Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Quyền Lực Đích Thực
Chương 5. Bí Quyết Hạnh Phúc
Nếu có khả năng làm lắng
dịu những ham muốn, thèm khát, ta sẽ thấy rằng điều ta thực sự mong ước không
phải là tiền tài hay danh vọng mà là hạnh phúc. Vì muốn có hạnh phúc mà ta đi
tìm quyền lực từ bên ngoài. Nhưng càng tìm quyền lực và hạnh phúc qua danh vọng,
tiền tài, và sắc dục thì càng không thấy đâu. Chỉ bằng cách trở về tự thân, gạn
lọc tâm ý, ta mới có thể chứng nghiệm được hạnh phúc chân thực, lâu bền và là
thứ quyền lực không bao giờ sụp đổ.
Một người nghèo khổ
hoặc vô danh tiểu tốt có thể hạnh phúc không? Nhiều người tưởng rằng không thể
thực sự hạnh phúc vì không có tiền tài, không có địa vị thì sẽ không có quyền lực.
Lẽ tất nhiên là nếu thiếu những điều kiện tối thiểu về ăn uống, nhà ở, và áo quần
thì không thể có hạnh phúc. Nghèo khổ và đói rét đưa tới đau khổ, bệnh tật, và
bạo động. Điều tôi muốn nói ở đây là ham muốn tiền bạc vượt quá nhu cầu vật chất.
Ngày mà Bụt thành đạo,
Ngài chưa nổi tiếng. Cả thế giới không ai biết đến Ngài. Ngay cả Vua Cha và
hoàng tộc cũng không biết là Ngài đã thành đạo. Khi Ngài đến Vườn Nai để thăm
năm người bạn đồng tu năm xưa, họ cũng không biết là Ngài đạt quả vị Bụt. Sau
khi thành đạo, Ngài ngồi chơi với các em bé dưới gốc cây Bồ đề, và Ngài rất hạnh
phúc. Hạnh phúc của Ngài không dựa trên danh vọng hay tiền tài. Ngài hạnh phúc
là do Ngài đã giải thoát, đạt được an lạc và tuệ giác. Chúng ta cần thực tập
làm sao để có được hạnh phúc từ sự an lạc, từ bi, tự do, nghĩa là không còn bị
phiền não ràng buộc, chứ không phải từ số tiền có trong tài khoản ngân hàng. An
lạc, tự do và từ bi là nguồn suối quyền lực vô tận mà ta có thể chế tác mỗi
ngày. Sau này, Bụt trở nên nổi tiếng, nhưng danh tiếng không thể chiếm hữu và hủy
hoại Ngài, danh tiếng chỉ giúp cho giáo lý và pháp môn của Ngài thêm lan rộng.
Danh tiếng không xấu mà là một phước lớn cho muôn loài.
Ngay cả khi không có danh vọng, tiền tài, nếu thực tập năm loại quyền lực (tín, cần, niệm, định và tuệ), ta vẫn có thể hạnh phúc hơn rất nhiều người tiếng tăm và giàu có hơn ta. Điều đáng ngạc nhiên là khi hạnh phúc, ta có thể dễ dàng kiếm đủ tiền để sống thoải mái, đơn giản. Khi vững chãi và thảnh thơi, ta kiếm ra tiền dễ hơn. Nếu có hạnh phúc, ta sẽ cảm thấy thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta không sợ gì cả. Có được năm quyền lực tâm linh trong tay thì dù bị mất việc ta cũng sẽ không đau khổ nhiều. Ta sẽ biết cách sống đơn giản và hạnh phúc, biết rằng trước sau gì cũng sẽ tìm được việc và sẵn sàng đón chờ mọi cơ hội.
Cần phân biệt giữa hạnh
phúc và hưng phấn. Nhiều người cho rằng hưng phấn là hạnh phúc. Họ mơ tưởng hay
trông chờ một điều gì mà họ cho là hạnh phúc, và với họ, đó đã là hạnh phúc.
Nhưng khi hưng phấn thì tâm không được bình an. Trong khi bình an là nền tảng cho
hạnh phúc chân thực.
Giả thử bạn đang đi
trong sa mạc và sắp chết khát. Bỗng nhiên bạn thấy một ốc đảo đằng xa và biết rằng
nơi ốc đảo kia thế nào cũng có nước uống và bạn sẽ thoát chết. Chưa tận mắt thấy
dòng nước, chưa uống nước nhưng bạn đã thấy mừng rỡ, vui sướng và tràn trề hy vọng.
Tuy nhiên đó chưa phải là hạnh phúc. Bạn chỉ thực sự chứng nghiệm hạnh phúc khi
thực sự uống nước và đã cơn khát. Không có bình an thì không có hạnh phúc thật
sự.
