Bản kinh cuối cùng (Tập 6) - Osho - Chương 4

Bản kinh cuối cùng (Tập 6) - Osho - Chương 4

Price:

Read more

THIENOSHO - Bản kinh cuối cùng - Tập 6
(Phỏng vấn với giới báo chí)
Chương 4

Câu hỏi: Thưa Osho, làm sao chúng tôi có thể gột bỏ việc lập trình của các tôn giáo có tổ chức?
Quá trình hoá giải chương trình là một trong những điều đơn giản nhất. Bạn chỉ phải quan sát các ý thức hệ, các triết lí, tôn giáo, cái bạn đang mang trong tâm trí mình - không phải là kinh nghiệm riêng của bạn. Đó là phân biệt cần được thực hiện: cái không phải là kinh nghiệm riêng của bạn, bạn đã bị lập trình. Bằng không làm sao bạn có được nó?
Bạn là người Ki tô giáo hay người Hindu hay người Mô ha mét giáo. Làm sao bạn thành người Ki tô giáo? Bạn chưa bao giờ thám hiểm cả.  Bạn không có  kinh nghiệm cá nhân nào. Trái tim bạn sẽ lập tức nói với bạn, rằng "Mình tuyệt đối ngây thơ với tất cả những điều này.” Tâm trí bạn đã bị lập trình.
Và hiểu cái gì bị lập trình chính là hiểu cái gì là giả trong bạn, cái gì được vay mượn trong bạn, cái gì đã bị áp đặt vào bạn. Chính nhận biết này là đủ. Các ý niệm này không bám vào bạn. Bạn đang níu bám vào những ý niệm đó.
Cho nên vấn đề không phải là làm sao gạt bỏ chúng. Vấn đề là làm sao không ôm giữ chúng. Và khoảnh khắc bạn thấy cái giả dối, bạn sẽ vứt bỏ chúng. Biết cái gì đó là giả dối và vay mượn, là đủ để vứt bỏ nó.
Và một khi bạn đã vứt bỏ tất cả những thứ vay mượn trong bạn, bạn lại hồn nhiên, tấm bảng trắng, trang giấy sạch không cái gì được viết lên. Và tôi không muốn viết cái gì lên nó. Tôi muốn bạn kinh nghiệm và tự bạn viết lên. Bạn là người duy nhất có quyền bôi mực (bất kì cái gì) lên bản thể mình.
Đây là tự do bản chất nhất. Tất cả những tự do khác đều chỉ làng nhàng thôi. Và tự do bản chất này không được trao cho con người. Tự do chính trị được trao và tự do xã hội được trao, nhưng chúng không phải là tự do thực. Với những người đã bị lập trình, không có tự do, bởi vì họ sẽ dùng tự do theo chương trình chính là tù túng của họ.
Cho nên điều đầu tiên và quan trọng nhất là được trút gánh nặng của tù túng này. Và phân biệt đơn giản về mọi điều - bạn phải mang đi khắp nơi gói hành lí tâm trí của mình và hỏi, "Các vị có biết thượng đế không? Các vị có kinh nghiệm điều gì về thượng đế không?” Nếu không, thế thì dù thượng đế có tồn tại hay không cũng chẳng thành vấn đề. Nó không phải là kinh nghiệm của bạn. Nó không liên quan tới bạn.
Và một khi bạn là tấm bảng sạch, bạn có thể tiếp tục cuộc hành trình khám phá ra chân lí là gì. Nhưng trước khi người ta biết chân lí là gì, thì người ta phải biết giả dối là gì. Bởi vì bạn bị vây quanh bởi biết bao nhiêu là cái giả dối đến mức bạn không có khả năng biết tới chân lí. Đó là chủ định của hoá giải lập trình: để giúp bạn lau sạch bản thân bạn khỏi mọi tri thức vay mượn bị áp đặt vào bạn từ thời còn trẻ thơ, trong những khoảnh khắc hồn nhiên của cuộc sống khi bạn còn chưa có khả năng hoài nghi và hỏi - nhưng bây giờ bạn có khả năng hỏi và hoài nghi. Cho nên bất kì cái gì bố mẹ bạn, thầy giáo của bạn, nhà thờ của bạn, tu sĩ của bạn đã làm - bạn đều phải hoàn tác lại nó.
Và việc hoàn tác lại nó là quá trình đơn giản thế: giống hệt như con rắn tuột ra khỏi bộ da cũ của nó. Nó không bao giờ nhìn lại. Bạn chỉ việc quan sát từng ý niệm, và bạn sẽ thấy chúng tất cả đều là giả bởi vì không cái nào trong chúng là của bạn cả - cho nên không có sợ hãi, không có vấn đề là bạn có thể bị lẫn lộn. Cái gì là của bạn và cái gì là không là của bạn là quá trình đơn giản đến mức mọi người đều có khả năng phân biệt.
Câu hỏi: Thưa Osho, thầy đã nói rằng mọi người cần kinh nghiệm về của cải vật chất trong các kiếp sống của mình trước khi trưởng thành tâm linh có thể xảy ra. Vậy thì sao bao nhiêu người trong các nước giầu có, đã phát triển, phải chịu những bệnh tinh thần thế?
Nguyên nhân là tôn giáo. Những người giầu có ở phương Tây đâm ra chán với sự giầu có của họ. Họ đã bị kết thúc với sự giầu có của họ, nhưng họ không biết đi đâu. Và điều tôn giáo của họ cung cấp cho là đồ giả, nó dẫn tới điên khùng. Cái giả không thể dẫn bạn tới lành mạnh được. Nó là nguy hiểm.
Cái giả có thể là an ủi cho người nghèo, bởi vì người đó còn chưa được chấm dứt với vật chất. Cho nên tôn giáo giả, các nhà thờ, có thể an ủi người nghèo rằng "Con sẽ có mọi thứ này trong cuộc sống tương lai, trong thiên đường, cứ kiên nhẫn, cứ giữ im lặng. Đừng bất mãn. Đây là phép thử lửa của thượng đế. Trải qua nó một cách bình thản, bình tĩnh.” Nhưng điều này không thể là an ủi cho người giầu được, bởi vì bất kì cái gì thiên đường của bạn cung cấp, họ đã có nhiều hơn thế rồi.
Đây là nguyên nhân của điên khùng của họ. Họ cần cái gì đó thực, tâm linh đích thực, cái không có sẵn cho họ. Và tôn giáo của bạn lại ngăn cản họ, không cho đi theo hướng họ có thể tìm ra nó.
Các tôn giáo của bạn lập trình cho tâm trí họ, điều họ cứ níu bám lấy, Ki tô giáo hay Do Thái giáo hay bất kì giáo nào khác, không biết rằng ngoại trừ chân lí, không có mạnh khoẻ nào và không có tính toàn thể nào và không có tự do nào. Và chân lí được tìm thấy trong thiền, không trong lời cầu nguyện, không trong nhà thờ, không trong Kinh thánh, không trong Koran. Nó được tìm thấy khi bạn im lặng, hoàn toàn im lặng. Trong thuần khiết đó của nhận biết, một loại cuộc sống hoàn toàn mới, cực lạc bắt đầu.
Tràn đầy niềm vui và ánh sáng đi. Tràn đầy phúc lạc và phúc lành đi. Cho nên rất rõ ràng là tại sao ở phương Tây nhiều người giầu phát điên. Ki tô giáo hay Do Thái giáo chịu trách nhiệm. Nếu người  giầu phát điên ở phương Đông, thế thì Hindu giáo, Phật giáo, Jaina giáo, Mô ha mét giáo - họ sẽ chịu trách nhiệm.
Tìm kiếm chân lí là cá nhân, và nhà thờ của bạn lại không cho phép bạn có tính cá nhân. Họ không cho phép bạn đi một mình. Toàn thể nhấn mạnh của họ là vào đám đông. Và người giầu bị kết thúc và chán với đám đông. Người đó biết tất cả những điều đám đông có thể cho, tiền có thể mua được. Người đó đã biết mọi thứ mà đàn ông hay đàn bà có thể cho. Điều đó được kết thúc. Và bạn lại không cho phép người đó có lối thoát ra nào.
Sức ép của việc vẫn còn trong một tình huống tuyệt đối không có gì ngoài bất mãn, và bạn không cho phép người đó đi khỏi đó. Bạn muốn người đó vẫn là người Ki tô giáo, vẫn là người Hindu. Bạn đang đưa người đó tới chỗ phát điên. Mọi nhà thờ trên thế giới có trách nhiệm. Họ đã an ủi người nghèo hãy vẫn cứ nghèo đi và họ ngăn cản người giầu làm cuộc hành hương cá nhân.
Họ đang tạo ra địa ngục cho cả hai. Tất nhiên địa ngục cho người giầu là lớn hơn, bởi vì không có an ủi cho người đó. Bất kì điều gì họ sẽ được cung ứng trên thiên đường, người đó đều đã sống nó cho nên nó không thể là an ủi được, nó không thể là hi vọng được. Thành công vật chất của người đó đã phá huỷ mọi khả năng hi vọng trong cái gọi là thiên đường của bạn, cõi trời. Bây giờ người đó phải sống vô hi vọng, trong cùng nhà thờ ấy, trong cùng đám đông ấy. Người đó phải là kẻ đạo đức giả. Người đó có thể xoay xở căng thẳng này được bao lâu? Chẳng chóng thì chầy người đó bị suy sụp.
Tất cả mọi điều cần là ở chỗ người đó nên thoát ra khỏi nhà thờ, ra khỏi đám đông, và ra khỏi việc lập trình mà những nhà thờ đó đã làm trên người đó để cho người đó có thể ở một mình. Và người đó có thể đi theo cách riêng của mình trong tìm kiếm chân lí. Thế giới  này không cung cấp bất kì chân lí nào, bất kì phúc lạc nào. Và các tôn giáo của thế giới này chỉ nói, về hoan lạc trong thế giới sau. Với người giầu điều đó không có nghĩa. Người đó biết rằng ngay cả trong thiên đường người đó sẽ không hài lòng.
Và sống trong trạng thái vô vọng, nơi bạn không thể tìm được bất kì lối ra nào, một cách tự nhiên sẽ tạo ra suy sụp thần kinh. Một trong những cuốn sách của Jean-Paul Sartre có tên ‘Không lối thoát’, và cuốn sách này mô tả về địa ngục. Nó không phải là địa ngục cũ, nơi bạn bị thiêu trong lửa và bạn bị chặt thành từng mảnh và bị tra tấn. Không, chẳng có gì về điều đó cả. Nó là địa ngục hiện đại. Tính địa ngục duy nhất là ở chỗ không có lối thoát.
Mọi người đang ngồi trong phòng. Họ không biết tại sao. Họ không biết họ phải ngồi ở đây bao lâu. Họ không có cách nào để ra. Họ phát chán với khuôn mặt của nhau. Họ đã nói mọi thứ mà họ biết. Mọi thứ đều được chấm dứt, mọi trao đổi đều bị loại bỏ. Họ đang trong trạng thái phát điên.
Và đó là tình huống của người giầu ở phương Tây. Điều tôi đã nói là tuyệt đối đúng. Đây là khoảnh khắc đấy, nếu con người có đủ dũng cảm để thoát ra khỏi tâm trí đám đông và nhận trách nhiệm về tự do và tìm kiếm chân lí, tìm thầy, người có thể giúp một cách cá nhân và thân thiết - người đó sẽ trở thành con người mới, thay vì trở thành người điên.
Câu hỏi: Thưa Osho, trong nhiều năm, đã có các phong trào tâm thức và trưởng thành. Tâm thức và trưởng thành thực sự là gì? Tâm thức có phải là cái gì đó mà mọi người có và có thể phát triển không - hay liệu vài người có, và vài người không?
Thứ nhất: chính George Gurdjieff, người lần đầu tiên trong toàn bộ lịch sử con người đã phát biểu rằng mọi người không có tâm thức. Vài người có. Đại đa số không có tâm thức.
Đấy đơn giản là phương cách. Đấy không phải là phát biểu về chân lí. Bởi vì mọi nhà huyền môn cổ đại đều đã nói, rằng mọi người đều có tâm thức. Mọi điều cần làm là phát hiện ra nó, trở nên nhận biết về nó. Họ đã phát biểu chân lí. Nhưng mọi người đều trong trạng thái vô ý thức đến mức họ sẽ dùng sai ngay cả phát biểu có hàm chứa chân lí - và họ đã dùng sai thật.
Bởi vì hai khả năng có đó: nếu mọi người có tâm thức, và khác biệt duy nhất là ở chỗ vài người trở nên nhận biết về nó, và đó là trưởng thành nghĩa là gì. Đó là điều tâm thức tất cả là gì: trở nên ý thức về tâm thức của bạn. Và thế thì bạn bắt đầu trưởng thành theo chiều hướng mới, chưa bao giờ có sẵn cho bạn.
Thông thường bạn trưởng thành chỉ về mặt tâm trí, thể chất. Thân thể già đi. Tâm trí ngày một thêm thông thái. Và hai điều này có sẵn cho mọi người. Nhưng trưởng thành thực bắt đầu khi bạn bắt đầu trở nên nhận biết về tiềm năng tâm thức của bạn. Thế thì bạn đang đi từ cá nhân tới vũ trụ, từ hữu tử sang bất tử, từ cái chết tới cuộc sống vĩnh hằng.


Bởi vì tất cả các nhà huyền môn đều đã nói điều đó, mọi người trở nên rất thoả mãn với phát biểu này, rằng "Khác biệt duy nhất là ở chỗ chúng ta không nhận biết. Một Phật Gautam là nhận biết. Cho nên chúng ta có thể trở nên nhận biết vào bất kì lúc nào. Không vội gì về điều đó cả. Có nhiều điều quan trọng hơn bạn phải làm trước hết. Điều này có thể được làm vào bất kì lúc nào. Có những điều mà bạn chỉ có thể làm hôm nay, nhưng đây là cái gì đó mà bạn có thể làm vào ngày mai, ngày kia; trong kiếp sống này, trong kiếp sống khác. Có cả nghìn kiếp sống sẵn đấy, cho nên bạn có thể làm điều đó vào bất kì lúc nào."
Điều đó đã cho họ sự an toàn nguy hiểm. Gurdjieff phải đánh mạnh, để làm cho mọi người nhận biết, rằng "Quên mọi cái vô nghĩa đó đi. Chỉ rất ít người mới có tâm thức. Và chừng nào ông còn chưa nỗ lực vì nó, ông không thể có nó được. Cho nên điều đó không được trì hoãn. Từng khoảnh khắc đều có giá trị, và điều đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Không có gì để bạn phải trì hoãn nó.” Thực ra ông ấy muốn tạo ra thôi thúc về nó, và ông ấy phải nói dối. Nhưng cuộc sống của ông ấy bắt nguồn từ từ bi, khi thấy rằng mọi người đã làm cho chân lí thành chỗ đệm nguy hiểm. Nó giữ họ không cho trưởng thành về tâm linh, bởi vì họ bao giờ cũng có thể nói, "Không có mấy vấn đề. Tâm thức tôi đã có rồi. Tôi chỉ phải ý thức về nó, cho nên bất kì hôm nào tôi cũng có thể làm điều đó. Và vĩnh hằng là có sẵn.”
Gurdjieff đã rất cảm nhận, rằng bất kì điều gì các nhà huyền môn đã từng nói, đều đúng nhưng họ lại chưa bao giờ nhìn xem kết quả là gì. Họ muốn mọi người biết, rằng "Các bạn có tâm thức. Không cần phải lo nghĩ về nó, bạn có thể phát triển nó.” Họ đơn giản phát biểu một sự kiện, không thấy điều sẽ là tác động lên những người ngủ. Trong giấc ngủ của mình họ sẽ nghĩ, "Không vội gì, chúng ta có thể ngủ thêm chút nữa. Chẳng khác biệt gì mấy dù mình thức dậy hôm nay hay ngày mai. Ngay bây giờ giấc ngủ dường như đẹp thế, cho nên sao quấy rối nó?"
Gurdjieff đã là người đầu tiên trở nên nhận biết rằng nói chân lí này cho người ngủ là điều nguy hiểm. Họ cần bị rung chuyển, bị choáng - và đây là một trong những cú choáng mạnh nhất, ngay cả nghe nó: rằng bạn có thể không có tâm thức chút nào, rằng cái chết này đơn giản là cái chết, chẳng còn lại cái gì từ nó cả. Bạn sẽ đơn giản chết đi một cách toàn bộ. Bạn chẳng là cái gì ngoài thân thể và tâm trí. Bạn không có yếu tố vĩnh hằng trong mình. Bởi vì bạn đã không tạo ra nó. Nó không được trao cho qua việc sinh, đó là quan điểm của Gurdjieff. Cứ nhấn mạnh, rằng "Bạn đã không được trao cho từ lúc sinh ra. Bạn phải làm việc vì nó và làm việc vất vả, và bạn phải đạt tới nó trước khi chết. Bằng không cái chết của bạn sẽ hoàn toàn là cái chết. Cho nên đừng đợi kiếp khác!"
Và ông ấy đã thực sự gây ra khiếp đảm cho nhiều người thông minh, bởi vì con người này là của quyền năng lớn, hiểu biết mênh mông. Ông ấy biết điều phải làm với người ngủ còn rõ hơn bất kì ai khác. Tất cả các nhà huyền môn này đều là những anh chàng tế nhị. Ông ấy thì không. Họ đơn giản nói điều đúng. Nói ra chân lí cũng vẫn chưa đủ.
Chừng nào bạn chưa đưa mọi người tới chân lí, các phát biểu của bạn không có chân lí. Nếu chúng ngăn cản mọi người đi tới chân lí, thế thì bạn có thể cho là mình đang nói chân lí, nhưng bạn đang ngăn cản hàng triệu người không cho đạt tới nó. Ai chịu trách nhiệm cho điều đó? Cho nên Gurdjieff đã cho một lối rẽ hoàn toàn mới. Mọi người bị sốc, bởi vì họ chưa bao giờ nghe nói, rằng "Bạn không có linh hồn đâu. Tất cả mọi người đều không có. Bạn phải tạo ra nó. Thế thì bạn có thể có nó. Nó là sáng tạo lớn nhất của bạn, nỗ lực lớn nhất. Cho nên chỉ rất ít người trong hàng triệu người sẽ sống sót sau cái chết. Những người khác sẽ chết đi như chó, chẳng cái gì sống sót cả."
Ông ấy đang cố gắng nhấn mạnh việc đánh thức bạn dậy, rằng "Đừng trì hoãn nữa. Bạn không có nó đâu. Và trì hoãn là nguy hiểm. Ngày mai bạn có thể không có ở đây, cho nên hôm nay là tất cả những gì bạn có. Tạo ra nó đi - trước khi cái chết tới gõ cửa nhà bạn. Làm mọi điều để tạo ra nó."
Cho nên tôi hoàn toàn ủng hộ ông ấy - vẫn biết rằng ông ấy đang nói dối. Nhưng việc nói dối của ông ấy còn từ bi hơn nhiều, nhiều hiểu biết về con người, hơn tất cả các nhà huyền môn của quá khứ, những người đã từng nói ra chân lí. Nhưng họ là những con người tuyệt vời, người tốt, người không bao giờ nói dối, nhưng không tính tới điều các phát biểu của họ có tác dụng gì tới mọi người. Gurdjieff đã rất bận tâm, không bận tâm nhiều về điều ông ấy nói, mà bận tâm nhiều về hiệu quả nó tạo ra trong bạn. Nếu hiệu quả đó đem bạn tới gần chân lí hơn, thế thì ông ấy đã thực sự nói điều gì đó.
Rất ít người hiểu Gurdjieff. Những tín đồ nghĩ ông ấy đang nói chân lí. Những người chống lại ông ấy thấy rằng ông ấy chắc chắn đang nói điều dối trá bởi vì tất cả các nhà huyền môn đều không thể sai được, và ông ấy là người duy nhất đang nói điều như vậy. Duy nhất một con người chống lại toàn thể lịch sử của các nhà huyền môn, thuộc các giống nòi khác nhau, các quốc gia khác nhau - tất cả đều nhấn mạnh, rằng "Bạn được sinh ra là tâm thức." - còn ông ấy thì đơn giản phủ nhận tất cả họ.
Nhưng cả hai đều đã hiểu lầm ông ấy. Cả người chỉ trích không thấy được từ bi của ông ấy, mà các tín đồ cũng không thể thấy được rằng ông ấy đang nói dối, nhưng việc dối trá của ông ấy là để tạo ra một hiệu quả nào đó. Ông ấy là người rất khoa học.
Cho nên tôi đồng ý với ông ấy và tôi không đồng ý với ông ấy. Tôi biết mọi người đều có linh hồn. Nó phải không được tạo ra, và không có cách nào tạo ra nó cả. Nếu bạn không có nó, bạn không có nó.
Bạn chỉ có thể phát hiện ra nó, bạn không thể tạo ra nó được. Và phát hiện đó có thể được phát biểu của Gurdjieff giúp đỡ. Nếu bạn rung chuyển, và bạn không thể ngủ được nữa, khi biết rằng bạn có thể không có linh hồn chút nào - bởi vì bạn chưa từng chạm trán. Một điều là chắc chắn. Bạn không nhận biết, cho nên bạn không thể phủ nhận ông ấy được. Bạn biết tâm trí bạn. Bạn biết thân thể bạn, nhưng bạn không biết người biết, người biết tâm trí, người biết thân thể - nhưng người đó có đó. Biết tâm trí, biết thân thể là đủ bằng chứng rằng có một thực thể thứ ba trong bạn, cái biết cả hai điều này. Và điều đó là từ chính việc sinh thành. Thực ra, nếu bạn nghe trẻ con, ngay từ đầu mọi đứa trẻ của mọi giống nòi đều dùng ngôi thứ ba này cho chúng. Chúng không nói, "Con khát". Chúng nói "Đứa bé khát." Hay dù tên chúng là gì, rằng "Pinky khát." Chúng dùng ngôi thứ ba. Điều này kì lạ. Điều này là phổ biến. Không đứa trẻ nào bắt đầu nói bằng việc dùng "Con khát."
Lí do cho điều đó là gì? Lí do là ở chỗ đứa trẻ hồn nhiên vẫn còn chưa bị lập trình. Nó biết điều đó cực rõ, rằng nó không khát, bởi vì nó là nhận biết theo cách nào đó về tâm thức của nó, và nó đồng nhất với tâm thức của mình. Bản ngã còn chưa được tạo ra. Và nó biết rằng, "Mình không khát." Bởi vì khi nó nghĩ đến khát, thì nó nghĩ, "thân thể khát. Tâm trí cảm thấy khát." Không phân tích thế, không logic thế nhưng theo một cách hồn nhiên, mọi đứa trẻ đều nhận biết, rằng có cái gì đó bên trong nó: thực tại của nó - cái không bao giờ khát, không bao giờ đói. Bao giờ cũng là thân thể, điều nó gọi là đứa bé, hay bất kì cái tên nào mọi người đã trao cho nó. Nó cũng dùng cái tên ấy như là nó ở bên ngoài cá tính đó.
Chẳng mấy chốc nó sẽ đánh mất vẻ hồn nhiên đó. Chúng ta sẽ không cho phép nó vẫn còn giữ hồn nhiên đó. Chúng ta sẽ, vào lúc nó ba hay bốn tuổi, buộc nó phải nói, rằng "Con khát."
Và ngày nó bắt đầu nói, "Con khát," nó bắt đầu đi vào cuộc hành trình cực kì dài của những sai lầm. Chẳng mấy chốc nó sẽ bị đồng nhất với thân thể và tâm trí, và sẽ quên mất danh tính thực của mình.
Cho nên khi Gurdjieff nói với mọi người, rằng "Ông không có linh hồn đâu", không ai đứng dậy nói với ông ấy rằng, "Ông đang nói cái điều gì vậy?" Không ai có khả năng. Họ đã chỉ nghe nói rằng mọi người có linh hồn. Nhưng làm gì với Gurdjieff? Ông ấy đang thách thức, rằng "Ông không có linh hồn đâu. Chừng nào ông chưa tạo ra nó, ông không thể có nó được. Ông phải xứng đáng với nó, sao ông phải có nó khi sinh ra? Ông đã làm gì để có được nó?"
Cho nên tôi đồng ý với ông ấy như một phương cách, nhưng tôi không đồng ý với ông ấy bởi vì điều đó không phải là một phát biểu về chân lí.
Và bạn hỏi, "Trưởng thành là gì và phong trào tâm thức là gì?" Về cơ bản điều đó là để hiểu rằng bên trong bạn có một đường chạy vào trong vĩnh hằng. Nếu bạn không bị đồng nhất với tâm trí và thân thể, bạn sẽ đột nhiên trở nên nhận biết về vĩnh hằng chói sáng. Đó là khám phá của tâm thức. Và thế thì trưởng thành xảy ra.
Thế thì bạn không đơn giản già đi. Bạn trưởng thành. Bạn chín muồi. Thế thì bạn không cứ thu thập các ý nghĩ, và nghĩ rằng bạn đang trở thành một trí thức lớn. Không, thế thì bạn trưởng thành trong thông minh, không trong trí thức. Bạn trở thành ngày một cảm nhận hơn, tỉnh táo hơn, nhận biết hơn. Bạn bắt đầu thấy những điều mà bạn chưa bao giờ thấy trước đây, bên trong bản thân bạn và bên ngoài bạn nữa.
Có biến đổi triệt để của toàn thể cá tính của bạn. Cá tính biến mất và cá nhân xuất hiện. Tất cả những cái giả trong bạn rơi rụng đi, giống như lá khô, lá héo rơi khỏi cây. Và những lá mới tươi tắn, trẻ trung bắt đầu nhú ra từ cái cây.
Bạn bao giờ cũng trẻ, một khi bạn đã khám phá ra tâm thức của bạn. Bạn bao giờ cũng tươi tắn. Bạn bao giờ cũng vui vẻ. Bạn đã trở thành một phần của điệu vũ vĩnh hằng của sự tồn tại. Tôi gọi điều đó là trưởng thành.
Câu hỏi: Thưa Osho, tâm linh là gì?
Khái niệm cũ đã từng là thế này, tâm linh là cái gì đó chống lại duy vật. Từ bỏ những hoan lạc của vật chất, của thân thể, của tâm trí, đã được định nghĩa là tâm linh. Với tôi điều đó là vô nghĩa.
Tâm linh là không bị đồng nhất với mọi thứ mà bạn có thể thấy, cái có thể là một đối thể với bạn - sao cho chung cuộc bạn chỉ còn là chủ thể. Tính chủ quan thuần khiết là tâm linh. Nó chẳng liên quan gì tới việc từ bỏ cái gì. Thực ra, người tâm linh sẽ có khả năng tận hưởng mọi thứ một cách mãnh liệt hơn, toàn bộ hơn là người duy vật. Người duy vật rất nghèo nàn. Mọi tôn giáo đều lên án người duy vật nghèo nàn. Người đó chẳng có gì đáng kết án cả. Cuộc sống của người đó nông cạn.
Tâm linh là cuộc sống theo chiều sâu, trong chiều sâu tối thượng. Bạn định tâm tại chính bản thể mình. Nhưng bạn có thể sống ở chu vi, tự do đi mọi nơi - vẫn còn ở tại trung tâm. Đồng nhất của bạn là tại trung tâm. Bạn biết mình là ai. Thế thì không có vấn đề gì, dù là bạn thưởng thức thức ăn, bạn tận hưởng quần áo, bạn tận hưởng ngôi nhà đẹp, bạn tận hưởng âm nhạc, hội hoạ. Không có vấn đề gì. Không cần phải từ bỏ nó.
Tâm linh cũ đã giết chết biết bao nhiêu tính sáng tạo trong con người, đến mức một ngày nào đó nếu con người trở nên nhận biết về điều tâm linh cũ đã làm, mọi vị thánh của bạn sẽ bị kết án là những kẻ tội phạm lớn nhất - bởi một lí do đơn giản vì họ đã ngăn cản mọi sáng tạo. Họ đã kết án nó là chủ nghĩa duy vật.
Họ đã cố gắng sống một cuộc sống nhạt nhẽo, và họ ép buộc người khác cũng sống theo cùng cách đó. Tâm linh là cái gì đó giống như sống trong cái xác.
Với tôi tâm linh là sống một cách toàn bộ, mãnh liệt, đốt cháy ngọn đuốc của bạn từ cả hai đầu. Vẫn còn nhận biết về trung tâm của bạn, không bao giờ để mất nhận biết về bạn là ai dù một khoảnh khắc. Thế thì chẳng thành vấn đề bạn ở đâu.
Nếu bạn nhớ mình là ai, chẳng thành vấn đề bạn ở đâu. Bạn sẽ tuyệt đối phúc lạc.
Câu hỏi: Thưa Osho, tại sao mọi người mở rộng ra ngoài thay vì mở rộng vào trong?
Bởi vì mở rộng ra ngoài là đơn giản. Nó có thể được thực hiện qua phương tiện hoá chất, qua ma tuý, qua rượu cồn, qua LSD, qua marijuana, qua hashish. Nó là đơn giản bởi vì vấn đề chỉ là ăn cái gì đó hay hút cái gì đó, và bạn mở rộng ra ngoài. Nhưng không ma tuý nào có thể đưa bạn vào trong. Chúng là từ bên ngoài, chúng có thể đưa bạn ra ngoài. Chúng có thể tạo ra ảo giác rất đẹp. Và một khi bạn đã nếm trải ảo giác đẹp đó, thế thì bạn muốn nó ngày nhiều thêm nữa - bởi vì thực tại trần tục thế.
Tổ tiên bạn, quá khứ của bạn, đã phá huỷ tất cả mọi cái đẹp, mọi vui vẻ trong thế giới bình thường này. Họ đã không nâng cao nó lên. Cho nên khi bạn cứ theo cuộc hành trình ma tuý, bạn tạo ra một thế giới mơ cá nhân đẹp đẽ. Và quay lại từ nó, thế giới này dường như đờ đẫn và tẻ nhạt và chết hơn trước đây. Bây giờ bạn có so sánh.
Đi vào trong cần tới nỗ lực. Không hoá chất nào có thể giúp đỡ được. Đi vào trong nghĩa là bạn phải trở nên mang tính thiền. Bạn phải làm nỗ lực cực kì lớn để trở nên nhận biết. Chắc chắn một khi bạn đi vào trong, bạn sẽ ngạc nhiên, rằng bất kì cái gì bạn có được khi mở rộng ra ngoài chỉ là ảo giác. Bạn đã lãng phí thời gian của bạn. Mở rộng ra ngoài là ảo giác và thế giới bên ngoài là đờ đẫn, nhưng khi bạn đi vào trong qua thiền - đó là cách duy nhất dẫn vào nội tâm - nó biến đổi toàn thể cái nhìn của bạn. Thực tại trần tục, bình thường này trở nên đẹp thế. Bạn không cần phải đi tới bất kì thiên đường nào. Chính động cơ về thiên đường biến mất. Chính khoảnh khắc này nó là ở đây.
Những bông hoa thường và con chin thường đang hót trong buổi sáng, nó tinh tú thế, thiêng liêng thế. Được nhìn từ cốt lõi bên trong nhất của bạn, thế giới này trở thành huy hoàng, tráng lệ đến mức bạn không thể nào quan niệm nổi cái gì có thể tốt hơn thế này. Và một khi bạn ở trong, mọi ma tuý kia có vẻ ngu xuẩn, bởi vì bạn chỉ mơ và tự lừa dối mình. Nhưng chúng là đơn giản và rẻ tiền.
Mở rộng vào trong là tốn kém. Bạn phải trả giá cho nó, bằng nỗ lực của bạn, bằng nỗ lực thường xuyên mặc cho nhiều thất bại. Nó là trưởng thành thực. Nó cần thời gian. Nhưng nó là đáng giá, hàng triệu lần đáng giá hơn toàn thể thế giới này - bởi vì nó sẽ cho bạn cái nhìn mới, cái làm biến đổi thế giới bình thường này thành cực lạc phi thường.
Câu hỏi: Thưa Osho, vị phật sống của thế kỉ hai mươi này có thể cho mọi người cái gì?
Phật bao giờ cũng có thể cho cùng một điều. Hàng thế kỉ không thành vấn đề. Ông ấy có thể dạy bạn cách mở rộng vào bên trong.
Câu hỏi: Thưa Osho, thầy đang đi vòng quanh thế giới. Thông điệp của thầy sẽ là gì?
Thông điệp của tôi là, chúng ta phải tạo ra thế giới không có biên giới quốc gia, không có biên giới tôn giáo - chỉ thế thì chúng ta lần đầu tiên được văn minh. Bằng không chúng ta đang mang quá khứ man rợ trong quần áo đẹp.
Nỗ lực của tôi sẽ là để phơi bầy ra cái man rợ, trong chủ nghĩa quốc gia, trong các nhóm khác nhau, vẫn gọi họ là tôn giáo; trong các ý thức hệ chính trị khác nhau, đang tạo ra hi vọng cho con người về nơi không tưởng.
Và những điều này họ đã làm trong hàng nghìn năm, và chẳng cái gì hiện thực hoá. Đây là lúc chúng ta vứt bỏ đi mọi biên giới, mọi phân biệt về mầu sắc và nòi giống, và đem toàn thể nhân loại thành một, một toàn thể không phân chia. Điều đó sẽ là việc bắt đầu của nền văn minh.
Cho nên toàn thể nỗ lực của tôi là để phơi bầy ra mọi thói đạo đức giả, và đem tâm trí mọi người lại, rằng làm sao chúng ta đã bị lừa dối và làm sao chúng ta đang lừa dối chính mình.
Nếu điều đó có thể được giải thích cho mọi người một cách trực tiếp, tôi tin vô cùng vào thông minh còn ẩn kín của nhân loại. Họ sẽ vứt bỏ mọi điều này, bởi vì nếu họ có thể được chỉ cho thấy mối quan hệ giữa biên giới quốc gia, biên giới tôn giáo - rằng chúng đã chẳng là gì ngoài huỷ diệt, sát hại, tạo ra ngày một nhiều chiến tranh. Họ vẫn đang làm cùng điều đó, và có lẽ lần này họ có thể phá huỷ toàn thể cuộc sống trên trái đất.
Và đã phải mất hàng triệu năm, từ thời sự sống chỉ tồn tại trong đại dương như cá, tự nhiên phải mất hàng triệu năm để đem tới tiến hoá thành con người. Tất nhiên tự nhiên không thể vượt ra ngoài điều đó. Nhưng vài người đã thử và đã siêu việt lên trên tự nhiên nữa, và những người này là những người tôi gọi là người thức tỉnh, người chứng ngộ. Có lẽ chỉ duy nhất hành tinh này trong toàn thể vũ trụ mới có một người như Phật Gautam đã từng tồn tại. Phá huỷ cuộc sống không chỉ là phá huỷ cuộc sống trên hành tinh này. Nó là việc phá huỷ cuộc phiêu lưu cực kì lớn của sự tồn tại, bởi vì tất cả những vì sao này, hàng triệu ngôi sao, có hàng triệu hành tinh như trái đất.
Người ta ngờ rằng ít nhất cũng có năm mươi nghìn hành tinh có thể có loại sự sống nào đó. Nhưng không nhà khoa học nào có khả năng nói chắc chắn rằng trên bất kì hành tinh nào, sự sống đã đạt tới mức cao hơn trên hành tinh này. Trái đất nhỏ bé này là hành tinh quí giá nhất trong vũ trụ mênh mông, và nó không thể bị phá huỷ bởi vài kẻ ngốc - họ có thể có tính tôn giáo, họ có thể có tính chính trị.
Và vấn đề là tạo ra một dư luận quần chúng chống lại mọi loại chiến tranh, nhưng chiến tranh về cơ bản chỉ có thể được chấm dứt nếu chúng ta vứt bỏ mọi giới hạn. Bằng không những điều không lành mạnh như vậy cứ xảy ra mãi.
Mới hôm nọ tôi thấy một báo cáo, rằng tại Thị trường chung châu Âu họ đã tích luỹ lương thực dư thừa quá nhiều đến mức chỉ để phá huỷ nó, sẽ mất tới ba hay bốn tỉ đô la, để phá huỷ nó! Đấy không phải là giá cho lương thực. Nhấn chìm nó vào đại dương sẽ mất ba tới bốn tỉ đô la.
Và họ đang định làm điều đó. Họ sẽ không đem nó cho Ethiopia, nơi hàng nghìn người tiếp tục chết đói hàng ngày. Họ sẽ không đem nó cho Nepal. Họ sẽ không đem nó cho Ấn Độ, nơi hàng triệu người đang chờ đợi vào bất kì lúc nào để chết đói và chết. Tại sao họ không đem nó cho ai đó khác? Họ không cảm thấy có trách nhiệm gì. Toàn thể vấn đề của họ là kinh tế, không phải con người. Họ không muốn hạ thấp giá hàng hoá của họ. Bằng không thị trường của họ sẽ sập đổ, và họ không thể cho không những thứ đó. Và tại sao họ phải cho? Đây là vấn đề về cơ bản nằm sâu bên dưới, bởi vì việc đem nó cho Ethiopia không phải là trạng thái mua bán.
Nếu họ cho quốc gia nào đó khác đang mua hàng hoá của họ, thế thì chắc chắn giá của họ sẽ giảm xuống và toàn thể cấu trúc kinh tế sẽ sập đổ. Nhưng đem cho Ethiopia sẽ không ảnh hưởng. Đem cho Nepal sẽ không ảnh hưởng, bởi vì những người nghèo này đang không mua theo bất kì cách nào. Họ không có bất kì sức mua nào.
Nhưng chẳng ai cảm thấy cả. Ethiopia là nước Mô ha mét giáo. Tại sao người Ki tô giáo phải bận tâm về nó? Cứ để họ chết đi. Điều đó làm cho dân số của Ki tô giáo thành lớn hơn Mô ha mét giáo. Nếu người Hindu bắt đầu chết đói ở Ấn Độ, tại sao người Ki tô giáo phải đem lương thực của mình cho họ - cho dù nó là thứ dư thừa và họ đang định ném nó xuống đại dương. Nếu người Hindu chết tại Ấn Độ, có khả năng là người Ki tô giáo ở Ấn Độ sẽ trở thành người cai trị.
Bây giờ Ki tô giáo là tôn giáo lớn thứ ba ở Ấn Độ. Nhưng họ sẽ không là người chết đói bởi vì họ được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia Ki tô giáo phương Tây. Những người sẽ chết sẽ là người Mô ha mét giáo và người Hindu.
Có khả năng là nhiều người Hindu và Mô ha mét giáo sẽ chết đến mức Ki tô giáo sẽ trở thành tôn giáo chính ở Ấn Độ. Và cứ để họ chết, để họ bắt đầu chết, thế thì sẽ dễ cải đạo cho họ hơn. Chỉ cần cho họ thức ăn là đủ cải đạo họ sang Ki tô giáo.
Và nếu họ còn cứng đầu, thế thì tốt hơn cả là loại bỏ họ. Ki tô giáo trở thành tôn giáo chính, Ấn Độ trở thành quốc gia Ki tô giáo. Cho nên lần nữa Ki tô giáo lại là người cai trị đất nước.
Chừng nào chúng ta chưa chấm dứt tất cả những giới hạn này, điều làm cho chúng ta là con người, hành xử với con người khác theo cách xấu thế - chẳng có mấy hi vọng. Hi vọng duy nhất là ở chỗ chúng ta có thể thuyết phục thế hệ mới thoát ra khỏi các nhà tù của quốc gia, tôn giáo, ý thức hệ chính trị, và tạo ra một thế giới, một trái đất, một nhân loại.

Ads Belove Post