Chương 9. Người chết không chảy máu

Chương 9. Người chết không chảy máu

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 9. Người chết không chảy máu


Bài thuyết giáo thức dậy của Bồ đề đạt ma.
Điều bản chất của Đạo là tách rời. Và mục đích của những người thực hành là tự do khỏi hình tướng. Lời kinh nói, “Tách rời là chứng ngộ bởi vì nó phủ định hình tướng.”
... Ba cõi là tham lam, giận dữ và ảo tưởng. Bỏ ba cõi này có nghĩa là đi từ tham lam, giận dữ và ảo tưởng trở về với đạo đức, thiền và trí huệ. Lời kinh nói, “Chư phật chỉ trở thành chư phật trong khi sống với ba chất độc này và nuôi dưỡng mình trong Pháp thuần khiết.” Ba chất độc này là tham lam, giận dữ và ảo tưởng...
Xe Lớn là vĩ đại nhất trong mọi xe. Nó là cái chuyên chở của bồ tát, người dùng mọi thứ mà không dùng cái gì, và người du hành cả ngày mà không du hành. Đấy là xe của chư phật. Lời kinh nói, “Không xe nào là xe của chư phật.”
... Lời kinh nói, “Hang của năm hợp phần là phòng của thiền, việc mở con mắt bên trong là cánh cửa của Xe Lớn.” Cái gì còn có thể rõ ràng được hơn nữa?
Không nghĩ về bất kì cái gì là thiền. Một khi ông biết điều này, bước, đứng, ngồi hay nằm, mọi thứ ông làm đều là thiền. Biết rằng tâm trí là trống rỗng là thấy Phật. Chư Phật của mười phương không có tâm trí. Thấy không có tâm trí là thấy Phật.
Từ bỏ bản thân mình mà không tiếc nuối là từ thiện vĩ đại nhất. Siêu việt lên trên chuyển động và tĩnh lặng là thiền cao nhất. Người hữu tử giữ chuyển động trong khi a la hán vẫn duy trì tĩnh lặng. Nhưng thiền cao nhất vượt qua thiền của cả người hữu tử và a la hán. Những người đạt tới hiểu biết như vậy giải phóng mình khỏi mọi hình tướng mà không cần nỗ lực gì và chữa lành mọi bệnh tật mà không chữa trị gì. Đấy là quyền năng của thiền vĩ đại.
Bồ đề đạt ma là người rõ ràng và minh bạch hơn bất kì người chứng ngộ nào khác. Nhưng kinh nghiệm về chứng ngộ là tới mức bạn có thể vẫn còn phạm phải sai lầm. Đây là điều gì đó cần được hiểu. Mọi người thông thường nghĩ rằng con người của chứng ngộ không thể phạm phải sai lầm được. Đó là trông đợi của họ, nhưng điều đó không đúng với thực tại.
Cùng điều đó đã là trông đợi của các tôn giáo khác, rằng các nhà tiên tri của họ không thể nào phạm phải sai lầm. Mặc dầu Koran đầy những sai lầm, người Mô ha mét giáo vẫn không sẵn sàng chấp nhận rằng nhà tiên tri của họ Mohammed có thể phạm phải sai lầm nào. Kinh Thánh đầy những sai lầm thế, nhưng dầu vậy các giáo hoàng cứ tuyên bố suốt hai mươi thế kỉ liên tục rằng chúng là không thể sai được. Và sai sót của chúng là hiển nhiên thế.
Lấy một ví dụ Jeane d’Arc đã bị giáo hoàng thời đó công bố là phù thuỷ. Và giáo hoàng đã định nghĩa phù thuỷ - điều không phải là nghĩa của từ ‘phù thuỷ’ - là ai đó đã có giao hợp dục với quỉ. Nghĩa của từ ‘phù thuỷ’ là người đàn bà khôn ngoan. Và nó bao giờ cũng mang nghĩa đó cho tới thời Trung Cổ, khi các giáo hoàng bắt đầu công bố đàn bà khôn ngoan là trong nắm giữ của quỉ. Điều đó dễ dàng; trước hết họ sẽ tra tấn những phụ nữ đó tới mức mà không thể nào chịu đựng nổi. Ngày nọ tiếp ngày kia họ bị tra tấn.
Cuối cùng người đàn bà này phải chấp nhận rằng vâng, người đó là phù thuỷ. Đó là cách duy nhất để chấm dứt việc bị tra tấn. Và một khi người đàn bà đó đã chấp nhận và thú tội rằng mình là phù thuỷ, người đó phải ra toà - một phiên toà đặc biệt do giáo hoàng chỉ định - để công bố rằng mình đã có giao hợp với quỉ, điều vô nghĩa lí cực kì, bởi vì trước đây điều đó chưa từng bao giờ được biết, và sau này cũng không bao giờ được biết tới - không ai đã thấy quỉ cả. Và những người đàn bà đáng thương này đã có giao hợp với quỉ, và họ phải mô tả lại toàn bộ cái điều xấu xa đó trong mọi chi tiết. Và một khi họ đã thú tội, toà án ra lệnh đem thiêu sống họ. Hàng nghìn phụ nữ ở châu Âu đã bị nguy hiểm và hàng nghìn người đã bị thiêu sống.
Jeane d’Arc đã tranh đấu vì tự do của đất nước cô ấy. Cô ấy là một thanh nữ cực kì dũng cảm và cô ấy đã giành lại tự do cho đất nước. Do đó, đã có kính trọng bao la với Jeane d’Arc. Và giáo hoàng ghen tị không thể nào cho phép Jeane d’Arc được để yên một mình. Điều đó đã trở thành cạnh tranh - ai đáng kính hơn, Jeane d’Arc hay giáo hoàng. Cách dễ dàng nhất là công bố cô ấy là phù thuỷ. Ông ta đã công bố cô ấy là phù thuỷ và họ đã tra tấn người thanh nữ đáng thương này cho tới khi cuối cùng cô ấy phải chấp nhận. Không có cách nào thoát và cô ấy bị thiêu sống.
Nhưng điều này đã tạo ra một kết quả rất khác biệt hơn là điều được giáo hoàng trông đợi. Ông ta sập xuống trong trong con mắt của mọi người, còn Jean d’Arc trở thành người tử vì đạo. Cô ấy được yêu mến nhiều hơn, cô ấy thu được sự cảm thông nhiều hơn. Mọi người gần như bắt đầu tôn thờ cô ấy. Cho nên sau ba trăm năm một giáo hoàng khác đã nhận ra rằng đấy đã là một sai lầm về phần giáo hoàng trước đây. Ông ta đã tạo ra một kẻ tử vì đạo không cần thiết; ông ta đáng phải thận trọng hơn. Dễ dàng tiêu diệt phụ nữ bình thường nhưng để tiêu diệt một phụ nữ như Jeane d’Arc... ông ta đã không đủ thận trọng.
Sau ba trăm năm, giáo hoàng khác đã tuyên bố rằng Jeane d’Arc không phải là phù thuỷ, cô ấy là thánh, và xương cô ấy đã được đem ra khỏi nấm mồ và được tôn thờ. Một đài kỉ niệm lớn đã được dựng lên, bởi vì bây giờ cô ấy đã trở thành “Thánh Jeane d’Arc”. Bạn có thể thấy, ít nhất một trong các giáo hoàng đã sai lầm - có lẽ nhất là cả hai. Nhưng một điều là chắc chắn: cả hai không thể đúng được. Và các giáo hoàng này không phải là người chứng ngộ; họ không biết gì về chứng ngộ cả.
Phương Đông từ mười nghìn năm nay đã rất quan tâm tới hiện tượng chứng ngộ. Nó chắc chắn đem bạn tới ánh sáng vĩ đại, sáng tỏ vĩ đại, cực lạc vĩ đại và cảm giác về tính bất tử. Nhưng cho dù nó đem tới nhiều điều thế, sự tồn tại là bao la đến mức việc chứng ngộ của bạn chỉ là một giọt sương trong đại dương của sự tồn tại. Dù hiểu biết của bạn có minh bạch và sáng tỏ đến mấy bao giờ cũng có khả năng phạm sai lầm. Và điều này đã được phương Đông nhận ra.
Ngay cả Phật Gautam tương truyền đã nói rằng sự tồn tại là bao la, vô hạn theo đủ mọi chiều đến mức ngay cả người chứng ngộ cũng có thể phạm phải sai lầm. Đây là tính tôn giáo và khiêm tốn thực sự.
Ý tưởng về không thể sai được không là gì ngoài bản ngã xấu xí.
Do đó, khi tôi nói rằng Bồ đề đạt ma đã bỏ lỡ vấn đề, đừng hiểu lầm tôi. Đừng bắt đầu nghĩ rằng Bồ đề đạt ma không chứng ngộ. Không có mâu thuẫn. Ông ấy chứng ngộ RỒI - một trong những người chứng ngộ vĩ đại nhất trên thế gian. Nhưng chứng ngộ làm cho bạn nở hoa, đi tới mùa xuân với toàn bộ tiềm năng trở thành thực tại; điều đó không có nghĩa là bạn trở nên không có khả năng phạm phải bất kì sai lầm nào.
Thực ra người chứng ngộ trở thành khiêm tốn tới mức nếu bạn chỉ ra sai lầm của người đó, người đó sẽ chấp nhận chúng. Người đó đã tách rời thế khỏi cá tính của riêng mình, điều đó không thành vấn đề. Người đó không có bản ngã; người đó không bị tổn thương. Và người đó chấp nhận rằng có các khả năng mà người đó có thể trở nên một phía nữa, có thể bị lệch trong sự tồn tại đa chiều này hướng theo một chiều nào đó, có thể trở thành chống đối với những chiều ngược lại kinh nghiệm và cảm giác riêng của mình. Sự tồn tại chứa mọi mâu thuẫn, và ngay cả tại đỉnh cao nhất của chứng ngộ rất khó để chứa các mâu thuẫn.
Sau hết con người vẫn là con người, dù ngủ hay thức. Rất khó quan niệm các mâu thuẫn tồn tại cùng nhau, không như mâu thuẫn mà như phần bù cho nhau. Điều dễ hơn dường như là chọn một phía và chống lại phía khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là chứng ngộ là không đầy đủ; nó đơn giản có nghĩa là ngay cả người chứng ngộ cũng có thể có sự thiên vị. Và đấy là vì tính bao la của vũ trụ.
Khi Phật Gautam được hỏi... Ông ấy là người đương đại với Mahavira, và các tín đồ của Mahavira nói về Mahavira rằng ông ấy biết quá khứ, hiện tại, tương lai; rằng ông ấy biết tất cả những điều đã có, đang có và sẽ có. Họ làm cho ông ấy đồng nghĩa với ý tưởng về Thượng đế - toàn năng, toàn trí, toàn diện. Và điều đáng nhớ là Phật Gautam đã cười to. Ông ấy nói, “Có lần ta đã nghe nói rằng Mahavira đi ăn xin trước một ngôi nhà mà không còn ai sống trong đó từ đã lâu, và không có ai bên trong nhà đó cả. Và mọi người nói rằng ông ấy biết mọi thứ của quá khứ, của hiện tại, của tương lai, thế mà ông ấy không biết rằng mình đang đứng trước một ngôi nhà và không có ai trong nhà!”
Và Phật Gautam còn kể chuyện đùa về Mahavira rằng có lần ông ấy nghe thấy Mahavira đang bước đi vào sáng sớm... Đó là vào mùa hè nóng nực, cho nên ông ấy đã bắt đầu đi rất sớm, trước khi mặt trời mọc, và ông ấy đã dẫm phải đuôi con chó. Khi con chó bắt đầu sủa, thế thì ông ấy trở nên nhận biết rằng có chó. Bóng tối có đó... Con người này biết quá khứ, hiện tại và tương lai mà ông ấy lại không biết tới cái đuôi con chó dưới chân mình. Và tôi chắc chắn đồng ý với Phật Gautam.
Mahavira chưa bao giờ công bố về điều này - đấy là công bố của đệ tử của ông ấy. Những người như Mahavira không công bố điều gì cả. Các đệ tử của Phật Gautam hỏi, “Lập trường của thầy là gì đối với việc biết quá khứ, hiện tại và tương lai?” Và tính khiêm tốn của Phật Gautam vĩ đại thế, ông ấy nói, “Ta không là đấng toàn năng hay toàn trí hay toàn diện. Ta có tầm nhìn sáng sủa, nhưng so sánh với cái bao la của sự tồn tại nó là một hiện tượng rất nhỏ.
“Vâng, ta có thể biết tới quá khứ nếu ta hội tụ vào quá khứ; ta có thể biết về tương lai nếu ta hội tụ vào tương lai; ta có thể biết về hiện tại nếu ta hội tụ vào hiện tại. Nhưng việc hội tụ trở thành không thể được khi ông trở nên chứng ngộ, bởi vì hội tụ là cái tên khác cho tập trung. Đó là phẩm chất của tâm trí, và chứng ngộ là phẩm chất của vô trí.” Vô trí không thể nào hội tụ được. Nó không thể có bất kì biên giới nào.
Cho nên có một khả năng rằng đôi khi một người chứng ngộ có thể phạm phải sai lầm tinh vi, nhưng điều đó không đi ngược lại chứng ngộ của người đó. Tôi muốn làm cho điều đó thành rõ ràng với bạn bởi vì trong những lời kinh hôm nay, ông ấy đang những điều đúng cho bồ tát, bởi vì ông ấy không biết con đường của a la hán, nhưng ông ấy sai lầm. Thay vì thế ông ấy nên nói, “Ta không biết kinh nghiệm của a la hán bởi vì ta không phải là a la hán.” Ông ấy đang khoe khoang về Đại Thừa, “Xe lớn”. Và ông ấy theo cách nào đó đang lên án Tiểu thừa, “Xe nhỏ” của a la hán.
Tôi sẽ không đồng ý với điều đó bởi vì tôi không phải là một phần của nhóm nào cả. Điều đó làm cho công việc của tôi một đằng là đơn giản, một đằng rất phức tạp - đơn giản bởi vì tôi có thể thấy từ xa cả hai mặt của đồng tiền, điều mà những người can dự vào không thể nào thấy được. Nhưng mặt khác, điều đó làm cho công việc của tôi khó khăn hơn bởi vì nó bắt đầu lấy tính đa chiều, và tôi đôi khi phải nói chống lại những người tôi đã yêu mến vô cùng.
Nhưng tình yêu không phải là phẩm chất cao hơn chân lí.
Khi đến lúc phải quyết giữa tình yêu của bạn và chân lí của bạn, chân lí phải là nhân tố quyết định.
Lời kinh:
Điều bản chất của Đạo là tách rời.
Điều đó đúng. Tất cả khổ của chúng ta đều không là gì ngoài gắn bó. Toàn bộ dốt nát và bóng tối của chúng ta là tổ hợp kì lạ của cả nghìn lẻ một gắn bó. Và chúng ta bị gắn bó với những thứ mà sẽ bị lấy đi vào lúc chết, hay thậm chí có lẽ trước đó. Bạn có thể rất gắn bó với tiền bạc nhưng bạn có thể bị phá sản vào ngày mai. Bạn có thể rất gắn bó với quyền lực và địa vị, chức tổng thống của bạn, chức thủ tướng của bạn, nhưng chúng giống như bong bóng xà phòng. Hôm nay chúng ở đây, ngày mai thậm chí một dấu vết cũng không còn lại.
Chuyện xảy ra trước thời cách mạng Nga, thủ tướng nước Nga là Kerensky. Trong thời kì hỗn độn của cách mạng khi sa hoàng và cả gia đình ông ta bị tàn sát - mười chín người tất cả - những người cách mạng trả thù tới mức họ không để lại thậm chí đứa trẻ sáu tháng tuổi. Họ không muốn bất kì dấu vết nào của gia đình sa hoàng còn lại trên thế giới. Nhưng Kerensky đã tẩu thoát vào lúc đó. Ông ấy chết năm 1960, và trong nửa thế kỉ không ai có ý tưởng gì về điều đã xảy ra cho Kerensky. Ông ta là người bán hàng tạp hoá, cai quản một cửa hàng tạp hoá ở New York, dưới dạng trá hình.
Đế quốc Nga đã là một trong những đế quốc lớn nhất đã từng tồn tại, trải rộng từ lục địa này sang lục địa khác. Và ông thủ tướng, người đã có quyền lực lớn, một ngày nào đó trở thành ông chủ của hiệu tạp hoá ở New York, và trở nên sợ hãi đến mức ông ta đổi cả tên tuổi, đổi cả danh tính. Chỉ khi ông ta chết người ta mới tìm thấy giấy tờ của ông ấy và trong nhật kí của ông ấy rằng ông ấy là Kerensky, ông thủ tướng lỡ làng của sa hoàng.
Mọi địa vị của chúng ta, mọi quyền lực của chúng ta, tiền bạc của chúng ta, danh vọng của chúng ta, sự kính trọng, tất cả chúng đều là bong bóng xà phòng. Và chắc chắn, Điều bản chất của Đạo là tách rời. Đừng bị gắn bó với bong bóng xà phòng; bằng không thì bạn sẽ liên tục trong khổ và phiền não. Nhưng bong bóng xà phòng đó không bận tâm rằng bạn gắn bó với chúng; chúng cứ nổ tung và biến mất trong không trung và để lại bạn đằng sau với trái tim bị tổn thương, với thất bại, với một sự phá huỷ sâu sắc về bản ngã bạn. Chúng làm cho bạn chua chát, cay đắng, cáu kỉnh, thất vọng. Chúng làm cho cuộc sống của bạn thành địa ngục.
Hiểu rằng cuộc sống được tạo nên từ cùng chất liệu như giấc mơ được tạo nên đó chính là bản chất của đạo. Tách rời: sống trong thế giới nhưng không thuộc vào thế giới. Sống trong thế giới nhưng không để cho thế giới sống trong bạn. Nhớ rằng nó tất cả là giấc mơ đẹp, bởi vì mọi thứ đều đang thay đổi và biến mất.
Đừng níu bám lấy bất kì cái gì.
Níu bám là nguyên nhân của việc vô ý thức của chúng ta.
Nếu bạn bắt đầu không níu bám, việc xả ra cực kì lớn của năng lượng sẽ xảy ra bên trong bạn. Năng lượng đã tham dự vào níu bám với mọi thứ sẽ đem tới bình minh mới cho bản thể bạn, ánh sáng mới, hiểu biết mới, sự nhẹ gánh vô cùng - không có khả năng nào cho bất kì khổ, phiền não, đau đớn nào.
Ngược lại, khi tất cả những điều này biến mất bạn tìm thấy cho bản thân mình sự chân thành, bình thản và yên tĩnh, theo một cách vui vẻ tinh tế. Có tiếng cười trong bản thể bạn. Đó là điều Bồ đề đạt ma nói, rằng vị phật cười mà không cười. Không ai đã từng thấy bức tượng nào về Phật cười cả - không có nhu cầu cho ông ấy cười to; toàn bộ bản thể ông ấy đang cảm thấy tiếng cười.
Bạn phải hiểu tâm lí của tiếng cười. Bạn cười rất dễ dàng, nhưng tiếng cười của bạn có phẩm chất khác hơn tiếng cười của vị phật. Bạn cười bởi vì cuộc sống của bạn khổ đến mức vào bất kì khoảnh khắc nào, bất kì vụ việc nào mà có vẻ buồn cười đều giúp cho bạn quên đi cái khổ của mình được một chốc. Mọi căng thẳng của bạn biến mất và có tiếng cười. Do đó tiếng cười là hiện tượng thảnh thơi lớn. Nó cực kì lành mạnh. Trong một giây nó đem bạn ra ngoài mọi căng thẳng, nhưng chỉ một chốc... và bạn quay lại trong cái hang tăm tối của mình.
Vị phật cười mà không cười bởi vì ông ấy không có căng thẳng. Ông ấy không tích luỹ năng lượng trong căng thẳng mà có thể bùng nổ thành tiếng cười. Và ông ấy biết rằng cuộc sống là buồn cười. Tại đây mọi người đang làm mọi điều mà tất cả đều có thể cười được. Tiếng cười trở thành cái gì đó ăn sâu vào trong mọi tế bào của con người ông ấy; nó không tới chỉ từ đôi môi ông ấy. Sự sáng tỏ của ông ấy làm cho ông ấy thấy mọi điều mà có lẽ bạn cứ bỏ lỡ không thấy.
Tôi đã từng nghe... một người phụ nữ bỗng nhiên nói với người đàn ông đang trên giường cùng với cô ấy, “Dậy đi, nhanh lên! Em nghe thấy tiếng động của xe chồng em, xe cũ đến mức người ta có thể nghe thấy nó từ xa nửa dặm đường. Anh ấy vừa mới phanh lại trên đường lái xe vào nhà. Anh dậy đi!”
Người đàn ông nhỏm dậy và anh ta nói, “Nhưng anh đi đâu đây?”
Cô ấy nói, “Nhảy ra ngoài cửa sổ!” May mà đấy không phải là toàn nhà sáu mươi tầng - nó ở ngay tầng đất - cho nên anh ta nhảy ra. Nhưng anh ta lại trần truồng và trời mưa.
Nhưng may mắn là một nhóm người tập chạy qua đó cho nên anh ta nhập bọn, không tìm thấy cách nào khác; bằng không nếu cứ đứng trần truồng ở đó thì anh ta sẽ bị tóm.
Anh ta hoà lẫn vào với hơn hai tá người chạy, và trong bóng tối của sáng sớm anh ta cũng xoay xở được ổn. Chỉ mỗi một người chạy bên cạnh anh ta là thấy người đàn ông này có vẻ trần truồng. Anh ta không thể đừng được cám dỗ. Anh ta hỏi, “Anh bao giờ cũng chạy truồng thế à?”
Người này nói, “Vâng.” Thế rồi khi bóng tối biến dần đi và một chút ít ánh sáng tới, người chạy nhận ra rằng người trần truồng đó không phải là ai khác mà chính là ông giám mục. Và trong cái ánh sáng nhỏ bé đó mà ông ta không chỉ trần truồng, ông ta vẫn còn đeo bao cao su.
Anh này nói, “Thưa cha, cha bao giờ cũng đeo bao cao su khi chạy sao?”
Ông giám mục nói, “Không, không phải bao giờ cũng vậy, chỉ khi trời mưa thôi.”
Bạn càng trở nên chú ý thì bạn sẽ càng thấy cuộc sống như vở hài kịch thế. Bao nhiêu điều đang xảy ra tất cả xung quanh - biết bao nhiêu ngu xuẩn, biết bao nhiêu lố bịch. Nhưng vị phật không cười bởi vì hai mươi bốn giờ một ngày, trong cái nhìn sáng tỏ và minh bạch của mình, từng tế bào của con người vị phật đều đang cười. Không cần phải cười to - một cách im lặng ông ấy ở trong tiếng cười. Đó là việc cười mà không có tiếng cười.
Nếu bạn trở nên tách rời thì bạn sẽ có khả năng thấy cách thức mọi người đang bị gắn bó với những chuyện vặt vãnh, và họ khổ sở biết bao. Và bạn sẽ cười vào mình bởi vì bạn cũng trong cùng con thuyền đó trước đây. Tách biệt chắc chắn là bản chất của đạo.
... Và mục đích của những người thực hành là tự do khỏi hình tướng.
Điều bạn thấy trong thế giới không phải là thực tại, chỉ là hình tướng. Sâu đằng sau hình tướng, tấm mặt nạ, là thực tại. Để biết thực tại bạn phải được tự do khỏi hình tướng. Và mọi gắn bó của bạn đều ngăn cản bạn; bạn trở thành bị gắn bó với cái mặt nạ. Chúng ta hiếm khi trưởng thành và trở nên chín chắn. Chúng ta cứ thay đổi đồ chơi của mình. Chúng ta vẫn còn là trẻ con; chúng ta cứ thay đổi con gấu nhồi bông của mình.
Bạn phải đã thấy ở các ga xe lửa, ở sân bay, trẻ nhỏ lôi những con gấu nhồi bông của chúng theo chúng, xấu xí, bẩn thỉu, nhưng với chúng gấu đó lại rất bản chất. Không có gấu chúng không thể ngủ được; con gấu nhồi bông là bạn đồng hành của chúng. Bọn trẻ sẽ già đi và chúng sẽ vứt con gấu nhồi bông đi nhưng chúng sẽ vứt nó đi chỉ khi chúng đã tìm thấy con gấu nhồi bông khác. Hình dạng con gấu nhồi bông là gì không quan trọng - nó có thể là tiền bạc.
Tôi vẫn biết trong làng tôi... và tôi không bao giờ quên người đàn ông đó và tôi không nghĩ tôi sẽ quên người đó. Ông ta là thợ vàng, nhưng rất giầu, và ông ta có cách nói rất nhộn. Ông ta liên tục lắp bắp và ông ta bị gắn bó với một ý tưởng kì lạ và ông ta hay khoe khoang về nó: “Chừng nào tôi không có một trăm ru pi trong túi thì tôi không đi đái.” Ông ta nổi tiếng khắp cả làng. Ý tưởng vĩ đại làm sao - một trăm ru pi phải có trong túi ông ấy, chỉ thế thì ông ta mới có thể đi đái được! Ông ta đang trưng bầy cái giầu của mình, nhưng ông ta tìm ra một cách lạ đời; tôi không nghĩ người nào lại có ý tưởng đó; nó quá là độc đáo. Nhưng nó cũng nhộn.
Trong những ngày ấy không có tiền giấy, cho nên ông ta mang một trăm ru pi bằng đồng vàng - một trọng lượng như thế trong túi mình. Và mọi người hay hỏi ông ta, “Ông đi đâu đấy? Ông đã đếm ru pi của ông chưa?” - bởi vì nếu có chín mươi chín đồng và bỗng nhiên bạn cảm thấy muốn đi đái, bạn sẽ bị kẹt. Và ông ta sẽ lập tức đếm tiền rồi ông ta nói, “Không có vấn đề gì. Một trăm ru pi phải có đây. Không có nó tôi thậm chí không thể làm được một việc nhỏ như đi tiểu - còn nói gì tới những việc lớn nữa?” Đó là con gấu nhồi bông của ông ta. Ông ta đã quen ngủ với một trăm đồng ru pi này.
Bạn có thể không nhận biết - bởi vì bạn không nhận biết - nhưng nếu bạn nhìn một chút xíu thôi, bạn có thể thấy con gấu nhồi bông của bạn là gì.
Mọi hình tướng trong thế giới này đều đang ngăn cản bạn khỏi việc biết đến thực tại của thế giới và của bản thể riêng của bạn. Điều xuất hiện không phải là thực tại. Thực tại ẩn đằng sau hình tướng, và chừng nào bạn chưa trở nên hài hoà với thực tại, những hình tướng đó chỉ là chất liệu mơ, vẫn cứ hành hạ bạn liên tục. Và mọi người đều cảm thấy đau khổ, khổ, nhưng cứ sống với nó bởi vì dường như không có cách nào vứt bỏ nó.
Bồ đề đạt ma đang nói cho bạn cách thức, và đó là cách thức bản chất của mọi tôn giáo: tách rời, thoát khỏi mọi hình tướng.
Lời kinh nói, “Tách rời là chứng ngộ bởi vì nó phủ định hình tướng”... ... Ba cõi là tham lam, giận dữ và ảo tưởng.
Bạn phải quan sát ba cõi giới này bởi vì chúng là rào chắn, ba rào chắn cho việc chứng ngộ của bạn.
Bồ đề đạt ma rất ngắn gọn, cô đọng; ông ấy không đi vào những thảo luận triết lí, ông ấy đơn giản phát biểu sự kiện.
Và đó là cái đẹp của ông ấy. Ông ấy đã rút gọn toàn bộ tôn giáo và con đường từ nó vào có vài lời.
Tham lam là hung hăng của bạn.
Nó là ham muốn bao giờ cũng nhiều hơn.
Nó không bao giờ dừng lại cả; nó cứ đòi hỏi thêm nữa. Và bởi vì nó cứ đòi hỏi thêm nữa nên bạn bao giờ cũng khổ. Bất kì cái gì bạn có, bạn không thể tận hưởng nó bởi vì bạn không có thêm nữa. Vào lúc bạn có thêm, tham lam của bạn đã đi lên trước bạn. Nó bao giờ cũng ở phía trước bạn đòi hỏi thêm nữa.
Tôi thường ở tại Calcutta trong một gia đình rất giầu có và cả hai vợ chồng nhà ấy đều quen ra đón tôi tại sân bay. Anh chồng bao giờ cũng là người rất vui vẻ, nhưng một lần tôi thấy anh ta rất buồn - lái xe nhưng rất buồn.
Tôi hỏi người vợ, “Có chuyện gì vậy?” - bởi vì anh ta bao giờ cũng tán gẫu và bao giờ cũng vui vẻ. Người vợ cười còn anh chồng thì nhìn vào cô ta một cách rất nghiêm trọng, rất giận dữ.
Người vợ nói, “Thầy hỏi, cho nên tôi nói toàn thể trách nhiệm là ở thầy. Tôi không định bị xem cứ như là tôi phạm tội.” Và vừa cười to cô ấy nói với tôi, “Anh ấy buồn vì anh ấy đã đánh mất năm vạn ru pi.”
Tôi nói, “Nhưng bạn cười còn chồng bạn đã mất năm vạn ru pi sao?”
Cô ấy nói, “Tôi cười vì thực ra anh ấy đã kiếm được năm vạn ru pi - nhưng anh ấy đang trông đợi mười vạn, và rắc rối là, anh ấy không thể hiểu được rằng anh ấy đã kiếm được năm vạn từ việc kinh doanh. Anh ấy buồn vì anh ấy đã tính tới mười vạn. Năm vạn còn lại đi đâu? Cho nên mặc dầu anh ấy đã kiếm đủ lợi, anh ấy không hạnh phúc.”
Khổ của anh ta là ở chỗ anh ta đã mất năm vạn - và anh ta không mất lấy một xu. Tôi hỏi người đàn ông này, “Có chuyện gì vậy?”
Anh ta nói, “Theo một cách nào đó thì vợ tôi cũng phải, nhưng tôi thực sự cảm thấy buồn. Mười vạn tuyệt đối chắc chắn có trong kinh doanh. Thậm chí nhiều hơn nữa cũng có thể nhưng chỉ có năm vạn quay lại, và tôi không thể quên được năm vạn mà tôi đã bị lỡ.”
Bây giờ bạn có thể nghĩ rằng người đang nghĩ dưới dạng trông đợi đó có thể hạnh phúc, vui vẻ được không? Trông đợi của bạn bao giờ cũng nhiều hơn thực tại cho phép. Do đó, bao giờ cũng có cảm giác thất bại. Bao giờ cũng có nỗi buồn lẩn khuất đâu đó trong con người bạn.
Tham lam là thái độ hung hăng hướng tới sự tồn tại: chộp giật thật nhiều như bạn có thể và cứ chộp giật thêm nữa và thêm nữa mãi. Phí hoài cả đời bạn và toàn bộ thông minh của bạn trong việc chộp giật ngày càng nhiều và phỏng có ích gì? Cái chết sẽ không chậm trễ, thậm chí không chậm lấy một phút. Nó bao giờ cũng tới vào đúng lúc, và tất cả những cái bạn đã chộp giật và phí hoài cả đời bạn cho nó, bạn sẽ phải bỏ nó lại đây.
Bồ đề đạt ma đã nói: Một người tham lam tới mức khi vợ anh ta gần chết, bạn anh ta bảo anh ta, “Đến lúc rồi... anh nên gọi thầy thuốc đi.”
Nhưng anh ta nói, “Tốn tiền quá.”
Họ nói, “Điều đó thực sự xấu xa, vô nhân đạo. Vợ anh sắp chết còn anh lại nghĩ về việc trả tiền cho thầy thuốc!”
Anh ta nói, “Vợ cũng không đáng tốn nhiều thế. Nếu cô ấy chết tôi có thể lấy vợ nữa. Mà chết và sống đâu có trong tay con người, chúng do số phận quyết định. Nếu cô ấy sắp chết, cô ấy sẽ chết dù tôi có gọi thầy thuốc hay không. Sao phải phí tiền? Nếu cô ấy sẽ sống, cô ấy sẽ sống. Đằng nào thì thầy thuốc cũng hoàn toàn không cần thiết.”
Bạn bè nói, “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ anh tham đến thế. Chúng tôi luôn luôn nghe nói rằng anh tham - nhưng sao nhiều thế! Anh có cho rằng anh đem đi tất cả tiền bạc khi anh chết không?”
Anh ta nói, “Tất nhiên rồi. Tôi đã có kế hoạch.” Họ không thể nào tin được vào anh ta.
Họ nói, “Kế hoạch gì?”
Anh ta nói, “Trước khi tôi chết tôi sẽ đem tất cả tiền bạc lên một chiếc thuyền, đi xa mãi vào trong đại dương và nhảy vào đại dương cùng với tất cả tiền bạc.”
Bạn bè không thể nào tin được vào tai mình. Họ nói, “Anh có điên hay cái gì không đấy? Tiền bạc của anh vẫn cứ còn lại trong đại dương và anh sẽ phải đi một mình.” Ít nhất có thoả mãn rằng không ai khác tận hưởng số tiền của anh ta.
Bạn sẽ thấy mọi loại người tham lam và bạn sẽ thấy mọi loại tham lam bên trong bản thân mình. Và khi tham lam không được thoả mãn, giận dữ phát sinh, thất vọng phát sinh. Bạn trở nên giận dữ với thế giới, bạn trở nên giận dữ với chính mình, bạn trở nên giận dữ với mọi người.
Bạn có thể thấy điều đó trong mọi người già. Sao họ cáu bẳn thế? Sao khó đứng với họ thế? Họ là những người thất vọng; họ đã phí hoài cuộc sống của mình trong việc chộp giật ngày càng nhiều. Nhưng càng nhiều không bao giờ được thoả mãn. Bây giờ họ cảm thấy giận cuộc sống, cho nên bất kì cái cớ nào cũng đủ và họ sẽ trở nên giận dữ. Tham lam là nguyên nhân gốc rễ và khi nó không được thoả mãn, nó để lại bạn với giận dữ, thất vọng, cáu bẳn, thất bại lớn hơn.
Và trong giận dữ và thất vọng và thất bại điều thứ ba nảy sinh: ảo tưởng. ảo tưởng là sự an ủi. Ảo tưởng là một cách nào đó để giữ bản thân bạn lại.
Khi Pandit Jawaharlal Nehru là thủ tướng Ấn Độ, đã có ít nhất mười người tin rằng họ là Pandit Jawaharlal Nehru. Ít nhất một người cá nhân tôi có biết bởi vì anh ta sống ngay quận bên cạnh, và tôi hay tới thành phố đó để giảng bài trong trường đại học của họ. Tôi yêu con người đó bởi vì anh ta dùng đích xác quần áo như Jawaharlal Nehru - với cái mũ lưỡi trai Gandhi, với cái khăn dệt tay, với cái áo vét Jawahar. Và anh ta nói giống hệt Jawaharlal.
Anh ta là trò cười nhưng anh ta không bao giờ để tâm. Anh ta nói với tôi, “Những người này là đồ ngốc.” Và anh ta hay gửi điện báo nếu anh ta định tới thăm một nơi chốn đẹp gần đó, Kanhakisli, một khu rừng đẹp với hàng nghìn con hươu. Anh ta sẽ chỉ gửi một bức điện báo - “Pandit Jawaharlal Nehru sắp tới” - cho người thu thuế của quận đó, do một thư kí của Jawaharlal kí.
Và anh ta đã đánh lừa mọi người nhiều lần. Các nhà xung quanh được làm trống rỗng, sạch sẽ - Pandit Jawaharlal Nehru sắp tới! Và về sau người ta mới tìm ra rằng con người này là giả. Cuối cùng anh ta bị bắt vào nhà thương điên.
Đấy không phải là hiện tượng mới. Tại Anh, khi Winston Churchill còn sống, có ít nhất ba Winston Churchill nữa ở Anh, tuyệt đối tin rằng họ là Winston Churchill.
Có một tài liệu ghi lại một trường hợp trong cuộc đời của Kalif Omar. Một người được đưa tới cho ông ta, người này đã tuyên bố rằng mình đã tới từ Thượng đế với một thông điệp mới, “Bây giờ thông điệp mà Mohammed đã đem tới lạc hậu rồi. Đây là lúc, bởi vì gần một nghìn năm đã trôi qua. Mọi thứ đã thay đổi và Thượng đế đã phái ta tới như sứ giả của ngài với một thông điệp mới.”
Người Mô ha mét giáo rất cuồng tín. Omar ra lệnh rằng người này phải bị tra tấn trong bẩy ngày. “Trói nó vào cột nhà, lột trần ra, và đánh nó và không cho nó ăn gì cả. Và sau bẩy ngày ta sẽ tới xem.”
Thế là sau bẩy ngày ông ta tới đó. Người này đã gần chết, biết bao nhiêu máu chảy ra, bởi vì họ đã đánh anh ta liên tục, và không cho anh ta thức ăn. Omar nói, “Bây giờ ngươi nghĩ gì? Ngươi đã đổi ý hay chưa?”
Người này cười to và nói, “Đổi ý sao? Khi ta rời khỏi Thượng đế, ngài đã nói với ta, ‘Nhớ lấy, nhà tiên tri của ta bao giờ cũng bị tra tấn.’ Việc tra tấn của ngươi đã chứng minh hoàn toàn rằng ta là nhà tiên tri.”
Vào chính lúc đó một người khác, cũng đang bị trói vào một cái cột khác gần tháng nay bởi vì anh ta đã tuyên bố rằng mình là Thượng đế, quát lên với Omar, “Đừng nghe lời thằng ngốc đó. Ta chưa bao giờ phái bất kì nhà tiên tri nào sau Mohammed. Mohammed là nhà tiên tri duy nhất của ta và tên này là kẻ lừa bịp!”
Bây giờ nói gì về những người này đây? Và họ không phải là ngoại lệ. Mọi người đều có một loại ảo tưởng nào đó. Mọi người đều đang nghĩ về những điều mà người ấy không phải là thế. Nhưng những ảo tưởng này lại có ích như một hệ thống bôi trơn. Nó giúp cho cuộc sống của bạn chuyển tiếp theo một cách nào đó.
Những sự an ủi lớn - nếu bạn không thể trở thành thủ tướng được, ít nhất bạn có thể tạo ra ảo tưởng rằng bạn là thủ tướng. Nếu bạn không thể trở thành người giầu có nhất bạn vẫn có thể tin rằng bạn là người giầu có nhất. Bạn có thể làm cho ảo tưởng của mình thành vững chắc đến mức không ai có thể thay đổi được chúng.
Một người điên được đưa tới một nhà tâm thần. Tính điên khùng của anh ta rất đặc biệt; tính điên của anh ta là ở chỗ anh ta đã nghĩ rằng mình đã chết. Cho nên khi gia đình bảo anh ta đi ra cửa hàng, trông cửa hàng, anh ta nói, “Mọi người không hiểu. Người chết không ra cửa hàng. Họ không trông cửa hàng.”
Mọi người cố gắng vất vả đủ mọi cách để thuyết phục anh ta rằng anh ta hoàn toàn đang sống, còn anh ta thì nói, “Làm sao tôi tin được mọi người khi tôi biết rằng tôi là người chết?”
Cuối cùng họ đem anh ta tới nhà tâm thần và nhà tâm thần nói, “Đừng lo. Tôi sẽ đưa anh ta về điều phải.” Và ông ta hỏi người điên, “Anh có cho rằng người chết chảy máu không?”
Người điên nói, “Không, người chết không bao giờ chảy máu cả.”
Thế là nhà tâm tần nói, “Có một thực nghiệm đơn giản cần được làm.” Và ông ta lấy con dao ra cắt vào ngón tay người chết một chút, và máu chảy ra. Cả gia đình rất vui mừng rằng con người này, chỉ trong một phút, đã làm thay đổi toàn thể tình huống. Nhưng họ chưa bao giờ biết rằng ảo tưởng lại không dễ dàng bị xua tan đi như thế.
Người điên cười to. Nhà tâm thần nói, “Máu đó chứng tỏ rằng anh không là người chết.”
Anh ta nói, “Không, máu đó chứng tỏ rằng câu ngạn ngữ ‘người chết không chảy máu’ là sai; người chết có chảy máu. Tôi là bằng chứng. Bây giờ các ông có thể làm được gì nào? Câu ngạn ngữ là sai và tôi là bằng chứng cho cái sai của nó. Người chết có chảy máu!”
Ảo tưởng lắng đọng sâu thế trong bạn, và lí do cho những ảo tưởng đó là ở chỗ sống liên tục trong thất vọng là việc khó khăn. Bạn bắt đầu tin vào những điều mà bạn không có. Bạn nên nhìn vào trong tâm trí của riêng mình để thấy bao nhiêu thứ chỉ là ảo tưởng.
Bồ đề đạt ma nói ba cõi giới này là tham lam, giận dữ và ảo tưởng. Bỏ ba cõi này có nghĩa là đi từ tham lam, giận dữ và ảo tưởng trở về với đạo đức, thiền và trí huệ. Đạo đức, thiền và trí huệ thực ra không phải là ba điều mà chỉ là ba cái tên.
Điều đích xác là thiền. Một mặt nó đem lại đạo đức trong cuộc sống của bạn, mặt khác nó đem lại trí huệ trong cuộc sống của bạn. Nhưng bạn không thể làm được cái gì để đạt tới trí huệ một cách trực tiếp; bạn không thể làm được cái gì đạo đức một cách trực tiếp. Nhưng bạn có thể làm cái gì đó cho thiền; bạn có thể thiền một cách trực tiếp, và đạo đức cùng trí huệ cả hai là sản phẩm phụ. Đạo đức sẽ là trong hành động của bạn và trí huệ sẽ là thông minh của bạn, nhận biết của bạn, chứng ngộ cuối cùng của bạn.
Lời kinh nói, “Chư phật chỉ trở thành chư phật trong khi sống với ba chất độc này và nuôi dưỡng bản thân họ trong Pháp thuần khiết.”
Bồ đề đạt ma đang nói đừng lo nghĩ về ba chất độc của tham lam, giận dữ và ảo tưởng. Ngay cả chư phật đã sống qua cùng kinh nghiệm như tất cả các bạn đang trải qua; nhưng bởi vì họ bắt đầu nuôi dưỡng bản thân mình qua thiền và bắt đầu trở nên nhận biết về tự tính của họ, tất cả ba chất độc đó đã biến mất. Họ đã tìm được thuốc giải độc.
Thiền là thuốc giải độc cho mọi chất độc trong cuộc sống của bạn.
Nó là việc nưôi dưỡng bản tính đích thực của bạn.
Ba chất độc này là tham lam, giận dữ và ảo tưởng... Xe Lớn là vĩ đại nhất trong mọi xe.
Điều này tôi gọi là định kiến. Ông ấy liên tục khăng khăng và nhấn mạnh rằng Đại Thừa, Xe Lớn là vĩ đại nhất trong các xe. Nó là việc chuyên chở của bồ tát, người dùng mọi thứ mà không dùng cái gì, và người du hành cả ngày mà không du hành. Đấy là xe của chư phật. Lời kinh nói, “Không xe nào là cỗ xe của chư phật.”
Với tâm trí logic, bình thường, với bất kì ai nhìn vào cuộc sống theo kiểu hợp lí, đây sẽ có vẻ là một phát biểu rất ngớ ngẩn. Trước hết ông ấy nói, “Xe Lớn là vĩ đại nhất trong các xe. Nó là việc chuyên chở của bồ tát, người dùng mọi thứ mà không dùng cái gì, và người du hành cả ngày mà không du hành. Đấy là cỗ xe của chư phật.”
Và thế rồi, Lời kinh nói, “Không cỗ xe nào là cỗ xe của chư phật.” Nó là một với các phát biểu khác của ông ấy. Bước không bước, hành động không hành động, nói không nói... cho nên không có mâu thuẫn. Ông ấy quen dùng cùng cách diễn đạt cho ‘xe” - xe lớn nhất là “không xe.”
... Lời kinh nói, “Hang của năm hợp phần là phòng của thiền.”
Năm hợp phần là năm phần tử tạo nên thân thể: đất, không khí, lửa, nước và bầu trời. Năm thứ này là các hợp phần - các uẩn skandhas - các phần tử mà từ đó thân thể bạn được tạo nên. Chỉ ngay đằng sau năm yếu tố này kho báu của bạn bị giấu kín, phòng của thiền. Ngay bên trong ngôi đền được làm bằng năm yếu tố này, là ngọn lửa của nhận biết của bạn.
Thân thể này là ngôi đền, và tâm thức của bạn là thượng đế của ngôi đền.
“việc mở con mắt bên trong là cánh cửa của Xe Lớn.” Cái gì còn có thể rõ ràng được hơn nữa?
Khi bạn trở nên ngày càng nhận biết hơn, bạn bắt đầu có con mắt thứ ba. Hai con mắt nhìn ra ngoài; con mắt thứ ba kia nhìn vào trong.
Và thấy bản thân mình là kinh nghiệm lớn lao nhất, bởi vì một khi bạn đã thấy cái đẹp của mình; thế thì mọi cái đẹp của thế giới bên ngoài đều nhạt nhoà đi.
Một khi bạn đã thấy sự thuần khiết của mình, thế thì mọi thứ bên ngoài đều trở thành bị ô nhiễm. Một khi bạn đã thấy huy hoàng bên trong của mình, thế thì thậm chí mặt trời mọc đẹp hay mặt trời lặn hùng vĩ, hay bầu trời đêm đầy sao, cũng không là gì nếu so với huy hoàng của bản thể bạn. Bạn là đỉnh cao nhất của tiến hoá, của ánh sáng, của tâm thức.
Không nghĩ về bất kì cái gì là thiền.
Im lặng không ý nghĩ nào là điều được ngụ ý bởi thiền.
Một khi ông biết điều này, bước, đứng, ngồi hay nằm, mọi thứ ông làm đều là thiền.
Đây là phát biểu có ý nghĩa. Có lẽ không có tôn giáo nào khác đã làm cho toàn thể cuộc sống của bạn, hai mươi bốn giờ một ngày, là kinh nghiệm thiền. Thiền không tin vào việc thiền một giờ mỗi sáng, hay một giờ vào ban đêm. Nó không làm cho việc thiền thành hành động tách biệt, đặc thù. Nó muốn việc thiền trở thành một phẩm chất của bản thể bạn.
Cho nên bất kì điều gì bạn làm - bước đi, ngồi, đứng, nằm, chặt củi, kéo nước từ giếng lên, không thành vấn đề. Bất kì điều gì bạn làm, bạn làm nó trong im lặng thế, an bình thế, không một khuấy động nào của ý nghĩ trong tâm trí bạn.
Thế thì toàn thể cuộc sống của bạn đã trở thành thiền. Bạn đi ngủ một cách im lặng, bạn thức dậy một cách im lặng, và một hôm bạn sẽ nhận ra rằng bạn cũng ngủ một cách im lặng nữa - khi ý nghĩ biến mất, mơ cũng biến mất. Thế thì vòng tròn là đầy đủ.
Với Zen (thiền), việc thiền phải là việc của hai mươi bốn giờ. Nó không phải là hành động phụ nào đó mà bạn phải làm. Nó không phải là tôn giáo của chủ nhật - trong sáu ngày làm đủ mọi thứ bạn muốn làm, nhưng ít nhất vào ngày thứ bẩy, vào chủ nhật, tới nhà thờ trong một giờ và bạn là người Ki tô giáo vĩ đại. Điều đó tuyệt đối phi logic và ngớ ngẩn. Chỉ tới nhà thờ có mỗi một giờ, và thế rồi sống cuộc sống trần tục của bạn với tham lam, với giận dữ, với ảo tưởng, sẽ không làm biến đổi bạn. Và không Jesus nào có thể cứu được bạn.
Mọi người của tôi trong công xã này làm tấm áp phích nhỏ cho ô tô. Nó nói, “Jesus tiết kiệm, Moses đầu tư, Osho chi tiêu.” Tôi thích điều đó. Phỏng có ích gì mà tiết kiệm? Jesus dường như giống ông chủ ngân hàng. Và tất nhiên, Moses đầu tư. Với Moses, mọi thứ là chuyện kinh doanh. Còn với tôi, chắc chắn, mọi thứ sẽ bị lấy đi hết. Trước khi nó bị lấy đi, dùng nó, chi tiêu nó, tận hưởng nó. Tại sao đợi cho tới lúc cái chết giằng nó đi? Chắc chắn điều đó là tuyệt đối đúng. Tôn giáo một giờ, hay thậm chí như người Mô ha mét giáo cầu nguyện năm lần một ngày sẽ không ích gì.
Tôn giáo phải trở thành cái gì đó giống như nhịp tim đập của bạn vậy.
Thiền phải trở thành cái gì đó giống như hơi thở của bạn vậy. Bất kì cái gì bạn làm, bạn đều thở; nó không phải là hành động tách biệt. Và chỉ thế thì bạn được bão hoà, trong mọi thớ thịt của con người bạn, với tính thiền.
Biết rằng tâm trí là trống rỗng là thấy Phật. Chư Phật của mười phương không có tâm trí. Thấy không có tâm trí là thấy Phật.
Bây giờ bạn có thể thấy tại sao tôi cứ nhấn mạnh mãi rằng đệ tử này đã ghi sai. Đây là phát biểu đúng, của Bồ đề đạt ma. Chư phật có vô trí. Thấy không có tâm trí là thấy Phật.
Nhưng điều rất kì lạ là những lời kinh này đã tồn tại một nghìn năm nay, và không ai thấy mâu thuẫn. Không lẽ những người tôn giáo mù quáng thế, những người tin tưởng đến mức họ sẽ không thấy mâu thuẫn nào, cho dù là nó có đấy - hiển nhiên thế.
Từ bỏ bản thân mình mà không tiếc nuối là việc từ thiện vĩ đại nhất.
Nhưng hiến pháp Ấn Độ sẽ không tin vào điều đó. Hiến pháp Ấn Độ tin vào từ thiện tương ứng theo ý tưởng Ki tô giáo. Nó là một hiến pháp rất kì lạ. Nó là một mớ hẩu lốn.
Trong tiếng Hindu chúng ta gọi nó là khichri, trò bịp bợm. Điều mà những người làm hiến pháp đã làm... họ đã thu thập mọi hiến pháp trên thế giới, và lấy ra những đoạn hay từ mọi hiến pháp, không biết rằng những đoạn hay ho ấy đã sống trong một hoàn cảnh nào đó, trong hiến pháp của chúng. Khi bạn lấy chúng ra, chúng trở thành chết.
Hiến pháp Ấn Độ là hiến pháp chết nhất trên thế giới, bởi vì mọi thứ đã được lấy ra và vay mượn từ các hiến pháp khác. Nó không phải là sự trưởng thành, nó đơn giản là việc tổ hợp. Lấy mọi thứ tốt... mắt ai đó đẹp, lấy chúng ra; tai ai đó thực sự đẹp, lấy chúng ra; ria mép ai đó - nhổ nó ra.
Bạn có thể làm ra một người chỉ bằng việc lấy những cái đẹp từ mọi nơi - mắt của Cleopatra, mũi của Amrapali, thân hình của Alexander Đại Đế và tâm trí của Albert Einstein. Nhưng nhớ, mặc dầu bạn đã lấy ra tất cả những bộ phận đẹp nhất từ những người đẹp nhất, bạn đã thu thập chỉ một cái xác - nó sẽ không có sự sống nào.
Điều Bồ đề đạt ma đang nói về từ thiện... Chúng ta đã tranh đấu với chính phủ Ấn Độ và toà án Ấn Độ trong gần mười năm, rằng quan niệm của họ về từ thiện là rất nghèo nàn, quan niệm của họ là rất hạn chế. Đem cho người nghèo, làm bệnh viện, làm trường học... đây là từ thiện. Không có gì cao cả trong ý tưởng của họ về từ thiện cả. Riêng một phát biểu của Bồ đề đạt ma còn có ý nghĩa hơn nhiều. Ông ấy nói: Từ bỏ bản thân mình mà không tiếc nuối là từ thiện vĩ đại nhất. Từ bỏ bản thân mình cho ai? Cho vũ trụ.
Đừng là một thực thể tách rời. Rơi vào trong đại dương của sự tồn tại và trở thành một với nó. Đây là từ thiện vĩ đại nhất. Bạn còn có thể cho được cái gì khác nữa? Bạn đã vào thế giới này với đôi tay trống rỗng, và bạn sẽ ra đi khỏi thế giới này với đôi tay trống rỗng.
Mọi thứ mà bạn có đều không phải là của bạn. Nhà của bạn không là gì ngoài nhà trọ lớn. Tiền của bạn không phải là tiền của bạn; bạn đã khai thác để có nó. Đất của bạn không phải là đất của bạn; nó bao giờ cũng có đó trước khi bạn tới và nó sẽ còn lại đó sau khi bạn đã ra đi.
Cái gì là của bạn? Bạn chỉ có thể cho cái là của bạn, bạn không thể cho cái không phải là của bạn. Bạn không thể đóng góp mọi vì sao cho người nghèo được; bạn không thể đóng góp mặt trời cho người nghèo được; bạn không thể đóng góp mặt trăng cho người nghèo được. Ngay chỗ đầu tiên nó không thuộc về bạn.
Tất cả những gì bạn có thể đóng góp được là bản thể riêng của bạn. Do đó, Bồ đề đạt ma là tuyệt đối đúng rằng chỉ có một việc từ thiện và đó là đem bản thân bạn cho sự tồn tại mà không tiếc nuối, thực ra với vui vẻ và hân hoan lớn lao. Trở thành một phần của cái toàn thể.
Siêu việt trên chuyển động và tĩnh lặng là thiền cao nhất.
Dù bạn ngồi im lặng, hay bạn bước đi im lặng, bạn phải siêu việt lên trên mọi hình dạng, chuyển động và tĩnh lặng, hoạt động và bất hoạt, ngày và đêm, sống và chết. Siêu việt lên trên tất cả, và bạn sẽ có hương thơm cao nhất của thiền trong bạn.
Người hữu tử giữ chuyển động - và lần nữa ông ấy lại tới với định kiến của mình - trong khi a la hán vẫn duy trì tĩnh lặng. Nhưng thiền cao nhất vượt qua điều đó của cả người hữu tử và a la hán.
Ông ấy không biết gì về a la hán cả. A la hán không nói điều gì, nhưng họ cũng đã siêu việt trên chuyển động và tĩnh lặng. Chỉ bởi vì họ không nói điều gì không có nghĩa là họ đã không siêu việt lên. Thực ra, siêu việt của họ lớn đến mức điều đó không thể được nói ra hay truyền đạt bằng lời. Cho nên tôi sẽ không đồng ý với Bồ đề đạt ma. Ông ấy phải tha thứ cho tôi. Với mọi lời xin lỗi, tôi muốn nói với ông ấy rằng hiểu biết của ông ấy về a la hán là con số không tuyệt đối. Thay vì nói a la hán, ông ấy nên dùng từ “kẻ khổ hạnh”.
Người hữu tử và kẻ khổ hạnh không biết tới siêu việt này.
Những người đạt tới hiểu biết như vậy giải phóng bản thân họ khỏi mọi hình tướng mà không nỗ lực và chữa lành mọi bệnh tật mà không chữa trị. Như thế là quyền năng của thiền vĩ đại.
Như thế là quyền năng của thiền vĩ đại. Như thế là quyền năng của việc biết tới bản thân mình. Mọi ốm yếu biến mất; ốm yếu về tâm linh, mọi vết thương bỗng nhiên được chữa lành - những vết thương của tâm linh. Và mọi hình tướng, ảo tưởng, tham lam và giận dữ đều không được thấy nữa, thậm chí không một dấu vết của chúng. Như thế là quyền năng của của việc biết tới bản thân người ta trong thiền sâu.
Ông ấy là hoàn toàn đúng về mọi thứ, ngoại trừ điều ông ấy nói về a la hán. Điều đó phải được đổi lại. Thực ra tôi không chống Bồ đề đạt ma, tôi đang làm một ân huệ lớn cho ông ấy. Tôi đang rút bỏ sai lầm của ông ấy ra; tôi đang làm cho ông ấy gần như không thể sai được. Định kiến của ông ấy chống lại a la hán lôi ông ấy xuống từ đỉnh đầy ánh mặt trời cao nhất nơi là nhà ông ấy.
Nếu bạn gặp Bồ đề đạt ma ở đâu đó, trong kiếp sống nào đó, nhắc ông ấy rằng vài sửa đổi là cần thiết. Và chắc chắn ông ấy không thể làm cho tôi sợ bởi đôi mắt to tướng của ông ấy. Tôi cũng có thể làm cho ông ấy sợ bằng đôi mắt lớn của tôi.
Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Osho.

Ads Belove Post