Chương 3. Hào quang của Phật Yakushi

Chương 3. Hào quang của Phật Yakushi

Price:

Read more

Osho – Nhạc cổ trong rặng thông
Chương 3. Hào quang của Phật Yakushi

Một ngày mùa đông, một samurai (võ sĩ đạo) không thầy tới ngôi đền Eisai và đưa ra lời khẩn cầu, “Tôi nghèo và ốm,” người đó nói, “và gia đình tôi đang chết đói. Xin giúp chúng tôi, thưa thầy.”
Là người sống phụ thuộc vì ông ấy dựa vào lòng thảo của người nghèo, cuộc sống của Eisai rất mộc mạc, và ông ấy chẳng có gì để cho cả.
Ông ấy vừa định đưa tiễn võ sĩ đạo thì ông ấy nhớ tới hình ảnh Phật Yakushi trong phòng. Đi lên phòng có ảnh đó ông ấy xé vầng hào quang trong ảnh và đưa nó cho võ sĩ đạo. “Bán cái này đi,” Eisai nói, “nó sẽ giúp anh vượt qua.” Võ sĩ đạo lúng túng nhưng không còn cách nào ngoài việc nhận vầng hào quang và ra đi.
“Thưa thầy!” một đệ tử của Eisai kêu lên, “đấy là báng bổ thánh thần! Làm sao thầy có thể làm một việc như vậy?”
“Báng bổ sao? Chà! Ta chỉ đơn thuần đem tâm trí của Phật tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn, ra dùng, phải nói là như thế. Quả thực, nếu bản thân ông ấy đã nghe thấy rằng võ sĩ đạo nghèo, ông ấy sẽ chặt tay đưa cho người đó.”
Thiền là đoá hoa, còn từ bi là hương thơm của nó. Điều giống hệt như vậy xảy ra: hoa nở và hương thơm lan rộng theo gió đi mọi hướng, được đưa tới những nơi tận cùng của trái đất. Nhưng điều cơ sở là việc nở của đoá hoa.
Con người cũng đang mang tiềm năng cho việc nở hoa bên trong mình. Chừng nào và trừ phi bản thể bên trong của con người chưa nở hoa, hương thơm của từ bi vẫn là điều không thể có được. Người ta không thể thực hành được từ bi, nó không phải là môn học. Bạn không thể xoay xở được nó, nó ở bên ngoài bạn. Nếu bạn thiền, bỗng nhiên một ngày nào đó bạn trở nên nhận biết về một hiện tượng mới, hoàn toàn kì lạ - từ bản thể bạn từ bi tuôn ra hướng tới toàn thể sự tồn tại; không định hướng, không địa chỉ, nó di chuyển tới chính tận cùng của sự tồn tại.
Không có thiền, cùng năng lượng đó vẫn còn đam mê; có thiền, cùng năng lượng đó trở thành từ bi. Đam mê và từ bi không phải là hai năng lượng, chúng là một và là cùng năng lượng. Một khi nó đi qua thiền, nó được biến đổi, được tôn lên, nó trở thành khác hẳn về chất. Đam mê đi xuống, từ bi đi lên. Đam mê đi qua ham muốn, từ bi đi qua vô ham muốn. Đam mê là bận tâm để quên đi cái khổ mà bạn đang sống trong đó, từ bi là mở hội. Từ bi là điệu vũ của việc đạt tới, của sự hoàn thành - bạn tràn ngập đến mức bạn có thể chia sẻ. Bây giờ chẳng có gì còn lại nữa; bạn đã đạt tới định mệnh mà bạn mang theo hàng nghìn năm bên trong bạn giống như một tiềm năng chưa nở hoa, chỉ là cái nụ. Bây giờ nó đã nở hoa và nó nhảy múa. Bạn đã đạt tới, bạn đã hoàn thành. Không còn gì nữa để mà đạt tới, không còn đâu mà đi, không còn gì mà làm.
Bây giờ điều gì sẽ xảy ra cho năng lượng này? - bạn bắt đầu chia sẻ. Cùng năng lượng này mà đã đi qua các tầng tối tăm của đam mê bây giờ đi lên với tia sáng, không bị ô uế bởi bất kì ham muốn nào, không bị ô uế bởi bất kì ước định nào, thuần khiết, không bị biến chất bởi bất kì động cơ nào; do đó tôi gọi nó là ‘hương thơm’. Đoá hoa bị giới hạn, nhưng hương thơm thì không. Đoá hoa có giới hạn, nó bị bắt rễ vào đâu đó, trong tù túng. Nhưng hương thơm không bị tù túng - nó đơn giản di chuyển, cưỡi lên gió mà không bị buộc neo xuống đất.
Thiền là đoá hoa, nó có gốc rễ. Nó tồn tại trong bạn. Một khi từ bi đã xảy ra, nó không bị bắt rễ, nó đơn giản di chuyển và cứ di chuyển mãi. Phật đã biến mất, nhưng từ bi của ông ấy thì không. Đoá hoa sớm muộn sẽ chết; nó là một phần của đất và cát bụi sẽ trở về với cát bụi, nhưng hương thơm thoảng ra thì sẽ còn lại mãi mãi. Phật đã qua, Jesus đã qua, nhưng hương thơm của họ không mất. Từ bi của họ vẫn còn tiếp tục, và bất kì ai cởi mở với từ bi của họ sẽ lập tức cảm thấy tác dụng của nó, sẽ xúc động bởi nó, sẽ được đưa tới một cuộc hành trình mới, một cuộc hành hương mới.
Từ bi không bị giới hạn bởi đoá hoa; nó tới từ đoá hoa nhưng nó không thuộc về đoá hoa. Nó tới qua đoá hoa, đoá hoa chỉ là một bước chuyển, nhưng nó thực sự tới từ phía bên ngoài. Nó không thể tới mà không có đoá hoa được, đoá hoa là một giai đoạn cần thiết, nhưng nó không thuộc vào đoá hoa. Một khi hoa đã nở rồi, từ bi được thoát ra.
Khẳng định này, nhấn mạnh này, phải được hiểu sâu sắc, bởi vì nếu bạn bỏ lỡ vấn đề, bạn có thể bắt đầu thực hành từ bi, nhưng thế thì nó không phải là hương thơm thực nữa. Từ bi được thực hành thì chỉ là cùng niềm đam mê với cái tên mới. Nó là cùng năng lượng bị ham muốn làm hư hỏng, bị động cơ làm biến chất và nó có thể trở nên rất nguy hiểm cho người khác - bởi vì nhân danh từ bi bạn có thể phá huỷ, nhân danh từ bi bạn có thể tạo ra cảnh nô lệ. Đấy không phải là từ bi, và nếu bạn thực hành nó, bạn là giả, hình thức, trong thực tế là đạo đức giả.
Điều đầu tiên cần phải liên tục nhớ tới là ở chỗ từ bi không thể thực hành được. Đây chính là điểm mà tất cả các tín đồ của mọi thầy tôn giáo lớn đều bỏ lỡ. Phật đã đạt tới từ bi qua thiền: bây giờ các phật tử thực hành từ bi. Jesus đã đạt tới từ bi qua thiền nhưng người Ki tô giáo, các nhà truyền giáo Ki tô giáo, thực hành tình yêu, từ bi, phục vụ nhân loại. Nhưng từ bi của họ đã chứng tỏ là một lực rất huỷ diệt trong thế giới này - từ bi của họ đã tạo ra chỉ các cuộc chiến tranh, từ bi của họ đã phá huỷ hàng triệu người. Chúng kết thúc trong cầm tù sâu sắc.
Từ bi giải thoát bạn, trao cho bạn tự do; nhưng từ bi đó phải tới chỉ qua thiền, không có con đường nào khác cho nó. Phật đã nói rằng từ bi là sản phẩm phụ, hậu quả. Bạn không thể nắm bắt hậu quả một cách trực tiếp, bạn phải gây ra; bạn phải tạo ra nguyên nhân và hậu quả theo sau. Cho nên nếu bạn thực sự muốn hiểu từ bi là gì, bạn phải hiểu thiền là gì. Quên tất cả về từ bi đi, nó tới theo cách riêng của nó.
Cố hiểu thiền là gì. Từ bi có thể trở thành một tiêu chuẩn cho việc liệu thiền có đúng hay không. Nếu thiền là đúng, từ bi nhất định tới; nó là tự nhiên, nó đi theo như cái bóng. Nếu thiền sai, thế thì từ bi sẽ không đi theo. Cho nên từ bi có thể lấy làm tiêu chuẩn cho việc liệu thiền có thực sự đúng hay không.
Ngay cả thiền cũng có thể sai. Mọi người có khái niệm sai rằng tất cả cách thiền đều đúng: nó không phải như vậy. Thiền cũng có thể sai. Chẳng hạn, bất kì thiền nào đưa bạn vào sâu trong tập trung đều sai, nó sẽ không làm phát sinh từ bi. Bạn sẽ trở thành ngày càng đóng hơn thay vì trở nên cởi mở. Nếu bạn làm hẹp tâm thức của mình, nếu bạn tập trung vào cái gì đó và bạn loại trừ toàn bộ sự tồn tại và trở thành một điểm, nó sẽ tạo ra ngày càng căng thẳng trong bạn. Do đó mới có từ ‘attension’ (chú ý): nó có nghĩa là ‘at-tension’ (bị căng thẳng). Tập trung, chính âm của từ này cho bạn cảm giác về căng thẳng.
Tập trung có ích lợi của nó, nhưng nó không phải là thiền. Trong công việc khoa học, trong nghiên cứu khoa học, trong phòng thí nghiệm khoa học, bạn cần tập trung. Bạn phải tập trung vào một vấn đề và loại trừ mọi thứ khác - thật nhiều đến mức bạn gần như trở thành không lưu tâm đến thế giới còn lại. Vấn đề duy nhất mà bạn tập trung vào là thế giới của bạn. Đó là lí do tại sao các nhà khoa học trở thành đãng trí. Những người tập trung quá nhiều bao giờ cũng trở thành đãng trí bởi vì họ không biết cách vẫn còn cởi mở với toàn bộ thế giới.
Tôi đã đọc một giai thoại:
“Tôi mang tới một con ếch,” một nhà khoa học, một giáo sư động vật học, nói, tươi cười với cả lớp, “còn tươi mới bắt từ ao, để cho chúng ta có thể nghiên cứu vẻ bên ngoài của nó rồi sau đó giải phẫu nó.”
Ông ta cẩn thận tháo cái gói ông ta đem theo và bên trong là một cái bánh mì dăm bông đã được chuẩn bị kĩ. Vị giáo sư nhìn chiếc bánh ngạc nhiên.
“Lạ thật!” ông ta nói, “Tôi nhớ rõ ràng là đã ăn trưa rồi cơ mà.”
Điều đó xảy ra cho các nhà khoa học: họ trở thành một điểm và toàn bộ tâm trí của họ trở thành hạn hẹp. Tất nhiên, tâm trí hạn hẹp có ích lợi của nó: nó trở thành xuyên thấu hơn, nó trở thành giống như chiếc kim sắc nhọn, nó xuyên đúng điểm - nhưng nó bỏ lỡ cuộc sống lớn lao bao quanh bạn.
Vị phật không phải là người tập trung, ông ấy là người của nhận biết. Ông ấy đã không cố gắng làm hạn hẹp tâm thức mình; ngược lại, ông ấy cố gắng loại bỏ tất cả các rào chắn để cho ông ấy trở thành hoàn toàn sẵn có cho sự tồn tại. Quan sát... sự tồn tại là đồng thời... tôi đang nói ở đây và tiếng ồn giao thông là đồng thời, tiếng tầu hoả, tiếng chim chóc, tiếng gió thổi qua rặng cây; trong khoảnh khắc này, toàn bộ sự tồn tại hội tụ. Bạn lắng nghe tôi, tôi nói với bạn, và hàng triệu việc cứ tiếp diễn; nó cực kì giầu có.
Tập trung làm cho bạn thành một điểm với cái giá rất lớn: chín mươi chín phần trăm cuộc sống bị vứt bỏ. Nếu bạn đang giải một bài toán toán học, bạn không thể nghe tiếng chim, chúng sẽ là sao lãng. Trẻ em chơi đùa xung quanh, chó sủa trên phố, chúng sẽ là sao lãng. Vợ làm việc trong bếp lau đĩa sẽ là sao lãng. Bởi vì tập trung mà mọi người đã cố gắng trốn thoát khỏi cuộc sống, đi lên Himalayas, đi vào hang động, để còn được cô lập, để cho bạn có thể tập trung vào Thượng đế. Nhưng Thượng đế không phải là vật. Thượng đế là cái toàn thể này của sự tồn tại, là khoảnh khắc này; Thượng đế là tính toàn bộ. Đó là lí do tại sao khoa học sẽ không bao giờ có thể biết tới Thượng đế.
Chính phương pháp của khoa học là tập trung và bởi vì phương pháp đó mà khoa học chẳng bao giờ biết tới Thượng đế. Nó có thể biết ngày càng nhiều chi tiết tỉ mỉ. Trước hết người ta nghĩ phân tử là hạt cuối cùng, thế rồi nó bị phân chia ra. Rồi thậm chí phần nhỏ bé hơn, nguyên tử, được biết tới, rồi tập trung lại bị phân chia nữa. Bây giờ có các điện tử, proton, neutron; chẳng chóng thì chầy chúng cũng đang được phân chia ra thêm nữa.
Khoa học cứ đi vào cái càng ngày càng nhỏ hơn, còn cái lớn hơn, cái bao la, hoàn toàn bị quên lãng. Cái toàn thể bị quên đi hoàn toàn như một bộ phận. Khoa học chẳng bao giờ có thể biết tới Thượng đế bởi việc tập trung. Cho nên khi mọi người tới tôi và họ nói, “Osho ơi, dạy chúng tôi tập trung, chúng tôi muốn biết Thượng đế,” tôi đơn giản thấy khó xử. Họ không hiểu điều cơ sở của việc nghiên cứu.
Khoa học nhằm vào một điểm, tìm kiếm là có mục đích. Tôn giáo là sự đồng thời, đối tượng là cái toàn thể, cái toàn bộ. Biết tới cái toàn bộ, tức là, biết tới Thượng đế, bạn sẽ phải có tâm thức cởi mở từ mọi nơi, không bị giới hạn, không đứng cạnh cửa sổ. Nếu không thì khung cửa sổ sẽ trở thành cái khung cho sự tồn tại. Đứng dưới mặt trời trong bầu trời rộng mở - đó là thiền là gì. Thiền không có khuôn khổ, nó không phải là cửa sổ, nó không phải là cửa ra vào. Thiền không phải là tập trung, nó không phải là chú ý. Thiền là nhận biết.
Vậy phải làm gì? Nhẩm đọc mật chú, thực hành Thiền siêu việt chẳng có ích gì. Thiền siêu việt đã trở thành rất quan trọng ở Mĩ bởi vì cách tiếp cận có mục đích, bởi vì tâm trí khoa học. Bởi vì đó là cách thiền duy nhất mà trên đó khoa học đang được thực hiện, bởi vì đó là cách thiền duy nhất mà trên đó khoa học có thể được thực hiện. Nó đích xác là tập trung và không phải thiền. Nó là nâng cao cho tâm trí khoa học.
Trong các đại học, trong các phòng thí nghiệm đại học, trong công trình nghiên cứu tâm lí, nhiều điều đã được thực hiện về Thiền siêu việt bởi vì nó không phải là thiền. Nó là tập trung, một phương pháp tập trung, nó rơi vào cùng phạm trù như tập trung khoa học. Có mối nối giữa hai điều này nhưng nó chẳng liên quan gì tới thiền cả. Thiền là bao la thế, vô hạn mênh mông thế; không nghiên cứu khoa học nào là có thể. Chỉ từ bi mới biểu lộ liệu một người đã đạt tới hay chưa. Sóng alpha sẽ chẳng có ích gì nhiều bởi vì chúng vẫn thuộc vào tâm trí còn thiền không thuộc vào tâm trí, nó là cái gì đó vượt ra ngoài.
Cho nên để tôi kể cho bạn một vài điều cơ sở. Một, thiền là không tập trung mà là thảnh thơi. Người ta đơn giản thảnh thơi trong bản thân mình. Bạn càng thảnh thơi, bạn càng cảm thấy bản thân mình cởi mở, mong manh. Bạn càng thảnh thơi, bạn càng ít cứng nhắc, bạn trở nên ngày càng linh động và bỗng nhiên sự tồn tại bắt đầu thấm vào bạn. Bạn không còn giống như đá nữa, bạn có sự bắt đầu. Thảnh thơi có nghĩa là cho phép bản thân mình rơi vào trạng thái bạn không làm gì cả, bởi vì khi bạn đang làm điều gì đó, căng thẳng sẽ tiếp tục. Đó là trạng thái không làm. Bạn đơn giản thảnh thơi và bạn tận hưởng cảm giác thảnh thơi.
Thảnh thơi trong bản thân mình. Chỉ nhắm mắt lại và lắng nghe mọi điều đang xảy ra tất cả xung quanh. Không cần phải cảm thấy điều gì như sự sao lãng cả. Khoảnh khắc bạn cảm thấy, đó là sao lãng, bạn đang chối bỏ Thượng đế. Khoảnh khắc này Thượng đế tới với bạn như một con chim - bạn đừng chối bỏ. Ngài đã gõ cửa nhà bạn như một con chim. Khoảnh khắc tiếp ngài đã thành như một con chó, đang sủa, hay như một đứa trẻ kêu khóc, hay như một người điên cười khanh khách. Đừng chối bỏ, đừng bác bỏ, chấp nhận thôi - bởi vì nếu bạn chối bỏ, bạn sẽ trở nên căng thẳng. Tất cả mọi chối bỏ đều gây căng thẳng. Chấp nhận. Nếu bạn muốn thảnh thơi, chấp nhận là cách thức. Chấp nhận bất kì cái gì đang xảy ra tất cả xung quanh, để cho nó trở thành một tổng thể hữu cơ. Nó đang đấy! Bạn có thể biết nó, bạn có thể không biết nó - mọi thứ đều có quan hệ lẫn nhau. Những con chim này, cây cối này, bầu trời này, mặt trời này, trái đất này, bạn, tôi, tất cả đều có liên hệ. Nó là một đơn vị hữu cơ. Nếu mặt trời biến mất, cây cối sẽ biến mất, nếu cây cối biến mất, chim chóc sẽ biến mất, nếu chim và cây biến mất, bạn cũng không thể ở đây được, bạn sẽ biến mất. Đây là môi trường sinh thái. Mọi thứ đều có liên quan mật thiết với mọi thứ khác.
Cho nên đừng chối bỏ bất kì cái gì, bởi vì khoảnh khắc bạn chối bỏ, bạn đang chối bỏ cái gì đó trong bạn. Nếu bạn chối bỏ những con chim đang hót này thế thì cái gì đó trong bạn cũng bị chối bỏ.
Có lần chuyện xảy ra vào mùa xuân. Thời tiết thật tuyệt vời và tôi đang ngồi trên chiếc ghế công viên. Tôi tận hưởng mùa xuân, chim chóc, không khí và mặt trời. Tôi lắng nghe tiếng líu lo đầy giai điệu của chim chóc.
Một vị khách lạ cũng ngồi trên cùng chiếc ghế này. Tôi quay sang ông ta và nói với ông ấy, “Âm nhạc của chim chóc chẳng tuyệt vời thế sao?”
Nhưng ông ta chắc phải là một người tôn giáo: ông ấy đang đọc mật chú. Ông ấy cảm thấy bị quấy rối. Ông ấy cảm thấy như tôi đã xen vào.
Ông ấy cau có và nói, “Thật là phiền toái để tôi có thể nghe thấy điều ông đang nói về cái tiếng ồn ào đáng nguyền rủa của lũ chim ngu đần kia!”
Nhưng nếu bạn chối bỏ, bác bỏ, nếu bạn cảm thấy bị sao lãng, nếu bạn cảm thấy giận dữ, bạn đang bác bỏ cái gì đó bên trong bạn. Lắng nghe lần nữa tiếng chim mà không có bất kì cảm giác nào về sao lãng, giận dữ và bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng con chim bên trong bạn đáp ứng. Thế thì những con chim này không có đó như người lạ, người xâm nhập nữa - bỗng nhiên, toàn bộ sự tồn tại trở thành một gia đình. Đó là, và tôi gọi một người là tôn giáo, người đã đi tới hiểu ra rằng toàn bộ sự tồn tại là một gia đình. Người đó có thể không đi tới bất kì nhà thờ nào và người đó có thể không tôn thờ trong bất kì đền đài nào và người ấy có thể không cầu nguyện trong bất kì nhà thờ Hồi giáo hay gurudwara nào - điều đó không thành vấn đề, điều đó gần như chẳng liên quan gì. Nếu bạn làm như vậy, tốt, thế cũng được; nêu bạn không làm điều đó lại còn tốt hơn. Nhưng người đã hiểu thống nhất hữu cơ của sự tồn tại thì thường xuyên trong đền đài, thường xuyên đối diện với điều linh thiêng và thiêng liêng.
Nhưng nếu bạn đang đọc mật chú ngu xuẩn nào đó, bạn sẽ nghĩ những con chim này là ngu đần. Nếu bạn đang lẩm nhẩm điều vô nghĩa nào đó bên trong bạn hay nghĩ tới những điều tầm thường nào đó - bạn có thể gọi nó là triết học, tôn giáo - thế thì những con chim này trở thành sự sao lãng. Âm thanh của chúng đơn giản là thiêng liêng. Chúng không nói điều gì cả, chúng đơn giản sôi nổi với niềm vui sướng. Bài ca của chúng không có ý nghĩa gì ngoại trừ việc tràn ngập năng lượng. Chúng muốn chia sẻ với sự tồn tại, với cây cối, với các đoá hoa, với bạn. Chúng không có gì để nói, chúng chỉ hiện hữu ở đây, bản thân chúng.
Nếu bạn thảnh thơi, bạn chấp nhận. Chấp nhận sự tồn tại là cách duy nhất để thảnh thơi. Nếu những điều nho nhỏ quấy rối bạn, thế thì chính thái độ của bạn mới là đang quấy rối bạn đấy. Ngồi im lặng, lắng nghe tất cả những điều đang xảy ra tất cả xung quanh, và thảnh thơi. Chấp nhận, thảnh thơi - thế thì bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy năng lượng mênh mông đang dâng lên trong bạn. Năng lượng đó sẽ được cảm thấy trước hết như việc làm sâu thêm hơi thở của bạn. Thông thường hơi thở của bạn rất nông, và đôi khi nếu bạn cố gắng để có hơi thở sâu, bạn bắt đầu thực hiện pranayam, bạn bắt đầu bó buộc điều gì đó, bạn làm nỗ lực. Nỗ lực đó là không cần thiết. Đơn giản chấp nhận cuộc sống, thảnh thơi, và bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng hơi thở của bạn đi sâu hơn bao giờ hết. Thảnh thơi hơn nữa và hơi thở sẽ đi sâu hơn vào trong bạn. Nó trở thành chậm rãi, nhịp điệu, và bạn gần như có thể tận hưởng nó; nó đem lại vui sướng nào đó. Và thế thì bạn sẽ trở nên nhận biết rằng hơi thở là cây cầu giữa bạn và cái toàn thể. Quan sát. Đừng làm gì cả.
Nhưng bạn càng quan sát... Và khi tôi nói quan sát, bạn đừng cố gắng quan sát; nếu không, bạn sẽ lại trở nên căng thẳng và bạn sẽ bắt đầu tập trung vào hơi thở. Đơn giản thảnh thơi, vẫn còn thảnh thơi, thả lỏng. Và nhìn... bởi vì bạn có thể làm cái gì khác được nữa? Bạn có đó, chẳng phải làm gì cả, mọi thứ đều được chấp nhận, không cái gì bị chối bỏ, bác bỏ, không vận lộn, không tranh đấu, không xung đột, việc thở đi sâu hơn - bạn còn có thể làm gì? Bạn đơn giản quan sát. Nhớ lấy, đơn giản quan sát; đừng làm nỗ lực nào để quan sát. Đây là điều Phật đã gọi là vipassana, quan sát hơi thở, nhận biết về hơi thở, hay satipattana, việc nhớ, duy trì tỉnh táo về năng lượng sống đang chuyển trong hơi thở. Đừng cố gắng thở sâu, đừng cố gắng hít vào hay thở ra - đừng làm điều gì cả. Bạn đơn giản thảnh thơi và để cho việc thở được tự nhiên, tiếp diễn theo cách của nó, tới theo ý nó, và nhiều điều sẽ trở thành sẵn có cho bạn.
Điều thứ nhất sẽ là ở chỗ việc thở có thể được làm theo hai cách, bởi vì nó là cây cầu: một phần của nó được nối với bạn, phần kia được nối với sự tồn tại. Cho nên có thể hiểu nó theo hai cách. Bạn có thể làm nó như một việc tự nguyện. Nếu bạn muốn hít vào sâu, bạn có thể hít vào sâu, nếu bạn muốn thở ra sâu, bạn có thể thở ra sâu. Bạn có thể làm điều gì đó về nó, phần này được nối với bạn. Nhưng nếu bạn không muốn làm gì cả, thế nữa nó vẫn tiếp tục. Chẳng cần bạn làm gì cả mà nó vẫn cứ tiếp tục, nó cũng không tự nguyện. Phần kia được nối với bản thân sự tồn tại.
Bạn có thể nghĩ về nó như bạn đang làm nó, bạn đang thở nó, hay bạn có thể nghĩ ngay theo cách đối lập lại - rằng nó đang thở qua bạn. Và cách kia cũng phải được hiểu bởi vì điều đó sẽ dẫn bạn vào trong thảnh thơi sâu sắc. Không phải là bạn đang thở đâu, mà là sự tồn tại đang thở qua bạn. Đấy là thay đổi động thái và nó xảy ra theo cách của nó. Nếu bạn thảnh thơi, chấp nhận mọi điều, thảnh thơi trong bản thân mình, dần dần, bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng bạn không thực hiện việc thở đó: chúng tới và đi theo cách riêng của chúng, duyên dáng làm sao, chững chạc thế, nhịp nhàng thế, nhịp nhàng hài hoà thế. Ai đang làm điều đó? - sự tồn tại đang thở qua bạn. Nó đi vào trong bạn, đi ra khỏi bạn. Mỗi khoảnh khắc nó lại làm tươi trẻ bạn, mỗi khoảnh khắc nó lại làm bạn sống động thêm nữa. Bỗng nhiên bạn thấy việc thở như việc xảy ra...
Và đây là cách thiền nên trưởng thành. Và điều này bạn có thể làm ở bất kì đâu, cả ở bãi chợ nữa, bởi vì cái ồn ào đó cũng thiêng liêng. Và nếu bạn lắng nghe một cách im lặng, ngay cả ở bãi chợ bạn cũng sẽ thấy hài hoà nào đó trong tiếng ồn ào. Nó không còn là sao lãng nữa. Bạn có thể thấy nhiều điều trong nó nếu bạn im lặng, sóng năng lượng vô biên di chuyển tất cả xung quanh. Một khi bạn chấp nhận, dù bạn đi đâu, bạn cũng sẽ cảm thấy sùng kính. Lời nói không quan trọng, nhưng bạn sẽ cảm thấy cái gì đó cực kì lớn lao, bạn sẽ cảm thấy cái gì đó linh thiêng, cái gì đó chói sáng, cái gì đó bí ẩn. Phép màu thường xuyên xảy ra tất cả quanh bạn nhưng bạn cứ bỏ lỡ nó.
Một khi thiền lắng đọng trong bạn và bạn rơi vào trong cùng nhịp với sự tồn tại, từ bi là hệ quả. Bỗng nhiên bạn cảm thấy bạn đang trong tình yêu với cái toàn thể và người khác không còn là người khác nữa. Trong người khác, bạn cũng sống. Và cây không còn chỉ là ‘cây ở kia’ nữa, bằng cách nào đó nó có liên hệ với bạn. Mọi thứ trở thành có liên hệ lẫn nhau. Bạn chạm vào một nhành cỏ và bạn đã chạm vào tất cả các vì sao bởi vì mọi thứ đều có quan hệ, điều đó không thể khác được. Sự tồn tại là hữu cơ. Nó là một, nó là một thể thống nhất.
Bởi vì chúng ta không nhận biết, chúng ta không thấy điều chúng ta đang làm cho bản thân mình. Chạm vào một vật và một điều gì đó mà bạn chưa bao giờ nghĩ là có liên hệ với nó sẽ bắt đầu xảy ra.
Mới đêm hôm nọ tôi đọc điều gì đó về mùi vị. Cảm giác, khả năng ngửi, đã gần như biến mất khỏi nhân loại. Con vật rất thính. Ngựa có thể ngửi từ xa hàng dặm. Chó có thể ngửi nhiều hơn con người. Chỉ bằng ngửi mà chó biết rằng chủ nó đang tới, và sau nhiều năm chó sẽ lại nhận ra mùi vị của chủ mình.
Con người đã quên hoàn toàn - điều gì đã xảy ra cho ngửi? Thảm hoạ nào đã xảy ra cho ngửi? Tại sao? - dường như là chẳng có lí do nào tại sao ngửi lại bị kìm nén. Không nền văn hoá nào ở bất kì đâu có ý thức kìm nén nó, nhưng nó đã bị kìm nén. Nó trở thành bị kìm nén bởi vì dục. Bây giờ toàn thể nhân loại sống với dục bị kìm nén sâu, còn mùi vị có liên hệ với dục. Trước khi làm tình chó sẽ ngửi bạn tình vì chừng nào mà nó chưa ngửi thấy hài hoà sâu bên dưới giữa hai thân thể, nó sẽ không làm tình. Một khi mùi được khớp, nó biết rằng bây giờ hai thân thể đang đồng điệu và chúng có thể hợp nhau và có thể trở thành một bài ca; thậm chí một khoảnh khắc sự thống nhất là có thể.
Bởi vì dục đã bị kìm nén trên khắp thế giới, nên mùi vị đã trở nên bị kìm nén. Chính từ này đã trở nên có tính kết án một chút. Nếu tôi nói với bạn, “Bạn có nghe thấy không?” hay nếu tôi nói với bạn, “Bạn có thấy không?” bạn không cảm thấy phải đề phòng gì mấy. Nhưng nếu tôi nói, “Bạn có ngửi mùi không?”... người ta cũng không nên cảm thấy đề phòng mới phải, đấy là cùng ngôn ngữ. Ngửi là một năng lực; cũng giống như thấy và nghe, ngửi là một năng lực. Khi tôi hỏi, “Bạn có ngửi mùi không?” chúng ta cảm thấy đề phòng bởi vì chúng ta đã hoàn toàn quên mất đấy là một năng lực.
Có một giai thoại nổi tiếng về một nhà tư tưởng Anh, tiến sĩ Johnson. Ông ấy ngồi trong xe ngựa và một bà đi vào. Bà ấy nói với tiến sĩ Johnson, “Thưa ngài, ngài ngửi mùi không ạ!”
Nhưng ông ấy là con người của ngôn ngữ, văn chương, văn phạm. Ông ấy nói, “Không, thưa bà. Bà ngửi, tôi có mùi!”
Ngửi là một năng lực. “Bà ngửi, tôi có mùi.” Về mặt ngôn ngữ ông ấy là phải. Đó là cách phải nói như vậy nếu bạn tuân theo văn phạm. Nhưng chính từ này đã trở thành rất kết án. Điều gì đã xảy ra với việc ngửi? Một khi bạn kìm nén dục, ngửi cũng bị kìm nén.
Bạn có thể đọc trong kinh sách rằng mọi người nói, “Tôi thấy Thượng đế.” Chẳng ai nói, “Tôi ngửi Thượng đế.” Cái gì sai trong đó? Nếu mắt là đúng thế thì sao mũi là sai? Trong Cựu Ước có nói rằng mặt bạn đẹp và sơ thích của bạn hay nhưng không nói về mùi của bạn. Mùi không được nói tới. Chúng ta nói về tầm nhìn đẹp của Thượng đế, chúng ta chưa hề nói về mùi thơm của ngài.
Một giác quan đã hoàn toàn què quặt, nhưng nếu bạn làm què quặt một giác quan thế thì một phần của tâm trí bạn cũng bị què quặt. Nếu bạn có năm giác quan thế thì tâm trí bạn có năm phần. Một phần năm của tâm trí bị què quặt và người ta chẳng hề biết - điều đó có nghĩa là một phần năm cuộc sống bị què quặt! Hậu quả là vô cùng lớn.
Nếu bạn chạm vào một vật nhỏ, đâu đó nó sẽ dội lại tất cả. Chấp nhận mọi điều đi. Tôi vừa nói với bạn vài phút về kìm nén dục: bởi vì kìm nén dục mà ngửi cũng bị kìm nén, và bởi vì kìm nén dục mà việc thở của bạn đã trở thành nông. Bởi vì nếu bạn thở sâu, việc thở của bạn sẽ cọ xát vào trung tâm dục bên trong. Mọi người tới tôi và nói, “Nếu chúng tôi thở thực sự, chúng tôi cảm thấy nhiều dục hơn.” Nếu bạn làm tình với người đàn bà, việc thở của bạn sẽ trở thành rất sâu. Nếu bạn giữ cho việc thở nông, bạn sẽ không thể nào đạt tới cực thích. Việc thở này đập mạnh, sâu xuống dưới trong trung tâm dục; từ bên trong nó cọ xát vào trung tâm dục.
Bởi vì dục đã bị kìm nén, nên việc thở cũng bị kìm nén, và bởi vì việc thở bị kìm nén nên mọi người đã trở thành không có khả năng thiền. Bây giờ nhìn vào toàn bộ vấn đề này, chúng ta đã làm những điều vô nghĩa làm sao! Kìm nén dục, chúng ta đã kìm nén việc thở - và thở là cây cầu duy nhất giữa bạn và cái toàn thể.
Gurdjieff là phải khi ông ấy nói rằng hầu hết tất cả các tôn giáo đều hành xử theo cách là họ dường như chống lại Thượng đế. Họ nói về Thượng đế nhưng họ dường như về cơ bản là chống lại Thượng đế. Cách thức họ hành xử là chống lại Thượng đế. Bởi vì việc thở bị kìm nén nên cây cầu đã bị gẫy. Bạn chỉ có thể thở nông, bạn chưa bao giờ đi sâu cả. Và nếu bạn không thể đi sâu vào bản thân mình, bạn không thể đi sâu vào sự tồn tại được.
Phật làm cho việc thở của mình thành rất nền tảng. Thở sâu, thư dãn, nhận biết về nó, sẽ cho bạn im lặng, thảnh thơi cực kì đến mức dần dần bạn đơn giản hội nhập, tan chảy, biến mất. Bạn không còn là một hòn đảo tách biệt nữa, bạn bắt đầu rung động với cái toàn thể. Thế thì bạn không phải là một nốt nhạc tách biệt nữa mà là một phần của bản giao hưởng toàn thể này. Thế thì từ bi nảy sinh.
Từ bi nảy sinh chỉ khi bạn có thể thấy rằng mọi người đều có quan hệ với bạn. Từ bi nảy sinh chỉ khi bạn có thể thấy rằng bạn là thành viên của mọi người và mọi người là thành viên của bạn. Không ai tách biệt. Khi ảo tưởng về tách biệt bị vứt bỏ đi, từ bi nảy sinh. Từ bi không phải là kỉ luật.
Trong kinh nghiệm loài người, mối quan hệ giữa mẹ và con là gần với từ bi nhất. Mọi người gọi nó là tình yêu nhưng nó không nên được gọi là tình yêu. Nó giống với từ bi hơn là tình yêu bởi vì nó không có đam mê trong đó. Tình yêu của người mẹ với đứa trẻ là gần với từ bi nhất. Tại sao? - bởi vì người mẹ đã biết đứa trẻ trong bản thân mình, nó là thành viên của con người cô ấy. Cô ấy biết đứa trẻ này như một phần của mình và cho dù đứa trẻ đã được sinh ra và đang lớn lên thì người mẹ vẫn cảm thấy nhịp điệu tinh tế với đứa trẻ này. Nếu đứa trẻ cảm thấy ốm từ xa nghìn vạn dặm đường, người mẹ vẫn lập tức cảm thấy điều đó. Cô ấy có thể không nhận biết về cái gì đã xảy ra nhưng cô ấy sẽ trở nên buồn phiền. Cô ấy có thể không nhận biết rằng con mình đang khổ nhưng cô ấy sẽ bắt đầu khổ. Cô ấy sẽ thấy cách giải thích hợp lí nào đó về việc tại sao cô ấy lại khổ: dạ dầy cô ấy có vấn đề, cô ấy đau đầu, hay thế này thế nọ. Nhưng bây giờ tâm lí chiều sâu nói rằng người mẹ và đứa trẻ bao giờ cũng vẫn còn được nối với nhau bằng những sóng năng lượng tinh tế, bởi vì chúng rung động theo cùng bước sóng. Viễn cảm là dễ dàng đối với người mẹ và đứa con hơn bất kì ai khác; hay giữa cặp sinh đôi - giữa hai người sinh đôi, viễn cảm là rất dễ dàng.
Nhiều thực nghiệm về viễn cảm đã được tiến hành ở nước Nga Xô viết - tất nhiên, không phải vì tôn giáo. Họ đang cố gắng tìm ra liệu có thể dùng viễn cảm như một kĩ thuật chiến tranh hay không. Họ sẽ dùng nó bởi vì họ đang tìm ra manh mối: người sinh đôi rất viễn cảm. Nếu một người sinh đôi bị cảm ở cách xa người kia hàng nghìn dặm, người kia cũng bị cảm. Họ rung động trên cùng bước sóng. Họ bị ảnh hưởng bởi cùng một điều trong vài giây bởi vì họ cả hai đã sống trong cùng một bụng mẹ như một phần của nhau, họ đã tồn tại trong bụng mẹ cùng nhau.
Cảm giác của người mẹ với đứa con còn nhiều từ bi hơn bởi vì cô ấy cảm thấy nó là của riêng mình.
Tôi đã đọc một giai thoại:
Trong giám định sơ bộ ở Trại lính trinh sát, viên chỉ huy tìm thấy một cái ô lớn giấu trong chiếc giường xếp của một lính trinh sát nhỏ, hiển nhiên không phải là một trong những thứ có trong trang thiết bị đã được liệt kê. Viên chỉ huy yêu cầu chú bé giải thích. Chú lính mới nói rõ ràng bằng việc hỏi, “Thưa ngài, ngài đã bao giờ có mẹ chưa?”
Mẹ có nghĩa là từ bi, mẹ có nghĩa là cảm thấy người khác như người ta cảm thấy chính mình. Khi một người vào sâu trong thiền và đạt tới samadhi, người đó trở thành người mẹ. Phật giống người mẹ hơn là người bố. Hội Ki tô giáo với từ ‘cha’ thì không có ý nghĩa và hay cho lắm. Gọi Thượng đế là ‘cha’ có vẻ đôi chút hướng nam tính. Nếu có bất kì Thượng đế nào thì ngài chỉ có thể là người mẹ, không phải người bố.
‘Bố’ mang tính thể chế làm sao. Bố là một thể chế. Trong tự nhiên bố không tồn tại. Nếu bạn hỏi nhà ngôn ngữ, ông ấy sẽ nói rằng từ ‘bác’ cổ hơn từ ‘bố’. Bác tới trước trong sự tồn tại bởi vì không ai biết ai là bố của mình cả. Một khi tài sản riêng được ấn định, một khi hôn nhân trở thành sở hữu riêng, thể chế của người bố mới đi vào trong cuộc sống con người. Nó rất mong manh, nó có thể biến mất bất kì ngày nào. Nếu xã hội thay đổi, thể chế có thể biến mất, như nhiều thể chế đã biến mất rồi. Nhưng người mẹ thì còn lại - người mẹ là tự nhiên.
Tại phương Đông nhiều người, nhiều tín ngưỡng đã gọi Thượng đế là ‘mẹ’. Cách tiếp cận của họ dường như có quan hệ nhiều hơn. Quan sát Phật mà xem - khuôn mặt của ông ấy dường như giống phụ nữ hơn là đàn ông. Trong thực tế, bởi vì điều đó mà chúng ta đã không vẽ ông ấy có râu mép hay râu cằm. Không, Mahavira, Phật, Krishna, Ram - bạn chẳng bao giờ thấy râu cằm hay râu mép trên mặt họ cả. Không phải là họ thiếu hoóc môn nào đó; họ phải có râu chứ, nhưng chúng ta đã không vẽ râu cho họ bởi vì điều đó sẽ làm cho khuôn mặt họ có vẻ giống đàn ông hơn. Và ở phương Đông chúng ta không quan tâm mấy đến sự kiện, chúng ta quan tâm nhiều tới ý nghĩa xác đáng. Tất nhiên tượng Phật các bạn đã thấy tất cả đều là giả, nhưng ở phương Đông chúng ta không lo nghĩ về điều đó. Ý nghĩa là ở chỗ Phật đã trở thành phụ nữ nhiều hơn, nữ tính nhiều hơn. Đó là điều tôi đã nói với các bạn từ ngày đầu tiên: dịch chuyển từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải, từ nam tính sang nữ tính; dịch chuyển từ chủ động sang thụ động, dịch chuyển từ dương sang âm, dịch chuyển từ nỗ lực sang vô nỗ lực. Vị Phật nhiều nữ tính hơn, nhiều tính chất người mẹ hơn. Nếu bạn thực sự trở thành thiền nhân, dần dần, bạn sẽ thấy nhiều thay đổi trong con người bạn và bạn sẽ cảm thấy giống phụ nữ hơn đàn ông - duyên dáng hơn, cảm nhận hơn, không bạo hành, đáng yêu. Và từ bi sẽ nảy sinh liên tục từ bản thể bạn; nó sẽ chỉ là hương thơm tự nhiên.
Thông thường bất kì cái gì bạn gọi là từ bi đều che giấu đam mê của bạn trong đó. Cho dù nếu đôi khi bạn cảm thấy thông cảm hướng về mọi người, quan sát, mổ xẻ, đi sâu hơn vào trong cảm giác của mình và ở đâu đó bạn sẽ tìm thấy động cơ nào đó. Trong hành động có vẻ rất từ bi, sâu bên dưới bạn bao giờ cũng thấy động cơ nào đó.
Có lần chuyện xảy ra là một người tên là Louie trở về nhà. Anh ta choáng váng khi thấy vợ đang trong vòng tay của người khác. Anh ta chạy xô ra khỏi phòng kêu khóc, “Tôi lấy súng đây.”
Vợ anh ta lao theo anh ta mặc dù chẳng quần áo nào trên người, túm anh ta lại và kêu lên, “Anh ngốc lắm, anh kích động vì cái gì nào? Đấy là người yêu của em, người đã trả tiền cho đồ đạc mới mà chúng ta mới có gần đây, quần áo mới của em, tiền thêm mà anh cứ nghĩ là em đã kiếm được qua khâu vá, tất cả chút ít xa hoa này chúng ta có thể mua - chúng tất cả đều tới từ anh ấy cả!”
Nhưng Louie giật mạnh và tiếp tục trèo lên gác.
“Đừng bắn súng, anh Louie!” vợ anh ta la hét.
“Súng gì?” Louie nói vọng lại. “Tôi đang kiếm chiếc chăn. Anh chàng đáng thương này sẽ bị cảm, nằm ở đấy sẽ giống thế.”
Cho dù bạn cảm thấy từ bi - hay bạn nghĩ bạn cảm thấy hay bạn giả vờ rằng bạn cảm thấy, cứ đi sâu và phân tích nó và bạn bao giờ cũng thấy động cơ nào đó khác trong nó. Nó không thể là từ bi thuần khiết được, và nếu nó không thuần khiết, nó không phải là từ bi bởi vì thuần khiết là chất liệu cơ bản trong từ bi. Nếu không thì nó là một cái gì đó khác; nó ít nhiều là hình thức. Chúng ta đã học cách là hình thức: cách đối xử với vợ, cách đối xử với chồng, cách đối xử với con, với bạn, với gia đình. Chúng ta đã học mọi thứ. Từ bi không phải là cái gì đó có thể học được. Khi bạn đã dẹp đi mọi thứ hình thức, mọi xã giao và tập quán, nó nảy sinh trong bạn. Nó rất hoang sơ. Nó không có xã giao, hình thức - chúng tất cả là những thứ chết nếu so sánh với nó. Nó rất sinh động, nó là ngọn lửa của tình yêu.
Đến bàn thứ mười hai của một trận đấu sôi động, cả sân vận động đều nhìn vào đường cái và khi Smith và Jones tiến tới bãi cỏ, họ thấy một đáng tang đang diễu qua trên đường.
Vào lúc này, Smith dừng lại, cởi mũ ra, đặt mũ lên tim và cúi đầu cho tới khi đám rước biến mất qua khúc quanh.
Jones ngạc nhiên, và sau khi Smith đã đội lại mũ và quay trở về với trò chơi, người đó nói, “Sao anh lịch sự và kính trọng thế, Smith.”
“A,” Smith nói, “Tôi không thể làm ít hơn được. Xét cho cùng, tôi đã cưới người đàn bà đó hai mươi năm rồi.”
Cuộc sống đã trở thành khuôn mẫu, nhân tạo, hình thức, bởi vì bạn phải làm những việc nào đó nên bạn làm. Tất nhiên bạn tuân theo nghĩa vụ một cách miễn cưỡng. Nhưng nếu bạn bỏ lỡ nhiều cuộc sống thì điều đó cũng tự nhiên, bởi vì cuộc sống là có thể chỉ nếu bạn sinh động, sinh động mãnh liệt. Nếu ngọn lửa của riêng bạn đã trở nên bị bao phủ bởi hình thức, nghĩa vụ, qui tắc, cái mà bạn phải hoàn thành một cách miễn cưỡng, bạn chỉ có thể kéo lê. Bạn có thể kéo lê một cách thuận tiện, cuộc sống của bạn có thể là cuộc sống của tiện nghi, nhưng nó không thể là sống động thực sự.
Sống sinh động thực sự là hỗn độn, theo một nghĩa nào đó. Theo một nghĩa nào đó, tôi nói, bởi vì rằng hỗn độn có kỉ luật riêng của nó. Nó không có qui tắc bởi vì nó không cần bất kì qui tắc nào. Nó có qui tắc cơ bản nhất có sẵn trong nó: nó không cần bất kì qui tắc nào bên ngoài.
Bây giờ đến câu chuyện thiền...
Một ngày mùa đông, một samurai (võ sĩ đạo) không thầy tới ngôi đền Eisai và đưa ra lời khẩn cầu, “Tôi nghèo và ốm,” người đó nói, “và gia đình tôi đang chết đói. Xin giúp chúng tôi, thưa thầy.”
Là người sống phụ thuộc vì ông ấy dựa vào lòng thảo của người nghèo, cuộc sống của Eisai rất mộc mạc, và ông ấy chẳng có gì để cho cả.
Ông ấy vừa định đưa tiễn võ sĩ đạo thì ông ấy nhớ tới hình ảnh Phật Yakushi trong phòng. Đi lên phòng có ảnh đó ông ấy xé vầng hào quang trong ảnh và đưa nó cho võ sĩ đạo. “Bán cái này đi,” Eisai nói, “nó sẽ giúp anh vượt qua.” Võ sĩ đạo lúng túng nhưng không có cách nào ngoài việc nhận vầng hào quang và ra đi.
“Thưa thầy!” một đệ tử của Eisai kêu lên, “đấy là báng bổ thánh thần! Làm sao thầy có thể làm một việc như vậy?”
“Báng bổ sao? Chà! Ta chỉ đơn thuần đưa tâm trí của Phật vốn tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn, ra dùng, phải nói là như thế. Quả thực, nếu bản thân ông ấy đã nghe thấy rằng võ sĩ đạo nghèo, ông ấy sẽ chặt tay đưa cho người đó.”
Câu chuyện rất đơn giản, nhưng rất có ý nghĩa.
Trước hết, cho dù bạn chẳng có gì để cho cả, nhìn lại đi - bạn bao giờ cũng sẽ thấy cái gì đó để cho. Ngay cả khi bạn không có gì để cho, bao giờ bạn cũng có thể tìm thấy cái gì đó để cho. Vấn đề là ở thái độ - nếu bạn không thể cho bất kì cái gì, ít nhất bạn vẫn có thể mỉm cười, nếu bạn không thể cho bất kì cái gì, ít nhất bạn cũng có thể ngồi với người ấy và cầm tay người ấy. Đấy không phải là vấn đề cho cái gì đó, đấy là vấn đề cho.
Ông Eisai này là sư nghèo, như các sư Phật giáo thôi. Cuộc sống ông ấy rất đạm bạc và ông ấy chẳng có gì để cho cả. Thông thường, dỡ vầng hào quang ra khỏi tượng Phật và đem cho đi là tội rất báng bổ. Không cái gọi là người tôn giáo nào có thể nghĩ về điều đó - trừ phi đấy là ai đó thực sự tôn giáo. Đó là lí do tại sao tôi nói từ bi không biết tới qui tắc, từ bi vượt ra ngoài qui tắc. Nó là hoang sơ, nó không tuân theo nghi thức nào cả.
Thế rồi thầy sực nhớ tới ảnh Phật trong phòng. Tại Nhật Bản, tại Trung Quốc, họ đặt vầng vàng quanh đầu Phật, chỉ để chỉ ra vầng hào quang quanh đầu ông ấy. Thầy sực nhớ tới nó - hàng ngày ông ấy phải tôn thờ cùng bức tượng này.