Có người thấy hạnh
phúc rất dễ dàng, trái lại có người không được như thế mặc dù họ có rất nhiều
điều kiện để được hạnh phúc. Có thể mua điều kiện hạnh phúc nhưng không thể mua
hạnh phúc. Cũng như khi chơi quần vợt, ta chỉ có thể mua banh, mua vợt nhưng không
thể mua niềm vui khi chơi quần vợt. Muốn chứng nghiệm niềm vui khi chơi quần vợt
bạn phải học, phải luyện. Viết thư pháp cũng vậy, có thể mua mực tàu, giấy bản,
bút lông, nhưng nếu chưa tập nghệ thuật viết thư pháp thì không thể viết thư
pháp được. Bạn chỉ thực sự hạnh phúc lúc viết thư pháp khi bạn có khả năng viết
thư pháp. Hạnh phúc cũng vậy, phải vun trồng hạnh phúc, không thể mua ngoài chợ.
Thiền hành là một
phương pháp thực tập mầu nhiệm để tạo hạnh phúc. Từ chỗ khởi hành, ta hãy nhắm
một vật ở phía trước, ví dụ một cây thông rồi quyết tâm rằng trong khi đi thiền
hành đến cây thông ta sẽ tận hưởng từng bước chân, mỗi bước chân sẽ đem lại nguồn
an lạc, hạnh phúc, có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu
Có những người trong
chúng ta có khả năng đi từ một điểm này đến một điểm khác như thế. Họ đi và thưởng
thức từng bước một, không bị bất cứ thứ gì làm cho xao lãng: quá khứ, tương
lai, dự án, sự hưng phấn hay kể cả sự mừng vui, bởi vì trong sự mừng có yếu tố
kích thích hơn là bình an. Nếu bạn đã quen thiền hành như vậy thì mỗi bước chân
sẽ đem lại cho bạn bình an, hạnh phúc và thỏa mãn. Bạn có khả năng tiếp xúc với
mặt đất trong từng bước chân. Đang còn sống, đang thực sự có mặt trong giây
phút hiện tại thì mỗi bước chân là một điều mầu nhiệm và bạn sống với mầu nhiệm
đó trong từng phút từng giây suốt thời gian thiền hành.
Thiền hành một mình
hay với đại chúng, mỗi bước chân sẽ giúp ta buông thư, và có cơ hội tiếp xúc với
mầu nhiệm của sự sống, ngay bây giờ và ở đây. Khi không còn căng thẳng, không
tiếc nuối quá khứ hay lo lắng tương lai, ta có thể tiếp xúc với Tịnh Độ hay
Thiên Đường suốt cả ngày, với từng bước chân. Trong Kinh Thánh có câu chuyện một
nông phu khám phá ra rằng trong thửa ruộng kia có một kho báu. Anh ta về bán hết
gia sản để mua thửa ruộng ấy. Cũng giống như người nông phu, nếu bạn biết tiếp
xúc với Thiên Đường hay cõi Tịnh Độ trong hiện tại thì bạn đã có được một kho
báu quý giá và không cần phải chạy theo tiền tài, danh vọng, quyền hành gì nữa.
Tôi đã từng thỉnh cầu các vị lãnh đạo tôn giáo hay tâm linh cống hiến những
giáo lý hoặc thực tập cụ thể để giúp chúng ta tiếp xúc với Thiên Đường, ngay
bây giờ và ở đây, để chúng ta không còn chạy theo danh vọng, sắc dục, tiền tài,
và quyền hành. Thiên Đường bao giờ cũng sẵn đó. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng
để tiếp xúc Thiên Đường hay không mà thôi. Theo giáo lý của đạo Bụt thì Tịnh Độ
có sẵn trong Tâm. Nếu có tự do thì chúng ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm
của cuộc sống ngay bây giờ và ở đây. Nhà văn Pháp André Gide nói: “Thượng Đế là
Hạnh Phúc.” Tôi thích câu nói ấy. Ông cũng nói rằng “Thượng Đế có mặt hai mươi
bốn giờ một ngày.” Nếu Thượng Đế có đó thì Thiên Đường có đó. Nhưng chúng ta có
đó hay không để thưởng thức Thiên Đường? Đạo Bụt cũng vậy. Nếu đi thiền hành
đàng hoàng, bạn có thể tiếp xúc với Cõi Tịnh Độ của Bụt A Di Đà ngay bây giờ và
ở đây. Vậy thì ta có thể phát nguyện: “Tôi sẽ thiền hành từ đây đến cây tùng
kia. Tôi nguyện sẽ thành công.” Chỉ khi nào được tự do trong mỗi bước chân ta mới
có hạnh phúc, bình an.
Một sư cô kể cho tôi
nghe câu chuyện về một người bạn gái. Cô bạn ấy đã đến thăm Làng Mai. Cô ấy đã
lập gia đình, có công ăn việc làm, có nhà, có xe, có đủ mọi thứ cần thiết. Cô
thấy rằng cuộc sống lứa đôi của cô cũng khá tốt đẹp, mặc dầu không hoàn toàn
như cô mong đợi. Công việc khá hấp dẫn, lương bổng khá cao, nhà cửa khá đẹp,
nhưng cô vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Cô biết rằng trên phương diện tiện nghi,
cô có đủ tất cả, nhưng cô vẫn cảm thấy buồn chán. Cô cũng biết rằng mình thật
may mắn, ít người thành công như mình, vậy mà cô vẫn không hạnh phúc.
Ta có xu hướng cho rằng
hạnh phúc chỉ có trong tương lai và trông chờ hạnh phúc phía cuối con đường,
như trông chờ một ốc đảo nơi sa mạc đằng xa. Ta thiếu một vài điều kiện mà ta
nghĩ là cần thiết cho hạnh phúc, vì thế ta tưởng rằng khi có những điều kiện ấy
thì sẽ có hạnh phúc.
Giả sử ta nghĩ rằng
phải có một bằng cấp ta mới hạnh phúc, nên ngày đêm ta chỉ nghĩ tới bằng cấp và
làm đủ mọi cách để đoạt cho được mảnh bằng, vì ta tin rằng mai kia khi đã có bằng
cấp thì sẽ có hạnh phúc. Thực tế, ta có thể vui mừng, thỏa mãn trong vòng vài
ngày hay vài tuần sau khi có được mảnh bằng. Nhưng rồi ta quen dần với sự kiện
là đã đạt được mảnh bằng, và chỉ vài tuần sau ta đã không còn cảm thấy hạnh
phúc nữa. Ta “lờn” hạnh phúc đã có và chẳng bao lâu không còn cảm thấy hạnh
phúc nữa.
Cả những người trúng
số độc đắc cũng không giữ được hạnh phúc lâu dài. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ
sau hai ba tháng, cảm xúc của những người trúng số sẽ trở lại bình thường. Điều
đáng chú ý là trong hai ba tháng đó, cảm xúc của những người ấy không thực sự
là hạnh phúc mà chỉ là cảm xúc mừng rỡ, suy nghĩ, tính toán. Sau ba tháng, cảm
xúc của họ sẽ trở về đúng như tình trạng trước khi trúng số.
Bạn yêu ai đó và nghĩ
rằng không thể hạnh phúc nếu không cưới được người ấy. Sau lễ thành hôn, hạnh
phúc kéo dài một thời gian, rồi tan biến. Không còn say đắm, không còn niềm
vui, và lẽ tất nhiên không còn hạnh phúc. Thực tế không như bạn trông đợi hay
mơ tưởng. Bạn có thể biết rằng những gì đạt được sẽ không kéo dài, rằng một
ngày nào đó, người kia có thể phụ bạc bạn. Bạn nghi ngờ, cảm thấy bấp bênh, rồi
sinh ra sợ hãi. Ngay khi có một chỗ làm tốt, bạn cũng không chắc sẽ được lâu
dài, bạn lo sợ bị sa thải bất cứ lúc nào. Thứ hạnh phúc không có bình an mà còn
kèm theo sợ hãi thì không phải là hạnh phúc chân thực. Suốt ngày bạn sẽ bận tâm
với những điều kiện của cái-gọi-là hạnh phúc ấy. Và vì những lo âu, bấp bênh, bận
tâm ấy, bạn không còn cảm thấy hạnh phúc và sẽ buồn chán, trầm cảm.
Ngay cả khi có đủ các
điều kiện bạn tin rằng là cần thiết cho hạnh phúc, bạn vẫn chưa thỏa mãn. Vậy
thì câu hỏi đặt ra cho những ai muốn có hạnh phúc chân thực là phải làm gì, phải
trông cậy vào đâu? Câu trả lời của Bụt đơn giản nhưng rất sâu sắc. Muốn đạt hạnh
phúc lớn, muốn có hiểu biết lớn, thương yêu lớn, thì không nên an trụ tâm mình
vào bên ngoài, nghĩa là vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không nên trụ tâm
mình vào bất cứ đối tượng nào để đạt giác ngộ, thương yêu.
Giả sử ta phân vân
khi chọn một hướng đi cho đời mình. Có người nghĩ rằng nếu là một cảnh sát thì
sẽ hạnh phúc. Có người thấy hạnh phúc nếu được làm bác sĩ, hay một nhà chính trị.
Ta phải chọn lựa,
nhưng ta phân vân, và không biết rằng lựa chọn đó có mang lại hạnh phúc không.
Ta do dự, đắn đo, “Nếu theo hướng đó mà không hạnh phúc thì phải làm sao đây?”
Ta nghi ngờ như vậy là vì ta quyết định căn cứ vào hình thức bên ngoài. Con đường
xuất gia là một hình tướng. Làm một nhà chính trị, doanh nhân hay nghệ sĩ cũng
chỉ là hình tướng bên ngoài. Có những nghệ sĩ hạnh phúc và có những nghệ sĩ
không hạnh phúc. Có những người xuất gia hạnh phúc và có những người xuất gia
không hạnh phúc. Có những cư sĩ hạnh phúc và có những cư sĩ không hạnh phúc. Có
những nhân viên cảnh sát hạnh phúc và có những nhân viên cảnh sát không hạnh
phúc. Vì vậy địa vị hay nghề nghiệp mà ta tìm kiếm không bảo đảm cho hạnh phúc.
