Read more
Osho – Trực giác
Chương 13. Biến hạnh phúc
thành tiêu chuẩn
Có phải bất cứ ai sống dựa vào trực giác cũng sẽ là những
người thành đạt? Chắc chắn là không, nhưng cũng chắc chắn rằng những con người ấy
lúc nào cũng hạnh phúc, cho dù có thành đạt hay không được vậy. Còn những người
không sống theo trực giác thì lại luôn thấy mình bất hạnh, cho dù có thất bại
hay thành công trên bước đường đời.
Sự thành đạt không phải là tiêu chuẩn, vì sự thành đạt phải
phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, hạnh phúc chính là tiêu chuẩn, vì
hạnh phúc chỉ phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất; đó chính là bản thân mỗi con
người. Con người ta có thể không đạt tới thành công, bởi chúng ta có biết bao đối
thủ là những người chung quanh. Cho dù có hành động theo trực giác đi chăng nữa
thì người khác vẫn có thể hành động khôn ngoan hơn, nhanh nhạy hơn, có tính
toán hơn, thô bạo hơn và thậm chí là vô đạo đức hơn. Do đó mà thành công phụ
thuộc vào nhiều yếu tố, nó là một hiện tượng xã hội. Và nhìn chung thì không có
gì lạ nếu như con người ta không đạt được thành công, hoặc không trở thành người
thành đạt.
Ai dám phát biểu rằng Jesus đã thành công? Bị hành hình trên
cây thập ác không thể được coi là thành công nếu như không muốn nói rằng đó là
một thất bại thảm hại nhất. Một người đàn ông đã bị đóng đinh trên cây thập ác
khi anh ta chỉ có ba mươi ba tuổi thì có thể coi là kiểu thành công gì được
đây? Rõ ràng là không thể cố gọi việc bị hành hình ấy là thành công hay thành đạt.
Nhưng Jesus thấy mình hạnh phúc. Người cảm thấy hạnh phúc đang tràn đầy dù cho
có bị đóng đinh trên thân thể. Còn những người đã đóng đinh lên thân thể Jesus,
mặc dù sau đó vẫn còn tiếp tục tồn tại thêm một thời gian, nhưng cuộc sống của
những con người ấy cứ ngắc ngoải trong khổ sở. Vậy thì thực tế mà nói, ai mới
là kẻ bị hành hình? Đó mới là điểm mấu chốt. Người thật sự bị hành hình là
Jesus hay là những kẻ đã đóng đinh lên Người? Chỉ biết rằng Người đã rất hạnh
phúc với hành động của mình, mà hạnh phúc thì liệu có ai hành hình hay đóng
đinh lên được? Và Người cũng đã cảm nhận thấy niềm vui sướng tột cùng, một lần
nữa tôi lại muốn hỏi rằng niềm vui sướng tột cùng ấy thì có ai đủ khả năng đóng
đinh hay hành hình nó? Chúng ta chỉ có thể giết chết thân xác chứ làm sao giết
chết được tâm hồn. Những kẻ đã hành hình
Jesus, chúng sống, nhưng cuộc đời chúng không có gì ngoài sự kéo dài về mặt thời
gian, diễn đạt theo một cách khác thì cuộc sống như thế cũng chỉ là một quá
trình hành hình chậm rãi, tất cả đều chìm trong khốn khổ, thảm thê và bất hạnh.
Cho nên điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh chính là tôi không
hề nói, nếu chúng ta đi theo lời chỉ dẫn của người dẫn đường bên trong, nhất định
chúng ta sẽ thành công theo cái sắc thái mà thế giới này vẫn hiểu về điều đó.
Nhưng theo ý nghĩa mà những người như Đức Phật hau Chúa
Jesus vẫn định nghĩa về thành công thì câu trả lời sẽ là: chắc chắn. Sự thành
công ấy được đo bằng hạnh phúc, bằng niềm vui sướng, hay bất kì thứ gì, thậm
chí chẳng liên quan. Cho dù cái thế giới này có chế giễu rằng chúng ta đã thất
bại, hay biến ta thành ngôi sao, hoặc là tung hô ta như một điển hình thành đạt
thì điều đó cũng chẳng làm nên chút gì khác biệt. Điều quan trọng là đứng ở bất
cứ góc độ nào, chúng ta cũng cảm nhận được rằng mình đang hạnh phúc, đang hoan
hỉ. Niềm vui sướng chính là thành công đối với tôi. Chỉ cần mọi người cũng hiểu
được điều này thì tôi có thể khẳng định rằng tất cả chúng ta đều luôn luôn
thành công về mọi mặt.
Nhưng có lẽ đối với mọi người, niềm vui sướng không được coi
là thành công; thành công phải là thứ gì khác cơ. Thậm chí nó có thể là một bất
hạnh, và dù biết rõ nó sẽ dẫn ta tới những
đều bất hạnh thì họ vẫn cứ không ngừng tiến tới. Con người ta dường như sẵn
sàng đón lấy những khốn khổ mà thứ vẫn được gọi là thành công kia mang tới. Vậy
thì đâu mới là thành công đối với chúng ta? Thành công là sự thỏa mãn cái tôi
chứ không phải là hạnh phúc. Thành công là khi người khác nói rằng ta là người
thành đạt. Nhưng chúng ta có thể đã mất đi tất cả mà không nhận thấy, mất cả
tâm hồn, mất đi toàn bộ sự trong sáng vô
ngần mang tới niềm vui sướng, mất đi sự yên bình trong mỗi con người, sự lắng đọng,và
mất đi những gì có thể mang ta tiến gần hơn đến những điều tuyệt diệu nhất. Con
người ta có nguy cơ mất đi tất cả đồng thời trở thành một kẻ điên loạn, nhưng
trong con mắt của thế giới chung quanh, chúng ta vẫn cứ được tán dương là những
con người thành đạt.
Đối với thế giới này, sự thỏa mãn của cái tôi là sự thành đạt;
nhưng với tôi thì không phải vậy. Đối với tôi, được sống hạnh phúc mới là sự
thành đạt, bất kể có ai biết tới ta hay không. Chuyện có hay không có người biết
tới mình, chuyện mình hoàn toàn đứng ngoài dòng đời hối hả bon chen kia, không
có gì quan trọng cả. Nếu chúng ta cảm thấy mình vui sướng thì có nghĩa là chúng
ta đã thành công.
Mong mọi người nhớ rằng sự khác biệt này là do có nhiều người
mong muốn được sống theo trực giác, có nhiều người mong muốn tìm ra người chỉ dẫn
bên trong mình, nhưng cũng có nhiều người lại chỉ muốn được đánh giá là thành
công trong thế giới này. Đối với họ, những chỉ dẫn tinh thần từ bên trong sẽ là
một tác nhân dẫn đến thất bại. Đứng ở nấc thang đầu tiên, những con người này
không thể tìm ra người dẫn đường ấy. Đứng ở nấc thứ hai, dù có nhận ra đi chăng
nữa, với họ cũng chỉ là thảm cảnh mà thôi. Bởi lẽ tất cả những gì họ trông chờ
không phải là niềm hân hoan vui sướng, mà là sự đánh giá cao của thế giới này,
cộng với sự thỏa mãn cái bản ngã của chính họ.
Hãy tẩy rửa trí óc của chính mình, đừng biến mình thành người
chỉ chăm chăm hướng tới thành công. Cái vẫn được gọi là thành công lại là thất
bại thảm hại nhất trên thế giới. Cho nên, đừng cố đấm ăn xôi nếu như không muốn
biến chính mình thành kẻ bại. Hãy nghĩ về cuộc sống tươi vui hạnh phúc. Hướng
suy nghĩ của mình về những tầm hạnh phúc cao hơn và xa hơn trong mỗi phút giây.
Có thể lúc ấy, cả thế giới không ai không nói rằng chúng ta là người thất bại,
nhưng hơn ai hết chúng ta biết mình không hề thất bại. Và sự thực là đã đạt tới
thành công thực sự.
Trước đây Đức Phật cũng là người thất bại trong con mắt của
bạn bè, gia đình, trong mắt người vợ của Người, vua cha của Người, trong mắt những
ông thầy và trong con mắt của toàn xã hội. Người chỉ từng là một kẻ ăn xin. Có
kiểu thành công nào như thế? Đáng lẽ ra Người đã có thể trở thành một vị hoàng
đế vĩ đại dựa trên những phẩm chất, cá tính và trí tuệ vốn có, nhưng sao lại chỉ
là một kẻ xin ăn. Hiển nhiên rằng trong mắt của xã hội khi đó, Người là một kẻ
thất bại. Nhưng tôi nói với mọi người rằng Đức Phật hoàn toàn không phải là một
người thất bại. Chỉ nếu như tiến lên ngai vàng giữ vị trí của một ông vua vĩ đại,
thì khi đó Người mới biến mình thành một thất bại mà thôi, bởi vì khi đó, Người
đã bỏ lỡ mất cuộc đời thật sự của mình. Những gì Người lãnh hội được dưới gốc bồ
đề năm xưa là hoàn toàn có thật, cho nên, những gì mà Đức Phật đã quyết định bỏ
qua, hoàn toàn không có chút giá trị nào xác đáng.
Sống với những gì có thật, chúng ta có thể gặt hái được
thành công trong chính cuộc đời mình; còn với những thứ thuộc về hư ảo, tôi
không biết nữa. Những ai muốn được tung hô trong thế giới ảo, hãy cứ đi theo đường
dẫn mà những con người đang mải mê vật lộn với gian trá, lanh ma, cạnh tranh,
ghen tuông và bạo lực. Chỉ dẫn tinh thần ở bên trong không phải là thứ dành cho
họ. Và tốt nhất là đừng có lắng nghe tiếng nói của người chỉ đường ấy nếu như
muốn lượm lặt đầy giỏ những gì có thể lượm lặt được trong thế giới này.
Nhưng rồi cuối cùng, người ta cũng phải nhận ra rằng dù cho
có chiến thắng cả thế giới này, chúng ta cũng không thể giữ được một thứ ở ngay
gần: đó là chính bản thân mình. Jesus đã nói: “Con người ta sẽ được những gì nếu
như thu lượm được cả thế giới, nhưng lại đánh mất chính tâm hồn mình?” Có ai có
thể gọi là thành công trên đời này, là Alexander Đại đế hay là Jesus, người bị
hành hình?
Do đó, nếu như, và rằng từ ‘nếu như’ ở đây phải được hiểu thật
thấu đáo, thì nếu chúng ta còn ham hố thế giới này thì người dẫn đường sẽ không
bao giờ chỉ lối cho chúng ta đâu. Chỉ có khi nào chúng ta thực tâm hướng tới
khía cạnh bên trong của sự tồn tại thì khi đó người dẫn đường bên trong kia, và
cũng chỉ có người dẫn đường ấy, mới có thể cứu giúp con người chúng ta.