Chương 1. Tri thức không phải là tri thức

Chương 1. Tri thức không phải là tri thức

Price:

Read more

Osho - Dhammapada: Con đường của Phật (Tập 3)
Chương 1. Tri thức không phải là tri thức

Powered by RedCircle




Người trí huệ bảo ông
Chỗ ông đã sa ngã
Và chỗ ông có thể sa ngã - Những bí mật vô giá!
Theo người đó, theo con đường.
Để người đó uốn nắn và dạy ông
Và giữ ông khỏi điều nguy hại.
Thế giới có thể ghét người đó
Nhưng người tốt yêu người đó.
Đừng tìm bạn xấu
Hay sống với người không quan tâm. Tìm bạn yêu chân lí.
Uống sâu sắc.
Sống trong thanh thản và vui vẻ. Người trí huệ vui thích trong chân lí
Và theo luật của người thức tỉnh.
Nhà nông dẫn nước vào đất. Cung thủ chuốt mũi tên.
Và thợ mộc tiện gỗ.
Cho nên người trí huệ hướng tâm trí mình.
Gió không thể lay được núi.
Khen ngợi chê bai không động lòng người trí huệ.
Người đó sáng tỏ. Nghe thấy chân lí,
Người đó như cái hồ,
Thuần khiết, tĩnh lặng và sâu thẳm.

Tri thức không phải là tri thức. Nó có hình tướng là tri thức thôi, do đó nó lừa dối nhiều người. Tri thức chỉ là thông tin. Nó không biến đổi bạn; bạn vẫn còn như cũ. Việc tích luỹ thông tin của bạn cứ tăng lên. Thay vì giải thoát bạn, nó đè nặng bạn, nó cứ tạo ra những tù túng mới cho bạn.
Cái gọi là con người của tri thức còn ngu xuẩn hơn cái gọi là người ngu nhiều lắm, vì người ngu ít nhất vẫn là hồn nhiên. Người đó dốt nát, nhưng người đó không giả vờ biết - sự thực chừng đó là của người ấy. Nhưng con người của tri thức là đống lộn xộn lớn hơn nhiều: người đó chẳng biết gì nhưng người đó tưởng mình biết. Không biết mà cứ tin rằng mình biết là vẫn còn bị bắt rễ vào dốt nát vĩnh viễn.
Tri thức là cách để dốt nát tự bảo vệ nó - và nó tự bảo vệ bản thân nó rất tinh ranh, rất hiệu quả, rất láu lỉnh. Tri thức là kẻ thù mặc dầu nó có vẻ như là người bạn.
Đây là bước thứ nhất hướng tới trí huệ: biết rằng bạn không biết, biết rằng mọi tri thức đều là vay mượn, biết rằng nó đã không xảy ra cho bạn, nó đã tới từ người khác, rằng nó không phải là sáng suốt riêng của bạn, việc nhận ra riêng của bạn. Khoảnh khắc tri thức là việc nhận ra riêng của bạn, nó là trí huệ.
Trí huệ nghĩa là bạn không là con vẹt, nghĩa là bạn là con người, nghĩa là bạn không lặp lại người khác mà diễn đạt bản thân mình, nghĩa là bạn không là bản sao, nghĩa là bạn có khuôn mặt nguyên thuỷ của riêng mình.
Tri thức làm bạn thành bản sao, và là bản sao là điều xấu nhất trên thế giới. Đó là thảm hoạ lớn lao nhất có thể xảy ra cho một người - bởi vì không biết, vậy mà cứ tin rằng mình biết, bạn bao giờ cũng sẽ vẫn còn dốt nát và trong bóng tối. Và bất kì điều gì bạn làm đều sẽ sai. Bạn có thể có khả năng thuyết phục ngay cả người khác rằng bạn biết, bạn có thể có khả năng làm mạnh cho bản ngã của mình, bạn có thể trở thành rất nổi tiếng, bạn có thể nổi tiếng như một học giả lớn, một nhà bác học, nhưng sâu bên dưới chẳng có gì ngoài bóng tối. Sâu bên dưới bạn vẫn chưa đương đầu với bản thân mình, bạn vẫn chưa đi vào trong ngôi đền của bản thể mình.
Người dốt nát ở tình thế tốt hơn nhiều. Ít nhất người đó không có việc giả vờ, ít nhất người đó không lừa người khác và bản thân mình. Và người dốt nát có cái đẹp - cái đẹp của sự đơn giản, cái đẹp của sự không phức tạp. Biết rằng "Tôi không biết" lập tức đem lại sự giảm nhẹ lớn lao. Biết, kinh nghiệm việc người ta dốt nát hoàn toàn, trút đầy người ta ngạc nhiên lớn lao - sự tồn tại được biến đổi thành bí ẩn.
Và đó là điều Thượng đế tất cả là gì. Biết vũ trụ như phép màu, như bí ẩn, như cái gì đó không thể tin được, như cái gì đó không thể nào xuyên thấu được - như cái gì đó mà trước nó bạn chỉ có thể cúi mình trong niềm biết ơn sâu sắc, bạn chỉ có thể buông xuôi trong kính nể - là bắt đầu của trí huệ.
Socrates là đúng khi ông ấy nói: tôi chỉ biết một điều thôi - là tôi không biết gì cả.
Trí huệ không phải là thông thái. Trí huệ nghĩa là nhận ra cái gì đó của tâm thức của bạn - trước hết là bên trong rồi đến bên ngoài; cảm thấy nhịp đập của cuộc sống bên trong bạn và rồi bên ngoài bạn. Để kinh nghiệm tâm thức bí ẩn này mà bạn đang là, trước hết người ta phải kinh nghiệm nó ở cốt lõi bên trong nhất của bản thể mình, bởi vì đó là cánh cửa gần gũi nhất với Thượng đế.
Một khi bạn đã biết nó ở bên trong, không khó để biết nó ở bên ngoài. Nhưng nhớ: người trí huệ không bao giờ tích luỹ tri thức - trí huệ của người đó là tự phát. Tri thức bao giờ cũng thuộc về quá khứ, trí huệ thuộc về hiện tại. Nhớ lấy phân biệt này. Chừng nào bạn còn chưa hiểu khác biệt rất rõ ràng giữa tri thức và trí huệ, bạn sẽ không có khả năng hiểu được những lời kinh này của Phật Gautama. Và chúng là cực kì quan trọng.
Tri thức tới từ quá khứ, từ người khác, từ kinh sách. Và Phật đã nói: Việc truyền chân lí của ta là bên ngoài kinh sách. Điều ta nói, điều ta truyền đạt, điều ta giao cảm, không được viết ra ở đâu cả, chưa từng được nói ra ở đâu cả - thực ra, không thể được nói ra chút nào, không thể được viết ra chút nào. Nó được truyền trong im lặng sâu sắc giữa thầy và đệ tử: nó là chuyện tình. Trí huệ mang tính lây nhiễm. Nó không được dạy, nhớ lấy; bạn có thể đón nhận nó nhưng nó không thể được trao cho bạn. Bạn có thể cởi mở và mong manh với nó, bạn có thể ở trong trạng thái đón chào thường xuyên, và đó là cách đệ tử ngồi cạnh thầy - sẵn sàng uống, sẵn sàng cho phép thầy thấm vào chính trái tim của mình. Ban đầu điều đó là đau đớn, bởi vì tâm thức thầy thấm vào bạn như mũi tên sắc bén - chỉ thế thì nó mới có thể đạt tới chính cốt lõi của bạn. Nó gây đau.
Tri thức thoả mãn cho bản ngã; trí huệ phá huỷ bản ngã hoàn toàn; do đó mọi người đều tìm kiếm tri thức. Rất hiếm khi tìm ra một người không quan tâm tới tri thức mà quan tâm tới, cam kết với, trí huệ. Tri thức nghĩa là lí thuyết về chân lí; trí huệ nghĩa là bản thân chân lí. Tri thức nghĩa là cái gián tiếp; trí huệ nghĩa là cái trực tiếp. Tri thức nghĩa là niềm tin: người khác nói và bạn tin. Và mọi niềm tin đều là giả! Không niềm tin nào là thật cả. Cho dù bạn tin vào lời của vị phật, khoảnh khắc bạn tin thì nó biến thành lời dối trá.
Chân lí không thể được tin; hoặc bạn biết hoặc bạn không biết. Nếu bạn biết, không có vấn đề về niềm tin; nếu bạn không biết, lại không có vấn đề về niềm tin. Nếu bạn biết, bạn biết; nếu bạn không biết, bạn không biết. Niềm tin là phóng chiếu của tâm trí thủ đoạn - nó cho bạn cảm giác về biết, mà lại không biết. Người Hindu, người Mô ha mét giáo, người Ki tô giáo, người Do Thái, người Jaina, Phật tử - họ tất cả đều tin.
Tin tưởng là rẻ, nó là rất dễ dàng - chẳng cái gì bị lâm nguy cả. Bạn có thể dễ dàng tin vào Thượng đế, bạn có thể dễ dàng tin vào bất tử của linh hồn, bạn có thể dễ dàng tin vào lí thuyết đầu thai. Thực ra, chúng vẫn chỉ trên bề mặt; sâu bên dưới bạn không bị ảnh hưởng bởi chúng, không chút nào. Khi cái chết gõ cửa, bạn sẽ biết những niềm tin của bạn tất cả đều đã biến mất. Niềm tin vào tính bất tử của linh hồn sẽ không giúp gì cho bạn khi cái chết sẽ gõ vào cửa - bạn sẽ kêu khóc và bạn sẽ níu bám vào cuộc sống. Khi cái chết tới bạn sẽ quên tất cả về Thượng đế; khi cái chết tới bạn sẽ không có khả năng nhớ tới lí thuyết này - và những ngụ ý phức tạp của nó - về đầu thai. Khi cái chết gõ cửa bạn, nó đánh sập mọi cấu trúc tri thức bạn đã xây dựng quanh bản thân mình - nó bỏ lại bạn tuyệt đối trống rỗng... và với nhận biết rằng toàn thể cuộc sống đã là phí hoài.
Trí huệ là hiện tượng hoàn toàn khác: nó là kinh nghiệm, không phải là niềm tin. Nó là kinh nghiệm tồn tại, nó không phải là "về". Bạn không tin vào Thượng đế - bạn biết. Bạn không tin vào tính bất tử của linh hồn - bạn đã nếm trải nó. Bạn không tin vào đầu thai - bạn nhớ nó; bạn nhớ rằng bạn đã từng ở đây nhiều lần rồi. Và nếu điều này đã là như vậy trong quá khứ, điều này sẽ là như vậy trong tương lai. Bạn nhớ bạn đã từng ở trong nhiều thân thể: bạn đã là tảng đá, bạn đã là cây, bạn đã là con vật, chim chóc, bạn đã là đàn ông, đàn bà... bạn đã sống trong biết bao nhiêu hình dạng. Bạn thấy hình dạng thay đổi nhưng tâm thức bên trong vẫn còn là một; cho nên bạn chỉ thấy những thay đổi bề ngoài còn điều bản chất là vĩnh hằng.
Đây là việc thấy, không phải là việc tin. Và mọi thầy thực đều quan tâm giúp bạn thấy, không tin. Tin, bạn trở thành người Ki tô giáo, người Hindu, người Mô ha mét giáo. Niềm tin là nghề nghiệp của tu sĩ.
Thầy trước hết phải phá huỷ mọi niềm tin của bạn - hữu thần, vô thần, Cơ đốc giáo, cộng sản. Thầy phải triệt phá mọi cấu trúc của niềm tin để cho bạn được bỏ lại như đứa trẻ nhỏ - hồn nhiên, cởi mở, sẵn sàng truy tìm, sẵn sàng lao vào cuộc phiêu lưu của chân lí.
Trí huệ nảy sinh bên trong bạn, nó không phải là kinh sách. Bạn bắt đầu đọc tâm thức riêng của mình - và tại đó có ẩn giấu tất cả Kinh Thánh và tất cả kinh Gita và tất cả Dhammapada.
Một học giả lớn có lần mua một con vẹt. Khi ông ta đem nó về nhà, ông ta bảo nó, "Tao sẽ dạy mày nói."
"Đừng bận tâm," con chim trả lời. "Tôi đã có thể nói được rồi."
Ông ta sững sờ tới mức phải đem nó tới trường đại học. "Trông đây! Tôi mới có được một con vẹt biết nói kì diệu ở đây..." Nhưng con vẹt không nói, cho dù học giả này cứ khăng khăng rằng nó có thể nói được.
Mọi người cá cược với ông ta mười ăn một rằng nó không thể nói được, và ông ta thua vụ cá cược này. Chẳng cái gì dụ dỗ được con vẹt nói. Trên đường về nhà, theo sau bởi lời chế nhạo của bạn bè, người này tát cho con vẹt một cái và nói, "Mày ngu lắm - nhìn vào số tiền mày làm tao mất đây này!"
"Chính ông mới ngu," con vẹt nói. "đem tôi trở lại đại học đó ngày mai và ông cá một trăm ăn một và sẽ được!"
Vâng, vẹt còn thông minh hơn nhiều so với các giáo sư của bạn. Vẹt có sáng suốt hơn các học giả, bác học, viện sĩ của bạn. Nếu bạn muốn biết những kẻ ngu thực sự bạn sẽ phải tới thăm đại học - đủ mọi loại kẻ giả vờ, nói năng lắp bắp. Không biết mình đang thực sự làm cái gì, nhưng họ cứ làm mọi thứ. Không biết điều mình dạy, nhưng họ đều là thầy giáo; họ cứ viết ra những chuyên luận lớn lao.
Mulla Nasruddin có một tấm biển tên ở nhà mình. Mọi người đều ngạc nhiên về bằng cấp mà anh ta đã ghi lên tấm biển tên đó. Trên tấm biển tên anh ta đã viết: Mulla Nasruddin, B.S., M.S., Ph.D. Mọi người đều thấy tò mò! Cuối cùng hàng xóm tụ tập lại và họ nói, "Nasruddin, như chúng tôi được biết anh chưa bao giờ tới bất kì đại học nào. Nói gì về bất kì đại học nào? - anh chưa bao giờ tới trường học nào. Thực ra, anh không thể đọc và anh không thể viết được! Anh lấy đâu ra những bằng cấp này?"
Anh ta nói, "Các bác có biết những bằng cấp này nghĩa là gì không? B.S. là dạng viết tắt đấy."
"Viết tắt cho cái gì?" họ hỏi.
Anh ta nói, "Cứ nghĩ về nó mà xem...!" Thế rồi họ hiểu ra. "B.S. là dạng viết tắt của cái gì đó không thể nhắc tới được," anh ta nói. "Còn M.S. nghĩa là 'còn hơn cái cũ.' Và Ph.D. nghĩa là..."
Nghĩ về nó, suy tư về nó đi. Bạn có thể suy diễn ra Ph.D. nghĩa là gì? Bạn nhớ B.S., nghĩa của nó, bạn nhớ M.S., còn hơn cái cũ, và thế rồi Ph.D. là gì? Tôi để nó lại cho bạn đấy! Nếu bạn suy nghĩ bạn sẽ tìm ra, và điều đó sẽ làm cho bạn khôn hơn chút ít. Nếu bạn không thể tìm ra được nó, ngày mai bạn có thể hỏi trong các câu hỏi!
Theo vô thần trong hơn năm mươi năm, các nhà khoa học ở Nga bắt đầu tò mò về tôn giáo có thể là gì. Một nhóm trong họ lấy cuốn sách những trích dẫn thiêng liêng và quyết định giải mã nó bằng máy tính tương tự. Họ mở cuốn sách ra và lấy câu đầu tiên họ thấy, gõ nó trên bàn phím. Câu đó là: "Linh hồn sẵn lòng, nhưng xác thịt yếu." Họ chen chúc quanh bản in ra khi các từ bắt đầu xuất hiện.
Khi họ đọc thông điệp này kinh ngạc của họ tăng lên: "Rượu vodka sẵn sàng, nhưng thịt bị ôi."
"Không có gì ngạc nhiên cả, các tôn giáo vẫn thường làm hoang mang mọi người," họ thì thầm lẫn nhau.
Thế rồi một người trong họ có một ý tưởng. Anh ta gõ tiêu đề cuốn sách, Chuyện vặt không được xem, vào bộ giải mã. Lời dịch lòi ra: "Món bánh tráng miệng bị bỏ quên."
"Các ông thấy đấy!" anh ta kêu lên. "Các ông đã lấy sách nhầm rồi - đây là một cuốn về việc lạm dụng nấu nướng."
Họ vẫn đang tìm văn bản tôn giáo đích thực. Tâm trí của người thông thái giống như máy tính. Người đó cứ diễn giải mọi thứ mà chẳng biết đích xác mình đang làm gì; người đó không đủ ý thức để làm điều đó... Nhưng tôi không thể tiếp tục thêm được nữa bởi vì tôi thấy các bạn tất cả đều đang nghĩ về Ph.D.! Ph.D. nghĩa là "chất đống cao và sâu" - bây giờ được chấm dứt với nó đi để chúng ta có thể đi xa hơn...
Phật nói:
Người trí huệ bảo ông Chỗ ông đã sa ngã
Và chỗ ông có thể sa ngã - Những bí mật vô giá!
Theo người đó, theo con đường.
Người trí huệ bảo ông chỗ ông đã ngã... Bài học đầu tiên trong trường phái huyền bí là sa ngã nguyên thuỷ của con người. Nó chẳng liên quan gì tới Adam và Eve và sa ngã nguyên thuỷ của họ. Câu chuyện đó đơn giản là chuyện ngụ ngôn được cô đọng lại về toàn thể nhân loại. Từng đứa trẻ đều sa ngã theo cùng cách đó. Đó không phải là cái gì đã xảy ra trong quá khứ, vào những ngày xưa của kinh thánh; nó không phải là cái gì đã xảy ra trong vườn Địa đàng. Đó là cách diễn đạt thơ ca. Nó xảy ra bất kì khi nào đứa trẻ được sinh ra. Nó xảy ra lặp đi lặp lại mãi. Nó xảy ra mọi ngày.
Câu chuyện ngụ ngôn này là ở chỗ Thượng đế đã cấm Adam và Eve không được ăn quả cây tri thức. Đó là một trong những chuyện ngụ ngôn hay nhất đã từng được các bậc thầy sáng tạo ra, bởi những người biết thực sự - không được ăn quả từ cây tri thức. Và các đại học của bạn là gì? - cây tri thức đấy. Và giáo dục của bạn là gì? - cây tri thức đấy.
Thượng đế đã cấm họ không được ăn từ nó, để cho bạn có thể vẫn cứ còn hồn nhiên, bởi vì chỉ trái tim hồn nhiên mới có thể biết. Khoảnh khắc bạn trở nên tràn đầy tri thức, việc biết dừng lại. Thực ra, bạn đã tìm thấy cái thay thế cho việc biết - tri thức của bạn trở thành cái thay thế. Thế thì không cần phải biết! Bạn cứ níu bám lấy tri thức và nó cứ đem thoả mãn cho bản ngã của bạn.
Nhưng khoảnh khắc Adam và Eve ăn từ cây tri thức, họ đã sa ngã - họ đã sa ngã khỏi hồn nhiên nguyên thuỷ của họ, họ đã sa ngã khỏi cuộc sống trẻ thơ của họ. Trước đó đã có thơ ca trong cuộc sống của họ, trước đó đã có cái đẹp trong cuộc sống của họ, trước đó đã có cực lạc trong cuộc sống của họ - trước đó đã có ngạc nhiên và kính nể. Trước đó từng và mọi thứ đều phi thường, bởi vì toàn thể sự tồn tại tràn đầy bí ẩn; họ được bao quanh bởi vũ trụ bí ẩn. Cầu vồng và mặt trời và mặt trăng và các vì sao... mọi cái đó không thể nào tin nổi. Họ đã trong ngạc nhiên thường xuyên.
Khoảnh khắc họ trở nên thông thái, mọi cái ngạc nhiên đó biến mất. Tri thức giết chết ngạc nhiên, và trong khi giết chết ngạc nhiên nó phá huỷ luôn tinh thần của bạn về việc biết, việc truy tìm. Tri thức hoá giải huyền bí của vũ trụ - và vũ trụ bị hoá giải huyền bí là vũ trụ không có Thượng đế. Một vũ trụ bị hoá giải huyền bí là vũ trụ không thơ ca, không tình yêu, không âm nhạc. Thế thì âm thanh của giọt mưa không đi tới trái tim bạn như thông điệp từ bờ bên kia. Thế thì gió luồn qua lá thông không làm cho bạn xúc động, và hương thơm của hoa không tạo ra thơ ca trong bạn. Mầu sắc của bướm bị bỏ qua. Cầu vồng vẫn còn không được thấy. Bạn trở nên bị quá gắn bó với những thứ rất trần tục: tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Bạn trở nên xấu bởi vì toàn thể sự tồn tại của bạn trở thành bình thường; nó mất tính thiêng liêng, nó trở thành thế tục. Bạn biến ngôi đền của Thượng đế thành bãi chợ.
Đó là sa ngã nguyên thuỷ - nhưng điều đó xảy ra mọi ngày, nhớ lấy. Đừng tin vào những người Ki tô giáo nói rằng điều đó đã xảy ra mỗi một lần thôi - nó xảy ra cho từng đứa trẻ. Khoảnh khắc bạn bắt đầu cho đứa trẻ vào cuộc hành trình trở nên thông thái, bạn đang giúp cho nó lại hướng tới sa ngã nguyên thuỷ.
Chức năng của người trí huệ là bảo bạn nơi bạn đã sa ngã. Bạn đã sa ngã bởi vì tri thức; đó là sa ngã nguyên thuỷ. Bạn có thể vươn dậy trở lại những khoảnh khắc sáng tỏ, hồn nhiên đó; bạn có thể đi vào trong thiên đường lần nữa - nhưng bạn sẽ phải từ bỏ tri thức.
Có những người từ bỏ thế giới nhưng họ không từ bỏ tri thức của họ; có những người đi lên núi, người từ bỏ bãi chợ, nhưng họ mang tâm trí theo cùng họ - và tâm trí là bãi chợ. Bãi chợ tồn tại trong tâm trí! Nó không tồn tại ở đâu khác cả. Họ có thể đi lên Himalayas, họ có thể ngồi trong những hang động im lặng đẹp đẽ, nhưng tâm trí họ cứ đi đi lại lại trong cùng hình mẫu cũ.
Người đã đi lên các hang động ở Himalayas vẫn còn là người Ki tô giáo, Phật tử, người Hindu giáo. Bây giờ, là người Hindu là vẫn còn bị gắn bó với tri thức nào đó mà đã từng được trao cho bạn - đó là một trong những cách sa ngã. Là người Mô ha mét giáo là một cách sa ngã khác, là người Ki tô giáo lại vẫn là một cách sa ngã khác.
Ki tô giáo là một loại nào đó của tri thức, Hindu giáo cũng vậy, và ba trăm tôn giáo khác trên trái đất này cũng vậy. Họ tất cả đều nói biết, họ tất cả đều nói kinh sách của họ là thiêng liêng, do đích thân Thượng đế viết ra - và chỉ kinh sách của họ mới thiêng liêng thôi còn mọi kinh sách khác là giả.
Phật nói kinh sách như vậy là giả, tri thức như vậy là giả. Jesus đúng, nhưng Ki tô giáo không đúng. Mahavira đúng,  nhưng  Jaina  giáo  không  đúng.  Với Mahavira có việc biết; Jaina giáo là tri thức. Tri thức là sa ngã của việc biết. Việc biết mang tính cá nhân: tri thức là hàng hoá, hiện tượng xã hội - bạn có thể bán và mua nó, nó có sẵn trong thư viện, trong các đại học. Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ có khả năng mang máy tính bỏ túi nhỏ xíu theo mình; bạn sẽ không cần phải trải qua đủ mọi loại hành hạ của các trường phổ thông và cao đẳng và đại học. Bạn có thể có chiếc máy tính nhỏ đầy mọi tri thức sẵn có trên thế giới. Chiếc máy tính nhỏ có thể chứa mọi thư viện trên thế giới và bao giờ cũng sẵn phục vụ bạn: chỉ ấn nút một cái và bất kì cái gì bạn muốn biết máy tính sẽ nói cho bạn ngay.
Đó là điều tâm trí bạn đã từng làm trong quá khứ; bây giờ máy móc có thể làm điều đó theo cách tốt hơn nhiều. Tâm trí bạn không là gì ngoài cái máy, nó là cái máy tính sinh học. Nhớ lấy, nó không phải là linh hồn của bạn; nhớ lấy, nó không phải là tâm thức của bạn; nhớ lấy, nó không phải là thực tại của bạn, không là tính cá nhân đích thực của bạn. Nó là sản phẩm phụ của xã hội.
Nếu bạn được sinh ra trong một gia đình Hindu bạn đạt tới tri thức Hindu, và nó chắc chắn khác với tri thức Ki tô giáo. Nếu bạn được sinh ra ở Nga bạn sẽ có tri thức cộng sản - Tư bản luận và Cương lĩnh cộng sản, Marx, Engels, Lenin: ba ngôi không linh thiêng. Nếu bạn được sinh ra ở Trung Quốc bạn sẽ có sách đỏ của Mao Trạch Đông - đó là Kinh Thánh. Bây giờ toàn thể Trung Quốc đang được nuôi dưỡng bằng những phát biểu ngu xuẩn của Mao Trạch Đông. Ông ấy không phải là người trí huệ, ông ấy không chứng ngộ. Ông ấy thậm chí không biết tới bản thân mình - ông ấy biết cách mạng nào? ông ấy biết nổi dậy nào? - bởi vì ngay cuộc nổi dậy đầu tiên, cuộc nổi dậy cơ bản, đã không xảy ra.
Nổi dậy cơ bản, cách mạng cơ bản, bao gồm việc vứt bỏ tri thức để cho bạn có thể lại đi vào trong vườn Địa đàng.
Người trí huệ bảo ông chỗ ông sa ngã và chỗ ông có thể sa ngã... Người đó không chỉ nói cho bạn về quá khứ, nơi bạn cứ ngã đi ngã lại mãi, người đó làm cho bạn nhận biết về tương lai nữa. Có nhiều cạm bẫy, bạn có thể đi lạc bất kì lúc nào.
Chẳng hạn, tôi nói với bạn rằng mọi tri thức đều ngu xuẩn, rằng bạn không cần níu bám vào Kinh Thánh hay vào Veda hay vào Koran. Bạn yêu tôi, bạn tin cậy tôi - bạn có thể vứt bỏ việc níu bám của bạn vào Koran, vào Kinh Thánh, vào Gita, nhưng bạn có thể bắt đầu níu bám vào phát biểu của tôi, bạn có thể bắt đầu làm ra Kinh Thánh từ ý tưởng của tôi. Bạn lại rơi vào cùng cái bẫy; bạn quay lại, từ cửa sau. Bạn lại vẫn là con người cũ. Bây giờ bạn không có Kinh Thánh nhưng bây giờ bạn có tôi.
Người trí huệ bảo ông... chỗ ông có thể sa ngã.
Phát biểu cuối cùng của Phật Gautama cho các đệ tử là: Là ánh sáng lên bản thân mình đi. Họ đã kêu khóc, một cách tự nhiên - thầy đã ra đi và họ đã sống với thầy gần bốn mươi năm; vài đệ tử già hơn đã sống với thầy toàn thể thời gian. Bốn mươi năm này của vui vẻ vô biên, của kinh nghiệm lớn lao. Bốn mươi năm này đã là thời gian đẹp nhất có thể có, có thể có về mặt con người. Bốn mươi năm này đã là những ngày của thiên đường trên thế gian. Và bây giờ thầy ra đi! Điều đó là tự nhiên, họ bắt đầu kêu và khóc.
Phật mở mắt ra và nói, "Thôi đừng kêu khóc nữa!
Các ông vẫn chưa nghe ta sao? Sao các ông khóc?"
Đại đệ tử của ông ấy, Ananda, nói, "Bởi vì thầy sắp ra đi, bởi vì ánh sáng của chúng tôi đang ra đi. Chúng tôi thấy, chúng tôi cảm thấy bóng tối đang trùm lên mình. Tôi vẫn chưa trở nên chứng ngộ và thầy ra đi. Nếu tôi không thể chứng ngộ được khi thầy còn sống, phỏng có hi vọng gì cho tôi bây giờ khi thầy sẽ mất đi? Tôi thực là thất vọng lắm, nỗi khổ của tôi không thể tính được, tôi đã phí hoài bốn mươi năm này. Tôi đã theo thầy như cái bóng, được ở cùng thầy là điều cực kì đẹp đẽ, nhưng bây giờ thầy sắp ra đi rồi. Điều gì sẽ xảy ra cho chúng tôi?"
Phật nói, "Ông khóc bởi vì ông chưa nghe ta. Ta đã nói đi nói lại với ông mãi: Đừng tin vào ta - nhưng ông đã không nghe. Bởi vì ông đã tin vào ta, và bây giờ ta sắp chết, toàn thể cấu trúc của ông đang sụp đổ tan tành. Giá mà ông nghe ta, giá mà ông đã tạo ra ánh sáng lên bản thể mình thay vì trở nên thông thái qua ta, nếu ông đã kinh nghiệm cái ta riêng của ông, đã không cần phải khóc.
"Nhìn Manjushree kìa!" ông ấy nói - Manjushree là đệ tử khác của Phật, một trong những đệ tử vĩ đại nhất. Ông ấy đang ngồi dưới gốc cây gần đó, với mắt nhắm, chân thành, yên tĩnh, hoàn toàn phúc lạc tới mức Phật nói, "Nhìn Manjushree kìa! Tới và hỏi ông ấy sao ông ấy không khóc."
Họ hỏi Manjushree. Ông ấy cười và nói, "Có lí do gì để mà khóc? Phật đã giúp tôi biết ánh sáng riêng của tôi. Tôi cám ơn, tôi biết ơn, nhưng không có bóng tối trùm xuống. Và làm sao Phật có thể chết được? Tôi biết tôi không thể chết được - làm sao Phật chết được? Ông ấy sẽ vẫn ở đây. Cũng như sông biến mất trong đại dương ông ấy sẽ biến mất vào vũ trụ. Nhưng ông ấy sẽ ở đây! Ông ấy sẽ lan toả khắp trong vũ trụ. Điều đó sẽ là cái gì đó cực kì đẹp đẽ. Phật đã bị giới hạn trong thân thể nhỏ; bây giờ hương thơm của ông ấy sẽ thoát ra, ông ấy sẽ thấm đẫm toàn thể sự tồn tại. Tôi cực kì hạnh phúc rằng bây giờ Phật sẽ lan toả khắp không gian. Tôi sẽ có khả năng thấy ông ấy lên trong mặt trời và tôi sẽ có khả năng thấy ông ấy bay trong chim và tôi sẽ có khả năng thấy ông ấy trong sóng đại dương... và tôi sẽ có khả năng thấy ông ấy ở mọi nơi.
"Ông ấy đơn giản rời bỏ thân thể mình. Nó đã là sự giam hãm. Và làm sao tôi biết điều đó? Tôi biết điều đó bởi vì tôi đã biết linh hồn riêng của tôi. Tôi đã nghe ông ấy còn các ông đã không nghe ông ấy - đó là lí do tại sao các ông khóc."
Phật nói, "Để ta nhắc lại lần nữa: Appa dipo bhava - là ánh sáng lên bản thân mình." Thế rồi ông ấy nhắm mắt và biến mất vào vũ trụ. Nhưng phát biểu cuối cùng của ông ấy cũng là phát biểu đầu tiên. Thực ra đó là toàn thể thông điệp của ông ấy - trong toàn thể cuộc sống của mình ông ấy đã lặp đi lặp lại cùng thông điệp này mãi.
Người trí huệ bảo ông chỗ ông sa ngã và chỗ ông có thể sa ngã - những bí mật vô giá! Theo người đó, theo con đường đó.
Khi Phật nói, "Theo ta," ông ấy không ngụ ý bắt chước ông ấy. Khi ông ấy nói, "Theo ta," ông ấy không nói để ông ấy là mô hình cho bạn; làm cuộc sống của bạn tương ứng với cuộc sống của ông ấy - không, không thế chút nào. "Theo" ông ấy có nghĩa hoàn toàn khác.
Có một câu chuyện thiền:
Một nhà huyền môn Thiền làm lễ kỉ niệm nhân dịp ngày sinh của thầy mình. Nhưng mọi người đều phân vân. Họ hỏi ông ấy, "Như chúng tôi được biết thì thầy chưa bao giờ có thầy nào cả. Chúng tôi cũng đã nghe tin đồn rằng thầy đã tới một bậc thầy lớn, Bokuju, nhiều lần rồi, nhưng ông ấy bao giờ cũng từ chối nhận thầy làm đệ tử. Không chỉ có thế, ông ấy thường hay đuổi thầy ra khỏi lều của ông ấy. Chúng tôi cũng đã nghe nói rằng bởi vì nhẫn nại liên tục của thầy, vài lần ông ấy đã đánh thầy, và có lần ông ấy còn ném thầy, cả người thầy, ra ngoài cửa sổ lều ông ấy. Ông ấy chưa bao giờ chấp nhận thầy cả, ông ấy chưa bao giờ điểm đạo cho thầy - sao thầy kỉ niệm ngày này? Điều này chỉ được làm kỉ niệm cho ngày sinh của thầy mình thôi."
Và nhà huyền môn nói, "Vâng, ông ấy là thầy ta đấy. Việc từ chối của ông ấy, việc ông ấy ném ta ra, việc ông ấy thường xuyên bác bỏ, chính là việc điểm đạo của ông ấy. Ông ấy đang nói, 'Là ánh sáng lên bản thân mình - không cần phải theo ta.' Bởi vì việc từ chối liên tục của ông ấy ta đã trở nên chứng ngộ khi ngồi dưới gốc cây. Không có ai để níu bám.
"Con người tuyệt vời nhất mà ta đã biết là Bokuju. Nếu mà ông ấy cho phép, ta đã trở thành cái bóng của ông ấy rồi. Nếu mà ông ấy cho phép, ta đã trở thành một Bokuju khác. Ta đã yêu con người này, ta chắc sẽ bắt chước ông ấy tới từng chi tiết: ta chắc đã ăn cùng thứ, ta chắc đã bước cùng cách, ta chắc đã nói cùng điều... Ta chắc đã là bản sao của ông ấy.
"Nhưng ông ấy vĩ đại, ông ấy là thầy ta - ông ấy đã từ chối. Ông ấy biết cạm bẫy ở đâu. Khoảnh khắc ông ấy nhìn vào mắt ta ông ấy biết tương lai của ta, rằng nếu ông ấy cho phép ta sẽ là một hiện tượng giả tạm, ta sẽ không bao giờ là một cá nhân đích thực. Biết điều này cho nên ông ấy rất nghiêm khắc với ta. Nhưng bây giờ ta biết cái nghiêm khắc của ông ấy là bởi vì từ bi của ông ấy. Chính vì ông ấy mà ta đã trở nên chứng ngộ. Do đó ta kỉ niệm ngày này - đó là ngày sinh của thầy ta."
Ai đó hỏi ông ấy, "Nhưng phong cách sống của thầy không biểu lộ chỉ dẫn nào về Bokuju cả. Phát biểu của các thầy hoàn toàn khác nhau - không chỉ khác nhau đôi khi còn mâu thuẫn với phát biểu của ông ấy. Làm sao thầy có thể nói rằng ông ấy là thầy của thầy và thầy là tín đồ của ông ấy?"
Và nhà huyền môn nói, "Vâng, ta nói ông ấy là thầy ta cho dù ông ấy chưa bao giờ điểm đạo cho ta một cách chính thức. Nhưng điểm đạo chính thức là không quan trọng, không liên quan. Và dầu vậy ta vẫn nói rằng ta là tín đồ của ông ấy, mặc dầu ta không thể chứng minh được điều đó bằng bất kì tài liệu nào - nhưng không cần chứng minh cho bất kì ai cả. Ta biết, có vậy thôi. Ta là tín đồ của ông ấy!"
Mọi người cứ khăng khăng, "Làm sao thầy có thể nói điều đó được?"
Và nhà huyền môn nói, "Ông ấy chưa bao giờ theo thầy ông ấy; ta chưa bao giờ theo ông ấy. Đó là đặc trưng cơ bản của ông ấy: ông ấy chưa bao giờ theo thầy ông ấy. Và ta chưa bao giờ theo ông ấy - đó là cách ta theo ông ấy. Ta là tín đồ và ông ấy là thầy của ta."
Những bí mật vô giá! Vâng, có những bí mật vô giá. cuộc sống của người tìm kiếm thực sự không phải là cuộc sống bình thường. Nó không thể bị giới hạn vào hình mẫu nào đó, nó không thể bị giới hạn vào phong cách sống nào đó - Ki tô giáo, Hindu giáo, Mô ha mét giáo. Cuộc sống của người tìm kiếm thực sự là cuộc sống của tự do.
Và khi Phật nói: theo người đó, theo con đường... ông ấy không ngụ ý trở thành bản sao, ông ấy đơn giản ngụ ý: cố gắng hiểu cuộc sống của người đó. Quan sát, phân tích, thiền, và thế rồi để cho việc thiền của bạn, việc quan sát của bạn, việc chứng kiến của bạn trở thành con đường.
Và đi theo người trí huệ thực sự không phải là theo bản thân người trí huệ, mà theo con đường - con đường đã làm cho người đó thành trí huệ.
Con đường đó là gì mà làm cho người ta thành trí huệ?
Hai điều... thứ nhất là phủ định: vứt bỏ tri thức. Và thứ hai là khẳng định: đi vào thiền.
Một toán thánh nhân được chấp nhận cho lên trời, và cánh cửa mở ra chỉ vừa đủ cho từng người lọt qua.
Ngay khi người ta vào rồi, chẳng nghi lễ gì cửa liền đóng lại và rồi lại mở ra cho người tiếp đi vào chẳng chần chừ gì, cứ dường như người đó hoàn toàn mong đợi được nhận vào.
Ngay ở cuối một học giả bước tới với bộ râu đáng kính và dáng đi oai vệ, khăn xếp to và cái nhìn tự tin. Khi ông ta bước lên, cánh cửa mở ra và kèm trompet vang lừng với tiếng vỗ tay rân ran bùng phát ra từ đám đông tụ họp. Một nhân vật rực rỡ bước tới để hộ tống ông ta đi vào trong.
"Điều này thật hài lòng quá," vị học giả tự nói với mình, "khi biết rằng người có học sẽ không phải tự cho mình cái vẻ ta đây và vẻ thanh nhã nữa. Ở đây, ít nhất thì tầm quan trọng của chúng ta cũng được thừa nhận."
Với việc xảy ra ông ta nói, "Sao mọi người mừng tôi thế?"
"Thế này," thiên thần nói, "đây là điều đặc biệt - ông thấy đấy, đây là lần đầu tiên chúng tôi có một viện sĩ trong nhóm mình."
Việc người thông thái vào thiên đường gần như là điều không thể được. Điều đó phải là sự kiện đặc biệt lắm! Do đó các thánh nhân đã không được tiếp đón bằng lễ mừng lớn, nhưng viện sĩ này, học giả này, nhà bác học này, lại được tiếp đón bằng nghi lễ linh đình. Điều đó hiếm hoi thế.
Điều đó là rất hiếm hoi, thực ra điều đó là không thể được... Câu chuyện này phải là chuyện bịa thôi. Không ai biết học giả nào đã vào cõi trời; là học giả tức là trong sa ngã nguyên thuỷ rồi. Và tuân theo hình mẫu cuộc sống từ kinh sách nhất định mang tính sai lầm, bởi vì ai sẽ diễn giải? Tâm trí ngu xuẩn của bạn sẽ cứ diễn giải, và bạn sẽ theo theo diễn giải của riêng mình. Bạn sẽ đi theo vòng tròn, bạn sẽ vẫn còn như cũ.
Một người tập tễnh bước đi trên phố, nhăn nhó vì đau đớn.
Một bác sĩ dừng người đó lại và nói, "Nếu như tôi là là ông thì tôi sẽ để cho bản thân ông được thấy - ông cần cắt ruột thừa."
Thế là anh ta cho cắt bỏ ruột thừa. Chẳng mấy chốc anh ta lại tới một bác sĩ khác nói rằng anh ta vẫn bị cùng trục trặc như cũ, cho nên anh ta được điều trị bằng thuốc an thần. Điều này cũng chẳng ích gì và anh ta đi tới bệnh viện nơi họ kê đơn cho anh ta ăn kiêng và luyện tập điều trị.
Vài tuần sau anh ta phải đi tới nhà giải phẫu khác bởi vì những thuốc kia chẳng giúp ích chút nào. Nhà giải phẫu nói, "A mi đan của anh phải bỏ đi thôi..." thế là a mi đan bị cắt đi. Và theo cách này anh ta đi hết bác sĩ nọ tới bác sĩ kia, từ nhà giải phẫu nọ tới nhà giải phẫu kia, và các bộ phận của thân thể cứ dần dần biến mất. Nhưng vấn đề vẫn còn nguyên đấy!
Thế rồi một hôm anh ta đi dạo ở phố chợ và một trong các bác sĩ thấy anh ta. Ông ta nói, "Rất mừng được gặp anh - anh trông khá nhiều rồi! Anh trông khoẻ đấy!" ông bác sĩ điều trị nói. "Sự việc xảy ra thế nào vậy? Ai cuối cùng đã giúp được cho anh? - bởi vì chúng tôi tất cả đều không giúp được. Hay phục vụ của tôi đã có ích cho ông?"
"Phục vụ hay nhỉ!" bệnh nhân nói. "Cả đau lẫn tật đi tập tễnh đều biến mất vào lúc tôi lấy cái đinh ra khỏi giầy của tôi!"
Đôi khi mọi việc rất nhỏ bé, nhưng nếu bạn đi tới những người thông thái họ nhìn qua kính phóng đại; họ phóng đại mọi thứ lên. Họ thông minh và hiệu quả trong việc tạo ra vấn đề, bởi vì họ biết giải pháp. Giải pháp của họ là có ích chỉ nếu họ tạo ra vấn đề.
Đi tới bất kì chuyên gia nào, và ngay lập tức ông ta sẽ nói cho bạn biết bao nhiêu vấn đề bạn chưa bao giờ nhận biết tới. Ông ta phải làm thế, bởi vì toàn bộ tri thức chuyên gia của ông ta tuỳ thuộc vào việc bạn có nhiều vấn đề, và chúng càng phức tạp, ông ta càng sung sướng hơn bởi vì bây giờ ông ta có cơ hội để biểu lộ tri thức của mình, kĩ năng của mình.
Vấn đề thực có thể rất nhỏ. Vấn đề thực thực sự là nhỏ! Vấn đề là ở chỗ bạn sống trong cái đầu. Đi xuống trái tim từ cái đầu đi. Cái đầu có thể trở nên thông thái, trái tim không bao giờ có thể trở nên thông thái được. Trái tim có thể trở nên trí huệ. Trái tim biết theo cách hoàn toàn khác. Việc biết của nó là trực tiếp, tức khắc - nó không logic, nó là trực giác. Nó không suy diễn, nó không là kết luận sau lập luận dài dòng. Nó là cái nhìn đơn giản! Người ta đơn giản biết...
Trái tim không phải là quá trình của việc biết: nó là việc mở mắt ra.
Để người đó uốn nắn và dạy ông Và giữ ông khỏi điều nguy hại.
Tâm trí là tinh quái. Nó cứ lừa bạn; nó giở nhiều trò tinh quái với bạn tới mức bạn lại không nhận biết. Trò tinh quái thứ nhất là: người trí huệ chia sẻ trí huệ của mình và bạn lập tức nhảy lên điều đó và đưa nó thành tri thức. Trò tinh quái thứ hai là: người trí huệ giúp bạn là bản thân bạn và bạn bắt đầu làm việc vất vả trong việc bắt chước người trí huệ - bạn cố gắng giống người đó.
Người trí huệ muốn bạn chỉ có cái nhìn thấu vào mọi thứ để cho bạn có ánh sáng riêng của mình. Nhưng bạn không muốn nhìn thấu, bạn muốn có các hướng dẫn rõ ràng. Bạn không muốn nhìn vào bản thân mình, bạn muốn được hướng dẫn. Bạn không muốn chấp nhận trách nhiệm của mình đối với bản thân mình; bạn muốn đổ toàn thể trách nhiệm lên vai thầy, lên vai người trí huệ. Thế thì bạn cảm thấy thoải mái. Bây giờ người đó chịu trách nhiệm; nếu cái gì đó đi sai, người đó chịu trách nhiệm. Và mọi thứ đều sẽ sai, bởi vì chừng nào bạn còn chưa nhận trách nhiệm của mình chẳng cái gì sẽ đi đúng cả.
Không ai có thể làm bạn đúng trừ bản thân bạn.
Thầy đơn giản dạy bạn là thầy của chính mình - đó là chức năng thực của thầy. Thầy không muốn bạn phụ thuộc vào thầy. Nhưng tâm trí cứ giở các trò tinh quái này. Tâm trí muốn bạn phụ thuộc. Tâm trí bao giờ cũng đi tìm hình ảnh người bố hay hình ảnh người mẹ; bạn muốn ai đó cầm tay bạn. Bạn muốn ai đó hướng dẫn, lãnh đạo.
Thầy chỉ có thể chỉ dẫn thôi. Thầy là ngón tay chỉ trăng. Nhưng tâm trí chơi trò tinh quái: nó bám lấy ngón tay - bạn thậm chí có thể bắt đầu bú ngón tay.
Một Thiền sư, Nan Yin, hay nói với các đệ tử của mình, "Đừng cắn ngón tay ta - nhìn lên trăng!"
Nhưng mọi người đều trẻ con. Cũng giống như trẻ nhỏ bú ngón tay mình và tin rằng chúng đang có được chất nuôi dưỡng, trẻ con đã lớn bú ngón tay của thầy và cho rằng họ được nuôi dưỡng. Cẩn thận về trò tinh quái này của tâm trí đi!
Và tâm trí bao giờ cũng bảo bạn, "Điều này là đơn giản, tin vào thầy. Mình không cần làm việc vất vả - phỏng có ích gì mà làm việc vất vả? Trông đấy: Albert Einstein đã phát hiện ra thuyết tương đối, bây giờ không ai khác cần phát hiện ra nó lần nữa. Một khi ông ấy đã phát hiện ra rồi mình có thể đọc nó trong sách. Ông ấy phải mất nhiều năm; với mình chỉ mất vài giờ để hiểu nó. Sao phải bận tâm phát hiện lại nó?"
Điều đó là đúng đối với tri thức bên ngoài, điều đó là đúng về thế giới bên ngoài, thế giới khách quan; nhưng nó không đúng về chủ quan, thế giới bên trong. Tại đó người ta phải khám phá đi phát hiện lại. Phật đã khám phá ra, nhưng khám phá đó không hữu dụng cho bạn. Jesus đã biết, nhưng điều đó không thể trở thành việc biết của bạn được. Mohammed hiểu, nhưng không có cách nào truyền nó cho bạn. Những người này chỉ có thể chỉ dẫn cách họ đã đạt tới; họ có thể chia sẻ toàn thể cuộc hành trình của họ với bạn. Nhưng thế rồi bạn phải đi theo cách riêng của bạn.
Tâm trí bao giờ cũng tìm lối tắt; và tâm trí bao giờ cũng tìm cách dễ dàng hơn, cách thức rẻ hơn. Và đó là những thứ lái bạn cứ vào đi vào lại những con đường sai. Cẩn thận đấy! Tâm trí bao giờ cũng cho bạn chất độc bọc đường. Nhưng nó có vị ngọt chỉ lúc đầu thôi; đến cuối nó trở thành chất độc với bạn. Trí huệ có thể không mang vị ngọt thế lúc ban đầu - thực ra nó chẳng bao giờ mang vị ngọt như vậy cả, nó đắng - nhưng nó làm thuần khiết bạn. Tri thức ngọt ngào lúc ban đầu, trí huệ ngọt ngào lúc cuối cùng. Và bất kì cái gì tỏ ra ngọt lúc cuối đều là cái đúng.
Câu chuyện này được kể về một người chết đi và được gặp một thiên thần, thiên thần nói với anh ta, "Trong cuộc đời mình ông bao giờ cũng có ý tin rằng mọi sự ở đây đã không thực sự tồi như ông nghĩ. Ông có muốn xem cõi trời và địa ngục và chọn số mệnh của riêng ông, như ông bao giờ cũng chọn trong cuộc đời trần thế của ông không?"
Tất nhiên anh ta đồng ý, và thiên thần mở cánh cửa có dấu "Địa ngục" ra. Bên trong đầy những người tham dự đình đám và mọi người nhảy múa và đánh trống; trác táng thường xuyên dường như cứ diễn ra, đàn ông và đàn bà nhảy cỡn lên, quỉ và ma cũng nhảy cỡn lên. Tất cả dường như là rất náo nhiệt và thích thú.
Thế rồi thiên thần bỏ sang mở cánh cửa mang dấu "Cõi trời." Bên trong có một dãy các thánh nhân đang ngồi và nằm trong trạng thái phúc lạc vô cùng. Nhưng tất cả đều dường như lạnh lẽo, đờ đẫn và chết.
"Tôi sẽ chọn chỗ thứ nhất," người này nói, bởi vì anh ta không muốn dành vĩnh hằng cho việc không làm gì .
Họ quay trở lại cánh cửa thứ nhất và thiên thần mở nó ra. Anh ta thấy mình bị tống vào một cái hang đầy những lửa và bụi than, muội và khói, với quỉ đang quất roi vào tù nhân và tiếng ầm ào của sấm. Đau đớn và gần như không thở được anh ta vật lộn đứng trên chân và chặn một con quỉ vừa đi qua: "Tôi được đưa đi thăm và đã chọn địa ngục, nhưng nó chẳng có gì giống thế này cả!"
Con quỉ nhe răng cười toe toét: "Ồ, nhưng ông chỉ viếng thăm lần này thôi. Chỗ đó đơn giản là dành cho khách du lịch đấy!"
Tâm trí có thể cám dỗ bạn, nó có thể cho bạn những giấc mơ dịu ngọt lúc ban đầu - nhưng chỉ lúc ban đầu thôi. Một khi bạn đã mắc bẫy rồi, một khi bạn đã trong nó rồi, một khi bạn đã chọn, bạn sẽ khổ. Đó là cách hàng triệu người đang khổ sở.
Phật nói: để người đó uốn nắn và dạy ông. Và giữ cho ông khỏi mối nguy hại.
Thế giới có thể ghét người đó Nhưng người tốt yêu người đó.
Và nhớ lấy: người trí huệ bao giờ cũng bị thế giới ghét, nhất định bị thiên hạ ghét. Sự hiện diện của người đó là việc quấy rối cho những người đang ngủ say và ngáy, bởi vì người đó cứ hô lên "Dậy đi!" Người đó cứ nói cho bạn rằng bất kì điều gì bạn làm cũng đều là ảo tưởng. Người đó cứ lay bạn, làm bạn choáng trong nhận biết, và bạn có thể đang mơ những giấc mơ dịu ngọt, những giấc mơ đẹp. Người đó cứ kéo bạn ra khỏi giấc mơ và giấc ngủ của bạn, mà giấc ngủ của bạn có thể thoải mái, an toàn, an ninh thế. Và người đó không cho phép bạn nghỉ ngơi; người đó cho bạn công việc lớn lao để làm với bản thân bạn.
Nhân loại bình thường bao giờ cũng ghét người trí huệ - người đó có thể là một Phật hay một Socrates hay một Zarathustra hay một Lão Tử, chẳng thành vấn đề là ai, nhưng trong nhiều thời đại người trí huệ đã bị người thường, bị đám đông, bị quần chúng ghét. Người trí huệ chỉ được yêu mến bởi vài người tìm kiếm chân lí, vài người yêu chân lí, vài người tốt. Nhớ điều đó!
Đừng tìm bạn xấu
Hay sống với người không quan tâm. Tìm bạn yêu chân lí.
Đó là nghĩa của công xã tâm linh: tìm bạn yêu chân lí - bởi vì một mình bạn có thể không có khả năng thu được nhiều dũng cảm để đi vào vùng biển chưa được lập bản đồ. Nhưng khi bạn thấy nhiều người cùng đi, dũng cảm lớn có thể nảy sinh trong tim bạn. Nó có đó, đang nằm ngủ; nó có thể trở nên hoạt động. Do đó công xã là cần thiết - Phật đã tạo ra sangha - tăng đoàn, công xã - nơi những người tìm kiếm có thể tụ tập cùng nhau, nơi những người yêu chân lí có thể nắm tay nhau, nơi các thiền nhân có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhau, nơi mọi người có thể cảm thấy rằng họ không một mình, nơi họ có thể tạo ra một xã hội thay thế.
Và đó đích xác là điều tôi đang cố gắng làm ở đây: tạo ra một xã hội thay thế - xã hội của những người bạn của chân lí, xã hội của những người tìm kiếm, xã hội của những người có thể cảm thấy giao cảm sâu sắc với nhau, về tình yêu, về tin cậy, bởi vì đây sẽ là cuộc hành trình gian nan và cuộc hành trình dài lâu, và bạn sẽ phải đi qua nhiều sa mạc và nhiều núi non và nhiều đại dương.
Một mình bạn có thể không có khả năng thu được nhiều cam đảm, một mình bạn có thể cảm thấy vô vọng. Nhưng khi bạn thấy nhiều người nhảy múa, ca hát, hân hoan trong cuộc hành trình của họ, dũng cảm lớn nảy sinh trong tim bạn, tin cậy lớn nảy sinh trong bản thân bạn. Bạn trở nên tin tưởng rằng việc trở thành vị phật là có thể trong cuộc sống này.
Đừng tìm bạn xấu... "Bạn xấu" là gì? Những người không quan tâm tới chân lí... Hay sống với người không quan tâm. Và tránh những người dửng dưng với chân lí, bởi vì họ sẽ làm phí hoài cuộc sống của họ. Sống cùng với họ bạn sẽ phải giống như họ. Sống cùng với họ bạn sẽ phải cư xử theo cách của họ. Tìm những người đang trong chuyện tình với sự tồn tại đi. Điều đó sẽ giúp nhiều lắm cho việc tìm kiếm của bạn; bạn sẽ được lợi vô cùng.
Uống say sưa... Và khi bạn đã tìm thấy người trí huệ, thầy, vị phật, khi bạn đã tìm thấy một cộng đồng những người tìm kiếm chân lí, một tăng đoàn, thế thì uống say sưa thật sâu vào, thế thì đừng keo kiệt, thế thì đừng kìm lại. Bạn đã từng khát khao nhiều kiếp rồi. Khi thời gian tới, đừng cho phép những hình mẫu thói quen cũ ngăn cản bạn - uống thật sâu sắc, không lưỡng lự, dũng cảm. Tiến lên!
Uống sâu sắc.
Sống trong thanh thản và vui vẻ.
Sống cùng thầy thực sự là người say. Thầy đang chia sẻ rượu của thầy. Thầy đang chia sẻ tinh hoa bên trong đã bắt đầu tuôn chảy trong bản thể thầy. Nguồn này là không hề cạn; bạn có thể uống bao nhiêu tùy ý - bạn không thể làm cạn kiệt được nó. Sống cùng thầy là để học cách uống thầy, cách ăn thầy, cách tiêu hoá thầy. Là đệ tử thực sự là kẻ ăn người đấy! Thầy phải bị ăn, bị uống, bị tiêu hoá, để cho thầy bắt đầu tuôn chảy trong máu bạn, trong xương bạn, trong tuỷ bạn... để cho thầy trở thành một phần của bản thể bạn. Uống say sưa. Sống trong thanh bình và vui vẻ.
Và khi bạn ở quanh thầy, đừng buồn và đừng nghiêm chỉnh. Đấy không phải là cách giao cảm với thầy. Bạn chỉ được bắc cầu bằng việc hân hoan. Tất nhiên, vui vẻ của bạn phải rất thanh bình, êm đềm, trầm tĩnh. Vui vẻ thực sự không phải là sốt, nó êm đềm, nó rất im lặng. Nó hát bài ca, nhưng bài ca là của im lặng. Nó không la to, nó thì thào.
Sống trong thanh bình và vui vẻ - bởi vì bạn càng thanh bình, bạn càng sẵn có cho thầy. Và bạn càng vui vẻ, bạn càng gần với thầy. Đây là cách để gần hơn.
Nhiều sannyasin hỏi tôi, "Làm sao ở gần thầy được, thưa Thầy kính yêu?" Thanh bình, vui vẻ... và bạn ở gần! Buồn bã, nghiêm chỉnh, và bạn ở xa, xa lắm. Về mặt vật lí bạn có thể gần, nhưng nếu bạn buồn bạn không gần đâu. Về mặt vật lí bạn có thể ở xa hàng nghìn dặm, nhưng nếu bạn đang trong vui vẻ, hân hoan rằng bạn có thầy, hân hoan rằng bạn đã tìm ra vị phật, hân hoan rằng thế gian này không bị Thượng đế bỏ rơi, rằng ngài cứ phái các sứ giả của mình tới, hân hoan rằng Christ vẫn bước đi trên đất, rằng Mohammed không chết mmà được sinh ra dưới dạng khác, hân hoan rằng tâm thức vẫn nở hoa và trở thành hoa sen như vị phật... và bạn đã tìm ra hoa sen!
Bạn may mắn đấy, bạn được ân huệ đấy. Hân hoan trong điều đó sẽ đem bạn tới ngày một gần với thầy hơn. Nó là gần gũi tâm linh; nó chẳng liên quan gì tới gần gũi vật lí.
Người trí huệ vui thích trong chân lí Và theo luật của người thức tỉnh.
Và nếu bạn sống một cách hân hoan, trong thanh bình sâu sắc, nếu bạn uống mà không kìm giữ bản thân mình theo bất kì cách nào, nếu bạn đi một cách toàn tâm cùng thầy, bạn bắt đầu trở nên trí huệ.
Người trí huệ vui thích trong chân lí... Thế thì bất kì khi nào bạn nghe chân lí, bất kì khi nào bạn thấy chân lí, bạn đều vui thích. Vui thích của bạn là mênh mông. Vui thích của bạn không phải của thế gian này, nó là cái gì đó của cõi bên kia.
... Và tuân theo luật của người thức tỉnh. Và dần dần, dần dần bạn trở nên nhận biết về luật của người thức tỉnh. Aes dhammo sanantano! Thế giới này không phải là hỗn độn, nó là hài hoà. Vũ trụ này không phải là ngẫu nhiên; chạy qua trong nó là luật nào đó. Phật gọi luật đó là dhamma pháp - ông ấy gọi luật đó là Thượng đế. Cách tiếp cận của ông ấy cực kì khoa học. Ông ấy không thuyết giảng về Thượng đế nào ngồi trên ngai vàng trên trời và chi phối và kiểm soát thế giới này, và thấy ghen tị và nổi giận - nếu bạn không theo ông ấy, ông ấy sẽ tống bạn vào địa ngục; nếu bạn theo ông ấy, nếu bạn ca ngợi ông ấy, nếu bạn hối lộ ông ấy qua lời cầu nguyện và các tu sĩ, thế thì ông ấy thưởng cho bạn lên trời với gái đẹp chẳng bao giờ già, người bị mắc kẹt ở tuổi mười sáu. Phật không tin vào Thượng đế nào đứng ra thưởng hay phạt. Cách tiếp cận của ông ấy mang tính khoa học.
Ông ấy nói Thượng đế nghĩa là luật tối thượng giữ cho toàn thể vũ trụ cùng nhau. Vũ trụ là một vòng hoa - bạn thấy hoa nhưng bạn không thấy sợi chỉ xuyên qua hoa; nó ẩn kín. Sợi chỉ đó là Thượng đế, và Thượng đế đó chỉ được biết tới bởi người đã thức tỉnh, bởi chư phật.
Uống sâu sắc từ thầy, hấp thu bản thể thầy, hấp thu sự hiện diện của thầy... tan chảy vào trong sự hiện diện của thầy. Để cho hơi ấm và từ bi của thầy làm tan chảy tảng băng của bản ngã bạn. Trở thành một với thầy đi. Vứt bỏ nhị nguyên. Được bắc cầu.
Đây là nghĩa của tính đệ tử, đây là điều tính chất sannyas tất cả là gì, và dần dần, dần dần bạn sẽ bắt đầu thấy cái gì là thật và cái gì là giả. Biết cái giả là giả là biết chân lí là chân lí; biết bóng tối là tối là bắt đầu của việc biết ánh sáng là sáng. Và khi tình yêu chân lí nảy sinh trong bạn, không còn xa nữa khi bạn sẽ trở nên chứng ngộ theo ánh sáng riêng của bạn, khi bạn sẽ được thức tỉnh.
Trước khi điều đó xảy ra, tuân theo luật của người thức tỉnh, trong hoà điệu với người thức tỉnh, trong hài hoà với người thức tỉnh đi - bởi vì đó là sự đồng bộ.
Nghe nhạc hay bạn cảm thấy muốn nhảy múa. Điều đó không phải do nhạc gây ra đâu, bởi vì mọi người đang nghe bản nhạc này có thể không cảm thấy thích điều đó; cho nên nó không phải là luật nhân quả, nó là một luật hoàn toàn khác. Carl Gustav Jung đã gọi nó là luật đồng bộ; ông ấy đã cho nó cái tên hay. Điều đó đã được biết tới từ nhiều thời đại, nhưng ông ấy là người đầu tiên đã phát hiện lại nó ở phương Tây.
Ở phương Đông chúng ta đã gọi nó là satsang: trong hoà điệu với thầy, được hoà nhịp tới mức bản thể thầy bắt đầu chìm vào trong bạn, tới mức bạn bắt đầu chờm lấp nhau. Thế thì cái gì đó bắt đầu xảy ra bên trong bạn điều chưa từng xảy ra. Thầy không làm điều đó, bạn không làm điều đó - không có ai làm điều đó cả - nó đơn giản xảy ra. Cũng giống như nghe nhạc bạn cảm thấy thích nhảy múa; trong hoà điệu với thầy bạn cảm thấy sự thức tỉnh xảy ra cho mình.
Nhà nông dẫn nước vào đất. Cung thủ chuốt mũi tên.
Và thợ mộc tiện gỗ.
Cho nên người trí huệ hướng tâm trí mình.
Một khi một mảnh trí huệ nào đó đã xảy ra cho bạn, hướng tâm trí bạn tới người đã thức tỉnh. Đệ tử liên tục hướng tâm trí mình vào thầy - ngay cả sau khi đệ tử đã trở nên chứng ngộ người đó vẫn tiếp tục hướng tâm trí mình.
Sariputta đã trở nên chứng ngộ - ông ấy là một trong những đại đệ tử của Phật. Khi ông ấy trở nên chứng ngộ ông ấy đã rất sợ đi tới trước Phật. Tại sao? - bởi vì ông ấy biết bây giờ Phật sẽ bảo ông ấy đi và lan truyền lời; ông ấy sẽ phải từ giã thầy.
Tương truyền là trong nhiều ngày ông ấy cứ trốn tránh thầy, nhưng cuối cùng Phật truy hỏi, "Sariputta đâu rồi? - bởi vì ông ấy đã trở nên chứng ngộ, và các ông không thể che giấu được ánh sáng. Đem ông ấy lại, kiếm xem ông ấy đang ở đâu!"
Ông ấy đang trốn trong hang. Ông ấy bị cưỡng bức đem đi. Ông ấy nói, "Tôi không muốn đi. Tôi biết thầy sẽ làm gì với tôi. Thầy sẽ nói, 'Bây giờ ông đi đi, đi lang thang, vẩn vơ, thuyết giảng. Bây giờ ông đã trở nên thức tỉnh, đi đánh thức người khác đi!' Và tôi không muốn rời thầy. Tôi sẽ sống ra sao nếu không có sự hiện diện thường xuyên của thầy?"
Nhưng ông ấy phải đi. Khi ông ấy tới Phật, Phật nói, "Bây giờ đi về phương đông và lan truyền lời này. Ông đã đạt tới rồi, bây giờ chia sẻ nó." Và khi thầy ra lệnh rồi, điều đó phải được tuân theo thôi.
Với nước mắt đầm đìa rơi ông ấy chạm chân thầy, đi về phương đông. Nhưng mọi sáng điều đầu tiên ông ấy làm, ông ấy dậy, cúi mình về phương tây nơi thầy đang cư ngụ.
Mọi người hỏi ông ấy, "Sariputta, ông bây giờ tự bản thân mình đã là vị phật theo quyền riêng của ông rồi - ông làm gì vậy? Sao ông cứ cúi lạy mọi sáng hướng về phương tây thế?"
Ông ấy nói, "Chẳng thành vấn đề tôi chứng ngộ hay không. Điều đó là không liên quan, đấy không phải là vấn đề. Thầy tôi đang cư ngụ ở phương tây; mặc dù tôi ở xa rồi, tôi vẫn được nuôi dưỡng bằng sự hiện diện của thầy. Tôi có thể vứt bỏ chứng ngộ của toi nhưng tôi không thể vứt bỏ thầy tôi được. Chứng ngộ không là gì nếu so với sự hoà điệu cùng thầy."
... Người trí huệ hướng tâm trí mình - vào chân lí, vào luật tối thượng của sự tồn tại, vào người đã thức tỉnh. Và khi bạn hướng tâm trí mình vào người đã thức tỉnh, hay hướng vào luật của sự tồn tại, dần dần, dần dần tâm trí điên khùng cũ bắt đầu lắng đọng, huyên thuyên cũ biến mất. Bạn trở nên ngày một im lặng và thanh bình và tĩnh lặng hơn. Bạn trở thành cái hồ im lặng, mọi con sóng đều đã qua, thậm chí không tìm ra một gợn sóng. Chỉ thế thì chân lí được phản xạ trong bạn.
Gió không thể lay được núi.
Khen ngợi chê bai không động lòng người trí huệ.
Và thế thì bạn giống như núi: không cái gì có thể lay chuyển được bạn. Và thế thì ca ngợi hay chê bai là không khác nhau theo bất kì cách nào đối với người trí huệ - chúng tất cả đều giống nhau. Dù người dốt nát, người chưa thức tỉnh ca ngợi hay chê bai bạn, điều đó có tạo ra khác biệt gì? Cả hai đều tới từ giấc ngủ của người đó. Điều đó cũng giống như một người trong mơ hét tướng lên - chê bai hay ca ngợi bạn. Bạn sẽ để ý tới điều đó chứ? Bạn sẽ phân biệt giữa hai điều đó chứ? Người trong mơ có thể kết án bạn hay có thể ca ngợi bạn - bạn biết người đó đang mơ, người đó đang ngủ. Chẳng thành vấn đề gì! Không có khác biệt.  Điều người đó nói tất cả đều vô nghĩa. Khi người đó thức dậy tự người đó sẽ cười vào điều đó, điều đó có vẻ buồn cười thế.
Do đó, bạn có thể ca ngợi vị phật, bạn có thể kết án ông ấy - hàng triệu người sẽ kết án ông ấy, rất ít người sẽ ca ngợi ông ấy - nhưng điều đó chẳng tạo ra khác biệt gì đối với ông ấy. Ông ấy vẫn còn như núi bất động, núi bất di bất dịch.
Người đó sáng tỏ. Nghe thấy chân lí, Người đó như cái hồ,
Thuần khiết, tĩnh lặng và sâu thẳm.
Người đó không chỉ sáng tỏ - Phật nói người đó là sự sáng tỏ, bản thân sự sáng tỏ. Được sáng tỏ là điều rất bình thường; thỉnh thoảng bạn cũng sáng tỏ đấy. Thỉnh thoảng bạn có thể vươn tới sáng tỏ nào đó. Nhưng tâm trí bao giờ cũng có đó để lại giở trò tinh quái; bạn lại sẽ bị ngã. Bạn có thể nhảy được một lúc và bạn ở ngoài luật trọng trường - nhưng được bao lâu? Vài giây là nhiều nhất, và bạn trở lại dưới cùng luật trọng trường.
Được sáng tỏ là hiện tượng tạm thời.
Người trí huệ, người thức tỉnh, không chỉ sáng tỏ - người đó là sự sáng tỏ. Bạn không thể lấy được điều đó đi khỏi người đó. Người đó là sáng tỏ thấu suốt. Người đó hoàn toàn sáng tỏ. Tất cả cỏ dại đã bị nhổ khỏi người đó - người đó chỉ là hoa hồng và hoa hồng, luống hồng. Người đó đã trở thành ánh sáng thuần khiết, năng lực thuần khiết để nhìn. Cái nhìn của người đó không còn bị vẩn đục, bầu trời của người đó không mây.
Người đó như cái hồ, thuần khiết, tĩnh lặng và sâu thẳm. Tâm thức của người đó trở thành cái hồ, và trong cái hồ đó phản xạ mọi vì sao và tất cả mặt trời và tất cả mặt trăng và toàn thể bầu trời... và toàn thể chân lí, toàn thể sự tồn tại. Trong cái hồ tâm thức im lặng của người đó phản xạ cái đang đó, và cái đó là tên khác cho Thượng đế - cái đang đó.
Suy tư về những lời kinh này; không chỉ suy tư - thấm đẫm tinh thần của chúng. Phật đang chia sẻ kho báu vô giá của mình cho bạn, những bí mật vô giá... theo ông ấy, theo con đường.
Đủ cho hôm nay.
Xem Chương 2 - Quay về Mục lục - Quay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post