Thật sai lầm nếu chỉ quyết định và phó mặc hạnh phúc của mình vào hình tướng
bên ngoài. Ta sẽ bị đánh lừa.
Bạn muốn lấy một người
chồng đẹp trai, có bằng cấp, có địa vị bởi vì bạn tưởng rằng cưới được một người
như thế thì sẽ có hạnh phúc. Nếu kết hôn một người vì người ấy đẹp hay giàu, tức
là bạn chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhưng hình thức bên ngoài thay đổi
không ngừng. Nếu vị hôn phối của bạn mất việc, không còn danh vọng, quyền hành
nữa thì sao? Nếu người ấy bị tai nạn rồi bị tàn tật, xấu xí thì sao? Dầu chọn một
hình tướng nào, một hướng đi nào cho cuộc đời, nếu kẹt vào hình tướng thì bạn
cũng không thể nào có được hạnh phúc, ngay cả khi bạn chọn con đường xuất gia.
Chấp vào hình tướng của một người xuất gia, nghĩ rằng khoác áo người tu, vào ở
chùa sẽ làm cho bạn hạnh phúc là bạn lầm. Có những thầy, những sư cô không hạnh
phúc bởi vì những vị ấy không có khả năng hiểu biết và thương yêu. Trái lại,
khi biết cách tu tập hiểu biết, thương yêu trong từng giây, từng phút thì hình
tướng bên ngoài không thành vấn đề nữa. Vậy thì chìa khóa của sự thành công
không phải là hình tướng của một vị xuất gia, một cư sĩ, một cảnh sát viên, một
nông dân hay một bác sĩ mà là khả năng chế tác hạnh phúc, hiểu biết, và thương
yêu.
Nơi đâu có hình tướng,
nơi đó còn lừa gạt – “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (kinh Kim Cương). Phải
cẩn thận lắm mới được, không nên dựa vào dáng dấp, hình tướng bề ngoài để quyết
định. Muốn có hạnh phúc, giác ngộ, và thương yêu bạn phải có tự do, không bị nhận
thức của mình đánh lừa. Khi quán chiếu sâu sắc một sự việc nào đó, ta sẽ khám
phá được chân tướng của nó và không bị đánh lừa. Vì không bị hình tướng bên
ngoài đánh lừa, ta sẽ không đau khổ, sẽ có khả năng sống hạnh phúc.
Chúng ta hay có xu hướng
suy nghĩ rằng: “Ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu ta có cái này hay cái kia. Nếu ta
không có những cái ấy thì đời ta sẽ chẳng còn gì, ta chẳng bao giờ hạnh phúc.”
Ý tưởng về quyền lực, về điều kiện của hạnh phúc có thể rất nguy hiểm bởi vì ta
sẽ bị kẹt vào ý tưởng ấy. Hạnh phúc có thể đến với bạn bằng cả vạn cách, chỉ cần
ta biết mở lòng đón nhận. Nhưng nếu chỉ đeo đuổi một ý tưởng về hạnh phúc, bạn
sẽ bị mắc kẹt. Hạnh phúc sẽ không bao giờ đến vì bạn đã quyết từ chối tất cả,
chỉ chấp nhận con đường của hạnh phúc mà bạn đã lựa chọn. Đành rằng bạn có thiện
chí muốn hạnh phúc và làm cho những người bạn thương được hạnh phúc, nhưng ý tưởng
về hạnh phúc mà bạn đang theo đuổi có thể là một chướng ngại không cho phép bạn
và những người thương được hạnh phúc.
Bụt kể câu chuyện về
một người lái buôn góa vợ. Trong một chuyến buôn xa ông để đứa con trai nhỏ ở
nhà một mình. Một toán cướp đến cướp bóc, giết người, rồi thiêu trụi cả ngôi
làng. Người lái buôn trở về và thấy nhà mình chỉ còn là một đống tro. Gần đó có
xác của một đứa bé bị cháy đen. Người lái buôn lăn lộn, đấm ngực, than khóc.
Ngày hôm sau, ông ta đem thi thể đứa bé đi thiêu rồi may một túi nhỏ bằng gấm để
đựng tro đứa con yêu quý nhất đời. Rồi ngày đêm, khi ăn, khi ngủ, đi đâu ông
cũng đeo túi tro trong người. Sự thật là cậu bé con ông bị bọn cướp bắt cóc. Ba
tháng sau cậu bé trốn thoát được và tìm đường về nhà. Cậu về đến làng rất
khuya, gõ cửa ngôi nhà mới mà cha cậu đã xây dựng lại. Người lái buôn đang nằm
ôm túi tro than thở, nghe tiếng gõ cửa bèn hỏi: “Ai đó?” Đứa bé trả lời: “Con
đây, thưa cha.” Người cha nói: “Không phải. Con của ta chết rồi. Chính ta đã
thiêu xác nó và đang đeo túi đựng tro của nó đây. Mày chỉ là một thằng nhỏ tinh
nghịch muốn đánh lừa ta mà thôi. Đi đi, đừng quấy rầy ta nữa.” Rồi ông ta nhất
định không mở cửa. Cậu bé đành phải bỏ đi, và người cha vĩnh viễn mất đứa con.
