Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Hiệu Lực Cầu Nguyện
Chương 2. Cầu Đối Tượng Hiện Hữu
Chúng ta biết rằng
khi gởi lên vệ tinh nhân tạo một chương trình truyền hình, thì tuy không tốn
bao nhiêu thời gian, nhưng chúng ta cũng cần một ít thì giờ để các làn sóng di
chuyển. Khi vệ tinh viễn thông ấy gởi ngược tín hiệu về trái đất, thì tuy gần
như là đồng thời, nhưng nó cũng cần thì giờ để những tín hiệu truyền đi trong
không gian. Tại vì dù làn sóng điện di chuyển bằng tốc độ của ánh sáng, thì ánh
sáng cũng cần tới một giây đồng hồ mới đi được 300 ngàn cây số. Vậy thì chúng
ta đừng vội vàng khi trông đợi kết quả của cầu nguyện.
Thượng đế mà ông bác
sĩ gọi là vệ tinh viễn thông đó, ở xa lơ xa lắc ngoài vũ trụ kia. Khi chúng ta
gởi một lời cầu nguyện lên Thượng đế, Thượng đế sẽ đem năng lượng gởi về người
chúng ta muốn cầu nguyện hoặc hộ niệm cho. Theo lối suy nghĩ của người trần,
chúng ta có cảm tưởng rằng lời của người cầu nguyện (tức là A trong hình 1) phải
có thì giờ mới lên đến cửa nhà Trời, mới đi đến tận nơi mà chúng ta muốn đến để
cầu xin. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có thời gian thì cái năng lượng mà chúng
ta xin được, mới đi tới tay người ta thương (tức là B). Đó là vì chúng ta có ý
niệm rằng ta với vệ tinh viễn thông là hai thực thể xa cách nhau hàng trăm triệu
dặm.
Nhưng trong Cơ-đốc
giáo cũng như trong đạo Bụt, chúng ta biết rằng đối tượng mà chúng ta cầu nguyện
đang nằm ở trong ta chứ không phải ở ngoài ta. Bụt nằm ngay trong trái tim của
ta, mà Thượng đế cũng nằm trong trái tim của ta. Nghĩ rằng Bụt và Thượng đế ở
ngoài ta là một sự sai lầm, không phải chỉ sai với giáo lý đạo Bụt, mà còn sai với
Kinh Thánh của đạo Cơ-đốc nữa. Vậy tốt hơn hết là chúng ta viết chữ A, tượng
trưng cho người cầu nguyện, và chữ B, tượng trưng cho đối tượng của sự cầu nguyện,
vào ngay trong vòng tròn tượng trưng cho Thượng đế, thì chúng ta bớt được một lớp
vọng tưởng điên đảo vì sự phân biệt, vì cái ý niệm rằng ta với Bụt là hai, ta với
Thượng đế là hai. Cái vệ tinh viễn thông này, trong đạo Bụt chúng ta có thể gọi
tên nó là Nhất tâm, The one mind. Nó có thể có nhiều tên.
Đã học Duy biểu chúng
ta biết rằng tâm thức cộng đồng làm ra tâm thức cá nhân, và tâm thức cá nhân
làm ra tâm thức cộng đồng. Hai cái làm ra nhau, không có cái nào trước, không
có cái nào sau. Cũng như cái trên và cái dưới, hai cái có đồng thời một lúc.
Cái trong và cái ngoài cũng vậy. Cái ta và cái không phải ta (ngã và phi ngã),
hai cái ấy cũng có cùng một lượt, và chúng làm ra nhau. This is because that is,
that is because this is. Đó là lời của Bụt. Cái này có vì cái kia có đó. Cái
kia có đó vì cái này có đó.
Như vậy thì chúng ta
có thể nói Nhất tâm là tâm thức cộng đồng, mà chúng ta cũng có thể nói là tâm
thức cá nhân, tại vì tâm thức cá nhân được làm bằng tâm thức cộng đồng. Cái này
ở trong cái kia, cả hai đều có tính cách tương tức và tương nhập. Trong đạo
Ki-tô chúng ta có thể gọi vệ tinh viễn thông đó là Thượng đế. Chúng ta đừng bị những
danh từ đánh lừa. Điều quan trọng là chúng ta tiếp xúc được với cái thực tại. Gọi
nó là trái chuối cũng được, mà gọi nó là banana cũng được. Tại vì chữ chuối và
chữ banana tuy rất khác nhau, nhưng chúng cùng chỉ một thực thể.
Làm sao ta chạm tới được cái nhất tâm, chạm tới được Thượng đế? Làm thế nào để ta gởi được cái năng lượng của ta về nhất tâm, về Thượng đế, để xúc tác được với năng lượng của Thượng đế, và để cho cái năng lượng vô cùng vô biên đó chuyển động cái tình trạng của ta?
Người thương của
chúng ta đang bị đau khổ, đang bị hiểm nguy, chúng ta cần bao bọc người thương
của chúng ta bằng những năng lượng lành để người đó được che chở và có sức vượt
qua được cơn hiểm nguy. Chúng ta cần có những giúp đỡ đó cho nên chúng ta mới cầu
nguyện.
Khi cầu nguyện, muốn
chạm tới được Thượng đế, chúng ta có thể dùng một trong ba cái chìa khóa của đạo
Bụt, kết lại thành một chum gọi là Tam Pháp Ấn. Đây là những dụng cụ rất mầu
nhiệm. Có ba cái chìa khóa đó thì dù ở đâu ta cũng có thể mở được cửa của rất
nhiều kho tàng vô giá. Ba chìa khóa đó tên là Vô thường, Vô ngã và Niết bàn.
Ai mà không chấp nhận
sự thật vô thường? Người đạo Bụt chấp nhận vô thường, mà người đạo Chúa cũng chấp
nhận vô thường. Tại vì có cái gì thường đâu?
Vô ngã chẳng qua chỉ
là một mặt khác của vô thường. Sự vật là vô thường, biến chuyển và không có một
thực thể riêng biệt, một cái ta độc lập. Chúng ta đã học rằng người cầu nguyện
và người được cầu nguyện (tức là mình và Bụt), đều trống rỗng, nghĩa là đều
không có một cái ta riêng biệt.
Giữa tâm thức cộng đồng
và tâm thức cá nhân cũng vậy. Tâm thức cộng đồng không có cái ngã riêng biệt,
tâm thức cá nhân cũng không có cái ngã riêng biệt, vì vậy cho nên trong tâm thức
cá nhân có tâm thức cộng đồng, và trong tâm thức cộng đồng có tâm thức cá nhân.
Cũng nhờ cái tuệ giác
về vô ngã mà chúng ta đã dời chữ A và chữ B vào trong vòng tròn tượng trưng cho
Nhất tâm (Hình 1). Tại chúng ta biết rằng A, B và nhất tâm (hay Thượng đế)
không phải là những thực thể biệt lập. Thượng đế có đó vì ta có đây. Nếu không
có ta ở đây thì làm sao ta biết rằng Thượng đế có đó? Cho nên cái nguyên tắc vô
ngã này là một chìa khóa rất mầu nhiệm, nó mở ra cho chúng ta những cánh cửa rất
lớn.
