Read more
Osho - Thiền: Con đường nghịch lý (Tập 3)
Chương 2. Chỉ một hiện hữu
Câu hỏi thứ nhất:
Có phải tôn giáo thật sự đơn giản đến tôi cũng có thể thấu
hiểu được?
Vâng, Sheela... thậm chí cả bạn. Nhưng khi tôi nói rằng tôn
giáo đơn giản, tôi không có ý cho là nó dễ dàng. Ý của tôi là nó không phức tạp.
Sự sống vốn không phức tạp. Vạn vật vũ trụ cũng không lắm rắc rối. Mọi phức tạp
có bởi đều do tâm. Tư tưởng là sự phức tạp. Làm sao Vô niệm phức tạp được? Khi
tấm gương hoàn toàn trong suốt và trống rỗng, còn phức tạp nào nữa có thể hiện
diện nơi đó? Tôn giáo rất đơn giản, không có nghĩa là dễ dàng nhưng có nghĩa rằng
không phức tạp. Triết lý rất phức tạp, cực kỳ phức tạp. Tôn giáo bắt nguồn qua
trái tim đơn thuần, không do nỗ lực tâm, không qua tính cách triết lý. Thật ra,
triết gia thấy nó vô cùng khó, gần như là không thể sùng đạo. Bạn càng có tri
thức, lại càng khó khăn hơn, nhưng sự khó này bắt đầu qua bạn. Bạn có một cái
tâm thật khó khăn, nên tâm phản chiếu thực tại. Bạn tự gánh lấy bệnh tật. Cây
xanh, loài chim chóc, mặt trời và vầng trăng... vạn vật vô thường hoàn toàn đơn
thuần. Nếu bạn đơn thuần, hốt nhiên sẽ có sự tương ngộ. Tánh đơn thuần sẽ tương
ngộ với tánh đơn thuần. Sự phức tạp không thể tương hội với đơn giản được. Phức
tạp chỉ có thể tương hội với phức tạp. Nếu bạn đơn giản, bỗng nhiên mọi sự sẽ
trở nên đơn giản. Cánh cửa huyền diệu sẽ mở rộng sẵn sàng cho mọi chúng sinh. Bạn
hỏi, Có phải tôn giáo thật sự đơn giản đến tôi cũng có thể thấu hiểu được?
Sự "thấu hiểu" này không đúng. Tôn giáo không thể
hiểu... Vì vậy,tôn giáo chỉ có thể sống nhưng không phải để hiểu. Bạn đã tự
mình mang tâm phức tạp. Nếu bạn nỗ lực hiểu, chính sự nỗ lực để hiểu này sẽ
càng làm cho nó trở nên khó hiểu hơn.
Một con rết bò trên đất... với một trăm cái chân... Có con
thỏ nhỏ đang ẩn nấp trong bụi cây, thấy vậy liền hỏi, "Chú ơi, tôi không
hiểu làm thế nào mà chú có thể bận rộn được với một trăm cái chân như vậy? Chân
nào là chân trước, chân nào chân thứ hai, chân nào là chân thứ ba, và tiếp tục
như vậy? Chú không thấy mệt mỏi hay sao? Tôi muốn hiểu rõ. Chú có thể cho tôi
biết không?" Con rết chưa bao giờ cảm thấy rắc rối cả. Nó luôn bò với một
trăm cái chân như vậy. Thật ra, nó không bao giờ nhìn xuống chân mình, không
bao giờ đếm chân của nó. Khi nó bắt đầu cố gắng hiểu, nó biến thành tê liệt,
lăn ngã và vấp váp. Nó khóc lóc với chú thỏ, "Đồ vô minh! Ngươi đã làm cho
ta mất đi bản tánh thuần khiết của ta rồi. Hiện thời, ta không thể nào bò cho
đúng được nữa!"
Tâm trí đã bước vào. Đi thì đơn giản, nhưng phải làm gì?
Trong thực tế, bạn không cần làm gì cả. Thượng Đế đã làm giùm bạn rồi. Hiểu biết
có nghĩa là nỗ lực hành động. Phải thở như thế nào? Hãy quên con rết đi! Bạn phải
thở làm sao, và phải làm gì? Thật là một tiến trình quá phức tạp để hít hơi
vào, phân tích không khí theo nguyên tố của nó, chọn lọc không khí và loại bỏ
chất carbon-dioxide ra, chỉ để lại chất ô xy là được vào khí quản, và sau đó
thì thải ra tất cả những rác rưởi từ nguồn huyết mạch... Bạn phải làm gì để có
thể thành toàn công việc nặng nề như vậy kể cả trong lúc ngủ? Thượng Đế đã
thành toàn tất cả rồi. Làm sao chuyển đổi bánh mì thành máu? Bạn đã thành toàn
công việc này thật hoàn hảo. Tới bây giờ, bạn vẫn làm được. Tôi không biết ngày
mai ra sao. Làm sao bạn có thể thành toàn những việc vô cùng huyền diệu như vậy?
Bạn đã từng nghe qua về những phép lạ của Chúa Giê Su. Ngài biến đá thành bánh
mì... Không vấn đề. Bạn biến bánh mì thành máu từng ngày qua. Biến đá thành
bánh mì thật sự không khó. Biến bánh mì chết thành lượng máu sinh động khó hơn
nhiều, một phép lạ thậm thâm vi diệu. Khi bạn nhai nuốt, bạn không nhớ vì Thượng
Đế thành toàn giùm bạn rồi. Khi tôi bảo, "Thượng Đế thành toàn", ý
tôi là không ai lo lắng về hoạt động của thân... Nếu bạn sử dụng từ ngữ
"thấu hiểu" thì sẽ có chút phức tạp. Bạn có thể sống và tín ngưỡng,
nhưng xin bạn kết thúc tìm hiểu.
Thiền nhân có cách diễn đạt thật đặc biệt về một chủ đề như
vậy. Họ bảo, "Một con bò mầu vàng chui qua cửa sổ. Đầu, sừng và bốn chân
cũng chui qua, nhưng tại sao không cái đuôi lại không thể chua qua được?"
Cái đuôi bị vướng lại... Thật lạ lùng. Nguyên cả thân con bò đều chui qua,
nhưng cái đuôi thì bị mắc cứng, không thể chui qua. Thiền bảo bạn phiền não cũng
bởi cái đuôi này. Cái đuôi vẫn bị dính cứng đàng sau này có ý nghĩa gì?
Trong cõi tục, đuôi bò cần chui qua cửa sổ
Vẫn bị dính lại, ngoại từ chúng ta kéo nó thật mãnh liệt...
Đuôi bò là điều chúng ta không biết vẫn cố công để hiểu.
Đuôi bò là cố gắng hiểu những gì không thể hiểu. Đuôi bò là sự nỗ lực khai hóa
những bí mật kỳ diệu của sự sống. Ý của bạn là gì với từ ngữ "thấu hiểu"?
Bạn muốn khai hóa sự huyền nhiệm của sự sống? Bạn muốn biến sự sống này thành một
sự kiện trong suốt, một Tam Đoạn Luận hay chăng? Nó không phải là Tam Đoạn Luận,
mà là một bản nhạc, nên bạn không thể giảm nó xuống thành Tam Đoạn Luận. Vạn vật
vũ trụ không phải là vấn đề toán học, cũng không phải là câu đố, mà là Công án
Thiền. Không có câu giải đáp trong sự sống, và sự sống là sự huyền nhiệm, không
thể nào giải đáp được. Sự sống bất khả tư nghì. Khi bạn cố gắng hiểu nó, cái
đuôi mọc dài ra, rồi bạn bị mắc cứng. Đây là tri thức... cái đuôi nhỏ. Bạn vượt
qua Thượng Đế rất dễ dàng, nhưng cái đuôi vẫn bị dính đàng sau. Sừng, đầu, chân,
mọi thứ có thể vượt qua Thượng Đế rất dễ dàng, nhưng cái đuôi trong bạn, ve vẫy
trong đầu, vẫn mắc cứng ở đàng sau, không cho phép bạn chui qua. Vì lý do đó, tại
sao người tri thức cảm thấy khó ngộ nhập Đạo, trong khi người với trái tim thì
ngộ nhập Đạo thật dễ dàng.
Đây là sở cầu của vạn vật, và phần thể của nó... Tri thức...
muốn tìm hiểu. Sự sống có thể biết được qua sự sống, nhưng không thể được biết
qua thành phần. Sự đồng nhất có thể biết qua sự đồng nhất. Tri thức là phần tử
cực vi tế, nhưng giả vờ là kẻ độc tài. Tri thức rất độc tài. Nó bảo, "Tôi
muốn biết tất cả trước. Thượng Đế có mặt chỉ khi tôi cho phép. Tình thương chỉ
có thể khi tôi cho phép." Nếu có một gì huyền bí, tri thức sẽ nói,
"Không, không phải vậy." Tốt hơn là nên nói như vầy, "Không phải",
hơn là chấp nhận sự huyền diệu, đánh mất tự chủ, và áp chế sự độc tài của bạn
trên sự sống. Tri thức là bản ngã... Đây là cái đuôi, vô cùng vi tế, đang bị mắc
cứng. Sheela, đừng mọc cái đuôi. Nếu bạn có lan can để vịn, sẽ khó cho bạn ngộ
nhập Đạo. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy cái đuôi của Sheela, ngoại trừ cô
giấu kín ở đâu đó. Tri thức có thể giải đáp mọi vấn đề, ngoại trừ một vấn đề.
Tri thức có câu trả lời cho mọi sự, ngoại trừ Thượng Đế, ngoại trừ sự sống, ngoại
trừ vạn vật vũ trụ. Tri thức, trước vũ trụ vô lượng vô biên, bỗng nhiên như rơi
vào đẳng cấp thấp nhất, hoàn toàn vô năng, hoàn toàn bất lực trước Thượng Đế.
Cho nên, nếu bạn không hiểu, không là vấn đề lớn. Bạn sẽ hiểu. Nếu bạn muốn hiểu,
bạn sẽ mất cơ hội. Hãy cho phép tôi lập lại: Nếu bạn không hiểu, bạn sẽ hiểu...
Rất đơn giản. Nếu bạn muốn hiểu, thì nó sẽ biến thành phức tạp, và bạn mất cơ hội...
Câu hỏi thứ hai:
"Tôi đang dò dẫm trong bóng tối, Bạch Ngài
Osho, ngài có thể giải thoát tôi không?"
Tôi không thấy bóng tối ở đâu hết. Chỉ khi nào mắt bạn nhắm
lại, bóng tối mới bao phủ, do vọng mà ra. Mặt trời đang chiếu soi cùng khắp
thiên hạ. Đây là một buổi trưa tròn đầy, nhưng bạn đã khép kín đôi mắt, vì vậy
mới chỉ thấy có bóng tối. Không ai ép bạn mở mắt, bạn phải tự mở lấy. tôi không
thể mở mắt giùm bạn. Nếu bạn muốn nhảy mũi, hãy tự nhảy mũi. Tôi không thể nhảy
mũi giùm bạn. Có nhiều điều bạn phải tự làm lấy, một trong những điều căn bản
nhất của cuộc đời. Đây là một điều tốt nếu bạn tự mình thực hành. Nếu không, dù
bạn có tự do, bạn vẫn là kẻ nô lệ. Nếu tôi giúp mang bạn ra ngoài bóng tối, hay
là dù ai đi nữa, ánh sáng sẽ không còn là ánh sáng, và bạn bị giam cầm trong
nguồn ánh sáng đó. Bạn đã không giải thoát dựa trên sự hài hoà của bạn. Bạn phải
đơm hoa theo nhịp điệu sống của bạn.
Có những đứa trẻ ép đóa hoa phải nở. Nụ hoa có thể nở, nhưng
nếu vậy thì không phải là hoa. Thậm chí, sau khi nở rồi, hoa không còn là hoa nữa.
Có gì bị đánh mất. Một kinh nghiệm trọng đại bị đánh mất. Linh hồn bị đánh mất.
Cánh hoa có linh hồn khi nó chớm nở tự nhiên. Như vậy, nó có sự sống. Khi bạn
cưỡng ép, bạn huỷ diệt nó. Tất cả mọi kinh nghiệm mỹ lệ trong sự sống chỉ có thể
xảy ra tự nhiên, không thể nào cưỡng chế được.
Có một giai thoại tuyệt diệu về Thiền sư Triệu Châu (Triệu
Châu). Có một ngày, Triệu Châu bị ngã trên tuyết. Ngài gọi lớn, "Hãy giúp
ta đứng lên! Hãy đỡ ta đứng lên!" Một đệ tử của ngài chạy đến nằm xuống
bên cạnh ngài. Triệu Châu cười ha hả nói, "Đúng rồi. Hoàn toàn đúng quá!
Ta cũng sẽ hành động như ngươi vậy."
Triệu Châu ngã xuống tuyết, ngài hét lớn, "Hãy đỡ ta
lên! Hãy đỡ ta lên!" Không cần đỡ ngài lên! Nếu bạn ngã xuống, bạn có thể
tự đứng lên. Vẫn năng lượng đã làm bạn ngã xuống cũng có thể giúp bạn đứng lên.
Một người không thể tự mình đứng lên, thì không thể tự mình ngã xuống được. Vẫn
năng lượng đó đưa bạn lạc hướng thì nó cũng có thể mang bạn về nhà. Một con người
không thể về nhà nếu không thể bị lạc hướng, bởi phải cần cả hai nguồn năng lượng.
Vẫn nguồn năng lượng đó biến bạn thành người tội lỗi, cũng có thể biến bạn
thành thánh nhân. Thực tế, trở thành tội phạm thì phức tạp, gian nan và khó
khăn hơn là thành thánh nhân. Tín ngưỡng không phải là việc gian nan, vẫn cùng
nguồn năng lượng! Bạn có thể nhắm mắt và đầu tư cũng bao nhiêu năng lượng đó
vào việc nhắm mắt thì cũng cùng nguồn năng lượng đó sẽ giúp mắt này mở ra.
Người môn đồ này là một đệ tử chân chính. Ông hiểu Triệu
Châu rất rõ. Ông biết Triệu Châu đang tạo bối cảnh. Ngài cố ý ngã xuống. Có lẽ,
ngài giả vờ ngã xuống khi vị đệ tử này đi ngang qua, và ngài đã la lớn lên,
"Hãy đỡ ta lên! Hãy đỡ ta lên!" Người đệ tử này liền nằm ngay xuống cạnh
ngài. Ông không đỡ ngài lên. Ông đang làm gì lạ vậy? Ông chỉ cảm thông,
"Con có thể làm gì? Được rồi. Con là đệ tử của ngài, con sẽ nằm xuống bên
cạnh ngài."
Minh sư cảm thông với bạn. Ngài luôn từ bi. Ngài không thể nắm
tay bạn... Minh sư chân chính không bao giờ hành động như vậy... Nếu ngài nắm
tay bạn là giúp bạn lệ thuộc vào ngài. Cưỡng chế bạn ra ngoài tức là vẫn giữ bạn
bên trong. Khi minh sư rời tay bạn, bạn sẽ quay về thế giới, quay về tâm trí của
bạn. Nó vẫn chưa tỉnh thức, và vẫn còn bám víu bên trong bạn... Minh sư giúp đỡ
mà không giúp đỡ. Hãy nhớ kỹ. Sự giúp đỡ của ngài gián tiếp, và không bao giờ
giúp đỡ bạn ngay, mà giúp đỡ bạn qua những phương tiện vô cùng vi tế. Ngài bao
phủ bạn qua làn hương của gió, không là cơn gió vũ bão mà qua luồng linh quang
vô hình. Ngài giúp đỡ bạn, nhưng không đối kháng bạn. Ngài giúp bạn ở mức độ bạn
có thể vượt qua, không quá một bước, không thúc đẩy bạn bằng bạo lực, bởi bạo động
sẽ chỉ gây tổn thất, và chân tánh của bạn không thể phát triển theo giai điệu
hòa hợp. Dù tôi cho bạn Chân lý, bạn sẽ ném nó đi, bởi bạn không ý thức nó. Tôi
có thể cưỡng chế bạn tỉnh thức, nhưng bạn sẽ rơi vào vọng khi tôi vắng bóng. Bạn
sẽ nguyền rủa tôi, sẽ giận tôi, bởi bạn thích tận hưởng những vọng tưởng này,
những giấc mộng thật ngọt ngào, nhưng lại có người đến đánh thức bạn dậy.
Đôi lúc bạn quán chính bạn. Bạn phải đón xe lửa sớm... bốn,
năm giờ sáng... bạn nhờ người khác đánh thức bạn dậy. Khi anh ta đánh thức bạn
dậy, Bạn nổi sân hận lên! Bạn không thích thức dậy. Bạn cảm giác như anh là kẻ
thù của bạn. Tôi có nghe kể về Immanuel Kant, một triết gia người Đức, rằng ông
nghiện thời giờ rất nặng. Ông di động như mũi kim đồng hồ vậy, lúc nào cũng
đúng giờ... không bao giờ hoang phí một giây phút nào. Sáng sớm, năm giờ, ông dạy
học vào thời khắc đó suốt đời ông. Ông có một phục dịch, mỗi sáng thường đánh
thức ông dậy, có lúc còn đánh ông nữa. Ông cho người phục dịch này quá nhiều
quyền lực. Ông còn nói với ông ta, "Thậm chí, nếu ông muốn đánh tôi, cứ
đánh tôi! Hãy cho tôi một trận đòn như ý, nhưng ông nhất định phải đánh thức
tôi dậy! Đừng nghe tôi biện luận với ông vào sáng sớm, dù rằng tôi sẽ nhăn nhó
ông, sẽ đe dọa đuổi ông, nhưng đừng lo lắng. Bất cứ những gì tôi nói, chỉ lắng
nghe thôi, nhưng ông nhất định phải đánh thức tôi dậy."
Ông quá lệ thuộc vào người phục dịch này, và người này trở
thành chủ nhân và ông trở thành kẻ phục dịch. Thỉnh thoảng, người phục dịch này
phải đi xa. Ông tìm nhiều người phục dịch khác nhau, nhưng không ai hợp ý ông.
Ai dám đánh đập chủ nhân vào năm giờ sáng? Dù ông có nói, "Hãy đánh
tôi!" Người làm vẫn sợ hãi, cho nên người phục dịch cũ lại phải quay về
làm việc cho ông.
Đã xảy ra như thế nào? Có lẽ bạn sẽ tận hưởng một giấc mơ ấm
áp tốt đẹp, và thoải mái trong mền. Bạn đã quyết định trước khi bạn thức dậy,
nhưng bây giờ thì... bạn muốn cuộn mình lại và ngủ tiếp... Hãy cố gắng hiểu tại
sao bạn nhắm mắt lại, thay vì yêu cầu tôi giúp chúng mở ra. Hãy cố gắng hiểu tại
sao bạn nhắm mắt và bạn đang chìm đắm mơ tưởng. Bạn mơ tưởng đủ chưa? Có mơ quá
độ không? Bạn đã mơ hằng vô lượng kiếp, chưa thành toàn được gì qua những huyễn
mộng đó. Bạn vẫn trống vắng, vẫn tiếp tục nhồi nhét trong bạn với huyễn mộng cuồng
điên, với tham ái mới, với tham vọng mới. Có thể bạn đang mơ Giác ngộ nên bạn mới
hỏi tôi câu hỏi này. Bạn đã hoang tưởng nhiều. Bây giờ, lại thêm một giấc mơ mới
dấy khởi trong bạn... Bạn muốn thành Phật, đắc quả Giác ngộ. Cũng là giấc mơ! Nếu
bạn thật sự xả bỏ vọng, ai sẽ giúp bạn ngủ? Hãy mở mắt! Khi bạn ý thức rằng bạn
càng mơ nhiều, mắt càng mở rộng! Không cần phải mở mắt, bởi không có ai nhắm mắt.
Hãy nhìn cú đấm của tôi: Nếu tôi co tay thành một cú đấm, tôi phải co mười ngón
tay lại, thật chặt. Khi tôi không còn cô chặt ngón tay, nó sẽ mở ra tự nhiên.
Co lại là thiếu tự nhiên. Để có thể co các ngón tay, bạn phải dùng nhiều năng
lượng. Khi duỗi ngón tay ra, bạn không cần năng lượng.
Có một điều hết sức lạ lùng: Đau khổ cần nhiều năng lượng
hơn hạnh phúc. Để hạnh phúc, bạn không cần năng lượng. Hạnh phúc miễn phí,
không tốn chi phí. Đau khổ phải trả giá. Nếu muốn đau khổ, bạn phải cần nhiều
năng lượng. Cú đấm thiếu tự nhiên. Bàn tay mở là bàn tay tự nhiên. Một đôi tay
nên mở rộng, nếu không, bạn sẽ mệt mỏi... Suốt ngày, nếu tay bạn mở ra, đến cuối
ngày, bạn sẽ mệt đến lả người. Bạn sẽ nói, "Suốt ngày, tôi đã co tay lại.
Bây giờ, tôi thật là mệt." Hãy thử nắm chặt tay suốt ngày thử xem, bạn sẽ
vô cùng mệt mỏi. Tay luôn mở ra là hiện tượng tự nhiên. Trái tim mở cũng là hiện
tượng tự nhiên. Chân tánh cởi mở là tự nhiên. Bản thể khép kín là thiếu tự
nhiên, rất giả tạo. Bạn phải dồn hết năng lượng vào nó. Tôi đã quan sát qua
hàng nghìn người rồi. Họ cố gắng dồn hết năng lượng vào sự đau khổ. Sống trong
địa ngục là một cuộc đầu tư lớn, không dễ. Bạn phải cần có can đảm thì bạn mới
có thể sống được trong địa ngục. Từ ngữ "sắt thép" bắt nguồn từ
"kim cương" Bạn phải cứng rắn như kim cương, thì bạn mới sống nổi
trong địa ngục. Nếu không, mọi người ai cũng sẽ cố gắng cản đường bạn. Nếu bạn
hạnh phúc, thoải mái, bạn đang sống trên Thiên Đàng.
Bạn nói, "Con đang dò dẫm trong bóng tối." Hãy
buông xả! Giây phút bạn buông xả rồi, đôi mắt bạn sẽ mở rộng, như nụ hoa sắp chớm
nở tròn đầy như đóa hoa. Đôi tay không còn nắm chặt sẽ mở rộng, và trở thành
đôi tay rộng mở. Sự có mặt của tôi không phải là để cưỡng chế một ai. Tôi có mặt
tại đây để bạn biết rõ kinh nghiệm gì đang xảy ra. Tôi có thể chia sẻ với bạn
tiến trình của nó, nhưng không thể tu hành giùm bạn, hiểu không? Nó sẽ xãy ra.
Đừng hy vọng ở những lời chỉ dẫn sai lầm. Tôi không hứa hẹn bạn gì cả. Tôi chỉ
hứa với bạn rằng: Bất cứ kinh nghiệm gì xảy ra với tôi, tôi sẽ giúp nó xảy ra với
bạn, bạn chỉ cần theo sau.
Đức Phật đã dạy... Đức Phật đã chỉ con đường, nhưng bạn phải
tự mình du hành, trên con đường pháp này...
Câu hỏi thứ ba:
Sau khi giác ngộ rồi, sao vẫn phải thiền?
Ai nói với bạn là sau khi giác ngộ rồi cần phải hành thiền?
Vẫn hành thiền, nhưng không cần thiết. Nó đã trở thành sự tự nhiên rồi. Trước
khi giác ngộ, điều này cần thiết, nhưng sau khi giác ngộ, nó chỉ là sự hô hấp.
Nó đã có mặt nơi đó rồi. Nó là sự tự nhiên. Nó là sự tự sinh tự phát. Ý nghĩa của
giác ngộ chính xác là vậy. Thiền trở thành tự nhiên. Bạn quán, không phải là có
lúc bạn phải tĩnh tọa, không phải là bạn phải thiền vài giờ mỗi ngày. Toàn bộ
thời gian của bạn là thiền. Bạn di động trong thiền. Bạn đi trong thiền. Bạn ngồi
trong thiền. Bạn ăn trong thiền. Bạn yêu trong thiền. Bạn làm việc thương mại
trong thiền. Toàn bộ cuộc đời của bạn bao bọc bởi một nguồn năng lượng mới. Thiền
không cần thiết. Thiền là sự tự nhiên. Parinirvana mới gởi cho tôi một giai thoại
nhỏ... liên quan đến câu hỏi này. Có một người ngồi trong một chiếc máy bay nhỏ.
Mỗi bình minh lên, lúc sáu giờ sáng, ông ra lệnh mặt trời
lên và xuống. Sau một thời gian, mặt trời hiểu ý ông nên bắt đầu từ đó, ông chỉ
yên lặng thưởng thức. Không ai cần phải học hỏi. Thậm chí, không cần ra lệnh, mặt
trời vẫn mọc mỗi sáng bình minh. Nếu bạn sống tịch lặng, thậm chí, bạn không cần
cả thiền, trước khi chứng ngộ cũng không cần. Nếu bạn sống lành mạnh, một cuộc
đời đầy tình thương, không lo lắng quá khứ, và không vọng tưởng tương lai... Nếu
bạn sống trong mỗi phút giây thực tại của sự sống khi nó đến, thậm chí, trước
khi chứng ngộ, thiền cũng không cần thiết. Bạn không cần phải giữ đúng nội qui.
Mỗi khi mặt trời mọc, bạn không cần phải ra lệnh nó. Người này ra lệnh mặt trời
phải mọc mỗi ngày vào sáu giờ sáng, và lặn vào mỗi hoàng hôn vào sáu giờ chiều.
Vài ngày sau, ông suy nghĩ, "Mặt trời đã học bài học của nó", nên ông
chỉ ngồi thinh lặng, thưởng thức mặt trời mọc và lặn! Người này rất vui vì mặt
trời đã học được bài học của nó. Việc làm của ông đã xong.
Thiền là vậy. Sự sống là sự tiếp diễn không ngừng hướng về
thiền, không cần nỗ lực phụ. Nỗ lực phụ cần bởi cuộc đời của bạn thiếu sự uyển
chuyển, bởi bạn được dạy là không nên sống với những ý tưởng phi lý như vậy. Vì
tư tưởng sai lầm nên đã gieo nên nhiều trở ngại cho bạn. Sự sống không là một
dòng chảy. Bạn không còn là một dòng sông, mà là một mặt hồ dơ bẫn, ao tù nước
đọng, khép kín, nên phải cần có thiền. Thiền phải cần bởi bạn sốngthiếu tự
nhiên. Nếu bạn sống đời sống tự nhiên... và qua sự "tự nhiên", ý tôi
là: hãy sống mỗi khoảnh khắc như vậy. Khi nổi giận, hãy nổi giận và chấp nhận
nó. Đừng tạo nên lý tưởng nổi giận. Khi cơn giận qua rồi, đừng ân hận. Không có
gì để phải ân hận cả. Nó là vậy! Khi yêu, hãy yêu, đừng suy nghĩ yêu phải là
gì. Đừng cố vấn nơi các sổ tay tình yêu. Hãy cho phép tình yêu trôi chảy tự
nhiên.
Tôi có nghe một câu chuyện về một dũng sĩ tại Nhật, một kiếm
sĩ tài danh, một Samurai. Có một đêm, ông trở về sau một ngày chiến đấu tại võ
trường. Khi ông chuẩn bị ngã lưng xuống giường, ông thấy một con chuột. Con chuột
đang nhìn ông một cách chăm chú! Người kiếm sĩ dùng gươm chém con chuột, nhưng
không hiểu sao ông không thể nào chém trúng nó. Ông là một đại kiếm sĩ lừng
danh, nhưng ông không thể nào chém trúng con chuột nhỏ bé như vậy. Kiếm ông rốt
cuộc cũng bị gẫy, nhưng ông không thể nào giết con chuột được. Ông đâm ra sợ
hãi. "Con chuột này thật quái dị. Nó không phải là con chuột tầm thường!"
Ông bắt đầu toát mồ hôi... Ông chưa hề toát mồ hôi bao giờ. Ông là một chiến
binh suốt cả cuộc đời, nhưng bây giờ ông lại bị đại bại dưới con chuột nhỏ này.
Ông chạy ra ngoài, hỏi vợ. Vợ ông đáp, "Phu quân điên
quá! Chàng không cần phải giết con chuột. Chàng có nghe qua ai chém con chuột bằng
thanh gươm bao giờ chưa? Chàng chỉ cần mang con mèo vào là đủ rồi." Cuối
cùng, con mèo được mang vào. Không phải là một con mèo tầm thường mà là một con
mèo đại chiến sĩ. Nó được huấn luyện biết chuột vô cùng thiện nghệ. Nó là một
trong những con mèo nổi tiếng về kỹ thuật bắt chuột. Nó biểu diễn hết mọi tài
nghệ của nó, nhưng con chuột thật là phi phàm. Nó chụp vào mắt của con mèo! Con
mèo trốn mất. Nó chưa bao giờ thấy con chuột nào lại có thể tấn công con mèo
như vậy. Nó run rẩy, kinh hoàng như chủ nhân của nó. Người kiếm sĩ này buồn rầu
ngẫm nghĩ, "Thật là hết nói rồi!" Cuối cùng, con mèo của hoàng đế được
mang đến. Nó là một con mèo tài giỏi, danh tiếng vang lừng cùng khắp quốc gia.
Dĩ nhiên rồi, vì nó là mèo của hoàng đế. Con mèo hoàng tộc này cũng bị đại bại.
Nó đã vào phòng, trổ hết tài nghệ của mình, nhưng con chuột thật là lanh lợi.
Cuối cùng, con mèo của vì vua phải khuyên nhủ bậc kiếm sĩ này, "Ngài phải
sử dụng một con mèo bình thường rồi." Người chiến binh hỏi, "Một con
mèo bình thường thì có thể làm được gì?" Con mèo hoàng tộc trả lời,
"Ngài phải thử thôi. Tôi biết con mèo này. Nó bình thường lắm, không biết
gì hết. Tối ngày chỉ biết ngủ, nhưng có một điều về con mèo này là loài mèo
cũng đều nghe tiếng tăm của nó. Cả quốc gia loài mèo, con mèo nào cũng biết là
con mèo đó vô cùng thần bí là nó không biết gì về chuột cả. Nó không biết gì về
nghệ thuật, phương tiện, triết lý của sự bắt chuột vì nó chưa bao giờ được thụ
huấn tại bất cứ học viện hay đại học nào hết. Nó là một con mèo tầm thường và rất
bình dân, nhưng con mèo cũng sợ nó hết! Khi nó ngủ, không có một con mèo nào
dám vào nhà. Sự có mặt của nó cũng quá đủ. Nó chỉ biết lăn ra ngủ. Không ai biết
nó giết chuột bằng cách nào. Có một hôm tôi đã đến con mèo này hỏi,
"phương pháp bắt chuột của ngài là gì?" Nó chỉ nhìn tôi rồi lại lăn
ra ngủ tiếp. Tôi đập nó dậy và hỏi, "Kỹ thuật của ngài là gì?" Nó
đáp, "Không biết. Tôi chỉ là một con mèo. Như vậy đủ rồi. Bổn phận của mèo
là phải bắt chuột. Phải cần có kỹ thuật nữa hả? Ngài nói gì lạ vậy?"
Con mèo này được mang đến. Người chiến binh không mấy hy vọng
lắm vì con mèo này có vẽ cù bơ cù bất, tầm thường quá. Con mèo đi vào, không một
chút khó khăn, nó chụp con chuột và mang ra. Mấy con mèo khác bao quanh nó và hỏi
nó, "Kỹ thuật của ngài là gì vậy?" Con mèo đáp, "Tôi không biết
kỹ thuật gì cả. Mèo thì phải bắt chuột, phải vậy không?"
Ý tôi là như vậy khi tôi nói đến thiên tính. Thiền đến tự
nhiên nếu bạn tự tại. Thiền là thiên tính trong bạn, không phải nghệ thuật, kỹ
xão, hay phương pháp. Bạn không cần phải học thiền ở bất cứ học viện nào. Bạn
chỉ cần một chút hư hỏng. Có quá nhiều chuột nhát bạn nên bạn đâm ra sợ chuột.
Không những bạn sợ, bạn còn phải học cách bắt chuột. Vì vậy, bạn trở nên thiện
nghệ và thêm nông cạn. Đó là phiền não. Kiến thức là mối phiền não của bạn.
Kabir không bao giờ thiền... Ông luôn bận rộn với bao công việc của ông và ông
đắc ngộ. Chuyện gì xảy ra? Một con người bẩm sinh, làm việc hết mức với trái
tim của mình, hoàn toàn chú tâm vào việc làm của ông, và ông đắc ngộ.
Hãy nhớ, bạn phải học thiền bởi bạn đã học quá nhiều điều
sai lầm. Để loại bỏ sự sai lầm này, bạn sẽ phải học. Nếu bạn bị đạp gai, bạn cần
một cây gai khác để lấy nó ra. Cây gai kia cũng giống cây gai trước, nhưng sẽ
giúp bạn khươi cây gai kia ra. Thiền giống cây gai vậy, bởi bạn quá giả tạo và
sự giả tạo này đã ăn sâu trong chân tánh của bạn rồi, Thiền sẽ giúp thanh tẩy sự
ô nhiễm này. Thiền là dược thảo. Thuốc và thiền cùng một gốc, đều là dược thảo.
Khi có ai bệnh, chúng ta cho thuốc. Bạn có nghĩ rằng thuốc men giúp con người
khoẻ hơn? Như vậy, bạn đã lầm. Y dược giúp chữa trị bệnh tật, nhưng không có thuốc
men nào phát minh để giúp bạn khỏe hơn. Sức khoẻ vượt trên y dược, và vượt trên
thiền . Y dược điều trị bệnh. Khi bệnh tật hết rồi, khi gai được lấy ra, sức
khoẻ lại đầy đủ. Để loại bỏ mọi sự giả tạm, phải cần sự giả tạm khác. Bạn không
thể loại bỏ sự giả tạm bằng sự chân thực. Không thể nào. Làm sao bạn có thể loại
bỏ mọi giả tạm qua sự chân thực? Thiền cũng giả tạm như những sự hư giả khác của
bạn. Tất cả thế giới này đều là sự giả tạm! Nhất định là chúng giúp bạn được,
giúp bạn vượt trên mọi giả tạm của bạn. Ngày bạn vượt trên mọi giả tạm của bạn,
bạn sẽ ý thức được rằng, "Thiền không cần nữa khi ta đã đắc ngộ." Nó
trở thành một sự cần thiết bởi xã hội, bởi mọi điều kiện hóa, bởi bạn đánh mất
thiên tính, và Đạo của bạn.
Như vậy, không có vấn đề của "Sau khi giác ngộ, tại sao
phải cần có thiền?" Thiền nhân sẽ quên Thiền, bởi ông biết rằng không có
giây phút nào là vô thiền nào cả. Ông sống trong Thiền. Sự sống của ông là Thiền.
Có lúc bạn sẽ thấy một vị Phật tĩnh tọa với đôi mắt khép kín. Có lúc bạn sẽ thấy
Meera vẫn thờ phụng Krishna. Vì vậy, câu hỏi phát sanh qua tâm. "Vị Phật
này đang thiền?"
Nghe kể rằng Chúa Giê Su thường hay với các môn đồ rằng,
"Các con hãy đợi nơi đây. Ta sẽ lên núi thiền." Ý của Chúa Giê Su là
gì khi ngài nói ngài lên núi thiền? Ngài không cần thiền, vậy ngài muốn lên núi
làm gì? Ngài chỉ muốn xa lánh đám đông. Thiền chỉ là cái cớ. Ngài chỉ muốn biệt
lập. Mệt mỏi... mệt mỏi bởi kẻ thù, bởi thân hữu, bởi những kẻ chống đối ngài
và cũng mệt mỏi bởi những đệ tử của ngài. Giống như một bác sĩ làm việc suốt
ngày trong bệnh viện, điều trị bệnh nhân, một ngàn lẻ một căn bệnh, ngài chỉ muốn
trở về nhà nghỉ ngơi. Chỉ có vậy. Chúa Giê Su và Đức Phật luôn phải làm việc với
những người có bệnh, nên các ngài cũng phải cần nghỉ ngơi. Đức Phật thiền để
làm gì? Thỉnh thoảng ngài lộng lẫy tĩnh tọa một mình dưới cây Bồ đề, chỉ muốn tận
hưởng giây phút thanh tịnh, sự tuyệt mỹ của sự thanh tịnh, và mọi nguồn hỷ lạc
của sự thanh tịnh... Ngài chỉ muốn giũ bỏ tất cả mọi hệ lụy của chúng sinh. Sau
đó, ngài lại đầy sức sống, năng lượng của ngài tràn trề, và ngài lại sẵn
sàng... đi vào cõi thế giúp đỡ chúng sinh.
Ngày xưa, tại Trung quốc, Thiền sư Obaku (10), bậc chứng đắc
cao tột nhất, vẫn hết lòng thờ phụng Đức Phật. Sinh lòng nghi ngờ, có một đệ tử
vấn, "Sư phụ đang cầu xin Đức Phật hay là ngài đang muốn hỏi Đức Phật những
vấn đề liên quan đến Chân lý?" Thiền sư đáp, "Ta không có gì phải cầu
xin Đức Phật hoặc muốn vấn Chân lý với ngài cả." Người đệ tử lại hỏi tiếp,
"Vậy tại sao ngài lại thờ phụng Đức Phật?" Thiền sư trả lời, "Ta
chỉ đơn thuần thờ phụng ngài thôi."
Thật là một lời phát biểu lạ lùng. Ngài đáp, "Ta chỉ
đơn thuần thờ phụng." Đây là một sự biết ơn chân thành, không liên hệ đến
thiền, đến cầu nguyện. Sự có mặt của ngài không phải là để cầu xin điều gì.
Ngài đã có tất cả. Khi ngài đã có tất cả, ngài thật sự hết lòng tri ân... một mối
ân huệ mà bạn không thể trả được bằng bất kỳ giá nào cả. Bạn có thể chăm sóc
cha bạn lúc ông về già. Bạn đền đáp công ơn dưỡng dục cha mẹ sau khi cha mẹ
nuôi dưỡng bạn nên người. Bạn có thể tôn kính cha mẹ già, báo hiếu họ để đền
đáp công ơn nuôi dưỡng, nhưng bạn có thể báo đáp gì cho một minh sư? Tất cả của
cải vật chất thế gian mà bạn biết đều nằm trong thế giới này... nhưng ngài ban
tặng bạn một kinh nghiệm thuộc về thế giới bên kia. Bạn không sở hữu của cải vật
chất thế gian của thế giới bên kia. Bạn sẽ đền đáp được gì cho một minh sư?
Hoàn toàn bất lực, bạn không thể diễn đạt lòng biết ơn bằng cách nào khác nữa.
Obaku nói đúng, ngài dạy, "Ta chỉ đơn thuần thờ phụng.
Ta không có gì để cầu xin Đức Phật. Ngài đã cho ta rồi, nhưng làm sao ta có thể
quên ân huệ của ngài?" Cảm giác của tôi là Obaku, dù Đức Phật ở phương
nào, ngài vẫn hết lòng thờ phụng. Đây là một tấm lòng biết ơn vô tận.
Một đệ tử nữa của Đức Phật, Manjushri (11), sau khi ngài đắc
ngộ rồi, Đức Phật bảo ông, "Bây giờ con có thể rời xa ta. Thanh tịnh đã là
sự sống trong con. Hãy đi đi, và truyền pháp của ta." Manjushri phải đi với
dòng lệ tuôn tràn trên mắt. Có người hỏi, "Tại sao ngài khóc? Ngài đã giác
ngộ rồi mà?, Tại sao ngài còn vướng mắc vào Đức Phật?" Ông trả lời,
"Ta đâu có vướng mắc với Đức Phật? Tôi chỉ gần ngài và chỉ cúi chào ngài mỗi
khi ngài đi ngang qua... Tôi đã đi ngang qua ngài hàng nghìn lần mỗi ngày, và mỗi
lần đi ngang qua ngài, tôi đều cúi lậy. Tôi không thể lạy thầy của tôi được nữa
rồi, bởi tôi phải đi xa."
Họ kể cho Đức Phật nghe rằng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã khóc.
Đức Phật gọi ông vào dạy, "Con có thể lạy ta bất cứ nơi nào phải không?
" Nghe nói, Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hơn hai mươi năm còn lại trong
quãng đời ông, mỗi ngày, bất cứ lúc nào, sáng, trưa, chiều, tối, mỗi khi ông có
thời gian, ông lại hướng về nơi Đức Phật, và quỳ lậy. Đệ tử của ông hỏi,
"Sư phụ đã là Phật rồi mà tại sao ngài vẫn còn lậy Đức Phật?" Ông
đáp, "Ta phải lậy Minh sư của ta . Sự lậy ngài đã trở thành thiên tính của
ta rồi. Chỉ đơn thuần tri ân, không với lý do gì. Có nhiều việc chúng ta làm mà
không cần lý do gì hết. Không phải điều gì cũng cần có lý do. Thật khó mà không
tri ân minh sư của bạn dù bạn đã giác ngộ.
Một tu sĩ hỏi Bách Trượng, một thiền sư khác, "Vấn đề
gì quan trọng nhất trong thế gian này?" Bách Trượng đáp, "Ta tự thiền
tọa. Vấn đề quan trọng nhất trong thế gian này là ta tự ta thiền." Đây là
thiền, nguyện cầu, thờ phụng! Gọi nó bằng bất cứ danh tự gì bạn muốn, nhưng đây
là vấn đề duy nhất sau khi bạn đã giác ngộ...
Câu hỏi thứ năm:
Tại sao một tôn giáo không thể hiểu được pháp thực tại của
tôn giáo khác? Tại sao có quá nhiều đối lập và hiểu lầm?
Có sự hiểu lầm giữa tín đồ Hồi giáo, tín đồ Ấn giáo, Kỳ Na
Giáo và Công giáo, nhưng họ không phải là người sùng đạo. Đây là các tôn giáo
giả hiệu. Họ cho rằng họ sùng đạo nhưng họ không sùng đạo. Làm sao lại có sự hiểu
lầm khi tôn giáo bắt nguồn qua trái tim bạn? Tôn giáo giải phóng bạn khỏi tất cả
mọi quan điểm. Làm sao lại có thể có sự hiểu lầm? Bạn chỉ hiểu lầm khi bạn đầy
khái niệm. Khi mọi khái niệm xả bỏ thì tâm rỗng không, thì khó thể hiểu lầm hoặc
đối lập nhau. Nếu có một vị Phật đang thiền, bên cạnh ngài là Chúa Giê Su thì
không thể có sự biện luận. Không thể nào. Làm sao mà hai sự thanh tịnh này có
thể tranh biện? Nếu bạn thiền bên cạnh một vị Phật, thì có thể có tranh biện, Nếu
Đức Phật thiền bên cạnh Chúa Giê Su, họ sẽ không tranh luận. Họ không có lời đề
nghị, không có lời phát biểu. Họ sẽ nhìn mắt của nhau và họ thấy sự hằng hữu...
hai cái gương trực diện nhau, chiếu rội ánh minh quang, hàng nghìn tia ánh
sáng, nhưng sẽ không có gì biểu thị. Người tín ngưỡng, không có sự hiểu lầm, đã
đạt trí huệ rồi. Nếu họ không hiểu, thì đó là bí mật của họ. Chúng ta khác ngôn
ngữ. Islam khác ngôn ngữ. Công giáo khác ngôn ngữ, hiểu lầm nhất định xảy ra. Mọi
ẩn dụ đều khác nhau. Biểu tượng cũng khác. Thí dụ, không có Phật tử nào dùng từ
"Thượng Đế". Tín đồ Công giáo thì dùng từ "Thượng Đế", trọng
điểm tôn giáo của họ. Nhất định phải có hiểu lầm. Công giáo cho Phật Giáo là Vô
thần. Phật Giáo cho Công giáo là Thượng Đế nhân cách hóa... tưởng tượng Thượng
Đế qua hình ảnh loài người, một sự phóng chiếu. Vấn đề này xảy mỗi ngày trong đời
sống. Dù bạn có đồng một ngôn ngữ, vẫn bị hiểu lầm. Ngôn ngữ không phải là
phương tiện truyền bá. Hãy nghe một vài giai thoại như sau.
Vụ ly dị đầu tiên tại Calcutta có một chút khôi hài. Luật sư
bị cáo gọi thân chủ lên hỏi, "Theo tôi hiểu thì sau khi suốt cả ngày làm
việc tại sở, trở về nhà, thay vì thấy vợ chờ bạn, bạn lại thấy có người đàn ông
trong tủ áo phải không?" "Đúng vậy." "Đó là nguyên nhân đau
khổ của ngài phải không?" "Dĩ nhiên rồi." Bị cáo trả lời với âm
thanh buồn khổ, "Bởi người đàn ông đó, mà tôi không đủ chỗ để treo quần áo
lên."
Ai cũng có sự hiểu biết riêng. Mỗi người hiểu mỗi khác. Mọi
ngôn ngữ đều rất cá nhân.
Có một người chồng mang về nhà một con khỉ, với hai con thỏ.
Ông nhốt chúng trong chuồng, ở phòng riêng của hai vợ chồng. Người vợ thắc mắc
hỏi, "Chúng sẽ ăn cái gì?" Người chồng đáp, "Chúng ta ăn gì thì
chúng ăn nấy." Người vợ lại hỏi, "Chúng ngủ ở đâu?". Người chồng
trả lời, "Dưới chân giường." Người vợ phản đối, "Còn mùi hôi thì
sao?" Chồng đáp, "Chúng sẽ quen mùi như anh đã quen mùi của em
thôi."
Nếu bạn chịu khó chú ý, bạn sẽ thấy rằng sự hiểu lầm có mặt
cùng khắp. Từ sáng đến tối, bạn sẽ thấy được một ngàn lẻ một sự hiểu lầm, dù đồng
ngôn ngữ, trong đời sống thường nhật, bởi ngôn ngữ của họ có tính cách cá nhân.
Một phụ nữ nông dân lên xe bus với chín người con của bà, từ
chối trả tiền vé xe. "Có ba đứa là bẩy tuổi." Bà nói, "Còn ba đứa
thì năm tuổi, và còn lại ba thì hai tuổi." Người tài xế nhìn bà ngạc
nhiên, "Bà sinh ba đứa con mỗi một lần à?" "Không có. Có khi
chúng tôi không sinh được đứa nào cả."
Ngôn ngữ diễn đạt nhưng không diễn đạt. Sẽ diễn đạt ra sao với
thực tại bên kia... cảnh giới bất khả tư nghì. Còn người thinh lặng thì sao?
Người hay nói không thể diễn đạt. Với chúng sinh vô minh, phải cần bản đồ chỉ
đường, phải viết cho họ hiểu, phải vẻ hình ảnh, phải có sự chỉ dẫn rõ ràng. Mỗi
tôn giáo, như Hồi giáo, Ấn giáo và Công giáo đều có đường lối khác nhau. Thí dụ,
nếu có năm người được gởi vào rừng để diễn tả khu rừng. Khi họ trở lại, bạn có
nghĩ là họ sẽ diễn tả chung một hình ảnh, hay tả cảnh giống nhau không? Mỗi họa
sĩ sẽ mang về mỗi họa phẩm khác nhau, và thi sĩ sẽ mang về những vần thơ khác
nhau. Nhà sinh vật sẽ mang về thứ khác, hóa học gia sẽ mang về thứ khác, và người
chặt củi sẽ mang về thứ khác. Họ đều trở về từ khu rừng. Họ đồng đến cùng một
chỗ, nhưng họ đồng tả cảnh khác nhau.
Đức Phật, Mohammed, Chúa Giê Su đồng chung sự thanh tịnh,
cùng chung nguồn minh quang, nhưng khi họ giảng pháp thì khác nhau. Đức Phật giảng
pháp theo cách của ngài... Ngài là một thái tử, con trai của một hoàng đế thì tất
nhiên cách giảng pháp của ngài phải khác. Chúa Giê Su giảng pháp theo cách của
ngài... Con trai người thợ mộc có cách giảng pháp khác. Họ hoàn toàn khác nhau.
Bởi người con trai thợ mộc phải dùng ngôn ngữ của người thợ mộc. Vì vậy, ngôn
ngữ của Chúa Giê Su rất bình dân nhưng có tác động mạnh. Ngôn ngữ của Đức Phật
thì vô cùng trừu tượng. Chỉ có vài người đủ khả năng hiểu ngài vì cách dùng từ
của ngài rất văn hoá, rất trí thức, và vô cùng phức tạp. Chúa Giê Su vì không
được đi học, chỉ quen với loại người bình dân, sử dụng ngôn ngữ bình dân, nhưng
ngôn ngữ của ngài rất đẹp, rất mãnh liệt. Ngôn ngữ càng cầu kỳ thì càng cách xa
đời sống. Nó chỉ có thể hiểu bởi những đại học giả. Lời pháp của Chúa Giê Su ai
cũng có thể hiểu, dù người lao động, nông dân, và ngư phủ. Do đó, Chúa Giê Su hấp
dẫn nhiều kẻ cùng khổ khắp thế giới. Các đại phú gia không có hứng thú với Công
giáo. Người giầu thì có sự cầu kỳ của họ. Đối với một số người, Đức Phật là một
bậc giác ngộ tuyệt vời. Như bạn thấy, phép lạ thường xảy ra! Tại Đông phương, đất
của người nghèo, ai cũng trở thành tín đồ Công giáo. Tại Tây phương, thịnh vượng
hơn thì họ trở thành Phật tử. Pháp của Đức Phật thịnh hành hơn lời pháp của
Chúa Giê Su tại Hoa Kỳ. Không sớm thì muộn, Hoa Kỳ sẽ thuộc về Đức Phật, không
phải Chúa Giê Su. Bây giờ, vì đa số tri thức hơn nên lời pháp của Đức Phật hấp
dẫn họ hơn.
Tại Ấn, Đạo Phật lâm cảnh diệt vong! Ấn Độ mất đi nguồn
thiêng liêng ưu tú này. Nên vì vậy, Ấn Độ trở nên đói khổ nghèo nàn. Khi Đức Phật
còn tại thế, hơn hai nghìn năm trước, Ấn Độ là một quốc gia trong những quốc
gia phồn thịnh, phong phú nhất trên thế giới. Quốc gia này rất văn hóa, và sáng
lập được nhiều viện đại học hoặc Hàn Lâm Viện nổi tiếng, và con dân thời đó,
trao đổi triết lý lẫn nhau là chuyện rất bình thường. Nghe kể rằng, khi Shanka
đến một thị trấn để hội thảo với Mandana Mishra (12) đã hỏi những cô gái đang
xách nước tại giếng ở một đầu làng, "Làm sao tôi biết được nhà của Mandan
Misha tại đâu?" Một triết gia mà ông sẽ đến gặp để tranh luận. Các cô gái
bên giếng nước đã cười. Họ bảo, "Ngài đừng lo, hãy đến nơi nào mà có mấy
con két tụng Áo Nghĩa Thư, thì ngài sẽ biết được nhà của Manda Misha ở
đâu."
Đây là câu chuyện thật, kể cả két cũng phải tụng Áo Nghĩa
Thư. Cách nói của người gác cũng rất cầu kỳ đến nỗi Shankaracharyara phải bối rối
và sợ hãi. Vợ của Mandan Mishra, Barti, là người chủ trì cuộc biện luận giữa
hai người. Vợ của Manda có trí tuệ vô cùng siêu việt, nên bà đã chủ trì cuộc biện
luận này cho cả hai. Bây giờ thì thế giới đã thay đổi nhiều. Ngày xưa, Phật
Giáo phát triển mạnh mẽ khắp mọi nơi. Bây giờ, Phật Giáo có chiều hướng xuống
thấp tại Ấn. Phật Giáo không thể bám rễ sâu tại mảnh đất của Ấn Độ. Công giáo hấp
dẫn dân tộc Ấn hơn bởi Chúa Giê Su dùng ngôn ngữ của người bình dân.
Bạn có quan sát thế giới này không? Không có quốc gia nào lại
nhiều mầu mỡ tâm linh như Ấn Độ. Nhiều tôn giáo lớn phát sanh từ đất Ấn, kể cả
Phật Giáo, Kỳ Na Giáo, và Ấn Độ giáo... nhưng họ lại không sáng tạo chủ nghĩa cộng
sản vì tâm thức của họ thuộc về bầu trời. Tại Hoa Kỳ, Công giáo mất lợi thế.
Khi bạn phát tài, bạn sẽ bị lôi cuốn bởi những tác phẩm lớn, và hấp thụ được
nhiều tư tưởng lớn. Các bản nhạc bất hủ hấp dẫn bạn. Thế giới của bạn sẽ luôn
có những dạ hội với những điệu luân vũ hào hứng và điệu nghệ, và bạn có thể thưởng
thức những họa phẩm lẫn nghệ thuật xuất chúng, cho nên tự nhiên rằng, pháp của
Đức Phật lôi cuốn bạn hơn bởi nguồn thiền.
Ai cũng trao đổi qua ngôn ngữ của riêng họ. Chỉ có họ hiểu
được ngôn ngữ của họ. Mỗi tôn giáo đều được diễn đạt qua mỗi ngôn ngữ khác nhau
trên bình diện tâm linh khác nhau. Họ cùng tôn xưng Thượng Đế. Lời pháp như
nhau, nhưng những xướng ngôn viên thì diễn đạt không giống nhau. Khi người nghe
bắt được tư tưởng của Đức Phật, Chúa Giê Su, Mahavira, họ không thấy được sự
tương đồng qua lời pháp của các ngài. Vì cách diễn đạt ngôn ngữ khác nhau cho
nên các chúng sinh không thể phân biệt được sự đồng nhất của Đạo. Vì lý do đó,
nên có nhiều sự hiểu lầm. Sẽ thiếu trí tuệ nếu sự hiểu biết không qua sự tu
hành của bạn. Nếu bạn thiền, nếu bạn thanh tịnh, nếu bạn Vô niệm, mọi sự hiểu lầm
sẽ chấm dứt. Bỗng nhiên, bạn sẽ ý thức rằng chúng sinh đồng nhất thể. Chỉ có một
hiện hữu... trong hàng triệu hình tướng khác nhau.
Câu hỏi thứ sáu:
Vợ của tôi làm cho tôi quá mệt mỏi. Ngài có lời khuyên giải
gì cho tôi không?
Ai là người mệt mỏi? Bạn tưởng chỉ có mình bạn sao? Bạn cho
là vợ bạn không biết mệt mỏi hay sao? Những người vợ cũng chán những bậc ông chồng
của họ như chồng của họ chán họ vậy. Dù bạn có thay vợ đổi chồng, cũng không có
gì mới cả. Bạn sẽ chán người vợ mới như chán người vợ cũ vậy. Lúc mới cưới, bạn
sẽ được một vài ngày hào hứng, đầy cảm giác mạnh với người hôn phối mới này,
lãng mạn như trong truyện tiểu thuyết. Nhưng cái mới sẽ trở thành cái cũ. Thông
thường, cái mới nào cũng sẽ cũ đi, và có một ngày, bạn sẽ chán nó.
Có ba loại chán chường: Một, bạn chán vợ nhưng bạn không
chán phụ nữ. Hai là, bạn chán cảnh nhiều vợ nên bạn chán tất cả những người phụ
nữ, nhưng bạn lại không chán cái tâm trí bạn hay chạy theo sau cái mới. Ba, bạn
chán cái mới dễ trở thành cũ, và bạn chán tâm trí. Khi bạn chán tâm trí của bạn,
thì đó là một khám phá vĩ đại. Nếu không, bạn đã thay đổi dễ dàng rồi. Tại sao
lại chán vợ? Hãy chán người khác. Nếu phiền não mà thay đổi được thì sẽ lợi lạc
cho bạn biết bao nhiêu, nhưng sau đó, bạn sẽ chịu đựng nổi đau khổ khác, nhưng
ít ra, nó mới hơn. Vài ngày sau, bạn hy vọng một chút nữa vì bạn tư duy,
"Mọi sự rồi cũng sẽ tốt đẹp." Tuần trăng mật thứ hai này sẽ kết thúc
nhanh hơn tuần trăng mật đầu tiên, bởi bạn hiểu biết hơn. Nếu tuần trăng mật đầu
tiên có ba tuần, thì tuần trăng mật thứ hai chỉ có hai tuần, và tuần trăng mật
thứ ba chỉ còn lại một tuần, và cứ tiếp tục như vậy.
Hãy cố gắng quán tâm bạn. Tâm luôn vọng cái mới, bởi nó
không thể mãn nguyện. Cái mới sẽ biến thành cái cũ, nên bất kỳ làm điều gì, bạn
cũng sẽ bất mãn. Tại sao bạn không chán tâm mình trước? Vấn đề này xảy đến rất
nhiều lần nhưng chúng ta không quán nó. Trong lịch sử nhân loại, con người bắt
buộc phải sống với chồng, với vợ. Họ đã từng chán cảnh đa phu, đa thê. Đức Phật
chán phụ nữ vì là hoàng tử nên ngài có nhiều phụ nữ sẵn sàng chờ đợi ngài... họ
đều là những mỹ nhân tuyệt sắc và ngài chán tất cả phụ nữ.
Lý do tại sao ngày nay, ở Hoa Kỳ, ai cũng dễ dàng thay vợ đổi
chồng như họ chạy theo thời trang vậy, như lúc bạn thay kiểu xe mới mỗi năm hay
mỗi sáu tháng sau đó, bạn sẽ thay vợ đổi chồng. Bạn có biết việc gì sẽ xảy ra
sau đó hay không? Ai cũng chán giới nữ, ai cũng chán giới nam, và họ đồng tính
luyến ái. Kết cuộc của họ ra sao? Khi đàn ông chán phụ nữ thì có hai vấn đề. Nếu
họ thay đổi đúng đắn, họ sẽ chán tâm trí, và họ hướng về thiền hay tôn giáo. Nếu
họ thay đổi theo chiều hướng sai lầm, họ sẽ chán phụ nữ, có hứng thú với giới
nam hơn và... họ sẽ đồng tính luyến ái. Chứng đồng tính luyến ái phát triển vô
cùng mạnh mẽ tại Tây phương. Có ngày, bạn sẽ chán chứng đồng tính luyến ái này.
Cuối cùng, bạn sẽ thèm khát loài vật, có người đã hành động như vậy... và sau
đó? Sau đó chỉ có một điều duy nhất cần làm là họ phát minh máy móc và giao
hoan với máy móc. Vấn đề này đã xảy ra. Họ đã chế tạo nhiều phụ nữ bằng ny lông
tại Hoa Kỳ, và họ đã vui vẻ với cô gái ny lông này. Khi bạn vui vẻ với cô gái
ny lông, thân thể cô giống người thật, nhưng cách cô thì rất máy móc. Bạn phải
nhấn nút đàng hoàng. Mọi cảm tính sẽ thay đổi theo chiều hướng bất bình thường,
từ sai lầm này đến sai lầm khác, không đưa bạn đến đâu. Kết cục tối hậu bi thảm
đang xảy ra. Có nhiều người tự sát trong thời hiện đại này hơn bất cứ lúc nào.
Bạn sẽ ngạc nhiên. Số người tự sát ở Tây phương nhiều hơn ở Đông phương. Xứ sở
Đông phương nghèo nàn hơn, đau khổ hơn, vì vậy, nếu họ có tự hủy thì nghe có vẻ
hợp lý hơn, nhưng họ lại không tự sát. Số người tự sát lại xảy ra tại Tây
phương, đất nước phồn thịnh, giầu có và đầy đủ, bởi cuộc sống quá dư thừa, nên
con người chán nản với tất cả! Khi sống trong sự thiếu thốn, bạn hy vọng. Khi
quá dư thừa, sẽ không còn hy vọng nữa. Nếu bạn có chiếc xe tốt nhất, tàu du lịch
đắt tiền nhất, những cô gái xinh đẹp nhất, người thanh niên tuấn tú nhất, vài
biệt thự sang trọng nhất... tọa lạc trên đồi và tọa lạc bên bờ biển, và bạn sẽ
làm gì đây? Bạn sẽ buồn chán với sự sống hiện tại vì quá đầy đủ và bạn sẽ tự
sát vì cuộc đời trở nên quá vô nghĩa!
Xã hội đang nghiêng về chiều hướng sai lầm. Với hoàn cảnh
như vậy, bạn có thể chuyển hướng trên con đường ngay chính. Nếu bạn đi đúng đường,
bạn sẽ trở thành thiền nhân. Nếu bạn đi sai, bạn sa vào con đường tự sát. Thiền
và tự sát đều phát sanh từ một hoàn cảnh. Thiền là quán tâm. Mọi sự đều do tâm
đối cảnh, tại sao bạn không xả nó? Tại sao không bắt đầu ngay gốc rễ ? Tại sao
phải tiếp tục mang nặng cái nhân này? Hãy xả bỏ cái nhân này! Hãy cắt bỏ gốc rễ!
Thiền là vậy, nhưng tôi không biết bạn có thật sự muốn diệt tận gốc rễ vô minh
hay không, hay là bạn chỉ muốn thay vợ. Nếu bạn muốn thay vợ, tôi có một ý kiến
nhỏ. Tôi có nghe về một công ty được gọi là "Homebreakers Limited"
Tôi có đọc quảng cáo công ty này, tôi đọc cho bạn nghe.
Thân chào bạn.
Dịch vụ này được sáng lập với hy vọng là sẽ cung ứng hạnh
phúc đến cho tất cả những nhà thương gia nào quá mệt mỏi mà không sợ bị phí tổn
một chi phí nào. Bạn chỉ đơn giản gởi lá thư này đến năm cô bạn gái. Sau đó, bạn
gởi vợ bạn đến người đứng đầu sổ. Khi tên bạn đến được đầu sổ thì bạn sẽ nhận
được 15,186 tên phụ nữ, trong số đó sẽ có những cô gái tuyệt sắc. Hãy tin và đừng
chấm dứt sợi dây Thiên Linh Chuỗi này. Có một người vì làm đứt dây Thiên Linh
Chuỗi này và vợ ông ta đã trở về lại với ông.
Nếu bạn thật sự muốn thay đổi cuộc đời với một cuộc sống hạnh
phúc, náo nhiệt và tân kỳ hơn , không còn tiêu cực nữa thì sự thay vợ này của bạn
sẽ không giúp ích gì cho bạn. Cô vợ mới khác của bạn rồi cũng sẽ như vậy. Họ đã
đến với bạn qua nhiều hình thức khác nhau... nhưng thực tế họ vẫn giống nhau! Với
viễn tượng của bạn, họ có vẻ khác, nhưng khi bạn đụng chạm thực tế rồi, sự khác
nhau sẽ giảm dần. Bạn càng gần họ, sự dị biệt càng mất đi. Ngày mà cô gái hoàn
toàn thuộc quyền sở hữu của bạn, bạn sẽ than phiền, "Cuối cùng, cô ấy cũng
như vợ của tôi hay như bao nhiêu phụ nữ khác." Bạn đã hành động như vậy hằng
vô lượng kiếp rồi. Chúng tôi gọi vòng quay lẩn quẩn này là bánh xe luân hồi. Bạn
biết rõ điều này, nhưng bạn hiểu theo cách khác. Bạn muốn có chiếc xe và chiếc
xe đó đang nằm trong ga ra của bạn. Ngày mới mang về, bạn thích thú với chiếc
xe mới này, nhưng rồi nó củ đi. Bạn chán, bạn tìm chiếc xe mới khác, nhưng bạn
không bao giờ có thể thấy được cáo tâm trí luôn gây rắc rối cho bạn... Tâm trí
là nguyên nhân của mọi khổ đau. Tâm trí không bao giờ hài lòng với điều đang
có. Đây là nguyên nhân của mọi bất mãn. Tâm trí luôn đòi hỏi những điều không
thể được. Hãy quan sát tâm trí phi lý này, nó luôn chạy đuổi điều không thực,
và luôn không hài lòng với điều có thực. Làm sao bạn có thể hạnh phúc với một
tâm trí như vậy? Khi tâm bạn như vậy, bạn sẽ không thể hạnh phúc. Khổ đau theo
tâm trí như hình với bóng. Thay vì để tâm chạy theo vọng, bạn hãy quán sát mọi
hiện tượng của nó. Nếu bạn thật sự muốn thay đổi, hãy xả tâm trí này. Với sự xả
bỏ tâm trí, mỗi giây phút trong cuộc đời bạn sẽ là giây phút hỷ lạc, và bạn sẽ
được toại nguyện.
Thật khó để bạn tin, nhưng xin cho phép tôi nói lên vấn đề
này. Hãy để nó lắng đọng qua tâm. Nếu bạn xả tâm, bạn sẽ ngạc nhiên. Bạn sẽ yêu
vợ bạn nhiều hơn. Với tâm trí đã được buông bỏ, người chứng nhân trở thành tình
thương. Không còn là vấn đề của vợ, của chồng mà bạn chỉ đơn thuần yêu vợ. Bạn
sẽ đơn thuần là dòng chảy của tình thương. Cô không còn là vợ của bạn, chắc chắn
như vậy; và sẽ không còn ai là chồng của bạn. Đây là một điều xấu xí, và không
thể xảy ra trong một thế giới hoàn hảo. Với một tâm thức hoàn hảo hơn, phiền
não sẽ chấm dứt. Biến một cô gái thành hôn thê của bạn là một điều xấu xa, và thiếu
đạo đức! Bạn đang giam cầm họ. Ít ra, theo định nghĩa tâm linh. Thái độ này đã
giới hạn quyền làm người của cô, giới nam cũng vậy. Đừng cho cô là vợ của bạn:
Cô không thuộc về bạn. Vợ chỉ là chức năng! Từ ngữ "Vợ" không nói lên
được chân tánh hoàn hảo của cô. Cô hơn từ "vợ" đó. Chân tánh của cô
không mất đi sau khi trở thành vợ bạn. Cô là một họa sĩ, là một ca sĩ, và là một
diễn viên! Tại sao lại cho cô là vợ bạn? Vợ chỉ đơn thuần là một chức năng.
Bạn cũng không phải là chồng. Bạn còn hơn thế nữa. "Chồng"
chỉ là một chức năng, một từ ngữ xấu xa đặt ra cho bạn. Bạn là chồng (Husband)
từ gốc của từ người trông nom (Husbandry). Thưở xưa, con người ở thời đại đó
cho rằng đàn ông là nông dân và phụ nữ là cánh đồng. Thật bất nhã. Bạn không phải
nông dân. Cô không phải là cánh đồng. Nếu vậy, nông dân sẽ là sở hữu chủ và
cánh đồng là tài sản. Bạn có thể mua bán tài sản. Họ đã hành động như vậy qua
bao thế hệ... Phụ nữ chỉ là là một thứ tài sản. Họ không phải một thứ tài sản.
Nếu bạn biến nàng thành một loại tài sản của bạn, nàng sẽ trả thù. Nếu bạn biến
nàng thành một loại tài sản, nàng sẽ biến bạn thành nô lệ chăn gà, không còn là
chồng nữa. Nàng sẽ hành động như vậy. Người bạn cho là anh hùng chỉ anh hùng bề
ngoài. Khi họ về nhà rồi, họ chỉ là một thứ chuột nhắt.
Có người bảo Mulla Narasruddin, "Tại sao anh lại sợ vợ
như vậy" cũng chỉ vì anh phải rời bàn tiệc sớm. Không phải là sớm lắm vì
đã nửa đêm rồi, nhưng ai cũng ở lại nhảy nhót, uống rượu và vui chơi, nhưng anh
lại muốn về sớm. Có người bảo, "Tại sao anh lại rời tiệc sớm như vậy? Tại
sao anh lại sợ vợ như vậy? Anh là đàn ông hay chỉ là thứ chuột nhắt?"
Mulla Narasruddin đáp, "Tôi là một người đàn ông... Vợ tôi rất sợ chuột."
Chuyện sẽ xảy ra như vậy. Họ sẽ trả đũa bạn một cách vô cùng
tài tình. Dĩ nhiên, phụ nữ sẽ không trả đũa trực tiếp, mà họ sẽ trả đũa một
cách... gián tiếp, rất vi tế. Họ sẽ xưng tán bạn là minh sư... Swami... Họ đụng
chân bạn, và bạn sẽ hiểu rõ rằng ai mới thật sự là minh sư. Đây là mối tương
giao rất tệ hại. Nếu bạn chán thì đó là sự tự nhiên. Hãy vượt trên nó, nhưng
tôi không khuyên bạn phải bỏ vợ. Hãy buông bỏ ý tưởng rằng cô là vợ bạn! Hãy là
bạn đường của nhau... Như vậy đã quá đủ rồi! Hãy tham thiền! Hãy buông bỏ tâm
trí, bạn sẽ thấy cuộc đời là một dòng chảy...
Câu hỏi thứ bảy:
Con và anh rễ của con rất là thưởng thức buổi giảng thoại
của ngài trong ngày hôm nay. Con thì tận hưởng buổi pháp thoại bằng tất cả tâm
trí của mình, còn anh rễ của con nói rằng anh tận hưởng pháp thoại như một quan
sát viên. Con có cảm giác rằng anh rất vô minh và con có trí tuệ hơn. Xin ngài
soi sáng cho con.
Ai cũng tự cho mình là trí tuệ hơn là một kẻ vô minh. Tôi
không biết anh rễ của bạn suy nghĩ gì. Điều này thì chỉ có bạn biết. Có thể,
anh ta cũng cho rằng bạn vô minh. Như vậy, cả hai đồng hội đồng thuyền. Cột
chèo nào cũng giống như vậy. Đừng bao giờ cho người khác là ngu xuẫn. Điều này
cho thấy trí tuệ ra sao khi bạn bảo người khác ngu xuẫn còn bạn thì trí tuệ
hơn. Không ai như vậy cả. Có nhiều hình thức trí tuệ, nhưng không có ai là người
ngu cả. Chỉ là trí não của họ làm việc khác hơn bạn.
Có người rất giỏi toán học. Cái người thiện nghệ thơ phú.
Người giỏi toán học thì cho là người giỏi thơ phú là ngu xuẩn. Theo sự suy nghĩ
của họ thì có lẽ họ đúng, bởi thi sĩ không có năng khiếu toán. Thi sĩ thì lại
cho nhà toán học gia là ngu xuẫn, bởi nhà toán học không thể sáng tác được đến
một vần thơ, như vậy thì đâu có xứng đáng được cho là thông minh, khi họ chỉ biết
suốt ngày tính toán và tính toán? Hãy sáng tạo! Hãy biểu lộ trí tuệ! Mỗi người
có một tri thức khác nhau. Tôi chưa bao giờ gặp qua người ngu xuẫn nào. Hãy tìm
hiểu và khai thác trí thông minh đặc biệt này của anh. Có lúc, người ngu dốt
cũng có sự thông minh riêng.Khi tôi còn là một sinh viên đại học, có một người
sống ngoài viện đại học và ai cũng cho ông là một con người rất ngu dốt. Ông ta
ngu đến nỗi nếu bạn cho ông mười rupee và một anna, ông sẽ nhận một anna và từ
chối mười rupee. Tôi làm quen với ông, chỉ muốn tìm hiểu ông, bởi tôi muốn biết
ông có sự thông minh không. Khi tôi đã thân với ông vài tháng sau đó, tôi đã hỏi,
"Tại sao ông không thể lấy mười rupee mà người ta đã cho ông? Ông thà chọn
một anna và từ chối mười rupee?" Ông đáp, "Có thể ông cũng cho rằng
tôi là người ngu si? Nếu tôi nhận mười rupee, họ sẽ không bao giờ cho tôi nữa!
Đây là mối giao dịch của tôi. Họ bố thí tôi và họ thích thú tận hưởng hỷ lạc
này, cho nên tôi chỉ nhận một anna mà thôi."
Tôi hiểu ra. Thì ra ông là người rất thông minh. Ông đã đùa
với với tất cả mọi người trong viện đại học, kể cả các giáo sư. Người thông
minh xuất chúng luôn có chuyện để đùa, "Ông ta thật là ngu!" Mỗi một
chúng sinh đều có trí tuệ riêng của chính họ. Đừng bao giờ cho rằng người khác
là ngu còn chỉ có bạn thì thông minh trí tuệ hơn... Nếu thật sự có một Thượng Đế,
làm sao ngài có thể sáng tạo kẻ ngu được? Nếu bạn thật sự có hứng thú với ngôn
ngữ loại này, thì hãy tự nhủ rằng bạn cũng là người ngu... Thái độ này sẽ cho
thấy rằng bạn khá thông thái đó...
Câu hỏi cuối cùng:
Tại sao ngài lại cho là chính trị và tôn giáo là hoàn
toàn đối nghịch nhau?
Thật sự là như vậy. Không phải đó là khái niệm của tôi. Thực
tánh của chúng là vậy. Chính trị là trò chơi của bản ngã, và tôn giáo là sự
buông bỏ tự ngã. Chính trị gia không thể tín ngưỡng và đạo nhân không thể thành
chính khách, nhất định là vậy và cũng đã được phân loại như vậy. Chính trị gia
muốn thêm quyền lực... để tăng cường bản ngã của họ, để cho thế giới biết rằng
"Ta là người có địa vị." Người sùng đạo xả ly tất cả. Họ là người có
địa vị. Tại sao họ phải cần chứng minh với mình? Họ biết! Chính trị gia thích vờ
vĩnh. Người sùng đạo cũng biết! Họ đã ngộ ngập tự tánh. Họ được xem là vua
trong các vì vua... minh sư của các minh sư. Ý họ là gì? Bạn không thể giúp họ
lớn lao hơn những gì mà họ sắn có từ nội tại.
Nếu bạn muốn bầu Đức Phật thành nguyên thủ quốc gia của Ấn Độ
cũng chẳng ích lợi gì. Vấn đề này không giúp ngài tăng trưởng hơn, sẽ không
giúp được ngài gì cả. Đức Phật sẽ không còn là một vị Phật. Ngài biến thành con
người tầm thường. Người tỉnh thức ý thức được kho tàng sẵn có bên trong, nên
ngài không tham muốn quyền hành, hay kể cả danh vọng địa vị, hoặc chỉ của cải vật
chất thế gian. Tất cả đều là trò chơi của chính trị. Sự sống nghiêng về hai chiều
hướng. Tôn giáo và Chính trị. Một là bạn thiên tôn giáo, hai là bạn thiên chính
trị. Nếu bạn không phải người sùng đạo, nhất định bạn phải là chính trị gia. Dù
bạn không thật sự sống trong môi trường chính trị, nhưng bạn là chính trị gia.
Chính trị có thể được diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau. Có lẽ, bạn là một
chính trị gia đối với vợ, luôn khống chế cô. Có lẽ, bạn là chính trị gia đối với
con cái. Bạn là nhà độc tài và chúng phải tuân phục bạn. Có lẽ, bạn là chính trị
gia trong công ty, bạn là chủ nhân ông và người làm việc ai cũng là nô lệ của bạn.
Bạn muốn xả ly thế giới với ý tưởng rằng bạn sẽ trở thành một đạo sư toàn triệt
nhất trong các đạo sư... và bạn sẽ là đạo sư Vô thượng nhất. Cuối cùng, bạn vẫn
là một nhà chính trị. Nếu bạn xả ly thế gian, nếu bạn trần trụi đi đôi trên đường
phố với ý rằng, "Không có bậc thánh nào có thể cạnh tranh với ta vì ta tối
thượng nhất!" Bạn là một nhà chính trị. Có lẽ là một chính trị lõa thể, và
sùng đạo. Nếu bạn được xưng tán như vậy, thì bạn là một nhà chính trị!
Nikita Khruschev tìm đến thợ may với bó vãi dệt đắt tiền vốn
được thợ dệt đặc biệt dệt riêng cho ông. Ông nhờ thợ may may giùm ba bộ vest.
Sau khi đo áo cho vị Nga Hoàng đường bệ, sặc mùi rượu Vodka, người thợ may thưa
với Nga Hoàng là số vải không đủ may ba bộ vest cho ngài. Khruschev nhăn nhó
không muốn may vest ở tiệm may này nữa. Ông ta mang đống vải đến Belgrade, và
ông nhờ một thợ may người Yugoslav (người Nam-tư) đo cho ông. Thợ may cho ông
biết là ông ta có thể may cho ông một bộ vest với thêm một chiếc áo nữa.
Khrushchev, thắc mắc, hỏi tại sao người thợ may Nga kia không thể cắt vải may
vest được. "Vì ở Mạc Tư Khoa, ngài là người to lớn nhất. "Thợ may
Belgrade đáp, "Nhưng ở Belgrade, không ai quan tâm đến ngài."
Tổng thống của bạn là người nắm quyền lực. Thủ tướng của bạn
được tôn trọng khi họ nắm quyền lực. Nếu họ thiếu quyền lực, hiện tượng gì xảy
ra? Sẽ có nhiều chó quẫy đuôi sủa... Vẫn loại chó đó, vẫn loại người đó có thể
tìm thấy khắp mọi nơi. Vẫn loại chó đó quẫy đuôi chung quanh India (Ấn độ) hiện
đang sủa cô. Chó nào cũng giống nhau, chỉ khác một chút là thay vì quẫy đuôi, chúng
sủa. Bây giờ, chúng đang quẫy đuôi tại Morajii. Nhưng hãy đề phòng, Morajii, vẫn
loại chó đó, không sớm thì muộn, sẽ sủa bạn, mãi là như vậy. Màn kịch sẽ tiếp tục.
Cuộn băng ghi âm của Richard Nixon đã tiết lộ rất nhiều vấn đề về loại người
chính trị. Đây là cuộc trao đổi được tường trình với Bob Halderman. "Bob,
tôi biết là có ngày tôi phải ra đi, " Vị cựu tổng thống bảo người tùy
viên." Tôi hy vọng anh sẽ tìm được một mảnh đất tốt để chôn tôi." Hai
tuần sau, Bob Halderman trở lại thưa, "Thưa tổng thống, tôi đã tìm ra một
mảnh đất rất đẹp, tọa lạc trên một ngọn đồi cao nhìn xuống một ngọn suối nước
chảy róc rách. Mỗi sáng bình minh, ánh nắng sẽ chiếu rọi cả ngài." "Tốt
lắm", Nixon đáp, "Bao nhiêu vậy?" "Bốn ngàn đô la."
"Cái gì? Bốn ngàn đô la!" Nixon kêu lên, "Tôi chỉ cần sống ở đó
ba ngày thôi mà?"
Nhà chính trị nào cũng vậy, khi còn nắm quyền lực, thường tự
cho mình là Thượng Đế. Nixon bảo, "Tôi chỉ nằm đó có ba ngày! Ba ngày, bốn
ngàn đô la?" Quyền lực cho bạn cảm giác bạn vĩ đại. nhưng sự cảm giác này
chỉ đến với người thiếu sự vĩ đại. Nếu bạn thật sự vĩ đại, ý tôi là nếu bạn ngộ
nhập tự tánh, bạn không cần phải bổ túc gì thêm. Bạn đã thật sự sống, không phải
do bạn thiếu sự vĩ đại hay chúng sinh khác thiếu vĩ đại. Khi bạn ý thức chân
tánh bạn lớn lao này, toàn bộ sự sống biến thành lớn lao... thậm chí, chú chó
cũng thiêng liêng.
Tương truyền Đức Phật có dạy, "Khi ta đạt được đạo Vô
thượng, vạn hữu đều đạt đạo Vô thượng." Đây là viễn tượng của bậc Toàn
Giác. Bậc Toàn giác thật sự mới có thể nhận thức rằng vạn vật quanh ngài tất cả
đều thiêng liêng. Đối với ngài, vạn hữu tức là đạo Vô thượng.
Có hai điều Tối thượng: Một là chính trị... bạn tối cao, và
bạn gieo cảm giác thấp kém nơi kẻ khác. Đây là loại xấu xí nhất, bệnh hoạn nhất,
loạn thần kinh nhất. Có loại tối cao khác: Bạn tối cao, toàn bộ sự sống đều tối
cao. Với bạn, tất cả đều linh thiêng. Vì lý do đó, tôn giáo và chính trị không
bao giờ gặp nhau. Không thể nào...