Sau khi kể câu chuyện
trên, Bụt nói, “Có một lúc nào đó trong đời, nếu quý vị chấp nhận một ý kiến
hay một nhận thức như là một sự thật tuyệt đối, thì quý vị sẽ đóng kín lòng
mình, và quý vị mất cơ hội tìm ra sự thật. Không những quý vị mất cơ hội tìm ra
sự thật, mà ngay khi sự thật đến gõ cửa quý vị cũng sẽ từ chối, không chịu mở cửa.
Vướng vào quan điểm, chấp vào ý kiến, hay kẹt vào nhận thức là chướng ngại lớn
nhất trên đường đi tìm chân lý.”
Giống như khi leo cầu
thang, leo lên nấc thang tứ tư ta có cảm tưởng rằng đây là nấc thang cao nhất,
không thể cao hơn được nữa, và sẽ đứng mãi ở nấc thang thứ tư. Nhưng còn có nấc
thang thứ năm, thứ sáu. Nếu muốn lên nấc thang thứ năm thì phải rời bỏ nấc
thang thứ tư. Ta nên biết từ bỏ ý kiến và nhận thức để tiếp nhận những ý kiến
hay hơn, những nhận thức đúng hơn. Vì vậy ta luôn cần tự hỏi, “Ta có chắc
không?”
Tôi có một người bạn
làm nghề kinh doanh chứng khoán (stock broker). Ban đầu anh sử dụng tài ăn nói
khôn khéo để thuyết phục khách hàng mua chứng khoán. Nhưng sau khi tiếp xúc với
đạo Bụt và học được câu thần chú “Ta có chắc không?”, anh đổi cách nhìn và cách
làm việc. Khi có ai hỏi anh có chắc không, anh trả lời: “Tôi không thể nói là
tôi biết chắc như vậy. Đây là ý kiến theo sự hiểu biết trung thực nhất của tôi
lúc này.” Anh đã rất thành thực. Kết quả là anh có thêm nhiều khách hàng.
Tham vọng muốn trở
thành một người đặc biệt là một năng lượng rất mạnh trong mỗi chúng ta. Mục
tiêu đạt được thành quả và trở thành một nhân vật được xem là quan trọng mặc dù
chúng có thể dẫn ta vào con đường của đau khổ hơn là mang tới thành công. Vậy
thì phải thực tập như thế nào khi có ước muốn trở thành một người đặc biệt, một
nhân vật quan trọng?
Hành động phản ảnh
con người. Giá trị của những hành động của ta tùy thuộc vào giá trị nhân cách của
ta. Ta có thiện chí muốn đem hạnh phúc tới cho một người nào đó. Ta rất muốn
như vậy. Nhưng nếu bản thân ta không hạnh phúc, làm sao ta có thể làm cho người
kia hạnh phúc được. Muốn đem lại hạnh phúc cho ai, trước hết ta phải hạnh phúc.
“Sống” và “làm” liên hệ chặt chẽ. “Sống” không thành công thì không thể “làm”
thành công.
Khi ý thức rằng ta đã
có một hướng đi đúng trong cuộc đời, hướng đi đúng là hướng đi thiện lành, rằng
ta biết ta đang đi về đâu thì hạnh phúc đã nằm trong tầm tay. Không có hướng
đi, ta sẽ đau khổ, hoang mang, lạc lõng lắm. Hạnh phúc là thấy rằng mình đang
“đi trên đường chính”. Không cần phải đợi đến đoạn cuối “con đường” mới hạnh
phúc. Ta hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.
Có đi trên con đường
chính hay không còn tùy thuộc vào lối sống và cung cách hành xử cụ thể hằng
ngày của ta. Ta có khả năng sống chánh niệm mỗi giây, mỗi phút thì điều đó đem
lại hạnh phúc cho ta và những người chung quanh ta. Chưa cần phải “làm” gì cả,
chỉ cần đi đúng đường, tu tập chánh niệm và có niềm vui, ta sẽ trở thành một
người dễ chịu, tươi mát, từ bi, và ai cũng được lợi lạc. Hãy nhìn cây tùng trước
sân. Cây tùng xanh tươi, mát mẻ, đẹp đẽ. Cây tùng chẳng “làm” gì cả, nhưng ai
cũng được hưởng lợi lạc. Đây là phép lạ của sự có mặt. Nếu cây tùng không được
như cây tùng thì nguy cho tất cả chúng ta. Nếu cây tùng được thực sự là cây
tùng thì có hy vọng, có niềm vui.
