Read more
Osho – Kỉ luật của siêu việt – Tập 4
Chương 2. Thầy người giầu, thầy người nghèo
Câu hỏi thứ nhất
Tôi có những thoáng nhìn về cách thức đau tâm lí, mang tính tồn tại được tạo ra bởi bản ngã. Nó là nhân tạo, và nó có thể được hoàn tác. Nhưng về đau vật lí thì sao: Sao nó lại có đó? Đó có phải là một phần của việc chết không? Tôi cảm thấy tôi không sợ cái chết nhiều như tôi sợ đau vật lí, lão suy, tuổi già.
Đau tâm lí có thể được làm tan biến; và chỉ đau tâm lí mới có thể được làm tan biến. Các đau đớn khác, đau vật lí, là một phần của sống và chết; không có cách khác để làm tan biến nó. Nhưng nó không bao giờ tạo ra vấn đề. Bạn đã bao giờ để ý chưa? - vấn đề chỉ là khi bạn nghĩ về nó. Nếu bạn nghĩ về tuổi già bạn trở nên sợ hãi, nhưng người già lại không run rẩy. Nếu bạn nghĩ về bệnh tật bạn trở nên sợ hãi, nhưng khi bệnh tật đã xảy ra rồi, thì không có sợ hãi, không có vấn đề. Người ta chấp nhận nó như một sự kiện. Vấn đề thực bao giờ cũng mang tính tâm lí. Đau vật lí là một phần của cuộc sống. Khi bạn bắt đầu nghĩ về nó, nó không còn là đau vật lí chút nào; nó đã trở thành tâm lí. Bạn nghĩ về cái chết; có nỗi sợ. Nhưng khi cái chết thực tế xảy ra thì không có sợ. Sợ bao giờ cũng là về cái gì đó trong tương lai. Sợ hãi chưa bao giờ tồn tại trong khoảnh khắc hiện tại.
Nếu bạn đi ra mặt trận trong chiến tranh, bạn sẽ sợ hãi, bạn sẽ rất e sợ. Bạn sẽ run rẩy, bạn sẽ không thể ngủ được: nhiều ác mộng sẽ ám ảnh bạn. Nhưng một khi bạn ở mặt trận rồi - hỏi người lính - một khi bạn ở mặt trận rồi, bạn quên mất tất cả về nó. Đạn có thể bay qua bạn và bạn có thể tận hưởng bữa trưa của mình; và bom có thể rơi và bạn có thể chơi bài.
Bạn có thể hỏi Gurudayal. Anh ấy đã trong chiến tranh, anh ấy đã ở mặt trận, anh ấy đã là người lính; anh ấy biết: nỗi sợ là về tương lai. Thế thì vấn đề không mang tính vật lí - bởi vì nỗi sợ tồn tại trong tâm lí của bạn. Khi đau là vật lí, thực tế, thì không có vấn đề về nó.
Thực tại chưa bao giờ tới như vấn đề; chính là ý tưởng về thực tại mới tạo ra vấn đề.
Cho nên điều đầu tiên cần được hiểu là: nếu bạn có thể làm tan biến nỗi đau tâm lí, thì không vấn đề nào còn lại. Thế thì bạn bắt đầu sống trong khoảnh khắc. 'Tâm lí' nghĩa là: về quá khứ, về tương lai, chưa bao giờ về hiện tại. Tâm trí chưa bao giờ tồn tại trong hiện tại. Trong hiện tại thực tại tồn tại, không phải là tâm trí. Tâm trí tồn tại trong quá khứ và tương lai, và trong quá khứ và tương lai thực tại không tồn tại. Thực tế, tâm trí và thực tại chưa bao giờ bắt gặp nhau. Chúng chưa bao giờ thấy mặt nhau. Thực tại vẫn còn không được biết tới cho tâm trí, và tâm trí vẫn còn không được biết cho thực tại.
Có một chuyện ngụ ngôn cổ...
Nữ thần bóng tối tới Thượng đế và nói, "Thôi đủ rồi! Mặt trời của ngài cứ ám ảnh tôi mãi, cứ săn đuổi tôi hoài. Tôi không bao giờ có thể nghỉ ngơi được; bất kì khi nào tôi đi nghỉ thì ông ta lại có đấy, và tôi lại phải chạy trốn đi. Và tôi đã chẳng làm gì sai trái với ông ấy cả. Điều này là bất công. Và tôi phải tới ngài để đòi công bằng."
Điều đó hoàn toàn đúng; lời phàn nàn là đúng.
Và Thượng đế triệu mặt trời tới và hỏi mặt trời, "Sao ông cứ săn đuổi nữ thần đáng thương này, nữ thần bóng tối? Cô ấy đã làm gì với ông?"
Mặt trời nói, "Tôi đâu có biết cô ấy chút nào. Tôi chưa bao giờ gặp cô ấy. Ngài cứ gọi cô ấy ra trước tôi mà xem; chỉ thế thì tôi mới có thể nói được cái gì đó. Tôi không nhớ đã làm gì sai với cô ấy, bởi vì tôi không biết cô ấy. Chúng tôi không quen nhau. Chẳng ai đã bao giờ giới thiệu chúng tôi cho nhau, chúng tôi thậm chí còn chưa quen biết. Đây là lần đầu tiên từ ngài mà tôi mới biết tới người đàn bà này, nữ thần bóng tối này. Xin ngài hãy triệu cô ấy tới!"
Việc này vẫn còn treo đấy - bởi vì Thượng đế không thể nào triệu được nữ thần bóng tối tới trước thần mặt trời. Họ không thể cùng tồn tại với nhau được, họ không thể đương đầu với nhau được. Khi bóng tối có đó, mặt trời không thể có được; khi mặt trời có đó, bóng tối không thể có được.
Đích xác cùng điều đó là mối quan hệ giữa tâm trí và thực tại: tâm lí là vấn đề, thực tại chưa bao giờ là vấn đề. Bạn chỉ làm tan biến vấn đề tâm lí của mình thôi - và chúng được tan biến bằng cách làm tan biến trung tâm của tất cả chúng: bản ngã. Một khi bạn không coi bản thân mình tách rời khỏi sự tồn tại, thì vấn đề đơn giản bay hơi đi, như giọt sương biến mất vào buổi sáng khi mặt trời lên, thậm chí không để lại dấu vết nào đằng sau. Chúng đơn giản biến mất.
Đau vật lí sẽ vẫn còn, nhưng lần nữa tôi sẽ nhấn mạnh rằng nó chưa bao giờ là vấn đề cho bất kì ai cả. Nếu chân bạn bị gẫy, thì nó bị gẫy. Đấy không phải là vấn đề. Vấn đề chỉ là trong tưởng tượng của bạn: "Nếu chân tôi bị gẫy, thế thì tôi sẽ làm gì đây? Và làm sao tôi tránh được, hay làm sao tôi hành động và làm việc theo cách của mình để chân tôi không bao giờ bị gẫy?" Bây giờ, nếu bạn trở nên sợ hãi về những điều như vậy thì bạn không thể sống được, bởi vì chân bạn có thể bị gẫy chứ, cổ bạn có thể bị gẫy chứ, mắt bạn có thể bị mù chứ. Bất kì cái gì cũng đều có thể cả; hàng triệu điều là có thể. Nếu bạn trở nên bị ám ảnh với tất cả những vấn đề này, mà đều có thể cả... tôi không nói chúng là không thể có. Chúng tất cả đều có thể. Bất kì điều gì đã từng xảy ra cho bất kì người nào, đều có thể xảy ra cho bạn. Ung thư có thể xảy ra, lao có thể xảy ra, chết có thể xảy ra; mọi thứ đều có thể. Con người là mong manh. Bạn có thể đi ra ngoài đường và bạn có thể bị xe tông phải.
Tôi không nói đừng đi ra ngoài đường. Bạn có thể ngồi trong phòng và mái có thể sụp xuống. Chẳng có cách nào cứu bạn toàn bộ và hoàn hảo. Bạn có thể nằm dài trên giường, nhưng bạn có biết rằng chín mươi bẩy phần trăm mọi người đều chết trên giường không? Đó là chỗ nguy hiểm nhất đấy! Tránh nó nhiều nhất có thể được; đừng bao giờ lên giường. Chín mươi bẩy phần trăm mọi người đều chết trên giường. Ngay cả đi bằng máy bay cũng không nguy hiểm như vậy; ở trên giường còn nguy hiểm hơn. Và nhớ, nhiều người chết ban đêm hơn... cho nên, có run rẩy. Thế thì vấn đề là tuỳ ở bạn. Thế thì bạn sẽ không có khả năng sống chút nào.
Các vấn đề tâm lí là những vấn đề duy nhất. Bạn có thể trở nên hoang tưởng, bạn có thể trở nên chia chẻ, bạn có thể trở nên bị tê liệt bởi vì sợ hãi - nhưng điều này chẳng có liên quan gì tới thực tại cả.
Bạn thấy người mù bước đi trên phố một cách hoàn hảo; mù trong bản thân nó không phải là vấn đề. Bạn có thể thấy người ăn xin - chân họ bị gẫy, tay họ mất rồi, và dẫu vậy vẫn cười, vẫn buôn chuyện với nhau, vẫn nói về đàn bà, đưa ra nhận xét, hát lên giai điệu. Quan sát cuộc sống: cuộc sống chưa bao giờ là vấn đề. Con người có khả năng vô cùng để điều chỉnh theo sự kiện, nhưng con người không có khả năng điều chỉnh theo tương lai. Một khi bạn cố gắng tự bảo vệ mình và làm an toàn mình trong tương lai, thế thì bạn sẽ trong rối loạn, trong hỗn loạn. Bạn sẽ bắt đầu rời ra. Và thế rồi có cả triệu vấn đề - vấn đề và vấn đề và vấn đề. Bạn thậm chí không thể tự tử nổi, bởi vì chất độc có thể không phải là chất độc thật. Ở Ấn Độ bạn không thể tin cậy vào bất kì cái gì! họ có thể đã trộn cái gì đó vào trong nó; nó có thể không độc chút nào. Bạn có thể uống nó và bạn sẽ nằm ra... và bạn sẽ chờ đợi và chờ đợi và chờ đợi - và cái chết lại không tới.
Thế thì mọi thứ đều tạo ra vấn đề.
Mulla Nasruddin định tự tử. Anh ta bắt gặp một nhà chiêm tinh trên phố, và nhà chiêm tinh nói, "Mulla, đợi đã. Để tôi xem tay anh đã."
Anh ta nói, "Tôi phải làm gì với chiêm tinh đây? Tôi định tự tử! Cho nên phỏng có ích gì; bây giờ không có tương lai."
Nhà chiêm tinh nói, "Đợi đã. Để tôi xem xem liệu anh có thể thành công hay không."
Tương lai vẫn còn đấy. Bạn có thể không thành công, bạn có thể bị cảnh sát bắt, bạn có thể bị đạn thối. Không có cách nào để chắc chắn về tương lai - thậm chí chẳng chắc gì về cái chết, thậm chí chẳng chắc về tự tử. Nói gì về cuộc sống? Cuộc sống là hiện tượng phức tạp thế; làm sao bạn có thể chắc chắn được? Mọi thứ đều có thể và chẳng cái gì chắc chắn cả. Nếu bạn trở nên sợ hãi, đây chính là tâm lí của bạn. Cái gì đó phải được làm cho tâm trí bạn.
Và nếu bạn hiểu tôi đúng, thiền không là gì ngoài nỗ lực để nhìn vào thực tại mà không có tâm trí - bởi vì đó là cách duy nhất để nhìn vào thực tại. Nếu tâm trí có đó, nó bóp méo, nó làm biến chất. Vứt bỏ tâm trí và nhìn thực tại - nhìn thẳng, tức khắc, mặt đối mặt. Và không có vấn đề gì. Thực tại chưa bao giờ tạo ra vấn đề gì cho bất kì ai. Tôi đang ở đây, bạn cũng ở đây - tôi không thấy vấn đề nào cả. Nếu tôi ốm, thì tôi ốm. Cái gì có đó để mà lo lắng? Tại sao làm nhặng sị lên về nó? Nếu tôi chết, thì tôi chết.
Vấn đề cần không gian: trong khoảnh khắc hiện tại không có không gian. Mọi sự chỉ xảy ra, không có thời gian để nghĩ về nó. Bạn có thể nghĩ về quá khứ bởi vì có khoảng cách; bạn có thể nghĩ về tương lai, có khoảng cách. Thực tế, tương lai và quá khứ được tạo ra chỉ để cho chúng ta không gian sao cho chúng ta có thể lo nghĩ. Và bạn càng có nhiều không gian, càng nhiều lo nghĩ.
Bây giờ ở Ấn Độ họ còn nhiều lo nghĩ hơn bởi vì họ nghĩ, "Kiếp sau... và... và" - tới vô hạn - "cái gì sẽ xảy ra trong kiếp sau?" Một người đang làm điều gì đó và người đó không chỉ nghĩ về hậu quả sắp xảy ra ở đây bây giờ; người đó nghĩ, "Mình sẽ tạo nghiệp nào cho kiếp tương lai của mình?" Bây giờ người đó sẽ trở nên thậm chí còn lo nghĩ nhiều hơn; người đó có nhiều không gian hơn. Và làm sao người đó sẽ lấp đầy không gian đó? - người đó sẽ lấp đầy nó với ngày một nhiều vấn đề hơn. Lo nghĩ là cách để trút đầy không gian trống rỗng của tương lai.
Người hỏi này nói, "Tôi có những thoáng nhìn về cách thức đau tâm lí, mang tính tồn tại, được tạo ra bởi bản ngã. Nó là nhân tạo, và nó có thể được hoàn tác."
Chỉ hiểu nó về mặt trí tuệ thì cũng chẳng ích gì; bạn phải làm nó. Làm nó, và thế rồi câu hỏi tiếp sẽ tan biến. Làm nó, và thế rồi bạn sẽ thấy chẳng có vấn đề nào còn lại.
"Nhưng về đau vật lí thì sao?"
Bây giờ đây là cách vấn đề nảy sinh. Về mặt trí tuệ bạn đã hiểu một điều, nhưng điều đó không tạo nên ý nghĩa gì. Câu hỏi tiếp lập tức đem thực tại của bạn lên bề mặt: bạn đã không hiểu.
Cứ dường như là người mù dò dẫm với chiếc gậy của mình; người đó tìm đường bằng nó. Và thế rồi chúng ta nói, "Mắt bạn có thể được chữa trị, nhưng thế rồi bạn sẽ phải vứt bỏ chiếc gậy dò đường của mình. Nó là không cần thiết." Người mù sẽ nói, "Tôi có thể hiểu rằng mắt tôi có thể được chữa trị, nhưng làm sao tôi có thể bước đi được mà không có chiếc gậy?"
Bây giờ, về mặt trí tuệ người đó đã hiểu rằng mắt có thể được chữa trị, nhưng về mặt tồn tại, về mặt kinh nghiệm, người đó đã không hiểu nó - bằng không thì câu hỏi tiếp đã không nảy sinh.
Đôi khi mọi người tới tôi và họ hỏi một câu hỏi, và tôi nói, "Bạn cứ hỏi tiếp đi; bạn hỏi câu hỏi thứ hai tiếp đi." Bởi vì một câu hỏi có thể không chỉ ra được thực tại; chúng chỉ có thể chỉ ra việc hiểu biết trí tuệ của họ. Nhưng với câu hỏi tiếp họ nhất định bị bắt giữ. Họ nhất định phải vậy, bởi vì với câu hỏi tiếp, lập tức họ sẽ bỏ lỡ.
Phần thứ nhất của câu hỏi này là hoàn hảo, nhưng bạn đã hiểu vấn đề chỉ qua tâm trí. Nó vẫn chưa được nghiền ngẫm kĩ lưỡng, nó vẫn chưa được tiêu hoá. Nó đã không trở thành máu, xương, tuỷ. Nó chưa phải là một phần của sự tồn tại của bạn. Bằng không thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể hỏi, "Về đau vật lí thì sao?" - bởi vì chính câu hỏi này mang tính tâm lí. Đau vật lí không phải là vấn đề - khi nó có đó, thì nó có đó; khi nó không có đó, thì nó không có đó. Vấn đề nảy sinh khi cái gì đó không có đó mà bạn lại muốn nó có đó, hay khi cái gì đó có đó mà bạn lại không muốn nó có đó. Vấn đề bao giờ cũng mang tính tâm lí: "Sao nó lại có đó?" Bây giờ tất cả điều này đều mang tính tâm lí. Ai đang định nói tại sao nó có đó? Chẳng có ai để trả lời cả. Chỉ những lời giải thích mới có thể được nêu ra, nhưng những giải thích đó không thực sự là câu trả lời. Lời giải thích là đơn giản.
Nó rất đơn giản: đau có đó bởi vì vui có đó. Vui thích không thể cùng tồn tại với đau đớn được. Nếu bạn muốn cuộc sống tuyệt đối không đau đớn, thế thì bạn sẽ phải sống cuộc sống tuyệt đối không vui thích. Chúng tới cùng nhau trong cùng một gói. Chúng không phải là hai thứ thực sự; chúng là một thứ - không khác biệt, không tách rời, và không thể bị tách rời. Đó là điều con người đã từng làm qua nhiều thế kỉ: tách rời ra, bằng cách nào đó để có mọi vui thích của thế giới và không có đau đớn nào; nhưng điều này là không thể được. Bạn càng có nhiều vui thích, bạn cũng có nhiều đau đớn. Đỉnh cao càng lớn, thung lũng sẽ càng sâu ngay bên cạnh. Thế thì đỉnh cao không thể tồn tại một mình được; chúng chỉ có thể tồn tại cùng với thung lũng thôi. Thung lũng không là gì ngoài tình huống mà đỉnh cao trở thành có thể. Đỉnh cao và thung lũng được nối cùng với nhau.
Bạn muốn vui thích và bạn không muốn đau đớn.
Chẳng hạn: bạn yêu người đàn bà hay bạn yêu người đàn ông, và khi người đàn bà ở cùng bạn thì bạn hạnh phúc. Bây giờ, bạn muốn hạnh phúc bất kì khi nào cô ấy ở cùng bạn, nhưng khi cô ấy đi xa bạn không muốn đau đớn. Nếu bạn thực sự hạnh phúc với người đàn bà khi cô ấy ở cùng bạn, làm sao bạn có thể tránh được nỗi đau chia li khi cô ấy mất đi và cô ấy không còn đó nữa? Bạn sẽ lỡ cô ấy, bạn sẽ cảm thấy thiếu vắng. Thiếu vắng nhất định trở thành nỗi đau. Nếu bạn thực sự muốn rằng bạn không có nỗi đau nào, thế thì bạn nên bắt đầu tránh mọi vui thích. Thế thì khi người đàn bà có đó đừng cảm thấy hạnh phúc; vẫn còn buồn bã, vẫn còn bất hạnh - để cho khi cô ấy đi, thì không có vấn đề gì.
Nếu ai đó đón chào bạn và bạn cảm thấy hạnh phúc, thế thì khi ai đó xúc phạm bạn, bạn sẽ cảm thấy bất hạnh. Thủ đoạn này đã từng được thử rồi. Đây đã là một trong những thủ đoạn cơ bản nhất mà tất cả những cái gọi là người tôn giáo đều đã thử: nếu bạn muốn tránh đau đớn, tránh vui thích đi. Nhưng thế thì còn có vấn đề gì nữa? Nếu bạn muốn tránh cái chết, tránh cuộc sống - nhưng thế thì tất cả còn là vấn đề gì nữa? Bạn sẽ chết. Trước cái chết, bạn sẽ chết. Nếu bạn muốn được an ninh hoàn toàn, đi vào trong nấm mồ và nằm ra ở đó. Bạn sẽ được an ninh hoàn hảo. Đừng thở, bởi vì nếu bạn thở thì có nguy hiểm... bởi vì có đủ mọi loại nhiễm khuẩn, đặc biệt là ở Pune. Đừng bao giờ thở ở Pune; bạn thở bị lây nhiễm đấy. Cả triệu bệnh tồn tại quanh bạn; làm sao bạn có thể thở được? không khí bị ô nhiễm. Có nguy hiểm, cho nên đừng thở, đừng di chuyển... mà cũng đừng sống luôn. Tự tử quách đi cho rồi; thế thì sẽ không có đau đớn. Nhưng thế thì sao bạn tìm kiếm nó? Bạn muốn không đau đớn và mọi vui thích. Bạn đòi hỏi cái gì đó không thể được: bạn muốn rằng hai cộng với hai không nên là bốn. Bạn muốn chúng trở thành năm, hay ba, hay bất kì cái gì, nhưng không bao giờ là bốn. Nhưng chúng là bốn đấy. Dù bạn làm bất kì cái gì, dù bạn có tự lừa dối mìnhvà người khác bằng cách nào, chúng sẽ vẫn còn là bốn.
Đau đớn và vui thích đi cùng nhau như đêm và ngày, như sinh và tử, như yêu và ghét. Trong một thế giới tốt hơn, với ngôn ngữ phát triển hơn, chúng ta sẽ không dùng các từ như 'ghét' và 'yêu', 'giận dữ', 'từ bi', 'ngày', 'đêm'. Chúng ta sẽ làm các từ nào đó mang cả hai nghĩa cùng nhau: 'yêu ghét' - một từ thôi; 'ngày đêm' - một từ thôi, không hai từ; 'sinh tử' - một từ, không hai từ; 'đau vui' - một từ, không hai từ. Ngôn ngữ tạo ra ảo tưởng.
Trong ngôn ngữ đau là tách rời, vui là tách rời. Nếu bạn muốn tìm trong từ điển về 'đau', bạn phải tìm từ 'đau'; 'vui' sẽ tách rời. Bạn muốn tìm 'vui', thế thì bạn phải tìm từ 'vui'. Nhưng trong thực tế đau và vui là cùng nhau, cũng như hai cánh của con chim là cùng nhau. Từ điển tạo ra ảo tưởng lớn; ngôn ngữ là nguồn ảo tưởng rất lớn. Nó nói 'yêu', và khi nó nói 'yêu' bạn không bao giờ nghĩ về ghét cả. Bạn hoàn toàn quên mất ghét, nhưng yêu không thể tồn tại mà không có ghét. Đó là lí do tại sao bạn yêu cùng một người và bạn ghét cùng một người.
Nhiều đệ tử tới tôi rất bối rối, bởi vì họ nói, "Osho ơi, chúng tôi yêu thầy, nhưng chúng tôi cũng ghét thầy." Và điều này tạo ra không thoải mái lớn trong họ. Đừng bao giờ không thoải mái về điều đó. Nếu bạn yêu tôi, bạn sẽ ghét tôi nữa. Sẽ có những khoảnh khắc mà phần ghét sẽ ở trên đỉnh của bạn; sẽ có những khoảnh khắc mà phần yêu sẽ ở trên đỉnh của bạn. Đừng khó chịu về điều đó; điều đó là tự nhiên và con người.
Bạn thích một thế giới nơi lạnh tồn tại mà không có cái gì như nóng, hay nóng tồn tại mà không có cái gì như lạnh. Nghĩ về điều đó đi; điều đó là ngớ ngẩn - bởi vì nóng và lạnh là cùng nhau. Và điều đó phụ thuộc vào cái bạn gọi chúng.
Bạn có thể cho nước vào hai thùng: trong thùng này, nước nóng, nước sôi, và trong thùng kia, nước lạnh, nước đá. Rồi cho cả hai tay bạn vào hai thùng đó, và rồi cảm xem sao. Có hai cảm giác không? hay chỉ một phổ? - một cực đoan là lạnh, cực đoan kia là nóng. Thế rồi để cho nước bình thường lại. Dần dần bạn sẽ thấy rằng bạn đang lại ngày một gần hơn; nóng trở thành bớt nóng đi, và lạnh trở nên bớt lạnh đi. Sau vài giờ bạn sẽ nói, "Chúng bây giờ cả hai là như nhau." Hay bạn có thể thử trong một thùng nước: đặt một tay gần nhiệt và một tay gần băng. Làm cho một tay lạnh và một tay nóng, rồi nhúng cả hai tay vào cùng một thùng nước và cảm xem nó là gì. Tay này sẽ nói nước lạnh, tay kia sẽ nói nước nóng, nhưng vẫn cùng nước đấy thôi. Nó là tương đối. Cái gì đó có thể giống như vui thích với bạn, và cùng cái đó có thể giống như đau đớn với ai đó khác.
Chẳng hạn: bạn đang làm tình với người đàn bà; bạn nghĩ nó rất vui thích. Hỏi vị phật; ông ấy sẽ đơn giản khiếp hãi: "Anh đang làm gì vậy? Anh có phát điên không đấy?" Có thể đó là lí do tại sao mọi người lại làm tình ở chỗ riêng tư - bằng không thì người khác sẽ cười và chế nhạo. Toàn thể chuyển động của làm tình sẽ trông rất ngớ ngẩn. Chúng sẽ có vẻ lố bịch. Trong trạng thái đam mê của tâm trí, bạn gần như bị say.
Khi bạn giận dữ bạn làm cái gì đó; trong khoảnh khắc đó nó cho bạn vui thích, bằng không thì bạn sẽ không làm nó. Giận dữ cho vui thích vô cùng, sức mạnh, cảm giác về sức mạnh. Nhưng khi giận dữ qua rồi bạn bắt đầu cảm thấy ăn năn, hối hận. Bạn bắt đầu cảm thấy rằng điều đó là không tốt, bây giờ nó là đau đớn. Khi nó có đó bạn đã cảm thấy mạnh mẽ và bạn cảm thấy vui thích. Bây giờ nhìn lại trong trạng thái bớt điên khùng; trong trạng thái bớt nóng nảy bạn nhìn lại. Bây giờ bạn bình thản hơn và bình tĩnh hơn; bây giờ nó có vẻ đau đớn. Cùng điều đó có thể là vui thích, cùng điều đó có thể là đau đớn - điều đó là tuỳ. Và cùng điều có thể là vui thích cho bạn và với ai đó khác lại có thể là đau đớn - điều đó nữa cũng tuỳ. Vui thích và đau đớn đi cùng nhau.
Điều tôi đang nói, điều gợi ý của tôi để cho bạn làm, là: có hai cách, và hai cách để thoát ra khỏi nó. Một là, bắt đầu trở nên ngày một không nhạy cảm. Đó là điều các tôn giáo cổ đã từng thuyết giảng - trở thành không nhạy cảm. Khi bạn đần độn, không nhạy cảm, không thông minh, thì lớp vỏ, lớp vỏ cứng bao quanh bản thể bạn. Bạn sẽ không cảm thấy đau cũng không cảm thấy vui. Đó là điều đang xảy ra cho các sư Jaina và các sư khác - họ cố gắng trở nên không nhảy cảm. Dần dần, bạn có thể trở nên không nhạy cảm. Thế thì chẳng cái gì cho cảm giác vui thích, chẳng cái gì cho cảm giác đau đớn. Bạn đi tới một trạng thái ngẩn ngơ, ngu xuẩn, nơi bạn trở thành rất xa cách. Bạn gần như chết. Mắt bạn mất đi ngọn lửa, con người bạn mất đi mọi năng lượng. Bạn chỉ còn là chất liệu chết, một thứ tù đọng, và bạn sẽ bắt đầu bốc mùi của cái chết. Đây là một cách - đơn giản, dễ dàng, rẻ mạt. Tôi không gợi ý nó. Nó là phủ định cuộc sống. Nó là bạo hành; nó là bạo hành chống lại bản thân bạn. Nó là tự tra tấn. Thử nómà xem, điều đó đơn giản.
Bạn có thể đi tới Benares và bạn có thể thấy mọi người, các sannyasin, đang nằm trên giường gai - và bạn sẽ ngạc nhiên! Nhưng họ đã học được cái gì? Họ đã không học được cái gì cả - chỉ mỗi việc nếu bạn cứ nằm trên đồ cứng thì thân thể bạn trở thành chết, nó không cảm nữa. Nhưng chỉ để tránh đau đớn họ đang né tránh bản thân cuộc sống. Cứ dường như là bạn muốn mạnh khoẻ và bạn muốn vứt bỏ bệnh tật; chỉ để vứt bỏ bệnh tật bạn tự giết mình, bởi vì bệnh tật là quá đau đớn. Nhưng bây giờ bạn không tồn tại chút nào.
Điều tôi gợi ý là cách thức rất khẳng định cuộc sống, yêu cuộc sống. Gợi ý của tôi là: khi có đau đớn, đi sâu vào trong nó, đừng né tránh nó. Để nó là vậy, cởi mở với nó, trở nên nhạy cảm nhất có thể được. Để cho đau đớn và mũi tên của nó xuyên thấu vào bạn tới tận cốt lõi bạn. Chịu đựng nó. Và khi vui thích tới, để điều đó nữa đi vào cốt lõi bên trong nhất của bạn. Nhảy múa nó. Khi có đau đớn sống cùng đau đớn, và khi có vui thích sống cùng vui thích. Trở thành nhạy cảm toàn bộ tới mức từng khoảnh khắc của đau đớn và vui thích đều là cuộc phiêu lưu lớn.
Và tôi muốn bảo bạn một điều: rằng nếu bạn có thể làm được điều này, bạn sẽ hiểu rằng đau cũng đẹp. Nó cũng đẹp như vui thích. Nó cũng đem tới sự sắc bén cho bản thể bạn; nó cũng đem tới nhận biết cho bản thể bạn - đôi khi thậm chí còn hơn cả vui thích. Vui thích làm đần độn. Đó là lí do tại sao những người sống chỉ trong si mê sẽ bị người khác thấy là nông cạn. Bạn sẽ không thấy chiều sâu nào trong họ. Họ đã không biết tới đau đớn chút nào; họ đã sống chỉ trên bề mặt, đi từ vui thích này sang vui thích khác. Sách khiêu dâm... họ không biết đau đớn là gì.
Đau đớn làm cho bạn rất tỉnh táo, và đau đớn làm cho bạn rất từ bi, và đau đớn làm cho bạn nhạy cảm với nỗi đau của người khác nữa. Đau đớn làm cho bạn thành mênh mông, khổng lồ, vĩ đại. Trái tim trưởng thành bởi vì đau đớn. Và điều đó là đẹp, điều đó có cái đẹp riêng của nó. Tôi không nói tìm kiếm đau đớn; tôi chỉ nói bất kì khi nào nó có đó, tận hưởng điều đó nữa. Nó là món quà của Thượng đế và phải có kho báu ẩn kín trong nó. Tận hưởng cả điều đó nữa; đừng bác bỏ. Chấp nhận nó, đón chào nó, sống cùng nó. Lúc ban đầu điều đó sẽ khó khăn, gian nan. Nhưng dần bạn sẽ học việc nếm trải nó. Nếm cũng phải được học; nó cũng giống như các nếm trải khác. Nếu bạn bắt đầu uống rượu, lúc ban đầu việc nếm tệ lắm và đắng nữa.
Mulla Nasruddin là người say. Một hôm vợ anh ta đi tới quán rượu, và anh ta đang uống ở đó cùng với bạn bè. Và cô vợ lại đang trong tâm trạng tồi tệ thực; cô ấy đã cố gắng đủ mọi cách mà anh ta chẳng chịu nghe lời. Hôm nay cô ấy muốn gây sốc cho anh ta. Và tất nhiên anh ta có chút ít phân vân; cô ấy chưa bao giờ tới quán rượu: "Cô ấy có định tạo ra cãi cọ ở đây không? Ở nhà thì được. Nhà là nơi cãi cọ được tạo ra và được diễn ra, nhưng ở quán rượu sao?"
Và cô ấy tới và ngồi bên cạnh anh ta và nói, "Anh Mulla ơi, em cũng đã quyết định uống rượu, từ hôm nay." Anh ta có chút ít phân vân hơn. Nhưng thế rồi anh ta rót một cốc cho cô ấy. Cô ấy nếm và nó đắng thế, và cô ấy không thể nào tin nổi điều đó.
Cô ấy nói, "Nó đắng thế, anh Mulla."
Mulla nói, "Em xem đấy! Và em bao giờ cũng cho rằng anh hưởng thú. Nó là bài tập luyện lớn lao; không dễ đâu!"
Khi bạn bắt đầu bất kì cái gì mới, bạn đều phải học nếm. Và tất nhiên nếm đau đớn thì đắng rồi. Nhưng một khi bạn đã học được nó, nó đem sắc bén và chói sáng thế tới cho bạn. Nó rũ mọi bụi bặm, mọi ngẩn ngơ và buồn ngủ khỏi bạn. Nó làm cho bạn lưu tâm đầy đủ tới mức không cái gì khác có thể làm cho bạn lưu tâm được như vậy. Trong đau đớn bạn có thể mang tính thiền nhiều hơn trong vui thích. Vui thích làm cho phân tán hơn. Vui thích nhấn chìm bạn. Trong vui thích bạn bỏ quên ý thức. Vui thích có khuynh hướng làm cho bạn thành vô thức; vui thích là một loại quên lãng, quên khuấy. Đau đớn có tính hồi tưởng: bạn không thể quên được nỗi đau.
Bạn đã không quan sát sao? - bất kì khi nào bạn đang đau bạn đều nhớ tới Thượng đế, khi bạn hạnh phúc và trong vui thích bạn chẳng bao giờ nhớ. Ai bận tâm? Thực tế, khi bạn đang trong vui thích bạn quên bản thân mình, bạn quên Thượng đế, bạn quên mọi thứ. Mọi sự diễn ra tốt đẹp thế...
Nhưng trong đau đớn, bạn nhớ tới Thượng đế.
Cho nên đau đớn có thể trở thành năng lượng rất sáng tạo; nó có thể trở thành việc hồi tưởng về Thượng đế. Nó có thể trở thành lời cầu nguyện, nó có thể trở thành việc thiền, nó có thể trở thành nhận biết.
Tôi dạy cái gì? Tôi dạy: khi đau có đó, dùng nó như nhận biết, như thiền, như việc làm sắc bén linh hồn. Và khi vui thích có đó, thế thì dùng nó như việc nhận chìm, như việc quên lãng. Cả hai cách đều đạt tới Thượng đế. Một cách là nhớ tới bản thân mình một cách toàn bộ, và một cách là quên bản thân mình toàn bộ. Và đau đớn và vui thích cả hai đều có thể được dùng, nhưng để dùng chúng bạn phải rất, rất thông minh. Điều tôi đang dạy không phải là cách thức của người ngu; điều tôi đang dạy là cách thức của người thông minh, trí tuệ. Bất kì cái gì Thượng đế cho bạn, cố tìm ra cách sử dụng nó, theo cách nó trở thành tình huống trưởng thành sáng tạo cho bạn.
Câu hỏi thứ hai
Sau bài nói hôm nay, tôi cảm thấy cứ dường như lâng lâng và bay bổng. Tôi bước đi dọc con đường phía trước cổng đạo tràng, tiến tới bụi hoa nở, và nhìn vào nó, bỗng nhiên có cảm giác là một với tự nhiên và nổi tựa như mẩu gỗ trôi giạt trên sông. Từ tất cả những điều đột nhiên đó tôi nhận ra rằng mẩu gỗ trôi giạt đã đi vào trong đống cứt chó. Thầy có ngẫu nhiên thấy ý nghĩa biểu tượng nào đó của điều này không?
Ý nghĩa có đó, nhưng không mang tính biểu tượng đâu; nó rất thực. Bạn không cần đi vào chủ nghĩa tượng trưng, bởi vì nó không phải là giấc mơ, nó đã xảy ra khi bạn hoàn toàn tỉnh thức. Thực tại đang nói cái gì đó với bạn...
Nghe tôi bạn có thể cảm thấy rằng bạn đang lâng lâng, nhưng bạn không thể khinh công được. Cảm giác này không phải là một vật, không phải là vật thực. Nghe tôi bạn có thể cảm thấy rất sung sướng, nhưng sung sướng đó lại giống như sự phản chiếu. Nó là sung sướng của tôi được phản chiếu trong tấm gương của bạn, nó không phải là sung sướng của bạn. Bạn nhất định tiếp đất đâu đó trong đống cứt chó.
Người ta không nên phụ thuộc vào bất kì ai khác. Bạn cần hạnh phúc của mình. Nghe tôi nói, bạn có thể trở nên được nhận chìm, bạn có thể được tràn ngập, nhưng bạn càng đi xa khỏi tôi, âm nhạc đó sẽ bắt đầu biến mất khỏi bạn. Nó không phải là của bạn ngay chỗ đầu tiên.
Cứ dường như là tôi đang đứng đây: trong ánh sáng của tôi bóng tối của bạn tan biến đi. Thế rồi bạn đi xa; bạn càng đi xa, bóng tối lại bắt đầu vây bọc quanh bạn lần nữa.
Nó cũng giống như người Sufi nói:
Hai lữ khách đi vào rừng. Một người có đèn, ngọn đèn của riêng người đó, người kia không có. Nhưng người kia thậm chí còn không nhận biết về sự kiện này. Họ cả hai đều bước đi trong ánh sáng bởi vì một người có đèn, cho nên người kia cũng có ánh sáng trên đường. Thế rồi tới một khoảnh khắc nơi họ phải chia tay; con đường của họ đi tách ra. Và khi người có đèn đi theo đường của mình, bỗng nhiên lữ khách kia nhận ra, hiểu ra rằng có bóng tối mênh mông khắp cả xung quanh.
Bạn có thể bước đi cùng tôi tới mức độ nào đó. Đệ tử có thể bước đi cùng thầy tới mức độ nào đó, nhưng thế rồi các con đường tách ra. Thế thì bạn phải đi trên con đường riêng của mình. Bỗng nhiên bạn sẽ thấy mình trong bóng tối.
Cho nên trong khi bạn đang ở cùng thầy, đừng chỉ tận hưởng phúc lạc của thầy. Tận hưởng, nhưng học cả cách tạo ra phúc lạc riêng của mình và ánh sáng riêng của mình. Những khoảnh khắc đó cùng thầy phải đã được tận hưởng vô cùng - tốt. Nhưng tận hưởng là không đủ. Bạn phải học bí mật về cách tạo ra ánh sáng riêng của mình - để cho khi thầy ra đi, hay bạn phải đi trên con đường riêng của mình và tách biệt, bạn không bị lạc trong bóng tối. Bằng không điều này sẽ cứ xảy đi xảy lại mãi.
Tôi nghe nói một hôm Mulla Nasruddin bị cảnh sát bắt, thế là tôi tới gặp anh ta trong tù. Tôi hỏi anh ta, "Mulla, sao tình cờ mà anh lại ở đây? Có chuyện gì xảy ra vậy?"
Anh ta nói, "Ăn trộm, và lỗi của tôi nữa."
Tôi hỏi, "Vậy cái đó là thế nào?"
Anh ta nói, "Tôi đã để ra ba tháng để làm quen với chó, và thế rồi tôi tới và dẫm phải con mèo."
Bạn phải hoàn toàn nhận biết. Trong Thiền họ nói: Nghệ thuật thiền gần như là nghệ thuật làm kẻ trộm. Bạn phải nhận biết tới mức bạn có thể bước vào nhà ai đó khác nơi bạn có thể chưa bao giờ đã từng ở đó trước đây; không chỉ bạn có thể bước, bạn có thể lấy đi nhiều thứ mà không gây tiếng động nào; không chỉ như thế, mà không có ánh sáng nào trong bóng tối. Bạn phải giống như tên trộm: rất nhận biết, rất ý thức.
Điều gì đã xảy ra cho người hỏi này? - người đó nổi, người đó không còn trong thế giới này, người đó đã đi vào trong thế giới khác. Một tầm nhìn đã bắt đầu loé lên trong người đó; người đó đang trong mơ, người đó không nhận biết, người đó say. Do đó người đó đã dẫm vào cứt chó.
Điều này rất, rất có nghĩa; nhớ điều đó. Bằng không thì có nhiều cách tiếp đất sai chỗ. Chừng nào bạn còn chưa cực kì nhận biết, nhiều lần lặp đi lặp lại bạn sẽ tới gần nhà hơn mà bạn sẽ bỏ lỡ cửa.
Câu hỏi thứ ba
Osho ơi, thầy cũng là thầy của người nghèo chứ?
Chắc chắn rồi! Bất kì khi nào bạn cho tôi cơ hội để tự mâu thuẫn mình tôi không bao giờ để mất nó đâu. Tôi chứa các mâu thuẫn. Tôi bao la mà. Tôi chưa bao giờ cảm thấy không thoải mái về các mâu thuẫn; tôi yêu chúng.
Vâng, tôi là thầy của người nghèo đấy. Nhưng nếu bạn hiểu tôi thì không có mâu thuẫn. Định nghĩa của tôi về người giầu và định nghĩa của tôi về người nghèo phải được hiểu cho rõ.
Jesus nói, "Được ân huệ là những người nghèo bởi vì ân huệ của họ là vương quốc của Thượng đế." Và hãy lưu tâm, ông ấy không nói ân huệ của họ sẽ là vương quốc của Thượng đế; ông ấy nói ân huệ của họ là vương quốc của Thượng đế. Để tôi nhắc lại điều đó: ông ấy nói, "Được ân huệ là những người nghèo bởi vì ân huệ của họ là vương quốc của Thượng đế." Nhưng ai là người nghèo theo định nghĩa của Jesus? - cùng những người đó tôi gọi là giầu đó.
Tôi gọi người giầu là người đã trở nên tuyệt đối thất vọng với thế giới này, người đã biết tất cả mọi cái mà nó có thể cho, và đã đi tới biết tất cả mọi điều về nó đều là ảo tưởng. Và người đã trở nên nhận biết về cái nghèo bên trong của mình. "Không giầu có nào của thế giới này có thể đáp ứng được cho trái tim đói của tôi; không cái gì tôi có thể sở hữu mà đã bao giờ làm mãn nguyện tôi. Cái nghèo của tôi vẫn còn không được động tới bởi cái giầu của tôi." Tôi gọi người này là người giầu bởi vì người đó đã đi tới thấy cái vô tích sự của mọi giầu có; nhưng người đó cũng là người nghèo, thực sự nghèo, bởi vì người đó đã hiểu được cái nghèo bên trong của mình. Người đó là 'nghèo trong tâm linh'.
Bây giờ để tôi làm bạn lẫn lộn thêm chút nữa.
Có hai kiểu người giầu: một, kiểu thứ nhất, người có của cải; và kiểu kia, người không có của cải nhưng vẫn là người giầu - bởi vì người đó có ham muốn được giầu. Kiểu thứ nhất có của cải, kiểu thứ hai không có của cải, nhưng cả hai đều là người giầu - bởi vì cả hai đều đi để có nhiều hơn và nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Bạn có thể có mười đồng ru pi và bạn muốn một trăm đồng ru pi. Ai đó có mười triệu ru pi và người đó ham muốn một trăm triệu ru pi. Khác biệt là gì? - tỉ lệ là như nhau. Cả hai đều đi tới của cải.
Cho nên có người giầu với của cải và có người giầu không của cải chút nào. Người ăn xin cũng có thể giầu nếu người đó vẫn đi vào ham muốn.
Thế rồi có hai kiểu người nghèo: người nghèo không có của cải, và người nghèo có mọi của cải trên thế giới. Nếu người nghèo đã hiểu rằng không có nghĩa gì trong của cải, và người có mọi của cải cũng đã hiểu rằng không có nghĩa gì trong của cải, thế thì cả hai đều là nghèo trong tâm linh. Điều cơ sở cần nhận ra là ở chỗ bất kì cái gì ở bên ngoài cũng đều sẽ không hoàn thành bạn. Dù bạn giầu hay nghèo cũng chẳng thành vấn đề. Nhưng, điều đó dễ hơn...
Đó là lí do tại sao tôi nói rằng nếu người nghèo muốn mang tính tôn giáo, người đó sẽ phải có nhiều thông minh hơn người giầu - bởi vì người đó sẽ phải thế thông minh của mình vào cái thiếu trong của cải. Người đó sẽ phải có tầm nhìn lớn lao, quyền năng quán tưởng. Nếu bạn có người đàn bà đẹp, rất dễ hiểu điều đó chỉ bằng việc có người đàn bà đẹp bên cạnh bạn, chẳng mãn nguyện nào tới cả. Rất dễ hiểu điều đó; chả cần tới nhiều thông minh. Nhưng nếu bạn không có đàn bà và bạn sống một mình trong sa mạc, và mơ - và mơ tới, và bạn mơ về đàn bà - bây giờ, hiểu rằng dù có được người đàn bà, bạn vẫn không thể được thoả mãn là điều khó, rất khó. Khi bạn có của cải bên cạnh mình, hiểu điều đó rất đơn giản. Không mấy thông minh là cần để thấy rằng chẳng cái gì đã xảy ra cho thế giới bên trong bạn. Nhưng khi bạn không có gì cả, thậm chí không có cái gì đó để ăn, không có nhà để trú ngụ, thì rất khó thấy rằng nhà cửa, thức ăn, tiền bạc, tất cả đều vô nghĩa. Rất khó cho người nghèo hiểu rằng tiền là vô nghĩa. Với người giầu, điều đó rất đơn giản.
Đó là lí do tại sao tôi nói nếu người giầu không trở nên mang tính tôn giáo thì người đó phải cực ngu, và nếu người nghèo trở nên mang tính tôn giáo thì người đó phải cực thông minh. Bởi vì khi bạn có, rất đơn giản thấy phép toán số học rằng chẳng cái gì đã xảy ra; nhưng khi bạn không có, thế thì chỉ quán tưởng và chỉ nghĩ trong tưởng tượng rằng ngay cả với việc có nó chẳng cái gì sẽ xảy ra, là rất khó. Một hoài nghi ẩn giấu sẽ vẫn còn ở bên trong... có thể có cái gì đó trong nó thì sao; toàn thế giới đang theo đuổi nó: "Họ tất cả có phải là lũ ngốc không? Một mình mình là người khôn chắc? Thế thì sao toàn thế giới lại chạy theo của cải, tiền bạc, quyền lực, danh vọng?" Điều đó là rất khó. Khi bạn sống trong cung điện bạn biết rằng cuộc sống không xảy ra chỉ bởi việc sống trong cung điện. Nhưng khi bạn sống trên đường phố, bạn sống trong khu nhà ổ chuột, thì rất khó hiểu rằng chỉ bởi việc sống trong cung điện chẳng cái gì xảy ra cả. Đó là lí do tại sao tôi lại bảo bạn tôi là thầy của người giầu. Nhưng chỉ cho những người giầu đã hiểu được rằng mình không giầu thì mới có khả năng mở vào chiều hướng tôn giáo. Khi người đó đã hiểu cái nghèo bên trong của mình, chỉ thế thôi. Cho nên bất kì ai hiểu rằng mình là nghèo, và người đó chẳng có gì, và thế giới này không thể cho bạn được cái gì cả, thì mới có khả năng tạo ra tiếp xúc với thầy. Không có cách khác.
Đôi khi điều đó dường như rất gian nan. Nghe tôi, đôi khi bạn trở nên rất bối rối. Khoảnh khắc tôi nói rằng tôi chỉ là thầy của người giầu, tất nhiên bạn trở nên bối rối. Bạn không giầu; thế thì tôi không phải là thầy của bạn sao? Nhưng bạn đã hiểu lầm tôi. Bạn không thể nắm được vấn đề về nó.
Nhiều lần điều đó xảy ra rồi: tôi nói điều gì đó, bạn nghe điều gì đó khác.
Ba bà già nhỏ bé, đáng yêu nhưng điếc, gặp nhau ở siêu thị.
"Một ngày đẹp," một bà nói.
"Không, đây là ngày thứ ba," bà khác nói.
"Tôi khát nữa," bà thứ ba nói. "Chúng ta đi uống trà đi."
Đây là cách mọi sự truyền đạt giữa tôi và bạn. Tôi nói điều gì đó, bạn nghe điều gì đó, và thế rồi bạn cứ hỏi và tôi cứ trả lời...
Hai anh chàng nói chuyện: Một người nói, "Tớ lấy vợ bởi vì tớ mệt mỏi phải đi tới hiệu giặt tự động, đi ăn tại tiệm ăn, và đi tất thủng." Anh chàng kia nói, "Thế thì buồn cười thật. Tớ li dị bởi cùng lí do đó."
Khi tôi nói người nghèo không thể mang tính tôn giáo được, điều đó gây tổn thương - và đặc biệt là ở một nước như Ấn Độ, nước nghèo. Nó làm tổn thương nhiều lắm, mà còn hơn nữa vì Ấn Độ vẫn nghĩ rằng nó là nước tôn giáo, còn tôi lại nói người nghèo không thể mang tính tôn giáo. Đất nước này nghèo và lại giả vờ là giầu. Điều đó gây tổn thương sâu lắm; nó làm đau bản ngã. Nhưng cố hiểu đi.
Có cấp bậc, và chừng nào bạn còn chưa hoàn thành các nhu cầu mức thấp trước, thì nhu cầu mức cao không nảy sinh. Trong cuộc sống bạn tuân theo qui tắc này một cách rất số học: đứa trẻ phải đi tới trường phổ thông cơ sở, rồi tới trường trung học, rồi tới trường phân ban, rồi tới cao đẳng, rồi tới đại học. Có cấp bậc. Nếu ai đó nói, "Tôi muốn vào thẳng đại học," bạn sẽ không cho phép. Bạn sẽ nói, "Trước hết anh phải hoàn thành vài yêu cầu đã."
Thượng đế là chân lí tối thượng, và bây giờ mọi người đều nghĩ mình phải có khả năng tiếp cận thẳng và rằng phải không có yêu cầu nào. Điều này tuyệt đối vô nghĩa. Với tôi, nhu cầu vật lí của bạn cần phải được đáp ứng trước. Thân thể bạn phải ở trong mãn nguyện sâu sắc, trong lành mạnh. Khi thân thể hoàn toàn khoẻ, mạnh khoẻ, có vui vẻ thích của riêng nó, giống như chiếc xe hơi rù rù ngon lành - không rối loạn, không ồn ào... Tôi không nói về xe hơi Ấn Độ đâu.
Họ nói rằng khi nhà chế tạo xe Ambassador chết, khi Birla chết, người tiếp đón ông ấy ở cổng trời đã rất giận dữ. Ông này nói, "Chúng tôi đã nhận nhiều lời phàn nàn về xe của ông, xe Ambassador này: rằng ngoại trừ còi xe, toàn thể cỗ máy gây tiếng động ghê lắm!"
Khi chiếc xe thực sự chạy rù rù ngon lành và cỗ máy có nhịp điệu cho nó, thì có lành mạnh. Khi thân thể bạn đang rù rù theo cách hài hoà, âm nhạc, khi mọi thứ khớp với nhau, khi không có gì sai và bạn đơn giản hạnh phúc với thân thể, bỗng nhiên có sự bùng phát năng lượng. Bạn bắt đầu tìm kiếm các đối tượng thẩm mĩ: nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca, hội hoạ. Bỗng nhiên bạn trở nên quan tâm tới Picasso, Michaelangelo, Mozart. Bỗng nhiên khiếu thẩm mĩ của bạn bắt đầu phát triển về cái gì đó đẹp.
Khi tâm trí bạn cũng rù rù, khi tâm trí bạn cũng trong lành mạnh - âm nhạc có đó, thơ ca có đó, cái đẹp có đó, và bạn được thoả mãn - lại một cú nhảy nữa, cú nhảy lượng tử khác, và bạn bắt đầu hỏi về chân lí, bạn hỏi về Thượng đế. Bạn hỏi câu hỏi tối thượng chỉ trong trạng thái tối thượng của mạnh khoẻ, không trước nó. Và thế thì việc tìm kiếm bắt đầu. Bây giờ điều đó là rất khó; nó khó như trong câu chuyện này:
Myron Cohen nói về một quí bà, người được hỏi, "Thưa bà Sadie, nếu bà bắt được một triệu đô la trên phố, bà sẽ làm gì với nó?"
"Điều đó còn tuỳ," bà Sadie trả lời. "Nếu tôi thấy nó thuộc vào ai đó rất nghèo, tôi sẽ trả lại nó."
Bây giờ, một triệu đô la cơ đấy! Và quí bà này nói, "Nếu tôi thấy nó thuộc vào ai đó rất nghèo, tôi sẽ trả lại nó. Điều đó còn tuỳ; bằng không thì tôi sẽ giữ lấy nó. Nếu nó thuộc vào người giầu thì phỏng có ích gì mà trả nó lại?"
Nhưng một triệu đô la thuộc về ai đó rất nghèo sao? - nhìn vào cái ngớ ngẩn của điều đó.
Tôi chưa hề bắt gặp một người có nhu cầu thấp hơn chưa được đáp ứng mà lại thực sự truy tìm chân lí về Thượng đế; không thể được. Tôi cảm thấy tiếc phải nói vậy, nhưng... chân lí là chân lí, và nó phải được nói ra cho dù nó làm đau. Tôi không thể làm được gì cả; nó là vậy. Thế thì ham muốn của người đó vẫn còn treo quanh - tầng còn chưa được đáp ứng của người đó. Người đó có thể nói về lời cầu nguyện, người đó có thể nói về tình yêu, nhưng người đó sẽ ngụ ý dục. Nếu dục của người đó còn chưa được đáp ứng, việc nói về tình yêu của người đó sẽ không là về tình yêu đâu; nó sẽ là về dục còn chưa được đáp ứng. Người đó có thể dùng từ ‘yêu'; điều đó không liên quan. Điều đó chẳng tạo ra sự khác biệt nào. Nhưng nếu bạn đi sâu hơn vào tình yêu của người đó và việc nói của người đó về tình yêu, bạn sẽ thấy hành động dục ẩn ở đó.
Không thể nào nhảy lên nhu cầu cao hơn khi cái thấp hơn còn chưa được đáp ứng. Một thời nào đó trong quá khứ, Ấn Độ đã là nước tôn giáo - vào thời của Phật và Mahavira. Nó đã mang tính tôn giáo bởi vì nó đã là nước giầu nhất trên thế giới. Nó đã được coi như con chim vàng - thần thoại nhất, giầu có nhất, xa hoa. Nó đã biết tới thời của nó; nó còn trẻ, đầy sinh khí và cường tránh. Nó đã ở đỉnh của nó. Không ai có thể vẫn còn trên đỉnh mãi mãi được. Nó cứ thay đổi hoài. Vào những ngày đó Ấn Độ đã mang tính tôn giáo bởi vì nó giầu có. Thế rồi sự giầu có mất đi; Ấn Độ trở nên ngày một nghèo hơn. Và có logic trong điều đó.
Bất kì khi nào một nước rất giầu có, nó bắt đầu trở nên mang tính tôn giáo; khi nó bắt đầu trở nên mang tính tôn giáo, nó lại trở nên nghèo. Khi nó trở nên nghèo lại khó mà mang tính tôn giáo. Đây là cơ chế, đây là biện chứng. Sao điều đó lại xảy ra?
Bây giờ nhìn nước Mĩ: Mĩ bây giờ là nước giầu có nhất trên thế giới, nhưng thế hệ trẻ đang chống lại công nghệ. Thế hệ trẻ nói về tình yêu, cầu nguyện, thiền. Nhưng nếu bạn chống lại công nghệ, và nếu bạn đốt xe Cadillac, Rolls Royce, và bạn bắt đầu sống như kẻ hành khất, thì bạn trở thành hippies và yippies và bạn vứt bỏ xã hội, bây giờ điều gì sẽ xảy ra? Nếu nó xảy ra trên qui mô lớn, Mĩ sẽ trở thành nước nghèo nhất trên thế giới. Bây giờ nhìn vào biện chứng của nó: Mĩ đang quan tâm tới tôn giáo, Mĩ đang quan tâm tới thiền, Mĩ đang quan tâm tới Thượng đế - bởi vì nó giầu. Bây giờ, một khi bạn trở nên quan tâm tới Thượng đế bạn nói, "Có cái gì trong của cải? Chẳng có gì cả. Cuộc sống của người nghèo là đẹp; tôi muốn là kẻ không nhà như Phật, tôi muốn là người lang thang. Tôi không muốn tiếp tục với xã hội máy móc này. Tôi không muốn là một phần của xã hội tiêu thụ thêm nữa." Thế rồi bạn vứt bỏ; thế rồi phần lớn hơn của xã hội bị vứt bỏ.
Và bạn là tương lai - bởi vì thế hệ trẻ sẽ phải quyết định. Thế hệ già chẳng mấy chốc sẽ biến mất. Và khi thế hệ mới phải quyết định, nó chẳng biết gì về công nghệ. Bạn sẽ tụt xuống từ giầu có của mình; bạn sẽ trở thành nghèo. Khi bạn trở thành nghèo, thế thì bạn sẽ cứ mang tôn giáo, cái đã xảy ra khi bạn còn giầu, như tàn tích. Thấy điều đó đi: khi bạn còn giầu thì tôn giáo là đúng bởi vì bạn đã cố gắng để đạt tới đỉnh cao nhất. Bây giờ bạn đã tụt khỏi sự giầu có, và bạn đã tụt xuống bởi vì tôn giáo. Bây giờ bạn sẽ mang tàn tích của tôn giáo hàng thế kỉ. Bạn sẽ cứ nói về thiền nhưng nó sẽ không ngụ ý gì cả.
Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ tàn tích vẫn tiếp diễn. Ấn Độ đã biết tới đỉnh vàng son. Khi nó biết đỉnh vàng son này, Phật và Mahavira và Neminatha và tất cả những người thông minh đều bị đẩy ra khỏi xã hội. Họ trở thành kẻ hành khất, người lang thang, khất sĩ; họ bắt đầu ăn xin. Và họ nói, "Điều này tất cả đều là vô nghĩa. Nhưng cung điện vĩ đại và những giầu có lớn lao này tất cả đều vô dụng." Và họ cũng đúng: Tôi không nói họ sai; tôi đơn giản nói cho bạn về cách cơ chế này vận hành, cách bánh xe vận chuyển. Họ đúng đấy; họ phải nói điều này, không có cách nào né tránh nó. Nhưng khi họ nói điều đó thì hàng triệu người bị thuyết phục. Phật có hàng nghìn đệ tử, và họ tất cả đều xuất thân từ gia đình giầu có. Họ hoặc là từ gia đình hoàng gia, hoặc họ từ gia đình rất giầu có. Tất nhiên, vài người nghèo cũng tới. Nhưng thực tế, vào thời đó, không ai nghèo cả.
Bây giờ ở Mĩ có người nghèo, nhưng nếu bạn nhìn vào họ theo chuẩn Ấn Độ, họ lại rất giầu. Ngay cả người nghèo cũng có thể có xe hơi ở Mĩ. Ngay cả tài xế của bạn cũng có thể tới trong chiếc xe của anh ta. Bây giờ, ở Ấn Độ, nghĩ xem người lái xe có xe riêng của mình! Chẳng ai sẽ tin điều đó: "Thế thì sao anh ta lại đi lái xe cho ai đó khác? Điều đó là không thể được!"
Tôi thường trọ ở Indore tại một gia đình người giầu. Ông ta lần đầu tiên tới Thuỵ Sĩ, và người hướng dẫn đi cùng ông ấy để chỉ cho ông ấy vài chỗ đã mời ông ấy về nhà mình. Ông này có ngôi nhà đẹp trên đồi. Người giầu này kể cho tôi - ông ấy tới phương Tây lần đầu tiên - ông ấy kể lại cho tôi, "Tôi không thể nào tin nổi, tôi bị sững sờ - bởi vì ông ta có chín phòng - mà có mỗi vợ và chồng thôi! Và từng phòng đều có nhà tắm liền kề!" Trong nhà ông ta mà tôi hay lưu lại, ông ta chỉ có hai phòng có nhà tắm liền kề, và ông ta là một trong những người giầu nhất ở Indore. Một phòng cho tôi và một phòng cho ông ấy. Nhà tắm liền kề là thứ xa xỉ. Ông ấy không thể tin được vào điều đó; và ông ấy không thể hiểu nổi tại sao người này lại làm nghề hướng dẫn du lịch. Anh ta có xe riêng, anh ta có nhà riêng, anh ta có khu vườn đẹp - thế sao anh ta phải làm việc như người hướng dẫn du lịch? Người giầu này cảm thấy thương hại và từ bi cho người nghèo đó.
Ấn Độ đã giầu có; ngay cả người nghèo cũng giầu. Hàng triệu người đã được Phật và Mahavira chuyển đạo, và họ tất cả đều ra đi. Nghĩ điều này: nếu hàng triệu người bỗng nhiên biến thành kẻ ăn xin, chỉ xã hội rất giầu mới có thể chu cấp được cho họ. Bằng không, làm sao bạn có thể đảm đương được việc đó? Ai sẽ cho họ thức ăn? Ai sẽ cho họ chỗ trú ngụ? Họ tất cả đều được cung cấp chỗ trú ngụ, họ tất cả đều được chu cấp thức ăn ngon, họ được cho quần áo ấm. Thực tế Phật phải làm ra qui tắc là họ không nên nhận nhiều hơn thế này, bằng không mọi người cho quá nhiều đồ tới mức sẽ khó cho người ăn xin mang tất cả những tải trọng đó. Cho nên người ta không nên nhận nhiều hơn thế này - một lượng giới hạn thôi. Và nếu bạn nhận nhiều hơn, thế thì lập tức bạn phải cho cái gì đó đi. Nhưng đồ sở hữu của bạn nên ở con số giới hạn. Có hàng triệu khất sĩ, và Phật đã làm ra qui tắc cho họ không sở hữu nhiều. Ấn Độ đã là một nước giầu có, tôn giáo đã nở hoa. Khi tôn giáo nở hoa, bởi vì chính việc nở hoa của nó mà đất nước này đã trở thành nghèo. Khi đất nước trở thành nghèo, tôn giáo tiếp tục như một tàn tích. Bây giờ Ấn Độ không chỉ là đất nước tôn giáo; tôn giáo chỉ là tàn tích của quá khứ. Nếu bạn nhìn vào quá khứ, bạn có thể nghĩ rằng "Vâng, thời nào đó nó đã từng là đất nước tôn giáo." Nhưng nếu bạn nhìn vào tương lai, nó sẽ là nước cộng sản, chẳng chóng thì chầy. Nó là một trong các nước thiên về vật nhất trên thế giới bây giờ.
Bây giờ để tôi nói cho bạn điều khác: khi một nước trở thành nghèo thì nó trở thành thiên về vật chất; khi nó trở thành thiên về vật chất thì nó không bận tâm về tôn giáo chút nào - hay, nhiều nhất, chỉ chú ý đãi bôi thôi. Thế rồi nó bắt đầu trở thành giầu; chủ nghĩa vật chất làm cho bạn giầu. Khi bạn lại trở nên giầu, một ngày nào đó bạn trở nên mang tính tôn giáo. Và theo cách này bánh xe cứ quay mãi.
Tôn giáo bao giờ cũng dành cho người giầu. Và tôn giáo tàn tích là rất nguy hiểm: nó không cho phép bạn thực sự thiên về vật chất, và bạn lại thiên về vật chất. Nó không cho bạn tự do để là người duy vật thực sự. Tôi không chống lại chủ nghĩa duy vật, bởi vì tôi biết rằng chỉ ở đỉnh cao nhất của chủ nghĩa duy vật thì tôn giáo mới xảy ra.
Karl Marx đã tiên đoán rằng nước giầu nhất của thế giới sẽ trở thành cộng sản. Nhưng ông ấy sai; tiên đoán của ông ấy sai. Nó sai bởi vì ông ấy chưa bao giờ hiểu biện chứng thực của xã hội, ông ấy chỉ hiểu cấu trúc kinh tế. Nếu mà ông ấy đúng thì Mĩ phải đã là cộng sản rồi; không phải Trung Quốc, không phải Nga. Cả hai đều là những nước nghèo, nghèo nhất. Karl Marx sai.
Điều tôi nói còn đúng hơn: nước giầu không bao giờ có thể trở thành cộng sản được; chỉ nước nghèo mới trở thành cộng sản. Nước giầu trở thành tôn giáo, không cộng sản. Nước nghèo trở thành cộng sản - nhưng đây là cách nó là vậy. Tôi không nói nó phải như vậy: tôi không nói gì về cái đáng phải là và cái không đáng phải là. Tôi đơn giản nói cái đang đó; đây là cơ chế. Bây giờ nếu Nga thực sự trở nên giầu một ngày nào đó, nó sẽ mất tiếp xúc với chủ nghĩa cộng sản của nó. Đó là lí do tại sao lại có xung đột giữa Trung Quốc và Nga: Nga giầu hơn Trung Quốc. Trung Quốc thực sự là nước của người nghèo, và chỉ người nghèo mới có thể là người duy vật. Bây giờ, với Trung Quốc, Nga dường như là tư sản. Họ không muốn có liên quan gì với Nga cả; nó đã là nước tư sản rồi. Chẳng chóng thì chầy khi Nga trở nên giầu hơn... Điều đó nhất định xảy ra: khi bạn trở thành duy vật, công nghệ, khoa học, bạn trở nên giầu. Khi bạn trở nên giầu, bỗng nhiên tôn giáo bắt đầu nở hoa.
Ở Nga, bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng có những tầng lớp thượng lưu bí mật bây giờ đang tụ tập đâu đó ở chỗ riêng tư, cầu nguyện, thiền - bởi vì bây giờ điều đó là bất hợp pháp. Bạn không thể cầu nguyện ở chỗ công cộng được, bạn không thể nói về thiền ở chỗ công cộng được. Nhưng có những tầng lớp thượng lưu, và mọi người liều mạng chỉ để ở cùng nhau và nói về Jesus và Phật. Nhưng họ tất cả đều là các tầng lớp thượng lưu bí mật.
Câu hỏi cuối cùng: Nó là từ Yatri.
Với việc ghi âm.... Osho ơi, hai ngày trước, với những lí do rõ ràng tâm linh, thầy đã nhận nói chỉ năm nghìn lời vừa phải mỗi ngày. Theo quan điểm khoa học thuần tuý, phát biểu này dường như chứa sự không chính xác nào đó. Con số thực tế - và điều này thì bất kì người chép lại, người biên tập hay người ghi băng sẽ kiểm chứng độc lập - là xấp xỉ ba lần số đó, tính cả bài nói buổi sáng và tâm tình buổi tối. Điều này nghĩa là một trăm lẻ năm nghìn từ được nói ra mỗi tuần, và tổng số rộng rãi quãng năm triệu năm trăm nghìn từ được trao cho chúng tôi trong một năm. Trong ba năm ngắn ngủi một chuỗi các lời như vậy quả thực đã ôm trọn quả đất. Đây có phải là bản ghi âm lời của người đã chứng ngộ không? Chúng tôi chắc chắn thầy cần cơ hội để kiểm chứng hay bác bẻ những tuyên bố ngông cuồng.
Chúng không ngông cuồng đâu, và tôi tuyệt đối đồng ý với bạn, Yatri. Nhưng, thầy bao giờ cũng có cách của mình để trốn thoát; bạn không thể bắt được thầy dễ dàng thế đâu. Và thầy bao giờ cũng có thể mang cái bí truyền nào đó vào trong nó.
Vâng, mười lăm nghìn lời được nói ra: nhớ, tôi không nói tôi đang nói... Mười lăm nghìn lời mỗi ngày được nói ra: năm nghìn từ thân thể, năm nghìn từ tâm trí, năm nghìn từ tôi!
Để tôi kể cho bạn một giai thoại:
Báo gấm thuyết phục mèo dạy cho nó cách vồ mồi. Sau vài thực nghiệm thành công với rệp và sâu bọ, báo gấm, muốn lấy miếng ăn khai vị của nó, quyết định thử kĩ thuật mới với bản thân mèo. Tuy nhiên mèo đã nhảy tót khỏi mối nguy hiểm như tia chớp, và báo gấm rơi thành một đống. "Điều đó là không công bằng!" báo gấm rên rỉ. "Thầy đã không dạy tôi thủ đoạn đó."
"Thầy khôn," mèo nhắc nhở nó, "không bao giờ dạy cho trò mọi thủ đoạn của mình đâu nhé."
Nhớ điều đó.
Và Yatri là phải: toán học của tôi kém đấy. Nó bao giờ cũng là vậy. Cho nên bất kì khi nào dẫn tới toán học là tôi bao giờ cũng đồng ý với bạn. Nhưng siêu hình lại có cách riêng của nó để thoát khỏi mọi vướng mắc. Đó là lí do tại sao tôi có thể dễ dàng tự mâu thuẫn với mình.
Tôi nói chỉ năm nghìn lời một ngày.