Chương 6. Tôi nói trắng ra

Chương 6. Tôi nói trắng ra

Price:

Read more

Dhammapada - Con đường của Phật (Tập 8)
Chương 6. Tôi nói trắng ra

Câu hỏi thứ nhất:
Thưa thầy kính yêu,
Hôm qua thầy nói rằng thầy không cần biết tất cả chúng tôi theo từng cá thể. Tôi cảm thấy rằng mỗi người trong chúng tôi đều ở chỗ khác và có lí do khác để ở đây trong cuộc đời này. Vậy tôi có sai không nếu tôi cảm thấy rằng con đường cho mọi người là khác nhau nhưng đều dẫn tới cùng một đích?
Annemarie Muller, không có mục đích và không có con đường cho nó. Bạn đã ở đó rồi, bạn chưa bao giờ ở đâu khác cả. Chính ý niệm về con đường và mục đích là trò chơi tâm trí. Đầu tiên bạn tạo ra mục đích, tham vọng, ham muốn xa xăm trong tương lai, nơi không tưởng, thế giới này hay thế giới khác, Cơ đốc giáo hay cộng sản, và thế rồi bạn bắt đầu nghĩ về con đường. Nhưng về căn bản không có mục đích, do đó mọi con đường đều là giả. Và một khi bạn bắt đầu cố gắng đạt tới mục đích, bạn sẽ lâm vào lẫn lộn càng ngày càng nhiều.
Mọi con đường đều chỉ là chất liệu mơ, bởi vì ngay chỗ đầu tiên bạn chưa bao giờ rời khỏi nhà, bạn chỉ rơi vào giấc ngủ. Adam và Eve chưa bao giờ bị đuổi khỏi Vườn Eden, họ chỉ rơi vào giấc ngủ. Ăn từ cây tri thức, quả tri thức, họ đã trở thành con người lí trí. Đó là giấc ngủ của họ; họ đã đánh mất dấu vết trái tim riêng của mình, họ đã quên mất về nó. Nhưng nó có đó, nó không di chuyển đi chỗ nào khác.
Bạn vẫn trong Vườn Eden, bạn vẫn trong Thượng đế; bạn có thể ở đâu khác được? Không có chỗ khác để ở. Đây là cách tiếp cận nền tảng của tôi: rằng không có mục đích, không có con đường, bạn không đạt tới cái gì đó. Toàn thể ý niệm về đạt tới không là gì ngoài trò bản ngã. Đầu tiên bạn cố gắng đạt tới tiền, quyền, danh, và khi bạn thất bại - điều nhất định xảy ra, bởi vì tâm trí cứ đòi hỏi ngày một nhiều hơn - khi bạn ở trong thất vọng sâu sắc, bạn bắt đầu quay sang thành người tôn giáo. Nhưng toàn thể hình mẫu của bạn vẫn còn nguyên. Bạn vẫn ham muốn mục đích. Bây giờ nó không còn là tiền, nó là thiền; bây giờ nó không còn là quyền mà là thiên đường. Nó vẫn là cùng trò chơi được chơi với các từ khác. Tâm trí đã lừa bạn, tâm trí đã đưa bạn đi trên cuộc hành trình khác.
Bạn sẽ còn bị tâm trí riêng của mình lừa được bao lâu? Việc nhấn mạnh không phải vào đi chỗ nào mà là thức dậy. Chẳng hạn, ba nghìn người đang ở đây ngay bây giờ; nếu tất cả các bạn rơi vào giấc ngủ, tất cả các bạn sẽ ở đây, không ai đã rời khỏi chỗ này nhưng tất cả các bạn sẽ mơ những giấc mơ tách biệt. Mơ là thứ rất riêng tư; thực ra không có gì riêng tư hơn là giấc mơ. Bạn không thể chia sẻ giấc mơ của mình ngay cả với người yêu của bạn, bạn không thể mời bạn của mình tham dự vào giấc mơ được - điều đó là không thể được, bạn tuyệt đối một mình ở đó. Giấc mơ không phải là hiện tượng khách quan, nó không phải là thực tại; nó chỉ là ý niệm đã thôi miên bạn, nhiều tới mức nó dường như thật. Sự hiện diện của người khác sẽ làm lộ ra cái không thật của nó.
Cho nên nếu tất cả các bạn rơi vào giấc ngủ, một cách tự nhiên các bạn sẽ ở các chỗ khác nhau. Ai đó sẽ ở Constantinople, và ai đó ở Tokyo, và ai đó ở Bắc Kinh, nhưng thực ra tất cả các bạn sẽ ở đây và bây giờ. Chỗ của bạn sẽ khác: ai đó sẽ là vua, ai đó là kẻ ăn xin, và ai đó sẽ là đàn ông, và ai đó sẽ là đàn bà, ai đó sẽ rất nổi tiếng, ai đó chỉ là vô thực thể. Nhưng bạn có nghĩ những điều này tạo ra khác biệt nào không? Tất cả các bạn đều có thể được thức dậy, và mọi giấc mơ của các bạn, các giấc mơ tách biệt, các giấc mơ khác nhau, sẽ bay hơi như nhau.
Bạn nói, "Tôi cảm thấy rằng mỗi người trong chúng tôi đều ở chỗ khác..."
Chắc chắn, nhưng trong mơ. Người này là tội nhân, người khác là thánh nhân; người này là người Ki tô giáo, người khác là người Hindu; người này da trắng, người khác da đen. Mọi giấc mơ! Trong cốt lõi bên trong nhất của mình bạn chỉ là tâm thức thuần khiết, chỉ là nhận biết và không gì khác, tấm gương thuần khiết, không bị đồng nhất với những cái phản xạ.
Đó là toàn thể nỗ lực của thầy - đánh thức bạn dậy, không thúc giục bạn hướng tới những mục đích nào đó. Nếu thầy thúc giục bạn hướng tới những mục đích nào đó, ông ấy sẽ có hấp dẫn lớn cho tâm trí bạn; tâm trí bạn sẽ đồng ý với ông ấy, bởi vì đó là điều tâm trí khao khát: mục đích mới, cho nên cuộc hành trình tiếp tục, và cái ngu xuẩn của nó tất cả đều còn lại.
Thầy thực làm tan nát mọi mục đích của bạn. Chính là chỉ bằng việc làm tan nát giấc mơ của bạn mà bạn mới có thể được đánh thức dậy. Bạn ngụ ý gì bởi "persons - cá thể"? Từ 'person' bắt nguồn từ gốc Hi Lạp persona. Persona nghĩa là mặt nạ. Cá thể là hiện tượng giả, nó là mặt nạ, nó không phải là thực tại của bạn. Nhưng bản ngã muốn được thừa nhận một cách cá thể. Bản ngã muốn quan hệ một cách cá thể, bản ngã muốn thừa nhận, chú ý; bằng không bạn không là cá thể. Không ai có cả, không ai đã từng có. Chỉ là ở chu vi mặt nạ mới có thể tồn tại và có thể lừa người khác. Nhưng bạn phải biết rằng nó là mặt nạ, vật nguỵ trang. Sâu bên dưới đằng sau mặt nạ bạn là cá thể sao? Không. Không chút nào. Bạn chỉ là sự hiện diện, không phải cá thể.
Tôi quan hệ với sự hiện diện của bạn, không với tính cá thể của bạn. Làm sao tôi có thể quan hệ với giấc mơ của bạn được? Tôi quan hệ với bạn, nhưng không với giấc mơ của bạn. Và chỉ trong giấc mơ bạn mới tách biệt. Trong thực tại chúng ta tất cả là một, đó là một toàn thể hữu cơ.
Bạn nói, "Tôi cảm thấy rằng mỗi người trong chúng tôi đều ở chỗ khác và có lí do khác để ở đây trong cuộc đời này..."
Toàn vô nghĩa. Nói trắng ra với bạn, chỉ là trò nhảm nhí! Nhưng bản ngã cứ chơi đùa với ý niệm đẹp đẽ này, rằng "Mình có lí do đặc biệt để ở đây." Mọi nhành cỏ cũng đều nghĩ theo cùng cách đó, và mọi hòn sỏi trên bãi biển cũng tin theo cùng cách đó. Hỏi bất kì con chó nào hay con trâu hay con lừa, và chúng tất cả đều tin rằng chúng ở đây vì một lí do đặc biệt và chúng đã mang thông điệp tới thế giới này. Và những kẻ muốn khai thác bạn cứ nói với bạn về những điều vô nghĩa thế.
Sự tồn tại không có lí do nào hết cả; nó đơn giản hiện hữu. Đó là cái đẹp của nó. Nó không có nguyên nhân cho nó, nó không có chiều hướng, nó không đi đâu cả, nó không có gì để hoàn thành. Đó là cái đẹp của nó, cực kì đẹp. Nó tồn tại không bởi lí do nào cả; đó là điều bí ẩn của nó, không thăm dò được, không đo được.
Nếu bạn có thể biết lí do của sự tồn tại bạn đã giải huyền bí nó, bạn đã phá huỷ tất cả cái đẹp của nó. Thế thì nó không còn mang nghĩa nữa, nhớ lấy. Thế thì sẽ không có ý nghĩa. Tại sao có tình yêu? Có lí do nào cho nó không? Vâng, nếu bạn hỏi nhà hoá học, nhà sinh lí học, ông ấy sẽ nói, "Có, đó là hooc môn trong hoá chất thân thể bạn; thèm khát thì có thể, nhưng không phải tình yêu." Bạn là nhiều hơn là tổng các bộ phận của bạn, và trong đó Thượng đế tồn tại nhiều hơn. Trong yếu tố bất hợp lí đó mà thấm đẫm cái toàn thể, có tồn tại Thượng đế.
Tertullian là đúng khi ông ấy nói: credo qua absurdum - tôi tin vào Thượng đế bởi vì Thượng đế ngớ ngẩn. Tertullian là một trong những chư phật vĩ đại của thế giới, người đã thực sự thấy thấu suốt. "Tôi tin vào Thượng đế bởi vì Thượng đế ngớ ngẩn," là một trong những phát biểu vĩ đại nhất đã từng được nói ra, một trong những phát biểu hàm chứa nhất. Tin vào Thượng đế bởi vì có lí do để tin thì chẳng là mấy; thế thì bất kì ai cũng sẽ tin. Nó không phải là bước nhảy lượng tử, nó không phải là nhảy ra khỏi tâm trí bạn. Mọi luận cứ đều thuyết phục tâm trí, và nếu tâm trí tin, đấy không phải là tính tôn giáo.
Khi trái tim bạn bị khuấy động bởi cái gì đó bạn không thể diễn đạt được; điều không thể đưa vào thành lời một cách thích hợp; từ đó không hệ thống nào có thể được tạo ra, không kinh sách nào, không tôn giáo nào; cái đơn giản làm bạn câm, trong kính nể và ngạc nhiên sâu sắc, trong một loại choáng váng vô cùng, mọi khái niệm cũ bị tan tành, trong im lặng - bạn mất mọi lập luận của mình, mọi biện luận của mình - chỉ thế thì bạn mới trong giao cảm với cái toàn thể. Vấn đề không phải là biện luận, và bạn không ở đây để hoàn thành cái gì đó. Nó chỉ là lễ hội: cuộc sống vì cuộc sống.
Nhưng tâm trí của chúng ta muốn cái gì đó để được nuôi dưỡng, cho nên cái gọi là các nhà thuyết giảng tôn giáo, các tu sĩ, các triết gia, nhà thượng đế học, họ cứ cho bạn chất nuôi dưỡng. Họ nói, "Bạn được phái tới đây vì các mục đích đặc biệt. Bạn có một chỗ đặc biệt. Công trình vĩ đại nào đó đang được bạn thực hiện." Và bản ngã của bạn cảm thấy được thổi phồng.
Tôi không thể làm được điều đó. Tôi không phải là kẻ thù của bạn. Khoảnh khắc tôi thấy bất kì cơ hội nào tôi sẽ phá huỷ những bản ngã được thổi phồng đó, những bản ngã tâm linh, những bản ngã ngoan đạo, bản ngã tôn giáo. Nhưng bản ngã là bản ngã; nó đứng trên cái gì không thành vấn đề, nó được nuôi dưỡng bằng cái gì là không liên quan.
Không, tôi không thấy rằng bạn có chỗ khác; vâng, giấc mơ khác. Và tôi không thấy rằng bạn có "... lí do khác ở đây trong cuộc sống này." Không có lí do nào cả. Nó đơn giản là lễ hội. Nó là năng lượng tuôn chảy của sự tồn tại, hay Thượng đế. Cái gì là lí do cho song của đại dương? Cái gì là lí do cho tia sáng mặt trời? Cái gì là lí do cho chim hót? Tiếng gáy xa xa của con chim cu cu? Và cái gì là lí do cho giọt sương lung linh trong ánh mặt trời buổi sáng? Cái gì là lí do cho bông hồng ?
Bạn không thể nhìn vào cuộc sống mà không có tâm trí kiểu kinh doanh này sao, bao giờ cũng tính toán? Bạn không thể gạt nó sang bên cho dù vài khoảnh khắc để nhìn vào thực tại như nó vậy sao? Và thế thì bạn sẽ ngạc nhiên: không có lí do nào cả. Thế thì bạn có thể cười và nhảy múa và cầu nguyện, chỉ thế thì bạn mới có phẩm chất khác cho bản thể mình. Cái toàn thể sẽ bắt đầu diễn đạt bản thân nó qua bộ phận.
Nhưng nhớ lần nữa, tôi không nói rằng điều đó sẽ diễn đạt thông điệp đặc biệt nào đó, rằng bạn sẽ trở thành đấng cứu tinh. Tôi đơn giản nói cái toàn thể sẽ bắt đầu chơi trò chơi ngớ ngẩn vô cùng của nó qua bạn mà không bị cản trở. Nó cực kì đẹp, nó tuyệt vời, nhưng nó không phải là số học. Nó là thơ ca, nó là âm nhạc, nó là điệu vũ - nghệ thuật vì nghệ thuật. Cuộc sống là vậy, sự tồn tại là vậy. Và cách tiếp cận đó tôi gọi là tôn giáo.
Câu hỏi thứ hai:
Thưa thầy kính yêu,
Tại sao mọi người nghĩ rằng sống không có chính trị là không thể được?
Mukesh Bharti, tâm trí là chính trị, bởi vì tâm trí là tham vọng và tham vọng là gốc rễ của chính trị. Nếu bạn tham vọng bạn có tính chính trị. Tham vọng của bạn có thể lấy dạng tôn giáo, nhưng chính trị có đó. Thế thì bạn đang cạnh tranh với các thánh nhân khác.
Cái đêm Jesus rời khỏi đệ tử của mình, cái gọi là các tông đồ đã chẳng mấy lo nghĩ gì về điều sẽ xảy ra cho Jesus. Mối lo của họ là: sau Jesus, khi Ngày phán xử cuối cùng tới và tất cả họ sẽ lên thiên đường, ai sẽ đứng cạnh Jesus? Tất nhiên, Jesus sẽ ở bên phải Thượng đế; chừng đó thì họ có thể nhân nhượng được. Nhưng ai sẽ tiếp sau Jesus? Họ cãi cọ và tranh biện về điều này. Đêm cuối cùng của thầy, ngày mai thầy có thể bị đóng đinh... nhưng đó không phải là mối quan tâm của họ. Những tông đồ đó có tính chính trị, và những tông đồ đó đã tạo ra Ki tô giáo, và Ki tô giáo là chính trị và không gì khác. Hindu giáo cũng thế và Mô ha mét giáo cũng thế - mọi ham muốn chính trị đều được che giấu đằng sau những lời lẽ tôn giáo.
Con người không thể sống thiếu chính trị, bởi vì tâm trí. Bạn được nuôi dưỡng, bạn được luấn luyện có tính chính trị. Mọi đứa trẻ đều bị đầu độc từ chính lúc ban đầu, bị đầu độc bởi tham vọng. Chúng ta dạy đứa trẻ tham vọng: là ai đó trên thế giới, là ai đó đặc biệt, là ai đó cao siêu, đánh bại người khác! Chúng ta cho mọi đứa trẻ ý niệm rằng cuộc sống là cuộc tranh đấu và chỉ kẻ mạnh nhất mới sống sót. Dù bạn sống sót bằng phương tiện đúng hay sai, điều đó không quan trọng.
Hai mươi nhăm năm giáo dục - gần một phần ba cuộc đời bạn được huấn luyện để tham vọng. Làm sao bạn có thể tránh được chính trị? Cách duy nhất để tránh chính trị là thoát ra khỏi tâm trí bạn; điều đó nghĩa là chừng nào tâm trí chưa bị vứt bỏ toàn bộ, chính trị sẽ cứ níu bám bạn. Bạn thậm chí có thể chống chính trị nhưng điều đó sẽ trở thành chính trị.
Bạn hỏi tôi, Mukesh, "Tại sao mọi người nghĩ rằng sống không có chính trị là không thể được?" - bởi vì họ không thể quan niệm nổi làm sao sống mà không có tâm trí và ham muốn, hay làm sao sống không có tham vọng. Họ chỉ biết một cách sống: cạnh tranh, tranh đấu! Nếu bạn không chi phối người khác, người khác sẽ chi phối bạn; cho nên trước khi người khác chi phối bạn, chi phối người khác đi. Chi phối chắc chắn tốt hơn bị chi phối; làm chủ tốt hơn là làm nô lệ; là giầu tốt hơn là nghèo. Và có cuộc vật lộn lớn, và triệu người đang tranh đấu về cùng một thứ - và các thứ đó lại không nhiều mấy.
Bao nhiêu người có thể là tổng thống, và bao nhiêu người có thể là thủ tướng, và bao nhiêu người có thể là Ford, Rockefeller và Morgan và Birla và Tata? Bao nhiêu người? Rất ít người. Và cuộc sống là ngắn ngủi, và đây là những mục đích cần được hoàn thành. Nếu bạn không thể là một Rockefeller, nếu bạn không thể là tổng thống của đất nước, cuộc sống của bạn là sự phí hoài vô cùng, bạn là thất bại. Chừng nào bạn chưa hiểu rằng ngay cả với việc trở thành một Rockefeller, một Morgan, bạn sẽ chẳng đạt tới cái gì cả... bạn sẽ còn xa xôi hơn với bản thân mình. Bạn sẽ ở sâu hơn trong giấc mơ.
Với việc trở thành tổng thống hay thủ tướng bạn sẽ không đạt tới bất kì an bình hay phúc lạc nào. Không âm nhạc nào sẽ bùng phát trong bản thể bên trong nhất của bạn.
Thực ra, bạn sẽ trở nên ngày một xấu hơn. Tới lúc một người trở thành thủ tướng, người đó trở thành xấu nhất có thể được, bởi vì toàn thể cuộc tranh đấu làm cho người đó thành xấu. Người đó phải tinh ranh, tinh ranh hơn người khác, bằng không người đó sẽ không thành công. Người đó phải độc ác, người đó phải bạo hành, người đó phải rất ngoại giao. Người đó phải nói điều này, nghĩ điều khác, làm còn khác nữa.Đến lúc người đó đạt tới vị trí cao nhất của ham muốn của mình, người đó hoàn toàn bị phá huỷ. Người đó không còn là con người nữa. Người đó hổng hoác bên trong; người đó không có bản chất, không linh hồn.
Nhưng những người này được coi là người thành công, những người này được coi là người làm ra lịch sử. Những người này được coi là để lại dấu ấn của họ lên tiến hoá con người. Đây là những người gây hại nhất trong thế giới, đây là những kẻ tội phạm lớn nhất: Genghis Khan, Tamerlane, Adolf Hitler, Joseph Stalin, Mao Trạch Đông, đây là những tội phạm thực trên thế giới. Những tội phạm nhỏ bị vào tù, những tội phạm lớn trở thành tổng thống và thủ tướng.
Nhưng những người không có khả năng đạt tới những ham muốn ngu xuẩn này cũng chịu khổ rất nhiều. Họ khổ từ phức cảm tự ti, từ thất bại. Nền giáo dục của bạn tạo ra chỉ hai loại người. Loại thứ nhất, những người thành công, và với thành công họ đi tới biết rằng họ đã lãng phí cuộc sống của mình. Nhưng thật vô ích để nói điều đó cho người khác, bởi vì thế thì người khác sẽ cười và sẽ nghĩ bạn lố bịch. Tốt hơn cả là cứ mỉm cười mặc dầu sâu bên dưới bạn biết rằng bạn đã thất bại, cuộc sống của bạn đã không có ý nghĩa gì, bạn đã không tận hưởng sống ở đây. Bạn đã không nhảy múa, không bài ca nào đã được cất lên từ trái tim bạn. Toàn thể cuộc sống của bạn đã là một thực nghiệm vô tích sự. Bạn biết điều đó nhưng quá trễ rồi.