Vậy thì chỉ cần trọn
vẹn là bạn, đó đã là yêu thương, đã là một hành động rồi. Hành động bắt nguồn từ
không hành động và không hành động chính là sự thực tập sống trọn vẹn. Có người
“làm” rất nhiều, và cũng gây nên rất nhiều rắc rối. Mặc dầu họ có thiện chí,
nhưng càng cố gắng giúp, họ lại càng gây thêm rắc rối. Có rất nhiều người dấn
thân tranh đấu cho hòa bình, nhưng bản thân họ không có bình an, hạnh phúc, và
vì thế những gì họ làm càng gây khó khăn. Vậy nên điều cần làm là sống trọn vẹn,
sống đích thực để có được bình an và tình thương trong từng giây phút. Trên nền
tảng đó, lời nói và hành động của ta mới có thể mang lại lợi ích. Nếu giúp được
một người bớt khổ, làm họ nở được nụ cười, ta sẽ hạnh phúc lắm, mãn nguyện lắm.
Một sư cô hạnh phúc
không phải vì sư cô có uy quyền hay có danh tiếng, mà vì sư cô biết rằng sự có
mặt của mình giúp ích cho rất nhiều người. Cảm thấy mình có ích cho xã hội – đó
chính là hạnh phúc. Nếu bạn có một con đường tu tập và biết thưởng thức từng bước
chân trên con đường đó thì bạn đã là người hạnh phúc rồi, đâu cần phải trở
thành người có uy quyền hay có danh tiếng để được là người hạnh phúc. Bạn đã là
“cái” mà bạn muốn trở thành rồi, đó là sự thực tập “vô tác” – một nghệ thuật sống.
Khi còn trẻ, tôi được
học rằng giáo lý của Bụt có thể được tóm tắt trong bốn câu kệ. Khi được hỏi làm
sao để được hạnh phúc, Bụt trả lời: “Chư Phật mười phương đều dạy rằng:
Việc xấu, không nên làm
Việc tốt, gắng sức làm
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.”
(Kinh Pháp Cú)
Nghe vậy tôi không ấn
tượng cho lắm. Tôi tự nghĩ: “Đơn giản quá. Ai lại không biết không nên làm việc
xấu và nên làm việc tốt. Còn câu ‘Giữ tâm ý trong sạch’ thì mơ hồ.” Nhưng sau
sáu mươi lăm năm tu tập, tôi đã thay đổi quan niệm về bốn câu kệ này. Đọc kỹ lại,
tôi nhận thấy rằng bốn câu ấy hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Bây giờ thì tôi hiểu
rằng việc xấu phải tránh là những việc gây nên đau khổ cho mình, cho người, cho
cả mọi loài, cỏ cây, đất đá. Chánh niệm giúp ta biết rõ việc tốt, việc xấu, việc
gì đem đến an vui, việc gì đưa tới đau khổ. Khi tránh không làm việc xấu tức là
ta đang thực tập từ bi, bởi vì bạn đang tránh gây đau khổ cho bản thân và cho
người khác. Thực tập từ bi chính là thực tập hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là vắng
mặt khổ đau. Vậy hãy nên làm việc tốt. Làm tất cả những gì có thể đem lại bình
an, vững chãi và vui tươi cho mình và cho người.
Chúng ta thực tập yêu
thương, thực tập từ bi và biết rằng yêu thương đem đến hạnh phúc. Không có yêu
thương thì không có hạnh phúc. Tất cả những bậc đạo sư xưa nay đều dạy ta yêu
thương và cách yêu thương cụ thể nhất là tránh gây đau khổ và hiến tặng niềm
vui.
Nói thì dễ, hiểu cũng
dễ nhưng không dễ thực hành. Vậy nên hai câu kệ đầu hoàn toàn tùy thuộc vào câu
thứ ba: phải giữ tâm ý trong sạch bởi vì “Tâm làm chủ”.
Bụt dạy rằng hạnh
phúc hay đau khổ đều từ tâm ra. Thanh tịnh tâm ý có nghĩa là thay đổi nhận thức,
dứt bỏ tri giác sai lầm. Tri giác sai lầm không còn thì sân hận, ghen ghét, kỳ
thị và thèm khát không còn. Tâm có thể bị ô nhiễm vì ba loại độc tố (Tam Độc):
tham (thèm khát), sân (giận dữ, bạo lực), si (u mê, vô minh). Thanh tịnh tâm ý
là giải trừ ba loại độc tố ấy bằng ba tuệ giác: chánh niệm, thiền định và tuệ
giác.
Tâm còn đầy vọng tưởng,
sân hận và thèm khát là tâm không thanh tịnh. Và nếu tâm không thanh tịnh,
trong sáng thì dù muốn làm điều thiện ta cũng không làm được, ngay cả muốn
tránh điều ác cũng không tránh được. Ta chỉ có thể hiến tặng hạnh phúc và tránh
gây khổ đau một cách dễ dàng, khi ta biết điều phục và gạn lọc tâm ý. Nghệ thuật
điều phục và gạn lọc tâm ý là điểm đặc trưng nhất của đạo Bụt. Khi tâm đã được
điều phục và chuyển hóa ta sẽ có hạnh phúc.