Sở dĩ tôi đã khám phá
ra được những điều mà các người Ki-tô hữu rất thích, là tại vì tôi đã đi vào
truyền thống Cơ-đốc giáo bằng ba cái chìa khóa này. Với chùm chìa khóa Tam Pháp
Ấn, tôi đã mở ra không biết bao nhiêu cánh cửa, và tìm ra không biết bao nhiêu
châu báu trong kho tàng giáo lý của Cơ-đốc giáo, mà có thể nhiều bạn Cơ-đốc
chưa thấy. Nếu các bạn Cơ-đốc biết sử dụng ba chìa khóa này thì quý vị sẽ khám
phá rất nhiều điều vô cùng quý giá, ẩn tàng trong Thánh kinh, mà có thể lâu nay
quý vị đã không sử dụng được.
Chìa khóa thứ ba là
Niết bàn. Niết bàn là gì? Niết bàn có phải là một thực thể tách biệt ra khỏi thế
giới sanh tử mà chúng ta đang sống đây hay không? Niết bàn và sanh tử có phải
là hai cái biệt lập hay không?
Theo cái chìa khóa thứ
hai thì Niết bàn và sanh tử, tuy gọi là hai nhưng kỳ thực là một. Cũng như sóng
và nước. Sóng khác với nước. Nhưng ngoài sóng không có nước, ngoài nước không
có sóng. Nước và sóng tương tức, nước và sóng vô ngã.
Vì vậy cho nên đứng về
phương diện hiện tượng thì chúng ta gọi nó là thế giới sinh tử, nhưng đứng về
phương diện bản chất thì chúng ta gọi nó là Niết bàn. Cũng vậy, với cái chìa
khóa này ta có thể mở ra rất nhiều kho châu báu trong Cơ-đốc giáo.
Chúng ta hãy nhìn sâu
hơn để biết làm thế nào mà tiếp xúc được với Thượng đế. Nhiều nhà thần học
Ki-tô giáo nói rằng Thượng đế là nền tảng của hiện hữu. God is the ground of
beings. Một trong những người đó là Paul Tillich thần học gia người Đức vừa từ
trần cách đây không lâu. Theo định nghĩa đó, nếu Thượng đế là bản chất của hiện
hữu, là nền tảng của hiện hữu, thì hiện hữu là gì? Hiện hữu là những sáng tạo
phẩm của Thượng đế. Như vậy thì làm thế nào để tiếp xúc với Thượng đế nếu ta
không tiếp xúc được với tạo vật?
Chúng ta có hai chữ
Creator là tạo hóa và Creature là tạo vật. Chúng ta chỉ có thể tiếp xúc được với
Thượng đế qua tạo vật mà thôi. Cũng như chúng ta chỉ tiếp xúc được với nước qua
sóng mà thôi. Vì vậy cho nên trong khi cầu nguyện, chúng ta có thể tiếp xúc với
thế giới hiện tượng. Hiện tượng nào cũng mang theo bản chất ở trong nó. Hiện tượng
tiếng Pháp là Phénomène, và bản chất là Noumène. Phénomène nào cũng mang trong
nó bản chất của Noumène. Bản chất đó là cái thực thể.
Ví dụ khi chúng ta
nói đến Bụt Thích Ca, thì Bụt là một hiện tượng, có tên, có ngày sinh, tháng đẻ,
có cha, có mẹ, có những vùng địa dư trong đó ngài được sinh ra, đã sống, đã thực
tập, đã dạy dỗ; ngài có học trò giỏi cũng như học trò dở, và Bụt đã thương hết.
Ngày xưa Bụt có một người học trò xuất gia, học rất chậm. Vị ấy học đến mấy
tháng mà vẫn không thuộc được một bài kệ bốn câu. Nhờ bụt rất kiên nhẫn cho nên
cuối cùng vị đó cũng chứng được quả A-La-Hán, vượt lên trên nhiều người trí thức.
Đó là nhờ Bụt đã thấy trong người đệ tử chậm này cũng có Phật tánh, cũng có khả
năng thành đạo. Bụt còn thấy người phái nữ cũng có khả năng thành đạo, cho nên
Bụt đã chấp nhận phụ nữ vào trong giáo đoàn của Ngài. Đó là vì Bụt đã thấy được
cái bản chất Bụt ở trong mọi hiện tượng. Bụt là hiện tượng, nhưng bản chất của
Bụt là Phật tính (Buddhatā). Tất cả chúng ta đều có tính Bụt hay là Phật tâm.
Như vậy nếu muốn tiếp
xúc với Phật tính thì chúng ta tiếp xúc với Bụt, tức là nếu muốn tiếp xúc với bản
thể, chúng ta phải tiếp xúc với hiện tượng.
Chúng ta cũng có Phật
tính, đó là một tin rất mừng do Bụt khai mở trong kinh Pháp Hoa: "Tất cả
chúng sinh đều có khả năng thành Phật và bản chất của chúng sinh là Phật
tính". Vì vậy cho nên khi ta cầu Bụt, ta động được tới cái Phật tánh, và
khi ta cầu ta, ta cũng động tới được cái Phật tánh. Đây là điều tôi đã quán chiếu
và thấy được.
Ở Việt Nam chúng ta
thường có tục lệ cầu nguyện quỉ thần, tức là những người đã chết và đã hóa hiện
linh thiêng. Chúng ta cũng cầu nguyện tổ tiên, cầu nguyện cha mẹ đã qua đời, và
chúng ta tin chắc rằng khi chúng ta tiếp xúc được với các vị đó thì họ sẽ gởi
năng lượng tới để giúp chúng ta.
Điều này là điều đã
có hàng ngàn năm ở Việt Nam. Hễ con cháu có vấn đề là họ đốt nhang cầu nguyện
ông bà. Cầu nguyện thành công đến mức nào thì ta chưa biết, nhưng như trên đã
nói, có một phương thức cầu nguyện có thể tạo ra năng lượng nhiều hơn những
phương thức cầu nguyện khác. Đó là trong khi cầu nguyện chúng ta phải than tâm
nhất như, phải có chánh niệm, phải có định, phải có tuệ thì năng lượng của sự cầu
nguyện mới lớn.
Trong chúng ta, có những
người cầu nguyện không được thành công lắm, là tại phẩm chất của sự cầu nguyện
của họ còn yếu kém. Mình không nói phẩm chất của lời cầu nguyện mà mình nói phẩm
chất của sự cầu nguyện. Tại vì cầu nguyện theo đúng phương pháp là phải thân,
khẩu, ý hợp nhất. Cho nên đây không phải chỉ là lời cầu nguyện mà là tâm cầu
nguyện, La prière du coeur, và thân cầu nguyện, La prière du corp.
Bên phía Cơ-đốc giáo
các bạn hay nói tâm cầu nguyện nhưng chưa nói nhiều đến sự cầu nguyện của cơ thể.
Tuy vậy các bạn bên đó cũng đã biết rằng cái thân rất quan trọng. Cho nên mỗi
khi cầu nguyện, họ đều quỳ xuống, chắp tay, cúi đầu. Họ cũng biết rằng ba nghiệp
thanh tịnh, hợp nhất và mình có mặt thật sự, cả thân lẫn tâm, là một điều rất thiết
yếu cho sự cầu nguyện. Nếu cầu nguyện bằng lời không thì chưa đủ. Thiếu niệm,
thiếu định và thiếu tuệ thì cầu nguyện sẽ không thành.
Trong quá trình thực
tập tôi có khám phá ra một điều. Đó là không những chúng ta có thể cầu nguyện
được với quỉ thần, với ông bà cha mẹ, với những người đã khuất, mà đồng thời ta
cũng có thể cầu nguyện với những người đang sống. Tại vì những người đang sống cũng
có năng lượng, họ cũng có vững chãi, có thảnh thơi, có hạnh phúc. Khi đưa tâm
ta hướng về họ, thì những người đó cũng có thể hiến tặng cho ta thêm năng lượng,
nhiều hay ít là tùy vào mức vững chãi của người đó.
Điều này không phải
là chuyện hoang đường. Quý vị thấy trong tăng thân có những người tươi mát, vững
chãi, thảnh thơi. Mỗi khi mình phóng tâm tới người đó, nghĩ tới người đó, thì
mình thấy trong người mình có nhiều năng lượng hơn lên. Thỉnh thoảng tôi có một
người học trò hơi buồn, hơi thiếu vững chãi, tôi đề nghị: Con có thể vào phòng
thầy ngồi một mình được. Tại vì trong phòng tôi có năng lượng của một người thầy.
Không phải cái phòng đó có năng lượng, mà ngồi trong phòng đó thì giống như
mình đang ngồi với thầy. Mà ngồi với thầy thì thế nào cũng được một ít năng lượng
của thầy truyền qua. Đó cũng là một hình thái của sự cầu nguyện.
Trong những cơn nguy
biến, trong những lúc khó khăn, nếu tâm của mình duyên tới một người có vững
chãi, có thành thơi, một người mình tin cậy được, thì lúc đó mình có thêm năng
lượng để vượt qua những khó khăn mà mình đang trực diện. Vì vậy cho nên cầu
nguyện với những người đang còn sống là chuyện có thể thực hiện được!
Ví dụ mình có một
tăng thân có hạnh phúc, hàng ngày không làm phép lạ gì nhiều, chỉ đi thiền
hành, ăn cơm im lặng, và sống với nhau hòa hợp thôi. Trong những lúc đi xa, khi
mình thấm mệt, khi mình buồn, hay gặp khó khăn mà mình nghĩ tới tăng thân, thì
tự nhiên mình thấy hăng hái lên, có năng lượng thêm lên. Vậy thì tại sao mình chỉ
cầu nguyện với những người đã khuất? Những người đã khuất mình biết họ còn đó,
thì những người đang sống cũng đang còn đó mà!
Khi một người mà mình
gọi là chết rồi, mất rồi, thì có người nghĩ rằng người đó không còn nữa. Nhưng
theo giáo lý đạo Bụt, người đó luôn luôn còn đó. Chúng ta đừng dùng cái không
gian và thời gian ước lệ của tâm thức để nhận diện người đó. Trong lãnh vực y khoa
đã có nhiều trường hợp bác sĩ chứng nhận rằng người đó chết rồi, nhưng thực ra
thì người đó chưa chết. Ba ông bác sĩ đã tới và đã chứng thực rằng người đó đã
chết rồi, vậy mà ba bốn ngày sau người đó sống dậy! Như vậy trong ba bốn ngày
đó, người đó có hay là không có với ta?
Học đạo Bụt, chúng ta
biết rằng khi thiếu một điều kiện thì sự vật không biểu hiện được. Người kia
không tỉnh dậy để nói cười với mình là tại thiếu một điều kiện thôi, chứ không
phải là người đó không có mặt.
Năm 1964, tại một nhà
xác ở New York, một vị bác sĩ được lệnh đến làm Autopsy một xác chết để xem người
này chết vì lý do nào. Xác chết đó đã để tại nhà xác ba, bốn ngày. Ông bác sĩ cởi
áo xác chết, lấy dao bắt đầu mổ bụng người này. Khi nhát dao vừa đâm vào bụng
thì người này tỉnh lại, bật ngồi dậy và nắm cổ ông bác sĩ lắc lia, lắc lịa! Ông
bác sĩ sợ quá nên ngã lăn ra chết. Đây là chuyện có thật. Ông chết vì ông nghĩ
đây là một hồn ma báo oán. Sợ quá nên ông bị đứng tim!
Vậy thì trong ba bốn
ngày qua, người đó có mặt hay không có mặt? Ta phải nói rằng người đó có mặt
nhưng vì thiếu một diều kiện nào đó nên không sinh hoạt như người mà chúng ta gọi
là đang sống. Cái điều kiện đó có thể là một lát dao cắt vào bụng để làm cho cơ
thể hoạt động trở lại!
Vào thế kỷ thứ 9, ở
thành phố La Mã, đức Giáo Hoàng Pie IX có một người hầu cận tên là Luigi
Vittori. Điểm đặc biệt về anh chàng này là anh thường mang súng để bảo vệ đức
Giáo Hoàng lúc theo hầu cận ngài. Một hôm anh lên cơn suyễn nặng, và lăn ra chết.
Người ta để anh nằm ba bốn ngày trước khi chôn. Vị bác sĩ đến khám nghiệm tử thi
lúc đó, đã cẩn thận hơn ông bác sĩ ở New York trên đây rất nhiều.
Trước khi ký giấy chứng
thực anh này đã chết, ông đốt lên một ngọn đèn cầy, đưa vào tận mặt của anh, dí
ngọn lửa đèn cầy vào lỗ mũi của anh. Tự nhiên anh chàng rùng mình một cái và sống
lại! Hóa ra anh chàng chưa chết! Sau đó, anh chàng còn tiếp tục sống cuộc đời hầu
cận đức Giáo Hoàng được thêm mười mấy năm nữa!
Năm 1964, một cô người
Mỹ tên là Elsie Waring, 35 tuổi. Cô bị bất tỉnh, nên được đưa vào nhà thương
Willesden General Hospital, và cô không tỉnh lại. Tim cô cũng đã ngừng đập từ
lâu. Sau khi ba ông bác sĩ đến khám nghiệm, quan sát rất kỹ và đồng ý với nhau
rằng cô này đã chết, họ ký một tờ khai tử rồi ra về. Mười tiếng đồng hồ sau,
khi người ta bỏ cô vào quan tài thì cô nấc cụt một cái rồi ngồi dậy!
Những chuyện này là
những chuyện có thật, đã xảy ra rất nhiều, chúng ta có thể kể ra hàng ngàn trường
hợp. Nhiều khi người ta đã chôn sống những người mà họ gọi là đã chết. Vì vậy
cho nên ở Việt Nam, người ta không bao giờ cho phép chôn người chết sớm. Phải đợi
vài ngày, rồi đem xác chết để xuống đất, xem thử hơi lạnh của đất có thể làm
cho người chết sống dậy hay không. Hoặc người ta đem một cái áo của người chết,
leo lên mái nhà, dương ra và hô gọi ba hồn bảy vía hay chín vía của người chết
về, để may ra thì hồn người chết nghe mà trở về nhập lại vào thân xác người đó.
Người Việt Nam có tập tục làm đủ cách trước khi chôn người chết, tại vì họ
không muốn rơi vào một sự sai lầm quá lớn lao.