Bạn không thể quay lại được, và bạn không thể nói ra chân lí được - điều đó đơn giản sẽ để lộ cái ngu xuẩn của bạn. Tốt hơn cả là cứ đóng vai thành công. Và thế rồi loại kia là những người thấy những người thành công này và khổ vì ghen tị, đố kị, bị tổn thương nặng rằng "Chúng ta không thể làm được điều đó trong cuộc đời này." Đây là chính trị. Nỗ lực của tôi ở đây là để dạy bạn một cách sống khác không chính trị chút nào. Để tâm trí bị gạt bỏ.
Đừng là nô lệ của tâm trí bạn. Trở nên có ý thức nhiều hơn, tỉnh táo hơn về mọi phiền toái mà tâm trí bạn đang làm cho bạn, những lộn xộn mà tâm trí đang tạo ra cho bạn, những hỗn độn mà tâm trí đã thu bạn lại. Quan sát, tỉnh táo. Và dần dần, dần dần khi tính quan sát của bạn phát triển - Phật gọi nó là "chính tâm" - bạn sẽ có khả năng tuột ra khỏi tâm trí. Ở bên ngoài tâm trí và bạn ở bên ngoài chính trị; bằng không, bất kì cái gì bạn làm cũng đều là chính trị. Nếu bạn không làm gì cả, điều đó nữa cũng chính trị. Bạn tham gia, dù khẳng định hay phủ định. Nếu bạn bỏ phiếu, bạn tham gia, nếu bạn không bỏ phiếu, bạn vẫn tham gia, theo cách phủ định. Dường như không có chọn lựa. Trong mọi cách bạn sẽ là một phần của nó.
Trong những ngày Hitler còn thống trị, năm người Đức ngồi cạnh bàn trong quán cà phê, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Một người trong số họ thở dài, người khác gầm to lên. Người thứ ba lắc đầu thất vọng, và người thứ tư cố kìm nước mắt.
Người thứ năm, với giọng hoảng sợ, thì thào, "Các bạn, cẩn thận đấy! Các bạn biết nói chuyện chính trị ở chỗ công cộng là không an toàn đâu."
Bất kì điều gì bạn làm cũng đều sẽ là chính trị, ngoại trừ một điều: nếu bạn thực sự trở thành người rút ra khỏi thế giới của tâm trí. Mọi người ghét tình huống này, nhưng họ không biết làm gì về nó. Họ bị mắc vào trong tình huống phức tạp thế, họ không biết cách thoát ra khỏi nó. Và toàn thể đám đông đang đi theo hướng nào đó. Nếu bạn đi theo hướng khác đám đông trở nên giận dữ với bạn. Đám đông không cho phép những người bất tuân thủ. Nó muốn sự qui phục toàn bộ, nó muốn các nô lệ, nó kính trọng các nô lệ. Nó cho đủ mọi loại vinh dự - từ vinh dự thấp nhất cho tới giải thưởng Nobel – cho các nô lệ, cho những người tuân thủ, cho những người bằng cách nào đó hỗ trợ cho nguyên trạng.
Bạn có thể thấy điều đó đang xảy ra ở mọi nơi. Cứ nhìn vào cái gọi là những người đáng kính, họ đều là những kẻ nô lệ lớn. Đó là lí do tại sao họ được kính trọng. Đó là việc hiểu lẫn nhau. Bạn tuân theo đám đông, đám đông kính trọng bạn, gọi bạn là thánh nhân, là mahatma.
Adolf Hitler không tin vào báo cáo ông ta đã nhận được rằng mọi người vẫn trung thành với ông ta. Một tối ông ta cải trang và đi tới rạp chiếu bóng. Ngay lúc đó phim thời sự được chiếu. Người giới thiệu nói, "Và bây giờ là bức ảnh mới nhất của nhà độc tài nhân từ vĩ đại của chúng ta." Lời bình luận tiếp tục. Hình nhoáng lên trên màn ảnh. Với niềm xúc động, khán giả đứng dậy chào mừng, hô to "Heil, Hitler!"
Hitler hài lòng với sự đáp ứng tới mức ông ta quên mất không đứng dậy. Người đằng sau ông ta vỗ vai ông ta và thì thào, "Tôi biết ông cảm thấy thế nào với cái đồ tàn nhẫn đó, nhưng tốt hơn cả ông nên đứng dậy nếu không thì cảnh sát sẽ bắt ông đấy."
Đó là cách mọi người cảm thấy, nhưng ai muốn lâm vào rắc rối không cần thiết?
Là người không tuân thủ là kêu gọi rắc rối, bởi vì đám đông cảm thấy bị xúc phạm. Tại sao đám đông cảm thấy bị xúc phạm bởi người không tuân thủ? - bởi vì người không tuân thủ biểu lộ dấu hiệu thông minh, người đó biểu lộ dấu hiệu của tính cá nhân, tính đích thực, tính trách nhiệm, và thế thì mọi người cảm thấy ngu xuẩn khi so sánh với người đó. Họ không thể tha thứ cho người đó được - và chính khách không thể cho phép những người như vậy tồn tại chút nào.
Một ông vua Hồi giáo quyết định tổ chức cuộc đấu giữa một người Sufi với sư tử hoang trong một đấu trường, để giải trí và cảnh báo đám đông. Nhiều nghìn người kéo tới. Người Sufi đi vào đấu trường, tóm lấy tai sư tử và quẳng nó ra ngoài vũ đài. Đám đông phát cuồng. Thế rồi nhà vua ra lệnh trói chân tay ông ta lại và cho voi dày ông ta. Trong khoảnh khắc ông ta xoay xở quay mình thoát ra khỏi chân voi. Đám đông gầm lên.
Bây giờ nhà vua sai đào một cái hố, để người Sufi bị vùi tới cổ, và ra lệnh cho ba tay kiếm giỏi và khoẻ chặt đầu ông ấy. Khi họ chém, ông ấy lắc đầu cách này cách nọ để tránh cú đánh, đến mức họ bắt đầu mệt nhoài. Nhưng lúc đó đám đông đứng cả dậy, la hét,
"Đứng dậy và chiến đấu như con người đi, ông là nhà huyền môn thủ đoạn lắm!"
Bây giờ người đáng thương này đang bị chôn vùi, chỉ cái đầu thò ra khỏi đất! Nhưng thông minh có thể xoay xở được. Qua nhiều thời đại những người Sufi thực, các Thiền nhân thực, chư Phật thực, người Hassid thực, các nhà huyền môn thực của mọi nước, của mọi giống nòi, đã hoàn toàn chán ghét với toàn thể cái vô nghĩa này đang diễn ra nhân danh chính trị. Họ đã từng dạy cho các đệ tử của mình, "Thoát ra khỏi nó, nó là vô tích sự," và họ đã chịu khổ nhiều vì điều đó.
Mukesh Bharti, nếu bạn cảm thấy rằng chính trị là trò chơi bẩn thỉu, đừng lo nghĩ: "Tại sao mọi người nghĩ rằng sống không có chính trị là không thể được?"
Đừng phí thời gian của bạn vào điều đó. Đám đông sẽ vẫn còn như thế mãi mãi, nhưng bạn có thể bước ra khỏi nó. Ngay cả bạn có thể xoay xở được điều đó, thế là đủ. Và có thể nếu bạn có thể xoay xở, thế thì vài người khác sẽ thấy ánh sáng nữa, bởi vì họ sẽ thấy vui vẻ mới nảy sinh từ bản thể bạn, hương thơm mới bao quanh bạn, hào quang mới, bầu không khí mới, môi trường mới sẽ bắt đầu chạm tới trái tim của mọi người khác.
Tôi không nói, "Trở thành nhà truyền giáo." Đó là từ bẩn thỉu. Nhưng nếu bạn ra khỏi những trò chơi xấu xí này, cuộc sống của bạn trở thành hiện tượng đẹp đẽ mà những người có mắt sẽ thấy và những người có tai sẽ có khả năng nghe và những người có trái tim sẽ có khả năng cảm nó. Và đó là mọi điều bạn có thể làm. Đó là phục vụ thực.
Câu hỏi thứ ba:
Thưa thầy kính yêu,
Sao thầy chống lại suy nghĩ, thượng đế học, triết học nhiều thế?
Gangadhar, bởi vì suy nghĩ không là gì ngoài việc mơ bằng lời. Mơ không là gì ngoài suy nghĩ bằng hình ảnh. Bạn có thể nghĩ cái gì? Bạn không thể nghĩ về cái không biết; bạn chỉ có thể cứ lặp lại cái đã biết. Suy nghĩ có tính lặp lại, nó máy móc. Suy nghĩ chưa bao giờ đem bạn tới sáng suốt mới, không trong tôn giáo không trong khoa học. Chẳng ở đâu suy nghĩ đem đến cho bạn cánh cửa sổ mới tới sự tồn tại. Ngay cả trong công việc khoa học, sáng suốt thực đã xảy ra không qua suy nghĩ; chúng tất cả đều là trực giác, chúng đã không bắt nguồn từ trí tuệ. Mọi nhà khoa học lớn đều được thuyết phục về sự kiện là không phải nỗ lực của họ làm cho họ phát hiện ra những cách thức mới của cuộc sống, những bí mật mới của tự nhiên, cái gì đó của cõi bên kia, cái gì đó rất huyền bí. Đó không phải là công trình của họ, nhiều nhất họ chỉ là phương tiện.
Do đó tôi không thiên về việc làm cho bạn thành nhà tư tưởng lớn. Thực ra, bạn đã là những nhà tư tưởng lớn rồi. Mọi người đều là nhà tư tưởng lớn. Cho nên nhiều giao thông cứ diễn ra trong tâm trí; bạn liên tục suy nghĩ, ngày nọ, ngày kia, cả đời mình bạn đều suy nghĩ - tới mục đích gì, tới kết luận gì?
Và tôi chống lại theology - thượng đế học nhiều hơn bất kì loại suy nghĩ nào bởi vì đó là điều tối thượng trong ngu xuẩn. Chữ "Theo" nghĩa là thượng đế, "logy" nghĩa là logic: logic về Thượng đế. Đó là mâu thuẫn ngay trong thuật ngữ. Không có logic về Thượng đế. Tình yêu thì có, logic thì không, cả nghìn lần không. Vâng, có thể có tình yêu về Thượng đế, nhưng không có logic. Và nếu bạn tới tình yêu qua logic, tình yêu của bạn cũng giả, rởm, nhựa, chất tổng hợp.
Tình yêu xảy ra, nó không là luận cứ; thế thì nó xảy ra thế nào? Nó không xảy ra qua suy nghĩ. Nó xảy ra bởi những thoáng nhìn vào vô ý nghĩ, bởi việc đi vào trong các khoảng hở giữa hai ý nghĩ. Đó là những cánh cửa sổ, cửa sổ của điều thiêng liêng. Tôi chống lại thượng đế học. Và triết học đã làm phí hoài nhiều tâm trí đẹp tới mức bây giờ cứ đi dạy triết học cho mọi người là tội lỗi. Ít nhất trong năm nghìn năm mọi người đã từng triết lí hoá. Và kết luận của họ đã là gì? Triết học đã chẳng đi tới kết luận nào cả. Nó làm mọi người lẫn lộn. Bertrand Russell đã viết trong hồi kí của mình rằng khi ông ấy còn trẻ và tới đại học, ông ấy có ý nghĩ rằng bằng nghiên cứu triết học ít nhất ông ấy cũng có khả năng giải quyết được vài vấn đề. Đến cuối cuộc đời mình - và ông ấy đã sống cuộc sống lâu, rất lâu, và chính cuộc đời triết học của việc suy nghĩ thường xuyên - đến cuối cuộc đời mình ông ấy nói, "Mọi thứ triết học đã làm là tạo ra nhiều vấn đề hơn. Nó đã không giải quyết được một vấn đề nào. Các vấn đề cũ của tôi đích xác là như chúng vẫn vậy. Các vấn đề mới chắc chắn đã nảy sinh từ suy nghĩ triết lí của tôi." Và đó là kinh nghiệm của mọi nhà tư tưởng, mọi triết gia. Triết học suy nghĩ về cái không biết, về Thượng đế, về cuộc sống sau cái chết. Bạn không biết cuộc sống là gì trước cái chết, và bạn nghĩ về cuộc sống sau cái chết.
Nhấn mạnh của tôi là, xin biết cuộc sống là gì trước cái chết, bởi vì nếu bạn có thể có kinh nghiệm về cuộc sống trước cái chết, cái chết sẽ biến mất trong chính kinh nghiệm đó. Cái chết bay hơi. Thế thì không có cái chết; cuộc sống là vĩnh hằng. Nhưng thay vì kinh nghiệm, các triết gia cứ suy nghĩ, và bạn phải phân biệt rõ ràng giữa suy nghĩ và kinh nghiệm. Người ta có thể nghĩ về thức ăn, nhưng điều đó sẽ không nuôi dưỡng cho người ta. Ăn là chuyện khác toàn bộ. Và bạn có thể nghĩ về những thức ăn rất ngon với đủ mọi chất vi ta min được thêm vào đó. Dầu vậy điều đó sẽ chẳng ích gì. Và chỉ bánh mì và bơ, nếu được ăn thực sự, sẽ làm ra bí quyết; chúng sẽ nuôi dưỡng bạn.
Triết gia nghĩ về yêu. Ông ấy không yêu, ông ấy không biết gì về yêu cả. Ông ấy đã không kinh nghiệm nó, nhưng ông ấy nghĩ về nó. Bạn có thể nghĩ gì về cái gì đó mà bạn không kinh nghiệm? Và cần gì nghĩ nếu bạn đã kinh nghiệm? Do đó tôi chống lại triết học. Theo cả hai cách nó đều vô tích sự. Nếu bạn đã không kinh nghiệm nó, nó là vô tích sự; nếu bạn đã kinh nghiệm nó, nó còn vô tích sự hơn bao giờ.
Mới gần đây một con khỉ hình người trốn khỏi vườn bách thú địa phương. Chắc đó phải là một triết gia rồi! Nhiều giờ sau con thú cuối cùng bị người ta tìm thấy trong phòng đọc của thư viện. Nó đang mải mê nghiên cứu các chương đầu của cuốn "Chúa sáng tạo ra thế giới" và nó cũng có một cuốn sách của Darwin Nguồn gốc các loài.