Trên đoạn đường thiền
hành đến cây tùng, ta bắt đầu bước một bước và tập làm sao để bước chân ấy chứa
đầy năng lượng của niệm, định, tuệ. Nếu thực tập thực sự, ta sẽ khám phá ra rằng
mỗi bước chân sẽ chế tác ra năng lượng của niệm, định, tuệ và đem lại cho ta niềm
hạnh phúc. Trước hết ta ý thức rằng ta đang bước một bước: đó là năng lượng của
chánh niệm. “Ta đang ở đây. Ta đang sống. Ta đang bước.” Bước mà biết là đang
bước, đó là chánh niệm khi đi. Chánh niệm giúp ta có mặt ngay bây giờ và ở đây,
thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức. Tổ Lâm Tế nói rằng: “Phép lạ không phải là
đi trên không, đi trên nước hay đi trên lửa. Phép lạ là đi trên mặt đất.” Đi
trong niệm, định, tuệ là thể hiện thần thông. Ta đang thực sự sống, thực sự có
mặt, và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống trong ta và chung quanh ta.
Người ta đã phát minh
ra rất nhiều máy móc để giúp tiết kiệm thì giờ. Với một máy vi tính, ta có thể
làm nhiều việc kỳ diệu, nhanh gấp ngàn lần. Trước kia phải mất nhiều tuần lễ mới
cày xong một thửa ruộng, bây giờ chỉ cần vài ngày. Áo quần không phải giặt bằng
tay nữa vì đã có máy giặt. Nước không cần phải ra giếng gánh vì đã chảy vào tận
nhà bếp. Có biết bao nhiêu cách tiết kiệm công sức, thì giờ, thế mà sao chúng
ta vẫn bận rộn hơn cha ông ngày xưa rất nhiều. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta mua
sắm quá nhiều, sức tiêu thụ của chúng ta quá lớn, nên chúng ta phải làm việc
nhiều hơn. Vì vậy, mặc dầu chúng ta có thêm rất nhiều tiện nghi so với ngày
xưa, chúng ta vẫn đau khổ, vẫn bị trầm cảm.
Các công ty sản xuất
dược phẩm cho biết loại thuốc tiêu thụ nhiều nhất trong xã hội chúng ta hiện
nay – nhiều với số lượng khổng lồ, chính là các loại thuốc an thần, thuốc chống
trầm cảm (antidepressant). Khi Bụt dạy ta thanh tịnh tâm ý, Bụt không nói tới
chuyện “an thần”.
Chúng ta đã đưa vào
thân tâm quá nhiều độc tố. Thế giới mà chúng ta tạo dựng đã quay lại chế ngự
chúng ta, làm ta không thể nào thoát ra được, khi thức cũng như khi ngủ. Tuy
nhiên bình an và hạnh phúc vẫn có đó, chỉ cần ta giác ngộ rằng những điều kiện
mà chúng ta cho là thiết yếu để có hạnh phúc thực ra chỉ đem lại trầm cảm, tuyệt
vọng và quên lãng.
Phải bắt đầu bằng hơi
thở. Thở vào trong chánh niệm để biết rằng ta đang sống, rằng trong ta và chung
quanh còn có biết bao mầu nhiệm mà ta có thể tiếp xúc để được chuyển hóa và chữa
lành. Phải học cách bước đi trong hiện tại bởi vì mỗi bước đi là một bước chuyển
hóa, chữa trị và nuôi dưỡng.
Phần đông chúng ta đi
như người mộng du. Đi nhưng không có mặt ở đó, không tiếp xúc được với những mầu
nhiệm chung quanh. Đi mà không có niềm vui. Ta đã mộng du qua đời ta, một cuộc
đời hư ảo mộng mị. Thực tập quyền lực đích thực chính là thức giấc tỉnh mộng. Một
bước đi trong chánh niệm là một sự thức tỉnh, đem ta trở về với sự sống mầu nhiệm,
nhắc ta rằng ta đang còn sống. Khi có niệm thì có định vì trong niệm chứa định.
Năng lượng của định có thể mạnh hay yếu, có thể ta đang chú tâm năm mươi, sáu
mươi, hay chín mươi phần trăm vào bước chân, càng chú tâm thì cơ hội đạt tới tuệ
giác càng cao. Tuệ giác là hoa trái của thực tập niệm và định. Cũng như cây cam
sẽ cho trái cam, tuệ giác sẽ soi sáng chân lý vô thường, vô ngã, và tương tức.
Vô thường có nghĩa là
mọi sự, mọi vật đều thay đổi, kể cả niềm hạnh phúc khi đi thiền hành. Hạnh phúc
cũng như tất cả các hiện tượng khác đều là vô thường. Hạnh phúc chỉ đến trong một
bước chân. Nếu trong bước tiếp theo ta không còn niệm, không còn định, không
còn tuệ thì hạnh phúc sẽ chết. Tuy nhiên ta biết rằng ta có khả năng bước tiếp
bước thứ hai và chế tác năng lượng niệm, định, tuệ trong bước chân ấy. Như vậy
ta đã đạt được quyền năng kéo dài hạnh phúc. Cũng giống như đi xe đạp: chiếc xe
tiếp tục lăn bánh nếu ta tiếp tục đạp.
Hạnh phúc là vô thường
nhưng ta có thể giữ cho hạnh phúc lâu bền. Ta cũng vô thường nhưng ta cũng có
thể làm mới thân tâm mình mỗi giây mỗi phút. Ta không phải là một thực thể thường
đứng đó để kinh nghiệm cái vô thường. Ta chính là một thực thể vô thường đang
kinh nghiệm về vô thường. Nếu có thể kéo dài hạnh phúc thì cũng có thể làm mới
con người, bởi vì con người của phút sau là con người của phút trước đã được
làm mới. Thật kỳ diệu khi biết rằng hạnh phúc chỉ kéo dài trong một hơi thở vào
hay một bước chân, bởi vì ta biết rằng ta có cơ hội lặp lại hạnh phúc trong hơi
thở hay bước chân kế tiếp, với điều kiện là ta biết cách chế tác niệm, định, tuệ.
Tuệ giác vô thường
đưa đến tuệ giác vô ngã. Hạnh phúc cá nhân xét cho cùng chỉ là phù du, bởi vì
đó là một điều không thể nào có. Hạnh phúc, đời sống của chúng ta tùy thuộc vào
hạnh phúc, đời sống của tất cả mọi người, mọi loài khác. Đây là tuệ giác tương
tức, tuệ giác về mối liên hệ tương hỗ giữa tất cả mọi người, mọi loài. Người
cha biết rằng nếu con mình không hạnh phúc thì chính mình cũng không hạnh phúc,
vì vậy ông sẽ lo cho con được hạnh phúc. Bạn đi trong chánh niệm không phải chỉ
đi cho riêng bạn, mà bạn đang đi cho gia đình, cho bạn bè, bởi vì khi bạn không
còn đau khổ, những người khác sẽ được hưởng lợi lạc.
Khi bước một bước
chân chánh niệm ta nghĩ rằng ta chỉ đi cho riêng ta. Ta cố gắng tìm một chút
bình an, vững chãi, một chút hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng với tuệ giác tương
tức, ta thấy rằng tất cả những gì tốt đẹp ta làm cho ta thì cũng là những gì ta
đang làm cho người khác. Nếu một người trong gia đình, hay trong doanh nghiệp
mà biết tu tập thì sự tu tập đó sẽ lợi ích cho tất cả chứ không riêng cho một
người. Khi tu tập đàng hoàng thì bạn sẽ đạt được tuệ giác vô ngã và biết rõ rằng
mình đang tu tập cho tất cả mọi người.
Bạn cho rằng mình
đang phải gánh tất cả công việc trong nhà, trong sở nên bạn giận những người
kia và muốn trừng phạt họ. Khi một cảm thọ buồn giận hay kỳ thị như vậy nổi
lên, bạn biết rằng nếu để cho cảm thọ ấy tiếp tục thì không ích gì cho mình và
cho người khác. Như vậy là bạn đã chứng nghiệm tuệ giác vô ngã và dễ dàng chuyển
hóa suy nghĩ của mình. Tập thở, tập đi trong chánh niệm để nhận diện cơn giận,
ôm ấp và chuyển hóa nó. Khi tâm không còn vô minh thì buồn giận sẽ được chuyển
hóa. Ta không chuyển hóa buồn giận vì người khác, ta chuyển hóa trước hết cho
chính bản thân ta, bởi vì không có sự phân biệt giữa ta và người. Tuệ giác vô
ngã giúp ta không tìm kiếm thứ hạnh phúc có thể gây đau khổ cho người nữa. Tuệ
giác vô ngã sẽ giải phóng ta và giải phóng cả thế giới.
Mong bạn thành công
trong khi thiền hành từ đây đến cây tùng kia. Đi như thế nào để chế tác được
chánh niệm, định lực và tuệ giác, để có thể tiếp xúc với hiện tại, bây giờ và ở
đây, tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống. Hãy buông bỏ những điều kiện hạnh
phúc mà bạn đã rong ruổi tìm cầu bao năm qua – tiền tài, danh vọng, quyền hành,
sắc dục – bởi vì bạn biết rằng ngay cả khi đạt được những thứ ấy thì bạn vẫn bất
hạnh như thường.
Bạn muốn sống thực. Bạn
muốn hạnh phúc thực. Bạn muốn quyền lực thực.
Xem Tiếp Chương 6 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá