Chương 6. Người mất trí và người sùng kính

Chương 6. Người mất trí và người sùng kính

Price:

Read more

Osho – Nhạc cổ trong rặng thông
Chương 6. Người mất trí và người sùng kính

Câu hỏi thứ nhất: Đâu là khác biệt giữa người mất trí và người sùng kính?
Không nhiều lắm, ấy vậy mà cũng nhiều. Cả hai đều điên, nhưng cái điên của họ có phẩm chất hoàn toàn khác cho nó, trung tâm của tính điên khùng là khác nhau. Người mất trí là điên từ đầu óc, người sùng kính là điên từ trái tim.
Người mất trí là điên bởi vì hỏng hóc. Logic của người đó bị hỏng. Người đó không thể tiếp tục với cái đầu thêm được nữa, lâu hơn nữa. Đã tới một điểm cho tâm trí logic mà tại đó tan vỡ là điều phải xảy ra bởi vì logic đã leo đến một giới hạn nào đó, thế rồi bỗng nhiên nó không còn là thực nữa. Thế thì nó không còn là đúng cho thực tại nữa.
Cuộc sống là phi logic. Nó là hoang sơ. Trong cuộc sống, mâu thuẫn không phải là mâu thuẫn mà là bổ sung. Cuộc sống không tin vào phân chia này nọ, cuộc sống tin vào cả hai. Ngày trở thành đêm và đêm trở thành ngày. Chúng gặp gỡ và hội nhập, biên giới không rõ ràng. Mọi thứ đều lấn vào mọi thứ khác: bạn lấn vào người yêu của mình, người yêu của bạn lấn vào bạn. Con bạn vẫn còn là một phần của bạn ấy vậy mà nó là độc lập - các biên giới mờ đi.
Logic tạo ra các biên giới rõ ràng. Để rõ ràng, nó chia cắt cuộc sống ra thành hai, thành nhị nguyên. Tính rõ ràng được đạt tới, nhưng tính sống bị mất đi. Với cái giá về tính sống động, logic đạt tới sự sáng tỏ.
Cho nên nếu bạn là tâm trí xoàng xĩnh, bạn có thể chẳng bao giờ phát điên. Điều đó có nghĩa là bạn sống hờ hững, logic và nhiều điều phi logic vẫn cứ tồn tại trong bạn cạnh lẫn nhau. Nhưng nếu bạn thực sự logic, thế thì kết quả cuối cùng chỉ có thể là điên khùng. Bạn càng logic, bạn càng không dung thứ cho bất kì điều gì phi logic, mà cuộc sống là phi logic. Cho nên bạn sẽ dần dần trở nên không dung thứ cho bản thân cuộc sống. Bạn sẽ ngày càng đóng hơn. Bạn sẽ chối bỏ cuộc sống, bạn sẽ không chối bỏ logic. Thế thì chung cuộc bạn thất bại - đây là thất bại của logic.
Gần như tất cả các triết gia vĩ đại mang tính logic đều phát điên cả. Nếu họ không phát điên, họ không là triết gia vĩ đại. Nietzsche đã phát điên, Bertrand Russell chưa bao giờ phát điên. Ông ấy không phải là triết gia vĩ đại lắm; theo một cách nào đó, ông ấy làng nhàng. Ông ấy sống với lương tri của mình - ông ấy là triết gia lương tri. Ông ấy không đi theo cực đoan. Nietzsche đã theo chiều rất cực đoan, tất nhiên, thế thì có vực thẳm.
Mất trí là hỏng hóc của cái đầu, và trong cuộc sống có hàng triệu tình huống mà đột nhiên cái đầu chẳng liên quan gì.
Tôi đã đọc một giai thoại:
Một người đàn bà gọi điện cho người xây nhà mới của bà ấy để phàn nàn về những rung động làm rung chuyển cả cấu trúc nhà khi tầu hoả chạy qua cách ba dãy phố.
“Kì lạ thật!” ông ta bảo với bà ấy. “Tôi sẽ lại để kiểm tra điều đó.”
“Đợi cho tới khi tầu hoả tới,” bà này nói khi người xây nhà tới để giám định. “Tại sao nó gần như rung tôi bật ra khỏi giường. Ông nằm vào đó xem. Ông sẽ thấy.”
Người xây nhà đang nằm duỗi thẳng mình trên giường thì chồng người đàn bà này về.
“Ông làm gì trên giường vợ tôi thế?” người chồng hỏi.
Người xây nhà khiếp hãi run như chiếc lá. “Ông có tin là tôi đang đợi tầu hoả không?” ông ta nói.
Có cả nghìn lẻ một tình huống mà cuộc sống tới trong sự phi logic toàn bộ của nó. Bỗng nhiên tâm trí logic của bạn dừng lại, nó không thể hoạt động được. Nếu bạn quan sát cuộc sống bạn sẽ thấy mình hành động hàng ngày đều phi logic. Và nếu bạn nhấn mạnh quá nhiều vào logic  dần dần bạn sẽ bị tê liệt; dần dần bạn sẽ bị ném ra khỏi cuộc sống; dần dần bạn sẽ cảm thấy cái chết nào đó đọng vào trong bạn. Ngày này hay ngày nọ tình huống này phải bùng nổ - phân chia này-kia vỡ tan.
Phân chia, như vậy, là sai lầm. Chẳng cái gì bị phân chia trong cuộc sống cả. Chỉ trong đầu bạn mới có phân chia; chỉ trong đầu bạn mới có biên giới rõ ràng. Cứ dường như là bạn đã tạo ra khoảng trống nhỏ trong khu rừng, quang đãng, với một bức tường biên, với một bãi cỏ, với vài khóm hoa hồng, và mọi thứ hoàn toàn trong trật tự. Nhưng bên ngoài biên giới này khu rừng vẫn có đó, chờ đợi. Nếu bạn không chăm nom khu vườn của mình trong vài ngày, rừng sẽ tiến vào. Nếu bạn không để ý đến vườn, sau một thời gian vườn sẽ biến mất và rừng sẽ có đấy. Logic là do con người tạo ra, giống như khu vườn Anh - thậm chí còn không giống như vườn thiền Nhật Bản, cắt xén gọn ghẽ.
Mọi ngày đều có khó khăn... Mukta chăm nom vườn. Cô ấy là người trông vườn cho tôi, cô ấy liên tục cắt xén. Tôi hay bảo cô ấy, “Đừng cắt! Cứ để nó như khu rừng!” Nhưng cô ấy có thể làm gì được? Cô ấy giấu tôi rằng cô ấy cắt rồi trồng rồi quản lí bởi vì cô ấy không thể cho phép vườn trở thành rừng được. Nó phải trong biên giới.
Tâm trí logic cũng giống như một khu vườn nhỏ, do con người tạo ra, và cuộc sống  giống như rừng hoang. Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ chống lại cuộc sống và thế thì tâm trí bạn sẽ chùn lại, sẽ ngã xuống đất. Căng tâm trí bạn ra chính cực điểm của logic và bạn sẽ phát điên.
Chuyện xảy ra ở một sân bay: Moscowitz gặp đối thủ kinh doanh của mình, Levinson, tại sân bay, và tự nhiên giả vờ hỏi người đó một cách cẩn thận, “Anh định đi đâu vậy, Levinson?”
Levinson trả lời một cách tự nhiên, “Chicago.”
“A!” Moscowitz nói, vung ngón tay đắc thắng, “Bây giờ tớ đã bắt quả tang cậu nói dối. Cậu bảo tớ Chicago bởi vì cậu muốn tớ tin cậu định đi St. Louis, nhưng tớ vừa nói chuyện với bạn tình của cậu mới sáng nay thôi, và ngẫu nhiên tớ biết cậu định đi Chicago, cậu là đồ nói dối!”
Tâm trí logic thêu dệt và kết chỉ các lí thuyết riêng của nó, ý tưởng riêng của nó, và cố gắng làm cho thực tại khớp tương ứng. Thực tại phải tuân theo ý tưởng của bạn: đó là điều tâm trí logic là gì. Nỗ lực là ở chỗ thực tại phải là cái bóng của tư tưởng của bạn. Nhưng điều đó là không thể được, bạn đang cố gắng điều không thể được. Điều đó là đáng ngờ, nó không thể xảy ra được. Tư tưởng phải tuân theo thực tại, và khi tình huống tới chỗ bạn phải tuân theo thực tại, toàn bộ cấu trúc tâm trí bạn bị choáng váng, toàn bộ cấu trúc tâm trí bạn đơn giản rớt xuống. Nó chứng tỏ là một ngôi nhà bằng bìa - một cơn gió nhỏ của thực tại và lâu đài biến mất. Đó là điên khùng.
Điên khùng của người sùng kính là gì? Trung tâm điên khùng của người sùng kính là trái tim người đó, trung tâm điên khùng thông thường là cái đầu. Điên khùng thông thường xảy ra từ thất bại của cái đầu và điên khùng của người sùng kính xẩy ra do thành công của trái tim người đó. Khi logic thất bại, có điên khùng thông thường; khi tình yêu thành công, có điên khùng phi thường, điên khùng của người sùng kính.
Yêu là phi logic. Yêu là bất hợp lí. Yêu là cuộc sống. Yêu hàm chứa tất cả mọi mâu thuẫn trong nó. Yêu thậm chí còn có khả năng hàm chứa cả cái đối lập của riêng nó, ghét. Bạn không quan sát thấy điều đó sao? - bạn ghét cũng người mà mình yêu. Nhưng yêu thì lớn hơn. Nó lớn đến mức thậm chí ghét cũng được phép có vai của nó. Trong thực tế, nếu bạn thực sự yêu, ghét không phải là sao lãng; ngược lại, nó cho mầu sắc, mùi vị. Nó làm cho toàn bộ câu chuyện thêm mầu sắc, giống như cầu vồng. Thậm chí ghét không phải là đối lập đối với trái tim yêu đương: người đó có thể ghét mà vẫn tiếp tục yêu. Yêu lớn đến mức thậm chí ghét cũng có thể được phép có lời nói riêng của nó. Người yêu trở thành kẻ thù thân thiết, họ cứ đánh nhau.
Trong thực tế, nếu bạn hỏi các nhà phân tâm, các nhà tâm thần và các nhà tâm lí, họ sẽ nói rằng khi một đôi ngừng tranh đấu, tình yêu cũng đã chấm dứt. Khi một đôi không còn bận tâm cả tới việc tranh đấu, đã trở nên dửng dưng với nhau, thế thì tình yêu đã chấm dứt. Nếu bạn vẫn còn tranh đấu với vợ bạn hay chồng bạn, bạn trai hay bạn gái của bạn, điều đó đơn giản chỉ ra rằng cuộc sống vẫn còn chạy theo nó. Nó vẫn còn là một sợi dây sống - vẫn còn nóng. Khi tình yêu không còn đó và mọi thứ là chết, thế thì không có tranh đấu. Tất nhiên! Tranh đấu để làm gì nữa? Điều đó là vô nghĩa. Người ta lắng vào trong một loại lạnh nhạt; người ta lắng vào một loại dửng dưng.
Tình yêu giống như cuộc sống hoang dã, do đó có lời của Jesus rằng Thượng đế là tình yêu. Ông ấy định nói cái gì? Ông ấy ngụ ý rằng nếu bạn yêu, bạn sẽ biết nhiều điều vốn là phẩm chất của Thượng đế: rằng ngài hàm chứa các điều đối lập, rằng thậm chí quỉ cũng được phép có lời của nó, rằng không có vấn đề gì với cái đối lập, rằng kẻ thù cũng là bạn và sâu bên dưới là có quan hệ và có gắn nối, rằng chết không chống lại sống, nhưng chết là một phần của sống và sống là một phần của chết.
Cái toàn thể là lớn hơn tất cả các cái đối lập. Và nó không chỉ là tổng của các cái đối lập, nó còn nhiều hơn tổng đó. Đây là toán học cao hơn của trái tim. Tất nhiên con người của tình yêu trông có vẻ điên. Người đó sẽ trông có vẻ điên đối với bạn bởi vì bạn hoạt động từ cái đầu còn người đó hoạt động từ trái tim; ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.
Chẳng hạn, Jesus đã bị đóng đinh. Kẻ thù đợi ông ấy nguyền rủa họ, và họ có đôi chút sợ hãi. Bạn bè chờ đợi ông ấy làm phép màu nào đó, rằng tất cả các kẻ thù sẽ lăn ra chết. Còn ông ấy đã làm gì? Ông ấy làm điều gần như điên khùng - ông ấy cầu nguyện Thượng đế tha thứ cho những người này bởi vì họ đã không biết họ đang làm gì. Đây là cái điên của tình yêu. Điều không được ai mong đợi là khi bạn sắp bị giết, bạn cầu nguyện cho những con người đó được tha thứ bởi vì họ không biết họ làm gì. Họ hoàn toàn vô ý thức, mộng du; bất kì điều gì họ làm đều không có trách nhiệm bởi vì làm sao bạn đổ trách nhiệm lên ai đó vẫn còn đang ngủ? Họ vô ý thức, nên tha thứ cho họ thôi. Đây là phép màu đã xảy ra vào ngày đó, những chẳng ai coi đó là phép màu cả - điều đó là điên khùng cực kì.
Ngôn ngữ của tình yêu là xa lạ thế với cái đầu. Cái đầu và trái tim là các cực xa nhất của thực tại. Không có khoảng cách giữa bất kì hai điểm nào lớn hơn là giữa cái đầu và trái tim, lí trí và tình yêu, logic và cuộc sống. Nếu một người điên vì tình yêu của mình, điên khùng của người đó không phải là bệnh tật. Trong thực tế, người đó là người lành mạnh duy nhất. Người đó là con người toàn thể duy nhất; người đó là con người sùng kính duy nhất bởi vì qua trái tim mình, người đó trở thành được bắc cầu với cuộc sống. Bây giờ người đó không còn đánh nhau, không còn xung đột nữa.
Người đó đã buông xuôi, người đó trong buông bỏ. Người đó tin cậy vào cuộc sống. Người đó có đức tin và người đó biết rằng chẳng có gì sai xảy ra cả. Người đó không sợ. Thậm chí trong cái chết người đó cũng sẽ cười và hát, cực lạc, bởi vì ngay cả trong cái chết, Thượng đế cũng chờ đợi người đó. Cái chết cũng trở thành cánh cửa. Tất nhiên, với tâm trí logic, con người này là điên khùng. Mà người đó điên thật, theo một nghĩa nào đó, bởi vì bất kì điều gì người đó làm đều ở ngoài hiểu biết của lí trí. Nhưng với tôi, người đó không điên. Hỏi Jesus xem - với ông ấy người đó không điên; hỏi Phật - với ông ấy, người đó không điên. Trong thực tế người đó là người lành mạnh duy nhất, bởi vì bây giờ người đó không còn nghĩ nữa, người đó sống; bây giờ người đó không còn bị phân chia nữa, mà là toàn bộ; bây giờ không có nhị nguyên trong người đó, người đó là một thể thống nhất.
Đó là ý nghĩa của từ ‘yoga’: cái là thể thống nhất. Đó cũng là ý nghĩa của từ ‘tôn giáo’: cái làm cho bạn thành một, cái gắn bạn lại lần nữa, ‘religere’: bạn không còn chia chẻ.
Ngoài ra, thông thường bạn không phải là một người, bạn là nhiều người. Bạn là đám đông. Bạn không biết tay trái bạn đang làm gì và tay phải bạn định làm gì. Buổi sáng bạn không biết bạn định làm gì buổi tối. Bạn nói điều này nhưng bạn muốn nói điều gì đó khác, và bạn sẽ cứ nói điều gì đó khác mãi. Bạn không phải là một thể thống nhất, bạn là đám đông. Có nhiều người bên trong bạn làm quay bánh xe và mỗi người, khi thời thế tới, đều trở thành vua. Và trong khoảnh khắc vua đó có khẳng định những điều mình không thể hoàn thành được, bởi vì vào lúc việc hoàn thành tới, người đó không còn là vua nữa.
Bạn yêu một người đàn bà và bạn nói, “Anh sẽ yêu em mãi mãi.” Cứ đợi đấy! Bạn đang nói gì vậy? Bây giờ vào lúc này, một phần nào đó của nhân cách bạn đang trên ngai vàng và phần đó nói “Anh sẽ yêu em mãi mãi,” nhưng chỉ nửa giờ sau bạn có thể hối hận. Và chỉ vài ngày sau đó  bạn sẽ quên hoàn toàn điều bạn đã nói.
Đàn bà không quên điều đó, cô ấy sẽ nhớ. Cô ấy sẽ nhắc đi nhắc lại bạn về điều bạn đã nói, rằng bạn sẽ yêu cô ấy mãi mãi, và điều gì đã xảy ra cho tình yêu của bạn? Bạn sẽ thấy mặc cảm và bạn cảm thấy bất lực và vô ích bởi vì bạn không thể nào làm được bất kì điều gì. Bây giờ bạn biết bạn không nên nói về tương lai, nhưng vào khoảnh khắc đó bạn không thể cưỡng lại được bản thân mình; vào khoảnh khắc đó có vẻ dường như là bạn sẽ yêu cô ấy mãi mãi. Trong khoảnh khắc đó đấy là chân lí, nhưng phần của tâm trí đã khẳng định điều đó không còn là vua nữa. Bây giờ có phần khác của tâm trí: phần khác ngồi trên ngai vàng và phần đó yêu người đàn bà khác, người đó đã chọn người đàn bà khác. Bất kì cái gì bạn hứa, bạn đều không định hoàn thành nó.
Con người của hiểu biết chẳng bao giờ hứa hẹn bởi vì người đó biết cái bất lực của mình. Người đó sẽ nói, “Anh muốn yêu em mãi mãi, nhưng ai mà biết được? Anh có thể không còn như cũ nữa vào ngày tiếp.” Người đó sẽ cảm thấy khiêm tốn, người đó sẽ không cảm thấy tự tin. Chỉ người ngu mới cảm thấy tự tin. Con người của hiểu biết thì ngần ngại bởi vì họ biết có đám đông bên trong mình, họ không là một.
Đó là lí do tại sao trong tất cả các kinh sách cổ đều nói rằng nếu một ý nghĩ tốt tới, làm ngay lập tức, bởi vì khoảnh khắc tiếp bạn có thể không thích làm điều đó chút nào nữa. Và nếu một ý nghĩ xấu tới, trì hoãn nó một chút. Nếu bất kì cái gì tốt nảy sinh trong bạn, đừng bỏ lỡ khoảnh khắc ấy, làm nó đi! Nếu bạn cảm thấy nó là tốt, bạn có thể làm nó lần nữa vào ngày mai - nhưng làm nó ngay bây giờ, đừng trì hoãn. Nhưng tâm trí thông thường chỉ làm điều đối lập lại: bất kì cái gì tốt nảy sinh trong bạn, bạn hoãn nó tới mai - thế thì nó chẳng bao giờ xảy ra cả; và bất kì cái gì xấu nảy sinh trong bạn, bạn làm nó ngay lập tức. Nếu bạn giận dữ thì bạn sẽ giận dữ ngay bây giờ, bạn không thể trì hoãn được nó. Nhưng nếu bạn cảm thấy từ bi, bạn sẽ nói, “Vội gì nào...? Để đến mai.” Cái mai ấy chẳng bao giờ tới cả. Ngày mai là không tồn tại.
Thông thường, con người là đám đông. Trong thực tế, chúng ta không nên dùng từ ‘tâm trí’ theo số ít. Chúng ta không nên nói rằng bạn có một tâm trí. Chỉ hiếm người mới có một tâm trí - bạn có nhiều tâm trí. Bạn là đa tâm trí.
Trái tim - đây là điều đẹp đẽ - trái tim bao giờ cũng là một. Nó không biết đến nhị nguyên. Nó không phải là đám đông, nó là một thể thống nhất. Bạn tới gần hơn với trái tim  ‘cái một’ nảy sinh và ‘cái nhiều’ biến ra xa. Trái tim không cần hứa hẹn - thậm chí không hứa hẹn nó vẫn cứ hoàn thành.
Tâm trí đưa ra hứa hẹn, nhưng nó chẳng bao giờ hoàn thành chúng. Thực tế, nó hứa chỉ để tạo ra ảo tưởng bởi vì nó biết điều đó sẽ không hoàn thành việc gì cả. Cho nên ít nhất cứ tạo ra ảo tưởng bởi hứa hẹn, “Anh sẽ yêu em mãi mãi.” Trái tim sẽ chẳng bao giờ nói thế, nhưng nó sẽ làm thế. Và khi bạn có thể làm điều đó, phỏng có ích gì mà nói nó ra? Không cần.
Con người của tình yêu là điên khùng, điên đối với tâm trí logic, nhưng người đó không ốm yếu. Trong nhà thương điên phương Tây có nhiều người không phải là điên. Nếu như họ ở các nước phương Đông, thậm chí họ có thể được tôn thờ. Tại phương Tây sáng suốt này còn chưa tồn tại rằng con người có thể điên theo đầu hay điên theo tim. Người điên theo tim không phải là người điên, người ấy là người của Thượng đế; hay người ấy điên theo cách khác đến mức người ấy cần được tôn thờ, kính trọng, tôn kính. Không cần phải trị liệu cho người ấy, không cần phải nhốt người ấy vào nhà thương điên, không cần gây sốc cho người ấy. Nhưng mọi điều đi tới cực đoan, bao giờ cũng vậy.
Tại phương Đông sự việc đã xảy ra rằng nhiều người điên đã được tôn thờ - những người điên theo đầu. Họ đơn giản mất trí - nhưng họ được tôn thờ bởi vì chúng ta đã tôn thờ người điên theo tim, và rất khó cho quần chúng thông thường, bình thường phân biệt nổi. Họ có vẻ gần như nhau.
Bây giờ ở phương Tây điều đối lập đang xảy ra: mọi người mà đáng là thánh trong quá khứ... thử nghĩ xem, nếu Jesus tới, được sinh ra ở Mĩ ngày nay, ông ấy sẽ ở đâu? Hay thánh Francis vùng Assisi - ông ấy sẽ ở đâu? Trong nhà thương điên nào đó. Người Do Thái đã đối xử với Jesus rất khá: họ giết ông ấy nhưng họ chưa bao giờ tống ông ấy vào nhà thương điên. Điều đó là đáng kính trọng hơn.
Nhưng bây giờ, trong thế giới hiện đại, nếu ông ấy quay lại đâu đó ở phương Tây, ông ấy sẽ vào nhà thương điên, hay nằm đâu đó trên chiếc tràng kỉ nhà phân tâm phái Freud, hay được cho làm sốc điện, cho uống thuốc. Bởi vì các nhà phân tâm nói rằng ông ấy loạn thần kinh, nhân cách của ông ấy bị rối loạn, ông ấy điên. Tất nhiên những điều ông ấy nói  có vẻ điên thật. Ông ấy nói, “Ta là con của Thượng đế.” Vô nghĩa làm sao! Con của Thượng đế sao? Hoang đường! Ông ấy nói gì vậy? Ông ấy không còn ý thức nữa, ông ấy sống trong mơ. Ông ấy nói về vương quốc của Thượng đế - toàn những điều vô nghĩa, chuyện thần tiên, tốt cho sách trẻ con còn chưa chín chắn. Ông ấy đã chọn một thời điểm tốt hơn để tới.
Thánh Francis vùng Assisi chắc chắn sẽ phải vào nhà thương điên - nói với cây cối, nói với cây hạnh, “Chị ơi, chị có khoẻ không?” Nếu như ông ấy ở đây thì ông ấy đã bị bắt: “Ông làm cái gì vậy? Đi nói với cây hạnh sao?” “Chị ơi, hát cho tôi về Thượng đế,” ông ấy nói thế với cây hạnh. Và không chỉ có thế, ông ấy nghe bài ca mà cây chị-hạnh hát nữa! Quái đản! Cần phải điều trị thôi. Ông ấy nói với dòng sông và với cá, và ông ấy nói rằng cá sẽ đáp lại ông ấy. Ông ấy nói với tảng đá và vách đá: cần thêm bằng chứng gì nữa rằng ông ấy điên?
Ông ấy điên, nhưng bạn không muốn được điên như thánh Francis vùng Assisi sao? Nghĩ mà xem - khả năng nghe cây hạnh hát và trái tim có thể cảm thấy anh em, chị em trong cây cối, trái tim có thể nói với tảng đá, trái tim thấy Thượng đế ở mọi nơi, tất cả xung quanh, trong mọi hình dạng... Đấy phải là một trái tim của tình yêu tột bực. Tình yêu tột bực làm lộ ra điều bí ẩn cho bạn.
Nhưng với tâm trí logic, tất nhiên, những điều này là vô nghĩa. Với tôi, hay với bất kì ai đã biết cách nhìn vào cuộc sống qua trái tim, những điều này là những điều có ý nghĩa duy nhất. Trở nên điên đi, nếu bạn có khả năng, trở nên điên từ trái tim.
Bây giờ điều cuối cùng về câu hỏi này: nếu cái đầu của bạn có đi tới vỡ ra, cũng đừng lo. Dùng cơ hội của trạng thái đã bị vỡ ra này. Trong khoảnh khắc đó, đừng lo rằng bạn phát điên; trong khoảnh khắc đó, trượt vào trái tim.
Một ngày nào đó trong tương lai khi tâm lí thực sự đến đúng tuổi, bất kì khi nào ai đó phát điên từ đầu chúng ta sẽ giúp người đó chuyển về tim. Bởi vì một cơ hội mở ra vào khoảnh khắc đó - việc phá vỡ có thể trở thành một bước đột phá. Cấu trúc cũ đã mất đi, bây giờ người đó không còn trong nanh vuốt của lí trí nữa, người đó tự do trong một khoảnh khắc. Tâm lí học hiện đại cố gắng để điều chỉnh người đó trở về cấu trúc cũ. Tất cả những cố gắng hiện đại đều mang tính điều chỉnh, làm cho người đó thành bình thường. Tâm lí thực sự sẽ làm điều gì đó khác. Tâm lí thực sự sẽ dùng cơ hội này bởi vì tâm trí cũ đã biến mất, có lỗ hổng. Dùng khoảng hở này đưa người đó hướng tới tâm trí khác - tức là, trái tim. Đưa người đó hướng tới trung tâm khác của bản thể người đó.
Khi bạn lái một chiếc xe, bạn sang số. Bất kì khi nào bạn sang số, đều có một khoảnh khắc số chuyển về trung lập: nó phải sang số trung lập. Số trung lập có nghĩa là không số nào. Từ số nọ sang số kia, một khoảnh khắc tới khi không có số nào. Khi tâm trí đã dừng, bạn ở trong trạng thái trung lập. Ngay lúc đó bạn dường như mới được sinh ra. dùng cơ hội này và đưa năng lượng ra xa khỏi cấu trúc mục ruỗng cũ mà đã dừng. Rời bỏ cái điêu tàn, chuyển vào trái tim. Quên lí trí và để tình yêu là trung tâm của bạn, mục tiêu của bạn. Mỗi lần phá vỡ có thể trở thành một bước đột phá. Và mỗi khả năng thất bại của cái đầu có thể trở thành thành công cho trái tim... thất bại của cái đầu có thể trở thành thành công của trái tim.
Câu hỏi thứ hai: Có lần tại một bài nói tôi đã nghe Thầy nói về một vị khách thăm rằng người ấy sẽ là một sannyasin tốt. Sannyasin tốt nghĩa là gì?
Trước hết, sannyasin là gì?
Sannyasin là người đã đi tới hiểu ra tính vô ích của cái gọi là cuộc sống trần tục. Sannyasin là người đã hiểu ra một điều - rằng cái gì đó cần được làm ngay lập tức về bản thể riêng của mình. Nếu người ấy cứ trôi dạt theo cách cũ, người ấy sẽ đánh mất toàn bộ cơ hội cho cuộc sống này. Sannyasin là người đã trở nên tỉnh táo rằng từ trước cho tới giờ người ấy đã sống sai lầm, đã đi theo hướng sai lầm, đã quá bận tâm với mọi thứ mà chẳng quan tâm gì tới bản thân mình, đã quá bận tâm tới danh vọng và quyền lực trần gian và đã không quan tâm về mình là ai. Sannyasin là người đã quay về bản thân mình, paravritti. Sannyasin là phép màu - năng lượng đang chuyển ngược vào bản thân người ấy.
Thông thường năng lượng dời đi xa khỏi bạn, hướng đến mọi vật, mục tiêu, trong thế giới này. Năng lượng đang dời đi xa khỏi bạn, do đó bạn cảm thấy trống rỗng. Năng lượng đi mất, chẳng bao giờ quay trở lại; bạn cứ ném năng lượng đi. Dần dần bạn cảm thấy bị mòn mỏi, thất vọng; chẳng cái gì quay lại. Dần dần bạn bắt đầu cảm thấy trống rỗng, năng lượng cứ tiêu tan hàng ngày. Và thế rồi cái chết tới. Cái chết chẳng là gì khác hơn ngoài việc bạn bị cạn kiệt và tàn lụi. Phép màu vĩ đại nhất trong cuộc sống là hiểu ra điều này và quay năng lượng về nhà. Đấy là việc quay vào. Việc quay vào này, paravriti, là tính chất sannyas.
Không phải là bạn bỏ lại thế giới này. Bạn vẫn sống trong thế giới này - không cần phải bỏ cái gì hay đi bất kì đâu khác. Bạn sống trong thế giới nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Bây giờ bạn sống trong thế giới nhưng bạn vẫn còn định tâm vào bản thân mình, năng lượng bạn vẫn trở về bạn.
Bạn không còn đi ra ngoài nữa, bạn đã trở thành đi vào trong. Tất nhiên bạn trở thành hộp chứa năng lượng, kho chứa, và năng lượng là sung sướng, cực kì sung sướng! Để năng lượng có đó, tràn ngập, và bạn trong sung sướng và bạn có thể chia sẻ và bạn có thể cho trong tình yêu. Đây là khác biệt. Nếu bạn đặt năng lượng của mình vào tham lam  nó sẽ chẳng bao giờ quay lại; nếu bạn đặt năng lượng của mình vào tình yêu, nó quay lại gấp nghìn lần. Nếu bạn đặt năng lượng mình vào giận dữ, nó chẳng bao giờ quay lại. Nó bỏ bạn lại trong trống rỗng, cạn kiệt, tàn lụi; nếu bạn dùng năng lượng của mình trong từ bi, nó quay lại gấp hàng nghìn lần.
Cho nên bây giờ tôi sẽ nói cho bạn sannyasin tốt là gì. Sannyasin tốt là người đã hiểu luật cơ bản này của cuộc sống: rằng cho tình yêu, nó sẽ trở lại nghìn lần hơn. Cho giận dữ và nó đi mất mãi mãi; cho tham lam và nó sẽ đi mất mãi mãi. Bạn chia sẻ, nó không bao giờ mất đi; ngược lại, bạn lại giầu có hơn.
Khi tôi nói sannyasin ‘tốt’ tôi không có ý nói về sannyasin đạo đức hay vô đạo đức: từ ‘tốt’ của tôi không có liên quan gì tới đạo đức cả. Nó là cái gì đó liên quan tới điều Phật gọi là aes dhammo sanantano, điều Phật gọi là luật vĩnh hằng của cuộc sống.
Người tốt là người hiểu biết. Người tốt thì tỉnh táo, nhận biết, thế thôi. Nhận biết là giá trị duy nhất đối với tôi, tất cả những điều khác là vô nghĩa. Nhận biết là giá trị duy nhất đối với tôi - cho nên khi tôi nói về sannyasin tốt, tôi ngụ ý sannyasin có nhận biết. Tất nhiên khi bạn nhận biết, bạn cư xử theo luật, luật nền tảng. Khi bạn không nhận biết, bạn phá huỷ bản thân mình, bạn tự tử.
Nếu bạn cư xử theo luật nền tảng, bạn sẽ giầu có cực kì. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên ngày càng giầu có hơn mỗi khoảnh khắc. Bạn sẽ trở thành hoàng đế. Bạn có thể vẫn là kẻ ăn xin trong thế giới bên ngoài, nhưng bạn sẽ trở thành hoàng đế, cực điểm của giầu có bên trong. Điều Jesus gọi là vương quốc của Thượng đế là ở bên trong bạn. Bạn sẽ trở thành hoàng đế của vương quốc ở bên trong bạn - nhưng cần có nhiều nhận biết hơn.
Cho nên đừng hiểu lầm tôi. Khi tôi nói sannyasin tốt  tôi không dùng từ này theo bất kì nghĩa đạo đức nào. Tôi dùng nó theo nghĩa nhiều nền tảng hơn, bởi vì với tôi đạo đức chỉ là sản phẩm phụ của nhận biết, còn vô đạo đức là cái bóng của vô nhận biết. Tôi không quan tâm tới cái bóng và sản phẩm phụ; tôi quan tâm tới cái nền tảng, với cái bản chất.
Nhận biết và bạn sẽ là tốt, không nhận biết và bạn sẽ là xấu.
Tôi đã nghe một giai thoại nhỏ:
Một lão nông đang ngắm đứa con của mình, Luke, đang châm lửa cho chiếc đèn bão trước khi ra đi vào buổi tối.
“Cái đèn xách này để làm gì vậy?” ông ta hỏi.
Đứa con trả lời một cách không chủ định, “Con đi tìm hiểu, bố ạ. Bố đừng lo, con sẽ trả tiền dầu.”
“Đừng có lừa tao!” người bố nói, “Khi tao đi tìm hiểu, tao chẳng bao giờ đem theo mình cái đèn nào cả, con ạ.”
“Thế mới nên chuyện,” câu trả lời tới. “Bố nhìn điều bố thu được ấy!”
Nếu bạn không đem chiếc đèn của nhận biết theo mình, bạn đang tạo ra địa ngục quanh mình. Thắp ngọn đèn của bạn lên ở bất kì đâu bạn tới; tìm hiểu, không tìm hiểu, điều đó không phải là vấn đề. Dù bạn đi bất kì đâu, dù bạn làm bất kì điều gì, bao giờ cũng làm nó trong ánh sáng bên trong, với nhận biết.
Và đừng lo nghĩ về đạo đức, các khái niệm về cái gì tốt và cái gì xấu. Cái tốt theo sau ánh sáng bên trong của bạn hệt như cái bóng. Chăm nom lấy ánh sáng bên trong.
Đó chính là điều thiền tất cả là gì: trở thành tỉnh táo hơn. Sống vẫn cuộc sống này thôi, chỉ thay đổi tỉnh táo của mình - làm cho nó mãnh liệt hơn. Ăn cùng thức ăn ấy, bước cùng con đường ấy, sống cùng ngôi nhà ấy, ở cùng với người đàn bà và tụi trẻ con ấy, nhưng hoàn toàn khác từ bên trong bạn. Tỉnh táo! Bước trên cùng con đường nhưng với nhận biết. Nếu bạn trở nên nhận biết, bỗng nhiên con đường không còn như cũ nữa, bởi vì bạn không còn như cũ nữa. Nếu bạn nhận biết, cùng thức ăn đó không còn như cũ nữa vì bạn không như cũ, cùng người đàn bà ấy không còn như cũ nữa vì bạn không còn như cũ. Mọi thứ thay đổi với thay đổi bên trong của bạn.
Nếu ai đó thay đổi bên trong mình, bên ngoài cũng thay đổi một cách toàn bộ. Định nghĩa của tôi về thế giới là ở chỗ bạn phải sống trong bóng tối bên trong sâu sắc - do đó mới có thế giới. Nếu bạn thắp sáng ngọn đèn bên trong của mình  bỗng nhiên thế giới biến mất và chỉ có Thượng đế. Thế giới và Thượng đế không phải là hai điều mà là hai cảm nhận về cùng một năng lượng. Nếu bạn không nhận biết thì năng lượng này xuất hiện với bạn như thế giới, sansara; nếu bạn tỉnh táo, cũng năng lượng đó xuất hiện như sự sùng kính. Toàn bộ sự việc phụ thuộc vào nhận biết hay không nhận biết bên trong của bạn. Đó là thay đổi duy nhất, biến đổi duy nhất, cuộc cách mạng duy nhất cần phải thực hiện.
Câu hỏi thứ ba: Tôi cảm thấy buồn nôn với sự hèn nhát.
Phải có ham muốn không hèn nhát: ham muốn đó tạo ra vấn đề. Nếu bạn là đồ hèn, bạn đã là đồ hèn rồi. Chấp nhận nó đi. Bạn có thể làm gì về nó nào? Bất kì điều gì bạn làm cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn, nhiều phức tạp hơn.
Và ai không hèn nhát? Khi cuộc sống thường xuyên trong nguy cơ của cái chết, làm sao có thể không là đồ hèn được? Điều đó là không thể được! Khi bất kì khoảnh khắc nào bạn cũng có thể chết và cuộc sống có thể bị lấy đi khỏi bạn, làm sao có thể bạo dạn trong đối mặt với mối nguy hiểm như thế? Bạn có thể giả vờ, bạn có thể xoay xở để chỉ ra rằng bạn bạo dạn, nhưng sâu bên dưới, bạn vẫn còn là đồ hèn. Điều đó là tự nhiên. Nhìn vào cái nhỏ bé của con người đi: nhỏ nhoi thế, còn sự tồn tại thì mênh mông thế. Chúng ta thậm chí không giống những giọt nước, lại còn tranh đấu với đại dương như thế. Làm sao có thể không là đồ hèn được?
Cố hiểu điều đó đi. Chấp nhận nó, điều đó là tự nhiên. Đừng tạo ra mục đích chống lại nó bởi vì mục đích đó xuất phát từ hèn nhát của bạn. Mục đích đó không giúp ích cho bạn. Nhiều nhất bạn cũng chỉ có thể trở thành rất căng thẳng và giả vờ rằng bạn không phải là đồ hèn. Bạn có thể đi tới cực điểm đối lập chỉ để chứng minh cho thế giới và cho bản thân bạn rằng bạn không là đồ hèn.
Đó là điều các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo của bạn đang làm, chỉ cố gắng chứng tỏ cho thế giới rằng họ không phải là đồ hèn. Và bởi vì nỗ lực của họ mà toàn bộ thế giới này đã phải chịu đau khổ vô cùng.
Xin đừng cố gắng làm bất kì điều ngu ngốc nào như thế nữa. Chấp nhận đi. Đấy là bất lực. Người ta phải chấp nhận nó. Một khi bạn chấp nhận nó và bạn bắt đầu hiểu nó, bạn sẽ thấy rằng dần dần nó biến mất. Không phải là bạn trở nên bạo dạn - nhưng một ngày nào đó bạn đơn giản thấy rằng qua chấp nhận mà nó biến mất.
Không có tranh đấu, nhưng nó biến mất. Không có chống đối; bạn chấp nhận nó và nó biến mất. Không phải là bạn trở nên mạnh bạo, bạn đơn giản trở nên hiểu biết nhiều hơn. Bạo dạn không phải là mục tiêu. Nhưng bạn đã được dạy từ thời còn trẻ nhỏ, “Phải mạnh bạo!” cho nên bạn cứ cố gắng bạo dạn. Điều đó tạo ra nhiều lo âu và căng thẳng. Bạn run rẩy mọi nơi bên trong và bên ngoài bạn giống như tượng đá, bị chia rẽ. Điều này đã tạo ra nhiều khổ trong bạn.
Những mục đích đã được dạy cho bạn từ thời nhỏ đều ngu ngốc, đơn giản không dựa trên thực tại. Nó cũng giống như việc bạn nói với chiếc lá nhỏ trên cây, “ Khi gió mạnh thổi tới, chớ run rẩy, chớ giao động, chớ rung rinh - đó là hèn nhát.” Nhưng chiếc lá nhỏ có thể làm gì được? Khi gió mạnh thổi tới, nó run rẩy, toàn bộ cây cũng run rẩy. Nhưng cây  không ngốc nghếch thế, chúng sẽ không nghe lời bạn, chúng cứ làm mọi việc của chúng.
Bạn đã bao giờ quan sát hai con chó đánh nhau chưa? Chúng không bắt đầu đánh nhau ngay đâu. Trước hết chúng thách đấu nhau - cả hai đều sủa. Đấy chỉ là trò thăm dò, đánh giá, ai mạnh hơn. Chúng không đánh nhau ngay lập tức bởi vì điều đó là ngu ngốc, đần độn; điều đó chỉ có con người mới làm. Trước hết chúng sẽ thử sủa lẫn nhau, nhảy vào lẫn nhau, biểu lộ cái toàn bộ của chúng. Con này sẽ biểu lộ, “Tao là thế này” và con kia sẽ biểu lộ “Tao là thế này.” Thế rồi lập tức chúng đánh giá: việc đánh giá đó không cần ai khác để thuyết phục chúng. Lập tức một con cảm thấy rằng mình yếu hơn, nó vểnh tai lên và bỏ đi: “Điều này là kết thúc rồi. Phỏng có ích gì mà đánh nhau? Mình yếu hơn còn nó mạnh hơn và kẻ mạnh sẽ thắng! Vấn đề là thua.” Không phải là nó hèn nhát; nó đơn giản khôn ngoan. Tôi không gọi điều này là hèn nhát.
Con người sẽ ở lại thậm chí nếu bạn cảm thấy rằng bạn yếu. Bạn càng cảm thấy mình yếu, bạn càng sợ phải ra đi. Người ta sẽ nói bạn hèn nhát, cho nên bạn phải chiến đấu... Và bạn sẽ bị đánh thậm tệ và bị thương không cần thiết. Chẳng ích gì. Đấy là một tính toán đơn giản. Và con chó mạnh hơn cũng không đi và chỉ cho những con chó khác rằng nó thắng. Không, sự việc đơn giản bị bỏ đi. Nó cũng biết rằng nó là mạnh hơn, cho nên phỏng có ích gì? Nó không đi quảng cáo rằng nó thắng. Không, cuộc đánh nhau đã bị bỏ qua, nó quên tất cả về điều đó.
Nhưng trong tình huống con người, toàn bộ vấn đề đã mang một hình dáng rất sai, bởi vì bạn đã được dạy các mục đích sai. Mỗi đứa trẻ nên được dạy cho điều đúng đắn để sống. Nếu có sợ, thế thì sợ. Tại sao phải che giấu nó? Tại sao phải giả vờ rằng bạn không sợ? Nếu bạn muốn khóc, cứ khóc. Tại sao phải sợ nước mắt? Nhưng chúng ta đã được dạy không nên khóc, đặc biệt là đàn ông. Với trẻ nhỏ người mẹ sẽ nói, “Đừng ẻo lả yếu ớt. Đừng bắt đầu khóc, điều đó chỉ dành cho con gái.” Và con trai trở nên cứng rắn. Nhìn xem... đàn ông không thể khóc. Họ đã bỏ lỡ một trong những điều đẹp đẽ nhất trong cuộc sống. Tự nhiên không làm bất kì điều gì khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông cũng đủ tuyến nước mắt như đàn bà, sự việc đã được chứng minh như vậy, không có gì khác biệt. Nước mắt là cần thiết. Chúng lau sạch. Nhưng làm sao khóc? Mọi người sẽ nói gì? Họ sẽ nói, “Anh mà khóc à? Vợ anh đã chết và anh khóc sao? Hãy là người đàn ông. Dũng cảm, đương đầu với điều đó. Đừng khóc.”
Nhưng bạn có hiểu không? - nếu bạn không khóc, dần dần cái cười của bạn sẽ bị biến chất, bởi vì mọi thứ đều được gắn với nhau. Nếu bạn không thể khóc, bạn cũng không thể cười. Nếu bạn không cho phép nước mắt được chảy tự nhiên, bạn cũng không thể nào cho phép cái cười của mình được phát ra tự nhiên. Mọi thứ sẽ trở thành không tự nhiên, mọi thứ sẽ trở thành căng ra. Mọi thứ sẽ trở thành bị bắt buộc và bạn sẽ đi gần như theo cách bệnh hoạn và bạn sẽ không bao giờ thấy thoải mái với bản thân mình. Đó chính là điều đã xảy ra, và bây giờ bạn khổ.
Cuộc sống bao gồm sự tuôn chảy. Nếu bạn là đồ hèn, cứ hèn đi. Là đồ hèn một cách thật thà. Và tôi nói cho bạn không có người nào không là đồ hèn đâu. Cũng tốt là mọi người không theo cách đó; nếu không, thậm chí khi người ta bất lực thế, người ta cũng cảm thấy bản ngã thế. Nếu người ta không phải là đồ hèn  họ cũng gần như tảng đá chết: họ sẽ không sống - chỉ là bản ngã, cứng ngắc.
Bạn đừng bị bận tâm - chấp nhận nó. Nếu nó có đó, thì nó có đó, một sự kiện của cuộc sống. Cố hiểu nó. Đừng lắng nghe người khác; bạn vẫn còn bị người khác thao túng.
Tôi đã đọc một giai thoại:
Bà Jones theo ông chồng nhỏ bé qua đám đông tại vườn thú khua khua chiếc ô và phát ra tiếng la hét đe doạ. Ông Jones hoảng hốt, để ý thấy chiếc khoá của cũi sư tử không được cài chặt, vặn nó ra, lủi vào trong cũi, đóng sầm cửa lại, đẩy mạnh con sư tử ngạc nhiên lại phía cửa và ló ra qua vai nó.
Bà vợ thất vọng của ông ta vung ô về phía ông ấy và điên tiết hét lên, “Ra ngay khỏi chỗ đó, anh là đồ hèn!”
Người đàn ông này, là đồ hèn sao?
Nhưng mỗi ông chồng trong con mắt của bà vợ đều là đồ hèn cả. Trong con mắt người khác bạn là đồ hèn. Đừng tin vào ý kiến của người khác nhiều quá. Nếu bạn cảm thấy mình là hèn, nhắm mắt lại, thiền về nó. Chín mươi chín phần trăm là ý kiến của người khác: vợ vung vẩy chiếc ô, “Ra ngay, anh là đồ hèn!” Chín mươi chín phần trăm là ý kiến của người khác, loại bỏ nó; một phần trăm là thực tại, chấp nhận nó; và đừng tạo ra bất kì mục tiêu đối kháng nào. Chấp nhận nó và thế thì bạn sẽ thấy rằng hèn nhát không còn là hèn nhát nữa. Bị bác bỏ, nó trở thành hèn nhát. Chính từ ‘hèn nhát’ là sự kết án: được chấp nhận, nó trở thành khiêm tốn, bất lực.
Đấy là cách thức nó như vậy. Chúng ta phải khiêm tốn: chúng ta không là cái toàn thể. Chúng ta là bộ phận của cái toàn thể cực kì mênh mông bao la, những phần rất nhỏ bé, những phần nguyên tử, những chiếc lá nhỏ trên cái cây vĩ đại.
Cũng tốt là đôi khi nên run rẩy, chẳng có gì sai trong đó cả. Nó giúp cho bạn rũ sạch bụi. Bạn trở nên tươi tắn.
Toàn bộ quan điểm của tôi là: chấp nhận cuộc sống như nó hiện thế và đừng cố gắng thay đổi nó thành cái gì đó khác. Đừng cố gắng thay đổi cái bạo hành thành không bạo hành; đừng cố gắng thay đổi hèn nhát của bạn thành bạo dạn; đừng cố gắng thay đổi dục của bạn thành vô dục. Đừng tạo ra cái đối lập. Thay vì thế, cố hiểu sự kiện về bạo hành, và dần dần bạn sẽ trở nên không bạo hành. Hiểu sự kiện về hèn nhát và hèn nhát sẽ biến mất. Hiểu sự kiện về dục và bạn sẽ thấy phẩm chất mới nảy sinh trong nó mà sẽ vượt ra ngoài nó. Nhưng bao giờ cũng đi vào sự kiện, đừng chống lại nó.
Câu hỏi thứ tư: Bố tôi hay bị ám ảnh bởi phả hệ. Liệu có điều gì để theo đuổi như vậy không?
Phải có chứ, nếu không thì sao bố bạn bị ám ảnh? Ông ấy có thể chọn nhầm đường, nhưng phải có cái gì trong đó chứ. Cho dù khi người ta đi lầm đường, họ cũng đi lầm bởi lí do nào đó, mặc dầu họ có thể không nhận biết về nó.
Chẳng hạn, để tôi kể cho bạn một giai thoại trước đã:
Bé Willie, tám tuổi, chạy tới bố vào một sáng và nói, “Bố ơi, con từ đâu tới?”
Bố của Willie cảm thấy nôn nao trong dạ dầy, vì ông ấy biết ông ấy đang ở gần vấn đề đó. Ông ấy là bậc cha mẹ hiện đại và hiểu câu hỏi này như xứng đáng với một câu trả lời thẳng thắn và đầy đủ. Ông ấy tìm một chỗ yên tĩnh, và trong nửa giờ tiếp ông ấy cẩn thận truyền bá cho Willie cái vẫn được gọi một cách hoa mĩ là ‘sự kiện của cuộc sống’, xoay xở để cho thật tường tận.
Willie lắng nghe một cách háo hức, và khi câu chuyện đã xong, người bố nói, “Nào, Willie, điều đó đã trả lời cho câu hỏi của con chưa?”
“Chưa,” Willie nói, “chưa đâu bố ạ. Johnny Brown đến từ Cincinnatti, con đến từ đâu vậy?”
Nếu bố bạn quan tâm tới phả hệ  ông ấy đã hiểu sai việc truy tìm của mình. Đây là câu hỏi tự nhiên trong mọi con người: chúng ta từ đâu đến? Từ đâu, từ nguồn nào? Bây giờ nếu bạn đi vào phả hệ, bạn chẳng đến đâu cả. Câu hỏi cơ bản là tôn giáo, nó chẳng liên quan gì tới phả hệ cả. Câu hỏi cơ bản là, ai là người bố tối thượng hay người mẹ tối thượng? Câu hỏi cơ bản là, đâu là chỗ bắt đầu của tất cả? Bây giờ điều này là vô ích. Tôi có một người bố, và bố tôi có một người bố, và tất nhiên điều này cứ tiếp diễn mãi và bạn có thể cứ đi tìm và bạn làm ra một cây lớn cho gia đình bạn, nhưng điều đó là vô ích vì câu hỏi vẫn còn như cũ: ai là người đầu tiên?
Tìm vào trong phả hệ, bạn không thể tới chỗ đầu tiên. Bao giờ câu hỏi này cũng vẫn còn lại, “Từ ai?” Tôi có thể đi lùi lại một trăm thế hệ hay một nghìn thế hệ, nhưng câu hỏi vẫn còn như cũ, nó vẫn không được giải quyết: từ đâu? Từ đâu, từ ngọn nguồn nào, cuộc sống đã nảy sinh?
Bố bạn đã lỡ. Ông ấy đã hiểu sai việc truy tìm về tôn giáo. Ông ấy đã nghĩ rằng đấy là vấn đề về phả hệ. Nó không phải vậy.
Vấn đề này, “Tôi từ đâu tới?” phải được hỏi bởi vì chừng nào tôi chưa biết điều đó, không thể nào biết được tôi là ai.
Có hai cách để biết điều đó. Hoặc là bạn hỏi, “Tôi từ đâu tới?” Đó là cách thức của người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo và người Do thái giáo. Nếu bạn biết bạn từ đâu tới, ngọn nguồn tối thượng là gì, Thượng đế là gì, thế thì bạn sẽ biết bạn là ai. Hay các tôn giáo Ấn Độ còn có một cách thức khác để giải quyết điều đó, một cách thức còn tốt hơn và khoa học hơn. Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo, họ nói khó mà biết được bạn từ đâu tới. Có nhiều khả năng hơn là bạn sẽ lạc mất trong suy nghĩ và các các học thuyết triết lí. Vấn đề tốt hơn là: Tôi là ai? Nếu bạn biết điều này, bạn sẽ biết bạn từ đâu tới. Cho nên họ nói, “Quên hết tất cả về Thượng đế đi.” Họ không băn khoăn về việc ai đã tạo ra thế giới này, họ băn khoăn về “Tôi là ai?” Theo một cách nào đó, điều đó là khoa học hơn, bởi vì nếu tôi có thể hiểu được phẩm chất của bản thể tôi, điều đó lập tức sẽ cho tôi chìa khoá để hiểu cái toàn thể và cái đang đó. Nếu tôi có thể hiểu bản thân mình... Bởi vì ngọn nguồn vẫn phải tồn tại theo cách nào đó bên trong tôi. Cây vẫn tồn tại trong hạt mầm. Nếu bạn có thể hiểu được hạt mầm, bạn sẽ có khả năng biết được cây; trong quả, toàn bộ cây tồn tại.
Nếu chúng ta có thể hiểu được bản thân mình... Tất nhiên đây là cách tiếp cận gần gũi nhất có thể được, bởi vì tôi gần tôi hơn bất kì cái gì khác: chỉ nhắm mắt và bạn đạt tới bản thân mình. Vấn đề duy nhất là làm sao vứt bỏ các ý nghĩ - thế thì bỗng nhiên bạn bắt đầu chìm vào trong bản thể mình. Từ đó là cánh cửa mở ra cái toàn thể, tới cội nguồn.
Khi bạn về nhà, bảo với bố bạn rằng phả hệ chẳng ích gì. Ông ấy phải có việc truy tìm tôn giáo nào đó bên trong mình mà ông ấy đã hiểu lầm. Một khi ông ấy đã nhận biết về điều đó, việc truy tìm của ông ấy sẽ theo đường phải.
Điều này đang xảy ra ở phương Tây bởi vì tôn giáo không còn là việc truy tìm được chấp nhận nữa; nó là việc truy tìm bị bác bỏ. Cho nên mọi người cứ tìm kiếm việc truy tìm tôn giáo theo những cách thức gián tiếp. Bạn không thể chấp nhận trực tiếp rằng bạn đang tìm kiếm Thượng đế; mọi người sẽ nghĩ bạn điên! “Điều đó là ngu ngốc. Anh đang nói về cái gì vậy? Thế thì anh không phải là con người hiện đại rồi. Thượng đế chết rồi, anh không biết sao? Anh đang làm gì vậy?” Nhưng ham muốn nảy sinh để biết về cội nguồn, và bạn không thể chấp nhận nó theo cách tôn giáo bởi vì cách thức tôn giáo không còn được tâm trí hiện đại chấp nhận. Cho nên bạn phải tìm kiếm nó theo cách gián tiếp - thế thì bạn bắt đầu hỏi về phả hệ.
Tôn giáo là cuộc truy tìm hợp lệ; dù xã hội có chấp nhận nó hay bác bỏ nó, điều đó không thành vấn đề. Con người là con vật có tôn giáo và vẫn cứ còn theo cách đó. Tôn giáo là cái gì đó tự nhiên. Việc hỏi bạn tới từ đâu là có liên quan; việc hỏi, “Tôi là ai?” bao giờ cũng vẫn còn có liên quan. Nhưng tâm trí hiện đại đã tạo ra bầu không khí vô thần, cho nên bạn không thể hỏi những câu hỏi như vậy. Nếu bạn hỏi, mọi người sẽ cười. Nếu bạn nói về những điều như thế, mọi người sẽ cảm thấy chán. Nếu bạn bắt đầu việc truy tìm theo những cách này, mọi người sẽ nghĩ bạn đang trượt ra khỏi sự lành mạnh của mình. Tôn giáo không còn là việc truy tìm được chào đón.
Nói bố bạn đi. Và tất nhiên, phả hệ sẽ vẫn còn là một ám ảnh bởi vì đây không phải là việc truy tìm phải; nhưng một khi tâm thức của ông ấy dịch chuyển sang chiều hướng tôn giáo, ông ấy sẽ được thoát khỏi sự ám ảnh - và thế thì một cái gì đó là có thể. Một cái gì đó cực kì quan trọng là có thể. Ông ấy muốn biết ai là người bố thực, ai đã là bố cho sự tồn tại, hay, ai vẫn là mẹ cho sự tồn tại.
Câu hỏi cuối cùng... nghe rất chăm chú vào, nó rất quan trọng. Osho, Thầy xoay xở thế nào - để bao giờ cũng có những giai thoại đúng vào đúng thời điểm?
Để tôi trả lời bạn bằng một giai thoại:
Một hoàng đế, đi qua một thành phố nhỏ, thấy điều ông ấy coi là những chỉ dẫn về tài thiện nghệ đáng kinh ngạc. Trên cây cối, chuồng ngựa và hàng rào đều có một số vết đạn, mỗi lỗ đạn đều ở đúng tâm điểm. Ông ấy không thể nào tin vào mắt mình được. Đấy phải là một tài năng thiện xạ trứ danh, gần như là phép màu thành tựu. Bản thân ông ấy cũng là một nhà thiện xạ, và trong đời mình ông ấy đã biết tới nhiều nhà thiện xạ, nhưng chưa hề biết điều gì như thế này cả. Ông ấy đã xin gặp chuyên gia bắn súng đó. Lại hoá ra là một người điên.
“Điều này thật lạ thường! Làm sao anh làm được điều này trong thế giới này?” ông ta hỏi người điên. “Bản thân ta là một tay súng giỏi, nhưng chẳng có gì so sánh được với tài nghệ của anh. Xin nói cho ta biết.”
“Dễ như làm bánh hấp!” người điên nói và cười sằng sặc. “Tôi bắn trước rồi vẽ vòng tròn sau!”
Đào xới sao? Tôi đã chọn giai thoại trước rồi mới vẽ vòng tròn! Tôi làm hệt người điên này.
Có những người khác dùng giai thoại để minh hoạ cho vấn đề lí thuyết nào đó. Tôi  làm ngược lại: tôi dùng vấn đề lí thuyết để minh hoạ cho giai thoại.

Ads Belove Post