Khi cảnh sát hỏi con khỉ hình người đang làm gì, con khỉ đáp, "Tôi đang cố gắng hình dung ra một lần cho thoả đáng liệu tôi là người trông coi của anh tôi hay liệu tôi là anh của người trông coi tôi."
Đó là cách triết học tiếp diễn - toàn lời và lời. Và lời có thể được đặt theo cách hệ thống tới mức chúng có thể lừa bạn, cũng như con bài có thể được xếp lại theo cách chúng có thể cho bạn ảo tưởng về lâu đài. Thuyền giấy có thể được làm để trông đích xác như thuyền; bạn có thể vẽ chúng, nhưng chúng vô dụng. Bạn không thể đi sang bờ bên kia bằng thuyền giấy được. Triết học là lâu đài được làm bằng quân bài, thuyền làm bằng giấy. Được sơn vẽ đẹp, nó trông đích xác như thuyền nhưng không phải là thuyền. Ngoại trừ kinh nghiệm tồn tại chẳng cái gì sẽ cứu bạn đâu.
Hai người được phái đi xác định biên giới giữa Ba Lan và Nga. Một hôm, ở giữa khu rừng lớn, họ đi tới một ngôi nhà rất cổ đứng ngay trên đường biên. Không thể nào xác định được ngôi nhà phải thuộc vào nước nào, họ đi tới các cư dân. Sau khi rung chuông một lúc lâu một triết gia rất già nhưng nổi tiếng ra mở cửa. Họ giải thích khó khăn của họ và hỏi ông ấy muốn thuộc vào nước nào.
"Ồ," ông ấy nói, "tôi đã sống ở đây lâu thế tới giờ, tôi chẳng quan tâm chút nào," và ông ta bắt đầu đóng cửa lại.
Bỗng nhiên ông ấy mở cửa ra và nói nhanh, "Không, đợi đã, cho tôi vào Ba Lan."
Người Nga hơi bị tổn thương quay lại sau một giờ để hỏi triết gia già lí do ông ta có quyết định bất thần đó.
"Ồ, chẳng lí do gì đặc biệt cả," ông ta đáp. "Tôi đã đọc trong báo chí hai mươi năm trước rằng mùa đông ở Nga rất lạnh."
Triết học là sách vở, lời nói, chẳng có quan hệ gì với sự tồn tại cả. Nỗ lực của tôi ở đây là để giúp bạn đi vào sự tồn tại, và triết học là việc phí hoài cực kì cuộc sống và năng lượng - cuộc sống vô giá thế, năng lượng có thể đưa bạn tới Thượng đế, năng lượng thiêng liêng. Tránh triết lí ra, tránh các triết gia. Ngồi cùng người trí huệ đi, và họ là những người khác toàn bộ. Thời cổ đại triết gia là người trí huệ. Socrates là loại triết gia khác toàn bộ với Bertrand Russell, Immanuel Kant, Hegel, Heidegger. Socrates là người trí huệ, trí huệ như Phật. Pythagoras cũng được gọi là triết gia, nhưng vào thời đó từ triết học có nghĩa nguyên thuỷ của nó: tình yêu trí huệ. Sophy nghĩa là trí huệ, philo nghĩa là tình yêu. Nhưng dần dần, dần dần nghĩa đó đã thay đổi. Bây giờ điều được dạy trong các đại học chẳng liên quan gì tới trí huệ. Nó tất cả đều là tri thức rác rưởi.
Phân tích ngôn ngữ bây giờ được gọi là triết học. G.E. Moore và Ludwig Wittgenstein bây giờ được coi là các triết gia vĩ đại. Họ là nhà ngôn ngữ, nhà phân tích - những nhà ngôn ngữ lớn và nhà phân tích lớn, nhưng không phải là triết gia chút nào, không theo nghĩa của Socrates, Phật, Lão Tử.
George Bernard Shaw bị mệt lử bởi cuộc nói chuyện chán ngắt của một triết gia, người đang cố gắng gây ấn tượng cho ông ấy bằng tri thức của mình. Cuối cùng Shaw cắt lời, "Ông biết đấy, giữa hai chúng ta, chúng ta biết mọi cái có đó để cần được biết."
"Thế là thế nào?" triết gia này hỏi một cách vui mừng.
"Ông dường như biết mọi thứ," Shaw nói, "ngoại trừ mỗi điều ông là người chán lắm, và tôi biết điều đó!"
Câu hỏi thứ tư:
Thưa thầy kính yêu,
Sao tôi cảm thấy buồn về Nô en khi toàn thể thông điệp là hân hoan và vui vẻ?
Vachana, thông điệp của Christ là hân hoan và vui vẻ. Nhưng đó không phải là thông điệp của Ki tô giáo. Thông điệp của Ki tô giáo là: phải buồn, mặt dài ra, trông khổ; bạn càng trông khổ, bạn càng thánh thiện hơn. Đôi khi tôi thực sự cảm thông cho Jesus đáng thương. Ông ấy rơi vào toán người sai thế, và tôi tự hỏi làm sao ông ấy xoay xở được trong thiên đường với mọi thánh nhân Ki tô giáo này, buồn thế, đờ đẫn thế.
Ông ấy không phải là người đờ đẫn, ông ấy không phải là người buồn - ông ấy không thể thế được. Từ 'christ' đích xác đồng nghĩa với phật. Ông ấy là người đã chứng ngộ. Ông ấy hân hoan trong cuộc sống, trong những điều nhỏ bé của cuộc sống. Ông ấy hân hoan trong ăn, uống, bạn bè. Ông ấy thích bầu bạn, ông ấy yêu toàn thể cuộc sống.
Nhưng người Ki tô giáo trong nhiều thời đại đã vẽ ông ấy rất buồn. Họ đã vẽ ông ấy bao giờ cũng ở trên cây chữ thập, cứ dường như trong ba mươi ba năm ông ấy bao giờ cũng trên cây chữ thập. Và hiểu biết riêng của tôi là ở chỗ người như Jesus sẽ không chết buồn, ngay cả trên cây chữ thập. Ông ấy phải đã cười trước khi ông ấy chết. Đó là điều al-Hillaj Mansoor đã làm trước khi ông ấy bị những người Mô ha mét giáo cuồng tín giết, bởi vì ông ấy đã tuyên bố: Ana'l haq - Ta là Thượng đế. Người Mô ha mét giáo không thể nào tha thứ được điều đó, cũng như người Do Thái không thể tha thứ được Jesus. Họ đã giết ông ấy - nhưng trước khi họ giết ông ấy, ông ấy đã nhìn lên trời và cười to.
Một trăm nghìn người đã tụ tập để xem hiện tượng xấu xa này, việc giết hại một trong những người vĩ đại nhất đã từng bước đi trên trái đất. Ai đó hỏi từ đám đông, "al-Hillaj, sao ông cười vậy? Ông sắp bị giết rồi!" Và ông ấy đã bị giết theo cách tàn ác nhất, xẻo từng mảnh. Việc đóng đinh Jesus chưa là gì so với việc giết Mansoor: đầu tiên hai chân ông ấy bị chặt rời, rồi tay bị chặt rời, rồi mắt bị móc ra, rồi mũi bị xẻo đi, rồi lưỡi bị cắt, rồi đầu bị chặt. Họ hành hạ ông ấy nhiều nhất có thể được, nhưng ông ấy cười. Ai đó hỏi, "Sao ông cười?"
Mansoor nói, "Ta cười bởi vì người các ông đang giết là ai đó khác, ta không là người đó. Ta cười vào Thượng đế nữa. Điều gì đang xảy ra? - nhưng người này đã điên rồi sao? Họ đang giết ai đó khác! Ta thì các ông không thể giết được; điều đó là nực cười, toàn thể nỗ lực của các ông là nực cười. Cho nên để điều đó được ghi nhớ, để điều đó được ghi lại rằng ta đã cười vào cái ngu xuẩn của các ông!"
Và đó đích xác là điều Jesus phải đã làm, đã cười. Nhưng người Ki tô giáo đã cố gắng nhiều nhất để mô tả Jesus là người buồn. Họ đã tạo ra một thánh nhân từ con người đích thực; họ đã cắt gọt đi mọi thứ. Các sách phúc âm không phải là chuyện thực; nhiều thứ đã bị thay đổi, nhiều thứ đã bị rút bớt đi, nhiều thứ đã được thêm vào. Chúng đã trở thành hư cấu.
Trong nhiều thời đại, người Ki tô giáo đã từng cố gắng vẽ Christ ngày một buồn hơn. Tại sao? - bởi vì trên khắp thế giới tôn giáo đã bị chi phối bởi loại người thần kinh. Nó đã bị chi phối bởi những người tự bạo, những người bạo ác. Ở phương Đông cũng thế, Hindu giáo, Phật giáo, Jaina giáo - họ tất cả đều đã bị những người tự bạo chi phối, những người tận hưởng việc hành hạ bản thân mình, những người không có khả năng sống cuộc sống trong tính toàn bộ của nó.
Những người quá hèn nhát không dám sống, những kẻ đào tẩu, đã chi phối tôn giáo mãi cho tới giờ. Những kẻ đào tẩu này đã mô tả Phật không cười, Mahavira không cười.
Và người Ki tô giáo thực tế nói rằng Jesus chưa bao giờ cười trong cuộc đời ông ấy. Bạn có thể tin được điều đó không? Jesus chưa bao giờ cười trong cuộc đời? - và ông ấy đã tận hưởng uống và ăn, ông ấy đã tận hưởng đánh bạc và gái mãi dâm, và ông ấy đã tận hưởng đủ mọi loại người, và ông ấy chưa bao giờ cười sao? Bạn có thể tưởng tượng rằng một người như Jesus, người bao giờ cũng chè chén hàng giờ với bạn mình, không bao giờ cười sao? Điều đó không thể nào quan niệm nổi! Làm sao bạn có thể cứ uống rượu và ăn mà không cười? Ông ấy phải đã đùa, ông ấy phải đã kể chuyện cười. Những điều đó đã bị lược bỏ đi. Ông ấy đã là một người rất thật, và rất dũng cảm. Ông ấy đã chấp nhận Mary Magdalene, gái mãi dâm nổi tiếng vào thời đó làm đệ tử của mình. Điều đó cần dũng cảm, điều đó cần can đảm. Tôi không thể tin được rằng ông ấy chưa bao giờ cười.
Thay vì thế tôi có thể tin vào câu chuyện rất hư cấu về Zarathustra - rằng điều đầu tiên ông ấy làm khi ông ấy được sinh ra là cười to. Điều đó tôi có thể tin được, nhưng tôi không thể tin được câu chuyện này về Jesus, rằng ông ấy chưa bao giờ cười. Điều đó có vẻ không thể được. Đứa trẻ... ngay điều đầu tiên ông ấy làm là tiếng cười bụng. Nhưng tôi có thể tin được điều đó. Điều đó có cái đẹp nào đó về nó, ý nghĩa nào đó. Điều đó đơn giản nói rằng Zarathustra được sinh ra đã trí huệ, ông ấy được sinh ra đã chứng ngộ, có vậy thôi. Dù ông ấy có cười hay không, điều đó không phải là vấn đề.
Và điều đó dường như không quá khó: nếu đứa trẻ có thể khóc, sao chúng không thể cười? Các bác sĩ nói rằng trẻ con khóc chỉ để làm sạch họng chúng, để cho chúng có thể thở dễ dàng. Nhưng điều đó có thể được thực hiện theo cách tốt hơn nhiều bằng cái cười bụng. Và bây giờ có các bác sĩ nói rằng nếu được chăm sóc đủ thì trẻ con không khóc; ngược lại, chúng mỉm cười. Đó là việc bắt đầu tốt. Chẳng mấy chốc Zarathustras sẽ tới.
Nhưng mãi cho tới giờ các bác sĩ đều đã rất Ki tô giáo. Điều đầu tiên họ làm là treo lộn ngược đứa trẻ và đánh vào mông nó. Bạn có trông đợi đứa trẻ cười được không? Đây là đón chào vĩ đại của việc tới thế giới này, treo đứa trẻ lộn ngược, cho nó một cú đánh - sự bắt đầu hay nhỉ, bởi vì cả đời mình nó sẽ nhận cú đánh vào mông, lặp đi lặp lại. Và treo lộn ngược, làm sao nó có thể cười được? Chẳng ngạc nhiên mà nó khóc!
Bây giờ có vài bác sĩ đang làm việc theo chiều hướng khác. Họ cho đứa trẻ ra khỏi bụng người mẹ theo cách tự nhiên hơn; họ không cắt dây rốn ngay bởi vì điều đó tạo ra việc khóc, điều đó là bạo hành. Họ để đứa trẻ trên bụng người mẹ với dây rốn vẫn nguyên si. Họ cho đứa trẻ tắm, tắm nước nóng, họ để đứa trẻ trong bồn tắm đích xác theo cùng nhiệt độ như nó đã ở trong bụng người mẹ.
Trong bụng người mẹ đứa trẻ nổi trong nước. Nước có cùng chất liệu như nước biển, mặn. Trong dung dịch hoá chất cùng độ mặn, cùng nhiệt độ, đứa trẻ được đặt vào trong bồn. Nó bắt đầu mỉm cười. Đó là sự đón tiếp thực đẹp. Và không với ánh sáng chói của đèn ống... điều đó làm đau mắt đứa trẻ. Thực ra, nhiều người đeo kính chỉ bởi vì sự ngu xuẩn này của các bác sĩ. Đứa trẻ đã sống chín tháng trong bụng người mẹ, trong bóng tối, hoàn toàn tối. Thế rồi bỗng nhiên nhiều ánh sáng thế... điều đó làm đau đôi mắt tinh tế của nó. Bạn đã phá huỷ cái gì đó tinh tế trong mắt nó. Đứa trẻ nên được đón nhận trong ánh sáng rất mờ nhạt, và ánh sáng này nên tăng dần dần, từ từ để cho mắt nó trở nên quen với ánh sáng. Một cách tự nhiên đứa trẻ mỉm cười với việc tiếp đón hay đó.