Vì vậy cho nên khi
ông chú của mình mà mình nghĩ là đã chết rồi, ba của mình mà mình nghĩ là đã chết
rồi, đang không có mặt giờ này, thì mình phải nghĩ lại. Vì theo lời dạy của đức
Thế Tôn thì không có gì sanh ra mà cũng không có gì mất đi. Ông chú của mình cũng
như ba của mình, có thể đang biểu hiện đâu đó nhưng vì con mắt chấp tướng của
mình mà mình không nhận diện được. Các vị luôn luôn có đó. Vì vậy mình cầu nguyện
ông chú, mình cầu nguyện ba mình, thì thế nào cũng có kết quả, tại đó là những
người mình biết. Khi mình biết rõ về một đối tượng thì sự cầu nguyện sẽ dễ có kết
quả hơn. Thay vì cầu nguyện một người mà chúng ta chưa được biết, cầu nguyện những
người mà chúng ta đã có cơ hội tiếp xúc và biết đến rất rõ khi người đó còn
sanh tiền, thì năng lượng có thể phát sinh ra một cách dễ dàng hơn và mạnh mẽ
hơn.
Thông thường, chúng
ta cầu nguyện các vị Bồ tát, các vị Bụt Thế Tôn. Theo tôi thì mỗi chúng ta có một
tri giác, một kinh nghiệm khá sâu sắc về Đức Thế Tôn, tại vì chúng ta đã học
giáo pháp của ngài, chúng ta đã học về cuộc đời của ngài, chúng ta đem những
giáo pháp của ngài ra áp dụng và chúng ta thấy có kết quả. Như vậy không phải
chúng ta chỉ thấy Bụt như là một hình tượng trên bàn thờ, mà chúng ta biết Bụt,
chúng ta tiếp xúc với Bụt ngay trong bản chất của Bụt, nghĩa là chúng ta có thể
tiếp xúc với Phật tính.
Ví dụ có một người
nào đó gặp Bụt đang đi trên núi Thứu, nhưng chưa biết gì về đời sống của ngài,
về tâm của ngài, về giáo lý của ngài và vẻ hạnh phúc của ngài, thì tuy người đó
có nhìn thấy trực tiếp hình dáng Bụt đang đi, nhưng họ không có một tri giác
sâu sắc về Bụt. Còn chúng ta, tuy chưa bao giờ thấy hình dáng đó, nhưng chúng
ta đã tiếp xúc sâu sắc hơn với Bụt, tại vì chúng ta đã biết được trái tim của Bụt
qua sự học hỏi và tu tập của chúng ta. Bụt ở ngay tại đây, chúng ta không cần
đi về núi Thứu. Dù họ quảng cáo cách nào đi nữa thì chúng ta cũng không bị đánh
lừa, tại vì chúng ta đã biết rằng Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, có nghĩa
là những gì chỉ có tướng đều là một sự đánh lừa.
Đối với tôi thì Bụt
không còn là một cái tướng nữa, một cái tên nữa, mà là một thực tại, vì tôi sống
với Bụt hàng ngày. Ăn cơm, tôi cũng ngồi ăn với ngài, đi bộ, tôi cũng đi với
ngài, và ngay trong giờ phút nói Pháp thoại này, tôi cũng đang sống với ngài. Nếu
đem đổi Bụt bản chất này với một hình dáng Bụt, thì tôi sẽ không đổi. Chúng ta không
vội vã ghi tên vào hãng du lịch để bay qua Ấn Độ, leo lên núi Thứu, là vì vậy.
Chúng ta đã có Bụt ngay tại đây. Mỗi khi đi thiền hành, chúng ta có thể nắm lấy
tay Bụt để cùng đi. Đó là ý nghĩa của câu Đi
chơi trong bản môn, tay ta nắm tay người.
Với đức Bồ tát Quán
Thế Âm, với đức Bồ tát Địa Tạng, với đức Bồ tát Phổ Hiền cũng vậy. Người ta có
thể nói các vị Bồ tát đó không có một sự thật lịch sử, nhưng mình không cần điều
đó, tại vì mình biết rằng bản chất của Bồ tát Quán Thế Âm là tình thương. Mà
tình thương là cái gì có thật ở trên đời này. Với hình tướng này hay hình tướng
khác, là đàn bà hay đàn ông, là em bé hay nhà chính trị, hễ tình thương có mặt
là có mặt Bồ tát Quán Thế Âm. Thành ra nhà sử học không thể nào làm cho tôi mất
niềm tin nơi đức Quán Thế Âm Bồ tát được. Tại vì tôi đã biết quá rõ rằng tình
thương là một cái gì có thật, và tình thương được biểu hiện trên rất nhiều hình
thức.
Ở Hòa Lan có một phụ
nữ, bên ngoài không giống Bồ tát Quán Thế Âm như ảnh tượng có sẵn trong tâm của
mình. Nhưng đích thực Quán Thế Âm Bồ tát là người đó. Trong thế chiến thứ hai,
người đàn bà này, một mình đã cứu được ít nhất là 30 ngàn người Do thái khỏi phải
đi vào lò hơi ngạt của người phát xít. Một người mà có thể làm được công việc
chuyển người đi để họ khỏi bị tàn sát, thì người đó là ai nếu không phải là đức
Quán Thế Âm Bồ tát? Dù người ấy là da trắng hay là da đen, da vàng hay là da đỏ,
đàn ông hay là đàn bà thì mình cũng phải gọi người đó là một hiện thân của Bồ
tát Quán Thế Âm. Bà ta hiện còn sống và lần này sang Hòa-lan, các thị giả của
tôi sẽ được gặp người đó. Trong thời chiến tranh Việt Nam, có rất nhiều cô nhi
Việt Nam mất cha, mất mẹ, đã được người đó nuôi dưỡng.
Tôi đã cầu nguyện Bụt,
tôi đã cầu nguyện đức Bồ tát, tôi đã cầu nguyện tổ tiên, tôi đã cầu nguyện cha,
tôi đã cầu nguyện mẹ. Mỗi khi cầu nguyện, tôi biết rằng tôi tiếp xúc được với
cái năng lượng của Nhất tâm qua các vị đó. Qua Bụt cũng có, qua Bồ tát cũng có,
qua tổ tiên cũng có, qua cha cũng có, qua mẹ cũng có. Vì vậy cho nên quý vị có
thể cầu nguyện cha và mẹ của quý vị. Dù cha mẹ còn sống, cha mẹ vẫn có thể tiếp
trợ năng lượng cho quý vị. Nếu cha mẹ đã qua đời, mình cũng có thể cầu nguyện:
Mẹ ơi, mẹ giúp con. Mẹ ơi, mẹ giúp em con. Ba ơi ba giúp con với, thì mình vẫn
tiếp nhận được thêm năng lượng.
Đã có khi tôi cầu
nguyện với cả học trò của tôi! Tại vì học trò của tôi, có người có rất nhiều
năng lượng của sự vững chãi, của sự thảnh thơi, của sự hạnh phúc, và tôi cần tới
họ như những đối tượng cầu nguyện. Tôi cũng đã cầu nguyện tăng thân mọi nơi của
tôi, tại vì tăng than cũng có những chất liệu đó.
