Chương 2. Kiến Giải Pháp Hoa Kinh

Chương 2. Kiến Giải Pháp Hoa Kinh

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sen Nở Trời Phương Ngoại

Chương 2. Kiến Giải Pháp Hoa Kinh

Phẩm 1 & 2




Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sen Nở Trời Phương Ngoại' ê


Không như kinh Duy Ma, kinh Pháp Hoa có nhiều nguyên bản bằng tiếng Phạn còn được duy trì cho tới ngày nay. Người ta tìm được rất nhiều bản Phạn ngữ từ Nepal, Kashmir (Pakistan), và từ Trung Á (Central Asia). Cũng có bản được tìm thấy ở Tây Tạng, và gần đây có một bản được tìm ra ở Khotan (còn gọi là Kustana ở Turkestan, trung tâm Phật giáo phồn thịnh nhất ở Trung Á cho đến khi bị người Hồi xâm chiếm. Đạo Bụt được du nhập vào đất này từ khoảng thế kỷ thứ hai trước tây lịch).

Về bản dịch bằng tiếng Hán, nghe nói tất cả có đến 17 bản. Có những bản dịch đủ, có những bản dịch thiếu, nhưng trong Đại Tạng, bây giờ chỉ có ba bản là đầy đủ, và bản dịch lưu loát nhất là bản dịch của thầy Cưu-Ma La-Thập (KumẠrajiva). Khi đọc tác phẩm Đại Trí Độ Luận của Thầy Long Thọ, ta thấy rằng bản kinh Pháp Hoa mà Thầy Long Thọ sử dụng là một bản nằm giữa bản của Thầy La Thập dịch và bản của Thầy Pháp Hộ dịch, tên là Chánh Pháp Hoa Kinh. Khi nghiên cứu hai bản này bằng chữ Hán, ta thấy bản mà chúng ta đọc ở trong Đại Trí Độ Luận, tuổi tác của nó nằm giữa nguyên bản tiếng Phạn mà thầy La Thập dùng, và nguyên bản tiếng Phạn mà thầy Pháp Hộ dùng.

Nên biết rằng có nhiều nguyên bản tiếng Phạn của kinh Pháp Hoa, có những bản còn trẻ, có bản đã rất già. Kinh Pháp Hoa đã mọc lên như một cây đại thụ, và các thầy đã dịch từ những nguyên bản khác nhau, Thầy Cưu-Ma-La-Thập căn cứ vào một bản, còn thầy Pháp Hộ dịch từ một bản khác.

Đứng về phương diện thể tài tức là hình thức trình bày, thì kinh Pháp Hoa cũng thừa hưởng được hình thức của kinh Duy Ma, nghĩa là trình bày như là một vở kịch, có nhiều màn khác nhau, rất là hấp dẫn. Có thể còn hấp dẫn hơn kinh Duy Ma nữa, vì những màn kịch trong kinh Pháp Hoa dễ hiểu hơn, và kinh Pháp Hoa sử dụng rất nhiều ví dụ. Nghe lý thuyết cao siêu lâu quá thì đại chúng thường mỏi mệt, vì vậy mà ví dụ vừa hay, vừa hấp dẫn và vừa dễ hiểu thì người nghe dễ thâu nhận hơn. Đó là một lợi điểm của kinh Pháp Hoa.

Phẩm Thứ Nhất: Tựa

Trước hết chúng ta hãy vào viếng phẩm thứ nhất, tức là Phẩm Tựa. Ta có thể gọi phẩm này là Phẩm Tổng Tự (General Introduction). Phẩm này là một cửa ngõ để ta đi vào kinh Pháp Hoa, mở ra cho ta thấy cái không khí, cái khung cảnh trong đó kinh Pháp Hoa được thuyết giảng. Ta đã biết rằng trên bình diện tổng quát, kinh có thể được chia ra làm hai phần, một có dính líu nhiều đến Đức Bụt của lịch sử, mà người xưa thường gọi là Tích môn. Tích là những gì đã xảy ra trong thời gian, như trong danh từ di tích. Phần thứ hai nói về chân lý muôn đời, về giáo pháp vượt khỏi thời gian và không gian, trình bày cái bản chất của Pháp, gọi là Bản môn.

Khi Hội Pháp Hoa diễn ra trên Núi Thứu, ta biết nó đã xảy ra trong Tích môn, và khi sự chú ý của đại chúng đưa lên không gian, thì ta biết rằng kinh đang trình bày Bản môn. Ta có thể nói rằng Tích môn là đứng về mặt hiện tượng mà nói, như sóng biển, còn Bản môn là đứng về phương diện bản thể mà nói, như nước biển. Trong lĩnh vực của Tích môn thì Bụt chỉ sống có 80 năm, nhưng trong lĩnh vực của Bản môn thì Ngài sống muôn đời. Nói vậy là đơn giản hóa để chúng ta dễ hiểu. Bài tựa này không phải là bài tựa riêng cho Tích môn mà là cho cả Bản môn nữa, cho nên ta gọi là tổng tự. Trong phẩm tựa này ta thấy Bụt đang ở Núi Thứu, gần thành Vương Xá. Hôm đó có mười hai ngàn khất sĩ và sáu ngàn nữ khất sĩ, trong đó có mẹ của La Hầu La, cùng với rất nhiều đại Bồ Tát cùng về tham dự Đại Hội Pháp Hoa.

Trong những kinh Đại Thừa xuất hiện lúc ban đầu mà ta gọi là Đại Thừa Nguyên Thủy, ta thấy số các vị Bồ Tát tham dự còn ít, còn số các vị Thanh văn thì nhiều. Từ từ, trong những kinh điển xuất hiện sau đó, số lượng các vị Bồ Tát nhiều lên và số lượng các vị Thanh văn ít lại. Cho nên chỉ căn cứ vào dữ kiện này thôi, ta cũng biết được tuổi của các kinh Đại Thừa.

Ngoài các vị kể trên, còn có các vị Thiên tử, Vua Trời, Long Vương, Khẩn-Na-La-Vương, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, tức là có rất nhiều giới có mặt tại Hội Pháp Hoa. Lúc đó cũng có Vua AjẠtaỐatru tức là Vua A- Xà-Thế, con của bà Vi-Đề-Hy đến tham dự. Chi tiết này cho ta thấy rằng Bụt đã nói kinh Pháp Hoa vào khoảng thời gian lúc Ngài gần nhập diệt, vì lúc đó Vua Tần-Bà-Xa-La (BimbisẠra), vua xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) đã qua đời và con Vua là Vua A-Xà-Thế có mặt. Hôm đó Bụt nói một kinh Đại Thừa gọi là kinh Vô Lượng Nghĩa. Sau khi nói xong kinh này thì Bụt nhập vào một chánh định, một Samyak-SamẠdhi gọi là Vô Lượng Nghĩa Xứ. Trong định ấy, Bụt phóng ra một luồng hào quang từ giữa chặn lông mày, chiếu sáng khắp tất cả các cõi phương Đông, chiếu luôn tới địa ngục A Tì, và phía trên thì chiếu suốt thấu tới trời Sắc Cứu Cánh. Trong lúc đó tất cả đại chúng bao quanh Bụt đều thấy những cõi ấy hiện ra rất rõ ràng, và ai ai cũng lấy làm ngạc nhiên vì những mầu nhiệm đang xảy ra quanh mình. Họ thấy tất cả các cõi ấy, và thấy các đức Bụt trong các cõi ấy đang thuyết pháp. Họ còn thấy luôn đại chúng ở các cõi ấy, có đủ khất sĩ, nữ khất sĩ, cận sự nam, cận sự nữ, mọi người đang thính pháp, và đang thực tập giống hệt như ở cõi ta bà.

Khi hiện tượng mầu nhiệm đó xảy ra thì Bồ Tát Di Lặc, tiếng Phạn là Maitreya, Ngài còn có tên là Năng-Vô-Thắng (Ajita) thầm nói, hôm nay chắc là đức Thế Tôn sắp làm một điều gì rất đặc biệt, nên Ngài mới phóng hào quang và làm ra phép lạ này. Lúc đó Bồ Tát Di Lặc mới nghĩ rằng muốn biết có điều gì sẽ xảy ra hôm nay thì ta nên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (MaựjuỐrỉ Bodhisattva), vì Bồ Tát đã từng gần gũi với Bụt và cũng đã từng phụng sự vô lượng vô số Bụt trong các đời quá khứ. Thế nào Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử cũng có thể nói cho mình nghe điều gì sắp xảy ra. Nghĩ vậy, Bồ Tát Di Lặc liền tới gần Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi và hỏi: Thưa Bồ Tát, hôm nay vì lý do gì mà Bụt hiện thần biến tướng như vậy, chắc Bồ Tát biết điều gì sẽ xảy ra trong chốc lát, xin Bồ Tát cho hay. Lúc đó Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trả lời rằng: “Trong quá khứ tôi đã có lần thấy các vị Bụt hiện thần biến tướng như thế này, phóng những luồng hào quang từ giữa chặn lông mày và chiếu đến tất cả các cõi trời, phía trên, phía dưới, và như vậy là dấu diệu hôm nay Bụt sẽ bắt đầu tuyên thuyết một bài Pháp rất quan trọng.”

“Như chỗ tôi biết thì ngày hôm nay đức Thế Tôn muốn nói một Pháp lớn, muốn làm rơi xuống một trận mưa Pháp lớn, muốn thổi vào một cái loa Pháp lớn, muốn đánh vào một trống Pháp lớn, và muốn nói một Pháp nghĩa rất lớn”. Bồ Tát Văn Thù nói thêm, “Ngày xưa, có lần tôi được thân cận một đức Bụt tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Hôm đó Bụt cũng nói Kinh Vô Lượng Nghĩa Xứ, cũng đi vào trong định, rồi trên trời cũng mưa xuống những loại hoa như Mạn Đà La, Mạn Phù Sa rồi cũng từ nhục-kế (4), Bụt phóng ra một luồng hào quang, làm sáng tỏ tất cả những cõi Bụt trên và dưới, sau đó thì Bụt thuyết kinh Pháp Hoa. Vì vậy hôm nay tôi tin rằng đức Thế Tôn, thầy của chúng ta, thế nào cũng thuyết kinh Pháp Hoa”.

Đó là đại ý của phẩm này.

Chủ ý của phẩm này là chuẩn bị tâm lý cho thính chúng, để người ta biết rằng mình sắp được nghe một Pháp rất là quan trọng, một điều rất mới mẻ mà lâu nay mình chưa được nghe. Các vị đại đệ tử, các vị Bồ Tát như Bồ Tát Di Lặc là những người đã thực tập, học hỏi rất nhiều từ Bụt, nhưng có lẽ cũng chưa được nghe pháp này lần nào. Chỉ có Bồ Tát Văn Thù là đã được nghe. Như vậy, mục đích đầu của Phẩm tựa này là dùng Tích môn để chuẩn bị tinh thần cho người nghe, để họ sẵn sàng tiếp nhận giáo pháp mầu nhiệm gọi là Diệu Pháp.

Chủ ý thứ hai có dính líu tới Bản môn, nghĩa là trong quá khứ, Bụt Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng đã từng thuyết về kinh Pháp Hoa, chuyện xảy ra hôm nay chẳng qua chỉ là sự lặp lại của chuyện hôm qua mà thôi, không có gì mới cả. Có mới là mới ở trong lịch sử đối với những người hôm nay, nhưng đứng về phương diện bản thể, vượt thời gian và không gian thì không có gì mới cả. Bụt Nhật Nguyệt Đăng Minh đã thuyết kinh Pháp Hoa, và biết đâu Bụt Nhật Nguyệt Đăng Minh ngày xưa cũng chính là Bụt Thích Ca Mâu Ni ngày nay. Sự thật thì đúng như vậy, hai đức Bụt cũng là một. Ngoài ra, giữa hai vị Bụt này còn có một vị Bụt nữa sẽ xuất hiện trong kinh, đó là Bụt Đa Bảo, ngày xưa cũng đã thuyết Pháp Hoa Kinh. Như vậy Bụt Đa Bảo ngày xưa cũng chính là Bụt Thích Ca ngày hôm nay. Đứng trên phương diện Tích môn hay lịch sử mà xét, thì Bụt Thích Ca chỉ là Bụt Thích Ca, người đang thuyết pháp vào ngày hôm nay, tại cõi ta bà này. Nhưng đứng trên phương diện Bản môn thì Bụt Thích Ca là Bụt Đa Bảo, là Bụt Nhật Nguyệt Đăng, đã từng thuyết pháp ngày xưa và chưa bao giờ ngưng thuyết pháp. Bông hoa vẫn chưa bao giờ ngừng hát ca. Quí vị có biết bài Bông thược dược của Quách Thoại không?

Đứng yên ngoài hàng dậu,

Em mỉm nụ nhiệm mầu,

Lặng nhìn em kinh ngạc,

Vừa thoáng nghe em hát,

Lời ca em thiên thâu,

Ta sụp lạy cúi đầu.

Buổi sáng, nhờ phước đức của ông bà để lại, thi sĩ đi ngang qua hàng rào, thấy một bông hoa thược dược và thấy một cách rất sâu sắc, như chưa bao giờ từng thấy. Đứng lặng nhìn và nghe bông hoa đang hát, và thấy rõ rằng bông hoa không phải mới hát ngày hôm nay, mà đã hát từ muôn đời, bông hoa chưa bao giờ ngưng hát. Lời ca em thiên thâu, thiên thâu nghĩa là từ quá khứ cho đến tương lai, không bao giờ ngừng lại cả. Đó là thuộc về Bản môn.

