Read more
Osho - Kinh Kim Cương
Chương 6. Trạng thái bồ tát
Tất cả những chuyện về bồ tát là thế nào? Tôi chẳng tin tí nào về điều đó. Không có chuyện như vậy.
Vâng, Somendra, tất cả những cái đó là vô nghĩa. Nhưng bạn sẽ phải hiểu từ ‘vô nghĩa’. Nó vượt ra ngoài mọi ý nghĩa. Bạn không cần phải tin vào nó, bạn không thể tin vào nó được - bạn chỉ có thể kinh nghiệm nó thôi. Đấy là một kinh nghiệm vô nghĩa. Nhưng nó là thực, nó hoàn toàn thực. Nó xảy ra. Chừng nào nó còn chưa xảy ra thì không có cách nào để tin vào nó được, mà cũng chẳng cần tin. Phật chưa bao giờ ủng hộ bất kì niềm tin. Bất kì điều gì ông ấy nói, đấy đều là kinh nghiệm, đấy đều mang tính tồn tại. Đấy là cái gì đó vượt ra ngoài tâm trí.
Thường ta dùng từ ‘vô nghĩa’ cho những cái thấp hơn tâm trí. Nhưng cái gì đó vượt ra ngoài tâm trí nữa - cái ấy nữa cũng vô nghĩa nốt. Tâm trí không thể tạo ra bất kì ý nghĩa nào từ nó. Chừng nào tâm trí bạn còn chưa biến mất bạn sẽ không thể nào thấy được bản thể bồ đề này là gì. Đó không phải là một vật, thực vậy; đó là việc kinh nghiệm.
Bạn biết về ham muốn, bạn biết về đam mê, bạn biết về dục, bạn biết về yêu. Bạn cứ thử giải thích điều đó cho một em bé mà ham muốn dục còn chưa thành hình, nó nói tất cả những điều đó là vô nghĩa. Thử giải thích một chút cho một em bé bốn tuổi xem - rằng bạn đang yêu - nó sẽ nhìn bạn với con mắt không tin tưởng. Bạn đang nói gì vậy? Cái thứ ‘tình yêu’ đó là gì?
Và tất cả câu chuyện lãng mạn của bạn và tất cả những bài thơ của bạn và tất cả những cái làm trái tim bạn hồi hộp, tất cả những cái đó không thể kể cho một đứa bé. Nó chưa nếm trải kinh nghiệm đó, nó chẳng nhận biết gì về điều đó cả. Ham muốn còn chưa nảy sinh trong nó. Phật gọi ham muốn đó là wasana. Wasana đó còn chưa nảy sinh trong nó. Và chừng nào nó còn chưa nảy sinh thì chẳng có cách nào truyền đạt bất kì điều gì về nó được.
Cũng wasana ấy, cũng năng lượng ấy tham gia vào ham muốn, vào dục, vào yêu, nhưng một ngày nào đó sẽ được giải thoát khỏi ham muốn. Một ngày nào đó ham muốn bị vứt bỏ. Hệt như một ngày nào đó nó phát sinh, một ngày nào đó nó bị vứt bỏ nữa. Mọi thứ được sinh ra sẽ chết đi, mọi thứ bắt đầu thì sẽ kết thúc. Và nếu cuộc sống diễn tiến rất rất tự nhiên và tự phát thế thì sẽ có một giai đoạn nào đó có thể được đánh dấu.
Dục nảy sinh ở tuổi mười bốn - dục chín muồi - và đứa trẻ xúc động với cái gì đó mới mẻ và chưa biết. Đứa trẻ nhận được làn gió ham muốn; một đam mê lớn và một ngọn lửa nhen nhúm lên trong nó. Bây giờ nó sẽ chẳng bao giờ còn hồn nhiên như trước khi có ham muốn này nữa. Nó sẽ chẳng bao giờ nhìn vào mọi vật với cái hồn nhiên ấy nữa.
Nếu cuộc sống tiến triển tự phát và tự nhiên thì đúng mười bốn năm trước cái chết của bạn ham muốn sẽ biến mất; đúng mười bốn năm trước cái chết của bạn, dục sẽ chẳng còn liên quan nữa. Bỗng nhiên bạn sẽ phát hiện lại rằng giấc mơ không còn đấy nữa, rằng niềm đam mê đã nguội lạnh, rằng cơn bão tố đã biến mất, và có im lặng, im lặng hoàn toàn. Nhưng năng lượng của bạn đã được tham gia vào ham muốn; ham muốn biến mất - năng lượng này sẽ đi về đâu?
Bạn vẫn tạo ra năng lượng qua thức ăn, qua thở, qua luyện tập, qua việc sống. Bạn cứ biến đổi năng lượng thiêng liêng thành năng lượng con người. Năng lượng này sẽ đi đâu? Con đường cũ không còn nữa; nó không thể đi vào chiều hướng dục được. Nó sẽ đi đâu? Phật đặt cho nó một từ khác. Ông ấy gọi nó là karuna, từ bi.
Đam mê không còn có ý nghĩa nữa. Năng lượng vẫn có sẵn, năng lượng lớn vẫn có sẵn; nó cần một nơi nào đó để chuyển tới, vì năng lượng không thể tĩnh tại được, chính bản chất của nó là động. Nó bắt đầu tràn ra từ bạn trong từ bi. Đó là trạng thái của bồ tát. Khi dục biến mất, ham muốn biến mất, tương lai biến mất; khi bạn bỗng nhiên ở đây và bây giờ, và trong người bạn chứa đựng năng lượng tràn trề mà bạn không thể chứa hết được nó, thì nó bắt đầu tuôn chảy, nó bắt đầu tràn ra khỏi cái li của bạn. Nó là từ bi.
Đây là trạng thái của bồ tát. Nó không phải là một vật. Và nó thường không xảy ra vì mọi người đã trở thành phi tự nhiên. Đó là lí do tại sao trong mọi ngôn ngữ trên thế giới, khi một người già còn ham muốn dục thì điều đó bị coi là cái gì đó dơ dáy - lão già dơ dáy. Tại sao dơ dáy? Thanh niên không bị coi là dơ dáy, nhưng tại sao người già lại bị coi như thế?
Cách nói đó đến từ một quá khứ xa xăm khi điều này không thường xảy ra. Đấy là trạng thái bệnh hoạn của vấn đề. Nó không tự nhiên, nó là bất thường - cái gì đó đã đi sai. Bằng không, trước cái chết của bạn ham muốn phải biến mất. Bằng không thì bạn đã làm gì trong cuộc sống, để đến nỗi bạn không đến được điểm mà ham muốn biến mất? Bạn đã làm lỡ cơ hội này của cuộc sống.
Và nhớ lấy, tôi không chống lại ham muốn. Tôi hoàn toàn ủng hộ nó. Khi hoàn cảnh đến, đi vào trong nó đi. Và đi vào trong nó toàn bộ đến độ khi thời điểm tới để đi ra khỏi nó, bạn có thể đi ra cũng toàn bộ. Chỉ người đã đi vào toàn bộ trong nó mới có khả năng đi ra toàn bộ từ nó. Người đi vào một cách hờ hững, nửa vời, lưng chừng, theo cách kìm nén, sẽ chẳng bao giờ có khả năng thoát ra khỏi khống chế của nó, sẽ chẳng bao giờ có thể thấy được cái ngu xuẩn của nó, sẽ chẳng bao giờ thấy được cái hão huyền của nó.
Cho nên tôi không chống ham muốn. Tôi hoàn toàn ủng hộ cho đam mê: đi vào nó, và đi vào một cách toàn bộ và toàn tâm. Trong khi đấy là thời điểm, hãy thấy bất kì cái gì có thể thấy. Chính việc thấy đó sẽ làm cho bạn được tự do khỏi nó, và một ngày nào đó trái chín rụng xuống. Khi trái chín rụng xuống, cây trút được gánh nặng. Trong việc nhẹ gánh đó, bạn sẽ làm gì? Năng lượng vẫn sẽ có đó - còn nhiều nữa, vì trước nó tham gia vào bao nhiêu thứ; bây giờ nó chẳng tham gia vào cái gì. Thảnh thơi, bạn sẽ trở thành kho chứa năng lượng. Năng lượng này sẽ bắt đầu tràn ngập bạn, chẳng bởi lí do nào.