Vậy thì cái chìa khóa
thứ ba trong chùm Tam Pháp Ấn, chìa khóa niết bàn có thể mở ra thêm cho ta một
cánh cửa: Chúng ta có thể tiếp xúc được với thế giới hiện tượng. Nếu chúng ta
biết tiếp xúc sâu sắc và nhận diện cái tính cách vững chãi thảnh thơi và tươi
mát của những hiện tượng đó, thì qua thế giới hiện tượng, chúng ta có thể tiếp
xúc được với thế giới của bản thể, thế giới của niết bàn. Vì vậy cho nên chúng
ta cũng có thể cầu nguyện được với cây tùng, với mặt trăng, với các vì sao. Cây
tùng khá vững chãi, mặt trăng rất đúng hẹn, và những vì sao kia luôn luôn có mặt
cho mình, thảnh thơi, trong sáng.
Cho nên không những ta
cầu nguyện được với Bụt, với Bồ tát, với thánh tăng, với tổ tiên cha mẹ, và với
tăng thân, mà chúng ta còn có thể cầu nguyện với cây tùng, với tảng đá. Có
nghĩa là nếu chúng ta tiếp xúc được với cây tùng một cách sâu sắc, thì chúng ta
tiếp xúc được với cái nhất tâm, tiếp xúc được với Thượng đế. Mà tiếp xúc được với
Thượng đế thì ngài có thể truyền cho chúng ta năng lượng. Vì vậy cho nên cây
tùng cũng có thể truyền cho chúng ta năng lượng của Thượng đế.
Có một ông thầy tu
Cơ-đốc giáo tên là Jean François d'Assise, trong một mùa Đông cây cối hoàn toàn
trụi lá, đi thiền hành và gặp một cây hạnh nhân. Ông dừng lại trước cây hạnh
nhân để thở và cầu nguyện: Cây hạnh nhân ơi! Cây hãy nói cho tôi nghe về Thượng
đế đi. Thì tự nhiên cây hạnh nhân nở hoa đầy cả các cành, ngay trong mùa Đông giá
buốt!
Trong thế giới tích
môn thì cây hạnh nhân chưa có hoa, nhưng trong thế giới bản môn thì cây hạnh
nhân đã có hoa từ muôn thủa. Đứng về phương diện tích môn thì chúng ta chưa
thành Bụt, nhưng đứng về phương diện bản môn, chúng ta đã là Bụt. Vì vậy cho
nên tiếp xúc được với cây hạnh nhân thì chúng ta có thể tiếp xúc được với Thượng
đế.
Cho nên đừng đi tìm một
Thượng đế trừu tượng, đừng cầu nguyện Thượng đế như một ý niệm trừu tượng. Đó
là một điều rất quan trọng. Phải đến với Thượng đế qua những gì rất cụ thể, đó
là những biểu tượng của Thượng đế trong tích môn. Giáo lý của Giáo hội Chính thống
(Eglise Orthodox), có nói rất rõ rằng: Con người cũng có chất thánh của Thượng
đế và cũng cùng chia sẻ cái bản chất thánh thiện đó của Thượng đế. Lúc đầu tuy
cầu nguyện chưa giỏi, nhưng chúng ta đã bắt đầu có năng lượng. Từ từ thực tập
thêm về giới, về định, về tuệ, thì sự cầu nguyện của chúng ta sẽ có nhiều hùng
lực hơn lên.
Chúng ta còn biết rằng,
trong truyền thống đạo Bụt, cầu nguyện với tính cách tăng thân mạnh hơn cầu
nguyện với tính cách cá nhân rất nhiều. Sau khi thầy Mục Kiền Liên khám phá ra
mẹ mình đang đau khổ, thầy rất buồn. Bụt đã dạy cho thầy cách nương tựa vào sức
chú nguyện của tăng đoàn. Mình có sức chú nguyện, mình cũng có thể gởi tinh lực
của mình về Phật tâm. Nhưng nếu có hai người như mình, nếu có năm người như
mình, nếu có 100 người như mình trong tăng thân đồng thời cùng thực tập việc gởi
tinh lực đó, thì mình sẽ dễ thành công hơn. Cho nên những lúc đại chúng cầu nguyện
cho mẹ mình, cầu nguyện cho cha mình, là những lúc rất quan trọng cho đời mình.
Mình là một trong số những người đó, sự nhất tâm của mình là cái chìa khóa, và
sự nhất tâm của những người bạn tu trong tăng thân, lại là một cái chìa khóa lớn
hơn để mở cửa pháp thân. Khi một tăng thân một trăm người hay một ngàn người
cùng thực tập ba nghiệp thanh tịnh, thân tâm hợp nhất để gởi năng lượng, thì
cái năng lượng đó sẽ rất lớn, sẽ rất hùng mạnh, có thể chuyển đổi được tình trạng
mà đạo Bụt gọi là nghiệp, như trong câu kinh Cầu xin chuyển nghiệp ta bà.
Có thể khi đó là một
trường hợp rất khó và chúng ta cần tới một năng lượng mạnh hơn nữa. Nhưng dù
sao thì cái năng lượng mà chúng ta gởi đi đã là một cái gì rồi. Nếu chúng ta có
một tăng thân vững chãi, thảnh thơi cùng hộ niệm, thì cái năng lượng tạo được
chắc chắn sẽ lớn hơn.
Đôi lúc, khi cầu nguyện
mình thấy lời cầu nguyện có hiệu quả, giống như Thượng đế nói "Được",
Yes! Đôi khi chúng ta đạt tới một kết quả gọi là "Chưa được", Not
yet! Đôi khi chúng ta nhận được một kết quả gọi là "Có thể", Maybe!
Đôi khi chúng ta nhận được một câu trả lời gọi là "Không", No! Tuy vậy,
chúng ta phải biết rằng đây không phải là sự từ chối của Thượng đế, của Bụt, của
Bồ tát, mà vì cái năng lượng gởi đi chưa đủ mạnh để chuyển đổi tình trạng.
Chúng ta cần thêm một hay hai điều kiện khác nữa.
Nói rõ ra, cầu nguyện
bao giờ cũng có kết quả, nhưng cái mức thành công của sự cầu nguyện khác nhau. Khi
câu trả lời là "không" thì chưa chắc đã là không có hiệu quả! Đã có hiệu
quả rồi, nhưng mình không thấy được, cho nên mình cho là không. Tại vì mình đâu
biết được cái nhu yếu đích thực của mình?
Trong khi đó thì cái
Tâm thức cộng đồng, cái nhất tâm hay là Thượng đế, biết rõ hơn mình, biết cái
gì tốt cho mình hơn, cho nên mình đã được cái đó, và đã không được cái mà mình
cầu xin.
Ví dụ khi cầu cho
mình thi đậu. Mình cầu nguyện nhiều quá mà mình vẫn không đậu, cho nên mình nói
rằng sự cầu nguyện của mình không có kết quả. Tuy vậy, trong sự thi rớt đó có
thể có sự sắp đặt. Ví dụ nếu hỏng kỳ này thì kỳ sau mình sẽ vững chãi hơn, dễ
thành đạthơn trên đường đời. Chuyện này đã xảy ra nhiều lần, nhất là trong lịch
sử thi cử ở Việt Nam.
Hồi đó có một chàng
trai rất thông minh. Chàng đi thi và làm bài đáng được chấm đậu thủ khoa, nhưng
các quan trường đã bàn với nhau rằng thí sinh này giỏi thật, nhưng chàng ta còn
trẻ quá. Nếu cho đậu cao khóa này thì sợ lòng hiếu thắng của chàng chưa được
mài giũa. Vì vậy kỳ này nên đánh hỏng chàng đi, và kỳ sau sẽ cho chàng đậu đầu.
