Chương 3. Cú và Uyên Sồ

Chương 3. Cú và Uyên Sồ

Price:

Read more

Osho - Thuyền rỗng
Chương 3. Cú và Uyên Sồ

Huệ Tử làm thừa tướng nước Lương. Có kẻ nói với ông ta rằng Trang Tử định qua đó để cùng ông ấy tranh ngôi thừa tướng. Khi Trang Tử tới nước Lương, Huệ Tử sợ, cho kẻ lùng xét trong nước ba ngày ba đêm nhưng không bắt được Trang Tử. Sau đó Trang Tử thu xếp tới gặp Huệ Tử bảo: “Phương Nam có con chim tên là Uyên Sồ, không bao giờ già, ông có biết không? Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, chỉ hạ cánh xuống cây thiêng liêng nếu không gặp hột luyện không ăn, nếu không gặp suối ngọt thì không uống. Có con chim cú đang rỉa xác chuột chù, thấy Uyên Sồ bay ngang, sợ nó giành miếng ăn, bèn kêu to lên để doạ Uyên Sồ đừng đáp xuống. Nay vì sợ cái ngôi thừa tướng của ông ở nước Lương, nên ông kêu lên để doạ tôi sao?”
Tâm trí tôn giáo về cơ bản là không tham vọng. Nếu có bất kì loại tham vọng nào, thế thì tính tôn giáo là không thể có, bởi vì chỉ người cao siêu mới có thể trở thành tôn giáo. Tham vọng kéo theo sự kém cỏi. Cố gắng hiểu điều này bởi vì nó là một trong những luật cơ bản. Không hiểu nó thì bạn có thể đi vào đền, bạn có thể lên Himalayas, bạn có thể cầu nguyện và bạn có thể thiền, nhưng mọi thứ sẽ là hão huyền. Bạn sẽ đơn giản làm phí hoài cuộc sống của mình nếu bạn không hiểu liệu bản chất của tâm trí bạn là tham vọng hay không tham vọng. Toàn bộ việc tìm kiếm của bạn sẽ là vô ích, bởi vì tham vọng không bao giờ có thể dẫn tới điều thiêng liêng. Chỉ không tham vọng mới có thể trở thành cánh cửa.
Tâm lí học hiện đại cũng đồng ý với Trang Tử, với Lão Tử, với Phật, với tất cả những người đã chứng ngộ, rằng kém cỏi tạo ra tham vọng. Do đó chính khách tới từ chất liệu tồi nhất trong nhân loại. Tất cả các chính khách đều là sudras, tiện dân. Điều đó không thể khác được, bởi vì bất kì khi nào tâm trí cảm thấy phức cảm tự ti thì nó đều cố gắng để trở thành cao siêu - cái đối lập được sinh ra. Khi bạn cảm thấy xấu, bạn cố gắng là đẹp. Nếu bạn đẹp rồi, thế thì không có nỗ lực.
Cho nên nhìn vào đàn bà xấu và bạn sẽ nhận ra bản chất của chính khách. Đàn bà xấu bao giờ cũng cố gắng che giấu cái xấu, bao giờ cũng cố gắng đẹp, ít nhất thì cũng trên khuôn mặt, khuôn mặt tô vẽ, quần áo, đồ trang sức, tất cả đều thuộc vào cái xấu. Bằng cách nào đó cái xấu phải bị vượt qua và bạn phải tạo ra cái đối lập để che giấu nó, để trốn thoát khỏi nó. Người đàn bà thực sự đẹp sẽ không lo nghĩ, cô ấy sẽ thậm chí sẽ không ý thức về cái đẹp của mình. Và chỉ một cái đẹp không ý thức thì mới là đẹp. Khi bạn trở nên có ý thức, cái xấu đã đi vào.
Khi bạn cảm thấy rằng bạn kém cỏi, khi bạn so sánh bản thân mình với người khác và thấy rằng họ cao siêu hơn bạn, bạn sẽ làm gì? Bản ngã cảm thấy bị tổn thương - bạn tự ti. Bạn không thể chấp nhận điều đó, cho nên bạn phải tự lừa dối mình và người khác.
Bạn lừa dối như thế nào? Có hai cách. Một là phát điên. Thế thì bạn có thể tuyên bố rằng bạn là Alexander, Hitler, Nixon. Thế thì sự việc thành dễ dàng bởi vì thế thì bạn chẳng bận tâm bởi điều người khác nói nữa. Bạn cứ vào nhà thương điên khắp trên thế giới và tại đó bạn sẽ thấy tất cả những nhân vật vĩ đại của lịch sử, vẫn còn sống!
Trong khi Pandit Jawaharlal Nehru còn sống, ít nhất một tá người ở Ấn Độ tin rằng họ là Pandit Jawaharlal Nehru. Có lần ông ấy vào nhà thương điên để khánh thành một khoa mới. Người trông coi nhà thương điên đã thu xếp để cho vài người được ông ấy thả ra, bởi vì bây giờ họ đã lành mạnh và bình thường. Người đầu tiên được đưa tới ông ấy và được giới thiệu, thế là Nehru tự giới thiệu mình với người điên đó, người đã trở nên bình thường hơn và nói, “Tôi là Pandit Jawaharlal Nehru, thủ tướng Ấn Độ.”
Người điên cười khanh khách và nói, “Đừng lo. Ông hãy ở đây trong ba năm và ông sẽ trở thành bình thường như tôi đã trở thành bình thường. Ba năm trước khi lần đầu tiên tôi tới nhà thương điên này thì người tôi tưởng mình đang là - chính là Pandit Jawaharlal Nehru, thủ tướng Ấn Độ. Nhưng họ đã chữa khỏi hoàn toàn cho tôi, cho nên ông đừng lo nghĩ.”
Điều này đã xảy ra theo nhiều cách. Lloyd George là thủ tướng nước Anh. Trong những ngày chiến tranh đó, vào lúc sáu giờ tối thường có việc tắt đèn và không ai ra khỏi nhà mình. Mọi giao thông đều ngừng lại, đèn không được phép bật, và mọi người đều phải ở một chỗ trú ẩn nào đó. Lloyd George đang đi dạo buổi tối thông thường, và ông ấy quên khuấy mất điều đó.
Bổng nhiên còi báo động cất lên. Lúc đó là sáu giờ nhà ông ấy thì còn xa ít nhất một dặm đường đi bộ. Cho nên ông ấy gõ cửa ngôi nhà gần nhất và nói với người ra mở cửa, “Xin cho tôi nghỉ lại ở đây qua đêm, nếu không thì cảnh sát sẽ bắt tôi. Tôi là Lloyd George, thủ tướng.”
Người này bỗng nhiên túm lấy ông ấy và nói, “Vào đi. Đây là đúng chỗ cho ông đấy. Chúng tôi đã có ba Lloyd George ở đây rồi!” Đó là nhà thương điên.
Llyod George cố gắng thuyết phục người này rằng ông ấy là thủ tướng thật. Nhưng người này nói, “Tất cả họ đều biện minh thế, cho nên đừng bận tâm kêu gào, hãy cứ vào đi nếu không thì tôi sẽ đánh ông ấy.”
Thế là Llyod George phải im lặng cả đêm nếu không thì ông ấy sẽ bị đánh thực sự. Làm sao ông ấy có thể thuyết phục được họ? Đã có ba Llyod George và họ tất cả đều cố gắng chứng minh điều đó.
Một cách là phát điên - bạn bỗng nhiên tuyên bố rằng mình là cao siêu, tối thượng nhất. Cách khác là đi làm chính khách. Hoặc là phát điên hoặc làm chính khách. Qua chính trị bạn không thể bỗng nhiên tuyên bố - bạn phải chứng minh rằng bạn thực sự là thủ tướng hay tổng thống. Cho nên đấy là cách đi vòng lâu dài. Điên khùng là lối tắt để thành quan trọng, chính trị là con đường dài. Nhưng chúng đạt tới cùng một mục tiêu.
Và nếu thế giới này trở thành một thế giới bình thường, lành mạnh, thế thì hai kiểu người này phải được chữa trị: người điên và chính khách. Cả hai đều ốm yếu. Một loại đã đi đường vòng dài, loại kia lấy đường tắt. Và nhớ cho rõ rằng người điên thì còn ít hại hơn chính khách, bởi vì anh ta đơn giản tuyên bố sự siêu đẳng của mình; anh ta không bận tâm tới việc chứng minh nó; chính khách thì bận tâm tới việc chứng minh điều đó - và việc chứng minh thì rất tốn kém.
Hitler đã cố gắng chứng minh điều gì? Rằng ông ta là người siêu đẳng nhất, siêu nhân Aryan nhất. Chắc là sẽ tốt hơn cho thế giới nếu ông ta phát điên, dùng lối tắt; thế thì sẽ không có thế chiến thứ hai.
Chính khách thì nguy hiểm hơn bởi vì họ là người điên có chứng minh. Họ là người điên đang làm việc, tìm kiếm, đạt tới một mục tiêu, chỉ để che giấu cái kém cỏi trong họ. Bất kì khi nào ai đó cảm thấy kém cỏi, người đó đều phải chứng minh hay đơn giản tự thôi miên mình trong việc tin rằng mình không kém cỏi. Bạn không thể là tôn giáo được nếu bạn điên. Không điên theo cách thánh Francis điên - cái điên đó tới qua niềm cực lạc, cái điên này tới qua sự kém cỏi. Cái điên của một thánh Francis hay một Trang Tử tới từ cái cao siêu, tới từ trái tim, tới từ ngọn nguồn nguyên thuỷ. Cái điên kia tới từ bản ngã. Linh hồn bao giờ cũng cao siêu còn bản ngã bao giờ cũng kém cỏi.
Cho nên một người bản ngã thì phải trở thành một chính khách bằng cách này cách khác - dù người đó chọn nghề nghiệp gì, qua đó người đó sẽ là một chính khách.
Tôi ngụ ý gì khi tôi nói chính trị? Tôi ngụ ý sự xung đột giữa các bản ngã, cuộc vật lộn để sống còn. Khi bản ngã bạn và bản ngã tôi là trong xung đột thế thì chúng ta là chính khách. Khi tôi không trong xung đột với bản ngã của bất kì ai, tôi là người tôn giáo. Khi tôi không cố gắng là cao siêu, tôi là cao siêu. Nhưng cái cao siêu này không đối lập với cái kém cỏi, nó là sự vắng bóng của cảm giác kém cỏi.
Sự phân biệt này phải được ghi nhớ. Có hai kiểu cao siêu. Theo một kiểu thì bạn chỉ che giấu cái kém cỏi, che đậy nó, bạn đang dùng một mặt nạ - đằng sau mặt nạ này cái kém cỏi vẫn còn đó. Cái cao siêu của bạn chỉ là bề mặt, sâu bên dưới bạn vẫn còn kém cỏi, và bởi vì bạn cứ có cảm giác về nó nên bạn phải mang mặt nạ này về cái cao siêu, về cái đẹp. Bởi vì bạn nhận biết rằng bạn xấu nên bạn phải xoay xở để đẹp, bạn phải trưng bầy, bạn phải phô bầy khuôn mặt giả. Đây là một kiểu cao siêu; nó không thực.
Có một kiểu cao siêu khác, và cao siêu đó là việc thiếu vắng cái kém cỏi, không phải là đối lập nó. Bạn đơn giản không so sánh. Khi bạn không so sánh, làm sao bạn kém cỏi được? Nhìn: nếu bạn là người duy nhất trên trái đất này và không có ai khác, bạn có kém cỏi không? Bạn sẽ so sánh bản thân mình với ai? Quan hệ với cái gì? Nếu bạn có một mình thì bạn sẽ là gì, kém cỏi hay cao siêu? Bạn sẽ chẳng là cái nào cả. Bạn không thể kém cỏi bởi vì chẳng có ai ở dưới bạn cả. Bạn sẽ không cao siêu không kém cỏi - và tôi nói với bạn rằng điều này là cái cao siêu của linh hồn. Nó không bao giờ so sánh. So sánh, và cái kém cỏi phát sinh. Đừng so sánh, và bạn đơn giản hiện hữu - duy nhất.
Người tôn giáo là cao siêu theo nghĩa là cái kém cỏi đã biến mất. Chính khách là cao siêu theo nghĩa người đó đã vượt qua cái kém cỏi của mình. Nó vẫn còn ẩn ở đó, nó vẫn còn ở bên trong. Người đó chỉ dùng cách ăn mặc, bộ mặt, cái mặt nạ của người cao siêu.
Khi bạn so sánh, bạn lỡ; thế thì bạn bao giờ cũng nhìn vào người khác. Và không có hai người nào như nhau, họ không thể thế được. Mọi cá nhân đều duy nhất và mọi cá nhân đều cao siêu, nhưng tính cao siêu này lại không so sánh được. Bạn cao siêu bởi vì bạn không thể là bất kì cái gì khác. Tính cao siêu là bản chất của bạn. Cái cây kia là cao siêu, tảng đá kia cũng là cao siêu. Toàn bộ sự tồn tại là thiêng liêng, cho nên làm sao cái gì có thể là kém cỏi được? Nó là Thượng đế, tuôn trào theo hàng triệu cách. Đâu đó Thượng đế đã trở thành cái cây, đâu đó Thượng đế đã trở thành tảng đá, đâu đó Thượng đế đã trở thành con chim, đâu đó Thượng đế đã trở thành bạn. Và chỉ Thượng đế tồn tại, cho nên không thể có so sánh được. Thượng đế là cao siêu, nhưng không cao siêu hơn bất kì cái gì - bởi vì chỉ Thượng đế hiện hữu, và không thể có bất kì cái gì kém cỏi.
Người tôn giáo đi tới kinh nghiệm tính duy nhất của mình, đi tới việc kinh nghiệm tính thiêng liêng của mình, và qua kinh nghiệm của mình về tính thiêng liêng đi tới hiểu ra tính thiêng liêng của tất cả. Điều này là không chính trị bởi vì bây giờ không có tham vọng, bạn chẳng có gì để chứng minh, bạn đã được chứng minh rồi; bạn không có gì để tuyên bố, bạn đã được tuyên bố rồi. Chính bản thể bạn là việc chứng minh. Bạn hiện hữu… thế là đủ. Không còn cần cái gì khác nữa.
Do đó, nhớ điều này như là một luật cơ bản. Nếu trong tôn giáo bạn cũng cứ so sánh, bạn đang trong chính trị, không trong tôn giáo. Đó là lí do tại sao tất cả các tôn giáo đã trở thành chính trị. Họ dùng thuật ngữ tôn giáo, nhưng ẩn phía dưới là chính trị. Mô ha mét giáo là gì? Hindu giáo là gì? Ki tô giáo là gì? Họ tất cả đều là các nhóm chính trị, tổ chức chính trị, tiến hành chính trị nhân danh tôn giáo.
Khi bạn vào đền cầu nguyện, bạn đơn giản cầu nguyện hay bạn so sánh? Nếu ai đó khác đang cầu nguyện ở đó, liệu so sánh có nảy sinh trong tâm trí bạn không? Bạn có tự hỏi liệu người đó có cầu nguyện tốt hơn bạn hay không, hay liệu bạn có cầu nguyện tốt hơn người đó hay không? Thế thì đền đài không còn có đó nữa. Đền đài đã biến mất, nó đã trở thành chính trị.
Trong tôn giáo so sánh là không thể có; bạn đơn giản cầu nguyện, và lời cầu nguyện trở thành bản thể bên trong của bạn. Nó không phải là cái gì đó bên ngoài để được so sánh. Lời cầu nguyện không so sánh được này, việc thiền không so sánh được này, sẽ đưa bạn tới cái cao siêu, bản chất của tất cả sự tồn tại.
Phật nói: Đừng tham vọng, bởi vì qua tham vọng bạn bao giờ cũng sẽ vẫn còn kém cỏi. Hãy không tham vọng và đạt tới cái cao siêu thực chất của bạn. Nó là cái thực chất. Nó không phải chứng minh, hay đạt tới, bạn đã có nó rồi, bạn đã được nó. Nó đã có đó - nó bao giờ cũng cùng bạn và nó bao giờ cũng sẽ còn lại với bạn. Chính bản thể của bạn là cao siêu nhưng bạn không biết bản thể nào đang có đó. Bạn không biết bạn là ai. Do đó mới có biết bao nỗ lực trong việc tìm kiếm căn cước bạn, trong việc truy tìm, trong việc chứng minh rằng bạn là cao siêu hơn người khác. Bạn không biết mình là ai.
Một khi bạn biết, thế thì không có vấn đề gì. Bạn đã là cao siêu rồi. Và cũng không chỉ bạn là cao siêu - mọi thứ đều là cao siêu. Toàn bộ sự tồn tại là cao siêu không cái gì kém cỏi cả, bởi vì Thượng đế là một, sự tồn tại là một. Kém cỏi và cao siêu không thể tồn tại. Tâm trí không tham vọng nhận ra điều này.
---------------------------
Bây giờ ta hãy xem các lời của Trang Tử. Sự kiện đẹp đẽ này thực sự đã xảy ra. Trang Tử đang trên đường tới kinh đô và vị thừa tướng trở nên sợ hãi. Ông ấy phải đã nghe tin rằng Trang Tử sắp tới qua cảnh sát bí mật, tay chân thân tín. Và chính khách thì bao giờ cũng sợ hãi, bởi vì mọi người đều là kẻ thù của họ, thậm chí bạn bè cũng là kẻ thù, và người ta phải tự bảo vệ cả với bạn bè bởi vì họ nữa cũng cố gắng kéo bạn xuống.
Nhớ lấy, không ai là bạn bè cả. Trong chính trị, mọi người đều là kẻ thù. Tình bạn chỉ là mẽ ngoài. Trong tôn giáo không có ai là kẻ thù cả. Trong tôn giáo không thể nào có kẻ thù được; trong chính trị thì không thể nào có bạn bè được.
Thừa tướng trở nên sợ hãi bởi vì Trang Tử sắp tới. Trang tử cao siêu đến mức thừa tướng cứ nghĩ rằng ông ấy có thể cố gắng trở thành thừa tướng. Đó là tình huống không dễ chịu gì. Và tất nhiên Trang Tử cao siêu thật, không cao siêu trong so sánh với bất kì ai khác, ông ấy đơn giản cao siêu. Đó là thực chất.
Khi một người như Trang Tử đi, ông ấy là vua; dù ông ấy đang sống như kẻ ăn xin hay không, điều đó không khác biệt. Ông ấy là vua bất kì khi nào ông ấy di chuyển. Tư thế vua không phải là cái gì đó bên ngoài của ông ấy, nó là cái gì đó bên trong.
Một nhà sư khất thực từ Ấn Độ sang Mĩ vào đầu thế kỉ này; tên ông ấy là Ramateertha. Ông ấy quen gọi mình là Hoàng đế. Tổng thống Mĩ tới gặp ông ấy, và nhìn một cách ngỡ ngàng. Ông ta chỉ là một kẻ ăn xin! Tổng thống hỏi, “Tôi không thể hiểu nổi: tại sao ông tự gọi mình là Hoàng đế? Ông trông như kẻ ăn xin. Ông thậm chí còn viết một cuốn sách gọi là Sáu luật của Hoàng đế Ram. Sao vậy?”
Ramateertha cười to và nói, “Ông nhìn vào bên trong tôi đây, vương quốc của tôi thuộc vào thế giới bên trong. Nhìn vào tôi đây. Tôi là hoàng đế. Vương quốc của tôi không phải là thế giới này.”
Bởi vì điều này, Jesus đã bị đóng đinh trên cây thập tự. Ông ấy bao giờ cũng nói, “Ta là vua.” Ông ấy đã bị hiểu lầm. Người đang là vua, Herod, trở nên cảnh giác. Phó vương, Pontius Pilate, đã nghĩ rằng Jesus là nguy hiểm, bởi vì ông ấy đã nói về vương quốc và nhà vua, và ông ấy đã tuyên bố, “Ta là vua của người Do thái.” Ông ấy đã bị hiểu lầm. Ông ấy đang nói về một kiểu vương quốc khác không phải là thế giới này.
Khi ông ấy bị đóng đinh, lính chế giễu ông ấy, ném đá và giầy vào ông ấy, và chỉ để nhạo báng ông ấy, họ đặt một vương miện gai lên đầu ông ấy với những lời: vua của người Do thái. Và khi họ ném đá và giầy vào ông ấy họ nói, “Nào, nói cho chúng tao đôi điều về vương quốc đi, nói điều gì đó, mi là vua của người Do thái!”
Ông ấy đang nói về một vương quốc nào đó khác, không phải thế giới này; rằng vương quốc đó không phải ở bên ngoài, rằng vương quốc đó là ở bên trong. Nhưng bất kì khi nào một người như Jesus bước đi, ông ấy cũng là hoàng đế. Ông ấy không thể đừng được việc đó. Ông ấy không cạnh tranh với bất kì ai, ông ấy không khao khát bất kì vương miện nào của thế giới này, nhưng bất kì nơi nào ông ấy tới, những người tham vọng đều trở nên sợ hãi, các chính khách trở nên sợ hãi. Con người này là nguy hiểm, bởi vì chính khuôn mặt, đôi mắt, cách ông ấy bước, chỉ ra rằng ông ấy là hoàng đế. Ông ấy không cần phải chứng minh điều đó, ông ấy là việc chứng minh. Ông ấy không cần thốt ra điều đó, không cần nói về nó.
Cho nên khi thừa tướng nghe thám tử bí mật, người tâm phúc, nói rằng Trang Tử sắp tới, ông ta nghĩ ngay Trang Tử phải tới kinh đô để đoạt ngôi vị ông ta; nếu không tại sao tới? Người ta chỉ tới thủ đô vì điều đó. Người ta chưa bao giờ tới Delhi vì bất kì cái gì khác. Người ta tới thủ đô bởi vì tham vọng, trong việc tìm kiếm bản ngã, căn cước. Tại sao ông ta tới - một thầy đồ, một kẻ ăn xin? Nhu cầu tới kinh đô của ông ấy là gì? Ông ấy phải tới để đoạt ngôi vị của ta, chiếc ghế của ta. Ông ấy phải tới nhà vua để nói, “Thần mới là người đúng. Xin bệ hạ cho thần làm thừa tướng và thần sẽ đưa mọi sự sai về chỗ phải. Thần sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của bệ hạ.”
Và con người này có niềm vinh quang bao quanh mình, có sức thu phục. Thừa tướng trở nên sợ hãi. Thừa tướng bao giờ cũng kém cỏi. Sâu bên dưới phức cảm tự ti có đó, giống như bệnh tật, giống như con sâu gặm nhấm trái tim, bao giờ cũng sợ người cao siêu.
Huệ Tử làm thừa tướng nước Lương. Có kẻ nói với ông ta rằng Trang Tử định qua đó để cùng ông ấy tranh ngôi thừa tướng.
Chính khách không thể nghĩ khác được. Điều đầu tiên cần phải hiểu là ở chỗ người ta thường suy bụng ta ra bụng người. Bạn ham muốn, tham vọng riêng của bạn cho bạn hình mẫu. Nếu bạn theo đuổi tiền bạc, bạn nghĩ rằng mọi người đều theo đuổi tiền bạc cả. Nếu bạn là kẻ cắp, bạn thường kiểm tra ví của mình: đấy là cách bạn chứng tỏ rằng mình là kẻ cắp. Ham muốn bên trong của bạn là ngôn ngữ của hiểu biết của bạn. Chính khách bao giờ cũng nghĩ dưới dạng âm mưu, mưu đồ: Ai đó định thoán đoạt mình, ai đó định gạt bỏ mình… Bởi vì đó là điều họ đã làm, đó là điều họ đã từng làm trong mọi kiếp sống, âm mưu. Chính khách là những kẻ mưu đồ. Đó là ngôn ngữ của họ. Và bạn nhìn vào người khác qua tâm trí mình, bạn phóng chiếu lên người khác những điều ẩn sâu bên trong bạn. Huệ Tử nghĩ, “Tên Trang Tử này đang âm mưu đoạt ngôi vị của ta.”
Khi Trang Tử tới thăm ông ta, thừa tướng đã sai người tới lùng xét bắt ông ấy. Nhưng mặc dầu đã lùng xét ba ngày ba đêm vẫn không tìm được ông ấy. Điều này thật là tuyệt!
Cảnh sát chỉ có thể tìm ra kẻ cắp - họ hiểu lẫn nhau. Tâm trí của cảnh sát và tâm trí của kẻ cắp là không khác nhau - kẻ cắp đang phục vụ chính phủ là cảnh sát. Tâm trí họ, cách nghĩ của họ là như nhau, chỉ có chủ của họ là khác. Kẻ cắp phục vụ cho riêng mình, cảnh sát phục vụ cho nhà nước - nhưng cả hai đều là kẻ cắp. Đó là lí do tại sao cảnh sát có thể bắt được kẻ cắp. Nếu bạn cử thánh nhân đi tìm kẻ cắp, ông ta sẽ không thể tìm thấy được, bởi vì ông ta sẽ nhìn vào người khác qua tâm trí của mình.
Một giáo sĩ Do thái bước ngang qua một thanh niên trong ngày lễ tôn giáo. Anh thanh niên này đang hút thuốc và hút thuốc bị cấm trong ngày đó. Cho nên giáo sĩ dừng anh ta lại và hỏi, “Anh bạn trẻ, anh có biết rằng hôm nay là ngày tôn giáo, và anh không nên hút thuốc không?”
Chàng thanh niên nói, “Có chứ, tôi biết là hôm nay là ngày tôn giáo. “ Anh ta vẫn hút thuốc - không chỉ có thế, anh ta còn phả khói thuốc vào mặt giáo sĩ.
Giáo sĩ hỏi, “Anh không biết rằng hút thuốc là bị cấm sao?”
Chàng thanh niên nói một cách ngạo mạn, “Có chứ, tôi biết nó bị cấm đấy.” Và anh ta lại tiếp tục hút thuốc.
Giáo sĩ nhìn lên trời và nói, “Thưa cha, chàng thanh niên này thật hay. Anh ta có thể phá luật, nhưng không ai buộc anh ta nói dối được. Anh ta là người chân thật. Anh ta nói: Có chứ, tôi biết hôm nay là ngày tôn giáo, và có chứ, tôi biết điều đó là bị cấm. Nhớ lấy, tới ngày phán xử, rằng người thanh niên này không thể nào bị buộc để nói dối được.”
Đây là vị giáo sĩ tuyệt vời. Đây là tâm trí của thánh nhân. Ông ấy không thể thấy cái sai, ông ấy bao giờ cũng thấy cái đúng.
Cảnh sát không thể nào tìm thấy Trang Tử được, điều đó là không thể được. Họ có thể đã tìm thấy ông ấy nếu ông ấy là người tham vọng, nếu ông ấy có mưu đồ, nếu ông ấy đang nghĩ dưới dạng chính trị - thế thì ông ấy có thể đã bị bắt. Cảnh sát phải đã nhìn vào nơi mà không có ông ấy, và con đường của họ phải đã đan chéo nhau nhiều lần. Nhưng ông ấy là kẻ ăn xin, người không tham vọng. Ông ấy không mưu đồ. Ông ấy không có tâm trí mưu đồ, ông ấy giống như cơn gió thoảng. Cảnh sát tìm kiếm và tìm kiếm nhiều ngày không thể tìm thấy ông ấy.
Bạn chỉ có thể tìm thấy cái mà là bạn. Bạn bao giờ cũng tìm thấy bản thân mình trong người khác, bởi vì người khác chỉ là tấm gương. Để bắt Trang Tử, một Lão Tử là cần thiết. Không ai khác có thể bắt được ông ấy, vì ai có thể hiểu ông ấy? Một Phật là cần thiết; Phật sẽ gợi ý nơi ông ấy đang ở. Nhưng cảnh sát sao? - không thể được! Chỉ nếu ông ấy là kẻ cắp thì điều đó mới có thể. Nhìn vào cảnh sát mà xem, cách thức anh ta hiện hữu, cách thức anh ta nói, ngôn ngữ bẩn thỉu anh ta dùng; điều đó thậm chí còn tục tĩu hơn cả ngôn ngữ của kẻ cắp. Cảnh sát phải tục tĩu hơn kẻ cắp, nếu không thì kẻ cắp sẽ thắng.
Có lần một người bị cảnh sát bắt và quan toà hỏi, “Nói cho ta biết, khi nào anh bị bắt, cảnh sát đã nói gì với anh?”
Người này nói, “Liệu tôi có thể nhắc lại cùng những lời tục tĩu anh ta đã dùng tại toà được không? Các vị sẽ không bực mình chứ? Điều đó có thể làm các vị choáng váng.”
Quan toà nói, “Bỏ ngôn ngữ tục tĩu đi nhưng nói cho chúng tôi điều anh ta đã nói.”
Người này nghĩ rồi nói, “Thế thì… cảnh sát chẳng nói gì cả.”
Cảnh sát quay lại với Huệ Tử và báo cáo rằng họ không thể tìm thấy Trang Tử. Không có người như vậy.
Họ phải đã hoạ nên một bức tranh, một cách nào đó để định căn cước ông ấy, một ý tưởng nào đó về cách tìm ra ông ấy, bắt ông ấy, kiểu cách của ông ấy. Nhưng Trang Tử không có căn cước, ông ấy không có khuôn mặt. Khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia ông ấy là một luồng, chất lỏng. Khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia ông ấy phản xạ, đáp ứng với sự tồn tại. Ông ấy không có chỗ lưu lại cố định, ông ấy vô gia cư, không có mặt. Ông ấy không có tên. Ông ấy không là quá khứ, ông ấy bao giờ cũng là hiện tại, và tất cả ảnh chụp đều thuộc về quá khứ.
Điều đó là đẹp và có nghĩa. Mặc dầu nó có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nó nói lên rằng bạn không thể chụp ảnh một người như Phật. Không phải là bạn không thể chụp ảnh ông ấy - nhưng khoảnh khắc việc chụp ảnh có đó, Phật đã đi rồi. Cho nên bức ảnh bao giờ cũng là về quá khứ và không bao giờ về hiện tại cả. Bạn không thể bắt được khuôn mặt hiện tại của Phật. Khoảnh khắc bạn bắt lấy nó, nó đã trôi qua. Khoảnh khắc bạn hiểu, nó đã qua rồi.
Một trong các tên của Phật là Tathagata - Như Lai. Từ này thực sự là tuyệt vời; nó có nghĩa là, giống như gió ông ấy tới và ông ấy đi. Vậy tới như gió và vậy đi. Bạn không thể chụp được ảnh gió, cơn gió thoảng. Trước khi bạn bắt được nó, nó đã đi rồi, nó không còn nữa.
Trang Tử không thể được tìm thấy bởi vì cảnh sát tìm quá khứ của ông ấy còn ông ấy lại sống trong hiện tại. Ông ấy là bản thể, không phải tâm trí. Tâm trí có thể bị bắt giữ nhưng bản thể thì không thể bị bắt. Không có lưới nào. Tâm trí có thể bị bắt rất dễ dàng, và bạn tất cả đều bị bắt theo cách này hay cách khác. Bởi vì bạn có tâm trí, vợ, chồng sẽ bắt lấy bạn; cửa hàng, kho báu, chức vụ, bất kì cái gì cũng sẽ bắt giữ bạn. Có những cái lưới, hàng triệu cái lưới. Và bạn không thể được tự do chừng nào bạn chưa tự do khỏi tâm trí. Bạn sẽ còn bị bắt đi bắt lại. Nếu bạn bỏ vợ này, người đàn bà khác sẽ bắt bạn ngay lập tức. Bạn không thể trốn thoát được. Bạn có thể thoát người đàn bà này, nhưng bạn không thể thoát phụ nữ. Bạn có thể thoát người đàn ông này, nhưng bạn sẽ đi đâu? Ngay khi bạn rời khỏi người này người khác đã bước vào cuộc sống của bạn. Bạn có thể bỏ thành phố này, nhưng bạn sẽ đi đâu? Thành phố khác sẽ bắt bạn. Bạn có thể bỏ ham muốn này nhưng ham muốn khác sẽ trở thành tù túng. Tâm trí bao giờ cũng trong tù túng, nó đã bị bắt. Khi bạn vứt bỏ tâm trí thế thì cảnh sát không thể bắt bạn được.
Trang Tử này không có tâm trí. Ông ấy là kẻ ăn xin vô trí, hay hoàng đế. Điều đó có cùng nghĩa. Ông ấy không thể bị bắt.
Khi Trang Tử tới nước Lương, Huệ Tử sợ, cho kẻ lùng xét trong nước ba ngày ba đêm nhưng không bắt được Trang Tử. Sau đó Trang Tử thu xếp tới gặp Huệ Tử bảo:
Trong khi đó, vào ngày thứ ba hay thứ tư Trang Tử thu xếp để tới gặp Huệ Tử và nói, “Kiểu người như ta, Trang Tử, không thể bị bắt được. Người đó bao giờ cũng xuất hiện theo ý của mình. Đấy là tự do của người đó. Ông không thể bắt được người đó, ông chỉ có thể mời người đó. Người đó được tự do để xuất hiện hay không.”
Khi có tâm trí, bạn bao giờ cũng bị bắt. Tâm trí bó buộc bạn, bạn là tù nhân của nó. Khi có vô trí, bạn tự do: bạn có thể xuất hiện, bạn có thể biến mất theo ý của bạn. Đấy là tự do riêng của bạn.
Nếu tôi đang nói cho các bạn, đấy không phải bởi vì bạn đã hỏi câu hỏi, đấy là theo ý riêng của tôi. Nếu tôi làm việc với bạn, đấy không phải là vì bạn, đấy là ý tôi. Khi có vô trí thì có tự do. Tâm trí là cơ sở cho tất cả mọi cảnh nô lệ.
Trang Tử xuất hiện theo ý mình và kể lại một chuyện ngụ ngôn hay. Lắng nghe từ cốt lõi sâu sắc nhất của trái tim bạn đi.
“Phương Nam có con chim tên là Uyên Sồ, không bao giờ già, ông có biết không?
Một chuyện huyền thoại Trung quốc, nó thật hay và mang nhiều nghĩa. Huyền thoại không phải là chân lí, nhưng nó lại chân lí hơn bất kì chân lí nào. Huyền thoại là ngụ ngôn, nó chỉ ra điều gì đó mà không thể chỉ ra được theo cách khác. Chỉ thông qua ngụ ngôn, thông qua thơ ca nó mới có thể được nói lên. Huyền thoại là thơ ca, nó không phải là mô tả. Nó chỉ ra chân lí, thậm chí không phải là sự kiện thế giới bên ngoài; nó thuộc về thế giới bên trong.
“Phương Nam có con chim tên là Uyên Sồ, không bao giờ già, ông có biết không?
Với Trung quốc, Ấn Độ là phương nam, và con chim đó sống ở đây. Tương truyền rằng khi Lão Tử biến mất, ông ấy biến mất ở phương nam. Người ta không biết khi nào ông ấy chết… ông ấy chưa bao giờ chết cả. Những người như vậy không bao giờ chết, họ đơn giản đi về phương nam - họ biến mất vào trong Ấn Độ.
Tương truyền rằng Bồ đề đạt ma tới từ phương nam. Ông ấy rời khỏi Ấn Độ, và đi tìm đệ tử để ông ấy truyền trao kho báu của Phật. Sau chín năm chờ đợi, ông ấy đã có thể truyền trao nó và tương truyền rằng thế rồi ông ấy biến mất lần nữa về phương nam. Ấn Độ là phương nam của Trung quốc. Thực sự, Ấn Độ là ngọn nguồn của mọi huyền môn; không huyền môn nào tồn tại trên toàn thế giới này không nảy sinh từ đây.
Khoa học nảy sinh từ tâm trí Hi Lạp, huyền thoại nảy sinh từ tâm trí Ấn Độ. Và chỉ có hai cách nhìn vào thế giới: một là khoa học, cách kia là tôn giáo. Nếu bạn nhìn vào thế giới qua khoa học, đấy là nhìn qua phân tích, toán học, logic.
Athens, tâm trí Hi Lạp, cho thế giới này khoa học, phương pháp Socrates về phân tích, logic và hoài nghi. Tôn giáo là hình mẫu hoàn toàn khác của việc nhìn vào thế giới. Nó nhìn vào thế giới qua thơ ca, qua huyền thoại, qua tình yêu. Tất nhiên, nó là lãng mạn. Nó không thể cho bạn các sự kiện, nó sẽ chỉ cho bạn tưởng tượng. Nhưng tôi nói tưởng tượng còn thực hơn bất kì sự kiện nào, bởi vì chúng cho bạn cái cốt lõi bên trong nhất, chúng không bận tâm tới sự kiện bên ngoài. Do đó, Ấn Độ không có lịch sử. Nó chỉ có huyền thoại, Puranas, không Itihas, không lịch sử.
Rama không phải là nhân vật lịch sử. Ông ấy có thể đã có hay có thể đã không có, điều đó không thể chứng minh được. Krishna là huyền thoại, không phải là sự kiện lịch sử. Có thể ông ấy đã hiện hữu, có thể ông ấy không hiện hữu. Nhưng Ấn Độ không bận tâm liệu Krishna và Rama có là nhân vật lịch sử hay không. Họ là có nghĩa, họ là thiên sử thi vĩ đại. Còn lịch sử là vô nghĩa với Ấn Độ bởi vì lịch sử chứa chỉ những sự kiện trần trụi, nó chưa bao giờ để lộ ra cốt lõi bên trong nhất. Chúng ta quan tâm tới cốt lõi bên trong nhất, trung tâm của bánh xe. Bánh xe cứ quay, đó là lịch sử, nhưng trung tâm của bánh xe, cái không bao giờ chuyển động, là huyền thoại.
Trang Tử nói:
“Phương Nam có con chim tên là Uyên Sồ, không bao giờ già, ông có biết không?
Tất cả những gì có sinh ra đều già đi. Lịch sử không thể tin vào con chim này được, bởi vì lịch sử có nghĩa là sự bắt đầu và sự kết thúc, lịch sử có nghĩa là khoảng cách giữa sinh và tử. Và khoảng cách giữa bất sinh và bất tử là huyền thoại.
Rama chẳng hề sinh và chẳng hề diệt. Krishna chẳng hề sinh và chẳng hề diệt. Họ bao giờ cũng có đó. Huyền thoại không bận tâm tới thời gian, nó quan tâm tới vĩnh hằng. Lịch sử thay đổi với thời gian, huyền thoại bao giờ cũng có liên quan. Không, huyền thoại chẳng bao giờ cũ cả. Báo chí là lịch sử, và báo hôm qua là đã cũ rồi. Rama không phải là một phần của báo chí, ông ấy không phải là tin tức, và ông ấy sẽ không bao giờ cũ cả. Ông ấy bao giờ cũng trong hiện tại, bao giờ cũng có nghĩa, có liên quan. Lịch sử thường thay đổi, Rama vẫn còn ở trung tâm của bánh xe, không chuyển động.
Trang Tử nói:
“Phương Nam có con chim tên là Uyên Sồ, không bao giờ già, ông có biết không?
Bạn đã bao giờ thấy bức tranh về Rama hay Krishna vẽ về tuổi già của họ chưa? Họ bao giờ cũng trẻ trung, thậm chí không có râu mép hay râu cằm. Bạn đã bao giờ thấy bức tranh Rama có râu không? Trừ phi ông ấy bị khuyết tật hoóc môn bằng không thì chúng phải mọc ra chứ; nếu ông ấy thực sự là đàn ông - và ông ấy quả thế - thế thì râu phải mọc chứ. Nếu Rama thuộc vào lịch sử, thế thì râu phải có đó; nhưng chúng ta đã vẽ ông ấy không râu, bởi vì khoảnh khắc râu mọc, bạn đã bắt đầu già đi. Chẳng chóng thì chầy nó sẽ trở thành trắng. Cái chết tới gần và chúng ta không thể chịu được việc nghĩ tới Rama chết, cho nên chúng ta đã xoá sạch hoàn toàn trên khuôn mặt ông ấy mọi dấu hiệu của cái chết. Và điều này không chỉ thế với Rama; cả hai mươi bốn tirthankaras của người Jaina cũng đều không râu cằm, không râu mép. Phật và tất cả các avatars của người Hindu cũng không râu cằm, râu mép. Điều đó chỉ ra sự trẻ trung vĩnh viễn của họ, cái vĩnh hằng, cái vô thời gian, cái xa xăm.
“Uyên Sồ, không bao giờ già, ông có biết không?”
Có thời gian - trong thời gian mọi sự thay đổi - và có cái vĩnh hằng. Trong cái vĩnh hằng không có gì thay đổi cả. Lịch sử thuộc về thời gian, huyền thoại thuộc về vĩnh hằng. Khoa học thuộc về thời gian, tôn giáo thuộc về cái không thời gian, cái vĩnh viễn.
Trong bạn cũng vậy, cả hai đều tồn tại - thời gian và vĩnh hằng. Trên bề mặt, bạn là bánh xe, thời gian: bạn được sinh ra, bạn sẽ chết đi, nhưng đây chỉ là trên bề mặt. Bạn đang trẻ trung, bạn sẽ già đi. Bạn đang mạnh khoẻ, bạn sẽ ốm yếu. Bây giờ bạn tràn đầy cuộc sống, chẳng chóng thì chầy mọi thứ sẽ tàn tạ, cái chết sẽ thấm vào bạn. Nhưng điều này chỉ là trên bề mặt, bánh xe của lịch sử. Sâu bên dưới ngay bây giờ trong bạn cái vĩnh hằng tồn tại, cái vô thời gian tồn tại. Không có gì già đi cả - con chim Uyên Sồ, phương nam, Ấn Độ, cái vĩnh viễn. Không cái gì già đi, không cái gì thay đổi, mọi thứ đều không chuyển động. Phương nam đó ở bên trong bạn.
Đó là lí do tại sao tôi lại thường nói rằng Ấn Độ không phải là một phần của địa lí, nó không phải là một phần của lịch sử, nó là một phần của bản đồ bên trong. Nó không tồn tại ở Delhi, nó chưa bao giờ tồn tại ở đó cả. Chính khách không thuộc vào nó; nó không thuộc vào chính trị. Nó là cái bên trong. Nó tồn tại ở mọi nơi.
Bất kì khi nào một người đi sâu xuống vào trong mình, người đó đạt tới Ấn Độ. Đó là lí do cho sự hấp dẫn vĩnh viễn, cho từ lực, của Ấn Độ. Bất kì khi nào một người trở nên bứt rứt với cuộc sống của mình, người đó đều hướng tới Ấn Độ. Đây chỉ là biểu tượng. Qua chuyển động vật lí bạn sẽ không tìm thấy Ấn Độ. Chuyển động khác là cần tới, nơi bạn bắt đầu đi từ bên ngoài vào bên trong, tới phương nam, tới mảnh đất của huyền thoại, và bất tử, con chim Uyên Sồ không tuổi - con chim Uyên Sồ không bao giờ già.
Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, chỉ hạ cánh xuống cây thiêng liêng nếu không gặp hột luyện không ăn, nếu không gặp suối ngọt thì không uống.
Linh hồn này, cái cốt lõi bên trong nhất này của bản thể bạn, chưa bao giờ hạ xuống ngoại trừ trên những cái cây thiêng liêng, con chim bên trong này, đây là bản thể bạn. Nó chỉ hạ xuống trên những cây thiêng liêng nào đó.
…nếu không gặp hột luyện không ăn, nếu không gặp suối ngọt thì không uống. Có con chim cú đang rỉa xác chuột chù, thấy Uyên Sồ bay ngang, sợ nó giành miếng ăn, bèn kêu to lên để doạ Uyên Sồ đừng đáp xuống.
Trang Tử đang nói: Ta là con chim Uyên Sồ, còn ông chỉ là con cú đang rỉa xác chuột chù. Và ông la lên rằng ta tới để đoạt ngôi vị thừa tướng của ông. Ngôi vị của ông, quyền lực của ông chẳng là gì đối với ta ngoài con chuột chết. Đấy không phải là thức ăn cho ta. Tham vọng không phải là cách sống, nó chỉ dành cho những người đã chết. Ta đã nhìn vào tham vọng, và ta đã thấy nó vô dụng.
Có lần một phụ nữ tới than vãn và khóc lóc với một giáo sĩ, nhưng vị giáo sĩ này lại đang cầu nguyện. Thế là cô ta nói với viên thư kí, “Xin ông hãy vào, và cho dù việc cầu nguyện của ông ấy có phải bị ngắt đoạn, xin ông cứ ngắt ra. Chồng tôi đã bỏ tôi. Tôi muốn ông giáo sĩ này tới cầu nguyện cho chồng tôi quay lại.”
Viên thư kí đi vào và ngắt đoạn việc cầu nguyện. Viên giáo sĩ nói, “Bảo cô ấy, đừng lo, chồng cô ấy sẽ sớm trở về thôi.”
Viên thư kí quay ra chỗ người phụ nữ và nói, “Đừng lo, đừng buồn. Ông giáo sĩ nói rằng chồng cô sẽ sớm quay trở lại. Cứ về nhà và thoải mái.”
Sung sướng, người phụ nữ này đi về, nói, “Thượng đế sẽ thưởng cho ông giáo sĩ hàng triệu lần hơn, ông ấy tốt thế.”
Nhưng khi người phụ nữ này đi rồi, viên thư kí trở nên buồn rầu, và bảo với ai đó đang đứng đó rằng điều này chẳng ích gì. Chồng cô ấy không thể nào quay lại, người phụ nữ đáng thương, và cô ấy lại bỏ đi sung sướng thế.
Người đứng bên nói, “Nhưng tại sao? Ông không tin vào ông giáo sĩ và lời cầu nguyện của ông ấy sao?”
Viên thư kí nói, “Tất nhiên là tôi tin vào ông giáo sĩ và tôi tin vào lời cầu nguyện của ông ấy. Nhưng ông ấy chỉ thấy cầu xin của người phụ nữ này, còn tôi thì đã thấy khuôn mặt cô ấy. Chồng cô ấy không bao giờ có thể quay lại.”
Người đã thấy khuôn mặt của tham vọng, người đã thấy khuôn mặt của ham muốn, người đã thấy khuôn mặt của thèm khát, sẽ không bao giờ quay lại với chúng nữa. Điều đó là không thể được, khuôn mặt đó xấu thế.
Trang Tử đã thấy khuôn mặt của tham vọng. Đó là lí do tại sao ông ấy nói: Quyền lực của ông, địa vị của ông, cái ngôi vị thừa tướng của ông, chỉ là con chuột chết đối với ta. Đừng hét thất thanh lên, và đừng mất tinh thần.
“Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, chỉ hạ cánh xuống cây thiêng liêng nếu không gặp hột luyện không ăn, nếu không gặp suối ngọt thì không uống. Có con chim cú đang rỉa xác chuột chù, thấy Uyên Sồ bay ngang, sợ nó giành miếng ăn, bèn kêu to lên để doạ Uyên Sồ đừng đáp xuống. Nay vì sợ cái ngôi thừa tướng của ông ở nước Lương, nên ông kêu lên để doạ tôi sao?”
Đây là sự kiện, nhưng chỉ khi bạn biết nó… chỉ thế thì bạn mới có thể hiểu. Lắng nghe một Phật, hay một Jesus, hay một Zarathustra, bạn bao giờ cũng được bảo: Vứt bỏ ham muốn và phúc lạc sẽ là của bạn. Nhưng bạn không thể vứt bỏ nó được, bạn không thể hiểu làm sao phúc lạc lại có thể xảy ra khi bạn loại bỏ ham muốn, bởi vì bạn đã nếm trải chỉ ham muốn. Nó có thể là chất độc, nhưng nó đã từng là thức ăn duy nhất của bạn. Bạn đã uống từ những nguồn có chất độc, và khi ai đó nói, “Vứt nó đi,” bạn sợ rằng bạn sẽ chết khát. Bạn không biết rằng có dòng suối trong trẻo, thuần khiết và bạn không biết rằng có những cây với quả hiếm. Bạn chỉ nhìn qua ham muốn của mình, cho nên bạn không thể thấy những quả đó và những cây đó.
Khi mắt bạn tràn đầy với những ham muốn, chúng chỉ thấy chuột chết. Ramakrishna hay nói: Có những người không thể thấy được bất kì cái gì khác hơn những đối tượng của khao khát của họ. Con cú này có thể đậu trên đỉnh cây cao, nhưng nó chỉ tìm chuột chết thôi. Bất kì khi nào thấy chuột chết trên phố là cú trở nên kích động. Nó sẽ không bị kích động, nó thậm chí không thấy nếu bạn ném cho nó một quả ngon. Nó sẽ không trở nên nhận biết về điều đó. Thông tin chưa bao giờ đạt tới nó bởi vì ham muốn vận hành như một nỗi ám ảnh. Vào mọi lúc, liên tục, cái đi vào bạn là những cái mà ham muốn của bạn cho phép vào. Ham muốn của bạn giống hệt như người gác cổng đứng ở cửa ra vào bản thể bạn. Chúng chỉ cho phép những cái hấp dẫn chúng đi vào.
Thay người gác cổng này đi; nếu không bạn bao giờ cũng sẽ sống với chuột chết. Bạn sẽ vẫn còn là con cú, và đó là khổ, bởi vì sâu bên trong bạn, Uyên Sồ vẫn còn ẩn kín và bạn hành xử như con cú. Đó là sự bất mãn. Đó là lí do tại sao bạn chưa bao giờ có thể cảm thấy thoải mái, đó là lí do tại sao bạn chưa bao giờ cảm thấy phúc lạc. Làm sao Uyên Sồ có thể cảm thấy phúc lạc với chuột chết được? Nó bao giờ cũng xa lạ, và đây không phải là thức ăn đúng cho nó.
Và điều này bạn đã cảm thấy nhiều lần. Làm tình với người đàn bà hay đàn ông, bạn đã cảm thấy nhiều lần rằng điều này không dành cho bạn. Con Uyên Sồ khẳng định mình nhưng con cú lại rất ầm ĩ. Con Uyên Sồ không thể được nghe thấy, tiếng của nó rất tinh tế và im lặng, không hùng hổ. Trong những khoảnh khắc an bình và thiền con Uyên Sồ nói, “Mình làm gì thế này? Điều này không phải cho mình. Mình đang ăn gì vậy? Điều này không phải cho mình. Mình đang uống gì vậy? Điều này không phải cho mình.”
Nhưng con cú lại rất ầm ĩ và bạn đã tin vào con cú lâu đến mức bạn theo nó hệt như thói quen. Nó đã trở thành thói quen chết. Bạn đơn giản theo nó, bởi vì nó là con đường dễ nhất. Đường mòn có đó. Bạn không phải làm gì cả. Bạn đơn giản đi theo đường mòn, bạn cứ chạy trong vòng tròn - cùng ham muốn ấy, cùng thèm khát ấy, cùng tham vọng ấy. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên là bạn sống trong đau khổ, bạn sống trong ác mộng.
Để Trang Tử bên trong tự khẳng định mình đi, để con Uyên Sồ bên trong tự khẳng định mình. Lắng nghe nó, nó là tiếng nói nhỏ bé, tĩnh lặng. Bạn sẽ phải bình thản lại, bạn sẽ phải cho con cú này đi ngủ; chỉ thế thì bạn mới có khả năng lắng nghe. Con cú này là bản ngã, là tâm trí, Uyên Sồ là linh hồn. Nó được sinh ra từ phương nam, từ biển cả, nó không phải là một phần của đất liền. Nó không sinh ra từ bùn, nó sinh ra từ biển cả bao la. Nó chưa bao giờ già, nó không bao giờ chết. Nó hạ cánh chỉ trên những cây thiêng liêng, hiếm hoi, chỉ ăn hột luyện, chỉ uống suối ngọt. Những suối này có đó, những cây thiêng liêng này có đó. Bạn đã lỡ chúng bởi vì con cú, và con cú đã trở thành người lãnh đạo.
Tất cả thiền không là gì ngoài nỗ lực làm con cú này im lặng đi để cho tiếng nói nhỏ bé tĩnh lặng có thể được nghe thấy. Thế thì bạn sẽ thấy điều bạn đã từng làm - rỉa chuột chết.
Trang Tử là phải. Thừa tướng mất tinh thần không cần thiết. Khi bạn, Uyên Sồ bên trong của bạn, tới sống cuộc sống của nó, con cú, thừa tướng, ngay ban đầu sẽ rất mất tinh thần. Tâm trí bạn sẽ tạo ra mọi kiểu chống đối thiền bởi vì tâm trí này sợ hãi, thừa tướng sợ hãi - Trang Tử này, tính chất thiền này, đang tới để đoạt ngôi của ông ta.
Tâm trí bạn sẽ bắt giữ con chuột chết, và sẽ rít lên, hoảng sợ, dường như ai đó định lấy đồ ăn đó của nó. Ban đầu điều đó sẽ xảy ra - và bạn phải tỉnh táo và nhận biết về nó. Chỉ nhận biết của bạn mới có ích dần dần.
Bất kì khi nào người ta bắt đầu thiền, tâm trí trở nên nổi loạn. Nó bắt đầu mọi kiểu biện luận: Mình đang làm gì thế này, sao mình lại mất thời gian thế? Phải dùng thời gian đi chứ! Mình có thể đạt được nhiều lắm trong thời gian này. Ham muốn đó đã chờ đợi lâu thế mà vẫn chưa được đáp ứng, thế bây giờ mình lại phí thời gian vào thiền. Quên nó đi. Những người nói rằng thiền là có thể thì đang lừa mình. Những Phật này, những Trang Tử này, chớ tin vào họ. Tin vào tâm trí, tâm trí nói. Nó tạo ra đủ mọi loại hoài nghi về mọi người, nhưng nó chưa bao giờ tạo ra bất kì hoài nghi nào về bản thân nó.
Tôi đã từng nghe: một người đang nói với đứa con nhỏ của mình. Đứa bé đã viết một bức thư như một phần bài tập về nhà và đem khoe với bố mình. Có nhiều lỗi chính tả trong đó như có ngần ấy từ, thậm chí còn hơn. Thế là bố nó nói, “Chính tả của con thật là kinh khủng. Sao con không nhìn vào từ điển? Khi con cảm thấy hoài nghi, nhìn vào từ điển.”
Đứa trẻ nói, “Nhưng bố ơi, con chẳng bao giờ cảm thấy hoài nghi cả.”
Đây là điều tâm trí bạn làm. Nó nói với Phật, “Nhưng bố ơi, con chẳng bao giờ cảm thấy hoài nghi cả.”
Tâm trí không bao giờ hoài nghi chính nó, đó mới là vấn đề. Nó hoài nghi mọi người - nó hoài nghi thậm chí cả Phật. Nếu như Krishna gõ cửa nhà bạn, nó sẽ hoài nghi; nếu Jesus tới, nó sẽ hoài nghi. Nó bao giờ cũng như vậy, bạn đã làm điều đó liên tục.
Bạn hoài nghi tôi nhưng bạn chưa bao giờ hoài nghi bản thân mình, bởi vì một khi tâm trí bắt đầu hoài nghi chính nó thì nó đã đi ra ngoài sự tồn tại. Một khi tự hoài nghi nảy sinh, cơ sở đã tan vỡ, tâm trí đã mất niềm tin của nó. Một khi bạn bắt đầu hoài nghi tâm trí, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ rơi vào vực thẳm của thiền.
Baal Shem, nhà huyền môn, sắp chết. Con ông ấy, người có tên là Hertz, là người ngây ngất, rất buồn ngủ. Trước khi chết, Baal Shem bảo anh ta rằng đêm nay sẽ là đêm cuối cùng của ông.
Nhưng Hertz nói, “Chẳng ai có thể biết khi nào cái chết sẽ tới.” Anh ta hoài nghi. Baal Shem là bố anh ta, và hàng nghìn người tin rằng ông ấy là vị cứu tinh, người sẽ đưa hàng triệu người tới cứu rỗi. Nhưng đứa con lại hoài nghi, và đêm đó anh ta cảm thấy buồn ngủ. Anh ta tỉnh lại lúc nửa đêm. Bố anh ta đã chết. Thế rồi anh ta bắt đầu kêu khóc. Anh ta đã bỏ lỡ một cơ hội lớn, và bây giờ sẽ không còn cơ hội nào để thấy người bố còn sống lần nữa. Nhưng anh ta chưa hề hoài nghi tâm trí mình, anh ta hoài nghi Baal Shem.
Trong mất tinh thần và thất vọng, anh ta bắt đầu khóc lóc. Anh ta nhắm mắt và lần đầu tiên trong đời mình, bởi vì bố anh ta đã mất, anh ta bắt đầu nói với ông ấy. Bố anh ta hay gọi anh ta nhiều lần: “Hertz, lại đây với bố.” Và anh ta sẽ nói, “Vâng, con sẽ tới, nhưng trước hết con có việc khác quan trọng hơn phải làm.”
Đây là điều tâm trí bạn đang nói. Tôi cứ gọi bạn: “Lại đây với tôi.” Bạn nói, “Ngay bây giờ có những việc khác quan trọng hơn. Tôi sẽ tới ngay, thầy đợi chút.”
Nhưng cái chết đã phá vỡ chiếc cầu. Cho nên Hertz khóc và bắt đầu nói với bố mình, và anh ta nói, “Con phải làm gì bây giờ đây? Con bị lạc. Con đang trong bóng tối. Bây giờ làm sao con có thể vứt bỏ tâm trí này cái đã lừa dối con? Con chưa hề hoài nghi nó, và con hoài nghi bố. Bây giờ điều đó làm con rất buồn.”
Baal Shem xuất hiện bên trong Hertz và nói, “Nhìn bố đây. Làm như bố làm.” Hertz nhìn, như trong mơ, một linh ảnh, rằng Baal Shem đi tới đỉnh đồi và gieo mình xuống vực thẳm. Và ông ấy nói, “Làm như thế đi.”
Hertz nói, “Con không hiểu.” Thực sự, hoài nghi lại nảy sinh: người này đang nói gì vậy? Điều này sẽ là tự tử.
Baal Shem cười to, và nói, “Con vẫn còn hoài nghi bố, không hoài nghi bản thân mình. Thế thì làm điều này.” Trong linh ảnh của mình Hertz thấy một ngọn núi lớn, tất cả đều bốc cháy, giống như núi lửa, lửa khắp nơi, đất đá nứt ra, và toàn bộ quả núi vỡ thành từng mảnh. Baal Shem nói, “Hay làm điều này. Để tâm trí bị ném vào vực thẳm, để tâm trí bị thiêu cháy hoàn toàn.”
Và câu chuyện này tiếp tục với Hertz nói, “Con sẽ nghĩ về điều đó.”
Bất kì khi nào bạn nói, “Con sẽ nghĩ về điều đó,” bạn bắt đầu hoài nghi. Hoài nghi nghĩ, không phải bạn. Và khi không có hoài nghi, niềm tin hành động, không phải bạn. Hoài nghi nghĩ, niềm tin hành động. Qua hoài nghi bạn có thể trở thành một triết gia vĩ đại; qua niềm tin bạn sẽ trở thành Trang Tử, con Uyên Sồ chưa bao giờ già, không chết. Qua hoài nghi bạn có thể thấm vào những bí ẩn của thời gian; qua niềm tin bạn sẽ đi vào cánh cửa của cái vĩnh hằng.
Tôi đã từng nghe về hai người có lần bị lạc trong rừng trong đêm rất tối. Đấy là một khu rừng nguy hiểm, toàn những thú hoang, rất rậm rạp, với bóng tối bao quanh tất cả. Một người là triết gia còn người kia là nhà huyền môn - người này là người của hoài nghi, người kia là người của niềm tin. Bỗng nhiên, có một cơn giông tố, chớp rạch mây, và một cú sét thật to.
Triết gia nhìn lên trời, nhà huyền môn nhìn vào con đường. Trong khoảnh khắc chớp loé đó, con đường ở phía trước anh ta, sáng lên. Triết gia nhìn vào tia chớp, và bắt đầu tự hỏi, “Điều gì đã xảy ra?” và bỏ lỡ con đường.
Bạn bị lạc trong khu rừng còn rậm rạp hơn khu rừng của câu chuyện này. Đêm còn tối hơn. Đôi khi một tia chớp loé lên. Nhìn vào con đường đi.
Một Trang Tử đang chớp loé, một Phật đang chớp loé, tôi đang chớp loé đây. Bạn đừng nhìn vào tôi, nhìn vào con đường đi. Nếu bạn nhìn vào tôi, bạn đã lỡ, bởi vì tia chớp sẽ không tiếp tục. Nó chỉ kéo dài một khoảnh khắc, và khoảnh khắc này là hiếm hoi khi cái vĩnh hằng thấm vào thời gian; nó cũng hệt như chớp loé.
Nếu bạn nhìn vào tia chớp, nếu bạn nhìn vào vị phật - và vị phật thì đẹp, khuôn mặt quyến rũ, đôi mắt có từ lực - nếu bạn nhìn vào vị phật, bạn đã lỡ con đường.
Nhìn vào con đường, quên phật đi. Nhìn vào con đường. Nhưng cái nhìn đó xảy ra chỉ khi không có hoài nghi, khi có niềm tin; không suy nghĩ, không tâm trí.
Trang Tử phải không được nghĩ tới nữa. Bạn đừng nghĩ về ông ấy. Chỉ để cho câu chuyện này thấm vào bạn và quên nó đi. Qua câu chuyện này mà con đường sáng lên. Nhìn vào con đường, và làm điều gì đó. Đi theo con đường, hành động. Suy nghĩ sẽ không đưa bạn đi, chỉ hành động mới đưa bạn đi, bởi vì suy nghĩ diễn ra trong đầu. Nó không bao giờ có thể trở thành toàn bộ; chỉ khi bạn hành động, nó mới toàn bộ.

Ads Belove Post