Đi lên phòng có ảnh đó ông ấy xé vầng hào quang trong ảnh và đưa nó cho võ sĩ đạo. “Bán cái này đi,” Eisai nói, “nó sẽ giúp anh vượt qua.” Võ sĩ đạo lúng túng nhưng không còn cách nào ngoài việc nhận vầng hào quang và ra đi.
Thậm chí đến võ sĩ đạo cũng lúng túng - người đó không ngờ đến điều này. Thậm chí người đó cũng phải nghĩ rằng điều này là báng bổ: “Kiểu người nào thế nhỉ? Ông ấy theo Phật mà ông ấy lại phá hỏng cái tượng này. Ngay cả việc chạm tới cái tượng này cũng là báng bổ mà ông ấy còn gỡ cả vầng hào quang ra.”
Đây là khác biệt giữa người tôn giáo thực sự và cái gọi là người tôn giáo. Cái gọi là người tôn giáo bao giờ cũng nhìn vào qui tắc, người đó bao giờ cũng nghĩ về cái gì theo qui tắc và cái gì không theo qui tắc. Nhưng người tôn giáo thực sự thì sống nó, không có cái gì theo qui tắc và không theo qui tắc cả. Từ bi là theo qui tắc vô hạn đến mức bất kì cái gì bạn làm qua từ bi thì cũng đều tự động trở thành theo qui tắc.
“Thưa thầy!” một đệ tử của Eisai kêu lên, “đấy là báng bổ thánh thần! Làm sao thầy có thể làm một việc như vậy?”
Ngay cả đệ tử cũng hiểu rằng điều đó là không phải. Một cái gì đó không đúng qui tắc đã được làm.
“Báng bổ sao? Chà! Ta chỉ đơn thuần đưa tâm trí của Phật vốn tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn, ra dùng, phải nói là như thế. Quả thực, nếu bản thân ông ấy đã nghe thấy rằng võ sĩ đạo nghèo, ông ấy sẽ chặt tay đưa cho người đó.”
Hiểu là một cái gì đó khác hơn chỉ là tuân theo. Khi bạn tuân theo, bạn gần như trở thành mù quáng. Thế thì có những qui tắc cần phải được gìn giữ. Nhưng nếu bạn hiểu thế nữa bạn cũng tuân theo - nhưng bạn không mù quáng. Và mỗi khoảnh khắc sẽ quyết định; mỗi khoảnh khắc tâm thức bạn đáp ứng và bất kì cái gì bạn làm cũng đều đúng.
Một trong những câu chuyện hay nhất trong thiền là về một thiền sư, người đã hỏi, vào một đêm đông, để xin phép ở lại trong một ngôi đền. Ông ấy run cả người vì đêm lạnh và tuyết rơi bên ngoài. Tất nhiên, sư trụ trì ngôi đền thông cảm và bảo ông ấy, “Ông có thể ở lại, nhưng chỉ đêm thôi nhé, bởi vì ngôi đền này không phải là sarai - nhà trọ. Đến sáng ông phải đi.”
Đến nửa đêm, sư trụ trì bỗng nhiên nghe thấy tiếng ồn ào. Ông ấy chạy tới và không thể tin được vào mắt mình. Thiền sư này đang ngồi quanh đống lửa ông ta vừa đốt lên trong đền - và một tượng phật bị thiếu.
Tại Nhật Bản người ta làm tượng phật bằng gỗ.
Sư trụ trì hỏi, “Tượng đâu rồi?”
Thiền sư chỉ cho ông ta đống lửa và nói, “Tôi run quá mà trời thì rất lạnh.”
Sư trụ trì nói, “Ông dường như điên rồi! Ông không thấy ông đang làm gì à? Đấy là tượng phật. Ông đã đốt Phật!”
Thiền sư nhìn vào đống lửa, đang lụi tàn dần đi, và cời lửa bằng một chiếc que.
Sư trụ trì hỏi, “Ông làm gì vậy?”
Thiền sư nói, “Tôi đang cố gắng tìm xương phật.”
Sư trụ trì nói, “Ông chắc chắn điên rồi. Đấy là phật bằng gỗ, làm gì có xương trong đó.”
Thế là thiền sư nói, “Đêm dài thế mà trời thì ngày càng lạnh, sao không đem nốt hai ông phật kia ra đây?”
Tất nhiên ông ấy phải bị tống ra khỏi ngôi đền ngay lập tức! Con người này thật nguy hiểm.
Khi ông ấy bị tống ra ông ấy nói, “Các ông làm gì vậy? - tống phật sống ra để cứu mấy phật gỗ sao? Phật sống khổ sở nhiều thế, phải bầy tỏ từ bi chứ. Và nếu Phật mà còn sống thì ông ấy cũng làm cùng điều đó thôi. Bản thân ông ấy sẽ cho ta cả ba bức tượng này. Ta biết điều đó. Ta biết điều đó từ chính tim ta rằng ông ấy sẽ làm cùng điều đó!”
Nhưng ai có đó mà nghe ông ấy? Ông ấy bị tống vào giữa đống tuyết và cửa đóng sầm lại.
Sáng hôm sau, khi sư trụ trì bước ra, ông ấy thấy thiền sư đang ngồi gần một cột mốc với vài đoá hoa để trên đó, tôn thờ nó. Sư trụ trì lại tới và nói, “Bây giờ ông lại đang làm gì thế này? Tôn thờ cột mốc sao?”
Thiền sư nói, “Bất kì khi nào thời gian cầu nguyện tới, ta sẽ tạo ra phật tại bất kì đâu, bởi vì phật bao giờ cũng ở khắp xung quanh. Cột mốc này cũng tốt như mấy ông phật gỗ của ông bên trong đền vậy!”
Đấy là vấn đề thái độ. Khi bạn nhìn với đôi mắt tôn thờ, thế thì bất kì cái gì cũng đều trở thành thiêng liêng.
Và nhớ, câu chuyện về Eisai dễ hiểu bởi vì từ bi được biểu lộ hướng tới ai đó khác. Câu chuyện kia thậm chí còn khó hơn và phức tạp hơn để hiểu bởi vì từ bi được biểu lộ hướng về bản thân người ta. Con người thực sự của hiểu biết chẳng khó gì mà hướng về người khác cũng như hướng về chính mình, bởi vì đấy là một và cùng năng lượng. Con người thực sự của hiểu biết không là kẻ tự bạo. Người đó không tàn bạo, người ấy không tự bạo. Con người thực sự của hiểu biết đơn giản hiểu rằng không có tách biệt - tất cả, kể cả bản thân người ấy, đều thiêng liêng - và người đó sống từ hiểu biết này.
Sống từ hiểu biết là từ bi. Đừng bao giờ cố gắng thực hành điều đó, đơn giản thảnh thơi sâu trong thiền. Trong trạng thái buông bỏ trong thiền và bỗng nhiên bạn sẽ có thể ngửi thấy hương thơm tới từ chiều sâu bên trong nhất của riêng bạn. Thế thì hoa nở ra và từ bi lan toả. Thiền là đoá hoa và từ bi là hương thơm của nó.

Ads Belove Post