Tôi có thể tin Zarathustra cười to, nhưng tôi không thể tin được Jesus không cười chút nào. Ông ấy đã sống ba mươi ba năm và không cười sao? - điều đó chỉ có thể nếu ông ấy tuyệt đối hư hỏng, tuyệt đối bệnh hoạn, ốm yếu. Cái gì đó phải đã sai nếu ông ấy không cười. Nhưng chẳng cái gì sai với ông ấy cả; cái gì đó sai với các tín đồ. Họ mô tả thánh nhân của họ, đấng cứu tinh của họ, nhà tiên tri của họ, là rất nghiêm trang, u tối, buồn bã, chỉ để chỉ ra rằng họ ở trên thế gian, rằng họ ở bên ngoài, rằng họ không phải là phàm nhân. Tiếng cười dường như nông cạn, dường như phi tâm linh.
Đó là lí do tại sao, Vachana này - bởi vì bạn đã được nuôi dưỡng lớn lên như một người Ki tô giáo. Mặc dầu thông điệp của lễ Nô en là hân hoan và vui vẻ, vẫn có cái buồn nào đó, bởi vì toàn thể Ki tô giáo dạy bạn buồn. Nó không phải là tôn giáo khẳng định cuộc sống, nó là tôn giáo phủ định cuộc sống. Nó còn phủ định cuộc sống nhiều hơn Hindu giáo, phủ định cuộc sống nhiều hơn Do Thái giáo. Nó không có cảm giác hài hước chút nào. Và một tôn giáo không có hài hước là ốm yếu, bệnh hoạn. Nó cần trị liệu tâm lí.
Peter, đứng trong đám đông, nhìn lên Jesus trên cây chữ thập. Khi ông ấy quan sát, ông ấy rõ ràng thấy Jesus ra hiệu cho ông ấy tiến lên trước.
"Xuỵt, này Peter, lại đây," Chúa nói.
Khi Peter tiến lên, hai lính La Mã cản đường ông ấy và đánh ông ấy ngã lăn ra đất.
Vài khoảnh khắc sau đó, Peter, thâm tím và chảy máu, nhìn lên và lại thấy Jesus ra hiệu cho ông ấy tiến lên.
"Xuỵt, này Peter, lại đây!"
Nhìn quanh, Peter để ý rằng đám đông đã đi mất và lính La Mã cũng vậy. Ông ta lại gần Jesus hơn, "Dạ, thưa Chúa, cái gì vậy? Ngài cần cái gì?"
"Này Peter," Jesus nói. "Đoán xem cái gì? Ta có thể thấy nhà ông từ đây!"
Câu hỏi thứ năm:
Thưa thầy kính yêu,
Tại sao chính phủ Ấn Độ chống lại thầy?
Vijayanand, bất kì chính phủ nào cũng sẽ vậy, bởi vì tôi nói trắng ra, và điều đó làm tổn thương. Điều đó chẳng liên quan đặc biệt gì với chính phủ Ấn Độ; bất kì chính phủ nào cũng làm vậy thôi. Thực ra, tôi đã chọn còn ở Ấn Độ bởi vì chính phủ Ấn Độ là chính phủ tệ nhất trên thế giới. Ở Đức họ sẽ không dung thứ tôi cho dù một ngày. Chính phủ Ấn Độ dường như hỗn độn tới mức ngay cả khi họ muốn làm cái gì đó chống lại tôi điều đó cũng phải mất vài tháng. Đến lúc đó tôi sẽ trốn mất. Chính phủ Ấn Độ là một hiện tượng...
Có ít nhất ba mươi vụ kiện tôi ở toà án. Trong toà án này chúng tôi bị thua vụ kiện, và quan chức chính phủ trong nhiều tháng dường không biết rằng chúng tôi đã thua. Họ nghĩ vụ kiện vẫn còn tiếp diễn. Đến lúc đó chúng tôi chuyển sang toà án khác. Nó thực sự là chính phủ hay, nhưng họ nhất định thỉnh thoảng giận tôi.
Cơ hội là cuộc viếng thăm của nhà lãnh đạo Xô viết, Nikita Khrushchev, tới Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ muốn gây ấn tượng cho vị khách của mình bằng những tiến bộ lớn mà Ấn Độ đã làm dưới quyền lãnh đạo của ông ấy đi theo các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và dân chủ.
Họ lái xe qua một công viên lớn bao quanh toà nghị viện Ấn Độ ở Delhi, và Khrushchev bắt gặp cảnh tượng một hình người đang ngồi xổm ỉa dưới gốc cây. "Nhìn kìa!" Khrushchev vừa nói vừa chỉ vào hình người đó. "Ông nói về những tiến bộ lớn lao nước ông đã làm, nhưng tôi thấy chính phủ của ông thậm chí đã không cung cấp được tiện nghi nhà xí thích hợp cho quần chúng! Ông gọi điều này là tiến bộ xã hội kiểu gì vậy?"
Người ta nói rằng Nehru ngượng lắm bởi nhận xét này.
Năm sau đến lượt Nehru làm khách của Khrushchev ở Moscow. Ông ấy khao khát ghi điểm và tìm cách phê bình nào đó để chế nhạo chủ nhà. Khi hai nhà lãnh đạo bước qua công viên gần điện Kremlin, ông Nehru bắt gặp cảnh tượng một người. "Nhìn kia kìa!" Nehru kêu lên. Khrushchev nhìn... và khi ông ấy thấy người này, khuôn mặt ông ta thành đỏ tía tai với cơn thịnh nộ.
"Bắt ngay người kia!" ông ta la hét với nhân viên mật của mình.
Một tá cảnh sát chạy xô lại chiếc cây đó và bắt người này. Họ lôi người đó tới trung tâm cảnh sát gần nhất để thẩm vấn.
Người này - lại hoá ra - là viên đại sứ Ấn Độ!
Câu hỏi cuối cùng:
Thưa thầy kính yêu,
Tôi bây giờ bẩy mươi rồi, nhưng dầu vậy thôi thúc dục vẫn có đó. Tôi phải làm gì?
Narayandas, bạn không nên làm gì cả. Thế là đủ rồi. Mới hôm trước tôi đã nhận được từ Madhuri vĩ đại một tấm thiếp Nô en đẹp, nhưng tấm này là đẹp nhất. Và đặc biệt với bạn đấy, Narayandas, nó sẽ có ích. Cho nên tôi sẽ đọc tấm thiếp này của Madhuri. Từ hai mươi tới ba mươi, nếu bạn cảm thấy đúng Thì một vào sáng và một vào đêm.
Từ ba mươi tới bốn mươi, nếu bạn vẫn sống đúng, Bạn bỏ sáng nhưng tiếp tục ban đêm!
Từ bốn mươi tới năm mươi, nó là thỉnh thoảng...
Và từ năm mươi tới sáu mươi, Thượng đế mới biết khi nào!
Từ sáu mươi trở đi, nếu bạn vẫn có ý thích, Tin tôi đi, anh bạn -
Nó tất cả trong tâm trí bạn!
Chúc Giáng sinh hạnh phúc!
Đủ cho hôm nay.

Ads Belove Post