Đứng về phương diện thời gian và không gian thì bông hoa mới nở sáng hôm nay, và hôm nay tác giả mới trông thấy nó. Nhận ra bông hoa đó là Bụt Thích Ca, cho nên ta sụp lạy cúi đầu.

Đứng về phương diện Bản môn, thì Bụt Thích Ca Mâu Ni là Bụt Nhật Nguyệt Đăng, cũng là Bụt Đa Bảo, và chưa có giây phút nào Bụt Thích Ca Mâu Ni ngừng nói kinh Pháp Hoa. Nhưng đứng về phương diện Tích môn thì Bụt Thích Ca đã thuyết những Pháp nhỏ trong vòng bốn mươi năm rồi, đến bây giờ mới bắt đầu nói đến Pháp lớn.

Mình phải thấy điều đó và mình phải thấy cái tài năng xuất chúng của người chép kinh. Từ bài tựa họ đã mở ra hai cánh cửa: Cửa thứ nhất là cửa lịch sử và cửa thứ hai là cửa chân lý, vượt ra ngoài thời gian và không gian, mà sau này thầy Thiên Thai gọi là Tích môn và Bản môn. Người chép kinh đã không dùng những danh từ đó.

Phẩm 02. Phương Tiện

Bây giờ chúng ta đi sang phẩm Phương tiện, phẩm quan trọng nhất của kinh. Phẩm Phương tiện là phẩm thứ hai và ta có thể nói đây là phẩm cương lĩnh của kinh Pháp Hoa.

Phương tiện là những cái khéo léo mà mình dùng để có thể hoàn tất được cái ý định của mình. Tiếng Pháp dịch là Moyen habile. Trong bản dịch tiếng Anh, phẩm Phương tiện được dịch là Experience device, Skillful means, tiếng Phạn là Upayakausalya, còn tiếng Hán là Phương tiện quyền xảo. Trong kinh ta chỉ thấy dùng chữ Phương tiện thôi.

Khi cầm một chiếc áo tràng lên thì chỗ ta nên cầm nhất là cái sống áo. Cương lĩnh cũng vậy, nắm được cương lĩnh tức là nắm được toàn bộ kinh Pháp Hoa. Cố nhiên kinh Pháp Hoa còn nhiều phẩm khác, nhưng các phẩm đó là để giúp phẩm này nói ra sự thật, nói ra điều quan trọng mà kinh muốn nêu lên. Sau khi đọc phẩm Phương tiện tức là phẩm cương lĩnh, chúng ta sẽ đọc những phẩm tiếp theo, từ phẩm thứ ba đến phẩm thứ chín, gọi là bảy phẩm tường thuyết. Tường thuyết tức là nói rõ ra. Như vậy, sau phẩm thứ hai, kinh có bảy phẩm khác để làm sáng tỏ thêm Phẩm Phương tiện. Biết vậy thì khi tụng đọc quý vị sẽ dễ theo dõi hơn.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn xuất định và bảo thầy Xá Lợi Phất: Nầy Xá Lợi Phất, cái thấy của các đức Bụt không thể nào đo lường được. Cái thấy đó, những người đã chứng quả Thanh văn, Bích chi, và Duyên giác, không có khả năng đạt tới. Ngay trong câu đầu ta đã thấy trình bày cái ý tưởng quan trọng của kinh Pháp Hoa. Vừa mới xuất định, Bụt nhìn một người đứng cạnh đó là thầy Xá Lợi Phất. Bụt không nhìn một vị Bồ Tát, dầu đó là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, hay Bồ Tát Di Lặc, mà Bụt nhìn người đệ tử của mình, đại biểu cho giới khất sĩ. Đây là một điều rất quan trọng. Trong kinh Duy-Ma-Cật, cái địa vị của Thầy Xá Lợi Phất tồi tệ bao nhiêu thì trong kinh Pháp Hoa cái địa vị của Thầy nó quan trọng bấy nhiêu. Trong Duy-Ma-Cật, đối tượng đó là để nhục mạ, trong kinh Pháp Hoa đối tượng đó là để mà săn sóc, thương yêu, để mà đầu tư giáo pháp vào trong tương lai. Đây là một chi tiết mà chúng ta phải chú ý.

Điều Bụt nói là cái thấy của Bụt, trí giác của Bụt rất là sâu, khó đo lường, vì vậy mà những người có tư tưởng Thanh văn và Duyên giác không thể đo lường được cái tri kiến của Bụt. Tại sao vậy? Tại vì Bụt là một người đã từng gần gũi với vô số các đức Bụt khác, đã tu theo vô lượng phương pháp của các đức Bụt khác, vì vậy cho nên cái thấy của Bụt thâm sâu vô cùng, đừng nghĩ rằng mình hiểu được. Nếu nhìn Bụt bằng cặp mắt của một vị Thanh văn, mình chỉ thấy Bụt là một vị Thanh văn; nếu nhìn Bụt với đôi mắt của một vị Duyên giác, mình chỉ thấy Bụt là một vị Duyên giác. Nhưng Bụt lớn hơn như vậy nhiều; đem con mắt gì để nhìn, mình chỉ thấy bằng con mắt đó mà thôi. Như vậy có nghĩa là nếu có tham vọng thì khi nhìn, mình thấy ai cũng có tham vọng cả, nếu nhìn bằng con mắt giận hờn và nhỏ mọn thì mình thấy ai cũng giận hờn và nhỏ mọn hết. Vì vậy mà đem con mắt của Thanh văn và Duyên giác mà nhìn Bụt thì không thể thấy Bụt chân thật được, mà chỉ có thể thấy được Thanh văn và Duyên giác mà thôi.

Sau khi nói vậy rồi thì Bụt nghĩ rằng nói vậy để làm gì? Chắc thầy không hiểu được đâu! Chi tiết này chỉ là phương tiện của Bụt mà thôi.


Giáo pháp quí giá như vậy mà đem bán rẻ thì mất giá trị của giáo pháp ấy. Vì vậy mà người tu phải cẩn thận, không phải ai đến mình cũng đem Phật Pháp ra để trình bày. Chỉ khi nào người ta đạt tới một trình độ khao khát chín muồi rồi thì mình mới đem Phật Pháp ra để trao truyền cho họ. Điều đó cũng có nguyên do, tại vì trong số những người ngồi quanh Bụt, có kẻ tuy đã được chuẩn bị rồi, nhưng vẫn chưa có khả năng tiếp nhận được tư tưởng mới. Thế nào cũng có người hò hét, phản đối, có người liệng cà chua và trứng thối. Luôn luôn là như thế. Khi nói Pháp trước mấy chục ngàn người như vậy, thì thế nào cũng có người phản đối những tư tưởng mình đưa ra.




Trong đại chúng ngày hôm đó thế nào cũng có người chưa chín, chưa có khả năng chấp nhận được sự thật ngày hôm nay, cho nên Bụt đã không nói liền mà Ngài phải chuẩn bị thêm tư tưởng cho họ, tuy rằng phẩm tựa tự nó đã là một sự chuẩn bị rồi. Bụt nói với thầy Xá Lợi Phất “Thôi ta chỉ nói vậy thôi, có lẽ ta không nên nói thêm nữa, vì nói cũng vô ích thôi. Pháp này khó thấy, khó hiểu và khó nhận lắm.”

Trang 58 , ta đọc đoạn thứ hai, đoạn được Tông Thiên Thai coi như là chủ chốt của tư tưởng Pháp Hoa: Thôi thầy Xá Lợi Phất, chẳng cần phải nói thêm nữa, tại vì sao? Tại cái Pháp này thậm thâm khó hiểu và ít có, cái Pháp vô thượng mà Bụt đã thực hiện hoàn toàn đó, là chỉ có chư Bụt mới hiểu được thôi, chỉ có Bụt mới hiểu được Bụt thôi. Tại vì chỉ có Bụt mới thấy được cái tướng chân thật của các Pháp. Các Pháp có cái tướng như vậy, cái tánh như vậy, cái thể như vậy, cái lực như vậy, cái tác như vậy, cái nhơn như vậy, cái duyên như vậy, cái quả như vậy, cái báo như vậy, và cái bản mạt cứu cánh như vậy. Mười cái “như vậy” này được gọi là Thập như thị. Có nhiều học giả, nhiều vị Pháp sư cho đoạn Thập như thị này là tinh hoa của kinh Pháp Hoa. Như thị tướng, như thị tánh… Như thị bản mạt cứu cánh, tức là trước sau rốt ráo. Có người đã để ra rất nhiều giấy mực và thì giờ để cắt nghĩa về mười như thị này, và cho rằng đây là triết lý căn bản của kinh Pháp Hoa. Nhưng trong những bản tiếng Phạn, có bản không nói tới mười như thị đó, và có bản chỉ nói tới ba hay bốn như thị!

Xét cho kỹ thì ta thấy đây không phải là cái gì quá sâu sắc, không phải là cái tinh túy của tư tưởng Pháp Hoa. Như thị tướng là cái tướng trạng của các pháp nó như vậy; như thị tánh là cái thể tánh của các pháp nó như vậy; như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh cũng chỉ có nghĩa đó. Nó chỉ có nghĩa rằng tri kiến của Bụt là một tri kiến rất sâu sắc, có thể thấy được cái chân tướng, chân thể của vũ trụ, của vạn vật trong thời gian, trong không gian, trên phương diện hiện tượng và dưới phương diện bản thể. Chỉ có vậy thôi, tại sao lại vẽ rắn thêm chân, phải cắt nghĩa dông dài mười như thị này để cho rộn lòng người học, trong khi tư tưởng chủ yếu của kinh Pháp Hoa lại nằm ở chỗ khác! Đây là một điểm bất đồng của chúng ta đối với Tông Thiên Thai.

Nói tóm lại, ý của đoạn kinh này nói rằng tri kiến của Bụt rất sâu, Bụt thấy được tất cả, vì vậy mà nếu một người không có tầm mức tinh thần như Bụt thì khó có thể hiểu được tri kiến đó. Vì vậy mà Bụt bảo: Này Xá Lợi Phất, tốt hơn hết là mình đừng nói Pháp đó nữa. Lúc bấy giờ thầy Xá Lợi Phất trong lòng rất xôn xao, thầy nghĩ rằng mình là học trò giỏi, học trò cưng của Bụt mà không được nghe Bụt nói điều này thì uổng quá. Trong bốn chúng, xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ, ai cũng muốn được nghe mà bây giờ sau khi Bụt nhấn mạnh tới cái tri kiến vô thượng đó rồi Bụt lại không nói, làm sao mình chịu nổi? Thà rằng Bụt đừng nói tới, nhưng nay Bụt đã đề cập đến, rồi không nói thì có phải là đau khổ cho nhiều người không? Vì vậy thầy Xá Lợi Phất bèn quì xuống, chấp tay và thưa rằng: Xin Thầy dạy cho chúng con. Bụt lắc đầu: Thôi, có lẽ không nên nói nữa, vì nói ra có thể có người, có chư thiên sẽ phát tâm sợ hãi, nghi ngờ, phỉ báng, chê bai, tại vì khả năng của họ chưa tới. Đó là nội dung đoạn thứ 9, trang 65.

Vì quá ao ước được nghe, thầy Xá Lợi Phất liền đọc một bài kệ để xin Bụt nói ra điều mà Bụt đã muốn nói. Trang 66, Bụt bảo: Không được đâu thầy Xá Lợi Phất ơi, nếu nói chuyện đó ra thì một số rất lớn trong cõi đời này, trong đó có chư Thiên, Nhân, A-tu-la đều sẽ hoảng sợ, nhất là những vị khất sĩ đã tự cho rằng mình giác ngộ rồi, không cần phải học hỏi thêm nữa, họ sẽ sa vào cái hố của sự nghi kỵ, của sự kiêu mạn. Câu kệ đức Thế Tôn đã nói là:

Chỉ chỉ bất tu thuyết,

Ngã Pháp diệu nan tư.

Thôi thôi chẳng nên nói,

Pháp ta thâm diệu, khó tư duy.

Ai tụng kinh Pháp Hoa cũng thuộc lòng mười chữ này hết. Cố nhiên là thầy Xá Lợi Phất đâu có chịu, nên thầy quỳ xuống và cầu xin lần thứ ba. Thường thường trong nghi lễ là phải xin ba lần, ít hơn ba lần là không được. Sau khi thầy Xá Lợi Phất cầu thỉnh tới ba lần rồi thì Bụt nói: Thầy đã ba lần yêu cầu, lý đâu tôi không nói. Khi nghe Bụt chấp nhận nói rồi thì có 5000 người đứng dậy, bỏ chỗ ngồi và rời đại chúng đi xuống núi, trong đó có các vị khất sĩ, nữ khất sĩ, cận sự nam, và cận sự nữ. Chuyện này cũng xảy ra rất thường. Nhiều khi đi diễn thuyết, tôi bước lên diễn đàn, tuyên bố đề tài bài giảng, thì có một số người đứng dậy bỏ ra, tại vì họ không muốn nghe những điều sẽ nói.

