Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Con Đã Có Đường Đi
Con Đường Của Phật
Những đóng góp của đạo Phật cho một nền đạo đức toàn cầu
Chương 20. Năm Giới Tân Tu
Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống
Ý thức được những khổ
đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức
và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật,
thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác
sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới,
trong tư duy cũng như trong đời sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả
những bạo động do sự sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn
từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không
kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức
hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong
con và trong thế giới.
Giới Thứ Hai: Hạnh Phúc Chân Thực
Ý thức được những khổ
đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập
san sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trong cả
ba lĩnh vực tư duy, nói năng, và hành động của đời sống hằng ngày. Con nguyện
không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra. Con nguyện
thực tập nhìn sâu để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật
thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con, rằng hạnh phúc chân thực không thể
nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh phúc bằng cách
chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy
và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ chính tự
tâm và cách nhìn của con chứ không đến từ bên ngoài, rằng thực tập phép tri túc
con có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại nếu con có khả
năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đã có sẵn.
Con nguyện thực tập theo chánh mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi
loài trên trái đất và để chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.
Năm giới tức là năm phép thực tập chánh niệm, biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ đế và Bát chánh đạo, con đường của Bụt, con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trị liệu, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới. Năm giới mang theo tuệ giác tương tức, tức là Chánh kiến, có khả năng tháo bỏ mọi cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng. Sống và thực tập theo Năm giới là chúng ta đã đi vào con đường mà các vị Bồ tát đang đi. Năm giới này đại diện cho cái thấy của đạo Bụt về một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu. Biết rằng đang được đi trên con đường của Bụt, chúng ta không còn lý do gì để lo lắng cho hiện tại và sợ hãi cho tương lai.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Giới Thứ Ba: Tình Thương Đích Thực
Ý thức được những khổ
đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo
hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết
tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm
khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện
không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những
cam kết chính thức và lâu dài. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em,
không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống
đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng
tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức
Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực
để làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ Vô
Lượng Tâm ấy, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong những kiếp sau.
Giới Thứ Tư: Lắng Nghe Và Ái Ngữ
Ý thức được những khổ
đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con xin
nguyện học các hạnh Ái Ngữ và Lắng Nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người,
làm vơi bớt nỗi khổ đau của người, giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi
người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại
hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây
thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu
biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt
trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những
bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những
khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật
và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo
thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những
tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những
sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn
để có thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con
và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang
có trong chiều sâu tâm thức.
Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng Và Trị Liệu
Ý thức được những khổ
đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển
hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm
trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn
thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc
hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống
hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới
internet, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện
trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc
với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung
quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để
cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để
khỏa lấp sự khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự
tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì
được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và trong môi trường
sự sống.
Xem Tiếp Chương 8 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá