Chương 10. Người thông minh là nguy hiểm

Chương 10. Người thông minh là nguy hiểm

Price:

Read more

Dhammapada - Con đường của Phật (Tập 9)
Chương 10. Người thông minh là nguy hiểm
Câu hỏi thứ nhất:
Thưa thầy kính yêu,
Điều đó giống như lái xe đi tới và đi lui đồng thời. Tôi không đi bất kì đâu. Có phải mồi lửa bật lên hay tôi chỉ là người lái xe tồi?
Ray Horton, chính ý tưởng về đi đâu đó về căn bản là sai. Chẳng cái gì đi bất kì đâu cả. Sự tồn tại là bây giờ-ở đây; nó không đi tới định mệnh đặc biệt. Không có định mệnh, không có mục đích tối thượng. Nhưng chúng ta đã được dạy trong nhiều thế kỉ rằng sự tồn tại đang đi tới mục đích nào đó và chúng ta cũng đã được dạy sống một cách tham vọng, để chứng tỏ rằng bạn là cái gì đó, ai đó: "Đạt tới đâu đó." Nhưng sự tồn tại tuyệt đối vô mục đích.
Tôi không nói rằng điều đó là không có ý nghĩa. Một cách chính xác bởi vì nó là vô mục đích nên nó có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa của nó không phải là ý nghĩa của bãi chợ. Đó là một loại ý nghĩa hoàn toàn khác: ý nghĩa của bông hồng, ý nghĩa của con chim tung cánh, ý nghĩa của thơ ca, âm nhạc. Nó là mục đích tự thân nó.
Chúng ta không trở thành cái gì đó - chúng ta đã là nó rồi. Đây là toàn thể thông điệp của tất cả những người đã thức tỉnh: rằng bạn không phải đạt tới cái gì đó, nó đã được trao cho bạn rồi. Nó là món quà của Thượng đế. Bạn đã ở nơi bạn đáng phải ở, bạn không thể ở bất kì chỗ nào khác được. Không có đâu mà đi, chẳng cái gì để đạt tới. Bởi vì không có chỗ nào để đi và không cái gì để đạt tới, bạn có thể mở hội. Thế thì không vội vàng, không lo nghĩ, không lo lắng, không buồn tủi, không sợ bị thất bại. Bạn không thể thất bại được. Trong chính bản chất của mọi sự thì không thể thất bại được, bởi vì không có vấn đề thành công chút nào.
Chính là ước định của xã hội mới tạo ra vấn đề trong bạn. Và thế rồi bạn bắt đầu nghĩ, "Mình chẳng đạt tới đâu cả, và cuộc sống đang tuột khỏi tay mình và cái chết đang tới gần hơn. Mình sẽ làm nó hay không đây?" Và thế rồi có nỗi sợ lớn về việc bỏ lỡ, thất vọng rằng nhiều thứ thế bị mất. Và ai biết được? - ngày mai có thể chẳng bao giờ tới cả. "Mình vẫn chưa có khả năng chứng minh bản thân mình, giá trị của mình. Mình vẫn chưa trở nên nổi tiếng. Mình vẫn chưa tích luỹ được nhiều của cải. Mình không là tổng thống của đất mước hay thủ tướng."
Hay bạn có thể bắt đầu nghĩ dưới dạng thế giới khác, nhưng quá trình này vẫn là một. Bạn có thể nói, "Mình vẫn chưa trở nên chứng ngộ. Mình vẫn chưa trở thành một Phật hay một Jesus. Thiền còn xa lắc xa lơ. Mình chẳng biết mình là ai." Và bạn có thể cứ tạo ra cả nghìn lẻ một vấn đề cho bản thân mình.
Tất cả những vấn đề này được tạo ra bởi vì xã hội muốn bạn tham vọng, và tham vọng chỉ có thể được tạo ra nếu có mục đích trong tương lai. Có tham vọng, tương lai được cần tới. Và không tham vọng, bản ngã không thể được tạo ra. Và bản ngã là chiến lược căn bản của xã hội để cai trị bạn, để khai thác bạn, để áp bức bạn, để giữ cho bạn khổ. Bản ngã tồn tại trong căng thẳng giữa hiện tại và tương lai: căng thẳng càng lớn, bản ngã càng to. Khi không có căng thẳng giữa hiện tại và tương lai của bạn, bản ngã biến mất bởi vì không có điểm nào mà nó có thể có chỗ trú ngụ, chỗ nó có thể tồn tại.
Do đó xã hội dạy bạn, "Trở thành cái này, trở thành cái nọ." Nó dạy bạn việc trở thành. Toàn thể hệ thống giáo dục của nó đều dựa trên ý tưởng về trở thành.
Còn điều tôi đang nói với các bạn ở đây chính là điều đối lập của nó. Tôi đang nói về việc hiện hữu, không về việc trở thành. Trở thành là phát minh của các chính khách và tu sĩ xảo quyệt - và đây là những người đã đầu độc toàn thể nhân loại. Họ cứ cho bạn mục đích. Nếu bạn trở nên mệt mỏi về những thứ trần tục - tiền, quyền, danh - họ có đó để nói với bạn về thiên đường, Thượng đế, samadhi, chân lí. Lần nữa toàn thể quá trình lại bắt đầu.
Và dễ dàng bị thất vọng với những thứ trần tục. Sớm hay muộn bạn có thể thấy toàn thế cái ngu xuẩn của việc có nhiều tiền hay nhiều quyền. Sớm  hay muộn bạn sẽ thấy cái vô tích sự của chính ý tưởng về "thêm nữa," bởi vì cái thêm nữa chẳng đem lại cái gì khác ngoài nhiều khổ hơn. Nó lấy đi mọi phúc lạc khỏi bạn, mọi an bình khỏi bạn. Nó có tính phá huỷ. Nó chỉ cho bạn sợ hãi, run rẩy, lo âu, thần kinh. Nó làm cho bạn thành điên khùng; điều đó có thể được thấy rất dễ dàng. Nó đã làm cho cả thế gian này thành nhà thương điên.
Nhưng để thấy rằng các mục đích thế giới khác - niết bàn và moksha và Thượng đế và thiên đường - cũng hệt như vậy là rất khó. Bạn sẽ cần cực kì thông minh để thấy rằng những mục đích đó cũng có cùng phẩm chất. Không có thay đổi về chất bởi vì bạn vẫn nghĩ dưới dạng trở thành, bạn vẫn nghĩ dưới dạng tương lai.
Tương lai không tồn tại, nó là vô tồn tại. Nó vô tồn tại cũng như quá khứ. Quá khứ không còn nữa, tương lại thì chưa có; chỉ hiện tại là có. Và trong hiện tại không có khả năng nào cho ham muốn, không có khả năng nào của tham vọng, không đủ không gian cho bản ngã tồn tại. Bất kì khi nào bạn ở bây giờ và ở đây đều không có bản ngã nào được tìm thấy. Bạn là im lặng thuần khiết. Ngay bây giờ... nhìn điều tôi đang nói đấy. Tôi không đề xuất lí thuyết hay triết lí nào; tôi đơn giản phát biểu sự kiện.
Ray Horton, để một giây mà nhìn... chính khoảnh khắc này! Bản ngã đâu? Và những chiều cao và chiều sâo làm sao của an bình trở thành sẵn có cho bạn. Chúng bao giờ cũng ở bên trong bạn, nhưng bạn chưa bao giờ nhìn vào chúng - bạn cứ chạy hoài. Và bởi vì bạn không đạt tới đâu cả bạn rất lo nghĩ.
Bạn nói, "Điều đó giống như lái xe đi tới và đi lui đồng thời. Tôi không đi bất kì đâu."
Không cần đâu. Chính khoảnh khắc này, dù bạn ở bất kì đâu, đó là ân huệ, đó là thiêng liêng. Bạn còn muốn đi đâu khác nữa? Sao sống trong quá khứ? Chính quá khứ cho bạn mục đích. Chính quá khứ mà bạn đang mang trong đầu cứ phóng chiếu các mục đích vào tương lai. Tương lai chỉ là cái phản xạ của quá khứ.
Từ chính thời thơ ấu của mình bạn đã được bảo, bạn đã bị thôi miên, bởi xã hội, bởi tu sĩ, bởi chính khách, bởi cha mẹ, bởi các nhà sư phạm. Bạn đã bị thôi miên liên tục rằng bạn phải có mục đích trong cuộc sống của mình, rằng bạn phải có chủ định nào đó, rằng bạn phải là người thành đạt vĩ đại, rằng bạn phải nổi tiếng - người đoạt giải thưởng Nobel hay cái gì đó - rằng bạn không chết đi chỉ là người thường. Chết đi chỉ là người thường là xấu; bạn phải chết như một tổng thống hay thủ tướng - cứ dường như cái chết của họ có cái gì đó đặc biệt lắm!
Bởi vì việc nện búa thường xuyên vào đầu bạn mà bạn đã trở nên quen thuộc nhiều với ý tưởng này tới mức nó làm bạn phát điên. Bằng không, cuộc sống đẹp thế như nó vậy; không chủ định, không mục đích nào được cần tới. Tương lai có thể bị vứt bỏ hoàn toàn. Bạn sống trong tương lai chỉ để trốn khỏi hiện tại, và bạn trở nên bị ám ảnh về tâm lí với tương lai tới mức bạn cứ bỏ lỡ cái đáng dành cho nó vì cái không đáng dành cho nó.
Trong số những điều đầu tiên mà bé trai Do Thái học là huấn thị kinh thánh: "Tôn vinh cha và mẹ ngươi - không khác!"
Herschel, mới sáu tuổi, đã được nhắc nhở về lời khuyên bảo này vào cái ngày bố cậu ta về nhà và công bố rằng anh ta đã quyết định mua một chiếc xe, chiếc xe đầu tiên mà gia đình anh ta sở hữu.
Người bố đang phấn chấn. "Tưởng tượng xem, chúng ta ở nước này mới vài năm và chẳng mấy chốc chúng ta sẽ sở hữu một chiếc xe mới," anh ta nói một cách tự hào. "Bố có thể thấy chúng ta đang đi xe quanh Công viên trung tâm. Bố ngồi trước lái xe, và ngồi cạnh bố là mẹ, và ngồi sau là bé Herschel."
Mẹ gật đầu, mỉm cười chấp thuận. "Vậy khi nào bố lập kế hoạch mua xe?" cô ấy hỏi.
"Trong hai tuần, có thể một tháng - không muộn hơn."
Khoảnh khắc hài lòng bỗng nhiên bị tan vỡ bởi tiếng khóc tức tưởi của Herschel, "Con không muốn ngồi sau đâu! Con muốn ngồi trước và giúp lái xe!"
"Chúng ta chỉ cần một người lái trong gia đình thôi," bố nhắc nhở đứa con của mình. "Mẹ ngồi trước, con ngồi sau."
"Nếu con phải ngồi sau con sẽ đập đầu con vào tường đấy, bố coi nè!" Herschel khóc thét. Nó chạy về phía tường và định giả vờ đe doạ, sẵn sàng làm theo lời nó. "Mẹ ngồi sau, con ngồi trước!"
"Không, Herschel, con ngồi sau," bố nói một cách cứng rắn.
"Ngồi trước cơ, không ngồi sau đâu!" Giọng của Herschel thất thanh réo lên một cách bất thần. "Con không ngồi sau đâu!"
Người bố, với điệu bộ dữ tợn, giơ tay ra và trỏ thẳng ngón trỏ. "Herschel," ông ta nói một cách lạnh lùng, "cút ngay khỏi xe của tao!"
Mọi người cứ sống trong tương lai!
Và cùng điều đó là hoàn cảnh với thiên đường của bạn, cũng giống như chiếc xe này thôi. Cùng điều đó là hoàn cảnh với niết bàn của bạn, chứng ngộ của bạn - cũng hệt như với chiếc xe thôi.
Chính chỉ tâm trí tầm thường mới trở nên bị ám ảnh về tâm lí với tương lai. Nhưng xã hội phá huỷ thông minh của mọi người và làm cho mọi  người thành tầm thường. Xã hội không muốn bạn thực sự thông minh; nó sợ thông minh. Người thông minh là người nguy hiểm. Họ là người cấp tiến, họ là người cách mạng; họ bao giờ cũng phá hoại nguyên trạng. Xã hội muốn bạn vẫn còn tầm thường, ngu xuẩn. Chắc chắn nó muốn bạn hiệu quả, máy móc. Nó muốn bạn tích luỹ thật nhiều thông tin nhất có thể được, nhưng nó không muốn bạn thực sự thông minh bởi vì nếu bạn thông minh bạn sẽ không quan tâm tới tương lai. Bạn sẽ sống trong hiện tại và vì hiện tại, bởi vì không có cuộc sống khác.
Nghe chim chóc cất tiếng chíp chíp, líu lo... cây cối nở hoa... các vì sao, mặt trời, mặt trăng. Toàn thể sự tồn tại sống trong hiện tại ngoại trừ bạn, ngoại trừ tâm trí con người. Và duy nhất tâm trí con người mới khổ.
Ra khỏi tương lai đi! Nó là giấc mơ của bạn. Bạn không được giả định đi đâu cả. Hạnh phúc ở bất kì chỗ nào bạn đang ở. Mãn nguyện với sự hiện hữu của bạn và vứt bỏ ý tưởng về trở thành đi. Thế thì từng khoảng khắc đều quí giá thế, thế thì từng khoảnh khắc đều có cái đẹp thế, vĩ đại thế, huy hoàng thế. Thế thì từng khoảnh khắc đều tinh tế. Thế thì bạn có thể cảm thấy Thượng để ở mọi nơi mọi khoảnh khắc.
Thượng đế không phải là mục đích; Thượng đế là sự hiện diện ngay bây giờ. Nếu bạn hiện diện, Thượng đế có sẵn. Nếu bạn sống trong khoảnh khắc này, bạn được chứng ngộ; không có chứng ngộ khác. Và thế thì cuộc sống bình thường là phi thường thế. Thế thì chỉ là không ai cả lại là việc hoàn thành thế.
Tôi gọi toàn thể cách tiếp cận này là tính chất sannyas: vứt bỏ mục đích, chủ định, tương lai - trở thành một phần của sự tồn tại chính khoảnh khắc này, không trì hoãn nó. Thế thì trong chính khoảnh khắc này, sự bùng nổ lớn là có thể trong bạn: bản ngã biến mất, bạn không còn nữa, nhưng Thượng đế hiện hữu. Và đó là phúc lạc và đó là chân lí.
Câu hỏi thứ hai:
Thưa thầy kính yêu,
Sao có nhiều người Do Thái ở đây thế?
Alexandra, Do Thái là dân tộc thông minh, thông minh nhất trên thế giới. Đó là lí do tại sao họ bị ghét nhiều thế. Họ đã phạm phải chỉ một sai lầm trong toàn thể lịch sử của mình: họ đã đóng đinh Jesus và bỏ lỡ việc kinh doanh lớn nhất đã sẵn có cho họ! Đó là hiện tượng hiếm hoi tới mức nó lọt vào tay của người Italia - toàn thể việc kinh doanh này! Điều đó không thể quan niệm nổi - người Do Thái đã đánh mất nó vào tay người Italia! Nếu người Italia bán món mì ống, điều đó là được, nhưng họ đang bán Jesus! Bằng không, người Do Thái chưa bao giờ phạm phải sai lầm nào.
Nhưng một sai lầm đó đã làm họ tốn kém quá nhiều: họ trở nên bị nhổ bật rễ. Nhưng thỉnh thoảng ân huệ lại tới dưới dạng tai ương. Khi họ bị bật rễ, khi họ mất mảnh đất của mình, họ tự nhiên trở nên thông minh hơn bất kì ai khác bởi vì họ phải tồn tại trong những điều kiện bất lợi. Không giống nòi nào khác đã từng tồn tại trong những điều kiện bất lợi như vậy như người Do Thái. Và khi bạn sống trong những điều kiện bất lợi thách thức đến thế, bạn có thể sống sót chỉ nếu bạn đem thông minh của mình tới đỉnh cao nhất của nó. Nếu bạn hành xử ngu xuẩn bạn sẽ bị tiêu diệt. Họ bao giờ cũng sống giữa những người xa lạ đối kháng họ; họ trở nên ngày một thông minh hơn.
Nhiều giải thưởng Nobel về tay người Do Thái hơn bất kì ai khác. Và bất kì chỗ nào họ ở họ đều thành công, bất kì cái gì họ làm họ đều đem ảo thuật nào đó vào nó. Cho nên bất kì khi nào họ cảm thấy rung cảm nào đó, hiện tượng nào đó xảy ra ở bất kì đâu, họ là người đầu tiên tới, họ là người đầu tiên thu hoạch mùa màng.
Vâng, câu hỏi này nảy sinh cho nhiều người. Gần năm mươi phần trăm các sannyasin của tôi là người Do Thái - nhiều người Do Thái tới mức đôi khi tôi trở nên nghi ngờ có lẽ tôi cũng là người Do Thái chưa biết chừng!
Alexandra, bạn đúng đấy, tò mò của bạn là đúng. Nhưng họ có thể hiểu điều tôi đang nói. Thực ra, họ phải vứt bỏ mặc cảm nào đó mà họ đã mang trong hai nghìn năm. Nếu họ có thể cảm thấy hài hoà với tôi, mặc cảm của họ về việc giết Jesus sẽ biến mất. Sâu bên dưới mặc cảm này có đó; họ cần ai đó có thể lấy đi mặc cảm đó. Điều đó giống như gai trong chính linh hồn họ - nó gây đau. Họ có thể không nói điều đó, nhưng nó gây đau. Họ đã phá huỷ việc nở hoa vĩ đại nhất của họ.
Jesus là tiềm năng cao nhất của họ được hiện thực hoá; ông ấy là đỉnh cao nhất của thông minh Do Thái - và họ đã phá huỷ điều đó. Họ đang mang vết thương này; họ là người bị thương. Họ muốn ai đó có thể chữa lành vết thương này.
Nhưng vấn đề là: nếu bạn đi tới các tu sĩ họ sẽ làm bạn bị thương nhiều hơn. Đi bất kì đâu, bạn sẽ bị thương nhiều hơn, bởi vì cái gọi là tôn giáo của bạn tất cả đều tồn tại trên mặc cảm của bạn. Mặc cảm càng lớn, quyền lực của họ càng mạnh trên bạn. Họ làm cho bạn cảm thấy mặc cảm, họ làm cho bạn cảm thấy là tội nhân.
Tôi là loại người hoàn toàn khác: tôi giúp bạn gạt bỏ mặc cảm của bạn. Tôi muốn bảo bạn rằng bạn không phải là tội nhân, và phạm sai lầm là tính người - sai lầm là con người. Không cần làm nhặng sị lên về điều đó. Và lỗi của bạn là nhỏ; chỉ chút ít nhận biết và chúng sẽ biến mất. Bạn không cần bị ném vào địa ngục.
Và nhìn cái ngu xuẩn của ý tưởng này.... người Ki tô giáo nói rằng một khi bạn vào địa ngục rồi bạn ở đó vĩnh viễn. Không ai ra khỏi địa ngục. Nó không có lối ra, chỉ có lối vào. Và thế rồi ở đó vĩnh viễn! - chính ý tưởng này là ngớ ngẩn. Ngay cả kẻ tội phạm lớn nhất cũng không cần bị trừng phạt vĩnh viễn.
Bertrand Russell đã nói, "Khi tôi nhìn vào tội của mình, nếu tôi thú nhận mọi tội mà tôi đã từng phạm phải, chúng không nhiều, chúng không rất lớn. Tôi đã không giết người. Thế thì quan toà độc ác nhất có thể cho tôi vào tù nhiều nhất trong bốn năm. Và nếu ý nghĩa của tôi cũng được tính vào đó, không chỉ hành động của tôi, thế thì tám năm tù, có vậy thôi." Ông ấy đã viết cuốn sách hay, Tại sao tôi không phải là người Ki tô giáo. Và trong số nhiều điều ông ấy đã nêu, đây là một trong những lí do: "Tôi không thể đồng ý với ý tưởng về địa ngục vĩnh viễn. Không ai đã phạm phải tội lỗi mà người đó phải bị tống vào địa ngục vĩnh viễn  mãi mãi, không thoát ra được. Và không ai đã làm nhiều điều tốt tới mức người đó nên được tận hưởng thiên đường mãi mãi."
Nhưng các tôn giáo đã tồn tại, và họ có quyền hành, bởi lí do đơn giản là họ tạo ra sợ trong bạn - sợ địa ngục - và họ tạo ra tham trong bạn - tham cõi trời. Họ làm bạn bị thương sâu sắc. Bạn càng chảy máu nhiều, vết thương của bạn càng chảy máu nhiều, họ càng mạnh trên bạn.
Nỗ lực của tôi ở đây là cứu bạn khỏi mọi vết thương, cứu bạn khỏi sợ địa ngục và tham cõi trời. Không có địa ngục và không có cõi trời đâu. Những chỗ này không phải là nơi chốn ở đâu đó, đấy chỉ là trạng thái tâm trí riêng của bạn. Bất kì khi nào bạn đang giận, trong cơn cuồng nộ, bạn ở trong địa ngục; và bất kì khi nào bạn trong yêu, trong từ bi, bạn ở trong cõi trời. Cho nên bạn có thể di chuyển từ cõi trời sang địa ngục nhiều lần trong ngày.
Không phải là vấn đề được quyết định sau cái chết; nó được quyết định từng khoảnh khắc. Và nó tuyệt đối nằm bên trong khả năng quyết định của bạn.
Một nhà huyền môn Sufi sắp chết. Các đệ tử của ông ấy đã tụ tập lại và họ nói, "Một điều chúng tôi muốn biết. Thầy sắp ra đi mãi mãi và thế thì chúng tôi sẽ không bao giờ biết bí mật là gì. Chúng tôi chưa bao giờ thấy thầy buồn bã, bất  hạnh, khổ sở. Điều  đó dường như siêu nhân thế. Chúng tôi đã quan sát thầy trong ba mươi năm, bốn mươi năm; có vài người đã sống cùng thầy trong năm mươi năm, sáu mươi năm" - người này đã gần một trăm tuổi - "và mọi người đều nhớ rằng thầy chẳng bao giờ buồn, thậm chí chẳng có nỗi buồn nhỏ nào. Bí mật của thầy là gì?"
Ông ấy nói, "Chẳng có bí mật gì cả. Mọi sáng khi ta dậy, trước khi ta mở mắt ra ta tự nhủ mình, 'Nghe đây, ông già, ngày mới rồi đó. Ông muốn gì nào? - buồn hay sướng?' Và ta bao giờ cũng nói, 'Sướng.' Cho nên ta vẫn còn sướng! Ta quyết định vào buổi sáng và ta vẫn còn sướng. Ta phải tuân theo quyết định của ta. Điều này ta làm mọi ngày. Nó là một quyết định."
Bạn chọn khổ; đó không phải là trừng phạt, đó là chọn lựa của bạn. Và bạn chọn vui; đó không phải là phần thưởng, đó là chọn lựa của bạn.
Người Do Thái đã khổ rất nhiều; họ bị tổn thương. Tất nhiên, hai nghìn năm đau khổ đã làm cho họ rất chín chắn, thông minh, tỉnh táo. Do đó họ có thể nhận ra tôi tốt hơn bất kì ai khác. Đó là lí do tại sao, Alexandra, họ ở đây.
Tháng bẩy năm 1974, tổng thống Nixon ở Liên Xô, hi vọng đạt tới hiệp ước bất xâm lăng giữa Liên Xô và Mĩ, nhưng ông ta đã gặp một thời kì khó khăn về điều đó.
"Trước khi chúng ta kí," thủ tướng Brezhnev nói, "người Mĩ các ông sẽ phải công bố cho thế giới rằng Adam và Eve là người cộng sản."
Nixon, không chắc chắn về cách giải quyết điều khó xử này, quyết định tư vấn người có thẩm quyền về Cội nguồn - trong trường hợp này là Henry J. Kissinger - ông ta đảm bảo cho ông này rằng ông ta đã đọc vài trang Kinh Thánh từ thời thanh niên của mình.
Kissinger nghỉ việc nghiên cứu, miệt mài đọc kinh Cựu ước và văn bản. Ngày hôm sau ông ta bảo Nixon cứ tiến tới và kí bản hiệp định với Liên Xô. "Người Nga đúng đấy," ông ta nói, "Adam và Eve quả thực là người cộng sản. Sau rốt, họ đã không có mảnh vải nào trên người, họ chẳng có gì để ăn ngoài táo, và họ vẫn nghĩ họ ở trong thiên đường!"
Ba anh chàng, một Cơ đốc giáo, một thầy tế và một người Do Thái, đang thảo luận về cách từng người trong số họ sử dụng ngày Nô en. Anh chàng Cơ đốc giáo đã đi tới đám đông, rồi quay về, hôn mọi người trong gia đình mình và tặng quà cho họ, và sau đó ăn tối Nô en. Cậu thầy tế đã không đi nhà thờ, nhưng đã hôn mọi người trong gia đình, cho quà tặng, và rồi ăn bữa tối Nô en.
Chàng Do Thái nói, "Thôi được, bố và tôi đi xuống xưởng đồ chơi của chúng tôi, nhìn vào mọi giá rỗng, ca hai câu thơ 'Chúng ta có người bạn tuyệt vời trong Jesus!' và thế rồi đáp chuyến bay tới Osho Commune International, Pune, Ấn Độ."
Câu hỏi thứ ba:
Thưa thầy kính yêu,
Nếu thầy mà ở đây ngay bây giờ, tôi nghĩ tôi sẽ đánh cho thầy một cái. Nếu thầy không nhận ra tôi sớm và bắt đầu nói có với tôi thay vì nói không, tôi sẽ phải giết thầy.
Somendra... cám ơn bạn, Somendra! Tôi cũng sẽ cần một Judas; bằng không câu chuyện này sẽ vẫn còn không đầy đủ. Tôi có thể là một Jesus chỉ với một Judas. Vâng, ai đó phải làm công việc của Judas - đó là việc khó.
Có trường phái huyền bí bí mật mang theo truyền thống rằng Judas là một trong những đệ tử vâng lời nhất của Jesus. Ông ấy đã phản bội Jesus bởi vì Jesus muốn bị phản bội.
Đó đích xác là điều George Gurdjieff hay nói: rằng Judas không phải là kẻ phản bội, ông ấy đơn gian tuân theo Jesus. Và việc vâng lời của ông ấy là toàn bộ tới mức khi Jesus nói, "Đi và phản bội ta đi, và bán ta lấy ba mươi đồng bạc," ông ấy đã đi và làm điều đó. Tất nhiên, ông ấy cảm thấy rất tiếc vì làm điều đó, khổ sở, trong đau khổ sâu sắc, nhưng ông ấy phải tuân theo thầy. Cho nên ông ấy đã phản bội Jesus, Jesus bị đóng đinh, và hôm sau Judas tự tử. Judas chết ngày hôm sau. Ông ấy phải đã cảm thấy rất tồi tệ, mặc dầu ông ấy phải tuân theo thầy. Ông ấy là người thông minh nhất trong mọi đệ tử của Jesus.
Cho nên, Somendra này, ai đó phải làm công việc vất vả của Judas. Một ngày nào đó, tôi có thể chọn bạn - đừng lo nghĩ và đừng vội vàng! Một ngày nào đó tôi có thể ra lệnh cho bạn, "Bây giờ, Somendra, bạn có thể giết tôi."Nhưng trước lúc đó, để tôi giết bạn đã!
Và đó là lí do tại sao tôi cứ nói không với bạn. Đó là phương cách của tôi để giết bạn. Bạn muốn được thừa nhận, nhưng sẽ là quá sớm nếu tôi thừa nhận bạn. Nó sẽ không là gì ngoài thừa nhận bản ngã của bạn.
Tôi sẽ thừa nhận bạn chỉ khi tôi thấy bản ngã của bạn đã biến mất; trong khi bản ngã có đó tôi sẽ cứ phá huỷ nó. Không của tôi không là gì ngoài cú đánh vào bản ngã.
Có cũng sẽ được nói khi bạn đã trở nên có khả năng chấp nhận không của tôi một cách vui vẻ. Khi bạn đã trở nên xứng đáng với việc nhận có, nó sẽ tới theo cách riêng của nó; bạn không cần nhắc tôi. Việc nhắc của bạn sẽ chỉ làm chậm trễ nó. Việc bạn nhắc tôi làm cho tôi nói nhiều không hơn với bạn. Bạn không thể ép buộc có lên tôi được, bạn không thể buộc tôi nói có với bạn được. Nếu bạn có thể ép buộc có lên tôi, toàn thể chức năng là thầy của tôi sẽ bị phá huỷ. Bạn không thể ép buộc cái gì lên tôi được.
Đi qua những cái không này đi: đây là đêm tối của linh hồn. Và khi đêm là tối nhất, bình minh là rất gần.
Câu hỏi thứ tư:
Thưa thầy kính yêu,
Có phải kinh sách không thực sự hữu dụng gì dù bất kì cái gì không?
Thomas, kinh sách là hay, nhưng chỉ hay cho những người có thể hiểu chúng - không phải hay cho bạn. Bạn không thể hiểu được chúng, bạn chỉ có thể hiểu lầm chúng. Tôi không chống lại kinh sách – làm sao tôi có thể chống lại được? Tôi đang nói về một trong những kinh sách đó, Dhammapada, những châm ngôn của Phật. Tôi đã nói về những châm ngôn của Jesus, tôi đã nói về Mahavira, về Krishna. Tôi đã nói về Upanishads, tôi đã nói về Đạo Đức Kinh. Tôi đã nói về gần hết những bản kinh hay của thế giới. Làm sao tôi có thể chống lại chúng và làm sao tôi có thể nghĩ chúng là vô dụng được? - mặc dầu tôi vẫn nhấn mạnh rằng bạn không phụ thuộc vào chúng. Với bạn chúng không hữu dụng.
Thế thì cái dụng của chúng là gì? Cái dụng của chúng là việc hoàn toàn khác. Khi bạn trở nên có tính thiền hơn, khi bạn đi sâu hơn vào thiền, khả năng và sự sáng tỏ của bạn càng có nhiều hơn để hiểu kinh sách. Kinh sách sẽ trở thành nhân chứng cho bạn rằng bạn đang đi đường đúng. Và khi bạn đạt tới cốt lõi bên trong nhất của mình, khi bạn nhận ra bản thể của mình, thế thì bạn sẽ biết điều Jesus ngụ ý bởi vương quốc của Thượng đế, thế thì bạn sẽ biết điều Phật ngụ ý bởi niết bàn, thế thì bạn sẽ biết điều Upanishads ngụ ý chân lí - không trước điều đó.
Ngay bây giờ, nếu bạn đọc Kinh Thánh hay Koran hay Gita, bạn sẽ diễn giải chúng tương ứng với trạng thái vô ý thức của bạn, tương ứng với trạng thái phi thiền của bạn. Bạn sẽ diễn giải sai, bạn sẽ hiểu sai. Bạn không ở hình thể đúng; bạn đang biến trên thành dưới, bạn đang lộn ngược. Bạn là lẫn lộn, hỗn độn. Bạn là đám đông, bạn còn chưa là cá nhân. Bạn không có trung tâm chút nào. Cho nên làm sao bạn sẽ hiểu được Jesus hay Phật hay Krishna?
Nhớ một điều rất nền tảng: bạn có thể hiểu Jesus chỉ nếu bạn đã nếm trải cái gì đó của tâm thức Christ trong bạn; bằng không thì không có cách nào. Bạn có thể có vài thoáng nhìn về Phật chỉ khi bạn đã đạt tới cái gì đó của phật tính, hình thể nào đó, hương vị nào đó, hương thơm nào đó. Khi bạn đã đi vào đất của Phật và chư phật, thế thì bạn sẽ có khả năng thấy nghĩa này.
Bằng không, lời có đó, nhưng ai sẽ đặt nghĩa vào những lời đó? Bạn sẽ đặt nghĩa vào những lời đó. Bạn sẽ đọc Krishna nhưng bạn sẽ không thực sự đọc Krishna đâu - bạn sẽ đọc bản thân mình qua Krishna. Lời sẽ là của Krishna, nghĩa sẽ là của bạn - và chính nghĩa mới có ý nghĩa chứ không phải lời.
Chauncey de Plotkin phải chịu cái đau buốt của bệnh vẩy nến. Sau khi cố gắng một cách vô ích dùng các thuốc thông thường bán ở quầy anh ta cuối cùng phải tới tư vấn bác sĩ và được cho một đơn thuốc và được dặn cách dùng và khi nào dùng thuốc.
Tối hôm đó ở nhà, vợ của Chauncey ngạc nhiên khi thấy chồng mình tợp một thìa thuốc, chạy ra khỏi nhà và lao đi quanh khối nhà. Khi trở về anh ta kiệt sức tới mức gieo mình phịch lên giường và thở hết hơi.
Đến buổi tối thứ hai anh ta lặp lại cùng biểu diễn đó: anh ta chiêu thuốc, phi nước đại quanh khối nhà và trở về nhà mình vài phút sau đó.
Đến tối thứ ba anh ta đổi chiến thuật. Lần này anh ta uống thuốc như thường, nhưng thay vì chạy đua anh ta bắt đầu nhảy quanh phòng với mọi dáng của loài da dày nhảy cỡn.
Chị vợ không thể đừng được thêm nữa. "Chauncey," cô ấy kêu lên, "anh đang làm gì trong thế giới mà chạy quanh khu nhà và nhảy như con choi choi thế? Anh có mất trí không đấy?"
"Tất nhiên không,"ông xã mệt lử đáp. "Anh chỉ theo mệnh lệnh của bác sĩ thôi. Ông ấy bảo anh uống thuốc hai đêm chạy và bỏ qua đêm thứ ba."
Lời có thể là của Christ, Phật, Zarathustra, nhưng ai sẽ đem nghĩa cho chúng? Chauncey de Plotkin - anh ta sẽ đưa nghĩa vào những lời đó! Anh ta sẽ áp đặt nghĩa của mình, anh ta sẽ phóng chiếu nghĩa của mình.
Tôi không chống lại kinh sách. Làm sao tôi có thể chống lại được? Tôi ủng hộ kinh sách, nhưng tôi không thể nói với bạn rằng qua kinh sách bạn có thể tìm thấy chân lí. Điều đó là không thể được.
Một nhà truyền giáo Ki tô giáo và một giáo sĩ cùng đi trên một chuyến tàu hoả. Nhà truyền giáo Ki tô giáo nói với giáo sĩ, "Jesus cứu rỗi."
Giáo sĩ nhìn nhà truyền giáo và rồi nói, "Nhưng Moses đầu tư."
Lời nhất định được bạn tô mầu, chúng nhất định là một phần của bạn. Chúng có thể giáng xuống từ các cội nguồn rất cao.... Nó cũng giống như hạt mưa. Khi nó tới từ mây nó là thuần khiết, thuần khiết nhất, nhưng khi nó rơi xuống đất nó phụ thuộc vào đất. Nếu nó rơi và phân bò, thế thì có thể linh thiêng cho người Hindu nhưng không linh thiêng cho ai khác! Nước thuần khiết rơi xuống từ cõi trời sẽ có mầu của đất mà nó rơi xuống, sẽ có mùi vị của đất mà nó rơi xuống.
Đích xác cùng điều này là trường hợp với lời rơi từ Phật, Jesus, Zarathustra, Lão Tử. Nó tuỳ thuộc vào đất của bạn - vào tâm trí bạn. Và trạng thái tâm trí bạn là gì? Bạn có thể nghĩ cái gì nguyên bản được không? Bạn có thể hiểu cái gì nguyên bản được không? Tâm trí bạn chỉ lặp lại cái nó đã nghe hay đọc, cái đã được dạy. Nó là cái máy; nó không bao giờ có thể tạo ra một ý nghĩ nguyên bản. Ý nghĩ nguyên bản chưa bao giờ tới từ tâm trí; nó tới từ cõi bên kia.
Phật dùng tâm trí để trao đổi với bạn. Ông ấy phải dùng lời, hiển nhiên, và bằng việc dùng lời ông ấy đang lấy bước nguy hiểm. Trong bẩy ngày ông ấy đã ngần ngại.... Khi ông ấy trở nên chứng ngộ, trong bẩy ngày ông ấy đã không thốt ra một lời.
Câu chuyện là ở chỗ các thần từ cõi trời xuống, chạm chân ông ấy, và xin ông ấy chuyển giao chân lí mà ông ấy đã đạt tới bởi vì quần chúng đã khát khao về điều đó thế. Cả triệu người sẽ được lợi.
Ông ấy nghe trong im lặng sâu sắc. Ông ấy đơn giản nói một điều: "Khi có liên quan tới ta, trong bẩy ngày ta đã đắn đo về điều đó và đây là kết luận của ta: rằng những người có thể hiểu ta không cần nghe lời của ta. Những người có thể hiểu ta đã có tính thiền rồi, họ đã trên đường rồi. Họ không cần lời ta; đằng nào họ cũng sẽ đạt tới, dù có ta hay không có. Có thể với ta họ sẽ đạt tới sớm hơn chút ít, một mình sẽ chậm hơn chút ít, nhưng có khác biệt gì trong vĩnh hằng liệu ông tới sớm một năm hay chậm một năm?
"Những người không thể hiểu ta nhất định hiểu lầm. Lời của ta sẽ trở thành vấn đề cho họ. Họ đã lẫn lộn rồi và ta không muốn làm họ lẫn lộn thêm nữa. Lời của ta sẽ tạo ra nhiều lẫn lộn hơn trong họ."
Các thần đâm ra lúng túng phải nói gì đây, làm sao thuyết phục được Phật. Họ ra đi. Họ thảo luận giữa họ về điều đó để tìm ra cách nào đó, và thế rồi họ quay lại với một luận cứ mới. Họ nói, "Thầy là đúng, có những người, rất ít người, sẽ hiểu thầy ngay lập tức. Và vâng, chúng tôi đồng ý với thầy một cách toàn bộ, họ không cần điều đó; đằng nào họ cũng sẽ đạt tới. Họ ở ngay đường biên rồi: một bước nữa và họ sẽ là chư phật. Cho dù không có thầy họ vẫn sẽ trở thành chư phật, điều đó là chắc chắn. Nếu thầy có thể trở thành vị phật mà không có vị phật khác giúp thầy, họ cũng có thể trở thành - chúng tôi có thể hiểu điều đó.
"Và điểm kia của thầy cũng đúng: có hàng triệu người sẽ không hiểu thầy. Nhưng chúng tôi không đồng ý với thầy rằng lời của thầy sẽ tạo ra nhiều lẫn lộn hơn. Những người đó đã bị lẫn lộn thế, không thể có lẫn lộn hơn được. Họ đã đạt tới đáy tảng đá của lẫn lộn; thầy không thể làm họ lẫn lộn thêm nữa được. Cho nên đừng lo nghĩ về họ.
"Và chúng tôi đã nghĩ về loại người thứ ba nữa. Có vài người ở ngay giữa hai loại này: người không được tiến hoá tới mức mà họ sẽ lập tức hiểu thầy và trở nên chứng ngộ và người không phải là không tiến hoá tới mức họ sẽ đơn giản trở nên bị lẫn lộn hơn bởi việc nghe thầy. Họ ở chính giữa - một thiểu số, nhưng có những người đó. Với sự giúp đỡ của thầy họ sẽ đạt tới bờ bên kia; không có sự giúp đỡ của thầy họ có thể vẩn vơ hết thế kỉ nọ tới thế kỉ kia.
"Và thầy đúng khi nói rằng điều đó có tạo khác biệt gì đâu trong vĩnh hằng? Nó không tạo khác biệt gì đối với thầy bởi vì thầy biết cái vĩnh hằng, nhưng với những người đáng thương kia, người sống trong thời gian thì điều đó tạo ra nhiều khác biệt chứ. Trong nhiều, nhiều kiếp họ sẽ đau khổ. Với thầy điều đó không tạo ra khác biệt gì - thầy đã đi vào vĩnh hằng rồi - nhưng họ đang sống trong thời gian, và thời gian nghĩa là sinh, tử và bánh xe sinh tử. Và họ sẽ phải cứ theo bánh xe này, trong cái vòng luẩn quẩn này, cả triệu lần. So với vĩnh hằng nó chẳng là gì cả, nhưng so với cuộc sống nhỏ bé này - cuộc sống bẩy mươi năm, cuộc sống sáu mươi năm - nó là quá nhiều. Thầy phải nghĩ về loại người thứ ba đó nữa chứ."
Phật lắng nghe họ và lập tức đồng ý nói. Ông ấy theo luận cứ này: vâng, có loại người thứ ba. Loại người thứ nhất là những người không thể hiểu được chút nào. Lời họ có thể hiểu; về mặt trí tuệ họ có khả năng hiểu bất kì điều gì được nói cho họ. Nhưng sâu bên dưới nghĩa bị bỏ lỡ, ý nghĩa bị bỏ lỡ. Họ nghe âm nhạc, nhưng họ không bắt được giai điệu của nó. Họ nghe tiếng động, nhưng họ không cảm thấy sự hài hoà; đó là hiện tượng tinh tế. Họ nghe lời nói.
Tất cả ba loại này đều ở đây. Đa số nghe lời tôi, nhưng họ sẽ không cảm thấy im lặng của tôi, họ sẽ không cảm thấy sự hiện diện của tôi trong họ. Điều đó là như nhau với họ. Họ có thể đọc sách, họ có thể nghe băng hay họ có thể nghe tôi trực tiếp; nó tất cả là như nhau với họ, không khác biệt, bởi vì lời là như nhau.
Nhưng với loại người thứ hai có khác biệt. Đọc lời tôi trong sách là một điều, bởi vì tôi sẽ không có đó trong những lời đó, sự hiện diện của tôi sẽ không có đó. Tôi sẽ không thở trong những lời đó; chúng sẽ chết. Khi bạn nghe băng có tốt hơn sách chút ít, nhưng dầu vậy sự hiện diện của tôi vẫn không có đó. Băng là việc lặp lại máy móc; không có ai đằng sau chúng.
Ở đây khi bạn đang nghe tôi, lời tôi có đó và im lặng của tôi có đó. Im lặng của tôi có thể đi cùng lời nếu bạn sẵn có. Loại người thứ hai sẽ có khả năng cảm thấy sự hiện diện của tôi, im lặng của tôi, bài ca của tôi. Và loại người thứ nhất sẽ lập tức nhận ra rằng đây là nó! Chứng ngộ bất thần... thậm chí không một lỗ hổng khoảnh khắc.
Câu hỏi thứ năm:
Thưa thầy kính yêu,
Hôm nọ tôi đọc thấy rằng Taru đã gặp thầy một lần trên phố của Bombay trong khi thầy đang cầm túi rượu gin và uytski trong cả hai tay. Thầy có thực sự là người say không?
Prem Aditya, nếu Taru nói thế, nó phải thế thôi. Tôi là người say tới mức tôi không thể nhớ được! Vâng, mơ hồ tôi nhớ Taru có gặp tôi trên phố của Bombay. Tôi có thể nhớ cái ôm ghì của cô ấy - nó khó mà quên được! Nhưng trí nhớ của tôi không tốt mấy... cho nên có thể tôi cầm chai whisky trong cả hai tay tôi.
Điều đó đã từng rất thông thường với các Thiền sư ở Nhật Bản. Đó là giai đoạn cuối của chứng ngộ! Được chứng ngộ nghĩa là hoàn toàn bị say - say với điều thiêng liêng.
Có thể những chai rượu whisky đó trống rỗng. Chúng phải đã là vậy, bởi vì người say như tôi không thể giữ được những cái chai đó đầy lâu lắm đâu. Khoảnh khắc tôi có chúng tôi uống chúng liền. Tôi không trì hoãn cái gì cả! Nhưng trí nhớ của tôi không được tốt lắm....
"Bác sĩ ơi, tôi có vấn đề nghiêm trọng," Max bắt đầu. "Tôi mất trí nhớ của mình - có thể tôi đã mất nó hoàn toàn. Tôi dường như không thể nhớ được cái gì."
Nhà tâm thần mỉm cười một cách bao dung. "Tôi chắc là nó không hoàn toàn mạnh đâu. Anh phải nhớ được cái gì chứ."
"Không, chẳng nhớ cái gì cả. Tôi nói với ông, tôi không thể nhớ được một điều gì."
"Tất nhiên anh ngụ ý quên những điều như tên và khuôn mặt và ngày tháng chứ gì? Tất cả chúng ta đôi lúc cũng đều quên chúng."
"Bác sĩ ơi, ông không hiểu. Tôi ngụ ý mọi thứ!" "À, điều đó là vô nghĩa thuần khiết đấy!" bác sĩ bật
ngón tay. "Không ai quên mọi thứ mà người đó đã từng biết. Ngay cả người bị chứng quên cũng nhớ cái gì đó - như liệu anh ta uống cà phê hay trà hay liệu anh ta có hút thuốc lá không."
"Nghe đây, bác sĩ," Maxwell nói một cách thất vọng, "tôi nói với ông lần cuối - tôi không thể nhớ được cái gì chút nào. Mọi thứ tôi thấy, mọi thứ tôi nghe, mọi thứ tôi đọc, nó chỉ gây ấn tượng tạm thời và thế rồi nó ra khỏi đầu tôi mãi mãi. Vậy đấy, bác sĩ, tôi thề với ông. Tôi đơn giản không thể nhớ được một thứ phải gió nào!"
Nhà tâm thần cau mày, ngửa lưng trong ghế và đắn đo mãi về cái bệnh duy nhất này. Thế rồi ông ta hỏi, "Điều này đã diễn ra bao lâu rồi?"
"Cái gì đã diễn ra bao lâu rồi?"
Đó cũng là tình huống của tôi nữa! Tôi không nhớ mấy. Tôi không quan tâm mấy tới quá khứ, tôi không quan tâm tới tương lai nữa. Toàn thể mối quan tâm của tôi là trong khoảnh khắc hiện tại.
Và bạn có thể thấy ngay bây giờ - tôi là người say! Sao bận tâm điều Taru nói, và ở đâu đó nó được viết ra và bạn đọc nó? Sao bận tâm? Bạn có thể nhìn vào trong mắt tôi... và chúng đầy whisky đấy!
Và nếu bạn không tin tôi, tới tôi ở chỗ riêng tư, và tôi sẽ khóc một ít và bạn có thể nếm nước mắt tôi. Và bạn sẽ biết chúng có vị gì - chúng có vị whisky! Nếu Jesus có thể biến cả đại dương thành rượu, tôi không thể biến nước mắt của mình thành rượu sao?
Câu hỏi thứ sáu:
Thưa thầy kính yêu,
Chẳng cương cứng gì xảy ra. Tôi có còn tính dục không? Cá tới, nhưng đi vẫn khát.
Sant... Sant, suy tư về câu châm ngôn này của Murphy: Nếu bạn chơi với cái gì đó đủ lâu, bạn chắc chắn sẽ phá vỡ nó.
Con mèo đực lớn đang nhìn con mèo cái lanh lợi từ đằng sau hàng rào chăng dây thép gai. Cuối cùng, nó quyết định nhảy qua hàng rào để tới con mèo cái. Với một cú nhảy đại nó đáp xuống phía bên kia.
"Này, cậu không phải là Toby, mèo đực sao?" con mèo cái hỏi.
"Không còn đâu," nó đáp. "Hàng rào kia cao hơn tớ tưởng."
Câu hỏi thứ bẩy:
Thưa thầy kính yêu, ABC của tâm lí là gì?
A của tâm lí: người thần kinh xây lâu đài không khí. B của tâm lí: loạn thần kinh sống trong họ. C của tâm lí: nhà tâm thần thu tiền thuê.
Câu hỏi cuối cùng:
Thưa thầy kính yêu,
Tại sao thầy quyết định nói thay vì viết ra triết lí của thầy?
Gautam, chính tả của tôi còn tồi hơn phát âm nhiều!
Đủ cho hôm nay.

Ads Belove Post