Sau khi các người này đã đi rồi, Bụt mới nói với thầy Xá Lợi Phất: Bây giờ ở đây không còn cành, còn lá nữa mà chỉ còn những hạt rắn chắc mà thôi, và bây giờ tôi có thể chia sẻ cái thấy đó với các vị được. Ở đoạn thứ 15, trang 68: Lúc bấy giờ Bụt bảo thầy Xá Lợi Phất, “Trong đại chúng đây không còn những thành phần cành lá nữa mà chỉ còn hạt giống rắn chắc, này thầy Xá Lợi Phất, những thành phần tăng thượng mạn đã rút lui rồi, như vậy cũng chỉ là tốt thôi, giờ đây quí vị hãy lắng nghe lời tôi nói”.

Đây là một khuyết điểm của kinh Pháp Hoa mà chúng ta chưa thấy bây giờ, nhưng sẽ thấy khi đọc đến các Phẩm sau này. Chúng ta biết rằng trong kinh Đại Bảo Tích cũng có một số Tì kheo tăng thượng mạn bỏ thính chúng đi ra, tại vì Bụt nói kinh Đại Thừa. Tuy vậy, lúc đó có một vị Bồ Tát tên là Võng-Minh, hóa hiện ra hai vị khất sĩ, đi theo họ để mà đàm luận, tìm cách đưa các vị tì kheo đó trở lại, và cuối cùng thì Bồ Tát đã thành công. Khi đọc hết kinh Pháp Hoa, ta không thấy chuyện đó xảy ra, tức là không có ai hóa hiện đi theo 5000 người này để tìm cách đưa họ trở về với Bụt và với giáo pháp mới. Đây là một lỗ hổng, một khuyết điểm của kinh Pháp Hoa. Kinh đã không thừa hưởng được phương pháp của kinh Đại Bảo Tích. Kinh Pháp Hoa là một kinh chủ trương rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, cố nhiên trên quan điểm đó, Thanh văn, Duyên giác cũng thành Phật được, đàn ông, đàn bà, trẻ con trai hoặc gái đều cũng có thể thành Bụt được cả. Sau này trong những phẩm mới thêm vào, ví dụ như Phẩm thứ 12, Đề-Bà-Đạt-Đa, những người phạm tội ngỗ nghịch vẫn có thể được thành Bụt, và phẩm thứ 13, trong đó các vị Tì Kheo Ni cũng được Bụt thọ ký. Như vậy, trong những phẩm mới thêm, kinh Pháp Hoa đã lấp được nhiều hố của sự khiếm khuyết, trừ cái hố vừa nói ở trên, chưa được lấp lại. Không biết chúng ta có phải là những người trong số 5000 người đã rời bỏ hội Pháp Hoa hay không mà mãi tới 2500 năm sau mới được đọc kinh Pháp Hoa!

Trong đoạn 16 trang 68, Bụt bắt đầu khai mở cái chân lý mới. Bụt nói rằng giáo pháp tuy là mầu nhiệm vô cùng nhưng phải đợi đến đúng lúc mới nên đem ra chia sẻ với mọi loài. Thành ra cái tinh hoa của kinh Pháp Hoa mà tôi (Bụt) đã có trong tâm từ khi tôi giác ngộ, nhưng tôi chưa bao giờ đem dạy quý vị, tại vì nó chưa đến lúc, cũng như loài hoa Linh Thoại, đến lúc nở thì nó mới nở, nó không thể nở trước. Sự có mặt của tôi trên cuộc đời này, thầy Xá Lợi Phất nên biết, là chỉ vì một lý do duy nhất, đó là chỉ cho quý vị thấy được cái tri kiến vô cùng thâm sâu của Bụt. Do đó cố nhiên là tôi phải nói, tôi phải chia sẻ, nhưng sở dĩ tôi chưa chia sẻ là tại chưa tới thời, là tại tôi chưa có dịp để làm tròn nhiệm vụ của một vị Bụt. Hôm nay chính là ngày sung sướng nhất trong cuộc đời của tôi, tại vì thời gian đã tới và tôi có thể chia sẻ được với quý vị kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tức là sự thật tuyệt đối. Đó là lý do xuất hiện của tất cả các vị Bụt, nếu không làm việc này thì tôi không có lý do gì để xuất hiện cả. Mục đích xuất hiện của tất cả các vị Bụt ở trên cõi đời này là để mở ra và chỉ cho người ta thấy được cái tri kiến của Bụt, giúp cho người ta bừng tỉnh, thấy được cái tri kiến đó và cuối cùng là chứng nghiệm được cái tri kiến đó. Đó là những câu quan trọng của đoạn thứ 17 mà quý vị phải học thuộc lòng. Ở trang 69, hàng thứ 8 có chữ khai, gạch dưới chữ khai; cách đó hai hàng có chữ chỉ, gạch dưới chữ chỉ; cách hai hàng nữa, có chữ ngộ, gạch dưới chữ ngộ; cách dưới một hàng nữa có chữ chứng, gạch dưới chữ chứng. Bốn chữ trong nguyên văn là Khai, Thị, Ngộ, Nhập mà thầy Trí Tịnh dịch là Khai, Chỉ, Ngộ, Chứng.

Khai có nghĩa là mở ra, như là một kho tàng phải có người mở ra mới được. Khai Phật tri kiến tức là mở kho tàng tri kiến của Bụt ra. Kho tàng đó là cái thấy và cái biết của Bụt mà trong này dùng danh từ tri kiến.

Thị tức là chỉ cho người ta thấy, here it is! Dùng ngón tay chỉ cho rõ ràng thì gọi là thị. Thị Phật tri kiến tức là chỉ cho người ta thấy cái kho tri kiến của Bụt.

Ngộ tức là bừng tỉnh dậy mà thấy được một sự thực nào đó, cũng giống như khi thở mà mình biết mình đang còn sống hiện giờ và ở đây. Ngộ Phật tri kiến là bừng tỉnh và thấy được cái tri kiến của Bụt.

Cuối cùng là Nhập Phật tri kiến. Nhập có nghĩa là đi vào, tiếng Anh là Penetrating. Mình chứng nghiệm chứ không phải mình chỉ đứng ở ngoài mà dòm ngó. Mình nếm được cái Pháp vị thì gọi là chứng. Khi mời một đại đức uống nước cam, nếu mình nói: Mời đại đức chứng nước cam, tức là mình mong đại đức đừng nhìn nước cam, mà thực sự uống nước cam để làm cho nước cam với đại đức thành một.

Ta Phải Học Thuộc Lòng Bốn Chữ Khai, Thị, Ngộ, Nhập – Mở ra, Chỉ rõ, Làm cho thấy được, và Đi vào làm một với nó. Vậy thì này thầy Xá Lợi Phất, cái sứ mạng của các vị Như Lai là chỉ để làm bốn việc: Khai, Thị, Ngộ, Nhập cái tri kiến của Bụt cho chúng sanh, và dạy cho các vị Bồ Tát cùng làm công việc đó.

Bây giờ chúng ta đọc đoạn 18: Bụt bảo thầy Xá Lợi Phất, các vị Bụt Như Lai nếu hướng dẫn và giáo hóa cho các vị Bồ Tát những điều mà quý vị thực tập, là chỉ quy vào một việc là đem cái thấy của Bụt mà chỉ cho tất cả mọi loài chúng sanh thấy, để họ cũng có thể tỏ ngộ được như Bụt. Này thầy Xá Lợi Phất, đức Như Lai chỉ dùng một Phật Thừa mà nói Pháp cho chúng sanh, không có thừa thứ hai và thứ ba. Thừa ở đây là cỗ xe, là con đường.

--------------------------------------------------------------

Ba Con Đường Tu Học

Có ba khuynh hướng tu học ở trong đạo Bụt. Khuynh hướng đầu là khuynh hướng Thanh văn, thứ hai là khuynh hướng Duyên giác, và thứ ba là khuynh hướng Bồ Tát.

Trước hết, Thanh văn, là những người được nghe giáo lý của đạo Bụt mà tu học để thành đạo. Họ theo một con đường gọi là Thanh văn Thừa (śrāvakayāna). Con đường thứ hai là con đường Duyên giác, gồm những người, tuy không được nghe Bụt giảng dạy, nhưng nhờ quán chiếu duyên sinh, và cũng có thể thành đạo, cho nên gọi là Duyên giác Thừa (pratyekabuddhayāna), hay là Độc giác thừa. Độc là một mình, độc giác là chỉ đơn phương, tự mình đạt đến giác ngộ, chứ không phải do nghe pháp và học pháp mới giác ngộ được. Con đường thứ ba là Bồ Tát Thừa (bodhisattvayāna), con đường của những người phát nguyện tu tập, hành đạo, và đạt tới sự giải thoát không phải chỉ cho mình, mà cho tất cả mọi người.

Trong đạo Bụt Nguyên Thủy danh từ Bồ Tát đã được sử dụng rồi, nhưng chỉ được sử dụng để gọi Bụt khi Ngài chưa đạt tới quả vị toàn giác. Nghĩa là đối với Tiểu Thừa chỉ có một Bồ Tát, đó là tiền thân của Bụt Thích Ca. Nhưng vì chính Bụt Thích Ca đã nói rằng, trong thế giới có nhiều vị Bụt, cho nên cái kết luận tất nhiên đi tới là nếu trong thế giới có nhiều Bụt, thì trong thế giới cũng có nhiều Bồ Tát. Và ý niệm có hằng hà sa số các vị Bụt và Bồ Tát đã phát xuất từ căn bản đó. Chính Bụt Thích Ca đã nói rằng trước Ngài đã có nhiều vị Bụt khác ra đời, và sau Ngài cũng sẽ có nhiều vị Bụt khác ra đời. Căn cứ trên câu nói đó mà người ta đi đến kết luận rằng, nếu có nhiều Bụt, thì cũng có nhiều Bồ Tát. Vì vậy mà cái ý niệm hằng hà sa số Bụt và hằng hà sa số Bồ Tát cũng đã bắt nguồn từ đạo Bụt Nguyên Thủy.

Trong hàng ngũ của những người Thanh văn, thường thường người ta nghĩ rằng mục đích của sự tu học là để chấm dứt khổ đau của mình, và để đạt tới một quả vị gọi là A La Hán (Arhat). Chỉ khi nào đạt tới quả vị A La Hán, người ta mới chấm dứt được sự sinh, tử, luân hồi cho chính bản thân mình. Vì vậy mà quả vị A La Hán là cái ước mong cao nhất của những người Thanh văn.

Trong con người Thanh văn có một cái mặc cảm là mình không thể nào thành Bụt được, cái tối đa mà mình có thể thực hiện là thành A La Hán thôi. Đó là điều mà mình thấy được trong tâm của những người học trò của Bụt. Họ nghĩ rằng Bụt là một người rất đặc biệt trên cõi đời, chỉ có một người như Bụt thôi, còn tất cả chúng ta, tối đa là đạt tới quả vị A La Hán. Đó là mặc cảm của thời đại. Tôi không thể thành Bụt, tôi chỉ có thể thành A La Hán thôi, mà tôi cũng không cần phải thành Bụt, tại tôi đau khổ nhiều quá, cho nên cái nhu yếu cấp thiết và duy nhất của tôi là chấm dứt đau khổ. Chấm dứt khổ đau là tôi đã sung sướng lắm rồi. Đó là hai cái tư tưởng của Thanh văn Thừa. Vì vậy mà trong tâm địa của người Thanh văn không có một ý chí lớn, một cái gọi là Bồ đề tâm, muốn đem lại sự giải thoát và an lạc cho cả thế gian. Vì lý do đó cho nên phải khơi mở Bồ Tát Thừa, đem Bồ đề tâm vào trong trái tim của tất cả mọi người. Khi một người có chí nguyện lớn đó, có cái Bồ đề tâm đó, thì họ được gọi là Bồ Tát. Bồ Tát là con đường lớn, là chiếc xe lớn có thể chở được nhiều người cùng một lúc, chứ không phải như những người chỉ lo chuyện giải thoát cho bản thân. Đó là tư tưởng căn bản của Đạo Bụt Đại Thừa.

Ngay trong số chúng ta những người cùng tu học với nhau, cũng có người có ý định cao, có người có ý định thấp hơn, có mục đích nhỏ hẹp hơn. Ví dụ có người chỉ muốn giải tỏa một vài niềm đau nỗi khổ của mình, nên đến Làng Mai để dự khóa tu. Có người có ý nguyện lớn hơn, như sau này sẽ tổ chức những trung tâm tu học để chia sẻ phép tu với thật nhiều người. Đây cũng vậy, Bụt không có ý niệm rằng chỉ nên chứng quả A La Hán rồi nhập vào Niết Bàn vắng lặng -vắng cái xôn xao của ngũ dục, của cái tưởng- để đừng bị vướng víu vào cái đau khổ triền miên của cuộc đời. Bụt không nghĩ như vậy, nhưng có những vị Thanh văn nghĩ như vậy, và do đó mà con đường Thanh Văn là một con đường, tuy không hẳn là con đường đẹp nhất mà Bụt muốn dạy, nhưng vì có người muốn vậy, nên Bụt chỉ dẫn cho như vậy. Bụt nói rằng muốn bớt khổ thì hãy thực tập đi, nhưng giáo pháp của ta không phải chỉ nhắm tới sự diệt khổ. Giáo Pháp ta còn có mục tiêu cao siêu hơn nữa.

Con đường Duyên giác cũng là con đường lành, nhờ quán chiếu về 12 nhân duyên mà vượt thoát được những sự ràng buộc và thấy thảnh thơi trong người thì điều đó cũng tốt, quý vị cứ thực tập như vậy đi. Tuy vậy tôi nghĩ rằng quý vị có thể làm khá hơn, nghĩa là có thể đạt được quả vị giác ngộ cao tột.

