Chương 5. Qua, Qua Bên Kia Rồi, Tỉnh Thức Rồi!

Chương 5. Qua, Qua Bên Kia Rồi, Tỉnh Thức Rồi!

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Trái Tim Của Hiểu Biết

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã do Thầy Nhất Hạnh giảng

tại chùa Pháp Hoa, Adelaide Úc,

ngày 23-11-1986.

Lưu Hoằng Nguyện thu thanh và chép ra,

Lư Thị Hồng sắp chữ.

Chương 5. Qua, Qua Bên Kia Rồi, Tỉnh Thức Rồi!







Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Trái Tim Của Hiểu Biết' ê


Câu chuyện đó, tôi viết để làm bài tựa cho một cuốn sách của một vị linh mục dòng Tên, xuất bản bên Mỹ, tựa là A Book of Psalms. Linh mục Daniel Berrigan là một người từng tranh đấu rất nhiều cho công bằng xã hội, cho hoà bình. Tôi nghĩ rằng hay hơn hết là mình nên để độc giả bên đó biết được một chút giáo lý bất nhị của đạo Bụt, để họ biết rằng khi nào mình còn chia hai phe chánh tà, thì thế giới vẫn còn loạn lạc, đau khổ. Ở các nhà thờ Tây phương, người ta thường gây cảm tưởng rằng chúng ta là dân của Thượng đế, rằng tất cả chúng ta đều làm đúng hết. Còn kẻ thù của chúng ta ở bên Nga, bên Tàu, bên những nước không thân thiện với chúng ta, họ đều là tà ma hết. Chia ra như vậy để chúng ta rất sung sướng được đứng về phe chánh và những người kia không đứng về phe chúng ta, tức đang đứng về phe tà ma.

Quan niệm này có thể gây chiến tranh, gây sự kỳ thị trên thế giới lâu nay. Trong những phim làm cho con nít Tây phương, vai bên phía chánh có nét mặt rất Tây phương, và nhiều khi nét mặt của những người bên phe tà lại có vẻ Á Đông. Đó là một hiểm hoạ kỳ thị rất lớn mà ta phải suy xét.

Cơ Đốc Giáo hiện đang được thực tập tại các nước Tây phương là một thứ Cơ Đốc Giáo đã bị Tây phương hoá rất nhiều, theo kiểu suy nghĩ Tây phương. Nếu chúng ta không khéo thì Phật giáo cũng sẽ được nhận thức qua lối suy tư của người Tây phương, rồi Phật giáo cũng sẽ biến hình, méo mó. Chúng ta phải thực tập Tâm Kinh Bát Nhã thật kỹ lưỡng để vượt thoát khuynh hướng lưỡng nguyên của tư tưởng Tây phương.

Nguyên tắc của chúng ta là nguyên tắc bất nhị (không phải là hai). Hôm trước chúng ta đã học phương pháp đối trị với thân và tâm. Thân và tâm của chúng ta là một, chứ không phải là hai. Những cảm thọ như giận, hờn, buồn, chán v.v. không phải là tà ma mà chính là chúng ta. Chúng ta phải đối trị những cảm thọ đó với tất cả sự ưu ái và với thái độ bất bạo động, ta mới có thể đạt tới sự an lạc.

KHÔNG TRÍ CŨNG KHÔNG ĐẮC VÌ KHÔNG CÓ SỞ ĐẮC

Tại sao vậy?

Sở đắc là kết quả chúng ta đạt được từ bên ngoài. Đạo Bụt nói rằng trong một hạt bụi đã có đầy đủ tất cả trí tuệ của vũ trụ vạn hữu. Trong con người đã có đầy đủ Phật tâm, do đó cái trí tuệ mà ta muốn đạt tới, ta không phải tìm cầu ở bên ngoài, vì trong chúng ta nó đã có sẵn. Trong tự tâm chúng ta đã có sẵn một đức Bụt. Mỗi khi ngồi thiền hoặc nghe tiếng chuông, chúng ta thực tập tỉnh thức, thì tự nhiên trong chúng ta được dựng nên một thiên đường rất nghiêm trang, và đức Bụt ở trong ta tự nhiên sáng chói hào quang.

