Read more
Đức Phật và Phật
Pháp - Osho
Chương 1. Osho Dẫn
nhập
Tên của Đức Phật là Tất Đạt Đa
(Siddhartha). Cồ Đàm (Gautam) là tên họ của Ngài. Cho nên tên thật của Ngài là
Cồ Đàm Tất Đạt Đa (Gautam Siddhartha). Phật không phải là tên của Ngài; đó là sự
tỉnh thức của Ngài. Phật chỉ có nghĩa là "người đã tỉnh thức”. Đức Phật là
người giác ngộ nổi tiếng nhất, nhưng không có nghĩa là người duy nhất đã giác
ngộ. Trước và sau Ngài đã có rất nhiều người đã giác ngộ - bởi vì mọi chúng
sinh tất cả đều trở thành Phật, và trong tương lai sẽ có nhiều vị Phật xuất hiện.
Người nào cũng có khả năng ấy... vấn đề chỉ là thời gian. Ngày nào đó, sau khi
phải ngậm đắng nuốt cay vì thực tế bên ngoài, bị bất mãn vì đã xoay xở đủ kiểu
nhưng vẫn không hài lòng, nhất định bạn sẽ quay trở về bên trong.
Từ Phật (buddha) có nghĩa là
"sự thông minh đã được đánh thức”. Từ bồ đề (buddhi), nghĩa là thông minh,
cũng thuộc cùng một gốc. Từ gốc budh có nhiều khía cạnh khác nhau mà không một
ngôn ngữ nào có thể dịch được một cách trọn vẹn. Từ budh ấy, với rất nhiều ý
nghĩa, không thể có trong bất cứ ngôn ngữ nào khác.
Budh có ít nhất là năm nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là thức tỉnh, tự đánh thức chính mình, và đánh thức người khác,
tỉnh thức. Hiểu theo nghĩa thường, nó đối lập với ngủ, ngược lại sự điên đảo của
mộng tưởng mà từ đó đấng giác ngộ tỉnh dậy, như thể tỉnh dậy từ một giấc mơ.
Đó là ý nghĩa thứ nhất của trí
tuệ, budh - làm cho bạn thức tỉnh. Bình thường mọi người đều say ngủ. Ngay cả
khi bạn nghĩ bạn đang tỉnh, bạn cũng không tỉnh đâu. Khi đi trên đường, bạn
hoàn toàn tỉnh thức - đối với tâm trí bạn. Nhưng từ cái nhìn của một vị Phật, bạn
đang ngủ say, bởi vì cả ngàn lẻ một giấc mơ và ý nghĩ đang vật lộn bên trong.
Ngọn đèn nội tâm của bạn mờ tỏ theo từng cơn mộng. Phải rồi, mắt bạn mở thao
láo, nhưng nhiều người có thể đi trong lúc mơ, trong khi ngủ, mà mắt vẫn mở. Và
Phật nói bạn cũng đang đi trong giấc ngủ - với mắt mở. Nhưng con mắt tâm linh
thì khép kín.
Bạn vẫn chưa biết bạn là ai. Bạn
không nhìn vào bản thể của mình. Bạn không tỉnh thức. Một tâm trí đầy rẫy ý tưởng
thì không tỉnh thức, không thể tỉnh thức được. Khi nó đã loại bỏ mọi ý nghĩ và
suy tư, không còn bị mây che kín để cho mặt trời chiếu sáng rực rỡ, và bầu trời
hoàn toàn trong suốt - đó là tâm trí có trí huệ; đó là tâm trí đã tỉnh thức.
Thông minh là khả năng ở lại
trong hiện tại. Càng bị lôi về quá khứ, hoặc càng bị kéo về tương lai, bạn càng
kém thông minh. Thông minh là cái khả năng ở đây và ngay bây giờ, ngay trong
khoảnh khắc này và không ở đâu khác. Được như thế bạn mới tỉnh thức. Chẳng hạn,
bạn đang ngồi trong nhà và nhà bỗng nhiên nhà bốc cháy; bạn đang trong nguy hiểm.
Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ thức tỉnh hoàn toàn.
Từ trời Ðâu-suất, Bồ-tát được
Phạm thiên và Tứ Thiên vương mời giáng thế. Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ không
nghĩ ngợi gì cả. Trong khoảnh khắc đó, bạn quên hẳn quá khứ. Trong khoảnh khắc
đó, ký ức tâm lý không còn la hét bên trong - rằng bạn đã yêu một người phụ nữ
ba mươi năm trước đây, và chúa ơi, thật là thơ mộng! Hay, ngày hôm nọ bạn mới
ăn nhà hàng Tàu, và hương vị vẫn còn phảng phất đâu đây, mùi hương thơm cùng
mùi bánh nướng vẫn còn nồng.
Bạn sẽ bỏ rơi những ý nghĩ đó.
Không, khi nhà bạn bị cháy, bạn không thể còn những ý nghĩ như thế nữa. Bỗng
nhiên bạn sẽ xô về khoảnh khắc này: ngôi nhà đang bốc cháy và cuộc sống của bạn
đang nguy hiểm. Bạn sẽ không mơ về tương lai, về điều gì bạn định làm ngày mai.
Ngày mai chẳng còn giá trị gì, hôm qua chẳng còn liên quan, ngay cả hôm nay
cũng chẳng còn quan trọng nữa! - chỉ có khoảnh khắc này, ngay lúc này.
Đó là ý nghĩa thứ nhất của
budh, thông minh. Và đó là một nhận thức lớn. Một người muốn thực sự thức tỉnh,
muốn thực sự thành Phật thì phải sống từng khoảnh khắc một cách mãnh liệt như vậy.
Còn bạn thì mấy khi phải sống trong nguy hiểm như vậy. Nghĩa thứ nhất là đối lập
với ngủ. Và đương nhiên là bạn có thể chỉ thấy được thực tại khi bạn không ngủ.
Bạn có thể đối mặt với nó, bạn có thể nhìn thẳng vào mắt của chân lý - hay gọi
nó là Thượng Đế - chỉ khi bạn thức tỉnh.
Bạn có hiểu sống một cách mãnh
liệt, khi toàn thể con người bạn bừng cháy là gì không? Hoàn toàn thức tỉnh thì
có thông minh. Thông minh đó đem lại tự do, thông minh đó đem lại chân lý.
Nghĩa thứ hai của budh là nhận
ra - trở nên nhận biết về, quen biết với, chú ý tới, để ý tới. Và vị Phật là một
người như vậy, người đã nhận ra cái giả là giả, và có đôi mắt mở to để thấy cái
thật là thật. Thấy cái giả là giả là bước đầu để hiểu biết chân lý là gì. Chỉ
khi thấy cái giả là giả, bạn mới có thể hiểu chân lý là gì. Bạn không thể tiếp
tục sống trong ảo tưởng, không thể tiếp tục sống trong tín ngưỡng của mình,
không thể tiếp tục sống trong định kiến của mình nếu bạn muốn biết chân lý. Cái
giả phải được nhận ra là giả.
Đó là ý nghĩa thứ hai của budh
- nhận ra cái giả là giả, cái sai là sai. Chẳng hạn, bạn đã tin vào Thượng Đế;
bạn được sinh ra là người đạo Chúa hay Ấn giáo, hay Hồi giáo. Bạn đã được dạy rằng
có Thượng Đế, bạn phải kính sợ Ngài - rằng nếu không tin, bạn sẽ đau khổ, rằng
bạn sẽ bị trừng phạt, rằng Ngài rất hung dữ, rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ tha thứ
cho bạn. Chúa của người Do Thái nói, "Ta là một thiên chúa rất ghen tị. Chỉ
được tôn thờ ta, mà không được tôn thờ bất kỳ ai khác!" Chúa của người Hồi
giáo cũng nói cùng điều đó: "Chỉ có một Chúa, và không có Chúa nào khác;
và chỉ có một tiên tri là Mohammed - và không có tiên tri nào khác."
Sự nhồi sọ này có thể ăn sâu đến
mức nó vẫn còn lởn vởn ngay cả khi bạn không còn tin vào Thượng Đế nữa. Bạn đã
được điều kiện hóa để tin vào Thượng Đế, và bạn đã tin. Đây là một tín ngưỡng.
Dù Thượng Đế hiện hữu hay không cũng chẳng liên quan gì tới tín ngưỡng của bạn.
Chân lý chẳng liên quan gì với tín ngưỡng của bạn cả.
Dù bạn có tin hay không cũng chẳng
có gì khác biệt đối với chân lý. Nhưng nếu tin vào Thượng Đế, bạn sẽ thấy - ít
nhất thì cũng nghĩ - rằng bạn thấy Ngài. Nếu không tin vào Thượng Đế, sự không
tin đó sẽ ngăn cản không cho bạn biết. Mọi tín ngưỡng đều cản trở, bởi vì chúng
trở thành định kiến của bạn, chúng trở thành một chướng ngại - mà Phật gọi là
avarnas.
Ngày Sirimahamaya, Hoàng hậu
Maha Ma-da, mẹ của Ðức Phật, thụ thai. Bà mộng thấy một voi trắng, từ núi vàng
bạc, mang một hoa sen đến dâng cho bà.
Người thông minh không tin bất
kỳ điều gì, và cũng chẳng không tin bất kỳ điều gì. Ông ta rộng mở để sẵn sàng
chấp nhận mọi kết quả. Nếu Thượng Đế hiện hữu, người đó sẽ nhận ra - nhưng
không dựa theo tín ngưỡng của mình; người đó không có tín ngưỡng.
Chân lý chỉ xuất hiện với bộ óc
thông minh, không có tín ngưỡng. Khi đã tin, bạn không chừa một chỗ nào để chân
lý đến với bạn. Định kiến của bạn được đặt lên bàn thờ. Bạn không thể thấy những
gì đi ngược lại tín ngưỡng của mình; bạn sẽ trở nên sợ hãi, bạn sẽ trở nên lung
lay, bạn sẽ run sợ. Bạn đã hy sinh quá nhiều cho tín ngưỡng của mình - quá nhiều
cuộc sống, quá nhiều thời gian, quá nhiều cầu nguyện, năm lần mỗi ngày.
Nếu một người đã dành năm mươi
năm cho tín ngưỡng của mình, sao người đó bỗng nhiên có thể chấp nhận là không
có Thượng Đế? Một người đã hiến trọn cuộc sống mình cho chủ nghĩa cộng sản, tin
rằng không có Thượng Đế, làm sao người đó có thể tìm hiểu rằng Thượng Đế hiện hữu
hay không? Người đó sẽ tránh né.
Tôi không bàn về việc liệu Thượng
Đế hiện hữu hay không. Điều tôi đang nói là cái có liên quan tới bạn, không phải
với Thượng Đế. Chỉ cần một tâm trí, một tâm trí thoáng đãng, một trí thông minh
không dựa vào bất kỳ tín ngưỡng nào. Thế thì bạn giống như một tấm gương: bạn
phản chiếu những cái trước mặt, bạn không bóp méo nó. Đó là ý nghĩa thứ hai của
budh.
Người thông minh không theo cộng
sản, cũng chẳng theo Kitô giáo. Người ấy không tin, cũng chẳng không tin. Điều
đó không phải là thiên tính của người ấy. Người ấy nhìn thẳng vào cuộc sống, và
bất cứ điều gì xảy ra, người ấy đều sẵn sàng chấp nhận. Không có gì ngăn cản tầm
mắt của người ấy; người ấy có cái nhìn thấu suốt. Chỉ số ít những người như vậy
mới đạt tới chân lý.
Nghĩa thứ ba của từ gốc budh,
thông minh, là biết, là hiểu. Phật biết những gì hiện thực. Ngài hiểu cái hiện
thực, và qua sự hiểu biết, Ngài thoát khỏi mọi ràng buộc - hiểu biết ở đây
nghĩa là không phải do sự tích lũy tri thức. Phật không phải là người sưu tầm
tri thức.
Một người thông minh không quan
tâm nhiều tới sự kiện và tri thức. Người thông minh quan tâm nhiều tới cách thức
để hiểu. Mối quan tâm đích thực, thực sự của người đó là để biết, không phải
sưu tầm tri thức. Sự quan tâm ấy đưa đến sự hiểu biết; tri thức chỉ cho bạn cái
cảm giác hiểu biết mà không cho bạn hiểu biết thực sự. Tri thức là đồng tiền giả,
nó là sự lừa dối. Nó chỉ cho bạn cái cảm giác rằng bạn hiểu, mà bạn lại chẳng
biết gì cả.
Bạn có thể cứ tích lũy tri thức
bao nhiêu cũng được, bạn có thể cứ tích trữ, bạn có thể rất thông thạo. Bạn có
thể viết sách, bạn có thể có bằng cấp, bạn có thể có bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà vẫn
cứ dốt nát như thường, vẫn cứ đần độn như ngày nào. Những bằng cấp đó không làm
thay đổi bạn; chúng không thể thay đổi bạn được.
Thực ra, cái ngu của bạn còn trở
nên mạnh hơn... vì nó có thêm cả bằng cấp nữa! Nó có thể tự chứng minh qua chứng
chỉ. Nó không thể chứng minh được qua cuộc sống, nhưng nó có thể chứng minh qua
chứng chỉ. Nó không thể chứng minh bằng cách nào khác, nhưng nó sẽ khoe bằng cấp,
chứng chỉ, sự công nhận trong xã hội. Mọi người nghĩ bạn biết, và bạn cũng nghĩ
bạn biết.
Bạn có thấy điều này không? Những
người được coi là biết nhiều đều là những kẻ dốt nát như bất kỳ ai, đôi khi lại
còn tệ hơn nữa. Rất hiếm mà tìm ra được người thông minh trong thế giới hàn
lâm, rất hiếm. Tôi đã ở trong cái thế giới hàn lâm đó, và tôi nói điều đó qua
kinh nghiệm của tôi. Tôi đã từng thấy người nông dân thông minh, tôi chưa thấy
các giáo sư thông minh. Tôi đã thấy tiều phu thông minh, tôi chưa từng thấy vị
giáo sư thông minh nào. Tại sao?
Có gì trục trặc với những người
này? Một trục trặc rõ ràng nhất, là họ phụ thuộc vào tri thức. Họ không cần trở
thành người biết, nhưng họ bám vào tri thức. Họ biết một cách gián tiếp. Biết
trực tiếp cần lòng dũng cảm. Chỉ một số nhỏ những người phiêu lưu mới dám biết
trực tiếp; những người này không chọn con đường cái quan của đám đông, mà phá một
lối đi nhỏ hẹp trong rừng rậm, nơi chưa có một dấu chân. Nguy cơ là họ có thể bị
lạc. Cái giá phải trả rất cao.
Khi bạn có thể biết một cách
gián tiếp thì việc gì phải bận tâm? Bạn chỉ cần ngồi trong salon. Bạn có thể tới
thư viện, hay tới đại học để có thể thu thập sự kiện. Bạn có thể sưu tập một khối
sự kiện mà tiêu hoá. Ký ức bạn mỗi ngày một lớn hơn vì tri thức, nhưng thông
minh của bạn lại không tăng hơn. Nhiều khi bạn không biết nhiều, không thật am
tường lắm thì bạn sẽ lại thông minh.
Tôi đã từng nghe...
Một phụ nữ mua một hộp trái cây
nhưng không biết cách nào mở được. Vì không biết cách mở nên bà ấy chạy đi tìm
sách dạy nấu ăn. Trong lúc bà ấy loay hoay tìm số trang và tham khảo thì người
làm công đã mở xong.
Bà ấy hỏi, "Nhưng sao anh
biết cách mở?"
Người ấy trả lời, "Thưa
bà, nếu bà mù chữ thì bà phải dùng cái trí của mình." Đúng đấy, xưa nay vẫn
vậy. Đó là lý do tại sao nông dân, người làm vườn, tiều phu lại thông minh hơn;
họ có một sự tươi tắn nào đó. Họ không thể đọc được nên phải dùng tâm trí của
mình. Người ta phải sống và phải vận dụng tâm trí của mình.
Nghĩa thứ ba của budh là biết,
theo nghĩa của sự hiểu biết. Phật đã thấy chân như. Ngài hiểu cái hiện thực, và
chính nhờ sự hiểu biết đó mà Ngài tìm được giải thoát. Nghĩa là gì vậy? Nghĩa
là bạn sợ. Nếu muốn hết sợ, bạn phải hiểu rõ sợ là gì. Nhưng nếu bạn tự lừa dối
mình rằng bạn chẳng biết sợ là gì... Nếu sợ hãi bên trong, bạn sẽ phải tạo ra
cái vẻ mạnh mẽ bên ngoài, giống như lớp vỏ cứng, để không ai biết rằng bạn đang
sợ. Và không phải chỉ có vậy thôi - bạn cũng sẽ không biết rằng bạn đang sợ bởi
vì cái vỏ cứng đó. Nó sẽ bảo vệ bạn khỏi người khác, nó sẽ bảo vệ bạn để chính
bạn cũng không biết nữa.
Rằm tháng tư năm 625, trước Tây
lịch, Ðức Phật ra đời tại vườn Lâm-tì-ni. Sau khi chào đời, Ngài bước bảy bước,
mỗi bước hiện ra một hoa sen để đở chân Ngài. Ngài tuyên bố rằng Ngài là người
đáng tôn thờ nhất. Một người thông minh không lẩn tránh bất kỳ sự kiện nào. Nếu
đấy là nỗi sợ, người ấy sẽ đi tìm ra cho bằng được - bởi vì lối ra là sự hiểu
biết. Nếu cảm thấy sợ và run rẩy, người đó sẽ gạt mọi thứ sang bên: trước hết nỗi
sợ này phải được trải qua. Người đó sẽ xông thẳng vào và cố gắng để hiểu. Người
đó sẽ không cố gắng để không sợ; người ấy sẽ không hỏi câu hỏi đó. Người ấy sẽ
chỉ hỏi một câu hỏi: "Nỗi sợ này là gì? Nó có thực, nó là một phần của ta,
nó là thực tại của ta. Ta phải trải qua; ta phải hiểu nó. Nếu ta không hiểu nó
thì có một phần của ta mà ta không bao giờ biết. Và nếu ta cứ tránh né không chịu
hiểu các bộ phận, sao ta có thể hiểu ta được?
Vậy thì ta sẽ không hiểu nỗi sợ,
ta sẽ không hiểu cái chết, ta sẽ không hiểu giận dữ, ta sẽ không hiểu hận thù,
ta sẽ không hiểu ghen tị và những tật xấu khác..." Thế thì làm sao bạn hiểu
được chính mình? Tất cả những cái đó là bạn đấy! Đấy là bản thể của bạn. Bạn phải
mở toang mọi cánh cửa ấy, mọi xó xỉnh và ngóc ngách. Bạn phải tìm hiểu nỗi sợ.
Dù có đang run rẩy thì cũng chẳng có gì phải lo âu: cứ run rẩy nhưng hãy xông
vào. Run rẩy còn tốt hơn nhiều so với chạy trốn. Bởi vì khi bạn chạy trốn, cái
phần đó sẽ vẫn còn là phần mà bạn không biết. Và bạn sẽ ngày càng trở nên sợ
hãi hơn, không dám nhìn thẳng vào nó, bởi vì nó ngày càng lớn hơn. Nó sẽ ngày
càng lớn mãi nếu bạn không đi vào ngay bây giờ, ngay khoảnh khắc này.
Ngày mai, nó sẽ sống thêm hai
mươi bốn giờ nữa. Hãy coi chừng! Nó sẽ bắt rễ sâu hơn nữa; tán lá của nó sẽ lớn
hơn; nó sẽ cứng cáp hơn; và thế thì nó sẽ khó khắc phục hơn. Tốt hơn cả là đi
vào ngay bây giờ, thế cũng đã là muộn rồi. Và nếu bạn đi vào mà quan sát nó...
Và quan sát nghĩa là không có định kiến. Quan sát nghĩa là bạn không lên án nỗi
sợ là xấu ngay từ đầu. Ai mà biết được? Nó không đến nỗi tệ. Ai biết nó là gì?
Nhà thám hiểm phải chào đón tất
cả những gì có thể xảy ra; người ấy không thể có một tâm trí khép kín. Một tâm
trí khép kín và sự thám hiểm không thể đi đôi với nhau. Người đó sẽ xông vào. Nếu
nó đem tới đau khổ và đau đớn, người đó sẽ chịu đựng nỗi đau đó nhưng vẫn cứ đi
vào. Run rẩy, ngần ngại, nhưng sẽ đi thẳng vào: "Đấy là lãnh thổ của tôi,
tôi phải biết nó là gì. Biết đâu nó lại có một kho báu nào đó thì sao? Hay là nỗi
sợ nằm đó để bảo vệ kho báu này chăng?"
Đó là kinh nghiệm của tôi, đó
là hiểu biết của tôi. Nếu đi sâu vào trong nỗi sợ của mình, bạn sẽ tìm thấy
tình yêu. Đó là lý do tại sao khi bạn đang yêu, nỗi sợ biến mất. Và khi sợ thì
bạn không thể yêu được. Điều này nghĩa là gì? Một bài toán đơn giản - sợ và yêu
không hiện diện cùng một lúc. Điều đó nghĩa là năng lượng mang tới tình yêu đã
trở thành nỗi sợ; thế thì chẳng còn gì sót lại để trở thành tình yêu. Nếu nó biến
thành tình yêu thì chẳng còn chỗ nào cho nỗi sợ. Hãy đi vào trong nỗi sợ. Hãy
đi vào trong đó thì bạn sẽ thấy một kho báu lớn. Ẩn đằng sau nỗi sợ là tình
yêu; ẩn đằng sau giận dữ là từ bi, và ẩn đằng sau dục là đại định. Hãy đi vào
trong từng điều tiêu cực, bạn sẽ thấy điều tích cực. Và khi biết cái tiêu cực
và cái tích cực thì cái thứ ba, điều tối thượng xảy ra - sự siêu việt. Đó là ý
nghĩa của budh, sự hiểu biết, sự thông minh.
Và nghĩa thứ tư là được chứng
ngộ và chứng ngộ. Phật là ánh sáng, Ngài đã trở thành ánh sáng. Và vì Ngài là
ánh sáng và Ngài đã trở thành ánh sáng, nên một cách tự nhiên và hiển nhiên là
Ngài tỏa ánh sáng tới người khác. Ngài là sự sáng. Bóng tối của Ngài đã biến mất,
ngọn lửa bên trong của Ngài đang bùng cháy chói lọi.
Ngọn lửa của Ngài không có
khói. Ý nghĩa này đối nghịch với bóng tối, và sự mù quáng cùng dốt nát. Đây là
ý nghĩa thứ tư: trở thành ánh sáng, trở thành chứng ngộ. Bình thường bạn là
bóng tối, một lục địa của bóng tối, lục địa đen tối, chưa được khám phá. Con
người là một điều hơi kỳ lạ: con người đi thám hiểm Hi Mã Lạp Sơn, thám hiểm
Thái Bình Dương, tìm tới Mặt trăng và Hỏa tinh; chỉ có mỗi một điều mà con người
chưa hề thử là thám hiểm bản thể bên trong của mình.
Con người đã đáp xuống Mặt Trăng,
mà chưa hề đáp xuống bản thể của riêng mình. Điều này thực là lạ. Có thể việc
đáp xuống Mặt Trăng chỉ là một sự trốn thoát; đi lên đỉnh Hi Mã chỉ là một sự
chạy trốn. Có thể bạn không muốn đi vào bên trong bởi vì bạn rất sợ. Bạn thay
thế nó bằng những thám hiểm nào đó khác để cảm thấy thoải mái. Nếu không thì bạn
sẽ cảm thấy rất tội lỗi. Bạn leo núi và cảm thấy thoải mái, còn đỉnh núi cao nhất
nằm bên trong thì vẫn chưa được mò đến. Bạn lặn sâu xuống Thái Bình Dương, còn
cái Thái Bình Dương lớn nhất ở bên trong thì vẫn chưa được thám hiểm, chưa có
sơ đồ. Và bạn bay lên Mặt Trăng - thật là đần độn làm sao! Bạn lãng phí năng lượng
của mình vào việc lên Mặt Trăng, còn mặt trăng thực lại ở bên trong bạn - bởi
vì ánh sáng thực là ở bên trong bạn.
Người thông minh sẽ đi vào
trong trước. Trước khi đi bất kỳ nơi nào khác, người ấy sẽ đi vào trong bản thể
riêng của mình. Đó là việc đầu tiên, và nó phải có ưu tiên hàng đầu. Chỉ sau
khi đã biết chính mình, bạn mới đi nơi khác. Thế thì bất kỳ nơi nào tới, bạn
cũng sẽ mang theo niềm phúc lạc quanh mình, sự an bình, sự im lặng, niềm hoan lạc.
Nghĩa thứ tư là được chứng ngộ.
Thông minh là tia lửa. Nếu được giúp đỡ, nếu được hợp tác, nó sẽ trở thành ngọn
lửa, ánh sáng, và hơi ấm. Nó có thể trở thành ánh sáng, nó có thể trở thành cuộc
sống, nó có thể trở thành tình yêu: tất cả những điều ấy được gói ghém trong từ
chứng ngộ. Một người chứng ngộ không có xó xỉnh nào tối tăm trong bản thể mình.
Tất cả đều giống như buổi sáng - mặt trời mới hiện lên; bóng tối của đêm đen và
sự buồn thảm của đêm đen đã biến mất, và cái bóng của ban đêm đã biến mất. Trái
đất lại bừng tỉnh.Trở thành Phật là đạt tới buổi sáng, bình minh bên trong bạn.
Đó là chức năng của trí tuệ, chức năng tối thượng.
Và nghĩa thứ năm của budh là
thăm dò. Bạn có một vực sâu bên trong, một vực sâu không đáy cần phải được thăm
dò. Nghĩa thứ năm của budh cũng có thể là đâm vào, là loại bỏ mọi chướng ngại
và đâm thẳng vào chính cốt lõi bản thể của mình. Người ta cố gắng đâm vào mọi
thứ trong cuộc sống. Sự thôi thúc, sự ham muốn mãnh liệt của bạn về dục chẳng
qua là một loại đâm thủng. Nhưng đấy là đâm vào người khác. Sự đâm thủng tương
tự đó phải xảy ra bên trong bản thể riêng của bạn: bạn phải đâm vào chính mình.
Nếu bạn đâm vào người khác, bạn có thể thấy được lờ mờ tạm thời. Nhưng nếu bạn
đâm vào bản thể mình, bạn có thể đạt được khoái cảm tột đỉnh; và khoái cảm ấy rộng
lớn như vũ trụ, và nó kéo dài vô tận. Đàn ông gặp gỡ đàn bà bên ngoài, và đàn
bà gặp gỡ đàn ông bên ngoài: đây là sự gặp gỡ rất phiếm diện - có ý nghĩa đấy, có
đem lại những khoảnh khắc vui sướng đấy.
Khi người đàn bà bên trong gặp
người đàn ông bên trong... Và bạn đang mang cả hai bên trong mình: một phần của
bạn là nữ tính, một phần là nam tính. Dù là đàn ông hay đàn bà thì cũng chẳng
có gì khác; mọi người đều là lưỡng dục. Nghĩa thứ năm của từ gốc budh là sự đâm
thủng. Khi người nam bên trong của bạn đâm vào người nữ bên trong của bạn thì
có sự gặp gỡ; bạn trở thành toàn thể, bạn trở nên một. Và thế thì mọi ham muốn
bên ngoài đều biến mất. Sự mất ham muốn đó là giải thoát, là niết bàn.
Đạo của Phật là đạo của trí tuệ.
Nó không phải là con đường của tình cảm, không, không phải chút nào. Không phải
là những người tình cảm không thể đạt tới; có những con đường khác cho họ - con
đường của hiến dâng, Bhakti Yoga. Con đường của Phật gọi là Gyan Yoga – con đường
của trí tuệ. Con đường của Phật là con đường của thiền, không phải của tình
yêu.
Trí tuệ phải được dùng tới,
không bỏ được; nó phải được vượt lên, không thể bỏ được. Và nó có thể được siêu
việt lên chỉ khi bạn đã đạt tới bậc thang cao nhất của chiếc thang. Trí tuệ của
bạn phải tiếp tục tăng trưởng. Tới một lúc nào đó thì trí tuệ đã làm tất cả những
cái nó có thể làm được. Trong khoảnh khắc đó, hãy giã từ trí tuệ. Nó đã giúp bạn
trên con đường dài, nó đã đem bạn đi khá xa, nó đã là một phương tiện tốt. Nó
là chiếc thuyền đưa bạn qua sông: bạn đã tới bờ bên kia, thế rồi bạn phải bỏ nó
lại đàng sau. Bạn không cần phải đội chiếc thuyền ấy trên đầu nữa. Làm thế thì
ngu vô cùng.
Con đường của Phật đi qua trí
tuệ, nhưng phải vượt qua ngoài nó. Tới một lúc khi trí tuệ đã cho bạn tất cả những
gì nó có thể cho được, nó không còn cần thiết nữa. Cuối cùng bạn cũng phải loại
bỏ nó, nhiệm vụ của nó chấm dứt. Bệnh đã hết thì thuốc cũng phải liệng đi. Và
khi thoát được cả bệnh lẫn thuốc, bạn mới thực sự tự do.
Nhiều khi là bệnh đã hết mà thuốc
thì lại ghiền. Đấy không phải là tự do. Cái gai đâm vào chân làm bạn đau nhói.
Bạn lấy một cái gai khác để nạy cái gai trong chân mình ra. Khi đã lấy cái gai
đó ra rồi, bạn vất cả hai cái đi; bạn không giữ lại cái gai đã giúp bạn. Bây giờ
nó thành vô dụng. Nhiệm vụ của trí tuệ là để giúp bạn nhận ra bản thể của mình.
Một khi việc đó đã thành tựu và bản thể của mình đã được nhận ra, bạn không cần
đến phương tiện nữa. Bạn có thể tạm biệt, bạn có thể cám ơn. Con đường của Phật
là con đường của thông minh, thuần khiết thông minh, nhưng vượt xa bên ngoài
thông minh.