Đối với con đường của chư vị Bồ Tát thì lại khác. Bồ Tát phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, và muốn cho tất cả mọi loài đều được thừa hưởng kết quả của sự thực tập và chứng ngộ của mình.

Thoạt nghe thì giống như có sự kỳ thị giữa ba con đường, và vị Bồ Tát nào chưa thực tập được sâu sắc trên con đường tu tập thì thường nhìn các vị Thanh văn và Duyên giác bằng con mắt khinh thị. Sự kỳ thị, chê bai đó có thật, và nó được biểu lộ qua một số hình thức, bằng lời nói, bằng văn từ và ít nhiều điều đó đã được thể hiện trong những kinh điển Đại Thừa xuất hiện trước kinh Pháp Hoa. Thanh văn, Duyên giác, thôi để họ đi chỗ khác, đây chỉ là chỗ dành cho Bồ Tát! Đó là thái độ của kinh Hoa Nghiêm, vì kinh không đá động gì tới các vị Thanh văn và Duyên giác cả. Những thái độ đó chưa hoàn toàn biểu lộ được cái đại từ, đại bi và cái sự ôm trọn tất cả mọi loài vào vòng tay của Bụt. Kinh Pháp Hoa đã làm được một việc mà tất cả các kinh khác chưa làm được, vì vậy mà kinh Pháp Hoa được xem như là Vua của tất cả các kinh, chứ không phải là vì kinh trình bày những lý thuyết mầu nhiệm hơn, sâu sắc hơn, và thâm ảo hơn, mà Kinh trở thành quan trọng.

Trong câu nói này, Bụt chấp nhận rằng con đường của Thanh văn và của Duyên giác, là chính do Ngài đã vì phương tiện mà tạo ra. Ngài thú nhận, khi quý vị mới đến tu học với tôi, tôi dạy cái giáo lý sơ đẳng, đó là giáo lý Tam Thừa. Bây giờ quý vị đã giỏi rồi, đã trưởng thành rồi, cho nên hôm nay tôi chỉ cho quý vị thấy rằng sở dĩ có ba con đường, chẳng qua chỉ là vì cái trình độ, cái điều kiện, và cái thời gian mà thôi. Rốt cuộc thì tôi cũng phải dạy cái cứu cánh, cái tuyệt đối. Chủ đích quan trọng nhất của chư Bụt là hướng dẫn chúng sanh đi vào con đường Phật Thừa, tức là con đường Khai, Thị, Ngộ, Nhập tri kiến của Bụt. Vì vậy cho nên cái triết lý này, cái con đường này mới được gọi là Khai tam hiển nhất, nghĩa là mở ra ba cái nhưng cho thấy đó chẳng qua chỉ là một cái mà thôi.

Khai tam hiển nhất còn được gọi là Hội tam quy nhất, nghĩa là gom cả ba cái lại để đưa về một cái, tức là cái Diệu Pháp mà Bụt sắp nói ngày hôm nay. Đó mới chính là Diệu Pháp, chứ không phải những ý niệm Như thị tướng, Như thị tánh là Diệu Pháp.

Kinh Bát Nhã là một trong những kinh đầu tiên xuất hiện thuyên giải về tư tưởng Đại Thừa, trong đó có những lời mà chúng ta thấy là quá mạnh. Ví như nói các vị Thanh văn không phải là con đích thực của Bụt mà chỉ là con ghẻ! Thái độ đó không ngọt ngào, không bao dung, không có tính cách từ bi. Cố nhiên thái độ và ngôn ngữ đó đã tạo ra sự chống báng, kỳ thị, cho nên tinh thần Đại Thừa hồi đó chưa đạt tới mức mà nó cần đạt tới. Không hiểu tại sao! Có lẽ tại trong buổi đầu khi muốn xướng minh một đạo lý, mình phải nêu ra những cái khuyết điểm, những cái tệ đoan mà mình thấy ở trong đoàn thể, ở trong lề lối hành trì. Điều đó, chính chúng ta đôi khi cũng không tránh được. Ví dụ như hôm đó tôi có nói với một sư chú rằng: Thầy không ưa cách tu lim dim. Nói như vậy nó cũng có nghĩa là chê bai, chưa chấp nhận được sự lim dim, và chưa thấy là đôi khi lim dim cũng là một trong những thừa có thể đưa tới chuyện không lim dim sau này. Nhìn vào bản thân, ta thấy đôi khi ta cũng mắc phải những lỗi lầm như vậy.

Ngày xưa khi nhìn vào trong cách tu hành của truyền thống, các thầy thấy có nhiều điều sai lầm, không đúng với chân-tinh-thần của Bụt, cho nên đã bắn vào những quả trọng pháo. Những quả pháo đó không có tính cách phá hoại. Tuy nhiên phá hoại để xây dựng cũng có cái lý của nó, vì vậy mà những kinh điển đầu của Đại Thừa, đã là những đại trọng pháo, như kinh Duy Ma chẳng hạn. Sau khi công việc công phá đã hoàn thành rồi thì cố nhiên phải có những kinh khác xuất hiện để làm việc hòa giải. Tại vì sau khi tấn công rồi thì mình phải mở cho người ta một con đường, nếu không thì không thể nào gọi là từ bi được cả. Khi học trò làm lầm lỗi thì quí vị cũng phải rầy la. Nhưng rầy la xong rồi thì phải chỉ cho học trò của mình một con đường, nếu không thì họ sẽ bí, và họ sẽ bó tay. Kinh Pháp Hoa ra đời để làm tròn phận sự đó. Ở đây ta thấy Bụt ôm lấy các vị Thanh văn, các vị Duyên giác, và công nhận nhận rằng các vị đều là con của tôi. Sở dĩ tôi chưa dạy quí vị điều đó là tại chưa tới thời, thành ra quí vị chẳng có lỗi gì cả. Chỉ vì chưa tới thời để tôi đem cái giáo pháp Đại Thừa để dạy cho quí vị mà thôi. Lời nói này tràn đầy từ bi, và sự thành công của kinh Pháp Hoa là ở chỗ đó.

Trang 70 ta thấy danh từ Nhất thiết chủng trí, mà nghĩa lý cũng tương đương với tri kiến của Bụt, với cái thấy, cái trí tuệ của Bụt. Đó là cái trí tuệ cao siêu nhất, và đó cũng là cái mục đích của tất cả những người tu học. Bản hoài của Bụt là trao truyền cái đó, chứ không phải trao truyền một cái gì ít giá trị hơn. Thế nhưng nếu người ta chưa có điều kiện để tiếp nhận điều đó, thì mình phải dùng những cái gọi là phương tiện để giúp cho họ từ từ tiến tới, để một ngày nào đó họ có cái khả năng, họ hội đủ duyên để tiếp nhận được điều quí nhất mà họ có quyền tiếp nhận. Vì thế cho nên nếu Bụt đã khai mở ra làm ba con đường, chẳng qua đó chỉ là phương mà tiện thôi. Do đó mà phẩm này được gọi là Phẩm Phương tiện. Muốn thực hiện một điều gì mà thời gian cũng như không gian chưa thuận tiện, thì mình phải dùng những phương tiện này, phương tiện kia để làm cho những điều kiện hội đủ. Khi có đủ phương tiện rồi thì mình mới có thể thực hiện điều chính yếu.

Những phương tiện này, phương tiện kia là những cách mà chư Bụt trong quá khứ đã dùng, và chư Bụt trong tương lai cũng sẽ dùng, chứ không phải chỉ có Bụt Thích Ca Mâu Ni mới dùng. Trang 71 ghi rằng: Các vị Bụt đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, dùng những nhân duyên, những lời lẽ, những thí dụ, mà diễn nói Pháp mầu cho các chúng sanh. Thì tuy rằng dùng nhiều phương tiện như vậy, nhưng mục đích chánh cũng chỉ là đưa tới một cái gọi là Phật Thừa, tức là con đường duy nhất. Và mục đích của công trình đó là đưa tất cả chúng sanh đến cái gọi là Nhất thiết chủng trí.

Ta bỏ một đoạn để đi xuống đoạn kế: Này Thầy Xá Lợi Phất, bây giờ đây tôi cũng làm giống như các vị Bụt trong quá khứ. Tôi biết rằng trong tâm của các loài chúng sanh có nhiều điều ưa muốn, những điều mê chấp, và tôi tùy thuận theo các căn cơ đó mà dùng những món nhơn duyên, lời lẽ, những ví dụ, những phương tiện mà dắt dẫn họ tới với Pháp. Như vậy, không phải là tôi đã cho họ những món ăn chưa đúng mức, mà là từ từ để đưa họ tới lúc mà tôi có thể trao cho họ cái Phật Thừa, tức là cái Nhất Thiết Chủng Trí.

Sang trang 72, cũng cùng ý đó: Này thầy Xá Lợi Phất, các đức Bụt xuất hiện trong cõi đời ác, có năm trược là kiến trược, kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, và mạng trược. Các chúng sanh đó vì vậy mà bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét, cùng nhiều các thứ phiền não và họ có nhiều bất thiện căn. Vì đó mà các đức Bụt trong quá khứ mới dùng phương tiện, nói ra một giáo lý, mà khi phân tích ra thì nó có Tam Thừa, kỳ thật nó chỉ có một Phật Thừa mà thôi.

Đến đoạn 21, chúng ta mới thấy có định nghĩa thế nào là A La Hán và Duyên giác: Thầy Xá Lợi Phất, nếu một người đệ tử của tôi mà tự cho mình là A La Hán hay Duyên giác, và nếu người đó không biết được chí nguyện của Bụt và của các vị Bồ Tát thì những người đó không thực sự là A La Hán và Duyên giác. Đây là định nghĩa của chính Bụt. A La Hán hay Duyên giác phải thực sự là những người có bồ đề tâm, nếu không, họ chưa thực sự là A La Hán hay là Duyên giác. Lại nữa, những vị khất sĩ và nữ khất sĩ cho mình đã là A La Hán, chỉ lo tu tập xong kiếp cuối cùng để đi vào Niết Bàn mà không có chí nguyện cầu Nhất thiết chủng trí, thì họ cũng không phải là A La Hán, không phải thực sự đi vào Niết Bàn, mà họ chỉ là những người tăng thượng mạn. Đoạn kinh này cho ta thấy Bụt định nghĩa A La Hán đích thực là phải có lòng từ bi, phải có cái thái độ dấn thân để cứu khổ, còn cái thái độ trốn tránh những khổ đau trong cuộc đời, thì không phải là A La Hán đích thực, không thể đạt Niết Bàn đích thực. Vì vậy nếu phân chia ra và cho rằng A La Hán là những người chỉ lo tự độ, và các vị Bồ Tát là những vị lo độ cho người, là một sự phân biệt hời hợt. Trong các kinh xuất hiện trước đó, có thể đã có ý niệm rằng A La Hán là những người chỉ lo tự độ, còn Bồ Tát là những người lo độ tha. Ở kinh Pháp Hoa chúng ta thấy một quan điểm khác, đó là A La Hán đích thực cũng độ tha, nếu chưa có cái tâm niệm độ tha thì họ chưa phải là A La Hán đích thực.

Ta đi sang phần trùng tụng, trang 73, tức là phần kệ tụng. Phần này quí vị có thể học bằng tiếng Việt, hoặc chữ Hán. Đoạn thứ 23, ta đọc một vài câu kệ:

Xá Lợi Phất khéo nghe!

Pháp của các Phật được,

Vô lượng sức phương tiện,

Mà vì chúng sanh nói,

Tâm của chúng sanh nghĩ,

Các món đạo ra làm,

Bao nhiêu những tánh dục,

Nghiệp lành, dữ đời trước…

Quí vị có thấy dễ hiểu không? Bản chữ Hán là:

Xá Lợi Phất thiện thính,

Chư Phật sở đắc Pháp

Vô lượng phương tiện lực

Nhi vị chúng sanh thuyết

(Này Xá Lợi Phất, thầy nghe cho kỹ, nghe cho khéo, cái Pháp mà chư Bụt đã đạt được ấy, các Ngài đã dùng vô lượng những phương tiện để thuyết cho chúng sanh nghe.)

Chúng sanh tâm sở niệm

Chủng chủng sở hành đạo

Nhược can chi dục tánh

Tiên thế thiện ác nghiệp…

(Cái tâm niệm của chúng sanh họ đi vào trong những con đường khác nhau, và nếu có những tánh dục khác nhau là vì những ác nghiệp hoặc thiện nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời trước.)

Bụt biết như thế nên dùng những thí dụ, những phương tiện để làm cho tất cả những người đó được hoan hỉ. Hoặc diễn thuyết bằng khế kinh, tức là trường hàng, hoặc diễn thuyết bằng cô khởi, hoặc bằng bổn sự, hoặc diễn thuyết bằng bổn sinh, vị tằng hữu, nhân duyên, thí dụ, trùng tụng, luận nghị, tất cả có vào khoảng chín thể tài. Những điều này mình không thấy rõ trong phần trường hàng, và đây lại là một lý do cho ta thấy phần trùng tụng là phần có trước.

Sau này chúng ta thấy liệt kê ra 12 thể tài. Hồi nhỏ tôi cũng học 12 thể tài, nhưng trong kinh này mới nói đến chín thể tài thôi, đó là:

1. Trường hàng, tiếng Phạn là Sũtra

2. Trùng tụng, (Geya)

3. Cô khởi hay Phúng tụng (Gàthà)

4. Nhân duyên (Nidàna)

5. Thí dụ (Avadàna)

6. Bổn sự (Itivrtaka)

7. Bổn sanh (Jàtaka)

8. Vị tằng hữu (Adbhutahdarma)

9. Luận nghị (Upadisa).

Ba thể tài khác là:

10. Thọ ký (Vyakarama)

11. Vô vấn hay Tự thuyết (Udana)

12. Phương đẳng (Vaipulya)

Chúng ta hãy đọc thêm vài hàng nữa:

Căn độn ưa pháp nhỏ, Tham chấp nơi sinh tử, Nói vô lượng đức Phật, Chẳng tu đạo sâu mầu, Bị các khổ não loạn, Vì đó nói Niết Bàn, Ta bày phương tiện để, Khiến đều vào huệ Phật, Chưa từng nói các ông, Sẽ được thành Phật đạo, Sở dĩ chưa từng nói, Vì giờ nói chưa đến, Nay chính là đến giờ, Quyết định nói Đại Thừa.

Vì căn tánh còn nhỏ hẹp, đần độn, nên chúng sanh ưa những pháp nhỏ, không có tham vọng lớn. Họ tham chấp nơi sanh tử, tham sống sợ chết là tại vì trong quá khứ, ngang qua thời gian của vô lượng các đức Bụt, các chúng sanh đó không tu tập đạo lý sâu sắc, mầu nhiệm, cho nên bị những khổ đau làm cho điêu đứng. Vì vậy tôi đã dạy cho họ về Niết Bàn, nơi trú ẩn để thoát khỏi đau khổ. Trong quá khứ, tôi chỉ đưa Niết Bàn vắng lặng, an tĩnh ra để làm mục đích cho quí vị thôi. Và quí vị đã nghĩ rằng Niết Bàn đó là cái mục đích cuối cùng của sự thực tập của quí vị. Nhưng đó chỉ mới là phương tiện. Tôi bày cái phương tiện Niết Bàn đó ra để cho quí vị có thể nương vào mà từ từ đi vào trong tri kiến thâm sâu của Bụt. Vì vậy trong gần 40 năm nay tôi chưa từng nói là các vị cũng sẽ được thành Bụt như tôi. Sở dĩ tôi chưa nói là vì chưa tới lúc, hôm nay giây phút đó đã tới, cho nên tôi quyết định nói Đại Thừa.

Người đầu tiên được Bụt thọ ký là thầy Xá Lợi Phất, tiêu biểu cho giới Thanh văn. Khi đại chúng nghe thầy Xá Lợi Phất được thọ ký thì tất cả đều rộn ràng, hoan hỉ, sung sướng quá chừng, cho nên mọi người ai có cái gì trong tay, đều tung cả lên trời để cúng dường Bụt. Đang mặc y trên, họ tháo y quăng lên, đang đội nón, họ gỡ nón tung lên, đang đeo tràng hoa, họ tháo tràng hoa tung lên trời để chứng tỏ sự vui mừng, hoan hỉ của họ. Các vị khất sĩ, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và cả đại chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà… cũng vậy, khi thấy thầy Xá Lợi Phất được thọ ký để thành một vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, họ đều vui mừng hớn hở. Các vị Thiên vương, Phạm vương cũng hớn hở vui mừng theo. Thầy Xá Lợi Phất được, tức là mình cũng được. Lúc đó thì tam thiên đại thiên thế giới rúng động, người ta nghe âm nhạc ở trên không trung, một nỗi vui mừng lớn của Nhân và Thiên, và trong không trung vang lên một tiếng nói: Đây là lần thứ hai Bụt chuyển Pháp luân. Ngày xưa, sau khi thành đạo, Bụt đã chuyển pháp luân lần thứ nhất tại Vườn Ba la Nại (B€naras), và giờ đây trên đỉnh Núi Thứu (GỄdhrakũỊa) là lần chuyển pháp luân thứ hai. Tuy rằng thọ ký cho một người, nhưng mọi người đều vui mừng. Lý do là sự thọ ký chứng tỏ rằng tất cả chúng ta đều có thể được như vậy, tại vì chúng ta phần lớn đều ở trong hàng Thanh văn, Duyên giác, và Bụt nói rằng không ai trong chúng hội này mà đã không gieo trồng những hạt giống Bồ đề ở trong quá khứ. Vì thầy Xá Lợi Phất được nên chúng ta cũng sẽ được, cho nên nỗi vui mừng đó là nỗi vui mừng chung. Trong những phẩm kế tiếp chúng ta sẽ thấy Bụt thọ ký cho các thầy khác, trong đó có những thầy rất trẻ như thầy A Nan (Ọnanda), thầy La Hầu La. Bụt còn thọ ký cho bên nữ, tuy rằng thọ ký hơi trễ một tí. Bụt cũng thọ ký luôn cho những người có ác tâm như Đề-Bà-Đạt-Đa, và có một lần Ngài thọ ký cho cả 500 vị đệ tử cùng một lượt. Năm trăm vị đó sẽ thành Bụt với cùng một danh hiệu, như vậy công tác thọ ký là một công tác hoằng pháp, gieo đức tin, gieo sự quyết tâm vào trong lòng người. Vì vậy cho nên trong thời gian còn tại thế, Bụt đã thọ ký càng nhiều càng tốt.

----------------------------------------------------------

Nếu được gần Bụt có lẽ mình cũng sẽ được thọ ký. Đó là đứng về phương diện lịch sử hay Tích môn mà nói. Chúng ta là những người sanh ra sau khi Bụt đã nhập diệt, vậy thì ai sẽ thọ ký cho chúng ta bây giờ? Chúng ta phân bì, chúng ta nói rằng Bụt Thích Ca không công bình! Bụt chỉ thọ ký cho những người đồng thời với Bụt mà thôi, còn chúng ta vì vô phước sanh ra sau Ngài nên không được Ngài thọ ký! Như vậy thì ta biết nương vào đâu, biết lấy năng lượng từ đâu để có thể thành đạt được như các vị đệ tử cùng thời với Bụt?

Đọc tiếp các phẩm sau này, ví dụ như Phẩm Hiện Bảo Tháp, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời của câu hỏi đó. Trong lúc Bụt thọ ký cho các đệ tử, thì tất cả mọi người đều ngồi chân chấm đất ở trên Núi Thứu, và chúng ta đang ở trên bình diện lịch sử hay Tích môn. Tích là di tích, là những gì xảy ra trong thời gian. Để trả lời câu hỏi mà chúng ta vừa đưa ra: Những người ở trong những thời gian khác, địa phương khác thì làm sao họ được thọ ký, được hưởng sự công bình đó? Ngay lúc đó, cánh cửa của Bản môn được mở ra: Từ dưới đất xuất hiện một bảo tháp, và trong bảo tháp đó có tiếng Bụt Đa Bảo thốt lên: Hay lắm, hay lắm Bụt Thích Ca, Người nói kinh Pháp Hoa hay lắm. Lúc đó, tất cả mọi cặp mắt đều hướng lên trời và thấy bảo tháp của Bụt Đa Bảo an trú lơ lửng trong không trung. Khi đó đại chúng biết rằng trong bảo tháp có một vị Bụt ngày xưa đã tu tập và đã thành đạo, đã thuyết kinh Pháp Hoa, và đã lập nguyện rằng, mỗi khi ở đâu có một vị Bụt thuyết Pháp Hoa Kinh thì bảo tháp đó sẽ hiển hiện, và sẽ có lời khen ngợi hay thay, hay thay từ trong bảo tháp phát ra. Lúc này đại chúng được đưa lên bình diện của Bản môn, và nếu có một chút thông minh, chúng ta sẽ thấy Bụt Đa Bảo ngày xưa chính là Bụt Thích Ca ngày hôm nay, và Bụt Thích Ca không phải chỉ mới thành đạo cách đây 40 năm ở dưới cây bồ đề, mà đã thành đạo từ vô lượng vô biên kiếp trước. Nếu sự thật là tất cả các pháp đều an trú sẵn trong Niết Bàn, thì tất cả chúng ta đã là Bụt rồi, không cần có sự đi tìm cầu nữa, đó là đứng về phương diện Bản môn mà nói. Vì vậy nếu quí vị muốn được thọ ký thì Bụt luôn luôn có mặt tại đó để thọ ký cho quí vị, quí vị không cần phải trở về 2500 năm trước mới được thọ ký. Tại vì Bụt đang có mặt trong giờ phút hiện tại. Bụt của Bản môn đang an trú trong giờ phút hiện tại, và nếu lắng tâm thì quí vị sẽ nghe tiếng của Bụt, và Bụt đang thọ ký cho mình ngay trong giây phút này. Đó là đứng về phương diện Bản môn mà nói, rất mầu nhiệm. Kinh Pháp Hoa không phải chỉ đưa chúng ta vào thế giới của Tích môn. Sau khi đưa chúng ta vào thế giới của Tích môn để thấy thầy Xá Lợi Phất được thọ ký, thì kinh đưa ta vào Bản môn và chính bản thân của chúng ta cũng được Bụt thọ ký. Đây là một khía cạnh mầu nhiệm khác của kinh Pháp Hoa mà tinh chất đó đã ảnh hưởng một cách rất sâu đậm tới tâm hồn của Phật tử người Việt.

Khi các vị đọc thơ của tôi viết từ hồi 20 tuổi tới giờ, nếu quí vị không có một căn bản về Phật Pháp, không đọc kinh Pháp Hoa, không hiểu về tư tưởng Tích môn và Bản môn, thì tôi không nghĩ là quí vị có thể hiểu được những bài thơ đó. Đọc thử một vài câu quí vị sẽ thấy điều tôi nói. Ví dụ bài Tiếng gọi tôi làm năm 1966 trong lần thăm viếng Úc châu, đăng trong cuốn Thử tìm Dấu Chân Trên Cát (5) :

Sáng hôm nay

Tới đây

Chén trà nóng

Bãi cỏ xanh

Bỗng dưng hiện bóng hình em ngày trước

Bàn tay gió

Dáng vẫy gọi

Một chồi non xanh mướt

Nụ hoa nào

Hạt sỏi nào

Ngọn lá nào

Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Đó là những gì xảy ra trong lịch sử. Bây giờ và ở đây có chén trà nóng, có bãi cỏ xanh, nếu mình sống sâu sắc với những cái thuộc về Tích môn đó, thì tự nhiên cái Bản môn nó phát hiện. Bóng hình em ngày trước tức là Bản môn, là Niết Bàn, là chân như thật tánh, nghĩa là cái mà mình có thể sờ mó được trong giây phút hiện tại nếu mình quả thật tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Thành ra nếu mình sống có chánh niệm, nếu mình tiếp xúc được với chén trà nóng, với bãi cỏ xanh một cách sâu sắc, thì mình tiếp xúc được với cái tự tánh chân như, và cái Niết Bàn nó có mặt trong những thực thể đó. Như vậy, sờ vào Tích môn, ta tiếp xúc được với Bản môn. Cái nếp sống có tu học của người Phật tử là trong khi sống đời sống hàng ngày, mình phải học tiếp xúc với Bản môn. Nói vậy có nghĩa là khi ăn cơm, khi uống trà, khi đi thiền hành, khi nói chuyện, khi cầm tay nhau, chúng ta phải tiếp xúc được với cái Bản môn. Tích môn tiếng Anh là Historical dimension, còn Bản môn là Ultimate dimension. Thành ra khi quí vị uống trà thì đừng nên uống trà một cách hời hợt, vì như vậy thì quí vị chỉ có thể tiếp xúc được với cái vỏ của Tích môn. Uống trà một cách sâu sắc thì mình tiếp xúc được với Bản môn. Mình chỉ cần uống một lần như vậy thì mình đã có thể tiếp xúc được với Niết Bàn, với cái bản thể, với cái không sanh và không diệt của vạn vật. Đó là cách sống của người Phật tử. Tiếp xúc với sanh, lão, bệnh, tử, với vô thường, vô ngã một cách sâu sắc, tiếp xúc trong sự có mặt đích thực, thì đồng thời ta cũng tiếp xúc được với cái bất sinh, bất diệt, với Niết Bàn. Giá trị của sự thực tập là ở chỗ đó. Hàng ngày, ta cũng ăn cơm, uống nước, đi chơi như mọi người, nhưng ta có thể sống với cái muôn đời trong cuộc sống.

Ta đâu cần trở về với Tích môn, trở về cái bình diện lịch sử, đi lùi lại 2500 năm, mới nghe được kinh Pháp Hoa? Nếu ta tiếp xúc được với Bản môn thì chính trong giờ phút này và ở tại ngay đây, cái nụ hoa kia, cái hạt sỏi kia, cái ngọn lá kia chúng cũng đang thuyết Pháp Hoa, và chúng cũng đang thọ ký cho ta. Bụt Thích Ca và Bụt Đa Bảo cũng đang làm công việc đó ngay trong giờ phút hiện tại. Thành ra câu hỏi Ai sẽ thọ ký cho mình? đã được trả lời bằng phần sau của kinh Pháp Hoa: Bụt của Bản môn thọ ký cho mình. Nếu không có cái chất của Pháp Hoa ở trong người thì khi đọc bài thơ đó, tuy quí vị cũng thấy hay hay, nhưng không thấy được rằng những bài thơ như bài thơ đó chứa đựng được cái truyền thống Phật giáo của dân tộc Việt Nam. Khi đọc bài thơ này, ta có thể thấy được kinh Pháp Hoa, thấy được bài thơ và kinh Pháp Hoa không phải là hai thực thể riêng biệt.

Chúng ta thử đọc một vài câu trong bài Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng để thấy thêm về sự liên hệ giữa thế giới Tích môn và pháp giới Bản môn.

Tôi không bao giờ khôn lớn

Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm

Khôn lớn là đứng về phương diện Tích môn mà nói. Mình được mẹ sinh ra, lớn lên năm tuổi, bảy tuổi rồi 30, 40 tuổi. Vì vậy khi đọc câu Tôi không bao giờ khôn lớn, kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, thì mình có thể nói, chà cái ông này không muốn lớn mà chỉ muốn làm con nít hoài! Như vậy là mình chỉ quanh quẩn trong Tích môn, và làm sao mình hiểu được bài thơ đó!

Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng

Mẹ và em còn đó

Gió chiều như hơi thở

Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?

Đứng trên bình diện Tích môn thì mình nghĩ về tương lai, mình muốn thành đạt, muốn có bằng Tiến sĩ, Cử nhân. Nhưng khi tiếp xúc được với Bản môn thì ta thấy những cái đẹp đó không phải thuộc về quá khứ. Tất cả những cái đẹp đó nó đang nằm trong hiện tại, trong giờ phút này. Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi? nghĩa là không còn chạy nữa. Đó là vô tác, tiếng Anh là Aimlessness, there is nothing to be realised. Cái hiện tại đó là hạnh phúc, là an lạc.

Đầu còn gối trên Thánh Kinh, sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng.

Chung quanh chúng ta, người nào cũng đang hăng hái, siêng năng như những con ong đang xây dựng cái thiên đường của tương lai.

Công trình xây dựng ngàn đời,

Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất.

Câu thứ nhất nói về Tích môn. It takes one thousand years in order to build what you want to build, but in fact, what you intended to build is already built. Làm sao hiểu được những câu đó khi mình không thấy được Tích môn và Bản môn là một? và như vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được câu thứ hai Công trình xây dựng ngàn đời, nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất? Mình không cầu thành Bụt nữa, mình đã là Bụt rồi, You are already what you want to become!

Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới,

Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.

Mình phải xúc tiếp với Bản môn. Đọc đoạn chót mình có thể hiểu lầm rằng tác giả đang mơ tưởng những cái đẹp trong quá khứ.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót

Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu

Nắng sớm mùa thu

Tôi ở đây. Chính thực là vườn xưa

Những cây ổi trái chín thơm

Những lá bàng khô thắm

Đẹp

Rụng

Còn chạy chơi la cà trên sân gạch

Tiếng hát vẵng bên sông

Những gánh rơm thơm vàng óng ả

Trăng lên, quây quần trước ngõ

Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua

Mới thấy đây chứ không phải chúng là những hình ảnh của quá khứ.

Tôi không ngủ mơ đâu,

Ngày hôm nay đẹp lắm, thật mà

Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ

Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,

Rất rõ, đây không phải là những hình ảnh của sự tiếc thương, mà là những hình ảnh mình thấy ngay trong hiện tại, không có gì đã qua và đã mất.

Không có gì sẽ qua và sẽ mất

Và suối chim khuyên em hôm nay

“Hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca.”

Đó là mấy câu trong bài Một mũi tên rơi hai cờ ảo tượng, cũng trong cuốn Thử tìm dấu chân trên cát. Trong bài thơ đó ta cũng thấy được cái tâm này.

Tôi không ngủ mơ đâu,

Ngày hôm nay đẹp lắm, thật mà

Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ

Chúng mình còn đây hôm nay và ngày mai nữa,

Đến đây

Khi khát ta cùng uống một giếng nước thơm trong.

Giếng đó là giếng của Bản môn. Ta phải tập uống nước giếng của Bản môn, chứ đừng chỉ uống nước giếng ở Tích môn. Nếu chỉ biết uống nước ở Tích môn thì ta còn nhớ còn thương, còn thiếu còn thừa. Uống được nước giếng của Bản môn thì mình sẽ có hạnh phúc đầy đủ.

Ai nói cho em nghe rằng Thượng đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người?

Chúng ta đã cùng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp,

Khổ đau vì không tự biết là lá, là hoa

Em hát ca đi. Bông Cúc cười theo em bên hàng dậu,

Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát,

Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.

Nếu ta bị cột vào trong những mưu toan, những dự án xây dựng cho tương lai, thì có thể là ta đang tự lập ra những nhà tù để giam hãm mình, vì vậy phải thoát ra khỏi thế giới ràng buộc bằng cách đừng sống một cách ơ thờ ở trong bình diện của lịch sử, của Tích môn, mà phải biết đặt chân vào, phải biết nếm, phải biết tiếp xúc với bình diện của Bản môn. Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát, những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình. Những ngôi sao kia rất tự do, tại vì chúng ở trong Bản môn, không bị những lo tính, những mưu toan giam hãm.

Đây là một bài thơ khác, tôi xin đọc một bài mà trước đây chính quyền Sài gòn đã kiểm duyệt, không cho xuất bản. Vì không hiểu bài thơ, nên họ tưởng tôi nói về chính trị. Bài này tựa là Một mũi tên rơi hai cờ ảo tượng. Bắn một mũi tên ta làm rơi hai lá cờ ảo tượng cùng một lần. Họ nghĩ rằng bài thơ này có lập trường trung lập, tại vì theo họ, hai lá cờ ảo tượng này, một là Quốc gia, và một là Cộng sản. Ông tác giả này đòi bắn rớt cả hai, không theo bên nào hết, thì đúng ông ta mơ ước trung lập, không thể được! Thật ra bài này không có dính líu chút nào đến chính trị cả, nhưng vì cái nhìn của người ta như vậy nên họ mới thấy như vậy. Ban đầu ta nghe tiếng nói của người em, than thở rằng ngày mai thế nào anh cũng chết và em sẽ bơ vơ, vì vậy xin anh thâu lại giọng của anh trong một cuộn băng này để mai đây khi anh chết đi, em sẽ còn cuốn băng để vẫn còn được nghe anh nói. Đây là một cách diễn tả tâm trạng của đệ tử Bụt trước khi Ngài nhập diệt, hay là tâm trạng của những người thấy thầy của mình hay người hướng dẫn mình, mai đây sẽ không còn nữa. Một mũi tên rơi hai cờ ảo tượng bắt đầu bằng những câu:

Cũng như dòng suối về gặp đại dương

Ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới

Tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường

 

Tội nghiệp. Đi thì đi, nhưng anh hãy hát lớn lên để khi anh mất đi rồi thì anh vẫn có thể còn hướng dẫn tôi thêm một đoạn đường nữa. Trả lời:

Tôi sẽ không ra đi

Hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến

Nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím.

Làm sao hiểu được bài thơ này nếu không thấm nhuần tư tưởng của đạo Bụt Đại Thừa? tôi sẽ không ra đi hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến, đó là cái thấy vô khứ vô lai. Như Lai có nghĩa là không từ đâu tới cả và cũng sẽ không đi về đâu. Nơi khởi hành có trăng, mây, gió, nước, rất là đẹp, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím, hoa vàng trúc tím cũng đẹp như trăng mây gió nước. Tại đây cũng có trăng mây gió nước, cũng có hoa vàng trúc tím, và nơi tôi đến cũng có các thứ nhiệm mầu, đẹp đẽ kia. Như vậy thì tôi đâu có đến, tôi đâu có đi. Nơi nào, lúc nào cũng có các thứ đó. Trong thi ca Đại Thừa có hai câu:

Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân

Trúc biếc hoa vàng đều là chân như, và trăng sáng, mây trắng đều là bản thể. Thành ra đi đâu anh cũng gặp các thứ đó, nên anh không tới cũng không đi! Đọc nghe rất dễ chịu. Tôi sẽ không ra đi, hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến, nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím. Trả lời người em mà trả lời như vậy thì còn đòi hỏi gì nữa?

Là lá, là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ

Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi

Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi.

Người em nhỏ luôn luôn sợ một mai anh mình sẽ chết, nên cứ nói rằng mai này khi anh chết rồi, em sẽ ở lại một mình, yếu đuối, chắc em sẽ không sống nổi! Người anh mới nói cho biết Là lá, là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ. Quí vị đã đọc truyện Tố thì biết. Người anh có mặt trong người em, không thể nào lấy người anh ra khỏi người em được, vậy mà người em cứ mãi sợ người anh sẽ ra đi! Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi. Hãy nhìn lên trời xanh thì biết trời xanh có ngay trong đôi mắt mình. Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi. Tôi đọc tiếp để quí vị nghe:

Sáng nay sau giấc ngủ của trăng sao, vũ trụ làm rơi những giọt nước mắt trong như pha lê,

Êm dịu sương khuya, hãy khóc cho hồn ngươi thêm đẹp.

Khóc thì khóc, khóc thì cũng đẹp thôi, tại vì đứng về phương diện Bản môn thì nước mắt cũng như là sương rơi, không có gì có thể làm động được lòng tôi.

Nước mắt sẽ biến hồn hoang-vu thành nơi vườn quê tươi sáng,

Thanh lương thấm lòng trái đất, nâng niu lộc mướt chồi non,

Ngày xưa những khi ngồi nhìn em khóc, tôi cũng đã ưng khóc để được dỗ dành,

Tất cả những hình ảnh này đều thuộc về thế giới Tích môn.

Ôi thiên nhiên

Bà mẹ tóc xanh, xanh mướt đất trời, nụ cười đem về đầy bướm chim hoa lá

Là lá, là hoa em đã có tôi từ vô thỉ

Và trong nhận thức mong manh, em, tôi thực chưa bao giờ từng hiện hữu, tử sinh.

Tôi thoát ra khỏi cái sanh và cái diệt, nhưng vì chỉ thấy tôi qua cái sanh và cái diệt nên em cảm thấy buồn khổ.

Em có nhớ ngày đầu tiên khi Mẹ đưa tôi về, nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới trông thấy bóng hình tôi hiển lộ?

Tôi hiển lộ nhờ vào ngũ uẩn, và vì tưởng rằng tôi bắt đầu có mặt từ lúc đó, nên em nghĩ rằng tôi sẽ mất đi từ một giây phút nào trong tương lai.

Ngày mai bóng hình mất đi

Em hãy mỉm cười

Và bình thản tìm tôi trở lại

Tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất

Để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực

Chưa bao giờ đi

Chưa bao giờ đến

Qua thời gian, qua nhận thức, qua chủ khách tồn sinh.

Đó là những lời chỉ dạy cho người em tiếp xúc với Bản môn.

Tìm tôi và tiện dịp em tìm em

Hai người là một, mình với Bụt là một. Khi tìm được Bụt, thì đồng thời mình cũng tìm ra được mình.

Nét khám phá nguyên sơ

Chỉ cho em thấy rằng em là bất diệt

Em sẽ thấy

Không có gì đi, mất

Và với một mũi tên thôi, em bắn rơi một lần hai lá cờ huyển tượng

Chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh.

Tìm tôi thì em tìm ra được em, và với một mũi tên ta bắn rơi một lần hai lá cờ ảo tượng. Lá cờ ảo tượng thứ nhất là tôi có sanh và tôi có chết, lá cờ ảo tượng thứ hai là em có sanh và em có chết. Hai lá cờ đã rơi thì chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh.

Tôi đang mỉm cười an nhiên trong phút giây hiện tại

Nụ cười nở mãi trong bài ca mùa Xuân bất tận

là tại vì khi đó mình đã đặt hai chân lên bình diện của Bản môn rồi.

Trong nụ cười kia em cũng sẽ thấy em còn mãi

Bởi vì em quả thực chưa bao giờ hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh.

Nụ cười hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai

Tận cuối đường ảo tượng

Không có gì đã qua và đã mất

Không có gì sẽ qua và sẽ mất

Và suối chim khuyên em hôm nay

“Hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca.”

Đó là ba câu tôi đã trích khi giảng bài Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng, Không Có Gì Đã Qua Và Đã Mất. Đó là Bụt Đa Bảo. Đó là Bụt Thích Ca, ta phải thấy được điều đó, và mình đừng than thở rằng Bụt đã qua đời rồi, bây giờ không có ai thọ ký cho mình! Chồi lá non xanh sáng hôm nay, tiếng chim sáng hôm nay đang thọ ký cho mình, và mình có thể tiếp xúc được với Bụt Thích Ca, Bụt Đa Bảo ngay trong giờ phút hiện tại. Nụ hoa nào, ngọn lá nào, hạt sỏi nào cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Thuyết Pháp Hoa Kinh tức là thọ ký. Thành ra sự thực tập của mình là gì? Be a singing flower, hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca. Đó là câu chót của bài thơ. Hương vị này bắt nguồn từ những tư tưởng mầu nhiệm của kinh Pháp Hoa. Bài thơ nói rằng: Tất cả những gì cần làm là mỉm cười, như một bông hoa, và sống cho thật sâu sắc trong giờ phút hiện tại, để tiếp xúc cho được với cái thực tại của chân như, của Bản môn.

------------------------------------------------------------

Thông Điệp Thứ Nhất Của Pháp Hoa: Chỉ Có Một Pháp Gọi Là Phật Thừa

Trang 76, đoạn 25: Trong cõi Phật mười phương, chỉ có một thừa Pháp, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói. Nguyên bản bằng chữ Hán: Thập phương Phật độ trung, duy hữu Nhất Thừa Pháp, vô nhị diệt vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết. Trong tất cả cõi Bụt ở mười phương, chỉ có một cái Pháp Nhất Thừa mà thôi. Câu này nếu dịch theo văn pháp Việt thì mình phải dịch là chỉ có Pháp Một Thừa. “Một Thừa Pháp” thì làm sao ta hiểu được? Bản dịch của Thầy Trí Tịnh tuy khá chính xác nhưng vẫn có chỗ chưa thoát khỏi văn pháp chữ Hán, vì vậy có khi đọc khó hiểu. Chỉ có cái Pháp gọi là Nhất Thừa mà thôi, không có Pháp Nhị Thừa, cũng không có Pháp Tam Thừa, chỉ trừ khi Bụt dùng phương tiện mà đặt bày ra như vậy. Nghĩa là trên phương diện sự thật, thì chỉ có một con đường duy nhất, không có con đường thứ hai, cũng không có con đường thứ ba. Vì vậy cho nên khi nói có một đường, hai đường và ba đường thì đó là bày đặt ra để mà nói, tức là dùng phương tiện, còn sự thật tuyệt đối thì chỉ có một con đường mà thôi.

Chúng ta cũng còn bị kẹt vào cách dịch này, Nhất Thừa mà dịch là Một Thừa thì không hay lắm. Thừa là gì? Thừa tức là con đường, là cỗ xe, tiếng Phạn là Y€na. Nhất Thừa là Ekay€na, Eka có nghĩa là một. Chúng ta biết Kinh Niệm Xứ có khi được Bụt gọi là Kinh Nhất Thừa, tại vì trong bản tiếng Phạn cũng nói rằng có một con đường duy nhất để thành tựu đạo nghiệp, đưa tới giải thoát, đó là con đường Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Chữ Ekay€na, cũng được dùng trong trường hợp ấy. Có nhiều khi trong kinh chép Ekay€n€, nghĩa hơi khác. Nhưng trong tụng bản của Đại Chúng Bộ thì kinh Niệm Xứ được gọi là kinh Nhất Nhập Đạo, tức là kinh nói về một con đường duy nhất để đi vào đạo, và như vậy thì ý niệm Nhất Thừa đã có ngay trong đạo Bụt Nguyên Thủy, vì vậy mà danh từ Nhất Thừa dùng trong Đại Thừa cũng không phải là hoàn toàn mới.

Từ lâu người ta đã quan niệm có ba con đường, con đường của Thanh văn, là y€na thứ nhất, con đường của Duyên giác, là y€na thứ hai, và con đường của Bồ Tát, là y€na thứ ba, đó là Tam Thừa. Khi kinh Pháp Hoa ra đời, nói rằng ý niệm Tam Thừa là một ý niệm tạm, kỳ thực chỉ có một con đường chung cho mọi người thôi, đó gọi là Nhất Thừa, và con đường đó mới thật là con đường, còn ba đường kia chẳng qua chỉ là phương tiện bày ra để dễ hướng dẫn, để tạm dùng như vậy, tạm nói như vậy thôi. Như vậy danh từ Nhất Thừa, có khi được gọi là Phật Thừa có nghĩa không phải là Thanh văn Thừa, Duyên giác Thừa, hay Bồ Tát Thừa, mà là Phật Thừa, Buddha-y€na. Danh từ Bồ Tát Thừa là để phân biệt với Thanh văn Thừa và Duyên giác Thừa, nhưng danh từ Phật Thừa bao gồm cả ba thừa kể trên. Vì vậy chúng ta đừng nên đồng nhất Bồ Tát Thừa với Phật Thừa. Khi đã đưa ra Nhất Thừa hay là Phật Thừa làm con đường duy nhất rồi, Bụt nói rằng tôi cũng có nói đến con đường thứ nhất tức là Thanh văn Thừa, con đường thứ hai là Duyên giác Thừa, và con đường thứ ba là Bồ Tát Thừa, nhưng đó là vì tôi tạm sử dụng phương tiện. Thật ra chỉ có một thừa mà thôi, gọi là đạo lý Nhất Thừa. Ta dịch là Pháp Nhất Thừa.

Bài kệ bốn câu này có nhiều người thuộc vì nó là tinh yếu của Phẩm thứ hai và cũng là tinh yếu của kinh Pháp Hoa:

Thập phương Phật độ trung, Duy hữu Nhất Thừa Pháp, Vô nhị diệt vô tam, Trừ Phật phương tiện thuyết.

Dịch ra cho rõ là: Trong các cõi Bụt ở mười phương, chỉ có Pháp Nhất Thừa thôi, không có thừa thứ hai, cũng không có thừa thứ ba, chỉ trừ khi Bụt dùng phương tiện để tuyên thuyết. Đến đây chúng ta thấy ngôn từ của kinh điển Đại Thừa đã ngọt ngào, đã bao dung, và không có ý định muốn đẩy Nhị Thừa ra khỏi vòng tay ấm áp của đạo Bụt nữa. Trước kinh Pháp Hoa, chúng ta nghe những ngôn ngữ rất nặng, ví dụ nói rằng những người Thanh văn và Duyên giác không phải là con đích tử của Bụt, mà là những người có thể làm hư thối hạt giống của Phật Pháp. Nhưng từ khi kinh Pháp Hoa xuất hiện thì chúng ta lại nghe nói rằng Thanh văn và Duyên giác cũng đều là con Bụt, chính Bụt đã dạy như vậy, chính Bụt đã dùng phương tiện để mà hướng dẫn như vậy. Do đó mà Phẩm này được gọi là Phẩm Phương tiện.

Phương tiện là những cách thức mình sử dụng để đạt được mục đích của mình. Kinh Pháp Hoa nói rằng Nhị Thừa là do Bụt phương tiện dạy ra. Ngày xưa, khi mới xuất hiện, Đại Thừa đã từng nói rằng các vị trong Thanh văn Thừa đã làm cho hạt giống Phật pháp hư thối, nhưng bây giờ thì không nói vậy nữa, mà nói rằng hạt giống đó còn tốt, không sao đâu, miễn là quý vị biết sử dụng. Tiêu nha bại chủng là hư thối hạt giống. Nha tức là cái mầm, còn chủng là hạt giống. Làm cho tiêu trừ cái mầm, và làm cho thất bại cái hạt giống, đó gọi là tiêu nha bại chủng. Hạt lúa khi mình ngâm vào nước sẽ mọc ra mầm gọi là mạch nha, còn nguyên hạt thì gọi là chủng. Những kinh Đại Thừa xuất hiện đầu tiên mô tả những người Tiểu Thừa làm cho mầm thối và hạt giống hư. Bây giờ thì kinh Pháp Hoa không nói vậy nữa, mà nói rằng các vị trong Thanh văn Thừa cũng là anh em của tôi, quí vị chỉ cần thay đổi cái nhận thức một chút là quí vị sẽ trở thành Bồ Tát, bởi vì trong bản chất, quí vị đều là Bồ Tát cả. Kinh Pháp Hoa tuyên thuyết ra chân lý ấy, nói rằng tất cả mọi người đều là Bồ Tát, và có dẫn chứng đàng hoàng.

Sang trang 77, hai câu chót của đoạn 25: Đấng Vô Thượng chúng trọng, vì nói thực tướng ấn. “Đấng Vô Thượng chúng trọng” nghe khó hiểu quá! Đọc bản chữ Nho, ta hiểu dễ dàng hơn: Vô lượng chúng sở tôn, vị thuyết thật tướng ấn. Vô lượng chúng sở tôn tức là người được vô lượng vô biên chúng sanh tôn trọng, đấng được vô lượng vô biên chúng sanh tôn trọng, dịch cho dễ hiểu là Đấng chúng sanh tôn trọng. Vì nói thực tướng ấn, thực tướng ấn là một danh từ mới. Ấn (Mudr€) là một khuôn dấu, khuôn dấu này chứng tỏ pháp này đích thực là Phật Pháp, không phải là tà thuyết. Trong đạo Bụt truyền thống, chúng ta có quan niệm Tam Pháp Ấn, tức là ba khuôn dấu chứng thực được tính cách chánh tông của đạo Bụt. Tam Pháp Ấn là chư pháp vô thường (hay chư hạnh vô thường); chư pháp vô ngã; và Niết Bàn tịch tĩnh. Đứng về phương diện Đại Thừa thì không cần đến ba ấn mà chỉ cần một thôi, gọi là Nhất Thật Tướng Ấn, tức là nhất ấn thay vì tam ấn. Từ sự quán chiếu về tự tánh vô thường và vô ngã của sự vật, mà người quán chiếu tìm tới cái tính chất bất sanh bất diệt của vạn pháp. Khi đi vào tới cái tính cách bất sanh bất diệt của vạn pháp rồi thì những danh từ vô thường, vô ngã không còn đủ để diễn tả cái chân tướng của sự vật nữa, tại vì sự vật không sanh, không diệt, không vô thường, cũng không không vô thường, không vô ngã cũng không không vô ngã. Tất cả những ý niệm và những ngôn từ thường dùng để diễn tả đều không còn công hiệu. Cái đó có thể gọi là không, có thể gọi là thật tướng. Trong truyền thống, ta gọi là Ba Pháp Ấn. Ở đây ta gọi là Một Pháp Ấn, tức là Nhất Thật Tướng Ấn. Thật tướng tức là khuôn mặt đích thật của thực tại.

Thông Điệp Thứ Hai Của Pháp Hoa: Tất Cả Chúng Sanh Đều Có Phật Tánh

Sang trang 79, đoạn 27: Cho nên Xá Lợi Phất, ta vì bày phương tiện, nói các đạo dứt khổ, chỉ cho đó Niết Bàn, ta dầu nói Niết Bàn, cũng chẳng phải thật diệt, các pháp từ bản lai, tướng thường tự vắng lặng. Bản chữ Hán là: Thị cố Xá Lợi Phất, ngã vị thiết phương tiện, thiết chư tận khổ đạo, thị chi dĩ Niết Bàn, ngã tuy thuyết Niết Bàn, thị diệt phi chân diệt, chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng. Có nghĩa là: Này thầy Xá Lợi Phất, tôi đã vì chúng sanh thiết lập ra những phương tiện và nói ra những con đường dẫn tới sự diệt khổ, do đó mà tôi đã có nói tới Niết Bàn. Tôi có chỉ bày cho chúng sanh hình ảnh của Niết Bàn. Niết Bàn trong ngữ nguyên của nó có nghĩa là vắng lặng, tịch diệt, tắt ngấm. Ví dụ như cây đèn cầy bị mình thổi tắt. Nirvana có nghĩa là sự tắt ngấm đó. Tắt ngấm ở đây là tắt ngấm sự khổ đau, tắt ngấm vô minh. Nhưng Ngã tuy thuyết Niết Bàn, thị diệt phi chân diệt, tôi dầu có nói đến Niết Bàn, nói đến sự vắng lặng tịch diệt, nhưng kỳ thực đó không phải là sự tịch diệt thật sự, tức là không phải cái Không tiêu cực.

Trong bản chữ Hán chúng ta thấy Ngã tuy thuyết Niết Bàn, thị diệt phi chân diệt, tuy rằng tôi có nói tới Niết Bàn thật đó, nhưng trong đó chưa có sự tịch diệt chân thật. Tại sao vậy? Tại vì:

Chư pháp tùng bản lai,

Thường tự tịch diệt tướng.

Tất cả mọi sự, mọi vật từ xưa cho đến nay, (tùng bản lai tức là từ gốc ngọn cho đến giờ), cái tự tánh, cái bản chất của chúng đã là Niết Bàn rồi. Tất cả các pháp đều tự an trú sẵn trong tính chất Niết Bàn của chúng rồi, thành ra ta không thể đi tìm Niết Bàn ở ngoài các pháp. Hai câu này nổi tiếng lắm. Hồi còn trẻ tôi rất thích hai câu này, Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng. Depuis le non-commencement, toute chose est déjà nirvanisée. Như vậy thì không phải là nhờ sự tu học của mình mà mình mới có Niết Bàn, các pháp đã nằm sẵn trong tự tánh Niết Bàn của chúng rồi. Quí vị cũng đang ở trong Niết Bàn, không cần chạy đi đâu để tìm Niết Bàn nữa. Cây thông, cây tùng, cây trúc, cây mai đều ở trong Niết Bàn cả, thường tự tịch diệt tướng là như vậy. Có một vị Tổ sư khi đọc hai câu này xong Ngài thích quá bèn thêm vào hai câu nữa: Xuân đáo bách hoa khai, hoàng oanh đề liễu thượng, tức là mỗi khi Xuân đến thì một trăm thứ hoa nở ra, và con chim hoàng oanh ca hát trên cành liễu. Vì vậy mà ta có một bài thơ hay:

Chư pháp tùng bản lai,

Thường tự tịch diệt tướng,

Xuân đáo bách hoa khai,

Hoàng oanh đề Liễu thượng.

Hồi hai mươi mấy tuổi, tôi dịch bài này sang tiếng Việt:

Các pháp từ xưa nay,

Bản tánh thường vắng lặng,

Xuân đến trăm hoa mừng,

Oanh vàng ca liễu thắm.

Đoạn 29 trang 80, và trong các đoạn kế tiếp, những bài kệ chứng minh cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng sanh, dầu là bê bối cách mấy trên phương diện hình thức, cũng đã gieo trồng những hạt giống của giác ngộ, của giải thoát trong quá khứ, và một ngày nào đó, sẽ thành Bụt. Nếu có những loài chúng sanh trong quá khứ đã thường gặp các vị Bụt, hoặc thường nghe nói về pháp bố thí, hoặc trì giới, hoặc nhẫn nhục, hoặc tinh tấn, thiền định, hay trí tuệ, trong số những người như vậy đã có người thành Bụt rồi. Vì vậy cho nên vô tình mà nghe được một bài kệ, hay một chút Phật Pháp, là đã có gieo trồng trong tâm thức những hạt giống để sau này có thể thành Bụt. Người nào cũng vậy, tại vì trong chúng ta ai cũng đã trải qua vô lượng vô biên kiếp, thì không thể nào đã không nghe một câu nói về chân lý của một đức Bụt, một vị Bồ Tát, hay một đức Bụt tương lai. Mà Bụt tương lai thì lúc nào và ở đâu cũng có. Trong một trăm câu nói, thế nào cũng có được một câu, hay nửa câu phù hợp với chánh pháp. Nghe được câu đó tức là ươm vào một hạt giống bồ đề, và vì vậy mà không có chúng sanh nào lại không có hạt giống bồ đề ở trong tâm, để sau này có thể thành Bụt.

Đoạn 30, chúng ta đọc bốn câu cuối:

Nhẫn đến đồng tử giỡn,

Nhóm cát thành tháp Phật,

Những hạng người như thế,

Đều đã thành Phật đạo.

Có thể có những chú bé con trong khi chơi giỡn, lấy cát xây thành một tháp Bụt, rồi hai tay chắp lại cúi đầu, thì hành động đó cũng là gieo một hạt giống bồ đề, và những chú bé đó đã có thể thành Bụt, hoặc nếu chưa thành thì sau này thế nào cũng sẽ thành Bụt. Vì vậy mà ta không cần lo lắng gì hết, tất cả chúng ta đều sẽ là Bụt. Trong suốt nhiều trang kinh, Bụt tiếp tục dùng những ví dụ tương tự để chứng tỏ rằng người nào cũng có những hạt giống tốt, cũng có thiện căn. Thiện căn tiếng Phạn là KuỐala-mũla.

Trang 82 đoạn 31:

Nhẫn đến đồng tử giỡn, Hoặc cỏ cây và bút, Hoặc lấy móng tay mình, Mà vẽ làm tượng Phật, Những hạng người như thế, Lần lần chứa công đức, Đầy đủ tâm đại bi, Đều đã thành Phật đạo.

Có những đứa trẻ con khi đùa giỡn, dùng một cành củi khô, một cọng cỏ hay một cây bút, hoặc lấy chính móng tay của mình mà vẽ ra một hình tượng Bụt, thì trong tâm của em bé đó đã có gieo giống Phật pháp, và chính nhờ những hạt giống ấy mà những người kia đã có thể thành Bụt, hoặc sẽ thành Bụt trong tương lai. Thành ra chúng ta không nên có mặc cảm. Ý niệm Nhất xiễn đề tức là ý niệm có những kẻ không thể nào thành Bụt được, là sai lầm, không ai mà không sẽ thành Bụt. Vì vậy ở Phẩm Phương tiện này, ngoài cái ý niệm chỉ có một thừa là Phật Thừa, còn có ý niệm tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nghĩa là không ai trong chúng ta mà sẽ không thành Bụt.

Sang đoạn 33:

Hoặc có người lễ lạy, Hoặc lại chỉ chấp tay, Nhẫn đến giơ một tay, Hoặc lại hơi cúi đầu, Dùng đây cúng dường tượng, Lần thấy vô lượng Phật, Tự thành đạo vô thượng.

Nghĩa là nếu dùng những phương cách như vậy (dùng đây) để cúng dường Bụt thì cũng sẽ đạt được đạo vô thượng, sẽ được thành Bụt.

Bốn câu gần cuối:

Nếu người lòng tán loạn,

Vào nơi trong tháp miếu,

Một xưng Nam Mô Phật,

Đều đã thành Phật đạo.

Khi lòng mình tán loạn, tới chùa, hay đi một mình vào tháp, khởi lên một sự cung kính, niệm lên một câu Namo Buddhaya, đó cũng đủ là gốc rễ để sau này thành một bậc Toàn Giác.

Trang 84, đoạn 34:

Các Phật đời vị lai,

Dầu nói trăm ngàn ức,

Vô số các pháp môn,

Kỳ thực vị Nhất Thừa.

Tôi biết rằng các vị Bụt sẽ xuất hiện trong tương lai, dầu các Ngài có nói ra trăm ngàn muôn ức giáo lý và thi thiết vô số các pháp môn, thì tất cả những giáo lý và pháp môn đó đều sẽ chỉ gom vào cái ý niệm Nhất Thừa mà thôi.

Các Phật Lưỡng Túc Tôn,

Biết pháp thường không tánh,

Giống Phật theo duyên sanh,

Cho nên nói Nhất Thừa.

Các vị Bụt danh xưng là Lưỡng Túc Tôn, biết rằng các pháp đều không có tự tánh, và hạt giống của Bụt trong mình cũng vâng theo luật duyên khởi, vì vậy cho nên đã nói pháp Nhất Thừa. Hạt giống Bụt trong ta là một hạt giống đã được gieo, và sẽ phát triển theo luật duyên khởi.

Pháp đó trụ ngôi pháp,

Tướng thế gian thường còn,

đây cũng là hai câu rất nổi tiếng. Nguyên chữ Hán là:

Thị pháp trú pháp vị,

Thế gian tướng thường trú.

Hai câu này được các vị Tổ sư giải nghĩa khác nhau. Thị pháp là pháp đó, trú pháp vị tức là an trú trong cái địa vị của nó nơi các pháp. Chữ vị ở đây có nghĩa là cái địa vị, cái chỗ đứng, cái situation của nó. Thế gian tướng thường trú tức là vĩnh viễn còn mãi trong hình tướng của các pháp thế gian. Cái pháp Nhất Thừa mà Bụt muốn nói đó, cái chân lý mà Bụt muốn tuyên thuyết đó, sẽ còn ở mãi nơi địa vị của nó, và ta có thể nhận thức được sự có mặt của nó trong các pháp thế gian. Ví dụ pháp đó là pháp Vô thường, hay Vô ngã, hay Niết Bàn, pháp Không, Vô tướng, hay Vô tác, hay Nhất Thừa. Các pháp ấy mãi mãi còn đó, mình có thể nhìn thấy chúng được, có thể chứng nghiệm được, tại vì chúng luôn luôn còn ở trong địa vị của chúng, gọi là Thị pháp trú pháp vị. Tướng thế gian thường còn, tức là bao giờ những pháp của thế gian còn thị hiện cho ta thấy, thì ta còn thấy được các pháp đó, and we can recognise that Dharma in the presence of what we would see around us now. Ví dụ như khi nhìn vào một lá cây mùa thu, thì lá đó là một thế gian pháp, là một thế gian tướng. Khi nhìn chiếc lá cho sâu sắc, ta sẽ thấy pháp Vô thường, pháp Vô ngã, pháp Niết Bàn, pháp Không, Vô tướng, Vô tác, và pháp Nhất Thừa trong đó. Như thế thì ngoài chiếc lá đó, nghĩa là nếu không có lá đó, ta sẽ không thấy cái pháp mầu nhiệm của Bụt. Vô thường nghĩa là cái lá vô thường, Vô ngã nghĩa là cái lá vô ngã, nếu không có cái lá thì mình sẽ không thấy được cái bản tánh vô thường và vô ngã của chiếc lá. Chính nhờ các Pháp vô thường và vô ngã, phải có các Pháp vô thường, vô ngã, ta mới thấy được đạo lý vô thường, vô ngã. Vì thấy được các pháp, nên ta mới thấy được tự tánh của các pháp là tự tánh Niết Bàn, tự tánh duyên sinh. Vì vậy mà các pháp đã nằm sẵn trong tự tánh Niết Bàn của nó, Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng. Khi nhìn vào các pháp ngay trong giờ phút hiện tại, chung quanh mình và nhìn vào chính bản thân mình, mình thấy được tất cả các pháp Vô thường, Vô ngã, Niết Bàn, Không, Nhất Thừa và Tịch diệt.

Sang trang 86 đoạn 36, Bụt kể lại chuyện xưa của Ngài:

Xưa, tu ngồi đạo tràng, Xem cây cùng kinh hành, Trong hai mươi mốt ngày, Suy nghĩ việc như vầy, Trí tuệ của ta được, Vi diệu rất thứ nhất, Chúng sanh các căn chậm, Tham vui si làm mù, Các hạng người như thế, Làm sao mà độ được?

Bụt kể chuyện lại sau khi thành chánh quả, ngồi ở dưới cây bồ đề, nhìn cây, ngắm cảnh và đi bộ trong chánh niệm suốt hai mươi mốt ngày, để thưởng thức cái Niết Bàn của tự tâm, và cái Niết Bàn của thực tại. Trong hai mươi mốt ngày nhìn cây, nhìn trời, đi kinh hành, đi tắm, và chơi với trẻ con, Bụt mới suy nghĩ rằng, cái tri kiến mà Ngài đã đạt tới, nó rất là vi diệu, rất là đệ nhất, nhưng vì chúng sanh căn cơ chậm chạp và bị tham sân si làm cho mờ mắt đi, đối với những người như vậy làm sao mình có thể chia sẻ cái thấy sâu sắc và vĩ đại này với họ được? Đó là câu Bụt tự hỏi mình trong vòng 21 ngày sau khi Ngài thành đạo.

Lúc bấy giờ các vị Phạm Vương, các vị Thiên Vương, Đại-Tự-Tại Thiên, và các Thiên chúng khác mới hiện xuống, chấp tay cung kính lễ Bụt, và xin Bụt bắt đầu thuyết pháp. Lúc đó Bụt tự nói rằng, nếu ta chỉ nói về Nhất Thừa hay Phật Thừa thì chúng sanh chưa thể am hiểu và tu tập được, vì vậy ta sẽ không vội nói Nhất Thừa, ta hãy chỉ cho họ những con đường dễ dàng hơn, đó là con đường Thanh văn và con đường Duyên giác. Vì nếu nói Phật Thừa mà chúng sanh vẫn không đủ sức thu thập và vẫn đau khổ, thì chi bằng ta nhập Niết Bàn cho rồi, đừng nói Pháp nữa. Nếu chỉ khen Phật Thừa, chúng sanh chìm nơi khổ, không thể tin pháp đó, do phá pháp không tin, rớt trong ba đường dữ, ta thà không nói pháp, mau vào cõi Niết Bàn. Nói chân lý nhiệm mầu này ra thì chúng sanh sẽ không đủ sức để tin, mà họ còn bài báng, và do đó sẽ rơi vào ba đường ác đạo. Chi bằng ta nhập Niết Bàn là hay hơn. Khi tư tưởng đó tới, Bụt mới nhớ rằng ngày xưa các đức Bụt quá khứ, sau khi thành đạo luôn luôn tạo ra phương tiện để thuyết pháp, vì vậy mà Bụt đã làm như các đức Bụt ngày xưa, nghĩa là bắt đầu dạy pháp Tam Thừa.

Sang trang 88:

Liền nhớ Phật quá khứ,

Thực hành sức phương tiện,

Ta nay chứng được đạo,

Cũng nên nói ba thừa.

Đoạn này có nghĩa là lúc đó ta nhớ đến các Bụt quá khứ, các Bụt đã tạo ra nhiều phương tiện để nói pháp Thanh văn và pháp Duyên giác. Bây giờ ta đã chứng được đạo rồi, ta cũng nên làm như chư Bụt trong quá khứ, nghĩa là ta cũng phải nói về ba thừa.

Lúc tư tưởng đó hiện ra trong tâm ta thì từ mười phương, các Đức Bụt đều hiện ra và dùng ngôn từ rất mầu nhiệm để hổ trợ ta. Các Ngài nói, hay lắm Bụt Thích Ca, cái tư tưởng đó rất hay, rất chính xác, chúng tôi trong quá khứ cũng đã thành Bụt và cũng đã dùng phương tiện để nói ba thừa, tại vì những người căn tánh chậm lụt, trí tuệ kém cỏi, thì chỉ ưa pháp nhỏ mà bây giờ mình không cho họ pháp nhỏ thì họ sẽ không bao giờ có cơ hội nắm lấy được pháp lớn.

Hay thay Đức Thích Ca,

Bậc Đạo Sư thứ nhất,

Được pháp vô thượng ấy,

Tùy theo tất cả Phật,

Mà dùng sức phương tiện,

Chúng ta cũng đều được,

Pháp tối diệu thứ nhất,

Vì các loại chúng sanh,

Phân biệt nói ba thừa,

Trí kém ưa pháp nhỏ,

Chẳng tự tin thành Phật,

Cho nên dùng phương tiện,

Phân biệt nói các quả,

Dầu lời nói ba thừa,

Chỉ vì dạy Bồ Tát.

Quí vị nên đọc cho hết phần kệ tụng của phẩm này để biết thêm các chi tiết khác.

(5) Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát – Ghi chép thơ Thầy Nhất Hạnh, Chơn Không Cao Ngọc Phượng ghi (1980) – Lá Bối xuất bản…

Xem Tiếp Chương 3 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post