Vấn đề là không phải đi tìm những cái ở ngoài ta, mà là làm sáng rỡ đức Bụt cùng sự giác ngộ đã sẵn có trong ta. Bởi thế nên gọi là không đắc vì không có sở đắc.

KHI MỘT VỊ BỒ TÁT NƯƠNG DIỆU PHÁP TRÍ ĐỘ (BÁT NHÃ BA LA MẬT) THÌ TÂM KHÔNG CHƯỚNG NGẠI, VÌ TÂM KHÔNG CHƯỚNG NGẠI NÊN KHÔNG CÓ SỢ HÃI, XA LÌA MỌI MỘNG TƯỞNG, XA LÌA MỌI ĐIÊN ĐẢO, ĐẠT NIẾT BÀN TUYỆT ĐỐI.

Mộng tưởng điên đảo là những tri giác sai lầm của chúng ta. Chúng tạo ra những sợ hãi và căm thù mà chúng ta đã là nạn nhân trong bấy lâu nay. Hồi nãy tôi có nói về đám mây. Khi đám mây biết rằng nó không sinh cũng không diệt, thì khi thời cơ tới, nó có thể an nhiên biến thành mưa. Và khi biến thành mưa, đám mây sẽ cười thích thú mà rơi xuống trên cây cỏ, trên ruộng đồng, để làm tròn nhiệm vụ nước mưa của mình.

Những đợt sóng trên biển cả cũng là do mưa mà thành.

Đứng về phương diện sóng, ta thấy có sự sinh, sự diệt của làn sóng trên biển. Nhưng nếu những làn sóng đó quán chiếu trong tự thân mình, chúng sẽ biết rằng chúng là nước. Đứng về phương diện hiện tượng thì sóng là sóng. Đứng về phương diện bản thể thì sóng là nước. Nếu sóng thấy được mình là nước, sóng sẽ không sợ hãi sinh tử nữa, vì tuy sóng có bắt đầu và có chấm dứt nhưng nước không có bắt đầu cũng không có chấm dứt. Nếu một làn sóng khi đổ xuống. Nếu làn sóng biết mình là nước nó sẽ mỉm cười vì nó biết mình sẽ trở nên một làn sóng khác. Đã là nước, thì nào còn có lên có xuống, có to có nhỏ. Bởi vậy đợt sóng chỉ đạt được giải thoát khi đợt sóng biết mình là nước.

Một chiếc lá cây cũng vậy.

Nhưng nếu biết quán chiếu theo Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa, tờ lá sẽ thấy rằng trong suốt mùa thu và mùa hạ, nó đã làm việc hết sức mình để nuôi dưỡng cây. Chúng ta thường nghĩ lá là con cháu của cây, ít khi ta nghĩ rằng lá cũng là mẹ của cây. Sự thực lá cũng là mẹ của cây, vì chất nhựa do các rễ cây hút từ dưới đất lên, chưa thể dùng để nuôi cây được: đó chỉ là nước lã thêm các chất khoáng mà thôi. Cây đưa nhựa thô lên, phân phát cho các tờ lá. Mỗi tờ lá có nhiệm vụ biến nhựa thô thành nhựa luyện, nhựa này có thể nuôi cây được. Những chiếc lá nho nhỏ là những nhà máy dùng ánh sáng mặt trời và các chất khí trong không khí biến nhựa thô thành nhựa luyện. Màu xanh của lá cũng do mặt trời và những chất khí làm ra. Khi luyện xong nhựa, lá trả chất nhựa này vào thân cây để nuôi dưỡng cây, do đó ta có thể nói rằng lá còn làm mẹ của cây nữa chứ không phải là con của cây mà thôi.

Tờ lá có thể quán chiếu rằng sự sống của nó chủ yếu là ở trong cây, chứ không phải là chỉ ở trong lá. Lá chỉ là một phần của cây, và lá đồng nhất nó với cây. Tờ lá vàng nhìn lại bản thân và biết rằng trong giai đoạn này nó chỉ là một phần của cây mà thôi. Những chất bổ nó tạo ra bây giờ đang nằm trong cây. Nếu lá nhận thức ra rằng nó là cây, đồng nhất nó với cây, cũng như đợt sóng đồng nhất với nước, thì chiếc lá đó sẽ không còn sợ hãi, sẽ thấy được sự bất sinh bất diệt của nó khi nó rơi xuống đất. Nó sẽ rơi xuống, một cách rất thanh thản, vừa rơi vừa múa và biết rằng nó tiếp tục làm công việc nuôi dưỡng thân cây. Nó sẽ biến thành đất mùn để lại bón cho cây và sẽ trở lại cây. Như vậy, nó thấy được sự bất sinh bất diệt của chính nó.