Vì vậy các quan trường cho chàng hỏng thi! Rất là oan ức cho chàng!
Nhìn bề ngoài thì giống
như là một sự oan ức, nhưng quốc gia đào tạo người là để có người giỏi về mọi mặt.
Không phải chỉ giỏi về phương diện trí thức, mà còn giỏi về phương diện đức hạnh
nữa. Các quan trường đã hành động theo nguyên tắc đó, đã giúp mài giũa cái hiếu
thắng của người sĩ tử kia. Nếu chàng ta có chí lớn thì chờ thêm ba năm nữa để dự
khóa thi kế cũng không đến nỗi gì. Đối với tuổi còn trẻ của chàng thì đâu có vấn
đề? Người ta phải có chí rất lớn, người ta phải có hoài bão cao, thì người ta mới
trở thành một vị Bồ tát để hóa độ quần sanh, hoặc mới trở thành một người tài đức
để giúp dân giúp nước được. Kỳ thi ba năm sau đó, chàng sĩ tử kia đậu thủ khoa,
và khi vào kinh dự Đình Thí, đã đậu Thám hoa và đã trở nên một người rất hữu dụng
cho đất nước. Khi thi rớt, anh chàng có thể đã đau khổ, nhưng chàng đã không biết
rằng tất cả những cái đó là để cho mình lớn hơn lên, giỏi hơn lên mà thôi.
Khi cầu nguyện cũng vậy,
chúng ta tưởng là mình không nhận được điều mình cầu nguyện. Nhưng chúng ta
không biết rằng mình có thể sẽ nhận được một điều khác, lớn hay nhỏ là còn tùy.
Tại vì cái nhất tâm, cái Phật tánh biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta, biết rõ
điều nào tốt cho chúng ta hơn. Cái tuệ giác của chúng ta đang còn nhỏ, chúng ta
chưa biết đủ.
Cầu Nguyện Trong Đạo Ki-Tô
Sau khi phân tích
phương cách cầu nguyện trong đạo Bụt qua bài Đệ tử kính lạy, bây giờ chúng ta
hãy đọc vài câu trong bài Lạy Cha, một bài cầu nguyện rất phổ thông của các tín
hữu Cơ-đốc giáo:
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyền danh Cha cả
sáng, nước Cha trị đến (Our Father in Heaven, Hallowed be your Name, your
Kingdom come, your will be done, on earth as it is in heaven - Tiếng Pháp là
Notre Père qui es aux Cieux, que ton nom soit sanctifié).
Trong những câu kinh
trên, nếu mình nhìn bằng con mắt của người Phật tử biết quán chiếu, thì ở đây
mình thấy rằng mình đang thực tập để tiếp xúc với bản môn. Mình đang đi tìm kiếm
gì? Tìm một cái rất lớn. Không phải cái nho nhỏ như Lạy Chúa hôm nay cho trời nắng
để chúng con đi picnic. Mình không phải chỉ đi tìm những hạt đậu phụng nho nhỏ
mà mình đi kiếm một cái gì thật lớn. Cái đó gọi là Nước Chúa. Mục tiêu đầu tiên
của sự cầu nguyện là tìm cầu nước Chúa.
Lạy Cha chúng con ở
trên trời, tức là cái bản thể của mình nó nằm ở bản môn. Trên trời có nghĩa là
không nằm ở bình diện thế giới hiện tượng. Chúng ta không thể đem Thiên Chúa,
đem Thượng đế ra để so sánh với những vật thụ tạo! Chúng ta không thể đem Thiên
Chúa để một bên con sông, hay đặt cạnh một trái núi, rồi nói đây là Thiên Chúa,
còn đây là trái núi. Cũng như chúng ta không đem nước ra so sánh với đợt sóng
được, vì một bên là bản thể và một bên là hiện tượng. Chúng ta có thể đem một đợt
sóng này để so sánh với một đợt song khác, nhưng chúng ta không thể đem nước để
so sánh với sóng.
Chúng ta có thể đem
nước để so sánh với tuyết, với mây. Nhưng chúng ta không thể đem H2O để so sánh
với nước, với tuyết hay với mây. Tại vì một bên là tướng, còn một bên là tánh.
Một bên là hiện tượng (nước, tuyết, mây), một bên là bản thể (H2O). Bản thể,
tuy nó là bản chất của hiện tượng nhưng không thể đặt chúng ngang hàng với hiện
tượng. Tại vì nó là bản thể, và bất cứ một danh từ, tĩnh từ hoặc một hình dung
từ nào cũng không thể dùng để dặt tên hoặc miêu tả cho bản thể đó được. Mình gọi
là Thượng đế, mình gọi là Allah, là Đấng sáng tạo... thì chỉ là những cách gọi
mà thôi. Tất cả những danh từ và những ý niệm mình có về Thượng đế, đều vô hiệu
trong ý muốn diễn tả Thượng đế. Niết bàn cũng vậy. Niết bàn là một thực tại mà
ta có thể tiếp xúc và sống được với, nhưng niết bàn không phải là một tên gọi.
Tên "niết bàn" chỉ là một tên gọi tạm thời. Niết bàn có nghĩa là sự tắt
ngấm, sự tắt ngấm của tất cả ý niệm, sự tắt ngấm luôn của tất cả các danh từ.
Vì vậy cho dù chúng ta gọi là God, hay Dieu, hay Thượng đế, hay Allah thì đó chỉ
là những cái tên, và những cái tên đó không đủ sức để dung chứa cái thực tại
nhiệm mầu kia mà có khi ta gọi Cái chân như, hoặc Cái bản môn. Có khi chúng ta
gọi niết bàn là vững chãi, là thảnh thơi. Nhưng niết bàn còn hơn thế nhiều nhiều
nữa.
Lạy Cha chúng con ở
trên trời, chúng con nguyền danh Cha cả sáng. Chúng ta đâu muốn Thượng đế nổi
tiếng trong xã hội loài người, bởi vì Thượng đế đâu có cần nổi tiếng như một cô
đào chiếu bóng, hay là một ông tổng thống? Thượng đế đâu có phải là những hạt đậu
phụng để chúng ta tranh giành? Thượng đế cũng đâu có muốn tranh đua với chúng
ta để nổi tiếng hơn chúng ta đâu? Danh cha cả sáng tức là sự tiếp xúc được với
thực tại nhiệm mầu của bản thể. Phải thoát ra khỏi danh thì mới nắm được cái
sáng chân thật.
Đạo Đức Kinh nói rằng:
Đạo khả đạo, phi thường đạo.
Danh khả danh, phi thường danh.
có nghĩa là cái đạo
mà còn có thể đàm luận được thì chưa phải là đạo chân thường. Cái tên mà có thể
gọi được tên thì chưa phải là tên chân thường. Vậy thì "Danh Cha cả
sáng" là thứ danh đó, cái danh mà không thể gọi được, bất khả tư, bất khả
nghị, bất khả thuyết. Cái đó mới đúng là Thượng đế.
Người Cơ-đốc giáo
cũng vậy, trong khi cầu nguyện cũng phải biết rằng có những cái thứ tự, có những
cái ưu tiên, và niềm ao ước, lớn nhất, nỗi ưu tư lớn nhất của người hành đạo là
đạt tới bản môn, đạt tới sự sống không sinh, không diệt. Đó là Thượng đế, đó là
nước Chúa.
Trong khi chúng ta đi
thiền hành, ngồi ăn cơm im lặng, là chúng ta muốn niết bàn có mặt, muốn niết
bàn đến với chúng ta trong giây phút hiện tại. Sự cầu nguyện của các bạn Ki-tô
cũng như vậy. Họ ăn Bánh thánh, họ làm lễ cưới, họ làm đám ma, họ hát thánh ca,
tất cả những điều đó đều là những lời cầu nguyện để cho nước Cha trị đến (Que
ton règne vienne - Your Kingdom come), tức là để cho nước Chúa có mặt trong
giây phút hiện tại. Đem bản môn về có mặt trong tích môn và chúng ta sống được
trong cả hai mặt. Vừa sống được trong bản môn, vừa sống được trong tích môn.
Ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời (Your will be done, on Earth as it is in Heaven). Cái bất
sanh bất diệt đó, cái hạnh phúc, cái vững chãi, cái thảnh thơi đó, nó không phải
chỉ nằm ở bản môn mà nó còn nằm ở tích môn nữa. Đó là nhờ cái chìa khóa của đạo
Bụt, nhờ ba cái chìa khóa trong chùm Tam pháp ấn mà mình mới thấy được rằng cái
vững chãi, cái thảnh thơi, cái bất sanh bất diệt kia không phải chỉ tìm được
trong niết bàn, mà còn được tìm thấy ngay trong sinh diệt, trên trời cũng như ở
dưới đất này. Cũng vì vậy mà một thiền sư Việt Nam, khi đệ tử hỏi: Con đi tìm sự
bất sinh bất diệt ở đâu? thì vị đó trả lời rất rõ ràng: Con đi tìm sự bất sinh
bất diệt ngay trong chỗ sinh diệt. Tìm nước ngay trong sóng, rất là rõ ràng!
Cho nên chúng ta nói rằng Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, là điều lớn
nhất của sự cầu nguyện trong đạo Ki-tô.
Xin Cha cho chúng con
hôm nay lương thực hàng ngày, (Donnez nous aujourd'hui notre pain de ce jour).
Bản dịch tiếng Pháp rất hay. Câu này là một sự thực tập chánh niệm. Con không
đòi phải có lương thực cho ngày mai, ngày mốt và nhiều năm tháng sắp tới. Con
chỉ xin có thức ăn trong ngày hôm nay mà thôi. Con muốn sống sâu sắc trong giây
phút hiện tại. Give us this day our daily bread (Donne nous aujourd'hui notre
pain de ce jour). Câu dịch tiếng Anh không hay bằng câu dịch tiếng Pháp. Notre
pain không phải de tous les jours mà de ce jour, rất hay! Chữ aujourd'hui đã
hay rồi, nhưng chữ "de ce jour" lại càng hay hơn. Cũng như kinh Bụt
nói rằng "Sắc tức thị không" thì chưa đủ, mà phải nói "Không tức
thị sắc" nữa thì mới trọn vẹn. Cũng vì lý do đó, cũng trong nghĩa đó mà
quý vị thường nghe tôi dùng nhiều lời khác nhau để giải thích cùng một ý trong
những bài pháp thoại.
Trong đời sống hàng
ngày, chúng ta có nhiều lo lắng, chúng ta tham lam, muốn tích trữ. Chúng ta
không biết rằng giây phút hiện tại là quan trọng. Sự sống chỉ có mặt trong giây
phút hiện tại. Nếu chúng ta chỉ lo đầu tư cho ngày mai là chúng ta có thể bỏ
quên sự sống mầu nhiệm trong giờ phút hiện tại. Vì vậy cho nên chúng ta phải trở
về với giây phút hiện tại để sống cho sâu sắc, cho đàng hoàng. Sống như thế nào
để nước Chúa có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là một lời cầu nguyện phải
được thực tập 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tại vì muốn sống trong giây phút hiện
tại và sống sâu sắc trong mỗi giây mỗi phút, thì lời cầu nguyện đó đâu có phải
chỉ để trước khi đi ngủ mới được đọc lên? Phải đọc cả ngày chứ!
Chúng ta có đủ những
điều kiện để có hạnh phúc ngày hôm nay, chúng ta phải cầu nguyện như thế nào để
chúng ta có thể tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đó trong ta và
chung quanh ta. Chúng đang có sẵn. Chúng ta đừng tham lam, đừng đòi hỏi sự sống
kéo dài đời đời! Sự sống đời đời làm sao có được nếu ngay trong giờ phút hiện tại
không có sự sống?
Tha nợ cho chúng con
như chúng con cũng tha nợ cho kẻ nợ chúng con vậy (Pardonnez-nous nos offenses,
come nous pardonnons aussi à ce qui nous ont offensés - And forgive us our
debits as we have also forgiven our debtors). Những món nợ nói đây là những lầm
lỗi mà chúng ta đã làm đối với người thương của chúng ta. Chúng ta đã nói một
câu, chúng ta đã làm một hành động, chúng ta đã có một tư tưởng. Câu nói, hành
động và tư tưởng ấy đã gây khổ đau cho người kia, và đó là những món nợ sâu dày
của chúng ta.
Sống như thế nào để mỗi
ngày ta có thể tha thứ được cho những người khác, vì họ chưa có đủ chánh niệm,
họ chưa có đủ hiểu biết, họ chưa có đủ thương yêu, họ còn có những tri giác sai
lầm, và chúng ta phải buông bỏ. Tại vì chúng ta cũng đã lầm lỡ như vậy đối với
những người khác. Nếu chúng ta muốn đức Chúa Trời bỏ qua cho chúng ta thì chúng
ta cũng phải bỏ qua cho những người khác, những lỗi lầm, những nợ nần mà họ đã
gây ra. Trong đời sống, chúng ta có thể đã làm những lỗi lầm đối với cha mẹ, với
anh em, với bè bạn, và chúng ta muốn được tha thứ. Vì vậy cho nên chúng ta phải
tha thứ những thiếu sót, những vụng dại, những lỗi lầm, trước tiên là của những
người trong gia đình huyết thống của chúng ta.
Đó là một sự thực tập,
đó là một sự cầu nguyện, cầu nguyện bằng hành động, bằng sự sống. Nên nhớ rằng
những lời cầu nguyện này là do chính Chúa Ki-tô dạy cho tín đồ, chứ không phải
do những con chiên của Chúa sáng tác ra.
Nhiều khi chúng ta cầu
nguyện cũng đã khá rồi, nhưng trong đó chúng ta chưa biết được cái nghệ thuật cầu
nguyện sâu sắc nhất. Chúng ta có vấn đề, chúng ta gọi Bụt, gọi Bồ tát, gọi Thượng
đế tới cứu độ chúng ta. Điều đó không sao hết, chúng ta có quyền làm. Nhưng những
lời cầu nguyện đó chúng ta đã không làm dưới bối cảnh của những lời cầu nguyện
lớn, tức là cầu nguyện như thế nào để vượt thoát sinh tử.