Bồ tát là người có nhiều năng lượng đến mức cần phải cho đi, người có nhiều năng lượng đến mức khi bạn chấp nhận tình yêu của ông ấy, hiện hữu của ông ấy, chứng ngộ của ông ấy, thì bạn sẽ ban ơn cho ông ấy. Ông ấy giống như hoa đầy hương thơm... và hương thơm muốn được thoát ra theo gió. Hay ông ấy giống như đám mây nặng trĩu những hạt mưa... và đang tìm kiếm một vùng đất khô hạn, khát khao, để đón nhận nó, để hấp thu nó. Bồ tát là như vậy đó... đám mây nặng trĩu hạt mưa, đi lang thang đây đó tìm kiếm tâm hồn khao khát, tìm một ai đó chờ đón ông ấy. Bồ tát biết ơn bạn đã nhận lãnh món quà của ông ấy.
Trạng thái bồ tát là trạng thái của tâm thức. Nó là vô nghĩa, đúng. Nó không phải là một vật, đúng, Somendra này - nhưng nó vẫn xảy ra. Nó rất phi logic. Nó phi logic, nó có vẻ ngớ ngẩn, vì nó chưa liên quan tới kinh nghiệm của bạn. Nhưng nhiều người trong số các bạn chẳng bao lâu nữa sẽ đi vào trạng thái ấy. Tôi thấy nhiều người trong các bạn đang đến đúng ngưỡng. Các bạn không thể thấy được điều đó. Tôi có thể thấy rằng các bạn đang ở trên ngưỡng, sẵn sàng cho bước nhảy tối hậu. Khi điều đó xảy ra, thế thì các bạn sẽ biết Phật đang nói về cái gì.
Kinh Kim Cương không giảng cho phàm nhân, nó chỉ được giảng cho các sannyasin, chỉ những sannyasin, những người đang sắp đến trạng thái bồ tát, hay những người đã đến trạng thái này. Trong thực tế nó cần được giảng trước khi người ta đạt tới trạng thái bồ tát, bởi vì trong khoảnh khắc của trạng thái bồ tát đó, nếu bạn không biết phải làm gì, nếu bạn không nhận biết rằng có một cách để làm nhẹ gánh - rằng bạn có thể toả ra niềm phúc lạc của mình, rằng không cần phải chứa nó - nếu bạn không biết gì về nó cả, thì sẽ rất khó khăn cho bạn, rất khó khăn. Chính phúc lạc của bạn sẽ trở thành đau đớn trong ngực, sẽ trở thành đau đớn trong tim. Thay vì trở thành điệu múa và bài ca, nó sẽ trở thành nỗi đau.
Bạn biết đấy, khi phúc lạc trở nên quá mạnh mẽ, nó trở thành đau. Khi ánh sáng quá mạnh, nó quá chói và bạn gần như bị loá. Khi tình yêu quá lớn, bạn không thể chịu đựng nổi. Khi niềm vui quá lớn, tim bạn có thể ngừng đập; nó có thể quá đau đớn. Và bạn chẳng biết gì. Khi trạng thái bồ tát xảy đến, niềm hân hoan, độ lớn của nó, phúc lạc, sự mãnh liệt của nó, mạnh đến mức bạn có thể chết vì nó, hay bạn có thể phát điên.
Phật giáo là tín ngưỡng duy nhất trên thế giới mà trong đó chưa từng thấy những vị bồ tát hoá điên. Tại sao? Trong Sufi giáo họ hoá điên, trong Hindu giáo họ cũng hoá điên, nhiều người trong họ phát điên. Người Sufi có tên đặc biệt để gọi họ - mastas. Nhưng chẳng có gì giống thế trong tín ngưỡng của Phật cả. Tại sao? Phật vô cùng ý thức về tất cả những khả năng có thể xảy ra, và ông ấy chuẩn bị con đường một cách khoa học đến mức ông ấy cứ đưa ra những chỉ dẫn, những định hướng, những gợi ý cho những khoảnh khắc sắp xảy ra.
Trong nhiều thời đại, trong suốt hai mươi nhăm thế kỉ chưa bao giờ người ta biết tới một thánh nhân Phật giáo nào phát điên. Điều ấy hiếm lắm. Trong Sufi giáo nhiều người phát điên, trong Hindu giáo nhiều người phát điên. Lí do là ở chỗ Sufi giáo và Hindu giáo không có cái gì so sánh được với trạng thái bồ tát; không một hướng dẫn nào được đưa ra. Và ở phương Tây vấn đề lại càng phức tạp hơn. Ki tô giáo không có ý niệm nào về vấn đề này. Cho nên trong Ki tô giáo đã có trường hợp những người bình thường, hoàn toàn không phải là bậc thánh, lại được tôn sùng như những thánh nhân, còn những thánh nhân chân chính lại bị coi là điên hay bị quỉ ám.
Trong nhiều nhà thương điên ở phương Tây có những người không thực sự điên mà bởi vì trạng thái bồ tát họ mới phát điên. Họ chẳng cần tới chữa trị tâm thần, họ không cần trị liệu bằng sốc điện, họ không cần thuốc an thần. Họ không cần những hành hạ không cần thiết, họ không cần khoa phân tâm học. Tất cả những gì họ cần là vị phật từ bi quanh họ. Hiện diện của vị phật - đó là tất cả những gì cần thiết. Chỉ hiện diện của vị phật sẽ đưa họ trở lại, sẽ trở thành một lực kéo lớn, một từ lực lớn, và sẽ đem họ trở lại với ý thức của mình. Nhưng họ đang bị hành hạ, họ đang bị áp đặt những điều không cần thiết, bởi vì một khi bạn cho họ là điên thì bạn bắt đầu đối xử với họ như với người điên.
Phật giáo là một trong những tôn giáo khoa học nhất trên thế giới. Nó có tất cả những bản đồ cần thiết cho trưởng thành của tâm thức. Và trạng thái bồ tát là rất bản chất. Trước khi một người trở thành phật, người đó nhất định phải trải qua trạng thái bồ tát. Nhưng, Somendra, nó là vô nghĩa, điều ấy đúng.
Câu hỏi thứ hai:
Osho kính yêu, Khi nào quan tâm tới người khác trở thành can thiệp?
Khoảnh khắc ý thức hệ xen vào, thì quan tâm biến thành can thiệp, tình yêu biến thành cay đắng, gần như trở thành một loại hận thù và bảo vệ của bạn trở thành nhà tù. Chính ý thức hệ tạo nên khác biệt.
Chẳng hạn, nếu bạn là người mẹ, chăm sóc con bạn đi. Nó cần bạn, nó không thể sống được nếu không có bạn. Bạn là cần thiết cho nó. Nó cần được ăn uống, nó cần tình yêu, nó cần chăm sóc - nhưng nó không cần ý thức hệ của bạn, nó không cần lí tưởng của bạn, nó không cần Ki tô giáo của bạn, Hindu giáo của bạn, Mô ha mét giáo của bạn, Phật giáo của bạn. Nó không cần kinh sách của bạn, nó không cần niềm tin của bạn. Nó không cần ý niệm của bạn về việc nó phải thế nào. Chỉ phải tránh đi ý thức hệ, quan niệm, mục tiêu, mục đích và thế thì quan tâm chăm sóc sẽ tuyệt vời, thế thì quan tâm chăm sóc là hồn nhiên. Ngoài ra chăm sóc chỉ là tinh ranh.
Khi không có ý thức hệ trong chăm sóc của bạn - bạn không muốn làm cho con bạn thành người Ki tô giáo; bạn không muốn làm cho con bạn thành thế này thế nọ, cộng sản hay phát xít; bạn không muốn con bạn trở thành doanh nhân hay bác sĩ hay kĩ sư... Bạn đừng có ý niệm nào cho con mình. Bạn nói, "Mẹ sẽ yêu, và khi nào con lớn lên, tự con sẽ lựa chọn - và là bất kì cái gì là tự nhiên cho con trở thành. Phúc đức của mẹ dành cho con... dù con là thế nào mẹ cũng chúc phúc cho con. Và dù con sẽ là bất kì cái gì, từ phía mẹ con đều được chấp nhận được đón mừng. Không phải chỉ khi con trở thành tổng thống của đất nước mẹ mới yêu con và nếu con chỉ trở thành thợ mộc thì sẽ không có tình yêu, thì mẹ sẽ xấu hổ về con. Không phải là khi con mang về huân chương vàng của trường đại học thì mẹ mới có đấy để đón mừng con và nếu con thi trượt thì mẹ sẽ xấu hổ về con. Không phải là khi con là tốt, đức hạnh, đạo đức, thế này thế nọ thì con mới là con của mẹ còn ngược lại thì mẹ chẳng có quan hệ gì với con, con không có quan hệ gì với mẹ."
Khoảnh khắc bạn đem bất kì ý niệm nào vào, bạn đã đem chất độc vào trong mối quan hệ rồi. Chăm sóc là điều tuyệt vời, nhưng khi chăm sóc có một ý niệm nào đó, thế thì nó thành tinh ranh, thế thì nó là mặc cả, thế thì nó có điều kiện. Và tất cả tình yêu của chúng ta đều tinh ranh, do đó mà khốn khổ này mới có trong thế giới, mới có địa ngục này. Không phải chăm sóc không có đó - chăm sóc vẫn có đó - nhưng nó kèm theo quá nhiều tinh ranh. Mẹ chăm sóc, bố chăm sóc, chồng chăm sóc, vợ chăm sóc, anh, chị - mọi người đều chăm sóc. Tôi không nói rằng chẳng ai chăm sóc - mọi người đang chăm sóc quá nhiều; nhưng thế giới vẫn là địa ngục.
Cái gì đó sai, cái gì đó về cơ bản sai. Cái sai cơ bản đó là gì? Mọi thứ đi sai từ đâu? Việc chăm sóc có điều kiện trong nó: "Làm cái này! Trở thành thế kia!" Bạn có bao giờ yêu bất kì ai không điều kiện không? Bạn đã bao giờ yêu bất kì ai như người đó hiện thế không? Bạn không muốn cải tiến, bạn không muốn thay đổi; chấp nhận của bạn là hoàn toàn, toàn bộ. Thế thì bạn biết chăm sóc là gì. Bạn sẽ được mãn nguyện qua chăm sóc đó, và người khác sẽ được giúp đỡ vô cùng.
Và nhớ, nếu chăm sóc của bạn không có kinh doanh trong đó, không có tham vọng trong đó, thì người mà bạn chăm sóc sẽ mãi mãi yêu thương bạn. Nhưng nếu chăm sóc của bạn có ý niệm nào đó trong nó, thế thì người bạn chăm sóc sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ cho bạn. Đó là lí do tại sao những đứa con không thể nào tha thứ cho bố mẹ chúng.
Hỏi những nhà tâm thần, những nhà phân tâm mà xem - tất cả những trường hợp mà họ điều trị đều là những đứa con được cha mẹ chăm sóc quá nhiều. Nhưng chăm sóc đó lại là một kiểu kinh doanh; nó lạnh lùng, nó tính toán. Họ muốn thông qua đứa con, thoả mãn những tham vọng nào đó của mình. Tình yêu phải là món quà cho không. Khoảnh khắc nhãn giá được gắn vào nó thì nó không còn là tình yêu nữa.
Câu hỏi thứ ba:
Tại sao thầy không cho phép ăn mặn trong đạo tràng?
Câu hỏi này là từ Swami Yoga Chinmaya. Phải có ý niệm nào đó trong tâm trí của Chinmaya về ăn thịt. Phải có bạo hành nào đó được che giấu rất sâu. Bằng không câu hỏi này do một người ăn chay nêu ra trong khi có hàng nghìn người ăn mặn ở đây. Điều này có vẻ rất ngớ ngẩn, nhưng đây là cách thức mọi việc diễn ra. Người ăn chay này không phải thực sự là người ăn chay; người đó chỉ là người bị kìm nén. Ham muốn nảy sinh.
Nhưng tại sao tôi không cho phép ăn mặn trong đạo tràng thì chẳng có liên quan gì với tôn giáo cả; nó chỉ thuần tuý thẩm mĩ. Tôi không phải là người nghĩ rằng nếu bạn ăn mặn thì bạn không trở nên chứng ngộ được. Jesus đã trở nên chứng ngộ, Mohammed đã trở nên chứng ngộ, Rama Krishna đã trở nên chứng ngộ - đã không có vấn đề gì về nó cả. Bạn có thể ăn mặn và bạn có thể trở nên chứng ngộ, cho nên không có vấn đề tôn giáo về nó.
Với tôi vấn đề là thẩm mĩ. Vì Jesus đã liên tục ăn thịt, tôi có cảm giác rằng ông ấy không có cảm quan thẩm mĩ lớn. Không phải ông ấy không mang tính tôn giáo - ông ấy là người tôn giáo hoàn hảo, tôn giáo như Phật vậy, nhưng cái gì đó thiếu ở ông ấy. Rama Ramakrishna đã liên tục ăn cá; chỉ kém mĩ quan, trông hơi xấu.
Chứng ngộ không bị lâm nguy, mà chính tính thơ ca của bạn mới lâm nguy, cảm giác về cái đẹp của bạn mới lâm nguy. Tính nhân văn của bạn bị lâm nguy, không phải là tính siêu nhân của bạn. Đó là lí do tại sao điều này không được phép trong đạo tràng của tôi - và nó sẽ không được phép. Đây là vấn đề thẩm mĩ.
Nếu bạn hiểu điều này thì nhiều việc khác sẽ trở nên rõ ràng đối với bạn. Có thể được phép uống rượu trong đạo tràng, nhưng không được ăn thịt, vì rượu là sản phẩm từ thực vật - nước trái cây... được lên men, nhưng vẫn cứ là nước trái cây. Và đôi khi hơi chút say sưa cũng làm phát sinh ra chất thơ lớn. Điều ấy có thể lắm, điều ấy phải được phép. Trong cộng đồng mới, chúng ta sẽ có một quán giải khát - Omar Khayyam. Omar Khayyam là một thánh nhân Sufi, một người Sufi đã chứng ngộ.
Nhưng thịt thì không được phép; đấy chỉ là điều xấu. Chỉ riêng cái ý nghĩ bạn giết con vật để ăn thịt, chính cái ý nghĩ ấy, cũng là không thẩm mĩ rồi. Tôi không chống lại điều đó vì con vật bị giết; vì cái tinh tuý trong con vật sẽ sống, nó không thể bị giết được, và cái gì không phải là tinh tuý thì sẽ chết, dù bạn có giết nó hay không. Điều đó chẳng có liên can gì, đấy không phải là vấn đề để tôi xem xét. Vấn đề không phải là ở chỗ bạn đã giết con vật và việc giết chóc là không tốt, không. Vấn đề là ở chỗ bạn đã giết con vật - bạn đấy. Chỉ để ăn sao? Trong khi có sẵn những món ăn chay tuyệt hảo? Nếu đồ ăn chay không có sẵn, đấy là một việc. Nhưng ở đây có đủ thực phẩm. Thế thì tại sao? Thế thì tại sao lại huỷ diệt một thân thể? Và nếu bạn có thể giết con thú, thì tại sao bạn không là kẻ ăn thịt người đi? Có gì sai khi giết người? Thịt người có thể còn hài hoà hơn với bạn. Tại sao bạn không bắt đầu ăn thịt người? Đó nữa cũng là vấn đề thẩm mĩ.
Và các loài vật đều là các anh em và chị em, vì con người xuất phát từ chúng. Chúng là gia đình của chúng ta. Giết người chỉ là giết con vật đã tiến hoá, hay giết con vật cũng chỉ là giết ai đó còn chưa tiến hoá, nhưng đang trên đường tiến hoá. Cũng thế cả thôi. Không có khác biệt gì mấy nếu bạn giết một học sinh cấp một hay một sinh viên đại học cuối cấp. Con vật đang tiến lên con người và con người có thời cũng đã từng là con vật. Đó chỉ là vấn đề thẩm mĩ. Tại sao không giết vợ mình để ăn thịt? Cô ấy đẹp thế, ngon lành thế!
Một anh chàng đến thăm người bạn, vốn dĩ là một kẻ ăn thịt người. Bữa ăn được dọn ra. Anh ta chưa từng ăn và cũng chưa từng bao giờ tưởng tượng có món ăn ngon lành, tuyệt diệu đến thế. Khi ra về, anh ta bảo với chủ nhà, "Tớ thích món này lắm. Tớ chưa bao giờ được ăn ngon như bữa nay! Lần sau tớ đến, đằng ấy lại cho tớ món ấy nhé."
Anh bạn ăn thịt người nói, "Khó đấy, tớ chỉ có mỗi bà mẹ thôi."
Tại sao bạn không ăn mẹ bạn? Tại sao bạn không ăn chồng bạn hay con bạn? - ngon đấy chứ! Vấn đề không phải là tính tôn giáo, tôi muốn nhắc bạn lần nữa; đó là vấn đề thẩm mĩ. Người có thẩm mĩ sẽ thấy rằng cuộc sống vẫn còn đẹp; nó không trở thành xấu và thành cơn ác mộng.
Nhưng câu hỏi đã nảy ra trong tâm trí của Chinmaya; điều đó chỉ ra vấn đề. Ở Ấn Độ, những người ăn chay không hẳn thật là ăn chay. Đấy chỉ là vì họ được sinh ra trong gia đình ăn chay, và từ bé đã bị áp đặt chế độ ăn chay. Và tự nhiên họ tò mò, tự nhiên họ muốn nếm thử những món khác, và tự nhiên ý niệm này nảy sinh, "Cả thế giới này ăn mặn; có lẽ ăn mặn ngon lắm." Người ăn chay có cảm tưởng hình như họ đã bị thiệt thòi nhiều. Đó là lí do tại sao câu hỏi này lại được đặt ra.
Việc này chẳng liên quan gì tới thiền cả. Bạn có thể ăn thịt và bạn có thể thiền. Bạn có thể ăn thịt và bạn có thể yêu. Nó chẳng liên can gì đến yêu cả. Nhưng bạn sẽ bộc lộ một khía cạnh của chính bạn - rằng bạn rất thô thiển, rằng bạn rất nguyên thuỷ, không văn hoá, không văn minh; rằng bạn chẳng có ý thức gì về cuộc sống nên như thế nào. Chính từ cảm giác thẩm mĩ mà việc ăn chay mới sinh ra. Nó đã trở thành bị trộn lẫn vào tôn giáo và mất hút. Nó phải được lấy ra khỏi khuôn khổ tôn giáo.
Mọi người tới tôi và họ hỏi, một người Jaina hỏi tôi, "Tại sao thầy có thể nói rằng Jesus đã chứng ngộ? - vì ông ta là người ăn thịt?" Câu hỏi của người đó có liên quan bởi lẽ, theo người đó, người ăn thịt không thể nào chứng ngộ được. Người ăn thịt vẫn có thể trở nên chứng ngộ, cũng như những người không phải là nhà thơ có thể trở thành chứng ngộ. Đấy không phải là chướng ngại. Những người không biết cảm nhận cái đẹp, không thấy được cái đẹp trong bông hồng, vẫn có thể trở thành chứng ngộ... những người không thấy được cái đẹp trong ánh trăng, vẫn có thể trở thành chứng ngộ... những người hoàn toàn không biết thưởng thức nhạc Beethoven, cũng vẫn có thể trở thành chứng ngộ. Nhưng Jesus cũng để lộ cái gì đó thô thiển. Có thể vì ông ấy không thể làm khác được, có thể vì ông ấy sống giữa những kẻ ăn thịt. Sẽ rất khó cho ông ấy để là người ăn chay. Điều ấy gần như là không thể được. Nhưng dù thế, vẫn phải nhận lấy rắc rối.
Nhưng nhớ rằng ở đây cách tiếp cận của tôi là cách tiếp cận tích hợp. Thiền là cần thiết, thơ ca cũng vậy, thẩm mĩ cũng vậy, tôn giáo cũng vậy, âm nhạc cũng vậy, nghệ thuật cũng vậy. Con người nên tiến hoá một cách tích hợp trên nhiều chiều. Rồi sẽ đến lúc nở hoa tối hậu khi nào toàn bộ cánh hoa của bạn nở ra, và bạn sẽ có niềm hân hoan lớn hơn và phúc lành lớn hơn trong cuộc sống.
Thánh Francis có cảm nhận thẩm mĩ hơn Jesus rất nhiều. Tự nhiên có những câu chuyện về thánh Francis rằng chim chóc đến đậu trên vai ông ấy, rằng cá dưới sông nhảy lên bờ để ngắm nhìn ông ấy. Ông ấy có một loại hấp dẫn với vương quốc các loài vật. Ông ấy nói chuyện với cây cỏ và gọi chúng là ‘chị em’, với chim chóc là ‘anh em’ và với cả mặt trời, mặt trăng. Điều đó chắc không xảy ra cho Jesus, điều đó chắc cũng không xảy ra cho Mohammed. Điều đó không thể xảy ra được.
Dầu vậy tôi vẫn nói họ là những người chứng ngộ, nhưng chứng ngộ của họ còn thiếu một điều - tính nhạy cảm thẩm mĩ. Tại sao để thiếu điều này? Tại sao không có được tính toàn thể của nó? Tại sao không trở nên chứng ngộ theo mọi cách có thể, trong tính toàn bộ của bạn?
Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu,
Buông xuôi theo thầy là sao?
Savita, cái mà bạn không có và bạn nghĩ rằng bạn có, đều phải buông xuôi cho tôi. Bạn không thực có bản ngã, cái tôi, cái ta. Bạn không có nó thực. Bạn đang sống trong một thứ ảo tưởng rằng bạn tách biệt với sự tồn tại. Tách biệt đó không hề có. Bạn không thể nào sống tách biệt dù chỉ một khoảnh khắc. Bạn không thể sống như một hòn đảo. Bạn là một phần của cái toàn thể. Cái toàn thể cứ tham gia vào con người bạn, cái toàn thể cứ mưa rào năng lượng cho bạn, nhưng bạn vẫn giữ ý niệm rằng "Tôi tách rời."
Chính cái ‘tôi’ đó cần được buông xuôi cho tôi. Và bạn đâu có nó, nên bạn sẽ không thực buông xuôi cái gì đó cho tôi, chỉ một ảo tưởng. Để tôi nhắc lại: cái bạn không có, tôi muốn lấy nó đi khỏi bạn. Còn cái bạn có, tôi muốn trả lại nó cho bạn. Thực tại của bạn tôi muốn trả lại nó cho bạn; bạn đã quên mất nó. Còn cái không thực tại của bạn tôi muốn lấy nó đi khỏi bạn.
Nhớ lấy, khi bạn buông xuôi bản ngã mình, bạn chẳng mất gì cả, bạn lại được - bạn được thực tại. Dường như bạn ngủ và bạn mơ rồi tôi tới đánh thức bạn dậy. Giấc mơ của bạn bị mất. Nhưng bạn có mất gì không? Trước hết, giấc mơ không có đó, nó không phải là thực tại. Nó là giấc mơ, chỉ là mơ, và giờ đây bạn mở mắt ra, trời đã sáng, mặt trời đang lên, chim chóc đang hót và cây cối hân hoan chào đón ngày mới.
Một anh chàng đang chán tới thăm bạn mình. Người bạn này rất sợ hãi vì đã có kinh nghiệm trước đây với anh chàng này. Anh ta làm anh này phát chán, cứ nói mãi nói huyên thuyên hết giờ nọ tới giờ kia và khi ra về còn bảo, "Thật lạ quá, lúc đến đây tớ nhức đầu ghê gớm, thế mà bây giờ chẳng thấy gì nữa, nó biến đâu mất." Còn người chịu đựng, anh chàng nạn nhân, nói, "Đừng lo về điều đó - tớ đã nhận nó rồi. Nó chẳng chạy đi đâu cả."
Khi bạn buông xuôi bản ngã, tôi không được nó. Khi bạn buông bỏ bệnh nhức đầu của bạn, tôi chẳng được lợi lộc gì từ đó cả. Cho nên đừng bủn xỉn. Đừng nghĩ rằng tôi đang vơ vét những kho báu lớn của cả đống người giao phó cho tôi. Tôi chẳng được gì cả. Cái bạn buông xuôi là cái không. Nhưng bạn lại thu được rất nhiều từ việc buông xuôi đó. Bạn thu được thực tại, bạn tìm lại được cái đích thực của mình.
Tôi cho bạn cái đang có và tôi lấy đi cái không có. Tôi đánh thức bạn. Bạn không mất gì cả. Và nhớ cho, tôi chẳng được gì vì buông xuôi của bạn đâu. Cho nên đừng có bủn xỉn. Đừng nghĩ rằng tôi được cái gì đó từ việc buông xuôi của bạn - tôi chẳng được gì cả. Khi tôi đánh thức bạn, giấc mơ của bạn mất đi nhưng tôi chẳng được giấc mơ của bạn. Bằng không, tôi sẽ chẳng bao giờ bảo bạn buông xuôi bản ngã bạn cho tôi; bằng không tôi sẽ gần như bị đè bẹp, bị giết chết.
Câu hỏi thứ năm:
Osho kính yêu,
Khi nghe thầy nói về Phật, về các ông Sariputra, Subhuti, Ananda, Mahakashyapa, tôi ngày một cảm thấy rằng thầy thực sự đã hiện diện trong thời Phật tại thế, thầy đã hiểu và tôn kính Phật không chỉ vì thầy ở trong trạng thái tâm thức như ông ấy, mà còn vì thầy đã kinh nghiệm ông ấy một cách trực tiếp khi ông ấy còn trong thân thể. Có phải vậy không?
Pramod, đúng đấy. Nhưng mà bạn chớ có nói điều này với bất kì ai. Giữ bí mật. Và đừng bao giờ hỏi cái gì về việc này nữa.
Câu hỏi thứ sáu:
Thầy nghĩ thế nào, thưa Osho? Chẳng biết tôi nên có một ý niệm nhỏ nào về những gì thầy nói không, hay là thậm chí một ý niệm nhỏ cũng là điều sai cần có?
Đúng vậy, Subhuti.
Câu hỏi thứ bẩy:
Osho kính yêu,
Phật bảo rằng tất cả chúng ta đều là kết quả của những gì ta đã suy nghĩ. Nó được dựa trên nền tảng tư tưởng của chúng ta, nó được làm bằng những tư tưởng ấy. Nếu một người nói hay làm với ý niệm thuần khiết, hạnh phúc sẽ theo người đó như hình với bóng. Điều này có liên quan gì đến vô trí không, vì chúng ta có thể suy nghĩ một cách thuần khiết và chế ngự ý nghĩ, chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc, thế mà vô trí dường như mâu thuẫn với việc chế ngự tư duy?
Điều thứ nhất. Có ba hình thái tâm trí có thể có. Một: tâm trí độc địa, sống theo cách phá hoại, nghĩ tới huỷ diệt, thích tạo ra đau khổ cho mọi người. Đối với tâm trí loại này, Phật nói rằng khổ sẽ theo như cái bóng. Nếu bạn muốn gây khổ cho người khác thì cuối cùng bạn sẽ gây khổ cho chính bạn. Nếu bạn thù nghịch với sự tồn tại thì sự tồn tại sẽ thù nghịch với bạn - vì sự tồn tại là tấm gương; nó vọng lại bạn.
Nếu bạn xúc phạm, xúc phạm sẽ quay lại đổ vào bạn. Nếu bạn hát những khúc hát hay, bài ca sẽ quay lại mưa rào lên bạn. Bất cứ cái gì bạn cho đi sẽ quay lại bạn gấp nghìn lần. Bất cứ cái gì bạn gieo xuống, bạn sẽ gặt hái gấp nghìn lần. Cho nên tâm trí độc địa bị khổ bám theo sau, tâm trí độc địa bị địa ngục bám theo sau. Tâm trí độc địa là kẻ thích hành hạ, tàn phá, ám sát. Tamurlane, Thành Cát Tư Hãn, Adolf Hitler, Joseph Stalin - họ là những tâm trí độc địa.
Thế rồi có tâm trí thánh thiện - ngược lại với tâm trí độc địa, đối lập hẳn lại với nó. Nó là sáng tạo, nó thích thấy mọi người hạnh phúc. Nó giúp đỡ, phục vụ, nó là người ban tặng vĩ đại hạnh phúc cho người khác. Nó yêu mến việc thấy mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc theo sau tâm trí này như cái bóng - tâm trí thánh thiện.
Nhưng có một việc nữa mà bạn còn chưa nhận biết. Nếu hạnh phúc có đó, thế thì đâu đó sau nó sẽ thấp thoáng cái bất hạnh. Nếu bất hạnh có đó, thế thì đâu đó ở biên giới, hạnh phúc lại lấp ló. Chúng đi đôi với nhau. Tâm trí độc địa có khổ theo sau, địa ngục theo sau, nhưng đâu đó sau địa ngục lại là cõi trời. Tâm trí thánh thiện có hạnh phúc theo sau, nhưng sau hạnh phúc là bất hạnh, vì chúng không thể tách rời nhau. Chúng không phải là hai hiện tượng.
Làm sao bạn có thể hạnh phúc nếu bạn không thể nào bất hạnh? Nếu bạn quên mất bất hạnh là gì, thì bạn sẽ quên luôn cả hạnh phúc nữa. Nếu bạn không biết bệnh tật là gì, ốm đau là gì, thì bạn sẽ không thể nào cảm nhận được sức khoẻ của bạn, tình trạng mạnh khoẻ. Điều ấy là không thể được. Để giữ tỉnh táo rằng bạn mạnh khoẻ, đôi khi ốm đau là cần thiết.
Bạn không thể viết phấn trắng lên tường trắng. Không phải vì bạn không thể viết được - bạn có thể viết, nhưng chẳng ai có thể đọc được nó, kể cả bạn. Muốn viết phấn trắng bạn cần có bảng đen. Chức năng của bảng là để làm nền. Phấn trắng trở thành hình vẽ. Cuộc sống cũng vậy. Hạnh phúc của bạn tựa như phấn trắng; nó cần cái nền đen. Người thánh thiện sống trong hạnh phúc nhưng hạnh phúc của người đó là hình vẽ còn bất hạnh có đấy tựa như cái nền. Không có bất hạnh thì người đó sẽ chẳng bao giờ có thể biết được hạnh phúc là gì; không có tương phản thì chẳng có cách nào để biết cả.
Cho nên xét cho cùng, tâm trí thánh thiện và tâm trí độc địa không phải là hai tâm trí; chúng như hai mặt của một đồng tiền. Thánh nhân và tội nhân cùng tồn tại với nhau. Thánh nhân có thể biến thành tội nhân vào bất kì lúc nào và tội nhân có thể biến thành thánh nhân vào bất kì lúc nào. Họ đâu có xa nhau, họ là láng giềng gần gũi. Họ sống ngay cạnh nhau, họ rất thân thiết nhau. Ranh giới của họ lẫn lộn không phân chia.
Tâm trí thứ ba là vô trí - chẳng thánh nhân cũng chẳng tội nhân, không hạnh phúc cũng không bất hạnh. Nhị nguyên đã bị vứt bỏ. Thế thì chỉ còn lại im lặng, thanh thản. Thế thì có an bình; mọi khuấy động đã qua. Nhớ lấy, ngay cả hạnh phúc cũng là khuấy động, ngay cả hạnh phúc cũng là một loại kích động. Bạn thích nó, đấy là một điều, nhưng nó là kích động, nó là bồn chồn. Bạn chưa từng quan sát nó sao? Khi bạn hạnh phúc, bạn bắt đầu mệt mỏi vì nó. Đôi khi nó thật tuyệt vời, nhưng bạn không thể kéo dài hạnh phúc mãi được. Sớm hay muộn bạn cũng trở nên chán nó. Nó thành mệt mỏi.
Nếu bạn quá hạnh phúc, bạn sẽ không thể nào ngủ được trong đêm. Theo cùng cách đó, nếu bạn quá bất hạnh, bạn sẽ không thể nào ngủ được trong đêm, bạn sẽ không thể nào thảnh thơi được. Hạnh phúc trở thành căng thẳng. Cả hai đều mệt mỏi. Khi hạnh phúc làm bạn mệt mỏi, bạn chuyển sang bất hạnh. Khi bất hạnh làm bạn mệt mỏi, bạn bắt đầu chuyển sang hạnh phúc, và đó là cách thức con lắc cuộc đời dao động, đung đưa, từ cực điểm này sang cực điểm kia. Vô trí là điều hoàn toàn khác. Nó chẳng liên quan gì với tâm trí cả, dù hạnh phúc hay bất hạnh, dù thánh thiện hay không thánh thiện.
Bạn có nhớ không? Khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc, Lương Vũ Đế hỏi ông ấy vài câu hỏi. Một trong những câu hỏi đó là, "Trẫm đã xây dựng nhiều tu viện, nhiều chùa chiền để tôn vinh Đức Phật. Trẫm đã mở kho tàng, in kinh sách, phổ biến Phật pháp, như vậy có là thánh thiện không?"
Bồ Đề Đạt Ma cười và ông ấy nói, "Thánh thiện quái gì trong đó? Đó chỉ là kinh doanh thôi. Ông đang lập kế hoạch cho thế giới khác, ông đang hi vọng lên cõi trời. Chẳng có gì thánh thiện trong đó cả; đấy là điều không thánh thiện như bất kì điều gì khác."
Bồ Đề Đạt Ma ngụ ý gì? Ông ấy đang nói rằng những gì bạn gọi là hành động thánh thiện nhất định đi kèm theo những điều không thánh thiện, vì chính cái ham muốn sâu bên dưới là không thánh thiện.
Hoàng đế lúng túng, phật ý, nổi giận và nói, "Vậy ông cho rằng Đức Phật không thánh thiện sao?"
Bồ Đề Đạt Ma cười và ông ấy nói, "Ông ấy chẳng thánh, chẳng phàm. Ông ấy là trống rỗng hoàn toàn. Làm sao thánh thiện tồn tại trong đó được? Nếu có một vật thì đã không thanh tịnh. Ông ấy hoàn toàn im lặng, ông ấy là trống rỗng."
Trạng thái vô trí chẳng phải thánh thiện cũng chẳng phải không thánh thiện. Phật không là thánh nhân mà cũng chẳng là tội nhân. Ông ấy đã siêu việt lên nhị nguyên. Phật là đấng siêu việt.
Cho nên xin nhớ, từ tâm trí độc địa bạn có thể trở thành tâm trí thánh thiện nhưng không có chuyển biến thực sự. Đó chỉ là vấn đề mức độ; bạn còn chưa vượt ra ngoài tâm trí. Chỉ có vô trí mới có thể giải thoát bạn.
Cho nên đừng cố gắng trở thành người thánh thiện. Người thánh thiện là không thánh thiện. Bạn đừng cố trở thành thánh nhân, vì tất cả cố gắng ấy chẳng là gì ngoài trò bản ngã - tâm trí đang chơi trò chơi mới, trò chơi rất tinh vi. Vứt bỏ toàn bộ cái vô nghĩa của việc thành thánh thiện hay không thánh thiện đi. Thánh nhân hay tội nhân, tạm biệt cả hai. Bóng tối và ánh sáng, tạm biệt cả hai. Cõi trời và địa ngục, tạm biệt cả hai.
Và thế thì sẽ nảy sinh một thế giới hoàn toàn mới mà bạn thậm chí chưa từng mơ thấy. Thế thì có thanh thản hoàn toàn, thế thì có an bình, thế thì không còn khuấy động nữa, thế thì thậm chí không còn một gợn sóng nảy sinh. Trạng thái đó là phật tính. Không có đau khổ, không có thích thú, vì thích thú chẳng khác đau khổ và đau khổ chẳng khác thích thú.
Vậy thì có gì ở đó? Đến đây Phật lặng thinh, chẳng thể nói gì về nó được nữa cả, vì bất cứ điều gì có thể nói ra được đều sẽ trở thành một phần của nhị nguyên. Nếu bạn nói nó là phúc lạc thì bạn sẽ nghĩ nó không phải là khổ sở. Nếu bạn nói nó là ánh sáng thì bạn sẽ nghĩ nó không phải là bóng tối. Nếu bạn nói nó là mùa hè thì bạn sẽ nghĩ nó không phải là mùa đông. Nếu bạn nói nó là một loại hoa thì bạn sẽ nghĩ nó không phải là gai. Nhưng bạn sẽ bắt đầu nghĩ theo nhị nguyên.
Phật hoàn toàn lặng thinh về vấn đề này. Lí do là ở chỗ nó chỉ có thể được bầy tỏ bằng im lặng. Nó là im lặng. Làm sao bạn có thể diễn tả im lặng bằng âm thanh được?
Câu hỏi thứ tám:
Osho kính yêu,
Vài năm trước đây, nhờ yoga và thiền, tôi đã kinh nghiệm những giờ phút tuyệt vời trong cầu nguyện. Toàn bộ con người tôi đã cảm nhận phúc lạc về nó - tất cả đều là thiêng liêng, tình yêu và lòng biết ơn. Vì lí do nào đó, tôi đã ra khỏi nó và bây giờ thấy mình trở lại trong thung lũng tối tăm. Đâu đó mọi sự đã đi sai. Thật là tội lỗi, khó mà gượng dậy được! Xin thầy cho ý kiến.
Nếu im lặng và phúc lạc của bạn do cái gì đó gây ra, thì chúng nhất định sẽ phải biến mất. Cái gì có nguyên nhân thì không thể trường tồn. Bạn đã đạt trạng thái ấy nhờ yoga và thiền, nhưng nó không phải là việc xảy ra tự nhiên. Nó là nhân tạo, nó là tuỳ tiện. Nó là tuỳ tiện giống như bạn có được qua việc dùng ma tuý, nhưng ma tuý rồi cũng nhạt phai.
Sau khi dùng một liều ma tuý LSD, bạn có cảm giác bay bổng lâng lâng, tất cả đều toàn là niềm vui và hoan lạc, cuộc sống thật đẹp không tưởng tượng nổi, cây cỏ xanh hơn, hoa hồng đỏ hơn và tất cả các gương mặt đều rạng rỡ. Cuộc sống sáng chói, phiêu diêu. Nhưng hiệu quả của ma tuý giảm dần. Sáng hôm sau, bạn nhìn cây cỏ, lại thấy chúng bụi bặm; mầu xanh ấy không còn đó, cái sáng chói ấy không còn đó. Chúng không sáng chói từ bên trong. Bạn sẽ thấy gương mặt mọi người - lại những khuôn mặt đờ đẫn, chán nản. Tất cả đều bụi bặm, tất cả đều tầm thường.
Cũng điều ấy có thể xảy ra qua yoga, cũng điều ấy có thể xảy ra qua nhịn ăn, cũng điều ấy có thể xảy ra qua bất kì kĩ thuật nào. Kĩ thuật là tốt để cho bạn một thoáng nhìn, nhưng chúng chỉ cho bạn một thoáng nhìn thôi; nó không thể trở thành trạng thái của bạn, nó không thể trở thành tâm thức của bạn.
Cho nên không có vấn đề trong nó; điều đó là đơn giản. Nó sẽ mất đi, không có gì sai với bạn cả. Điều sai duy nhất là thái độ của bạn. Bạn đã tưởng rằng nhờ yoga và thiền, bạn sẽ có thể tạo ra cái gì đó vĩnh hằng. Điều đó không thể được. Cái vĩnh hằng không thể được tạo ra. Bất cứ cái gì được tạo ra đều sẽ sụp đổ một ngày nào đó, chẳng chóng thì chầy.
Cái vĩnh hằng tự đến với bạn mà không được tạo ra. Cái vĩnh hằng xảy ra, nó không được làm ra. Khi bạn đã vượt ra ngoài các kĩ thuật và phương pháp, khi bạn đã vứt bỏ tất cả các kĩ thuật và tất cả các phương pháp, khi bạn đã đi tới thấy ra một điều - rằng chỉ cần hiện hữu là đủ, không cần gì khác; rằng không cần phải có bất kì thu xếp nào; rằng tất cả chúng sinh đều đã là những vị phật ngay từ ban đầu... Khi bạn đã hiểu điều này - rằng bạn không cần phải trưởng thành cái gì đó, rằng bạn đã ở đấy rồi, đấy đã là trường hợp - thế thì bạn thảnh thơi.
Và thảnh thơi không nên là phương pháp. Bạn không nên thảnh thơi qua tư thế yoga. Chính việc hiểu này đang thảnh thơi, chính việc hiểu này là thảnh thơi. Bạn thảnh thơi, nỗ lực biến mất. Bạn sống cuộc sống bình thường của mình - bạn bổ củi, bạn kéo nước giếng, bạn nấu bếp, bạn ăn uống, bạn ngủ, bạn yêu, bạn sống bình thường, không khát khao và ham muốn về bất kì cái gì phi phàm.
Và thế rồi một hôm nó có đó, không phải do bạn làm. Một hôm bỗng nhiên nó có đó. Một hôm bạn mở mắt ra và nó có đó - và thế thì nó không bao giờ bỏ đi cả. Nhưng nó phải đến theo ý của nó; bằng không, bị bạn điều khiển, nó sẽ tới và ra đi; nó sẽ chỉ là thoáng nhìn.
Bạn hỏi: "Vài năm trước đây, nhờ yoga và thiền, tôi đã sống những giờ phút tuyệt vời của lời cầu nguyện." Chúng đã được bạn tạo ra các đỉnh, chúng là những giấc mơ và tưởng tượng mà bạn xoay xở để có được. "Toàn bộ con người tôi đã cảm nhận phúc lạc về nó." Nhưng bạn đã có đó. Bạn cảm thấy niềm phúc lạc về nó nhưng bạn có đó. Bạn đã không biến mất. "Tất cả đều là thiêng liêng." Đây là diễn giải. Tâm trí đang vận hành, tâm trí đang nói "Tất cả đều thiêng liêng." Bạn chắc phải đã nghe, bạn chắc phải đã đọc. Tâm trí bạn đang diễn giải - tất cả đều là tình yêu thiêng liêng và lòng biết ơn. Đây là những ý niệm đang trôi nổi trong tâm trí.
Nhưng bạn có đó, kí ức có đó, quá khứ có đó. Bằng không ai sẽ nói, "Tất cả đều thiêng liêng"? Nếu tất cả đều thực sự thiêng liêng, thế thì việc nói tất cả đều thiêng liêng phỏng có ích gì? Nếu tất cả đều thiêng liêng thì tất cả đều thiêng liêng rồi, thậm chí chẳng cần gì phải nói ra nữa. Việc nói ra đơn giản chứng tỏ rằng bạn biết rằng tất cả là không thiêng liêng. Việc nói ra đơn giản chứng tỏ rằng bạn đang làm ra vẻ, bạn đang áp đặt.
Vâng, nhất định phải có một loại hạnh phúc do thiền và yoga tạo ra. Nhất định phải có một loại hân hoan, và với cái hân hoan đó bạn áp đặt toàn bộ triết lí của mình - rằng đây chính là Thượng đế, rằng đây là điều thiêng liêng, rằng đây là tình yêu và lòng biết ơn. Và trong vài ngày bạn tận hưởng giấc mơ của mình - nó là giấc mơ.
"Vì lí do nào đó, tôi đã ra khỏi nó." Không phải vì lí do nào đó; điều ấy rất đơn giản. Bạn phải ra khỏi đó, bạn không thể sống mãi trong giấc mơ - chẳng ai có thể sống mãi trong giấc mơ cả. Giấc mơ chẳng bao giờ vĩnh viễn, bằng không thì phân biệt giữa thực tại và mơ mộng là gì? Giấc mơ chỉ kéo dài được một lúc. Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ tỉnh dậy, bạn sẽ mở mắt ra và giấc mơ không có đó còn cuộc sống thường ngày lại có đó.
"Tôi đã ra khỏi nó và bây giờ thấy mình trở lại trong thung lũng tối tăm." Bạn đã ở đó tại những đỉnh cao sáng chói mặt trời và giờ đây bạn đang trong thung lũng tối tăm. Một điều là tương tự: bạn. Thung lũng tối tăm hay đỉnh cao sáng chói chẳng thành vấn đề; tất cả những cái gây ra vấn đề là bạn - bản ngã có đó. Bản ngã trong thung lũng tối tăm, bản ngã tại đỉnh cao sáng chói, và bản ngã cứ tạo ra những giấc mơ.
Để tôi nói với bạn điều này: ngay cả cái thung lũng tối tăm cũng là giấc mơ của bạn, trò lừa gạt của bạn, ý niệm của bạn. Chẳng có thung lũng tối tăm nào cả. Nếu tất cả đều thiêng liêng, làm sao có được thung lũng tối tăm? Và nếu có thung lũng tối tăm, làm sao mọi thứ đều thiêng liêng được? Chẳng có thung lũng tối tăm mà cũng không có đỉnh cao sáng chói; nó chỉ là trò chơi của bản ngã. Nó cứ chuyển giữa các cực, từ điểm nọ sang điểm kia. Khi bạn thấy ra điều đó - rằng giấc mơ đẹp là giấc mơ, cơn ác mộng cũng là giấc mơ, cả hai đều là giấc mơ - bạn tỉnh dậy và vứt bỏ cả hai giấc mơ. Thế thì lần đầu tiên, bạn có tiếp xúc với thực tại.
Nhưng nhớ, trong khoảnh khắc đó khi thực tại có đó thì bạn không có đó. Đó là tiêu chuẩn duy nhất cần phải hiểu, không tiêu chuẩn nào khác tồn tại. Tiêu chuẩn duy nhất đó là, nếu kinh nghiệm là về thực tại, thì bạn sẽ không thấy mình ở đó, bạn không thể thấy được mình ở đó. Bạn sẽ hoàn toàn vắng mặt. Phúc lạc sẽ có đó, nhưng bạn sẽ không có đó. Chẳng có ai ở đó để nói "Tôi đang cảm thấy phúc lạc." Thượng đế sẽ có đó nhưng bạn sẽ không có đó. Chẳng có ai ở đó để nói "Tất cả đều thiêng liêng." Để điều này được ghi nhớ kĩ.
Và điều này chỉ có thể xảy ra, điều này không thể được làm ra. Bạn không thể tạo ra nó được. Cái được tạo ra là nhân tạo; nó tồn tại được một quãng rồi nó sẽ biến mất. Cái được tạo ra là đồ rẻ mạt. Bạn cứ thử nghĩ về điều bạn đang làm mà xem. Khi bạn tập yoga, bạn làm gì? Bạn lộn ngược đầu xuống đất - làm sao chỉ việc lộn ngược đầu xuống đất có thể giúp bạn chứng ngộ? Làm sao? Chỉ lộn ngược đầu xuống thôi sao? Rẻ mạt thế sao?
Việc lộn ngược đầu có thể tạo ra một cú sốc cho đầu bạn, có thể là một loại điều trị sốc nào đó. Quá nhiều máu dồn vào đầu có thể cho bạn một khoảnh khắc dừng lại - suy nghĩ dừng lại. Quá nhiều máu dồn tới một cách đột ngột, hừ?
- vì bạn đang đứng lộn ngược cho nên trọng lực kéo tất cả máu về đầu. Và đầu không thể đảm đương được việc đó; đấy là một loại ngập lụt. Cho nên trong thoáng chốc có việc dừng suy nghĩ lại. Trong việc dừng đó bạn sẽ cảm thấy "tôi hân hoan, tôi phúc lạc, mọi cái đều thiêng liêng." Nhưng bạn có thể lộn ngược đầu được bao lâu? Thậm chí nếu bạn luyện tư thế này được lâu, thì tâm trí cũng sẽ dần dần biết cách tiếp tục suy nghĩ mặc cho việc ngập máu. Chẳng có vấn đề gì cả; tâm trí cũng sẽ học được dần. Thế thì bạn có thể lộn ngược đầu mà vẫn suy nghĩ như thường.
Khi tôi còn trẻ con tôi hay đứng lộn ngược đầu rất lâu. Nó đã trở thành thói quen đến mức một hôm tôi ngủ luôn khi đứng như vậy. Điều đó gần như không thể nào được. Khi tôi kể điều này cho một ông già, ông này cũng là một loại nhà yoga trong làng tôi, ông ấy nói, "Điều này là không thể được, điều này thậm chí cũng chưa từng xảy ra cho tôi. Ngủ khi đứng lộn ngược đầu"... bởi vì để cho việc ngủ xảy ra, đầu cần ít máu hơn bình thường. Đó là lí do tại sao chúng ta dùng gối trong đêm kê đầu cao hơn một chút để cho máu không dồn quá nhiều lên đầu, bằng không đầu sẽ tiếp tục vận hành. Người càng trí thức thì người đó càng cần cái gối lớn hơn - hai, ba, bốn gối. Bằng không thì chỉ một chút máu và tiến trình suy nghĩ lại bắt đầu. Cho nên việc cung cấp thức ăn phải hoàn toàn bị cắt đứt.
Ông già nói, "Điều này là không thể được". Nhưng nó đã xảy ra cho tôi. Không chỉ tôi ngủ, mà tôi còn cảm thấy từ tư thế shirshasan. Nó đã trở thành quá quen thuộc. Không chỉ ý nghĩ, mà cả ngủ và mơ cũng đều có thể. Cho nên nếu bạn đứng lộn ngược đầu quá lâu thì bạn sẽ quen với nó và niềm hân hoan đã từng xảy ra cho lần đầu tiên sẽ chẳng bao giờ xuất hiện lại nữa.
Và bạn làm gì khi bạn thiền? Làm sao bạn có thể điều khiển chứng ngộ qua thiền và yoga và nhịn ăn, tuân theo chế độ ăn uống? Không, sự việc còn vượt xa ra ngoài - bên ngoài các vì sao. Tất cả những chuyện vặt vãnh ấy đều rất trần tục. Vâng, chúng có thể làm thuần khiết bạn, tẩy rửa bạn, nhưng chúng không thể cho bạn chứng ngộ. Chúng có thể cho bạn vài khoảnh khắc hân hoan, nhưng bạn đừng diễn giải niềm hân hoan đó là phúc lạc, vì bạn có đó. Đôi khi chúng có thể làm bạn tràn ngập ánh sáng, nhưng ánh sáng đó không phải là ánh sáng vĩnh hằng. Với cái vĩnh hằng, bạn chỉ có thể mang nữ tính, bạn không thể là người làm. Bạn phải mang một loại bất hoạt, thụ động. Bạn phải kiên nhẫn chờ đợi. Cứ bình thường và chờ đợi.
Và tôi không bảo bạn đừng luyện các bài tập yoga; chúng tốt cho thân thể. Và tôi cũng không bảo bạn đừng thiền; chúng rất tốt và lau chùi sạch. Nhưng bạn đừng nghĩ rằng, nhờ yoga và thiền bạn sẽ tạo ra Thượng đế. Thượng đế không thể được tạo ra. Nhưng bạn sẽ được tẩy rửa, và sẽ có nhiều khả năng cho điều thiêng liêng xảy ra.
Nhưng Thượng đế xảy ra chỉ khi bạn không nhận biết. Khi bạn thậm chí không tìm kiếm ngài, khi bạn đơn giản ngồi, không làm gì và không có ham muốn - thậm chí không mảy may ước muốn trong tâm trí được là bất kì cái gì khác, là ai đó khác, được trở nên chứng ngộ và tất cả mọi thứ - khi bạn chỉ có đó, ngồi đấy và không làm gì, bỗng nhiên nó xảy ra. Nó bao giờ cũng bất ngờ. Nó hạ xuống bạn. Nhưng thế thì bạn không còn nữa: chứng ngộ có đó, còn bạn thì không. Thượng đế có đó còn bạn thì không.
Câu hỏi cuối cùng:
Tôi đã sống hai tháng trong cộng đồng AA (Phân tích Hành động) và hai năm trong vài công xã khác ở Pháp. Chúng tất cả đều thất bại - ghét trở nên mạnh hơn yêu. Tôi cảm thấy rằng tôi có thể là bản thân mình toàn bộ hơn khi sống trong một nhóm với quyết định và tài sản tập thể và tình dục tự do. Thầy nghĩ thế nào về cách sống trong công xã?
Vấn đề không phải là nơi bạn sống, vấn đề là bạn. Bạn có thể đến một công xã và bạn sẽ mang theo mình toàn bộ những vấn đề của bạn. Còn những người khác đã đến sống trong công xã cũng tới hệt như bạn, với tất cả những vấn đề của họ. Sớm hay muộn, những vấn đề đó cũng sẽ nổi lên. Những thứ bề ngoài này chẳng ích gì. Chúng chỉ là phân tán.
Thay đổi thực sự phải xảy ra trong bạn, dù có công xã hay không công xã. Thay đổi thực sự phải xảy ra trong cốt lõi sâu thẳm trong bản thể bạn. Nếu nó xảy ra ở đó chỉ thế thì cuộc sống mới khác đi, bằng không nó sẽ chẳng khác.
Bạn nói, "Chúng tất cả đều thất bại." Chúng thất bại vì bạn vẫn là con người cũ. Thực ra, chúng không thất bại. Thất bại của chúng chỉ chứng tỏ rằng bạn thất vọng, chúng không đáp ứng mong đợi của bạn. Và điều bạn mong đợi là gì? Bạn cho rằng, chỉ cần sống trong công xã sẽ có tác dụng, và các vấn đề của bạn sẽ được giải quyết.
Công xã chẳng ích gì, mà đi lên Himalayas và sống trong hang núi cũng chẳng ích gì. Cuộc sống phải được xử trí rất thực tế. Bạn phải nhìn thẳng vào vấn đề của mình, bạn phải đi tới tận gốc rễ của chúng, bạn phải thiêu cháy chính hạt mầm của những vấn đề này, và chỉ thế thì - thế thì điều ấy có thể xảy ra ở bất kì đâu.
Bạn đã đi tìm kiếm cõi trời, hử? Đó là điều mọi người đã làm trong suốt bao nhiêu thời đại. Họ không tự biến đổi mình, họ khao khát cõi trời, nhưng đi đến đâu họ cũng sẽ tạo ra địa ngục. Họ là địa ngục - vấn đề không phải là tìm kiếm cõi trời ở đâu đó. Chừng nào bạn chưa có sẵn nó trong mình, bạn sẽ chẳng tìm được nó ở đâu cả.
Anubodhi đã gửi cho tôi một chuyện ngụ ngôn hay:
Ngày xưa tôi biết một anh chàng trúng được giải đi chơi cõi trời và địa ngục không mất tiền. Khi được hỏi muốn đi nơi nào trước, anh ta đáp, "Tôi muốn xem địa ngục trước." Vậy là vấn đề được quyết định.
Khi tới địa ngục, anh ta thấy một cảnh tượng thật lạ lùng bầy ra trước mắt. Anh ta thấy mình đứng trong một căn phòng tiệc rộng mênh mông trong đó những dãy bàn dài bầy đầy các món cao lương mĩ vị. Hai bên bàn, khách ăn ngồi sẵn sàng, tay cầm dĩa nhằm vào các đĩa thức ăn bốc khói thơm phức khắp phòng, nhưng chẳng ai ăn cả.
Phân vân, anh chàng nhìn kĩ hơn và nhận thấy tất cả đều bị bệnh liệt khuỷu tay. Mặc dù rất cố gắng, nhưng họ không thể nào đưa thức ăn vào miệng được.
"À, ra địa ngục là thế này đây" anh chàng của chúng ta tự nhủ. "Sống trong một thế giới có thừa mứa tất cả những gì con người có thể cần dùng hay muốn có, nhưng lại chết đói trong cảnh thừa mứa, trong bất lực không nuôi sống nổi mình."
Quay gót trở ra, anh ta yêu cầu được đưa lên cõi trời. Tại đây cũng một cái phòng rộng mênh mông, những dãy bàn dài bầy la liệt các món ăn ngon lành. Nhìn kĩ hơn chút nữa, anh ta thấy ở đây khách ăn cũng đều bị liệt khuỷu tay. Anh ta hét toáng lên, "Thế này mà là cõi trời sao?" Nhưng quan sát kĩ hơn nữa, anh ta thấy một chi tiết nhỏ làm nên khác biệt giữa cõi trời và địa ngục: ở cõi trời, người này đút cho người kia ăn.
Họ cũng bị liệt khuỷu tay như nhau, nhưng họ đút lẫn cho nhau ăn. Không thể nào đưa thức ăn lên miệng mình được nhưng lại có thể đút cho người khác ăn, và người khác đút cho họ ăn.
Đó là khác biệt duy nhất, nhưng khác biệt này là ở bên trong - từ bi đã nảy sinh. Chừng nào bạn còn chưa là bồ tát, thì dù bạn ở đâu đi chăng nữa bạn cũng sẽ trong địa ngục. Khi đam mê được chuyển thành từ bi... thế thì dù bạn ở bất kì đâu, bạn cũng trong cõi trời. Đó là cõi trời duy nhất có đó.