Ta cũng vậy. Chúng ta sợ hãi vì chúng ta thấy sự sinh diệt qua nhận thức sai lạc của chúng ta: vì vọng tưởng của chúng ta về sinh diệt, nên ta mới sợ.

Nếu ta quán chiếu được tự thể của mình, biết rằng mình là bản thể của sự sống, chỉ chuyển biến chứ không có sinh diệt, tất ta vượt thoát khỏi sự sợ hãi về sinh diệt. Và chúng ta sẽ bằng lòng với bất cứ hình thức nào mà mình sẽ tiếp nhận sau này.

Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều ông cụ và bà cụ chuẩn bị cho cái chết của họ một cách vui vẻ. Cụ bảo con cháu đi mua cho cụ một chiếc áo quan bằng gỗ thật tốt. Rồi cụ sung sướng đi theo con cháu tới lựa gỗ, ủy thác cho thợ mộc làm những đường viền trên quan tài. Ngày rước áo quan về nhà, cụ vui vẻ ghê lắm, bảo đặt nó ngày trong phòng mình, ngày ngày ra vào vuốt ve thích thú. Và cụ không ngại gì chui vô nằm thử xem có vừa hay không. Nhưng phần lớn chúng ta thì không làm được như vậy, chúng ta sợ lắm.

Khi một người đàn ông trở thành ông nội hay ông ngoại rồi, ông ta thấy rằng những chất liệu của mình đã truyền cho các thế hệ cháu con. Khi thấy những đứa trẻ chạy chơi trong nắng sớm ngoài bãi cỏ, ông thấy ông là những đứa trẻ đó. Rồi ông mỉm cười sung sướng, thấy rằng mình đã lên đường đi luân hồi trong con và trong cháu.

Cũng như cây chuối, ban đầu chỉ có hai lá, với cái lá thứ ba còn cuộn tròn lại. Những chiếc lá đầu làm việc hết sức, chúng dồn tất cả năng lượng để nuôi những lá khác lớn lên, và chúng luân hồi vào những lá mới. Rồi những lá mới lại làm việc để cho những lá mới khác vươn lên nữa. Khi các lá chuối đầu tiên bắt đầu vàng héo chúng rất sung sướng. Tất cả những gì đã làm được để gởi về tương lai thì chúng đã làm rồi, và chính chúng cũng đang đi về tương lai. Còn đây chẳng qua chỉ là cái dư, cái bã của đời sống mà thôi, nên chúng rũ xuống với một niềm tin.

Chúng ta cũng vậy.

Khi hạt bắp đâm chồi thành cây bắp, thì tất cả công phu của nó là lấy những chất bổ trong tự thân mình để nuôi cho cây đi lên. Hạt bắp đó sẽ đi đến sự tàn hoại. Nếu nó không tàn hoại thì làm sao đưa được cây bắp đi lên. Vì vậy, hạt bắp thấy nó đang đi lên. Cái đang tàn hoại này chẳng qua chỉ là cái bã. Hạt bắp thoát khỏi sự sinh tử, nó thấy nó đã lên đường và sẽ trở thành một trái bắp có rất nhiều hạt.

Sự quán chiếu đó, ta có thể thực hiện được. Nếu không học Bát Nhã Tâm Kinh, không học quán chiếu theo đạo Bụt, ta không thấy được sự diễn biến của các hiện tượng trong vũ trụ. Quán được như vậy ta sẽ thoát ra khỏi sinh tử, ta sẽ có một nụ cười, sẽ vượt ra cái mà ta gọi là sự sợ hãi.

Sự sợ hãi là gánh nặng đè trĩu lên kiếp người chúng ta từ lúc sơ sinh đến khi nhắm mắt. Đức Quán Thế Âm hiến tặng chúng ta kinh này với mục đích giúp chúng ta vượt thoát sự sợ hãi, sự sợ hãi sinh tử. Quán về nhân duyên sinh, ta có thể vượt thoát mọi khổ đau của sự sống.

CHƯ BỤT TRONG BA ĐỜI Y DIỆU PHÁP TRÍ ĐỘ (BÁT NHÃ BA LA MẬT).

NÊN ĐẮC VÔ THƯỢNG GIÁC

Các đức Bụt thành đạo cũng chỉ nhờ phương pháp quán sát này mà thôi, chứ không nhờ phương pháp nào nữa.

VẬY NÊN PHẢI BIẾT RẰNG BÁT NHÃ BA LA MẬT LÀ LINH CHÚ ĐẠI THẦN, LÀ LINH CHÚ ĐẠI MINH, LÀ LINH CHÚ VÔ THƯỢNG, LÀ LINH CHÚ TUYỆT ĐỈNH, LÀ CHÂN LÝ BẤT VỌNG CÓ NĂNG LỰC TIÊU TRỪ TẤT CẢ MỌI KHỔ NẠN.

Vì Quán Thế Âm thấy được tự tánh của năm uẩn đều không, nên Ngài thoát khỏi mọi khổ nạn. Ngài nói kinh này là một linh chú, một chú có đại thần lực (đại thần), có ánh sáng (đại minh), một linh chú vô thượng tuyệt đỉnh, tức không có linh chú nào cao hơn. Đây cũng là chân lý bất vọng có năng lực tiêu trừ tất cả mọi khổ nạn.

CHO NÊN TÔI MUỐN THUYẾT CÂU THẦN CHÚ TRÍ ĐỘ BÁT NHÃ BA LA MẬT.

Sau khi Ngài nói với Xá Lợi Phất như vậy rồi, Ngài bảo sẽ đọc ra một câu linh chú.

Chú, tiếng Phạn là Dharani, có nghĩa một câu nói thoát ra trong trạng thái hết sức vững chãi. Thân, tâm và ngôn ngữ hoà hợp lại trong một định lực thật lớn, một câu nói có thể thay đổi được hoàn cảnh thì gọi là linh chú.

Trong gia đình, mỗi khi người cha ngồi lại trầm tư, suy nghĩ, im lặng trong ba bốn giờ, rồi kêu các con lại và nói lên một câu. Câu nói đó phải là một câu quan trọng.

Câu linh chú quan trọng hơn, vì Đức Bồ Tát vừa ở trong định ra, Ngài đã quán sát năm uẩn, Ngài vừa mới giác ngộ, thân tâm Ngài đang ở trong trạng thái định tĩnh rất lớn. Và ở trong trạng thái đó, Ngài đã nói ra câu linh chú có năng lực chuyển biến được tâm hồn chúng ta.

Cũng như trong trường hợp hai người trẻ thương nhau. Người con gái cứ đợi ngày này qua ngày khác câu nói của chàng trai để xác định tình yêu của chàng.

Câu nói chỉ có ba tiếng thôi, nhưng đợi hoài chưa thấy anh ta nói. Anh chàng cẩn thận lắm, vì anh vốn là người rất đứng đắn, là người có trách nhiệm, anh phải xét nghiệm lại trái tim mình trước khi nói.

Nói ra ba tiếng đó là đóng đinh vào cột, nên anh đâu có thể dễ nói được, đâu phải bất cứ ở chỗ nào, bất cứ trong lúc nào anh cũng nói được. Anh phải xét nghiệm và để cho tình yêu chín muồi mới nói. Dưới một cây hoa bằng lăng, vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, lúc hai người đang ngồi im lặng, tự nhiên anh mở miệng nói ba tiếng mầu nhiệm kia. Không phải chỉ nói với miệng mà anh ta nói với tất cả tâm hồn, với tất cả con người anh. Thân, khẩu, ý hợp nhất lại. Khi nghe ba chữ đó, cô nàng run lên. Đó là một câu nói rất gần với một câu linh chú.

Khi một vị Bồ Tát an trú ở trong định nói ra một câu như vậy, thì câu nói có năng lực làm chúng ta chuyển đổi tâm trạng. Nhưng chúng ta có nghe được như cô gái đó không, chúng ta có chuẩn bị để nghe câu chú đó không?

Câu chú đó là:

GATE, GATE, PARAGATE,

PARASAMGATE, BODHI SVAHA

Nghe câu chú đó, có thể chúng ta nghe như những con trâu đang ăn cỏ mà nghe đàn vĩ cầm. Câu ấy sẽ không gây ảnh hưởng nào trên ta hết vì ta chưa chuẩn bị. Ta phải tập Thiền, tập thở, tập cười, tập định lực, ngồi yên lặng, thiết lập sự thông cảm với Đức Quán Âm. Có sự thông cảm sâu xa rồi, thì câu chú được đọc lên, tâm hồn sẽ chuyển đổi.


Gate: có nghĩa là qua rồi.

Paragate: qua bên kia rồi.

Parasamgate: tất cả vượt qua bên kia rồi.

Bodhi: tỉnh thức

Svaha: tiếng reo gọi vui mừng có năng lực thúc đẩy, tương đương với tiếng chào mừng hoặc hò dô ta của mình vậy.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Bây giờ, để cảm ơn Ngài, chúng ta nên cùng tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh để chấm dứt. Chúng ta nên tụng với tất cả tâm hồn chúng ta, đừng tụng như là hát một bản nhạc, tụng tới đâu ta phải thấy, phải hiểu tới đó mới được.

KINH TINH YẾU BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Bồ Tát Quán Tự Tại

Khi quán chiếu thâm sâu

Bát Nhã Ba La Mật

(tức diệu pháp Trí Độ)

Bỗng soi thấy năm uẩn

Đều không có tự tánh.

Thực chứng điều ấy xong

Ngài vượt thoát tất cả

Mọi khổ đau ách nạn.

“Nghe đây, Xá Lợi Tử:

Sắc chẳng khác gì không

Không chẳng khác gì sắc

Sắc chính thực là không

Không chính thực là sắc

Còn lại bốn uẩn kia

Cũng đều như vậy cả.

“Xá Lợi Tử, nghe đây:

Thể mọi pháp đều không

Không sanh cũng không diệt

Không nhơ cũng không sạch

Không thêm cũng không bớt.

Cho nên trong tánh không

Không có sắc, thọ, tưởng

Cũng không có hành, thức

Không có nhãn, nhĩ, tỷ

Thiệt, thân, ý (sáu căn)

Không có sắc, thanh, hương

Vị, xúc, pháp (sáu trần)

Không có mười tám giới

(Từ nhãn đến ý thức)

Không hề có vô minh

Không có hết vô minh

Cho đến không lão tử

Cũng không hết lão tử

Không khổ, tập, diệt, đạo

Không trí cũng không đắc

“Vì không có sở đắc

Khi một vị Bồ Tát

Nương diệu pháp Trí Độ

(Bát Nhã Ba La Mật)

Thì tâm không chướng ngại

Vì tâm không chướng ngại

Nên không có sợ hãi

Xa lìa mọi vọng tưởng

Xa lìa mọi điên đảo

Đạt niết bàn tuyệt đối.

Chư Bụt trong ba đời

Y diệu pháp Trí Độ

Bát Nhã Ba La Mật

Nên đắc vô thượng giác.

Vậy nên phải biết rằng

Bát Nhã Ba La Mật

Là linh chú đại thần

Là linh chú đại minh

Là linh chú tối thượng

Là linh chú tuyệt đỉnh

Là chân lý bất vọng

Có năng lực tiêu trừ

Tất cả mọi khổ nạn

Cho nên tôi muốn thuyết

Câu thần chú Trí Độ

Bát Nhã Ba La Mật

Nói xong đức Bồ Tát

Liền đọc thần chú rằng:

GATE

GATE

PARAGATE

PARASAMGATE,

BODHISVAHA.

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã do Thầy Nhất Hạnh giảng

tại chùa Pháp Hoa, Adelaide Úc,

ngày 23-11-1986.

Lưu Hoằng Nguyện thu thanh và chép ra

Lư Thị Hồng sắp chữ.

Kết Thúc Quyển "Trái Tim Của Hiểu Biết" - Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post