Thường thường khi cầu
nguyện, gần như mình muốn nhờ Bụt làm chuyện mà mình không làm được, nhờ Thượng
đế làm chuyện mà mình không làm được: Thượng đế ơi, người thương của con đang bị
nghẹt tim, xin Thượng đế cứu người thương của con ra khỏi tình trạng nguy ngập
đó! Chúng ta gởi cho Thượng đế những thông điệp như thế. Hoặc là "Thượng đế
ơi! Ảnh bị ung thư! Xin Thượng đế chữa lành cho ảnh."
Theo nguyên tắc, Thượng đế biết ngài cần làm gì, nhưng thường thường thì ta chỉ muốn ra toa cho Thượng đế thôi! Làm như là ngài không biết, cho nên mình phải nói rõ ra đó là ung thư, hay đó là đứng tim. Cái nhất tâm kia thật ra nó sáng suốt hơn mình nhiều lắm! Buồn cười hơn nữa, nhiều khi mình mặc cả với Bụt, với Thượng đế: Lạy Bụt, nếu Bụt cho con cái đó thì con sẽ cạo đầu, con sẽ ăn chay ba tháng! Đúng là mình trả giá! Hoặc có khi ta "ra giá" rõ ràng hơn: Nếu con của con thi đậu thì con sẽ đi cúng 10 chùa!
Có một lần cách đây
mười mấy năm, tôi nghe sư cô Chân Không cầu nguyện một điều tương tự như vậy: Lạy
Bụt làm sao cho thầy con sống lâu thêm, tại vì nếu thầy con sống lâu thêm thì rất
nhiều người được hưởng cái lợi lạc của chánh pháp. Dù sao thì trong lời cầu
nguyện đó cũng có ý trao đổi: Có nhiều người được chánh pháp và tu tập, tức là
có lợi cho Bụt, thành ra tốt hơn hết là Bụt nên cho thầy con sống lâu hơn! Trái
tim của sư cô rất lớn khi cầu nguyện như vậy. Hình như sư cô nghĩ rằng điểm yếu
của Bụt là muốn cho giáo pháp được trường tồn, muốn nhiều người được cứu độ,
cho nên sư cô mới dùng cái cán cân đó. Lạy Bụt, nếu Bụt để cho thầy con sống
thêm 10 năm nữa thì không biết bao nhiêu người sẽ được thừa hưởng sự dạy dỗ của
thầy con. Có phải đó là một hình thái mặc cả không, tuy rằng nó không thô bằng
chuyện "Nếu con của con thi đậu thì con sẽ cúng 10 chùa, hay là con sẽ cạo
đầu." Làm như khi mình cạo đầu thì Bụt sẽ có lời lắm!
Nếu quan chiếu sâu
hơn chút nữa về lời cầu nguyện của sư cô Chân Không, mình sẽ thấy một điều nữa
cũng rất dễ thương nhưng sư cô đã không nói điều ấy ra. Đó là sư cô nghĩ rằng thầy
là người nương tựa của mình, mình chưa đủ vững chãi mà nếu thầy mình không còn với
mình nữa, thì mình sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng! Cho nên sư cô Chân Không cũng có
cái tâm trạng như tất cả các sư em của sư cô: Muốn cho thầy sống càng lâu càng
tốt. Vì vậy trong lời cầu nguyện đó có một chút vị kỷ, đó là muốn mình đừng bị
bơ vơ, muốn mình có nơi nương tựa lâu dài hơn. Có phải như vậy không các sư cô
Phúc Nghiêm và Thiều Nghiêm? Có phải các con cũng muốn cho thầy sống thêm, sống
càng lâu càng tốt để cho nhiều người được lợi lạc, và để các con còn có chỗ
nương tựa không? Mới xuất gia chưa lâu mà sư ông đã tịch thì rầu quá!
Lối cầu nguyện ấy
cũng dễ thương, cũng tốt. Nhưng khi cầu nguyện mà mình biết quán chiếu thì mình
sẽ biết được chiều sâu của tâm mình. Cầu nguyện như vậy nghe rất cảm động,
nhưng mình phải quán chiếu thêm để thấy rõ rằng dù mình là người đạo Bụt hay đạo
Ki-tô thì trong khi cầu nguyện mình cũng thường có khuynh hướng muốn mặc cả với
Thượng đế, với Bụt, dù mặc cả một cách rất dễ thương.
Your Kingdom come. Chữ
Kingdom, nước Cha trị, là dịch từ chữ Basileia. Kingdom có thể dịch bằng ba
cách: Một là royaume tức là Vương quốc, là nước Chúa. Đó là đứng về phương diện
tướng.
Thứ hai, Kingdom cũng
có thể dịch là royauté tức là tính chất của Vương quốc, La nature du royaume, tại
vì cái Vương quốc đó nó có tính chất của hạnh phúc, của vĩnh cửu, của an lạc.
Tiếng Anh là Kingdomness, The nature of the Kingdom, cái thể của tướng. Royauté
là cái thể còn Royaume là cái tướng. Cũng như trong tiếng Anh, Kingdom là cái
tướng và Kingdomness là cái thể. Thể là niết bàn, tướng là cái thể tướng sinh
diệt, tức là có tướng và có tánh.
Cách dịch thứ ba là
règne, tức là trị, cái hành động trị, tức là làm thế nào để cho nước đó, đời sống
trong đó diễn biến ra. Règne là thuộc về hành động. Như vậy thì Royaume là thuộc
về tướng (tích môn); Royauté là thuộc về bản thể (bản môn); và Règne là thuộc về
hành động (hạnh môn).
Bản môn, the ultimate
dimension - dimention de l'utile (Royauté), là niết bàn, là Ground of Being.
Tích môn, the historical dimension - dimention historique (Royal), là nước
Chúa, là Beings, là thế giới hiện tượng, là thế giới sinh tử. Trong thế giới
sinh tử có sự có mặt của niết bàn. Cuối cùng là Hạnh môn, The dimension of
action - Dimension de l'action (Règne), The functioning of the Kingdom, đó là
trị, nước Cha trị an, làm thế nào để cõi nước đó có an lạc, có hạnh phúc, người
trong nước đó phải biết sống như thế nào để có an lạc, có hạnh phúc. Cái đó là
hạnh. Bản môn thuộc về thể, tích môn thuộc về tướng, và hạnh môn thuộc về dụng.
Tông Thiên Thai mà đại
biểu là thầy Trí Giả, đã nghiên cứu kinh Pháp Hoa và chia kinh ra làm hai môn
là Tích môn và Bản môn, mà không đề cập đến Hạnh môn. Tuy vậy trong kinh Pháp
Hoa có những phẩm nói về các vị Bồ tát lớn như Thường Bất Khinh, Dược Vương, DượcThượng,
Diệu Âm, Quán Thế Âm v.v... Những phẩm đó nói về môn thứ ba là Hạnh môn. Làng
Mai chúng ta đã khám phá ra rằng cái khía cạnh thứ ba, khía cạnh Hạnh môn rất
quan trọng. Đem đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho thế giới ta bà trở nên tịnh độ,
là công tác của các vị Bồ tát. Cho nên Làng Mai đã đề nghị đưa thêm phần Hạnh
môn vào kinh Pháp Hoa và xếp đặt lại thứ tự các phẩm của kinh để chia thành ba
phần là Tích môn, Bản môn và Hạnh môn [1].
[1]. Xem Sen Nở Trời Phương Ngoại, Nhất Hạnh, Lá Bối San Jose,
2001.
Xem Tiếp Chương 3 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá