốn sâu sắc nhất thực sự của
ta là gì. Có những người muốn thực tập chánh niệm để thành công hơn trong sự
nghiệp hay trong công việc mà không phải để giúp đỡ người khác hay để hạnh phúc
hơn. Có nhiều người hỏi tôi: “Chúng ta có thể thực tập chánh niệm để kiếm thêm
tiền không?”
Nếu thực tập chánh niệm
đúng cách, ta sẽ không bao giờ làm tổn hại ai. Nếu sự thực tập của ta không đem
lại từ bi thì đó không phải là chánh niệm. Có thể giấc mơ của ta không trở
thành hiện thực và ta nghĩ rằng ta cần phải làm thêm, suy nghĩ thêm hoặc tìm
thêm phương pháp mới. Nhưng thực tế, cái ta cần không phải là thêm mà là bớt lại,
bớt những tiếng ồn trong đầu và những tiếng ồn từ bên ngoài, để ta có không
gian cho ước mơ đích thực nhất của trái tim ta được nảy mầm và phát triển.
Thực Tập: Dừng Lại Và Buông Bỏ
Dừng lại để đưa tâm
trở về với thân trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Chỉ cần dừng lại là
ta đã có khả năng định tĩnh và tiếp xúc được với sự sống. Bằng cách ngồi yên, dừng
lại những lao xao trong thân tâm, lắng nghe những lặng im trong thân thể và tâm
hồn là ta đã trở nên vững chãi, định tĩnh hơn, tâm ta trở nên sáng suốt hơn. Ta
có thể ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta.
Ta có thể bắt đầu bằng
cách dừng lại những lăng xăng của thân thể. Khi thân yên, khi không còn chú ý đến
bất kỳ hoạt động nào ngoại trừ hơi thở thì tâm ta cũng dễ dàng buông bỏ tập khí
chạy hơn, mặc dù điều này cũng cần thời gian và sự luyện tập. Một khi ta học
cách dừng lại cái tâm thì thân ta cũng được dừng lại. Ta sẽ có khả năng dừng lại
cái tâm khi ta đang đi hoặc đang làm việc. Kết hợp hơi thở với những thao tác
trong các sinh hoạt hằng ngày, ta có thể sống trong ý thức thay vì thất niệm,
lãng quên.
Giống như mọi thứ
trên thế gian, suy nghĩ của ta cũng vô thường. Nếu ta không nắm bắt suy nghĩ,
thì suy nghĩ đến, ở lại một lúc rồi ra đi. Bám vào những suy nghĩ hay cột mình
vào tiền tài, danh vọng, dục lạc có thể mang lại sự tham đắm và vướng mắc, dẫn
ta đến con đường nguy hiểm, gây nên khổ đau cho ta và cho kẻ khác. Nhận diện những
suy nghĩ, những tham vọng, để cho chúng đến rồi đi, cho ta không gian để nuôi
dưỡng tự thân và tiếp xúc được hạnh nguyện sâu sắc nhất của ta.
Chúng ta có thể sáng
tác thêm những câu thiền ngữ để thêm vào phần thiền hướng dẫn dưới đây.
Thở vào, tôi ý thức về những suy nghĩ của tôi.
Thở ra, tôi ý thức về tính vô thường.
(Suy nghĩ/Vô thường)
Thở vào, tôi ý thức về tính tham tiền của tôi.
Thở ra, tôi ý thức tiền bạc là vô thường.
(Ý thức tính tham tiền/Vô thường)
Thở vào, tôi ý thức tính tham đắm tiền bạc có thể mang lại khổ
đau cho tôi.
Thở ra, tôi buông bỏ tính tham đắm.
(Ý thức tính tham đắm/Buông bỏ)
Thở vào, tôi ý thức về sự tham muốn dục lạc trong tôi.
Thở ra, tôi biết dục lạc cũng vô thường.
(Ý thức dục lạc/Vô thường)
Thở vào, tôi ý thức về sự nguy hiểm của sự tham muốn dục lạc
Thở ra, tôi buông bỏ sự tham muốn dục lạc.
(Ý thức sự tham muốn/Buông bỏ)
Thở vào, tôi quán chiếu về tính buông bỏ.
Thở ra, tôi cảm thấy khinh an vì sự buông bỏ ấy.
(Buông bỏ/Khinh an)
Xem Tiếp Chương 3 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá